Việt Nam muốn cạnh tranh trong TPP: Khoa học công nghệ phải là số 1

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, để DN Việt Nam có thể cạnh tranh được với DN các nước trong TPP thì KH&CN là lĩnh vực cần phát triển mạnh nhất.
 
Chiều 25/2 tại Ninh Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt năm 2016. Đến dự có lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Bộ. Ngoài ra, có sự tham gia của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình.
 
 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân phát biểu tại hội nghị. Ảnh Viết Cường
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, hội nghị được tổ chức tại Ninh Bình năm nay là cơ hội để các cán bộ chủ chốt của Bộ có thể tiếp cận được với các đơn vị trong Sở Khoa học và Công nghệ, cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vựckhoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
 
“Thông qua hoạt động này, tôi hi vọng chúng ta sẽ biết về nhau nhiều hơn và hỗ trợ nhau tốt hơn nữa trong thời gian tới”, ông Quân bày tỏ.
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân tiếp tục câu chuyện: Hội nghị này diễn ra trong không khí phấn khởi khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chào mừng thành công đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và bắt tay vào thực hiện các nghị quyết của đại hội. Chúng ta cũng đang chuẩn bị tích cực cho bầu cử Quốc hội và không lâu nữa sẽ có Chính phủ mới.
“Tôi rất vui mừng vì đồng chí Chu Ngọc Anh – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được Đại hội 12 tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Trung ương khóa 12. Chúng ta cũng vui mừng bởi trong năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Chính phủ giao”, ông Quân nói.
 
Theo đó, trong năm 2015, lần đầu tiên khoa học công nghệ Việt Nam được cộng đồng quốc tế thừa nhận là nền khoa học có tốc độ tăng trưởng tốt với nhiều sản phẩm khoa học đạt trình độ khu vực và xứng tầm thế giới.
 
“Năm 2015, Việt Nam được xếp hạng thứ 52 trên 141 nền kinh tế về năng lực đổi mới sáng tạo. Trong khối Asean, Việt Nam xếp thứ 3, vượt qua cả Thái Lan. Đây là lần đầu tiên chúng ta đạt được thứ hạng cao như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Quân vui mừng chia sẻ.
 
Ông Quân cho rằng, những thành quả trên thể hiện sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng khoa học Việt Nam, trong đó có phần đóng góp rất quan trọng của những người làm công tác quản lý khoa học công nghệ.
Thay mặt cho Bộ khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân gửi lời cảm ơn đến những người làm khoa học đã nỗ lực trong thời gian qua để khoa học công nghệ Việt Nam có nhiều kết quả tốt đẹp.
 
 
Giàn khoan tự nâng 90m nước là một trong nhiều thành tựu khoa học nổi bật của Việt Nam năm 2015. Sau khi dự án được lắp đặt thành công trên biển, Việt Nam có thể tự hào là quốc gia sở hữu giàn khoan có chất lượng nằm trong top 3 khu vực châu Á và top 10 trên thế giới.
 
Tuy nhiên, trong niềm vui thì Bộ trưởng Nguyễn Quân vẫn không quên nhắc đến những khó khăn, thách thức của ngành thời gian tới.
 
Ông Quân dẫn giải, trước Tết âm lịch, Việt Nam đã ký kết tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cũng trong năm 2015, Việt Nam đã tham gia nhiều thương mại tự do như với Liên minh Châu Âu, với Hàn Quốc, với Á Âu,… Năm 2016 này, chúng ta đang chuẩn bị tích cực cho quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới.
“Mặc dù TPP còn phải chờ Quốc hội các nước phê chuẩn mới có hiệu lực nhưng ngay từ bây giờ, tất cả các quốc gia tham gia TPP đều đang căng mình chuẩn bị để khi hiệp định có hiệu lực, chúng ta có đầy đủ nguồn lực tham gia vào sân chơi lớn này”, ông Quân nói.
 
Bởi theo nhận định của “tư lệnh” ngành khoa học công nghệ, trong sân chơi này, Việt Nam phải chơi cùng với nhiều quốc gia rất mạnh trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản,…
“Có lẽ tất cả những người chơi đều có trình độ cao hơn chúng ta, giàu có hơn chúng ta. Điều này khiến Việt Nam phải nỗ lực hơn tất cả các quốc gia khác trong TPP”, ông Quân nêu rõ.
 
“Không gì có thể thay thế được khoa học công nghệ trong cuộc cạnh tranh này. Thực chất, cạnh tranh trong thời buổi hiện đại chính là cạnh tranh nhau về khoa học công nghệ, cạnh tranh về năng suất lao động, cạnh tranh về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Như vậy, khoa học công nghệ sẽ là lĩnh vực luôn phải đi đầu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.
 
Ông Quân hi vọng, khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để hàng Việt Nam có thể tồn tại, cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới.
 
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các nhà khoa học Việt Nam phải tăng cường hoạt động nghiên cứu để chúng ta có nhiều sản phẩm khoa học hữu ích.
Theo ông, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ là nguồn vào quan trọng cho doanh nghiệp. Đó là công nghệ nguồn, công nghệ lõi, công nghệ mới, công nghệ cao.
“Vì thế, chúng tôi mong muốn các cán bộ chủ chốt của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hội nghị này sẽ hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình đối với xã hội, với đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Quân tiếp tục nhấn mạnh về vai trò của những người làm khoa học công nghệ đối với sự phát triển của đất nước./.
 
Theo: Viết Cường (vietq.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *