Khám phá hành trình ra đời một cuốn sách: EDUSOFT SUMMER CAMP 2024

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là câu thành ngữ rất phù hợp để nói về hoạt động tham quan – học tập trải nghiệm. Thông qua hoạt động này, các bạn học sinh không chỉ được thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí mà còn được phát triển khả năng nhận thức thực tế. Chính vì vậy, ngày 13/6/2024 các thành viên của Edusoft Summer Camp 2024 đến tham quan – trải nghiệm “Một ngày Em làm biên tập viên nhí” tại Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

 Cô Trương Yến Minh giao lưu cùng các bạn nhỏ. Ảnh: Lan Hương.

Các em cùng giáo viên của chương trình Edusoft Summer Camp 2024 (thuộc dự án Giáo viên sáng tạo 2024 kết hợp giữa Viện phát triển và công nghệ giáo dục Edusoft và trường PTLC Phenikaa) đều lần đầu được tận mắt nhìn thấy video trình chiếu “Một cuốn sách được xuất bản như thế nào”, hứng thú trả lời các câu hỏi, được trực tiếp trải nghiệm là một biên tập viên, sửa lỗi chính tả, đoạn văn rất hào hứng. Các em được cô Phó trưởng ban biên tập chia sẻ về công việc của một biên tập viên, những tình tiết thú vị liên quan tới cuốn sách và gợi mở sách giúp gì cho các em, thổi hồn cho các em hiểu về giá trị của sách, của tri thức và hiểu hơn về công việc xuất bản.

Được tham gia trải nghiệm, các em được biết được các bước để xuất bản một cuốn sách, đường đi của bản thảo. Các em chia sẻ rằng mình hiểu hơn về giá trị của sách và công việc của các cô, các chú của Nhà xuất bản, được biết thêm khâu đầu tiên từ biên tập sách đến nhà in ra cuốn sách. Các em không chỉ hiểu về quy trình mà còn mở rộng kiến thức, khơi dậy niềm đam mê đọc sách và sáng tạo. Sau khâu đầu, đến khâu tiếp theo như thiết kế bìa minh họa, dàn trang sách, in ấn giúp các em học hỏi được sự tỉ mỉ, cẩn thận, kỹ lưỡng trên từng cuốn sách. Tham gia trải nghiệm thực tế các em cũng ghi chép cẩn thận những thông tin mới. Những hoạt động thực tế giúp các em tự tin phát biểu, bày tỏ ý kiến, kích thích sự tò mò và sáng tạo, gần gũi và đoàn kết với nhau hơn.

Các em học sinh trải nghiệm làm “biên tập viên”. Ảnh: Hà Phương.

Đồng thời, chuyến trải nghiệm học tập này các em được tiếp cận gần hơn với sách, niềm đam mê đọc sách giúp cho các em phần nào định hướng được điều mình thích. Nâng cao ý thức trân trọng và tri ân người làm sách, góp phần xây dựng thế hệ trẻ ham học hỏi, yêu thích tri thức và giàu sáng tạo.

Vừa học vừa chơi với buổi trải nghiệm thực tế

Các bạn nhỏ hào hứng khi tham gia buổi trải nghiệm. Ảnh: Quốc Trung.

Buổi giao lưu tại Nhà xuất bản các bạn học sinh đều cảm thấy vui vẻ và hiểu được thêm về công việc đòi hỏi sự sáng tạo, tâm huyết của các cô bác làm nghề. 

Hơn thế nữa các em cũng hiểu được tầm quan trọng của sách, hiểu biết thêm về những tri thức quý giá, bồi dưỡng được cả tâm hồn và trí tuệ.

Các biên tập nhí xuất sắc nhất thích thú khi được nhận quà. Ảnh: Hà Phương.

Thông qua việc tham gia vào thử thách “Một ngày em làm biên tập viên nhí“ giúp các em nhận thức về công việc, định hướng hơn về tương lai sau này.

Trải nghiệm học tập thực tế giúp định hướng tương lai cho các em

Các em học sinh tham gia buổi trải nghiệm thực tế. Ảnh: Quốc Trung.

Cô Ngô Thị Mến – giáo viên phụ trách cho biết hằng năm các cô đều sẽ sắp xếp các khóa để tham gia vào chương trình trải nghiệm thực tế để các em có thể hiểu rõ thêm về nghề nghiệp có định hướng rõ ràng hơn.

“Các bạn học sinh vô cùng hào hứng và vui mừng khi nhận được thông báo đi trải nghiệm một ngày làm Biên tập viên tại Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Đây là cơ hội để các em cọ xát, áp dụng kiến thức học ở nhà trường vào thực tế, cùng với đó học hỏi thêm nhiều kiến thức giúp các em tự tin và sáng tạo hơn.”
Cô Mến cũng chia sẻ một chút cảm nhận của bản thân sau khi tham gia chương trình rằng :“ Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Ban giám đốc, Ban truyền thông, Ban biên tập và nhóm sinh viên thực tập khoa xuất bản – Phát hành cùng các cô chú, anh chị của các phòng ban vô cùng chu đáo trong việc xây dựng được một buổi trải nghiệm giao lưu phù hợp với lứa tuổi học sinh và cô cũng rất mong sẽ có nhiều chương trình giống như này mở ra để có thể hướng nghiệp được cho các em”.

Lan Hương, Hà Phương, Quốc Trung.

9 nguyên tắc nghiên cứu phát triển hệ thống AI có trách nhiệm

Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra các nguyên tắc nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn, có trách nhiệm, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và kiểm soát rủi ro.

Lần đầu tiên bộ nguyên tắc chung cho nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm, dành cho các cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp cá nhân có hoạt động thiết kế, phát triển cung cấp các hệ thống AI được nêu tại Quyết định số 1290 của Bộ Khoa học và Công nghệ, ban hành ngày 11/6. Theo đó, 9 nguyên tắc nghiên cứu, phát triển hệ thống AI có trách nhiệm bao gồm:

Tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nhà phát triển cần chú ý đến khả năng kết nối và tương tác của các hệ thống AI nhằm tăng cường lợi ích của hệ thống AI thông qua quá trình kết nối các hệ thống và tăng cường sự phối hợp để kiểm soát rủi ro. Muốn vậy các nhà phát triển cần hợp tác chia sẻ thông tin liên quan nhằm đảm bảo tính liên thông, tương tác của hệ thống. Ưu tiên phát triển các hệ thống AI phù hợp các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế, bên cạnh đó chuẩn hóa của các định dạng dữ liệu và tính mở của các giao diện, giao thức trong đó có các giao diện lập trình ứng dụng (API). Việc chia sẻ và trao đổi các điều kiện về quyền sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế cũng góp phần tăng cường tính liên kết và khả năng tương tác khi liên quan đến các tài sản trí tuệ.

Tính minh bạch: Nhà phát triển cần chú ý đến việc kiểm soát đầu vào/đầu ra của hệ thống AI và khả năng giải thích các phân tích có liên quan dựa trên các đặc điểm của công nghệ được áp dụng và cách sử dụng chúng.

Khả năng kiểm soát hệ thống: Một trong những phương pháp đánh giá rủi ro là tiến hành thử nghiệm trong một không gian riêng như trong phòng thí nghiệm hoặc môi trường thử nghiệm nơi đã có các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước khi đưa vào áp dụng thực tế. Nhà phát triển chú ý đến giám sát hệ thống (có công cụ đánh giá/giám sát hoặc hiệu chỉnh/cập nhật dựa trên các phản hồi của người dùng) và các biện pháp ứng phó (như ngắt hệ thống, ngắt mạng…).

Đánh giá xác định và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến sự an toàn của hệ thống AI.

Các nhà phát triển cần chú ý đến tính bảo mật, trong đó đặc biệt lưu ý đến độ tin cậy và khả năng chống chịu các dạng tấn công hoặc tai nạn vật lý của hệ thống trí tuệ nhân tạo. Đồng thời cần đảm bảo tính bảo mật; sự toàn vẹn và tính khả dụng của các thông tin cần thiết liên quan đến sự an toàn thông tin của hệ thống.

Đảm bảo hệ thống trí tuệ nhân tạo không vi phạm quyền riêng tư của người dùng hoặc bên thứ ba. Quyền riêng tư được đề cập trong nguyên tắc này bao gồm không gian (sự yên bình trong cuộc sống cá nhân), thông tin (dữ liệu cá nhân) và sự bí mật của việc thông tin liên lạc. Nhà phát triển có thể thực hiện các biện pháp phù hợp với đặc điểm của công nghệ được áp dụng trong suốt quá trình phát triển hệ thống (từ khi thiết kế) để tránh xâm phạm quyền riêng tư khi đưa vào sử dụng.

Khi phát triển các hệ thống AI có liên quan tới con người, các nhà phát triển phải đặc biệt quan tâm đến việc tôn trọng quyền và phẩm giá con người, thực hiện biện pháp phòng ngừa để đảm bảo không vi phạm giá trị con người, đạo đức xã hội.

Hỗ trợ người dùng và tạo điều kiện cho người dùng có cơ hội lựa chọn như tạo ra các giao diện sẵn sàng cung cấp thông tin kịp thời, biện pháp giúp người già, người khuyết tật dễ sử dụng.

Cuối cùng, nhà phát triển cần thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các hệ thống AI đã phát triển để đảm bảo niềm tin của người dùng.

Robot biểu diễn đánh đàn tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023). Ảnh:Thanh Tùng

Robot biểu diễn đánh đàn tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023). Ảnh:Thanh Tùng

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết việc xây dựng các tiêu chuẩn nhằm hướng dẫn, định hướng qua đó gia tăng lợi ích từ các hệ thống AI, kiểm soát giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo, cân đối các yếu tố kinh tế, đạo đức và pháp lý.

Trước đó, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, cho biết đạo đức AI là vấn đề phức tạp, quy mô toàn cầu, đang thu hút nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới tham gia tìm phương án giải quyết, gồm cả UNESCO. Đạo đức AI ảnh hưởng tới đa dạng khía cạnh cuộc sống như xã hội, pháp lý, cạnh tranh chính trị và cạnh tranh thương mại.

Do đó bộ nguyên tắc nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI tại Việt Nam bám sát các mục tiêu như phải hướng tới xã hội lấy con người làm trung tâm, đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro của các hệ thống AI, phát huy lợi ích của trí tuệ nhân tạo thông qua các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, giảm thiểu nguy cơ xâm phạm quyền. Ngoài ra việc nghiên cứu cần đảm bảo tính trung lập về công nghệ, các nhà phát triển cũng không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển quá nhanh của các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong tương lai.

Như Quỳnh

Cách thành phố Berlin ứng phó hạn hán và ngập lụt

Chính quyền Berlin đang áp dụng nhiều biện pháp xây dựng để biến thủ đô nước Đức thành một thành phố xốp quản lý nước mưa hiệu quả.

Hồ chứa nước đang xây ở trung tâm thành phố Berlin. Ảnh: AFP

Trong vòng hai năm, một hố khổng lồ ở trung tâm Berlin sẽ trở thành hồ chứa nước lớn nhất tại thủ đô nước Đức, thu giữ nguồn tài nguyên ngày càng quý giá là nước, theo AFP.

Từng là đầm lầy cách đây nhiều thế kỷ, Berlin chuyển biến từ một thành phố tìm cách ngăn nước ngầm dồi dào khỏi chảy tràn tới nỗ lực duy trì những cánh rừng xanh tươi. “Trước đây, mục tiêu là thoát nước mưa để có thể đi qua thành phố mà không phải dùng ủng cao su”, Stephan Natz, phát ngôn viên của cơ quan quản lý nước Berlin, cho biết. Nhưng năm 2018, thành phố áp dụng một thay đổi mô hình và hiện nay tìm cách lưu trữ nước mưa để vừa đối phó hạn hán vừa ngăn chặn lũ quét.

Về cơ bản, chính quyền thành phố ứng dụng ý tưởng thành phố xốp, nổi lên vào thập niên 1970 và phổ biến ở các trung tâm đô thị phát triển tại Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, trong tình hình biến đổi khí hậu khiến hệ thống thời tiết ngày càng thất thường và gay gắt. “Phân phối nước mưa ngày nay trở nên hỗn loạn hơn. Hạn hán xuất hiện sau những trận mưa lớn và hiện tượng ấm lên làm tăng lượng nước bốc hơi”, Natz cho biết. “Hệ thống cống rãnh 150 năm tuổi của Berlin không được thiết kế để xử lý các trận lụt lớn hiện nay. Trong trường hợp mưa nặng hạt, nước mưa hòa lẫn với nước cống và làm ngập sông Spree, khiến cá chết và gây ô nhiễm thấy rõ”.

Cùng lúc, Berlin phải đối mặt với thiếu nước nghiêm trọng trong vài năm gần đây do tình trạng hạn hán trong thành phố khiến mặt đất quá khô để hấp thụ mưa lớn bất ngờ. Kết quả là lượng nước ngầm của thành phố vẫn không thể quay trở lại mức bình thường sau 5 năm hạn hán, theo Viện Sinh thái học nước ngọt và Ngư nghiệp nội địa Leibniz. “Giờ đây, mọi người nhận thức rõ giá trị của nước ở Berlin. Đây là một trong những nơi khô nhất tại Đức”, Darla Nickel, giám đốc cơ quan quản lý nước mưa trong thành phố, nói.

Là biểu tượng cho quá trình biến đổi đang diễn ra, hồ chứa nước khổng lồ đang xây dựng nằm ngay giữa thủ đô, cách cổng Brandenburg chưa đến 2 km. Hồ có đường kính 40 m, sâu 20 m, sẽ thu thập gần 17.000 m2 nước, gấp 5 lần sức chứa của một bể bơi Olympic. Hồ sẽ lưu trữ nước mưa trước khi đưa tới nhà máy xử lý.

Ngoài hồ chứa nước rộng lớn, Berlin đang yêu cầu các dự án nhà ở mới có phương án thu thập nước mưa. Khu nhà Quartier 52 xây cách đây 5 năm ở tây nam thành phố cung cấp một mô hình. Ba ao lớn đào quanh khu nhà cung cấp cho cư dân lối đi bộ vào ngày nắng ráo, đồng thời trữ nước khi trời mưa. Nước mưa được thu thập trên mái nhà, sau đó đổ vào các ao. Nước bay hơi và tạo ra không khí dễ chịu hơn, theo Nickel. Vỉa hè cũng được xây dốc nhẹ, cho phép nước chảy xuống lòng đất. Thách thức nằm ở việc nhân rộng những biện pháp như vậy trên khắp thành phố.

Tổng cộng, khoảng 30 dự án tương tự đang được tiến hành theo kế hoạch thành phố xốp, bao gồm khu vực Gendarmenmarkt ở trung tâm Berlin. Thành phố cũng yêu cầu người dân lắp đặt thiết bị thu thập nước hay trồng xây xanh trên mái nhà, xem xét miễn phí quản lý hoặc lọc nước mưa. Các nhà chức trách hy vọng Berlin sẽ trở thành thành phố xốp thực sự trong vòng vài thế hệ.

An Khang (Theo AFP)

Ứng dụng công nghệ thực chiến để tăng cường nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt.

Sáng 12/6/2024, Diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo – International Innovative Business Forum (IIBF) năm 2024 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thực chiến để tăng cường nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam” đã khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện ý nghĩa, mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam một bức tranh toàn cảnh về những tác động của các xu hướng công nghệ lớn đang diễn ra trên thế giới.
Diễn đàn bàn về vấn đề kinh doanh thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới. Tại IIBF 2024, các chuyên gia đã phân tích, đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tăng nội lực để đạt được những đột phá trong kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh vai trò quan trọng của ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã được ký kết và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động ngày càng sâu rộng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Diễn đàn.
Trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh hay vượt trội, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Mặt khác, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây dẫn tới sự gia tăng của những biện pháp tăng cường bảo hộ, sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững là các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp căn cơ, quyết liệt để vượt qua những thách thức cốt yếu về việc hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh và bền vững.
“Trong bối cảnh đó, Bộ KH&CN đánh giá cao việc tăng cường đầu tư và triển khai ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, yếu tố tiên quyết quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các nền kinh tế”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo do Chính phủ giao từ năm 2023, Bộ KH&CN mong tiếp tục phối hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá; tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cá nhân đẩy mạnh việc đổi mới trong kinh doanh thông qua việc chia sẻ các trường hợp thành công và giải pháp sáng tạo, hiệu quả. Từ đó, tìm kiếm cách tiếp cận mới, phát triển sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, phát triển mạng lưới kết nối, giúp doanh nghiệp và cá nhân tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác quốc tế; mở rộng mạng lưới kinh doanh và tạo cơ hội phát triển mới; tiếp cận các thành tựu, xu hướng công nghệ mới, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tích cực ứng dụng công nghệ, cải tiến công nghệ, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu phát thải nhà kính.
Đồng thời, Bộ KH&CN mong nhận được các ý kiến góp ý tích cực từ Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là lĩnh vực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp. Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, mạng lưới liên kết rộng khắp, Bộ KH&CN tin rằng, những góp ý của quý Hội sẽ cung cấp nhiều nội dung và luận cứ quan trọng cho quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Toàn cảnh Diễn đàn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra các phiên thảo luận chuyên sâu, workshop như: Tương lai của doanh nghiệp Việt Nam dưới tác động của các xu hướng công nghệ lớn; Những thách thức và giải pháp của doanh nghiệp trong việc lựa chọn công nghệ bền vững cho tiến trình chuyển đổi kép; Các lĩnh vực kinh doanh sáng tạo từ thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay; Ứng dụng công nghệ để thúc đẩy thương mại tiêu dùng…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục

Tại tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục” diễn ra mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phát triển công nghệ AI cần hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của con người nói chung cũng như từng cá nhân riêng lẻ nói riêng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, AI đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa ý tưởng học tập cá nhân hóa – điều chỉnh việc học, nội dung và tốc độ phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng học sinh. AI cung cấp khả năng lấy dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, xác thực và phân tích dữ liệu bằng các công cụ như phân tích dự báo và học máy. Qua đó, tiềm năng của AI trong giáo dục là rất lớn, đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi giáo dục cho tất cả các bên liên quan (từ cá nhân học sinh đến các cấp quản lý cao hơn như Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị cốt lõi về công nghệ, việc triển khai ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục cũng sẽ có thể đi kèm với rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm tới các khía cạnh đạo đức và xã hội của AI như: quyền riêng tư, bảo vệ và sử dụng dữ liệu người học; ngăn chặn phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, đặc điểm kinh tế – xã hội và sự khác biệt về trình độ năng lực; ngăn chặn sự lan tỏa các định kiến xã hội và văn hóa…

Về thực trạng phát triển và ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, TS Tôn Quang Cường – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, việc ứng dụng các công nghệ như thị giác máy tính, học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, robot thông minh, tự động và cảm biến, AI tạo sinh, công nghệ ảo… đã, đang và sẽ nhanh chóng mở rộng tới toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học hay dạy nghề, đào tạo doanh nghiệp, giáo dục phi chính quy – giáo dục suốt đời… Sự phổ biến của ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục và tầm quan trọng của lĩnh vực này đang đặt ra nhu cầu lớn về xác định, đánh giá những chuẩn mực đạo đức để tối đa hoá lợi ích và kiềm chế rủi ro mà AI có thể gây ra.

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Bích Thảo – Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phân tích kinh nghiệm quốc tế về phát triển AI có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục. Thông qua phân tích các báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và hướng dẫn của các quốc gia về AI đối với giáo dục, TS Thảo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc đạo đức cốt lõi khi phát triển AI có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền con người, trang bị cho con người các giá trị, kỹ năng cần thiết cho phát triển bền vững và cộng tác hiệu quả giữa người và máy, thúc đẩy các giá trị nhân văn trong phát triển và ứng dụng AI trong giáo dục.

VH

Hải Phòng kết nối viện nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới

Hải Phòng cùng với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) triển khai các chương trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới ứng dụng trong doanh nghiệp phát triển kinh tế địa phương.

Thông tin được chia sẻ tại lễ ký hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) và Sở Khoa học và công nghệ Hải Phòng chiều 11/6 tại Hà Nội.

Theo thỏa thuận, VKIST hợp tác triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, dự án đổi mới sáng tạo thuộc lĩnh vực thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của Hải Phòng. Hướng mục tiêu triển khai hoạt động chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến do VKIST phát triển, nhất là công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao, công nghệ mới, chia sẻ các định hướng, nhu cầu về khoa học và công nghệ cho Hải Phòng.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá Hải Phòng đã kết nối tốt công nghệ, có nhiều hoạt động hợp tác với nước ngoài. Ông kỳ vọng VKIST trở thành đầu mối tiếp nhận công nghệ để chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với các doanh nghiệp tại Hải Phòng.

