Không dùng điện hay hóa chất, ông Nguyễn Văn Khỏe (trú TP Biên Hòa, Đồng Nai) làm bẫy thu hút muỗi mẹ tới đẻ trứng và nhốt lăng quăng trong hộp nhựa.
Ông Khỏe, 60 tuổi, học chưa hết lớp 8 nhưng với đam mê sáng chế đã đầu tư thời gian, công sức trong hơn hai năm để chế tạo thiết bị bắt muỗi
Ý tưởng khởi nguồn từ năm 2016, khi ông thành lập công ty cung cấp giải pháp sấy bằng nhiệt mặt trời. Khi lắp hệ thống sấy cho khách, ông nhận thấy hầu như nơi nào cũng đối mặt với muỗi hoành hành, đặc biệt mùa mưa. Các giải pháp dùng vợt điện, nhang chống muỗi hay hóa chất “ít nhiều không đảm bảo an toàn, gây tác dụng phụ với người dễ bị dị ứng như người già, trẻ em”, ông nghĩ. Năm 2022, trong một lần mở quạt nước để vệ sinh, ông phát hiện nhiều muỗi bay ra từ két chứa nước làm mát. Tháo dụng cụ chứa nước quạt, ông thấy có nhiều lăng quăng bơi trong đó. “Tôi nghĩ đến việc làm dụng cụ bắt muỗi từ phát hiện này”, ông Khỏe nói.
Không có kiến thức chuyên môn, ông Khỏe lên mạng tìm hiểu tập tính sinh học của muỗi. Ông nhận ra, các giải pháp đang có hiện nay chỉ tiêu diệt được muỗi trưởng thành, còn việc sinh sản, tăng sinh số lượng của chúng chưa được quan tâm, phòng chống tận gốc. Nhận thấy, muỗi có đặc điểm sinh sản, đẻ trứng ở những nơi đọng nước, chỗ tối ông chế tạo thiết bị bắt muỗi bằng việc ngăn chặn chúng tăng số lượng thông qua việc đẻ trứng.
Ông thiết kế bẫy bắt muỗi dạng hình trụ, làm bằng nhựa in 3D. Sản phẩm gồm hai phần chính gồm nơi cho muỗi mẹ đẻ trứng và khu vực chứa lăng quăng sau khi nở. Khi người dùng đổ nước vào bẫy, nước sẽ là thu hút cho muỗi mẹ đến đẻ trứng. Trong khu vực đẻ trứng có cấu tạo dạng phễu, đáy có khe hở. Trong 3 – 4 tuần, trứng sẽ nở thành lăng quăng và chúng sẽ đi theo khe hở đến khu vực chứa. Do không có thức ăn và không thể thoát ra ngoài bởi toàn bộ khu vực này đã được bịt kín, lăng quăng sẽ chết sau vài ngày, xác sẽ rơi xuống đáy bình. Khi bẫy bắt muỗi có nhiều cặn ở đáy, người dùng sẽ vệ sinh và đổ nước để sử dụng tiếp. “Đặc tính của muỗi là thích đẻ trứng nơi nước sạch, nên sản phẩm này rất phù hợp để bắt muỗi”, ông Khỏe nói.
Trong quá trình chế tạo, ông nói việc thiết kế khe hở để lăng quăng bơi xuống khu vực chứa là khó khăn nhất. Khe hở không quá nhỏ để lăng quăng có thể chui qua, nhưng cũng không quá lớn khiến chúng có thể bơi trở lại khu vực đẻ trứng. Trong khoảng 6 tháng, ông thử nghiệm nhiều kích thước khe hở để tìm ra độ rộng tối ưu. Phần khung nhựa, ông đặt hàng in 3D để tiết kiệm chi phí mỗi khi điều chỉnh các thông số kỹ thuật. Thử nghiệm thực tế cho thấy, sau khoảng 3 tháng, thiết bị có thể bắt 50 – 70 lăng quăng và hàng trăm trứng.
Nhà sáng chế 60 tuổi nói, sẽ dành tặng sản phẩm cho mỗi gia đình dùng trong 1 – 3 tháng để đánh giá. Khi tặng sản phẩm, ông sẽ khảo sát vị trí, môi trường xung quanh khu vực và tư vấn vị trí đặt bẫy hợp lý, đạt hiệu quả cao nhất. Ông dự kiến bán sản phẩm với giá 100.000 đồng để phục vụ người dân. “Chính quyền từng nhiều lần tuyên truyền về việc không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết. Sản phẩm của tôi có thể góp phần thực hiện mục tiêu này”, ông Khỏe nói. Sản phẩm bẫy muỗi của ông Khỏe được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng giải pháp hữu ích năm hồi đầu năm 2023.
Kể chuyện nghỉ học khi mới lớp 8, ông nói, đó là “quyết định có phần nông nổi”. Khi đó học lực của ông vào loại khá giỏi. Năm học đó, ông bị ốm phải vào bệnh viện hai tuần. Khi ra viện, ông trở lại trường và phải nhận điểm 2 của cô giáo khi không đáp được bài. Ông xấu hổ và buồn đến mức quyết định nghỉ học và bôn ba làm kinh doanh nhiều lĩnh vực. “Khi ra đời, tôi tự học để sinh tồn và tự dặn mình phải học nhiều hơn nữa để bù lại khoảng thời gian mình nghỉ học giữa chừng”, ông Khỏe nói.
Anh Nguyễn Văn Khanh, 40 tuổi, trú huyện Bình Chánh, đánh giá sản phẩm có giá 100.000 đồng là rất vừa túi tiền người dân. Khi dùng lâu có thể đem vệ sinh và tái sử dụng, an toàn cho con người và môi trường so với các phương pháp diệt muỗi truyền thống.
Thạc sĩ Trần Phi Hùng, chuyên gia ký sinh trùng và côn trùng, nguyên giảng viên Khoa Sinh học và Công nghệ sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết, bẫy muỗi tác giả hướng đến là loài truyền sốt xuất huyết cho người. Muỗi sốt xuất huyết có đặc tính hay hoạt động ban ngày, thích đẻ trứng trong vật chứa nhỏ, trong bóng mát và hơi tối, phù hợp với giải pháp tác giả đưa ra.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, với những nơi có mật độ cao, chỉ cần một đến hai ngày chúng sẽ đẻ trứng nhiều ở các vật chứa có đặc điểm trên chứ không riêng gì vị trí có bẫy.
Theo ông Hùng tác giả cần thêm giải pháp phụ trợ để thu hút muỗi đẻ trứng trong bẫy của mình. “Cần có so sánh vật chứa bắt muỗi của tác giả với các vật chứa khác để rõ tính hiệu quả hơn”, ông nói, với mỗi loài muỗi chúng sẽ có tập tính đẻ trứng khác nhau. Có loài muỗi đẻ trứng trên nước tĩnh, nước chảy chậm hay nước chảy nhanh. Có loài thích sinh sản nơi nước sạch, nhưng cũng có loài đẻ ở nước bẩn, nơi chứa có bóng mát… Tùy thuộc vào đặc tính từng loài để có thể có phương pháp bẫy phù hợp.
Chuyên gia cho rằng, ngoài phương pháp này có thể sử dụng bẫy muỗi bằng ánh sáng để thu hút chúng vào ban đêm. Các phương pháp bẫy muỗi tự nhiên thường an toàn, song thạc sĩ Hùng cho rằng muỗi nói riêng hoặc các loài côn trùng có hại nói chung thì phương pháp diệt trừ bằng hóa học được coi là nhanh, rẻ tiền nhất. Song, sử dụng hóa chất sẽ có những ảnh hưởng đến tự nhiên và con người nên cần sử dụng với liều lượng hợp lý.
Hà An – Công Khang/VNEXPRESS