Nghiên cứu đánh giá sự thay đổi trong cấu trúc bộ khung tế bào cơ thể sống trong điều kiện mô phỏng trạng thái vi trọng lực (simulated microgravity)

Trọng lực là một hằng số ảnh hưởng đến cả hiện tượng vật lý và sinh học trong quá trình phát triển sự sống trên Trái đất. Trọng lực đóng vai trò quan trọng trong sự tiến hóa hình thái của sinh vật. Để chống lại trọng lực, cơ thể sống cần phát triển các hệ thống hỗ trợ như xây dựng cấu trúc phù hợp, củng cố màng tế bào và điều chỉnh dòng chảy của chất lỏng trong cơ thể. Trong không gian, các phi hành gia đã trải qua những thay đổi sinh lý sâu sắc khi cơ thể họ phải điều chỉnh theo môi trường vi trọng lực. Tất cả các quá trình sinh lý trong cơ thể bị chi phối bởi hoạt động của nhiều loại tế bào chuyên biệt trong các mô khác nhau.

Do đó, môi trường vi trọng lực được coi là phát huy tác dụng bất lợi đối với các phi hành gia thông qua những thay đổi trong cấu trúc và chức năng của tế bào. Chính vì những lý do trên, nghiên cứu về những ảnh hưởng của môi trường không gian đến cơ thể sinh vật là rất quan trọng, giúp giảm thiểu những rủi ro cho con người trong quá trình khám phá vũ trụ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại tế bào ở những sinh vật khác nhau hoạt động khác nhau trong không gian so với trên Trái đất. Do có sự đa dạng lớn về các loại tế bào trong tự nhiên, ảnh hưởng của vi trọng lực lên các tế bào đó vô cùng đa dạng và thường phức tạp.

Tác động của trọng lực lên nghiên cứu sinh học hiện có thể được thực hiện thông qua các chuyến bay vũ trụ hoặc mô phỏng trên mặt đất. Một số mô hình hệ thống vi trọng lực mô phỏng đã được thiết lập trên mặt đất như các hệ thống clinostat 2D, 3D, RPM (máy định vị ngẫu nhiên), buồng quay và tháp rơi để nghiên cứu tác động của vi trọng lực trên mặt đất. Chính vì vậy, đề tài “Nghiên cứu đánh giá sự thay đổi trong cấu trúc bộ khung tế bào cơ thể sống trong điều kiện mô phỏng trạng thái vi trọng lực (simulated microgravity)” do TS. Lê Thành Long cùng nhóm nghiên cứu tại Viện sinh học nhiệt đới thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá được ảnh hưởng của điều kiện vi trọng lực lên một số thay đổi cấu trúc bộ khung xương tế bào cơ thể sống trên cơ sở sử dụng hệ thống mô phòng vật lý trạng thái vi trọng lực.

Khi sự sống bắt đầu cách đây khoảng 4 tỉ năm, các vector trọng lực của trái đất đã xuất hiện và luôn hiện diện trong môi trường. Vector trọng lực luôn tác động đến sự phát triển phát sinh loài của tất cả các sinh vật tồn tại trên trái đất. Trọng lực đóng vai trò vừa là nhân tố giới hạn vật lý, vừa là nhân tố quan trọng giúp kiểm soát sự định hướng và tư thế của sinh vật. Các nghiên cứu về sự tăng giảm môi trường trọng lực trên các hệ thống sinh học sẽ giúp hiểu rõ hơn vai trò của trọng lực trong quá trình phát triển sinh lý, hình dạng cũng như chức năng của các sinh vật sống.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu về tác động của điều kiện không gian (môi trường không trọng lực và vi trọng lực) lên các hệ thống sinh vật sống còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó kinh phí thực hiện các thí nghiệm vẫn là nguyên nhân lớn nhất. Đây không chỉ là khó khăn mà chúng ta găp phải, đây cũng là vấn đề khó khăn ở cả các nước có ngành hàng không không gian phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu…Do đó, việc xây dựng, thiết kế các mô hình mô phỏng trạng thái vi trọng lực trong không gian sẽ không chỉ giải quyết vấn đề kinh phí thực hiện thí nghiệm, mà còn tiết kiệm, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động của môi trường vi trọng lực trong không gian lên các hệ thống sinh học.

Nghiên cứu Sinh học không gian là một phần quan trọng các chương trình vũ trụ của các trung tâm vũ trụ trên thế giới như NASA (Cục Hàng không và không gian quốc gia Mỹ), ESA (Cơ quan hàng không châu Âu), JAXA (Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản). Sinh học không gian đã là một phần của chương trình Khoa học sự sống của NASA từ những năm 1960. NASA ngày càng tập trung vào việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến hiện đại của công nghệ sinh học, sinh học phân tử, sinh học tế bào để nghiên cứu, khám phá và đánh giá tác động của các chuyến bay trong không gian lên quá trình sinh học. Với các hệ thống công cụ nghiên cứu mạnh của thế kỉ 21, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu sâu hơn các cơ chế thích nghi của vi khuẩn, thực vật và động vật đối với môi trường không trọng lực. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu được những cách cơ bản mà các hệ thống sinh vật sử dụng trọng lực để điều hòa quá trình tăng trưởng, quá trình biến dưỡng, sinh sản và phát triển, cũng như hiểu được cách mà chúng sửa chữa các sai hỏng, bảo vệ chúng khỏi bệnh tật, truyền nhiễm.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Hệ thống 3D clinostat đã được thiết kế và chế tạo thành công nhằm tạo điều kiện vi trọng lực mô phỏng cho các thí nghiệm. Hệ thống 3D Clinostat có khả năng tạo điều kiện vi trọng lực mô phỏng từ 10-3 đến 0,9 G, vận hành được trong tủ nuôi cấy tế bào động vật trong thời gian 72 giờ liên tục. Hệ thống này có thể được triển khai ứng dụng không chỉ cho nghiên cứu nuôi cấy tế bào, mà còn có thể triển khai ứng dụng cho các hướng nghiên cứu sinh học khác trên cả đối tượng vi sinh, thực vật, động vật.

Nghiên cứu hiện tại cho thấy vi trọng lực mô phỏng làm giảm các protein điều hòa chu kỳ tế bào, làm tăng tỉ lệ tế bào đi vào pha nghỉ. Vi trọng lực mô phỏng cũng làm giảm sự biểu hiện của các protein cấu trúc chính, dẫn đến sự tái tổ chức bộ khung xương tế bào của các tế bào.

Những kết quả này cho thấy sự tăng sinh bị ức chế của các tế bào tiếp xúc với vi trọng lực mô phỏng có thể liên quan đến sự suy giảm của các chất điều hòa liên quan đến chu kỳ tế bào và các protein cấu trúc nên bộ khung tế bào. Kết quả này cũng tương tự với một số kết quả đã được thực hiện trên trong điều kiện vi trọng lực thực trên trạm không gian ISS. Điều này cho thấy hệ thống 3D Clinostat này có thể được sử dụng để tạo ra các điều kiện vi trọng lực mô phỏng cho các nghiên cứu về sinh học trên mặt đất.

Phát triển giao thông đường bộ xanh hướng đến Net Zero 2050

Các đại biểu cho rằng, ngoài việc khuyến khích phương tiện sử dụng năng lượng xanh, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt điện; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như trạm sạc, cơ sở bảo dưỡng; có chính sách ưu đãi với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng khi sản xuất và sử dụng phương tiện năng lượng xanh. Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ số vào sử dụng và quản lý các phương tiện giao thông…

Ngày 18/6, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Phát triển giao thông đường bộ xanh hướng đến NetZero 2050”.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Cam kết mạnh mẽ và có trách nhiệm của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt; nhiều năm đã đánh dấu các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng… ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh: Là một trong những nguồn phát thải lớn, ngành giao thông vận tải không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam. Đặc biệt, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành. Chính vì vậy, nhiệm vụ phát triển giao thông đường bộ xanh ngày càng trở nên cấp thiết. Điều này không chỉ nhằm góp phần thực hiện cam kết Net Zero mà còn là cơ hội để ngành giao thông vận tải hiện đại hóa, bắt kịp với xu thế và trình độ tiên tiến của thế giới.

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ GTVT đã rất quan tâm thúc đẩy các giải pháp nhằm giảm phát thải. Trong đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT (tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, ban hành tháng 7/2022) với các mục tiêu, lộ trình thực hiện, nhiệm vụ và giải pháp hết sức rõ ràng, cụ thể.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, ngành GTVT là một trong những ngành phát thải carbon và khí metan lớn. Đặc biệt, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta, ngày càng có nhiều người dân sở hữu các phương tiện cá nhân như xe ô tô, xe máy; điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều lượng khí thải thải ra khiến môi trường trở nên ngột ngạt. Do đó, cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng là nhiệm vụ rất quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero vào năm 2050.


Thảo luận về các giải pháp giúp cắt giảm phát thải hiệu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi từ phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe bus điện là những trọng tâm.

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng – Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) nhấn mạnh, khái niệm giao thông xanh là hình thức giao thông bền vững, tiêu thụ ít năng lượng. Quyết định số 876 đã đề ra các mục tiêu, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh với những nhiệm vụ và giải pháp hết sức rõ ràng, cụ thể.

Trong giai đoạn thứ nhất (2022-2030): Thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Trong giai đoạn thứ hai (2031-2050): Đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô-tô, xe mô-tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.

Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Hay với lĩnh vực giao thông đô thị, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải trong Quyết định số 876 đã đề ra lộ trình cụ thể.

Trong giai đoạn 2022-2030: Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45%-50%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25%-35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10%-15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%.

Trong giai đoạn 2031-2050: Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.

Với sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta, ngày càng có nhiều người dân sở hữu các phương tiện cá nhân như xe ô-tô, xe máy. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều lượng khí thải thải ra khiến môi trường trở nên ô nhiễm. Do đó, cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ là nhiệm vụ rất quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero vào năm 2050.

Nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, địa bàn Thủ đô cùng với TP Hồ Chí Minh là hai khu vực thị đang đối mặt nhiều vấn đề về giao thông đô thị. Vấn đề nổi cộm nhất của hai thành phố lớn này là tỷ lệ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông rất cao.

Hà Nội có khoảng 1,1 triệu ô-tô và hơn 6,6 triệu xe máy, và con số này tăng khoảng trên dưới 10% mỗi năm. Ở đây, chỉ tính con số các xe được đăng ký tại Hà Nội, chưa kể các xe đăng ký vãng lai di chuyển qua địa bàn Thủ đô. Do vậy, phát thải đô thị ở Hà Nội có xu hướng tăng dần hằng năm, ô nhiễm trong giao thông vận tải chiếm khoảng 70% trong đô thị.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, một yếu tố nữa ảnh hưởng tới ô nhiễm môi trường đô thị là cách sử dụng và thói quen sử dụng phương tiện giao thông. Với xe ô-tô, hiện có thể quản lý việc phát thải qua đăng kiểm. Nhưng quản lý với xe máy là vấn đề rất khó. Chúng ta đã có nhiều chương trình, xây dựng tiêu chuẩn khí thải cho xe máy, nhưng chưa được thực hiện nghiêm chỉnh. Rõ ràng, việc duy trì kiểm tra, kiểm định và vận hành phương tiện xe máy đúng quy định của nhà sản xuất là rất cần thiết.

Thảo luận về các giải pháp giúp cắt giảm phát thải hiệu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi từ phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe bus điện, là những giải pháp trọng tâm trong phát triển giao thông đường bộ xanh.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần có thêm các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích đưa xe điện, xe hybrid thay thế xe xăng trong hoạt động vận tải đường bộ. Cùng với đó, phải phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ như trạm sạc, cơ sở bảo dưỡng. Đồng thời, bảo đảm an ninh năng lượng để phục vụ xe điện, xe hybrid khi số lượng xe này gia tăng và được sử dụng nhiều hơn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã mang đến các giải pháp mới, giúp lĩnh vực giao thông đường bộ đạt được hiệu quả kép cả về kinh tế và môi trường.

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng – Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đến cuối năm 2023, cả nước có 5,4 triệu xe ô tô; 72 triệu xe máy chạy bằng xăng. Cùng với đó là khoảng 2 triệu xe máy điện, hơn 20 nghìn ô tô điện; hơn 700 xe bus điện.

N.H

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng đối với ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ

Theo phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 506/QĐ-TTg ngày 13/06/2024 (Quyết định 506), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang được phân công theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang được phân công theo dõi, chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.

Quyết định 506 nêu rõ: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: 1) Ngoại giao và quan hệ đối ngoại; 2) Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vận động vốn vay ưu đãi; viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài; 3) Hội nhập quốc tế; theo dõi, chỉ đạo đàm phán và thực hiện các cam kết quốc tế song phương, đa phương; cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; 4) Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; 5) Quan hệ của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và khu vực; công tác biên giới và các vấn đề Biển Đông – hải đảo; 6) Công tác người Việt Nam ở nước ngoài và các vấn đề người nước ngoài ở Việt Nam; các vấn đề về nhân quyền; 7) Công tác dân tộc, tôn giáo; xóa đói giảm nghèo; những vấn đề thường xuyên về thi đua khen thưởng; 8) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; 9) Phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; 10) Nông nghiệp và phát triển nông thôn; 10) Phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; 12) KH&CN; 13) Thông tin và truyền thông; 14) Chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang theo dõi và chỉ đạo: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ KH&CN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Đối với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (3 trong số các viện nghiên cứu/trường đại học có tiềm năng, thế mạnh lớn về KH&CN của cả nước), Thủ tướng Chính phủ phân công cho Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà theo dõi và phụ trách.

VH

 

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng mức giới hạn an toàn về chỉ tiêu kỹ thuật, yêu cầu quản lý đối với thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, thuốc nổ nhũ tương đã được nghiên cứu và ứng dụng trong công nghiệp. Sản lượng tiêu thụ thuốc nổ dạng nhũ so với các loại thuốc nổ khác trong ngành công nghiệp khai khoáng của thế giới là rất lớn.

Trong quá trình phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội của đất nước việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đã trở nên khá phổ biến và gần như không thể thiếu. Lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp phát triển mạnh mẽ từ những năm 1996 trở lại đây với tốc độ tiêu thụ từ 16 nghìn tấn (trong năm 1996) lên khoảng 156 nghìn tấn (trong năm 2019).
Thuốc nổ phổ biến nhất và được sử dụng nhiều nhất cho lộ thiên tại Việt Nam là thuốc nổ nhũ tương và thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao. Các loại thuốc nổ này sử dụng tại các khu vực, khai trường có nước và các khu vực có độ cứng đất đá cao. Vấn đề nổ mìn ngày càng xuống sâu, đặc điểm đất đá cứng thường xuyên gặp phải, nhất là nổ mìn cho việc khai thác quặng như mỏ sắt…cần thiết phải có loại thuốc nổ năng lượng cao.
Vật liệu nổ công nghiệp có vai trò quan trọng quá trình phát triển hạ tầng, kinh tế-xã hội của đất nước (Ảnh minh hoạ – lawnet.vn)
Tuy nhiên, việc ban hành các tiêu chuẩn cơ sở cho từng loại thuốc nổ nhũ tương không bắt buộc nên công tác quản lý về an toàn kỹ thuật chưa được chặt chẽ. Để ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về 02 sản phẩm thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên cần phải xác định mức giới hạn an toàn về chỉ tiêu kỹ thuật, yêu cầu quản lý và các phương pháp thử xác định các chỉ tiêu kỹ thuật đối với thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên và thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao dùng cho lộ thiên là phù hợp với quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Do đó, các nhà nghiên cứu tại Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng mức giới hạn an toàn về chỉ tiêu kỹ thuật, yêu cầu quản lý đối với thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên”. Đây là đề tài cấp Quốc gia do Ks Trần Đức Thọ làm chủ nhiệm với mục tiêu hoàn thiện các quy định về thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên và thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao dùng cho lộ thiên.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về hiện trạng các quy định kỹ thuật, yêu cầu quản lý trong thử nghiệm, sản xuất, sử dụng thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên và thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao dùng cho lộ thiên. Trên cơ sở đó, hoàn thiện các quy định về thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên và thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao dùng cho lộ thiên.
Cấu tạo thuốc nổ nhũ tương cho lộ thiên (Ảnh: vista)
Cuối cùng, xây dựng mức giới hạn an toàn, yêu cầu quản lý đối với thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên và thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao dùng cho lộ thiên. Trong đó, đối với thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên phải công bố hợp quy phù hợp quy định kỹ thuật tại Điều 5 của Quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.
Còn thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao dùng cho lộ thiên sản xuất trong nước phải thực hiện việc công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Sau một năm nghiên cứu, đề tài đã hoàn chỉnh Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao dùng cho lộ thiên. Đồng thời, lập hồ sơ gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và công nghệ và trình lãnh đạo Bộ Công Thương ký ban hành theo quy định. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao dùng cho lộ thiên đã đưa ra được mức giới hạn an toàn về chỉ tiêu kỹ thuật, yêu cầu quản lý đối với thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên.
Minh Khuê

Nhà ga quốc tế Đà Nẵng triển khai hệ thống gửi hành lý tự động

(Chinhphu.vn) – Việc triển khai hệ thống gửi hành lý tự động giúp hành khách rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 15 – 20 phút, góp phần giảm tải trong giờ cao điểm, bảo đảm luồng di chuyển thông suốt.