Thứ trưởng Duy cũng đề nghị Hải Phòng tiếp tục kết nối với VKIST trong tìm kiếm công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, hợp tác chuyển giao. Phía Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết duy trì lấy Hải Phòng làm mô hình điểm cho mọi hoạt động thúc đẩy công nghệ trong doanh nghiệp.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại lễ ký kết hợp tác giữa giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) và Sở Khoa học và công nghệ TP Hải Phòng. Ảnh: Kim Bách

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại lễ ký kết hợp tác chiều 11/6. Ảnh: Kim Bách

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST cho biết việc hợp tác hướng tới triển khai nguồn nghiên cứu chung, đào tạo nhân lực, thúc đẩy công nghệ tiên tiến vào thực tiễn góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương.

VKIST sẽ cung cấp công nghệ mới, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng hỗ trợ nguồn lực, chuyển giao hợp tác phù hợp với lĩnh vực của VKIST tại địa phương. Hai bên kết nối chuyên gia, tham gia thẩm định các dự án lớn, hỗ trợ chuyển giao cho doanh nghiệp của thành phố, cung cấp kết nối cung cầu, ươm tạo khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST. Ảnh: Kim Bách

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST. Ảnh: Kim Bách

Trước mắt, VKIST sẽ chuyển giao công nghệ plasma lạnh trong thu hoạch và bảo quản sản phẩm trồng trọt, kit test nanoPCR phát hiện virus gây hại cây trồng, kit test nhanh ứng dụng trong phát hiện virus gây bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn gây nhiễm trùng bệnh viện và theo dõi khả năng tái phát ung thư, hệ thống đo real-time sử dụng cảm biến quang theo dõi sức khỏe cấu trúc dân dụng…).

Các công nghệ nhận diện khuôn mặt, dựng mô hình/vật thể/không gian ba chiều, quản trị máy tính hiệu năng cao, lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường như hệ thống xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt để phục vụ cho các đảo và khu vực ven biển của Hải Phòng, cùng công nghệ dược phẩm… cũng đủ điều kiện chuyển giao.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết địa phương rất quan tâm nhu cầu công nghệ, tìm kiếm công nghệ và cơ hội mới. Ông đánh giá việc hợp tác sẽ tạo cơ hội kết nối tốt cho thành phố, đặc biệt doanh nghiệp địa phương. Lãnh đạo TP Hải Phòng mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ, lựa chọn Hải Phòng làm nơi phối hợp thúc đẩy thử nghiệm công nghệ, sáng kiến.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Kim Bách

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Kim Bách

Năm 2023 Hải Phòng xếp hạng 3 trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Hiện địa phương này có khoảng 57.000 doanh nghiệp, trong đó có 53 doanh nghiệp khoa học công nghệ (đứng thứ 3 toàn quốc, sau TP HCM và Hà Nội). Hải Phòng đặt mục tiêu thành lập 72 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong thời gian tới.

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) hình thành và phát triển dựa trên mô hình thành công của KIST (viện khoa học ứng dụng hàng đầu của Hàn Quốc) với sứ mệnh trở thành viện đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại. VKIST có trụ sở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, tổng kinh phí đầu tư 5 triệu USD.

Như Quỳnh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt hàng các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ

Trường đại học Cần Thơ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem trường như là đơn vị thuộc bộ; còn Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đặt hàng nhiều vấn đề với các nhà khoa học của trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc chiều 11-6 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc chiều 11-6 – Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 11-6, tại Trường đại học Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có buổi làm việc với ban giám hiệu và cán bộ chủ chốt của Trường đại học Cần Thơ.

Xem Trường đại học Cần Thơ là đơn vị của bộ mình

Tại buổi làm việc, đại diện Trường đại học Cần Thơ cho biết trường đang có 1.800 viên chức, người lao động, trong đó có 1.000 cán bộ giảng dạy. Đây là trường đào tạo đa ngành với 106 ngành bậc đại học, tổng số 45.000 sinh viên. Riêng ngành nông nghiệp, thủy sản hằng năm trường tuyển sinh khoảng 1.500 – 2.000 sinh viên.

Đến nay trường đã đào tạo 17.500 kỹ sư, cử nhân, 3.891 thạc sĩ và 131 tiến sĩ liên quan ngành nông nghiệp, thủy sản, chiếm 60% tổng số người học trong lĩnh vực này tại các trường đại học trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trường kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, giới thiệu, tạo điều kiện và giao nhiệm vụ cho trường tham gia các chương trình, dự án trọng điểm quốc tế và quốc gia, đặc biệt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ cũng tạo điều kiện cho trường là vệ tinh, kết nối thông tin trong hệ thống cơ sở nông nghiệp của quốc gia và của vùng.

Đặc biệt hỗ trợ, tạo điều kiện cho trường hình thành Trung tâm đào tạo, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nông nghiệp – thủy sản công nghệ cao và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm đào tạo và tri thức hóa người làm nông chuyên nghiệp…

GS Nguyễn Thanh Phương – chủ tịch hội đồng Trường đại học Cần Thơ – đề xuất thêm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem trường như đơn vị của bộ mình để từ đó giao nhiệm vụ, đặt hàng các vấn đề nghiên cứu, vấn đề mới nổi trong ngành nông nghiệp như đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; công nghệ hóa trong lĩnh vực nông nghiệp hay giải quyết bài toán môi trường trong sản xuất.

“Nếu làm được cái này thì rất tốt cho Đồng bằng sông Cửu Long”, ông nói.

Biến đề tài tốt nghiệp của sinh viên thành “cái gì đó ở địa phương”

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý giải pháp biến đề tài tốt nghiệp của các sinh viên thành "cái gì đó ở các địa phương" tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý giải pháp biến đề tài tốt nghiệp của các sinh viên thành “cái gì đó ở các địa phương” tại Đồng bằng sông Cửu Long – Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng có những đặt hàng ngược lại với các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ.

