Giống cá chép Hungary ‘vượt khó’ vào Việt Nam 50 năm trước

Cách đây 50 năm, hơn một vạn con cá chép giống từ Hungary trên đường về Việt Nam những tưởng “đứt gánh” ở Đức, nhưng nhờ thuyết phục của TS Vũ Kim Cầu đã vận chuyển thành công.

Đầu thập niên 70, nghề nuôi cá chép ở Việt Nam suy thoái nghiêm trọng do giống dần bị thoái hóa. Cá giống không bán được, người dân không còn mặn mà với việc nuôi cá khiến ngành thủy sản phải tìm giải pháp cải thiện giống và phát triển các chương trình lai tạo cá chép.

Lúc bấy giờ, Việt Nam có 8 loài cá chép, trong đó cá chép trắng được nuôi phổ biến nhất. Cá chép bản địa có sức chống chịu tốt nhưng tốc độ sinh trưởng chậm, thành thục sớm. Để cải tạo giống, cần lai tạo cá bản địa với các dòng có ưu điểm sinh trưởng nhanh như của Hungary. TS Vũ Kim Cầu, khi đó là nghiên cứu sinh về cá chép duy nhất của Việt Nam tại Hungary, đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Budapest giao nhiệm vụ đưa cá chép Hungary về nước.Cá chép Hungary. Ảnh: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I

Cá chép Hungary. Ảnh: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản

Đầu tháng 2/1974, ông đến Viện Nghiên cứu Cá Szarvas để khảo sát quy trình sinh sản, nuôi dưỡng cá và nghiên cứu kỹ thuật vận chuyển cá sống. Việc đưa vật nuôi ra nước ngoài thời đó cần có sự phê duyệt của Bộ Nông nghiệp Hungary và giấy kiểm dịch. Nhờ khả năng ngoại giao, ông đã thuyết phục được Viện Szarvas tặng Việt Nam hơn một vạn cá chép giống, cùng các thủ tục xuất khẩu và giấy kiểm dịch bằng bốn ngôn ngữ: Hungary, Nga, Anh và Đức. Các chuyên gia từ Hungary, Ba Lan, và Tiệp Khắc cũng hỗ trợ ông trong việc ươm nuôi cá bột thành cá giống kích thước 1,5-2 cm và thử nghiệm thời gian vận chuyển bằng túi nylon chứa oxygen.

Ông đóng gói 10 túi nylon, mỗi túi nặng 20 kg, chứa hơn một vạn cá chép giống ra sân bay. Chuyến bay của hãng MALEV đưa ông và lô cá từ Budapest sang Berlin. Tại sân bay Berlin, ông bị hãng Lufthansa từ chối vận chuyển do thiếu chi phí. Sứ quán Việt Nam khi đó mới chỉ thanh toán cước vận chuyển từ Budapest đến Berlin.

Thời gian chờ chỉ còn một giờ, nếu không giải quyết kịp, cá sẽ chết và nhiệm vụ thất bại. “Nhà nước không có giống cá này, và không phải lúc nào cũng có cơ hội xin được giống mới để bổ sung vào quỹ gene thủy sản, đặc biệt phục vụ cho các chương trình lai tạo cá chép ở Việt Nam” TS Vũ Kim Cầu nhớ lại.TS Vũ Kim Cầu. Ảnh: Nhật Minh

TS Vũ Kim Cầu kể lại chuyện đưa giống cá chép Hungary về Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh

Lúc đó, do là ban đêm, ông không thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Budapest. Một mình ở sân bay Berlin, không biết tiếng Đức, ông Cầu như “ngồi trên đống lửa”. Chỉ còn khoảng 40 phút là máy bay cất cánh, ông quyết định tìm giám đốc sân bay để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, không có phiên dịch khiến việc tìm trợ giúp trở nên khó khăn. May mắn sau đó ông cũng tìm được một nhân viên hàng không biết tiếng Hungary đồng ý làm phiên dịch và hướng dẫn ông đến gặp giám đốc sân bay.

Nhờ lời thuyết phục chân thành rằng đây là món quà hữu nghị của Hungary dành cho Việt Nam, hãng Lufthansa đồng ý chở lô cá về Hà Nội. Những túi cá giống sau đó được chuyển cho Trạm Nghiên cứu Cá nước ngọt (nay là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I). “Những con cá này phát triển tốt, bổ sung vào quỹ gene cá chép ở Việt Nam, mở ra bước ngoặt cho ngành nuôi trồng thủy sản”, TS Cầu nói.

Với nguồn cá chép giống này, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, dưới sự dẫn dắt của TSKH Trần Mai Thiên, đã triển khai đề tài “Lai kinh tế cá chép Hung và cá chép Việt”. Đề tài kết thúc vào năm 1977, các nhà khoa học tạo ra được giống cá chép mới có đầu nhỏ, tỷ lệ thịt cao và sinh trưởng nhanh. Trong điều kiện bình thường, cá chép một năm tuổi đạt trọng lượng từ 0,8 đến 1 kg, gấp đôi so với cá chép thường. Nhờ đó, nghề nuôi cá chép ở Việt Nam khởi sắc vào cuối thập niên 70.

Trong chương trình chọn giống cá chép Việt Nam do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I thực hiện từ 1984 -1995, cá chép Hungary được lai với cá chép trắng Việt Nam và cá chép vàng Indonesia. Theo nghiên cứu của GS.TSKH Trần Mai Thiên, sau 5 thế hệ chọn lọc, tốc độ tăng trưởng của cá chép lai tăng 33% so với ban đầu. Đến nay, thế hệ V1, kết quả lai tạo giữa cá chép Việt Nam, Hungary và Indonesia là thế hệ chọn lọc thứ 6, được nuôi phổ biến ở Việt Nam và mang lại giá trị kinh tế cao.

TS Vũ Kim Cầu, 82 tuổi, người Hải Dương. Ông tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp, sau đó làm việc tại Tổng cục Thủy sản. Từ 1981-2002, ông công tác tại Viện Khoa học Việt Nam, là cộng tác viên khoa học tại Đại học Szent Istvan, Hungary (1991-1999).

Hướng nghiên cứu chính của TS Vũ Kim Cầu tập trung vào sinh hóa, dinh dưỡng và protein, với các ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản. Việc ông đưa cá chép Hungary về Việt Nam góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng di truyền của quần thể cá chép Việt Nam, đặt nền tảng cho nuôi trồng thủy sản bền vững, năng suất cao.

Nhật Minh