Mở đường để khoa học Việt Nam ra thế giới”

 
Việt Nam đã và luôn chú trọng đầu tư phát triển khoa học cơ bản
 
Theo GS. Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội “Gặp gỡ Việt Nam, chỉ có khoa học cơ bản (KHCB) mới đưa đến những cuộc “cách mạng” cho đời sống xã hội, cho con người.
Việt Nam cần phải đầu tư rất nhiều cho KHCB, vì đó là nơi để “tranh đấu” với thị trường khoa học quốc tế. Đây là cũng cơ hội để các nhà khoa học mở rộng mối quan hệ của mình, mở đường để khoa học Việt Nam ra thế giới”.
 
Nhiều bước tiến mới
 
Tại Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” – hội nghị lớn nhất trong Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 vừa được tổ chức tại Bình Định mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng Chính phủ đã không ngừng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản (NCCB). So với năm 2000, Ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 tăng gấp 10 lần. 
 
Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, GS. Trần Thanh Vân khẳng định “tôi thấy khoa học Việt Nam có nhiều bước tiến mới. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học ở Việt Nam, tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong nước giao lưu, trao đổi nghiên cứu với các nhà khoa học có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trên khắp thế giới. Đây là cũng cơ hội để các nhà khoa học mở rộng mối quan hệ của mình, mở đường để khoa học Việt Nam ra thế giới”.
 
Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa của Liên Hợp quốc UNESCO xác định khoa học, công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo là động lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Tổ chức này cũng đã có nhiều hoạt động thể hiện thông điệp ủng hộ mạnh mẽ NCCB. Năm 2015, Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế về Đào tạo và nghiên cứu toán học của Việt Nam trở thành 2 trong tổng số 66 cơ sở nghiên cứu khoa học tự nhiên được UNESCO công nhận và bảo trợ. Điều này cũng minh họa thêm tầm nhìn, nỗ lực của Việt Nam đối với nghiên cứu cơ bản.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, “Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam nên tập trung vào tiếp thu, ứng dụng công nghệ còn nghiên cứu khoa học cơ bản là câu chuyện của tương lai, của các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm  khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, tăng cường năng lực quốc gia”. 
 
Từ khi được khởi đầu, “Gặp gỡ Việt Nam” đã thu hút hàng ngàn lượt thành viên tham gia. Chỉ mới 3 năm từ khi khánh thành và đưa vào hoạt động cho đến nay, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học mang tầm quốc tế do các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới chủ trì, tham dự. Nhiều nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu để theo đuổi sự nghiệp khoa học, đóng góp vào sự nghiệp phát triển KH&CN, phát triển đất nước. Nhóm các nhà khoa học của Phòng Vật lý Thiên văn và Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là một ví dụ. Nhiều người trong số họ được cấp học bổng làm luận án Tiến sỹ ở nước ngoài và trở về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham gia đào tạo các bạn trẻ khác dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Pierre Darriulat, một thành viên đặc biệt của “Gặp gỡ Việt Nam”. 
 
 
 
 
Nhiều nhà khoa học đạt Giải thưởng Nobel đã tham dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 tại Bình Định
 
 
Chú trọng đầu tư
 
“Không phải đến chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Việt Nam”, mà trước đó rất lâu, Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho KHCB. Nhờ đó, Việt Nam có đội ngũ nhà khoa học được đào tạo bài bản và nhiều kết quả nghiên cứu được công bố”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định. 
 
Ngay sau khi dành Độc lập, Chính phủ Việt Nam đã thành lập các bộ môn khoa học cơ bản trong các trường Đại học. Trong những năm còn chiến tranh, Việt Nam đã chọn cử hàng ngàn sinh viên ưu tú du học các ngành KHCB. 
 
Đặc biệt, từ năm 1991, Bộ KH&CN đã triển khai Chương trình NCCB trong khoa học tự nhiên để hỗ trợ các KHCB và thành lập Hội đồng Khoa học Tự nhiên để tư vấn cho Bộ trong các lĩnh vực này. Chương trình này đã được triển khai đến năm 2006 và đã hỗ trợ hàng ngàn cán bộ khoa học trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học, Cơ học, Hóa học, Khoa học Trái đất, Khoa học Sự sống tiến hành NCCB, công bố các công trình khoa học trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.
 
Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, song Chính phủ đã không ngừng gia tăng đầu tư cho NCCB. So với năm 2000, Ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu KHCB năm 2015 tăng gấp 10 lần. Từ năm 2008, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia ra đời với chức năng hỗ trợ KHCB. Quỹ đã hỗ trợ các hoạt động của lĩnh vực KHCB như hỗ trợ các đề tài nghiên cứu; hỗ trợ cán bộ trẻ đi dự hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế ở Việt Nam. Sự hỗ trợ của Quỹ đã làm gia tăng đáng kể các công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (ISI). Trên diễn đàn quốc tế, số công trình công bố giai đoạn 2011 – 2015 của Việt Nam tăng trưởng 15 – 20%, gấp đôi giai đoạn 2006 – 2010. 
 
Trong giai đoạn 2010-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 Chương trình phát triển KHCB, đó là Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020.
 
Không chỉ đầu tư về vật chất, Khoa học luôn được Nhà nước và xã hội tôn vinh, trân trọng. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đã được trao tặng cho các nhà khoa học, công trình nghiên cứu xuất sắc. Gần đây, Bộ KH&CN đã tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhằm tôn vinh các công trình KHCB. 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chia sẻ, Bộ KH&CN đánh giá rất cao vai trò của GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc, hai GS đã vô cùng tâm huyết với nền khoa học Việt Nam. Các GS là những người thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, hàng năm tổ chức sự kiện này, đưa các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam, làm cho họ yêu mến con người, đất nước Việt Nam và cùng dành thời gian, tâm huyết giúp cộng đồng khoa học Việt Nam thông qua trao đổi chuyên môn, cấp học bổng cho các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh. Đặc biệt, đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về lòng yêu khoa học, mơ ước đạt tới những đỉnh cao của trí tuệ.
 
Nhằm góp phần vào phát triển nghiên cứu KHCB tại Việt Nam, tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12  GS. Jerome Friedman, chủ nhân của Giải thưởng Nobel Vật lý 1990 cũng đề xuất thành lập Viện nghiên cứu xuất sắc tại Bình Định. GS cho rằng, Viện nghiên cứu này sẽ là một viện quốc tế mà các nghiên cứu viên của viện là các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học nước ngoài. Nơi đây sẽ có cả các nghiên cứu viên thường xuyên và các nghiên cứu viên làm việc với thời gian ngắn để thực hiện nghiên cứu ở cấp cao nhất. 
 
Trao đổi với phóng viên về những dự định, kế hoạch thời gian tới, vợ chồng GS Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc chia sẻ, họ đang đề xuất ý tưởng phát triển nơi đây thành Khu đô thị khoa học mà trước tiên là xây dựng một Tổ hợp không gian khoa học để cùng với Trung tâm ICISE tạo thành điểm nhấn của Khu đô thị này. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Khu đô thị khoa học sẽ là địa điểm lý tưởng để khích lệ các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, khám phá, phát minh của giới khoa học Việt Nam và các nước trên thế giới. Là địa điểm hấp dẫn cho thanh, thiếu niên và nhân dân cả nước đến trải nghiệm các thí nghiệm khoa học với nhiều chủ đề, giúp giới trẻ có thể khám phá khoa học một cách tương tác, rất bổ ích. Hy vọng, điều đó sớm trở thành hiện thực để có thể góp phần đưa khoa học và công nghệ nước nhà không ngừng phát triển và biến nơi đây thực sự là điểm đến lý tưởng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. 
 
Bài, ảnh: Hạnh Phương
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *