Tham gia cuộc thi trí tuệ, các thí sinh vận dụng kiến thức đã đọc từ sách để đạt kết quả cao. Đó cũng là tiền đề để ứng dụng tri thức vào cuộc sống.

Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2022 vừa qua, cuộc thi “Nhà thông thái” là một hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều “mọt sách” tham gia. Lễ trao giải cuộc thi diễn ra sáng 12/6 tại Hà Nội. Hoạt động do Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì, Cục Xuất bản In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức, công ty V&V vận hành.

Cuoc thi Nha thong thai anh 1

Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – trao giải cho thí sinh Nguyễn Thị Giang sáng 12/6. Ảnh: Đ.T.

Gần 11.000 người tham gia sân chơi tri thức

Là sân chơi trí tuệ cho người yêu sách, cuộc thi “Nhà thông thái” diễn ra từ 29/4 đến 20/5, thu hút 10.993 bạn đọc trên khắp cả nước tham dự. Ban tổ chức đã chọn được 155 thí sinh đoạt giải, trong đó có 3 giải nhất, nhì, ba.

Cuộc thi mang thông điệp chung của Hội sách trực tuyến quốc gia: “Thắp sáng tri thức”. Thông qua ngân hàng câu hỏi thuộc các lĩnh vực văn học, toán học, địa lý, vật lý, các câu đố dân gian… cuộc thi khuyến khích người tham dự vận dụng kiến thức đọc được từ sách vào cuộc tranh tài.

Tại lễ trao giải, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – đánh giá việc thu hút gần 11.000 thí sinh tham dự là một thành công của cuộc thi. Tham gia cuộc thi, thí sinh bước đầu sử dụng kiến thức mình đọc được từ sách vở, qua đó khuyến khích ứng dụng vào thực tiễn.

“Tôi mong rằng cuộc thi này là bước khởi động, tạo phong trào đọc sách, không chỉ đọc mà vận dụng kiến thức vào cuộc sống”, ông Nguyên nói.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đề cao việc ứng dụng tri thức từ sách vở. Ông dẫn câu nói nổi tiếng của người Nhật về vai trò của đọc sách: “Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng”. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh đọc sách quan trọng, nhưng đọc sách để làm gì còn quan trọng hơn.

Trước đó, nhiều nhà tư tưởng đã đúc rút về đọc sách, mục đích của đọc sách. Khổng Minh nổi tiếng là bậc túc trí đa mưu; trong đó, trí tuệ của ông một phần đến từ cách đọc sách đúng. Khổng Minh cho rằng đọc sách mà không ứng dụng vào cuộc sống thì chỉ là “hủ nho”. “Kỳ quan đại lược” (tìm kiếm, quan sát, nghiên cứu mưu lược sâu xa trong sách vở, cuộc sống) là phương pháp đọc, cũng là mục đích đọc của Khổng Minh.

Cuoc thi Nha thong thai anh 2

          Nguyễn Thị Giang, sinh viên Học viện Tài chính, đoạt giải nhất cuộc thi. Ảnh: Đ.T.

Đọc sách để mở mang tri thức, học cách ứng xử

Sử dụng tri thức được tiếp nhận qua sách vở, nhiều thí sinh đã đạt thành tích cao khi tham gia cuộc thi “Nhà thông thái”.

Trong thời gian diễn ra cuộc thi, mỗi người chơi chọn một khung giờ và đề thi cho mình. Kết cấu mỗi đề thi có 36 câu hỏi, trong đó, mỗi câu chỉ được trả lời trong 15 giây, đòi hỏi người tham gia phải vận dụng tối đa những gì mình tích lũy được trước đó.

Nguyễn Thị Giang (19 tuổi, sinh viên Học viện Tài chính) thể hiện niềm vui và sự bất ngờ khi đoạt giải nhất cuộc thi. Giang cho biết gia đình cô nhiều người thích đọc sách. Khi biết đến cuộc thi “Nhà thông thái”, cô đã giới thiệu, kết quả có 4 thành viên trong gia đình cùng tham gia.

Khám phá những tác phẩm trong tủ sách gia đình từ khi học lớp 6, tới nay, Giang đã dần nâng cao kiến thức qua sách vở. Bên cạnh mở rộng tri thức, đọc sách còn là phương pháp giúp Giang thêm thanh thản, yêu đời.

Tham gia cuộc thi “Nhà thông thái”, anh Phạm Văn Tân (31 tuổi, bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình) được củng cố lại kiến thức đã học và đã đọc.

Anh Tân cho biết câu hỏi trong đề thi đều liên quan nhiều tới kiến thức phổ thông, kiến thức đã học, đã đọc qua sách vở. Trong 20 ngày tham gia cuộc thi, anh và các thí sinh đã tạo thành một cộng đồng, vừa “ganh đua” vừa cùng nhau trao đổi kiến thức.

Kể về hành trình đến với sách vở của mình, anh Tân cho biết trước đây không hề đọc gì ngoài sách giáo khoa. Khi học đại học, được bạn bè giới thiệu Đắc nhân tâm, anh Tân cho rằng đó là cuốn sách thay đổi cuộc đời mình. Từ đó anh bắt đầu đọc sách.

Sách phát triển bản thân, sách tài chính, sách văn học là ba mảng đề tài mà anh Tân yêu thích. Với một bác sĩ như anh Tân, việc đọc sách phát triển bản thân giúp anh sống có nguyên tắc, kỷ luật, học hỏi cách giao tiếp, xử lý tình huống tốt hơn. “Sách kỹ năng giúp tôi nhiều trong việc giao tiếp với người nhà bệnh nhân. Đó là một kỹ năng quan trọng mà bác sĩ phải rèn”, anh Tân nói.

Anh Tân mua nhiều sách văn học vừa cho bản thân, vừa để con cái làm quen với sách. Anh mong muốn con mình lớn lên sớm được tiếp cận với sách và vận dụng kiến thức, điều hay lẽ phải từ sách vào cuộc sống.

Nguồn : Zingnews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *