Không gian cho người yêu sách trên mạng xã hội

Bên cạnh fanpage của các đơn vị xuất bản, “Hội yêu sách”, “Hiên sách”, “Cộng đồng đọc sách tinh hoa”… là những nhóm trên mạng xã hội có nhiều bạn trẻ tương tác sôi nổi.

 

“Nhiều hội, nhóm về sách đã thực sự tạo nên không gian hữu ích cho những ai yêu và muốn tìm hiểu về các tác phẩm. Tại đây, những tin tức về sách được chia sẻ. Nhờ đó, mình có thêm động lực đọc và trao đổi với mọi người về tình yêu sách”, độc giả Phan Ngọc Phấn chia sẻ.

Là một trong số các thành viên tham gia tích cực trên các hội, nhóm này, anh Trung Nghĩa nhận thấy những không gian đã đó trở thành “nhịp cầu kết nối” cho các tác phẩm hay đến với bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ.

“Độc giả sẽ đón nhận được nhiều điều bổ ích và thú vị khi tham gia các cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội. Ở đây, thông tin phát hành, giới thiệu nội dung, trao đổi sách được chia sẻ hàng ngày, thậm chí là hàng giờ. Lượng bài đăng chất lượng được đội ngũ admin chọn lọc tâm huyết”, anh Trung Nghĩa nói.

nhom doc sach tren mang xa hoi anh 1

   Trang bìa trong Hiên sách được thiết kế đúng với ý nghĩa tên gọi của nhóm. Ảnh: Hiên sách.

Đa dạng hội, nhóm cho người yêu sách

Trên các trang mạng xã hội, ngày càng có nhiều người yêu thích đọc sách hoặc tâm đắc với một thể loại sách nhất định tìm đến nhau. Họ cùng chia sẻ về “gu” đọc cũng như một số tác phẩm “gối đầu giường” của mình, từ đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc.

Thành lập vào tháng 10/2015, Cộng đồng đọc sách tinh hoa là nhóm riêng tư trên mạng xã hội sở hữu 72.000 thành viên. Nơi đây quy tụ những người yêu dòng sách lịch sử, triết học, kinh tế, chính trị.

Nhã Nam Reading Club là nhóm công khai, ban đầu được thành lập với mục đích tạo ra không gian thảo luận về các đầu sách của Nhã Nam. Nhưng theo thời gian, với sự tham gia đông đảo của thành viên, hiện nay, những bài viết đã được mở rộng hơn, gắn với các đầu sách của mọi đơn vị xuất bản.

Sau gần 5 năm kể từ khi thành lập (tháng 5/2017), đến nay, nhóm nhận được sự quan tâm của gần 143.000 thành viên.

Đây cũng là không gian hoạt động hiệu quả vì mỗi bài viết thường nhận được lượng tương tác lớn từ phía độc giả. Các bài viết có sự đa dạng, từ tin tức xuất bản trong nước và thế giới đến thông tin về tác giả, dịch giả; giới thiệu, nêu cảm nhận về một cuốn sách cụ thể; phản hồi về lỗi sai trong sách cũng như góp ý mà độc giả muốn gửi tới đơn vị xuất bản.

Một trong số các nhóm nhận được sự tham gia tích cực từ bạn đọc là Hội yêu sách (với 135.000 thành viên). Có bài viết nhận được hàng nghìn lượt tương tác. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cũng thường xuyên tổ chức các minigames để trao đổi và tặng sách cho nhau.

Tháng 9/2021, Hiên sách được thành lập với mục đích mang đến cho bạn đọc một góc nhỏ để có thể ngồi lại cùng nhau, chia sẻ tâm tư, suy nghĩ về những cuốn sách hay. Chỉ sau vài tháng thành lập, nhóm đã nhận được gần 9.000 lượt theo dõi.

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ người chơi sách phiên bản giới hạn Việt NamHội thích truyện trinh thám, Hội yêu thích tác phẩm văn học kinh điển… cũng là những không gian thu hút sự quan tâm của đông đảo “mọt sách”.

nhom doc sach tren mang xa hoi anh 2

Một bức ảnh về bộ sách sẽ được tặng đến độc giả may mắn khi tham gia minigame trong Hội yêu sách. Ảnh: Z.B/ Nguyệt Ngọt Ngào.

Sân chơi cho người yêu sách

 

Chị Đào Phương Thu – admin Nhã Nam Reading Club – cho biết ngay sau khi nhìn thấy tiềm năng phát triển từ cộng đồng này, nhóm đã thiết lập đội ngũ quản lý, theo dõi sát sao những bài viết được đăng tải.

“Sự lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng của các bài viết trên nhóm là một trong những điều khiến đội ngũ quản lý chúng tôi cảm thấy vui mừng nhất. Đây không chỉ là nơi trao đổi về sách, mà còn là cơ hội để tự rèn luyện, nâng cao khả năng phân tích, diễn đạt và tổng hợp thông tin, đồng thời tìm kiếm những đầu sách giá trị đã tuyệt bản”, chị Phương Thu nói.

Đại diện nhóm admin này nhấn mạnh nhóm không phải một kênh bán sách, mà chỉ đơn giản là cầu nối thúc đẩy thói quen đọc của mọi người. Mục đích là khiến các bạn từ không thích đọc sách sẽ cảm thấy việc đọc thực sự hữu ích và đem lại niềm vui.

Đặc biệt, đây cũng là nơi độc giả có thể đăng tải những phản hồi, gợi ý về việc mua bản quyền; hoặc góp ý về bìa, lỗi biên tập hoặc giao hàng của các đơn vị xuất bản.

“Nhóm admin chúng tôi luôn tiếp thu ý kiến của bạn đọc và sẽ cho chỉnh sửa nếu cảm thấy phù hợp. Thời gian tới, chúng tôi tập trung đăng, duyệt những bài review sách, trao đổi về nội dung, nhân vật và tin tức bên lề. Xen vào đó là bài viết về các thư viện trên thế giới, mẹo đọc sách, cách đánh dấu trang…”, chị Phương Thu cho hay.

Là một trong những admin của cộng đồng lớn như Hội yêu sách, chị Đỗ Ánh Nguyệt cho biết mục đích tạo nên không gian này là để bạn đọc cùng giao lưu, trò chuyện. Điều này mang lại niềm vui và giá trị hữu ích cho độc giả.

“Tôi thường xuyên đăng những bài viết nhằm tạo tính tương tác. Nhiều bài viết và hoạt động trong nhóm cũng góp phần phát triển văn hóa đọc. Để duy trì điều đó, nhóm admin luôn có kế hoạch tổ chức các minigames mang tính sáng tạo, tư duy, truyền cảm hứng đọc và viết”, admin Ánh Nguyệt nói thêm.

Chia sẻ về kế hoạch hoạt động của nhóm, anh Huy Trương – admin Hiên sách – cho biết kể từ khi thành lập, anh luôn mong muốn tạo nên không gian để các “mọt sách” cùng trao đổi niềm vui khi đọc.

Thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức thành công sự kiện “Trao đổi sách”, kết nối cùng các đơn vị xuất bản thực hiện cuộc thi “Nhã Nam trong tôi là…”, “Top 5 sách Nhà xuất bản Trẻ mà bạn yêu thích nhất” hay “Quà nhỏ cuối năm”, Huy Trương bật mí trong tháng tư, nhóm sẽ tổ chức một cuộc thi với chủ đề “Sách và mùa hè”.

“Đội ngũ admin vẫn còn ấp ủ nhiều dự định. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở thêm một số chuyên mục cho nhóm, làm phong phú hơn phần nội dung mà nhóm mong muốn truyền tải đến bạn đọc”, admin Hiên sách chia sẻ.

                                                                                                        Nguồn : Zingnews

Mua bán bản quyền sách trong thời Covid-19

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị xuất bản giảm bớt số lượng sách mua bản quyền, đồng thời cũng quan tâm nhiều hơn đến xu hướng đọc của độc giả.

 

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị xuất bản giảm bớt số lượng sách mua bản quyền, đồng thời cũng quan tâm nhiều hơn đến xu hướng đọc của độc giả.

Mua bán bản quyền sách với các đối tác nước ngoài có thể coi là một trong những khâu đầu tiên trong việc xuất bản một cuốn sách dịch tại Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, việc trao đổi mua bán giao dịch phần nhiều bị ảnh hưởng và gián đoạn.

Ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc công ty sách First News Trí Việt, ông Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc kế hoạch và bản quyền công ty sách Nhã Nam và ông Trần Đăng Tú – Nhân viên bản quyền NXB Kim Đồng sẽ cùng chia sẻ với độc giả những khó khăn, thách thức và cơ hội trong việc mua bán bản quyền sách khi đại dịch đang làm thay đổi thế giới.

Chuyển đổi hình thức từ offline sang online

Đối với hoạt động mua bán bản quyền sách, điểm khác biệt lớn nhất khi dịch Covid-19 diễn ra, theo cả ba đại diện nhận định, đó chính là các hội sách bản quyền lớn trên thế giới đều bị hủy bỏ.

Hội sách London tháng 3, Hội sách Bologna tháng 4 hay Frankfurt tháng 10… đều là những hội sách lớn trên thế giới, là nơi các đơn vị xuất bản gặp mặt nhau và giới thiệu trực tiếp các đầu sách nổi bật, có tiềm năng lớn.

Mua ban quyen sach trong thoi dich Covid-19 anh 1Các hội sách bản quyền lớn trên thế giới đều bị hủy bỏ hoặc thay đổi kế hoạch tổ chức, chuyển sang hình thức online vì dịch bệnh. Ảnh: Reedexhibitions.

Đặc biệt đối với các sách thiếu nhi với nhiều tranh minh họa đẹp mắt, vốn là thế mạnh của NXB Kim Đồng, là dòng sách "rất phù hợp để trưng bày hội sách, nay mất hẳn cơ hội thu hút sự chú ý", ông Trần Đăng Tú chia sẻ.

Thay thế cho hội sách chính là họp trực tuyến thông qua các nền tảng online như Zoom, Microsoft Team hay Google Meets… Tuy nhiên, việc họp trực tuyến với các đối tác phải làm việc từ xa không phải lúc nào cũng thoải mái, từ mạng kết nối kém cho đến tra cứu khó khăn, thiếu thông tin, thiếu sách mẫu.

Và thay vì gặp tập trung các đối tác chỉ trong 2-3 ngày như ở các hội chợ truyền thống, các cuộc gặp thường trải dài ra cả tháng, và do chênh lệch múi giờ, nên việc hẹn được thời gian tiện cho cả hai bên cũng không phải là điều dễ dàng.

Giữa những khó khăn như vậy, ông Nguyễn Xuân Minh cho rằng việc trao đổi online với đối tác đồng thời cũng cho phép hai bên có nhiều thời gian hơn để giới thiệu và đàm phán, thay vì những lần gặp chỉ 30 phút như các hội chợ.

Nhưng việc được gặp mặt trực tiếp, bắt tay, sờ chạm vào các cuốn sách, tận hưởng bầu không khí tràn ngập sách vở vẫn là điều mà các chuyên viên bản quyền thực sự mong muốn được trải nghiệm trong tương lai, giống như trước đây từng có.

Một điểm sáng nữa của việc giao dịch online đó là "kí hợp đồng điện tử" được hợp thức hóa, việc này thay thế cho các chữ ký trực tiếp và phải gửi chuyển phát đến các trụ sở làm việc của đối tác.

"Cách thức kí điện tử này tiết kiệm chi phí và thời gian, giảm thiểu rủi ro và thuận tiện lưu trữ dữ liệu'', ông Trần Đăng Tú nhận định.

Trong bối cảnh đại dịch diễn ra và phải làm việc online gặp nhiều bất cập, nhưng công ty sách First News vẫn mang về nhiều đầu sách có giá trị lớn, có thể kể đến cuốn tự truyện The Promised Land của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cuốn sách về cuộc đời nghệ sĩ Châu Nhuận Phát, ký hợp đồng mua bản quyền sách với đại diện tài tử Keanu Reeves…

"Đại dịch là thời điểm chứng tỏ được sự năng động của đội ngũ bản quyền, dù trong tình huống nào cũng có thể liên lạc và đàm phán, mua được những tựa sách hay về Việt Nam", ông Nguyễn Văn Phước kết luận.

Mua ban quyen sach trong thoi dich Covid-19 anh 2

Ông Nguyễn Văn Phước mua bản quyền cuốn sách về Tổng thống Pháp tại Hội sách Frankfurt. Ảnh: FBNV.

Quan sát gu đọc của độc giả, thận trọng khi chọn lựa sách mới

Khi dịch Covid-19 diễn ra, các đơn vị xuất bản nhìn chung đều giảm bớt một phần số lượng sách mới, vì vậy việc cân nhắc và lựa chọn đầu sách sẽ được tiến hành cẩn trọng hơn. Phòng bản quyền của các đơn vị đều quan sát kỹ xu hướng đọc của độc giả để có thể mang về nhiều đầu sách phù hợp với thị hiếu nước nhà.

Đại diện ba đơn vị xuất bản có những nhận định khác nhau về gu đọc của độc giả.

Theo quan sát của ông Trần Đăng Tú, người đọc có xu hướng thay đổi hình thức đọc, dịch chuyển nhiều sang sách điện tử (ebook) và sách nói (audiobook). Điều này là hoàn toàn tự nhiên vì các loại sách này vừa rẻ hơn sách giấy, lại dễ mua và phù hợp với điều kiện cần giãn cách xã hội do dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc mua bản quyền sách điện tử và sách nói ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì đối tác nước ngoài chưa thật sự tin tưởng thị trường Việt Nam khi có tình trạng sách lậu đăng tải bất hợp pháp trên mạng. Dù vậy, ông Trần Đăng Tú vẫn hy vọng ebook và audiobook sẽ chiếm được thị phần độc giả tương lai để phù hợp với xu thế công nghệ.

Tiếp tới, trong thời gian gần đây, hiện tượng các sách kinh điển, sách của tác giả cũ… được tiêu thụ mạnh. Đây được cho là xuất phát từ tâm lý lo lắng khiến nhiều người đọc tìm đọc sách mà họ đã tin tưởng, hoặc giới thiệu những cuốn sách cũ và hay cho người khác chứ không mạo hiểm với sách mới. Hoặc vì kinh tế khó khăn và buộc phải ở nhà mà nhiều người tranh thủ đọc hết các cuốn sách cũ đã mua, thay vì mua thêm sách mới.

Nhưng nhìn rộng ra ở thị trường thế giới, sách mới vẫn được các nhà phát hành coi trọng và ra đều. Các sách thuộc thể loại giải trí cao vẫn được đón nhận. Ví dụ như truyện tranh Nhật Bản tại thị trường Bắc Mỹ đón nhận sự tăng trưởng rất lớn với hơn 35% tăng trưởng doanh số, nhiều cuốn truyện tranh cũng lọt vào top bán chạy với thứ hạng cao.

Đây là một dấu hiệu tốt để NXB Kim Đồng tiếp tục khai thác những đầu sách phù hợp và thú vị về Việt Nam. Năm 2022 tới NXB Kim Đồng kỷ niệm 65 năm thành lập, là thời điểm phát hành nhiều bộ sách lớn, đồ sộ và độc đáo trong dịp này. Điều đó thúc đẩy bộ phận bản quyền phải khai thác những tác phẩm đặc biệt hơn nữa.

Mua ban quyen sach trong thoi dich Covid-19 anh 3

Ebook và audiobook được nhận định là xu hướng mới của độc giả trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: Deloitte.

Phía First News, ông Nguyễn Văn Phước lại thấy rằng trong thời điểm đại dịch, độc giả quan tâm nhiều hơn đến các dòng sách thấu hiểu bản thân, sách tâm linh, sách nâng cao sức mạnh nội tại của bản thân mình. Đó là một phần lý do tác phẩm Muôn kiếp nhân sinh của giáo sư John Vũ – Nguyên Phong do First News phát hành trở thành hiện tượng xuất bản của năm 2020.

Tập 2 của Muôn kiếp nhân sinh vừa được phát hành thời gian gần đây cũng được bạn đọc đón nhận, và First News dự kiến ra mắt tập 3 trong thời gian tới. Các sách khác về chủ đề thiền của Osho hay sách về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc bản thân cũng được chú ý hơn trong đại dịch.

Còn ông Nguyễn Xuân Minh, đại diện của Nhã Nam lại quan tâm nhiều hơn đến gu đọc sách của độc giả khi dịch bệnh đã đi qua. Bởi xuất bản một cuốn sách tại Việt Nam cần có thời gian thực hiện, khiến sách có độ trễ nhất định so với xu thế chung.

Là một đơn vị chuyên về xuất bản sách văn học, Nhã Nam tập trung hướng những đầu sách văn học giá trị của thế giới. Bên cạnh đó, đơn vị xuất bản này cũng tìm kiếm và khai thác những bản thảo chất lượng từ chính các tác giả trong nước, vừa góp phần phát triển nền văn học nước nhà, vừa đảm bảo cho những yếu tố khách quan như dịch bệnh tác động nhỏ nhất đến công việc xuất bản.

                                                                                           Nguồn : Thu Hoài – zingnews

Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng đạo văn ?

Có thể nói đạo văn không phải câu chuyện mới mẻ trong đời sống văn học hiện nay. Năm nào cũng vậy, ít thì vài vụ bị phát hiện, nhiều là cả chục vụ.

Các hình thức đạo văn cũng có muôn hình muôn vẻ, có những trường hợp thì đạo nguyên cả tác phẩm chỉ thay mỗi tên tác giả bằng chính tên mình mà thôi; còn có những trường hợp dùng cả một đoạn văn, một vài câu thơ của người khác nhưng “quên” để trong dấu ngoặc kép và dẫn nguồn hoặc dẫn sai nguồn; rồi đạo văn dịch; đạo văn “xào nấu”; nhận vơ tác phẩm…

Đạo văn không phải là chuyện mới

Một vấn đề nữa là đội ngũ và thành phần xuất thân của những “tên đạo chích” cũng muôn hình muôn vẻ, nó không chỉ rơi vào những đối tượng là người viết nghiệp dư, những người ít nổi tiếng, ít am hiểu về đời sống văn học nghệ thuật mà trong đội ngũ “đạo chích” đó có cả những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư… cũng dính nghi án đạo văn.

Rồi chuyện thầy đạo của trò, trò đạo của thầy, rồi thầy trò thông đồng cho đủ tiêu chuẩn để nhận một cái danh hiệu gì đấy…

Làm thế nào để triệt tiêu tình trạng đạo văn là vấn đề không tưởng, nhưng làm thế nào để giảm thiểu được nó thì là vấn đề khả dĩ có thể làm được.

Trong chuyên đề tuần này, nhà thơ Đỗ Trung Lai, Lê Thiếu Nhơn và nhà văn Uông Triều bàn về một vấn đề đang nóng, đang thời sự trong đời sống văn học hiện nay nhân việc Hội Nhà văn Việt Nam đã ra thông báo tạm rút Giải thưởng Tác giả trẻ 2021 của TS Vũ Thị Trang vì cuốn sách Phê bình phân tâm học, phía của những ám ảnh nghệ thuật dính nghi án đạo văn.

Rất mong nhận được sự phản hồi và hiến kế từ bạn đọc với mong muốn làm sao ngày càng trong sạch hơn đời sống văn học nghệ thuật của nước nhà.

Nhà văn Uông Triều: Đạo văn là lười biếng và kém cỏi

Văn chương không giống như các mặt hàng khác, nó không giấu được. Một khối bê tông có lõi tre thì rất khó biết hoặc một viên gạch làm bằng loại đất gì cũng khó nhận ra nhưng văn chương thì không thế.

Đặc điểm của văn chương là phải có người đọc, càng nhiều người đọc càng tốt, vậy nên đạo văn chính là hình thức rất dễ bị phát hiện, bởi anh đạo văn nhưng anh vẫn cần có người đọc. Thế nên đạo văn chính là hình thức “lạy ông tôi ở bụi này”!

Theo tôi những người đạo văn vì họ kém cỏi, họ không có ý tưởng để viết nên mượn ý tưởng người khác, mượn suy nghĩ, mượn lao động của người khác.

Tôi cho rằng hai đặc điểm chính của đạo văn là lười biếng và kém cỏi. Lười biếng nên không muốn lao động thực sự, kém cỏi bởi không thể tạo ra những thứ khả dĩ nên đi “mượn” của người khác.

Giam thieu dao van anh 1   

 Nhà văn Uông Triều. Ảnh: Văn Nghệ Công An

Đạo văn để kiếm tiền cũng có nhưng ít và không phải mục đích chính vì ai cũng biết văn chương mang lại rất ít tiền bạc, hầu như không đáng kể gì.

Theo tôi lý do quan trọng nhất để đạo văn là hiếu danh, là mong mình nổi tiếng, có bài đăng đâu đó, có bài in sách với một hy vọng mù quáng là không ai phát hiện ra mình.

Nói thật, tôi thấy người Việt rất hiếu danh, đặc biệt là về văn chương. Cái danh xưng “nhà văn” vẫn còn quá hấp dẫn dù cơ bản nó không mang lợi lộc gì nhưng người ta luôn thích khoe nó ra, trưng diện.

Và hình như ai đó có bài được đăng đâu đấy thì ai cũng muốn khoe, khoe cũng tốt thôi nhưng cái gì cũng khoe thì hơi lố và mặt nào đó nó kích thích người khác lao vào cuộc truy tìm hư danh, và trong cuộc truy tìm danh vọng này người ta rất dễ mắc phải sai lầm.

Tôi nghĩ rằng mọi chuyện ăn cắp đều phải bị ngăn chặn, thì đạo văn cũng thế nhưng để ngăn chặn được đạo văn trong đời sống văn học hiện nay cũng rất khó vì số lượng tác giả, tác phẩm ngày càng nhiều, xuất phát từ thực trạng đó, trước mắt chúng ta hãy làm tốt việc ngăn chặn đạo văn xảy ra ở các cuộc thi văn chương, ở các giải thưởng…

Muốn làm được điều đó, đầu tiên là ra quy chế rõ ràng, tác giả phải chịu trách nhiệm về tác phẩm và bản quyền của chính mình, thậm chí phải phạt tiền hoặc chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm. Những quy định không rõ ràng, hình phạt nhẹ không đủ tính răn đe.

Lại nữa có thể công khai các tác phẩm vào chung khảo, các tác phẩm triển vọng trước khi trao giải để đông đảo độc giả đánh giá và cũng là kênh phát hiện các hành vi sai trái.

Nói chung nếu biết dựa vào dân thì muôn việc sẽ thành vì Ban Giám khảo dù có ba đầu sáu tay cũng không thể đọc hết được tất cả các sáng tác từ Đông Tây kim cổ.

Một người chỉ đọc được 10 cuốn sách nhưng một trăm người thì sẽ gấp lên một trăm lần và vì vậy sẽ khả dĩ ngăn chặn được tình trạng “lọt lưới” những sản phẩm ăn cắp.

Và điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh rằng, tại sao tất cả các hành vi ăn cắp khác đều đã được luật định, nhưng hình như đạo văn thì chưa có.

Như tôi đã nói ở trên, cần tăng hình thức xử phạt, đơn cử như việc tham gia giao thông, nếu anh vi phạm theo luật, cảnh sát giao thông có quyền giữ bằng lái, phạt tiền, tịch thu phương tiện…

Văn chương cũng có thể treo bút được chứ, tùy theo hình thức vi phạm mà có thể cấm xuất bản trong thời gian nào đó, cấm tham gia các hội đoàn, phạt tiền, thậm chí khép tội làm hàng giả và căn cứ theo luật hình để xử.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Phải hiểu biết ở tầm thẩm mỹ cao để phân biệt được đạo văn hay không đạo văn

 – Thưa nhà thơ Đỗ Trung Lai, ông là một nhà thơ, nhà báo, đồng thời là người đã dịch rất nhiều thơ chữ Hán sang chữ Việt, hẳn ông cũng đã nghiên cứu nhiều về văn học cổ trung và cận đại, không biết trong đời sống văn chương xưa có thường xảy ra hiện tượng đạo văn? Và người xưa quan niệm như thế nào là đạo văn?

– Bàn về chuyện “đạo văn” (chuyện “ăn cắp” trong văn nghệ), trước hết có lẽ nên tìm hiểu khái niệm “Đoạt thai hoán cốt”!

“Đoạt thai hoán cốt” hay “Hoán cốt đoạt thai”, vốn là một “thuật” trong nhiều “thuật” của Đạo giáo Trung Hoa. Theo đó, các đạo sĩ cao tay có thể “hô biến”, làm cho người ta thoát khỏi “Phàm thai tục cốt” mà thành ra “Thánh thai tiên cốt”!

Theo thời gian, nó chuyển nghĩa (hoặc gồm thêm nghĩa), để trỏ những việc mà người sau, tuy học theo người trước nhưng lại có thêm nhiều sáng tạo mới, khiến “dấu vết” của người trước không còn nữa hoặc nếu còn, thì rất mờ nhạt.

Riêng trong văn nghệ, nó trỏ cái việc người sau “hô biến” tác phẩm của người trước, từ “Phàm trần” thành ra “Tiên thánh”, nói gọn là “Thành tiên”!

Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh chính là người đầu tiên chọn thành ngữ “Đoạt thai hoán cốt” để trỏ việc Nguyễn Du đã “hô biến” “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân thành ra “Truyện Kiều”. Không ai nói Nguyễn Du “đạo văn” cả!

Lấy mấy ví dụ xa: Không có những người đi kể miệng thần thoại Hy – La khắp các thành bang Địa Trung Hải xưa, lấy gì cho Homere “Đoạt thai hoán cốt” để có “Iliad và Odyssey?”. Không ai nói, Homere “đạo văn” cả!

Không có những người đi kể chuyện “Tam quốc” rong ở Trung Hoa bao đời, sao La Quán Trung có thể “Đoạt thai hoán cốt” chúng mà có “Tam quốc diễn nghĩa?”. Không ai nói La Quán Trung “đạo văn” cả!

Chính Shakespeare đã “Đoạt thai hoán cốt” chuyện chàng Romeo và nàng Juliet mãi từ tít Italy, để tạo nên vở kịch Anh “kinh điển”, “cổ điển” của mình. Không ai nói Shakespeare “đạo văn” cả!

Không có Kinh thánh, lấy đâu ra việc Leonardo da Vinci, Mikellangelo, Rafael de Santi… “Đoạt thai hoán cốt” để có các bức hoạ trứ danh theo các đề tài trong Kinh thánh? Không ai nói Leonardo da Vinci, Mikellangelo, Rafael de Santi… “đạo văn” cả!…

Giờ lấy thêm mấy ví dụ gần: Trong bài Hoàng hạc lâu, Thôi Hiệu viết: “… Nhật mộ hương quan hà xứ thị – Yên ba giang thượng sử nhân sầu”, thì khi Tản Đà dịch là: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”, ông đã “Đoạt thai hoán cốt” một lần.

Sau, thơ Huy Cận (trong bài Tràng giang): “Làng quê dợn dợn vời con nước / Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” là lại “Đoạt thai hoán cốt” lần thứ hai. “Ngôn ngoại” thì đã mờ đi, nhưng “Ý tại” thì y hệt! Không ai nói Tản Đà và Huy Cận “đạo văn” cả!

Trong bài Phong Kiều dạ bạc, Trương Kế viết: “Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự / Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”, Tản Đà đã “Đoạt thai hoán cốt” lần một, để có: “Thuyền ai đậu bến Cô Tô / Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San” bằng lục bát Việt.

Sau, nhà thơ Hồ Chí Minh (trong bài Nguyên tiêu) viết: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự / Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (“Giữa dòng bàn bạc việc quân / Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”) thì thơ chữ Hán của Bác và bản dịch hai câu thơ này của Xuân Thủy, lại kế tiếp nhau, “Đoạt thai hoán cốt”, “Phong Kiều dạ bạc” một lần nữa. Không ai nói Bác Hồ và Xuân Thủy “đạo văn” cả!…

Tại sao lại thế? Có hai nguyên nhân làm cho việc “Đoạt thai hoán cốt” không bị coi là “đạo văn”:

Người sau, tuy có dùng tác phẩm – ý – tứ – câu chữ – hình tượng của người trước, không nhằm “tô vẽ” cho mình và văn chương mình, mà chỉ “Đoạt thai hoán cốt” hoặc dùng chúng như một “phương tiện”, để xây dựng (thành công) những tác phẩm mới vĩ đại hoặc tốt đẹp và nhằm tới những mục đích lớn (trong trường hợp của Homere, La Quán Trung, Shakespeare, Leonardo da Vinci, Mikellangelo, Rafael de Santi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh…).

Người sau, tuy dùng ý – tứ – câu chữ – hình tượng của người trước, làm một cách tinh tế/nhẹ nhàng để tôn vinh người trước và tạo thêm một chút ý vị mới trong tác phẩm của mình (trong trường hợp của Tản Đà và Huy Cận…).

Trong các nguyên nhân, trường hợp vừa nói, người ta không gọi là “đạo văn” mà thường gọi là “dụng điển” (sử dụng những điển tích, điển cố, tác phẩm – ý – tứ – câu chữ – hình tượng cũ/ có trước).

Giam thieu dao van anh 2

Nhà thơ Đỗ Trung Lai. Ảnh: Văn Nghệ Công An.

Xưa kia, vì những “điển” ấy, ai có chữ cũng biết, cho nên không cần chú thích/ chú giải, và… “không có vấn đề gì” cả!

Thế là, việc “Đoạt thai hoán cốt” trong văn chương – nghệ thuật xưa, vốn là việc thông thường. Những người tài giỏi thì “Thành tiên”, những kẻ ngược lại thì “Thành tục”!

Ngày nay, việc hiểu biết “điển cố” không còn được thạo như xưa, nhiều khi, chỉ “hơi một tý” đã mắng nhau là “đạo văn”! Cho nên theo tôi, tốt nhất là, nếu định “đoạt thai hoán cốt” hoặc “dụng điển”, thì người viết nên chú thích/ chú giải để tránh mang tiếng là “đạo văn” (ở đây, không bàn tới những trường hợp cố tình “đạo văn” một cách vụng về, trắng trợn).

– Vừa qua Hội Nhà văn Việt Nam đã ra thông báo tạm rút Giải thưởng Tác giả trẻ 2021 vì nghi án đạo văn, ông có bình luận gì về vấn đề này?

– Tôi không liên quan gì đến Hội Nhà văn nữa, cho nên đây chỉ là việc của Hội Nhà văn, tôi không dám bàn!

– Theo ông thì thời gian tới nên tổ chức các cuộc thi văn chương thế nào để tránh xảy ra hiện tượng thí sinh đưa “đồ đạo” đi dự giải? Và có những cuộc thi nhiều khi chính người trong Ban tổ chức tiến cử chứ không phải người có tác phẩm tham gia dự thi.

– Từng tham gia nhiều “Ban giám khảo” Văn nghệ, tôi biết khá rõ “vài con đường” đi tới các giải Văn nghệ đương thời. Tôi chỉ muốn nói, để một giải văn nghệ thành công nhất định phải có hai yếu tố:

Một là hiểu biết với tầm thẩm mỹ cao. Có thế mới phân biệt được, đâu là “đoạt thai hoán cốt” và “dụng điển” và đâu là “đạo văn”; đâu là thẩm mỹ “tinh hoa” và đâu là thẩm mỹ “hạ lưu”.

Hai là công tâm. Có thế mới tránh được sự lũng đoạn, bè phái, chạy chọt (bằng tiền hoặc quen biết – thân sơ).

Tôi chỉ lấy một trong nhiều ví dụ: Một vị trưởng ban Văn học của Hội Nhà văn bảo tôi: “Trong Ban, chỉ có ông và cậu X. là nhà thơ. Cho nên, ông không cần đọc các tác phẩm văn xuôi dự giải, chúng tôi bảo thế nào thì ông nghe thế. Ngược lại, chúng tôi không cần đọc các tác phẩm thơ dự giải, ông bảo thế nào thì chúng tôi nghe thế”.

Đến khi họp Ban, trong những tác phẩm văn xuôi được dự kiến đưa vào danh sách đoạt giải, lại có quá nhiều những tác phẩm của ông ấy và bạn bè (mà các tác phẩm dự giải, chủ yếu là văn xuôi)!

Thấy thế, tôi đề nghị hoãn họp và yêu cầu mọi thành viên trong Ban, ai cũng phải đọc hết mọi tác phẩm dự giải, cả văn xuôi và thơ, rồi mới bỏ phiếu và tất nhiên, việc ấy đã giúp loại khỏi danh sách đoạt giải, nhiều tác phẩm không xứng đáng! Và, từ đó, tôi cũng xin rút khỏi mọi thứ “Ban” kiểu ấy!

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Đạo văn phần nào phản ánh lối sống cơ hội và chụp giật

Nhà văn khi sáng tác ra tác phẩm văn chương luôn muốn có nhiều người đọc, người đồng cảm và chia sẻ, tác phẩm càng bán chạy, càng được nhiều người đọc thì càng chứng tỏ được “đẳng cấp” của nhà văn. Vậy có thể nói rằng, đạo văn là một trong những hành động ăn cắp dễ bị phát hiện nhất. Ông có thấy như thế không?

 Bằng chút ít kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng trường hợp đạo văn lại rơi vào những tác phẩm không mấy bán chạy.

Hầu như tôi chưa từng thấy tác phẩm in vài nghìn bản trở lên nào mà tác giả lại đạo văn. Ngược lại, tác phẩm bị phát hiện đạo văn thường in vài trăm bản và phát hành theo kênh khá bí mật. Nói chung, tác phẩm đạo văn trực tiếp phơi bày phẩm chất nghiệp dư của tác giả, trong mắt các đồng nghiệp.

Giam thieu dao van anh 3

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Ảnh: Văn Nghệ Công An.

Hành vi ăn cắp nào cũng sẽ hướng đến một mục đích nào đó ví như vì tiền, vì danh… trong khi đạo văn không phải để bán lấy tiền, cũng không phải để quảng bá tác phẩm lấy danh (vì như ông nói “thường in vài trăm bản và phát hành theo kênh khá bí mật”). Vậy sao, người ta vẫn “dại dột” đi đạo văn?

– Có nhiều lý do để đạo văn, có cả yếu tố danh hão và yếu tố lợi còm. Tuy nhiên, theo tôi, phần lớn đạo văn đều xuất phát từ những phút giây bốc đồng, muốn nhanh chóng có tác phẩm nhưng lại ái ngại phải trải qua dặm dài suy tư và sáng tạo. Đấy là sự “lóe sáng” kỳ lạ của lòng tham con người.

Người ta đạo văn để thỏa mãn ham muốn nhất thời về sự sở hữu tác phẩm. Tôi nghĩ, có khi chính kẻ đạo văn cũng không thể rành mạch về mục đích của hành vi đạo văn.

Vì có đoạn văn hoặc câu thơ được “đạo” khá tầm thường, chứ không phải xuất sắc lắm. Thật trớ trêu, khi kẻ đạo văn có tâm lý an ủi đáng sợ là, chính mình còn không đọc lại tác phẩm thì chẳng bạn đọc nào quan tâm đâu!

Và hình như ở Việt Nam ta tình trạng đạo văn xảy ra nhiều hơn ở các nước khác, bởi hình như không có năm nào là văn đàn không “dậy sóng” về những vụ đạo văn.

– Đạo văn trở nên phổ biến vì kẻ đạo văn đủ tinh khôn để nhận ra người Việt Nam bây giờ rất ngại đọc. Sao chép một đoạn văn hay sao chép một trang sách, được xem như một sự tiện tay, có món hàng tạm hài lòng lọt vào tầm mắt thì cầm lấy luôn cho công việc đang làm thêm phần thuận lợi.

Đạo văn phần nào phản ánh lối sống cơ hội và chụp giật của thị dân hôm nay.

Các cuộc thi văn chương phải tổ chức như thế nào để nâng cao chất lượng và giảm thiểu được tình trạng đạo văn?

– Muốn giảm thiểu đạo văn thì chỉ có cách tăng tính công khai tác phẩm ứng thí. Ban Giám khảo dù có ba đầu sáu tay, cũng không thể đọc hết hàng triệu trang sách và trang báo được in hàng năm, chưa kể còn có bao nhiêu công trình nghiên cứu khác.

Hiện nay, độc giả chỉ thực sự sâu sát với lĩnh vực của họ đang theo đuổi, nên một tác phẩm đạo văn viết về nghề y thì giới văn chương chưa chắc tinh ý phát hiện bằng giới bác sĩ. Cộng hưởng sự liêm chính của xã hội thì may ra mới có sự liêm chính trong học thuật, liêm chính trong văn chương.

– Nên xử lý thế nào đối với tội danh đạo văn?

– Tội danh đạo văn chưa bị xử lý hình sự, nhưng lại gây tổn thương không nhỏ cho công chúng. Xử lý đạo văn, trước hết cần sự nghiêm khắc của những cơ quan chuyên môn, sau đó phải hy vọng vào sự tự trọng của kẻ đạo văn.

Khi bị phát hiện sao chép gần như nguyên xi bài thơ của người khác, mà kẻ đạo văn vẫn dương dương “tôi viết trước in sau” thì hết thuốc chữa. Bởi lẽ, khi ấy “đạo văn” đã thành “đạo tặc”.

                                                                 Nguồn :  Nguyễn Thế Hùng / Văn Nghệ Công An

XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH KHÔNG RÀO CẢN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT – ĐỂ HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

TP.HCM, ngày 29.03.2022 – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam, phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, United Way Worldwide Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) và các đối tác  tổ chức Hội thảo “Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật – Vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau”. Sự kiện cũng nằm trong khuôn khổ hoạt động của Làng Thách thức và Sáng tạo Xã hội thuộc Techfest 2022, đồng thời cũng hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo Thế giới 2022 trong nỗ lực tạo nên một không gian mở thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan về thử nghiệm, định hướng và giải pháp xây dựng thành phố thông minh, phát triển bao trùm, không rào cản cho mọi người, bao gồm người khuyết tật.

    Hội thảo có sự tham dự của Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh; Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện MSD – United Way Việt Nam, bà Hooyung Young – Đại diện Chương trình Shinhan Square Bridge, các chuyên gia về thành phố thông minh, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, các tổ chức xã hội thuộc mạng lưới người khuyết tật tại TP.HCM, và các hội nhóm của người khuyết tật là đối tượng được hưởng lợi của Dự án Shinhan Square Bridge Việt Nam 2021.

   Phát biểu khai mạc, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng những thành phố thông minh. Ông cho biết: “Sự phát triển của khoa học – công nghệ giúp con người có cuộc sống tốt hơn, tiện lợi và dễ dàng hơn, đem đến lợi ích to lớn. Tuy nhiên điều này cũng có thể gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, khi những người thuộc nhóm yếu thế không được trang bị kiến thức cũng như thiết bị để theo kịp công nghệ mới, dễ bị bỏ lại phía sau. Việt Nam ta đang phải đối mặt nhiều vấn đề lớn đặc biệt là thời kì hậu COVID 19, các nhóm yếu thế là đối tượng cần được chú trọng và quan tâm hỗ trợ, đây cũng là hạn chế trong giáo dục tiếp cận của Việt Nam. Vì vậy, tôi hi vọng nguy cơ cũng là cơ hội để chúng ta cùng nỗ lực đưa ra các sáng kiến trợ giúp cho đối tượng này.”  

   Ông Quất đánh giá rất cao các mô hình thực nghiệm, trải nghiệm của các startup (www.livinglabvietnam.org) thuộc chương trình Shinhan Square Bridge được trưng bày và trình diễn trong sự kiện, ông khẳng định: “Đây là những sáng kiến, đổi mới sáng tạo rất ý nghĩa, phục vụ con người, của con người và cho con người. Tôi đã thấy ở đây các đổi mới sáng tạo tiềm năng cho một thành phố thông minh thu nhỏ không rào cản cho mọi người, không chỉ cho người khuyết tật".

z3319738534315_3f54ffadc39647739540ed55e3918565

Giải pháp tương lai Shinhan – Khi công nghệ được ứng dụng hỗ trợ nhóm yếu thế

   Từ năm 2021, Viện MSD – United Way Vietnam điều phối thực hiện dự án Giải pháp tương lai Shinhan – Shinhan Square Bridge với sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ Hy vọng – Tập đoàn Shinhan. Được thực hiện tại 7 tỉnh, thành phố, dự án hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị và tác động xã hội thông qua ứng dụng công nghệ, các giải pháp đổi mới sáng tạo. Trong năm 2021, dự án tập trung triển khai 3 mô hình chính bao gồm (1) Nâng cao cơ hội đào tạo, việc làm cho thanh niên, phụ nữ trong bối cảnh mới, (2) Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tập và (3) Quản trị trường học thông minh. Tại TP.HCM, dự án tập trung vào việc xây dựng mô hình Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật, với nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể hướng tới hỗ trợ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy hòa nhập xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tham gia tối đa vào các hoạt động kinh tế xã hội.

    Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD – United Way Việt Nam chia sẻ: “Mô hình Shinhan Square Bridge Việt Nam được xây dựng và triển khai dựa trên cách tiếp cận thúc đẩy môi trường thực nghiệm tạo cơ hội để các startup có thể thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo của họ tại cộng đồng người dùng thực tế. Cách tiếp cận này cũng có thể sử dụng trong cách tiếp cận thành phố thông minh – nơi đặt các nhu cầu con người, của các nhóm đa dạng làm trọng tâm. Hôm nay chúng ta cũng nói về thành phố thông minh, tôi tin “Smart” – thông minh không chỉ nói về trí thông minh công nghệ mà còn là một thái độ, một sự cam kết phục vụ con người. Thành phố thông minh cũng không chỉ phục vụ một vài người, một nhóm người hay những người có ảnh hưởng, có điều kiện tiếp cận, mà đảm bảo không rào cản, tiếp cận bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật. Ở một mức cơ bản nhất, ở một thành phố vài triệu dân, bạn có thể thấy sự xuất hiện của người khuyết tật được tham gia giao thông, đi lại trong thành phố, đi học, ăn uống, mua sắm, làm việc, giải trí và vui chơi…”

   Năm 2021, với sự đồng hành của 6 startup và 113 tổ chức, dự án đã hỗ trợ 27.812 người Việt Nam, bao gồm: 586 thanh niên và người khuyết tật được đào tạo việc làm chất lượng; 240 người khiếm thị được tiếp cận công nghệ thông minh giúp hoà nhập cộng đồng; 40.769 học sinh và 2.108 giáo viên tại Lào Cai, Ninh Thuận và Hưng Yên được tiếp cận hệ thống trường học thông minh. Dự án đã đồng hành cùng Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia TechFest 2021 hỗ trợ hơn 2.5 triệu thanh niên Việt Nam kinh doanh, khởi nghiệp.

   Ghi nhận những kết quả của dự án Giải pháp tương lai Shinhan, Bà Hooyung Young – Phó Chủ tịch Tổ chức United Way Worldwide khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản, Đại diện Chương trình Shinhan Square Bridge Việt Nam bày tỏ: “Khi triển khai dự án Giải pháp tương lai Shinhan tại Việt Nam vào năm ngoái, mục tiêu mà chúng tôi hướng đến là hỗ trợ một cách tốt nhất cho các startup đang trong quá trình khởi nghiệp để tạo nên những tác động xã hội, giải quyết thách thức thời kì hậu COVID-19. Thời gian qua với sự ảnh hưởng của đại dịch, chúng ta đã gặp không ít những khó khăn, nhưng thật may mắn khi chúng tôi có những đồng hành rất đáng tin cậy trong tiến trình phát triển của dự án như NATEC, chính quyền địa phương, Viện MSD, các tổ chức xã hội… Với mô hình xây dựng thành phố thông minh cùng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chúng tôi rất hy vọng dự án này có thể đem đến một cuộc sống bình đẳng, tốt đẹp hơn đến với nhóm người yếu thế, để họ không bị bỏ lại phía sau.z3319739351747_97ea24c2e7f79a04f1273460610d817d

Cũng trong Hội thảo, hai doanh nghiệp đã tham gia đồng hành cùng dự án đã có cơ hội chia sẻ về mô hình sản phẩm hỗ trợ người khiếm thị hoà nhập, bao gồm “Nền tảng Thành phố Thông minh giúp giải quyết các vấn đề di chuyển cho người khuyết tật" của công ty LBSTech và “Hỗ trợ người khiếm thị thông qua bảng chữ nổi Versa Slate và ứng dụng Flowy” của công ty OverFlow.

 

    Giải pháp kiến tạo thành phố không rào cản cho người khuyết tật

   TP.Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất ở Việt Nam, có mật độ dân cư đông đúc và là đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Để tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển thành phố nhanh, bền vững, thành phố đã phê duyệt Đề án triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025; ban hành Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025.

   Chia sẻ về quá trình thực hiện đề án, ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Sau 4 năm triển khai, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều công nghệ mới đã và đang được triển khai ứng dụng tại nhiều địa phương, giúp nâng cao hiệu quả quản lý đồng thời từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong các lĩnh vực, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Thành phố đã xác định một trong các nhiệm vụ quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế là thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đẩy mạnh chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh. Tất nhiên, chỉ chính quyền thành phố cam kết và thúc đẩy là không đủ, chúng tôi rất vui mừng khi ngày càng có nhiều bên tham gia vào việc hỗ trợ thành phố chuyển đổi số trở thành thành phố thông minh phục vụ con người. ”

Định hướng của Sở nhấn mạnh tập trung các giải pháp sau:

-​Mở rộng và bổ sung các giải pháp công nghệ hướng tới phục vụ các nhóm yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tham gia tối đa vào tất cả các khía cạnh trong hoạt động kinh tế – xã hội;

-​Thực hiện chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân còn khó khăn;

-​Phát triển cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác chăm lo những người còn khó khăn.

-​Nghiên cứu các trợ lý ảo hỗ trợ cho các đối tượng khuyết tật

-​Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các nền tảng số , ứng dụng số để hỗ tợ người khuyết tật tham gia vào xã hội số , tham gia các hoạt động kinh tế số.

Hội thảo tiếp nối với phiên toạ đàm “Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật – Vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau” .

Giải thích về khái niệm “thành phố thông minh”, TS Trịnh Tú Anh khẳng định: “Đối với mọi thành phố, đô thị thông minh là hành trình, là con đường, chứ không phải là đích đến cuối cùng. Khi xây dựng thành phố thông minh, chúng ta không đi tìm hay hướng đến sự hoàn hảo, mà là chúng ta ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong chính thành phố đó, và hướng đến sự phát triển bền vững. “Thành phố thông minh” cần dựa trên các tiêu chí: thuận tự nhiên; nỗ lực xây dựng chính quyền và chính phủ; con người; sự di chuyển thuận lợi và sự sống.”

Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc và hỗ trợ người khuyết tật hoà nhập, Ông Nguyễn Văn Cử chia sẻ: “Nhờ chuyển đổi số, người khuyết tật có thể giảm bớt rào cản để học tập và nâng cao kiến thức, thậm chí tìm hiểu thông tin của những trường học nghề thông qua điện thoại thông minh. Để không bị bỏ lại phía sau, bản thân người khuyết tật cũng nỗ lực tự nâng cao kiến thức của bản thân để theo kịp sự phát triển của công nghệ và tham gia vào sự phát triển của xã hội, đóng góp vào nền kinh tế của địa phương.”z3319740922985_82e2bdac1f2ce229f2ad5daed40096b0

Là đơn vị nghiên cứu và sản xuất công cụ, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật, Ông Rafael Masters đề xuất: “Để tăng cơ hội hoà nhập cho người khuyết tật, các ứng dụng, công cụ công nghệ ngoài yếu tố tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ đắc lực, dễ sử dụng thì cần có giá thành phù hợp với số đông. Ngoài ra, các phương tiện công cộng ở một thành phố thông minh cần phải thân thiện với người khuyết tật bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng để người khuyết tật có thể sử dụng, phù hợp với những nhu cầu và mong muốn của người khuyết tật. Mảng công nghệ đang dần phát triển và hỗ trợ rất nhiều cho người khuyết tật, đồng thời chính người khuyết tật cùng giúp rất nhiều cho chúng tôi trong quá trình thu thập dữ liệu, nghiên cứu để cải thiện chất lượng.

Đại diện Trường RMIT – Ông Seng Kiat Kok nhấn mạnh vai trò của người trẻ: “Chúng ta nên tiếp cận với nhóm người trẻ, thanh thiếu niên nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng tầm nhìn, giúp những người trẻ tuổi hình thành thói quen quan sát và nhìn nhận vấn đề, từ đó định hướng được những hành động có thể thực hiện để giúp đỡ nhóm người yếu thế. Người trẻ có sự tiếp thu rất nhanh, họ rất giỏi trong việc sử dụng công nghệ và chính họ sẽ là những người tạo ra các sản phẩm tốt nhất và phù hợp nhất để giúp đỡ người khuyết tật.”z3319742131451_a25c61d13e1c35b44f9158d96edd941f

Hội thảo khép lại với thông điệp: Sự đoàn kết hợp tác và tinh thần đổi mới sáng tạo là tiền đề để tạo xu hướng, dẫn dắt thay đổi vì sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong năm 2022, NATEC, Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội, chương trình Shinhan Square Bridge do Viện MSD – United Way Việt Nam dẫn dắt sẽ tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy kết nối các bên liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức tham gia Sáng tạo xã hội mở vì thành phố thông minh phát triển bao trùm. Mọi thông tin được cập nhật tại: www.livinglabvietnam.org.

      Về Chương trình Shinhan Square Bridge Việt Nam

Chương trình Giải pháp Tương lai Shinhan (Shinhan S2 Bridge Vietnam) là một sáng kiến tác động tập thể xuyên biên giới và đa ngành nhằm thiết kế và xây dựng một cộng đồng hòa nhập mang lại cơ hội cho tất cả mọi người ở Việt Nam. Bằng cách tận dụng các giải pháp công nghệ sáng tạo được cung cấp bởi các công ty khởi nghiệp xuyên biên giới, nền tảng sẽ giúp công dân kết nối với các nguồn lực sẵn có và cơ hội mới để thành công trong tương lai. Chương trình được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2021.

   Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Vietnam

MSD – United Way Việt Nam hướng tới một Việt Nam bền vững công bằng và bình đẳng, nơi tất cả các cá nhân và gia đình có thể phát huy tối đa các tiềm năng của mình thông qua giáo dục chất lượng, thu nhập ổn định và cuộc sống mạnh khoẻ. Chúng tôi nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống bền vững của các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua huy động và liên kết sức mạnh, xây dựng hệ sinh thái đoàn kết hợp tác trong thực hành phát triển bền vững. MSD tập trung vào các mảng lĩnh vực: (1) Giáo dục cho phát triển; (2) Cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống; (3) Sức khoẻ môi trường với cách tiếp cận xuyên suốt của phát triển bền vững, thúc đẩy đoàn kết – hợp tác, đảm bảo bình đẳng và sự tham gia, ứng dụng đổi mới sáng tạo.

                                                                                                           Nguồn : Techfest

Những mô hình khuyến đọc trên thế giới

Nhiều tủ sách, thư viện công cộng được lắp đặt trên đường phố. Cùng đó, các ứng dụng đọc sách miễn phí ra đời, khuyến khích người dân tiếp cận sách.

 

Basel và Solothurn là hai thành phố đầu tiên của Thụy Sĩ có tủ sách được lắp đặt cố định ngoài trời. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều tủ sách như thế xuất hiện trên khắp các đường phố của đất nước này.

Ông Hartwig Roth – người xây dựng tủ sách ngoài trời ở Kreuzackerpark (Solothurn, Thụy Sĩ) – chia sẻ trên kênh truyền hình SRF rằng ý tưởng này đến từ Áo và nhanh chóng lan rộng ở Đức cùng các nước châu Âu khác.

Là một trong những người tiên phong xây dựng tủ sách ở Thụy Sĩ, Hartwig Roth quan sát và ước tính trung bình mỗi ngày có tới 150 người đến đây trao đổi sách.

mo hinh khuyen doc anh 3

mo hinh khuyen doc anh 1

Các mô hình tủ sách ngoài trời ở Thụy Sĩ được đặt ở những địa điểm công cộng. Nơi đây, bạn đọc có thể tìm thấy những dòng sách đa dạng, từ tiểu thuyết, tâm lý, kỹ năng đến sách thiếu nhi. Ảnh: Keystone/ SRF.

Tận dụng không gian để đặt tủ sách

Mô hình tủ sách ngoài trời xuất phát từ ý tưởng “nếu bạn muốn đọc bất kỳ một cuốn sách nào ở đây, hãy mang nó về. Thay vào đó, hãy đặt lại một cuốn mà bạn đã đọc xong mà không cần đến nó nữa”.

Do đó, bên ngoài mỗi tủ sách thường dán tờ giấy với dòng chữ: “Để duy trì tủ sách, rất cần sự chung tay, góp sức của mọi người”. Mô hình này hoạt động 24/7 dưới hình thức tự nguyện, miễn phí và dễ sử dụng.

Tại Thụy Sĩ, các tủ sách ngoài trời thường được đặt ở công viên và những tuyến phố có nhiều người qua lại. Sự phát triển của công nghệ khiến các bốt điện thoại công cộng ngừng hoạt động. Tận dụng điều đó, hàng trăm tủ sách được tạo nên từ chính những bốt điện thoại này.

Chị Minh Phi – chủ tiệm sách Yuki-chan (sách cho người Việt tại Thụy Sĩ), Việt kiều hiện sinh sống tại đây – cho biết các bốt điện thoại đã góp phần vào sự bùng nổ của mô hình tủ sách ngoài trời.

“Hãng điện thoại Swisscom đã tặng 260 bốt điện thoại miễn phí cho ủy ban để xây dựng thành tủ sách công cộng. Tôi cũng thường ghé thăm các tủ sách này, mang sách tới đó, đồng thời tìm một cuốn mình đang cần để đem về đọc. Ở đây vật giá đắt đỏ, trao đổi sách cho nhau theo hình thức này thấy quý giá lắm”, chị Minh Phi nói.

Một mô hình khuyến đọc tương tự cũng được thực hiện tại Malaysia. Cụ thể, những năm gần đây, nhiều kiot đựng sách được lắp đặt trên các tuyến đường của quốc gia Đông Nam Á này.

Trong buổi giao lưu trực tuyến về hoạt động khuyến đọc tại các nước ASEAN hồi tháng hai, ông Sheikh Faisal Sheikh Mansor – Tổng thư ký danh dự Hiệp hội Xuất bản Malaysia – cho biết với những kiot này, người dân có thể đến lấy sách để đọc mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.

mo hinh khuyen doc anh 5

Tại Indonesia, hệ thống “Jakarta Wi-Fi” trên xe buýt đang được xây dựng để tất cả người dân đều có thể đăng nhập và đọc sách miễn phí khi di chuyển. Ảnh: Jakarta Book City.

Ứng dụng tiếp cận sách miễn phí

Chuyển đổi số trong xuất bản được đánh giá là nhu cầu tất yếu ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Nhu cầu đọc sách trong mùa dịch cũng tạo tiền đề để các đơn vị thúc đẩy xuất bản các đầu sách kỹ thuật số.

Ở Venezuela, xu hướng này đã trở thành hiện thực. Nhà xuất bản “El perro y la rana” vừa tạo ra một danh mục với phần lớn các đầu sách của mình trên trang web để độc giả có thể tải xuống và đọc miễn phí.

Bên cạnh đó, một thư viện trực tuyến được thành lập, lấy tên gọi “Colombeia”. Đây là nơi các tác phẩm có giá trị về lịch sử, tư tưởng được số hóa và cung cấp miễn phí cho bạn đọc.

Tại Pháp, cuối năm 2021, độc giả trong nước có cơ hội tiếp cận sách quý qua một triển lãm trực tuyến với 154 bản thảo giấy thời trung cổ và 1.611 bản khắc trên gỗ và bìa da được trưng bày tại Thư viện Nhân văn Sélestat (Pháp). Trong đó, khoảng 670 tập bìa da (của nhà nhân văn học, nhà sưu tầm nổi tiếng Beatus Rhenanus) đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Dự án này cho phép bạn đọc tiếp cận triển lãm sách bằng sự trợ giúp của tai nghe và kính thực tế ảo mà không cần đến thư viện. Đây cũng là một trong những mô hình mang tính chuyển đổi số của hệ thống thư viện Pháp. Trước đó, chỉ giới nghiên cứu mới có thể chạm tay vào kho tàng sách cổ này.

Tại Thái Lan, ứng dụng đọc sách “NoGongDong” được Hội Xuất bản quốc gia này tạo ra với mong muốn khơi gợi tình yêu, tinh thần đọc sách của độc giả.

Với chủ đề “Đừng để sách nằm buồn thiu trên giá”, sau khi tải ứng dụng này về máy, người sử dụng có thể tham khảo danh mục sách đã được đề xuất để đọc.

Bên cạnh đó, các minigames như: Thi tìm người đọc sách 20 phút/ngày liên tục trong 20 ngày, đọc một tiếng mỗi ngày, đọc liên tục trong 60, 90 ngày… được lồng ghép kết hợp, mang đến những phần thưởng thú vị, khuyến khích người dân nơi đây đọc sách nhiều hơn mỗi ngày.

Ứng dụng này cũng cho phép kết nối người yêu sách lại với nhau, tạo nên cộng đồng lớn. Sau gần một năm triển khai, cộng đồng này đã đạt mốc 10.000 người. Ngoài ra, các đơn vị xuất bản, phát hành cũng có thể tìm thấy nhau qua “NoGongDong”.

Trong buổi giao lưu về văn hóa đọc của các quốc gia ASEAN, bà Laura Prinsloo – Chủ tịch Ủy ban Sách quốc gia và Văn hóa đọc Indonesia, Chủ tịch điều hành Ủy ban Thành phố Sách Jakarta – cho biết tại Indonesia, hệ thống “Jakarta Wi-Fi” trên xe buýt đang được xây dựng để tất cả người dân đều có thể đăng nhập và đọc sách miễn phí khi di chuyển trên phương tiện này.

                                                                                                          Nguồn : zingnews

Chuyên mục : Chân dung những Nhà Khoa học Vĩ đai nhất trong lịch sử đã làm thay đổi cả thế giới (Phần 3)

Isaac Newton (1643-1727)

 

Sinh năm 1643 trong một gia đình khó khăn ở Woolsthrope, nước Anh, Issac Newton nổi tiếng với định luật “vạn vật hấp dẫn” mà sau này vẫn được sử dụng rộng rãi. Khi còn nhỏ, ông có sở thích tự làm đồ chơi cơ khí và mô hình của các cối xay gió.

Newton giải thích lý thuyết về lực hấp dẫn bằng một công thức ông tự tìm ra thời đó mà không có nguyên tắc vật lý nào có thể giải thích được. Cuộc cách mạng mới trong toán học cũng được bắt nguồn từ định lý nhị thức mà về sau được lấy theo tên ông. Newton cũng giải thích được nguyên nhân xuất hiện của thủy triều là do lực hấp dẫn tương hỗ giữa mặt trời, mặt trăng và mặt đất.

Isaac Newton là ai, tiểu sử: 6 bí ẩn thú vị của nhà khoa học vĩ

Ông cũng là người đầu tiên phát minh ra kính viễn vọng phản xạ. Ba định luật Newton ngày nay vẫn được dùng rộng rãi trong tính toán cơ học và vật lý. Ông được Nữ hoàng Anh phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ năm 1705. Năm 1727, Newton qua đời ở tuổi 84.

                                                                                                         Nguồn : Sưu tầm Internet.

Mới ra mắt : Sổ tayThương mại hóa +

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THƯƠNG MẠI HOÁ+ CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ?

Để hỗ trợ Việt Nam tiến đến gần hơn các mục tiêu và cam kết phát triển bền vững, cuốn sách "Sổ tay Thương mại hoá+" Nâng cao tác động tích cực của nghiên cứu khoa học và công nghệ thông qua con đường thương mại hoá được xây dựng với sự phối hợp của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Natec) chịu trách nhiệm chủ trì Chương trình Thương mại hoá Quốc Gia và Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) là cơ quan nghiên cứu ứng dụng quốc gia Úc; và Tập đoàn IIG chuyên về thương mại hoá và đổi mới sáng tạo của Úc.

z3307618506866_9bb5da9e3d2b4083a7a82b0b4ee6583c   Ảnh chụp tại Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam ( nguồn : FB Australian Embassy, Vietnam)

Cuốn Sổ tay Thương mại hoá+ được chương trình Aus4Innovation cho ra mắt trực tuyến năm 2021 nay đã được gửi bản in đến các trường đại học và viện nghiên cứu trên cả nước, giúp các đơn vị này đẩy mạnh tính thực tiễn trong nghiên cứu khoa học.

 “Sổ tay Thương mại hóa+” là một tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và những bên liên quan nhằm nhanh chóng đưa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo động lực mới để phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. "Sổ tay thương mại hóa +"được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản với trọng tâm phát triển bền vững, cuốn sổ tay không chỉ hướng đến kết quả kinh tế (lợi nhuận) mà còn tính đến cả yếu tố xã hội (con người) và môi trường. Các nguyên tắc này được mô tả rõ ngay từ bước đầu tiên của tiến trình Thương mại hóa+ và được lồng ghép trong các bước của Sổ tay, nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng.

Mời bạn đọc và tải về Sổ Tay Thương Mại Hóa tại đây

Link tìm hiểu : https://thuongmaihoaplus.org/

Link đọc sách ;

Sổ tay Thương mại hóa + bản tiếng Việt

Sổ tay Thương mại hóa + bản tiếng Anh

 

YÊU CẦU KỸ THUẬT BẢN THẢO ĐÁNH MÁY CHO SÁCH VÀ TẠP CHÍ CỦA NHÀ XUẤT BẢN

Xem nội dung chi tiết văn bản Yêu cầu kỹ thuật bản thảo đánh máy cho sách và tạp chí của Nhà xuất bản kèm file tải về (download)

Quy định bản thảo ( File Word) 

1. HƯỚNG DẪN VIỆC CHUẨN BỊ BẢN THẢO ĐÁNH MÁY CỦA NHÀ XUẤT BẢN

1.1. Yêu cầu đối với bản thảo đánh máy của nhà xuất bản

1.1.1. Bản thảo của nhà xuất bản dùng để đưa nhà in là bản thảo mà tác giả đã đọc và sửa lỗi, không có sai phạm về kỹ thuật và những người có trách nhiệm của nhà xuất bản đã ký.

1.1.2. Phần chính văn của bản thảo phải đánh máy rõ ràng trên giấy một mặt. Được phép viết bằng tay những công thức toán, hóa, dấu đặc biệt không có trên máy chữ.

Chỉ cần gửi đến nhà in bản thảo đầu tiên. Trường hợp tái bản các loại sách được phép dùng bản in hay chụp rõ ràng, thân chữ chính văn không nhỏ hơn 10 phân in, đầu biểu không nhỏ hơn 6 phân in.

Những bài cần bố trí làm nhiều cột thì trong bản thảo phải đánh máy một cột.

1.1.3. Bản thảo đánh máy của nhà xuất bản bố trí trên giấy khổ 210 x 270 mm. Đối với bản thảo những biểu lớn cho phép khổ lớn hơn nhưng phải gấp thành khổ 210 x 270 mm. Bản thảo là tờ in có khuôn khổ nhỏ hơn 210 x 270 mm thì phải dán lên chính giữa tờ giấy một mặt nhỏ 210 x 270 mm, nếu cần sửa cũng phải theo các quy định cho bản thảo.

1.1.4. Bản thảo đánh máy của nhà xuất bản thực hiện trên giấy trắng mà cho phép sửa lỗi trong bài bằng bút mực.

z3296120666383_7d6015a850295c932f39b4e2efa5d03a

1.1.5. Số thứ tự các trang của bản thảo phải viết bằng bút chì cùng màu ở góc phải phía trên của trang, số thứ tự này phải tính từ trang đầu đến trang cuối cùng, không lặp lại không bỏ sót. Nếu bản thảo có nhiều tập, ở góc trái phía trên tờ đầu của mỗi tập ngoài số ghi tổng số trang của cả cuốn sách phải ghi thêm giới hạn số trang đầu và cuối của tập bản thảo đó, giữa hai số có gạch nối.

1.2. Yêu cầu đối với bản thảo đánh máy của nhà xuất bản

1.2.1. Một trang bản thảo đánh máy không quá 33 dòng, lề của bản thảo được quy định như sau:

Đầu: 20 mm;

Chân: 25 mm;

Gáy: 25 mm;

Bụng: 10 mm;

1.2.2. Các dòng của bản thảo cách nhau 3 khoảng cách (tương đương 4,5 mm). Đề mục và tiểu đề mục của bản thảo được cách trên và dưới bài chính văn 5 khoảng cách (tương đương 7,5 mm). Trừ trường hợp tiểu đề mục trong bản thảo đi liền bài chính văn

1.2.3. Đầu dòng các đoạn văn của bản thảo đánh dịch vào 3 nốt đánh trên máy chữ. Kể cả những bản thảo mà yêu cầu sắp chữ không thụt đầu dòng.

1.3. Yêu cầu đối với việc trình bày biểu trong bản thảo đánh máy của nhà xuất bản.

1.3.1. Hình dáng bên ngoài biểu trong bản thảo phải giống với biểu trong tài liệu khi in.

1.3.2. Nội dung trong biểu cần bố trí đều gọn không lọt ra ngoài đường kẻ chia cột.

1.3.3. Số ở trong biểu có 4 chữ số trở lên phải chia nhóm 3 chữ số, trừ trường hợp số chỉ số hiệu và ngày tháng. Nếu là số thập phân thì phải đánh thẳng hàng dọc theo dấu phẩy.

1.3.4. Chú thích trong bản thảo phải đánh máy ở ngay cuối trang bản thảo và cách dòng cuối của bài chính văn 6 khoảng cách (9 mm) giữa khoảng cách này là một gạch ngang dài 30 mm, và gạch từ đầu dòng. Trong bài chính văn dấu của chú thích là chữ số A-rập, ngôi sao, hoa thị phải đề treo trên và dùng nhất quán từ đầu đến cuối cuốn sách. Nếu đánh số thứ tự của chú thích phải đánh từ 1 đến hết, tính từ đầu đến cuối mỗi trang bản thảo hoặc đánh số thứ tự chú thích từ đầu đến hết cuốn sách nếu phần chú thích đặt ở cuối cuốn sách đó.

Trường hợp chú thích quá dài phải đánh tiếp trang sau thì sau từ cuối cùng của chú thích trang trước phải đánh thêm 5 chấm (….) và trước khi đánh tiếp chú thích ở trang sau cũng phải đánh 5 chấm trước từ đầu. Nếu trang sau cũng có chú thích thì phần tiếp chú thích của trang trước phải đánh lên trên chú thích của trang sau.

1.4. Yêu cầu đối với việc viết công thức toán

1.4.1. Công thức toán học trong bản thảo của nhà xuất bản phải viết rõ ràng chữ, ký hiệu, số phải nằm đúng vị trí của nó. Phải giữ nguyên cách viết công thức toán mà kỹ thuật sắp chữ quy định.

Ví dụ :Viết sai

Viết đúng

1.4.2. Ký hiệu và chỉ số mũ trong bản thảo của nhà xuất bản phải đánh máy rõ ràng hoặc viết bằng mực đúng vị trí của nó.

Ví dụ:

Viết đúng

Viết sai

 

Ko =

Ko =

1.4.3. Chỉ số của dấu tích phân phải viết theo tiêu chuẩn quy định về công thức toán:

Ví dụ:

Viết đúng

Viết sai

 

1.4.4. Dấu ngoặc trong bản thảo của nhà xuất bản phải viết cao hơn biểu thức ở trong nó, dấu mở và dấu đóng của một kiểu phải giống nhau về chiều cao. Trường hợp cần sản xuất một kiểu dấu giống nhau thì dấu ở ngoài có kích thước lớn hơn dấu ở trong .

Ví dụ:

hoặc

 

1.4.5. Dấu căn trong bản thảo cần phải bao trùm lên, biểu thức trong căn

Ví dụ:

Viết đúng

Viết sai

 

1.4.6. Dấu trên các chữ và số trong bản thảo phải viết chính xác.

Ví dụ : ; ;

1.4.7. Khi viết phân số nhiều tầng thì đường kẻ phân số chính phải dài hơn các đường kẻ khác trong công thức toán đó.

Ví dụ:

1.5. Yêu cầu đối với việc viết công thức hóa.

1.5.1. Công thức và chỉ số công thức hóa trong bản thảo của nhà xuất bản không được viết cách quãng.

Ví dụ:

Viết đúng

Viết sai

 

Na2SO4; NaHCO3

Na2 SO4; NaH CO3

1.5.2. Những dấu trong phương trình phản ứng hóa học như : cộng (+); trừ (-); bằng (=); hai chiều (); chiều phản ứng ();kết tủa (↓); trong bản thảo phải viết cách quãng.

1.5.3. Trong bản thảo các dấu hóa trị và diện tích của nguyên tố nào phải viết liền với nguyên tố đó ở góc phải phía trên.

1.5.4. Những dấu liên kết của công thức hóa trong bản thảo phải viết sao cho chúng nối tiếp nhau liên tục. Những dấu liên kết chéo phải nối tiếp nhau ở giữa với những dòng hoặc chữ cần nối liền.

Ví dụ:

1.6. Yêu cầu đối với bản thảo hoàn chỉnh

1.6.1. Bản thảo hoàn chỉnh của nhà sản xuất đưa vào nhà in gồm :

Bản thảo sắp chữ:

Bản mẫu cho ảnh kẽm (hoặc bản kẽm, bản khắc gỗ đã có sẵn);

Mẫu bìa, phụ bản;

Bản ma kết;

Những yêu cầu kỹ thuật (nếu có).

Mọi thông tin cần giải đáp liên hệ email: info.nhaxuatbankhkt@gmail.com

Chuyên mục : Chân dung những Nhà Khoa học Vĩ đai nhất trong lịch sử đã làm thay đổi cả thế giới ( Phần 2)

 Albert Einstein (1879-1955)

Sinh ra vào năm 1879 tại Ulm, nước Đức, Einstein được coi là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trên thế giới. Ông còn được mệnh danh là “người đàn ông của thế kỉ”.

Albert Einstein có một phát kiến ngoạn mục trong vật lý, đó là thuyết tương đối. Học thuyết tạo ra một cuộc cách mạng trong vật lý hiện đại, phá vỡ mọi định nghĩa từ trước đến nay và trở thành kim chỉ nam trong lĩnh vực khám phá vũ trụ. Với đóng góp như vậy, ông trở thành cha đẻ của vật lý hiện đại. Chính phương trình nổi tiếng nhất thế giới E = mc2 của ông đã góp phần tạo ra hai quả bom nguyên tử tàn phá thành phố Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản.

Tạp chí Time nổi tiếng của Mỹ bình chọn Albert Einstein là nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Cùng với thuyết tương đối, ông cũng là người đặt nền móng cho vật lý lượng tử. Dù vậy, vĩ nhân này lại được trao giải Nobel năm 1921 với công trình về “hiệu ứng quang điện" do thời đó thuyết tương đối còn đang nằm trong vòng tranh cãi. Ông qua đời năm 1955 tại Princeton.

                                                                                              Nguồn : Youtube, Sưu tầm Internet

Chuyên mục : Chân dung những Nhà Khoa học Vĩ đai nhất trong lịch sử đã làm thay đổi cả thế giới ( Phần 1)

Ngay từ khi xuất hiện trên Trái đất, con người luôn có tham vọng chinh phục thiên nhiên. Nhiều ý tưởng, thiết kế cũng như các thí nghiệm khoa học được liên tục đưa ra nhằm biến những điều tưởng như không thể thành có thể. Những thành tựu này ngày càng được ứng dụng vào mọi lĩnh vực cuộc sống và đem lại văn minh tiến bộ cho nhân loại.

Nikola Tesla (1856-1943)

Nhà khoa học sinh năm 1856 ở Serbia này được đứng đầu danh sách vì kiến thức uyên thâm của ông trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau.

Ông có thể nói 8 thứ tiếng, đọc và hiểu toàn bộ một quyển sách chỉ với một lần đọc, chế tạo lại một chiếc máy sau một lần nhìn. Và điều đặc biệt là ông sống độc thân trong suốt cuộc đời mình.

Tesla đã tự phát triển hầu hết mọi công trình khoa học và không để lộ bất cứ thứ gì ra bên ngoài. Tesla thậm chí phát minh ra dòng điện xoay chiều trước khi Edison biết về nó. Markoni nhận được giải Nobel về việc phát minh ra đài phát thanh thực ra là dựa trên ý tưởng của Tesla. Tia X của Rơn-gen, Radar của Watson-watt đều do Nikola Tesla sáng tạo ra trước đó.

Hầu như không có gì Tesla không làm được: nhà máy thủy điện đầu tiên ở thác Niagara, các thí nghiệm về kỹ thuật đông lạnh, bóng bán dẫn, máy thu sóng vô tuyến điện từ không gian, điều khiển từ xa, đèn neon, động cơ điện hiện đại, máy dự báo động đất,… Ông là một thiên tài thực sự, tuy nhiên, hầu hết ý tưởng và phát minh của ông đều bị sao chép hoặc đánh cắp.

Trí tuệ đáng kinh ngạc này tạo ra những chấn động trong giới khoa học với những phát minh không tưởng. Ông được ví như một nhà phát minh đến từ tương lai. Tuy nhiên, vào năm 1943, người ta tìm thấy ông chết một cách thảm khốc trong một căn phòng khách sạn.                                                                                                  Nguồn : Youtube , Sưu tầm Internet