Những công nghệ nổi bật tại triển lãm thành tựu ứng dụng khoa học

 
Máy bay không người lái, mô hình vệ tinh, tàu ngầm… cùng nhiều công nghệ được trưng bày tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, mở cửa tự do.
 
Triển lãm "Ứng dụng khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp" tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra ngày 29-30/11 quy tụ 60 gian hàng giới thiệu những sản phẩm khoa học, công nghệ đặc sắc, có giá trị thương mại cao, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống.
 
Một bộ phận được thiết kế theo đơn đặt hàng của ngành hàng không. Thiết bị này được lắp đặt cho máy bay A320Neo/C919, có chức năng cung cấp đường đi cho luồng không khí có áp suất cao sinh ra từ bộ phận nén khí, đồng thời hỗ trợ cánh quạt stator.
 
 
Máy bay điều khiển từ xa Dragonfly 26 được giới thiệu tại gian hàng của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Thiết bị lặn không người lái Dolphin kích thước 2100x250cm, nặng 80 kg, lặn tối đa 50m trong thời gian 6-8h. Thiết bị điều khiển hành trình, trực tiếp hoặc tự hành phục vụ hoạt động quan trắc, đo đạc… Đây là sản phẩm đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
 
Mô hình vệ tinh PICODRAGON (tỷ lệ 1:1) là vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo hoạt động thành công trên quỹ đạo. Thiết bị được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Vệ tinh có nhiệm vụ truyền thông, đo đạc thông số vệ tinh vũ trụ, chụp ảnh trái đất, thời gian phóng 19/11/2013 từ Trạm vũ trụ Quốc tế. Thời gian hoạt động 3 tháng (thiết bị bên trái).
 
NanoDragon phát triển bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong chương trình Khoa học và Công nghệ Vũ trụ từ 2017 đến 2020 (thiết bị bên phải).
 
 
Máy bay không người lái phun thuốc, bón phân thiết lập quỹ đạo bay tự động bằng giao diện phần mềm cài đặt trên thiết bị di động thông minh. Thiết bị có thể tự động bay về khi hết thuốc, được thiết kế, chế tạo bởi đội ngũ khoa học, kỹ sư Đại học Bách khoa TpHCM.
 
 
Máy bay không người lái HRU-150 có khả năng truyền dữ liệu cự ly truyền video 50km tại địa hình đồi núi và 80km địa hình biển; chế độ bay tự động hoặc điều khiển bằng tay, tự động quay về vị trí xuất phát khi mất tín hiệu điều khiển; thời gian bay 90-120 phút tốc độ 300km/h trần bay 5km. Thiết bị trưng bày tại triển lãm trong khuôn khổ sự kiện 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/khoa-hoc/nhung-cong-nghe-noi-bat-tai-trien-lam-thanh-tuu-ung-dung-khoa-hoc-4019936.html

Phó Thủ tướng: Phong trào khởi nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển rất mạnh

 
Dân trí Tối 4/12, phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đưa ra những con số thống kê cụ thể cho thấy những năm trở lại đây phong trào khởi nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển rất mạnh.
>>Bộ trưởng Bộ khoa học: Startup được định giá trên 1 tỷ đô-la Mỹ tại Việt Nam là rất thực tế
Tối 4/12, tham dự Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những cố gắng nỗ lực của khoa học và công nghệ trong suốt những năm vừa qua đã có nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo qua đó đã góp phần để phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhiều kết quả rất đáng mừng.
Phó Thủ tướng: Phong trào khởi nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển rất mạnh – 1Nhấn để phóng to ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. 
 
Minh chứng về điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, nhiều năm trước, Việt Nam đã cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi nhất và kêu gọi các Quỹ đầu tư. Liên tục trong nhiều năm thì năm 2018, Việt Nam đã có 40 Quỹ đầu tư. Năm 2019 có thêm 21 Quỹ đầu tư như vậy hiện nay chúng ta đã có 61 Quỹ đầu tư. Điều đáng mừng là trong 21 Quỹ được thành năm 2019 thì có 11 Quỹ đầu tư có pháp nhân Việt Nam, trong đó có 6 Quỹ đầu tư là thuần Việt.
 
Việt Nam cũng rất nhiều năm để bắt đầu đưa vào những mô hình và không gian làm việc chung. Năm 2018 Việt Nam có 70 không gian làm việc chung nhưng đến năm 2019 số lượng đã tăng hơn 2,5 lần – hơn 170 không gian làm việc chung
 
“Chỉ với hai con số trên cho thấy năm 2019, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã có một bước tiến rất dài”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
 
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ: Startup có đặc điểm riêng nhưng đương nhiên không thể tách rời với sự phát triển của kinh tế xã hội chung của cả nước. Năm 2019 vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn trong nước cũng như bối cảnh chung nhưng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng gia tăng, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế xã hội chúng ra đều hoàn thành. Đặc biệt liên quan đến các chỉ số mà được quốc tế đánh giá như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo…
 
Năm 2019, đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới về xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia thì Việt Nam tăng 10 bậc, trong đó có chỉ số về ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc; liên tục trong những năm gần đây xếp hạng về đổi mới sáng tạo của Việt Nam có những bước cải thiện vượt bậc, năm 2019 Việt Nam đứng thứ 42, trong đó nhóm chỉ số về tri thức công nghệ đứng thứ 27…
 
“Tất cả những điều này cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng và tích cực”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
 
Thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và “chìa khóa”
 
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, trong những điều kiện chung của một nước đang phát triển thì Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm trong Startup toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0… Dù Việt Nam đã có những bước cải thiện rất mạnh mẽ nhưng xếp hạng về sự sẵn sàng cho nền sản xuất mới đang đứng ở vị trí 67-68 trong tổng số các nước, nếu chúng ta không có những cách làm mới thì rất khó để có thể phát triển nhanh hơn.
 
“Để có thể đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có mức trung bình cao thì không quá khó, nhưng để thoát ra khỏi nước phát triển trung bình, thu nhập trung bình thì chúng ta phải nỗ lực rất lớn”, Phó Thủ tướng nói.
 
Phó Thủ tướng cũng đặt ra vấn đề: Theo tính toán trong 20 năm tới đây, nếu Việt Nam không duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 7% thì chúng ta rất khó để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Câu hỏi đặt ra: Liệu chúng ta có thể đi nhanh hơn được không? Nhanh hơn nhưng phải bền vững hơn
 
Câu hỏi này đã được đặt ra nhiều lần bởi các cơ quan hoạch định chính sách và mời cả cộng đồng doanh nghiệp. Khi quy mô của một nền kinh tế đã lớn thì mức tăng trưởng cao hơn là rất khó nhưng chúng ta vẫn có thể làm được bởi lẽ nguồn lực trong dân, trong đó có nguồn lực con người còn rất lớn. Bên cạnh đó môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cố gắng, cải thiện nhưng mới chỉ đứng thứ 70 trên thế giới, điều này có nghĩa nếu cố gắng nỗ lực về cải cách hành chính, thay đổi những điều ràng buộc, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì Việt Nam nhất định có thể khai thác thêm được nguồn lực và đi nhanh hơn nhiều
 
“Tôi muốn nói điều này trước các doanh nghiệp và rất nhiều bạn trẻ đang muốn dấn thân vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo có rất nhiều đặc điểm nhưng có một đặc điểm họ là những người sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chấp nhận thất bại, chấp nhận rủi ro để bước mạnh hơn bằng cách có những ý tưởng rất mới tạo ra những sản phẩm mới, cách tiếp cận thị trường mới, thậm chí tạo ra một phân khúc thị trường mới ở cơ bậc và dựa trên nền tảng công nghệ mới. Bằng cách làm như vậy thì một doanh nghiệp, một cộng đồng, một quốc gia có thể phát triển nhanh hơn.
 
Sự thành công bước đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam không chỉ góp phần trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế mà điều quan trọng hơn tinh thần ấy sẽ tác động vào bộ máy chính quyền các cấp  và toàn xã hội. Nếu chúng ta sẵn sàng đưa ra những ý tưởng mới, cổ vũ cho những ý tưởng mới, chung tay nhau để những ý tưởng mới đó thành hiện thực thì nhất định chúng ta sẽ thành công”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.
 
Phó Thủ tướng chia sẻ thêm: Có nhiều người hỏi tôi, nếu có một từ để nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì đó sẽ là gì?  Như chúng ta đã biết, cuộc cách mạng lần thứ nhất người ta gọi là hơi nước; cuộc cách mạng lần thứ hai là Điện; cuộc cách mạng lần thứ ba là số hóa. Vậy lần thứ tư là gì? Tôi cho rằng có một từ rất quan trọng đó là kết nối.  
 
 “Tôi mong rằng, tất cả những người Việt Nam dù đang ở trong nước hay ở nước ngoài, dù đang làm gì thì hay kết nối cùng nhau, ít nhất là truyền cảm hứng cho nhau. Hãy chung tay để công cuộc đổi mới mạnh mẽ hơn, đất nước Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, Phó Thủ tướng bày tỏ sự mong muốn. 
 
Nguyễn Hùng

Thủ tướng dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ

Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra tại Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư và lẵng hoa chúc mừng. 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các đại sứ quán và tổ chức quốc tế, các nhà khoa học đã dự Lễ kỷ niệm.
Bộ Khoa học và Công nghệ, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sáu mươi năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc theo chiều dài lịch sử, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, phát triển bền vững đất nước. 
 
Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập cũng là dịp để tri ân và biểu dương những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ; đồng thời, điểm lại những trang sử vẻ vang đã qua, thể hiện quyết tâm đoàn kết, đưa nền khoa học và công nghệ của nước nhà phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
 Trong thư chúc mừng, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thân ái gửi đến các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ và ngành khoa học, công nghệ và toàn thể đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ Việt Nam những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng trong giai đoạn mới, các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết và nỗ lực sáng tạo để phát huy hơn nữa tiềm năng và nguồn lực trí tuệ Việt Nam, đưa khoa học và công nghệ nước ta phát triển lên một tầm cao mới, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế – xã hội và đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh và phồn vinh.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất – phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho Bộ Khoa học và Công nghệ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng to lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cán bộ quản lý khoa học công nghệ trong cả nước, trong dòng chảy lịch sử 60 năm qua của ngành Khoa học và Công nghệ, nhiều tấm gương các nhà khoa học nổi tiếng nhà quản lý khoa học tiêu biểu có đóng góp quan trọng từ những giai đoạn đầu hình thành đặt nền móng cho khoa học công nghệ nước nhà phát triển như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhà nông học Lương Định Của, bác sĩ Tôn Thất Tùng… Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, khoa học công nghệ ngày càng được quan tâm tạo điều kiện để phát triển, công tác quản lý nhà nước từng bước được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương trao tặng Huân chương lao động Hạng Nhất cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngày nay, Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình, vươn lên để phát triển vì sự thịnh vượng của quốc gia của dân tộc. Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, ngược lại có những nước không có tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là khoa học vì nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác. Việt Nam cũng vậy, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Để Việt Nam tiếp tục phát triển thịnh vượng, phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo bước chuyển đổi về mặt chiến lược để  thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh; phải xác định tập trung vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc phát triển khoa học công nghệ trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là yêu cầu trọng trách to lớn đối với Bộ Khoa học và  Công nghệ và đội ngũ cán bộ quản lý. Cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu sức sáng tạo hành động mạnh mẽ quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nước nhà trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: 60 năm phấn đấu và trưởng thành, qua từng giai đoạn lịch sử, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tên gọi của Bộ đã có những thay đổi từ Ủy ban Khoa học Nhà nước ở ngày đầu thành lập (năm 1959), Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (năm 1965), Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1990), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (năm 1992) và từ năm 2002 đến nay là Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng dù với tên gọi nào thì Bộ cũng được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển khoa học và công nghệ và hiện nay là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 
Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi đất nước hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bước đường phát triển như: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy sức sáng tạo của nhân dân, nhiệt huyết nghiên cứu của cộng đồng các nhà khoa học-công nghệ, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ để khoa học và công nghệ tiếp tục đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm còn diễn ra triển lãm "Thành tựu 60 năm ngành Khoa học và Công nghệ" với 2 khu vực: Khu vực thứ nhất gồm 55 gian hàng của các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ tiêu biểu, có nhiều thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ, có sản phẩm, dịch vụ đã được ứng dụng thành công tập trung vào các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, y dược… Các doanh nghiệp tham gia triển lãm đều phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ  mang lại bước phát triển nhanh và bền vững. Khu vực thứ hai trưng bày lịch sử, truyền thống phát triển của khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn để khách tham quan hình dung toàn bộ chặng đường phát triển của ngành thông qua những dấu mốc quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm các gian hàng trưng bày tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thu Hà (TTXVN)

Họp báo Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ

 
Trong hai ngày (29-30/11/2019), Bộ khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
 
Toàn cảnh cuộc họp.
 
Tham dự buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Thi Đua – Khen thưởng; Cục thông tin KH&CN Quốc gia; Ban Quản lý Công nghệ cao Hòa Lạc; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; các phóng viên của gần 60 cơ quan thông tấn, báo chí…
 
Lễ kỷ niệm được tổ chức với quy mô lớn, có sự tham dự lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ và gần 2.000 đại biểu là nhà khoa học, doanh nghiệp, các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động của Bộ.
 
Thông tin tại buổi họp báo về Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, năm 2019 là năm đánh dấu 60 năm xây dựng và phát triển của Bộ KH&CN (1959-2019). Nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những mốc son quan trọng trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển; tri ân và biểu dương những đóng góp của các thế hệ cán KH&CN qua các thời kỳ.
 
Cũng tại Lễ Kỷ niệm, Bộ KH&CN sẽ vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Lễ Kỷ niệm là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ KH&CN ôn lại những trang sử vẻ vang đã qua và thể hiện quyết tâm đoàn kết, nhất trí đưa nền KH&CN của nước nhà phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.
 
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại cuộc họp.
 
Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, hiện dư địa phát triển không còn nhiều, nguồn lực về khoáng sản, lao động phổ thông đã sử dụng tối đa, vì vậy để phát triển bền vững không có cách nào khác phải đầu tư cho KH&CN. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức lễ kỷ niệm là dịp gửi thông điệp đến toàn thể xã hội về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế, xã hội.
 
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, Triển lãm thành tựu 60 năm của Ngành khoa học và công nghệ được tổ chức, chia thành 2 khu vực: Khu vực thứ nhất gồm 55 gian hàng của các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức KH&CN tiêu biểu có nhiều thành tích trong hoạt động KH&CN, có sản phẩm, dịch vụ đã được ứng dụng thành công.
 
Khu vực triển lãm này sẽ được chia theo các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, y dược… Các doanh nghiệp tham gia triển lãm đều phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng KH&CN mang lại bước phát triển nhanh và bền vững.
 
Khu vực thứ hai trưng bày lịch sử, truyền thống phát triển của KH&CN theo từng giai đoạn. Tại khu vực này giúp khách tham quan hình dung toàn bộ chặng đường phát triển của ngành thông qua những dấu mốc quan trọng. Một trong những hoạt động điểm nhấn tiếp theo chính là Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”.
 
Bộ KH&CN, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 04/3/1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sáu mươi năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc theo chiều dài lịch sử, Bộ KH&CN đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
 
Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, phát triển bền vững đất nước.
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định bổ nhiệm ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao quyết định cho Thứ trưởng Lê Xuân Định
Như vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ hiện có các lãnh đạo gồm Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và 4 Thứ trưởng: Trần Văn Tùng, Phạm Công Tạc, Bùi Thế Duy, Lê Xuân Định.
Chiều 4/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng đối với đồng chí Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Lê Xuân Định đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như: Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (từ năm 2013 đến năm 2017); Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (từ năm 2017 đến tháng 10/2019)… 
* Cùng ngày 1/11, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định giao đồng chí Chuẩn Đô đốc Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thay đồng chí Thượng tướng Phạm Ngọc Minh đã được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước.
 
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Thu-tuong-bo-nhiem-Thu-truong-Bo-Khoa-hoc-va-Cong-nghe/379007.vgp
 
 

Kết nối mạng lưới truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

 
Nhằm mục đích kết nối người làm truyền thông tại các tỉnh, thành với mạng lưới nhà báo, phóng viên tại các cơ quan thông tin trung ương, cũng như đặc biệt là với các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tham gia Đề án 844, Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ (HHSC -BQL Khu CNC Hòa Lạc) phối hợp với Văn phòng Đề án 844 tổ chức Hội thảo “Kết nối mạng lưới truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” tại Hà Nội vào chiều 11/10.
 
Toàn cảnh buổi Hội thảo “Kết nối mạng lưới truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”.
 
 
Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả chính có nhiều năm kinh nghiệm về các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, khoa học và công nghệ,… đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo. Đến với Hội thảo lần này, các diễn giả sẽ chia sẻ những thông tin liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, cũng như những kinh nghiệm truyền thông về vấn đề này thông qua Tọa đàm “Truyền thông cho KNST trong bối cảnh hiện tại”.
 
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng có sự góp mặt của đại diện 3 startup: Cam Vinh Kỳ Yến, Ella Study Vietnam, Lala Land. Các startup tham gia sự kiện lần này đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu liên quan đến khởi nghiệp như cách thức vận hành của các startup, sự khác biệt giữa mô hình startup địa phương với mô hình quốc tế, cũng như những khó khăn mà những doanh nghiệp này gặp phải.
 
Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của hơn 30 nhà báo, phóng viên, và những người làm truyền thông đến từ hơn 20 tỉnh thành trên cả nước.
 
Tại buổi Hội thảo các đại biểu đã cùng trao đổi hai góc nhìn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ địa phương và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tầm nhìn quốc tế; yếu tố “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” nên được nhìn nhận như thế nào; Vai trò và cách thức truyền thông tham gia nhằm thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp sáng tạo phát triển, thu hút đầu tư cho startup, và liên kết hệ sinh thái hỗ trợ trên cả nước; Những vấn đề và khó khăn trong quá trình truyền thông cho startup hiện nay và đề ra một số giải pháp; Định hướng về truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn tới.
 
Ông Nguyễn Việt An – Trưởng ban tổ chức “ Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” cho biết: Để tạo được sự thống nhất và có định hướng trong công tác truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước, các chương trình trải nghiệm “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” đã được HHSC tổ chức dành cho các nhà báo, phóng viên, người làm truyền thông đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đã diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8 vừa qua.
 
Từ sự kiện, nhiều nội dung đã được nhận định rất cần đội ngũ truyền thông địa phương đồng hành. Trong đó, tăng cường chuẩn hóa kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo cho đội ngũ báo chí, truyền thông là hoạt động cần ưu tiên nhằm giúp các thông điệp về khởi nghiệp sáng tạo khi được lan tỏa rộng sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, tăng cường kết nối đào tạo, tư vấn từ trung ương đến với địa phương. Các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo cần được tổ chức với sự tham gia của chuyên gia từ trung ương cùng các thông tin, giải pháp tư vấn phù hợp với địa phương.
 
Chia sẻ về vấn đề này, Anh Hoàng Quốc Lê – Trưởng ban biên tập chương trình "Chuyến xe Khởi nghiệp", Trung tâm Tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, các nhà khởi nghiệp rất cần công tác truyền thông để quảng bá hình ảnh của chính mình cùng sản phẩm ra thị trường.
 
Tại buổi Hội thảo, nhiều nhà báo bày tỏ mong muốn báo chí và truyền thông nên là cầu nối để thúc đẩy cho hoạt động khởi nghiệp. Mối quan hệ giữa truyền thông và khởi nghiệp là hết sức cần thiết. Các nhà khởi nghiệp không chỉ cần quảng bá, giới thiệu về mình cùng sản phẩm ra xã hội mà còn rất cần những trao đổi, tư vấn của những người làm truyền thông để phát triển tốt hơn những công việc của chính mình.
 
"Mạng lưới Truyền thông Khởi nghiệp sáng tạo" xuất phát từ chương trình "Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp" do HHSC tổ chức trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844). Sự kiện hội thảo lần này sẽ làm tiền đề để xây dựng mạng lưới kết nối này, từ đó cung cấp những thông tin cần thiết và hữu ích cho công tác truyền thông tại các địa phương trên cả nước.
 
Dự án này sẽ tạo cơ hội cho các nhà báo, phóng viên có trải nghiệm thực tế về khởi nghiệp sáng tạo (KNST) tại các địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh cũng như nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn, định hướng truyền thông về KNST qua hoạt động đào tạo, chia sẻ từ các chuyên gia tham gia cùng đoàn Hành trình.
 
Đến nay, Dự án đã tổ chức thành các đoàn Hành trình tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội, thu hút hơn 30 nhà báo, phóng viên, người làm truyền thông từ 20 tỉnh thành tham dự.
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
 

Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 18 (AMMSTI-18)

Ngày 11/10/2019, tại Singapore, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy làm Trưởng đoàn, đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 18 (AMMSTI-18) và các sự kiện liên quan. Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ phụ trách về khoa học và công nghệ của các nước thành viên ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN.
 
Lễ Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần thứ 18 (AMMSTI-18).
 
 
Tại Hội nghị AMMSTI-18, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận về nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, các Bộ trưởng đã trao đổi, đề xuất  phương hướng, nội dung phát triển các tài năng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ASEAN nói chung và thông qua Mạng lưới các nhà khoa học trẻ ASEAN (AYSN) nói riêng. Trong khuôn khổ hoạt động của Mạng lưới AYSN, Việt Nam đăng cai tổ chức Chương trình Lãnh đạo khoa học ASEAN lần thứ 4 (LSP-4) tại Hà Nội vào tháng 12/2019.
 
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã trao đổi, đề xuất một số nội dung liên quan đến dự thảo Lộ trình Đổi mới sáng tạo ASEAN 2019 – 2025 và vấn đề nâng cao năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó, đề xuất xem xét bổ sung nội dung về sự sẵn sàng của lực lượng lao động và sự tham gia của khu vực tư nhân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển các tài năng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dự thảo Lộ trình Đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025. Các nước thành viên ASEAN có trình độ đổi mới sáng tạo, năng lực và quy mô sản suất khác nhau, theo đó, mức độ chịu tác động ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng khác nhau. Do vậy, các nước ASEAN cần có biện pháp tăng cường năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh và đề xuất ASEAN xem xét thiết lập Nền tảng công nghệ số, tăng cường kết nối Mạng lưới tài năng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ASEAN. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
Trên cơ sở nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua danh mục các hoạt động ưu tiên trong năm 2020 của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (COSTI), bao gồm: (i) thúc đẩy việc hoàn thiện dự thảo và thông qua Lộ trình Đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025; (ii) tiếp tục triển khai Sáng kiến Phát triển chẩn đoán Y học ASEAN (DxD), Sáng kiến Cơ sở Tính toán hiệu năng cao ASEAN (HPC); (iii) hoàn thiện dự thảo Khung khổ hành động khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN: Hội tụ hướng tới phát triển nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ASEAN về thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; (iv) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới các nhà khoa học trẻ ASEAN; và (v) Nâng cao sự sẵn sàng của lực lượng lao động và sự tham gia của khu vực tư nhân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
Các Bộ trưởng cũng đã xem xét, thông qua Báo cáo của Hội nghị COSTI lần thứ 77 do Chủ tịch COSTI trình bày, trong đó có các nội dung quan trọng như: tình hình triển khai các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, báo cáo đánh giá tình hình triển khai Chương trình Hành động Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (APASTI) giai đoạn 2016-2025, báo cáo đánh giá 3 năm (2016-2018) thực hiện APASTI; xây dựng dự thảo Lộ trình Đổi mới sáng tạo ASEAN giai đoạn 2019-2025; tình hình và biện pháp tăng cường hiệu quả sử dụng Quỹ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN (ASTIF); tình hình hợp tác với các đối tác đối thoại ASEAN trong việc thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và các Quỹ Đối tác đối thoại như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, EU, Nga; tình hình triển khai các ưu tiên hoạt động của COSTI năm 2019 và dự kiến nội dung ưu tiên của COSTI trong năm 2020, v.v.
 
Trước khi Hội nghị AMMSTI-18 khai mạc, đã diễn ra các cuộc họp: Hội nghị COSTI-77, Cuộc họp của Ban Tư vấn COSTI (BAC); Cuộc họp của các Tiểu ban trực thuộc ASEAN COSTI bao gồm: Tiểu ban về cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn lực KH&CN (SCIRD), Tiểu ban Năng lượng bền vững (SCSER), Tiểu ban Công nghệ Không gian (SCOSA), Tiểu ban Công nghệ Thông tin (SCMIT), Tiểu ban Khoa học và Công nghệ Lương thực (SCFST), Tiểu ban Khí tượng Thuỷ văn và Vật lý địa cầu, Tiểu ban Khoa học và Công nghệ Vật liệu (SCMST), Tiểu ban Khoa học và Công nghệ Biển (SCMSAT), Tiểu ban Công nghệ sinh học (SCB).
 
Trong khuôn khổ Hội nghị COSTI-77, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ban Tư vấn COSTI (BAC) và Chủ tịch Tiểu ban Năng lượng bền vững (SCSER) nhiệm kỳ 2018-2021. Việt Nam đã chủ trì Cuộc họp của các Tiểu ban nêu trên, cùng các đại biểu thảo luận các nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo Quy chế hoạt động của Tiểu ban để trình COSTI-77 thông qua, đồng thời, đánh giá kết quả hoạt động và phương hướng công tác của Tiểu ban trong thời gian tới.
 
Cũng tại Hội nghị COSTI-77, với vai trò là nước ASEAN điều phối quan hệ đối thoại với Nhật Bản, Việt Nam đã báo cáo cập nhật hoạt động hợp tác ASEAN – Nhật Bản trong khuôn khổ COSTI và các hoạt động dự kiến đăng cai tổ chức hướng tới việc đảm nhiệm Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, trong đó có việc đăng cai tổ chức Diễn đàn Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN – Nhật Bản 2020.
 
Dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN không chính thức lần thứ 11 (IAMMSTI-11) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (AWSTI) vào tháng 10/2020 tại Thái Lan.
 
 
 
Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế

VKIST khai trương phòng thí nghiệm về lĩnh vực công nghệ sinh học tại Hàn Quốc

Thứ tư, 02/10/2019 
 
Nằm trong kế hoạch hoạt động năm 2019, ngày 27/9/2019 Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) đã tổ chức thành công buổi Lễ khai trương phòng thí nghiệm on-site tại Hàn Quốc dưới sự hỗ trợ của Viện KIST. Phòng thí nghiệm được đặt tại Viện nghiên cứu các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên tại Gangneung (KIST Gangneung), tập trung vào công tác nghiên cứu các thảo dược và ứng dụng công nghệ nhằm tăng giá trị gia tăng của nguồn dược liệu Việt Nam. Ba thảo dược đầu tiên được lựa chọn thực hiện là đinh lăng, gấc và dầu dừa.
Tham dự tại buổi Lễ, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có Lãnh đạo Bộ KH&CN – Thứ trưởng Bùi Thế Duy và đại diện lãnh đạo các đơn vị Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật, Văn phòng Bộ, đại diện Khoa học và Công nghệ tại Hàn Quốc cùng các khách mời từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cán bộ, nhân viên của Viện VKIST. Về phía Hàn Quốc có đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc (MSIT); Phó Chủ tịch của Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ của Viện KIST Gangneung và các cơ quan báo chí Hàn Quốc.
 
 
          
 
Lễ cắt băng khai trương phòng thí nghiệm.
 
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, đại diện Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ việc mở phòng thí nghiệm này cũng là một trong những hoạt động đã được đề cập đến trong nội dung của Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ được kí kết từ năm 2017 khi Viện VKIST bắt đầu đi vào hoạt động. Một trong hai lĩnh vực ưu tiên của Viện VKIST là lĩnh vực công nghệ sinh học, trong đó trọng tâm là tận dụng nguồn thảo dược thiên nhiên phong phú của Việt Nam và kết hợp với kĩ thuật tiên tiến của Hàn Quốc để đạt được những kết quả nghiên cứu tốt nhất ứng dụng vào sản xuất. Đây cũng là mục tiêu chung của thế giới hiện nay trong việc sử dụng các sản phẩm xanh, có nguồn gốc hữu cơ nâng cao sức khỏe cho con người. Cũng tại đây, Thứ trưởng cho biết sẽ thường xuyên kiểm tra hoạt động này vì đây là việc tiêu biểu cho tình hợp tác hữu nghị giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc cũng như giữa Bộ KH&CN và Tổ chức KOICA.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu.
 
Đại diện cho phía Hàn Quốc, Chủ tịch Viện KIST – TS Lee Byung Gwon nhấn mạnh quá trình các giai đoạn phát triển của Viện KIST và những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc. Ông kỳ vọng rằng Viện VKIST, với mô hình hoạt động mới theo tiêu chuẩn quốc tế, cũng sẽ mang lại những thành tựu tương tự cho sự phát triển về kinh tế và xã hội của Việt Nam trong tương lai không xa.
 
Chủ tịch Viện KIST – TS Lee Byung Gwon phát biểu tại buổi Lễ.
 
Đáp từ sự quan tâm của các đại diện lãnh đạo hai bên, Viện trưởng Viện VKIST – TS Kum Dongwha cảm ơn sự quan tâm của hai Chính phủ đại diện là Bộ KH&CN Việt Nam và MSIT, KOICA (Hàn Quốc) đã đồng hành và hỗ trợ Viện trong mọi hoạt động. Viện VKIST mới đi vào hoạt động và hiện nay có rất nhiều công tác cần thực hiện song song đồng thời cùng một lúc. Việc vận hành phòng thí nghiệm tại KIST Gangneung được dựa trên cơ sở Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa viện VKIST và KIST tại buổi lễ khởi động tháng 11 năm 2017 tại Việt Nam với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu, chia sẻ và đào tạo kiến thức kinh nghiệm cho các nhân sự chủ lực của viện VKIST sau này, đồng thời phát triển các hợp tác về nghiên cứu và triển khai giữa hai Viện.
 
 
Phòng thí nghiệm được tổ chức hoạt động trong 3 năm, trong đó toàn bộ chi phí cho các nhân sự của VKIST sẽ do nguồn ODA đảm bảo. KIST hỗ trợ cho toàn bộ trang thiết bị trong thời gian hoạt động và tài trợ nguyên vật liệu thí nghiệm trong năm đầu tiên. Dự kiến sau 1 năm hoạt động, phòng thí nghiệm sẽ cho ra đời các kết quả nghiên cứu đầu tiên.
 
Đại diện của các bên chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai trương Phòng thí nghiệm.
 
Đại diện của KOICA tại Lễ khai trương.
 
Đại diện của Bộ Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) tại lễ khai trương phòng thí nghiệm.
 
 
 
Nguồn: Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc

Việt Nam -Thụy Sỹ: Thúc đẩy hợp tác song phương về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Thông qua hợp tác giữa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) của Việt Nam và Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sỹ, các nhà khoa học của hai nước sẽ có nhiều

Việt Nam -Thụy Sỹ: Thúc đẩy hợp tác song phương về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ
Thông qua hợp tác giữa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) của Việt Nam và Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sỹ, các nhà khoa học của hai nước sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong một số lĩnh vực thế mạnh của quốc gia Châu Âu này, như công nghiệp dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và đoàn công tác đã có buổi làm việc với ông Marcel Tanner, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Sỹ.
 
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thụy Sỹ, ngày 01/10/2019, Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Bộ trưởng Chu Ngọc Anh dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Ủy ban Nhà nước về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ. Tham gia Đoàn công tác còn có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bà Martina Hirayama, Quốc vụ khanh phụ trách giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Thụy Sỹ đã trao đổi, đánh giá về tiềm năng và định hướng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
 
Thông tin về tình hình phát triển KH&CN những năm gần đây, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Việt Nam luôn xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng. KH&CN đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia bước đầu hình thành và chuyển dịch theo hướng doanh nghiệp trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo cũng đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Thị trường KH&CN bước đầu có những chuyển dịch mạnh theo hướng gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh.
 
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Thụy Sỹ – một trong những nước năng động nhất thế giới về hoạt động nghiên cứu và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
 
Nhằm tăng cường hợp tác, hai bên thống nhất thúc đẩy các chương trình đồng tài trợ cho các dự án nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học hai nước, đặc biệt là thông qua các Quỹ nghiên cứu, trong đó có hợp tác giữa Quỹ NAFOSTED của Việt Nam và Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sỹ. Hai bên nhất trí cao đối với việc tạo điều kiện, khuyến khích hoạt động hợp tác giữa các nhà khoa học dưới nhiều hình thức khác nhau như nghiên cứu chung, tổ chức hội thảo khoa học, đào tạo chuyên ngành; thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với Thụy Sỹ trong một số lĩnh vực mà Thụy Sỹ có thế mạnh như: công nghiệp dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bà Quốc vụ khanh Martina Hirayama đã ký Tuyên bố hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ.
 
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bà Quốc vụ khanh Martina Hirayama đã ký Tuyên bố hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ. Văn bản ký kết này sẽ tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước trong thời gian tới.
 
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đã có buổi làm việc với ông Marcel Tanner, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Sỹ. Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua, cơ chế, chính sách về KH&CN của Việt Nam đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để dần từng bước đưa KH&CN gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương; khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN; khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đầu tư cho KH&CN của Việt Nam cũng dần được quan tâm hơn.
 
Với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Thụy Sỹ, đặc biệt là trong việc xác định phương pháp và tổ chức thực hiện việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực về KH&CN.
 
Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, đặc biệt là trong xây dựng chiến lược, chính sách KH&CN, nghiên cứu, phát triển công nghệ về đa dạng sinh học và trao đổi sinh viên thông qua các hoạt động nghiên cứu chung trong thời gian tới./.
 
 
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Trung tâm NAM S&T: kênh giao lưu, trao đổi thông tin hữu ích cho các nhà khoa học Việt Nam

 
Thúc đẩy các hoạt động hợp tác KH&CN nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên của Trung tâm NAM S&T; khuyến khích các nước thành viên thúc đẩy hợp tác nghiên cứu triển khai và tổ chức các chương trình đào tạo song phương hoặc đa phương trong các lĩnh vực cùng quan tâm và ưu tiên hợp tác.
 
Toàn cảnh cuộc họp.
 
Đây là những nội dung chính được trao đổi tại Phiên Khai mạc Khóa họp lần thứ 2  Hội đồng Quản trị (GC) nhiệm kỳ 14 của Trung tâm NAM S&T với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và Ngài Datuk Seri Dr. Mohd. Azhar bin Hj. Yahaya, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm NAM S&T kiêm Thứ trưởng Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia (MESTECC) diễn ra ngày 5/9/2019 tại Hà Nội.
 
Ngài Datuk Seri Dr. Mohd. Azhar bin Hj. Yahaya – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm NAM S&T, Thứ trưởng Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia (MESTECC) phát biểu tại cuộc họp.
 
 
Tham dự Phiên Khai mạc còn có các Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Trung tâm NAM S&T; đại diện một số Đại Sứ quán các nước là thành viên của Trung tâm NAM S&T; đại diện của một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam. Phát biểu tại Phiên Khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác của Trung tâm NAM S&T trong thời gian qua, đồng thời bày tỏ tin tưởng với sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của  lãnh đạo Trung tâm NAM S&T, việc hợp tác và ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo sẽ được tăng cường hơn nữa và đạt được các mục tiêu theo kế hoạch của Trung tâm NAM S&T cũng như hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của các quốc gia thành viên.
 
Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng, lãnh đạo Trung tâm NAM S&T sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc nâng cao vai trò của Trung tâm NAM S&T, đặc biệt là đối với các đề xuất mới, thúc đẩy hơn nữa các dự án R&D chung và các chương trình đào tạo song phương, đa phương giữa các nước thành viên của Trung tâm NAM S&T trong các lĩnh vực cùng quan tâm và ưu tiên hợp tác, phát triển mạng lưới giữa các trung tâm quốc gia và khu vực; tăng cường trao đổi, chuyển giao công nghệ,v.v…
 
 
 
Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Ngài Amitava Bandopadhyay – Tổng Giám đốc Trung tâm NAM S&T tặng quà và sách lưu niệm tại cuộc họp.
 
 
Tại cuộc họp, Ngài Datuk Seri Dr. Mohd. Azhar bin Hj. Yahaya đã có bài trình bày tổng quan về tình hình hoạt động trong thời gian qua và phương hướng hoạt động của Trung tâm NAM S&T thời gian tới. Theo đó, thông qua các Hội thảo được tổ chức, các nhà khoa học của Việt Nam có cơ hội giao lưu, chia sẻ thông tin với chuyên gia, nhà khoa học uy tín của các nước thành viên về tình hình nghiên cứu trong nước, đồng thời hiểu rõ hơn sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
Ngoài ra, qua các Chương trình học bổng nghiên cứu của Trung tâm NAM S&T, các nhà khoa học của Việt Nam có cơ hội được tham gia vào các đề tài hợp tác nghiên cứu ngắn hạn, làm việc với các giáo sư và nghiên cứu viên xuất sắc của các nước, qua đó được đào tạo về phương pháp, kỹ năng nghiên cứu cũng như tiếp cận với máy móc, trang thiết bị hiện đại,…
 
 
Bên lề cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Ngài Datuk Seri Dr. Mohd. Azhar bin Hj. Yahaya tại buổi tiếp thân mật.
 
 
Bên lề cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã có buổi tiếp thân mật với Ngài Datuk Seri Dr. Mohd. Azhar bin Hj. Yahaya. Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá cao những hoạt động của Trung tâm NAM S&T thời gian qua, trong đó có nhiều nội dung phong phú liên quan đến các vấn đề khoa học mà thế giới và các nước trong khu vực quan tâm, có ý nghĩa thiết thực, thu hút được sự hưởng ứng của các nhà khoa học Việt Nam cũng như các nước thành viên.
 
Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ hy vọng, các hoạt động của Trung tâm NAM S&T tiếp tục trở thành kênh giao lưu, trao đổi thông tin hữu ích cho các nhà khoa học Việt Nam, qua đó, tăng cường mối quan hệ với nhà khoa học của các nước cũng như nâng cao năng lực hội nhập về KH&CN cho các nhà khoa học Việt Nam trong thời gian tới.
 
 
Thứ trưởng Bùi Thế Duy và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp.
 
 
Tại buổi tiếp, Ngài Datuk Seri Dr. Mohd. Azhar bin Hj. Yahaya cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục phát huy các hoạt động và vai trò tích cực của mình trong khuôn khổ hợp tác của Trung tâm NAM S&T nói chung, đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương về KH&CN giữa Việt Nam và Malaysia trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 về một số lĩnh vực trọng tâm như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ môi trường xanh.
 
Trung tâm NAM S&T là một tổ chức liên Chính phủ được thành lập từ năm 1989 tại New Delhi, Ấn Độ, hiện có 47 quốc gia là thành viên của Trung tâm NAM S&T (sau khi Pêru xin rút khỏi vào năm 2017), bao gồm các nước đang phát triển thuộc Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Trung Đông và Mỹ Latinh.
 
Trở thành thành viên chính thức của Trung tâm NAM S&T từ năm 2000, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Trung tâm NAM S&T, trong đó có các khóa họp của Hội đồng Quản trị, đóng góp ý kiến đối với các quyết định về hoạt động chung của Trung tâm NAM S&T; các học bổng, khóa đào tạo do Trung tâm NAM S&T tổ chức.
 
 
Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Ngài Datuk Seri Dr. Mohd. Azhar bin Hj. Yahaya chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại buổi tiếp.
 
 
Mục tiêu và chức năng của Trung tâm NAM S&T là thúc đẩy các hoạt động hợp tác KH&CN nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các nước không liên kết và các nước đang phát triển khác; khuyến khích các nước thành viên của Trung tâm NAM S&T thúc đẩy hợp tác nghiên cứu triển khai và tổ chức các chương trình đào tạo song phương hoặc đa phương trong các lĩnh vực được quan tâm, lựa chọn; hỗ trợ thiết lập mối liên hệ giữa các quốc gia và khu vực để phát triển và chuyển giao công nghệ; khuyến khích liên kết giữa Trường – Viện – Doanh nghiệp ở các nước đang phát triển thông qua mạng lưới công nghiệp của Trung tâm NAM S&T; tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chuyên đề, khóa đào tạo và thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu; phối hợp với Trung tâm xuất sắc của một số nước để cấp học bổng nghiên cứu ngắn hạn cho các nhà khoa học của các nước đang phát triển; xuất bản sách kỹ thuật và tài liệu khoa học trong các lĩnh vực khác nhau…/.
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế