Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong tình hình mới

Hội nghị giao lưu của 3 tổ chức công đoàn: Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam được tổ chức hằng năm đã trở thành sự kiện quan trọng, là nơi gắn kết ba công đoàn từng tách ra từ Công đoàn Ủy ban Khoa học Nhà nước, khẳng định tinh thần đoàn kết và nỗ lực không ngừng của các tổ chức công đoàn.

Đó là khẳng định của ông Phạm Gia Chương, Phó Bí thư trường trực Đảng ủy Bộ KH&CN tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động công đoàn năm 2024. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công đoàn viên chức Việt Nam (2/7/1994 – 2/7/2024).
Ông Phạm Gia Chương chia sẻ, 3 tổ chức công đoàn: Bộ KH&CN, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã hoạt động tích cực và hiệu quả trong thời gian qua, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của 3 tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Từ năm 2003, Hội nghị giao lưu được tổ chức hằng năm đã trở thành sự kiện quan trọng, là nơi gắn kết ba công đoàn từng tách ra từ Công đoàn Ủy ban Khoa học Nhà nước, khẳng định tinh thần đoàn kết và nỗ lực không ngừng của các tổ chức công đoàn.
Nhìn lại chặng đường từ khi 3 tổ chức công đoàn tách ra, mỗi tổ chức có những bước tiến lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các lĩnh vực KH&CN của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế – xã hội, vai trò của các công đoàn lại càng được khẳng định.
Ông Phạm Gia Chương phát biểu tại Hội nghị.
Ông Hà Quốc Trung, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Chủ tịch Công đoàn Bộ KH&CN cho biết, trong thời gian qua Công đoàn Bộ KH&CN đã đẩy mạnh thi đua, đưa nghị quyết đại hội các cấp công đoàn vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả. Theo đó, Công đoàn Bộ KH&CN đã tổ chức chương trình Bộ trưởng đi thăm và tặng quà tại Điện Biên. Tại đây Đoàn công tác đã trao 100 suất quà cho 100 công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá trên 130 triệu đồng và 6 tivi 55 inch, 4 máy in, 20 máy vi tính, 2 máy chiếu; tặng hơn 500 suất quà là đồ dùng học tập cho học sinh hai trường trên địa bàn 2 xã Noong U và Pu Nhi.
Công đoàn Bộ KH&CN đã chức buổi lễ trao tặng quà cho 28 đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ngoài ra, Công đoàn Bộ cũng tổ chức đoàn đi thăm và tặng quà tại bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Nhi trung ương cho 2 trường hợp Đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, Công đoàn Bộ KH&CN đã triển khai hướng dẫn các công đoàn trực thuộc phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động năm 2024 để thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổ chức Hội nghị triển khai công tác và ký giao ước thi đua năm 2024 của Khối thi đua I – Công đoàn Viên chức Việt Nam. Năm 2024 với vai trò là khối trưởng khối thi đua I, Công đoàn Bộ đã chủ động xây dựng Kế hoạch hoạt động của Khối và Giao ước thi đua để Công đoàn các Bộ, ngành cùng tham gia.
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chào mừng Ngày KH&CN 18/5 và Kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN, Công đoàn Bộ KH&CN đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chính sách, pháp luật của ngành KH&CN; tổ chức Hội nghị, tọa đàm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Công đoàn Bộ KH&CN và gặp mặt các thế hệ cán bộ Ban Chấp hành Công đoàn Bộ qua các thời kỳ…
Ông Hà Quốc Trung trao đổi về các kết quả của Công đoàn Bộ KH&CN trong thời gian qua.
Chia sẻ về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới, ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết: Công đoàn Viện đã tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động một cách toàn diện từ tư duy đến phương pháp, đảm bảo sự hợp tác hài hòa, bền chặt với chính quyền. Đồng thời, xác định rõ quan điểm: không thể dựa vào sự tạo điều kiện từ chính quyền mà cần chủ động khẳng định vai trò, vị trí của mình thông qua việc trả lời các câu hỏi: Tổ chức công đoàn mang lại quyền lợi gì cho công đoàn viên? Công đoàn giúp gì cho chính quyền? Trong thời gian tới, để tiếp tục hiện thực hóa công tác đổi mới, Công đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt ba phương hướng đổi mới về nhận thức, con người và phương thức hoạt động. Trong đó nhận thức về mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp hoạt động.
Ông Phạm Minh Phúc chia sẻ về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới.
Bà Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chia sẻ, những năm qua, Công đoàn Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã rất chú trọng công tác cải tiến phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn để nâng cao hiệu quả công tác, đồng thời xây dựng nhận thức cho đoàn viên công đoàn trong việc thực hiện tu dưỡng, rèn luyện. Đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp thuộc Công đoàn Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực trong đổi mới lề lối làm việc và thực thi nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào thành tích chuyên môn của cơ quan, đơn vị.
Bà Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi thảo luận, cũng như kiến nghị, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phối hợp, học tập công tác công đoàn giữa các công đoàn của 3 cơ quan: Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Đồng chí Lê Xuân Định, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ KH&CN chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trao cờ truyền thống cho ông Hà Quốc Trung.
Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị.
Các đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.  
Các đại biểu tham quan Trung tâm KH,CN&ĐMST thuộc Sở KH&CN Hải Phòng.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Tạo ra kim cương nhân tạo trong 15 phút nhờ kỹ thuật mới

Kim cương tự nhiên được hình thành trong lớp vỏ Trái đất, là vùng nóng chảy bị chôn vùi sâu hàng trăm km bên dưới bề mặt hành tinh. Quá trình này diễn ra dưới áp suất cực lớn lên tới vài gigapascal và nhiệt độ trên 1.500oC. Các điều kiện tương tự đã được sử dụng trong phương pháp hiện nay để tổng hợp ra kim cương nhân tạo. Phương pháp này thiết lập các điều kiện khắc nghiệt về áp suất và nhiệt độ như trong tự nhiên để thu hút carbon hòa tan trong kim loại lỏng như sắt, để chuyển nó thành kim cương xung quanh một hạt nhỏ hoặc viên kim cương nhỏ ban đầu.

