Chính sách liên quan đến khoán chi tiền điện thoại đối với đơn vị sự nghiệp

(Taichinh) – Cơ quan tôi là đơn vị sự nghiệp thực hiện theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006. Tôi đang xây dựng lại Quy chế chi tiêu nội bộ, CBVC cơ quan thống nhất đưa các khoản chi sau vào khoán chi: khoán tiền điện thoại cho Giám đốc Ban,Trưởng, phó phòng, Trạm Trưởng trực thuộc Ban mức 100.000/tháng hạch toán vào mục 6618.
 
 
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Xin hỏi việc chi khoán như vây là có đúng quy định không? Tôi đã tìm hiểu các văn bản liên quan nhưng không có quy định về các khoản khoán chi trên nhưng trong nghị định 43 và các thông tư hướng dẫn thì đơn vị có quyền quyết định các khoản chi nhưng phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ có đúng không?
 
Với nội dung này, Bộ Tài chính có hướng dẫn như sau:
 
Điểm e, khoản 2, mục VII Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đã quy định:
 
“ Đối với một số tiêu chuẩn, định mức và mức chiđơn vị sự nghiệp phải thực hiện đúng các quy định của nhà nước:
 
– Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô;
 
– Tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc;
 
– Tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động;
 
– Chế độ công tác phí nước ngoài;
 
– Chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam;
 
– Chế độ quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia;
 
– Chế độ sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao;
 
– Chế độ chính sách thực hiện tinh giản biên chế (nếu có);
 
– Chế độ quản lý, sử dụng vốn đối ứng dự án, vốn viện trợ thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước;
 
– Chế độ quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
 
Riêng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước, cấp bộ, ngành theo hướng dẫn của Bộ Tài chính-Bộ Khoa học và công nghệ.”.
 
Do vậy, việc khoán tiền điện thoại của quý cơ quan đề nghị thực hiện theo quy định trên.
 
 
Theo mof.gov.vn
 

Tăng tính khả thi và góp phần bảo hộ doanh nghiệp Việt một cách hợp lý

(Taichinh) – Ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế. Với hiệu lực thi hành sớm kể từ ngày 01/07/2016, Luật thể hiện các thông điệp chính sách nhằm đơn giản công tác quản lý thuế, tăng tính khả thi trong tuân thủ, đồng thời bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam một cách hợp pháp trong bối cảnh hội nhập sâu hơn từ năm 2018.
 
 
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
 
1- Sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12
 
Một là, Tiếp theo những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 31/2013/QH13, thuế GTGT kiên trì thực hiện nguyên tắc đối xử công bằng giữa hàng nông sản nhập khẩu và hàng nông sản được sản xuất trong nước, bảo đảm sự bình đẳng giữa DN trong nước và DN nước ngoài. Từ thực tiễn thi hành Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, Thông tư số 219/2013/TT-BTC, số 26/2015/TT-BTC, quy định về thuế đối với hàng nông sản được kế thừa và bổ sung thêm nội dung nhằm vừa tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, vừa ngăn chặn việc lợi dụng để hoàn thuế đối với nông sản xuất khẩu.
 
Theo đó, Khoản 1, điều 5 Luật thuế GTGT nay được sửa đổi theo hướng: “Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và các mặt hàng này ở khâu nhập khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tại khâu kinh doanh tiếp theo, các DN, hợp tác xã (là người nộp thuế theo phương pháp khấu trừ) có mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường để bán cho DN, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
 
Với quy định này, các DN, hợp tác xã kinh doanh hàng nông sản trong thị trường nội địa sẽ vừa tiết kiệm được chi phí tài chính do không phải bỏ tiền nộp thuế trước đối với hàng nông sản khi mua vào hoặc nhập khẩu; đồng thời bảo đảm được quyền khấu trừ thuế đầu vào đối với các chi phí trong khâu lưu thông có đóng góp làm tăng giá trị của hàng hoá nông sản (như chi phí đóng gói, xử lý, bảo quản, vận tải, quản lý,…).
 
Hai là, Mở rộng diện đối tượng không chịu thuế GTGT (nội dung tại khoản 9, điều 5 Luật thuế GTGT) đối với các hoạt động dịch vụ mang tính bảo trợ, an sinh xã hội, như: Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; nay bổ sung thêm dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật cũng thuộc diện không chịu thuế GTGT để người cao tuổi, người khuyết tật có cơ hội thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dưỡng lão với mức giá hợp lý.
 
Ba là, Luật quy định cụ thể, rõ ràng tiêu chí trong phân loại tài nguyên làm cơ sở thiết kế các chính sách khuyến khích chế biến sâu, hạn chế và không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên dạng thô, khoáng sản chưa qua chế biến, hoặc có giá trị chế biến thấp.
 
Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ không áp dụng thuế suất 0% và cũng không thực hiện việc khấu trừ thuế đầu vào đối với: “Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị gía tài nguyên, khoáng sản công với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.”. Nội dung về tiêu chí 51% được thể hiện trong sửa đổi khoản 23 của điều 5 và quy định không áp dụng thuế suất 0% được thể hiện sửa đổi tại cuối khoản 1 của điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục kế thừa và quy định rõ hơn đối với các trường hợp xuất khẩu ra nước ngoài nhưng không được áp dụng thuế suất 0% (gồm các hoạt động: Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn ra nước ngoài, dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông chiều đi ra nước ngoài; sản phẩm xuất khẩu tài nguyên khoáng sản nêu trên.)
 
Bốn là, Không thực hiện hoàn thuế GTGT đối với sản xuất kinh doanh khâu nội địa nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường biện pháp quản lý, giảm bớt tồn kho, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hoá. Đồng thời xoá bỏ tình trạng khó khăn lâu nay là: trong một doanh nghiệp có tháng thì được hoàn thuế, nhưng có tháng phải nộp thuế; nhiều khi số thuế đề nghị hoàn đang bị khoanh lại nhưng doanh nghiệp phải bỏ tiền nộp thuế ngay. Quy định về hoàn thuế GTGT tại điều 13 Luật thuế GTGT sẽ có 03 nội dung mới được sửa đổi, bổ sung như sau:
 
(i). Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo (thay cho quy định hiện nay là được hoàn thuế nếu doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào luỹ kế 12 tháng chưa được khấu trừ hết).
 
(ii). Trường hợp cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư mới, có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào đang sử dụng cho đầu tư mà doanh nghiệp chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, sẽ không được hoàn số thuế GTGT chưa được khấu trừ của dự án đầu tư, mà chuyển sang kỳ tiếp theo để khấu trừ đối với các trường hợp:
 
+ Dự án đầu tư của doanh nghiệp không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động;
 
+ Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 017/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.
 
(iii). Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế theo tháng, quý.
 
Tuy nhiên, việc hoàn thuế sẽ không áp dụng trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu mà không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật hải quan. Bên cạnh đó, Luật có quy định mới tạo thuận lợi và nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về thuế và hải quan, đó là áp dụng chế độ ưu tiên là:Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế là doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu mà trong 2 năm liên tục không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan và người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế.
 
Sửa đổi quy định về hoàn thuế cũng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng trốn thuế, lợi dụng hoàn thuế đối với những doanh nghiệp lâu nay làm ăn bất chính do tận dụng quy định được khấu trừ toàn bộ thuế đầu vào trong khi họ bán hàng không xuất hoá đơn đầu ra. Với quy định mới mà DN vẫn làm như trước thì tự chịu lấy toàn bộ số thuế đầu vào không được khấu trừ, NSNN cũng sẽ giảm được rủi ro khâu hoàn thuế.
 
2- Sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12
 
Tiếp theo nội dung sửa đổi về thuế suất và lộ trình áp dụng thuế suất đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 70/2014/QH13), việc sửa đổi lần này có mục tiêu lớn hơn. Theo đó, sẽ xây dựng môi trường khi doanh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp hàng hoá chịu thuế TTĐB được sản xuất trong nước, khắc phục các “lỗ hổng chính sách” từ thực tiễn quản lý hàng nhập khẩu, đồng thời định hướng tiêu dùng mặt hàng ôtô du lịch cá nhân dưới 24 chỗ ngồi:
 
Một là, sửa quy định về giá tính thuế (quy định tại điều 6 Luật thuế TTĐB): Đây là nội dung quan trọng nhất và được rất nhiều ý kiến trao đổi tại diễn đàn Quốc hội cũng như có sự tranh luận gay gắt giữa các hiệp hội doanh nghiệp. Quy định mới sẽ bảo đảm sự bình đẳng về giá tính thuế, cách tính thuế và mức thuế giữa hàng hoá (thuộc diện chịu thuế TTĐB) được sản xuất tại Việt Nam với hàng hoá cùng loại được nhập khẩu.
 
Với mục tiêu xây dựng môi trường khi doanh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp hàng hoá chịu thuế TTĐB được sản xuất trong nước, khắc phục các bất cập trong chính sách, hạn chế tối đa sự lợi dụng tại khâu nhập khẩu, Luật quy định giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra như đang áp dụng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
 
Thay cho quy định lâu nay đang thực hiện là tính thuế TTĐB trên giá CIF (giá nhập khẩu) cộng với (+) thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ được bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài vì sẽ khắc phục được tình trạng lâu nay là khai giá thấp trên hợp đồng ngoại, khai thấp trị giá hải quan để trốn tránh các loại thuế tại khâu nhập khẩu, bao gồm cả thuế NK, thuế TTĐB và thuế GTGT.
 
Hai là, Luật sửa đổi lần này có quy định mới nhằm ngăn ngừa việc né tránh thuế TTĐB của các doanh nghiệp sử dụng mô hình tổ chức công ty mẹ, công ty con, mô hình liên kết, công ty sở hữu chéo,… vừa thực hiện hành vi chuyển giá để né thuế TTĐB tại khâu đầu, vừa dịch chuyển lãi sang các khâu sau thông qua việc quy định mức giá bán giữa các công ty trong nhóm liên kết.
 
Quy định mới là: “Trường hợp hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được bán cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con; hoặc mua/bán giữa các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất; hoặc mua/bán giữa cơ sở kinh doanh thương mại mà có mối quan hệ liên kết với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn tỷ lệ % so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra theo quy định của Chính phủ”.
 
Căn cứ vào quy định này, khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sẽ có quy định cụ thể về tỷ lệ % áp dụng phù hợp với đặc điểm của từng loại mặt hàng (ví dụ tỷ lệ % chiết khấu trong khâu thương mại của mặt hàng rượu bia sẽ phải cao hơn tỷ lệ % áp dụng đối với mặt hàng ô tô, khác với tỷ lệ % quy định đối với mặt hàng thuốc lá.
 
Ba là, sửa đổi quy định về biểu thuế, mức thuế TTĐB áp dụng đối với mặt hàng ô tô du lịch dưới 24 chỗ ngồi (sửa quy định tại Khoản 4, Mục I Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Điều 7 của Luật thuế TTĐB số 70/2014/QH13) nhằm mục tiêu định hướng tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường. Cụ thể như sau:
 
(i)- Luật số 70/2014/QH13 quy định mức thuế suất TTĐB (45%, 50% và 60%) áp dụng đối với mặt hàng ô tô du lịch chở người dưới 24 chỗ ngồi theo các tiêu chí: mức tiêu hao nhiên liệu qua dung tích xi lanh (cm3); số chỗ ngồi gắn với mục đích sử dụng xe và theo loại nhiêu liệu sử dụng có tác động ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, loại xe chở người dưới 10 chỗ ngồi thì áp dụng mức thuế suất 45% đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 2,000 cm3 trở xuống; áp thuế suất 50% đối với xe có dung tích xi lanh từ 2,000 cm3 đến dưới 3,000 cm3; đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 3,000 cm3 trở lên thì áp dụng thuế suất cao nhất là 60%.
 
Đối với loại xe chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ ngồi áp dụng thuế suất 30%; và mức thuế 15% áp dụng đối với xe từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi và xe được thiết kế vừa chở người kết hợp vừa chở hàng.
 
Đối với các loại xe chở người mà sử dụng năng lượng chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng thì áp dụng mức thuế suất thấp hơn, chỉ bằng 0,7 mức thuế suất của loại xe chạy bằng xăng mà có cùng dung tích xi lanh tương ứng (ví dụ 35% đối với xe có dung tích xi lanh từ 2,000 cm3 đến dưới 3,000 cm3 ; nếu cùng dung tích xi lanh này mà là xe chạy xăng thì áp thuế 50%).
 
(ii)- Luật sửa đổi ngày 06/4/2016 tuy vẫn giữ nguyên tắc quy định mức thuế suất phân biệt theo loại xe với các tiêu chí nêu trên nhưng thực hiện phân loại chi tiết hơn mức tiêu hao nhiên liệu qua chỉ số dung tích xi lanh và có quy định cụ thể lộ trình áp dụng cho 2 giai đoạn trước và sau 2018 (là năm hết lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết tự do hoá thương mại đã ký kết).
 
Về số lượng mức thuế suất đối với xe ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi sẽ bao gồm 14 mức thuế suất cơ bản, trong đó thuế suất thấp nhất là 5% và cao nhất là 150%. Loại xe có dung tích nhỏ hơn, tiêu hao năng lượng ít hơn sẽ được áp mức thuế thấp hơn và được giảm tiếp so với Luật hiện hành, do vậy mà những người có mức thu nhập trung bình khá trở xuống có thêm cơ hội sở hữu ô tô.
 
Đối với loại xe có du.ng tích xi lanh từ 2,000 cm3 trở lên, Luật quy định nhiều mức thuế cao hơn, chi tiết hơn và tăng dần đến mức thuế suất cao nhất là 150%. Ví dụ loại xe có dung tích xi lanh từ trên 2,500 cm3 đến 3,000 cm3 sẽ áp mức thuế suất 55% trong thời gian từ 01/7/2016 đến hết 31/12/2017 và kể từ 01/01/2018 sẽ áp mức thuế 60%. Đối với xe có dung tích xi lanh từ trên 3,000 cm3 đến 4,000 cm3 thì áp dụng ngay mức thuế suất 90% từ 01/7/2016. Tiếp theo, với mỗi 1,000 cm3 tăng thêm của dung tích xi lanh thì thuế suất được tăng thêm 20% tương ứng; loại xe có dung tích xi lanh trên 6,000 cm3 thì bị áp đặt mức thuế suất cao nhất (150%).
 
Bên cạnh đó, với mục tiêu định hướng khuyến khích sử dụng năng lượng sinh học nhằm bảo đảm thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, Luật có quy định áp mức thuế suất đặc biệt thấp đối với loại xe sử dụng năng lượng sinh học (chỉ bằng ½ mức thuế suất cơ bản đối với xe chạy bằng xăng có cùng mức dung tích xi lanh).
 
Cùng với quy định bổ sung cụ thể các mức thuế suất chi tiết, ứng với lộ trình hội nhập trong Biểu thuế, Luật sửa đổi lần này có bổ sung thêm vào diện áp thuế đối với các mặt hàng mới là: ôtô chạy bằng hoàn toàn năng lượng sinh học được quy định tại các dòng thuế 4(e): Dòng thuế 4(g) quy định mức thuế ôtô chạy bằng điện; và dòng thuế 4(h) áp thuế đối với xe Mô-tô-hôm.
 
Biểu thuế TTĐB áp dụng đối với ôtô và mô-tô-hôm từ ngày 01/7/2016
 
Nội dung mới (chữ in nghiêng) theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế ngày 06/4/2016
 
3- Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế
 
Nhằm nâng cao tính khả thi của Luật, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tăng niềm tin với người nộp thuế theo tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, vừa thể hiện giảm mức động viên đối với người nộp thuế nhỏ đồng thời với việc giảm bớt chi phí xã hội trong quản lý thuế,… Việc sửa đổi Luật quản lý thuế tập trung vào các điểm sau đây:
 
Một là, Sửa đổi nội dung về miễn, giảm thuế tại điều 61 của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 21/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH3) áp dụng với người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
 
Theo đó, cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp thuộc diện miễn thuế, giảm thuế được quy định tại các văn bản pháp luật về thuế và thực hiện miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hằng năm từ 50 nghìn đồng trở xuống. Tổng số thuế miễn, giảm theo quy định này hàng năm tuy không đáng kể trong tổng số thu ngân sách nhà nước, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn vì đại bộ phận người dân nông thôn, người lao động nghèo ở đô thị sẽ được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và cơ quan thuế cũng giảm được chi phí về nhân lực quản lý để tập trung vào quảtn lý các nguồn thu khác có hiệu quả hơn.
 
Hai là, Nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với những người nộp thuế có ý thức, thái độ tuân thủ pháp luật thuế nhưng hiện tại đang gặp khó khăn về tài chính, cần có thời gian để thu xếp nguồn tiền để nộp dần số thuế nợ, Luật có quy định: “Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế mà đã được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế (dãn nộp thuế) trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.” Việc nộp dần tiền nợ thuế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế gắn với điều kiện là họ phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.
 
Để bảo đảm công bằng với người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật và không nợ thuế, Luật vẫn có quy định tính lãi suất trả chậm theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đang được cơ quan thuế cho giãn thời hạn nộp.
 
Ba là, Quy định giảm mức tiền chậm nộp thuế 0,05%/ngày (lãi suất tính trên số tiền thuế chậm nộp) xuống mức thấp hơn là 0,03% để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm nhiều so với trước đây, bảo đảm tính khả thi của quy định xử phạt, đồng thời chia sẻ khó khăn với người nộp thuế. Theo đó, Luật quy định rằng: Nếu người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định và thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì ngoài việc phải nộp đủ tiền thuế, còn phải trả tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
 
Đối với các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước ngày 01/7/2016 mà người nộp thuế chưa nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN), kể cả khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thì cũng được chuyển sang áp dụng mức tính tiền chậm nộp theo tỷ lệ quy định tại khoản này từ ngày 01/7/2016. Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ. Tuy nhiên, số tiền chậm nộp thuế mà doanh nghiệp được miễn trừ chỉ giới hạn trong phạm vi không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán và phát sinh trong thời gian NSNN chưa thanh toán.
 
Ngoài ra, việc xoá nợ thuế cho các doanh nghiệp bị nợ thuế lâu ngày, có khó khăn, trong đó có cả doanh nghiệp được cổ phần hoá từ doanh nghiệp nhà nước trước đây, bị lỗ do hệ luỵ của cơ chế trước đây để lại tuy được đưa ra thảo luận tại kỳ họp nhưng không được Quốc hội chấp thuận./.
 
Theo tapchithue.com.vn
 

Hiện trạng và giải pháp đẩy mạnh quyền tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập

(Taichinh) – Những đổi mới về chính sách quản lý, cơ chế tài chính đối với khoa học và công nghệ thời gian qua đã được phát huy, đem lại những thành công mới, với những đóng góp thực chất trong đời sống kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế tri thức, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực và trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ, các nhà khoa học, các tổ chức kinh tế.
 
 
Những đổi mới về chính sách quản lý, cơ chế tài chính đối với khoa học và công nghệ thời gian qua đã được phát huy, đem lại những thành công mới. Nguồn: internet
 
Về nguồn lực tài chính đầu tư cho khoa học và công nghệ
 
Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng đầu tư của ngân sách nhà nước (NSNN) cho khoa học và công nghệ (KHCN) đã đảm bảo 2% tổng chi NSNN, đạt tốc độ tăng trung bình 17%/năm và là một trong các lĩnh vực có tốc độ tăng chi cao nhất trong chi NSNN. Xét trong cả giai đoạn, tổng chi NSNN cho KHCN cao gấp 5,6 lần so với giai đoạn 2001-2005 và gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, đầu tư cho KHCN còn chưa cao. Năm 2015, đầu tư từ NSNN cho KHCN đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 1 tỷ USD). Tổng đầu tư của toàn xã hội cho KHCN của Việt Nam hiện nay ước đạt dưới 1% GDP, trong khi Hàn Quốc là 3,1% và mức trung bình thế giới là 2,1%. NSNN vẫn là nguồn đầu tư chính (70%), đầu tư từ doanh nghiệp (DN) cho KHCN còn thấp.
 
Thực tế, Việt Nam chưa có nhiều công trình, sản phẩm KHCN mang tính đột phá ở tầm khu vực và thế giới. Các bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế có tốc độ tăng trung bình 22%/năm, nhưng giá trị tuyệt đối và chỉ số trích dẫn còn thấp, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực và thế giới. Số lượng đơn sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2001-2010 của người Việt Nam là 1.665 đơn, trong khi có 20.057 đơn của người nước ngoài; số bằng độc quyền sáng chế được cấp của người Việt Nam còn thấp hơn nhiều, chỉ đạt 257 văn bằng, kém 27 lần so với số văn bằng được cấp của người nước ngoài. Các sáng chế, giải pháp hữu ích của Việt Nam chủ yếu tập trung ở 2 lĩnh vực: Các nhu cầu đời sống con người và các quy trình công nghệ, giao thông
 
Tình hình thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập
 
Cùng với sự chuyển biến nhận thức về vai trò then chốt của KHCN trong phát triển kinh tế – xã hội, trong những năm qua môi trường pháp lý cho lĩnh vực này cũng được điều chỉnh theo hướng tạo nhiều thuận lợi và ưu đãi hơn cho hoạt động KHCN. Năm 2005, với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KHCN công lập, ngày 5/9/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp KHCN công lập (sau đây gọi là Nghị định 115). Bên cạnh đó, các tổ chức KHCN còn được quyền sản xuất, kinh doanh như DN; được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp công lập cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và hưởng mọi ưu đãi như DN. Việc ban hành cơ chế tự chủ quy định tại Nghị định 115 đã giải phóng được tiềm năng về nhân lực, tiềm lực của các tổ chức KHCN, được ví như “cơ chế khoán 10” trong KHCN. Các quy định này luôn được bổ sung, hoàn thiện nhằm giải phóng tối đa sức sáng tạo thúc đẩy, tạo điều kiện gắn kết quả KHCN với thực tiễn. Cụ thể:
 
Tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN: Tổ chức KHCN được quyền chủ động xác định nhiệm vụ KHCN; tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN các cấp theo cơ chế tuyển chọn, giao trực tiếp; liên kết hợp tác thực hiện nhiệm vụ KHCN và cung cấp dịch vụ cho các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo thỏa thuận, hợp đồng. Nghị định 115 yêu cầu các tổ chức KHCN công lập được sắp xếp lại, phân loại và chuyển đổi mô hình hoạt động thành 2 nhóm chính, đó là:
 
– Tổ chức KHCN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách, nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật chuyên ngành, phục vụ quản lý nhà nước. Các tổ chức này phải xây dựng đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để được Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí hoạt động thường xuyên.
 
– Tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KHCN đã tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, được tổ chức và hoạt động theo 1 trong 2 hình thức: (a) Tổ chức KHCN tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên (gọi tắt là tổ chức tự trang trải kinh phí); (b) DN KHCN.
 
Quy định này đã góp phần thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của các tổ chức KHCN công lập, khuyến khích các tổ chức KHCN tập trung vào các kết quả mang tính ứng dụng, gắn với tổ chức sử dụng kết quả KHCN, gắn với thị trường…
 
Theo thống kê của Bộ KHCN, đến năm 2015, trong tổng số 642 tổ chức KHCN công lập, có 193 tổ chức KHCN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, chiến lược, chính sách thực hiện chuyển đổi (chiếm tỷ lệ 30%); 295 tổ chức chuyển sang loại hình tự trang trải kinh phí (chiếm tỷ lệ 46%); 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ (chiếm tỷ lệ 24%).
 
Số liệu trên cho thấy, việc thực hiện Nghị định 115 đã có kết quả tích cực là 76% tổ chức KHCN hoàn thành chuyển đổi và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy vậy, so với mục tiêu Chính phủ đặt ra khi ban hành Nghị định số 115 là kể từ sau ngày 31/12/2009 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi tất cả các tổ chức KHCN công lập sang phương thức tự chủ thì vẫn chưa đạt được, đến nay vẫn còn 154 tổ chức KHCN (chiếm tỷ lệ 24%) chưa hoàn thành việc chuyển đổi.
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các tổ chức KHCN chậm thực hiện chuyển đổi là lo ngại sau khi chuyển đổi sẽ không được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên. Khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 115 và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về DN KHCN; tiếp đó Liên bộ Tài chính và KHCN đã ban hành Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 25/8/2014 hướng dẫn Nghị định số 96/2010/NĐ-CP. Theo đó, đối với các tổ chức KHCN chuyển đổi sang thực hiện phương thức tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên sẽ tiếp tục được NSNN cấp kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chức năng được quy định trong quyết định thành lập tổ chức KHCN.
 
Tuy vậy, khác với trước khi chuyển đổi là việc cấp kinh phí này được gắn với từng nhiệm vụ thường xuyên chức năng do tổ chức KHCN thực hiện hàng năm, hàng năm được xem xét, đánh giá, điều chỉnh theo kết quả hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức KHCN. Quy định này nâng cao trách nhiệm tổ chức KHCN trong sử dụng NSNN, đồng thời tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho các tổ chức KHCN chuyển đổi sang phương thức tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên.
 
Tự chủ về quản lý tài chính: Tổ chức KHCN được quyền tự chủ trong chi lương, chi hoạt động bộ máy và sử dụng các nguồn thu khác từ hợp đồng; được áp dụng phương thức khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ KHCN có sử dụng NSNN; được Nhà nước xem xét, cấp kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, vốn đối ứng của các dự án, kinh phí mua sắm trang thiết bị và sửa chữa lớn tài sản cố định. Riêng đối với tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước và các tổ chức ở địa phương, Nhà nước vẫn đảm bảo cấp toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.
 
Tuy nhiên, quyền tự chủ về tài chính bị hạn chế hoặc phải tuân thủ theo các ràng buộc khác của pháp luật như hạn chế trong khuôn khổ các định mức chi, nội dung chi và thủ tục thanh, quyết toán nhiệm vụ KHCN theo quy định của pháp luật hiện hành. Định mức chi quá thấp và lạc hậu (đặc biệt là chi cho nhân công thực hiện nhiệm vụ chuyên môn), nhiều nội dung chi phát sinh hợp lý trong hoạt động KHCN chưa được kịp thời bổ sung, đặc biệt là thủ tục thanh quyết toán chặt chẽ chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu sáng tạo.
 
Các vướng mắc trên đã được Luật KHCN năm 2013 tháo gỡ và hướng dẫn tại Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với KHCN. Nghị định 95/2014/NĐ-CP đã tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn đối với việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN và phương thức hoạt động của các tổ chức KHCN. Cùng với đó, liên Bộ Tài chính và Bộ KHCN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn như Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 27/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng định mức phân bổ dự toán và quyết toán đối với kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN có sử dụng NSNN (thay thế Thông tư liên tịchsố 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007) và số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KHCN có sử dụng NSNN (thay thế Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 04/10/2006. Như vậy, đến thời điểm này hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn cơ chế tài chính và tự chủ tài chính đối với các tổ chức KHCN đã tương đối đầy đủ, đồng bộ và bám sát theo tinh thần đổi mới của Luật KHCN sửa đổi.
 
Tự chủ về quản lý tài sản: Tổ chức KHCN được góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để tiến hành hoạt động KHCN và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Quy định này đã tạo hành lang pháp lý, khuyến khích các tổ chức KHCN huy động các tài sản hữu hình, tài sản trí tuệ để đưa các giá trị KHCN vào thực tiễn. Tuy nhiên, quyền tự chủ này còn bị hạn chế trong việc dùng quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng và liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa các kết quả KHCN vẫn chưa được pháp luật cho phép.
 
Tự chủ về tổ chức bộ máy: Tổ chức KHCN được quyền sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy; quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trực thuộc; thành lập, sáp nhập, giải thể tổ chức trực thuộc trên cơ sở tự cân đối nguồn lực để đảm bảo cho hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, quyền thành lập, sáp nhập, giải thể chỉ áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân. Đối với đơn vị có tư cách pháp nhân, thẩm quyền này vẫn thuộc về cơ quan chủ quản cấp trên (bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ).
 
Tự chủ về quản lý nhân sự: Về nhân sự quản lý và nghiên cứu, thủ trưởng tổ chức KHCN được quyền tuyển dụng cán bộ theo hình thức thi tuyển, xét tuyển và ký hợp đồng tuyển dụng theo quy định của pháp luật về viên chức, phù hợp với nhu cầu chuyên môn và điều kiện cụ thể của tổ chức. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế tự chủ này có hạn chế là mặc dù về nguyên tắc, tổng số biên chế hàng năm của tổ chức KHCN căn cứ trên cơ sở nhu cầu cán bộ và khả năng tài chính của đơn vị, nhưng tổ chức KHCN phải xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm và được thủ trưởng cơ quan chủ quản quyết định số lượng và chỉ tiêu theo quy định tại Nghị định số 71/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước. Quy định này cản trở tính linh hoạt và quyền tự quyết của người đứng đầu tổ chức KHCN trong việc xác định quy mô nhân sự và chất lượng cán bộ đáp ứng với phạm vi nghiên cứu và yêu cầu của nhiệm vụ chuyên môn, từ đó ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư trang thiết bị và tài chính cho hoạt động nghiên cứu, vì các vấn đề này phụ thuộc ngay từ ban đầu vào số lượng nhân lực tham gia nhiệm vụ nghiên cứu.
 
Như vậy, việc chậm chuyển đổi này chủ yếu rơi vào các nguyên nhân chủ quan sau:
 
Thứ nhất, nhận thức chưa đúng và đầy đủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ quy định của Nghị định 115 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, thậm chí chưa nắm rõ đối tượng phải thực hiện nên đã áp dụng không đúng đối tượng thực hiện cơ chế này.
 
Thứ hai, thiếu sự quyết liệt và nghiêm túc trong chỉ đạo thực hiện Nghị định 115: Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thật sự nghiêm túc và quyết liệt trong chỉ đạo các tổ chức KHCN trực thuộc thực hiện Nghị định 115.
 
Thứ ba, việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 115 còn chậm, chưa kịp thời.
 
Thứ tư, một số tổ chức KHCN năng lực hạn chế về chuyên môn, trình độ, trang thiết bị, không có khả năng chuyển đổi sang thực hiện cơ chế tự chủ quy định tại Nghị định 115. Theo quy định tại Nghị định 115 thì những tổ chức này cần phải được tổ chức lại, sáp nhập, hoặc giải thể. Tuy vậy, việc này có liên quan đến chính sách, chế độ đối với con người, nên các cơ quan cấp trên cũng còn có tình trạng nể nang, chưa quyết liệt trong việc tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức này.
 
Giải pháp thúc đẩy cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập
 
Để Nghị định số 115 cũng như những quy định mới của Luật KHCN sửa đổi phát huy đầy đủ giá trị trong thực tiễn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức KHCN cần kiên quyết hơn nữa trong khâu tổ chức thực hiện, tập trung vào một số giải pháp sau:
 
Về sắp xếp lại, chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức KHCN
 
Đối với các tổ chức KHCN chưa thực hiện chuyển đổi cần kiên quyết thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các tổ chức này theo quy định tại Nghị định số 115. Nếu tổ chức nào không đủ điều kiện chuyển đổi sang tự chủ thì kiên quyết sáp nhập hoặc giải thể, NSNN không tiếp tục cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các tổ chức này.
 
Đối với các tổ chức KHCN đã thực hiện chuyển đổi theo Nghị định số 115 như:
 
– Các tổ chức KHCN được xếp vào nhóm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách, nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật chuyên ngành, phục vụ quản lý nhà nước (các tổ chức vẫn được NSNN đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên): Cần rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi nhóm này, chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí đối với những tổ chức KHCN không đúng đối tượng; Có lộ trình giảm số lượng các tổ chức KHCN được nhận kinh phí hoạt động thường xuyên từ NSNN; Từng bước chuyển việc NSNN bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên sang việc thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu và kinh phí thực hiện nhiệm vụ đối với hoạt động KHCN.
 
– Các tổ chức KHCN đã tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên: Rà soát, đánh giá kết quả hoạt động đối với các tổ chức KHCN đã chuyển đổi theo quy định tại Nghị định số 115, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện đầy đủ quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm; Xây dựng và áp dụng phương thức giao kinh phí đề tài KHCN theo kết quả đầu ra, giao quyền tự chủ cao cho tổ chức KHCN, nhà khoa học trong sử dụng dự toán kinh phí đề tài KHCN gắn với kết quả cuối cùng. Trước mắt lựa chọn một số cơ sở KHCN có đủ điều kiện để triển khai thí điểm.
 
Về hoàn thiện chính sách
 
– Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản liên quan đến việc triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập theo quy định tại Nghị định số 115 và Luật KHCN sửa đổi; rà soát, kịp thời bổ sung sửa đổi các quy định đã ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tiễn.
 
– Khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN công lập trong lĩnh vực KHCN (thay thế Nghị định 115).
 
– Khẩn trương ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về Đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN, hướng dẫn việc chuyển kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN vào quỹ phát triển KHCN.
 
– Khẩn trương xây dựng và ban hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí từ NSNN cho hoạt động KHCN; các định mức kinh tế – kỹ thuật, nhân công và tài chính làm căn cứ cho phân bổ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp KHCN, đề tài KHCN, làm cơ sở thực hiện phương thức lập dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cho các cơ quan, đơn vị theo kết quả đầu ra.
 
– Nghiên cứu, ban hành quy định cho các tổ chức KHCN có khả năng tự chủ tài chính cao được sử dụng tài sản cố định, quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh, liên kết hình thành các DN KHCN.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Chiến lược phát triển hoạt động KHCN 2011-2020;
 
2. Luật KHCN năm 2013; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đo lường năm 2011;
 
3. Nghị định 115/2005/NĐ-CP; Nghị định 80/2007/NĐ-CP; Nghị định 96/2010/NĐ-CP ; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP; Nghị định 71/2003/NĐ-CP;
 
4. Các Thông tư số: TTLT số 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN; TTLT số TTLT số 55 2015/TTLT-BKHCN-BTC; TTLT số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 3/2016
 
TS. NGUYỄN TRƯỜNG GIANG – VỤ TÀI CHÍNH HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP – BỘ TÀI CHÍNH
 
 

Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công: Đột phá mới và các yêu cầu thực hiện

(Taichinh) – Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được đánh giá là bước đột phá mới trên lộ trình đổi mới toàn diện, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp. Cơ chế, chính sách này nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành khi “cởi trói” cho các đơn vị sự nghiệp công phát triển, giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước…
 
 
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đột phá trong tự chủ tài chính
 
Thời gian quan, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định trên. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả đạt được cũng như những bất cập phát sinh, ngày 14/2/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP theo hướng quy định các vấn đề chung, làm căn cứ cho các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các Nghị định riêng quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể.Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
 
Theo đó, tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp theo 4 mức độ: (i) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (ii) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; (iii) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí); (iv) Tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp).
 
Tự chủ trong chi đầu tư và chi thường xuyên
 
Các đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ, bao gồm nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, nguồn thu phí theo quy định được để lại chi và nguồn thu hợp pháp khác, để chi thường xuyên. Cụ thể:
 
Đối với đơn vị tự chủ tài chính cao: Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Các nội dung chi chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp theo mức độ được tự chủ tài chính của từng loại đơn vị sự nghiệp công lập và theo quy chế chi tiêu nội bộ.
 
Các đơn vị tự chủ tài chính thấp: Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý, nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
 
Để tạo điều kiện khuyến khích các đơn vị tự chủ toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư, Nghị định cho phép các đơn vị chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
 
Cùng với đó, đơn vị sự nghiệp công được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định. Căn cứ yêu cầu phát triển của đơn vị, Nhà nước xem xét bố trí vốn cho các dự án đầu tư đang triển khai, các dự án đầu tư khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
 
Chi tiền lương và thu nhập tăng thêm
 
Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ sở, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị; NSNN không cấp bổ sung; đối với đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chi tiền lương tăng thêm từ các nguồn theo quy định, bao gồm cả nguồn NSNN cấp bổ sung (nếu thiếu).
 
Đối với phần thu nhập tăng thêm, các đơn vị được chủ động sử dụng Quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện hiện phân chia cho người lao động trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác của người lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo mức chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ quản lý không quá chênh lệch so với người lao động, nghị định mới quy định, khi phân bổ thu nhập tăng thêm thì hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện của người lao động trong đơn vị.
 
Trích lập các quỹ
 
Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp NSNN khác theo quy định; phần chênh lệch thu lớn hơn chi, đơn vị được sử dụng để trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; quỹ bổ sung thu nhập; quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi. Ngoài ra, Chính phủ cho phép các đơn vị được trích lập các quỹ khác theo quy định của pháp luật sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Về mức trích, căn cứ vào mức độ tự chủ tài chính như sau:
 
– Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Trích tối thiểu 25% chênh lệch thu lớn hơn chi; đơn vị chưa tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trích tối thiểu 15%; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, nếu có kinh phí tiết kiệm chi và số tiết kiệm chi lớn hơn một lần quỹ tiền lương thực hiện thì trích tối thiểu 5%.
 
– Quỹ bổ sung thu nhập: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quyết định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập (không khống chế mức trích); đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trích tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 01 lần quỹ tiền lương.
 
– Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công trong năm của đơn vị; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trích tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 01 tháng tiền lương, tiền công.
 
Tự chủ trong giao dịch tài chính
 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp trong giao dịch với bên ngoài, đặc biệt là trong các hoạt động liên doanh, liên kết, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, Chính phủ quy định: Đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN. Lãi tiền gửi đơn vị được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc bổ sung vào Quỹ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có), không được bổ sung vào Quỹ bổ sung thu nhập.
 
Nghị định cũng quy định, đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn, vay vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật và phải có phương án tài chính khả thi để hoàn trả vốn vay, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn.
 
Vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp
 
Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 nêu rõ, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như DN (công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Hoạt động dịch vụ sự nghiệp công có điều kiện xã hội hóa cao, Nhà nước không cần bao cấp; giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí (bao gồm cả trích khấu hao tài sản cố định); được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao vốn cho đơn vị quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; hạch toán kế toán để phản ánh các hoạt động theo quy định của các chuẩn mực kế toán có liên quan áp dụng cho DN.
 
Khi được phép vận dụng cơ chế tài chính như DN, các đơn vị sự nghiệp được xác định vốn điều lệ và bảo toàn vốn; được huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài đơn vị; quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định theo DN; quản lý doanh thu, chi phí và phân phối lợi nhuận; thực hiện chế độ kế toán, thống kê như DN.
 
Khẩn trương đưa chính sách vào cuộc sống
 
Để triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất, đồng bộ và toàn diện các quy định của Nghị định này, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, trong đó quy định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các bộ, địa phương. Theo đó, giao 7 bộ xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực chuyên ngành: Y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hoá thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ, lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
 
Hiện nay, các bộ đã và đang xây dựng để trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực chuyên ngành. Cùng với đó, Chính phủ cũng giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương khẩn trương: Xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý; Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; Xây dựng hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật chuyên ngành các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý; Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn dịch vụ sự nghiệp công; Xây dựng cơ chế đặt hàng, đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công…
 
Thực hiện các yêu cầu tại Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015, vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Trong khi chưa ban hành hoặc sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp công theo từng lĩnh vực được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực đang được triển khai xây dựng. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo phương án tự chủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho đến khi Chính phủ ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực và có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của các Nghị định mới.
 
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao quyền tự chủ tài chính theo một trong ba mức độ tự chủ quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, nếu năm 2016 thay đổi phương án tự chủ, do nhiệm vụ thay đổi, chế độ chính sách mới ban hành (như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, học phí, phí và lệ phí…) làm cho nguồn thu, chi hoạt động thường xuyên của đơn vị có sự thay đổi so với năm trước liền kề; đồng thời, làm thay đổi mức kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên của đơn vị, do đó phải thay đổi phương án phân loại đơn vị (như đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên chuyển sang đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên…); hoặc đơn vị sự nghiệp công lập mới được thành lập năm 2016 theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án tự chủ tài chính, trình cơ quan chủ quản ở Trung ương và địa phương theo phân cấp xem xét, thẩm tra và gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, có ý kiến bằng văn bản, trước khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Thông tư số 71/2006/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và được thực hiện cho đến khi Chính phủ ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực thì thực hiện theo các nghị định mới này.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Bộ Tài chính – 2015: Hội thảo “Cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”;
 
2. Phan Quý Phương: Thực tiễn hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và những đề xuất đổi mới;
 
3. Nghị định số 43/2006/NĐ-CP; Nghị định 16/2015/NĐ-CP; Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 3/2016
 
TS. ĐOÀN HƯƠNG QUỲNH

Tặng sách quý về các công trình nghiên cứu đặc trưng của lò phản ứng hạt nhân

Cục Năng Lượng Nguyên tử – Bộ KH&CN đã trao tặng sách “Các công trình nghiên cứu thực nghiệm và tính toán về các đặc trưng của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt” cho hai đơn vị là Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Đại học Đà Lạt.
 
 
Chia sẻ về nội dung cuốn sách, ông Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử cho biết, nhận thấy sự cần thiết và giá trị của việc xuất bản tuyển tập các công trình tính toán và thực nghiệm về vật lý và kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đối với việc nghiên cứu, vận hành, đào tạo cán bộ cũng như trao đổi quốc tế, Cục Năng lượng nguyên tử đã phối hợp với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức việc bổ sung và hoàn thiện cuốn tài liệu “Experimental and Theoretial Investigation of Nuclear Characteristics of the Dalat Research Reactor” và xuất bản với tên gọi mới là “ Experimental and Calculational Works on Characteristics of THE DALA THE RESEARCH REACTOR.
 
Lãnh đạo Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam tặng sách tại Đại học Đà Lạt. Cuốn sách là tập hợp những tư liệu quý được tập hợp để các đơn vị nghiên cứu tham khảo. Ảnh: MH.
 
Cuốn tài liệu này gồm 26 công trình tiêu biểu, có tính hệ thống, được tổng hợp và đúc rút từ những kết quả nghiên cứu và tính toán thực nghiệm quan trọng nhất về vật lý và kỹ thuật Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt thu được trong 30 năm vận hành và khai thác với sự đóng góp của chuyên gia Việt Nam và Liên Xô (cũ), đặc biệt là các cán bộ khoa học, kỹ sư đã và đang công tác tại Trung tâm Lò phản ứng của Viện nghiên cứu hạt nhân.
 
Được biết, Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt có tên gọi ban đầu là TRIGA-MARK II, do hãng General Atomics của Hoa Kỳ thiết kế và chế tạo, được xây dựng tại Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam và vận hành từ năm 1963 với công suất nhiệt 250 kW. Tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh, sau khi đất nước thống nhất với sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ) Lò có tên gọi kỹ thuật lúc này là IVV-9, đạt trạng thái tới hạn lần đầu vào 19g50p ngày 01/11/1983, sử dụng nhiên liệu uranium có độ giàu 36%. Quá trình khởi động vật lý và năng lượng của lò đã được tiến hành và nhiều số liệu khoa học có giá trị đã được đo đạc. Lò với công suất danh định 500kW nhiệt đã được chính thức khánh thành vào ngày 20/3/1984 với các công trình đo đạc thực nghiệm đối với các cấu hình tới hạn và cấu hình làm việc của lò đã được các nhà khoa học hai nước thu được những kết quả khoa học có giá trị.
 
Hà Mai

“Bắt tay” doanh nghiệp để tăng chuyển giao công nghệ

Thực tế phối hợp làm đề tài giữa các nhà khoa học trong Đại học Bách khoa Hà Nội với các doanh nghiệp cho thấy, lợi ích trực tiếp mang lại cho doanh nghiệp rất cao nên số đề tài hợp tác theo hướng này tăng dần, chứng tỏ đây là thị trường KH&CN cần được chú trọng.
 
Tại buổi làm việc sáng 12/4 giữa Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN – Bộ KH&CN và Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông thúc đẩy liên kết 4 nhà: Nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nông, câu chuyện về chuyển giao kết quả nghiên cứu từ trường đại học ra thị trường đã được thảo luận sâu.
 
Sinh viên Nguyễn Mạnh Tùng – K56, khoa Kỹ thuật quản lý môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội – đang nghiên cứu với máy cân phân tech. Ảnh: Phượng Hằng
 
Không chê nhiệm vụ nhỏ
 
Từng đề cập vấn đề này PGS-TS Trần Văn Hải – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thẳng thắn chỉ ra: Hiện ở Việt Nam, sự liên kết giữa việc nghiên cứu của các viện trong trường đại học với các doanh nghiệp rất lỏng lẻo. Tức là một bên chỉ làm chức năng nghiên cứu còn một bên cần kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất nhưng không biết tìm ở đâu.
 
Phóng viên Báo Khoa học và Phát triển đặt vấn đề này với lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội và được trả lời rằng đây là một thực tế mà nhà trường đã nhận thấy.
 
Theo PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – hiện trường có khoảng 20 đơn vị đào tạo, nghiên cứu, trong đó có rất nhiều ngành truyền thống như cơ khí, cơ khí động lực. Vì vậy, chuyển giao kết quả nghiên cứu rộng rãi không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, thực tế kinh nghiệm của chính các nhà khoa học là giảng viên của trường trong việc phối hợp với các doanh nghiệp để làm trực tiếp đề tài cho thấy có nhiều mặt khả qua.
 
“Chúng tôi đã động viên các thầy, cô trong trường đi vào hướng này – tức là trực tiếp nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp. Đó có thể là những nhiệm vụ nhỏ, mang tính chất truyền thống, hàm lượng khoa học có thể không cao lắm nhưng lợi ích mang lại trực tiếp cho doanh nghiệp rất cao. Đây là cách đóng góp chất xám trực tiếp vào việc sản xuất” – PGS Thắng cho biết.
 
Thực tế hoạt động KH&CN của Đại học Bách khoa Hà Nội thời gian qua đã chứng tỏ tính hiệu quả từ chính số công trình đã được công bố cũng như số bằng sáng chế đã được cấp. Cụ thể trong giai đoạn 2005-2015, trường nhận 37 bằng sáng chế trên tổng số 101 đơn đã được chấp nhận hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ. Số công trình công bố trên các tạp chí nước ngoài năm 2013 là 230, đến năm 2014 là 240. Số bài báo trong danh mục ISI năm 2013-2014 là 137 và 2014-2015 là 182.
 
“Đặc biệt trong hai năm trở lại đây, số đề tài hợp tác trực tiếp với doanh nghiệp tăng nhanh, chứng tỏ đây là thị trường KH&CN cần được chú trọng” – PGS Thắng nhấn mạnh.
 
Thực tế này đã minh chứng điều bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao – nói: “Doanh nghiệp nhiều khi khao khát công nghệ nhưng cũng không tìm được trực tiếp – nhất là khi Việt Nam chưa có thị trường công nghệ” quả không sai.
 
Cần có doanh nghiệp vệ tinh
 
Mặc dù lựa chọn cách đi riêng của một trường đại học, song PGS-TS Huỳnh Trung Hải – Trưởng phòng KH&CN, Đại học Bách khoa Hà Nội – cũng thừa nhận một thực tế khó khăn: Đầu tư vốn đủ lớn để công trình nghiên cứu có thể đi đến cùng và chuyển giao không phải chuyện dễ làm.
 
Theo ông Hải, là trường kỹ thuật nên Đại học Bách khoa Hà Nội rất quan tâm việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tế. Nhà trường đã thành lập BK-Holdings – một hệ thống gồm 7-8 doanh nghiệp – với mong muốn các giảng viên chuyển giao kết quả nghiên cứu ra cộng đồng.
 
“Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn về đầu tư nguồn vốn. Có những công trình nghiên cứu cần nguồn vốn rất lớn nên đã không đủ tiền để chuyển giao” – PGS Huỳnh Trung Hải chia sẻ.
 
Theo giới chuyên môn, Việt Nam nên hình thành các công ty chuyển giao công nghệ, có thể tồn tại bên cạnh các tổ chức R&D với mục đích chuyển giao sáng chế từ khu vực R&D ra khu vực sản xuất.
 
Ngoài ra, cũng có thể hình thành các công ty vệ tinh đầu tư trực tiếp đầu tư cho nghiên cứu, tạo nên sáng chế để đưa vào áp dụng công nghiệp hoặc chuyển giao cho các tổ chức có nhu cầu sử dụng. Đây cũng là mô hình được kỳ vọng sẽ kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu của các trường đại học và doanh nghiệp.
 
Phương Nguyên

Tôi được mentor như thế nào?

Tia Sáng có dịp hỏi anh Nguyễn Huỳnh Đức, sáng lập Dreambox, công ty có sản phẩm là ứng dụng xem video trên internet với chất lượng tốt nhất lovekiki.com, từng được mentor bởi anh Phan Đình Tuấn Anh, người sáng lập SME Mentoring network (một chương trình được Đại sứ quán Mỹ bảo trợ) và những người sáng lập SeedForAction (SFA – một accelerator lựa chọn mỗi năm khoảng 10 startup để đầu tư khoảng 10.000 USD, đổi lại là 3-5% cổ phần và tập trung vào mentor để startup ra sản phẩm và kết nối với 100 khách hàng đầu tiên) về mối quan hệ của mentor với doanh nhân khởi nghiệp.
 
Nguyễn Huỳnh Đức (áo đỏ) trong buổi Dinner Talk
 
Anh có thể kể về quá trình anh được mentor trong SME Mentoring network?
 
Trước đây tôi có tham gia SME Mentoring network và được anh Tuấn Anh làm mentor. Anh hướng dẫn cho tôi nhiều về kinh nghiệm sống và kinh doanh hơn là về công nghệ, vì anh không có nhiều kinh nghiệm về mảng này. Tuy nhiên, được mentor về mảng công nghệ là điều tôi cần hơn. 
 
SFA là một khóa tăng tốc khởi nghiệp, bên cạnh mentor, họ còn đầu tư vào công ty của anh. Vào thời điểm tham gia SFA, điều nào quan trọng hơn với anh: mentor hay số tiền đầu tư ? 
 
Việc được đầu tư cũng là động lực để các bạn trong đội ngũ nghỉ việc và tập trung toàn thời gian xây dựng sản phẩm.Tuy nhiên, điều thu hút nhất đối với tôi không phải là số tiền SFA đầu tư vào công ty mà là được học hỏi kinh nghiệm của những mentor để đi con đường khởi nghiệp nhanh hơn, đúng hơn. 
 
Có phải điều thu hút anh vào SFA là vì những người sáng lập SFA, tức là anh Nguyễn Thành Nhân và chị Ngân Sâu, là những người có nhiều kinh nghiệm? 
 
Chị Ngân và tôi là bạn và biết nhau lâu rồi. Tôi biết chị Ngân có mạng lưới quan hệ rộng, uy tín, tốt cho vòng đầu tư tiếp theo. Ngoài ra, chị luôn gợi ý cho tôi những người cần gặp, giới thiệu tôi đến các sự kiện startup lớn để tôi học hỏi và kết nối.
 
Anh Nhân từng có một startup thành công và đã đầu tư nhiều startup khác, có kinh nghiệm trong ngành internet và khởi nghiệp (Lời tòa soạn: Nguyễn Thành Nhân từng làm việc ở Chai Labs, một startup được Google mua lại. Hiện anh đang làm kỹ sư tại Google). Anh đưa ra lời khuyên giúp tôi tập trung vào một thứ quan trọng hơn là lan man. Ví dụ, tôi đang làm ứng dụng video hot nhất trên mạng xã hội. Trước đây, phát triển sản phẩm ở nhiều tính năng và đăng ở tất cả các kênh cho phép quảng cáo miễn phí. Tuy nhiên, sau khi được mentor, tôi quan tâm nhiều xem chức năng nào giúp mình phát triển mạnh nhất. Trước đây, kênh nào quảng cáo được là tôi dùng, bây giờ tôi chỉ tập trung vào một – hai kênh có lượt truy cập nhiều nhất mà thôi. Lượng người dùng bây giờ tăng ít nhất 10% mỗi tuần, thậm chí còn tăng 50%, trong khi trước kia tăng 10% cũng khó. 
 
Bên cạnh đó, tôi cũng phải báo cáo công việc của mình và chat Skype với anh Nhân hằng tuần (vì anh ở bên Mỹ).
 
Điều gì anh học được nhiều nhất từ mentor khi tham gia SFA? 
 
Khi làm việc với nhà đầu tư, tôi học được hai điều mà tôi nghĩ là hay nhất: 
 
Tiền và thời gian là hai thứ không được lãng phí. Phải suy nghĩ và cân nhắc đầu tư vào những việc quan trọng thôi. Điều này ai cũng biết nhưng áp lực đầu tư khiến tôi phải tận dụng nó triệt để. 
 
Startup cần phải phát triển nhanh và hằng tuần. Mỗi tuần cần đạt được một thành quả nào đó, cần phải tăng lượng khách hàng đều đặn, ít cũng được, nhưng việc áp lực tăng thường xuyên như vậy giúp mình lúc nào cũng dành suy nghĩ cho việc này. Tăng trưởng hằng tuần cũng giúp cho mình và đội ngũ có động lực làm việc hơn. 
 
Hảo Linh thực hiện

GS Pierre Darriulat, một nhân cách khoa học lớn, một tình bạn thắm thiết với Việt Nam

Một buổi sáng cách đây 13 năm, tôi nhận được e-mail của một người ký tên Pierre Darriulat – một cái tên lúc đó còn xa lạ đối với tôi. Cho rằng đó là một thư rác, tôi xoá đi. Ít hôm sau tôi lại nhận được e-mail đó một lần nữa, lần này đọc kỹ mới hay rằng đó là thư nghiêm túc của một nhà khoa học Pháp đang làm việc ở Hà Nội có nhiều ý kiến muốn trao đổi với tôi về giáo dục và khoa học. Tôi được may mắn quen biết và kết thân với GS Darriulat từ ngày ấy.
 
GS Hoàng Tuỵ và GS Pierre Darriulat tại buổi 
gặp mặt mừng sinh nhật GS Hoàng Tuỵ 
tại Tia Sáng.
 
Về sau tôi được biết ông là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực hạt nhân và vật lý thiên văn, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ 1986, Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) trong khoảng 1987-1994. Sau khi nghỉ hưu cuối 1999, ông sang định cư ở Hà Nội cùng vợ người Việt, dành gần hết thời gian và công sức giúp đỡ xây dựng và phát triển vật lý thiên văn ở Việt Nam. Đặc biệt, với những thiết bị tự mua sắm bằng tiền túi hoặc tự tạo bằng nhiều cách, ông đã thành lập Phòng thí nghiệm tia vũ trụ Vietnam-Auger ở Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân Việt Nam, đặt ngay trên nóc nhà trụ sở của viện. Phòng thí nghiệm đặc sắc đó, với tên gọi VẬT LÝ, đã hoạt động hiệu quả trong nhiều năm như một thành viên của Dự án thí nghiệm quốc tế Pierre Auger săn tìm các tia vũ trụ năng lượng siêu cao. Đồng thời, trong khuôn khổ phòng thí nghiệm đó, ông đã tập hợp và đào tạo một nhóm các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý thiên văn, vật lý hạt nhân và hạt sơ cấp. Trong số các nhà khoa học trẻ được đào tạo và trưởng thành từ cái nôi này đã có năm tiến sĩ và chín thạc sĩ. Còn về kết quả nghiên cứu thì nhóm Phòng thí nghiệm VẬT LÝ, hợp tác với Đài thiên văn Pierre Auger, là đồng tác giả của nhiều bài báo quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu tia vũ trụ năng lượng siêu cao. Đặc biệt trong số đó có bài báo về phát hiện mối quan hệ giữa nguồn phát của các tia vũ trụ này với các tâm thiên hà hoạt động, đăng trên tạp chí Science, được bình chọn là một trong mười sự kiện vật lý của Hội Vật lý Mỹ năm 2007. 
 
Năm 2008, GS Darriulat được trao giải thưởng danh giá André Lagarrigue, giải thưởng mang tên nhà bác học Pháp đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu tại CERN tìm ra hạt boson Z trung hoà vào năm 1973. 
 
Cũng như nhiều nhà khoa học lớn, ông sống giản dị, khiêm tốn, say mê nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu, thương yêu chăm sóc tận tình các học trò của mình, đồng thời quan tâm thiết tha đến mọi mặt đời sống, nhất là về khoa học và giáo dục, ở đất nước mà ông đã gắn bó như một Tổ quốc thứ hai. Bác Pierre, như tên gọi thân thương mà các học trò của ông thường dành cho ông, là tấm gương sáng không riêng cho giới trí thức trẻ Việt Nam. Ngay cả những người trong giới khoa học đã thành danh cũng học tập được nhiều điều từ ông.
 
Đáng quý nhất là người thầy ấy không chỉ hết lòng chăm lo bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho học trò (dạy chữ, như cách nói của nhiều người), mà còn thiết tha lo lắng đến cả tâm hồn, cuộc sống và nhân cách của họ (dạy người – một vấn đề lớn của giáo dục ta hiện nay). Những trí thức lớn có tâm huyết với đất nước, và những nhân vật được sự nể trọng rộng rãi của những người tử tế trong xã hội, thường được ông tìm cách mời đến nói chuyện, giao lưu thân mật với nhóm học trò của ông, để giúp họ, qua những tấm gương thực tế đó, hiểu được sâu sắc nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng, tăng ý thức tự rèn luyện thành những công dân có trách nhiệm, không bàng quan trước tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của đất nước, biết phẫn nộ trước những bất công trong xã hội, để nung nấu quyêt tâm phấn đấu cho đất nước ngày càng tốt đẹp hơn về mọi mặt vật chất cũng như tinh thần.
Là một cộng tác viên tích cực của Tạp chí Tia Sáng, GS Darriulat đã lên tiếng rất nhiều lần trên diễn đàn này để ủng hộ, cổ vũ cho những tư duy, quan điểm, thái độ đúng đắn về giáo dục, khoa học. Ông đặc biệt quan tâm đến những người trẻ, một mặt cổ vũ cho thế hệ trẻ được mạnh dạn giao phó trách nhiệm xứng đáng từ sớm, mặt khác luôn nhắc nhở họ “biết trọng trí tuệ hơn tiền bạc, quyền lực, và nhớ rằng sự giàu có của một đất nước chủ yếu là ở bàn tay và khối óc chứ không phải ở két sắt của các ngân hàng, là ở những sản phẩm làm ra hơn là những kỹ năng tiếp thị, rằng sự giàu có ấy chủ yếu nhờ những giọt mồ hôi của người lao động hơn là những quy định có khi ngớ ngẩn được đặt ra bởi những người, những cơ quan quản lý thiếu chuyên nghiệp”.
 
Một vấn đề quan trọng mà GS Darriulat thường nhắc tới khi giao lưu với thế hệ trẻ là đạo đức, văn hoá làm khoa học. Trung thực, thượng tôn sự thật, nghiêm túc và liêm khiết đến cùng là những đức tính cần thiết trong đời thường lại càng tuyệt đối cần thiết trong khoa học. Một nhà khoa học chân chính không bao giờ có thể nhân nhượng với thói gian trá, như đạo văn hay thậm chí chỉ là lập luận hồ đồ, không dựa trên những bằng chứng khoa học xác thực. Không thể vì nể nang bạn bè, mà lợi dụng vị trí của mình trong bộ máy nhà nước để bênh vực, thậm chí tiếp tay những việc làm sai trái, phản khoa học, càng không thể dung túng thói gian dối như những vụ đạo văn từng gây ra tai tiếng lớn cho giới khoa học Việt Nam một thời trên một số diễn đàn khoa học quốc tế. Trong các cuộc tranh luận về đạo đức khoa học, GS Darriulat bao giờ cùng đứng bên cạnh những nhà khoa học chân chính lên án mạnh mẽ những hành động gian dối, không ngại đụng chạm những đồng sự có vai vế bất cứ ở đâu, dù trong nước hay trên quốc tế. Như có lần ông đã lên tiếng trên diễn đàn quốc tế phê phán thẳng tay thái độ cẩu thả khoa học của một số nhà khoa học khí hậu khi đưa ra những phân tích thiếu căn cứ khoa học khách quan, tuy chỉ với mục đích tốt hưởng ứng cuộc vận động đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày càng đe doạ trầm trọng cuộc sống trên hành tinh chúng ta.
 
Thật là may mắn cho cộng đồng khoa học, giáo dục Việt Nam có được một người bạn chân thành, tha thiết và trí tuệ như Pierre Darriulat.

Samsung thành công nhờ vận hành theo kiểu quân đội

Theo GS.TS Park Sung Joo, nguyên cố vấn sáng tạo của Tập đoàn Samsung, bí quyết sáng tạo thành công của tập đoàn điện tử này chính là tốc độ nhanh chóng, vận hành theo kiểu quân đội (24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần); các sản phẩm được đưa ra liên hoàn theo đường cong hàm mũ.
 
 
Ông Park Sung Joo, Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học danh tiếng Hàn Quốc  KAIST, người được Samsung mời làm cố vấn liên tục trong 10 năm.
 
Hội thảo “Ứng dụng sáng tạo trong quản trị – Xu hướng tại Châu Á” vừa được Viện Quản trị Kinh doanh FSB thuộc Đại học FPT phối hợp cùng Sở KH&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 7/5 tại Hà Nội nhằm giúp cho các doanh nghiệp có cái nhìn mới hơn về đổi mới sáng tạo doanh nghiệp và sẽ ứng dụng phần nào những kinh nghiệm các chuyên gia chia sẻ vào cải thiện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Diễn giả của hội thảo là 2 cố vấn sáng tạo của 2 tập đoàn lớn của Hàn Quốc và Việt Nam – GS.TS Park Sung Joo của Samsung và TS Nguyễn Thành Nam đến từ FPT.
 
Chia sẻ với gần 150 khách mời là các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng đội ngũ học viên FeMBA của FSB tại hội thảo, trên cơ sở những nghiên cứu về lịch sử tiến hóa sáng tạo của loài, từ tìm ra lửa, tạo ra các công cụ lao động, thức ăn… đến những sáng tạo đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống con người (cải tiến thực phẩm, lụa, nhà ở) cũng như các sáng tạo trong kinh doanh, GS.TS Park Sung Joo, Phó Chủ tịch HĐQT trường KAIST – một Đại học danh tiếng của Hàn Quốc, nguyên cố vấn sáng tạo của tập đoàn Samsung nhấn mạnh: “Sáng tạo chính là chìa khóa cho những sản phẩm thành công và cũng là chìa khóa của sự tồn tại”.
 
Đề cập đến những sáng tạo trong kinh doanh, ông cho biết: “Khi tôi hỏi sinh viên về những sản phẩm sáng tạo tiêu biểu nhất, các bạn ấy sẽ nghĩ ngay đến điện thoại thông minh, máy tính bảng, truyền hình, ô tô, và điều hòa nhiệt độ. Nếu không có phát minh về điều hòa, Singapore sẽ chỉ là một làng chài nhỏ. Sản phẩm này đã thay đổi toàn bộ nền kinh tế Singapore. Còn khi nói đến công ty sáng tạo nổi bật nhất, 100% đều nghĩ đến đầu tiên là Apple”.
 
 
Hội thảo “Ứng dụng sáng tạo trong quản trị – Xu hướng tại Châu Á”  tại Hà Nội có sự tham dự của 150 khách mời là các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng đội ngũ học viên FeMBA của FSB.
 
Đưa ra bảng so sánh giữa các công ty tiên phong sáng tạo (Innovation Pioneer) với những công ty dẫn đầu thị trường (Market Leader), theo ông Park Sung Joo, đến nay các công ty tiên phong như Bendix (máy giặt), MITS (máy tính), RCA (TV màu), Pieper (ô tô), Saerom/Dialpad (VoIP), Saehan (Máy nghe nhạc), Cyworld (mạng xã hội), Blackberry (điện thoại thông minh)… hầu như đều đã biến mất hoặc trở nên mờ nhạt. Người ta chỉ nhớ đến các công ty đang dẫn đầu thị trường như: LG (máy giặt), Lenovo (máy tính), Samsung (TV màu), Toyota (ô tô), Skype (VoIP), Facebook (mạng xã hội) và Apple (máy nghe nhạc, điện thoại thông minh).
 
“Liệu có phải ra thị trường đầu tiên, thất bại đầu tiên? Điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là phải liên tục sáng tạo, sáng tạo không ngừng, còn nếu chỉ có sáng tạo đầu tiên thì không đảm bảo cho thành công lâu dài. Thông điệp ở đây là chiến lược đổi mới (Innovation Strategy) và quản trị đổi mới (Innovation Management) đóng vai trò quan trọng”, ông Park Sung Joo chia sẻ.
 
Bàn về khái niệm sáng tạo, ông Park Sung Joo cho rằng sáng tạo không chỉ giới hạn ở việc tạo ra cái mới mà còn bao hàm cả việc làm một cái gì đó theo cách mới, tạo ra sự thay đổi mang lại giá trị. Ông chia sẻ: “Sáng tạo thường bắt đầu từ một ý tưởng bất ngờ, vô tình và nhiều khi chỉ là do may mắn. Nó cũng cần môi trường bổ trợ để thành công. Về cơ bản, trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, động lực của sáng tạo là để “sống sót”. Bên cạnh đó, cũng cần phải giải quyết vấn đề “bền vững”. Theo tôi, để bền vững phải có chiến lược sáng tạo và một sự quản trị sáng tạo đúng đắn”.
 
Giáo sư Park Sung Joo cũng khẳng định, sự mô phỏng, bắt chước trong sáng tạo không phải là điều xấu, thậm chí còn là khởi nguồn của sáng tạo. “Giống như một đứa trẻ, việc đầu tiên nó làm là bắt chước, sau đó học hỏi, nó nằm trong phần bản năng của loài người. Nói rộng hơn, trong lịch sử, sự chuyển giao chính là bắt chước. Ai đó sáng tạo ra, chuyển giao cho nhiều người hơn và lan tỏa toàn thế giới. Bí quyết ở chỗ, ai đó đã rất tài tình trong việc tạo ra thêm giá trị gia tăng cho một ý tưởng cũ để tạo ra một thứ mới chất lượng hơn”, ông Park Sung Joo nói.
 
Đề cập đến câu chuyện đổi mới sáng tạo ở châu Á, GS.TS. Park Sung Joo nhấn mạnh, Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của châu Á. Đây đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhiều công ty châu Á từ vai trò các công ty “theo đuôi” đã trở thành những tập đoàn dẫn đầu thế giới. Đặc biệt, trong số các công ty Top 500 Fortune, có đến 1/3 số công ty đến từ châu Á, hầu hết là từ TQ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Đây cũng chính là lý do Chủ tịch HĐQT trường KAIST, nguyên cố vấn sáng tạo của Samsung chọn 3 công ty châu Á là Toyota (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc) và Lenovo (Trung Quốc) để giới thiệu bí quyết thành công tới các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội.
 
Với hãng ô tô Nhật Bản Toyota, theo chia sẻ của ông Park Sung Joo, TPS – Hệ thống sản xuất của Toyota cực kỳ hiệu quả, gồm 2 cấu phần: hệ thống sản xuất tức thời (được họ lấy ý tưởng từ hệ thống siêu thị của Mỹ) và Tự động hóa. Ngay khi một sản phẩm được mua, một sản phẩm khác được thay thế ngay lập tức. Điều này làm giảm thiểu sự lãng phí. “Nhiều công ty cố gắng bắt chước chiến lược của Toyota nhưng không thành công. Nhân tố ẩn ở đây chính là phần mềm của Toyota. Phần mềm này cho phép đưa ra các thông số kỹ thuật chinh xác đến cực độ, khắt khe nhưng linh hoạt, dễ thích ứng, đồng thời tôn trọng mọi người”, ông Park Sung Joo cho biết.
 
Với Samsung, từ kinh nghiệm của hơn 10 năm làm cố vấn tại tập đoàn này, ông Park Sung Joo cho biết, Samsung dẫn đầu với khá nhiều dòng sản phẩm, ví dụ như bộ nhớ có DRAM; TV có HDTV, 3DTV, UDTV; điện thoại thông minh có Galaxy S5. Bí quyết của Samsung chính là tốc độ nhanh chóng, vận hành theo kiểu quân đội (24 giờ/ ngày và 7 ngày/ tuần), các sản phẩm được đưa ra liên hoàn theo đường cong hàm mũ. “Trong kinh doanh, chúng ta phải là người đầu tiên để gặt hái được nhiều lợi nhuận nhất trên thị trường. Đó là cách mà Samsung đã làm”, ông Park Sung Joo nhấn mạnh.
 
Phân tích kỹ hơn về khả năng sáng tạo nhanh chóng của Samsung, theo ông Park Sung Joo, bên cạnh các yếu tố như: các quyết định lớn được Chủ tịch và các CEO đưa ra nhanh chóng; văn hóa tốc độ với làm việc nhóm vận hành theo kiểu quân đội, đầu tư khổng lồ cũng là một yếu tố quan trọng. Cụ thể, về nhân lực R&D, Samsung có trên 5.000 Tiến sĩ; đầu tư mới với tổng giá trị rất lớn, lên tới 16 tỷ USD (năm 2014).
 
Còn về hãng sản xuất máy tính nổi tiếng hàng đầu thế giới Lenovo, ông Park Sung Joo nhận định, Lenovo đã tạo ra 1 vụ mua bán sáp nhập thành công khi mua lại IBM. Ở đây có nguồn gốc sáng tạo đến từ văn hóa, đó là việc cân bằng hài hòa giữa nền văn hóa phương Tây và phương Đông trong một công ty đa quốc gia.
 
Trên cơ sở phân tích những bí quyết sáng tạo thành công của các Tập đoàn Toyota, Samsung và Lenovo, ông Park Sung Joo cho rằng rất khó có công  ty nào có thể bắt chước hay lặp lại một cách thành công những sáng tạo của 3 tập đoàn lớn kể trên. “Không có mô hình nào cho mọi công ty. Do đó, mỗi công ty nên có một con đường phù hợp với mình, với văn hóa doanh nghiệp, văn hóa Việt Nam”, ông Park Sung Joo khuyến nghị.
 
Ông Park Sung Joo nguyên là Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch của trường KAIST, một trường Đại học danh tiếng của Hàn Quốc. Ông cũng là Chủ tịch sáng lập của Hiệp hội các trường Kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương (AAPBS), tổ chức mà FSB là thành viên Việt Nam đầu tiên. Với nhiều nghiên cứu giá trị, ông đã được tập đoàn Samsung mời làm cố vấn trong 10 năm liền và có nhiều đóng góp cho một số công ty như Samsung Corning, Samsung SDS, Viện Công nghệ cao Samsung (R&D Think-Tank). Là Giáo sư danh tiếng ở Hàn Quốc, ông Park được tín nhiệm chọn vào Hội đồng cố vấn về KH&CN cho tổng thống Hàn Quốc, thành viên của Học viện KH&CN Hàn Quốc. Ông Park Sung Joo nhận bằng Tiến sỹ của đại học Michigan năm 1978 và tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại KAIST từ năm 1980.
 
Vân Anh

Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu

Ngày 22 tháng Tư vừa qua, các nhà ngoại giao từ 167 quốc gia đã tập trung tại New York để bàn thảo cho một bản cam kết về hạn chế biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới tại Paris. Việc họ sẽ thực hiện tốt hay không các cam kết này phụ thuộc vào hành động của các quốc gia gây biến đổi khí hậu nhiều nhất trong thống kê dưới đây:
 
Trung Quốc: Đây là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã cam kết sẽ giảm lượng phát thải khí carbon dioxide và 20% năng lượng hoá thạch vào “khoảng năm 2030”. Trung Quốc cũng cam kết hạn chế đầu tư công vào các dự án gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí carbon cả ở trong nước và các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường nghi ngờ về khả năng thực hiện những lời hứa này. 
 
Mỹ: Mỹ cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính 25% vào năm 2025 so với mức phát thải năm 2005. Tuy nhiên, các nhà khoa học và công luận Mỹ đang nghi ngờ về tính pháp lý khi thực hiện cam kết này. Tháng hai vừa qua, toà án tối cao Mỹ đã phải xem xét lại những quy định pháp lý về việc cắt giảm lượng khí phát thải thông qua việc hạn chế các nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ, các ứng viên Đảng Cộng hoà đã mạnh mẽ chỉ trích bản thoả thuận Paris về cắt giảm phát thải. Theo cuộc thăm dò ý kiến của Gallup vào tháng ba, có 64% người Mỹ rất lo lắng về cách quản lý nguồn tài chính một cách hợp lý trong các dự án giảm sự nóng lên toàn cầu.
 
Liên minh châu Âu: EU cam kết đầy tham vọng khi hứa giảm ít nhất 40% lượng khí thải vào năm 2030 và hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo hơn chống biến đổi khí hậu nhưng thực tế lãnh đạo châu Âu đang bị chia rẽ bởi cuộc khủng hoảng di cư, nước Anh có nguy cơ rời khỏi liên minh và cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp. 
 
Ấn Độ: Nước này cam kết tăng lượng phát điện năng lượng Mặt trời lên tới 100GW vào năm 2022 (năm 2015 mới dừng lại ở 3GW). Đồng thời Ấn Độ cũng thoả thuận tăng độ che phủ rừng với một dự án trồng rừng khoảng 6 tỉ USD và đánh thuế gấp đôi lên than đá. 
 
Nga: Trong khi đó, Nga chưa thực hiện bất kỳ một cam kết nào để giảm lượng phát thải. Tổng thống Nga Putin đã đưa ra một bản kế hoạch sẽ giảm 70% lượng khí thải so với năm 1990. Tuy nhiên trên thực tế, nếu so với mốc 1990, chỉ cần duy trì mức phát thải hiện tại thì nước Nga cũng gần đạt được mục tiêu trên. Thách thức lớn nhất với nước Nga lúc này là chưa có các quy định về mặt luật pháp một cách chặt chẽ để giảm phát thải và cần phải hiện đại hoá những công nghệ đã lạc hậu. Mặt khác, rất đông người Nga phản đối kế hoạch này, đặc biệt là người dân ở các khu vực sản xuất than vì họ lo sợ sẽ mất việc khi giảm sản xuất.
 
Brazil: Quốc gia này cam kết giảm 43% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 2005 và nỗ lực chống phá rừng để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chính giới Brazil không đạt được sự thống nhất trong thực hiện cam kết này và nước này đang bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua. Suy thoái kinh tế có nghĩa rằng chính phủ sẽ thiếu tiền để đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế cho nguồn năng lượng hoá thạch.
 
Indonesia: Quốc gia được xếp là một trong những quốc gia gây ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới này cam kết cắt giảm 29% khí thải hoặc có thể lên tới 42% vào năm 2030 nếu nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các nước phát triển đồng thời sẽ ban lệnh cấm chặt phá rừng để lấy đất sản xuất cây cọ dầu vào năm 2017. Các nhà hoạt động môi trường đang chờ đợi thông tin thêm và lo lắng rằng có thể Indonesia sẽ vi phạm những cam kết này như đã từng xảy ra trong quá khứ. 
 
Bảo Như lược dịch theo Nytimes