Nhà ga quốc tế Đà Nẵng triển khai hệ thống gửi hành lý tự động- Ảnh 1.

Triển khai hệ thống gửi hành lý tự động giúp hành khách rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 15 – 20 phút – Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngày 11/6, Starlux Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (Nhà ga T2) cung cấp cho hành khách dịch vụ ký gửi hành lý tự động thông qua việc tích hợp hệ thống quầy tự gửi hành lý (self-bag drop) của Nhà ga T2 vào quy trình làm thủ tục bay của hãng.

Theo đó, quầy tự gửi hành lý của Nhà ga T2 cho phép hành khách tự thực hiện thủ tục ký gửi hành lý một cách nhanh chóng và thuận tiện. Hành khách có thể dễ dàng thao tác trên màn hình cảm ứng để in thẻ, sau đó dán thẻ lên hành lý và đặt lên băng chuyền. Hệ thống sẽ tự động vận chuyển hành lý đến khu vực kiểm soát an ninh và chuyển tiếp lên máy bay.

Ông Elvis Chao, Trưởng đại diện hãng Hàng không Starlux tại Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng là thị trường rất tiềm năng, Starlux đưa khoảng 9.000 khách/1 tháng đến địa phương này. Nhờ chính sách thị thực điện tử với thủ tục nhanh gọn, lượng khách vào Đà Nẵng ngày càng tăng.

Việc triển khai hệ thống gửi hành lý tự động sẽ giúp hành khách rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 15 – 20 phút, góp phần giảm tải trong giờ cao điểm, bảo đảm luồng di chuyển thông suốt.

Nhà ga quốc tế Đà Nẵng triển khai hệ thống gửi hành lý tự động- Ảnh 2.Đà Nẵng từng bước triển khai nhà ga thông minh – Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngay trong ngày đầu tiên đưa quầy tự gửi hành lý vào phục vụ, nhiều hành khách hài lòng vì việc thực hiện các thủ tục điện tử và gửi hành lý nhanh gọn, không phải chờ đợi lâu.

Được biết trước đó, Nhà ga T2 đã chính thức đưa vào quy trình khai thác hệ thống các thiết bị như quầy tự làm thủ tục (self check-in kiosk), cửa xuất/nhập cảnh tự động (autogate), cửa khởi hành tự động (self boarding gates).

Ngoài ra, việc tích hợp thêm hệ thống self-bag drop của Nhà ga T2 lần này cho phép hành khách sử dụng dịch vụ tự động hoàn toàn từ khâu làm thủ tục bay, gửi hành lý, xuất cảnh và lên tàu bay.

Nhờ đó quá trình làm thủ tục được rút ngắn thời gian đáng kể, trải nghiệm của hành khách được nâng cao, đồng thời hiệu quả phục vụ của nhà ga trong giờ cao điểm cũng được cải thiện, đảm bảo luồng di chuyển thông suốt.

Lưu Hương

 

Hội thảo quốc tế về nâng cao an toàn bảo mật trên mạng thông tin KH&CN Việt Nam

Nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của các cán bộ quản trị mạng và chuyên gia kỹ thuật về các vấn đề an ninh, an toàn thông tin và bảo mật đối với các hệ thống thông tin KH&CN của Việt Nam, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp với Trung tâm Thông tin mạng Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) tổ chức Hội thảo quốc tế về nâng cao an toàn bảo mật trên mạng thông tin KH&CN Việt Nam. Hội thảo đã diễn ra trong 05 ngày từ 10-14/6/2024 với các nội dung xoay quanh chủ đề an ninh mạng.

Các đại biểu tham dự khai mạc hội thảo

Tham dự khai mạc hội thảo có ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia; các chuyên gia của APNIC cùng với các cán bộ công nghệ thông tin từ các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, các Sở Khoa học và Công nghệ và Trường đại học.

Trong 5 ngày hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia của APNIC chia sẻ về các chủ đề chính như: chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức mới nhất về xây dựng, phát triển; các vấn đề kỹ thuật an toàn bảo mật trong vận hành mạng (Các nguyên tắc cơ bản về an ninh mạng; Phân tích các gói tin trong cơ sở dữ liệu về KH&CN; Bảo mật, mã hóa cơ sở dữ liệu và cơ chế kiểm soát mất dữ liệu; Bảo mật thiết bị đầu cuối và hạ tầng mạng thông tin; Vận hành và Giám sát an ninh mạng thông tin). Ngoài ra, hội thảo đề cập đến chính sách quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu tuân thủ các quy định về an toàn và bảo mật thông tin.

Các đại biểu tại buổi bế mạc hội thảo nhận giấy chứng nhận tham dự

Hội thảo đã góp phần giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết của các nhà quản trị mạng và các chuyên gia thông tin trong việc triển khai hạ tầng thông tin và các cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ vận hành ổn định, an toàn. Các kỹ sư và quản trị viên tham gia hội thảo được trang bị những kiến thức cơ bản và nâng cao về cấu hình hệ thống, thiết lập tường lửa và sử dụng các bộ công cụ giúp giám sát, theo dõi hệ thống mạng thông tin KH&CN phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

NASATI

Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại MITC

Vừa qua, trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC) đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với Liên minh Design Thinking  – TECHFEST Việt Nam về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại nhà trường.

Buổi làm việc có sự tham gia của TS. Trần Kim Quyên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; các thầy cô trong ban giám hiệu, trưởng các đơn vị trong trường. Phía Liên minh Design Thinking Việt Nam, có bà Dương Tường Nhi – Trưởng Liên minh Design Thinking Việt Nam, trưởng Làng Tư duy Thiết kế (Design Thinking), nhà sáng lập Công ty Happy Lifestyle; Bà Nguyễn Thu Phương – Giám đốc vận hành Công ty MetaUni, thành viên Nhóm sáng lập Liên Minh Design Thinking Việt Nam.
TS. Trần Kim Quyên – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ tại buổi làm việc (Ảnh: MITC)
Tại buổi làm việc, lãnh đạo trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đã chia sẻ những kết quả mà nhà trường đạt được ở các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số. Trong đó, nhấn mạnh về các hoạt động, chương trình khởi nghiệp tại nhà trường như đưa các môn học về khởi nghiệp vào nội dung đào tạo chính quy, hằng năm tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp dành cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên xây dựng, phát triển dự án khởi nghiệp tham gia các cuộc thi do Nhà trường, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội tổ chức.
Đại diện phía Liên minh Design Thinking Việt Nam cũng đánh giá cao cách tổ chức các hoạt động cũng như cách xây dựng không gian khởi nghiệp tại Nhà trường. Trong đó, nhấn mạnh việc cần hiểu rõ hơn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tầm quan trọng của việc áp dụng tư duy thiết kế (Design Thinking) vào việc phát triển các ý tưởng, xây dựng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thông qua các báo cáo, các đại biểu tham gia cũng đã có những ý kiến đóng góp xây dựng cho hệ sinh thái MITC phát triển lớn mạnh. Việc xây dựng hệ sinh thái MITC được khẳng định sẽ tạo ra một mạng lưới phong phú và đa dạng của các đối tác và nguồn lực (độc lập) tạo thành hệ thống hợp tác để tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm theo mục tiêu và triết lý của MITC.
Thành công của buổi làm việc lần này hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội trao đổi, chia sẻ cụ thể hơn trong thời gian tới giúp đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại MITC.

Làng Design Thinking thuộc Techfest Quốc Gia – Dự án Xây dựng Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo (Đề án 844 do Chính phủ phê duyệt năm 2016, Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì). Làng Design Thinking gồm doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, chính phủ, nhà huấn luyện và các trường đại học. Sự đa dạng, phong phú và kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái là điều kiện tiên quyết để tạo nên môi trường hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển sáng tạo và bền vững.

Tuệ Lâm

Oxy cao áp có tác dụng rất lớn trong phục hồi tổn thương do nhồi máu não

Các chuyên gia y tế nhận định oxy cao áp là phương pháp có thể điều trị được ở tất cả các thời điểm của bệnh mà không hạn chế về thời gian.

Ngày 17.5, Bệnh viện 199 – Bộ Công an phối hợp với Hội Y học biển Việt Nam tổ chức đại hội Chi hội Y học biển miền Trung (nhiệm kỳ 2024 – 2029) và hội thảo khoa học về y học dưới nước, oxy cao áp.

Tại hội thảo, với chủ đề “Ứng dụng của y học cao áp trong lâm sàng”, Thầy thuốc nhân dân, GS-TS Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Y học biển Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ – Viện Y học biển, đã làm rõ được sự cần thiết phải phát triển chuyên ngành oxy cao áp.

Theo GS Nguyễn Trường Sơn, khi lao động trong môi trường nước và áp suất cao, nếu không tuân thủ đúng quy trình, người lặn sẽ bị tai biến do thay đổi áp suất đột ngột (vỡ phổi, đau các xoang và tạng rỗng, tắc mạch do bóng không khí) hoặc bị bệnh giảm áp, tắc mạch do bóng khí…

Nếu không được cứu chữa kịp thời và đúng phương pháp, với thiết bị chuyên dụng (buồng cao áp) thì sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong.

Các chuyên gia y tế trao đổi về tầm quan trọng của việc triển khai ứng dụng của công nghệ y học cao áp trong lâm sàng

Các chuyên gia y tế trao đổi về tầm quan trọng của việc triển khai ứng dụng của công nghệ y học cao áp trong lâm sàng. Ảnh: Hoàng Sơn.

Cũng theo ông Sơn, ở Việt Nam hiện nay các cơ sở y tế ở 28 tỉnh, thành, ngành triển khai y học cao áp với 21 buồng đa và 67 buồng đơn, nhưng mới tập trung chủ yếu ở các cơ sở bệnh viện phục hồi chức năng, bệnh viện y học cổ truyền

Do các bệnh viện đa khoa còn khá mơ hồ về công nghệ này nên bệnh nhân còn chưa có điều kiện tiếp cận, rất thiệt thòi. Do vậy, đã đến lúc các bệnh viện nên xây dựng khoa hoặc trung tâm oxy cao áp để mọi người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật và công nghệ điều trị cao này.

Các chuyên gia cũng báo cáo nội dung liên quan đến lĩnh vực oxy cao áp, như: Quá trình phát triển trưởng thành của chuyên ngành y học dưới nước và oxy cao áp ở Việt Nam; kết quả điều trị vết loét bàn chân do đái tháo đường bằng oxy cao áp tại Viện Y học biển; kết quả điều trị nhồi máu não bằng oxy cao áp tại Viện Y học biển Việt Nam từ năm 2019 – 2023…

Các báo cáo đều nêu rõ được vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai ứng dụng của công nghệ y học cao áp trong lâm sàng. Theo đó, oxy cao áp là phương pháp có thể điều trị được ở tất cả các thời điểm của bệnh mà không hạn chế về thời gian, từ đó có tác dụng rất lớn trong phục hồi các tổn thương do nhồi máu não.

Do đó, các bệnh viện nên xây dựng, khẩn trương triển khai trung tâm oxy cao áp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

TS-BS Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199 – Bộ Công an, tân Chủ tịch Chi hội Y học biển và cao áp miền Trung, đánh giá việc ứng dụng trị liệu oxy cao áp đang bắt đầu khởi sắc, mở ra một hướng nghiên cứu mới về điều trị đặc hiệu cho nhiều bệnh lý trên lâm sàng.

Hoàng Sơn

Phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm – Bước đi từ chính sách

Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm là vấn đề nghị sự toàn cầu, đã và đang thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh kinh tế – xã hội đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, vấn đề này đặt ra nhiều thách thức, rủi ro về đạo đức, xã hội, pháp lý. Việc phát triển trí tuệ có trách nhiệm cần có cái nhìn toàn diện và sâu rộng trên cơ sở xây dựng chính sách pháp luật liên quan.

Xu thế chung

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), trí tuệ nhân tạo là một trong những thành tố cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những lợi ích to lớn, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng đã và đang làm dấy lên những quan ngại sâu sắc về các rủi ro tiềm ẩn từ các khía cạnh đạo đức, xã hội, pháp lý. 

Không nằm ngoài xu thế chung về trí tuệ nhân tạo, tại Việt Nam, xác định trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm cần bao gồm việc nghiên cứu cách tiếp cận của các quốc gia điển hình trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam. Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quế Anh, Việt Nam có lợi thế đi sau học tập kinh nghiệm các nước nhưng không thể sao chép nguyên văn chính sách, pháp luật của nước ngoài mà phải phân tích, đánh giá, tiếp thu phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Nêu dẫn chứng cụ thể đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quế Anh cho rằng, trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa ý tưởng học tập cá nhân hóa bằng việc điều chỉnh quá trình học, nội dung và tốc độ phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng học sinh. Bên cạnh đó, cung cấp khả năng lấy dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, xác thực và phân tích dữ liệu bằng các công cụ như phân tích dự báo và học máy. Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục là rất lớn, đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi giáo dục cho tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục cũng đi kèm với rủi ro tiềm ẩn mang khía cạnh đạo đức và xã hội như: Quyền riêng tư, bảo vệ và sử dụng dữ liệu người học; ngăn chặn phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, đặc điểm kinh tế – xã hội và sự khác biệt về trình độ năng lực; ngăn chặn sự lan tỏa các định kiến xã hội và văn hóa…

Còn theo Tiến sỹ Tôn Quang Cường, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc ứng dụng các công nghệ như thị giác máy tính, học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, robot thông minh, tự động và cảm biến, công nghệ ảo… đã, đang và sẽ nhanh chóng mở rộng tới toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học hay dạy nghề, đào tạo doanh nghiệp, giáo dục phi chính quy – giáo dục suốt đời… Sự phổ biến của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và tầm quan trọng của lĩnh vực này đang đặt ra nhu cầu lớn về xác định, đánh giá những chuẩn mực đạo đức để tối đa hóa lợi ích và kiềm chế rủi ro mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra.

Cân đối yếu tố kinh tế, đạo đức, pháp lý

Trong bối cảnh việc phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ngày càng được chú trọng, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định 1290/QĐ-BKHCN về việc hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Một trong những mục tiêu của hướng dẫn này là hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực cho con người và cộng đồng.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các hệ thống trí tuệ nhân tạo được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho con người, xã hội và nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ, giải quyết các vấn đề khó khăn mà con người, cộng đồng đang phải đối mặt. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, có biện pháp giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; cân đối các yếu tố kinh tế, đạo đức và pháp lý liên quan.

Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn để định hướng kể cả đó là các quy định mềm và không có tính ràng buộc. Bên cạnh đó, việc chia sẻ, trao đổi thông tin về các quy trình, các biện pháp thực hành tốt giữa các bên liên quan cũng sẽ thúc đẩy sự đồng thuận để gia tăng lợi ích từ các hệ thống trí tuệ nhân tạo và kiểm soát được các rủi ro.

Quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là hướng đến một xã hội lấy con người làm trung tâm, mọi người được hưởng những lợi ích từ cuộc sống cũng như từ các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng cần đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro của các hệ thống trí tuệ nhân tạo, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giảm thiểu nguy cơ xâm phạm quyền hoặc lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân từ các hệ thống trí tuệ nhân tạo…

Mục tiêu của hướng dẫn là thúc đẩy sự quan tâm của các bên liên quan trong việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam một cách có trách nhiệm; đồng thời, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực cho con người và cộng đồng; nhằm đạt được sự tin tưởng của người dùng và xã hội đối với trí tuệ nhân tạo.

Trong hướng dẫn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra 9 nguyên tắc nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo: Tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tính minh bạch; khả năng kiểm soát; an toàn; bảo mật; quyền riêng tư; tôn trọng quyền và phẩm giá con người; hỗ trợ người dùng; trách nhiệm giải trình.

Thu Phương (TTXVN)

 

Lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ

Ngày 13/6, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 cơ bản đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý, là cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ…

Hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ
Hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, để đáp ứng những yêu cầu mới trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH- UBTVQH15, trong đó có nhiệm vụ sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, dự án Luật này dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Theo ông Nguyễn Phương Tuấn, Luật Khoa học và Công nghệ là đạo luật gốc, có tầm quan trọng đặc biệt trong thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế – xã hội.

Do đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật này do đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là Phó Trưởng Ban, thành viên gồm đại diện Lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, cơ quan. Thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa về nội dung thẩm tra các chính sách trong dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đều thống nhất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi); đồng thời tập trung thảo luận vào 7 nhóm vấn đề chính.

Cụ thể, thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khoa học và Công nghệ, trong đó bổ sung phạm vi đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, đầu tư tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó nghiên cứu thiết kế mô hình Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nghiên cứu quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, hỗ trợ tài chính và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ưu đãi về thuế.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó, nghiên cứu về cách thức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nghiên cứu đổi mới cơ chế ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng “đề tài bỏ ngăn kéo”.

Thứ năm, hoàn thiện quy định được thành lập và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Thứ sáu, nghiên cứu cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Thứ bảy, đề xuất thêm nội dung sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Quỳnh Nga