Hotline 1: 0898275999
Từ ngày 23-30/5/2015, tại Phuket (Thái Lan), Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh kiêm Chủ tịch ASEAN COST – Việt Nam tham dự Hội nghị Ủy ban KH&CN ASEAN lần thứ 68 (COST-68) và các cuộc họp liên quan với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới trong khu vực ASEAN, hướng tới xây dựng Cộng đồng chung ASEAN và tầm nhìn từ sau 2015.
Các đại biểu cũng thảo luận cách thức, nội dung xây dựng Chương trình hành động Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN giai đoạn 2016- 2025 (APASTI), trong đó, xem xét việc tái cơ cấu lại COST, thúc đẩy các nhiệm vụ chiến lược, phù hợp với định hướng mục tiêu và tầm nhìn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ sau 2015.
Hiện nay, Ủy ban KH&CN ASEAN đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện Dự thảo APASTI và Kế hoạch triển khai, để có thể thông qua tại Hội nghị ASEAN COST – 70 và Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN lần thứ 16 (dự kiến vào tháng 11/2015 tại thủ đô Vientiane, Lào).
Tại Lễ Khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Thái Lan, đại diện nước chủ nhà đã khẳng định cam kết của Thái Lan tiếp tục cùng các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác đối thoại đóng góp vào các dự án cùng có lợi của ASEAN. Hiện nay, Indonesia đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN COST 2014-2015.
Tại các Cuộc họp thảo luận, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến đối với Dự thảo APASTI. Việt Nam cũng đã chuẩn bị báo cáo về quan hệ hợp tác ASEAN-EU (Việt Nam là nước thành viên ASEAN COST theo dõi quan hệ hợp tác đối thoại với EU), trình bày giới thiệu và mời các nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại ASEAN tham gia International Technmart 2015 dự kiến từ ngày 01 – 04/10/2015 tại Hà Nội.
Trước đó, các cuộc họp đã được tổ chức trước khi Hội nghị COST-68 diễn ra như sau: (i) Cuộc họp đặc biệt ASEAN về Dự thảo APASTI; (ii) Cuộc họp lần thứ 25 của Cơ quan tư vấn về Kế hoạch hành động ASEAN về KH&CN (ABAPAST – 25); (iii) Cuộc họp lần thứ 22 của Cơ quan tư vấn của Quỹ Khoa học ASEAN (ABASF – 25); (iv) Hội thảo về di chuyển nhân lực tài năng ASEAN lần thứ 3 (ATM-3); (v) Cuộc họp của các Tiểu ban trực thuộc ASEAN COST bao gồm: Tiểu ban về cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn lực KH&CN (SCIRD), Tiểu ban Công nghệ Không gian (SCOSA), Tiểu ban Công nghệ Thông tin (SCMIT), Tiểu ban Lương thực (SCFST), Tiểu ban Vật lý địa cầu, Tiểu ban Công nghệ vật liệu (SCMST), Tiểu ban KH&CN Biển (SCMSAT), Tiểu ban Công nghệ sinh học (SCB).
Có thể nói, thông qua cơ chế hợp tác ASEAN COST, Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới với các nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản)…Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nội khối ASEAN. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu, kết nối mạng lưới giữa cộng đồng khoa học Việt Nam với các nước ASEAN và các đối tác đối thoại ASEAN, đào tạo cán bộ, tăng cường tiềm lực KH&CN, và góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế về KH&CN của Việt Nam với khu vực và thế giới.
Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế
Ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành KT-KT, Bộ KHC&N.
Động lực chính cho sự phát triển của nông nghiệp nước ta những năm qua chính là sự đổi mới trong cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp mà trụ cột của nó là phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Song, khoa học và công nghệ (KH&CN) cũng là một trong những động lực, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong các thành tựu của ngành nông nghiệp.
Phóng viên: Khoa học công nghệ (KH&CN) đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời là một trong những trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế – xã hội được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong thời gian qua? Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những mặt hạn chế gì? Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Liễu: Trong gần 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có sự phát triển đầy ấn tượng, thể hiện một cách rõ nét nhất là ở chỗ từ một nước còn thiếu lượng thực trầm trọng những năm 80 trở về trước của thế kỷ trước, hiện nay Việt Nam về nhiều mặt đã được coi là cường quốc về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đó là: gỗ và sản phẩm gỗ: 6,54 tỷ; tôm: 4,0 tỷ; cà phê 3,62 tỷ; gạo 3,04 tỷ; điều 2,0 tỷ; cao su: 1,8 tỷ; các tra: 1,8 tỷ; rau quả: 1,47 tỷ; tiêu: 1,2 tỷ, sắn: 1,12 tỷ; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 30,86 tỷ USD; lĩnh vực nông nghiệp cũng là lĩnh vực xuất siêu nhiều nhất (năm 2013: 8,82 tỷ USD, năm 2014 là 9,02 tỷ USD).
Động lực chính cho sự phát triển của nông nghiệp nước ta những năm qua chính là sự đổi mới trong cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp mà trụ cột của nó là phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Song KH&CN cũng là một trong những động lực rất quan trọng của phát triển nông nghiệp thời gian qua, nó giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong các thành tựu của ngành nông nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế của FAO thì KH&CN đã đóng góp tối thiểu 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, còn nhiều chuyên gia trong nước cho rằng KH&CN còn đóng góp ở mức cao hơn.
Các nhà KH&CN của Việt Nam hàng năm đã nghiên cứu, chọn tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nhiều quy trình kỹ thuật sản xuất, phòng trừ dịch hại cũng đã được nghiên cứu, hoàn thiện. Công nghệ sinh học – một lĩnh vực được thế giới rất quan tâm cũng đã được chú trọng đầu tư nghiên cứu và thu được những thành tựu rất đáng kể ở nước ta.
Hiện nay nhiều lĩnh vực KH&CN trong nông nghiệp ở nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc: Chúng ta gần như đã tự chủ hoàn toàn về công tác tạo giống cây trồng (trừ một số giống ngô nhập ở nước ngoài); nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh tai xanh ở lợn, bệnh cúm gia cầm đã có quy trình công nghệ phòng trị; chúng ta cũng đã tự nghiên cứu sản xuất được nhiều loại vắc-xin trong chăn nuôi, trong đó cáo vắc-xin H5N1 (Công ty CP Thuốc thú y TW2- NAVETCO); công nghệ sản xuất cá tra của ta cũng vào loại hàng đầu thế giới (chúng ta đã tự sản xuất được cá tra giống sạch bệnh, quy trình nuôi công nghiệp đã cho năng suất vượt 500 tấn/ha)…
Hiện nay năng suất lúa của Việt Nam cao nhất khối ASEAN (trong đó cao hơn gấp rưỡi Thái Lan), cà phê cũng có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su cũng đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra cao nhất thế giới…
Chính vì năng lực KH&CN của nước ta trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng cao nên FAO và một số tổ chức của Liên hợp quốc hiện đang thuê chuyên gia Việt Nam làm cho nhiều chương trình phát triển nông nghiệp của Liên hợp quốc.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được của KH&CN trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp còn một số hạn chế, tồn tại như: Cơ chế quản lý KH&CN nói chung cũng như KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng đã có nhiều đổi mới song chưa thoát hẳn khỏi các cơ chế lạc hậu mang nặng tính hành chính, nên chưa tạo động lực thực sự cho yêu cầu phát triển KH&CN trong nông nghiệp; hệ thống KH&CN nông nghiệp tuy có quy mô lớn song ngày càng thể hiện là quá cồng kềnh và kém hiệu quả; nguồn nhân lực trong các tổ chức KH&CN còn nhiều bất cập: chất lượng nguồn nhân lực có xu hướng giảm, hiện tượng “chảy máu chất xám” có xu hướng tăng nhanh trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn còn quá thấp so với yêu cầu: hiện tại, nguồn lực đầu tư cho KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn chỉ đáp ứng khoảng 55 – 60% so với nhu cầu; xuất phát điểm của KH&CN nước ta nói chung cũng như KH&CN trong nông nghiệp nói riêng là thấp nên trình độ KH&CN trong nông nghiệp của nước ta còn thấp so với thế giới; trong khi các giải pháp liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa trở thành phổ biến thì kinh tế hộ với ruộng đất manh mún vẫn đang là lực cản lớn cho quá trình đầu tư ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; thương mại hóa kết quả KH&CN trong nông nghiệp gặp khó khăn do đối tượng thụ hưởng chủ yếu là hộ nông dân nhỏ lẻ làm ăn manh mún, khả năng chi trả kém.
Về giải pháp khắc phục, cần tập trung vào thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Thứ nhất, thực hiện tốt những đổi mới cơ bản về cơ chế hoạt động KH&CN theo tinh thần của Luật Khoa học và Công nghệ cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành, như: Cơ chế đặt hàng, Cơ chế quỹ, Cơ chế khoán, Cơ chế liên kết và Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thứ hai, tăng cường đầu tư cho KH&CN lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó tập trung vào việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về KH&CN đến năm 2020, trong đó có một số chương trình quan trọng liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Phát triển sản phẩm quốc gia; Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Đổi mới công nghệ quốc gia; và các Chương trình quốc gia như: Phát triển công nghệ cao; Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển nông thôn mới; Các Chương trình/đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường. Thứ ba, tăng cường phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện các giải pháp nêu trên.
Phóng viên: KH&CN trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới có ý nghĩa thế nào trong sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung của nước ta, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Liễu: Trước hết phải nói là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình hết sức quan trọng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị đánh giá về thực hiện Chương trình này năm 2014 đã cho rằng: Thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là nội dung cụ thể của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn cũng như công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 thì một xã muốn được coi là nông thôn mới phải đạt 19 tiêu chí: Từ quy hoạch, phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trường đến xây dựng hệ thống chính trị, an ninh trật tự.
Nông thôn mới không chỉ có bộ mặt nông thôn được thay đổi bằng cơ sở hạ tầng, mà nông thôn mới phải tạo được cơ hội cho nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững. Muốn làm được điều này, ngoài các chính sách về tổ chức lại sản xuất, chính sách về ưu đãi tín dụng, chính sách tổ chức thị trường thì không có cách nào khác là phải đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của KH&CN vào sản xuất kinh doanh, dich vụ. Chúng ta phải đưa các giống cây con mới, đưa kỹ thuật, công nghệ tiến tiến, công nghệ cao vào sản xuất, đưa công nghệ thông tin vào nông thôn phục vụ kết nối thị trường để các hàng hóa sản xuất từ nông nghiệp, nông thôn có chất lượng tốt, sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Chính vì vậy, khi xây dựng nông thôn mới đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền phải hết sức quan tâm đến việc đưa các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, phát huy sức sang tạo của người dân nông thôn.
Phóng viên: Xin ông một vài nhận xét về hiệu quả thực hiện mô hình “Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông – Nhà doanh nghiệp" trong thời gian qua? Ông có thể chia sẻ một số giải pháp nhằm khẳng định vai trò của Nhà khoa học trong chuỗi “liên kết 4 nhà”?
Ông Nguyễn Văn Liễu: Trước hết, theo tôi mô hình “Liên kết 4 nhà” là một mô hình tốt, mô hình lý tưởng. Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2000 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng chúng ta đã rất kỳ vọng vào việc phát triển mạnh mẽ mối liên kết này. Tuy nhiên trong thực tiễn nhiều năm qua, do cách thức tổ chức sản xuất manh mún của ta nên mô hình này chưa phát triển nên hiệu quả của nó chưa rõ.
Vai trò của Nhà khoa học được coi là then chốt trong mối liến kết. Nhưng trong thực tiễn nhà khoa học lại thiếu các chính sách hỗ nhà khoa học, nhà khoa học không được hưởng lợi nhiều trong mối liên kết đó, mà chỉ có nghĩa vụ phục vụ, hoạt động KH&CN trong nông nghiệp mang nặng tính công ích, bao cấp.
Những khó khăn vướng mắc như trên chính là xuất phát từ mô hình sản xuất dựa chủ yếu vào kinh tế hộ nhỏ lẻ, không đủ sức tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh cao. Hay nói cách khác chính là quan hệ sản xuất hiện tại đang lạc hậu nên kìm hãm lực lượng sản xuất.
Như vậy để giải quyết khó khăn, đầu tiên là phải tính lại cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Vấn đề này hiện nay đang được gọi là “tái cấu trúc” hay “tái cơ cấu” ngành nông nghiệp. Tức là phải khuyến khích sản xuất tập trung quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo lợi ích của tất cả các đối tượng tham gia vào chuỗi. Có như vậy thì Nhà khoa học mới gắn các hoạt động nghiên cứu của mình với sản xuất, với thị trường, gắn với Nhà nông, Nhà doanh nghiệp. Sự liên kết giữa Nhà nông và Nhà doanh nghiệp mới đảm bảo khả năng đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn lớn và phát triển ổn định và từ đó sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn.
Còn về hoạt động KH&CN trong mối liên kết này cũng phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với nông dân và hoạt động KH&CN cũng phải theo nguyên tắc thị trường, tức là nghiên cứu phải đáp ứng cầu của sản xuất, song cũng phải đảm bảo bán được sản phẩm KH&CN để tái đầu tư phát triển KH&CN.
Đáng mừng là gần đây Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Chính sách này phần nào khắc phục được các khó khăn, thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Phóng viên: Vậy bức tranh khoa học công nghệ nước ta trong năm 2015 sẽ như thế nào và mục tiêu phát triển ngành trong giai đoạn tiếp theo là gì?
Ông Nguyễn Văn Liễu: Năm 2015 là năm khởi đầu cho việc thực hiện nhiều cơ chế chính sách mới theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cũng như triển khai thực hiện Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chính vì vậy, hoạt động KH&CN chắc chắn sẽ có rất nhiều khởi sắc do cơ chế mới mang lại, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn do việc vận hành cơ chế mới chưa thật “trơn tru”. Tuy nhiên, tổng thể mà nhìn nhận thì tôi thấy rằng: Năm 2015 hoạt động KH&CN chắc chắn sẽ thu được những kết quả tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể: trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn các hoạt động KH&CN sẽ góp phần tạo lập cơ sở cho Trung ương Đảng, các cấp ủy đảng định ra được các chủ trương, phương hướng phát triển của đất nước cũng như của từng địa phương giai đoạn 2016 – 2020; hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ sẽ tiếp tục có các kết quả tốt hơn ứng dụng trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giao thông, xây dựng, thông tin truyền thông và cả quốc phòng an ninh nữa; các hoạt động nghiên cứu cơ bản cũng sẽ được thúc đẩy với việc triển khai các chuương trình khoa học về toán học và vật lý.
Năm 2014, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2014 (GII 2014). Theo đó, nhờ sự phát triển nhanh của nền KH&CN nước ta mà Việt Nam đã tăng năm bậc trên Bảng xếp hạng, đứng thứ 71 (so với vị trí 76 năm 2013) trên tổng số 143 nền kinh tế được đánh giá. So với các nước trong ASEAN thì Việt Nam xếp thứ 4, chỉ sau Xin-ga-po (thứ 7), Ma-lai-xia (33) và Thái Lan (48).
Tôi hy vọng rằng năm 2015 này Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến dài hơn trong việc thăng hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo theo đánh giá của WIPO để đến năm 2020 chúng ta có thể xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: http://dangcongsan.vn
Sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014” kế thừa và bổ sung những nội dung của cuốn sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2013”, tiếp tục hoàn chỉnh bức tranh khoa học và công nghệ (KH&CN) của Việt Nam. Đây là nguồn thông tin quan trọng đóng góp cho việc hoạch định chính sách kinh tế – xã hội của Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
TS. Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã chia sẻ với độc giả xoay quanh vấn đề này.
PV: Là chủ biên của cuốn sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2014”, xin ông cho biết, mục đích của việc biên soạn cuốn sách này?
TS. Lê Xuân Định: Thông thường, trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều xuất bản những ấn phẩm cung cấp thông tin tổng quan, toàn diện về kết quả hoạt động của ngành hoặc lĩnh vực đó cho các nhà lãnh đạo, quản lý và công chúng. Trong lĩnh vực KH&CN cũng như vậy, sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam được biên soạn nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, nhà quản lý KH&CN, nhà nghiên cứu và xã hội nói chung về hoạt động KH&CN của nước nhà.
Sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 cung cấp một bức tranh toàn cảnh với số liệu chính thống, cập nhật về hoạt động KH&CN Việt Nam, đặc biệt trong cuốn sách này có nội dung công bố số liệu điều tra chính thức, phân tích sâu về nhân lực, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Đối với các nhà lãnh đạo, quản lý thì đây chính là cơ sở quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định dựa trên cứ liệu thực tế (evident base decision making).
Sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 cũng được Bộ KH&CN biên soạn với mục đích công khai và minh bạch hóa thông tin về các hoạt động KH&CN đối với xã hội, để công chúng thấy rõ hơn về các hoạt động KH&CN đang diễn ra trong nước, nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng vào các hoạt động KH&CN đúng theo tinh thần của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18.5.
PV: Đâu là điểm nhấn, điểm mới của sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014, thưa ông?
TS. Lê Xuân Định: Sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 giới thiệu đến độc giả kết quả cuộc điều tra về nhận thức của công chúng về KH&CN (lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam) cho thấy những kết quả khá thú vị. Trên cơ sở đó, giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đưa ra những chính sách phù hợp để nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng vào các hoạt động KH&CN.
PV: Được biết, đây là lần đầu tiên Bộ KH&CN có cuộc điều tra nhận thức của công chúng về KH&CN. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả cuộc điều tra này?
TS. Lê Xuân Định: Điều tra nhận thức công chúng về KH&CN nhằm mục đích thu thập và phân tích các dữ liệu về nhận thức của công chúng, mối quan tâm và sự hiểu biết của họ về KH&CN, cũng như quan điểm của công chúng đối với KH&CN.
Điều tra nhận thức công chúng về KH&CN được tiến hành theo phương pháp luận và chuẩn mực quốc tế, đối tượng là cá nhân trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên, trừ khu vực an ninh, quốc phòng) ở các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thuộc 3 nhóm: Người làm việc trong cơ quan hành chính sự nghiệp; Người làm việc trong khu vực doanh nghiệp (phi nông nghiệp); Người làm việc trong khu vực nông nghiệp.
Kết quả điều tra cho thấy, chuyên mục KH&CN đứng thứ tư về mức độ rất được quan tâm của công chúng (26%) trong 6 chuyên mục được hỏi, sau chuyên mục thời sự, chính trị được quan tâm nhất với tỷ lệ người rất quan tâm đạt 32%, tiếp đến là chuyên mục y tế, sức khỏe (31%) và chuyên mục kinh tế, xã hội (29%), đứng trên 2 mục: giải trí và thể thao.
Về phương thức thu thập các thông tin KH&CN, phổ biến nhất là ti vi chiếm 19%; tiếp theo là thông qua internet chiếm tỷ lệ 17%; thu thập qua các kênh báo chí chiếm 15%.
Về mức độ tiếp cận những kiến thức về KH&CN, 81% số người được điều tra biết về hóa học trị liệu, 86% biết về công nghệ sinh học, 89% biết về năng lượng mặt trời, 77% biết về thương mại điện tử, 84% biết về hiệu ứng nhà kính, 95% biết về ô nhiễm không khí, 84% biết về lỗ thủng tầng ôzôn, 98% biết về cúm gia cầm (H5N1, H7N9), 75% biết về nhân bản vô tính, 45% biết về băng thông rộng, 61% biết về trạm vũ trụ quốc tế, 53% biết về điện toán đám mây, 92% biết về biến đổi khí hậu, 89% biết về nước biển dâng, 78% biết về sinh vật biến đổi gen và 59% biết về động đất kích thích. Điều này cho thấy, công chúng nhận thức rất tốt các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường sống, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Kết quả điều tra cũng cho thấy nhận thức về các kiến thức KH&CN của phần lớn những người được hỏi là chính xác.
Tuy nhiên, có một số lĩnh vực mà hơn nửa số người được hỏi còn mơ hồ, như các lĩnh vực liên quan đến băng thông rộng, điện toán đám mây, động đất kích thích.
Có tới 82% công chúng cho rằng, nghiên cứu khoa học có nhiều tác động tích cực hơn tác động tiêu cực. Đánh giá tác động về KH&CN lên các khía cạnh trong cuộc sống thu được kết quả là y tế công cộng được công chúng đánh giá cao nhất về tác động tích cực tới đời sống.
Đánh giá về nhận định cần tăng cường đầu tư cho KH&CN có tới 88% số người được hỏi cho rằng, cần tăng cường đầu tư cho KH&CN, chỉ có 2% số người cho rằng không cần tăng cường đầu tư cho KH&CN.
Theo kết quả điều tra, có tới 90% số người được hỏi đều đánh giá KH&CN có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống. Đồng thời, đa số những ý kiến này cũng cho rằng, chúng ta cần có kiến thức về khoa học để cuộc sống hàng ngày của chúng ta tốt đẹp hơn.
Như vậy, qua kết quả điều tra cho thấy, KH&CN là lĩnh vực bắt đầu thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, công chúng mới chỉ biết đến mà chưa biết sâu những kiến thức KH&CN, con đường tiếp cận thông tin về KH&CN của công chúng chủ yếu qua TV và Internet, công chúng đánh giá cao mức độ tác động, vai trò cải thiện cuộc sống của KH&CN.
Với kết quả điều tra ban đầu này, tôi hy vọng rằng, trong những cuộc điều tra tiếp theo sẽ có sự tham gia tích cực từ phía công chúng để chúng ta có một bức tranh toàn diện hơn về nhận thức của công chúng về KH&CN. Kết quả điều tra này sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách có những quyết sách hợp lý để thúc đẩy KH&CN Việt Nam phát triển.
PV: Trong cuốn sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 cũng đã hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan đến KH&CN. Đây được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trọng để KH&CN phát triển. Với hệ thống văn bản pháp luật như vậy, liệu đã đủ điều chỉnh bao phủ lĩnh vực KH&CN để bảo đảm cho KH&CN phát triển theo yêu cầu hiện nay chưa, thưa ông?
TS. Lê Xuân Định: Năm 2014 được coi là năm hành động của ngành KH&CN với 8 nghị định và 52 quyết định của Thủ tướng và Thông tư hướng dẫn được ban hành, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật KH&CN. Hệ thống các văn bản này đã giải quyết những nút thắt, giải phóng sức sáng tạo của nhà khoa học với hàng loạt các cơ chế và chính sách đổi mới.
Những chính sách, cơ chế này tuy là mới ở Việt Nam nhưng đã là thông lệ trên thế giới trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
Tôi tin rằng, với việc quán triệt tinh thần đổi mới của Nghị quyết 20-NQ/TƯ và việc triển khai triệt để Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan sẽ là luồng gió mới để KH&CN Việt Nam có một diện mạo mới.
Bài, ảnh: Bảo Chi (lược ghi)
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hà
Ngày 26/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch ngành KH&CN năm 2016 cho các bộ, ngành và địa phương dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, để xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách KH&CN năm 2016, các Bộ, ngành, địa phương, cần đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN năm trước và 6 tháng đầu năm; xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN năm 2016; đề xuất và kiến nghị.
Báo cáo đánh giá cần có số liệu cụ thể, xây dựng bảng biểu theo các nội dung: công tác xây dựng văn bản pháp luật và cơ chế chính sách về KH&CN; kết quả của các chương trình quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiệm vụ KH&CN quốc gia; kết quả hoạt động KH&CN của các bộ, ngành, địa phương (nhiệm vụ cấp bộ, tỉnh: kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ,… giải quyết các vấn đề của ngành, lĩnh vực); hoạt động của các lĩnh vực do Bộ KH&CN chủ trì: tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, năng lượng nguyên tử, thị trường, doanh nghiệp KH&CN, thông tin, hội nhập quốc tế; kết quả hoạt động của các Quỹ KH&CN; kết quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, các khu công nghệ cao; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN theo Nghị định 115; triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch 5 năm thực hiện chiến lược KH&CN; đánh giá về tổng mức kinh phí được cấp: vốn đầu tư phát triển, sự nghiệp khoa học; đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi ngân sách khoa học; tình hình giao, phân bổ, sử dụng vốn (giải ngân), đầu tư trọng tâm (R&D cấp bộ, cấp quốc gia, hợp tác quốc tế…, vốn ODA); kinh phí chuyển tiếp (R&D cấp bộ, tỉnh; R&D cấp quốc gia; dự án đầu tư,…); những khó khăn, vướng mắc và đề xuất; đánh giá chung về kết quả và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN của bộ, ngành, địa phương.
Về việc xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN năm 2016, các Bộ, ngành, địa phương dự trù tổng mức kinh phí để xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2016 dựa trên tổng mức kinh phí được cấp năm 2015. Việc đề xuất nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 cần căn cứ vào: kết quả hoạt động KH&CN năm trước; Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật KH&CN 2013 và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định 418/QĐ-TTg); Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; Thông tư của Bộ Tài chính Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Khung chương trình quốc gia; hiệu quả và tổng mức của các chương trình quốc gia;…
Đối với các Bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức các Chương trình KH&CN cấp Quốc gia cần phối hợp với Bộ KH&CN xác định tổng mức kinh phí, tổng hợp vào kế hoạch và dự toán ngân dách của Bộ, ngành liên quan gửi Bộ KH&CN để làm căn cứ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét bố trí kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2016. Nội dung kế hoạch, dự toán ngân sách cho hoạt động KH&CN phải bao gồm cả kế hoạch và dự toán vốn đầu tư phát triển cho KH&CN phù hợp với nội dung kế hoạch và tổng dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ, ngành, địa phương. Các nhiệm vụ KH&CN của bộ, ngành, địa phương nên tổ chức theo các chương trình để tập trung giải quyết các mục tiêu, nội dung và sản phẩm cụ thể, không dàn trải.
Trước ngày 30/6/2015, các Bộ, ngành, địa phương gửi Kế hoạch và dự toán ngân sách cho KH&CN năm 2016 của Bộ, ngành, địa phương (02 bản) về Bộ KH&CN để Bộ KH&CN tổng hợp, xây dựng Bản kế hoạch KH&CN quốc gia, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước, sau đó trình Thủ tướng và Quốc hội.
Tại Hội nghị, các tham luận đã tập trung vào những vấn đề: triển khai công tác xây dựng kế hoạch KH&CN năm 2016; Thành lập và triển khai Quỹ Phát triển KH&CN của bộ, ngành, địa phương; Thực hiện cơ chế quỹ đối với các nhiệm vụ KH&CN các cấp (cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh). Đồng thời, trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng kế hoạch cũng như đưa ra giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện tại.
Quỳnh Chi
Ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp (nguồn:Internet)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương cần tập trung vào công tác tuyên truyền, thông qua các hình thức trao đổi, hội thảo, phổ biến nhân rộng các mô hình thành công, hiệu quả tới nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về sự cần thiết phải liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi, thay đổi nhận thức về tái cơ cấu, hội nhập thị trường và lấy xã làm địa bàn thực hiện.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác dự báo, thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến từng ngành, phân ngành.
Rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng cơ chế chính sách mới để phát triển lực lượng sản xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Khoa học và công nghệ là động lực thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu. Các địa phương phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào tất cả các khâu: nghiên cứu, chọn tạo giống, áp dụng quy trình canh tác, nuôi trồng tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, thu hoạch, bảo quản, chế biến tinh, sâu theo hướng công nghệ cao và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó đặc biệt chú trọng khâu giống, tăng cường sử dụng giống xác nhận và đưa việc sử dụng giống chất lượng vào tiêu chí giám sát và đánh giá thực hiện tái cơ cấu.
Công nghiệp chế biến, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu đóng vai trò quan trọng và quyết định để gia tăng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, do đó phải có cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này và các địa phương, từng ngành phải có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về tỷ lệ các sản phẩm được sơ chế, chế biến phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Đăng Minh
Nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015), sáng 19/5/2015, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, bí thư, đại diện cấp ủy các tổ chức đảng trực thuộc; đại diện các tổ chức chính trị – xã hội và đại diện lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối.
Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Bộ KH&CN đã trở thành việc làm thường xuyên, quan trọng của các tổ chức đảng, đảng viên với nhiều việc làm có ý nghĩa tạo nên hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trong công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh.
Bên cạnh đó, lập trường tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ KH&CN luôn vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ; tinh thần, thái độ làm việc, quan hệ công tác giữa cơ quan, đơn vị, giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng cởi mở hơn, chân thành hơn; chủ động khắc phục mọi khó khăn, tập trung năng lực trí tuệ, đoàn kết nhất trí, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Đã có nhiều tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt và được các cấp ủy đảng, đơn vị nêu gương.
Trong thời gian tới, Đảng ủy Bộ KH&CN đặt ra mục tiêu cụ thể là tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị cơ quan đơn vị; quán triệt tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW là nhiệm vụ cấp bách, trước mắt và lâu dài, lựa chọn tổ chức thực hiện còn yếu để khắc phục, thường xuyên tổ chức kiểm tra giám sát để tháo gỡ; mặt khác có hình thức biểu dương kịp thời để nêu gương cá nhân, tổ chức có cách làm hay, tiêu biểu. Gắn với thực hiện các mục tiêu nêu trên, Đảng ủy Bộ cũng đề ra biện pháp cụ thể để thực hiện là: Chú trọng vai trò giữa bí thư cấp ủy với thủ trưởng đơn vị; phát huy vai trò của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh; lấy cơ sở để thực hiện tại chi bộ và gắn với vai trò bí thư chi bộ; duy trì thực hiện các Nghị quyết 01-NQ/ĐUK về sinh hoạt chi bộ, Nghị quyết 02-NQ/ĐUK về công tác Dân vận, Nghị quyết 03-NQ/ĐUK về công tác kiểm tra giám sát…
Trên tinh thần đó, Đảng ủy Bộ cũng đề nghị từng bí thư chi bộ, cấp ủy và chi bộ cùng đoàn kết, thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của chi bộ, cơ quan đơn vị; tổ chức đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Bộ theo kế hoạch.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ KH&CN khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trước hết và trọng tâm là để xây dựng Đảng và được bắt đầu từ trong Đảng. Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên.
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Đảng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 và 11; các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ đang tiến hành đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, là việc làm rất quan trọng. Đây là dịp mỗi tổ chức, đơn vị, cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm soi lại mình trong việc tu dưỡng, rèn luyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó đánh giá những ưu, khuyết điểm, những khó khăn vướng mắc và đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Bộ nhấn mạnh.
Nguồn: Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Hòa chung không khí sôi động của các hoạt động kỷ niệm ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam lần thứ hai, 18 tháng 5 năm 2015, đúng 16h ngày 15/5/2015 tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tổ chức, đã diễn ra buổi tọa đàm Giới thiệu sách “An toàn điện hạt nhân” của GS. Phạm Duy Hiển.
Tham dự buổi giới thiệu sách có GS. Phạm Duy Hiển, nguyên viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hiện là chủ tịch hội đồng khoa học cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân Việt Nam đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách; Lãnh đạo và cán bộ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Lãnh đạo Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân; Lãnh đạo Cục Năng lượng nguyên tử; Đại diện Viện Vật lý – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Khoa Vật lý Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội; cũng như sư có mặt của giới báo chí, truyền hình, các chuyên gia, nhà giáo dục, giới văn nghệ sỹ, bạn bè, đồng nghiệp của tác giả, cùng đông đảo sinh viên các Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, trường Đại học Điện lực, đối tác và bạn đọc.
Buổi tọa đàm có hai phần chính:
1) Phần trình bày của GS giới thiệu về cuốn sách;
2) Phần đàm thoại giữa GS. Phạm Duy Hiển – tác giả cuốn sách, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, PGS. Vương Hữu Tấn, Cục Trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, đại diện cho giới chuyên gia; Nhà Quản lý Khoa học trả lời độc giả những câu hỏi xoay quanh về an toàn điện hạt nhân.
Chương trình có sự góp mặt của MC Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Với cái nhìn sắc sảo, nhạy bén, sự xuất hiện của ông đã dẫn dắt câu chuyện an toàn điện hạt nhân thành đề tài thú vị, có sức hút mạnh mẽ tới số đông độc giả, với phong cách nhẹ nhàng, hài hước đủ độ và khả năng dẫn dắt, “nắn dòng” linh hoạt trước mọi tình huống ông đã làm cho buổi đối thoại thêm sôi nổi đến giờ phút cuối cùng.
PGS. Vương Hữu Tấn, GS. Phạm Duy Hiển, TS. Trần Chí Thành,
và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (từ bên trái sang)
Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng điện hạt nhân là lĩnh vực khoa học đa ngành, một quốc gia muốn thực hiện chương trình hạt nhân thì cần phải thúc đẩy được khoa học công nghệ tiên tiến, trên thế giới không có nước nào thịnh vượng mà không thông qua con đường phát triển khoa học và công nghệ. Sự ra đời của cuốn sách An toàn điện hạt nhân góp phần bổ sung nguồn tài liệu còn rất thiếu ở Việt Nam về lĩnh vực này. Các sách trình bày cơ sở khoa học về an toàn điện hạt nhân lại thiếu hẳn.
Với kinh nghiệm, tâm huyết, trí tuệ trong suốt quãng đời làm khoa học của mình, GS. Phạm Duy Hiển luôn luôn có mong muốn một đóng góp cho sự nghiệp đào tạo cán bộ ngành năng lượng nguyên tử. Tác giả nhấn mạnh “Mỗi lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân chứa trong vùng hoạt hàng tỷ cu ri chất phóng xạ, sản phẩm phân hạch dây chuyền neutron với hạt nhân uranium. Tai nạn điện hạt nhân xảy ra nếu khối phóng xạ này bị tan chảy do nhiệt độ tăng lên quá cao khi phản ứng dây chuyền tăng tốc không kiểm soát được, hoặc do mất nước tải nhiệt. Khi ấy, nhân viên vận hành có thể bị chiếu xạ, nhà máy sẽ bị hư hỏng hoàn toàn, xác phóng xạ phải được tháo dỡ và chôn cất rất tốn kém. Tệ hại hơn, dân chúng sẽ bị nhiễm xạ, môi trường bị hoang phế một khi chất phóng xạ thoát được ra khỏi nhà lò.
Ở nhiều cấp độ thấp hơn, sự cố điện hạt nhân có thể gây hậu quả về mặt kinh tế xã hội. Đơn giản nhất là lò phản ứng phải ngừng hoạt động do một thông số kỹ thuật nào đó bị lêch lạc, từ đó phát ra tín hiệu dập lò khẩn cấp. Phải mất vài ngày để lò hoạt động trở lại, mà cứ mỗi ngày lò ngưng hoạt động không theo kế hoạch, doanh thu nhà máy mất đi hàng triệu đôla.
Các sự cố và tai nạn điện hạt nhân thường khởi nguồn từ những sai lệch trong hệ thống công nghệ, sai sót con người và những hiện tượng thiên nhiên cực đoan. Tai nạn càng nghiêm trọng khi các yếu tố này ập đến cùng một lúc, tuy hãn hữu theo lý thuyết xác suất, song lại chính là những kịch bản của ba tai nạn lớn Three Mile Island, Chernobyl và Fukushima đã từng xảy ra. Công nghệ và thiết bị rất quan trọng, song yếu tố con người bao gồm đội ngũ vận hành, quản lý, hệ thống pháp lý và văn hóa an toàn luôn đóng vai trò quyết định. AN TOÀN ĐIỆN HẠT NHÂN KHÔNG HỀ ĐƯỢC CÀI ĐẶT SẴN TRONG CÔNG NGHỆ MÀ CHỈ NÊN XEM LÀ THÀNH TÍCH CỦA ĐỘI NGŨ, là một tổng kết chí lý của nhóm chuyên gia điện hạt nhân đăng trên The Economist nhân dịp tròn một năm thảm họa Fukushima. Ỷ lại vào công nghệ mà thiếu đội ngũ chuyên nghiệp chính là gieo mầm cho điện hạt nhân mất an toàn. Ngược lại, tai nạn điện hạt nhân rất khó xảy ra nếu đất nước sở hữu được một đội ngũ chuyên gia hùng hậu, và đây chính là hiện thực ở hàng trăm lò phản ứng được thiết kế hơn 40 năm trước đây nhưng vẫn được vận hành an toàn ở các nước tiên tiến.
Với phần thuyết trình của mình, tác giả dẫn dắt cuốn sách từ lịch sử phát triển vật lý hạt nhân bắt nguồn từ phát minh ra hiện tượng phóng xạ trong khoáng uranium từ đầu thế kỷ XX (chương 1), nguồn gốc phóng xạ trong tự nhiên (chương 2) và nền phông phóng xạ nhân tạo còn lưu tại từ các cuộc thử vũ khí hạt nhân ào ạt trong khí quyển hồi đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX (chương 3), cấu trúc lò phản ứng năng lượng và cơ chế vật lý dẫn đến tai nạn điện hạt nhân cũng như hậu quả thoát chất phóng xạ ra môi trường (chương 4, 5). Phân tích an toàn điện hạt nhân theo phương pháp tất định và xác xuất (chương 6) là hai phương pháp luận cơ bản trong an toàn điện hạt nhân. Tiếp theo, ba tai nạn Three Mile Island, Chernobyl và Fukushima (chương 7, 8, 9) được minh họa tương đối chi tiết. Cuối cùng là câu chuyện hậu Fukushima (chương 10) trình bày hiện trạng điện hạt nhân trên thế giới và triển vọng của các lò thế hệ mới có khả năng sử dụng phế thải hạt nhân ngay trong lò, và có thể được thương mại hóa trong vài thập kỷ tới.
