Ngày KH&CN Việt Nam tại Bệnh viện Vinmec Times City

Chiều ngày 16/5/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City tổ chức tọa đàm khoa học và tham quan tại Bệnh viện Vinmec. Hoạt động này nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, giúp các sinh viên, nhân viên ngành Y tế tiếp cận với các kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong chẩn đoán.
 
Tham dự sự kiện về phía Bộ KH&CN có TS. Trịnh Thanh Hùng- Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế – kỹ thuật và đại diện cán bộ một số đơn vị trong Bộ. Về phía Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City có GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm- Giám đốc Bệnh viện cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện. Đặc biệt là sự có mặt của gần 60 sinh viên, cán bộ đến từ Học viện Quân y, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Y Hà Nội.
 
TS. Trịnh Thanh Hùng phát biểu khai mạc tọa đàm
 
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Trịnh Thanh Hùng- Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế – kỹ thuật cho biết, thực hiện lời căn dặn của Bác, hơn 50 năm qua, với sự phấn đấu không mệt mỏi của các nhà khoa học, ngành KH&CN đã khẳng định được vai trò, sức mạnh vô cùng to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển. Những thành tựu KH&CN ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.
 
Để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp KH&CN nói chung, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thống nhất chọn ngày 18/5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam và được ghi trong Luật KH&CN năm 2013. 
 
Ngày KH&CN Việt Nam năm nay có chủ đề “Khoa học và công nghệ – chìa khóa của thành công”. Thông điệp đã nêu bật vai trò then chốt, bứt phá của công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong thế giới phẳng ngày nay, đây chính là “chìa khóa” quan trọng hàng đầu tạo nên những thành tựu đột phá, có khả năng ứng dụng hiệu quả trong đời sống. 
 
Để chào mừng Ngày KH&CN 18/5, Bộ KH&CN phối hợp với Bệnh viện Vinmec tổ chức buổi tọa đàm với mục đích nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN đối với ngành Y tế nói riêng và với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, đồng thời tiếp cận với các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại tại Bệnh viên tư nhân hàng đầu của Việt Nam, động viên thế hệ trẻ, các bạn sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai. 
 
Cũng theo TS. Trịnh Thanh Hùng, Vinmec là một bệnh viện tư nhân mang tầm quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng Bệnh viện Vinmec đã ghi nhận nhiều thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm đưa ra các phương pháp điều trị mới, có hiệu quả cao trong điều trị, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm, khó điều trị như ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bại não, tự kỷ, ứng dụng công nghệ tế bào trong điều trị ung thư, công nghệ gen trong chẩn đoán bênh di truyền, phương pháp xạ trị hiện đại trong ung thư,… 
 
Tại buổi tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm- Giám đốc Bệnh viện Vinmec đã giới thiệu về hoạt động KH&CN tại Bệnh viện. Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, ngay từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, tìm tòi ứng dụng những phương pháp mới điều trị các trường hợp khó, các bệnh phức tạp. 
 
 
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Bệnh viện Vinmec giới thiệu các hoạt động KH&CN tại bệnh viện
 
Năm 2015, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã được Bộ KH&CN phê duyệt đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân điều trị bại não ở trẻ em”. Đến nay, Vinmec đã ghép tế bào gốc cho hàng chục trường hợp bại não. Với quy trình chặt chẽ, bệnh nhân được thăm khám kỹ càng; chỉ định điều trị chặt chẽ; tách chiết và ghép tế bào gốc trong môi trường vô trùng tuyệt đối, theo chuẩn quốc tế nên các kết quả thu được rất khả quan. Sau khi ghép, nhiều trường hợp đã cải thiện sức khỏe rõ rệt. 
 
Với thành công bước đầu ghép tế bào gốc chữa bại não này, GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm và các cộng sự tại Vinmec mong muốn sớm có thể mở ra hướng điều trị tối ưu, đồng thời xây dựng quy trình ghép tế bào gốc chuẩn chữa bại não để có thể chia sẻ kinh nghiệm, tạo thêm nhiều cơ hội được chữa trị cho trẻ em mắc căn bệnh này trên cả nước.
 
Ngoài đề tài được Bộ KH&CN phê duyệt nói trên, Vinmec Times City cũng đang tiến hành ghép tế bào gốc chữa nhiều căn bệnh khác như teo đường mật bẩm sinh, thoái hóa khớp, đột quỵ, phổi tắc nghẽn, xơ gan, chấn thương cột sống, ung thư máu, rối loạn đại tiểu tiện do khe hở cột sống, rối loạn thần kinh ruột. Đặc biệt, Bệnh viện đang nghiên cứu liệu pháp này để điều trị tự kỷ – căn bệnh đang ngày càng được quan tâm. 
 
 
Nuôi cấy tế bào miễn dịch điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
 
 
Đại diện Bệnh viện giới thiệu máy gia tốc hiện đại dùng trong xạ trị
 
Ngày 18/6/2013 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thống nhất lấy ngày 18/5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Ngày hội này nhằm tôn vinh các nhà nghiên cứu, những người làm KH&CN có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đồng thời giới thiệu các thành tựu KH&CN của đất nước với người dân. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức của xã hội đối với vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
 
Nguồn:  Bảo Chi – Hạnh Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Hội thảo quốc tế “Áp dụng công cụ foresight trong hoạch định chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”

Trong các ngày 12-13/05/2016, trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của năm, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Áp dụng công cụ foresight trong hoạch định chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
 
Tới tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế từ Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Áo, Đan Mạch và các chuyên gia Việt Nam từ một số Sở KH&CN, Vụ và đơn vị nghiên cứu khác, và nhiều cán bộ Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN. 
 
PGS.TS. Hoàng Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN khai mạc Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Minh, Viện trưởng Chiến lược và Chính sách KH&CN đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về tham dự Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội thảo nhằm hỗ trợ phương pháp luận cho quá trình xây dựng chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo được tổ chức trong hai phiên làm việc ngày 12-13/5/2016 với các chủ đề về công cụ và kinh nghiệm ứng dụng foresight và ứng dụng trong xây dựng chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST. 
 
 
TS. Dietmar Lampert trình bày báo cáo tại Hội thảo
 
Mở đầu Hội thảo với bài trình bày “Khái niệm, cách tiếp cận và ứng dụng công cụ foresight trong xây dựng chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST”, TS. Dietmar Lampert (chuyên gia Áo) đã bắt đầu bằng một câu hỏi với toàn thể Hội nghị “tại sao chúng ta lại có mặt ở đây”, từ đó định hướng mối quan tâm của các thành viên tham gia và trình bày các vấn đề nhằm trực tiếp giải đáp mối quan tâm của họ. TS. Lampert nhấn mạnh foresight là một tiến trình nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách chứ không phải là tiến trình xây dựng chính sách. 
 
 
Phiên trao đổi thảo luận bài trình bày của chuyên gia quốc tế
 
Trong bài trình bày về kinh nghiệm của Thái Lan trong việc ứng dụng Foresight trong xây dựng chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST, TS. Nares Damrongchai (Giám đốc điều hành trung tâm xuất sắc về Khoa học sự sống TCELS), đã trình bày với hội nghị về triết lý cơ bản và ý nghĩa của công tác Foresight. TS. Damrongchai cho rằng, foresight có thể giúp các nhà chiến lược nhìn trước được các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai, là căn cứ để xây dựng các kịch bản tương ứng để đối phó. 
 
Hội thảo cũng nghe các bài trình bày của các chuyên gia về kinh nghiệm của Việt Nam về ứng dụng Foresight, thể hiện qua các hoạt động từ vận động việc sử dụng foresight, cho tới việc ứng dụng foresight thử nghiệm trong một số ngành/lĩnh vực cụ thể. Một điều dễ thấy qua các báo cáo này, thực tế foresight chưa phải là một kênh độc lập cung cấp hỗ trợ cho quá trình làm chính sách tại Việt Nam. Điều này được lý giải phần nào do bối cảnh thực tế tại quốc gia nơi áp dụng foresight. Những liên hệ này sẽ là gợi ý hữu ích cho việc ứng dụng foresight sau này.
 
Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp sau hai phiên làm việc./.
 
Nguồn:  Quang Hà, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN

Con trai thừa hưởng trí thông minh từ mẹ và diện mạo từ cha

Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Ulm, Đức.
 
 
Đến nay các nhà khoa học đều thống nhất rằng trí thông minh là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có di truyền và những tác động từ môi trường.
 
Về mặt di truyền, bác sĩ Horst Hameiste, trưởng nhóm nghiên cứu phát hiện các gene thông minh nằm rải rác trên chuỗi ADN, nhưng có tới 2/3 tập trung ở nhiễm sắc thể giới tính X còn nhiễm sắc thể Y lại không hề có một gene thông minh nào.
 
Như vậy, người cha chỉ có thể truyền cho con tính cách còn người mẹ lại truyền cho con toàn bộ trí tuệ. Phát hiện này giải thích vì sao các vĩ nhân đều có những bà mẹ rất thông minh.
 
 
Phụ nữ có vòng 3 đầy đặn và vòng 2 thon thả thường sinh con có trí thông minh vượt trội hơn hẳn.
 
Vì gene thông minh của đàn ông tập trung dày đặc ở đoạn nhiễm sắc thể X, nên chúng có thể phát huy hết công dụng. Nhưng mỗi khi bị “hư hỏng”, chúng có thể gây hậu quả khôn lường.
 
Do đó, đàn ông có kẻ thông minh xuất chúng, nhưng cũng có kẻ cực kỳ ngu đần. Ngược lại, gene thông minh của phụ nữ rải đều trên hai đoạn nhiễm sắc thể X, nên trí tuệ của họ quân bình hơn.
 
Có lẽ vì thế mà phụ nữ không có nhiều người thông minh xuất chúng như đàn ông, nhưng số đần độn cũng ít. Hameiste nói: “Xét về khía cạnh gene học thì đàn ông bất lợi hơn nữ giới trong tiến hóa”.
 
Theo Báo Nghệ An

Ngành Ngân hàng khai trương Cổng Thông tin Khoa học và Công nghệ

Ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ khai trương Cổng Thông tin Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng.

 

Đây là một trong các sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của NHNN chào mừng 65 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam và Ngày Khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam 18/5.

 
Trước những yêu cầu thực tế về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động  KH&CN của ngành Ngân hàng và thực hiện chủ trương của Ban lãnh đạo NHNN về việc đổi mới cơ chế quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KH&CN, NHNN Việt Nam đã giao Viện Chiến lược Ngân hàng phối hợp với nhóm nghiên cứu Học viện Ngân hàng xây dựng và vận hành thử nghiệm Cổng thông tin KH&CN ngành Ngân hàng. 
 
Ngành Ngân hàng khai trương Cổng Thông tin khoa học và công nghệNgành Ngân hàng khai trương Cổng Thông tin Khoa học và Công nghệ
 
Sau 4 tháng được đưa vào hoạt động thử nghiệm, Cổng thông tin đã đón tiếp hàng vạn lượt truy cập, với hàng nghìn dữ liệu khoa học đã được Viện Chiến lược Ngân hàng cập nhật vào hệ thống, bước đầu cho thấy hiệu quả về quản lý, truyền thông và sự quan tâm của độc giả, nhà khoa học đối với hoạt động KH&CN của ngành. 
 
Phát biểu tại lễ khai trương Cổng thông tin KH&CN ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh thay mặt Ban lãnh đạo NHNN chúc mừng Viện Chiến lược Ngân hàng và nhóm nghiên cứu đã nỗ lực xây dựng, vận hành Cổng Thông tin KH&CN ngành Ngân hàng trong thời gian qua. 
 
Phó Thống đốc cũng đánh giá đây là hoạt động đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động quản lý và truyền thông về KH&CN ngành Ngân hàng. Qua đó, hoạt động KH&CN sẽ ngày càng bám sát thực tiễn, phục vụ hiệu quả các hoạt động của Ngành ngân hàng. 
 
Cùng ngày, NHNN đã tổ chức họp báo công bố về sự kiện Banking 2016. Banking Vietnam là sự kiện công nghệ ngân hàng thường niên do NHNN Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức.
 
Sự kiện này nhằm triển lãm, giới thiệu về những thành tựu mới về công nghệ hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới. 
 
Đồng thời, Banking Vietnam cũng là nơi diễn ra các phiên hội thảo để các lãnh đạo ngân hàng, các chuyên gia tài chính-ngân hàng, các chuyên gia công nghệ trao đổi về các giải pháp, chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ về công nghệ thông tin và truyền thông.
 
Banking Vietnam 2016 được tổ chức với chủ đề "Đổi mới và sáng tạo – Nhân tố then chốt nâng cao hiệu quả hoạt động và lợi thế cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập mới". 

Tương lai khó khăn của điện hạt nhân ở châu Âu

Dù giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện năng ở châu Âu nhưng điện hạt nhân vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn tài chính để xử lý vấn đề lão hóa nhà máy, rủi ro về an ninh…
 
Thảm họa Chernobyl vào ngày 26/4/1986 khiến quá trình phát triển của điện hạt nhân trên thế giới nói chung và châu Âu nói riêng phải chuyển hướng. Tai nạn này là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tranh cãi về điện hạt nhân, và làm phá sản nhiều dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân khác. Tuy nhiên có một thực tế là  nhiều quốc gia châu Âu vẫn còn kiên trì theo đuổi điện hạt nhân và  các lò phản ứng trên khắp châu Âu đang trong quá trình lão hóa. Dẫu sao người ta không thể phủ nhận rằng, một phần ba điện năng tiêu thụ trên toàn châu Âu là  từ các nhà máy điện hạt nhân như một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
 
Áp lực tài chính
 
Theo báo cáo về tình hình sản xuất điện hạt nhân thế giới, trong năm 2015 chỉ còn 128 lò phản ứng vẫn còn hoạt động ở châu Âu, khoảng một nửa trong số đó (58 lò phản ứng) thuộc về Pháp. 
 
Hiện hai nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng do công ty điện lực Areva (Pháp) đảm trách ở Pháp và Phần Lan – lần lượt khởi công vào năm 2005 và 2007 – sẽ không hoàn thành trước năm 2018, thời gian mà chúng có thể lập tức đưa vào vận hành.
 
Theo ước đoán ở thời điểm hiện tại, kinh phí xây dựng các nhà máy này đang bị đội giá gấp ba lần so với dự toán, tức là vào khoảng 9 tỷ eueo (tương đương 10 tỷ đô la) mỗi nhà máy.
 
Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở Anh cũng đang phải đối mặt với vấn đề như gia tăng kinh phí xây dựng, khó khăn về tài chính đầu tư và trì hoãn kế hoạch xây dựng.
 
Tương tự, nhà máy điện hạt nhân Flamanville, Pháp, cũng sẽ khó có thể hoàn tất trước năm 2018. Công ty điện lực Pháp EDF trong vòng 8 năm qua chưa bán thêm được bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào, vì vậy nếu không giành được hợp đồng xây dựng nhà máy Areva thì EDF ắt hẳn sẽ phải đối mặt với khả năng phá sản.
 
Khi tính toán chi phí cho việc ngừng vận hành nhà máy điện hạt nhân và quản lý vấn đề chất thải phóng xạ từ các nhà máy này vào năm 2050, Ủy ban châu Âu EC đưa ra con số 268 tỷ euro. Một nghiên cứu từ European Parliament Greens đã tiết lộ, thậm chí con số này có thể lên tới 485 tỷ euro. 
 
Theo EU, các công ty điện lực chỉ tài trợ 150 tỷ euro trong tổng số chi phí này.
 
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới
 
 
Lược đồ hiển thị tình hình các lò phản ứng hạt nhân mới xây dựng (đường màu xanh) và ngừng vận hành (đường màu đỏ) ở châu Âu.
 
Ba quốc gia thành viên châu Âu – Phần Lan, Pháp và Slovakia – hiện đang tiến hành xây dựng những nhà máy điện hạt nhân mới. Nhưng tất cả các dự án này đều đang cùng chung hoàn cảnh là phải chịu việc đội giá xây dựng và trì hoãn lịch xây dựng – dù cho việc xây dựng các lò phản ứng ở Slovakia đã bắt đầu từ năm 1986.
 
Đến năm 2030, số lượng các nhà máy điện hạt nhân sẽ được tăng lên ở Bulgaria, Czech, Phần Lan, Pháp, Hungary, Lithuania, Ba Lan và Anh – theo tính toán của tổ chức Năng lượng nguyên tử thế giới (World Nuclear Association) dựa trên số nhà máy điện hạt nhân được cấp phép và đề xuất.
 
Nhưng để vận hành các lò phản ứng cũ được an toàn, cơ sở hạ tầng của các lò phản ứng này cần  được nâng cấp, Frank Peter, đại diện Prognos ở Berlin, một công ty tư vấn kinh tế có trụ sở đặt tại Thụy Sỹ, cho biết. Những lò phản ứng đang có tại châu Âu đều có tuổi thọ 30 năm, và vòng đời của chúng vào khoảng 30 đến 35 năm.
 
Peter tin tưởng rằng, việc nâng cấp các lò phản ứng già lão không khả thi về mặt tài chính. "Để mỗi nhà máy điện hạt nhân cũ làm ra điện năng trong điều kiện an toàn hạt nhân tương ứng theo công nghệ nhà máy, cần phải đầu tư khoảng 3 đến 4 tỷ euro cho việc nâng cấp," Peter cho DW biết.
 
Cũng vì vấn đề áp lực tài chính, một lò phản ứng ở Thụy Sỹ và 4 lò phản ứng ở Thụy Điển sẽ phải ngừng vận hành vào năm 2020, sớm hơn dự kiến, chuyên gia về năng lượng nguyên tử Mycle Schneider giải thích.
 
Tăng cường công suất điện hạt nhân
 
 
Lược đồ biểu thị mạng lưới các lò phản ứng được tăng cường công suất sản xuất điện năng.
 
128 lò phản ứng hạt nhân đang được vận hành thuộc 14 trong số 28 quốc gia thành viên EU cung cấp hơn 1/4 lượng điện tiêu thụ ở toàn châu Âu, theo công bố của Tổ chức  Năng lượng nguyên tử thế giới (WNA).
 
Tổ chức này cho biết, các lò phản ứng khắp châu Âu đang không ngừng tăng cường hơn nữa công suất sản xuất điện năng của mình, trong đó có các lò ở Bỉ, Thụy Điển, Đức. Công suất điện hạt nhân của 5 lò phản ứng tại Thụy Sỹ đã được gia tăng thêm 13%; Tây Ban Nha đang lên kế hoạch tăng lên 13%; Phần Lan đã đưa khả năng này lên con số 29% kể từ những năm 1980.
 
Con số của IAEA chứng tỏ điện hạt nhân vẫn chiếm 76% tổng số sản xuất điện năng của Pháp, 56% ở Slovakia; 53% ở Hungary; 38% ở Bỉ.
 
Dẫu sao IAEA cũng chỉ ra rằng, mạng lưới công suất điện hạt nhân của EU đã giảm xuống từ năm 2000.
 
Các nhà lập pháp đang tìm cách giới hạn việc sản xuất điện hạt nhân bằng việc cố gắng tập trung vào năng lượng tái tạo. Tại Pháp, nơi điện hạt nhân chiếm 3/4 nhu cầu điện năng của đất nước, một bộ luật mới được chấp thuận vào mùa thu 2015 nhằm mục tiêu hạn chế sự lệ thuộc vào điện hạt nhân và giảm tỷ lệ này xuống 50% vào năm 2025.
 
Cuộc chiến cho tương lai
 
Trong các cuộc tranh luận về các nhà máy điện hạt nhân mới, các công dân và chính trị gia đang lên tiếng về hiểm họa tiềm năng ở các lò phản ứng cũ. Các nhà máy điện hạt nhân hiện thời ở châu Âu đang được kêu gọi đóng cửa, và có thể còn là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố.
 
Theo một cuộc điều tra gần đây ở Đức, 85% nhà máy điện hạt nhân trên  45 tuổi đời được cho là có khả năng xảy ra thảm họa tương tự như Chernobyl. "Con người đã nhận thức ra sự rủi ro hiện hữu từ những nhà máy điện hạt nhân già lão tại Đức và một số quốc gia láng giềng", Tobias Münchmeyer, thành viên của tổ chức Greenpeace, cho biết.
 
Những thách thức đối với điện hạt nhân trong lòng châu Âu sẽ dẫn đến sự sụt giảm về khả năng cung cấp điện năng trong tương lai, tổ chức World Nuclear Association đã kết luận báo cáo bằng nhận định này.
 
Thanh Nhàn tổng hợp từ DW.

Nghiên cứu mới của các nhà kinh tế học giúp đưa ra mức án tù hiệu quả hơn

Những kẻ phạm tội có vì cái lợi trước mắt mà đổi lấy sự trừng phạt lâu dài không?
 
Từ lâu các nhà kinh tế học đã đặt ra giả thiết rằng những kẻ phạm tội ít coi trọng tương lai hơn so với những công dân tuân thủ pháp luật, nhưng họ vẫn chưa tìm ra được bằng chứng xác thực cho thấy tội phạm có quan tâm đến mức độ nặng nhẹ của bản án hay không. 
 
Một nghiên cứu mới do Giovanni Mastrobuoni, trường Đại học Essex, và David Rivers, trường Đại học Tây Ontario, thực hiện và trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Kinh tế Hoàng gia Anh vào tháng hai năm 2016 đã đưa ra những kết luận đáng lưu ý: tội phạm có coi trọng tương lai, chỉ có điều là không tới mức như người bình thường; và những bản án nặng có tác dụng răn đe, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định. 
 
Nghiên cứu này được dựa trên một cuộc cải cách về chính sách của Italy vào năm 2006, trong đó 1/3 số tù nhân ở quốc gia này được thả ra, nhưng với một lời cảnh báo: nếu họ bị bắt quả tang phạm tội lần nữa thì phần án tù cũ chưa thực hiện sẽ được tự động gộp vào bản án mới. Như vậy, việc các phạm nhân phải chịu án nhẹ hơn hay nặng hơn trong tương lai sẽ phụ thuộc vào phần án cũ chưa thực hiện. Hai nhà kinh tế học trên kết hợp thông tin này với thông tin về tỉ lệ tái phạm để xem liệu các phạm nhân chịu án tù nặng hơn có mức độ tái phạm thấp hơn không. 
 
Kết quả là, các nhà nghiên cứu nhận thấy các phạm nhân dường như có phản ứng trước những bản án nặng hơn. Đối với những phạm nhân từng thụ án, mức độ họ quan tâm tới những sự kiện quá khứ trong khoảng một năm trước so với hiện tại là 0,74, tức bằng 3/4 sự quan tâm đến hiện tại. Tỉ lệ này ở người dân bình thường là 0,95. Nhóm nghiên cứu cũng so sánh giữa các nhóm khác nhau và họ thấy những người có học vấn cao thường nhạy cảm với án tù nặng hơn; trong khi đó những người nhập cư và những tội phạm liên quan đến ma túy là hai nhóm “vô cảm” nhất. 
 
Tuy có những hạn chế do tập trung vào đối tượng đã từng thụ án, song các kết luận trong nghiên cứu mới trên cũng đưa ra một số gợi ý thiết thực trong quá trình hoạch định chính sách trong việc xử án. Thứ nhất, án phạt nặng hơn phát huy hiệu quả răn đe tốt với nhóm tội phạm ma túy hơn là với nhóm tội phạm “cổ cồn trắng”. Thứ hai, án phạt nặng hơn có một số tác dụng răn đe, nhưng tác dụng này chỉ tập trung trong vài năm đầu. Ở một số nhóm tội phạm, việc ra mức án bắt buộc tối thiểu cộng thêm lời cảnh cáo là có thể tăng thêm một số năm tù nữa tùy vào tính chất phạm tội có thể có tác dụng ngăn ngừa phạm tội. Tuy vậy, với một tội phạm phải chịu án phạt tối thiểu 10 năm tù cộng thêm khả năng chịu tiếp 10 năm bổ sung, thì mức độ răn đe của 10 năm bổ sung đó còn thấp hơn mức độ răn đe của năm năm bổ sung cho một án phạt năm năm tối thiểu. Theo các ước tính trong nghiên cứu, các phạm nhân lo lắng về mức án năm năm bổ sung nhiều gấp bốn lần so với mức án 10 năm bổ sung.
 
Các nhà kinh tế học có thể đóng góp nhiều ý kiến giá trị trong lĩnh vực này, bởi họ có thể chỉ ra những yếu tố nào có giá trị răn đe tội phạm và mức độ bao nhiêu là phù hợp. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng nên thận trọng khi vận dụng những kết quả nghiên cứu của họ, bởi tuy tội phạm có thể điều chỉnh hành vi của mình dựa trên cấp độ nghiêm trọng của án phạt và khả năng bị bắt giam trở lại, song không ai chắc chắn rằng trong mọi hoàn cảnh họ đều có suy nghĩ đó. Do đó, tìm hiểu lý do tại sao tội phạm là những kẻ chỉ biết “nghĩ ngắn hạn” có thể cũng quan trọng như việc tìm hiểu cách tuyên án hiệu quả. 
 
Thu Trang dịch
http://www.economist.com/blogs/freeexchange/2016/03/criminal-justice

Tạo điều kiện thông thoáng cho chuyển giao công nghệ

Một số bất cập và vướng mắc trong quá trình gần 10 năm thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) là lý do chính để Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật, đó là ý kiến của ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) trong cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Tia Sáng.

Ông Đỗ Hoài Nam 

Sau khi tiến hành tổng kết và rà soát lại gần 10 năm thực hiện Luật CGCN, ông và ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật CGCN nhận thấy có những bất cập và vướng mắc gì thường gặp?

Theo chúng tôi, có một số bất cập tồn tại, thể hiện ở ba điều căn bản:

Thứ nhất, thị trường công nghệ vẫn chưa phát triển tương xứng với mục tiêu đề ra, chưa đủ sức thu hút, thúc đẩy nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, đặc biệt là việc hình thành và phát triển các tổ chức trung gian trong hoạt động CGCN, cũng như một số hoạt động dịch vụ CGCN như dịch vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ.

Thứ hai, hoạt động CGCN chủ yếu là hình thức CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, mà tập trung ở các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó phần lớn là hình thức CGCN từ công ty mẹ cho công ty con và công nghệ do các doanh nghiệp Việt Nam nhận chuyển giao từ các đối tác nước ngoài, cần có hình thức quản lý phù hợp hơn. Ngoài ra, trên thực tế CGCN còn thực hiện thông qua các dự án đầu tư trong nước, trong đó triển khai theo các hợp đồng tổng thầu EPC (engineering procurement & construction), tức là hợp đồng thiết kế, mua sắm cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông,… Các hợp đồng EPC này hầu hết có nội dung công nghệ, nhưng trong hợp đồng EPC chưa thể hiện nội dung công nghệ và thực hiện theo quy định của Luật CGCN.
 

Hoạt động CGCN trong nước, chủ yếu là chuyển giao các kết quả nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, vẫn còn quá ít ỏi so với tiềm năng.

Hoạt động CGCN trong nước, chủ yếu là chuyển giao các kết quả nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, vẫn còn quá ít ỏi so với tiềm năng. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn đối với hoạt động CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, mà hiện nay mới chỉ là việc bán thiết bị, máy móc có hàm chứa công nghệ. 

Thứ ba, thời gian qua, nhiều bộ luật liên quan đến Luật CGCN như Luật KHCN, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế đã được sửa đổi, bổ sung nên một số điều khoản của Luật CGCN cần phải hoàn chỉnh cho phù hợp với các quy định mới của các Luật có liên quan này. 

Ông có thể nói rõ thêm về sự chưa phù hợp giữa Luật CGCN và các luật mới được sửa đổi?

Ở đây tôi muốn nêu một ví dụ nhỏ, trong điều 32 Luật CGCN 2006, chỉ hoạt động dịch vụ giám định công nghệ được quy định là hoạt động kinh doanh có điều kiện, còn dịch vụ đánh giá và định giá công nghệ thì lại không quy định. Tuy nhiên, theo Luật KHCN mới được sửa đổi năm 2013 thì hoạt động của tổ chức KH&CN dạng này lại thuộc phạm trù hoạt động kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, cần phải sửa đổi sao cho phù hợp với tinh thần của Luật KHCN mới sửa đổi, như bổ sung thêm các tiêu chí và điều kiện hoạt động của các đơn vị dịch vụ CGCN này.

Cần phải hoàn chỉnh, bổ sung Luật CGCN 2006 sao cho tạo ra một cơ chế có thể giám sát được hoạt động CGCN và phải đưa điều đó vào các quy định của luật.

Hoặc trước đây quy định về hồ sơ dự án đầu tư, doanh nghiệp phải giải trình về công nghệ, đưa ra các phương án lựa chọn công nghệ, phân tích để lựa chọn ra phương án công nghệ tối ưu và phải nêu rõ quy trình công nghệ, sản phẩm từ công nghệ đó đạt tiêu chuẩn gì. Tuy nhiên hiện nay, Luật Đầu tư mới lại không có yêu cầu cụ thể này. Điều đó có thể dẫn đến vấn đề là công nghệ trong các dự án đầu tư nước ngoài đưa vào có thể là công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu, sản phẩm sản xuất không đạt yêu cầu về chất lượng, dẫn đến việc sản xuất bị ngừng trệ, doanh nghiệp càng làm càng lỗ…

Tại hội thảo được tổ chức vào cuối tháng ba về sửa đổi, bổ sung Luật CGCN 2006, đại diện Sở KH&CN Hà Nội đã nêu một thực tế là hoạt động CGCN vẫn diễn ra một cách âm thầm trên thị trường mặc dù số lượng đăng ký chính thức với Sở rất hạn chế. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Có thể nói là Luật CGCN 2006 ra đời trên cơ sở nhà nước tạo điều kiện tối đa cho các bên tham gia hoạt động CGCN, quan điểm lúc đó là nhà nước không khống chế giá, thời hạn chuyển giao, đồng thời phương thức quản lý cũng mở tối đa. Luật 2006 cho phép các bên tham gia CGCN nếu thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao được quyền tự nguyện đăng ký để được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Do đó, việc cho phép tự nguyện đăng ký đã góp phần tạo ra bất cập, thứ nhất cơ quan quản lý nhà nước không nắm được có những công nghệ nào đã được chuyển giao, thứ hai là nội dung chuyển giao đó có thực sự là công nghệ hay không, và hệ lụy là trong trường hợp không phải là nội dung công nghệ nhưng vẫn được hợp thức hóa thành hợp đồng CGCN và được hưởng các ưu đãi về thuế. Cũng có một thực tế khác là xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do được tự thỏa thuận mức phí chuyển giao công nghệ nên họ đã điều chỉnh mức phí chuyển giao công nghệ lên, trong khi nguyên tắc phổ biến của việc chuyển giao công nghệ là phí kỳ vụ (royalty) thường phải giảm dần, trừ khi có các nội dung công nghệ mới được tiếp tục chuyển giao. 

Theo ông, để khắc phục triệt để vấn đề này, cần phải làm những gì trong đợt sửa đổi, bổ sung Luật CGCN?

Chúng tôi cho rằng cần phải hoàn chỉnh, bổ sung Luật CGCN 2006 sao cho tạo ra một cơ chế có thể giám sát được hoạt động CGCN và phải đưa điều đó vào các quy định của luật. 
Chúng tôi cũng cân nhắc phương án quản lý hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và CGCN trong nước có sử dụng ngân sách nhà nước thì phải thực hiện việc đăng ký nhưng với hình thức đơn giản (có thể đăng ký thông qua mạng internet) để ít nhất cơ quan quản lý có thể nắm được nhưng cũng vẫn bảo đảm thuận lợi và đơn giản cho doanh nghiệp. Hiện nay trong chương trình công tác, chính phủ đã đưa việc đăng ký hợp đồng CGCN là dịch vụ công và yêu cầu thực hiện vào năm 2018. Qua áp dụng thử nghiệm hoạt động đăng ký qua mạng internet như vậy tôi cho là đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ có thực hiện đăng ký như vậy, nhà nước mới nắm được hoạt động chuyển giao công nghệ. 

Ban soạn thảo có tham khảo kinh nghiệm về quản lý nhà nước của quốc tế trong hoạt động CGCN không?

Ngoài việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chúng tôi cũng tìm hiểu các luật liên quan đến hoạt động CGCN của nhiều quốc gia cũng như những chính sách ưu đãi của họ đối với những bên tham gia vào hoạt động CGCN. Chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… để đưa ra các quy định phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Ông kỳ vọng vào điều gì khi Luật CGCN mới được ban hành?

Hoạt động CGCN liên quan đến nhiều khâu, do nhiều vấn đề hợp lại, Luật CGCN chỉ là một trong số những công cụ cần thiết để hỗ trợ chứ không thể là yếu tố duy nhất để giải quyết mọi vấn đề hiện tại của hoạt động CGCN. Vì vậy chúng tôi không kỳ vọng vào việc Luật mới ra đời sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của hoạt động CGCN, một mình Luật CGCN không thể làm tất cả mọi việc.

Tôi mong Luật sau khi sửa đổi, bổ sung sẽ khuyến khích được các hoạt động CGCN, tạo điều kiện để thị trường công nghệ với các bên cung, cầu và tổ chức trung gian phát triển giúp các bên có thể tiếp cận và kết nối các công đoạn của quá trình ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ.

Xin cảm ơn ông. 

Thanh Nhàn (thực hiện)

Ngại nói thẳng và né tranh luận

Hiện nay, những yếu kém ở các hội đồng xét duyệt đề cương và thẩm định đề tài được cho là làm hạn chế đáng kể chất lượng nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH). Để tìm nguyên nhân của tình trạng này, phóng viên Tia Sáng đã phỏng vấn PGS.TS. Vương Xuân Tình (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
 
PGS.TS. Vương Xuân Tình.
 
PV: Lâu nay trong giới khoa học đã có không ít ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH còn hạn chế là do chất lượng của các hội đồng phê duyệt, thẩm định. Ông có đồng tình với ý kiến đó?
 
PGS.TS Vương Xuân Tình: Có thể nói rằng các quy định hiện nay về việc lựa chọn thành viên hội đồng từ xét duyệt đề cương tới thẩm định chất lượng đề tài là khá chặt chẽ. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều khi các quy định này không được tuân thủ dẫn tới việc không đảm bảo chất lượng các hội đồng.
 
Điều này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, số lượng chuyên gia thực sự ở mỗi ngành trong KHXH hiện nay quá ít, và họ cũng rất bận nên nhiều khi không thể tham gia các hội đồng của các cơ quan chủ trì nghiên cứu. Khi đó, cơ quan chủ trì sẽ chọn các thành viên khác có chất lượng thấp hơn. Như vậy, việc chọn chuyên gia cho Hội đồng cũng chỉ mang tính tương đối, khó có thể chặt chẽ.
 
Về chủ quan, hiện nay có tâm lý chung, không chỉ của các chủ nhiệm đề tài mà thậm chí cả cơ quan chủ trì nghiên cứu là thường muốn đề tài được nhận xét tốt, nghiệm thu một cách suôn sẻ. Ít ai muốn một đề tài bị phê phán nhiều và xét “không đạt”, để rồi cả chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đều bị “mang tiếng”. Người ta rất sợ “mang tiếng” và nhìn chung là ngại sự có mặt của những chuyên gia “gai góc” trong hội đồng xét duyệt đề tài của mình/cơ quan mình.
 
Ngoài nguyên nhân chủ quan đó, tôi được biết không ít các hội đồng có tình trạng nhiều thành viên được mời từ các chuyên ngành quá xa với đề tài được thẩm định, ví dụ: nhà khoa học lịch sử, kinh tế đánh giá một đề tài nhân học hoặc xã hội học. 
 
Thành phần các chuyên gia từ nhiều chuyên ngành khác nhau còn tuỳ thuộc vào tính chất của đề tài nghiên cứu. Những hội đồng thẩm định kế hoạch, dự án hoặc đề tài có tính chất liên ngành thì cần chuyên gia liên ngành. Tuy nhiên, với các hội đồng đánh giá đề tài có tính chuyên môn sâu, sự có mặt của nhà khoa học có “vị trí” nhưng không có chuyên môn về lĩnh vực đó sẽ không thể mang lại đánh giá xác đáng. 
 
Ví dụ như trường hợp Quỹ Nafosted, chỉ cần căn cứ vào từng đề tài cụ thể cần thẩm định để yêu cầu thành lập hội đồng một cách linh hoạt chứ không nên yêu cầu chỉ những người có trong danh sách các Hội đồng khoa học của Quỹ mới được thẩm định đề tài. Những người không có chuyên môn sâu sẽ không thể đưa lại đánh giá chuẩn xác. Ở những đề tài mà chuyên gia trong hội đồng của Nafosted không có kinh nghiệm, nên tư vấn cho Quỹ tìm thêm chuyên gia chuyên ngành hẹp đó để nhận xét đề tài.
 
Bên cạnh đó, một số cơ quan chủ trì nghiên cứu còn có xu hướng chọn vào hội đồng những người có “chức sắc” như Viện trưởng, Phó Viện trưởng do tâm lý muốn “oai”, và cảm thấy không được “đảm bảo” nếu trong hội đồng chỉ toàn những chuyên gia dù có chuyên môn sâu nhưng không có “chức sắc” gì. Nhưng khi người ta thiên về chọn những người có “chức sắc” như thế thì những chuyên gia thực sự lại ít được mời. 
 
Còn có một thực tế là, các hội đồng KHXH chủ yếu chỉ có những “cây đa cây đề” mà vắng mặt các nhà khoa học trẻ có chuyên môn trong các hội đồng KHXH? 
 
Điều này là có. Hiện nay chuyên gia trong nước được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, gồm: trong nước, từ các nước Liên Xô – Đông Âu (cũ), và một số mới đào tạo từ phương Tây về. Trong số này, nhiều chuyên gia từ phương Tây về vẫn được coi là “trẻ, ít kinh nghiệm”, còn ít được mời vào các hội đồng. Trong khi đó, nhiều người được mời lại là các nhà khoa học đã có tuổi (khoảng 60 – 70), có người hạn chế về ngoại ngữ và tin học, dẫn tới việc khó có khả năng cập nhật thông tin khoa học trong và ngoài nước.
 
Các hội đồng khoa học nên bổ sung đội ngũ các nhà khoa học trẻ được đào tạo từ phương Tây, kết hợp với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm (xin nhấn mạnh lần nữa là những chuyên gia thật sự). Cần có sự kết hợp này vì các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản ở phương Tây về sẽ có tri thức, lý thuyết tốt nhưng do phần lớn thời gian tu nghiệp nước ngoài nên khi mới trở về phải có điều kiện hội nhập để có nhiều trải nghiệm phù hợp với điều kiện thực tế ở trong nước.
 
Như vậy, ai là người phải chịu trách nhiệm về chất lượng các hội đồng khoa học nói chung và các hội đồng KHXH nói riêng?
 
Các cơ quan chủ trì đề tài, mà trước hết người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng đề tài và chất lượng các hội đồng vì chính cơ quan đó mời chuyên gia để thành lập hội đồng. Bên cạnh đó, bản thân chuyên gia được mời cũng phải có trách nhiệm đề cao tinh thần nghiêm túc như một yếu tố sống còn của danh dự trong khoa học.
 
Xin lấy ví dụ, cách đây năm năm, lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Viện Nam đã có một quyết tâm cao trong đổi mới môi trường học thuật bằng cách đề ra quy định mời nhiều nhà khoa học ngoài Viện vào các hội đồng đánh giá, đồng thời sẽ không mời những thành viên nào nhận xét “ba phải” tiếp tục vào các hội đồng sau. Tuy nhiên, quyết tâm của người đứng đầu cơ quan quản lý khoa học sẽ khó có tác dụng lớn nếu không có thêm sự nỗ lực từ chính các nhà khoa học. Điều này liên quan đến tâm lý, văn hoá khoa học mà tôi vừa nhắc đến ở trên: họ không dám nói thẳng nói thật, ngại tranh luận, phê phán đánh đổ các đề tài khoa học yếu kém của đồng nghiệp. Lâu quá rồi thành trì trệ. Rồi cứ nể nang nhau mãi…
 
Vậy theo ông, để khắc phục những tồn tại trên cần có những giải pháp chủ yếu nào?
 
Về tổ chức hội đồng, phải có chế tài đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tất cả các quy định hiện hành. Đồng thời, từ kinh nghiệm của quốc tế, nên bổ sung thêm một số yêu cầu sau:
 
Thứ nhất là phản biện độc lập. Cách làm này giống với peer review của các tạp chí quốc tế. Mỗi đề tài khoa học cần phải có ít nhất hai ý kiến phản biện độc lập từ hai chuyên gia có chuyên môn sâu. Nếu chưa làm được ở tất cả các đề tài khoa học, trước hết nên ưu tiên thực hiện ở các đề tài cấp Nhà nước rồi tiến tới cấp Bộ.
 
Thứ hai là yêu cầu tất cả các đề tài phải có hội thảo để trình bày kết quả nghiên cứu đồng thời đăng online toàn văn (trừ những nghiên cứu được cho là bí mật quốc gia). Đồng thời công khai cả danh sách các thành viên hội đồng cùng với tóm tắt danh mục các công trình khoa học (bao nhiêu nghiên cứu, công bố trong nước và quốc tế, bao nhiêu lượt trích dẫn) có liên quan tới đề tài họ thẩm định.
 
Việc công bố công khai các nghiên cứu khoa học còn đem lại một “chất men xúc tác” cho các nhà nghiên cứu, những người có quan tâm chuyên môn khác khi cùng đọc, thảo luận về những đề tài có giá trị. Tranh luận đó sẽ trở thành kích thích tố cho các nhà nghiên cứu khác tiếp tục làm nghiên cứu phản biện hoặc kế thừa; đồng thời cũng góp phần khắc phục tình trạng hàng trăm, hàng nghìn đề tài xếp ngăn kéo như hiện nay và người ta không hề biết các nhà khoa học đó đã sử dụng đồng thuế của dân vào việc gì cả.
 
Xin chân thành cảm ơn ông!
 
Phải nói thẳng là hiện đang có rất nhiều kiến nghị vô thưởng vô phạt, chung chung, kém giá trị và không thể áp dụng được. Vì những kiến nghị ấy xuất phát từ các nghiên cứu chất lượng không tốt, nhà nghiên cứu đã không áp dụng triệt để cả về lý thuyết, phương pháp, công cụ và không dành tâm huyết trong quá trình triển khai nghiên cứu.
Nhưng ngược lại, đối với các kiến nghị có giá trị, rất tâm huyết, tôi cũng đặt câu hỏi liệu các cơ quan quản lý khoa học có đủ năng lực tổng hợp, khái quát, chắt lọc và tiếp thu kiến nghị hay không? Họ bắt buộc phải là “chuyên gia của chuyên gia” để hiểu được giá trị của các kiến nghị tâm huyết và biết rằng làm sao để sử dụng được các kiến nghị này. Thông thường hiện nay kiến nghị rất ít khi lên được tới cơ quan quản lý nhà nước và nếu có thì việc tiếp thu, xem xét giải quyết cũng rất chậm.
 
                                           
 
Thu Quỳnh thực hiện

4 doanh nghiệp khởi nghiệp Đông Nam Á nhắm tới thị trường Hồi giáo

Thế giới Hồi giáo không “miễn nhiễm” với cơn sốt khởi nghiệp, và ở Đông Nam Á đang xuất hiện một số DNKN tập trung phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo với những sản phẩm và dịch vụ đa dạng, từ thương mại điện tử, nền tảng giáo dục, ứng dụng du lịch, cho tới thời trang dành cho người Hồi giáo.
 
Và họ có lý do để làm điều đó. Theo một báo cáo do DinarStandard và ThomsonReuters thực hiện năm ngoái, năm 2014, người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn cầu bỏ ra tới 1,8 nghìn tỉ USD để chi dùng cho ăn uống và lối sống; theo dự tính con số này sẽ lên tới 2,6 nghìn tỉ USD vào năm 2020. Cũng trong năm 204, thị trường tiêu dùng Hồi giáo toàn cầu chi 142 tỉ USD cho du lịch, 230 tỉ USD cho quần áo, và 179 tỉ USD cho các hoạt động giải trí – văn hóa.
 
Một sản phẩm thời trang của HijUp
 
Ở Đông Nam Á có khoảng 240 triệu người theo đạo Hồi, chiếm khoảng 42% dân số trong khu vực. Do vậy, có thể hiểu được tại sao ngày càng có nhiều DNKN tìm cách tận dụng thị trường rất lớn này. Dưới đây là 4 DNKN đang khá thành công với chiến lược này.
 
1. Mindplus
 
 
Mindplus là một công ty phát triển và thiết kế phần mềm trên website và điện thoại di động có trụ sở tại Darussalam, Brunei. Sản phẩm mới đây nhất của họ là Islamic Mind, một ứng dụng trên di động cung cấp nội dung các bài giảng dành riêng cho học sinh Hồi giáo độ tuổi 5-12. Hiện ứng dụng này đã được các tổ chức Hồi giáo công nhận và ủng hộ.
 
 
Khairi Metussin, CEO kiêm đồng sáng lập công ty, cho biết: “Thị trường Hồi giáo vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, trong đó nền giáo dục Hồi giáo lại đang có bước chuyển mình hướng tới hiện đại hóa rõ ràng hơn. Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội mà mình có thể tận dụng.” Năm 2015, công ty này mở rộng phạm vi hoạt động tới Indonesia, quốc gia có số lượng người theo đạo Hồi đông nhất tại Đông Nam Á.
 
2. Zilzar
 
Zilzar là một công ty của Malaysia ra đời năm 2014, hoạt động trên thị trường trực tuyến toàn cầu và hướng tới phục vụ người tiêu dùng Hồi giáo muốn tìm kiếm những sản phẩm Halal  có bảo đảm, bao gồm đồ ăn uống, mỹ phẩm, dược phẩm. Theo Rushdi Siddiqui, CEO kiêm đồng sáng lập công ty, một trong những cơ hội mà anh nhìn thấy ở thị trường Hồi giáo là làm sao để xây dựng một nền tảng toàn cầu cho tất cả các nhà cung cấp sản phẩm halal cùng hoạt động. “Điều này sẽ giải quyết một thách thức lớn đối với các SME hoạt động trong lĩnh vực này, đó là khả năng tiếp cận thị trường.”
 
 
Một thách thức đối với Zilzar là phải bảo đảm rằng các sản phẩm được bán trên nền tảng của họ đều là sản phẩm halal thực sự. Nhưng với tham vọng “trở thành Alibaba trong ngành kinh doanh halal”, công ty này đã đầu tư thời gian và công sức để điều tra kỹ lưỡng và hợp tác với những nhà cung cấp có uy tín.
 
 
3. HijUp
 
 
Được thành lập năm 2011, HijUp là một nền tảng trực tuyến dành cho các nhà thiết kế thời trang chuyên tâm vào các sản phẩm thời trang phục vụ phụ nữ Hồi giáo. Website này bán nhiều mặt hàng, từ quần áo, phụ kiện, túi xách, giầy dép, cho tới hijab (khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo khi tới nơi công cộng). Công ty này không những chỉ phân phối hàng hóa ở Indonesia mà còn xuất khẩu sang nước ngoài. Năm 2015, HijUp nhận được các khoản tài trợ hạt giống từ giới đầu tư, trong đó có hai quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu của Mỹ là 500 Startups và Fenox Venture Capital.
 
 
Diajeng Lestari, nhà sáng lập công ty, cho biết cô xây dựng HijUp với mong muốn được giúp cho những phụ nữ Hồi giáo cảm thấy tự tin trong khi vẫn đội khăn hijab. Theo cô, điểm khác biệt của HijUp là họ có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong quá trình lựa chọn sản phẩm, được chia thành ba tiêu chí lớn: chất lượng, sự sáng tạo, và cá tính riêng. Website của HijUp còn có cả một blog chuyên giới thiệu các cách đội khăn hijab, các mẹo làm đẹp, và thậm chí cả công thức làm đẹp.
 
 
4. Halaltrip
 
 
Halaltrip là một công ty có trụ sở tại Singapore chuyên cung cấp ứng dụng và website về du lịch với những thông tin hướng dẫn về địa điểm du lịch, sân bay, nhà hàng, đền thờ,… nhằm giúp du khách Hồi giáo có đầy đủ thông tin để ra quyết định cho chuyến du lịch của mình. Công ty này được mua lại vào năm 2013 bởi CrescentRating, một công ty xếp hạng các dịch vụ du lịch dành cho người Hồi giáo, nhờ vậy, Halatrip còn có thể tận dụng cơ sở dữ liệu từ công ty mẹ để đưa ra những gợi ý du lịch dựa trên đánh giá của chính các du khách Hồi giáo.
Người sử dụng có thể đặt dịch vụ du lịch trọn gói hoặc đặt phòng khách sạn trên website này, ngoài ra website còn cung cấp địa chỉ của các nhà hàng phục vụ đồ ăn halal gần địa điểm của người sử dụng. Nhưng tính năng quan trọng hơn cả là khi cài đặt ứng dụng Halaltrip, người sử dụng còn được thông báo về thời gian cầu nguyện trong ngày và các đền thờ ở gần nơi họ đang đứng. Không dừng lại ở đó, ứng dụng này còn có chức năng tính giờ cầu nguyện trên máy bay dành cho người đang di chuyển và chức năng định hướng Qibla để chỉ xác định hướng của tòa nhà thiêng Kaaba tại thánh địa Mecca, hướng cầu nguyện của người theo đạo Hồi.
 
 
Đăng Quang dịch theo Inc-asean.com

Đại học tư thục, không vì lợi nhuận của Mỹ: Những thuộc tính nổi trội *

Bài này chủ yếu cung cấp cho độc giả Việt Nam thêm một góc nhìn về một nền giáo dục tư thục của Mỹ từ lâu đã được thế giới công nhận là nổi trội về mặt quy mô và uy tín chất lượng. Từ góc nhìn này, các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các nhà quản trị giáo dục và công chúng Việt Nam, nhất là các doanh nhân và những người làm giáo dục, làm từ thiện xã hội có thể hiểu căn cơ hơn về các vấn đề mà đại học tư thục Việt Nam đang gặp phải, từ đó có thể tự tìm ra giải pháp thiết thực nhất và hiệu quả nhất, phù hợp với bối cảnh đặc thù của Việt Nam.
 
Thư viện của Boston College.
 
Mô hình giáo dục đại học tư thục, không vì lợi nhuận (ĐHTT KVLN) của Mỹ đến nay đã tồn tại gần bốn thế kỷ, kể từ khi ngôi trường đại học tư thục đầu tiên – Đại học Harvard – ra đời năm 1636. Hiện nay, trong số hơn 4.000 cơ sở đào tạo bậc cao đẳng và đại học thì số lượng các trường tư thục chiếm hơn một nửa. Số sinh viên theo học các trường tư thục chiếm khoảng 20-25% tổng số sinh viên cả nước. Nếu xếp theo loại hình, thì số trường tư thục không vì lợi nhuận (not-for-profit) chiếm 90% trong tổng số các trường tư thục trên cả nước2. 
 
 
 
Trong khuôn khổ của bài này, tác giả chọn trường Đại học Boston (Boston College), sau đây gọi là BC nằm ở bờ Đông nước Mỹ để tìm hiểu sâu vì đây là khu vực tập trung nhiều trường đại học tư thục danh tiếng. BC do các cha Dòng Tên sáng lập năm 1863, các đời hiệu trưởng cho đến nay đều là các linh mục. Các ngành đào tạo tập trung trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Nội dung chương trình đào tạo không hề lồng ghép nội dung liên quan đến tôn giáo, ngoại trừ khoa Thần học (School of Theology and Ministry). Các lãnh đạo từ cấp cao, ngoại trừ hiệu trưởng, đến cấp thấp, nhân viên và sinh viên của trường không nhất thiết là người theo đạo Công giáo. Quy mô sinh viên bậc đại học và sau đại học là 14.700. Sinh viên quốc tế chiếm chỉ 5%. Sinh viên thuộc dân tộc thiểu số chiếm 32%. Sinh viên nữ chiếm 54%. Tỉ lệ tuyển sinh 34%. Đội ngũ giảng viên có 800 người (93% có học vị tiến sĩ).
 
Vị trí, vai trò các thành viên Hội đồng tín thác và Hiệu trưởng
 
Về mặt pháp lý, Hội đồng tín thác (Board of Trustees), sau đây gọi là “Hội đồng”, tại các trường ĐHTT KVLN ở Mỹ là pháp nhân sở hữu nhà trường, có thẩm quyền tối cao, quyết định các vấn đề lớn thuộc về nhân sự cấp cao, chính sách, chiến lược phát triển trường. Hội đồng của BC có 50 thành viên. Hội đồng của trường bao gồm các cựu sinh viên (đa số hiện nay là các doanh nhân thành đạt), các nhà tài trợ, các nhân vật có uy tín, có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực giáo dục và xã hội nói chung. Họ không nhất thiết phải có tiền đóng góp cho nhà trường và nếu có đóng góp thì họ cũng không trông đợi vào nguồn lợi ích tài chính từ phần đóng góp của họ. Quyền bỏ phiếu của các thành viên Hội đồng là ngang nhau cho dù họ có đóng góp nhiều hay ít. Nói tóm lại, các thành viên Hội đồng không nhận bất cứ một khoản lợi ích tài chính nào từ trường. Họ hoàn toàn tự nguyện đóng góp tiền bạc, uy tín cá nhân và thời gian cho trường.
 
Về chế độ làm việc, các thành viên của Hội đồng hoạt động theo nhiệm kỳ. Ví dụ, các thành viên của Hội đồng tại BC có thể được bổ nhiệm tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Mỗi nhiệm kỳ kéo dài ba năm. Nếu một thành viên muốn tiếp tục tham gia Hội đồng sau khi đã mãn nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp thì bắt buộc phải nghỉ một năm, sau đó mới có thể được xem xét bổ nhiệm lại. Trong một năm “nghỉ ngơi” này, thành viên có thể tham dự các cuộc họp của các ủy ban trực thuộc nhưng không có quyền bỏ phiếu. Ủy ban thường trực của Hội đồng có thẩm quyền xem xét và quyết định bổ nhiệm nhân sự của Hội đồng. Hội đồng có chức năng giám sát các hoạt động của nhà trường và quyết định các vấn đề quan trọng thông qua hoạt động của các hội đồng trực thuộc (committee) hay còn gọi là các tiểu hội đồng như tiểu hội đồng tài chính, ngân sách, xây dựng,  học thuật, đầu tư, sinh viên,..
 
Về mặt nhân sự cấp cao vận hành trường, Hội đồng quyết định tuyển dụng Hiệu trưởng theo cơ chế sau: khi trường có nhu cầu tuyển dụng Hiệu trưởng, một ủy ban tìm kiếm (search committee) trực thuộc Hội đồng được thành lập. Thành viên của ủy ban này bao gồm một số thành viên Hội đồng, lãnh đạo cấp trung, đại diện các khoa. Ủy ban này có thể thuê một công ty chuyên tư vấn và “săn” đầu người giới thiệu một danh sách các ứng viên Hiệu trưởng. Danh sách này có thể lên đến 200 ứng viên, trong đó 70% là các ứng viên đến từ bên ngoài trường. Từ danh sách này, bốn ứng viên năng lực nhất sẽ được chọn để phỏng vấn tuyển chọn. Sau cùng, ủy ban tìm kiếm sẽ giới thiệu hai ứng viên cho Hội đồng để xem xét, tuyển chọn một và bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng. Tùy theo quy định và truyền thống của từng trường, Hiệu trưởng có thể được mời làm thành viên Hội đồng.
 
Hiệu quả lãnh đạo và điều hành của Hiệu trưởng sẽ quyết định thời gian được tuyển dụng, bổ nhiệm và mức lương được hưởng. Hiệu trưởng thực thi thẩm quyền cao nhất đối với mọi hoạt động thường xuyên và thường nhật của nhà trường từ nhân sự, tài chính, hoạt động sinh viên, cựu sinh viên đến học thuật nói chung. Điều đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến chương trình và nội dung đào tạo, kể cả các hoạt động liên quan đến học thuật khác thuộc toàn quyền quyết định của các giáo sư và các khoa chuyên môn.
 
Hội đồng và Hiệu trưởng hoàn toàn không can thiệp vào các vấn đề học thuật của các khoa, ngoại trừ khi có xảy ra các vụ tranh cãi hay khiếu nại mà không thể giải quyết ở cấp khoa. Trong quá trình vận hành trường, nếu có khiếu nại hay phản ánh của các giáo sư, giảng viên về Hiệu trưởng thì Hội đồng và các tiểu hội đồng có liên quan sẽ họp bàn và đưa ra quyết định giải quyết sau cùng, đảm bảo tính minh bạch, công minh và tôn trọng đối với các bên. Nếu không thể giải quyết được trong phạm vi Hội đồng, tức khi giữa các bên xảy ra kiện tụng thì sự vụ sẽ được xem xét, giải quyết theo đúng quy trình tố tụng của pháp luật.
 
Trong lịch sử phát triển các trường ĐHTT KVLN tại Mỹ hầu như hiếm xảy ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa các thành viên Hội đồng và Hiệu trưởng. Thiết nghĩ chính cơ cấu tổ chức và chức năng giữa các bên được xác lập một cách rạch ròi, hợp lý, hoàn toàn không có sự chồng chéo lên nhau. Đó là về nguyên tắc. Còn về mặt cá nhân, thì sự tin tưởng và tôn trọng của Hội đồng đối với Hiệu trưởng là tuyệt đối. Ngược lại, tinh thần trách nhiệm của Hiệu trưởng trước Hội đồng cũng tuyệt đối tương tự. Một yếu tố quan trọng không kém khác là giữa họ hoàn toàn không có lợi ích kinh tế xen vào và cũng không có nhóm lợi ích kinh tế chi phối quá trình ra quyết định, vận hành trường. Thành viên Hội đồng không nhận bất cứ lợi ích tài chính nào cho dù họ có đóng góp cho trường hàng triệu dollars. Đây có thể được xem là thuộc tính điển hình, quan trọng trong tổ chức bộ máy cấp cao và hành xử của từng cá nhân lãnh đạo cấp cao trong mô hình trường ĐHTT KVLN của Mỹ. Bù lại, các khoản đóng góp của họ sẽ được chính phủ miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân và danh tính của họ sẽ được trân trọng, tôn vinh và lưu truyền xuyên suốt lịch sử nhà trường thông qua việc tên các khoa, các tòa nhà, các trung tâm, các tổ chức trực thuộc trường được đặt tên theo danh tính của họ.
 
Các Hiệu trưởng có đóng góp nổi trội cho trường cũng được tôn vinh tương tự. Một hình thức phổ biến là danh tính của họ trở thành danh hàm giáo sư phong cho các giảng viên uy tín thuộc hàng bậc nhất nhì hiện tại của Trường. Thí dụ, J. Donald Monan, SJ, Hiệu trưởng thứ 24 của ĐH Boston, giữ chức vụ Hiệu trưởng lâu đời nhất trong lịch sử của BC (1972-1996), tên ông được vinh dự trở thành danh hàm của các hàm giáo sư. Tiến sĩ Philip Altbach trong thời gian công tác tại trường (1995-2013), là giám đốc sáng lập và điều hành Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế (Center for International Higher Education – CIHE) tại BC được phong hàm giáo sư với danh hàm cụ thể như sau: “Philip G. Altbach, J. Donald Monan, SJ University Professor at Boston College”.
 
Đặc điểm và cơ chế vận hành tài chính
 
Nguồn thu của các trường ĐHTT KVLN tại Mỹ nói chung chủ yếu đến từ: học phí và phí (tuition and fees), thu nhập từ các khoản hiến tặng3 (income of endowments), tài trợ cho nghiên cứu của giảng viên (grants for research), hỗ trợ học phí (finanaical aids) từ nguồn của chính phủ và của trường; và học bổng (scholarships/fellowships) cho sinh viên và các nguồn vận động hằng năm khác (annually raised funds). Chẳng hạn như ngân sách hoạt động của BC hằng năm khoảng 1 tỉ USD, trong đó nguồn ngân sách đến từ học phí và phí chiếm 70%, từ thu nhập của các khoản hiến tặng (lũy kế đến năm 2014 là 2,2 tỉ USD) chiếm 10%, tài trợ của chính phủ và các doanh nghiệp cho nghiên cứu chiếm 10% và các nguồn vận động hằng năm chiếm 10%. Về chi tiêu, BC sử dụng khoản 15-30% để chi cho lương; tài trợ cho sinh viên đại học và sau đại học chiếm một phần rất nhỏ (150.000 USD), còn lại chi cho các hoạt động thường xuyên, bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất và tái đầu tư cơ sở vật chất.
 
Bộ phận tài chính của trường được ví như một công ty tài chính. Họ tư vấn chiến lược và phương thức vận hành tài chính để “tiền đẻ ra tiền”, tức sử dụng các nguồn thu sao cho có thể tạo ra thêm thu nhập cho trường một cách hiệu quả và hợp pháp. Ngoài ra, họ còn có đội ngũ vận động gây quỹ chuyên nghiệp thông qua hoạt động của các hội cựu sinh viên, mối quan hệ với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính. Điều quan trọng không kém là đội ngũ các giáo sư và nhà nghiên cứu có uy tín của trường cũng đã góp phần mang lại nguồn thu lớn cho nhà trường thông qua các đề án nghiên cứu được chính phủ và các tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tài trợ.
 
Cơ chế quản lý và chính sách của nhà nước đối với các trường ĐHTT KVLN
 
Cơ chế quản lý của nhà nước
 
Tại Mỹ, về nguyên tắc, không có cơ quan nhà nước cụ thể nào của chính phủ được phân công quản lý các trường cao đẳng, đại học công lập và tư thục mặc dù chính quyền liên bang và tiểu bang đều có các chương trình hỗ trợ tài chính cho các trường thông qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, các trường buộc phải tuân thủ nghiêm luật lệ và quy định của cấp liên bang và tiểu bang. Thí dụ, các quy định về phòng, chống phân biệt chủng tộc, lạm dụng/quấy rối tình dục, quy định về thuế, về tạo thu nhập, quản lý tài sản, về xử lý chất độc hại,… nhằm để đảm bảo an toàn, an ninh, và quyền lợi của các thành viên trong trường. Đôi khi những quy định này được xem là “quá tải” đối với trường. Tính đến năm 2012, đã có đến 270 quy định được ban hành và cập nhật bổ sung của chính phủ liên bang chi phối hoạt động của các trường trên toàn quốc4.
 
Chính sách của Nhà nước
 
Ở Mỹ, các cơ sở đào tạo công lập và tư thục đều có cơ hội ngang nhau trong tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính từ chính quyền liên bang. Cụ thể như sau:
 
Các nguồn hỗ trợ sinh viên (Financial aids)
 
Nguồn lớn nhất là các khoản vay ưu đãi trực tiếp cho sinh viên căn cứ vào nhu cầu của bản thân các sinh viên. Khi được hỗ trợ các khoản vay này, sinh viên có thể nộp hồ sơ xin nhập học ở bất cứ cơ sở đào tạo nào mà họ muốn. Theo thống kê, hằng năm chính phủ liên bang đã chi khoảng 150 tỉ USD cho chương trình này. 
 
Các nguồn tài trợ cho nghiên cứu (research grants)
 
Chương trình tài trợ nghiên cứu được xem xét cấp cho các trường đại học trên cơ sở cạnh tranh công bằng, không phân biệt trường công hay tư. Cơ chế này đã tồn tại trong nhiều thập niên. Cụ thể, trong năm tài khóa 1974 (năm học 1973-1974), chính phủ liên bang đã tài trợ tổng cộng 4,46 tỉ USD cho các cơ sở đào tạo để hỗ trợ sinh viên, giảng viên… Tài trợ cho các trường công chiếm 60,8% và trường tư chiếm 39,2%. Gần phân nửa số tiền này tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển; các cơ sở tư thục chiếm 42% tổng nguồn tài trợ và công lập chiếm 52%. Kể từ năm học 1973-1974, số sinh viên được tuyển vào các trường tư thục chiếm 25% tổng số sinh viên cả nước và số trường tư thục chiếm 56% trong tổng số các trường cao đẳng, đại học của cả nước. Điều này chứng tỏ các nguồn hỗ trợ của chính phủ liên bang có phần ưu ái cho các trường tư thục hơn nếu xét trên quy mô sinh viên và cho các trường công hơn nếu xét trên quy mô số lượng trường5.
 
Chính sách ưu đãi thuế (tax incentives)
 
Chính phủ cấp liên bang từ nhiều thập niên qua đã áp dụng chính sách miễn và giảm thuế thu nhập cá nhân cho các nhà tài trợ và đóng góp tài chính cho các trường, bất kể là trường công hay tư. Với chính sách này dù chính phủ bị thất thu thuế, nhưng đã mang một giá trị xã hội to lớn. Đó là kích thích và tạo điều kiện thiết lập một truyền thống, một nét văn hóa hiến tặng của các thành phần xã hội có nguồn lực tài chính mạnh cho giáo dục.Vào những thập niên 1970, chính phủ liên bang đã thất thu hằng năm khoảng 780 triệu USD từ việc miễn giảm thuế thu nhập cho các cá nhân, tổ chức đóng góp cho các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận. Trong giai đoạn này, sinh viên các trường đại học tư thục chỉ chiếm ¼ tổng số sinh viên cả nước, nhưng họ lại nhận đến ¾ tổng số tiền hiến, tặng của xã hội dành cho giáo dục6.
 
Nhìn chung, cơ chế quản lý và chính sách của Chính phủ Mỹ đối với các cơ sở đào tạo đại học nói chung, trong đó có đại học tư thục đã tạo ra cơ chế cạnh tranh lành mạnh, giống nguyên tắc thị trường (competitive and market-like mechanisms­), không phân biệt giữa trường công lập và tư thục, ngay cả chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên và giảng viên. Đồng thời, mang tính hiệu quả cao về mặt xã hội lẫn kinh tế mặc dù gần đây nhiều nghiên cứu đã lên tiếng về khả năng tiếp cận đại học của giới trẻ Mỹ gặp nhiều khó khăn do hậu quả của suy thoái kinh tế. Chính sách quản lý của chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng vào năng lực và tôn trọng quyền tự trị của các trường, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến học thuật. 
 
***
Lời kết
 
Như vậy, qua nghiên cứu điển hình hai trường ĐHTT KVLN của Mỹ và các tài liệu quan trọng có liên quan, cho thấy ba thuộc tính nổi bật nhất về mặt tổ chức và tài chính của hai cơ sở đào tạo đại học này là: (1) tính vô vị lợi trong thực thi vai trò lãnh đạo của đội ngũ lãnh đạo cấp cao trong các trường; (2) tính đa dạng trong nguồn thu và (3) tính chuyên nghiệp trong quản lý, vận hành tài chính của các trường. Vai trò quản lý và chính sách của nhà nước cũng thể hiện ba thuộc tính đặc trưng nhất – công bằng, hiệu quả, tin tưởng- tôn trọng quyền tự quyết của các trường trong mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trong tổ chức nội bộ và hoạt động học thuật. 
 
Thiết nghĩ những thuộc tính vừa nêu đối với góc độ từng trường và góc độ nhà nước là không thể tách rời nhau, tức không thể có cái này mà không có cái kia nếu một quốc gia muốn nền giáo dục ĐHTT KVLN tồn tại và phát triển một cách bền vững, có đủ năng lực tạo ra nguồn nhân lực thực sự có chất lượng cao cho xã hội. 
 
Từ đó, thiết nghĩ để Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến giáo dục đại học tư thục thực tế đang diễn ra ngày càng căng thẳng trong những năm gần đây thì quan điểm của cả hệ thống chính trị đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải thay đổi theo hướng giải phóng cho các trường khỏi những thiết chế cứng nhắc, rập khuôn mà vô hình trung đã can thiệp thô bạo vào quyền tự trị cần có của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Sự thay đổi quan điểm phải được thể hiện trước tiên thông qua việc cải đổi hành lang pháp lý và chính sách của nhà nước. Hành lang pháp lý và chính sách của nhà nước ít nhất cần đảm bảo hàm chứa bên trong ba thuộc tính sau: (1) công bằng đối với lĩnh vực công và tư; (2) hiệu quả, thiết thực trong từng khoản hỗ trợ; và (2) tin tưởng – tôn trọng năng lực, tính độc lập của các trường, nhất là trong các vấn đề liên quan đến tổ chức và học thuật; từ đó mới mong gầy dựng được nền quản trị đại học chuyên nghiệp và một nền tự do học thuật thực sự, mở đường cho tư duy độc lập và phát huy tối đa năng lực trí tuệ, sáng tạo của thế hệ trẻ và đội ngũ tri thức tại các trường.
 
Và cũng thiết nghĩ một khi hành lang pháp lý và chính sách nhà nước đã hàm chứa ba thuộc tính nêu trên thì vấn đề tổ chức nội bộ và cơ chế vận hành tài chính của các trường ắt sẽ thay đổi theo chiều hướng không vì lợi nhuận đúng nghĩa (không bị méo mó, lai tạp như hiện nay) và mang tính chuyên nghiệp cao. 
———-
Tài liệu tham khảo
Breneman, D. W., & Finn, J. C. (1978). Public Policy and Private Higher Education [Chính sách công và giáo dục đại học tư thục]. Washington D.C: The Brooklines Institution.
Chronicle of Higher Education, Almanac of Higher Education 2014-2015. (Đăng ngày 22/8/2014). LX, No.45. Truy cập ngày 10/5/2015, từ http://chronicle.texterity.com/almanac/201415almanac/?sub_id=BcumDZFZ9Q1Kj#pg3
Dữ liệu gỡ băng các cuộc phỏng vấn các nhà quản trị và chuyên gia giáo dục đại học tại BC và Upenn từ ngày 20/4-07/5/2015.
Gravel, J., & Sherlocks, M. (2013). Tax Issues Relating to Charitable Contributions and Organizations [Các vấn đề thuế liên quan đến các khoản đóng góp và các tổ chức từ thiện]. Congressional Research Service. Truy cập ngày 10/5/ 2015, từ http://www.pgdc.com/pgdc/crs-reports-tax-issues-relating-charitable-contributions-and-organizations.
The National Center for Education Statistics [Trung tâm thống kê giáo dục quốc gia], Institute of Education Sciences [Viện khoa học giáo dục], U.S. Department of Education [Bộ Giáo dục Mỹ]. (2014). Grants and loan aid to undergraduate students [Các nguồn tài trợ và vay ưu đãi cho sinh viên bậc đại học].
Zumeta, W. (2011). State Policies and Private Higher Education in the U.S.A: Understanding the Variation Comparative Perspective [Chính sách tiểu bang và giáo dục đại học tư thục tại Mỹ: tìm hiểu mức độ dao động trên cơ sở so sánh]. Journal of Comparative Policy Analysis: Research and Practice, 13(4), 425-442.
10 Universities that Receive The Most Government Money [10 trường đại học nhận nhiều tiền của chính phủ nhất]: 24/7 Wall St. (29/4/2013). Truy cập ngày 15/5/2015, từ http://www.huffingtonpost.com/2013/04/27/universities-government-money_n_3165186.html?
——
*Nội dung bài này chỉ là một phần trong đề tài nghiên cứu về các vấn đề nổi cộm của đại học tư thục tại Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ Mỹ, được thực hiện tại Việt Nam và Mỹ năm 2015 dưới sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), Trường Đại học Temple (Mỹ) và Quỹ LUCE Foundation. Nội dung bài không phản ánh quan điểm của các bên hỗ trợ mà chỉ nêu bật kết quả thu thập được trong quá trình nghiên cứu của cá nhân tác giả.
2Breneman, D. W., & Finn, J. C. (1978). Public Policy and Private Higher Education [Chính sách công và giáo dục đại học tư thục]. Washington D.C: The Brooklines Institution; và Chronicle of Higher Education, Almanac of Higher Education 2014-2015. (Đăng ngày 22/8/2014). LX, No.45. Truy cập ngày 10/5/2015, từ http://chronicle.texterity.com/almanac/201415almanac/?sub_id=BcumDZFZ9Q1Kj#pg3
3 Thu nhập của các nguồn hiến tặng có thể bao gồm các khoản sau: tiển lãi gửi tiết kiệm ngân hàng, lãi từ việc đầu tư cổ phiếu, đầu tư tài chính,…
4 Dữ liệu từ cuộc phỏng vấn một học giả ở Upenn, đồng thời là thành viên của Hội đồng các Thành viên tín thác và Cựu Sinh viên Mỹ (American Council of Trustees and Alumni)
5Breneman, D. W., & Finn, J. C. (1978). Public Policy and Private Higher Education. Washington D.C: The Brooklines Institution
6Breneman, D. W., & Finn, J. C. (1978). Public Policy and Private Higher Education [Chính sách công và giáo dục đại học tư thục]. Washington D.C: The Brooklines Institution