Một người phụ nữ Canada liên tục say xỉn dù không uống một giọt rượu nào do mắc phải hội chứng hiếm gặp mang tên “hội chứng tự lên men”.
Người phụ nữ 50 tuổi ở Toronto, Canada, liên tục phải vào phòng cấp cứu do ngủ quá nhiều, nói nhịu, hơi thở có mùi rượu, dù không uống một giọt rượu nào. Thực chất, vi khuẩn trong đường ruột của bà tự lên men và khiến bà bị say, theo Live Science.
Các bác sĩ cuối cùng chẩn đoán người phụ nữ mắc hội chứng hiếm gặp gọi là hội chứng tự lên men. Nhưng trước đó, bà đã từng vào khoa cấp cứu 7 lần trong hai năm. Mỗi lần, triệu chứng của bà đều giống nhau và khiến bà dường như say xỉn. Đặc biệt, cơn buồn ngủ của bệnh nhân gây rắc rối lớn bởi bà đột nhiên ngủ gật khi sẵn sàng làm việc hoặc chuẩn bị bữa ăn. Chứng buồn ngủ này khiến người phụ nữ không thể làm việc suốt nhiều tuần và ảnh hưởng tới khẩu vị của bà.
Trong mỗi lần vào phòng cấp cứu, trừ lần cuối cùng, các bác sĩ đều chẩn đoán người phụ nữ bị ngộ độc rượu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bà đã ngừng uống rượu do vấn đề tín ngưỡng, theo bài báo hôm 3/6 trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Canada. Gia đình bệnh nhân cũng xác nhận bà không uống rượu. Cuối cùng, bác sĩ phát hiện tiền sử bệnh của bệnh nhân có manh mối về nguyên nhân gây ra những triệu chứng giống say rượu.
Trước khi trải qua các triệu chứng say xỉn này, người phụ nữ có tiền sử 5 năm mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), căn bệnh liên tục tái lại và rất khó ngăn chặn. Để điều trị bệnh, bà được kê uống thuốc kháng sinh thường xuyên. Bác sĩ của người phụ nữ nghi ngờ ngoài chữa trị UTI, những liều kháng sinh mạnh cũng tiêu diệt lợi khuẩn trong ruột. Điều này nhiều khả năng dọn đường cho vô số loại nấm xâm chiếm ruột. Một số loại nấm trong đó có thể lên men carbohydrate, ủ ra rượu của chúng.
Hội chứng tự lên men phát sinh khi các loại nấm như vậy, bao gồm Saccharomyces cerevisiae (nấm men bia) và Candida albicans phát triển tới mật độ đủ cao và tiếp cận đủ carbohydrate thông qua chế độ ăn của người nhiễm chúng. Một số loại vi khuẩn cũng gắn liền với hội chứng này. Những người có đường huyết cao và khả năng phân hủy rượu kém sẽ dễ mắc hội chứng hơn. Những đặc điểm này một phần do di truyền. Hội chứng tự lên men rất khó dự đoán do cực hiếm gặp. Có chưa đến 100 trường hợp được ghi nhận hội chứng kể từ khi phát hiện vào cuối thập niên 1940.
Trong trường hợp người phụ nữ Canada, trước khi được chẩn đoán mắc hội chứng, chuyên gia tâm thần ở phòng cấp cứu đã đánh giá bà vài lần để tìm dấu hiệu rối loạn sử dụng rượu. Lần thứ 7 người phụ nữ vào phòng cấp cứu, bác sĩ đoán hội chứng tự lên men có thể là nguyên nhân và chỉ định bà điều trị kháng nấm. Sau khi chuyển sang khoa tiêu hóa, bà cũng được hướng dẫn áp dụng chế độ ăn low-carb để hạn chế lượng đường giúp nấm lên men.
An Khang (Theo Live Science)