Cuốn sách được GS. Hồ Ngọc Đại, nhà giáo Phạm Toàn, đánh giá đáng tin cậy. Nó là cuốn sách mở đầu cho những sinh viên, người làm khoa học ngành năng lượng “hớp ngụm nước đầu tiên” trong quá trình học tập và làm việc của mình. Sự ra đời của cuốn sách trong bối cảnh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, khi Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị các nguồn lực cho dự án Điện hạt nhân đầu tiên, đặc biệt là nguồn nhân lực. Hiện nay, Việt Nam không chỉ thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi có kinh nghiệm mà còn thiếu tài liệu tham khảo và giảng dạy bằng tiếng Việt liên quan đến chuyên ngành Điện hạt nhân, cụ thể là an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.
Cuốn sách có thể sử dụng làm tài liệu tham chiếu trong giảng dạy chuyên ngành hạt nhân ở trường đại học. Những người hoạt động trong ngành, kể cả giới quản lý và hoạch đinh chính sách, có thể tìm thấy ở đây những kiến thức cơ bản, có hệ thống và hữu ích cho công việc của mình. Đặc biệt, sách “An toàn điện hạt nhân” còn hy vọng được làm cầu nối giữa các ngành trong công nghệ điện hạt nhân đa ngành, giúp chuyên gia thuộc các chuyên môn khác nhanh chóng có được hành trang cần thiết để rẽ sang cống hiến trong lãnh vực điện hạt nhân.
Ngoài ra, trong buổi đàm thoại đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ “cuốn sách đã xóa mù cho tôi về hạt nhân” trong sách vẫn có nhiều chỗ dành cho giới văn nghệ sỹ có những cảm hứng về đề tài trong quá trình khai thác tư liệu cho phim tài liệu, giới truyền thông thường xuyên tác nghiệp về điện hạt nhân nhưng chưa được trang bị kiến thức nền về chuyên môn này.
Một vài hình ảnh của buổi tọa đàm
Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tặng hoa và chúc mừng tác giả
Ban tổ chức buổi tọa đàm
Với sự ra mắt của cuốn sách, cùng chuỗi hoạt động hướng về kỷ niệm Ngày Khoa học Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật mong muốn truyền bá các tri thức khoa học và công nghệ đến với đông đảo bạn đọc cũng như có được sự cộng tác chặt chẽ hơn nữa của các nhà khoa học, các nhà quản lý và đội ngũ cộng tác viên để cho ra đời những cuốn sách, bộ sách khoa học và công nghệ hạt nhân có chất lượng phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân trong những năm tới.
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại diễn đàn
Diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo lần 2 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo: Lợi thế cạnh tranh thời kỳ mới” vừa được tổ chức ngày 19/5 , tại Tp. Hồ Chí Minh.
Diễn đàn nằm trong khuôn khổ tuần lễ hoạt động nhân ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam do Hiệp hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu LBC phối hợp với Đại học Quốc gia Tp.HCM, Cục Công tác phía Nam- Bộ KH&CN tổ chức.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã tham dự và chủ trì diễn đàn. Tham dự còn có hơn 300 đại biểu là các chính khách, chuyên gia, doanh nghiệp đến từ Israel, Thụy Điển, Singapor,… và đông đảo các nhà khoa học, quản lý công nghệ đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học cùng các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về đổi mới sáng tạo (ĐMST).
ĐMST trong kinh doanh đang là chìa khóa quyết định để doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt kịp và phát triển trong giai đoạn hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Đặc biệt là thời điểm cạnh tranh mạnh mẽ nhất khi cộng đồng kinh tế Asean có hiệu lực cuối năm 2015 và ký kết hiệp định TPP.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đến từ Israel và Thụy Điển đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng hệ sinh thái ĐMST. Theo các chuyên gia cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và các dự án đầu tư vốn, đào tạo nghề, nâng cao vai trò của giáo dục để tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao. Đặc biệt cần phải có cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ nhiều hơn để các doanh nghiệp ĐMST đủ khả năng cạnh tranh với các thị trường trong nước và quốc tế.
Toàn cảnh diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Diễn đàn là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nhìn lại và thực hiện đổi mới sáng tạo trong kinh doanh; là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt kịp và phát triển trong giai đoạn hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, đặc biệt là thời điểm cạnh tranh mạnh mẽ nhất khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực cuối năm 2015 và ký kết hiệp định TPP.
Được biết từ tháng 9/2013, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Bộ KH&CN đã ký thỏa thuận hợp tác với 5 chương trình tư vấn, kết nối, huấn luyện,… để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào công cuộc ĐMST và xây dựng thị trường công nghệ cho Việt Nam. Đến nay đã có hơn 50 hoạt động được tổ chức kết nối cung cầu, hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu cùng doanh nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu KHCN và quản trị, ứng dụng vào kinh doanh.
Tin, ảnh: Kiều Anh, Văn Nguyên
TS. Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Đại học Công nghệ, phát biểu lễ công bố
Sáng 18/5/2015, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã trang trọng tổ chức lễ công bố thông tin về sản phẩm vi mạch VNU-UET VENGME H.264/AVC @2014 (gọi tắt là VENGME H.264/AVC). Đây là vi mạch chuyên dụng mã hoá video đầu tiên của Việt Nam.
Buổi lễ công bố thông tin sản phẩm VENGME H.264/AVC nằm trong chuỗi các hoạt động khoa học của ĐHQGHN tổ chức nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 2 (18/5/2015).
Sản phẩm VENGME H.264/AVC là kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội mã số QGĐA.10.02 “Nghiên cứu và thiết kế bộ mã hoá video cho các thiết bị đa phương tiện thế hệ mới” do PGS.TS Trần Xuân Tú, Trường Đại học Công nghệ chủ trì.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, hiện nay ĐHQGHN đang thực hiện 6 chương trình nghiên cứu trọng điểm, trong đó có chương trình “Nghiên cứu và chế tạo các linh kiện micro-nano và mạch tích hợp ứng dụng trong các hệ thống đo lường, điều khiển, viễn thông và y tế”. Chương trình này có mục tiêu tham gia chương trình phát triển 9 sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012. (9 sản phẩm đó là: Lúa gạo Việt Nam chất lượng cao; Thiết bị siêu trường, siêu trọng; Bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; Động cơ sử dụng cho giao thông vận tải; Vắc xin phòng bệnh; Phục vụ an ninh quốc phòng; Cá da trơn Việt Nam; Nấm ăn và nấm dược liệu; Vi mạch điện tử).
Vi mạch là một sản phẩm công nghiệp cơ bản, mấu chốt trong tất cả các sản phẩm công nghiệp, nhất là công nghiệp điện tử. Có thể ví vi mạch là “gạo công nghiệp”. Việc chủ động thiết kế được các dòng vi mạch điện tử có chức năng đa dạng và cập nhật công nghệ hiện đại nhất của thế giới sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam với mức lợi nhuận đến 30%. Ngoài ra, việc nghiên cứu và chế tạo thành công vi mạch còn đóng góp vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế tri thức; giảm nhập siêu linh kiện điện tử và giải pháp công nghệ; tạo ra các sản phẩm có ảnh hưởng và tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, việc các nhà khoa học Việt Nam thiết kế và chế tạo thành công chip VENGME H.264/AVC mở ra hướng làm chủ công nghệ điện tử phục vụ an ninh quốc phòng, thiết kế và chế tạo các vi mạch điện tử quan trọng trong hệ thống vũ khí, khí tài quân sự, hệ thống định vị mục tiêu; bảo mật thông tin. Đây là những vấn đề không thể đặt hàng hoặc thuê nước ngoài thiết kế và chế tạo.
Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức đánh giá, nhóm nghiên cứu của PGS. Trần Xuân Tú đã kết hợp tốt các quan điểm về nghiên cứu gắn thực tiễn và hội nhập quốc tế (xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đất nước, nhưng cần được triển khai theo cách tiếp cận chuẩn mực quốc tế); nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ với trình độ cao (đảm bảo phát hiện tri thức mới, giải pháp mới có giá trị công bố được được trên các tạp chí quốc tế, hoặc đăng ký phát minh, sáng chế) và quan điểm nghiên cứu ứng dụng có hàm lượng khoa học cao (các nghiên cứu ứng dụng và kết quả chuyển giao công nghệ của ĐHQGHN phải có tính khoa học cao và giá trị sở hữu trí tuệ lớn; sản phẩm KH&CN có thể tạo ra yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế tri thức).
Sản phẩm vi mạch VNU-UET VENGME H.264/AVC @2014
GS. Nguyễn Hữu Đức còn cho biết, cùng với chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm vi mạch mã hoá video VENGME H.264/AVC của ĐHQGHN góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip của thế giới, củng cố vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN. Theo kế hoạch, ĐHQGHN sẽ tiếp tục hỗ trợ, đầu tư để nhóm nghiên cứu phát triển ứng dụng của vi mạch đã chế tạo được và phát triển các thế hệ vi mạch mới có thể cạnh tranh toàn cầu. Ngoài ra, có thể phát triển PTN tích hợp thông minh của Trường ĐH Công nghệ thành một trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch ở khu vực phía Bắc.
Ông Darence Tan, đại diện của Synopsys đánh giá, việc thiết kế và chế tạo thành công sản phẩm vi mạch mã hoá video VENGME H.264/AVC là một minh chứng sống động cho khả năng của người Việt trong việc làm chủ công nghệ thiết kế vi mạch. Điều này đồng thời mở ra khả năng hợp tác rộng mở giữa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước về thiết kế, chế tạo chíp. Việt Nam sẽ là một trong những thị trường giàu tiềm năng về chế tạo vi mạch điện tử để các tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm đầu tư thời gian tới.
Ông Lê Ngọc Hưng – đại diện của Công ty TNHH Giải pháp Thông minh Sài Gòn, đơn vị kí kết văn bản nhận chuyển chuyển giao công nghệ và hợp tác phát triển thiết bị ứng dụng đối với vi mạch mã hoá video VENGME H.264/AVC của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN cho biết, vi mạch mã hoá tín hiệu video VENGME H.264/AVC được thiết kế nhắm tới các ứng dụng như camera an ninh, camera giao thông, camera giám sát hiện trường hay đơn giản là các camera giám sát toà nhà, trường học, các địa điểm công cộng… và các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy quay video.
Ông Lê Ngọc Hưng và Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Nguyễn Việt Hà kỳ vọng, sự hợp tác song phương sẽ sớm ứng dụng sản phẩm vào cuộc sống và phát triển tối ưu hơn theo yêu cầu của người sử dụng.
PGS.TS Trần Xuân Tú cho biết, vi mạch mã hoá video VENGME H.264/AVC là vi mạch chuyên dụng thế hệ vi mạch đang sử dụng rộng rãi nhất hiện nay trên thế giới và có độ phức tạp rất cao, tích hợp trên 2 triệu cổng lô-gic (tương đương 8 triệu transistors).
Chuẩn này được trang bị một tập các công cụ mã hoá có khả năng hỗ trợ cho nhiều ứng dụng khác nhau, từ các dịch vụ di động và hội nghị truyền hình, truyền hình số… đến các ứng dụng truyền hình độ phân giải cao, truyền hình IP và các thiết bị lưu trữ số. So với các chuẩn mã hoá video trước thì chuẩn H.264/AVC tiên tiến đang áp dụng hiện nay có thể giảm được lượng tốc độ bit đến 80%.
Trong quá trình nghiên cứu, ngoài việc tiếp cận, nắm vững công nghệ thiết kế đáp ứng chức năng mã hóa theo chuẩn của vi mạch, nhóm nghiên cứu còn có một số phát triển giải pháp tối ưu riêng, như: kỹ thuật xử lý đường ống 4 tầng; phương pháp tái sử dụng dữ liệu; kỹ thuật tính toán trong quá trình truyền dữ liệu giữa các khối cơ bản; kỹ thuật thiết kế công suất thấp. Do đó, sản phẩm có một số tính năng vượt trội so với các sản phẩm sản phẩm công nghệ cùng lĩnh vực ứng dụng đang được nghiên cứu và triển khai trên thế giới về hiệu năng, năng lượng tiêu thụ và giá thành thiết kế.
Vi mạch này có thể xử lý thời gian thực các video có độ phân giải lên tới HD 720p ở tần số 100MHz với công suất tiêu thụ khá nhỏ (53 mW). Các nội dung sáng tạo này là cơ sở để nhóm tác giả công bố 10 bài báo trong hệ thống ISI/Scopus. Các bài báo này đã được cộng đồng khoa học quốc tế quan tâm, trích dẫn đến 26 lần.
Ngoài ra, sản phẩm công nghệ của đề tài cũng đã được chia sẻ một phần với Viện Điện tử và Tin học thuộc Uỷ ban năng lượng nguyên tử (CEA-LETI) của Cộng hoà Pháp để tiếp tục phát triển theo hướng giảm sâu công suất tiêu thụ – một trong những yêu cầu ngày càng gắt gao của các thiết bị di động hướng công nghệ xanh. Thông qua hợp tác này, hai bên đã đào tạo thành công một nghiên cứu sinh.
Tin, ảnh: Hoàng Anh
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: NH
Rất nhiều người đã thương mại hóa sản phẩm thành công, trở thành sản phẩm hàng hóa trên thị trường, trở nên thành đạt và giàu có nhờ sức sáng tạo của mình. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) mong nhận được nhiều sản phẩm khoa học từ kết quả nghiên cứu của các viện, các trường, cũng như từ những người lao động, những nhà sáng chế không chuyên nghiệp trong cả nước.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trong chương trình "Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời" tối 17/5 mới đây. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện thông tư hướng dẫn về hỗ trợ tài chính cho những nhà sáng chế không chuyên và cùng các Bộ, ngành ban hành trong thời gian sớm nhất.
– Thưa Bộ trưởng, được biết ngày 12/5 vừa qua, Bộ KH&CN đã lần đầu tiên tổ chức chương trình gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp. Đây là một sự kiện rất đáng chú ý vì lần đầu tiên ở Việt Nam có một sự trọng thị đến như vậy đối với các nhà sáng chế không chuyên. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của lực lượng này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trước hết, nhân ngày KH&CN Việt Nam 18/5, tôi xin gửi đến các nhà khoa học, cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sản phẩm khoa học từ kết quả nghiên cứu của các viện, các trường, cũng như từ những người lao động, những nhà sáng chế không chuyên nghiệp trong cả nước.
Nói về vai trò của các nhà khoa học không chuyên, Đảng và Nhà nước luôn luôn tôn trọng và đánh giá rất cao những sáng kiến của người dân. Trong chiến tranh chúng ta có chiến tranh nhân dân, có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trong khoa học chúng tôi cũng có quan điểm như vậy. Các nhà khoa học từ các viện, các trường họ giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, mang tầm vĩ mô, mang tính then chốt. Nhưng những nhà khoa học không chuyên là những người trực tiếp lao động sản xuất hằng ngày, họ thấy được cái gì cần cho họ, cái gì tốt nhất cho họ.
Ngay cả máy móc của các nước tiên tiến đưa sang Việt Nam không phải cái nào cũng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Người dân Việt Nam cũng cải tiến những máy gieo hạt của nước ngoài trở thành sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, có thể được thương mại hóa rất tốt trên thị trường.
Chính vì thế, những người có sáng kiến cải tiến, những người làm khoa học không chuyên làm ra những sản phẩm trước hết là phục vụ cuộc sống của chính họ và gia đình, rồi phục vụ cho cộng đồng xung quanh. Rất nhiều người cũng đã thương mại hóa thành công, trở thành sản phẩm hàng hóa trên thị trường, trở nên thành đạt, giàu có nhờ sức sáng tạo của mình.
– Hiện đã có thống kê nào về đóng góp của các nhà khoa học không chuyên trong sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung chưa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Như ví dụ nêu trên, máy gieo hạt của nhà sáng chế không chuyên ở phía Nam đã được sản xuất, tiêu thụ ra thị trường nửa triệu sản phẩm. Điều này có nghĩa là nửa triệu gia đình hộ nông dân đang sử dụng máy gieo hạt này. Tính phổ biến của nó rất lớn vì có tính ứng dụng cao, giá thành hợp lý thì nông dân mới có thể tiêu thụ nhiều như thế.
Nếu đánh giá từng trường hợp như vậy chúng ta có thể thấy hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn. Tuy nhiên, để đánh giá ở mức độ tổng thể mang tầm quốc gia về đóng góp của những người không chuyên vào toàn bộ các sản phẩm KH&CN của một quốc gia, chúng tôi sẽ phải tiến hành trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Rất nhiều người đã thương mại hóa sản phẩm thành công, trở nên thành đạt, giàu có nhờ sức sáng tạo của mình. Ảnh: NH
– Thưa Bộ trưởng, cũng trong cuộc gặp mặt với các nhà sáng chế không chuyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn xem trọng những chính sách để khuyến khích thúc đẩy phong trào sáng kiến và cải tiến kỹ thuật trong quần chúng nhân dân. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết kỳ vọng và chủ trương của Chính phủ vào lực lượng sáng chế không chuyên này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ là một nguồn động viên rất lớn đối với đội ngũ làm khoa học không chuyên. Trong cuộc gặp mặt, Thủ tướng đã giao các Bộ, ngành, cơ quan của chính phủ phải hỗ trợ một cách thiết thực nhất cho bà con nông dân nói riêng và những người làm sáng chế không chuyên nói chung.
Điều quan trọng nhất, chúng ta phải có căn cứ pháp lý, hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ. Có thể nói, đến giờ phút này chúng tôi phải nhận khuyết điểm là chúng ta chưa làm tốt việc này. Vì thế, sau Nghị định về Ban hành điều lệ sáng kiến năm 2012, việc xây dựng một thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính để hỗ trợ cho bà con bị kéo dài và cho đến nay vẫn chưa ban hành được.
Tuy nhiên, ngay tại cuộc gặp này chúng tôi đã gửi đến 63 nhà sáng chế không chuyên dự thảo cuối cùng của thông tư hướng dẫn về hỗ trợ tài chính cho bà con. Trên cơ sở ý kiến của 63 nhà sáng chế, chúng tôi sẽ hoàn thiện thông tư và cùng các Bộ, ngành ban hành trong thời gian sớm nhất để bà con có thể phát huy tối đa sức sáng tạo của mình.
– Đối với các nhà sáng chế không chuyên, rõ ràng khó khăn lớn nhất của họ là vốn. Một bức thư từ một 'nhà khoa học nông dân' gửi tới chương trình: "Nông dân chúng tôi làm khoa học thực sự là tay không bắt giặc, nên đi vay ngân hàng để mở rộng sản xuất thì không có gì để thế chấp. Tôi theo dõi trong các chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trước, Bộ trưởng có thể hiện quan điểm rất ủng hộ người làm khoa học nghiệp dư. Vậy đến thời điểm này, Bộ KHCN có chính sách nào để hỗ trợ vốn cho người làm khoa học tay ngang như chúng tôi không"?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chắc chắn trong thông tư hướng dẫn về hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho bà con nông dân chúng tôi đã có đề cập tới nội dung này. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá lệ thuộc vào một nguồn kinh phí duy nhất từ ngân sách nhà nước vì chi tiêu ngân sách nhà nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì thế, chúng tôi sẽ phải huy động các nguồn đầu tư của xã hội, chủ yếu là của doanh nghiệp.
Tuy nhiên doanh nghiệp họ chỉ có thể đầu tư khi họ nhìn thấy lợi nhuận. Như vậy, những sáng kiến cải tiến của người dân phải làm sao xuất phát từ thực tiễn của sản xuất, đồng thời cũng phải đáp ứng lợi nhuận của doanh nghiệp thì họ sẵn sàng đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thành lập các quỹ phát triển KH&CN của các địa phương, các Bộ, ngành; quan trọng hơn cả là quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghệp.
Chúng tôi cũng mong bà con nông dân khi có sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật phải nghiên cứu ngay nó sử dụng để làm gì, có đáp ứng nhu cầu của thị trường địa phương hay không. Yếu tố quan trọng không kém là phải làm sao để mẫu mã phong phú, hấp dẫn, giá thành hợp lý. Đảm bảo hài hòa cả 3 yếu tố đó tôi tin các sáng chế của người dân sẽ được doanh nghiệp đón nhận, đầu tư và trở thành sản phẩm của xã hội.
– Vào thời điểm này của năm trước khi mùa vải chuẩn bị tới, chúng ta cũng đã từng nói đến việc ứng dụng KH&CN trong bảo quản nông sản cho nông dân, giúp họ có kết quả kinh tế tốt hơn. Sau 1 năm, chúng ta đã có những bước tiến nào, sáng kiến nào đáng kể để mùa nông sản năm nay có kết quả tốt hơn không, thưa Bộ trưởng?
Một năm qua cũng chưa đủ dài, nhưng có thể nói Chính phủ đã nỗ lực giúp bà con nông dân khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”. Riêng đối với quả vải thiều của Bắc Giang, chúng tôi đã giới thiệu tới bà con nông dân 03 công nghệ của nước ngoài mà họ đã rất thành công: Công nghệ CAS của Nhật Bản, Công nghệ Juran của Isarel, Công nghệ chiếu xạ của Châu Âu.
Chúng ta đã thí điểm xuất khẩu 1 container 10 tấn vải thiều sang thị trường Nhật Bản chào hàng và được Nhật Bản rất hoan nghênh, người dân Nhật Bản rất ưa chuộng. Khi thị trường Nhật Bản chấp nhận, chúng ta mới có thể triển khai trên quy mô lớn để đưa vào thị trường này. Đồng thời, Chính phủ đã đàm phán với rất nhiều thị trường khác thông qua các hiệp định tự do thương mại như thị trường Hàn Quốc, Úc, Châu Âu, Hoa Kỳ. Vấn đề quan trọng phải đáp ứng được công nghệ bảo quản.
Năm nay, chúng tôi đang cố gắng đầu tư cho các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Phú Yên công nghệ bảo quản của Nhật Bản để các sản phẩm nông sản, thủy hải sản của chúng ta tới được những thị trường "khó tính" nhất như Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Hạnh Nguyên (lược ghi)