Euler người thầy vĩ đại: Một số đóng góp tiêu biểu

Trong hai kỳ trước chúng ta đã tìm hiểu cuộc sống thăng trầm và các đóng góp cơ bản của Euler, kỳ này Tia Sáng giới thiệu tới bạn đọc một số đóng góp tiêu biểu của Euler, nội dung sẽ bao gồm nhiều kiến thức Toán học.
 
Euler với lý thuyết số
 
Số hoàn hảo
 
Ngay từ thời của Pythagoras (thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên) câu hỏi đặt ra với các số hoàn hảo đã được biết tới. 
 
Định nghĩa số hoàn hảo: Số hoàn hảo là một số nguyên dương mà tổng các ước thực sự của nó bằng chính nó. 
 
Ví dụ: Các ước thực sự của 6 là 1,2,3 và 6=1+2+3.
 
Trong quá trình nghiên cứu về số hoàn hảo, Euler đã đưa ra một số khái niệm và các khái niệm này đều có những đóng góp to lớn không chỉ cho riêng việc nghiên cứu các số hoàn hảo. 
 
Định nghĩa: σ (n) là tổng các ước nguyên dương của n. (Ban đầu Euler sử dụng kí hiệu ∫(n), ngày nay kí hiệu đó được sử dụng cho tích phân.)
 
Euler cũng đưa chứng minh nhiều khẳng định liên quan tới σ (n). 
 
Mệnh đề: Nếu n là một số hoàn hảo thì σ (n) = 2n.
 
Định lý: Nếu n là một số hoàn hảo chẵn thì n = 2k-1 (2k-1) và 2k -1 là một số nguyên tố.
 
Với định lý nêu trên, Euler đã chỉ ra dạng của các số hoàn hảo chẵn, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ cho bộ óc vĩ đại của mình, năm 1747 trong một bài báo của mình, Euler đã đưa ra câu hỏi “Liệu có số hoàn hảo nào là số lẻ?” Sau đó, ông gọi đó là vấn đề khó nhất. Vào thời điểm đó tất cả mọi người đều tin rằng đó là một vấn đề thực sự khó, vì ngay cả Euler cũng xác nhận điều đó. 
 
Cho đến ngày nay, vấn đề về sự tồn tại của một số hoàn hảo lẻ vẫn còn là một thách thức cho tất cả các nhà toán học. Họ vẫn chưa thể khẳng định được sự tồn tại của số hoàn hảo lẻ. Ngay cả với sự trợ giúp của các hệ thống siêu máy tính thì câu hỏi trên vẫn là một câu hỏi mở. Có rất nhiều người đã tham gia nghiên cứu vấn đề này và cũng cho ra nhiều kết quả thú vị. 
 
* Một số hoàn hảo lẻ không thể chia hết cho 105.
 
* Số hoàn hảo lẻ nhỏ nhất lớn hơn 10300
 
* Một số hoàn hảo lẻ có ít nhất ba thừa số nguyên tố khác nhau.
 
* Tổng nghịch đảo của các số hoàn hảo lẻ là hữu hạn. 
 
Đây là một điều rất thú vị bởi trong giải tích thì   không hội tụ, nhưng nếu chỉ lấy trên tập các số hoàn hảo lẻ thì nó lại hữu hạn. 
 
Hi vọng trong tương lai gần các nhà Toán học sẽ có câu trả lời cho vấn đề “số hoàn hảo lẻ”. 
 
Số nguyên tố và hàm Zeta
 
Bắt đầu với bài toán Basel tính tổng nghịch đảo các bình phương 
 
 
 
Tổng quát hoá tổng trên ta được hàm Zeta  
 
Euler đã tính được     bằng cách xét đa thức  
 
 
 
sau đó Euler viết P(x) dưới 2 dạng khác nhau và đồng nhất hệ số để tính được ζ (2).
 
 
 
Xét hệ số của x2 trong P(x) nói trên, ta có: 
 
 
 
Và cuối cùng thu được  
 
Không dừng lại ở đó, Euler còn tính được kết quả tổng quát                             . 
 
 
 
Trong đó |B2n| là số Bernoulli 
 
Euler gặp khó khăn với trường hợp s lẻ và ông không tin nó có liên quan tới . Ngày nay thì đây cũng là một câu hỏi mở đang chờ được các nhà toán học giải đáp. 
 
Trong quá trình tính toán với các bài toán trên, Euler đã đưa ra rất nhiều đẳng thức bất ngờ và nhiều điểm độc đáo, sau này trở thành các công cụ tính toán mạnh cho nhiều nhà toán học. Với lý thuyết số, Euler còn chứng minh rất nhiều định lý quan trọng trong lý thuyết đồng dư, số nguyên tố, số Mersenne… do khuôn khổ bài viết nên tôi chỉ trình bày sơ lược các kết quả đại diện trong các lĩnh vực mà Euler để lại. 
 
Euler và định lý cơ bản của đại số
 
Định lý: Mọi đa thức bậc n với hệ số phức luôn phân tích được thành n nhân tử tuyến tính
Đây là định lý cơ bản của đại số, một trong những định lý quan trọng nhất và được sử dụng rộng rãi không chỉ riêng trong đại số. Các chứng minh của định lý này cho đến nay vẫn chưa có một chứng minh nào là thuần tuý đại số, các chứng minh đã có đều mang chút ít màu sắc của giải tích phức. 
 
Năm 1794, Euler cũng đưa ra một phác thảo chứng minh cho định lý cơ bản của đại số. khi đó Euler mới chỉ cụ thể hoá được trường hợp bậc 4.
 
Định lý Euler-Fermat và Mật mã
 
Định lý: Nếu a và n là hai số nguyên tố cùng nhau thì aφ(n) ≡ 1 (mod n). Với φ(n) là phi hàm Euler.
 
Trong mật mã, ta quan tâm tới việc truyền thông tin một cách an toàn từ người gửi tới người nhận.  Một thông điệp M được mã hoá thành E và người nhận sẽ giải mã từ E thu được M. Sẽ rất thuận tiện nếu mỗi kí tự trong bảng mã ASCII được thay thế bằng các số tự nhiên, khi đó việc biến M → E sẽ chuyển sang ngôn ngữ ánh xạ f : N → N. Vấn đề ta phải tìm một hàm f thoả mãn: 
– f là một song ánh
– f có công thức và khó tìm được nghịch ảnh của f.
 
Một giải pháp cho vấn đề này là chương trình mã hóa RSA đang được sử dụng rộng rãi (đặt theo tên nhà phát minh của nó R. Rivet, A. Shamir và Adleman L.)
 
Tạo Mã và Mã hoá
 
* Chọn hai số nguyên tố p,q lớn và khác nhau.
* Tính n = p.q
* Tính giá trị của φ(n) = (p-1) (q-1)
* Chọn 1 số nguyên tố e thoả mãn: 1<e<φ(n) và e nguyên tố cùng nhau với φ(n).
* Tìm d: (d.e) ≡ 1 mod (φ(n))
 
Mã công khai là n, module và e số mũ công khai, mã bí mật 
 
 
 
Người gửi chuyển thông tin M thành số m<n theo một hàm chuyển đổi. Lúc này cả người gửi và người nhận đều có m và n, người nhận tìm c là bản mã hoá của n: c = m2 mod (n)
 
Bánh răng Euler
 
 
Trong quá trình làm việc với thiết kế tua bin nước, Euler đã tối ưu cho các bánh răng để giảm sức lao động, giảm tiếng ồn… Euler không chỉ là người phát minh ra mà còn dự đoán được cả quỹ đạo chuyển động của nó. Bánh răng này được gọi là bánh răng – Euler. Sau này người ta còn gọi đó là phương trình Euler–Savary.
 
 
Đĩa Euler
 
Euler cũng nghiên cứu tới chuyện động của các vật thể xoay quanh một trục, có tính tới ma sát. Một ví dụ thú vị là đĩa Euler, một đĩa tròn (đồng nhất) bằng kim loại được quay trên một bề mặt mịn sạch. Lúc đầu, nó sẽ xoay xung quanh trục thẳng đứng của nó, nhưng do ma sát, trục đang bắt đầu nghiêng và đĩa để cuộn trên một đường tròn. Càng ngày trục nghiêng càng bị nghiêng dần, các vòng tròn thì ngày một rộng ra. Dù có xét đến yếu tố nào đi nữa thì quả bóng vẫn sẽ dừng lại. 
 
 
 
Chìa khóa để giải thích chuyển động này là phương trình Euler, một tập hợp các phương trình vi phân liên quan đến các góc Euler và các thông số khác. Các chi tiết kỹ thuật của các chuyển động, vẫn còn được tiếp tục nghiên cứu cho tới tận bây giờ.
 
Lý thuyết đồ thị và Tôpô
 
Con sông Pregel, chảy qua thành phố Phổ Königsberg, chia thành phố thành một hòn đảo và ba vùng đất riêng biệt, một ở phía Bắc, một ở phía Đông, và một ở phía Nam. Có tất cả bảy cây cầu, sắp xếp như trong bản đồ với các điểm màu xanh lá cây.
 
 
 
Bài toán: người ta có thể đi dạo từ một điểm ở thành phố khác bằng cách đi qua mỗi cây cầu đúng một lần? Bậc của một đỉnh là cạnh nối với nó; trong đồ thị các cây cầu Königsberg, ba nút có bậc bằng 3 và một nút có bậc 5. Euler đã chứng minh rằng một chu trình có dạng như mong muốn chỉ tồn tại khi và chỉ khi không có nút bậc lẻ. Một đường đi như vậy được gọi là một chu trình Euler. Do đồ thị các cây cầu Königsberg có bốn nút bậc lẻ, nên nó không thể có chu trình Euler.
 
Lời giải của Euler cho bài toán trên là cơ sở cho nền móng của Topo học. (Xem thêm bài viết của Nguyễn Hữu Việt Hưng trên Tia Sáng số 6 – 20/3/2016.)
 
Công thức Euler 
 
Với mọi số thực x ta luôn có: eix = cos x + i.sin x . Với e là số vô tỉ được tính qua giới hạn                  
 
 
công thức Euler là phổ biến trong toán học, vật lý và kỹ thuật. Nhà vật lý Richard Feynman được gọi là phương trình “viên ngọc quý” và “công thức đáng chú ý nhất trong toán học.”
 
Một công thức tương đương là  ix= ln (cos x + i sin x), công thức này được đưa ra bởi Cotes (1714). Công thức Euler được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực của Toán từ lý thuyết số phức, phương trình vi phân,…từ đơn giản nhất cho đến phức tạp. 
 
Qua ba bài viết, chúng ta đã cùng có một hành trình xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của nhà Toán học vĩ đại Euler, một người thầy vĩ đại bởi tất cả những gì ông để lại đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên bộ mặt khoa học và cuộc sống ngày nay. 

VNPT được chọn làm đối tác cung cấp dịch vụ cho cơ quan Đảng và Nhà nước

Ngày 11/5/2016, VNPT và Cục Bưu điện Trung ương đã ký kết thỏa thuận phối hợp về quản lý, khai thác và cung cấp dịch vụ trên mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) và vận hành khai thác hệ thống điện báo hệ đặc biệt phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.
 
Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long trao quà lưu niệm cho Cục Bưu điện Trung ương 
 
Theo Thỏa thuận phối hợp về quản lý, khai thác và cung cấp dịch vụ trên mạng TSLCD của cơ quan Đảng và Nhà nước, VNPT sẽ có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo dưỡng và xử lý các sự cố Mạng truy nhập cấp II, và thiết bị đầu cuối tại tỉnh ủy, thành ủy, UBND, HĐND tỉnh/thành phố; Phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương trong việc khai báo, xử lý sự cố kết nối liên mạng giữa Mạng đường trục, Mạng truy nhập cấp I do Cục BĐTW quản lý và Mạng truy nhập cấp II do VNPT quản lý; Có trách nhiệm thông báo cho Cục Bưu điện Trung ương đối với các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới mạng TSLCD;  Phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương đảm bảo công tác an toàn, bảo mật và an ninh thông tin trên toàn mạng TSLCD theo quy định. Bên cạnh đó, VNPT sẽ cung cấp hạ tầng cho mạng TSLCD, đảm bảo điều kiện hoạt động thiết bị mạng TSLCD của Cục Bưu điện Trung ương.
 
Mạng TSLCD là dự án về Viễn thông – CNTT có quy mô toàn quốc, có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong việc đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, chính xác và an toàn trong mọi tình huống, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước tới các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước. Dự án cũng sẽ góp phần tạo tiền đề cho quá trình thực hiện cải cách hành chính, hướng tới việc xây dựng chính phủ điện tử trong tương lai.
 
Từ năm 2007, Bưu điện Trung ương, lúc đó là đơn vị thuộc VNPT được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai thực hiện Dự án này với 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất hoàn thiện hệ thống truyền số liệu từ cơ quan Đảng, Chính phủ đến các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành trên toàn quốc. Giai đoạn hai thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu hoàn thiện mạng truyền số liệu từ UBND các tỉnh, thành đến các sở, ban, ngành, quận, huyện và giai đoạn ba sẽ triển khai đến cấp xã phường trên toàn quốc.
 
 Từ tháng 3/2012, mạng TSLCD đã chính thức được khai trương và từ đó đến nay đã và đang  cung cấp kết nối và dịch vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố, quận, huyện ủy, UBND quận, huyện, thị xã… trên cả nước. Mạng TSLCD hiện được chia thành hai cấp: Từ trung ương về các tỉnh thành và từ tỉnh thành về các huyện xã. Hiện tại, 47/60 tỉnh có lưu lượng sử dụng mạng chuyên dùng dưới 60%,  2 tỉnh có lưu lượng sử dụng trên 80%.
 
Với vai trò và trách nhiệm của Tập đoàn Kinh tế chủ lực quốc gia về Viễn thông – CNTT, VNPT khẳng định luôn đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu, nhiệm vụ về thông tin liên lạc phục vụ Đảng và Nhà nước và sẽ không ngừng nỗ lực hơn nữa, sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới, đảm bảo việc xây dựng hạ tầng cho một Chính phủ điện tử trong tương lai không xa.
 
Bên cạnh việc ký kết Thỏa thuận phối hợp về quản lý, khai thác và cung cấp dịch vụ trên mạng Truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của cơ quan Đảng và Nhà nước, Cục Bưu điện Trung ương và VNPT cũng đã thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác về việc: Vận hành khai thác hệ thống điện báo Hệ đặc biệt phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cấp cao và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong mọi tình huống trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực và thế mạnh phục vụ của mỗi bên.
 
 
PV

Viettel sẵn sàng cấp 1 tỷ đồng để triển khai nhanh 1 ý tưởng đặc biệt

Bất cứ cá nhân nào có ý tưởng xuất sắc mà Viettel đánh giá là khả thi, mang lại hiệu quả lớn, thì Tập đoàn sẽ lấy người có ý tưởng đấy dẫn đầu một nhóm, bổ sung khoảng 5 nhân sự, cấp kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để lập nhóm riêng cho nghiên cứu, và hỗ trợ đưa sản phẩm ra áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh.
 
Sẵn sàng đầu tư 1 tỷ đồng cho ý tưởng xuất sắc
 
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng Ban Nghiên cứu sản xuất của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel vừa cho biết thông tin trên tại Hội nghị Khoa học công nghệ (KHCN) ngành TT&TT năm 2016 diễn ra sáng 10/5/2016 ở Hà Nội.
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, thời gian tới, Viettel sẽ triển khai một số cách làm mới trong hoạt động đầu tư KHCN, nghiên cứu và phát triển (R&D).
 
Một là đẩy mạnh đội ngũ nghiên cứu ở nước ngoài như ở Mỹ, Pháp, sắp tới là Hàn Quốc, Ấn Độ. Hiện Viettel đã thành lập 1 công ty ở Mỹ, 1 công ty ở châu Âu. Các công ty này đang tìm kiếm nhân lực công nghệ cao, tìm kiếm công nghệ mới, tìm kiếm một số loại vật liệu đặc thù. Thời gian tới, ngoài việc tìm kiếm đối tác, công nghệ, các đơn vị này còn được giao nhiệm vụ triển khai hoạt động R&D, tận dụng các lợi thế như có điều kiện tiếp xúc với công nghệ mới, điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu rất tốt. Qua đó sẽ tạo sức ép cho đội ngũ nghiên cứu trong nước của Viettel. Cách làm này giống như cách làm của Samsung cách đây khoảng 30 năm.
Skip in 6…Ad finishes in 28 seconds
 
Hai là đặt hàng các doanh nghiệp nhỏ, start-up, đặc biệt là các start-up trong các trường đại học. Theo đó sẽ đặt hàng nghiên cứu và thiết kế các sản phẩm trong các phân khúc thị trường hẹp, hoặc những sản phẩm có tính chất đặc thù, mục đích là tận dụng và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học công nghệ của toàn xã hội.
 
Và ba là xây dựng cơ chế hỗ trợ để triển khai nhanh ý tưởng đặc biệt. Các cá nhân có ý tưởng độc đáo, khả thi, đạt hiệu quả cao, sẽ được Viettel hỗ trợ đội ngũ, kinh phí để biến ý tưởng đó thành các sản phẩm hoàn chỉnh, có thể đưa ra kinh doanh. Mô hình này gần giống vườn ươm start-up.
 
"Viettel đã bắt đầu triển khai thí điểm việc này. Bây giờ, bất cứ cá nhân nào có ý tưởng xuất sắc mà hội đồng thẩm định của Tập đoàn đánh giá là khả thi, mang lại hiệu quả lớn, thì Tập đoàn sẽ lấy người có ý tưởng đấy dẫn đầu một nhóm, bổ sung khoảng 5 nhân sự, cấp kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để lập nhóm riêng cho nghiên cứu, và hỗ trợ nhóm nghiên cứu đưa sản phẩm ra áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của Viettel", ông Nguyễn Mạnh Hải nhấn mạnh.
 
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
 
1 đồng cho đầu tư cũng là 1 đồng cho vay
 
Viettel sẵn sàng chi tiền cho các ý tưởng xuất sắc, song cũng không dễ gì chấp nhận lãng phí nguồn đầu tư này.
 
"Lãnh đạo Tập đoàn đã xác định rõ định hướng "1 đồng chi cho nghiên cứu là 1 đồng vay". Nguồn lực tài chính dành cho nghiên cứu được coi như là Tập đoàn ứng trước. Đội ngũ nghiên cứu phải tính bài toán thương mại hóa sản phẩm để hoàn chi phí nghiên cứu trong vòng 3 – 5 năm. Doanh thu có được sau khi thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu sẽ được hoàn trả lại Quỹ phát triển KHCN của Tập đoàn. Vì thế, nguồn Quỹ của Viettel liên tục được mở rộng, tạo điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ KHCN mới", ông Nguyễn Mạnh Hải nói.
 
Các dự án, đề tài nghiên cứu KHCN không chỉ bắt buộc phải xuất phát từ thị trường, phải làm chủ công nghệ lõi (phải tự nghiên cứu, thiết kế, làm chủ 80% công nghệ, chỉ hợp tác, chuyển giao 20% còn lại để giảm chi phí và tăng hiệu quả tiếp nhận chuyển giao), mà sản phẩm làm ra phải xuất khẩu được. "Chúng tôi xác định việc nghiên cứu được sản phẩm mới chỉ đạt 40% yêu cầu, thương mại hóa và bán được sản phẩm trong nước thì đạt 70% yêu cầu, chỉ khi xuất khẩu được sản phẩm mới đạt 100%. Trên thực tế, chúng tôi đã có rất nhiều sản phẩm có hiệu quả, có lãi nhưng cũng chỉ đạt 70% yêu cầu vì mới trong giai đoạn bắt đầu xuất khẩu", ông Nguyễn Mạnh Hải chia sẻ thêm.
 
Bên cạnh việc thí điểm cơ chế khoán thực hiện đề tài, từ đầu năm 2016, lãnh đạo Tập đoàn còn cho phép lãnh đạo các đơn vị cấp dưới được tự phê duyệt đầu tư cho đề tài nghiên cứu KHCN với điều kiện giá trị đề tài dưới 5 tỷ đồng, phải hoàn thành trong vòng 6 tháng và có thể thu hồi vốn trong vòng 1 năm.
 
Hàng năm, Viettel được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế (khoảng 4.000 tỷ đồng) để lập Quỹ phát triển KHCN của Tập đoàn. Khoảng 15 năm qua, hoạt động sáng kiến, ý tưởng đã làm lợi cho Viettel hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2015, Viettel đã có 8.000 ý tưởng, 900 sáng kiến, làm lợi cho Tập đoàn gần 900 tỷ đồng.
 
Ngọc Mai

Tổng hợp sự kiện “Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU”

Trong khuôn khổ của sự kiện “Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU 2016” (ASEAN-EU STI Days 2016), tối ngày 11/5/2016 tại Khách sạn Melia, Hà Nội, đã diễn ra buổi tiệc tối đặc biệt – Gala Dinner. 
 
Tới dự có Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet; Đại sứ EU tại ASEAN Francisco Fontan Pardo; và đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước EU và ASEAN tại Hà Nội, các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, và đại diện các phương tiện thông tin đại chúng.
 
 
Bộ Trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Gala Dinner
Phát biểu tại Gala Dinner, thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng SEA-EU-NET là một trong những dự án thuộc Chương trình khung lần thứ 7 (FP7) được triển khai thành công nhất nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học trong những lĩnh vực cùng quan tâm giữa Đông Nam Á và EU. Với sự hỗ trợ của Dự án, nhiều liên minh nghiên cứu giữa hai khu vực đã được hình thành và nhận được tài trợ của FP7 và Horizon 2020. Quan trọng hơn, từ những kiến nghị và tư vấn chính sách của Dự án, các quốc gia ASEAN và EU đã đưa vào triển khai các chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế liên khu vực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định: Sự kiện Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU 2016 có ý nghĩa đặc biệt, chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Theo Bộ trưởng, điểm đặc biệt của Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU 2016 là tập hợp được sự tham gia của tất cả các đối tác, từ các nhà hoạch định chính sách, nhà tài trợ, chuyên gia tư vấn, nhà khoa học cho tới các nhà đổi mới sáng tạo và cả giới truyền thông. Bộ trưởng hy vọng qua sự kiện này, các bên liên quan sẽ xác định được những tiềm năng và các lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai khu vực về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đưa ra các cơ chế tài trợ và công cụ hỗ trợ mới cho hợp tác khoa học và công nghệ, xây dựng nền tảng nhằm khuyến khích sức mạnh tổng hợp của các hoạt động nghiên cứu chung. Bộ trưởng mong rằng sáng kiến ASEAN-EU STI Days sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm tới đây.
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại Lễ khai mạc
 
Trước đó, ngày 10/5/2016, tại Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia thuộc Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ khai mạc sự kiện “Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU” (ASEAN-EU STI Days 2016). Sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 10- 12/5/2016 tại khách sạn Melia, Hà Nội. STI Days 2016 là hoạt động trên quy mô quốc tế liên khu vực được tổ chức trong chuỗi các sự kiện chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5.
 
 
Toàn cảnh Lễ khai mạc
 
Tham dự Lễ khai mạc có: ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam; ông Tung Ciny, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thủ công Campuchia; ông HoumphanhIntharath, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lào; ông Kostas Glinos, Trưởng Ban chiến lược hợp tác quốc tế, Tổng cục Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo, Ủy ban châu Âu; cùng đại diện các cơ quan quản lý KH&CN, các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán, các đối tác của dự án SEA-EU-NET, các bộ, ngành trung ương và địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông.
 
Tại Việt Nam, vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với phát triển KT-XH của đất nước đã được khẳng định tại Hiến pháp năm 2013: “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước”. Luật KH&CN năm 2013 ra đời tạo điều kiện phát triển KH&CN, đặc biệt tạo tiền đề cho các hoạt động hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những thách thức lớn mang tính toàn cầu về KH&CN.
 
ASEAN là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới với dân số khoảng 600 triệu người và là khu vực có vị trí lý tưởng để phát triển. Từ cuối năm 2015, Cộng đồng chung ASEAN đã chính thức được thành lập với 3 trụ cột chính là kinh tế, chính trị-an ninh, văn hóa-xã hội và đưa ra Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nêu rõ mục tiêu phát triển ASEAN thành một cộng đồng cạnh tranh, sáng tạo và năng động, thúc đẩy tăng mạnh năng lực sản xuất. 
 
Trong quá trình triển khai tầm nhìn chiến lược của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, EU luôn được coi là đối tác quan trọng về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các nước Đông Nam Á và EU đã thiết lập mối quan hệ đối tác về KH&CN trong nhiều năm qua. Điều đó đã được thể hiện rõ nhất trong các dự án hợp tác trong khuôn khổ các Chương trình khung về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của EU, trong đó nổi bật là dự án SEA-EU-NET 2. Dự án SEA-EU-NET 2 do Chương trình khung lần thứ 7 (FP7) của EU tài trợ, đã khởi xướng sự kiện “Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU”.
 
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhấn mạnh:“Sự kiện ASEAN-EU STI Days 2016 được tổ chức rất đúng thời điểm, góp phần quan trọng thúc đẩy nền KH&CN ASEAN phát triển bắt kịp với trình độ thế giới. Sự kiện ASEAN-EU STI Days 2016 là trung tâm của nhiều hoạt động liên quan tới thúc đẩy hợp tác về KHCN và đổi mới sáng tạo giữa hai khu vực Liên minh châu Âu và Đông Nam Á. Đây sẽ là bước quan trọng để xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài về KH&CN giữa ASEAN và EU.”
 
 
Ông Kostas Glinos, Trưởng Ban chiến lược hợp tác quốc tế, Tổng cục Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo, Ủy ban châu Âu, phát biểu tại buổi lễ
 
 
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Kostas Glinos, Trưởng Ban chiến lược hợp tác quốc tế, Tổng cục Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo, Ủy ban châu Âu, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giữa ASEAN và EU về những vấn đề mà hai khu vực cùng quan tâm như công nghệ thông tin, y tế, quản lý nguồn nước, an ninh và an toàn thực phẩm, đo lường, đổi mới sáng tạo, kết nối doanh nghiệp, đặc biệt là hợp tác giữa khu vực hàn lâm và ngành công nghiệp của hai khu vực. Theo ông Kostas Glinos, EU cam kết hỗ trợ để tăng cường hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa ASEAN và EU, trong bối cảnh khu vực ASEAN ngày càng trở nên năng động và hấp dẫn đầu tư. Ông hy vọng thông qua hợp tác giữa ASEAN và EU, năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong khu vực ASEAN sẽ được nâng cao.
 
Ông Christoph Elineau, Giám đốc Dự án SEA-EU- NET nêu rõ: “Mục đích của chúng tôi khi tổ chức diễn đàn này là nhằm tập hợp các nhà hoạch định chính sách, quản lý cho tới các nhà khoa học để cùng nhau bàn bạc, đưa ra những giải pháp giải quyết những vấn đề khoa học phức tạp và mang tính toàn cầu hiện nay trong nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, tài nguyên, y tế… Trong thời gian qua, các nhà khoa học của các khu vực đã có những hợp tác mang tính hàn lâm với nhau". 
 
Theo Christoph Elineau, các nhà khoa học của khu vực Đông Nam Á đã được học tập tại các nước châu Âu và khi quay về nước vẫn giữ được mối liên hệ với các nước châu Âu. Vấn đề hiện nay là phải làm sao biến những hợp tác về hàn lâm đó trở thành những giải pháp hữu ích, giải pháp mang tính sáng tạo có thể áp dụng vào trong thực tế để giải quyết những thách thức đang rất “nóng” hiện nay như: Xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu,… Giám đốc Dự án SEA-EU- NET cũng mong muốn diễn đàn sẽ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm của các nước trên thế giới về cách đối phó, giải pháp thích ứng với các thách thức; và qua đó các nước có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau.
 
Trong 3 ngày diễn ra STI Days 2016, có 22 hội nghị/hội thảo khoa học, triển lãm đổi mới sáng tạo và nhiều hoạt động khác được tổ chức với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu trong đó có 358 đại biểu quốc tế đến từ trên 40 quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Cụ thể, sẽ có nhiều phiên đối thoại chính sách, hội nghị/hội thảo khoa học về các chủ đề có sự quan tâm chung giữa hai khu vực như y tế, quản lý nguồn nước, an ninh và an toàn thực phẩm, đo lường, đổi mới sáng tạo, kết nối doanh nghiệp…; triển lãm về đổi mới sáng tạo với mục đích quảng bá năng lực KHCN và đổi mới sáng tạo của các quốc gia Đông Nam Á đối với các đối tác tại châu Âu.
 
Sự kiện ASEAN-EU STI Days 2016 có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai khu vực ASEAN và EU. Sự kiện cũng mở ra cơ hội cho các nhà hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo xây dựng mạng lưới nhằm trao đổi, thảo luận những chủ đề mà họ cùng quan tâm và đưa ra những triển vọng hợp tác mới. ASEAN-EU STI Days 2016 tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa ASEAN và EU. Đây cũng là cơ hội để tăng cường hội nhập, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và EU. 
 
Liên quan đến các hoạt động trong khuôn khổ “Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU 2016”, trong ngày hôm nay (11/5) và sáng mai (12/5) sẽ diễn ra hàng loạt các hội nghị/hội thảo, diễn đàn, đối thoại như:
 
Hội thảo “ASEAN RISE (ICT, các thành phố thông minh, hệ thống nước)”;
Hội thảo về đổi mới sáng tạo: “Thay đổi các điều kiện khung về đổi mới sáng tạo ở ASEAN – Hợp tác khu vực và những lựa chọn chính sách”;
Diễn đàn về đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp cà phê và chuỗi cung ứng;
Hội thảo “Hướng đến những giải pháp mới trong hợp tác EU-ASEAN ICT: chính sách ICT, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cho xã hội thông minh”;
Hội thảo “Nâng cao năng lực nghiên cứu tại châu Âu: Những cơ hội tài trợ và học bổng cho các nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á”;
Hội nghị bàn tròn các chuyên gia về nghiên cứu và giám sát AMR – Những tương đồng về ưu tiên giữa châu Âu và Đông Nam Á;
Hội thảo “Hệ thống ủng hộ cho việc ra quyết định đối với quản lý nước và môi trường: Nâng cao hiểu biết và giảm thiểu các tác động kinh tế, xã hội, sức khỏe và môi trường”;
Hội thảo “Đầu ra hợp tác nghiên cứu giữa các nước ASEAN – bằng chứng định lượng và giải thích”;
Hội thảo “Nâng cao năng lực nghiên cứu tại châu Âu: Những cơ hội tài trợ và học bổng cho các nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á”;
Hội thảo “Nghiên cứu an toàn nhà máy điện hạt nhân: “Nâng cao nhận thức về hậu quả của các tại nạn nhà máy điện hạt nhân”;
Hội thảo “Nghiên cứu về hiện đại hóa ngành công nghiệp sản xuất và sản xuất bền vững,…
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin chi tiết về một số hội nghị/hội thảo trên.
 
Nguồn:  NASATI
 

Triển lãm quốc tế Y Dược 2016 thu hút 350 tập đoàn quốc tế

Ngày 11/5, Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 23 (VietNam Medi-Pharm 2016) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
 
Năm nay, 350 tập đoàn, doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia triển lãm với quy mô 450 gian hàng.
 
Sự kiện do Bộ Y tế phối hợp với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Việt Nam (VimeddimexVN) và Công ty cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam (VietFair) tổ chức.
 
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam (VietNam Medi- Pharm) tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994, đến nay đã trở thành triển lãm chuyên ngành uy tín hàng đầu Việt Nam.
 
 
Khách tham quan Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược 2015. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Triển lãm là nơi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Y Dược trưng bày và giới thiệu thành tựu, kỹ thuật hiện đại và các sản phẩm tiên tiến nhất. Đồng thời, triển lãm là nơi giao lưu, trao đổi, tìm hiểu đối tác, liên doanh giữa các nhà chuyên môn Y Dược, nhà sản xuất, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế trong nước và quốc tế…
 
Sản phẩm trưng bày chính tại triển lãm năm nay gồm dược phẩm; máy móc, trang thiết bị và đồ dùng y tế; trang thiết bị, nội thất bệnh viện, phòng khám; thiết bị, dụng cụ nha khoa; thiết bị ngoại khoa; thiết bị chẩn đoán; thiết bị, dụng cụ nhãn khoa; thiết bị phòng thí nghiệm; thiết bị vật lý trị liệu, phẫu thuật chỉnh hình; thiết bị cứu trợ; mô hình, giáo cụ, trong các trường y, dược; thiết bị xử lý chất thải; Đông dược, Nam dược, Trung dược; dây chuyền, thiết bị bào chế, sản xuất đóng gói bao bì dược phẩm; du lịch chăm sóc sức khỏe…
 
Diễn ra đồng thời với Triển lãm quốc tế Y Dược 2016 còn có các triển lãm chuyên đề như Triển lãm bệnh viện quốc tế Việt Nam lần thứ 9; Triển lãm quốc tế chuyên ngành Nha khoa Việt Nam lần thứ 5…
 
Ngoài ra, nhiều hội thảo, diễn đàn cũng được tổ chức tại triển lãm như diễn đàn “Sẻ chia vị ngọt, tri ân cộng đồng” lần thứ 5 kêu gọi thiện nguyện, góp sức giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện; hội thảo chuyên ngành xương khớp; hoạt động hưởng ứng “Ngày phòng chống tăng Huyết áp thế giới”, chào mừng “Hội nghị tăng huyết áp Việt Nam lần thứ 2.”
 
Trong khuôn khổ triển lãm còn có các hoạt động giao thương, tư vấn hỏi đáp, hội thảo, tọa đàm chuyên đề; hiến máu nhân đạo, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, hoạt động hướng tới cộng đồng xã hội, phổ biến kiến thức về sức khỏe… sẽ diễn ra hàng ngày…/.
 
Theo Vietnam Plus
 

Nghệ An: Sản xuất cà chua sạch ghép trên gốc cà tím

Mô hình cây cà chua ghép trên gốc cà tím trồng trên vùng đất cát ven biển Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An) có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống cà chua thường.
 
Xã Diễn Thành được Trạm khuyến nông huyện Diễn Châu đưa vào trồng thử nghiệm giống cà chua ghép trên gốc cà tím (giống cây được lấy về từ Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương) với diện tích 2 sào, 3 hộ tham gia. Tuy mới đưa vào thử nghiệm nhưng cây cà chua ghép trên gốc cà tím đã cho hiệu quả ngay từ vụ đầu.
 
 
Cây cà chua ghép rất sai quả. Mỗi gốc cho từ 3 – 5kg quả.

 

Anh Nguyễn Văn Tá – nông dân Diễn Thành cho biết: Trong vụ thử nghiệm gia đình tôi trồng nửa sào giống cà chua ghép và thấy ưu điểm vượt trội. Cây ghép đã khắc phục được bệnh héo xanh, xoăn lá thường xuất hiện trên cây cà chua. Do đó, không cầni phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Gốc của cà tím nên mưa lớn không làm úng cây. Đợt rét hại trong mùa đông vừa qua cây vẫn an toàn.
 
Tuy chỉ trồng nửa sào với 650 gốc nhưng vụ đầu tiên đạt tới 1,4 tấn quả với giá bán trung bình 15.000 đồngkg, gia đình thu về tới trên 20 triệu đồng. Đặc điểm của cây cà chua này là quả rất ngon, bột nhiều. Quả tươi thu hoạch về có thể tươi đến hơn 1 tháng. Với ưu điểm như vậy nên vụ xuân 2016, gia đình anh Tá tiếp tục trồng nửa sào nữa.
 
 
Cây cà chua ghép trên gốc cà tím.
 
Theo chị Nguyễn Thị Lam, cán bộ khuyến nông xã Diễn Thành sau khi gieo hạt cà tím, cà chua trong bầu, cây cà tím cao trên 12-15 cm, cà chua có ba đến bốn lá, cao từ 7-8 cm, thì tiến hành ghép. Khi đem trồng trên đồng ruộng, giống cà chua ghép có chiều cao cây và số lá vượt hơn hẳn so với giống không ghép. Cây ghép sinh trưởng khá, khả năng tiếp hợp giữa gốc cà tím với ngọn ghép cà chua rất tốt. Đặc biệt, giống ghép có khả năng kháng bệnh tốt hơn nhất là hai bệnh xoăn lá và héo rũ.
 
Với năng suất 3 tấn/sào, đạt thu nhập tới 450 triệu đồng/ha nên trong vụ xuân năm 2016, Diễn Thành tiếp tục được Trạm khuyến nông thử nghiệm mở rộng diện tích lên 6 sào. Ông Thái Bá Gạc – xóm 6, Diễn Thành cho biết: "Gia đình trồng nửa sào cây cà chua ghép trên gốc cà tím, cây giống được xã cấp cho. Qua 2 tháng rưỡi trồng, cây đã cho thu hoạch, quả rất sai. Mới qua 2 đợt thu hoạch quả bói mà đã hái được 1,5 tạ. Vụ này giá rẻ hơn nhưng ban đầu cũng thu được gần 1 triệu đồng. Sản phẩm cho thu hoạch trong vòng 3 tháng, nên nửa sào dự kiến thu nhập chục triệu đồng".
 
  
 
Trong vụ đông năm 2015, chỉ với nửa sào cây cà chua ghép đã mang về cho gia đình anh Nguyễn Văn Tá 20 triệu đồng.
 
Cây cà chua ghép sử dụng bộ rễ của cà tím nên cây khỏe, sinh trưởng tốt, chịu được úng ngập, kháng bệnh héo rũ, bệnh xoăn lá…. Cùng đó cây sai quả, màu chín đỏ, sáng đẹp, nhiều bột, thơm ngon, giá cao hơn cà chua thường khoảng 1.000 đồng/kg.
 
Nhờ kháng được bệnh nên cà chua ghép trên cây cà tím đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là giống mới được đưa vào trồng thử nghiệm ở Diễn Châu nhưng cho thấy ưu điểm và hiệu quả kinh tế vượt trội, được nhiều bà con quan tâm.
 
Theo Báo Nghệ An
 

Bùng nổ startup công nghệ tại Việt Nam

Nổi tiếng là đất nước của nông nghiệp và dệt may, Việt Nam đang mau chóng trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực với khoảng 1.500 startup đang hoạt động.
 
Nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung và Intel đang có sự hiện diện vô cùng lớn tại đây, trong khi các startup công nghệ của Việt Nam cũng nhanh chóng nhập cuộc. Tuy chưa có số liệu chính thức nào về bức tranh khởi nghiệp Việt Nam, tập đoàn Softbank của Nhật Bản ước tính có khoảng 1.500 startup đang hoạt động. Nếu con số này đúng, điều đó đồng nghĩa Việt Nam có tỉ lệ startup trên số dân cao hơn hẳn các láng giềng như Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.
 
Dạo qua đường phố Việt Nam những ngày nay, không khó để nhận ra thị trường công nghệ đang phát triển. Các quán café Internte mọc lên như nấm, mọi người từ già tới trẻ đều mải miết trên tablet Samsung hay iPhone. Gần 44% trong số 90 triệu người Việt được sử dụng Internet, nhiều người truy cập web trên di động. Nhờ đó, Việt Nam trở thành mục tiêu của các nhà phát triển ứng dụng và được các nhà đâu tư trong và ngoài nước để mắt.
 
Năm 2015, FPT thông báo thành lập FPT Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm hướng đến các startup công nghệ Việt. Quỹ sẽ chi khoảng 3 triệu USD mỗi năm cho các công ty được định giá dưới 1 triệu USD, tài trợ ít nhất 50.000 USD/startup, tương ứng tối đa 60 startup/năm.
 
Trên phương diện quốc tế, 500 Startups, một quỹ của thung lũng Silicon (Mỹ) với lịch sử đầu tư vào hơn 1.000 công ty khắp thế giới, cũng tiến vào Việt Nam năm ngoái và tháng 8/2015 công khai đầu tư vào 3 startup và kế hoạch “rót” 10 triệu USD cho hơn 20 công ty vào năm nay. Trong khi đó, Goldman Sachs và Standard Chartered PLC cũng nâng mức đầu tư và MoMo, một startup ví điện tử, lên 28 triệu USD.
 
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng tham gia khi cuối tháng 4/2016 thông báo cuộc thi Ambassador’s Entrepreneurship Challenge. Người chiến thắng được tài trợ hoàn toàn để tham dự Trại hè Startup GIST tổ chức tại Việt Nam. Ngoài ra, họ còn được đầu tư vốn để đưa ý tưởng ra thị trường.
 
Theo ông Hàn Ngọc Tuấn Linh của hãng tư vấn ATV Vietnam, vấn đề với hệ sinh thái startup Việt chính là có nhiều quỹ đầu tư từ trung bình đến lớn sẵn sàng bỏ ra từ 500.000 USD đến 2 triệu USD hoặc hơn cho startup nhưng phần lớn startup lại mới trong giai đoạn đầu tiên.
 
Tuy phải mất cả năm hoặc lâu hơn để ý tưởng chứng minh được sự hữu dụng, dễ thấy được công nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống thường nhật tại Việt Nam. Các dịch vụ chuyển phát đồ ăn và vận tải như Grab Bike mang đến sự thuận tiện và dù không phải do các doanh nhân địa phương phát triển, nó chứng minh thị trường đang “khát” như thế nào.
 
Một dấu hiệu cho thấy tương lai của startup Việt chính là câu chuyện thần tiên của Flappy Bird, game di động đơn giản do Nguyễn Hà Đông phát triển. Năm 2014, Flappy Bird khiến cả thế giới phát cuồng và buộc Hà Đông phải gỡ bỏ game vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của anh.
 
Chắc chắn startup Việt Nam còn lớn mạnh, một phần vì các quỹ đầu tư và một phần vì kỹ năng công nghệ của người Việt trẻ. Neil Fraser, kỹ sư phầm mềm lão làng của Google, từng nhận định nơi này số sinh viên khoa học máy tính giỏi nhất từng biết.
 
Các học sinh trung học Việt Nam cũng tỏ ra vượt trội hơn học sinh từ các nước giàu có trong lĩnh vực toán và khoa học. Sự kết hợp giữa các yếu tố này chính là động lực để đi về phía trước. Có lẽ hình ảnh biểu tượng của Việt Nam trên các tấm bưu thiếp trong tương lai sẽ không còn là một người nông dân trên cánh đồng lúa vàng nữa mà là một kỹ sư đang lập trình ứng dụng tiếp theo.
 
Theo ICT News
 

Thứ trưởng Trần Việt Thanh: ASEAN và EU cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để ASIAN và EU hợp tác sâu rộng hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
 
Ngày 10/5, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NASATI), Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức sự kiện "Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU STI Days 2016".
 
Sự kiện "Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU STI Days 2016" sẽ diễn ra từ ngày 10-12/5/2016 tại Hà Nội. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
 
Đây là lần thứ 3 STI Days được tổ chức, sau năm đầu tiên tổ chức ở Thái Lan (21-23/1/2014) và năm thứ 2 được tổ chức tại Pháp (17-19/3/2015).
 
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Loan Lê
ASEAN-EU STI Days 2016 sẽ bao gồm nhiều hoạt động liên quan tới thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa 2 khu vực châu Âu và Đông Nam Á. STI Days 2016 tập trung vào vấn đề hợp tác giữa viện trường và doanh nghiệp, cũng như việc nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển tại khu vực năng động nhất trên thế giới – ASEAN.
 
ASEAN-EU STI Days 2016 có 14 hội thảo khoa học với nhiều chủ đề khác nhau như Sức khỏe, Môi trường, Nước, An ninh và An toàn lương thực, và đổi mới, cùng sự tham gia của hơn 550 đại biểu. Đây cũng là nơi các công ty và viện trường có cơ hội giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của mình tới công chúng. Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, hoạt động nghề nghiệp, tìm kiếm cơ hội hợp tác tiềm năng, phát triển mối quan hệ với đối tác thuộc Liên minh châu Âu, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hợp tác khoa học và công nghệ.
 
Đánh giá tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong sự phát triển chung của cộng đồng ASEAN nói chung, của Việt Nam nói riêng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết: "Một trong những động lực chính cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đã nêu rõ mục tiêu phát triển ASEAN thành một cộng đồng cạnh tranh, sáng tạo và năng động, thúc đẩy tăng mạnh năng lực sản xuất, bao gồm thông qua việc thiết lập và áp dụng thiết thực các tri thức, các chính sách hỗ trợ hướng tới sự sáng tạo, áp dụng phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số….
 
Tại Việt Nam, vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với phát triển KT-XH của đất nước đã được khẳng định tại Hiến pháp năm 2013: “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước”.
Ông Thanh cũng đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả của EU với các nước ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa mà 2 bên cần nắm bắt trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
 
Tại sự kiện, ông Kostas Glinos, Trưởng Ban chiến lược hợp tác quốc tế, Tổng cục Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo, Ủy ban châu Âu cho biết: "EU cam kết hỗ trợ để tăng cường hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa ASEAN và EU. Tôi hy vọng thông qua hợp tác giữa ASEAN và EU, năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong khu vực ASEAN sẽ được nâng cao”.
 
Hiền Thảo

Khởi động giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016

Đây là giải thưởng uy tín, mang tầm vóc quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), khoa học công nghệ, lĩnh vực y dược và là bệ phóng vững chắc cho các tài năng Việt.
 
Tại buổi họp báo phát động giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016, đại diện Ban Tổ chức cho biết, sau 11 năm tổ chức, năm nay, giải thưởng tiếp tục được phát động với mục tiêu tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh các tài năng trong các lĩnh vực CNTT, khoa học công nghệ, y dược và môi trường.
 
Trong đó, lĩnh vực CNTT, năm nay có 3 hệ thống sản phẩm dự thi chính gồm: Sản phẩm CNTT thành công, sản phẩm CNTT triển vọng và sản phẩm CNTT ứng dụng trên thiết bị di động.
 
Khi tham gia dự thi các hệ thống sản phẩm này, các thí sinh ở mỗi hệ thống sẽ có cơ hội nhận được một giải nhất trị giá 100 triệu đồng, một giải nhì trị giá 50 triệu đồng và một giải ba trị giá 30 triệu đồng, cùng phần thưởng của các đơn vị tài trợ.
 
Bên cạnh đó, còn có giải thưởng khuyến tài là giải thưởng do Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất nhằm khuyến khích những tài năng từ tinh thần tự học, tự nghiên cứu đã nỗ lực vượt khó để tạo ra những sản phẩm, công trình mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư tại địa phương và các khu vực lân cận.
 
 
Họp báo phát động giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016. Ảnh: VPG/Hiền Minh
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, lĩnh vực y dược, giải thưởng được trao tặng cho tác giả hoặc tập thể tác giả có công trình hoặc cụm công trình nghiên cứu xuất sắc đã được ứng dụng vào thực tiễn đạt được hiệu quả kinh tế-xã hội có ý nghĩa lớn. Mỗi giải thưởng trị giá 100 triệu đồng.
 
Lĩnh vực môi trường, giải thưởng bảo vệ môi trường được tặng cho tập thể hoặc tổ chức trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp hoặc cơ quan hoặc cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng thành công khu dân cư xanh. Có ba mức giải thưởng: Giải nhất trị giá 100 triệu đồng, giải nhì trị giá 50 triệu đồng và giải ba trị giá 30 triệu đồng.
 
Đặc biệt, trong năm nay, cùng với các kênh truyền thông, Ban Tổ chức sẽ xây dựng fanpage chính thức của giải thưởng Nhân tài Đất Việt như một kênh thông tin để giải thưởng đến gần hơn với cộng đồng mạng, đặc biệt tương tác với cộng đồng IT, học sinh, sinh viên tại các trường đào tạo viễn thông, CNTT, cộng đồng du học sinh tại nước ngoài.
 
Fanpage sẽ là nơi cập nhật thường xuyên các thông tin về giải thưởng năm nay, thông tin về các sản phẩm tham gia giải thưởng qua các năm, qua đó truyền thông rộng rãi, thu hút bài dự thi tham dự giải thưởng.
 
Thời gian nhận bài dự thi lĩnh vực CNTT từ ngày 21/11/2015 đến hết ngày 30/9/2016. Công tác chấm giải từ ngày 1/10-19/11. Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/11, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
 
Thời hạn đăng ký tham gia lĩnh vực CNTT đến hết ngày 30/9. Nơi nhận hồ sơ đăng ký: Công ty Phát triển dịch vụ Truyền thông (VNPT – Media), tầng 2, 57 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội.
 
Theo Báo Chính phủ
 

Bộ KH&CN hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu bảo tồn, khai thác các khu dự trữ sinh quyển

 
Từ năm 2015 Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định dành một phần hỗ trợ cho các khu dự trữ sinh quyển bằng ngân sách sự nghiệp khoa học để nghiên cứu tìm giải pháp để có thể bảo tồn, khai thác, song vẫn giữ cho thiên nhiên sạch và phát triển bền vững.
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã chia sẻ thông tin này tại hội thảo khoa học “Khoa học công nghệ phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam”. Hội thảo do Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chương trình Con người và Sinh quyển và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 11/5 tại Hà Nội.
 
 
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc hội thảo khoa học.
Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao của thế giới và khu vực. Năm 2000 UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam là Cần Giờ. Đến năm 2015 UNESCO công nhận Lang Biang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam. 
 
Từ năm 2015 Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam xem xét các nhu cầu của 09 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam về các vấn đề phát triển bền vững như hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế của người dân, với phát triển kinh tế của địa phương, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với bảo tồn văn hóa dân tộc, với phát huy tri thức bản địa, v.v…Các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội thảo luận và đề xuất những vấn đề nghiên cứu nhằm giúp địa phương giải quyết những vấn đề này. 
 
Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và tổ chức thực hiện cho 05 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thực hiện tại 05 khu dự trữ sinh quyển. Kết quả của mỗi nhiệm vụ này sẽ là một số mô hình về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững được thí điểm triển khai thực hiện tại một khu dự trữ sinh quyển. Những mô hình này là kinh nghiệm để các khu khác học tập và có tác dụng lan tỏa cho cả mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.
 
Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc: "Bộ KH&CN quyết định dành một phần hỗ trợ cho các khu dự trữ sinh quyển bằng ngân sách sự nghiệp khoa học để nghiên cứu với mong muốn các kết quả này sẽ giúp các khu dự trữ sinh quyển vừa bảo tồn nguồn gene, bảo tồn hệ sinh thái, thực, động vật, văn hóa bản địa của người dân ở các khu dự trữ… Bên cạnh đó các giải pháp khai thác thiên nhiên nhưng vẫn giữ cho thiên nhiên sạch và phát triển bền vững cũng sẽ được đưa ra".
 
Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Biosphere Reserves) là danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Theo định nghĩa của UNESCO, khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực có hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn, có giá trị nổi bật về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Các khu dự trữ sinh quyển được các quốc gia đề cử và được UNESCO công nhận khi đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Mỗi khu dự trữ sinh quyển có 03 chức năng: bảo tồn, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo. Hiện mạng lưới khu dự trữ sinh quyển có 669 khu tại 120 quốc gia.
 
Bích Ngọc