Hội chứng khiến con người say dù không uống rượu

Một người phụ nữ Canada liên tục say xỉn dù không uống một giọt rượu nào do mắc phải hội chứng hiếm gặp mang tên “hội chứng tự lên men”.

Hình ảnh nấm men bia dưới kính hiển vi. Ảnh: Love Employee

Hình ảnh nấm men bia dưới kính hiển vi. Ảnh: Love Employee

Người phụ nữ 50 tuổi ở Toronto, Canada, liên tục phải vào phòng cấp cứu do ngủ quá nhiều, nói nhịu, hơi thở có mùi rượu, dù không uống một giọt rượu nào. Thực chất, vi khuẩn trong đường ruột của bà tự lên men và khiến bà bị say, theo Live Science.

Các bác sĩ cuối cùng chẩn đoán người phụ nữ mắc hội chứng hiếm gặp gọi là hội chứng tự lên men. Nhưng trước đó, bà đã từng vào khoa cấp cứu 7 lần trong hai năm. Mỗi lần, triệu chứng của bà đều giống nhau và khiến bà dường như say xỉn. Đặc biệt, cơn buồn ngủ của bệnh nhân gây rắc rối lớn bởi bà đột nhiên ngủ gật khi sẵn sàng làm việc hoặc chuẩn bị bữa ăn. Chứng buồn ngủ này khiến người phụ nữ không thể làm việc suốt nhiều tuần và ảnh hưởng tới khẩu vị của bà.

Trong mỗi lần vào phòng cấp cứu, trừ lần cuối cùng, các bác sĩ đều chẩn đoán người phụ nữ bị ngộ độc rượu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bà đã ngừng uống rượu do vấn đề tín ngưỡng, theo bài báo hôm 3/6 trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Canada. Gia đình bệnh nhân cũng xác nhận bà không uống rượu. Cuối cùng, bác sĩ phát hiện tiền sử bệnh của bệnh nhân có manh mối về nguyên nhân gây ra những triệu chứng giống say rượu.

Trước khi trải qua các triệu chứng say xỉn này, người phụ nữ có tiền sử 5 năm mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), căn bệnh liên tục tái lại và rất khó ngăn chặn. Để điều trị bệnh, bà được kê uống thuốc kháng sinh thường xuyên. Bác sĩ của người phụ nữ nghi ngờ ngoài chữa trị UTI, những liều kháng sinh mạnh cũng tiêu diệt lợi khuẩn trong ruột. Điều này nhiều khả năng dọn đường cho vô số loại nấm xâm chiếm ruột. Một số loại nấm trong đó có thể lên men carbohydrate, ủ ra rượu của chúng.

Hội chứng tự lên men phát sinh khi các loại nấm như vậy, bao gồm Saccharomyces cerevisiae (nấm men bia) và Candida albicans phát triển tới mật độ đủ cao và tiếp cận đủ carbohydrate thông qua chế độ ăn của người nhiễm chúng. Một số loại vi khuẩn cũng gắn liền với hội chứng này. Những người có đường huyết cao và khả năng phân hủy rượu kém sẽ dễ mắc hội chứng hơn. Những đặc điểm này một phần do di truyền. Hội chứng tự lên men rất khó dự đoán do cực hiếm gặp. Có chưa đến 100 trường hợp được ghi nhận hội chứng kể từ khi phát hiện vào cuối thập niên 1940.

Trong trường hợp người phụ nữ Canada, trước khi được chẩn đoán mắc hội chứng, chuyên gia tâm thần ở phòng cấp cứu đã đánh giá bà vài lần để tìm dấu hiệu rối loạn sử dụng rượu. Lần thứ 7 người phụ nữ vào phòng cấp cứu, bác sĩ đoán hội chứng tự lên men có thể là nguyên nhân và chỉ định bà điều trị kháng nấm. Sau khi chuyển sang khoa tiêu hóa, bà cũng được hướng dẫn áp dụng chế độ ăn low-carb để hạn chế lượng đường giúp nấm lên men.

An Khang (Theo Live Science)

Hoàn thiện quy trình giám sát rác thải nhựa trên bãi biển

Các nhà khoa học thuộc Viện Địa lý – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã lần đầu tiên áp dụng chỉ số làm sạch bãi biển CCI (Clean Coast Index) để đánh giá độ sạch của các bãi biển tại tỉnh Thanh Hóa trong một đề tài nghiên cứu hướng về khoa học và công nghệ biển. Trong nghiên cứu này, quy trình giám sát rác thải nhựa trên các bãi biển, phù hợp với thực tế tại Việt Nam, đã được xây dựng. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học giúp các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu rác thải vào môi trường biển, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

ThS. Nguyễn Thị Lan Hương và cộng sự trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa

Rác thải nhựa, với đặc tính khó phân hủy, đã trở thành một chất ô nhiễm phổ biến toàn cầu, hiện diện ở mọi nơi từ môi trường nước, trầm tích sông lớn, lớp băng cực đến các khu bảo tồn và quần đảo xa xôi. Nghiên cứu gần đây đã chứng minh rác thải nhựa ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe con người, vận chuyển các loài sinh vật ngoại lai và vi sinh vật gây bệnh, xâm nhập vào chuỗi thức ăn và lan rộng ra môi trường biển. Nhiều loài sinh vật biển đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác thải nhựa.

Ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường biển là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển bền vững, gây tác động xấu đến hệ sinh thái thủy sinh, nền kinh tế, và sức khỏe con người. Việt Nam hiện là nước có lượng rác thải nhựa lớn, sau Indonesia và Philippines trong ASEAN. Rác thải nhựa gia tăng về mật độ và diện tích, làm mất mỹ quan các khu vực ven biển, gây mất cân bằng sinh thái, thu hẹp nơi sinh sản và môi trường sống của nhiều loài sinh vật bản địa.

Đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ThS. Nguyễn Thị Lan Hương và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu đánh giá mức độ tích lũy rác thải nhựa tại bãi biển tỉnh Thanh Hóa. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã xây dựng quy trình giám sát rác thải nhựa cỡ lớn (>5mm) tại bãi biển, cũng như giám sát vi nhựa trong môi trường nước cửa sông, nước biển, và trầm tích bãi biển.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá mức độ tích lũy rác thải cỡ lớn tại các bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa thông qua số lượng và mật độ rác. Rác thải nhựa cỡ lớn được phân loại theo vật phẩm và tính chất polymer, xác định nguồn gốc của rác. Đồng thời, nồng độ vi nhựa trong môi trường nước và trầm tích tại các bãi biển và khu vực Cửa Hới cũng được xác định và phân loại theo kích thước, màu sắc, hình dạng để đánh giá rủi ro sinh thái.

Thông qua việc tính toán chỉ số CCI, độ sạch của các bãi biển ở tỉnh Thanh Hóa được đánh giá từ mức sạch trung bình đến bẩn. Vào mùa du lịch, chỉ số CCI tại các bãi biển lớn hơn so với mùa vắng khách. Kết quả nghiên cứu đã đề ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thanh Hóa.

ThS. Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, việc quan trắc và giám sát rác thải nhựa cần được thực hiện định kỳ, liên tục nhằm cung cấp dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách ở cấp trung ương và địa phương. Điều này giúp tạo ra một bức tranh tổng thể về tình trạng rác thải nhựa xâm nhập vào môi trường biển. Bà cũng đề xuất xây dựng hướng dẫn kỹ thuật giám sát rác thải nhựa tại các địa phương, giúp các cơ quan liên quan theo dõi định kỳ việc thực hiện chính sách về rác thải nhựa.

Nhóm nghiên cứu mong muốn thực hiện thêm nhiều chuyến khảo sát để đánh giá tác động của hoạt động du lịch và dịch vụ đến mức độ tích lũy rác thải nhựa trong môi trường ven biển Thanh Hóa. Những dữ liệu này sẽ là cơ sở khoa học cho các đơn vị chức năng để đề ra các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường biển, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

P.A.T

Hệ thống năng lượng thông minh: tương lai của hệ thống năng lượng

Hệ thống năng lượng thông minh (Smart Energy System) đại diện cho một bước tiến vượt bậc trong việc quản lý và sử dụng năng lượng, dựa trên việc tích hợp các công nghệ thông minh vào mạng lưới năng lượng để tối ưu hóa sản xuất, phân phối và tiêu thụ năng lượng. Sự kết hợp của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) với các thành phần của hệ thống năng lượng, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, giúp cải thiện hiệu quả, độ tin cậy và tính bền vững của mạng lưới này.

Các thành phần chính của Hệ thống năng lượng thông minh gồm

Nền tảng của hệ thống năng lượng thông minh là lưới điện thông minh (Smart Grid). Lưới điện này sử dụng công nghệ cảm biến, đo lường và điều khiển tiên tiến để quản lý dòng điện một cách hiệu quả. Một trong những lợi ích lớn của lưới điện thông minh là khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Nhờ vào việc tối ưu hóa truyền tải và phân phối điện, lưới điện thông minh không chỉ giảm thiểu sự cố mất điện mà còn giúp duy trì sự ổn định của hệ thống trong những tình huống khẩn cấp.

Công nghệ đo lường thông minh (Smart Metering) đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và quản lý việc sử dụng năng lượng theo thời gian thực. Các thiết bị đo lường thông minh cung cấp dữ liệu chính xác và kịp thời, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về mô hình sử dụng năng lượng của mình và điều chỉnh hành vi tiêu thụ để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, nhà cung cấp năng lượng cũng có thể sử dụng dữ liệu này để tối ưu hóa việc cung cấp năng lượng và phản ứng nhanh chóng với các sự cố.

Hệ thống quản lý năng lượng (Energy Management Systems) là một phần không thể thiếu của hệ thống năng lượng thông minh, sử dụng AI và các thuật toán tối ưu hóa để quản lý việc tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà, khu công nghiệp và các cơ sở hạ tầng khác. Những hệ thống này có khả năng tự động điều chỉnh các thiết bị và hệ thống dựa trên nhu cầu thực tế và điều kiện thời tiết, từ đó giảm chi phí năng lượng và giảm thiểu lãng phí.

Nguồn năng lượng phân tán (Distributed Energy Resources – DERs) như năng lượng mặt trời và gió đóng góp quan trọng vào sự linh hoạt và khả năng phục hồi của hệ thống năng lượng thông minh. Thay vì dựa vào các nhà máy điện lớn và tập trung, hệ thống năng lượng thông minh có thể tích hợp hàng loạt các nguồn năng lượng nhỏ, phân tán, tạo ra một mạng lưới năng lượng linh hoạt hơn. Điều này không chỉ giúp tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo mà còn giảm thiểu rủi ro của sự cố mất điện diện rộng.

Hệ thống lưu trữ năng lượng (Energy Storage Systems) là một công nghệ quan trọng khác trong hệ thống năng lượng thông minh. Các công nghệ lưu trữ như pin lithium-ion và hệ thống lưu trữ nhiệt cho phép lưu trữ năng lượng dư thừa từ các nguồn tái tạo và sử dụng khi cần thiết. Điều này giúp cân bằng cung và cầu năng lượng, cải thiện độ tin cậy của lưới điện và hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống.

Lợi ích của hệ thống năng lượng thông minh

Lợi ích của hệ thống năng lượng thông minh rất đa dạng và sâu rộng. Trước hết, hệ thống này giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm thiểu lãng phí và nâng cao hiệu quả tổng thể. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho cả nhà cung cấp và người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ môi trường bằng cách giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, hệ thống năng lượng thông minh cải thiện độ tin cậy và an ninh năng lượng, nhờ vào khả năng giám sát và quản lý thời gian thực, phát hiện và khắc phục sự cố nhanh chóng.

Thách thức và tương lai của hệ thống năng lượng thông minh

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, hệ thống năng lượng thông minh cũng đối mặt với một số thách thức. Vấn đề bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân là mối quan tâm lớn khi các thiết bị thông minh kết nối với mạng lưới. Chi phí đầu tư ban đầu cho việc triển khai công nghệ cũng là một rào cản không nhỏ. Tuy nhiên, với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, hệ thống năng lượng thông minh được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho một tương lai năng lượng bền vững và hiệu quả. Sự kết hợp của công nghệ thông minh với hệ thống năng lượng hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi tích cực, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ hành tinh của chúng ta.

P.A.T (NASATI)

Máy in 3D lớn nhất thế giới xây nhà trong 48 giờ

Máy in 3D ở Đại học Maine có thể tăng quy mô để in 454 kg vật liệu mỗi giờ và hoàn thành một ngôi nhà trong hai ngày.

Nhà in 3D BioHome3D bằng máy in 3D lớn nhất thế giới. Ảnh: Đại học Maine

Habib Dagher, giám đốc điều hành Trung tâm vật liệu composite và cấu trúc cao cấp (ASCC) thuộc Đại học Maine, và cộng sự phát triển máy in 3D polymer lớn nhất thế giới mang tên “Nhà máy tương lai 1.0”, có thể giải quyết khủng hoảng nhà ở tại bang này và cách mạng hóa in nhà 3D, theo CNN. “Mọi người không thể tìm thấy nhà ở bởi chúng quá đắt đỏ. Chúng ta cũng có dân số lão hóa, ngày càng ít thợ điện, thợ lắp ống nước hay thợ xây”, Dagher nói.

Trong những năm gần đây, công nghệ in 3D được sử dụng để xây dựng mọi thứ từ cầu, nhà thờ tới nhà ở. Đại đa số máy in 3D hiện nay dùng bê tông, với cánh tay robot trang bị vòi phun từng lớp bê tông ướt theo hình dạng phù hợp. ASCC đi theo một hướng khác. Máy in khổng lồ của họ cùng với phiên bản tiền nhiệm được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận là “máy in 3D polymer nguyên mẫu lớn nhất thế giới” là những máy in duy nhất xây nhà bằng gỗ thừa, theo Dagher.

Công nghệ trên của ASCC đã được thử nghiệm. Cuối năm 2022, Đại học Maine giới thiệu “BioHome3D”, ngôi nhà rộng 55,7 m2 cho một hộ gia đình, là nhà in 3D đầu tiên trên thế giới từ 100% sợi gỗ và nhựa sinh học. Khi dùng bê tông, máy in chỉ có thể in tường, nhưng phần sàn, mái và tường của BioHome3D đều được in 3D, Dagher cho biết. Nhà bê tông cũng cần xây tại chỗ. Đó có thể là vấn đề lớn, đặc biệt vào mùa đông nhiều tuyết rơi. Khi thời tiết xấu trong hai tuần liên tiếp, máy in không thể hoạt động được. Ngược lại, ASCC in sẵn các module ở trường đại học và ráp lại tại chỗ để tạo ra BioHome3D.

Máy in mới có thể in vật thể dài 29,3 m, rộng 9,8 m và cao 5,5 m, đồng thời in tới 227 kg vật liệu mỗi giờ. Dagher chia sẻ mục tiêu của nhóm nghiên cứu là in 454 kg vật liệu mỗi giờ. Ở tốc độ đó, họ có thể in BioHome3D trong 48 giờ. Nếu có thể đáp ứng mục tiêu trên, những ngôi nhà in 3D của họ sẽ có giá cạnh tranh so với chi phí xây dựng nhà ở hiện nay. Ngôi nhà cũng có tính bền vững. Khi chủ nhà không cần sử dụng nữa, ngôi nhà có thể được nghiền nhỏ để in thứ khác. ASCC sử dụng gỗ thừa từ nhà máy cưa ở địa phương trong nghiên cứu và đang tìm cách mở rộng sản xuất bằng nguồn phụ phẩm này.

Tuy nhiên, việc xử lý vật liệu gỗ ở tốc độ cao có thể khó khăn. Ngay cả máy in tốc độ kỷ lục của ASCC đôi khi cũng bị tắc. Ví dụ, trong khi in BioHome3D, máy in ngừng hoạt động do mùn gỗ tích tụ. Ngoài ra, có một số chướng ngại vật cần vượt qua như thiết lập quy chuẩn xây dựng mà các công ty cần phải đáp ứng. Máy in 3D không thể thay thế xây dựng nhà theo phương pháp truyền thống.

Hiện nay, ASCC đang tìm cách để tích hợp đường dây điện và ống nước trong quá trình in. Dự án lớn tiếp theo của máy in là một khu dân cư 9 ngôi nhà cho người vô gia cư. ASCC đang hợp tác với một tổ chức phi chính phủ địa phương để thiết kế công trình và dự kiến bắt đầu in vào năm 2025.

An Khang (Theo CNN)



 

 

Sáng kiến giúp tàu NASA nguyên vẹn khi bay sát Mặt Trời

Tàu OSIRIS-APEX không bị hư hỏng sau lần bay gần Mặt Trời nhất gần đây nhờ thay đổi cách bố trí tấm pin quang điện.

Tàu vũ trụ OSIRIS-REx của NASA. Ảnh: Sci Tech Daily

Tàu thăm dò OSIRIS-REx thực hiện thành công nhiệm vụ đưa mẫu vật từ tiểu hành tinh Bennu về Trái Đất và hiện nay đang tiến đến tiểu hành tinh Apophis trong nhiệm vụ mở rộng. Với nhiệm vụ mới, OSIRIS-APEX sẽ bay gần Mặt Trời hơn 40 triệu km so với thiết kế của tàu. Các nhà khoa học cho rằng vài lần bay gần như vậy rất cần thiết để tàu thăm dò bay đúng lộ trình tới Apophis vào năm 2029, Space hôm 30/5 đưa tin.

OSIRIS-APEX đang bay theo quỹ đạo elip xung quanh Mặt Trời, khiến tàu đi qua điểm gần Mặt Trời nhất 9 tháng một lần. Lần bay gần đầu tiên của nó rơi vào ngày 2/1. Để chuẩn bị đối phó bức xạ cực mạnh, hồi đầu tháng 12 năm ngoái, đội phụ trách nhiệm vụ thu gọn một trong hai tấm pin quang điện để che phủ những thiết bị nhạy nhất của tàu thăm dò, trong khi tấm pin còn lại hướng về phía Mặt Trời để cung cấp điện cho tàu.

Cách giải quyết sáng tạo trên giúp bảo vệ tàu vũ trụ trong trong suốt lần bay gần Mặt Trời cực nguy hiểm, đúng như mô phỏng máy tính dự đoán trước đó. “Thật ấn tượng khi cấu hình mới bảo vệ tàu OSIRIS-APEX rất tốt”, Ron Mink, kỹ sư hệ thống nhiệm vụ OSIRIS-APEX tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Maryland, cho biết.

Dữ liệu viễn trắc tải từ tàu vũ trụ hồi giữa tháng 3 giúp nhà khoa học chắc chắn về tình trạng tốt của nó. Đầu tháng 4, con tàu bay đủ xa Mặt Trời để khôi phục hoạt động bình thường, theo thông báo của NASA. Các nhà khoa học và kỹ sư cũng rất bất ngờ khi nhận thấy camera trên tàu hoạt động thậm chí còn tốt hơn sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong lần bay gần này. MapCam, camera từng lập bản đồ có màu của Bennu và sau này là Apophis, giảm 70% đốm màu từ tháng 4 năm ngoái, lần cuối cùng camera được kiểm tra.

Đốm màu xảy ra do phơi lâu dưới bức xạ Mặt Trời và là vấn đề phổ biến đối với camera trong vũ trụ. Dù thường được giải quyết với nhiệt lượng từ máy sưởi, camera của OSIRIS-APEX khôi phục hoạt động tự nhiên nhờ nhiệt lượng tăng vọt từ lần bay gần Mặt Trời hồi đầu năm. Các thành viên nhóm phụ trách đều nhẹ nhõm khi OSIRIS-APEX vẫn an toàn sau lần bay gần Mặt Trời mới nhất. Họ không rõ 5 lần bay gần tiếp theo có ảnh hưởng tới tàu thăm dò và thiết bị bên trong hay không. Lần bay gần tiếp theo sẽ rơi vào ngày 1/9, con tàu tiếp tục bay cách bề mặt Mặt Trời 74,8 triệu km, bên trong quỹ đạo của sao Kim và vượt xa giới hạn hoạt động ban đầu của nó.

An Khang (Theo Space)

La Nina có thể xuất hiện vào tháng 7 và giúp giảm nhiệt

Các nhà khoa học cho biết hiện tượng La Nina đang xuất hiện làm hạ nhiệt độ bề mặt đại dương, 60% sẽ xảy ra trong giai đoạn tháng 7 – 9.

 

La Nina có thể gây mưa lớn ở một số nơi và hạn hán ở những nơi khác. Ảnh: Somchai Poomlard

La Nina có thể gây mưa lớn ở một số nơi và hạn hán ở những nơi khác. Ảnh: Somchai Poomlard

 

Sự trở lại của hiện tượng thời tiết La Nina mát mẻ trong năm nay sẽ giúp nhiệt độ giảm phần nào sau nhiều tháng nhiệt độ toàn cầu lập kỷ lục. Tác động này có thể sẽ được cảm nhận trong vài tháng tới vì kiểu thời tiết El Nino ấm áp – vốn thúc đẩy sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và thời tiết cực đoan trên thế giới từ giữa năm 2023 – đang có dấu hiệu kết thúc, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc (UN) cho biết hôm 3/6.

Trong khi El Nino làm nóng bề mặt đại dương thì La Nina là sự hạ nhiệt độ bề mặt đại dương ở những vùng rộng lớn thuộc khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương, đi kèm với gió, mưa và những thay đổi về áp suất khí quyển. Ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng nhiệt đới, La Nina mang tới những tác động khí hậu trái ngược với El Nino, dẫn đến hạn hán ở một số nơi và gây mưa lớn ở những nơi khác.

WMO cho biết, có 60% khả năng La Nina xảy ra trong giai đoạn tháng 7 – 9 và 70% trong tháng 8 – 11. Khả năng El Nino tái phát triển rất thấp.

Phần lớn lượng nhiệt dư thừa của Trái Đất do biến đổi khí hậu được lưu trữ trong các đại dương. Tại Mỹ, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã tính đến La Nina khi dự báo mùa bão Đại Tây Dương năm nay. Theo NOAA, dự kiến có 4 – 7 cơn bão mạnh ở Đại Tây Dương từ tháng 6 đến tháng 11.

“Mùa bão Đại Tây Dương sắp tới dự kiến sôi động hơn bình thường do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm nhiệt độ đại dương ấm gần đạt mức kỷ lục ở Đại Tây Dương, sự phát triển của hiện tượng La Nina ở Thái Bình Dương, gió mậu dịch Đại Tây Dương và gió đứt giảm”, NOAA cho biết.

Tuy nhiên, WMO cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong dài hạn do tình trạng biến đổi khí hậu mà con người gây ra. Điều này sẽ khiến những hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên tồi tệ hơn và làm đảo lộn các mô hình nhiệt độ và lượng mưa theo mùa.

Mỗi tháng kể từ tháng 6/2023, khi El Nino diễn ra, đều thiết lập kỷ lục nhiệt độ cao mới. Tính đến nay, 2023 cũng là năm ấm nhất từng ghi nhận trên toàn cầu.
“Sự kết thúc của El Nino không đồng nghĩa tình trạng biến đổi khí hậu trong dài hạn sẽ dừng lại, vì hành tinh sẽ tiếp tục ấm lên do khí nhà kính giữ nhiệt. Nhiệt độ mặt nước biển cao vẫn có vai trò quan trọng trong những tháng tới”, Ko Barrett, phó tổng thư ký tại WMO, nhấn mạnh.

9 năm qua là những năm ấm nhất từng ghi nhận, kể cả khi có ảnh hưởng hạ nhiệt của đợt La Nina kéo dài từ năm 2020 đến đầu năm 2023, theo WMO. El Nino mới nhất, đạt đỉnh điểm vào tháng 12 năm ngoái, là một trong 5 đợt mạnh nhất lịch sử.

Thu Thảo (Theo AFP)

AI chẩn đoán X-quang tuyến vú của Việt Nam rộng cửa vào Mỹ

VinDr của VinBigdata là sản phẩm AI đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn FDA ở hạng mục phân tích ảnh X-quang tuyến vú.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chính thức cấp phép cho VinDr lưu hành trên thị trường nước này, hôm 23/5. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 có sản phẩm AI cho chẩn đoán X-quang tuyến vú được FDA công nhận, sau Mỹ, Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc.

Theo VinBigdata, sản phẩm được nghiên cứu và đánh giá dựa trên các bộ dữ liệu của nhiều nhóm đối tượng ở Mỹ và Việt Nam. VinDr có khả năng tự động phân loại ảnh chụp X-quang tuyến vú, phát hiện các ca nghi ngờ ung thư vú, độ chính xác 96,5% với dữ liệu người Việt và 95,8% với dữ liệu người Mỹ.

Với việc áp dụng công nghệ AI và thị giác máy tính tiên tiến nhất, sản phẩm có khả năng đánh giá mật độ tuyến vú, phân loại ca chụp theo chuẩn BI-RADS, phát hiện các tổn thương tuyến vú giai đoạn sớm.

Sản phẩm AI cho chẩn đoán X-quang tuyến vú đầu tiên tại Việt Nam được FDA công nhận. Ảnh: VinBigdata

Sản phẩm AI cho chẩn đoán X-quang tuyến vú đầu tiên tại Việt Nam được FDA công nhận. Ảnh: VinBigdata

Theo TS Nguyễn Quý Hà – Giám đốc Khối Công nghệ Phân tích hình ảnh VinBigdata, việc ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh y tế, sàng lọc sớm ung thư khá phổ biến ở nhiều quốc gia, nhưng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Đa phần bệnh nhân mắc ung thư tại Việt Nam đến khám ở giai đoạn tương đối muộn.

“Sản phẩm giúp bác sĩ có thêm căn cứ để chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu và phát hiện bệnh kịp thời, giai đoạn sớm. Chúng tôi kỳ vọng, sau khi đạt chứng nhận của FDA, VinDr sẽ tiếp cận nhiều thị trường, hỗ trợ y bác sĩ và nhiều người bệnh”, tiến sĩ Hà chia sẻ.

Ngoài chẩn đoán ảnh X-quang tuyến vú, sản phẩm được tích hợp các công cụ hỗ trợ chẩn đoán thông minh cho 6 loại ảnh khác gồm: X-quang lồng ngực, X-quang cột sống, CT sọ não, CT lồng ngực, CT gan mật, MRI sọ não. Máy có thể phát hiện, khoanh vùng gần 70 loại bất thường phổ biến và chẩn đoán đồng thời nhiều ca chụp một lúc với độ chính xác và tốc độ không đổi.

TS Nguyễn Quý Hà phân tích hình ảnh của VinDr. Ảnh: VinBigdata

TS Nguyễn Quý Hà tại phòng làm việc. Ảnh: VinBigdata

Sử dụng AI trong đọc ảnh y tế là đề tài nghiên cứu chính được Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata định hướng từ cuối năm 2018, với sự đầu tư từ tập đoàn Vingroup.

“Nhận được chấp thuận của FDA là dấu mốc quan trọng, mở ra cánh cửa để chúng tôi bước chân vào thị trường toàn cầu, khẳng định chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghệ Việt, do người Việt làm chủ”, tiến sĩ Nguyễn Quý Hà nhấn mạnh.

Đến nay, đội ngũ phát triển sản phẩm VinDr đã công bố 20 bài báo trên các tạp chí quốc tế, trong đó có 3 bài đăng trên Nature Scientific Data – tạp chí đầu ngành với chỉ số ảnh hưởng ở mức cao – 9,8.

Ngoài ra, các giải pháp AI về y tế của VinBigdata cũng được triển khai tại thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Israel góp phần khắc phục các hạn chế về chẩn đoán hình ảnh theo phương thức truyền thống.

Lan Anh

Máy bay siêu thanh NASA sẵn sàng bay lần đầu

Máy bay siêu thanh X-59 mới của NASA thực hiện thành công đánh giá tình trạng sẵn sàng bay, đánh dấu bước tiến chủ chốt hướng tới chuyến bay đầu tiên.

Máy bay X-59 đậu ở cơ sở Skunk Works của Lockheed Martin ở Palmdale, California. Ảnh: NASA/Steve Freeman

Máy bay X-59 đậu ở cơ sở Skunk Works của Lockheed Martin ở Palmdale, California. Ảnh: NASA/Steve Freeman

Đánh giá do các chuyên gia độc lập của NASA tiến hành, xem xét cách tiếp cận của đội phụ trách dự án đối với an toàn của cộng đồng và nhân viên trong thử nghiệm trên mặt đất và bay trong không trung, cũng như phân tích rủi ro có thể phát sinh. Kết quả đánh giá cung cấp nhiều thông tin quý giá và khuyến nghị cho đội phụ trách khi họ chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên của mẫu máy bay phản lực, Space hôm 31/5 đưa tin.

Cathy Bahm, quản lý dự án Low Boom Flight Demonstrator của NASA chia sẻ các thành viên trong dự án sẽ xử lý theo khuyến nghị và làm việc để tiến tới đánh giá độ an toàn bay và khả năng bay.

Máy bay X-59 do hãng Lockheed Martin chế tạo là một bộ phận chủ chốt trong nhiệm vụ đột phá Quesst của NASA nhằm giảm tiếng nổ gắn liền với máy bay siêu thanh khiến loại máy bay này bị cấm trên đất liền trong hơn 50 năm. Nguyên nhân đến từ rung động và tiếng ồn khó chịu mà máy bay gây ra khi vượt qua vận tốc âm thanh.

X-59 được kỳ vọng tạo ra tiếng động êm hơn, chủ yếu do hình dáng độc đáo mang tính cách mạng của phương tiện. Phần mũi kéo dài của máy bay dài 11,5 m, chiếm hơn 1/3 chiều dài toàn bộ máy bay (30 m).

Đánh giá tình trạng sẵn sàng bay là bước đầu tiên trong quá trình xin cấp phép bay. Bước tiếp theo là đánh giá độ an toàn và khả năng bay, xem xét phản ứng của đội phụ trách dự án đối với lần đánh giá gần đây nhất. Trước khi máy bay chính thức cất cánh, nhà chức trách NASA cần ký giấy phép bay. Trong khi đó, đội phụ trách sẽ chuẩn bị cho nhiều thử nghiệm trên mặt đất, tập trung vào kết hợp các hệ thống và ảnh hưởng của nhiễu điện từ với máy bay.

An Khang (Theo Space)

Thấu kính mỏng nhất thế giới

Nhóm nhà khoa học từ Đại học Stanford và Đại học Amsterdam tạo ra thấu kính mỏng nhất thế giới, chỉ dày ba nguyên tử.

Sơ đồ của thấu kính mỏng nhất thế giới. Ảnh: Ludovica Guarneri/Thomas Bauer

Sơ đồ của thấu kính mỏng nhất thế giới. Ảnh: Ludovica Guarneri/Thomas Bauer

Thấu kính được thiết kế để thu thập, bẻ cong và tập trung ánh sáng vào một điểm nhất định. Điều này giúp phóng đại vật thể để điều chỉnh thị lực, cho phép con người nhìn thấy những thứ rất nhỏ qua kính hiển vi hoặc những thứ ở rất xa qua kính viễn vọng. Thấu kính thường làm bằng thủy tinh cong hoặc các vật liệu trong suốt khác, ví dụ, kính áp tròng được chế tạo từ hydrogel.

Tuy nhiên, thiết kế cổ điển này có thể khiến những thấu kính lớn trở nên dày và nặng, nhất là khi làm bằng thủy tinh. Để tiết kiệm vật liệu, thấu kính Fresnel được phát minh vào thế kỷ 19, ban đầu dùng trong các ngọn hải đăng. Thấu kính Fresnel sử dụng nhiều vòng tròn vật liệu đồng tâm để làm nhiễu xạ ánh sáng vào một điểm hội tụ. Điều này khiến độ rõ nét của hình ảnh giảm nhưng lại giúp thấu kính trở nên mỏng hơn nhiều.

Trong nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nano Letters, nhóm nhà khoa học từ Đại học Stanford và Đại học Amsterdam tạo ra thấu kính chỉ dày 0,6 nm, hay ba nguyên tử, New Atlas hôm 1/6 đưa tin. Đây là thấu kính mỏng nhất từng được chế tạo, đánh bại kỷ lục cũ vào năm 2016 với thấu kính dày 6,3 nm, gấp khoảng 10 lần.

Thấu kính mới gồm các vòng tròn đồng tâm của vonfram disulphide, giúp hấp thụ ánh sáng đỏ chiếu đến và chiếu lại vào một điểm hội tụ cách bề mặt 1 mm. Thấu kính hoạt động bằng cách tạo ra các giả hạt (quasiparticle) tồn tại trong thời gian ngắn gọi là “exciton”. Các hạt này sau đó phân rã và phát ra ánh sáng. Vì thấu kính chỉ tập trung ánh sáng đỏ một cách chọn lọc, các bước sóng khác sẽ đi qua mà không bị ảnh hưởng. Tính chất này mang đến một số ứng dụng thú vị.

“Thấu kính có thể dùng trong các ứng dụng đòi hỏi khung cảnh nhìn qua thấu kính không bị ảnh hưởng, nhưng một phần nhỏ ánh sáng có thể được khai thác để thu thập thông tin. Điều này khiến nó trở nên lý tưởng cho những loại kính đeo như kính thực tế tăng cường (AR)”, Jorik van de Groep, chuyên gia tại Đại học Amsterdam, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.

Nhóm nghiên cứu cho biết, tiếp theo, họ sẽ tìm hiểu xem có thể dùng công nghệ này để tạo ra những lớp phủ phức tạp được kích hoạt bằng các xung điện nhỏ hay không.

Thu Thảo (Theo New Atlas)

Các nhà khoa học Thụy Điển phát triển pin kẽm-lignin sạc lại hơn 8.000 lần

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Linköping, Thụy Điển đã phát triển thành công một loại pin mới được chế tạo từ kẽm và lignin, có thể sạc lại hơn 8.000 lần. Sáng kiến này nhằm cung cấp một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường và giá cả phải chăng cho các loại pin hiện có, đặc biệt là ở những khu vực có nguồn điện hạn chế. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Energy & Environmental Materials.

Giải pháp pin thân thiện với môi trường

Pin kẽm-lignin mới chạy ổn định, có thể sử dụng trên 8.000 lần sạc trong khi vẫn duy trì khoảng 80% hiệu suất. “Các tấm pin mặt trời đã trở nên tương đối rẻ và nhiều người ở các nước có thu nhập thấp đã sử dụng chúng. Tuy nhiên, ở gần xích đạo, mặt trời lặn vào khoảng 6 giờ chiều khiến các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh không có điện. Hy vọng rằng với công nghệ pin này, ngay cả với hiệu suất thấp hơn so với pin Li-ion đắt tiền, đây sẽ là giải pháp để giải quyết những vấn đề đó“, Giáo sư Reverant Crispin, chuyên gia về Điện tử hữu cơ tại Đại học Linköping, cho biết.

Tiến bộ trong vật liệu pin

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Reverant Crispin thuộc Phòng thí nghiệm Điện tử hữu cơ tại Đại học Linköping, cùng với các nhà nghiên cứu tại Đại học Karlstad và Chalmers, đã phát triển loại pin này từ kẽm và lignin – hai vật liệu tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Mặc dù mật độ năng lượng của pin kẽm-lignin tương đương với pin axit chì, nhưng nó không chứa các chất độc hại như chì.

Pin kẽm-lignin duy trì khả năng sạc trong khoảng một tuần, lâu hơn đáng kể so với các loại pin kẽm tương tự khác. Mặc dù pin kẽm đã xuất hiện trên thị trường, chủ yếu là loại không thể sạc lại, nhưng với khả năng sạc lại được đưa vào, pin kẽm-lignin có thể dần thay thế pin lithium-ion.

Hiệu quả chi phí và tái chế

Mặc dù pin lithium-ion rất hữu ích khi được sử dụng đúng cách, nhưng chúng có thể gây nổ, khó tái chế và gây ra các vấn đề môi trường và nhân quyền khi khai thác các nguyên tố hóa học như coban. Do đó, pin kẽm-lignin của chúng tôi cung cấp một giải pháp thay thế bền vững và hứa hẹn, nhất là trong các ứng dụng không yêu cầu mật độ năng lượng cao“, nhà nghiên cứu Ziyauddin Khan tại Phòng thí nghiệm Điện tử hữu cơ, Đại học Linköping, cho biết.

Pin kẽm thường kém bền vì kẽm phản ứng với nước trong dung dịch điện phân, tạo ra khí hydro và gây ra sự phát triển dendrit kẽm, khiến pin không thể sử dụng được. Để khắc phục vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng chất điện phân muối nước trong polymer dựa trên polyacrylate gốc kali (WiPSE), cho thấy độ ổn định cao khi sử dụng trong pin kẽm-lignin. “Cả kẽm và lignin đều siêu rẻ và pin có thể tái chế dễ dàng. Tính toán chi phí cho mỗi chu kỳ sử dụng, pin này rẻ hơn rất nhiều so với pin lithium-ion“, Ziyauddin Khan cho biết.

Hiện tại, pin kẽm-lignin mới chỉ được phát triển trong phòng thí nghiệm với kích thước nhỏ, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng có thể sản xuất các cục pin lớn tương đương với ắc quy ô tô nhờ nguồn lignin và kẽm giá rẻ. Tuy nhiên, việc sản xuất hàng loạt sẽ cần sự tham gia của doanh nghiệp.

Giáo sư Reverant Crispin khẳng định rằng Thụy Điển, với vị thế là một quốc gia đổi mới, có thể hỗ trợ các nước khác áp dụng các giải pháp bền vững. “Chúng ta có thể coi nhiệm vụ của mình là giúp các nước có thu nhập thấp tránh những sai lầm chúng ta đã mắc phải. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng, họ cần bắt đầu ngay với công nghệ xanh. Nếu công nghệ không bền vững được sử dụng bởi hàng tỷ người, nó sẽ dẫn đến thảm họa khí hậu khôn lường“, ông Crispin cho biết.

P.A.T (NASATI)