Thủ tướng mong muốn Israel hỗ trợ Việt Nam về đổi mới sáng tạo, start-up

 
Chiều 7/10, tại trụ sở Chính phủ, tiếp Đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Nadav Eshcar, đến chào xã giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn phía Israel hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, start-up; hoan nghênh các doanh nghiệp Israel đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này.
 
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển, đặc biệt là về kinh tế, nông nghiệp và khoa học – công nghệ của Israel, góp phần đưa Israel từ một quốc gia nhỏ bé với nguồn tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn trở thành một quốc gia có nền kinh tế vững mạnh với nền khoa học – công nghệ phát triển cao trên thế giới.
 
Khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Israel, Thủ tướng vui mừng trước những bước phát triển trong quan hệ hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, khoa học – công nghệ, an ninh – quốc phòng… Những bước phát triển đáng ghi nhận trên đã đưa Israel trở thành một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
 
Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao các đóng góp của Đại sứ trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Israel.
 
Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Đại sứ đánh giá Việt Nam đã làm tốt trong phòng chống COVID-19, là mô hình điển hình về kiểm soát thành công dịch bệnh này. Israel ngưỡng mộ, mong muốn học hỏi kinh nghiệp của Việt Nam khi Israel đang trải qua làn sóng thứ 2 của dịch.
 
Đại sứ cho biết, Israel là nền kinh tế đổi mới sáng tạo, là một trong những quốc gia dành nhiều ngân sách nhất cho nghiên cứu và phát triển. Là quốc gia nhỏ với dân số trên 8 triệu dân, Israel có hơn 5.000 doanh nghiệp start-up, là nơi đóng trụ sở của nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Hai bên có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp công nghệ và quản lý nước bởi Israel có nhiều kinh nghiệm về đối mặt với hạn hán, có công nghệ hiện đại về tưới tiêu, nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp…
 
Bên cạnh đó, hai nước có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như an ninh mạng, công nghệ hàng không.
 
Đại sứ mong muốn hai bên sớm đi đến các bước cuối cùng để ký kết Hiêp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel cũng như có thể sớm mở đường bay thẳng giữa Hà Nội và Tel Aviv qua đó sẽ thúc đẩy giao lưu, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
 
Nhất trí với ý kiến của Đại sứ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không gian hợp tác còn rất lớn.
 
Theo Thủ tướng, khi điều kiện cho phép, hai bên sớm tiến hành các hoạt động trao đổi đoàn và các cơ chế họp tác như ủy ban hỗn hợp, Tham vấn chính trị giữa hai Bộ ngoại giao. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn giữa các bộ, ngành, địa phương hai bên.
 
Hai bên cần phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương tăng lên gấp 2-3 lần vào năm 2025. Cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp Israel thăm và tham dự triển lãm, hội chợ tại Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến tại Israel.
 
Hai bên cần thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA). Thủ tướng đề nghị Israel hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, start-up; hoan nghênh các doanh nghiệp Israel đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này.
 
Về nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, đây là lĩnh vực Việt Nam ưu tiên phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là về việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động hợp tác gần đây giữa hai nước trong trao đổi kinh nghiệm về quản lý và sử dụng nguồn nước. Đây là lĩnh vực mà Israel có thế mạnh và Việt Nam đang rất có nhu cầu. Do đó, trong thời gian tới hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
 
Đánh giá cao kết quả chương trình Thực tập sinh nông nghiệp giữa hai nước, Thủ tướng mong muốn Israel tăng cường tiếp nhận thực tập sinh nông nghiệp của Việt Nam (năm 2020, Israel tiếp nhận 635 thực tập sinh nông nghiệp của Việt Nam). Ngày 25/9 vừa qua, hai bên phối hợp tổ chức thành công chuyến bay đưa hơn 300 thực tập sinh mới sang Israel, thay thế cho 300 thực tập sinh đã hoàn thành thời gian thực tập.
 
Thủ tướng nhất trí việc hai bên sớm ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Israel cũng như hoan nghênh việc mở đường bay thẳng giữa hai nước, qua đó, không khí hợp tác đầu tư, thương mại, giao lưu sẽ sôi nổi hơn.
 
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết thỏa thuận song phương về hợp tác lao động; thúc đẩy hơn nữa hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa các viện, các trường đại học hai nước có thể dưới các hình thức chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy; trao đổi giảng viên, sinh viên; cấp học bổng nghiên cứu, học tập cho nghiên cứu viên, sinh viên của nhau.
 
Thủ tướng chúc mừng việc Israel ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, hy vọng rằng việc này sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định tại khu vực Trung Đông.
 
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Thu-tuong-mong-muon-Israel-ho-tro-Viet-Nam-ve-doi-moi-sang-tao-startup/409726.vgp
 
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Biên tập viên sách phải hiểu thị trường xuất bản

 
Theo ông Lê Hoàng, việc độc giả bỏ tiền mua sách sẽ quyết định sự thành bại của thị trường xuất bản. Do đó, đội ngũ biên tập viên cũng phải hiểu về thị trường.
Dưới góc tiếp cận của ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM – phát triển văn hóa đọc và thị trường xuất bản không chỉ là các chính sách, hoạch định của cơ quan quản lý. Nó có thể bắt đầu từ chính mỗi người làm sách, đọc sách.
Câu chuyện đó được ông Lê Hoàng chia sẻ với đội ngũ làm sách của một công ty ở Hà Nội hôm 3/9.
 
Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.
Thị trường xuất bản có phát triển nhưng thấp
“Ai là người trả lương cho các bạn?” – câu hỏi mà ông Lê Hoàng nêu ra với các biên tập viên đã khơi mở một câu chuyện dài trong thị trường xuất bản hiện nay.
Câu trả lời là giám đốc doanh nghiệp trả lương đúng, nhưng chưa đi tới ngọn nguồn vấn đề. Theo ông Lê Hoàng, người trả lương cho các biên tập viên, họa sĩ thiết kế, chế bản, phát hành… chính là bạn đọc. 
Độc giả có dốc túi tiền ra để mua sách hay không sẽ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Do đó, nhiều người nói độc giả là “ông chủ” của người làm sách.
Trong thị trường xuất bản, số lượng bản sách là yếu tố sống còn. Một cuốn sách in ra với số lượng lớn bao nhiêu, lợi nhuận tăng bấy nhiêu. Chỉ có tăng số lượng bản sách, tiền tác quyền, lương trả biên tập viên mới tăng; giá sách sẽ giảm.
Chúng ta làm lệch, đầu tư nhiều vào việc làm ra cuốn sách, mà ít để ý cách xúc tiến bán sách.
 
Số lượng bản sách lại liên quan trực tiếp sức đọc của người dân. Nhiều người đọc sách, mua sách mới có thể tăng được lượng bản sách.
Tuy vậy, các số liệu cho thấy người Việt đọc sách chưa nhiều. Phân tích số liệu xuất bản từ năm 2014 đến 2019, ông Lê Hoàng cho biết số đầu sách đã tăng tới 30%, nhưng số bản in chỉ tăng 19%. 
Năm 2019, ngành sách có 440 triệu bản, nhưng chỉ 140 triệu bản sách ra thị trường, còn lại là sách giáo khoa. Chia trung bình cho 97 triệu dân, lượng sách mà mỗi ngươi hưởng thụ là 1,4 bản sách/người/năm.
Doanh thu bán sách trên đầu người ở Việt Nam năm 2017 là 2 USD/người/năm. Con số này thấp hơn so với các nước trong khu vực: Malaysia (8,7 USD/người/năm), Thái Lan (10 USD/người/năm…
Từ số liệu đó, ông Lê Hoàng cho rằng ngành sách chưa quan tâm đúng mực vấn đề thị trường. 
“Chúng ta làm lệch, đầu tư nhiều vào việc làm ra cuốn sách, mà ít để ý cách xúc tiến bán sách”, ông Lê Hoàng nói.
Phó chủ tịch Hội Xuất bản cho rằng người làm sách, cụ thể là đội ngũ biên tập viên, cần thay đổi tư duy để góp phần phát triển thị trường.
“Chúng ta đang bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức, nhưng nếu cuốn sách mà mình lao tâm khổ tứ làm ra không bán được thì sao? Kinh tế xuất bản là bài toán khó hiện nay của toàn ngành”, ông Lê Hoàng nói.
 
Ông Lê Hoàng cho rằng biên tập viên phải tiếp cận nhiều đối tượng bạn đọc, từ giáo viên, thủ thư, phụ huynh, đến học sinh, để tìm hiểu nhu cầu của họ với sách.
Biên tập viên phải hiểu thị trường
Trước nay, ngành sách quan niệm kinh doanh là công việc của người làm công tác phát hành. Ông Lê Hoàng cho rằng biên tập viên phải tham gia vào quá trình kinh doanh. Phó chủ tịch Hội Xuất bản đề xuất biên tập viên thực hiện 4 giải pháp. 
Biên tập viên không chỉ là người khai thác, nhận bản thảo, biên tập, đối chiếu rồi hoàn thành. Đội ngũ biên tập cũng phải thâm nhập thị trường, đến cửa hàng sách, lắng nghe hơi thở thị trường.
Biên tập viên phải tiếp cận các đối tượng bạn đọc, giáo viên, thủ thư, phụ huynh để xem nhu cầu của họ với sách là gì. Từ đó, người làm công tác biên tập mới biết được nhu cầu thị trường, nắm “trend”, định hướng đề tài, tổ chức bản thảo. 
“Nếu không tham gia kinh doanh từ lúc này, chúng ta không ‘ngửi’ được, không đánh giá được bản thảo này bán được hay không”, ông Lê Hoàng nói.
Biên tập viên phải trả lời được mảng sách của mình hiện nay có thị trường ra sao? Họ phải báo cáo tại sao bạn đọc thích hay quay lưng với mảng sách nào.
 
Ông Lê Hoàng tại buổi chia sẻ nghề nghiệp với đội ngũ nhân viên Nhã Nam hôm 3/9.
Thứ hai, biên tập viên cho ra đời cuốn sách, trong vòng 6 tháng phải báo cho giám đốc biết tác phẩm đang được bán trên thị trường ra sao; phải trả lời được câu hỏi “vì sao bán chạy?” hoặc “vì sao sách ế?”.
Quá trình thâm nhập thị trường như vậy mới tôi luyện cho biên tập viên bản lĩnh “ngửi” bản thảo. Nếu không thâm nhập, họ không thể chịu trách nhiệm sách bán được hay không.
Thứ ba, bản thẩm định mà biên tập viên gửi giám đốc duyệt in, chính là bản cung cấp cho người làm công tác phát hành, người bán sách. Người bán sách dựa vào đó để truyền thông, quảng bá ra thị trường. 
Thứ tư, biên tập viên phải tiếp cận độc giả của mình. Họ có thể giới thiệu về cái hay, điều bổ ích trong cuốn sách mình làm ra tới từng đối tượng. Tùy từng mảng sách, biên tập viên có cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ, làm sách thiếu nhi, sách bổ trợ giáo dục có thể đề xuất xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách cho con…
 

“Khi đất nước đứng trước những thách thức, khoa học và công nghệ đã chứng minh vai trò quan trọng trên tuyến đầu”

Tại lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trao Giải thưởng khoa học Tạ Quang Bửu năm 2020 và Lễ tôn vinh các tổ chức, chiều 18/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chưa bao giờ tất cả các lực lượng khoa học, từ những người chuyên làm nghiên cứu, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tới những người bình thường cùng nhau chia sẻ, cùng nhau tìm ra giải pháp và cùng nhau làm những việc rất cụ thể.
Tinh thần khoa học mở thực sự được triển khai mạnh mẽ 
 
 
Quang cảnh buổi Lễ.
 
Thời gian qua giới khoa học Việt Nam đã triển khai các hoạt động nghiên cứu mạnh mẽ, trên tinh thần khoa học mở trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới phòng, chống đại dịch COVID-19.
Tham dự Lễ kỷ niệm còn các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020; các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của vius SARS-CoV-2 gây ra. Tham dự Lễ kỷ niệm còn có đông đảo cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương…
 
  
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi Lễ.
 
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng ngành KH&CN trong năm qua đã luôn nỗ lực, kế thừa thành tựu đã có, tiếp tục đạt được những kết quả rất đáng mừng trong phát triển khoa học và công nghệ nước nhà.
Điều đó được thể hiện qua số lượng các công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín của thế giới; các giải thưởng, các sáng kiến hữu ích để góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của nhân dân. Đặc biệt quan trọng là ngành khoa học và công nghệ đã cùng nhau đóng góp xây dựng, đề xuất, kiến nghị về các định hướng, chính sách phát triển khoa học – công nghệ đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm tới để trình Đại hội Đảng toàn quốc tới đây.
 
Theo Phó Thủ tướng, trong khó khăn, thách thức, ngành khoa học và công nghệ đã tìm ra thời cơ và tự tạo cho mình động lực vươn lên. Cụ thể, trong bối cảnh đất nước cùng cả thế giới phải phòng, chống đại dịch COVID-19, bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, những công trình nghiên cứu, ứng dụng tiếp tục được triển khai thì giới khoa học đã tự đặt ra những bài toán, thách đố mới, cùng nhau giải quyết.
 
“Chúng ta đã nói rất nhiều xu thế khoa học mở của thế giới, nhưng có lẽ thời gian vừa qua là một thời gian rất đáng nhớ với giới khoa học Việt Nam khi tinh thần khoa học mở thực sự được triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới phòng, chống đại dịch COVID-19”, Phó Thủ tướng nhận xét.
 
Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong số rất ít ỏi các nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay. Trong kết quả đó, vai trò giới khoa học, công nghệ càng ngày càng được khẳng định. Tuy phấn khởi nhưng những người làm khoa học chưa thể hài lòng. Bởi “với truyền thống và phẩm giá, người dân Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được sống một cuộc sống thịnh vượng, hoà bình, chan hoà yêu thương”.
“Tất cả chúng ta, trong đó có các nhà khoa học, hãy coi người dân là những người thầy, nguồn động lực để tất cả các ngành, các cấp, trong đó giới khoa học phấn đấu nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới hơn nữa”, Phó Thủ tướng mong muốn.
 
Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn các quốc gia bè bạn, tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu quốc tế, các nhà khoa học, các giáo sư, những người thầy quốc tế đã luôn đồng hành và giúp đỡ cho nền khoa học Việt Nam.
 
Phó Thủ tướng tin rằng với sự đoàn kết, cùng chung một mục tiêu cao cả là đem khoa học phục vụ nhân dân, phục vụ loài người thì nhất định khoa học, công nghệ sẽ góp phần đưa Việt Nam và cả thế giới vượt qua được những khó khăn, trực tiếp nhất là đại dịch COVID-19 vẫn còn đang hoành hành trên toàn cầu. Góp phần làm cho thế giới hoà bình, phát triển, môi trường không bị huỷ hoại.
Cho biết thêm về thành tựu của các nhà khoa học, tổ chức Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: Các kết quả khả quan từ việc nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian ngắn như vừa qua cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm. Một mặt, với sự quan tâm đầu tư của nhà nước và xã hội, các tổ chức khoa học và công nghệ và các nhà khoa học của Việt Nam đã từng bước đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn của đất nước. Chúng ta cũng nhận thấy rằng, các nghiên cứu cơ bản trong thời gian dài trước đây cũng đã góp phần quan trọng vào tăng cường năng lực cho các tổ chức khoa học và công nghệvà các nhà khoa học của Việt Nam.
 
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, trạng thái bình thường mới ở Việt Nam và toàn thế giới sau dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho ngành khoa học và công nghệ của Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện pháp luật về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào việc đồng bộ với pháp luật về kinh tế, đầu tư, tài chính nhằm đẩy mạnh việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ xã hội cho khoa học và công nghệ và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nhằm tạo động lực cho việc ứng dụng các thành tựu, kết quả của nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. 
 
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình nghiên cứu cơ bản lớn của quốc gia như Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến 2020; Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020, Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025…
Vinh danh 3 nhà khoa học đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020
  
Cũng tại buổi Lễ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho 3 nhà khoa học thuộc các ngành Khoa học Y Dược, Toán học và Vật lý. Đây cũng là năm thứ 2, một nhà khoa học nữ được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Nhà khoa học đoạt giải thưởng được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ và tiền thưởng theo Quy định.
 
Cụ thể, 02 Giải thưởng chính được trao cho PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và PGS.TS. Phạm Tiến Sơn, Trường Đại học Đà Lạt (Ngành Toán học). Giải thưởng trẻ được trao cho TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Ngành Vật lý).
Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm, là sự ghi nhận và tôn vinh đối với các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Từ năm 2014 đến nay, 14 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 3 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng trong tổng số hơn 270 hồ sơ đăng ký tham dự.
Tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
 
Tại buổi Lễ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay từ những ngày đầu tiên dịch bệnh bùng phát, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phục vụ công tác phòng chống dịch; kịp thời triển khai theo quy trình đặc biệt các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV2), kháng thể đơn dòng, phác đồ điều trị, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát.
 
Đến nay, nhiều nghiên cứu đã có kết quả khả quan, kịp thời phục vụ thiết thực cho việc phòng, chống dịch. Tiêu biểu như:
Phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch Covid-19: Xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế. Tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID tập hợp, huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu và kịp thời có các sản phẩm KH&CN phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ,… đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch.
 
Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 (do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện), đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, Vương Quốc Anh cấp giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường châu Âu số 2020041602179596/1 ngày 20/4/2020; Tổ chức Y tế thế giới cấp Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm vào ngày 24/4/2020. Cho đến nay, hơn 230.000 test đã được cung cấp cho cả nước, góp phần đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống Covid-19 ở nước ta. Bên cạnh đó, bộ KIT đã được tặng cho một số nước như Lào, Indonexia, Hungary góp phần tăng tình hữu nghị với các nước.
Nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot hỗ trợ y tế (do Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện). VIBOT – 1a được thử nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sỹ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo.
 
Nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công robot NaRoVid1 (do Viện Ứng dụng Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện) có tính năng lau khử khuẩn sàn nhà, nhằm hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế trong các khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Khoảng thời gian đáng nhớ của giới khoa học Việt Nam

Thời gian qua giới khoa học Việt Nam đã triển khai các hoạt động nghiên cứu mạnh mẽ, trên tinh thần khoa học mở trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới phòng, chống đại dịch COVID-19.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thời gian qua tinh thần khoa học mở thực sự được triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: VGP/Đình Nam
 
Tại Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trao Giải thưởng khoa học Tạ Quang Bửu năm 2020, chiều 18/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chưa bao giờ tất cả các lực lượng khoa học, từ những người chuyên làm nghiên cứu, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tới những người bình thường cùng nhau chia sẻ, cùng nhau tìm ra giải pháp và cùng nhau làm những việc rất cụ thể.
 
Phó Thủ tướng chúc mừng ngành khoa học và công nghệ trong năm qua đã luôn nỗ lực, kế thừa thành tựu đã có, tiếp tục đạt được những kết quả rất đáng mừng trong phát triển khoa học và công nghệ nước nhà.
Điều đó được thể hiện qua số lượng các công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín của thế giới; các giải thưởng, các sáng kiến hữu ích để góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của nhân dân. Đặc biệt quan trọng là ngành khoa học và công nghệ đã cùng nhau đóng góp xây dựng, đề xuất, kiến nghị về các định hướng, chính sách phát triển khoa học – công nghệ đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm tới để trình Đại hội Đảng toàn quốc tới đây.
 
Theo Phó Thủ tướng, trong khó khăn, thách thức, ngành khoa học và công nghệ đã tìm ra thời cơ và tự tạo cho mình động lực vươn lên. Cụ thể, trong bối cảnh đất nước cùng cả thế giới phải phòng, chống đại dịch COVID-19, bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, những công trình nghiên cứu, ứng dụng tiếp tục được triển khai thì giới khoa học đã tự đặt ra những bài toán, thách đố mới, cùng nhau giải quyết.
“Chúng ta đã nói rất nhiều xu thế khoa học mở của thế giới, nhưng có lẽ thời gian vừa qua là một thời gian rất đáng nhớ với giới khoa học Việt Nam khi tinh thần khoa học mở thực sự được triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới phòng, chống đại dịch COVID-19”, Phó Thủ tướng nhận xét.
 
Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong số rất ít ỏi các nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay. Trong kết quả đó, vai trò giới khoa học, công nghệ càng ngày càng được khẳng định. Tuy phấn khởi nhưng những người làm khoa học chưa thể hài lòng, bởi “với truyền thống và phẩm giá, người dân Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được sống một cuộc sống thịnh vượng, hoà bình, chan hoà yêu thương”.
 
“Tất cả chúng ta, trong đó có các nhà khoa học, hãy coi người dân là những người thầy, nguồn động lực để tất cả các ngành, các cấp, trong đó giới khoa học phấn đấu nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới hơn nữa”, Phó Thủ tướng mong muốn.
 
Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn các quốc gia bè bạn, tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu quốc tế, các nhà khoa học, các giáo sư, những người thầy quốc tế đã luôn đồng hành và giúp đỡ cho nền khoa học Việt Nam.
 
Phó Thủ tướng tin rằng với sự đoàn kết, cùng chung một mục tiêu cao cả là đem khoa học phục vụ nhân dân, phục vụ loài người thì nhất định khoa học, công nghệ sẽ góp phần đưa Việt Nam và cả thế giới vượt qua được những khó khăn, trực tiếp nhất là đại dịch COVID-19 vẫn còn đang hoành hành trên toàn cầu. Góp phần làm cho thế giới hoà bình, phát triển, môi trường không bị huỷ hoại.
 
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Khoang-thoi-gian-dang-nho-cua-gioi-khoa-hoc-Viet-Nam/395855.vgp
 
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Hội đồng Giải thưởng họp đánh giá 8 hồ sơ đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020

Toàn cảnh phiên họp
 
Sáng ngày 29/4/2020 tại Hà Nội, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã họp phiên đánh giá xét chọn tám (08) hồ sơ đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.
 
Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 gồm 10 thành viên, do GS.TSKH. Ngô Việt Trung là Chủ tịch HĐGT, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức là Phó Chủ tịch HĐGT, các ủy viên bao gồm: GS.TS. Đặng Đức Anh, GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, GS.TS. Trần Thanh Hải, GS.TS. Châu Văn Minh, GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa, PGS.TS. Nguyễn Trung Kiên, GS. Guy Thwaites – nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam (Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford) và GS.TS. Nguyễn Thục Quyên – nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài (Trường Đại học California tại Santa Barbara, Mỹ).
 
Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Phạm Công Tạc – Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng, một số thành viên Ban Tổ chức giải thưởng, Cơ quan điều hành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia và một số cơ quan báo chí, truyền thông tham dự và đưa tin tại phiên khai mạc.
 
06 thành viên dự họp tại Hà Nội (GS.TS. Châu Văn Minh do có việc đột xuất, không thể tham dự nên đã gửi ý kiến đánh giá để HĐGT xem xét) kết nối trực tuyến với GS. Guy Thawaites, PGS.TS. Nguyễn Trung Kiên tại TP. Hồ Chí Minh và GS.TS. Nguyễn Thục Quyên tại Mỹ.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc – Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng cho biết đây là năm thứ 7 Giải thưởng được tổ chức, đến nay uy tín của Giải thưởng đã được khẳng định và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng các nhà khoa học. Thứ trưởng gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học là thành viên HĐGT, thành viên các Hội đồng khoa học ngành của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã luôn giữ tinh thần, trách nhiệm trong công tác đánh giá xét chọn Giải thưởng. Thứ trưởng khẳng định, uy tín và sự đánh giá công tâm của Hội đồng Giải thưởng đã góp phần tạo nên chất lượng của Giải thưởng.
 
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 được khởi động từ tháng 11/2019, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia – Cơ quan thường trực của Giải thưởng đã tiếp nhận tổng số 48 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng. Trong tháng 2/2020, các Hội đồng khoa học ngành đã tổ chức đánh giá và đề cử tám (08) hồ sơ để tiếp tục xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng. Tám (08) đề cử Giải thưởng năm nay gồm năm (05) đề cử Giải thưởng chính cho các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học và Khoa học Y dược, ba (03) đề cử Giải thưởng trẻ cho các lĩnh vực Toán học, Vật lý và Khoa học Nông nghiệp. Theo quy trình đánh giá, các hồ sơ được đề cử cũng đã được gửi xin thêm đánh giá của các nhà khoa học quốc tế. Trước phiên họp đánh giá tại HĐGT, các thông tin về phản biện đã được gửi tới các thành viên HĐGT.
 
Tại phiên họp, GS.TSKH. Ngô Việt Trung – Chủ tịch HĐGT cho biết, chất lượng các hồ sơ năm nay đều rất tốt. Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học được đề cử Giải thưởng đều được đăng trong các tạp chí thuộc nhóm 5%, 10% các tạp chí hàng đầu trong các chuyên ngành nghiên cứu (theo xếp hạng Scimago). Có những công trình được đăng trong các tạp chí xuất sắc của ngành. HĐGT chính thức làm việc kín sau khi Chủ tịch HĐGT thông qua nguyên tắc và phương thức làm việc.
 
Sau phiên họp, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả với Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ. Thông tin về nhà khoa học đoạt Giải thưởng sẽ được công bố sau khi có Quyết định phê duyệt chính thức của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Lễ trao Giải thưởng hàng năm đều được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5). Năm nay, căn cứ vào diễn biến của dịch Covid-19 và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có phương án tổ chức Lễ trao Giải phù hợp.
 
Nguồn: Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia

“Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc” giúp truy tìm dấu vết người nghi nhiễm COVID-19 trong bệnh viện

Đại diện Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bàn giao “Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc” cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội)
 
 
Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc nguy cơ lây nhiễm do nhóm sáng kiến của Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu giúp tầm soát và sàng lọc người triệu chứng lâm sàng và có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
Với những tính năng như: đa ngôn ngữ (6 ngôn ngữ), đo thân nhiệt, lưu trữ dữ liệu của người nhập liệu, truy xuất lịch sử đi lại và thông tin người nghi nhiễm hoặc nhiễm rất nhanh chóng, đồng thời giúp nhân viên y tế đưa ra hướng dẫn nhanh, chính xác, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm…, giải pháp sàng lọc không tiếp xúc (eScreening) đã được Viện Ứng dụng Công nghệ bàn giao cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) đưa vào sử dụng sáng 22/4.
 
PGS. TS Mai Anh Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, giải pháp này trước hết phục vụ công tác chống dịch bệnh đường hô hấp do virus SARS – CoV2 gây ra, và có thể ứng dụng sàng lọc trong việc khám chữa bệnh trong tương lai. “Viện Ứng dụng Công nghệ và nhóm nghiên cứu sẵn sàng lắp đặt vận hành cho các đơn vị có nhu cầu”, PGS Mai Anh Tuấn khẳng định.
 
Cấu tạo của giải pháp gồm 2 phần: Phần mềm được viết trên các hệ điều hành thông dụng, cho phép chạy trên máy tính hoặc trên nền web; Phần cứng bao gồm một máy tính, hai màn hình (một cho nhân viên y tế và một cho người khai báo) và cảm biến nhiệt. Khi tổ chức phân luồng, người khai báo nhập thông tin cá nhân, lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày và các triệu chứng như ho, sốt… từ màn hình chạm phía ngoài. Cảm biến nhiệt đo thân nhiệt của người khai báo. Nhân viên y tế có thể theo dõi việc nhập thông tin, in kết quả, lưu số liệu trên một màn hình khác, không tiếp xúc với người khai báo.
 
Là người trực tiếp sử dụng giải pháp này, chị Vũ Thị Minh Tuyến, điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, nếu như trước đây nhân viên y tế phải đứng bên cạnh hướng dẫn bệnh nhân khai báo thì bây giờ có hệ thống này chúng tôi hoàn toàn có thể đứng trong phòng có vách ngăn mà vẫn hướng dẫn được bệnh nhân và có thể kiểm tra được bệnh nhân khai đúng, sai hay có thiếu sót không… Vì thế ngoài việc giảm tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân giải pháp còn giảm nguy cơ tiếp xúc với các giấy tờ khi bệnh nhân khai báo.
 
Cũng theo chị Minh Tuyến, nhờ giải pháp này, việc lưu trữ dữ liệu của bệnh viện trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều, sau một ngày có thể biết được bao nhiêu bệnh nhân đến khám, trong đó có bao nhiêu bệnh nhân nước ngoài, bao nhiêu bệnh nhân trong nước. Giải pháp cũng giúp cho các bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi, giảm chi phí và giảm stress của nhân viên y tế…
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu

 
Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh vừa cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam, giúp sản phẩm đủ điều kiện để lưu hành tại Châu Âu.
 
 
Bộ KIT do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu và sản xuất, đây là kết quả của một đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
 
Việc được cấp phép lưu hành tại Châu Âu sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm có thể xuất khẩu sang nhiều quốc gia Châu Âu, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. 
 
Trước đó, hơn 20 quốc gia và doanh nghiệp đã đặt mua bộ KIT xét nghiệm Covid-19 do Việt Nam sản xuất như: Iran, Ukraina, Phần Lan và Malaysia…
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, Bộ KIT của Việt Nam được đánh giá có nhiều ưu điểm như thời gian cho kết quả nhanh hơn, dễ sử dụng hơn so với quy trình hướng dẫn của WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ. Hiện năng lực sản xuất của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á khoảng 10.000 test/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần.
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN – Vụ KH&CN các ngành KTKT

Bộ Khoa học và Công nghệ chung tay ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19

 
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Trương Thị Ngọc Ánh tiếp nhận ủng hộ từ Bộ Khoa học và Công nghệ
 
 
Sáng 13/4 tại Hà Nội, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tập trung phòng, chống dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực, tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, được sự đồng ý của Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Bộ Khoa học và Công nghệ, Công đoàn Bộ phối hợp với Ban Phong trào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trao ủng hộ một trăm triệu đồng của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong Bộ ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.
 
Tại buổi Lễ, đồng chí Phạm Gia Chương, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 4 đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ phòng chống dịch Covid-19, trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (còn gọi là bộ kít) real-time RT-PCR và RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV-2)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.
 
Sau một tháng, hai đơn vị đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kít real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2. Bộ Y tế sau đó có quyết định về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 tại Việt Nam cũng như thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty Công nghệ Việt Á phối hợp phát triển, sản xuất được coi là công cụ quan trọng và cần thiết để góp phần kiểm soát bệnh dịch do SARS-CoV-2 ở Việt Nam.
 
Đồng chí Phạm Gia Chương cho biết thêm: Trong thời gian qua, trên cơ sở đề xuất của Học viện Kỹ thuật Quân sự – Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định giao cho Học viện thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon, Mỹ. Các robot có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân và người nghi nhiễm. Đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lúc dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan đến nghiên cứu nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.
 
Chia sẻ thêm về các hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm chung tay ủng hộ, phòng chống dịch Covid-19, đồng chí Đặng Quang Huấn, Chủ tịch Công đoàn Bộ cho biết thêm: Ngày 21/3/2020, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1138/QĐ-UBND về việc thành lập khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại khu ký túc xá Trường Đại học FPT. Để Công ty có thể đóng góp được 2.000 chỗ cách ly tại ký túc xá của Tổ chức Giáo dục FPT ở Hòa Lạc, Công đoàn và Đoàn Thanh niên đã huy động 500 tình nguyện viên là các công đoàn viên, thanh niên từ tất cả các bộ phận làm việc tại khu vực Hà Nội đến hỗ trợ việc di dời sinh viên và đồ đạc, vệ sinh cấp tốc 5 khu ký túc xá, trong vòng 1 ngày để bàn giao cho Quân đội ngay trong đêm 22/03/2020. Hàng chục công đoàn viên khối kỹ thuật của Công ty Viễn thông FPT đã xung phong lắp đặt mạng internet suốt ngày đêm không nghỉ để kịp cho khu cách ly được sử dụng ngay internet miễn phí.
 
Đặc biệt, Công ty và cán bộ nhân viên FPT đã quyên góp ủng hộ 20 tỷ đồng mua trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, đồ bảo hộ y tế… cho bệnh viện tuyến đầu và các khu cách ly, cũng như tham gia vào các chương trình phòng chống dịch với cộng đồng. Công đoàn cùng Đoàn Thanh niên FPT còn phối hợp với Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai tổ chức lắp đặt 50 trạm rửa tay dã chiến tại các khu công cộng trên địa bàn Hà Nội để giúp người dân thủ đô phòng chống dịch và hưởng ứng Chương trình “Vì một Việt Nam khỏe mạnh” với nguồn tài trợ 500 triệu đồng từ Quỹ FPT Vì Cộng đồng và tiền đóng góp của Công ty.
 
Trước đó, cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tích cực tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Nhiều cán bộ công chức, viên chức và người lao động và đoàn viên công đoàn tình nguyện tham gia hoạt động này nhằm chung tay phòng, chống dịch Covid – 19 do lượng người hiến máu hạn chế. Đợt hiến máu nhân đạo lần này đặc biệt có ý nghĩa, giàu tính nhân văn, thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, nhiều cán bộ công chức, viên chức và người lao động đã tích cực tham gia nhắn tin ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid -19. Quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch bệnh qua tin nhắn từ thuê bao di động là kênh thuận lợi để nhân dân trên mọi miền đất nước, với điều kiện kinh tế khác nhau đều có thể thể hiện sự quan tâm, đóng góp, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
Chia sẻ khi tiếp nhận số tiền ủng hộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, mỗi người một tấm lòng, một sự chung tay nhưng hành động nhỏ này lại mang ý nghĩa lớn, nó sẽ giúp cho đất nước có thêm niềm tin, thêm nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh và sẽ lan tỏa sự kết nối để có nhiều hơn nữa những tấm lòng tiếp tục ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid -19.
 
Đón nhận những tình cảm của các cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Trương Thị Ngọc Ánh chia sẻ, qua gần 1 tháng phát động, tổng số tiền, hàng ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lên tới trên 840 tỷ đồng, trong đó số tiền nhắn tin qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia đầu số 1407 đạt trên 140 tỷ đồng. Đặc biệt, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ số tiền lên tới trên 700 tỷ đồng.
 
Trước tình hình dịch Covid -19 đến ngày 13/4 đang bùng phát với gần 1,9 triệu người nhiễm và trên 115 nghìn ca tử vong trên toàn thế giới, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân và toàn thể nhân dân cùng đồng lòng, quyết tâm khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và những quy định trong phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
 
Khi người dân cùng chấp hành mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước cùng những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện nghiêm những quy định trong phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế  thì chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, trong trận chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, lực lượng các nhà khoa học đã có nhiều đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh.
 
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ là cầu nối để chuyển những nguồn kinh phí đóng góp tới các đơn vị liên quan. Toàn bộ số tiền cá nhân, tổ chức ủng hộ qua kênh Mặt trận sẽ được ưu tiên phân bổ cho việc mua sắm trang thiết bị phục vụ bệnh nhân phòng, chống Covid -19. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục vận động để cùng với Chính phủ tạo thêm nguồn lực để hỗ trợ các đối tượng bị giảm thu nhập và thiếu việc làm do dịch bệnh gây ra. Trong thời gian tới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Sự ủng hộ, đồng hành của toàn xã hội chính là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh để Việt Nam chiến thắng dịch bệnh. Hy vọng những hành động này tiếp tục lan tỏa và sẽ nhận được nhiều hơn nữa những tình cảm, tấm lòng trong việc góp phần cùng cả nước chung sức ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Robot vận chuyển trong các khu vực cách ly ra đời sau 2 tuần Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng

Đại diện Học viện kỹ thuật quân sự giới thiệu robot với các bác sĩ bệnh viện Bắc Thăng Long
 
Trên cơ sở đề xuất của Học viện Kỹ thuật Quân sự – Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định giao cho Học viện thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon, Mỹ. Các robot có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân và người nghi nhiễm.
 Với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu trẻ, chỉ trong vòng 2 tuần, robot mang tên Vibot phiên bản 1a đã được chế tạo và có thể thuần thục đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm,… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt,… từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Các robot Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100kg. Mọi hoạt động của Hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết.
 
Phiên bản Vibot-1a sử dụng kỹ thuật dẫn đường bằng vạch từ và định vị bằng thẻ nhận dạng tuy đơn giản nhưng có độ tin cậy cao, cho phép robot tự di chuyển trong khu vực cách ly để thực hiện các nhiệm vụ. Vibot-1a có khả năng phát hiện và tránh va chạm vật cản nhờ các cảm biến trang bị ở phía trước và phía sau. Với khối nguồn pin công suất lớn và trạm sạc tự động, Vibot-1a có thể làm việc liên tục 12 giờ và tự động tìm về trạm để sạc khi cạn nguồn. Hiện nay, sản phẩm Vibot-1a đã được lắp đặt, chạy thử nghiệm tại môi trường thực tế và nhận được phản hồi tốt tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội (nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân Covid-19 khi dịch bùng phát).
 
Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100kg. Quá trình vận chuyển, robot có thể phát nhạc, phát bản tin giải trí. Sự dụng cảm biến thông minh, Vibot có thể phát ra nhiều âm thanh như "xin tránh đường", "xin cảm ơn", "tạm biệt".
 
Đặc biệt các bác sỹ có thể tương tác với bệnh nhân thông qua hệ thống đường truyền được thiết lập riêng, có camera gắn trực tiếp trên robot, có chất lượng hình ảnh, âm thanh cao. Nhờ đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
Mọi hoạt động của Hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết.
 
Qua tính toán sơ bộ, mỗi robot có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng cho biết thêm, sau khi hoàn thành phiên bản Vibot-1a, nhóm nghiên cứu robot của Học viện đang tiếp tục nâng cấp và cải tiến các tính năng để robot có thể hoạt động hoàn toàn tự động và thông minh hơn, hướng tới mục tiêu chế tạo được Vibot có tính năng hiện đại như robot TUG của hãng Aethon, Mỹ.
 
Với triết lý một nền tảng, nhiều mục đích và các tính năng ưu việt của mình, Vibot còn có thể được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và đời sống, phục vụ tại các tòa nhà, kho hàng tự động hoặc các phân xưởng sản xuất và các môi trường đặc biệt khác để hỗ trợ vận chuyển theo yêu cầu.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, sản phẩm đã đáp ứng được bước đầu nhu cầu hỗ trợ điều trị COVID-19, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sỹ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo.
GS.TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ: Đối với bệnh truyền nhiễm thì việc lây nhiễm chéo rất là nguy hiểm. Chính vì thế, việc hạn chế được nhân viên y tế phải tiếp xúc quá nhiều với bệnh nhân nhiễm bệnh là giải pháp tốt vào thời điểm hiện nay. Robot này có thể thay thế nhân viên y tế, điều dưỡng, nhân viên phục vụ trong việc mang cơm, thuốc, thu gọn rác thải… nên sẽ giảm tải cho các nhân viên y tế. Bên cạnh đó, robot có chức năng kết nối giữa người bị bệnh với bác sĩ bên ngoài khu vực cách ly để nhận được sự tư vấn cần thiết, điều này cũng sẽ tránh được rủi ro khi bác sĩ trao đổi trực tiếp với bệnh nhân.
 
GS.TS Đào Văn Hiệp – Tổ trưởng tổ chuyên gia do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập cho biết, đề tài chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là hình thành sản phẩm để phục vụ cho khu cách ly nên công nghệ mới chỉ ở mức vừa phải, nghĩa là mới chỉ là robot tự hành. Giai đoạn hai sẽ tiếp cận với trình độ cao hơn đó là robot thông minh, việc di chuyển không phụ thuộc vào vạch chỉ đường mà phải theo bản đồ nạp sẵn hoặc robot tự xây dựng được bản đồ hoạt động của mình. Sau nay robot không phải hoạt động một con mà hoạt động theo một nhóm robot lúc đó trung tâm điều khiển phải điều khiển được cả một nhóm robot, các robot có thể tương tác với nhau mà không phụ thuộc vào trung tâm điều khiển…
Đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lúc dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan đến nghiên cứu nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN – Vụ Công nghệ cao