Hội sách Hà Nội đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng

TTO – Chiều ngày 26-4, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) công bố tổng doanh thu của Hội sách Hà Nội 2016 (diễn ra từ 20 đến hết ngày 24-4) đạt hơn 10 tỷ đồng.
 
 
Độc giả tham dự hội sách Hà Nội 2016 – Ảnh: Nam Trần
 
Ban tổ chức cho biết, vì trong thời gian diễn ra Hội sách, có lúc trời mưa, nên doanh thu của các đơn vị năm nay có giảm so với năm trước.
 
Những đơn vị đạt doanh thu cao vẫn là những đơn vị quen thuộc: Nhã Nam, Alpha, Huy Hoàng, Đông A, Đinh Tỵ…
 
Tham dự Hội sách Hà Nội 2016 có 87 đơn vị (30 NXB và 57 đơn vị phát hành), với 110 gian hàng và hơn 30.000 đầu sách các loại phục vụ độc giả.
 
Theo ban tổ chức, dù số lượng đơn vị tham gia và số gian hàng vẫn như năm trước nhưng các gian hàng có sự mở rộng về diện tích và phân chia thành các khu vực như: không gian sách hiện đại; không gian sách cũ…tạo thuận lợi cho người xem, mua sách.
 
Tính trung bình mỗi ngày tại Hội sách có hơn 10 sự kiện, hoạt động diễn ra tại khu vực sân khấu và tại gian hàng của các đơn vị tham gia, đã trở thành điểm kết nối, quy tụ bạn đọc.
 
V.V.TUÂN
 
Nguồn: tuoitre.vn

Thị trường sách và văn hóa đọc

Trong ngành xuất bản, đáp ứng nhu cầu thị hiếu, giành thị phần, thị trường thì thương hiệu là vũ khí quan trọng nhất chứ không phải là khuynh hướng thẩm mỹ hay yêu cầu về văn hóa đọc. Hai yếu tố sau, trong giai đoạn hiện nay có vẻ như  vẫn là những khái niệm quá mơ hồ và thay đổi luôn xoành xoạch, không phải là dấu hiệu đáng để mừng…
 
Thứ bậc không vui
 
Nguyễn Hồng Lam
 
Diễn ra trong vòng một tuần, từ 21 – 27/3/2016 tại Công viên  Lê Văn Tám, quận 3, Hội sách TP Hồ Chí Minh 2016 đã khép lại với những con số  thống kê ấn tượng. Năm nay có 710 gian hàng sách của gần 200 nhà xuất bản, công ty phát hành sách trong và ngoài nước tham gia, với 300 ngàn tựa và hơn 30 triệu bản sách được trưng bày, tăng gần 40% so với Hội sách 2014. Sức thu hút đối với người đọc cũng gia tăng đáng kể khi có tới hơn 1 triệu lượt bạn đọc đến với Hội sách, tăng hơn 20% so với Hội sách lần gần nhất. Ban tổ chức, các NXB, Công ty phát hành sách cũng hồ hởi khi tổng doanh thu của Hội sách đạt hơn 50 tỷ đồng, vượt những 30% so với Hội sách trước.
 
Nhưng, niềm vui, sự hân hoan dường như chỉ đến với những ai quan tâm đến thị trường, thị phần và cơ hội kinh doanh sách, trong đó sách thuần túy chỉ là một món hàng. Còn với những người quan tâm đến thẩm mỹ, văn chương, kiến thức, sự phát triển văn hóa, nhất là văn hóa đọc, những con số thống kê khô khan kia, dù đáng kinh ngạc, cũng chưa hề cho thấy những dấu hiệu đáng mừng.
 
 
Hội sách TP Hồ Chí Minh năm 2016.
Trong top 10 cuốn bán chạy nhất Hội sách thì có đến 8 cuốn của tác giả Việt Nam, đặc biệt là các tác giả trẻ. Nhưng nhìn kỹ danh sách, chiếm tỷ lệ lớn nhất vẫn chỉ là sách ngôn tình, với “Thương mấy cũng là người dưng” của Anh Khang, “Sẽ có cách, đừng lo” của Tuệ Nghi, “12 cách yêu” của Hamlet Trương và “Thỏ bảy màu – Timeline của tui có gì” của Huỳnh Thái Ngọc, lần lượt xếp thứ 2, 6, 7 và 8 trên bảng tổng sắp. Hai vị trí 3 và 9 là hai cuốn tản văn “Trên đường băng” và “Cà phê cùng Tony”, cũng là hiện tượng đáng ngạc nhiên khi thuộc về cùng một tác giả có bút danh là một nickname trên mạng xã hội: "Tony buổi sáng".
 
Sự áp đảo danh sách tác giả được thông báo hồ hởi bằng các cụm từ “trong nước” và “trẻ” trong trường hợp này hẳn sẽ khiến cả độc giả lẫn tác giả khó tính, những người đề cao văn hóa đọc thật sự phải cau mày. Không nghi ngờ gì, người đọc vẫn dành phần lớn quan tâm cho những điều tầm phào, vụn vặt, thuần giải trí, không mấy thách thức  đối với tư duy hay trí tuệ, cũng  chẳng hứa hẹn gì nhiều chuyện nâng cao kiến thức hay thẩm mỹ qua việc đọc. Cứ nhìn cả tên tác phẩm lẫn bút danh thì biết: hầu như đều phảng phất màu sắc… ngôn tình!
 
Trong ba cuốn sách dịch lọt vào top-ten, “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie (thứ 10) có lẽ là sự nổi tiếng cũ kỹ và bất biến, được bạn đọc trẻ  mua nhiều vì không – thể – không mua (mua không đồng nghĩa với đọc, thích và cần). Cuốn “Thuật giả kim” của Paulo Coelho (xếp thứ 5) dường như quá trung dung không nói được gì nhiều khi mà xếp ngay trên nó, thứ 4, là cuốn “Madam Nhu – Trần Lệ Xuân – Quyền lực bà rồng” (Monique Brinson Demery) vốn nổi tiếng ở cả hai điểm: dịch thuật quá nhiều sạn và lỗi kiến thức đầy rẫy, gây nhiều tranh cãi.
 
Xếp đầu bảng, may thay, vẫn là “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” của Nguyễn Nhật Ánh. Người lạc quan có thể lấy nó làm minh chứng để an tâm rằng văn chương trong trẻo, giàu chất thơ và những câu chuyện dành cho thế hệ tương lai vẫn đánh bại mọi đối thủ gây tranh cãi. Đúng thôi, với một thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ đã có thể “chấp” mọi NXB  trong nước khác ở mọi cuộc cạnh tranh!
 
Trong ngành xuất bản, đáp ứng nhu cầu thị hiếu, giành thị phần, thị trường thì thương hiệu là vũ khí quan trọng nhất chứ không phải là khuynh hướng thẩm mỹ hay yêu cầu về văn hóa đọc. Hai yếu tố sau, trong giai đoạn hiện nay có vẻ như  vẫn là những khái niệm quá mơ hồ và thay đổi luôn xoành xoạch, không phải là dấu hiệu đáng để mừng.
 
Văn hóa đọc dễ dãi, nhu cầu – thị hiếu thẩm mỹ không cao, người đọc hôm nay, nhất là người đọc trẻ còn khiến thị trường sách bị méo mó dung nhan bởi sự vọng ngoại. Cuốn “Madam Nhu – Trần Lệ Xuân – Quyền lực bà rồng” dù  đang bị báo chí, các nhà phê bình chỉ trích kịch liệt vẫn lọt vào top 10 không mấy khó khăn.
 
Trong khi đó, những ai quan tâm đến nội dung cuốn sách thì đều dễ nhận ra rằng nó hầu như chẳng có phát hiện hay tư liệu gì mới. Có chăng, cái mới chỉ là hàng loạt những lỗi sai lịch sử và hạt sạn dịch thuật. Còn lại, phần tư liệu không khác gì những cuốn sách cùng loại như “Ai giết anh em Ngô Đình Diệm” của Nông Huyền Sơn được NXB Công an nhân dân mang đến Hội sách 2012.
 
Hay xa hơn, cuốn “Đệ nhất phu nhân” của Hoàng Trọng Miêng, được viết dưới dạng tiểu thuyết hóa, xuất bản từ trước 1975. Thế nhưng, dù văn phong, độ chính xác, sự phong phú tư liệu có hơn hẳn cuốn sách của nữ tác giả trẻ tuổi người Mỹ, mỗi lần xuất bản của hai cuốn kia, số lượng cũng chỉ dừng lại con số 1.000 bản. Trong khi đó, sau hàng chục ngàn bản đầy lỗi bán hết vèo trước Hội sách, mang theo hành trang phê bình là đầy những lời chỉ trích, cuốn sách dịch đi sau vẫn được in thêm cả chục ngàn cuốn (với cam kết là đã dọn sạch lỗi dịch) để kịp tham gia Hội sách và có mặt ở hàng thứ 4 trong top 10 cuốn bán chạy nhất.
 
Rõ ràng, “bụt chùa nhà không thiêng”. Nhà văn Việt Nam hẳn sẽ còn phải ngậm ngùi lâu, rất lâu nữa.
 
Bao giờ chúng ta  mới có được một thị trường sách sôi động thật sự trên nền tảng một nền văn hóa đọc bậc cao, thiên về trí tuệ, thẩm mỹ vượt trội? Hỏi, thật ra chỉ để mà hỏi. Và nếu có thêm thì chỉ để mà buồn…
 
Bà Lê Thị Thu Huyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát hành sách TP Hồ Chí Minh FAHASA:Bạn đọc vẫn chuộng hiện tượng bề nổi
 
Nguyễn Trang (thực hiện)
 
 
– Cán cân giữa các dòng sách trên thị trường hiện nay ra sao, thưa bà?
 
+ Thị trường sách hiện nay có nhiều thay đổi bởi xu hướng, sở thích của lớp trẻ cũng thay đổi nhiều. Là đơn vị phát hành sách nên chúng tôi có cơ hội đánh giá khá toàn diện về xu hướng chọn sách của độc giả. Qua cuộc thi bình chọn cuốn sách được yêu thích nhất mà Fahasa tổ chức định kỳ giống như cuộc điều tra thị trường mini, chúng tôi nhận thấy độc giả bây giờ chuộng các loại sách giải trí, văn học, sách kỹ năng, sách dạy làm giàu…
 
Trong dòng sách văn học, các thể loại như tùy bút, tiểu thuyết, du ký bán rất chạy. Cũng dễ hiểu vì ở các thể loại này, nhiều tác giả mới xuất hiện như Anh Khang, Iris Cao, Gào… luôn trình làng hàng loạt tác phẩm có văn phong nhẹ nhàng được giới trẻ yêu thích mặc dù ý tưởng, thông điệp của tác phẩm chưa sâu sắc. Đó là điều khiến chúng tôi và các nhà xuất bản phải đau đầu tính toán mình sẽ chú trọng phát hành, xuất bản sách gì để vừa đáp ứng thị hiếu của đông đảo độc giả, vừa phải có giá trị văn hóa tư tưởng. Bởi thị trường và thị hiếu luôn song hành nhau.
 
– Vậy qua cuộc khảo sát mini trên, bà thấy đầu sách nào khó bán nhất?
 
+ Chúng tôi luôn có nhiều dòng sách phong phú để khách hàng lựa chọn như chính trị, giáo dục, kinh tế, văn học… Các đầu sách về nghiên cứu, khoa học tri thức rất kén bạn đọc. Nhưng về mặt nội dung thì đây là những đầu sách rất có giá trị. Cho nên mặc dù sức mua của khách hàng chậm, thời gian tiêu thụ kéo dài nhưng chúng tôi vẫn dành những vị trí đẹp, thích đáng để  trưng bày các cuốn sách này.
 
– Ngoài vị trí trưng bày bắt mắt, dễ thấy, Fahasa còn có chiến lược gì để đẩy sức mua cho các loại sách hữu ích nhưng khó đọc?
 
+ Chúng tôi thường tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu với tác giả hoặc viết bài giới thiệu sách trên các kênh truyền thông. Nhờ trao đổi trực tiếp với tác giả, bạn đọc sẽ hứng thú hơn với cuốn sách đó và chắc chắn họ sẽ tìm mua. Ngay cả nhân viên bán hàng, chúng tôi cũng khuyến khích họ nên nắm rõ những tựa sách được bán để tư vấn cho khách. Chúng tôi rất mong các các nhà xuất bản sẽ cùng Fahasa làm những công việc đó, tức là khi xuất bản ra cuốn sách có giá trị thì nên thúc đẩy mạnh ở khâu PR, nhất là những cuốn khó đọc.
 
– Công tác PR, truyền thông ngoài việc giúp phát hành sâu và rộng cuốn sách thì nó còn giúp ích gì trong việc nâng cao giá trị của cuốn sách đó không?
 
+ PR giúp tăng sự lan tỏa của cuốn sách. Và điều này rất quan trọng vì nếu sách có giá trị mà không được lan tỏa thì giá trị ấy rất hạn hẹp.
 
– Xin cảm ơn bà!
 
Ông Phạm Thế Cường, Chủ nhiệm Thư viện tư nhân miễn phí Phạm Thế Cường, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh: Người yêu sách đông nhưng mấy người biết chọn sách?
 
Mai Quỳnh Nga (ghi)
 
 
Cứ sau hội sách hai, ba tháng, thư viện của tôi lại nhận được khá nhiều sách của người đi hội sách mang tặng. Điều khiến tôi ngạc nhiên là đa số người mang tặng chưa hề đọc cuốn sách đó. Thậm chí có cuốn còn nguyên bọc mới tinh hoặc còn nguyên cả bộ. Đáng buồn toàn là sách văn học kinh điển, sách nghiên cứu. Hỏi sao các cháu không đọc?
 
Chúng bảo tụi cháu đi hội sách cho vui, thấy người ta nườm nượp kéo nhau đi thì mình cũng đi. Người ta mua thì mình cũng mua. Đặc biệt, nhiều bộ sách nổi tiếng giảm giá rất sâu như bộ “Tam quốc diễn nghĩa” giảm tới 40% nên mua cho khỏi tiếc. Tụi nó bảo cháu nghe người ta nói mấy tác phẩm này hay nhưng mua về đọc vài trang thấy ngán nên bỏ xó. Nếu để ý kỹ, ngay tại các hội sách, người ta vẫn thường tìm tới loại sách giải trí, giết thời gian. Còn những loại sách cung cấp kiến thức, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ công việc thì họ mua rất ít. Người yêu sách rất đông nhưng có bao nhiêu người đọc sách tri thức, mấy người biết chọn, đọc sách hay?
 
Có một nghịch lý là sách càng giá trị, hàm lượng chất xám càng cao (chẳng hạn như sách đoạt giải Nobel) thì càng khó bán dù đã giảm giá sâu,  còn sách lá cải, giải trí thì rất dễ bán dù giá có cao. Nhiều cuốn sách kỹ năng dạy người đọc trở thành triệu phú hay có trí tuệ siêu phàm đã trở thành bestseller. Tôi nói thẳng: thực chất giá trị của nó rất thấp.
 
Nhiều người lầm tưởng nó quá tuyệt vời nên đổ xô mua nhưng khi đọc xong hầu hết họ không nhận được cho mình một tí gì. Thư viện tôi nhận được rất nhiều cuốn sách như vậy. Hỏi tại sao họ không đọc mà đem cho thư viện thì họ bảo có đọc nhưng không thể làm được, mọi chỉ dẫn đều chung chung hoặc vớ vẩn. Thấy tôi bán ve chai toàn sách kỹ năng, bà ve chai tròn mắt bảo sao không đem cho người khác đọc. Tôi bảo mấy cuốn sách này cho người ta thì khác nào hại người ta.
 
Trước đó, tôi phải mất rất nhiều thời gian để đọc, chọn lọc chúng. Phải thừa nhận rằng không ít người thích ăn xổi quen rồi, thấy cái gì có lợi trước mắt là lao vào. Còn những cuốn sách cần chiêm nghiệm, bỏ công bỏ sức lẫn tư duy mới ngộ ra, mới gặt hái được thành quả thì người ta thờ ơ.
 
Thị hiếu tùy thuộc vào mỗi người. Một cuốn sách với tôi là hay nhưng với người khác nó không hay. Nó hay với tôi vì nó phục vụ cho điều tôi quan tâm, phù hợp với công việc tôi làm… Rồi phải tìm cuốn nào có nội dung chuẩn xác nhất. Đó là lý do vì sao chỉ có một tựa sách mà nhà tôi lại có nhiều bản in khác nhau. Dù cuốn sách đó phù hợp với thị hiếu của mình nhưng khi đọc, mình phải phản biện chứ không nên tin tưởng tuyệt đối vào sách. Nhưng hiếm người làm được điều này nên họ vẫn thích đọc sách có nội dung dễ dãi.
 
Hoạt động PR sách cũng còn nhiều điều bất cập. Có nơi chỉ toàn khai thác chuyện đời tư của tác giả, có nơi lại hoạt động bên lề ì xèo như ca hát, nhảy múa, ký tặng nhưng không đả động gì đến nội dung sách. Đáng lẽ tác giả phải chia sẻ về cuốn sách, tác giả có trăn trở gì khi viết cuốn sách đó, thông điệp gửi gắm ra sao… Kiểu PR trên chỉ nhằm lăng xê, đánh bóng tác giả chứ không phải để bạn đọc thấy được giá trị của cái mà họ đọc.
 
Là độc giả, tôi mong muốn các đơn vị làm sách cẩn thận khâu biên tập. Sách sai sót nhiều nên người ta ngán ngẩm, không thích đọc những dòng sách nặng về kiến thức mà chỉ đọc sách giải trí vô thưởng vô phạt vì nó có sai cũng chẳng sao, còn sách nghiên cứu, khoa học mà sai thì chết. Có nhà xuất bản người ta chỉ mới nghe tên là sợ, không dám mua vì sách “sạn” liên tục. Khâu biên tập tốt thì mới nâng được giá trị của sách lên, nâng uy tín của nhà xuất bản lên. Người làm sách đừng nên tầm thường hóa sản phẩm của mình. Nó vừa gây lãng phí cho xã hội, vừa khiến người đọc không thu nhận được gì, thậm chí tệ hơn. Công tác quản lý xuất bản cũng phải siết chặt để sách kém giá trị không có cơ hội tràn lan trên thị trường.
 
Ông Nguyễn Cảnh Bình,Giám đốc Công ty sách Alpha (Alpha Books): Người làm sách không thể đơn độc
 
Phan Thi Uyên (ghi)
 
 
Vài năm nay, tôi nhận thấy thị trường sách lẫn văn hóa đọc trong nước phát triển tương đối tốt. Chính sách, cơ chế của Nhà nước ngày càng cởi mở, tạo điều kiện kích cầu thị trường. Bằng chứng là hội sách diễn ra thường xuyên hơn ở các thành phố lớn, các đường sách ra đời. Sách được tôn vinh khi ngày 21-4 được chọn là Ngày sách Việt Nam…
 
Bản thân tôi là người làm và kinh doanh sách nhận thấy doanh thu bắt đầu tăng đáng kể, nhiều đầu sách có chất lượng tăng lên. Rõ ràng, nhu cầu đọc của công chúng đang tăng. Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều bạn tuổi đời còn rất trẻ đã quan tâm đến những cuốn kinh điển về chính trị xã hội.
 
Thời gian gần đây, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về quá trình hiện đại hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… Và nhận thấy 25 quốc gia giàu nhất thế giới hiện nay, bên cạnh một nền giáo dục tiên tiến thì hoạt động xuất bản sách báo bao gồm sách tri thức giữ vị trí đặc biệt quan trọng cho quá trình hiện đại hóa đất nước của họ. Bởi đó là kho tàng quý báu, nhanh chóng truyền tải tri thức của nhân loại đến với đất nước họ, cũng như khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và lan tỏa tri thức cho đại chúng.
 
Ở Việt Nam, trong tiến trình đổi mới và hội nhập, Đảng và Nhà nước đã luôn đề cao việc giữ gìn tinh hoa bản sắc dân tộc song hành với tiếp nhận những thành quả tri thức của thế giới thông qua nhiều hoạt động mang tính kết nối ở mọi cấp độ, trong đó có sự tham gia của ngành Xuất bản. Và thực tế, trong 30 năm đổi mới, ngành Xuất bản của Việt Nam đã có những bước tiến khá dài.
 
Tuy nhiên, với nhu cầu tiếp nhận tri thức mà thực tế đặt ra, ngành Xuất bản chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình, khi so sánh với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí Thái Lan hay Malaysia đều hơn chúng ta khá xa. Đó là do những yếu kém và trở ngại từ nhiều phía, trong đó có sự manh mún, lạc hậu của các doanh nghiệp, nhà xuất bản. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng tổng thể ngành Xuất bản lại không tăng tương ứng, nhất là mảng sách khoa học, kỹ thuật, lịch sử, văn hóa và tư tưởng. Các nhà xuất bản hiện nay và các công ty xuất bản tư nhân không đủ nguồn vốn và năng lực thực hiện, thêm nữa thị trường cho loại sách này quá nhỏ khiến họ chán ngán.
 
Phải công nhận rằng văn hóa đọc và khuynh hướng đọc của người Việt có nhiều bước tiến chứ không phải là xuống cấp như nhiều người đánh giá, nhưng nếu nói rằng chúng ta đã hình thành được nền văn hóa đọc, thói quen đọc sách thì cũng không hẳn đúng. Đa số người đọc vẫn chưa tôn trọng tri thức. Vì vậy những năm tới, Việt Nam cần đầu tư vào các lĩnh vực tri thức – giáo dục, các chương trình phát triển dân trí và kiến thức cho người dân, đặc biệt là khơi thông dòng sách có hàm lượng chất xám cao phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.
 
Để thúc đẩy quá trình này, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị xây dựng “Đề án Xuất bản quốc gia” cho 10 – 20 năm tới. “Đề án Xuất bản quốc gia” sẽ “nhập khẩu” một cách có chọn lọc tri thức tiến bộ của thế giới và đưa tinh hoa tri thức Việt đến với công chúng Việt Nam. Cụ thể, sẽ thành lập “Quỹ Xuất bản quốc gia” như nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã làm.
 
Trước đây, đã có nhiều người đề xướng thành lập một quỹ hỗ trợ xuất bản tương tự Quỹ này nhưng nó vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Việt Nam cấp thiết phải có Quỹ này để toàn xã hội, các ngành, các cấp cùng chung tay với người làm sách vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa đọc giàu chiều sâu. Quỹ sẽ huy động vốn, triển khai, giám sát việc thực hiện xuất bản và có chính sách hỗ trợ cho các dòng sách tri thức như: sách giáo khoa phổ thông hiện đại; giáo trình đại học hiện đại; sách phổ biến kiến thức và khoa học thường thức cho học sinh và trẻ em; sách tri thức cao cấp, đặc biệt là mảng khoa học xã hội, pháp luật, lập pháp cao cấp; sách Hán Nôm chọn lọc…
 
Ngoài ra, Quỹ còn triển khai các hoạt động khuyến đọc và phát triển tri thức -văn hóa ở các địa phương như: tổ chức cuộc thi đọc sách định kỳ cho học sinh; mua sách và phân bổ cho các thư viện ở các địa phương nhỏ; hỗ trợ các câu lạc bộ sách…
 
Trong khi chờ Đề án được phê duyệt, tôi nghĩ biện pháp trước mắt để cán cân của thị trường dần nghiêng sang dòng sách “khá xương” này là giá bìa rẻ; cách trình bày của tác giả dễ hiểu, hấp dẫn; sách được quảng bá rộng rãi… Tác giả các cuốn sách này có tự ca ngợi hay nhờ người viết lời giới thiệu lăng xê tác giả lên mây thì cũng không thể trách họ được. Thị hiếu của công chúng cần những thứ đó.
 
Tất nhiên, thị trường hóa là con dao hai lưỡi có thể kéo thị hiếu thấp xuống. Do đó, phải có sự can thiệp, định hướng, hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền. Quan trọng nhất là xã hội phải lành mạnh hóa, coi trọng năng lực chứ không phải bằng cấp. 
 
PV
 
Nguồn: cand.com.vn

Vingroup sẽ chi ít nhất 463 tỷ để mua 65% cổ phần của Công ty Sách Việt Nam

 
 
 
 
Sau cổ phần hóa, Công ty Sách Việt Nam sẽ triển khai dự án trung tâm thương mại trên khu đất 4.600m2 tại đường Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ngày 3/3/2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định chấp thuận lựa chọn Tập đoàn Vingroup (VIC) trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Sách Việt Nam (Savina).
 
Theo đó, Vingroup sẽ mua 65% vốn điều lệ của Savina, tương ứng với hơn 44,14 triệu cổ phần. Số cổ phần này sẽ được bán theo hình thức thỏa thuận trực tiếp trước khi IPO với giá khởi điểm 10.500 đồng/cp. Như vậy số tiền Vingroup sẽ chi ra tối thiểu là 463 tỷ đồng.
 
Savina sẽ tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 24/3. Theo phương án cổ phần hóa, Savina sẽ có vốn điều lệ 679 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 10% vốn, bán cho nhà đầu tư chiến lược 65% và đấu giá công khai 24,6% vốn điều lệ, tương ứng 16,73 triệu cổ phần.
 
Savina có trụ sở chính tại 44 Tràng Tiền, Hà Nội, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh sách, văn phòng phẩm. Sau khi cổ phần hóa, công ty sẽ tập trung phát triển dự án Savina Plaza trên khu đất rộng 4.600m2 tại số 22A-B Hai Bà Trưng, Hoàn Kiến, Hà Nội. Dự án này gồm 6 tầng nổi và 4 tầng hầm với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 900 tỷ đồng.
 
 
Trụ sở Savina tại 44 Tràng Tiền, cạnh hồ Hoàn Kiếm
 
Trường An
 
Theo Trí thức trẻ

Formosa xin lỗi về phát ngôn gây sốc của ông Chu Xuân Phàm

VTV.vn – Chiều 26/4, lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã chính thức cúi đầu xin lỗi Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền tỉnh Hà Tĩnh.
 
Khoảng 15h30, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã tổ chức buổi họp báo chính thức giải trình về phát ngôn gây sốc của ông Chu Xuân Phàm – Trưởng Văn phòng Formosa Hà Nội cũng như dư luận xung quanh việc liên quan giữa việc cá chết hàng loạt ở miền Trung với việc xả thải của công ty này.
 
Trước đó, câu hỏi và cũng là câu trả lời gây sốc “bắt cá tôm hay nhà máy, chọn đi” của đại diện Formosa ông Chu Xuân Phàm đã là tâm điểm của dư luận và là tiêu đề lớn hàng loạt trang báo trong sáng nay (26/4).
 
Mở đầu buổi họp báo, ban lãnh đạo Formosa đã gửi lời xin lỗi tới chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng như chính phủ Việt Nam.
 
 
 
Bản giải trình của Formosa trong cuộc họp ngày 26/4 (Nguồn: PV Bạch Hoàn – Trung tâm Tin tức VTV24)
Khi được hỏi về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, ông Trương Phục Ninh – Phó Tổng Giám đốc điều hành Formosa – cho biết: "Vấn đề cá chết hàng loạt với nước thải có liên quan hay không, thì phải đợi các cơ quan của Việt Nam có kết luận".
 
Nói về việc Formosa độc lập xả thải, ông Khâu Nhân Kiệt – Giám đốc Bộ phận an toàn vệ sinh môi trường của Formosa – khẳng định công ty có một khu xử lý nước thải tập trung, toàn bộ nước thải đều được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra biển. Ngoài ra, ông Kiệt cũng khẳng định Formosa không sử dụng hóa chất sục xả đường ống mà chỉ sử dụng áp suất không khí.
 
Phó Tổng Giám đốc Trương Phục Ninh cho biết toàn bộ máy móc, thiết bị để vận hành nhà máy gang thép đều được Formosa nhập khẩu từ châu Âu và đều thuộc diện hiện đại, tiên tiến nhất thế giới. Riêng hệ thống xử lý nước thải được Formosa tiết lộ có giá khoảng 45 triệu USD.
 
Nguồn: Phóng viên Bạch Hoàn – Trung tâm Tin tức VTV24 – VTV.vn

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ “ứng dụng KH&CN vào sản xuất để tạo ra bước phát triển đột phá”

Ngày 20/4/2016, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Thứ trưởng Trần Văn Tùng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn để Đánh giá kết quả hoạt động KH&CN năm 2015, tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2016 và kế hoạch hoạt động KH&CN năm 2017 và những năm tiếp theo của địa phương; trao đổi, thảo luận những nhiệm vụ KH&CN trọng tâm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
 
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ KH&CN tham gia đoàn công tác gồm Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (KT-KT), Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ. 
 
 
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi làm việc
Làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Nhân dân (UBND) Tỉnh và Lãnh đạo Sở KH&CN cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
 
Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Tỉnh, đồng chí Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở KH&CN báo cáo kết quả hoạt động KH&CN năm 2015, tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2016; kế hoạch hoạt động năm 2017 và những năm tiếp theo; nêu một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh đối với Bộ KH&CN.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị đại diện các sở, ngành của Tỉnh làm rõ thêm các thông tin về cây trồng, sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương để đại điện các đơn vị thuộc Bộ trong đoàn công tác cùng trao đổi, thảo luận bàn giải pháp phối hợp và hỗ trợ Tỉnh, đồng thời giải đáp các thông tin liên quan đến đề xuất, kiến nghị của Tỉnh.
 
Với một số sản phẩm đặc sản của tỉnh như hồi, na Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm, quýt Bắc Sơn, thạch đen Tràng Định… Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị hoạt động KH&CN của tỉnh cần hướng tới việc nâng cao giá trị sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn, khép kín; đa dạng hóa nguồn đầu tư tài chính đối với KH&CN để phát huy giá trị các loại đặc sản trên.
 
Thay mặt Lãnh đạo Tỉnh, đồng chí Lý Vinh Quang giới thiệu và làm rõ thêm với đoàn công tác của Bộ về những tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh; những định hướng của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đối với hoạt động KH&CN trên địa bàn; trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến góp ý, chỉ đạo của Thứ trưởng tại buổi làm việc và xin ý kiến của Bộ về chủ trương của Tỉnh dự kiến sáp nhập Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN với Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn.
 
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng ghi nhận những kết quả hoạt động KH&CN của Tỉnh trong thời gian qua; đề nghị Tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo ra bước phát triển đột phá ứng dụng KH&CN vào sản xuất, lựa chọn những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển; đối với việc sáp nhập 02 Trung tâm, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng Đề án, đảm bảo hiệu quả hoạt động sau khi sáp nhập.
 
 
Đoàn thăm và làm việc với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN
 
Cùng ngày, Đoàn đến thăm và làm việc với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN Tỉnh.
 
Nguồn:  Ngô Xuân Cường, Vụ Phát triển KH&CN địa phương 
 

Top 10 trang thông tin khoa học tốt nhất

BBC vươn lên đứng đầu danh sách của 10 trang web tốt nhất về Thông tin Khoa học trên thế giới
Trang web RealClearScience có uy tín đã tiến hành bình chọn và đưa ra danh sách 10 trang Web hàng đầu về Thông tin Khoa học, xếp theo thứ tự sau đây:
 
 
Trang Khoa học và Môi trường của BBC. Nguồn: BBC
1.    BBC News science and environment,
 
2.    Nature News ,
 
3.    Wired's science coverage,
 
4.    Ars Technica,
 
5.    New Scientist,
 
6.    Popular Science,
 
7.    Live Science,
 
8.    National Geographic,
 
9.    Smithsonian Magazine,
 
10.    Io9.
 
Trang Thông tin Khoa học và Môi trường của Tập đoàn Truyền thông BBC loại được các đối thủ mạnh khác để vươn lên ngôi đầu bảng xếp loại. Các nhà báo của BBC đã được đánh giá cao về "khả năng truyền đạt những chủ đề phức tạp cho đối tượng rộng rãi toàn cầu". Trang web RealClearScience cũng nhận xét rằng, nhóm làm báo khoa học của BBC đã có "bản năng báo chí phi thường".
 
Về trang web Nature News, giành ngôi vị á quân trong bảng Top TEN, các nhà bình chọn đề cao độ tin cậy, tính nghiêm túc của trang này trong từng “bit” thông tin của họ.
 
 
Trang Khoa học của Nature News. Nguồn: Nature News
 
Trang web Wired's science coverage, đứng ở vị trí thứ ba, được khen ngợi vì đã lọt vào "hàng đầu” của các thông tin khoa học và công nghệ, đồng thời các phóng viên của họ như Brandon Keim và Nadia Drake cũng được xem là những phóng viên "hàng đầu".
 
Nhân dịp này, RealClearScience cho rằng, không có gì phải giấu giếm rằng, báo chí đã trải qua sự vật lộn trong những năm gần đây. Doanh thu hạ thấp, biên chế cắt giảm, có tờ báo một thời “vang bóng” cũng phải đóng cửa.
 
Điều này càng đúng với báo chí khoa học. Trước đây, vào năm 2008, CNN từng dẹp hẳn chuyên mục riêng khoa học và công nghệ. Đó là một dấu hiệu cảnh báo loại báo chí khoa học.
 
Tuy nhiên, nhiều trang web thông tin khoa học vẫn duy trì tốt. Vì họ bảo đảm được tính thời sự, tính chính xác, tính hấp dẫn, tôn trọng trí tuệ của độc giả và sự đa dạng về thể loại.
 
Danh sách 10 Trang thông tin khoa học được vinh danh vừa qua là bằng chứng rõ rệt về sự vươn lên đáp ứng những yêu cầu mới của thế hệ độc giả hiện tại, để tồn tại và phát triển.
 
Hoàng Hà
 

Top 10 website khoa học nổi tiếng nhất

 
Ảnh minh họa – nguồn internet
 
Có thể nói ngày nay khoa học đã phát triển rất nhiều hầu như mọi thứ điều áp dụng khoa học kỹ thuật cao. Từ khi khoa học phát triển đời sống con người cũng thay đổi đáng kể tuy nhiên chúng ta cũng trải qua thời gian khá dài để phát triển khoa học kỹ thuật từ săn bắt hái lượm thời tiền sử qua mấy ngàn năm phát triển giờ đây con người không những bay được trên không gian mà còn khám phá vũ trũ xung qua trái đất và những dãi ngân hòa xa xôi hàng triệu năm ánh sáng. Khoa học có thể phân ra thành 5 ngành khoa học chính là khoa học trái đất & không gian, khoa học xã hội, khoa học đời sống, khoa học vật lý & hóa học, khoa học logic & toán học. Tuy đã phát triển vượt bật nhưng sử hiểu biết của con người cũng còn khá hạn chế so với thế giới bao la và vũ trũ mênh mông. Cho nên hiện tại ngay trên trái đất này có nhiều hiện tượng còn người chưa giải thích được như đĩa bay UFO, thế giới tâm linh và chưa trị được những căn bênh thế kỹ như HIV, ung thư, virus Ebola.
 
 
Khoa học là một ngành rất quang trọng của con người và nhân loại cho nên hầu hết các quốc gia trên thế giới điều chi ngân sách rất lớn cho nghiên cứu khoa học và đặt biệt là khoa học vũ trụ. Và nhất là các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Canada họ thường tạo điều kiện cho các du học sinh sang học, đạo tạo các nhân tài phát triển nghiên cứu và sau đó là chi số tiền hậu hỉnh để giữ chân các nhận tài ở lại và phục vụ cho đất nước của họ ngày phát triển hơn. Nói vậy khi nghỉ lại ở Việt Nam thì càng buồn thêm vì ở Việt Nam không tạo điều kiện, không ưu tiên cho nhân tài và cũng không chú tâm về phát triển khoa học kỹ thuật cho nên sau bao năm chúng ta vẫn không có ngành công nghiệp nào là chủ đạo và mang bản sắc Việt Nam trên thị trường quốc tế cả. Các du học sinh của Việt Nam đi du học thường không quay về nước làm việc mà ở lại bản xứ là vậy đó thì thử hỏi làm sau Việt Nam phát triển lên được. Ngành công nghiệp hiện tại của mình cũng chỉ là nhỏ lẻ và chủ yếu các nhà máy khu công nghệ cao là các của nhà đầu tư nước ngoài, nếu các doanh nghiêp nước ngoài rút hết vốn thì Viêt Nam sẽ không biết ra sao nữa. Nhưng dù sao mình cũng luôn hy vọng một ngày Việt Nam sẽ thay đổi được chính sách và phát triển so với các cường quốc khác hjhj không biết khi nào nhỉ.
 
Sau đây là các website nổi tiếng về khoa học mà chúng ta nên tham khảo bổ sung kiến thức khoa học và đời sống quanh ta. Các trang web tiếng Việt cũng dịch từ đây mà ra cho nên nếu có thể đọc tiếng anh thì bạn nên xem các trang gốc bằng tiếng anh sẽ thú vị hơn nhiều.
 
1. HowStuffWorks
 
HowStuffWorks được tạo năm 1998 với mục đích là hướng dẫn, giải đáp thắc mắc khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Tại đây có nhiều chủ đề như phiêu lưu & mạo hiểm, động vật, xã hội, giải trí, sức khỏe, công nghệ & khoa học, đời sống. Cho nên nếu bạn có thể tham khảo để năng cao sự hiểu biết về thế giới xung quanh bạn và có thể giải thích hướng dẫn cho mình và cho những người thân của bạn nữa.
 
 
 
2. NASA
 
Nasa là cái tên khá quen thuộc với những ai yêu thích về khoa học vũ trụ & không gian. Nasa là cơ quan hàng không vũ trụ quốc tế có trụ sở chính tại Mỹ và nhiệm vụ là nghiêu cứu tìm hiểu và khám phá về vũ trụ, thiên hà và đặt biệt là nhiệm vụ tìm kiếm sự sông ngoài trái đất. Các nhiệm vụ chi tiết của Nasa như xây dựng hoàn thiện trạm không gian quốc tế ISS(International Space Station), khá phá sao hỏa & sao thiên vương, tìm hiểu hố đen, tìm kiếm sự sống ngoài trái đất và nhiều nhiệm vụ khác nữa. Cho nên đây là nơi lý tưởng cho những ai thích khám phá và tìm hiểu về thế giới vũ trụ bên ngoài trái đất để có thể cập nhật những thông tin mới nhât. Mình là một trong số người yêu thích về không gian vũ trụ bao la, mình luôn hỏi bên kia thế giới là cái gì nhỉ có quá nhiều hành tinh đang tồn tại, sự sống ngoài trái đất theo khoa học là phát triển hơn con người rất nhiều nhưng cho đến này trái đất vẫn chưa liên lạc được với người ngoài hành tinh.
 
 
 
3. Discovery
 
Discovery là một kênh chuyên khám phá về thế giới quanh ta. Discovery TV là kênh tivi khá nổi tiếng và nhiều người biết đến. Tuy nhiên nếu bạn muốn xem trực tiếp trên website để khám phá nhiều hơn trên TV. Mình thích nhất là kênh này chuyên khám phá về thế giới động vât.
 
 
 
4. LiveScience
 
LiveScience là chuyên trang cung cấp thông tin về khoa học công nghệ, trái đất và vũ trụ, đời sống, lịch sử và nhân loại. Bên cạnh đó còn có khá nhiều wesite cũng là sân phảm nội tiếng như TopTenReviews
 
 
 
5. ScienceDaily
 
ScienceDaily  cung cấp các chủ đề về khoa học như sức khỏe, công nghệ & vật lý, xã hội & đào tạo và môi trường. Nếu bạn thông tin về các chủ đề đã nêu thì nên tham khảo website này.
 
 
 
6. ScienceDirect
 
ScienceDirect được biết như là một kho tài liệu khoa học lớn nhất hiện nay. Trang này lưu trữ hơn 2,6k bài báo và hơn 20k cuôc sách. Nội dung bài báo và sách có 2 lại tính phí và miễn phí. Nếu miễn phí bạn có thể xem và download về được, còn nếu tính phí thì bạn phải thanh toán trước khi bạn có thể xem tài liệu được.
 
 
 
7. Space
 
Space là không gian và tất nhiên là cung cấp đầy đủ các thông tin chính về hoạt động nghiên cứu vũ trụ ngày nay qua các bài báo và hướng dẫn chi tiết cho người mới tìm hiểu lần đầu, Tại đây bạn có thể khám phá vũ trụ thông qua hình ảnh chụp thực tế và video về không gian vũ trụ.
 
 
 
8. ScientificAmerican
 
ScientificAmerican là một trong những trang báo lâu đời nhất của Mỹ về đề tài khoa học và công nghệ. Chủ đề được viết trên trang này khá rộng nằm ở cả 5 ngành khoa học chính. Cho nếu bạn muốn tìm hiểu và khám phá khoa học, công thì đây là website rất hữu ích cho bạn.
 
 
 
9. Nature
 
Nature chuyên nghiên cứu về về khoa hoc đời sống, khoa học vật lý & hóa học, khoa học môi trường và trái đất và đặt biệt là về khoa học y dược nghiên cứu thuốc và vacxin.
 
 
 
10. PopSci
 
PopSci là chuyên trang cung cấp các thông tin về khoa học nổi tiếng trên thế giới với nhiều bài báo chất lượng trong nhiều chủ đề khoa học khác nhau.
 
11. SmithsonianMag
 
12. TreeHugger
 
13. NewScientist
 
14. ScienceMag
 
15. RedOrbit
 
Minh Tâm By: Minh Tâm 
 
 
 
 
 
 

Khai trương nhà sách thiết kế độc đáo lớn nhất Hà Nội

Vào chủ nhật 16.11 – Nhà sách Tân Việt (313 – 315 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – không gian văn hóa giáo dục, giải trí đặc sắc cho cả gia đình – chính thức khai trương. Nhà sách có diện tích gần 2.000m2, gồm 9 tầng thiết kế độc đáo, với nhiều loại hình phục vụ.

 

Tầng 1 của Nhà Sách Tân Việt 313-315 Bach Mai  – Hà Nội. Đây là nhà sách thứ 23 trên toàn quốc do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tân Việt làm chủ đầu tư.

 

Nhà sách Tân Việt có hàng chục nghìn đầu sách với nhiều thể loại cùng các mặt hàng văn phòng phẩm, đồ chơi, quà lưu niệm, giúp cho khách hàng có nhiều chọn lựa. 

 

 

Vườn cổ tích – khu vui chơi của trẻ em tại Nhà sách Tân Việt – rộng gần 200m2, là nơi có nhiều trò chơi vận động và trò chơi trí tuệ, sẽ rất hấp dãn các bạn đọc thiếu nhi.

Không gian cà phê – sách tại Nhà sách Tân Việt là nơi lý tưởng dành cho các tín đồ yêu sách, những gia đình mong muốn có một không gian thư giãn lý tưởng cho dịp cuối tuần hoặc cho các sự kiện kết nối, giao lưu giữa độc giả và những tác giả, dịch giả, nhà biên soạn.

Nhân dịp khai trương, Nhà sách Tân Việt giảm giá 10-20% tất cả các mặt hàng sách từ 16– 30.11, tặng các voucher giảm giá 20% cho các dịch vụ khu vui chơi và đồ uống tại Không gian cà phê sách cho mỗi hóa đơn mua sách từ ngày 1-15.12.  

 LÊ QUANG VINH 

Xếp lương Phóng viên, Biên tập viên theo 3 hạng

Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh viên chức Biên tập viên, Phóng viên, Biên dịch viên và Đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông.
 
 
Ảnh minh họa
 
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các chức danh viên chức Biên tập viên, Phóng viên, Biên dịch viên và Đạo diễn truyền hình trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông và với các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thông tư phân hạng và mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông. Theo đó, chức danh Biên tập viên được chia thành 3 hạng: Biên tập viên hạng I Mã số: V.11.01.01; Biên tập viên hạng II Mã số: V.11.01.02; Biên tập viên hạng III Mã số: V.11.01.03.
 
Chức danh Phóng viên gồm 3 hạng: Phóng viên hạng I Mã số: V.11.02.04; Phóng viên hạng II Mã số: V.11.02.05; Phóng viên hạng III Mã số: V.11.02.06.
 
Chức danh Biên dịch viên gồm 3 hạng: Biên dịch viên hạng I Mã số: V.11.03.07; Biên dịch viên hạng II Mã số: V.11.03.08; Biên dịch viên hạng III Mã số: V.11.03.09.
 
Chức danh Đạo diễn truyền hình cũng gồm 3 hạng: Đạo diễn truyền hình hạng I Mã số: V.11.04.10; Đạo diễn truyền hình hạng II Mã số: V.11.04.11; Đạo diễn truyền hình hạng III Mã số: V.11.04.12.
 
Cách xếp lương Liên Bộ nêu rõ các chức danh nghề nghiệp viên chức quy định trên được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
 
Cụ thể, chức danh nghề nghiệp Biên tập viên hạng I, Phóng viên hạng I, Biên dịch viên hạng I, Đạo diễn truyền hình hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
 
Chức danh nghề nghiệp Biên tập viên hạng II, Phóng viên hạng II, Biên dịch viên hạng II, Đạo diễn truyền hình hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
 
Chức danh nghề nghiệp Biên tập viên hạng III, Phóng viên hạng III, Biên dịch viên hạng III, Đạo diễn truyền hình hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
 
Việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức quy định  trên đối với viên chức đã được xếp lương vào các ngạch Biên tập viên cao cấp (mã ngạch 17.139), Biên tập viên chính (mã ngạch 17.140), Biên tập viên (mã ngạch 17.141), Phóng viên cao cấp (mã ngạch (17.142), Phóng viên chính (mã ngạch 17.143), Phóng viên (mã ngạch 17.144), Biên dịch viên cao cấp (mã ngạch 17.139), Biên dịch viên chính (mã ngạch 17.140), Biên dịch viên (mã ngạch 17.141), Đạo diễn cao cấp (mã ngạch 17.154), Đạo diễn chính (mã ngạch 17.155), Đạo diễn (mã ngạch 17.156) theo quy định tại Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về danh mục các ngạch công chức và ngạch viên chức và Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện như sau:
 
Trường hợp viên chức đủ điều kiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức có hệ số, bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bằng bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp mới được bổ nhiệm.
 
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 25/5/2016.
 
Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ
 

Gia nhập TTP: Cần có chiến lược phát triển tài sản sở hữu trí tuệ

Trước bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là TTP, sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm.
 
Nhân “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập,” ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban thường trực Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã trao đổi về vấn đề này.
 
– Thưa ông, đâu là thách thức về sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia TTP?
 
Ông Trần Minh Dũng: Vừa rồi có nhiều thông tin liên quan tới thách thức khi tham gia Hiệp định TTP vì trong số 12 nước tham gia Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển thấp hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải hòa nhập sân chơi chung của các nước với mong muốn biến thách thức thành cơ hội, tạo áp lực để doanh nghiệp nhận thức và nỗ lực vượt qua.
 
Thách thức ở đây trước hết là yêu cầu về bảo hộ trí tuệ sẽ nâng cao hơn cả quy định của Hiệp định TRIPs khi chúng ta gia nhập WTO, đặc biệt với các lĩnh vực như dược phẩm, yêu cầu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
 
Bên cạnh đó, những yêu cầu khác về bảo hộ cũng được mở rộng hơn như bảo hộ về nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi; bù trừ thời gian xét nghiệm sáng chế nếu thời gian xét nghiệm này quá dài để tăng thời gian khai thác của chủ thể quyền đối với sáng chế dược phẩm…
 
Cùng với thách thức, doanh nghiệp cũng nhìn thấy cơ hội khi xâm nhập thị trường của các nước thành viên, đặc biệt các nước phát triển. Trước đây, chúng ta thường bị đối xử thiếu bình đẳng bởi các thị trường này thông qua các hàng rào kỹ thuật và doanh nghiệp của ta thường bị họ kiện với lý do rất thiếu minh bạch, rõ ràng và bị áp đặt các mức thuế “bảo hộ” của họ không bình đẳng. Tuy nhiên, khi vào sân chơi chung, được đối xử bình đẳng về áp dụng các mức thuế thì đây là cơ hội để doanh nghiệp chúng ta chiếm lĩnh thị trường khác.
 
– Mức độ yêu cầu về sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia TPP là gì?
 
Ông Trần Minh Dũng: Hiện đang có yêu cầu trong một số lĩnh vực. Ví dụ như ở góc độ thực thi, trước đây, có thể cơ quan thực thi phát hiện ra vi phạm có thể xử lý hoặc nếu quá năng lực có thể đùn đẩy cho nhau với những lý do mà quy định pháp luật chưa rõ ràng (như chưa có quy định rõ về quy mô thương mại). Khi vào TTP, hành vi đã rõ ràng buộc anh phải thực hiện phạt, thậm chí nếu hành vi đó quy định chịu trách nhiệm hình sự thì còn áp dụng biện pháp hình sự.
 
Những yêu cầu này chúng ta đã cam kết và sẽ được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật của quốc gia. Khi thành quy định pháp luật thì chúng ta phải chấp hành các quy định đó và doanh nghiệp cần quan tâm để thực hiện cho đúng để tránh những rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, chúng ta sẽ nghiên cứu để tận dụng những quyền khác đem lại lợi thế cho Việt Nam trong quá trình tham gia sân chơi thương mại quốc tế mà TPP đã quy định.
 
– Xin ông cho biết lộ trình thay đổi Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia TTP?
 
Ông Trần Minh Dũng: Các quy định pháp luật của chúng ta hiện vẫn chưa hoàn toàn tương thích và hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt tay cùng các bộ ngành khác rà soát các văn bản quy phạm liên quan tới quy định của TTP cũng như các hiệp định khác. Trọng tâm là rà soát Luật Sở hữu trí tuệ, những quy định trước đây không có như mở rộng phạm vi, đối tượng bảo hộ, sáng chế, thẩm định sáng chế, một số quy định liên quan đến thực thi bằng biện pháp hành chính hay hình sự…
 
 
Tiêu hủy 1.234 sản phẩm thời trang các loại (túi xách, ví da, giày…) giả mạo nhãn hiệu Charles&Keith, Pedro đang được bảo hộ tại Việt Nam. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đặt kế hoạch năm 2017 sẽ trình đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là vấn đề rất cơ bản đề giúp cho việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ theo cam kết ký trong TTP.
 
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phải sửa đổi Luật Chất lượng, tiêu chuẩn để có những vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa cho phù hợp với TTP.
 
– Khi TTP có hiệu lực, ông có khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài trong việc bảo vệ sản phẩm, thương hiệu của mình?
 
Ông Trần Minh Dũng: Khi hội nhập, rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tập trung vào thị trường nội địa còn có cơ hội xuất khẩu.
 
Được đánh giá là một môi trường tốt, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên một trong những quan ngại của họ chính là sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp nước ngoài sợ khi đầu tư lớn lại bị xâm phạm, ảnh hưởng việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ của họ trên địa bàn Việt Nam. Họ mong muốn TPP quy định khắt khe, chặt chẽ, khách quan hơn để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của họ.
 
Tuy nhiên, theo Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao thì chính doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang bị xâm phạm về sở hữu trí tuệ ngay tại Việt Nam.
 
Tôi cho rằng, để hạn chế việc này, trước mắt các doanh nghiệp phải có biện pháp để bảo vệ mình. Ngoài biện pháp kỹ thuật còn phải khảo sát thị trường và khi manh nha phát hiện vi phạm phải phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý. Đặc biệt, phải có chiến lược phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của mình phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và hãyquan tâm ngay từ bây giờ để có thể chủ động hơn khi đưa con thuyền của mình ra biển lớn.
 
Theo Vietnam Plus