“Tôi có suy nghĩ và trao đổi với đồng chí Bí thư Đồng Tháp Lê Quốc Phong là Trường đại học Cần Thơ hay các trường khác ở Đồng bằng sông Cửu Long khi các em sinh viên chọn đề tài tốt nghiệp ra trường thì khuyến khích, định hướng chọn đề tài gắn với địa phương.

Quê sinh viên ở đâu thì hướng cho các em ở đó để sau này từ luận văn tốt nghiệp trở thành đề tài nghiên cứu, về địa phương biến ý tưởng luận văn tốt nghiệp thành cái gì đó ở địa phương.

Đồng chí Lê Quốc Phong nói nếu làm được cái này thì quá hay, tỉnh sẵn sàng lấy kinh phí khoa học 2% ra để tài trợ. Có cái này khoa, trường sẽ nâng tầm, đề tài nghiên cứu cũng sẽ chỉn chu hơn.

Nó sẽ giải phóng được câu chuyện đưa ý tưởng từ sản phẩm nghiên cứu khoa học của các trường, vừa tạo nguồn thu cho các trường, cho thầy cô và quan trọng là phát huy liền cho địa phương ở các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí nông nghiệp…”, ông Hoan gợi ý.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kể lại câu chuyện ông đi công tác ở Úc thấy thực tế nông trại bên đó thực hiện giảm phát thải từ nuôi bò chỉ với 10% vốn từ chính phủ, còn lại huy động từ những người cùng làm nông trại rồi lấy kết quả chia ngược lại những người đã góp vốn này.

“Nghiên cứu tôm thẻ cân trắng cũng nên như vậy. Trường đại học Cần Thơ cần kết nối làm, gom các doanh nghiệp lại. Tất nhiên là khó, thuyết phục được họ không phải dễ”, ông Hoan nói thêm.

Ngoài ra, ông Hoan còn cho rằng “người ta bỏ đi Bình Dương, Đồng Nai hết mà mình ít khi nào nghiên cứu, trong khi việc làm ở nông thôn rất quan trọng”. Do đó ông Hoan đề nghị Trường đại học Cần Thơ nên làm đề tài nghiên cứu đâu là lực đẩy, đâu là lực kéo của nông dân trong tiến trình thay đổi nông nghiệp.

CHÍ QUỐC

Giáo sư Việt săn tìm ‘hạt ma quái’

GS.TS Phùng Văn Đồng cùng cộng sự phát hiện ra mô hình có thể dự đoán khối lượng neutrino và sự tồn tại phổ biến của vật chất tối nhằm khai phá những bí ẩn vũ trụ.

GS.TS Phùng Văn Đồng (43 tuổi) hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tiên tiến Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa. Anh là Giáo sư trẻ nhất Việt Nam (năm 2021, ngành Vật lý) và nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 nhờ công trình nghiên cứu xuất sắc. Nhìn lại gần 20 năm nghiên cứu, sở hữu 70 công trình công bố trên tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, GS Đồng chưa quên cơ duyên đến với Vật lý lý thuyết rồi trở thành nhà khoa học.

Kể với VnExpress, GS Đồng cho hay ban đầu thời phổ thông vốn rất mê Toán. Song năm 1999 khi đăng ký hồ sơ vào trường thích nhất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, cậu buộc phải chuyển sang Vật lý “vì chỉ tiêu vào Toán ít hơn nên sợ trượt”. Tốt nghiệp năm 2003, anh Đồng muốn trở thành giáo viên vật lý nhưng xin việc khó khăn do cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. “Thế là tôi quyết định quay trở lại làm nghiên cứu, một chuỗi sự ngẫu nhiên dẫn đến cơ duyên trở thành nhà khoa học như hiện tại”, anh nhớ lại.

GS.TS Phùng Văn Đồng. Ảnh: NVCC

Hướng nghiên cứu của GS Đồng tập trung giải quyết bài toán cốt lõi về cấu trúc và sự vận động vũ trụ, trong đó vấn đề khối lượng neutrino và sự tồn tại phổ biến của vật chất tối là bài toán hóc búa có liên quan với nhau, ảnh hưởng ý nghĩa đến sự hình thành và diễn tiến của vũ trụ.

Công trình mô hình 3-3-1-1 dựa trên nguyên lý đối xứng chuẩn nhằm dự đoán sự tồn tại của vật chất tối. GS Đồng giải thích, ước lượng trong thiên hà có tới 85% thành phần là vật chất tối, có đặc điểm không hấp thụ hay bức xạ ánh sáng và tương tác rất yếu với vật chất thông thường. Chúng ta hoàn toàn chưa hiểu về cấu trúc và thành phần của vật chất tối, đây là lý do GS Đồng nghiên cứu đề xuất các mô hình nhằm vén mở những bí ẩn đó.

Để nghiên cứu về loại vật chất tối bí ẩn này, các nhà nghiên cứu cần song hành lý thuyết định hướng và thực nghiệm tìm kiếm. Ban đầu nhóm nghiên cứu “mô hình 3-3-1” mở rộng từ mô hình chuẩn, song sớm nhận ra mô hình không giải thích cho vật chất tối. Nhóm tiếp tục mở rộng thành mô hình 3-3-1-1. “Nguyên lý 3-3-1-1 phân loại vật chất tối, làm vật chất tối bền, xác định mật độ tàn dư vật chất tối ngày nay, dự đoán tín hiệu của vật chất tối trong thực nghiệm tìm kiếm trực tiếp, gián tiếp, và máy gia tốc”. Đây là lý thuyết nhất quán đầu tiên chỉ ra rằng vật chất tối do tương tác chuẩn chi phối, tương tự các tương tác điện từ, yếu, mạnh, hấp dẫn. GS Đồng cho biết thêm, lý thuyết này còn cho dự đoán khối lượng neutrino liên quan đến vật chất tối, bên cạnh giải quyết các giả thuyết khác như lạm phát vũ trụ sớm và bất đối xứng vật chất – phản vật chất.

Mô hình 3-3-1-1 cho vật chất tối được đăng tải trên Tạp chí Physical Review D, một trong những tạp chí ảnh hưởng nhất chuyên ngành vật lý năng lượng cao và vũ trụ học. Công trình nhận được sự quan tâm từ cộng đồng nghiên cứu quốc tế, với hơn 100 lượt trích dẫn, mở ra hướng nghiên cứu mới về vật chất tối dựa trên nguyên lý thống nhất đối xứng chuẩn và đang tiếp tục phát triển.

Trong cuộc trò chuyện, GS Đồng say sưa nói về công trình nghiên cứu nhưng hiếm nhắc đến bản thân. Chỉ khi được hỏi về việc lựa chọn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ trong nước, anh giải thích đơn giản vì mong muốn tìm kiếm cái mới dẫn tới “thực tế đi trước sự học”. Dù làm nghiên cứu sinh hoàn toàn trong nước, anh Đồng hoàn thành luận án tiến sĩ với hàng chục công bố, được đặc cách bảo vệ luận án cấp cơ sở. Năm 2007, anh làm postdoc (nghiên cứu sau tiến sĩ) tại Trung tâm Nghiên cứu Gia tốc Năng lượng cao Nhật Bản (KEK, Japan), sau đó là Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN) và Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan (AS, Taiwan), nhằm mở rộng các hướng nghiên cứu.

GS Đồng chụp tại tòa nhà 1-0-1 Taiwan. Ảnh: NVCC

Chia sẻ kinh nghiệm tới người trẻ, GS Đồng nói việc đẩy mạnh phát triển nghiên cứu và duy trì nghiên cứu chuyên nghiệp phụ thuộc rất lớn bản thân nhà khoa học, phải luôn cập nhật kiến thức, kiên trì đủ dù khi nghèo cũng như khi sung túc, phản biện đủ đến nhận ra hay dở, đúng sai. Anh cho rằng nếu tiếp cận đúng và lao động đủ người làm nghiên cứu sẽ đi rất nhanh trên con đường khoa học. Ngược lại nếu tiếp cận sai hoặc không có môi trường, định hướng từ người thầy, đồng nghiệp sẽ rất khó thành công. “Learning by working” (vừa học vừa làm) song hành trên con đường khoa học giúp nhà nghiên cứu phát triển nhanh, đồng thời tìm môi trường khoa học tốt để phát triển tích cực, tránh bị sai lệch, anh cho hay.

Với GS Đồng, được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 với công trình mô hình 3-3-1-1 cho vật chất tối là “bước đệm vàng son để phát triển nghiên cứu vượt bậc”. Anh cho hay, nghiên cứu cũng trở thành nền tảng cơ sở giúp anh định hướng xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh về vật lý năng lượng cao và vũ trụ học khi anh về công tác tại trường Đại học Phenikaa năm 2019.

Nói về giải thưởng Tạ Quang Bửu, GS Đồng cho biết giải thưởng có quá trình xét duyệt rất khắt khe, được bình chọn bởi các chuyên gia nghiên cứu tích cực và vận hành bởi Quỹ Nafosted uy tín. Việc giải thưởng đề cao chất lượng nghiên cứu và đóng góp ý nghĩa của nhà khoa học sẽ tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Là thành viên Hội đồng Nafosted ngành Vật lý, anh nhận thấy để đạt được giải thưởng ngoài chất lượng của công trình, nhà khoa học cần đạt mức uy tín và liêm chính nhất định trong ngành. Anh nhìn nhận “giải rất cao quý và mô hình này nên nhân rộng lĩnh vực khác, duy trì trao hàng năm”.

Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 sẽ được tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội, trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ. Chương trình được phát trực tiếp trên VnExpress.

Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển

Để hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2024, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Biển và Hải đảo Việt Nam. Đặc biệt, Bộ đã ban hành, triển khai nhiều chương trình KH&CN nhằm nghiên cứu, đẩy mạnh, phát triển bền vững kinh tế biển.

Ngày Đại dương thế giới 8/6 hằng năm do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự nỗ lực, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới cùng bảo tồn, phát triển bền vững biển và đại dương; cùng tôn vinh những giá trị của đại dương cho sự sống, sự phát triển bền vững và thịnh vượng của nhân loại. Đại dương nuôi sống nhân loại và mọi sự sống trên trái đất, nhưng những hiểu biết của chúng ta về đại dương còn rất hạn chế. Các tác động và hậu quả thảm khốc gây ra cho đại dương đang được báo động ở nhiều nơi trên thế giới.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 8/6 hằng năm. Đây là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển, thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên môi trường vùng biển, đảo bền vững. Đồng thời, với việc đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể sẽ thực hiện các mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển để đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
Ảnh minh họa.
Với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024 là “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, và chủ đề trọng tâm của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2024 là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”, thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung vào những hoạt động: Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2024 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, sáng tạo; đổi mới phương thức, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ, kết hợp các kênh thông tin, mạng xã hội, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.
Đặc biệt, Bộ KH&CN đã phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển”, mã số KC.09/21-30 được triển khai từ năm 2021 với mục tiêu: Xác lập cơ sở và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển và quản trị bền vững kinh tế biển, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; Cung cấp luận cứ khoa học nhằm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học biển, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì nguồn vốn tự nhiên biển; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, điều tra, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển tại các vùng biển và ven biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị kinh tế biển; Ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong cảnh báo và dự báo tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KC.09/21-30 phát biểu tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 (Chương trình 562), năm 2024, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai 08 nhiệm vụ về Khoa học biển.
Thông qua những chương trình, nhiệm vụ đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; có cơ chế thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế làm việc và cống hiến cho sự nghiệp biển, đảo của Việt Nam… Đồng thời, tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục bám sát vào nội dung của các Nghị quyết, khung Chương trình do Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN phê duyệt như: tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề lớn như bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phòng và chống sạt lở, xâm nhập mặn, giống thủy sản, mô hình hiệu quả và bền vững…; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế biển của các địa phương có biển, đảo và gắn với doanh nghiệp; nâng cao vị thế ngành khoa học biển, gắn với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam thông qua các công bố quốc tế về khoa học biển; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ, ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước có thế mạnh về KH&CN biển trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Tòa nhà chỉ sử dụng năng lượng bền vững

THỤY SĨ Một tổ hợp chung cư mới tên Papieri Cham nằm ở bờ hồ Zug ở Cham không thải carbon nhờ kết hợp các hệ thống năng lượng địa nhiệt, thủy điện và quang điện.

Tòa nhà không thải carbon nhìn từ mặt ngoài. Ảnh: Cham Group

Tòa nhà không thải carbon nhìn từ mặt ngoài. Ảnh: Cham Group

Thay vì tính toán tổ hợp sẽ cần bao nhiêu năng lượng, đơn vị xây dựng là Cham Group áp dụng cách tiếp cận trái ngược và tìm cách không thải carbon thông qua hạn chế năng lượng mà tổ hợp chung cư sử dụng, Interesting Engineering hôm 10/6 đưa tin.

Để đối phó hiện tượng Trái Đất ấm lên, các nước đặt mục tiêu tham vọng là không thải carbon trong những thập kỷ tới. Việc đạt mục tiêu như vậy đòi hỏi lên kế hoạch cấp quốc gia nhằm xử lý khí thải, nhưng khi mỗi đơn vị thành phần đều hướng tới không thải carbon, mục tiêu sẽ dễ trở thành hiện thực hơn. Đây dường như là ý tưởng phía sau dự án xây tổ hợp chung cư không thải carbon.

Tòa nhà được xây bằng vật liệu tổng hợp gỗ – bê tông hoặc thậm chí bê tông tái chế ở bất cứ chỗ nào có thể. Nhà thầu cũng đảm bảo họ sử dụng lộ trình vận chuyển ngắn để hoàn thành thi công, đồng thời dựa vào các vật liệu xây dựng của Thụy Sĩ để giữ lượng khí thải carbon từ quá trình xây dựng ở mức tối thiểu.

Georg Dubacher, cố vấn năng lượng, giải thích dự án xoay quanh ý tưởng hạ thấp mức tiêu thụ năng lượng hàng năm bình quân đầu người của Thụy Sĩ từ 8.000 watt xuống mức trung bình thế giới hiện nay là 2.000 watt. Papieri lắp pin quang điện giúp cung cấp 50% nhu cầu năng lượng. Khoảng 40% nhu cầu năng lượng được đáp ứng bởi nhà máy thủy điện hoạt động trên sông Lorze gần đó.

Cham Group đang nâng cấp nhà máy thủy điện để ngừng sử dụng cánh quạt turbine gỗ cũ kỹ và thay bằng loại mới hiệu quả hơn. Thang dành cho cá và hải ly cũng được tích hợp vào dự án để động vật có thể di chuyển tự do ở thượng nguồn và hạ nguồn sông. Nhu cầu năng lượng còn lại đến từ lưới điện với các biện pháp cắt giảm carbon riêng.

Tuy hướng tới giảm mức tiêu thụ năng lượng của cư dân, dự án không bỏ qua nhu cầu của người dân. Nhu cầu sưởi và làm mát vốn tiêu hao nhiều năng lượng và khó duy trì trong cấu hình không thải carbon. Tuy nhiên, nhà thầu đạt được điều này thông qua hệ thống tự nhiên có thể sạc nhiều lần. Sử dụng hệ thống năng lượng địa nhiệt với thiết bị thăm dò chôn sâu hơn 320 m dưới lòng đất, đội ngũ xây dựng có thể khai thác hơi ấm từ đất để sưởi cho tòa nhà trong các tháng mùa đông, qua đó làm mát lớp đất bên dưới. Vào mùa hè, hệ thống đảo ngược hoạt động và tận dụng hơi lạnh từ đất để làm mát. Papieri Cham là minh chứng cho thấy mỗi công trình xây dựng có thể trung hòa carbon trong tương lai.

An Khang (Theo Interesting Engineering)