Những viên kim cương được chế tạo bằng kỹ thuật mới hầu hết đều nguyên chất nhưng chúng có kích thước quá nhỏ.

Một nhóm nghiên cứu do Rodney Ruoff (Viện Khoa học Cơ bản,  Hàn Quốc) dẫn đầu đã công bố kỹ thuật tạo kim cương nhân tạo mới. Kỹ thuật mới này sử dụng Gallium được đun nóng bằng điện với một chút silicon trong nồi nấu bằng than chì. Gallium có thể xúc tác cho sự hình thành graphene từ mê tan. Graphene là carbon nguyên chất giống như kim cương, nhưng chứa các nguyên tử trong một lớp chứ không phải theo hướng tứ diện như các loại đá quý khác.

Các nhà nghiên cứu đặt nồi nấu kim loại Gallium trong một khoang được duy trì ở áp suất khí quyển ngang mực nước biển, trong đó khí mê tan siêu nóng, giàu carbon có thể được xả vào khoang này. Khoang tạo kim cương này cho phép nhóm nghiên cứu có thể điều chỉnh nhanh chóng các hoạt động với nồng độ kim loại và khí khác nhau.

Thông qua việc tinh chỉnh như vậy, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hỗn hợp gali – niken – sắt – kết hợp với một ít silicon là tối ưu để xúc tác cho sự phát triển của kim cương. Với công thức pha trộn này, nhóm nghiên cứu đã thu được kim cương từ đáy nồi nấu kim loại Gallium chỉ sau 15 phút. Sau khoảng 150 phút, một màng kim cương hoàn chỉnh hơn đã được hình thành. Các phân tích quang phổ cho thấy lớp màng này phần lớn là tinh khiết nhưng chứa một vài nguyên tử silicon.

Các chi tiết của cơ chế hình thành kim cương bằng kỹ thuật này phần lớn vẫn còn chưa rõ ràng với nhóm nghiên cứu, nhưng họ cho rằng, sự giảm nhiệt độ sẽ đẩy carbon từ khí mê tan về phía trung tâm của nồi nấu kim loại, nơi nó kết hợp lại thành kim cương. Ngoài ra, không có silicon thì không có kim cương hình thành nên các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể hoạt động như một hạt giống để carbon kết tinh xung quanh.

Mặc dù vậy, phương pháp mới này cũng có những thách thức riêng. Đó là những viên kim cương được sản xuất bằng kỹ thuật này rất nhỏ (nhỏ hơn hàng trăm nghìn lần so với những hạt kim cương nhân tạo sử dụng phương pháp hiện có). Tuy nhiên, kỹ thuật mới này có ưu điểm là tạo ra kim cương từ điều kiện nhiệt độ và áp suất không quá khó khăn nên các nhà nghiên cứu đang tìm cách tăng kích thước các hạt kim cương.

Công Minh (theo livescience.com)

Khám phá lịch sử hàng nghìn năm của sách

Cuốn Lịch sử sách (tên gốc tiếng Anh: The Oxford Illustrated History of the books) do James Raven – học giả người Anh chuyên về lịch sử sách – làm chủ biên (Hoàng Lan dịch) là một tuyển tập gồm 14 bài tiểu luận đa chuyên ngành về lịch sử sách của các giáo sư đầu ngành đến từ các viện nghiên cứu, đại học danh tiếng của Mỹ, Anh Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Italy…

Lịch sử sách nhìn từ góc độ đa chuyên ngành

Với việc nhìn sách từ nhiều góc độ: sử học về khoa học, tư tưởng, văn hóa, xã hội, nghệ thuật; thư mục học; văn học; ngôn ngữ; codex học; cổ tự; văn khắc; thủ thư; bảo tồn sách; nhân chủng học; khảo cổ học…, cuốn sách đã mang đến hiểu biết mới mẻ về sách, khám phá vai trò của sách, cung cấp một cái nhìn “đa văn hóa” về những yếu tố tạo nên một “cuốn sách”, đồng thời cho chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về lịch sử của sách.

Theo James Raven, điểm hấp dẫn của lịch sử sách trên bình diện toàn cầu trải dài trong nhiều thế kỷ chính là những sự khác biệt trong các định nghĩa về sách. Lý do là sách đã liên tục được sửa đổi, cải cách theo thời gian ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Lịch sử của sách cũng rất đa dạng và có niên đại ít nhất 5.000 năm, nó không chỉ gồm lịch sử của sách codex hay sách in, mà còn là lịch sử của các dân tộc khác nhau, ở những nơi khác nhau trên thế giới, theo những cách khác nhau, vì những lý do khác nhau và với những hệ quả rất khác nhau, đã nỗ lực, lưu hành, phổ biến cũng như truy xuất kiến thức, thông tin.

Lich su sach anh 2

Sách Lịch sử sách (ấn bản thường). Ảnh: MC.

Mặt khác, xét trên phạm vi toàn thế giới và ở nhiều xã hội khác nhau trong quá khứ cũng như hiện tại, sách tồn tại dưới nhiều hình thức và thể loại khác nhau như: bảng hình nêm; dạng sách cuộn; nút thắt khipu (hoặc “quipu”) của nền văn hóa Inca; sách thẻ tre (trúc thư), in mộc bản hay thuật khắc gỗ của người Trung Quốc và Đông Á; cuộn tranh thanka Phật giáo; sách lá của người Java, Bali, Singhala cũng như sách bằng da trâu của Dakota.

Ngay cả trong phạm vi chung của codex, tập bản đồ, sách nhạc, scrapbook (cuốn sách có những trang trống), sách lật (Flipbook), truyện tranh (hay Manga) cũng cho thấy sự đa dạng về thể loại và hình thức sách. Nhưng trên hết, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới với sự đa dạng của các loại sách kỹ thuật số có khả năng mang lại những trải nghiệm đọc, tiếp cận, xử lý và sáng tác văn bản khác nhau.

Do vậy, khi nghiên cứu lịch sử sách sẽ có những thách thức mang tính so sánh về chất liệu, thể loại, hình thức sách, cũng như việc sử dụng đọc sách (lịch sử của các phương thức đọc và tiếp nhận khác nhau). Thách thức này vừa mang tính khái niệm vừa mang tính phương pháp luận trong việc xác định những đặc điểm những tên gọi của sách cũng như chất liệu khác nhau của chúng.

Tuy nhiên, lịch sử của sách không chỉ đơn giản là vấn đề hình thức vật chất, cũng không hẳn là lịch sử đọc và tiếp nhận. Câu hỏi lớn hơn là về tác động của việc sản xuất, phân phối và tiếp nhận văn bản dưới mọi hình thức tài liệu khác nhau ở trong các xã hội và trong các khoảng thời gian khác nhau – đây là cách thức mà chính các cuốn sách đã tạo nên lịch sử.

Từ thế giới cổ đại đến thời đại kỹ thuật số hiện đại

Để giải quyết những vấn đề đặt ra trên, cuốn sách đi tuần tự từ thế giới cổ đại đến thời đại kỹ thuật số hiện đại. Bên cạnh đó, tại mỗi chương (sách gồm 14 chương), các tác giả đều đưa ra những hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ giữa sách và câu chuyện về thời đại của chúng. Ngoài ra, 168 hình minh họa đi kèm chú thích mô tả, sách còn đưa ra những ví dụ rất riêng biệt, cụ thể, sinh động về lịch sử sách.

Bắt đầu với Thế giới cổ đại, Lịch sử sách đi từ những sách tồn tại trước khi sách như chúng ta biết đến ngày nay xuất hiện: nghĩa là, nhiều đồ vật và hình thức chuyên chở chữ viết đã hiện diện trước khi cả những tờ giấy gắn lại với nhau, trở thành phương tiện di động, mặc định cho việc lưu trữ văn bản và truyền tải văn bản trên toàn thế giới.

Điểm nhấn của thế giới cổ đại đó là chữ viết cổ được phát minh – hoặc được phát triển trong một thời gian dài ở ít nhất 4 khu vực trong lịch sử thế giới đó là Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà, Trung Quốc, Trung Mỹ. Đồng thời với sự ra đời của chữ viết là sự xuất hiện của những phương tiện truyền đạt chữ viết được chấp nhận là sách.

Nó gồm hai dạng: các tờ được cuộn (cuộn sách) hoặc gập thành tập (codex) và những trường hợp đặc biệt như dây thắt nút khipu, đất sét khoáng hoặc đất nung, xương, đá, kim loại, da động vật, sợi thực vật, thẻ tre, gỗ, lụa tơ tằm…

Lich su sach anh 3

Cho đến nay thiết kế chính xác của chiếc máy in đầu tiên vẫn còn là một câu hỏi, nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận chung về diện mạo của nó vào cuối thế kỷ XV. Hình ảnh từ sách Nova Reperta, xuất bản ở Antwerp năm 1590. Nguồn: sothebys.

Tiếp theo Thế giới cổ đại, Lịch sử sách đưa bạn đọc đến thành phố “Byzantine”, tìm hiểu sự phát triển của sách trong nền văn hóa Đông La Mã, từ cuối thế kỷ 1 và 2 sau công nguyên, cho đến khi nó sụp đổ dưới cuộc xâm lược của Ottoman năm 1453.

Chất liệu chủ đạo của sách tại khu vực này trong thời kỳ đầu là giấy cói, thường ở dạng cuộn, nhưng cũng ở dạng tờ riêng biệt. Tiếp theo là giấy da (da động vật chưa thuộc da) và sau đó, từ thế kỷ 13, giấy, được sản xuất chủ yếu ở Italy và Tây Bản Nha và xuất khẩu quanh Địa Trung Hải. Các văn bản tôn giáo sử dụng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số sách được xuất bản trong thời đại này và các hình ảnh minh họa bắt đầu được sử dụng.

Tiếp đến, Lịch sử sách đưa chúng ta đến “Đông Á thời Trung cổ và thời kỳ cận đại”. Giống như phần còn lại của thế giới, ở khu vực này phương thức xuất bản sớm nhất là chép tay. Tuy nhiên, từ thế kỷ 7 đến 13, khu vực này đã phát minh ra một số công nghệ in: in khắc gỗ hay còn gọi là in mộc bản, và các loại chữ in rời bằng đất nung. In mộc bản là hình thức sản xuất sách chính và là công nghệ in thống trị ở khu vực này cho đến thời hiện đại.

Lịch sử sách tiếp tục đưa bạn đọc qua “Tây Âu thời Trung cổ”, nơi sách được coi là công cụ thiết yếu cho việc tranh luận bằng lý trí. Đây là thời đại mà một cuốn sách có thể làm nên những điều kỳ diệu: sách mang ý nghĩa hơn hẳn so với một vật thuần túy mang chở câu chữ trên các trang giấy.

Trong tất cả các phương tiện lưu giữ chữ viết thì cấu trúc mà trong đó các tập giấy được đóng gáy dính lại với nhau rồi được đặt trong một loại bảo vệ – hay nói ngắn gọn là sách – được ưu ái sử dụng trong cộng đồng Cơ đốc giáo. Các nghệ nhân sản xuất Kinh Thánh thời này thường rất ý thức về việc cần phải làm sai cho sản phẩm của mìn xứng đáng với sự tôn kính mà nó truyền tới người đọc.

Tiếp theo Tây Âu thời Trung cổ, độc giả sẽ bước vào chương “Phục hưng và cải cách” để tìm hiểu kỹ thuật in bằng chữ rời – một công nghệ cho phép sao chép một lượng lớn sách với tốc độ cực nhanh của Johannes Gutenberg. Ngoài ra, độc giả cũng sẽ được tìm hiểu khối lượng xuất bản và phân phối, cũng như việc đọc và tác động của in ấn ở khu vực này.

Chương tiếp theo của Lịch sử sách đề cập đến công việc quản lý thông tin trong sách, lưu ý đến vai trò của hình ảnh, mục lục, trang nội dung và các yếu tố khác. Chương “Công nghiệp hóa” đề cập đến tác động của công nghiệp hóa đến việc in ấn và các khía cạnh khác của sản phẩm xuất sách, đặc biệt là giai đoạn hiện nay với sự phát triển của sách điện tử.

Các chương khác đề cập đến sách và lịch sử sách ở Thế giới Hồi giáo, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên thời hiện đại, Nam Á, thời kỳ Cách mạng và khai sáng. Chương “Toàn cầu hóa”, đề cập đến các hoạt động xuất bản mang tính quốc tế, các hiệp định, công ước bảo hộ về bản quyền, quyền tác giả, độc giả toàn cầu…Chương cuối “Những cuộc cách mạng của sách” đề cập đến sự biến đổi của sách theo hai hướng chính: công nghệ analog và kỹ thuật số.

Tóm lại, với việc nhìn sách từ nhiều góc độ, Lịch sử sách đã mang đến cho chúng ra những hiểu biết mới về thế giới rộng lớn của sách, khám phá diễn trình phát triển của sách… Cuốn sách thực sự là món quà ý nghĩa dành cho những ai yêu thích sách, tri thức và lịch sử.

Minh Châu

Lò nhiệt hạch siêu dẫn nhiệt độ cao đầu tiên trên thế giới

Trung Quốc ghi nhận một cột mốc quan trọng khi hoàn thành và vận hành lò tokamak siêu dẫn nhiệt độ cao toàn phần đầu tiên trên thế giới tên HH70 ở Thượng Hải hôm 18/6.

Lò tokamak HH70 của Energy Singularity. Ảnh: Energy Singularity

Lò tokamak HH70 của Energy Singularity. Ảnh: Energy Singularity

Lò tokamak thường được ví như “Mặt Trời nhân tạo” thường khá lớn và đắt đỏ. Thiết kế và chế tạo bởi công ty thương mại Energy Singularity, HH70 nhỏ và có chi phí rẻ hơn, mở đường cho những lò phản ứng nhiệt hạch khả thi hơn về mặt thương mại trong tương lai, theo Guo Houyang, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ của Energy Singularity. HH70 sở hữu hệ thống từ trường được xây dựng từ vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao đầu tiên trên thế giới. Energy Singularity đạt được điều này trong vòng hai năm, lập kỷ lục thế giới về phát triển và xây dựng lò tokamak nhanh nhất, theo CGTN.

Việc vận hành thành công HH70 giúp xác định tính khả thi về mặt kỹ thuật của lò tokamak siêu dẫn nhiệt độ cao, mở ra tương lai năng lượng sạch và bền vững. World Energy Outlook, nếu các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá dần dần rút khỏi thị trường toàn cầu, nhân loại sẽ đối mặt với thiếu hụt năng lượng ở mức hơn 10% vào năm 2050. Đây là cơ hội và thách thức lớn đối với kiểm soát và khai thác năng lượng nhiệt hạch.

Trong vài năm qua, những đột phá ở vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao và nhiều công nghệ khác cho phép phát triển lò tokamak khả thi về mặt kinh tế. Lò tokamak là cỗ máy thử nghiệm được thiết kế để khai thác năng lượng nhiệt hạch. Nếu có thể tạo ra nhiều năng lượng từ lò hơn mức nạp vào, đây sẽ là giải pháp giúp đối phó biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên.

Năm 2027, Energy Singularity hướng tới xây dựng một lò tokamak thế hệ mới, phiên bản nhiệt độ và từ trường cao với trạng thái ổn định. Dự án này sẽ đặt nền móng cho mục tiêu cuối cùng là xây dựng nhà máy điện nhiệt hạch thử nghiệm năm 2030, theo Guo.

An Khang

Phát minh xe hơi đầu tiên trên thế giới

Cỗ xe sử dụng động cơ đẩy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới được chế tạo bởi một nhà phát minh người Pháp ít tiếng tăm tên Nicolas-Joseph Cugnot.

Cỗ xe Fardier à vapeur trưng bày tại bảo tàng ở Paris. Ảnh: Wikimedia

Cỗ xe Fardier à vapeur trưng bày tại bảo tàng ở Paris. Ảnh: Wikimedia

Nicholas-Joseph Cugnot sinh tại Void-Vacon, Lorraine, năm 1725 và được đào tạo làm kỹ sư quân sự. Được quân đội giao nhiệm vụ phát triển một phương tiện hoạt động bằng hơi nước dùng để kéo súng đại bác, Cugnot tạo ra phiên bản thu nhỏ hoạt động được vào năm 1769. Năm 1770, ông giới thiệu phương tiện chạy bằng hơi nước kích thước thật mà ông gọi là Fardier à vapeur, theo Amusing Planet.

Phương tiện này phỏng theo Fardier, cỗ xe ngựa kéo hai bánh lớn dùng để vận chuyển thiết bị rất nặng như nòng súng. Thay cho ngựa kéo ở mặt trước là bánh xe thứ ba, chống đỡ một nồi hơi bằng đồng lớn và cơ cấu truyền động. Cugnot là một trong những người đầu tiên triển khai thành công thiết bị biến đổi chuyển động tịnh tiến của piston hơi nước thành chuyển động xoay tròn thông qua bố trí bánh cóc, dùng để dẫn động bánh trước.

Fardier à vapeur có thể di chuyển ở tốc độ hơn 3,2 km/h nhưng cần nạp nhiên liệu bằng gỗ và đốt 15 phút một lần, vì vậy phương tiện phải dừng bánh hoàn toàn. Cỗ xe cũng kém ổn định do phân bố trọng lượng kém, một bất lợi nghiêm trọng đối với phương tiện được thiết kế để di chuyển trên địa hình gồ ghề là leo đồi dốc. Ngoài ra, hiệu suất của nồi hơi đặc biệt kém, ngay cả theo tiêu chuẩn thời đó. Năm 1771, trong một lần chạy thử, Cugnot lái cỗ xe của ông đâm thẳng vào một bức tường đá, khiến nhà phát minh trở thành người đầu tiên gặp tai nạn do xe gắn động cơ. Câu chuyện đi xa hơn khi Cugnot bị bắt và buộc tội lái xe nguy hiểm.

Sau vài thử nghiệm, quân đội Pháp từ bỏ dự án. Tuy nhiên, quá trình phát triển ấn tượng đến mức vua Louis XV thưởng cho Cugnot khoản lương hưu 600 livre/năm. Tuy nhiên, Cách mạng Pháp nổ ra khiến tiền lương hưu bị cắt. Nhà phát minh chuyển tới Brussels và sống trong cảnh nghèo túng. Không lâu trước khi Cugnot qua đời, Napoleon Bonaparte khôi phục lương hưu cho ông. Cuối cùng, Cugnot quay lại Paris và mất vào ngày 2/10/1804.

Cỗ xe Fardier à vapeur vẫn tồn tại sau chiến tranh và trưng bày ở Bảo tàng nghệ thuật và thủ công Pháp tại Paris. Năm 2010, một bản sao của chiếc xe được chế tạo bởi các học sinh ở trường ParisTech. Bản sao hoạt động hoàn hảo chứng tỏ giá trị của thiết kế. Hiện nay, bản sao này vẫn đặt ở ngôi làng của Cugnot tại Void-Vacon.

An Khang (Theo Amusing Planet)

Đường dây liên tỉnh in ấn và tiêu thụ sách giáo khoa giả vận hành thế nào?

Đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả có quy mô đặc biệt lớn tại Đà Nẵng và TP.HCM vừa được triệt phá. Trong hai năm, đường dây này đã tiêu thụ khoảng 4 triệu cuốn sách giả.

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều sách giáo khoa giả - Ảnh: K.T.

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều sách giáo khoa giả – Ảnh: K.T.

Qua vụ việc trên, nhiều người bày tỏ sự lo ngại về những nguy cơ từ sách giáo khoa lậu, sách giả có thể gây ra và cần phải rà soát, chấn chỉnh, xử lý tình trạng này.

Hai năm, tiêu thụ 4 triệu cuốn sách

Qua công tác nghiệp vụ, Công an Đà Nẵng đã phát hiện đường dây có dấu hiệu sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả hoạt động liên tỉnh với nhiều người tham gia. Lãnh đạo Công an Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị liên quan xác lập chuyên án để tập trung đấu tranh, xóa sổ đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả này. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 14-6, ban chuyên án bắt quả tang một số nghi phạm cùng trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) về hành vi buôn bán hàng giả. Khám xét nơi ở của nhóm trên, công an phát hiện hàng trăm thùng sách các loại nghi vấn làm giả.

Các thiết bị, máy móc phục vụ việc in sách giả - Ảnh: K.T.

Các thiết bị, máy móc phục vụ việc in sách giả – Ảnh: K.T.

Tiếp tục đấu tranh mở rộng, ban chuyên án phối hợp Công an TP.HCM bắt Nguyễn Trung Luật (43 tuổi, trú quận 12), Phạm Ngọc Quang (47 tuổi, trú quận Gò Vấp) là hai nghi phạm cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với quy mô rất lớn tại TP.HCM. Lực lượng công an cũng tiến hành bắt giữ nhiều người khác là quản lý xưởng in, đầu mối chuyên cung cấp cho các tỉnh, nhân viên khảo sát thị trường, nhận và giao sách đi tiêu thụ… Bước đầu xác định khoảng đầu năm 2022, nghi phạm Luật đã trao đổi và thống nhất cùng Quang – giám đốc Công ty quảng cáo Quang Thắng – sản xuất sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam và một số nhà xuất bản khác. Từ đó sẽ đưa sách ra thị trường tiêu thụ. Luật cung cấp giấy in, đặt số lượng để Quang tổ chức việc sản xuất sách giả tại hai xưởng in ở TP.HCM. Quang giao Phạm Xuân Năng, quản lý xưởng, thực hiện điều hành toàn bộ hoạt động tại các xưởng in. Năng đặt bản kẽm, trao đổi, thống nhất với Luật về số lượng, nhận tiền thanh toán, sau đó chuyển lại cho Quang. In xong, giấy được để nguyên khổ và vận chuyển về xưởng gia công của Luật để cắt, đóng bìa, dán tem giả, đóng thùng… Sách được đưa đến 3 kho để cất giấu, chờ mang đi tiêu thụ thông qua các đầu nậu. Số sách giáo khoa giả tại Đà Nẵng công an phát hiện, thu giữ là do một số nghi phạm ở đây đặt mua từ đầu nậu để bán lại cho các nhà sách. Theo Công an Đà Nẵng, chỉ tính trong 2 năm, số sách mà đường dây này đã tiêu thụ là khoảng 4 triệu bản.

Nhiều nguy cơ từ sách giả

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một công ty sách tại Đà Nẵng cho rằng những sản phẩm không đúng chất lượng, kỹ thuật, màu sắc, mực in, định lượng giấy… khi đến tay người tiêu dùng (là các em học sinh) sẽ rất nguy hại.  Cùng với đó, việc in không đạt tiêu chuẩn khiến sách dễ bị bung bìa, nhòe chữ, mất chữ hoặc sai nội dung, công thức… dẫn tới sai lệch nội dung. Không chỉ vậy, sách lậu, sách giả không được thẩm duyệt của cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng, có thể có những thông tin không tốt, tiềm ẩn các nguy cơ.

Trung tá Nguyễn Kim Trung - trưởng Phòng cảnh sát kinh tế, đại diện ban chuyên án - báo cáo kết quả phá án - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Trung tá Nguyễn Kim Trung – trưởng Phòng cảnh sát kinh tế, đại diện ban chuyên án – báo cáo kết quả phá án – Ảnh: Đ.CƯỜNG

Ngoài ra, sách lậu, sách giả còn gây hại cho những nhà xuất bản chân chính, những công ty sách làm ăn đàng hoàng, tử tế, gây thất thu cho Nhà nước… “Cần phải rà soát thường xuyên, liên tục, từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ… để kịp thời chấn chỉnh và khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự” – vị này nói.

ĐOÀN CƯỜNG

‘Nhiều hóa chất nguy hại trong đồ dùng hàng ngày gây rối loạn nội tiết’

Các chuyên gia chỉ ra nhóm chất ô nhiễm mới nổi sử dụng trong nhiều sản phẩm nhựa, dệt may, mỹ phẩm rình rập sức khỏe con người, gây rối loạn nội tiết, dậy thì sớm.

Thông tin được chia sẻ tại hội thảo quốc tế “Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người”, do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội và Quỹ VinFuture tổ chức sáng 19/6. Chương trình thuộc chuỗi sự kiện kết nối khoa học công nghệ InnovaConnect năm 2024. Đây là sáng kiến của Quỹ VinFuture nhằm tăng cường giao lưu học thuật, trao đổi chuyên môn và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học uy tín thế giới với các viện, trường hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Tại hội thảo, GS Ming Hung Wong, Đại học Giáo dục Hong Kong (Trung Quốc) cảnh báo về tác động tiềm ẩn chất hai hóa chất Bisphenol A (BPA) và phthalates trong nhựa dùng hàng ngày gây hại sức khỏe. Ông cho hay, BPA là một thành phần chính trong nhựa, trong khi phthalates được thêm vào để tăng độ bền và tính dẻo. Trước đây BPA thường được tìm thấy trong chai nước, bình sữa em bé (hiện nay đã ít hơn), hộp đựng thực phẩm và lớp lót của lon thực phẩm và đồ uống. Phthalates có trong nhiều sản phẩm như sàn nhựa vinyl, đồ chơi nhựa, các sản phẩm chăm sóc cá nhân (kem dưỡng da, dầu gội, son môi), thậm chí một số đồ uống như chất tạo độ đục.

GS Ming Hung Wong trình bày tại hội thảo sáng 19/6. Ảnh: NQ

GS Ming Hung Wong trình bày tại hội thảo sáng 19/6. Ảnh: NQ

Tại Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 15 năm trước, việc có chất phthalates được phát hiện có trong đồ uống từng gây quan ngại lớn. “Chúng từng được cho thêm vào đồ uống như trà sữa vì giá rẻ và tạo ra vẻ ngoài có màu đục hấp dẫn”, ông Ming Hung Wong nói. Phthalates được ưa chuộng vì hiệu quả về chi phí, song điều quan ngại là các hóa chất này có thể ngấm vào đồ uống và thực phẩm con người tiêu thụ. Các hóa chất này đều được phân loại là chất gây rối loạn nội tiết, can thiệp vào chức năng nội tiết tố gây ảnh hưởng khả năng sinh sản ở người và động vật. Chúng cũng đồng thời gây ra các vấn đề về phát triển như dậy thì sớm ở trẻ em gái, chậm lớn ở bé trai. Bên cạnh đó các hóa chất này gây tác động đến sức khỏe như béo phì, bệnh tim mạch, tác động gan, thận, phổi…

Thông qua kết quả từ ba dự án, giáo sư đầu ngành lĩnh vực khoa học môi trường chỉ ra những các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng quá mức và sử dụng sai mục đích nhựa và các hóa chất độc hại. Ông dẫn ví dụ về túi nhựa đi kèm đồ uống và thực phẩm, như túi đựng bánh mì, bánh ngọt và bánh bao, hay việc hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng trong hộp nhựa… có thể làm tăng nguy cơ các hóa chất này “ngấm” vào thức ăn, đồ uống.

GS Ming Hung Wong cho hay cần thực hiện các biện pháp quản lý bền vững nhằm giảm thiểu tác động bất lợi các hóa chất này. Ông gợi ý giảm ô nhiễm công nghiệp bằng cách đặt ra các quy định, áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn và cải thiện hệ thống quản lý chất thải.

“Chúng ta nên đặt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và tái chế chất thải trong điều kiện an toàn. Đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và giáo dục công chúng cũng là những bước quan trọng”, ông nhấn mạnh.

PGS. TS Từ Bình Minh, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội, đồng tình. Ông dẫn kết quả nghiên cứu phát hiện hàm lượng cao của nhóm chất mới nổi EDCs như Phthalates, siloxanes, bisphenols A được sử dụng trong nhiều sản phẩm nhựa, dệt may, mỹ phẩm (dầu gội đầu, chất tạo bóng) hay phụ gia nhiên liệu.

PGS. TS Từ Bình Minh nói về những nguy cơ ô nhiễm từ nhóm chất có trong đồ dùng hàng ngày. Ảnh: NQ

PGS. TS Từ Bình Minh nói về những nguy cơ ô nhiễm từ nhóm chất có trong đồ dùng hàng ngày. Ảnh: NQ

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học tự nhiên thực hiện quan trắc bằng cách thu thập 9 loại mẫu môi trường, thu thập hơn 2.650 mẫu tại điểm nóng ô nhiễm. Nghiên cứu sàng lọc hơn 900 chất ô nhiễm hữu cơ trong mẫu không khí bị động và bụi lắng bằng phương pháp định tính và định lượng tự động dùng có sở dữ liệu khối phổ (GC-MS). Kết quả chỉ ra các hóa chất dân dụng (phthalates, chống oxi hóa…) chiếm hàm lượng cao trong không khí. Nhóm chất phthalates và siloxanes trong không khí trong nhà gấp 2-6 lần so với ngoài trời, đặc biệt cao vượt trội tại các tiệm làm tóc, nhà ở.

“Liều lượng hấp thu của các nhóm chất này đối với trẻ em cao hơn so với người lớn do trọng lượng cơ thể thấp, cho thấy mức rủi ro phơi nhiễm cao hơn đối với nhóm trẻ em”, ông nói.

GS Minh cũng cho hay Việt Nam đặc biệt quan tâm nghiên cứu về hợp chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và các chất gây rối loạn nội tiết (EDCs). Việt Nam đã huy động thành công hơn 16 triệu USD trong nâng cao năng lực xử lý chất ô nhiễm thông qua hàng loạt dự án. Đặc biệt chương trình nghiên cứu Quan sát Vẹm Xanh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã giúp làm sáng tỏ bức tranh tổng thể về ô nhiễm POPs, cho thấy hàm lượng thuốc trừ sâu DDTs cao trong hầu hết các mẫu môi trường ở Việt Nam. Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy các khu vực thu gom tái chế thủ công chất thải rắn như chất thải điện tử, nhựa và phương tiện giao thông cũ là nguồn phát thải đáng kể của các chất chống cháy PBDEs và nhóm PAHs với hàm lượng cao trong mẫu môi trường và mẫu sinh phẩm người.

Theo ông kinh nghiệm thu được từ chương trình nghiên cứu toàn cầu thành công cho thấy xu hướng cần ưu tiên là tập hợp mạng lưới các phòng thí nghiệm chất lượng cao trong quy mô khu vực và toàn cầu.

GS Kenneth Leung, Đại học Thành phố Hong Kong (Trung Quốc) giới thiệu giải pháp giám sát các chất gây ô nhiễm ưu tiên và các chất gây ô nhiễm hóa học đáng lo ngại mới (CEC). Với nguyên tắc “đo lường để cải thiện”, ông dẫn chứng thành tựu nghiên cứu ô nhiễm biển và độc học sinh thái ở Hong Kong trong 30 năm qua, đồng thời nêu trường hợp thực tế cho thấy cải thiện chất lượng môi trường thành công nhờ các biện pháp can thiệp quản lý đối với các chất gây ô nhiễm ưu tiên (chất ô nhiễm nguy hại) và mới nổi.

GS Kenneth Leung trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: NQ

GS Kenneth Leung trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: NQ

Theo Kenneth Leung, ngày nay việc giám sát ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường có tiến bộ đáng kể nhờ thúc đẩy bởi các công nghệ và công cụ mới. “Những tiến bộ này đã cách mạng hóa khả năng phát hiện và định lượng các chất gây ô nhiễm CEC ở nồng độ cực thấp và cho phép phát triển các công cụ để theo dõi nguồn chất gây ô nhiễm và đánh giá rủi ro môi trường”, ông cho hay.

PGS. TS Từ Bình Minh kỳ vọng thông qua sự kết nối của VinFuture, các nhóm nghiên cứu trong nước có cơ hội hợp tác với Giáo sư Kenneth Leung người đứng đầu chương trình Giám sát cửa sông Toàn cầu (GEM). Chương trình này liên quan đến việc thu thập các mẫu trầm tích và nước từ các cửa sông trên toàn thế giới, với hơn 100 quốc gia tham gia.

Như Quỳnh

TP HCM sắp thử nghiệm drone, xe tự hành

Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đã xây dựng đề án thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái (drone) và xe tự hành theo Nghị quyết 98, trình HĐND thành phố tháng 7 tới.

Thông tin được Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng chia sẻ chiều 19/6.

Theo Nghị quyết 98, hiệu lực từ 1/8/2023, TP HCM được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo. Theo ông Dũng, việc thử nghiệm công nghệ mới được coi lĩnh vực phức tạp vì chưa có trong các quy định hiện hành. Trong một năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều hội thảo tham vấn các ý kiến chuyên gia về cơ chế thử nghiệm công nghệ. Dựa trên cơ sở này, Sở xây dựng để án thử nghiệm hai công nghệ mới là máy bay không người lái (drone) và xe tự hành.

Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu do giảng viên và sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chế tạo, tháng 10/2023. Ảnh: Hà An

Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu do giảng viên và sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chế tạo, tháng 10/2023. Ảnh: Hà An

Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc thử nghiệm donre cần cấp phép tần số hoạt động, đảm bảo yếu tố về an ninh quốc phòng… Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM sẽ tham mưu thành phố trong việc hiệp thương với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan trong các thủ tục thử nghiệm drone tại địa phương. Về thử nghiệm xe tự hành, dự kiến sẽ tổ chức thực hiện tại Khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo… “Đề án thử nghiệm hai công nghệ này đang được chúng tôi hoàn thiện, kỳ vọng sẽ trình HĐND TP HCM vào kỳ họp tháng 7 tới”, ông Dũng nói.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, mới đây Ban thường vụ Thành ủy TP HCM và Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tiên ký kết biên bản ghi nhớ để phối hợp xây dựng, thử nghiệm một số cơ chế chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hai bên cùng phối hợp thử nghiệm các chính sách mới tại TP HCM. Việc thử nghiệm là cơ sở giúp Bộ trình cấp trung ương hoàn thiện chính sách khoa học công nghệ thời gian tới. Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tham mưu UBND thành phố hoàn thiện kế hoạch thực hiện để triển khai các bước tiếp theo.

Cùng với triển khai cơ chế thử nghiệm công nghệ mới, dự kiến trong kỳ họp HĐND tháng 7, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tham mưu UBND thành phố trình chính sách về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là động thái cụ thể hóa Nghị định 11 của Chính phủ ban hành hồi đầu năm quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp có thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP HCM được miễn thuế với khoản thu này.

Theo công bố năm 2024 của StatupBlink (tổ chức uy tín chuyên nghiên cứu các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu), TP HCM xếp thứ 111 trong 1.000 thành phố, có chỉ số hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tốt nhất. Ông Dũng tin tưởng với các chính sách mới, sự nỗ lực hệ sinh thái, TP HCM sẽ tăng thứ hạng lên 100 trong vài năm tới. Thành phố cũng sắp vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đặt tại số 123 Trương Định, quận 3. Trung tâm đang trong giai đoạn hoàn thiện khung pháp lý, dự kiến hoạt động vào quý 3 hoặc 4 năm nay.

Hà An

Nga hỗ trợ Việt Nam xây dựng lò phản ứng hạt nhân công suất lớn

Việt Nam và Nga hợp tác triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MW.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam ngày 19-20/6, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin đã chứng kiến lễ trao đổi bản ghi nhớ giữa Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về kế hoạch triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Đây là một trong 11 văn kiện mà hai bên ký kết trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Putin đến Việt Nam.

“Một trong các chủ đề thuộc chương trình nghị sự là dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) tiến hành, cũng như đào tạo các chuyên gia nguyên tử Việt Nam tại những trường đại học chuyên ngành của Nga”, ông Putin nói.

Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev (trái) và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao đổi bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Ảnh: Giang Huy

Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev (trái) và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao đổi bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Ảnh: Giang Huy

Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) được thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ ký năm 2011. Dự án đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018. CNST dự kiến đặt tại TP Long Khánh, Đồng Nai. Trung tâm này sẽ có lò phản ứng hạt nhân dạng bể, công suất 10 MW, sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp do Nga chế tạo. CNST tập trung lĩnh vực vật liệu chiếu xạ, khoa học sinh học, đồng vị phóng xạ, kỹ thuật lò phản ứng, an toàn bức xạ; nghiên cứu điều chế dược chất mới trong điều trị ung thư, nghiên cứu chiếu xạ silic – vật liệu bán dẫn, tán xạ góc nhỏ…

Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết “đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án về xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn”.

Theo ông Thành, để triển khai Dự án CNST, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những phương án chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý và triển khai ở các giai đoạn khác nhau. Bộ cũng đưa ra kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho vận hành đảm bảo an toàn, khai thác hiệu quả Trung tâm sau khi đi vào hoạt động.

Để hỗ trợ thẩm tra, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ thiết kế, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) tạo điều kiện cho một số cán bộ Việt Nam tham gia thực hiện thiết kế cơ sở của lò phản ứng và các tính toán, phân tích an toàn đi kèm. Rosatom cũng giúp Việt Nam trong đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng nghiên cứu.

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân. Điều này nhằm xây dựng nguồn cán bộ nghiên cứu, ứng dụng khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới, đảm bảo an toàn khi CNST đi vào hoạt động

Trước đó tháng 10/2017, Viện ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học nghiên cứu Bách khoa Tomsk và Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI) vào tháng 12/2023, về hợp tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử có liên quan.

Viện trưởng Trần Chí Thành cho biết thêm, trước mắt Việt Nam và Nga sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả, tuân thủ các quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Theo Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, hướng nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử sẽ tập trung cả khoa học cơ bản (vật lý hạt nhân, vật lý lò, an toàn và thủy nhiệt, tự động điều khiển, vật liệu, hóa học …) và ứng dụng trong y tế (y học bức xạ) nông nghiệp; công nghiệp; tài nguyên môi trường (nước ngầm, ô nhiễm, phát tán phóng xạ, xói mòn đất, chất thải phóng xạ, đuôi quặng)…

Ngoài ra, trong quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn tới sẽ nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tổ hợp máy gia tốc lớn đặt tại miền Bắc, xây dựng các phòng thí nghiệm công nghệ và an toàn hạt nhân…

Như Quỳnh

“Nút cắm” hỗ trợ phẫu thuật và phục hồi đầu gối

Tổn thương sụn và xương đầu gối hạn chế khả năng vận động và gây đau mãn tính. Giờ đây, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tạo tạo loại “nút cắm” tổng hợp để chữa lành khớp và có thể là giải pháp thay thế các phương pháp điều trị hiện có như phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối.

Khiếm khuyết xương sụn (OCD) là tổn thương khu trú liên quan đến sụn khớp nằm trên bề mặt xương của khớp và một phần xương bên dưới. OCD ở đầu gối có thể do viêm khớp hoặc chấn thương cấp tính chẳng hạn như va chạm trong bóng đá, gây viêm khớp, dẫn đến đau mãn tính và mất chức năng khớp.

OCD ở đầu gối có thể được điều trị bảo tồn bằng thuốc cố định khớp và thuốc giảm đau, nhưng nếu tình trạng tiến triển hoặc nghiêm trọng hơn thì cần phẫu thuật, có thể phải thay toàn bộ khớp gối. Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas A&M đã tạo ra loại nút xương sụn tái tạo bọc sụn (CC-ROP), một thiết bị tổng hợp có thể được lựa chọn thay vì phải thay toàn bộ khớp gối.

Melissa Grunlan, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Đau đầu gối mãn tính và tàn tật là do mất sụn và OCD bắt nguồn từ viêm khớp, bao gồm viêm xương khớp và viêm khớp sau chấn thương, khiến mọi người bị đau đớn làm hạn chế sự thoải mái và khả năng vận động. Thiết bị CC-ROP hỗ trợ tích cực việc chữa lành OCD”.

Ghép tự thân (autograft) thường là một bước trước khi phẫu thuật thay khớp gối hoàn toàn. Nó liên quan đến việc thu thập các nút hình trụ từ những phần không bị hư hỏng của đầu gối bệnh nhân và cấy chúng vào một hoặc nhiều lỗ khoan tại vị trí tổn thương. Theo thời gian, mô cấy giúp xương và sụn phát triển vào vùng tổn thương. Tuy nhiên, hiệu quả của thủ thuật bị hạn chế khi bệnh nhân trên 40 tuổi hoặc có OCD lớn. Khi ghép tự thân được cho là không phù hợp, thì thay toàn bộ khớp gối đôi khi là lựa chọn duy nhất.

Thay khớp gối toàn phần là phẫu thuật mở rộng, mặc dù cách gọi này có phần không đúng lắm bởi chỉ có bề mặt của xương được thay thế. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ sụn bị hỏng và một lượng nhỏ xương bên dưới, sau đó thay thế bằng các thành phần kim loại để tái tạo bề mặt khớp. Một miếng đệm bằng nhựa được đặt giữa các thành phần kim loại để tạo ra bề mặt trượt mịn. Khoảng 790.000 ca thay khớp gối được thực hiện tại Mỹ mỗi năm.

CC-ROP bao gồm một nắp hydrogel cực mạnh mô phỏng các đặc tính của sụn tự nhiên và giàn khung polime xốp. Bởi vì chúng giống như các nút cắm hình trụ dùng trong ghép tự thân nên các giao thức và công cụ tương tự có thể được sử dụng. Giống như ghép tự thân, sau khi cấy vào lỗ khoan trước, đế xốp của CC-ROP cho phép mô xương mới phát triển, trong khi nắp cung cấp “sụn” cần thiết cho chức năng khớp. Tuy nhiên, khác với ghép tự thân, CC-ROP không bị giới hạn bởi độ tuổi của bệnh nhân hoặc kích thước khiếm khuyết, ngoài ra còn không cần nạp trước các tế bào hoặc yếu tố tăng trưởng để đẩy nhanh quá trình lành vết thương.

Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực tối đa hóa chức năng của CC-ROP để đảm bảo sẵn sàng cho các ứng dụng thực tế. Các nghiên cứu tiền lâm sàng dự kiến sẽ đánh giá hiệu quả của thiết bị.

N.P.D (NASATI)