Ấn Độ công bố chi tiết dự án lập trạm xử lý dữ liệu vệ tinh ở Việt Nam

Báo Nhật Bản Asahi Shimbun ngày 29/3 đưa tin giới chức thuộc Bộ Ngoại Giao Ấn Độ mới tiết lộ thông tin cụ thể hơn về dự án xây dựng tại Việt Nam một trạm thu và xử lý tín hiệu vệ tinh.
 
Theo các nguồn tin trên, cơ sở xử lý dữ liệu vệ tinh của Ấn Độ sẽ bao gồm một trung tâm xử lý tín hiệu vệ tinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, và cơ sở thu phát tín hiệu vệ tinh đặt ở ngoại thành Thành phố này.
 
Ấn Độ sẽ chịu tất cả kinh phí xây dựng và chi phí vận hành trong 5 năm đầu (khoảng 22 triệu USD).
 
 
Ảnh minh hoạ

 

Cũng theo các quan chức ngoại giao Ấn Độ, việc xây dựng trung tâm này sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 4 và tháng 6/2016, và sẽ do Ấn Độ cùng các quốc gia ASEAN hợp tác vận hành.
 
Trạm xử lý đặt tại Việt Nam sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á dữ liệu thu được từ các vệ tinh quan sát Trái Đất của Ấn Độ, quốc gia hiện có một chương trình không gian khá phát triển, đã phóng được 57 vệ tinh cho 20 nước, và từng đưa tàu thăm dò không người lái vào quỹ đạo sao Hỏa vào năm 2014./.
 
Theo Vietnam Plus
 

Tập trung phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

"Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập sẽ tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT" – Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh.
 
Sáng ngày 31/3, Bộ Khoa học và Công nghệ với sự hỗ trợ của BSA/ Liên minh Phần mềm đã tổ chức Lễ công bố chương trình "Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập" của lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). 
 
Lễ công bố có sự tham gia của đại diện các thành viên Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm pạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2012 – 2015, gồm 9 bộ ngành, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp.
 
 
Toàn cảnh Lễ công bố chương trình "Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập"
Tại Lễ công bố, Thứ trưởng KH&CN, ông Trần Việt Thanh chỉ rõ mục tiêu và ý nghĩa của chương trình: "Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò ý nghĩa của quyền SHTT đối với phát triển của xã hội, dẩy mạnh việc xác lập khai thác, phát triển và thực thi quyền SHTT, bảo đảm quyền SHTT thực sự trở thành công cụ thúc đẩy phát triển khoa học- công nghệ nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung. Tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để thực hiện các cam kết quốc tế về SHTT.
 
 
Thứ trưởng KH&CN, ông Trần Việt Thanh phát biểu tại buổi lễ.
 
"Tháng hưởng ứng ngày SHTT thế giới vì mục tiêu hội nhập" (từ 31/3 đến 30/4/2016) sẽ tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luận về SHTT sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh vào các tháng tiếp theo.
 
Trong thời gian tới, để phù hợp với các cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả và các vấn đề về thực thi quyền SHTT. Với yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam, cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam"- Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết.
 
Báo cáo của ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Trưởng Ban Thường trực Chương trình 168 cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Ban thường trực Chương trình hành động 168 giai đoạn 2 (2012-2015), các lực lượng thực thi quyền SHTT trong phạm vi toàn quốc đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 68 tỷ đồng; Tịch thu, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với khoảng 70 tấn thực phẩm chức năng các loại; hàng chục nghìn chai rượu ngoại các loại; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 80.900 tấn phân bón và hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, giầy dép, quần áo thời trang, rượu, bia, nước giải khát, lương thực thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; buộc tiêu huỷ hàng chục nghìn đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu.
 
Thực trạng này cho thấy sự vi phạm SHTT đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đó là về nhận thức của doanh nghiệp về ở hữu trí tuệ. Bởi vì SHTT nó liên quan tới những phát minh, sáng chế tới những sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ và khi nhận thức không đầy đủ các doanh nghiệp rất dễ vi phạm những luật lệ quy định về quyền sở hữu trí tuệ này. 
 
"Nếu doanh nghiệp nhận thức không đầy đủ sẽ rơi vào tình trạng vi phạm vấn đề pháp luật quốc tế. Vấn đề thứu hai là doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu, năng lực nghiên cứu và phát triển của mình đặc biệt là đổi mới công nghệ" – TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI nói.
 
Hy vọng rằng tháng hưởng ứng Ngày SHTT Thế giới do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với BSA góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang chuyển mình rất lớn để hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
 
Loan Lê
 

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cần thích ứng với ngập mặn ngày càng nặng

“Tất cả các đập thủy điện trên sông Mêkông từ Trung Quốc đến Lào, Campuchia nếu được xây dựng không cẩn thận thì chắc chắn trong tương lai, ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng và tình trạng ngập mặn sẽ ngày càng nặng nề” – Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cảnh báo.
 
 
Các con đập chính trên sông Mêkông. Nguồn: Gt-rider
Để ứng phó, theo bộ trưởng cần có những nghiên cứu trong lĩnh vực thủy lợi cũng như giống cây trồng nhằm đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế; tìm ra những giống cây trồng có khả năng chịu mặn cao, những giống lúa vừa có khả năng chịu đựng độ mặn tới 10 phần nghìn – tức là độ mặn vừa phù hợp với nuôi tôm, vừa phù hợp với nhu cầu thị trường – là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
 
“Thực tế ở Cần Thơ họ đã làm ra giống lúa tương đối tốt, chịu được độ mặn rất cao nhưng chất lượng của loại gạo đó có vấn đề nên người tiêu dùng cũng không thích. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là một trong các giải pháp để sau này chúng ta đảm bảo được an ninh lương thực. Chúng ta cũng cần nghiên cứu về những cây trồng khác để thích hợp với những vùng đất ngập mặn” – Bộ trưởng trăn trở.
 
Bộ trưởng cũng cho rằng, để hạn chế tác hại của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, cần quy hoạch lại diện tích nông nghiệp. Đất nào có thể trồng lúa tốt thì chúng ta cố giữ không để xảy ra mặn xâp nhập, còn những vùng đất đã bị xâm nhập mặn, đã bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì phải nghiên cứu áp dụng những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp.
 
“Về giải pháp thủy lợi, ngoài việc làm đê ngăn mặn tạm thời, chúng ta có thể dùng kết quả nghiên cứu của ngành thủy lợi Việt Nam về đập sà lan. Khi mực nước xuống thấp, chúng ta có thể dùng đập sà lan chắn để dâng cao mực nước, tránh hạ nguồn các bậc sông, giúp giữ được nước ngọt và chống ngập mặn; nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời” – Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
 
Biến đổi khí hậu rất phức tạp, nên các nhà khoa học, cơ quan khoa học cần tiếp tục nghiên cứu để làm sao đảm bảo đủ nước ngọt cho cả vùng đồng bằng rộng lớn. “Các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực này không thuộc Bộ KH&CN, nhưng chúng tôi đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để các bộ, ngành tập trung nghiên cứu những định hướng mà chúng tôi đã khuyến cáo. Chúng tôi lo bố trí kinh phí, tìm cách phối hợp với đơn vị nghiên cứu của các bộ, ngành để thu được các kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng rộng rãi hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
 
 
 
Phượng Hằng

Bộ Công an hợp tác công nghệ với Bộ Khoa học

Lễ ký Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa Bộ Công an và Bộ Khoa học Công nghệ giai đoạn 2016-2020 vừa được tổ chức.
Chiều 31/3 tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ ký Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa hai Bộ giai đoạn 2016-2020.
 
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng những năm qua, việc phát triển khoa học và công nghệ trong công an nhân dân đã có bước phát triển nhanh, bền vững, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực: khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học công nghiệp an ninh…. Trong những thành tựu đạt được nói trên có sự đóng góp quan trọng của các cấp, các ngành, nhất là sự giúp đỡ to lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ. 
 
 
Bộ trưởng Trần Đại Quang và Bộ trưởng Nguyễn Quân ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa hai bộ giai đoạn 2016-2020.
Việc ký kết Chương trình phối hợp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hai bộ phối hợp chặt chẽ hơn trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chế tạo sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; trao đổi thông tin về khoa học và công nghệ…
 
Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Chương trình, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ thực hiện để sự phối hợp giữa hai bộ ngày càng chặt chẽ…
 
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác được giao. Ông mong muốn thời gian tới các đơn vị chức năng của hai Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp…
 
Theo Cổng thông tin Bộ Công an

9X Việt mê sưu tầm sách, mơ ước mở thư viện mini

 
“Thư viện” nhỏ tại nhà Đoàn, anh giữ gìn và nâng niu sách cẩn thận như người bạn thân của mình
 
Mất 10 năm để tập hợp cả nghìn đầu sách ở nhiều lĩnh vực, Hải Đoàn khiến bạn trẻ ngưỡng mộ vì đang sở hữu những thứ 'có tiền cũng không mua được'.
Căn phòng ngủ 13 mét vuông của Lê Hải Đoàn sinh năm 1990, giáo viên Ngoại ngữ tại Trung tâm bưu chính viễn thông I – Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, từ lâu đã chật cứng vì 11 chiếc kệ đầy ắp sách. Nhiều lần thấy con chỉ đam mê sách mà không tha thiết các thú vui bên ngoài, mẹ Đoàn âu lo bảo: “Nếu cứ mê sách thế này thì sống thiếu thực tế lắm con ạ!”. Thế nhưng, Đoàn lại có những suy nghĩ khác..
 
Sách cũ nhưng giá trị mới
 
Theo lập luận của Hải Đoàn, nếu ngày bé thông qua sách chúng ta tìm hiểu thế giới rộng lớn bên ngoài thì khi đã trưởng thành, có dịp cầm lại trên tay cuốn sách cũ, mỗi người lại tìm về với những ký ức xưa, kỷ niệm tuổi thơ, theo cách của riêng mình.
 
 
Hải Đoàn không chỉ yêu sách, anh còn có thói quen lưu trữ báo cũ, đĩa CD gốc…
 
Bên cạnh đó, có nhiều kiến thức và bài học Đoàn lấy lại từ cuốn Ngoại ngữ của Liên Xô xuất bản trước đây do mình sưu tầm làm tư liệu giảng dạy cho lứa học sinh sau này, vì thấy rằng: “Cách viết sách ngày đó rất dễ hiểu, học vào thấm hơn”. Và đây cũng chính là giá trị mới mà những cuốn sách cũ mang đến cho người đọc, được chàng trai 9X nhận ra.
 
Hải Đoàn bắt đầu sưu tầm sách từ năm học lớp 11. Ban đầu, anh mua theo sở thích, nhưng nay 9X tập trung tìm kiếm các đầu sách theo thể loại như giáo khoa cũ, văn học thiếu nhi Việt Nam, ngoại văn thiếu nhi, lịch sử có tư liệu ảnh, truyện thiếu nhi Liên Xô…
 
Để chạm tay đến những cuốn sách hiếm là hành trình không hề đơn giản, Hải Đoàn nhớ lại: “Cách đây 8 năm, mình từng đạp xe 20 cây số từ nhà lên thành phố chỉ vì nghe trên đây có sách quý. Nhưng cũng có sách, cất công tìm kiếm không ra lại tình cờ mua được trên mạng, nhờ nhanh tay hơn người khác”.
 
 
Hải Đoàn bên 'nhà sách' của mình
 
Đoàn cho biết mình luôn cố gắng đọc qua khoảng 70% nội dung các sách đang có, để gợi ý mọi người tìm mua. Anh lập Fanpage Sách đẹp và nhận được sự ủng hộ của giới trẻ, cũng xuất phát từ quan niệm: “Trà ngon phải có bạn hiền, sách hay phải có người chia sẻ mới vui!”.
 
Hướng tới tủ sách miễn phí cho mọi người
 
Hiện nay, Hải Đoàn vừa dạy học, vừa sưu tầm sách và quản lý Fanpage và tham gia một số nhóm sách để chia sẻ thông tin về sách trên mạng xã hội. Anh mơ ước, khi nào ổn định kinh tế sẽ mở một thư viện mini miễn phí, dành cho những độc giả yêu sách tại Hải Phòng.
 
 
Trong mọi việc, Đoàn luôn thể hiện mình là người nghiêm túc, suy tính kỹ càng và lần này cũng vậy, 9X chia sẻ: “Tôi muốn huy động vốn từ các nhà hảo tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp để thực hiện dự án này. Vì hoạt động phi lợi nhuận nên các tình nguyện viên trực thư viện sẽ là học sinh yêu sách trong huyện, các em sẽ được ưu tiên đọc nhiều sách mới”.
 
Lý do lớn thôi thúc Hải Đoàn thực hiện mong muốn này vì anh nhận thấy một số cuốn sách xuất bản thời gian gần đây không được kiểm duyệt tốt, ngày càng ít những đầu sách giá trị. Còn nếu để lùng mua những cuốn sách thật sự hay, quý thì không phải ai cũng biết cách và có muôn trùng lý do để người “đầu cơ” sách bán với giá “cắt cổ”.
 
Để biến ước mơ thành sự thật, 9X cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch dài hơi, trước mắt anh vẫn phải tự mình ngược xuôi tập hợp những cuốn sách hay ở bốn phương, chờ một ngày giới thiệu “đứa con tinh thần” đến với công chúng.
 
Lê Ái
 

Đấu giá 3 quyển từ điển được gần 300 triệu đồng

TTO – Ba trong số 6 quyển từ điển độc bản do năm họa sĩ hàng đầu Việt Nam tự tay làm bìa vừa được đấu giá thành công vào tối 27-3 với số tiền tổng cộng thu được là 291 triệu đồng.
 
 
Họa sĩ Thành Chương (áo đen, bìa trái) lên tặng hoa cho ba vị khách hàng thắng phiên đấu giá. Ảnh: L.Điền
Do chỉ đưa ra đấu giá ba trong số sáu quyển từ điển, nên nhà tổ chức dùng hình thức chọn ngẫu nhiên với quy trình: giám đốc MCBooks rút thăm chọn quyển đầu tiên để đấu, sau đó người đấu thắng quyển đầu sẽ lên rút thăm chọn quyển thứ hai để đấu và người đấu thắng quyển thứ hai sẽ rút thăm cho quyển thứ ba.
 
Các quyển đều có giá khởi điểm là 10 triệu đồng, và bước giá cho mỗi lượt đấu tối thiểu là 1 triệu đồng.
 
Quyển từ điển với tranh bìa Dải thiên hà của họa sĩ Phạm An Hải vào sàn đấu đầu tiên, khách hàng nhanh chóng đẩy giá lên 88 triệu đồng và dừng lại ở mức 90 triệu đồng với khách hàng là anh Phan Minh Thông (Q.7 – TP.HCM).
 
Tiếp theo, quyển từ điển với bìa là bức tranh sơn mài của Thành Chương chủ đề Dưới mặt trăng được đấu thắng ở mức 99 triệu đồng, người tham gia bỏ giá cuối cùng cho quyển này là chị Phạm Thị Tuyết Nhung (Q7 – TP.HCM).
 
Do hai vị khách hàng đầu tiên đều là người TP.HCM, nên lượt đấu cho quyển thứ ba trở nên kịch tính với một vị khách hàng tên Nguyễn Minh Vinh người Hà Nội.
 
Anh Vinh đeo bám ráo riết và cuối cùng đấu thắng quyển từ điển có bìa là tranh giấy dó của họa sĩ Phan Cẩm Thượng ở mức giá 102 triệu đồng.
 
“Ngoài ba quyển từ điển được nhà sản xuất tặng cho các thư viện, tôi thấy hai quyển kia đều thuộc về chủ nhân người Sài Gòn, nên tôi quyết đấu thắng để đem một quyển từ điển độc đáo này về Bắc” – anh Vinh hồ hởi nói.
 
Theo nhà tổ chức, toàn bộ số tiền đấu giá thành công của ba quyển từ điển này đều được chuyển cho Quỹ Cặp lá yêu thương của Trung tâm Tin tức VTV24 dành tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện ăn ở và học tập.
 
 
MC phiên đấu giá giới thiệu quyển từ điển với bìa là tranh sơn mài Dưới mặt trăng của sĩ Thành Chương – Ảnh: L.Điền
 
Từ điển độc bản là ý tưởng của công ty MCBooks, muốn tạo ra những phiên bản từ điển đặc biệt, dựa trên nội dung của quyển Từ điển Anh – Anh – Việt do nhóm tác giả The Windy của MCBooks biên soạn, PGS.TS Lâm Quang Đông và tập thể giáo viên Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội hiệu đính, xuất bản năm 2014.
 
Điểm độc đáo của các quyển từ điển nằm ổ chỗ bìa mỗi quyển chính là một tác phẩm tranh độc nhất do đích thân họa sĩ tự tay thực hiện.
 
LAM ĐIỀN
 

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Tôn vinh những đỉnh cao năng suất chất lượng

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tôn vinh các doanh nghiệp xuất sắc nhất về năng suất chất lượng; mở ra triển vọng cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Đây là một trong những nội dung chính của Hội thảo "Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững" do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sáng ngày 30/3/2016 tại Hà Nội.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh – Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được xét tặng hàng năm cho các doanh nghiệp nổi bật có thành tích áp dụng thành công các công cụ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đóng góp lớn cho xã hội.
 
 
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia góp phần tôn vinh các doanh nghiệp làm tốt năng suất, chất lượng
Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, qua 20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã có thương hiệu, uy tín với doanh nghiệp. Đây là một tiền đề rất quan trọng. Việt Nam đang bước vào quá trình hội nhập, các doanh nghiệp có cơ hội và thách thức lớn. Trong đó, đối với các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường được xem là yếu tố sống còn của họ.
 
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, nhận diện rõ thêm các công cụ tăng năng suất, chất lượng theo 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
 
"Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là cơ hội để đánh giá lại điểm mạnh yếu của mỗi doanh nghiệp. 20 năm qua, có khoảng 2.000 doanh nghiệp được trao giải, là con số khá khiêm tốn. Quy chế và tiêu chí xét thưởng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia rất ngặt nghèo, chặt chẽ. Do vậy, làm thế nào để tăng sự quan tâm của doanh nghiệp, có thể hàng năm có đến hàng ngàn doanh nghiệp tham gia. Từ đó lựa chọn ra những doanh nghiệp xứng đáng nhất… là điều mà Ban tổ chức giải đang hướng tới”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.
 
 
Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với các tiêu chí chặt chẽ, khắt khe góp phần tạo thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp khi hội nhập.
 
Đánh giá tổng quan về hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong lĩnh vực năng suất chất lượng, ngay từ năm 2009, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được thực hiện chính thức theo Luật Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Do đó, không phải đến 2016, khi chuẩn bị hoàn tất TPP và một loạt các hiệp định khác Việt Nam mới phải đối mặt với quá trình hội nhập về vấn đề chất lượng.
 
Đặc biệt, ngay từ những năm 1995, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã công bố Thập niên Chất lượng lần thứ I, kéo dài 10 năm. Như vậy, cách đây 21 năm đã đánh dấu thời điểm chuyển mình, khi chúng ta tham gia vào cộng đồng ASEAN là bước mở màn cho quá trình hội nhập. Sau đó 1 năm, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia ra đời với tên gọi trước đó là Giải thưởng Chất lượng Việt Nam.
 
“Như vậy, trong lĩnh vực chất lượng, không phải Việt Nam chậm chạp mà khá nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Như Malaysia ra đời Giải thưởng Chất lượng Quốc gia sau Việt Nam 2 năm”, ông Nguyễn Nam Hải nói.
 
Theo ông Hải, sự ra đời của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một dấu mốc không có tính ngẫu nhiên mà gắn với quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam. Tới đây chúng ta sẽ tiếp tục xem xét cải tiến giải thưởng để Giải thưởng Chất lượng Quốc gia để giải này có hơi thở thực tế nhiều hơn nữa.
 
Với gần 2.000 doanh nghiệp được trao giải là một con số khiêm tốn về số lượng. Tuy nhiên, ngược lại cũng cho thấy đây không phải là một giải thưởng tràn lan mà rất chọn lọc.
 
 
Toàn cảnh Hội thảo Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững
 
Đánh giá một cách toàn diện về chất lượng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, có 3 vấn đề quan trọng nhất để định vị thương hiệu Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Thứ nhất, có khoảng 60 Giải thưởng Chất lượng cấp cho các sản phẩm hàng hóa được cấp cho các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, đây là giải thưởng chất lượng cao nhất, duy nhất được ghi nhận trong Luật. Thứ hai, cùng với việc tham gia là thành viên chính thức của Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được Tổ chức này ghi nhận chính thức. Thứ ba, bên cạnh ý nghĩa mang tính tôn vinh, tìm ra doanh nghiệp đẩy họ lên trên cao phất cờ, thông điệp chúng tôi muốn gửi là việc áp dụng các mô hình quản lý của doanh nghiệp, là các mô hình tiên tiến nhất trên thế giới. Một trong những điều cốt lõi nhất là doanh nghiệp muốn bền vững phải phát huy năng lực thực sự.
 
Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình đổi mới của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
 
Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia không chỉ được thiết kế để thể hiện các tiêu chí và quy trình với mục đích tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các doanh nghiệp mà còn được sử dụng như một công cụ tự đánh giá hiệu quả đối với những doanh nghiệp quan tâm đến hiệu quả của hệ thống quản lý và huy động mọi nguồn lực định hướng đến sự cải tiến và đổi mới liên tục hệ thống quản lý và hiệu quả hoạt động của mình.
 
 
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã giải đáp nhiều thắc mắc cho doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề tham gia và lợi ích của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
 
“Hầu hết các doanh nghiệp trong mọi quốc gia thuộc mọi loại hình đều quan tâm đến chất lượng và đều có những nhận thức mới, đúng đắn về chất lượng. Sự thắng bại trong cuộc chạy đua đường dài vì chất lượng đang còn ở phía trước. Phần thắng chắc chắn thuộc về những quốc gia và doanh nghiệp có chiếc lược kinh doanh đúng đắn, trong đó có chiến lược vì chất lượng”, ông Phùng Mạnh Trường nói.
 
Dưới góc độ là doanh nghiệp từng đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc – Hóa dầu Bình Sơn cho hay, nâng cao chất lượng sản phẩm là mục tiêu trong chiến lược của doanh nghiệp. “Với tiêu chí sản phẩm do Lọc -Hóa dầu Bình Sơn sản xuất ra phải luôn đáp ứng yêu cầu không chỉ về chất lượng mà còn về môi trường và an toàn sức khỏe. Từ năm 2009, Công ty đã xây dựng Hệ thống quản lý tích hợp QHSE trên phạm vi toàn công ty để quản lý đồng bộ các vấn đề nói trên theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008, ISO 14001:2004 và OHSAS 18001:2007”, ông Trần Nguyên Ngọc nói.
 
Còn theo ông Trịnh Đình Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhiệt công nghiệp HTL đánh giá, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có một phương pháp tiếp cận để quản lý doanh nghiệp rất khoa học, phù hợp với mọi doanh nghiệp dù sản xuất quy mô nhỏ hay vừa. Đây sẽ là một cách tiếp cận đúng đắn cho hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam
 
Được biết, Hội thảo lần này nằm trong chuỗi sự kiện 20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Lễ “Kỷ niệm 20 năm Giải thưởng và Lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia – Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương” dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tháng 4/2016.
 
 
Nguồn:  Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
 

Ứng dụng bức xạ hạt nhân trong y học: Thiếu máy, thiếu cả người

Ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh cũng không đủ trang thiết bị xạ trị, điện quang và y học hạt nhân cơ bản để chẩn đoán. Cán bộ có đủ trình độ sử dụng chúng trong việc khám, chữa bệnh cũng không nhiều.
 
Các ứng dụng bức xạ như tia X, kỹ thuật siêu âm 4D, cộng hưởng từ (MRI), xạ trị điều biến liều (IMRT)… ngày càng được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu đủ thứ để ứng dụng y học hạt nhân, xạ trị và X-quang thực sự hiệu quả.
 
Quy hoạch không cao vẫn khó “với”
 
GS-TSKH Phạm Sỹ An – Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam – cho biết, nhiều năm qua, các ứng dụng bức xạ đã được đưa vào bệnh viện với vai trò mà các thiết bị, phương pháp khác không thay thế được, tạo nên 3 chuyên ngành y học hạt nhân, xạ trị ung thư và chẩn đoán hình ảnh (điện quang). Đến hết năm 2013, ngành y tế có hơn 1.400 cơ sở bức xạ đang hoạt động.
 
 
Các ứng dụng bức xạ đã được áp dụng tại các cơ sở y tế trong chẩn đoán, điều trị mà các thiết bị, phương pháp khác không thể thay thế. Ảnh: TK
Trước đó – năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển kỹ thuật chụp hình bức xạ đến bệnh viện tuyến tỉnh, mỗi bệnh viện tỉnh có ít nhất một máy chụp cắt lớp đơn quang tử (SPECT). Cả nước phải có một số máy chụp sử dụng đồng vị phóng xạ phát positron (PET), ngoài ra còn tăng cường thiết bị điều trị, sàng lọc một số dị tật bẩm sinh bằng kỹ thuật đồng vị phóng xạ… Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận thấy để thực hiện thành công quy hoạch này, có nhiều điểm cần được khắc phục.
 
Theo GS Phạm Sỹ An, hiện công tác xạ trị còn rất hạn chế do thiếu cả cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn cán bộ được đào tạo đúng chuyên khoa, có kinh nghiệm. Quy hoạch triển khai các khoa xạ trị cũng chưa có. Cơ sở vật chất của các đơn vị X-quang và y học hạt nhân còn nghèo nàn, thiếu trang thiết bị cơ bản và hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị. Các bệnh viện tỉnh thiếu rất nhiều thiết bị xạ trị, điện quang và y học hạt nhân cơ bản để chẩn đoán. Thậm chí, nhiều bệnh viện có thiết bị nhưng đã quá cũ và lạc hậu. “Với tốc độ phát triển như hiện nay, rất khó đạt chỉ tiêu mà quy hoạch đã xác định – nhất là về y học hạt nhân và xạ trị” – GS Phạm Sỹ An nói.
 
Chưa có hệ thống đào tạo chính quy
 
Không chỉ nghèo về thiết bị, ngay cả nguồn nhân lực cho xạ trị, X-quang và y học hạt nhân cũng còn thiếu, nhất là cán bộ có đủ chuyên môn, trình độ khám, chữa bệnh với kỹ thuật cao, hiện đại.
 
“Chưa có hệ thống đào tạo cán bộ chuyên khoa xạ trị, bao gồm cả y học và kỹ thuật một cách đầy đủ – đặc biệt là đào tạo chuyên ngành sâu của xạ trị, X-quang và y học hạt nhân. Vấn đề đào tạo bài bản, cấp chứng chỉ hành nghề và chính thức hóa chức danh kỹ sư vật lý y học cũng chưa được đề cập tới, nên chưa có kế hoạch triển khai” – GS An cho biết. Theo ông, đây đang là khâu yếu trong việc ứng dụng bức xạ hạt nhân vào y học. Để khắc phục, cần đảm bảo các cơ sở sử dụng bức xạ trong y tế – nhất là các cơ sở xạ trị – phải có đủ cán bộ vật lý đã được đào tạo chính quy để trở thành cán bộ vật lý y học chính thức, tiến tới có chứng chỉ hành nghề trong các ngành xạ trị, điện quang, y học hạt nhân.
 
Cùng quan điểm này, GS-TS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống đào tạo chính quy đại học và sau đại học dành cho các đối tượng: Kỹ sư vật lý, phóng xạ y học; kỹ thuật viên cho các lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân và đặc biệt là xạ trị.
 
GS Khoa cho rằng, để làm được điều này cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan liên quan để xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức, tài chính. Mục tiêu là thiết lập cơ sở đào tạo chính quy cán bộ chuyên môn về 3 lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị và điện quang, đặc biệt là các bác sĩ chuyên ngành, các kỹ sư vật lý y học, kỹ thuật viên, bảo dưỡng, kiểm tra và sửa chữa thiết bị.
 
Từ năm 2009, Việt Nam bắt đầu trang bị máy PET/CT tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TPHCM. Các kết quả nghiên cứu với PET/CT đã khẳng định, thiết bị này giúp chẩn đoán với độ nhạy và độ chính xác cao các loại ung thư nguyên phát, chẩn đoán phân biệt u lành và u ác tính, di căn, tái phát, giúp đánh giá kết quả điều trị, theo dõi sau điều trị. PET/CT làm thay đổi chiến thuật điều trị ở 30-40% số bệnh nhân ung thư, giúp dự báo sớm kết quả điều trị.
Tuấn Kiệt
 

Báo chí là cầu nối đưa kết quả nghiên cứu gần hơn với cuộc sống

"Nếu không có giới truyền thông thì các sản phẩm khoa học cũng sẽ để trong ngăn tủ, còn sản xuất vẫn công nghệ cũ, lạc hậu … Và ngược lại nhà khoa học cũng chỉ đơn thuần nghiên cứu mà chưa chắc đã ứng dụng được vào kinh doanh".
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại buổi lễ.
Sáng ngày 25/3, tại Khu CNC Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã trao tặng bằng khen ghi nhận đóng góp tích cực của các tập thể và cá nhân các cơ quan báo chí đối với hoạt động Truyền thông KH&CN trong chương trình gặp mặt phóng viên đầu năm do Bộ KH&CN tổ chức.
 
Đánh giá cao vai trò của truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, để KH&CN vào được sản xuất và thị trường, bên cạnh vai trò quyết định của các nhà khoa học, thì cũng phải kể đến vai trò quan trọng của truyền thông. Nếu không có giới truyền thông thì các sản phẩm khoa học cũng sẽ để trong ngăn tủ, còn sản xuất vẫn công nghệ cũ, lạc hậu … Và ngược lại nhà khoa học cũng chỉ đơn thuần nghiên cứu mà chưa chắc đã ứng dụng được vào kinh doanh.
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN chụp ảnh cùng các tập thể, cá nhân các cơ quan báo chí vinh dự nhận bằng khen.
 
Đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cảm ơn các nhà báo, cơ quan báo chí truyền thông thời gian qua đã đồng hành cùng những người làm khoa học, giới thiệu những cơ chế chính sách mới, tháo gỡ rào cản trong hoạt động KH&CN, nêu gương các nhà khoa học giỏi của Việt Nam, giúp ngành nhìn ra những yếu kém, thiếu sót để khắc phục, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của khoa học nước nhà. Đồng thời mong muốn tới đây sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ, đồng hành của nhà báo, các cơ quan báo chí với ngành KH&CN.
 
Nhận dịp này, ông Nguyễn Xuân Toàn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN đã giới thiệu dự kiến các hoạt động nổi bật của Bộ KH&CN trong năm 2016; đồng thời mong muốn các cơ quan báo chí bám sát, đồng hành cùng với các hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016 này.
 
Các đại biểu cũng đã được nghe đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc giới thiệu tình hình phát triển, những thành tựu và khó khăn của khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian qua.
 
Tại buổi gặp gỡ Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới, bên cạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về KH&CN của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, các nhà báo cũng làm tốt vai trò cầu nối giữa hoạt động nghiên cứu và sản xuất kinh doanh, giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp. Góp phần vào việc phát triển thị trường KHCN ở Việt Nam, thông qua việc giới thiệu các sản phẩm mới của các nhà khoa học, những nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, kết nối giữa nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới hoạt động công nghệ của Việt Nam.
 
Loan Lê
 

Đất nước hội nhập, trí thức càng phải dấn thân

ThS Phạm Xuân Hoàng – Viện Thông tin khoa học xã hội – Viện Hàn lâm KHXH  20/03/2016 07:37
Việc có nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sỹ, luật sư… tự ứng cử vào Quốc hội với tư cách đại biểu độc lập trong thời gian qua cho thấy, trí thức Việt Nam đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình với đất nước, thể hiện sự tự tin và tinh thần dấn thân.
 
Việc có nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sỹ, luật sư… tự ứng cử vào Quốc hội với tư cách đại biểu độc lập thời gian qua cho thấy, trí thức Việt Nam đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với đất nước, thể hiện sự tự tin và tinh thần dấn thân.
 
Trí thức là người bắc nhịp cầu hội nhập
 
Với đặc trưng là lao động trí tuệ chuyên sâu, am hiểu, nhanh nhạy với các biến động của thời cuộc, người trí thức dù ở các vị trí công tác, ngành nghề khác nhau đều luôn khát khao và sẵn sàng đóng góp tâm sức, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Họ có lợi thế là những người đi tiên phong trong tư vấn, phản biện chính sách tham gia vào phát triển. Nhưng vị trí tiên phong đó không hẳn là đương nhiên, một khi họ không ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình hoặc tự trói mình trong những giáo điều bảo thủ, định kiến.
 
 
TS Phạm Văn Phúc đang trình bày trong buổi gặp gỡ giữa các nhà khoa học trẻ tiêu biểu 2015 với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: LV
Hiện nay, khi đất nước đứng trước những vận hội lớn để phát triển nhờ hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới nhưng đi kèm với nó là thách thức không nhỏ, tâm huyết và trách nhiệm của trí thức lại càng cần được chú trọng.
 
Để phát triển kinh tế theo chiều sâu, tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững thì sức mạnh trí tuệ, nguồn lực chất xám của các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học phải được khai thác tốt. Đội ngũ này – với vốn kiến thức về kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế – có thể tham gia vào kiến tạo chuỗi giá trị, tạo dựng thương hiệu, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế của đất nước. Trí thức với tư cách là những nhà nghiên cứu kinh tế, xã hội, đề xuất các giải pháp, hoặc tham gia đóng góp, phản biện về chính sách kinh tế, cách thức nắm bắt lợi thế phát triển và loại trừ các rủi ro.
 
Hiện nay, trong sự tương thuộc của toàn cầu hóa, làm thế nào để vừa phát triển kinh tế vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, tăng tiếng nói của quốc gia trên trường quốc tế là những vấn đề lớn mà người trí thức cần thể hiện vai trò tiên phong của mình. Trí thức với ưu thế là những người nhanh nhạy trong việc tiếp nhận cái mới, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, suy tư chiều sâu về thế và lợi, về mạnh và yếu của đất nước thì cần có đóng góp vào chiến lược phát triển, phải tham gia phản biện về chính sách, pháp luật, những vấn đề đặt ra về phương diện chính trị – xã hội, những vấn đề nóng bỏng của đất nước và thời đại.
 
Bên cạnh đó, đối mặt với tình trạng tha hóa về nhân cách, đạo đức, văn hóa của một bộ phận người dân do tác động của mặt trái toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, trí thức cần lên tiếng, tham gia giải quyết các vấn đề nổi cộm như sự xuống cấp của tình người, sự lên ngôi của đồng tiền, sự lừa lọc, trí trá, chộp giật mà không chú ý đến các hệ lụy con người và xã hội.
 
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế tri thức, KH&CN là đòn bẩy, là những lực đẩy tạo ra cú hích phát triển. Các chuyên gia, nhà khoa học có thể đóng vai trò to lớn trong việc học hỏi, chuyển giao những kinh nghiệm quốc tế. Sự giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đòi hỏi vốn tri thức chuyên sâu và năng lực ngoại ngữ bậc cao. Đóng góp vào các lĩnh vực này hơn ai hết là các trí thức, chuyên gia; trong đó, trí thức trẻ sẽ là người đi tiên phong.
 
Cách dấn thân của trí thức thời toàn cầu hóa
 
Con đường phát triển của quốc gia, dân tộc đòi hỏi phải có sự tham gia của giới tinh hoa. Thực tế cho thấy, những khi xuất hiện những nguy cơ đối với sự tồn vong, thịnh suy của quốc gia, trí thức là người có tiếng nói trước tiên. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc trong thế kỷ XX đều có sự tham gia tích cực của đông đảo các thế hệ thanh niên trí thức. Họ vừa là người cầm súng, vừa là người cầm bút đánh giặc. Nhiều trí thức trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, trên giảng đường đại học đã gia nhập quân đội và nhiều người trong số đó đã hy sinh.
 
Trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay, dòng chảy thông tin được coi là xa lộ, sự giao lưu, tiếp nhận tri thức nhân loại ngày càng nhiều, nhưng các áp lực từ bên ngoài cũng rất lớn, nên trí thức phải có sự bứt phá, dấn thân một cách chuyên nghiệp hơn. Những đòi hỏi của thời đại buộc trí thức có một thái độ mới, luôn chuẩn bị sẵn sàng về nhân cách và tài năng, đủ sức ứng phó với những đổi thay phức tạp đang diễn ra.
 
Thời gian qua, có nhiều trí thức là nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, luật sư đứng lên ứng cử vào Quốc hội với tư cách là những đại biểu độc lập. Điều này cho thấy, trí thức đã ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước trong bối cảnh mới.
 
Trí thức có được tâm thế này là nhờ xu thế dân chủ hóa trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, sự phát triển của kinh tế thị trường, sự định chế các quy tắc ứng xử theo khuôn khổ của luật chơi toàn cầu mang lại. Điều đáng ghi nhận là càng ngày càng có nhiều trí thức thể hiện tinh thần tự chủ, có tiếng nói trực tiếp và thẳng thắn trước những vấn đề bức bách của đất nước, của thời đại.
 
Trong các thời kỳ lịch sử, trí thức luôn có vai trò quan trọng. Trong suy nghĩ của người dân và các nhà quản lý thì các nhà khoa học nói riêng cũng như đội ngũ lao động trí tuệ nói chung luôn được vị nể, trân trọng. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với trí thức trong tự do nghiên cứu, công bố các thành quả khoa học cũng như đãi ngộ.
 
Để trí thức có điều kiện, cơ hội tốt nhất tham gia sâu vào sự phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho họ cống hiến bằng việc ban hành các cơ chế minh bạch và thân thiện. Đối với việc trí thức ứng cử đại biểu Quốc hội, điều cần thiết là đảm bảo công bằng về cơ hội để những trí thức tài năng, tâm huyết, đại diện tiêu biểu cho tiếng nói của cử tri có thể tham gia hoạch định chính sách phát triển ở tầm vĩ mô.
 
Để trí thức không đứng ngoài chính trị, ngoài lề của sự phát triển, ngoài việc tạo điều kiện để trí thức tham gia phát huy tài năng, đóng góp tri thức, sức sáng tạo vào các lĩnh vực phát triển cụ thể với tư cách là một người lao động, trí thức cần được tạo điều kiện nhiều hơn để phản biện, tư vấn chính sách về các vấn đề mà sự phát triển đang đặt ra. Nếu không được mài giũa khả năng và tinh thần phản biện, trí thức sẽ vô hình trung mất đi nguồn lực sáng tạo, nuôi mầm bức xúc và tâm lý bất tuân phục chính sách. Điều này về lâu dài sẽ giết chết năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức tinh hoa.
 
Có thể nói, công cuộc hội nhập quốc tế có thành công hay không tùy thuộc rất lớn vào sức mạnh của KH&CN, của sự phát triển văn hóa, giáo dục mà ở đó mức độ tham gia của tầng lớp trí thức có ý nghĩa rất quan trọng.
 
Để phát huy vai trò đó, trí thức cần sự lắng nghe chân thành, sự thấu hiểu của các nhà quản lý, các nhà hoạt động thực tiễn. Đảng, Nhà nước cần thực sự tạo điều kiện tối ưu cho các nhà khoa học được đóng góp cao nhất vào sự phát triển qua các kênh khác nhau.
 
ThS Phạm Xuân Hoàng – Viện Thông tin khoa học xã hội – Viện Hàn lâm KHXH