ĐHQGHN hợp tác phát triển các ấn phẩm khoa học với NXB Elsevier

Để triển khai kế hoạch phát triển các tạp chí, chuyên san và ấn phẩm khoa học đạt chuẩn quốc tế, ngày 3/7/2015, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đã thăm và làm việc với NXB Elsevier tại Amsterdam, Hà Lan.
 
Tại buổi làm việc, các chuyên gia Elsevier đã cung cấp các số liệu phân tích tình hình công bố của các nhà khoa học ĐHQGHN trên Tạp chí khoa học của ĐHQGHN và tạp chí quốc tế. Elsevier ghi nhận thế mạnh nghiên cứu của ĐHQGHN trong một số lĩnh vực như Vật lý và Khoa học vật liệu; Toán học và Khoa học máy tính,…
 
Hai bên đã thống nhất các điều khoản và lộ trình phát triển một chuyên san tích hợp các thế mạnh nêu trên để nhanh chóng được thừa nhận trong hệ thống tạp chí của Sciendirect và sau đó là của Scopus.
 
Về lĩnh vực Khoa học Xã hội – Nhân văn, hàng năm Elsevier sẽ hỗ trợ ĐHQGHN xuất bản trực tuyến tuyển tập các công trình nghiên cứu tiêu biểu trong một số số chuyên đề của Tạp chí Procedia – Social and Behavioral Sciences.
 
Với định hướng đại học nghiên cứu, song song với việc tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu và đẩy mạnh chất lượng công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế, lãnh đạo ĐHQGHN luôn quan tâm và chú trọng thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện với các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và các nhà xuất bản lớn  trong và ngoài nước. ĐHQGHN đánh giá cao dự án phát triển các ấn phẩm khoa học với NXB Elsevier để thông qua đó giúp quảng bá vị thế, hình ảnh của ĐHQGHN nói riêng, của Việt Nam nói chung, tới bạn bè quốc tế qua các nội dung đa dạng như lịch sử, chính trị, kinh tế, nghệ thuật, văn hóa và xã hội…
 
Elsevier – thành viên của tập đoàn Reed Elsevier Group PLC – là nhà xuất bản học thuật hàng đầu thế giới với lịch sử hơn 130 năm hình thành và phát triển. Elsevier cung cấp các giải pháp thông tin chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khoa học, y tế, pháp lý, rủi ro và kinh doanh , thúc đẩy các nhà nghiên cứu đưa ra quyết định tốt hơn, những khám phá mang tính đột phá, góp phần mở rộng các ranh giới của kiến thức và sự tiến bộ của con người. Có trụ sở tại Hà Lan, Elsevier hiện có tới 61 văn phòng và 5 kho hàng tập trung tại 24 quốc gia trên thế giới ( tại Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, Châu Á Thái Bình Dương).
 
Các sản phẩm chủ đạo của Elsevier bao gồm tạp chí The Lancet and Cell, các bộ sách như Gray’s Anatomy, bộ sưu tập các tạp chí điện tử ScienceDirect, Scopus, ClinicalKey, chuỗi tạp chí The Trends and Current Opinion… Ngoài ra còn có rất nhiều các công cụ phục vụ truy cập trực tuyến, các bộ sách và tạp chí cập nhật khác.
 
Elsevier xuất bản hơn 300.000 bài báo trong khoảng 2.300 tạp chí mỗi năm, hơn 27% tổng số công bố khoa học trên toàn cầu. Elsevier đang lưu trữ khoảng 7 triệu ấn phẩm với tổng số lượt tải về hàng năm lên tới 240 triệu. Các ấn phẩm của Elsevier bao quát 37 chủ đề khác nhau thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế tài chính, năng lượng, xã hội, phát triển, y tế, giao thông…
 
Hiện nay, Elsevier phục vụ hơn 30 triệu nhà khoa học, sinh viên và các chuyên gia và nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Bằng cách cung cấp thông tin có chất lượng hàng đầu thế giới và các công cụ tìm kiếm và truy vấn tài liệu tối ưu, Elsevier góp phần làm tăng năng suất và hiệu quả làm việc cho người dùng.
 
Elsevier bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2003. Hàng năm, khoảng 26% tổng số bài báo công bố khoa học của Việt Nam được xuất bản qua ScienceDirect.
 
 
 PV – VNU Media

Số đầu tiên của Chuyên san Vật liệu và Linh kiện Tiên tiến (JS AMD) xuất bản trên hệ thống ScienceDirect

Ngày 8/5/2016, Chuyên san Vật liệu và Linh kiện Tiên tiến (Journal of Science: Advanced Materials and Devices – JS AMD) thuộc Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN đã xuất bản số đầu tiên trên hệ thống ScienceDirect.
 
JS AMD là chuyên san được ĐHQGHN đầu tư phát triển theo chuẩn Scopus. Trước đó, ngày 28/3/2016, Website của JS AMD đã chính thức hoạt động trên hệ thống EES (Elsevier Editorial System), bắt đầu tiếp nhận việc gửi bài trực tuyến và quá trình phản biện theo một quy trình chuẩn của các tạp chí lớn trên thế giới. Hệ thống EES còn cung cấp CSDL Scopus hỗ trợ cho quá trình phản biện, thống kê số lượt truy cập, tải bài và trích dẫn. Nhờ đó sẽ đánh giá được chất lượng và mức độ ảnh hưởng của tạp chí hàng năm, làm cơ sở để bình xét theo chuẩn Scopus hoặc ISI.
 
 
 
Trong mô hình hợp tác xuất bản và phát hành (Product & Hosting) với NXB Elsevier, ĐHQGHN chịu trách nhiệm về chất lượng và giữ bản quyền của JS AMD, Elsevier chịu trách nhiệm xuất bản phiên bản điện tử mở trực tuyến (Open Access) và phát hành trên hệ thống ScienceDirect (http://www.sciencedirect.com), cùng với hơn 3.500 tạp chí khác của NXB Elsevier. Với khoảng 15 triệu lượt truy cập ScienceDirect hàng tháng, JS AMD sẽ nhanh chóng được giới thiệu đến cộng đồng khoa học thế giới.
 
JS AMD có chức năng công bố các công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực vật liệu và linh kiện tiên tiến, bao gồm: vật liệu sinh học, vật liệu xanh, vật liệu năng lượng, siêu vật liệu biến hóa, vật liệu nano và composite, các vật liệu thông minh (bao gồm vật liệu từ và điện môi), vật liệu bán dẫn, vật liệu siêu dẫn, linh kiện và ứng dụng… Đây là lĩnh vực thế mạnh và ưu tiên của ĐHQGHN nói riêng và của Việt Nam nói chung.
 
JS AMD có hội đồng biên tập quốc tế với 31 nhà khoa học xuất sắc (trong đó 23 thành viên là người nước ngoài), được cố vấn bởi GS. S. Bland – Tổng biên tập của Tạp chí Materials Today (IF = 14) và tổ chức, điều hành trực tiếp (Managing Editor) bởi TS. Phan Mạnh Hưởng – Phó giáo sư của Đại học South Florida (Hoa Kỳ).
 
TS. Hưởng là nhà khoa học trẻ, năng động đã công bố hơn 200 bài báo ISI với 3978 lần trích dẫn và H-index = 31. TS. Hưởng tham gia tình nguyện và có quyết tâm rất cao trong việc phát triển Chuyên san. Anh sẽ là một đầu mối kết nối, tổ chức các hoạt động quốc tế cho của Chuyên san.
 
JS AMD có mục tiêu trở thành một địa chỉ uy tín để công bố các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có chất lượng cao của cộng động khoa học Việt Nam và quốc tế theo tiêu chí Scopus trước năm 2020; hỗ trợ đào tạo sau đại học và phát triển ĐHQGHN theo định hướng nghiên cứu; góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, hội nhập khoa học và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
JS AMD mong được cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế đón nhận, và nhận được nhiều công trình nghiên cứu chất lượng cao của các nhà khoa học gửi đăng tại Chuyên san.
 
Thông tin và thể lệ nộp bài xem trên Website của chuyên san.
 
– Xem thông tin chi tiết về số xuất bản đầu tiên JS AMD trên Science Direct:
 
 http://www.sciencedirect.com/science/journal/aip/24682179
 
 – Toàn bộ số đầu tiên có thể download theo link sau:
 
https://www.dropbox.com/s/xsrbl7jmimu1y5d/JSAMD_1_1_F300_RESUPPLY_FULLSET.pdf?dl=0
 
>>>>> Xem thêm tin bài liên quan:
 
 – ĐHQGHN hợp tác phát triển các ấn phẩm khoa học với NXB Elsevier
 
– VNU và Elsevier: Hợp tác xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam
 
– Thiết lập hợp tác với Elsevier, Hà Lan
 
 
 
 Đỗ Ngọc Diệp – VNU Media

Trao giải Kỳ thi đánh giá năng lực tư duy Toán học toàn quốc

Kỳ thi đánh giá năng lực tư duy Toán học và Kỳ thi Toán quốc tế đã thu hút 7.000 đến từ 17 tỉnh, thành trong cả nước tham dự, góp phần tạo sự hứng thú.
 
Ngày 15/5, Lễ trao giải Kỳ thi đánh giá năng lực tư duy toán học đã được tổ chức tại Hà Nội. Kỳ thi đánh giá năng lực tư duy Toán học (International Mathematics Assessment for Schools – IMAS) là kỳ thi đánh giá tư duy Toán toàn diện trên 3 góc độ: Hiểu kiến thức, Áp dụng thực tế và Năng lực lập luận trên nền tảng tiếng Anh.
 
Phiếu điểm IMAS do Ủy ban điều hành IMAS quốc tế thẩm định và phê duyệt sẽ cung cấp những thông tin quan trọng bên cạnh kết quả bài thi: Thứ hạng của học sinh so với các học sinh cùng dự thi; Chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của học sinh để có kế hoạch học tập phù hợp.
 
 
Các thí sinh nhận trong Lễ trao giải Kỳ thi đánh giá năng lực tư duy toán học.
 
Trong cùng 1 năm, bài thi IMAS được sử dụng chung cho tất cả các quốc gia tham dự. Tại Việt Nam, năm học 2015 – 2016, kỳ thi IMAS thu hút hơn 1000 thí sinh tham gia, qua 2 vòng thi đã chọn ra 89 em học sinh xuất sắc nhận giải thưởng của Ban tổ chức.
 
Kỳ thi Toán Quốc tế Kangaroo (International Kangaroo Math Contest – IKMC) được tổ chức lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1991. Đây là kỳ thi Toán học có số lượng thí sinh tham dự lớn nhất trên thế giới – thu hút trên 6.000.000 thí sinh đến từ khoảng 50 quốc gia mỗi năm.
 
Kỳ thi được tổ chức dưới hình thức phi lợi nhuận, nhằm thúc đẩy phong trào dạy và học Toán theo xu hướng hội nhập quốc tế, tạo ra một sân chơi mở cho các em học sinh.
 
Theo đánh giá của Ban tổ chức, hai kỳ thi đã để lại nhiều niềm vui, cảm xúc cũng như những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn dành cho các thí sinh.
 
Theo Giáo dục Việt Nam

“Đánh thức” niềm đam mê khoa học cho trẻ nhỏ

Sáng 6/5, Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN) đã tổ chức họp báo về Ngày hội STEM tới đây được tổ chức trong từ 14-15/6/2016. Mục đích của chuỗi Ngày hội STEM là tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM và gieo niềm đam mê khoa học trong các em học sinh. Bên cạnh đó, ngày hội cũng góp phần lan tỏa giáo dục STEM trong các trường phổ thông.
 
Ngày hội STEM do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia phối hợp cùng Tạp chí Tia Sáng, Học viện Sáng tạo S3, Học viện Khám phá, Công ty Sách Long Minh, Vườn ươm Tài năng Talinpa, Trang trại Giáo dục Edufarm, và Trường THCS Trưng Vương phối hợp tổ chức nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
 
Đây lần thứ ba Ngày hội STEM được tổ chức tại Việt Nam, sau lần thứ nhất tổ chức vào tháng 5 năm 2015 tại Hà Nội, và lần thứ hai tổ chức vào tháng 1 năm 2016 tại TPHCM. Chuỗi sự kiện này được khởi xướng bởi Tạp chí Tia Sáng và cộng đồng giáo dục STEM dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN.
Quang cảnh buổi họp báo
 
Ban tổ chức Ngày hội STEM cho biết: Qua hai lần tổ chức Ngày hội STEM tại Hà Nội và TPHCM vừa qua, có thể thấy mỗi sự kiện đều thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh và phụ huynh, và đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ Bộ KH&CN cùng nhiều cấp quản lý. Tại mỗi Ngày hội STEM, qua những trò chơi khoa học mang tính thực nghiệm các em đã không còn thấy khoa học là tháp ngà màu xám khô khan, mà tìm thấy vẻ đẹp, sự bí ẩn kỳ thú của khoa học qua những thí nghiệm đầy màu sắc.
 
Đối với các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục, khi đến với Ngày hội STEM họ được tiếp nhận các bài trình bày giới thiệu về giáo dục STEM một cách bổ ích từ các chuyên gia tâm huyết, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng có lẽ ấn tượng trực quan nhất mà họ có thể thấy chính là niềm vui, niềm đam mê được thắp lên trong ánh mắt con trẻ. Tất cả các em đều hết sức chăm chú, say mê. Rất nhiều em còn lưu luyến chưa muốn về khi thời gian dành cho sự kiện đã hết.
 
Bà Lê Thị Khánh Vân – Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Phó Trưởng BTC chia sẻ: “Ngày hội STEM tới đây có chủ đề Cỗ máy thời gian, là một cơ hội đưa các em học sinh tham gia vào một chuyến du hành trải nghiệm các bước tiến khoa học qua các thời kỳ lịch sử. Mỗi lớp học của các em sẽ là một khám phá kỳ thú, từ máy bắn đá trong thời cổ đại, từ trường và nam châm thời trung đại, tới mô hình máy bay của thời kỳ hiện đại… Tất cả các lớp đều được thiết kế ở dạng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống theo tiêu chuẩn giáo dục STEM. Ngoài các nội dung dành cho các em học sinh, Ngày hội STEM còn tổ chức một diễn đàn STEM, trong đó các chuyên gia sẽ giới thiệu, hướng dẫn, và giải đáp mọi câu hỏi của các bậc phụ huynh và những ai quan tâm về giáo dục STEM”.
 
Cũng theo bà Vân, sự kiện dự kiến sẽ có sự tham gia của 800 học sinh trong độ tuổi 6-12, cùng các bậc phụ huynh và giáo viên, trong đó có cả những đối tượng đến từ các địa phương ngoài Hà Nội. Ngày hội sẽ không thu phí với bất kỳ hoạt động nào.
 
STEM là viết tắt của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics), là một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu, Mỹ, trong đó giảng dạy tích hợp bốn lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học, theo nguyên tắc giảng dạy thông qua thực hành, trên những thí nghiệm thiết thực và sinh động có thể ứng dụng ngay trong thực tiễn đời sống thường ngày.
 
Cách thức giáo dục này khác biệt cơ bản với cách thức truyền thống lâu nay, đó là giảng dạy chuyên biệt từng bộ môn, và tìm cách thúc đẩy học sinh nắm bắt kiến thức thông qua bài tập trên giấy.
 
Nguyễn Hùng

Ngày hội khoa học dành cho học sinh tiểu học

Thay vì chủ yếu làm bài tập trên giấy, học sinh sẽ tham gia thí nghiệm trực quan và sinh động, từ đó thúc đẩy niềm đam mê khoa học.
 
Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng các đơn vị sẽ tổ chức ngày hội Stem vào ngày 14-15/5 tại Hà Nội, với sự tham gia dự kiến của 800 lượt học sinh từ 6 đến 12 tuổi. Stem là viết tắt của khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Mathematics).
 
Giáo dục Stem – mô hình hiện đại đang được triển khai ở nhiều nước Âu, Mỹ là cách tiếp cận mới trong dạy và học, trong đó chú trọng sự tích hợp liên môn, theo quan điểm học thông qua thực hành và sáng tạo. 
 
Một thí nghiệm hoá học với dầu ăn và viên C sủi, Hoàng Thăng đang tập trung quan sát thí nghiệm do chính mình thực hiện.
 
 
Tham gia ngày hội Stem các học sinh sẽ được tự mình thực hiện các thí nghiệm lý thú. Ảnh: Giang Huy.
 
Ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục thông tin khoa học và Công nghệ cho biết, sự kiện trên hướng tới ngày khoa học công nghệ 18/5, nhằm nâng cao nhận thức, trí tưởng tượng và niềm đam mê sáng tạo cho học sinh. 
 
"Nếu khơi gợi niềm đam mê và tạo điều kiện nuôi dưỡng để tình yêu khoa học của học sinh phát triển, trở thành thành tố sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của đất nước thì nên bắt đầu từ hoạt động cụ thể", ông Định nói và mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng ra các địa phương, nhất là vùng xa.
 
Đây là lần thứ hai sự kiện Stem được tổ chức ở Hà Nội với chủ đề Cỗ máy thời gian. Theo đó, nội dung sẽ gồm các thí nghiệm, phần thực hành đưa học sinh vào hành trình từ quá khứ đến tương lai, tương ứng với các sự kiện khoa học lớn xảy ra ở mỗi giai đoạn lịch sử nhân loại. 
 
Ban tổ chức cho biết, sẽ có 7 phòng học để người học được trải nghiệm hết lịch sử khoa học. Ví dụ ở phòng học 1 học sinh sẽ được thực hành các thí nghiệm từ lửa, thực hành làm mô hình máy bắn đá. Đến phòng 2 các em sẽ tìm hiểu về phát minh la bàn, bước ngoặt lớn của lịch sử nhân loại…
 
Năm ngoái, ngày hội Stem được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội thu hút hơn 2.000 học sinh tham gia. 
 
Phạm Hương
Theo Vnexpress

Nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học: Cách nào?

Sáng nay (14/5) tại Hà Nội chính thức khai mạc Ngày hội STEM dành cho học sinh trên 6 tuổi. Thông qua các trò chơi khoa học mang tính thực nghiệm, các em sẽ tìm thấy vẻ đẹp riêng biệt kỳ thú của khoa học thay vì chỉ là những ý niệm xa xôi, là tháp ngà khô khan không thể chạm tới. Niềm đam mê với khoa học sẽ được thắp lên và sau đó sẽ tiếp tục được duy trì dài lâu hay không là nhờ sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội qua những hành động cụ thể. 
 
Mô hình nghiên cứu cacbon trong tự nhiên
của học sinh trường THCS Trưng Vương, Hà Nội.
 
Ươm mầm khoa học từ CLB trong nhà trường
 
Ngày hội STEM 2016 diễn ra trong 2 ngày 14,15/5 tại 24 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sẽ có 7 phòng học và các khu trình diễn khoa học để các em nhỏ khi đến đây có thể được trải nghiệm qua nhiều phương pháp giáo dục gắn với toán học, vật lý, sinh học, nông nghiệp… Các em sẽ được theo dòng thời gian trải nghiệm từ ngọn lửa, làm cầu đến hàng không đến vi sinh vật hay các vấn đề về nông nghiệp… Ngày hội STEM chia làm 3 luồng khác nhau cho học sinh, cho phụ huynh và các phần show khoa học cho học sinh và cả phụ huynh.
 
“Có những hôm 12 giờ đêm, tôi còn nhận được tin nhắn báo cáo thành tích của học sinh khi vừa thực hiện thành công một thí nghiệm khoa học mà các em tâm đắc”. Đó là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Kiêm Tuấn, giáo viên Vật lý của Trường THCS Trưng Vương khi nói về CLB khoa học của trường mà thầy cũng là một thành viên. 
 
Với sự tham gia tự nguyện của gần 300 học sinh ở tất cả các khối lớp trong trường, CLB khoa học của trường Trưng Vương sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần. Trong đó, các em học sinh định kỳ đều có báo cáo với các thầy cô tham gia CLB về tiến độ công việc để nhận được sự sẻ chia, khích lệ và những hướng dẫn từ những người thầy, người cô có kinh nghiệm. 
 
“Không có chuyện bị loãng khi các con tham gia cùng lúc nhiều CLB nếu mọi việc các con làm đều xuất phât từ sự đam mê và yêu thích, hoàn toàn không có sự ép buộc. Bên cạnh đó là sự hậu thuẫn từ gia đình, sự ủng hộ của nhà trường và giáo viên nên không có chuyện vì đam mê khoa học mà các con ảnh hưởng đến học tập. Thậm chí, việc tham gia CLB với những sáng tạo càng kích thích, nâng cao chất lượng học tập của con trẻ lên rất nhiều. Bản thân tôi và nhiều thầy cô giáo khác có những lúc phải “tìm cách” kiềm chế bớt sự đam mê của các con để cân đối với thời gian học tập, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động khác” – thầy giáo Nguyễn Kiêm Tuấn khẳng định. 
 
Trước đó, vào dịp 26/3, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội đã tổ chức Ngày hội khoa học vui là cơ hội để các em học sinh được giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của mình. Có 42 đề tài với hàng trăm sản phẩm thuộc 6 lĩnh vực: sinh học, vật lý, hóa học, công nghệ… do các em học sinh thuộc các câu lạc bộ khoa học của nhà trường nghiên cứu và chế tạo. Trong đó, nhiều sản phẩm đã đạt giải cao trong các cuộc thi cấp thành phố và quốc gia. 
 
Nói về những đứa con tinh thần của các học trò của mình, thầy giáo Nguyễn Kiêm Tuấn cho biết mỗi sản phẩm là một trải nghiệm, một kỷ niệm của cả thầy và trò.  Ví dụ có những hôm học sinh và thầy cùng nhau đi đến chợ giời để mua thêm các đồ về làm thí nghiệm từ sáng cho đến 2, 3 giờ chiều “quên” cả ăn trưa như  sản phẩm chế tạo máy phát điện từ gió. Hay các con chế tạo máy bay bắn tên lửa nước cũng hăng say làm đến mức các thầy cô trong CLB phải “nhắc nhở”. 
 
Làm sao nuôi dưỡng đam mê?
 
Điều trăn trở lớn nhất của thầy Tuấn cũng như những người quan tâm đến khoa học là sau khi khơi gợi được niềm đam mê, hứng thú với khoa học ở các em học sinh thì sau đấy, làm sao để nuôi dưỡng được niềm đam mê này ở các cấp học lớn hơn. 
 
Ông Đặng Văn Sơn, Giám đốc Học viện S3 chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên, (ĐHQG Hà Nội), tôi nhận thấy nhiều em sinh viên tham gia chuyên ngành khoa học của trường gần như không biết tại sao mình lại thi vào trường này. Niềm đam mê khoa học bị tắt rất sớm. Bên cạnh đó, đầu vào của trường không cao, đặc biệt là trong thời gian vừa rồi. Vì vậy, bên cạnh việc hướng dẫn cho sinh viên chúng tôi bắt đầu quay trở lại với học sinh với mong muốn để làm sao khi lên Đại học các em vẫn duy trì được niềm đam mê của mình. Trong đó, theo tôi giáo dục STEM rất thiết thực cho Việt Nam hiện tại khi chúng ta có nhiều cuộc thi lý thuyết như giải bài tập trên máy tính nhưng lại ít phần thực hành vốn là phần rất quan trọng”. 
 
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho rằng trước hết hãy làm việc thắp lửa đam mê khoa học cho các cháu học sinh ngay từ lứa tuổi càng nhỏ càng tốt. Việc tổ chức Ngày hội STEM là một sự chủ động của ngành khoa học và bắt đầu từ những việc có thể làm được. “Việc duy trì niềm đam mê khoa học cho học sinh không chỉ ở cấp 1, cấp 2 mà lên đến Đại học… không phải là chuyện một cá nhân có thể làm được. Cần chủ trương trong nhà trường. Trong đó, việc tích hợp vào hệ thống giáo dục là việc cần thiết. Nhưng hãy làm từ dễ đến khó. Mỗi đơn vị, cá nhân hãy bắt đâu từ những việc mình có thể chủ động giải quyết được. Chúng tôi luôn sẵn sàng trao đổi với các nhà trường về chương trình phát triển các CLB khoa học ở các lứa tuổi khác nhau, cách để duy trì niềm đam mê cho các em một cách thường trực ngay tại cơ sở, trước khi làm được những điều vĩ mô hơn như xây Viện bảo tàng khoa học để các em đến tham quan” – ông Định nhấn mạnh.  
 
   Thu Hương

Ngày hội STEM 2016 với chủ đề “Cỗ máy thời gian”

Ngày hội STEM 2016 với chủ đề "Cỗ máy thời gian"- Ngày hội khoa học và công nghệ đã thu hút gần 1.000 học sinh lứa tuổi từ 6-12 tham dự diễn ra trong hai ngày 14 và 15/5 tại Hà Nội.
 
Ngày hội STEM 2016 với chủ đề "Cỗ máy thời gian". Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN
 
Đây là sự kiện do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Vườn ươm Tài năng Talinpa, Trường trung học cơ sở Trưng Vương và các đơn vị phối hợp tổ chức.
 
Với đa số công chúng ở Việt Nam hiện nay, STEM vẫn còn khá mới mẻ.
 
STEM là viết tắt của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics), là một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu, Mỹ. 
 
Trong đó giảng dạy tích hợp bốn lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học, theo nguyên tắc giảng dạy thông qua thực hành, trên những thí nghiệm thiết thực và sinh động có thể ứng dụng ngay trong thực tiễn đời sống thường ngày.
 
Cách thức giáo dục này khác biệt cơ bản với cách thức truyền thống lâu nay, đó là giảng dạy chuyên biệt từng bộ môn, và tìm cách thúc đẩy học sinh nắm bắt kiến thức thông qua bài tập trên giấy.
 
Theo Ban tổ chức, ngày hội STEM diễn ra nhằm nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM và gieo niềm đam mê khoa học trong các em học sinh, đồng thời góp phần lan tỏa giáo dục STEM trong các trường phổ thông.
 
Nội dung gồm các thí nghiệm, các phần thực hành đưa các em học sinh vào hành trình từ quá khứ đến tương lai.
 
Các bài học trong lớp học đều được thiết kế ở dạng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống theo tiêu chuẩn giáo dục STEM như: toán học và kiến trúc- xây cầu gỗ; khoa học trong nông nghiệp….
 
Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng, Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho biết, ngoài các nội dung dành cho các em học sinh, Ngày hội STEM còn tổ chức diễn đàn STEM để các chuyên gia giới thiệu, hướng dẫn, và giải đáp mọi câu hỏi của các bậc phụ huynh, giáo viên về giáo dục STEM.
 
Ngày hội STEM cũng giới thiệu những mô hình giáo dục STEM đa đạng, sinh động, sáng tạo với mục đích khuyến khích và truyền cảm hứng cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học trong các bộ môn khoa học kỹ thuật, nhằm tạo ra nguồn nhân lực giàu trí tuệ, giàu tính chủ động, có đầu óc sáng tạo và linh hoạt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.   
 
Trong khuôn khổ ngày hội STEM trưng bày các mô hình Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất, các loại vệ tinh của Trung tâm Vệ tinh quốc gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam.
 
Đặc biệt các sản phẩm STEM của học sinh Trường Trưng Vương như sản phẩm nến thơm, xà phòng; mô hình két sắt, máy bay… được các em tận dụng từ những vật dụng sinh hoạt hàng ngày bỏ đi như hộp bánh, vỏ chai nhựa, hộp xốp…
 
Cô giáo Trần Thị Thanh Thảo –  Hiệu trưởng THCS Trưng Vương chia sẻ, để khuyến khích và truyền cảm hứng cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học trong các bộ môn khoa học kỹ thuật, trường Trưng Vương thành lập Câu lạc bộ khoa học, CLB này hiện có khoảng 300 học sinh từ khối 6 đến khối 9 sinh hoạt rất sôi nổi và đam mê theo nhiều loại hình của giáo dục STEM. 
Ngày hội còn diễn ra các buổi hội thảo với các chủ đề như: khoa học và công nghệ trong nông nghiệp – tầm nhìn mới; STEM – sử dụng vật liệu tái chế và hệ thống các câu lạc bộ trong trường học…Ngày hội còn thu hút được sự hưởng ứng, tham gia của những đối tượng đến từ các địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên./.
 
Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Techmart 2016: Chống thực phẩm bẩn bằng công nghệ cao

Gần 100 thiết bị, công nghệ sẽ tham gia Techmart chế biến và bảo quản thực phẩm 2016 được diễn ra từ ngày 26 – 27/5 tới đây.
 
Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 40 năm thành lập Sở KHCN TP.HCM, từ ngày 26 – 27/5/2016, Trung tâm Thông tin Khoa học & Công nghệ sẽ tổ chức Chợ Công nghệ và thiết bị chuyên ngành chế biến và bảo quản thực phẩm 2016 tại Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM, tầng trệt tòa nhà 79 Trương Định, P. Bến Thành, Quận 1.
 
Techmart là dịp để hỗ trợ gắn kết các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ tiên tiến, phù hợp với nhu cầu sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời, đẩy mạnh việc tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm.
 
Đây cũng là nơi tư vấn, cung cấp thông tin trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư và đổi mới công nghệ và thiết bị.
 
 
Nhiều thiết bị, công nghệ chuyên ngành chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ được giới thiệu tại Techmart lần này
 
Theo BTC chương trình, Techmart chế biến và bảo quản thực phẩm 2016 có sự tham gia của 30 đơn vị với khoảng 100 công nghệ, thiết bị sẵn sàng chuyển giao, phù hợp với nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
 
Các công nghệ điển hình có thể kể đến như: Công nghệ chế biến, bảo quản các loại thực phẩm; Công nghệ sản xuất Collagen, Chitosan từ phế phẩm da cá da trơn; Giải pháp phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm; Máy đóng gói thực phẩm các loại…
 
Ngoài ra, Techmart lần này còn có 8 chủ đề hội thảo giới thiệu trình diễn các công nghệ như: Thiết bị đo độ mặn – giải pháp phát hiện sớm xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu với chi phí thấp; Thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt hiệu suất cao; Một số kỹ thuật phân tích giúp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
 
Bên cạnh đó, BTC chương trình còn tổ chức hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ với sự tham gia của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm thuộc các ngành chế biến và bảo quản thực phẩm. Các doanh nghiệp và cá nhân có thể tham vấn với các chuyên gia thông qua các buổi hội thảo hoặc được tư vấn trực tiếp tại khu vực tư vấn.
 
Thực hiện khảo sát nhu cầu doanh nghiệp trước Techmart, Ban tổ chức đã tiếp nhận hơn 50 yêu cầu tư vấn công nghệ và thiết bị từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Các yêu cầu này sẽ được tiếp tục hỗ trợ về cung cấp thông tin, tư vấn chuyên sâu để đi đến các kết nối chuyển giao công nghệ.
 
Theo Khám Phá

Bộ KH&CN tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng

Sáng 13/5, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Viện huyết học và Truyền máu Trung ương đã tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng.
 
Đây cũng là hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực nhằm chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
 
Với tinh thần “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, các cán bộ công chức, viên chức (CCVC) và người lao động của Bộ KH&CN đã nhiệt tình tham gia chương trình cùng hướng về cộng đồng mang tính nhân đạo cao cả này.
 
Có thể nói trong nhiều năm qua công tác hiến máu nhân đạo đã trở thành một hoạt động xã hội được tổ chức thường xuyên tại Bộ KH&CN được các cán bộ CCVC và người lao động của Bộ KH&CN nhiệt tình hưởng ứng. Ngày hội hiến máu tình nguyện đã góp phần nâng cao ý thức “Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, động viên tinh thần tự nguyện của các cán bộ CCVC và người lao động của Bộ KH&CN trong phong trào hiến máu nhân đạo.
 
Từ sáng sớm, các cán bộ CCVC và người lao động của Bộ KH&CN đã tham gia các quy trình xét nghiệm, lấy máu do các bác sĩ của Viện huyết học và Truyền máu Trung ương thực hiện. Ngoài những cán bộ CCVC và người lao động của Bộ KH&CN lần đầu tham gia hiến máu còn có rất nhiều người đã từng hiến máu nhiều lần sáng nay vẫn tiếp tục tham gia hiến máu. Đặt biệt tại Ngày hội hiến máu lần này còn có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương tham gia Ngày hội  hiến máu
 
Phát biểu tại Ngày hội hiến máu, ông Đặng Quang Huấn – Chủ tịch công đoàn Bộ KH&CN cho biết: Tham gia hiến máu nhân đạo là một trong những hoạt động được tổ chức thường xuyên của Bộ KH&CN. Ngày hội hiến máu tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng với thông điệp " Hiến giọt máu đào – Trao người sự sống", đây là hành động cao đẹp, là món quà vô giá của tập thể cán bộ, công chức, viên  chức và người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ cho sự sống của người bệnh. Đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ tình nguyện tham gia hoạt động này. Đây là một trong những nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn và đóng góp những giá trị thiết thực nhất tới cộng đồng.
 
Hiến máu là một hoạt động luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc. Hoạt động này vừa góp phần tôn vinh truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau vừa thể hiện nghĩa cử cao đẹp, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi sự nhiệt huyết sẵn sàng chia sẻ của mọi người đối với cộng đồng, xã hội. Qua những việc làm cụ thể đã khẳng định được lòng yêu nước, luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng vì lợi ích dân tộc, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội.
 
Tin, ảnh: Tuyết Hà

Ứng dụng KH&CN bảo tồn phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam

Hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam năm 2016 (18/5/2016), ngày 11/5 Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chương trình Con người và Sinh quyển và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “KH&CN phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam” tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
 
Tham dự Hội thảo có ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Đỗ Việt Hùng, phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; các chủ nhiệm đề tài KH&CN về các khu dự trữ sinh quyển cùng đại diện các khu dự trữ sinh quyển tham dự.
 
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Theo định nghĩa của UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực có hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn, có giá trị nổi bật về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
 
Các Khu dự trữ sinh quyển được các quốc gia đề cử và được UNESCO công nhận khi đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Mỗi Khu dự trữ sinh quyển có 03 chức năng: bảo tồn, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo. Hiện mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển có 669 khu tại 120 quốc gia.
 
Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao của thế giới và khu vực. Năm 2000 UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam là Cần Giờ. Đến năm 2015 UNESCO công nhận Lang Biang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam.
 
Từ năm 2015 Bộ KH&CN đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam xem xét các nhu cầu của 09 Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam về các vấn đề phát triển bền vững như hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế của người dân, với phát triển kinh tế của địa phương, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với bảo tồn văn hóa dân tộc, với phát huy tri thức bản địa,…Các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội thảo luận và đề xuất những vấn đề nghiên cứu nhằm giúp địa phương giải quyết những vấn đề này.
 
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại hội thảo
 
Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã phê duyệt và tổ chức thực hiện cho 05 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thực hiện tại 05 Khu dự trữ sinh quyển. Kết quả của mỗi nhiệm vụ này sẽ là một số mô hình về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững được thí điểm triển khai thực hiện tại một khu dự trữ sinh quyển. Những mô hình này là kinh nghiệm để các khu khác học tập và có tác dụng lan tỏa cho cả mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.
 
Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc: "Bộ KH&CN quyết định dành một phần hỗ trợ cho các khu dự trữ sinh quyển bằng ngân sách sự nghiệp khoa học để nghiên cứu với mong muốn các kết quả này sẽ giúp các khu dự trữ sinh quyển vừa bảo tồn nguồn gene, bảo tồn hệ sinh thái, thực, động vật, văn hóa bản địa của người dân ở các khu dự trữ… Bên cạnh đó các giải pháp khai thác thiên nhiên nhưng vẫn giữ cho thiên nhiên sạch và phát triển bền vững cũng sẽ được đưa ra".
 
Tại Hội thảo, các chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ câó quốc gia báo cáo về nội dung nghiên cứu, kế hoạch thực hiện và dự kiến sản phẩm của mình. Hội thảo sẽ là diễn đàn để các Khu dự trữ sinh quyển cùng các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề nêu trên.
 
Hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là tổ chức chủ trì của Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, đồng thời nhằm tạo điều kiện cho sinh viên và học viên sau đại học có cơ hội tham dự hội thảo nhằm thông tin rộng rãi về những nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển bền vững cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai sẽ tiếp bước trên con đường xây dựng và phát triển đất nước theo hướng bền vững.
 
Tin, ảnh: PV