Hội thảo Công nghệ NEMS/MEMS và Ứng dụng

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 30 năm ngày thành lập Viện Ứng dụng Công nghệ, ngày 17/10, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học IMET (Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN) đã tổ chức Hội thảo Công nghệ NEMS/MEMS và Ứng dụng.

Hội thảo đồng thời được tổ chức trong khuôn khổ nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo nghị định thư, đề tài “Thiết kế chế tạo nguyên mẫu thiết bị di động có độ nhạy cao và độ giới hạn phát hiện nhỏ trên tinh thể quang tử silic khối và silic xốp dùng để phát hiện ô nhiễm Asen trong nước”, giai đoạn 2014-2016.

Tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo có các giáo sư và chuyên gia Đài Loan đến từ trường Đại học Quốc gia Thanh Hoa NTHU, Đài Loan, một số giáo sư, chuyên gia Việt Nam đến từ các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, trong lĩnh vực MEMS, NEMS và linh kiện, cùng các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan.

Các báo cáo tại Hội thảo tập trung vào các chủ đề như: Các linh kiện quang tử Si/Ge tích hợp để  kết nối quang học tốc độ cao; Nghiên cứu cảm biến quán tính tích hợp MEMS 3 bậc tự do; Điều chỉnh cơ chế các bộ cộng hưởng vòng quang học; Cảm biến hơi trên cơ sở vi lỗ silic xốp để xác định dung dịch dung  môi; Thiết kế và chế tạo cảm biến sinh học kiểu vi lưu từ vi kênh PDMS và ba điện cực để đo thực nghiệm điện hóa;…

Buổi chiều cùng ngày, các giáo sư Đài Loan đã trao đổi với cán bộ/sinh viên Việt Nam về cơ hội học tập/nghiên cứu tại trường Đại học Quốc gia Thanh Hoa (NTHU).

Đại diện trường Đại học Quốc gia Thanh Hoa, Đài Loan báo cáo tại Hội thảo

Được biết, MEMS (MicroElectromechanical systems) là các linh kiện rất nhỏ hoặc các nhóm thiết bị rất nhỏ có thể được tích hợp cả hai thành phần cơ khí và điện tử. Công nghệ MEMS đã được gây dựng và phát triển tốt. Các linh kiện MEMS thâm nhập ngày càng nhiều vào các thiết bị phục vụ cuộc sống hàng ngày trong tất cả các lĩnh vực. Thị trường MEMS ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp điện thoại di động, ô tô, hàng không vũ trụ, và gần đây là lĩnh vực sinh học và y tế.

Tin, ảnh: Hồng Hiền

Phát triển bền vững cần dựa trên KH&CN

 

PTTg Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội thảo (ảnh: PH)
Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội thảo "Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Ban Chỉ đạo Tây Bắc (BCĐTB) đã phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 18/10.

Theo đó, ngày 1/7/2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã kí Quyết định 1847/QĐ-BKHCN thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 – 2018 “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”, mã số KHCN-TB 13 – 18 (gọi tắt Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc), gồm 11 thành viên và cử PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ – Giám đốc ĐHQGHN làm Chủ nhiệm Chương trình. Chương trình Tây Bắc được phân kỳ làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 (2013 – 2015) và giai đoạn 2 (2016 – 2018). 
Mục đích của hội thảo lần này là trao đổi về phương pháp xây dựng và cấu trúc của Bộ Cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và các bộ công cụ phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đồng thời, Hội thảo cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học đang tham gia thực hiện Chương trình Tây Bắc gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý ở 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và các bộ ngành hữu quan, trên cơ sở đó thống nhất về phương thức tổ chức triển khai, chuyển giao và ứng dụng các kết quả của Chương trình, theo đúng phương châm "thiết thực, khả thi, hiệu quả".

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích chính sách phát triển vùng Tây Bắc là bước khởi đầu quan trọng, vừa có nhiệm vụ định vị, vừa có vai trò kiến trúc, thiết kế chương trình. Đây chính là khung phân tích quyết định kết quả thành công của các nghiên cứu. Nhiệm vụ này cần phải được xác định đúng đắn, rõ ràng với tính thiết thực, khả thi và hiệu quả cao; cần được trao đổi và lấy ý kiến rộng rãi trong cả ba nhóm nhà quản lý, nhà sử dụng và nhà khoa học. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ĐHQG Hà Nội với vai trò là đơn vị chủ trì đã có những nghiên cứu nghiêm túc, sáng tạo và rất công phu về những vấn đề quan trọng của vùng Tây Bắc. Phó Thủ tướng cho rằng, Tây Bắc là một vùng có vị trí quan trọng về cả kinh tế – xã hội cũng như chính trị của cả nước. Tuy được đánh giá là vùng có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, tiềm năng du lịch không nhỏ nhưng vùng Tây Bắc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do vùng Tây Bắc chưa khơi dậy được nguồn lực KH&CN, chưa có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế.

Do đó, Tây Bắc muốn phát triển bền vững thì cần quan tâm đến vấn đề phát triển và ứng dụng KH&CN. Chương trình Tây Bắc sẽ tạo điều kiện để những tiến bộ KH&CN sớm đến được với đồng bào miền núi, từng bước ứng dụng vào đời sống sản xuất mang lại cuộc sống ấm no.

Để Chương trình được thành công thì một trong những vấn đề quan trọng là cần nâng cao hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa ĐHQG với các Bộ ban, ngành, các địa phương và các trường đại học sớm hoàn thiện khung cơ sở dữ liệu chính xác. Khung cấu trúc cơ sở dữ liệu đúng thì mới có những quyết sách tốt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo BCĐ Tây Bắc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là đại diện lãnh đạo các địa phương trong vùng.  Với nhiều ý kiến góp ý có chất lượng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn quý tại hội nghị BCĐ Chương trình Tây Bắc và các nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm khoa học của các đề tài theo hướng thiết thực và hiệu quả, đảm bảo có tính ứng dụng cao.

Tin, ảnh: Hoàng Anh

 

 

 

Di dời cơ sở in ra khỏi khu vực dân cư trước năm 2025

 

 

 

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

(Mic.gov.vn) – Tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ Quy định về hoạt động in, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất lộ trình di dời cơ sở in ra khỏi khu vực dân cư.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, cơ sở in hoạt động trong khu dân cư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (1/11/2014) phải di dời ra ngoài khu dân cư trước năm 2025.

 

Dự thảo nêu rõ lộ trình di dời được thực hiện như sau: Cơ sở in phun khổ trên A0, in lưới (lụa) bằng máy phải di rời ra khỏi khu dân cư trước năm 2016. Cơ sở in offset, ống đồng, flexo hoạt động độc lập từng công đoạn chế bản, in, gia công sau in phải di chuyển ra khỏi khu vực dân cư trước năm 2020. Cơ sở in offset, ống đồng, flexo hoạt động từ hai công đoạn trở lên (chế bản/in; in/gia công sau in; chế bản/gia công sau in) phải di chuyển ra khỏi khu vực dân cư trước năm 2025.

Dự thảo cũng nêu rõ quy định về mặt bằng sản xuất cơ sở chế bản, in, gia công sau in ngoài khu vực dân cư. Cụ thể, cơ sở chế bản, in offset, in phun khổ trên A0, in lưới (lụa) bằng máy và gia công sau in phải có khoảng cách tối thiểu 100 mét tính từ địa điểm đặt máy tới khu vực dân cư. Cơ sở in ống đồng, flexo phải có khoảng cách tối thiểu 200 mét tính từ địa điểm đặt máy tới khu vực dân cư. Cơ sở chế bản, in và gia công sau in nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu có điều kiện, tiêu chuẩn tương đương thì thực hiện theo quy định của khu đó.

Đăng ký sử dụng máy photocopy màu

Theo dự thảo, trước khi sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu phải đăng ký máy với Sở Thông tin và Truyền thông sở tại. Hồ sơ đăng ký gồm: Đơn đề nghị đăng ký sử dụng máy theo mẫu quy định; bản sao có chứng thực giấy phép nhập khẩu máy do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp; bản sao có chứng thực giấy tờ đảm bảo tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức; bản sao có chứng thực hợp đồng và hóa đơn mua máy; đơn đề nghị chuyển nhượng có xác nhận của Sở Thông tin và Truyền thông nơi đăng ký máy (đối với máy đã đăng ký sử dụng).

Việc chuyển nhượng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu cũng phải có hồ sơ gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông nơi đã đăng ký máy đó. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn chuyển nhượng máy, Sở Thông tin và Truyền thông phải xác nhận vào đơn chuyển nhượng, cập nhật thay đổi đăng ký máy trong dữ liệu quản lý, trường hợp không xác nhận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu khi thanh lý phải có văn bản thông báo đến Sở Thông tin và Truyền thông nơi đã đăng ký máy đó, đồng thời nộp lại giấy xác nhận đăng ký máy.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.

Tuệ Văn – VGP News

 

 

 

Tặng tài liệu về biển đảo cho người Việt ở CH Séc

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tặng tài liệu tuyên truyền biển đảo

(Mic.gov.vn) – Chiều 8/10, tại thủ đô Prague (CH Séc), Đại sứ quán Việt Nam, Hội người Việt Nam tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Đông đảo đại diện các tổ chức của Hội người Việt Nam, đại diện báo chí cộng đồng tại CH Séc đã tới dự và trao đổi thông tin.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn xúc động trước tình cảm và trách nhiệm của cộng đồng người Việt tại CH Séc trong suốt thời gian qua, đặc biệt là cuộc biểu tình ngày 11/5 tại thủ đô Prague, mở đầu cho làn sóng đấu tranh của người Việt ở xa Tổ quốc trên toàn thế giới đòi TQ rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong quá trình đi thăm, tặng tài liệu tuyên truyền biển đảo cho đại diện Hội người Việt tại nhiều nơi, đoàn công tác của Bộ TT&TT đã chứng kiến nhiều hoạt động sôi nổi, có sức lan tỏa to lớn trong và ngoài cộng đồng.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn thông tin những nét chính về tình hình biển đảo của đất nước, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là kiên quyết đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình để xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ trưởng cũng trao đổi và trả lời thẳng thắn một số vấn đề các đại biểu nêu ra, đồng thời đề nghị Đại sứ quán, Hội người Việt Nam tại CH Séc tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí cộng đồng, phối hợp với báo chí trong nước để trao đổi thông tin ngày càng hiệu quả, thiết thực, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

PV

Trung tâm khoa học Questacon – Hướng tiếp cận mới trong truyền thông KH&CN

Bà La Kate Driver – Phó Giám đốc Điều hành, Trung tâm Questacon

 

Là Trung tâm khoa học hàng đầu của Australia, Trung tâm khoa học Questacon thu hút hàng trăm nghìn khách thăm quan hàng năm, đặc biệt là lực lượng học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ. Các hoạt động khoa học tại đây được tổ chức dưới nhiều hình thức như: trưng bày, trình diễn, lý giải những sự kiện tự nhiên dưới lăng kính khoa học. Đây cũng là nơi tạo sự khám phá, biến những ý tưởng, sáng kiến những phát mình khoa học trở thành hiện thực. Bà La Kate Driver – Phó Giám đốc Điều hành, Trung tâm khoa học Questacon, Australia đã có những chia sẻ thú vị về cách thức tiếp cập trong truyền thông KH&CN tại xứ sở Kangaru.
PV: Thưa bà, lĩnh vực khoa học nào được tập trung tại Trung tâm khoa học Questacon (Trung tâm)? Và làm thế nào để tiếp tục thu hút khách tham quan khi họ muốn quay trở lại lần thứ hai?

Bà La Kate Driver: Là trung tâm giáo dục khoa học hàng đầu của Australia, chúng tôi có các chương trình vừa phục vụ giải trí vừa phục vụ công tác giáo dục. Các sản phẩm trưng bày tại đây luôn kích thích tính sáng tạo, đồng thời tạo ra sự hấp dẫn cho những người tham quan khoa học, góp phần giải thích các hiện tượng, sự vật trong đời sống hằng ngày.

Tại Trung tâm, chúng tôi tạo ra sự đa dạng về các lĩnh vực khoa học với các mảng khác nhau như: Sinh học, Vật lý, Thiên văn học, Toán học,… Bên cạnh đó, Trung tâm còn đẩy mạnh thêm nhiều hình thức giới thiệu khác nhau, phụ thuộc vào từng thời điểm của các lễ hội nhằm tạo sức hút với các lứa tuổi.

Để tránh nhàm chán và lôi cuốn khách tham quan quay lại, Trung tâm liên tục thay đổi chủ đề và các thiết bị của phòng trưng bày (hiện Trung tâm có 8 phòng trưng bày). Các sản phẩm thay thế được chuyển tới các trung tâm khoa học địa phương hoặc sử dụng cho các gánh xiếc khoa học trên toàn quốc.

Khách thăm quan đến với Trung tâm không chỉ vì một hoạt động, sản phẩm cụ thể mà còn có sự trải nghiệm, chia sẻ, cảm nhận và phản hồi về các lĩnh vực khoa học mà chính họ được tham gia. Chúng tôi luôn tạo ra môi trường năng động, sáng tạo cho giới trẻ tham gia trực tiếp vào các hoạt động khoa học tại Trung tâm, qua đó, tạo sự đam mê, yêu thích, muốn tìm tòi và khám phá khoa học.

 

Một mô hình trưng bày tại Trung tâm Questacon

PV: Bà có thể cho biết số lượng và bí quyết thu hút khách thăm quan hàng năm đến với Trung tâm?

Bà La Kate Driver: Hàng năm, Trung tâm tiếp đón khoảng hơn 450.000 khách tham quan. Ngoài ra, còn có khoảng trên 660.000 khách tham gia các hoạt động khoa học lưu diễn của họ trên khắp Australia và thế giới.

Thành công đầu tiên Trung tâm có được là đội ngũ nhân viên, tình nguyện viên nhiệt huyết, có đam mê nghiên cứu, yêu thích lĩnh vực khoa học. Cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Trung tâm có thể là các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà giáo, chuyên gia truyền thông, sinh viên,… thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau.

Ngoài ra, để có những sản phẩm trưng bày độc đáo, gẫn gũi với cuộc sống thường ngày, chúng tôi tự thiết kế, xây dựng các thiết bị từ đơn giản đến phức tạp, chất liệu có thể tùy thuộc vào đặc tính của từng sản phẩm, có thể bằng gỗ (đối với sản phẩm đơn giản, dễ di chuyển), hoặc chất liệu bằng sắt, thép,…

Bên cạnh việc tự sản xuất, thiết kế sản phẩm trưng bày dựa trên những ý tưởng sáng tạo, Questacon còn có liên kết với các trung tâm khoa học khác trên thế giới nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về chuyên môn cũng như các sản phẩm trưng bày.

PV: Bà có thể cho biết, đối tượng khách tham quan nào được hướng tới và họ sẽ được gì khi đến với Trung tâm?

Bà La Kate Driver: Trung tâm có nhiều loại hình, sản phẩm trưng bày thuộc mọi lĩnh vực từ khoa học đến giáo dục với những thiết bị, mô hình trưng bày có tính tương tác cao. Phần lớn đối tượng mà chúng tôi hướng tới là trẻ em, sinh viên, học sinh, sinh viên của các trường đại học,… Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng thuộc các thành phần khác nhau trong xã hội.

Khi đến với Trung tâm, khách tham quan sẽ có cơ hội khám phá, trải nghiệm thú vị với nhiều chủ để khoa học như: Sinh học, Vật lý học, Y học, Toán học, Thiên văn học,… phù hợp với mục đích, sở thích và đam mê khám phá khác nhau. Không chỉ có vậy, Trung tâm còn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để tiếp cận với giới trẻ như: phần mềm giới thiệu về các trưng bày của Trung tâm trên điện thoại di động; hội thảo trực tuyến với các nhà khoa học, trường học trên khắp đất nước và liên quốc gia,…

Bên cạnh việc mang đến những trải nghiệm thú vị và đầy tính tương tác, thực hành trong hoạt động triển lãm khoa học, Trung tâm còn tạo sự say mê với khoa học cho trẻ em. Với những thiết bị và mô hình trưng bày có tính tương tác cao, triển lãm tại Trung tâm mang đến các em nhỏ cơ hội khám phá và học hỏi về các chủ đề khoa học phong phú, đa dạng như: nguyên lý của âm nhạc, âm thanh, sinh học cơ thể người, ánh sáng, lực và chuyển động, nhận thức và câu đố,…

Song hành với triển lãm, Trung tâm còn thực hiện những chương trình thử nghiệm khoa học trực tiếp, hội thảo bồi dưỡng năng lực cho giáo viên khoa học địa phương và các buổi trao đổi về truyền thông khoa học với đại diện từ các đơn vị phụ trách giáo dục, khoa học và văn hóa,…

 

Các tiết mục trình diễn khoa học tại Trung tâm Questacon luôn thu hút số lượng lớn học sinh, sinh viên tham dự

PV: Vậy điều gì tạo nên sự thành công khi tiến hành xây dựng mô hình Trung tâm?

Bà La Kate Driver: Tôi cho rằng, khi trước khi tiến hành triển khai mô hình Trung tâm KH&CN, cần phải xác định đâu là đối tượng hướng tới chủ yếu, đối tượng truyền thông cho lĩnh vực này là ai? Đồng thời xác định được những ý tưởng, nội dung cần truyền đạt.

Ngoài ra, nguồn nhân lực quản lý, điều hành cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của Trung tâm. Đó là đội ngũ nhân viên nhiệt huyết và được đào tạo bài bản, đội ngũ này có thể là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà khoa học đã nghỉ hưu, các sinh viên, học sinh mới tốt nghiệp. Đối với các sinh viên, học sinh mới ra trường, được học tập, trải nghiệm tại Trung tâm cũng là cơ hội cho việc ôn lại các kiến thức đã được học trong trường cũng như trau dồi kỹ năng ngoại ngữ.

Tài chính cũng là yếu tố cần được tính toán kỹ nhằm bảo đảm sự an toàn trước khi tiến hành xây dựng. Theo tôi, Trung tâm khởi đầu nên theo mô hình nhỏ, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, sau đó sẽ mở rộng dần dần theo từng chủ đề, khu vực trưng bày.

Ngoài ra, xây dựng phong cách và văn hóa làm việc cũng rất quan trọng, điều này sẽ tạo sự gắn bó giữa nhân viên với Trung tâm đóng góp vào sự thành công chung của Trung tâm trong tương lai.

PV: Xin trân trọng cám ơn bà đã tham gia cuộc phỏng vấn

Bài, ảnh: Hoàng Phiêu

Ứng dụng KH&CN góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động ngành GTVT

 

 

 

Toàn cảnh Hội nghị
Sáng 3/10, tại Hà Nội, Viện KH&CN Giao thông vận tải, Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị khoa học năm 2014 với chủ đề “Chủ động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động ngành giao thông vận tải.”.

Trong năm qua, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nhiều nhiệm vụ hiệu quả, như tập trung công tác Thí nghiệm kiểm định; Dự án xây dựng cầu treo dân sinh; Khảo sát thiết kế tăng cường khả năng chịu lực các dầm cầu cũ trên toàn tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh; Kiểm định đề xuất cắm biển tải trọng qua cầu; Kiểm soát chất lượng nhựa đường, vật liệu xây dựng… Điển hình là các nghiên cứu của Viện về hiện tượng hằn lún nền đường, đầu cầu sau khi đưa vào khai thác sử dụng đã xác định rõ nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục từ khâu khảo sát thiết kế, thi công và kiểm soát chất lượng thi công công và bảo trì công trình đường ô tô.

Với 45 báo cáo khoa học thuộc các lĩnh vực đường bộ, sân bay, cầu, hầm, cảng đường thủy, cơ khí, tự động hóa, vật liệu xây dựng, bảo vệ công trình và môi trường… được trình bày trong hội nghị, các nhà khoa học, các kỹ sư và cán bộ quản lý trong ngành giao thông vận tải đã trao đổi, thảo luận những công nghệ mới, những giải pháp mới, vật liệu mới trong lĩnh vực xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì hạ tầng giao thông vận tải.

Tiến sỹ Đỗ Hữu Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian tới, Viện tiếp tục hoàn thiện, tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, với mục tiêu vấn đề chất lượng xây dựng các công trình giao thông của ngành giao thông vận tải phải đặt lên hàng đầu.

Tiến sỹ Đỗ Hữu Thắng nhấn mạnh, chúng tôi xác định 6 nhiệm vụ cơ bản, trong đó, tập trung rà soát, đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì công trình trên các lĩnh vực; Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong kiểm tra, đánh giá, bảo trì; Nghiên cứu công nghệ mới, vật liệu mới trong lĩnh vực bảo vệ công trình. Đồng thời, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị thi công chuyên dùng và các vấn đề về phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Tin, ảnh: Diệu Huyền

 

 

 

 

Thành công bước đầu của Đề án Silicon Valley Việt Nam

 

 

 

Toàn cảnh Demo Day
Ngày 04/10, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường KH&CN phối hợp tổ chức “Ngày hội đầu tư” (Demo Day Summer 2014). Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tham dự sự kiện.
Sự kiện được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nhóm khởi nghiệp thuộc Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” (Đề án) gặp gỡ trực tiếp và tìm kiếm cơ hội nhận đầu tư từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

 

Trong khoảng 4 tháng vừa qua, Đề án đã tổ chức thành công mô hình Tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp (VSVA) để hỗ trợ 9 nhóm khởi nghiệp tiềm năng theo một quy trình huấn luyện tập trung. VSVA đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều tổ chức lớn trong và ngoài nước như Ngân hàng Quốc tế VIB, Angle Lab (Hoa Kỳ), Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG, Quỹ đầu tư Venture Partner (Hoa Kỳ),…

 

Trước khi tham dự Demo Day, 9 nhóm khởi nghiệp đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ hơn 100 hồ sơ đăng ký. Họ đã nhận được vốn gieo mầm và trải qua 4 tháng huấn luyện trong Tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Sau quá trình tập huấn nói trên, các nhóm khởi nghiệp đã hoàn thiện ý tưởng và mô hình kinh doanh, đã có sản phẩm, thị trường và sẵn sàng nhận đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

9 nhóm khởi nghiệp với các sản phẩm được Đề án hỗ trợ gồm: (1) CHOMP cung cấp giải pháp truyền thông, quảng cáo trên mạng xã hội một cách sáng tạo, hiệu quả bằng việc tạo ra hệ thống kích hoạt mệnh đề chứa dấu thăng (#); (2) Astro Telligent với giải pháp tuyển dụng nhân sự trên nền tảng đám mây, tiết kiệm thời gian, tài chính, phù hợp với mọi quy mô doanh nghiệp; (3) CSK với phần mềm dịch vụ điện toán đám mây cho phép các doanh nghiệp bán lẻ gia tăng tỷ lệ duy trì khách hàng theo cấp số nhân, tăng tỉ lệ bán thông qua các kênh kĩ thuật số có tính năng kết nối tự động; (4) Olymsearch: xóa bỏ những trải nghiệm mua sắm trực tuyến không mấy dễ chịu thông qua công cụ tìm kiếm sản phẩm trực tuyến, cung cấp cho người quản lý giải pháp về cách đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng một cách hiệu quả và tốt nhất để việc mua sắm dễ dàng hơn; (5) TechElite cung cấp giải pháp phù hợp cho việc tổ chức một sự kiện hoàn chỉnh từ PR, vé, ghế ngồi và cả truyền hình trực tiếp với phong cách thanh lịch, chuyên nghiệp; (6) LOZI (website lozi.vn) là mạng xã hội, diến đàn cho những người yêu thích ẩm thực chia sẻ trải nghiệm, niềm đam mê của mình và cơ hội để thử những món ăn mới ở địa điểm mới; (7) VnPlay là một nền tảng nội dung số giúp người dùng có thể xem truyền hình trên các thiết bị máy tính hoặc điện thoại di động thông qua việc tạo ra nền tảng cho phép các bên thứ 3 là nhà phân phối sử dụng phương tiện truyền thông để phát sóng truyền hình trực tiếp trên kênh của họ với kế hoạch chia sẻ doanh thu; (8) Viet Creative cung cấp cho các nhà phát triển game trẻ em (từ 1 – 10 tuổi) công cụ để xây dựng game, các tổ chức có thể tạo ra và phân phối nội dung trên nền tảng của VietCreative; (9) LOANVI: xây dựng một nền tảng tài chính ở cấp vi mô, giúp đỡ người đi vay có thể so sánh và lựa chọn giữa các gói tài chính khác nhau trên thị trường để tìm ra lựa chọn tốt nhất.

Tại “Ngày hội đầu tư”, các nhóm khởi nghiệp đã thuyết trình, chia sẻ lịch sử hình thành công ty, thành tựu đạt được và các chiến lược chiếm lĩnh thị trường; các nhà đầu tư cũng đã làm việc cụ thể với các nhóm khởi nghiệp thích hợp. Sự kiện này không chỉ hữu ích với các nhóm khởi nghiệp và các nhà đầu tư, mà còn có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của Đề án.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, sự kiện này là kết quả của hơn một năm đề án về xây dựng các doanh nghiệp khởi nghiệp theo mô hình Thung lũng Silicon do Bộ KH&CN khởi xướng. Demo Day là dịp để báo cáo với nhà quản lý, người làm khoa học, giới truyền thông kết quả bước đầu của Đề án, giới thiệu những gương mặt còn rất trẻ nhưng có hoài bão, đam mê với sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước. Họ là những người có tinh thần doanh nghiệp đi lên từ hai bàn tay và khối óc.

Bộ trưởng mong rằng, các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ cùng tiếp tục chung vai trong sự phát triển KH&CN nói chung cũng như phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng để những kết quả nghiên cứu từ các viện, trường đi vào cuộc sống, trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ đất nước và xuất khẩu.

Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon tại Việt Nam” do Bộ KH&CN giao Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN và Văn phòng Phối hợp phát triển môi trường KH&CN nghiên cứu, triển khai từ năm 2013. Mục tiêu cơ bản của Đề án là tạo ra một hệ sinh thái gồm các start up được đào tạo, tư vấn trong chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp (BA) để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm nhằm xây dựng hệ thống doanh nghiệp KH&CN thành công. Theo đó, doanh nghiệp phải có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mô hình, chiến lược kinh doanh khả thi và có đội ngũ đủ năng lực thực hiện. Đồng thời tạo môi trường để thu hút chất xám thông qua xây dựng hệ thống BA, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kết hợp nguồn vốn ngân sách để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tư nhân, đặc biệt từ nước ngoài.

Tin, ảnh: Hạnh Nguyên – Phương Nga

 

 

 

Sản phẩm vi mạch đầu tiên của Việt Nam chính thức thương mại hóa

Chip SG8V1đã được ICDREC ứng dụng trên nhiều dòng sản phẩm thương mại có trên thị trường
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức công bố Chip thương mại SG8V1, KIT DE-SG8V1. Đây là sản phẩm vi mạch đầu tiên của Việt Nam được chính thức đưa ra thương mại trên thị trường.


Sản phẩm Chip SG8V1 có khả năng cạnh tranh về tính năng và giá thành so với các chip ngoại nhập. Giá thương mại Chip SG8V1 là 45 nghìn đồng/chip (đối với đơn hàng trên 1.000 chip). Với việc một sản phẩm công nghệ hoàn toàn do Việt Nam sản xuất, các chuyên gia về công nghệ cho rằng, sản phẩm sẽ rất an toàn trong việc sử dụng cho mục đích giáo dục đào tạo, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội…

Chip thương mại SG8V1 đã được ICDREC sử dụng trên nhiều dòng sản phẩm thương mại trên thị trường như: Thiết bị giám sát hành trình, Khóa điện tử giám sát container, Điện kế điện tử một pha,… với chất lượng được nhiều doanh nghiệp trực tiếp ứng dụng.

Với ứng dụng của chip này, khoảng 20 nhóm sản phẩm khác sẽ lần lượt được hoàn thiện và thương mại hóa trong thời gian tới, khẳng định tiềm năng ứng dụng, hiệu quả hoạt động trên hàng loạt thiết bị phần cứng của Chip SG8V1, tạo tiền đề phát triển các dòng chip thương mại khác.

Dự kiến trong quý IV/2014, nhiều sản phẩm ứng dụng SG8V1 sẽ được đưa ra thị trường như KIT phát triển giáo dục, điện kế điện tử 3 pha, thiết bị giám sát container lạnh, thiết bị quản lý bà định vị nguồn phóng xạ…

Nhân dịp này, Trung tâm ICDREC đã trao tặng Chip thương mại SG8V1, KIT DE-SG8V1 cho đại diện 34 Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Trung cấp dạy nghề và 25 tổ chức Khoa học công nghệ, Doanh nghiệp phát triển phần cứng, Doanh nghiệp kinh doanh linh kiện điện tử tại TP Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: Bảo Chi

Cơ hội cho một chuyến tới “quốc gia khởi nghiệp”

 

 

 

Cuộc thi khởi nghiệp cùng Israel 2014 do Đại sứ quán Israel phối hợp với Bộ KH&CN, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức là một sự kiện đáng chú ý giữa bối cảnh cộng đồng các doanh nhân khởi nghiệp ở Việt Nam đang từng bước định hình và rất cần học hỏi kinh nghiệm từ những đất nước có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như Israel. Tạp chí Tia Sáng đã có cuộc phỏng vấn bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam, về sự kiện này


Xin đại sứ cho biết động lực nào đã thúc đẩy Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tham gia tổ chức cuộc thi lần này?

Mục đích của chúng tôi là tạo một cầu nối giữa cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp Israel. Như bạn đã biết, cuộc thi sẽ chọn ra bốn doanh nghiệp Việt Nam thuộc bốn lĩnh vực web, mobile, nông nghiệp, và khoa học đời sống được cử đại diện tham gia một chuyến đi thực hành khởi nghiệp tại Israel trong tháng 12 năm 2014. Qua chuyến đi này, chúng tôi sẽ thu xếp để họ gặp gỡ, kết nối, và học hỏi kinh nghiệm ở những đối tác hoạt động trong cùng lĩnh vực tại Israel.

Những doanh nhân chiến thắng của cuộc thi cần có những phẩm chất gì?

Các tiêu chí mà chúng tôi tìm kiếm ở các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia cuộc thi là sự sáng tạo, khả năng làm việc nhóm của tập thể nhân viên công ty, kế hoạch kinh doanh có tính thuyết phục. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt ra một số tiêu chí khác, ví dụ như ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính thân thiện với môi trường.

Thị trường đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam còn khá sơ khai, vì vậy các doanh nghiệp khởi nghiệp đang rất thiếu các nhà đầu tư. Liệu qua cuộc thi lần này, Đại sứ quán Israel có thể thúc đẩy các nhà đầu tư Israel đến với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam?

Công việc đầu tư, kinh doanh là những hoạt động thuộc phạm vi của khu vực tư nhân, chúng tôi không thể can thiệp và tác động. Tuy nhiên, chuyến đi thực hành khởi nghiệp tại Israel cũng là một cơ hội để các doanh nhân khởi nghiệp chiến thắng trong cuộc thi được tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp Israel, trong đó họ có cơ hội gặp gỡ, kết nối với các nhà đầu tư Israel. Song điều tôi muốn lưu ý ở đây là tuy tiền bạc và nguồn lực tài chính rất quan trọng cho các doanh nhân khởi nghiệp, nhưng kinh nghiệm và mạng lưới các quan hệ còn quan trọng hơn. Vì thế, việc tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp Israel và những kinh nghiệm và các mối quan hệ thu được từ đó có thể sẽ rất hữu ích cho các doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam.

Được biết chuyến đi thực hành khởi nghiệp tại Israel sẽ diễn ra trong tuần đầu tháng 12. Liệu thời gian một tuần có đủ để các doanh nhân khởi nghiệp học hỏi những kinh nghiệm cần thiết, khi mà các hoạt động huấn luyện cho doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới nhìn chung thường đòi hỏi thời gian dài hơn, có thể là vài tháng hoặc thậm chí cả năm?

Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một cuộc thi cho các doanh nhân khởi nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi không kỳ vọng sẽ đạt được một kết quả hoàn hảo ngay lập tức. Sau khi các doanh nhân khởi nghiệp chiến thắng trở về từ chuyến đi thực hành khởi nghiệp tại Israel, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với họ nhằm rút kinh nghiệm để có thể tổ chức tốt hơn các sự kiện tương tự trong tương lai, theo đó xác định khung thời gian như thế nào là hợp lý nhất, và những trải nghiệm nào là hữu ích cho các doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam.

Các quốc gia khác có tổ chức cho doanh nhân khởi nghiệp của họ đến tìm hiểu kinh nghiệm khởi nghiệp ở Israel?

Nhiều nước trên thế giới đã tổ chức những chuyến đi thực hành khởi nghiệp tại Israel. Ở khu vực ASEAN, Đại học Quốc gia Singapore vẫn tổ chức những chuyến thực hành khởi nghiệp trong vòng sáu tháng cho sinh viên của họ tại Israel, bởi họ quan niệm rằng khởi nghiệp là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà mọi sinh viên đều nên có cơ hội được sớm trải qua. Tôi được biết trong số các sinh viên của Đại học Quốc gia Singapore, từng có hai sinh viên người Việt Nam. Chúng tôi hi vọng trong tương lai không xa có thể hỗ trợ tổ chức những chuyến thực hành khởi nghiệp dài ngày như vậy cho các doanh nhân khởi nghiệp và các bạn trẻ Việt Nam quan tâm.

Ngoài các doanh nhân khởi nghiệp, các vườn ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là một mắt xích thiết yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp. Vậy ngoài chuyến đi của các doanh nhân khởi nghiệp tới đây, liệu sẽ có cơ hội khác dành cho các nhà quản lý vườn ươm doanh nghiệp ở Việt Nam tới tìm hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp Israel?

Đây là một ý tưởng hay. Hiện nay phía Israel đã có những thỏa thuận hợp tác với Bộ KH&CN Việt Nam. Trong khuôn khổ đó, chúng tôi sẵn lòng kết nối để tạo cơ hội cho các vườn ươm tạo doanh nghiệp ở Việt Nam tìm hiểu kinh nghiệm và kết nối với các vườn ươm tạo doanh nghiệp cùng hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel.

Xin trân trọng cảm ơn bà.

Một số yêu cầu đối với các ứng viên cuộc thi Khởi nghiệp cùng Israel 2014:

* Độ tuổi ứng viên: 20-40

* Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp: Web/Mobile/Nông nghiệp/Khoa học đời sống

* Doanh nghiệp tham gia cuộc thi cần có lịch sử hoạt động từ hai tới ba năm, có chiến lược kinh doanh cụ thể. Yêu cầu có ít nhất một thành viên sáng lập sử dụng thành thạo tiếng Anh. Các ứng viên tự đảm bảo không có vi phạm hay tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm dự thi.

* Hồ sơ dự thi trình bày bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, bao gồm các thông tin về công ty và chiến lược kinh doanh chi tiết dưới dạng PDF. Bên cạnh đó, ứng viên cần cung cấp một đoạn phim độ dài khoảng hai-ba phút bằng tiếng Anh để thuyết phục ban giám khảo vì sao công ty của mình xứng đáng giành được chuyến thực hành tại Israel.

* Hạn cuối cùng nộp hồ sơ là ngày 8/10/2014. Sau vòng loại hồ sơ, vào tuần đầu tháng 11, tám ứng viên xuất sắc nhất (mỗi lĩnh vực sẽ có hai ứng viên) sẽ lọt vòng phỏng vấn. Tại đó ứng viên sẽ thuyết trình bằng tiếng Anh về dự án kinh doanh của mình và hỏi đáp với giám khảo.

* Sau cuộc phỏng vấn của ban giám khảo, bốn ứng viên chiến thắng sẽ được công bố. Nhà tổ chức phía Israel sẽ căn cứ theo đặc thù của từng ứng viên để xây dựng lịch trình tương ứng cho chuyến đi thực hành khởi nghiệp tại Israel vào đầu tháng 12 năm 2014.
Nguồn tin: Tia sáng

 

 

 

Tăng 30% năng suất chế biến chè nhờ cải tiến máy diệt men chè xanh

 

 

 

Trồng chè – ngành kinh tế mũi nhọn của Nghệ An. 
Lần đầu tiên tại tỉnh Nghệ An, loại máy diệt men truyền thống (do Trung Quốc thiết kế, chế tạo) đã được cải tiến, chế tạo thành máy diệt men mới đưa vào sử dụng trong dây chuyền sản xuất, phù hợp với trạng thái nguyên liệu thu hái tại địa phương. Nhờ đó, năng suất chế biến chè tăng 30%, đem lại lợi nhuận hơn 1,1 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp.

Đây là kết quả của công trình nghiên cứu đầu tư cải tiến máy diệt men chè xanh do Ông Chu Quang Vinh – Giám đốc Công ty TNHH chè Trường Thịnh (TP.Vinh, Nghệ An) và các cộng sự thực hiện. Công trình này vừa nhận được Giải thưởng sáng tạo KH&CN tỉnh Nghệ An năm 2013.

Trồng chè – ngành kinh tế mũi nhọn

Ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, từ lâu việc trồng chè gắn với công nghiệp chế biến đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tính đến hết năm 2013, Nghệ An có gần 8.000 ha chè, ước tính đến hết 2015 tăng lên 11.000 ha, năng suất bình quân từ 12 – 15/tấn/ha/năm. Năm 2012, sản lượng chè toàn tỉnh thu hái trên 50.000 tấn chè tươi. Hiện có gần 30 nhà máy chế biến, hàng năm chế biến hơn 10.000 tấn chè khô xuất khẩu, đem lại cho tỉnh nguồn ngoại tệ hơn 11 triệu USD. Cây chè thực sự đã trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, làm giàu cho hàng trăm hộ nông dân trồng chè miền núi xứ Nghệ.

Năm 2012, nhận thấy cấu tạo của bộ phận tiếp nhiệt và đảo chè diệt men của máy diệt men truyền thống do Trung Quốc thiết kế, chế tạo trước đây không còn phù hợp với hiện trạng chất lượng nguyên liệu thu hái theo tập quán tại địa phương như nguyên liệu chè búp tươi thu hái dài quá quy định (chiếm 95%), kích thước búp chè không đồng đều, đã hóa gỗ 50%,…, ông Chu Quang Vinh – Giám đốc Công ty TNHH chè Trường Thịnh (TP.Vinh, Nghệ An) và các cộng sự đã tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến và chế tạo một loại máy diệt men mới phù hợp với trạng thái nguyên liệu thu hái tại địa phương.

Giám đốc Công ty Chu Quang Vinh cho biết, việc nghiên cứu, cải tiến máy diệt men truyền thống thành máy diệt men mới nhằm nâng cao chất lượng diệt men, tăng công suất diệt men một lần lên 20 tấn tươi/ngày. Cuối dây chuyền sản xuất cho ra sản phẩm chè xanh viên có chất lượng tốt, sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần nâng cao giá thành sản phẩm chè xanh viên của công ty trên thị trường xuất khẩu.

Tăng 30% năng suất chế biến chè

Theo ông Chu Quang Vinh, nhóm nghiên cứu đã tháo dỡ máy diệt men truyền thống, cắt bỏ toàn bộ bộ phận tiếp nhiệt – đảo chè bên trong của máy diệt men truyền thống vì bộ phần này được Trung Quốc thiết kế chỉ phù hợp với chức năng diệt men cho loại nguyên liệu chè hái ngắn, búp chè đủ độ non, mềm như ở Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản,… không phù hợp với vùng nguyên liệu hái dài như ở Nghệ An.

Nếu như máy diệt men trước đây có cấu tạo bộ phận tiếp nhiệt – đảo chè bên trong là các lá thép dày, dài, được gắn dạng hình xoắn trôn ốc lên thành ruột thì nay được chế tạo mới bằng các thanh thép không rỉ, dài 1m, cao 10m, dày 5mm dạng thẳng, gắn song song, cách đều nhau bên trong thành ruột máy. Qua phân tích trước khi chế tạo và chạy thử nghiệm cho thấy, cấu tạo mới này giúp chè nguyên liệu được tiếp nhiệt một cách đồng đều, cho hiệu quả diệt men gần 100%.

Đặc biệt, trên các thanh thép tiếp nhiệt và đảo chè dạng thẳng được nghiên cứu và gắn một hệ thống răng thép hình tròn trụ, so le, cách đều để đảo chè diệt men khi máy làm việc. Nhờ hệ thống răng thép đảo chè này mà 100% chè búp tươi đưa vào diệt men được đảo tơi liên tục, chè không bị cuộn tròn, vón cục như máy truyền thống. Đặc biệt, nhờ cấu tạo mới của bộ phận đảo tơi, tiếp nhiệt mới có tính năng làm cho chè tiếp xúc với nhiệt liên tục và làm cho chè chuyển động đi ra ngoài một cách từ từ, đảm bảo thời gian chè đủ thời gian di chuyển trong lòng máy nên 100% enzim men sẵn có trong búp chè tươi được triệt tiêu hoàn toàn. Vì vậy, không phải sàng lại để diệt men lần 2 như khi dùng máy diệt men truyền thống.

Máy diệt men cải tiến đã được đưa vào hoạt động trong dây chuyền sản xuất chè xanh viên của công ty. Kết quả chè khi diệt men không còn bị cuộn tròn, vón cục, 98% búp chè khi cho vào diệt men được đảo tơi và tiếp xúc với nhiệt đồng đều. Khi kiểm tra chè thành phẩm ở công đoạn cuối cùng cho thấy chất lượng chè hơn hẳn 30% so với khi máy diệt men chưa được cải tiến. Cụ thể, gần 100% chè có màu xanh đen đặc trưng, tỷ lệ thu hồi cao hơn 15%, đặc biệt màu nước chè pha ra có màu xanh, trong sáng hơn 20%, độ bền màu của nước chè pha cao.

Theo tính toán, trong năm đầu tiên áp dụng, việc dùng máy diệt men cải tiến mới đã đem lại tỷ lệ thu hồi sản phẩm từ chè thô bán thành phẩm tăng 15%, đem lại lợi nhuận hơn 1,1 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Công trình này không chỉ phù hợp áp dụng tại tỉnh Nghệ An mà còn phù hợp với các nhà máy chế biến chè xanh trên địa bàn cả nước.

Hơn 10 năm qua, Công ty TNHH chè Trường Thịnh đã thu mua, bao tiêu sản phẩm chè búp tươi trên địa bàn các xã của huyện miền núi Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông,… (Nghệ An) để chế biến thành sản phẩm chè xanh viên và chè xanh đen xuất khẩu, một phần bán tiêu dùng nội địa.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè của công ty: nội tiêu 10%, còn lại chủ yếu xuất khẩu đến thị trường các nước Anh, Hà Lan, Đức, Iran, Pakistan, Đài Loan,…
Hạnh Nguyên