So sánh triệu chứng, truyền lây và khả năng đột biến giữa Corona và đậu mùa khỉ

Sau khi nỗi lo virus Corona vơi đi thì một loại mầm bệnh tiếp theo lại xuất hiện và lây lan, đó là bệnh đậu mùa ở khỉ. Hai loại virus này có giống nhau không? Sau đây là một cái nhìn tổng quan về triệu chứng, sự lây lan và tiêm phòng đối với hai virus này.

             

                                     Hình ảnh virus Corona và đậu mùa khỉ

1. Về tình hình hiện nay

Bệnh đậu mùa khỉ: Trong tháng 5, ngày càng có nhiều quốc gia đề cập đến các trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận vài trăm ca lây nhiễm. Giới quản lý y tế cho rằng không có dấu hiệu sẽ có đại dịch, tuy nhiên cần thận trọng và tiếp tục theo dõi.

Corona: Trong khi đó virus Corona tồn tại lâu dài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đã có hơn nửa tỷ ca lây nhiễm đã được ghi nhận, thực tế có thể nhiều hơn. Nhiều triệu người đã chết. Ở nhiều nước, phần lớn dân số đã có một mức độ bảo vệ nhất định thông qua tiêm chủng hoặc lây nhiễm.

2. Lây nhiễm 

Đậu mùa khỉ: Theo hiểu biết hiện nay, virus chủ yếu lan truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi, bao gồm cả qua các chất chứa trong mụn nước và vảy. Điều này hạn chế đáng kể việc lây lan. Bất cứ ai có tiếp xúc thân thể với một  người bệnh đều có thể bị nhiễm bệnh.

Corona: Người bị lây nhiễm Sars-CoV-2 truyền tiếp virus sang người khác qua các hạt chứa virus phát sinh khi thở, ho và nói chuyện với nhau. Virus có trong giọt bắn, hạt sương có thể tồn tại trong không khí một thời gian dài. Virus có thể lây lan nhanh chóng do không nhất thiết phải có sự va chạm cơ thể.

3. Hình ảnh lâm sàng và các triệu chứng

Bệnh đậu mùa khỉ: Theo RKI, các triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu, đau cơ và lưng và sưng hạch bạch huyết. Một vài ngày sau bắt đầu sốt, các tổn thương da phát triển, cuối cùng đóng vảy và bong ra. Trong các tổn thương đậu mùa điển hình, nồng độ virus đặc biệt cao. Phát ban thường tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến miệng và bộ phận sinh dục. Diễn biến bệnh có thể nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Corona: Với Covid các biểu hiện phổ biến nhất là ho, sốt, sổ mũi, giảm sút khứu giác và vị giác. Diễn biến của bệnh rất khác nhau về các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, nó có thể từ lây nhiễm không triệu chứng đến viêm phổi nặng,  suy phổi dẫn đến tử vong.

4. Thuốc chữa và tiêm chủng

Đậu mùa khỉ: Ngay cả trước khi bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở châu Âu, đã có vaccine chống lại bệnh này. Mặc dù Imvanex cho đến nay mới chỉ được phê duyệt cho bệnh đậu mùa ở người ở Đức, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng nó có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ. Tiêm phòng có thể hạn chế đáng kể bùng phát.  Ngoài ra còn có một loại thuốc được cấp phép ở EU.

Corona: Ban đầu không có thuốc hoặc vaccine nào chống lại loại coronavirus, virus này mới xuất hiện cách đây hơn hai năm. Hiện tại đã có một số loại vắc xin và các loại thuốc khác nhau trên thị trường.

5. Nguồn gốc

Bệnh đậu mùa ở khỉ: Đây thực sự là một bệnh của loài gặm nhấm ở Tây và Trung Phi. Đôi khi chúng lây lan sang khỉ và cả người, loại sau này được biết đến từ năm 1970. Việc trong thực tế virus có thể lây lan từ người sang người ở châu Âu là mới. Lý do cho điều này là chưa rõ ràng.

• Corona: Sars-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện cách đây khoảng hai năm rưỡi. Người ta tin rằng những người đầu tiên bị nhiễm bệnh tại một chợ động vật ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Một giả thuyết được nhiều người cho rằng mầm bệnh ban đầu đến từ loài dơi.

6. Nguy cơ đột biến

• Bệnh đậu mùa khỉ: Tác nhân gây bệnh là một loại virus DNA. Bộ gen của những virus này được coi là khá ổn định so với các virus RNA như virus corona. Điều này có nghĩa là: đột biến ít xảy ra thường xuyên hơn.

• Corona: Trong khi đó Sars-CoV-2 đã phát triển trong hai năm qua. Điều này làm cho virus dễ lây truyền hơn nhiều và một số loại vaccine kém hiệu quả hơn. Tuy nhiên, biến thể Omicron, thường lây bệnh hơn so với biến thể trước đó.

Nguồn : Tạp chí Tia sáng  –  Xuân Hoài dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.focus.de/gesundheit/news/corona-vs-affenpocken-symptome-ansteckung-und-mutationen-im-vergleich_id_105813893.html

 

2022 – Năm quốc tế Khoa học cơ bản

Tại phiên họp ngày 2/12/2021, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông qua nghị quyết công bố năm 2022 là Năm Quốc tế Khoa học cơ bản cho Phát triển bền vững (International Year of Basic Science for Sustainable Development 2022 – IYBSSD 2022)1). Có lẽ đây cũng là dịp tốt để chúng ta cùng nhìn lại và suy ngẫm về nền khoa học nước nhà, đặc biệt là khoa học cơ bản (KHCB), cùng vai trò rất quan trọng của khoa học trong giai đoạn phát triển săp tới của đất nước.

                           Trong phòng thí nghiệm của tập đoàn Viettel. Nguồn: Viettel.

Cho đến nay, những nghiên cứu vật lý cơ bản vẫn là một trong những hướng nghiên cứu cơ bản (NCKH) mũi nhọn của thế giới, cùng đồng hành với nhiều hướng KHCB khác nhau như khoa học vật liệu, hóa học lượng tử, sinh vật học phân tử, y sinh học hiện đại… Tuy nhiên, nhịp sống sôi động của xã hội hiện đại cùng những tư duy thực tế của thị trường đã làm suy giảm đáng kể sự quan tâm của cộng đồng đối với sự phát triển của khoa học nói chung và KHCB nói riêng. Đây là hiện tượng xã hội đặc trưng cho nhiều quốc gia, không chỉ ở các nước nghèo đang phát triển như Việt Nam. Ngay cả Hoa Kỳ, cường quốc khoa học hàng đầu thế giới, đã gần như bị rơi vào thảm họa trong năm 2020 vì đại dịch COVID-19 do những quyết định thực dụng, duy ý chí và coi thường tư vấn từ giới khoa học của Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước. Rất may là Chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ hiện tại đã thay đổi cơ bản cách tiếp cận với khủng khoảng dịch bệnh, luôn tham khảo chặt chẽ với giới khoa học chuyên môn trước khi ra những quyết định quan trọng nhằm đối phó với đại dịch. Trong khung cảnh dịch đang hoành hành trên thế giới, giới thiệu về IYBSSD 2022 đã nhắc đến một số phát minh KHCB có vai trò đặc biệt quan trọng trong chống dịch như: quá trình tổng hợp chuỗi enzyme (polymerase chain reaction – PCR) giúp nhân bản nhanh các mảnh RNA hay DNA do các nghiên cứu sinh hóa phát hiện ra năm 1986 hiện được áp dụng trong các kit xét nghiệm PCR; dãy kết đơn phân tử RNA (messenger RNA – mRNA) được nghiên cứu sinh học phân tử phát hiện ra từ năm 1961 là có chức năng tạo trình tự gene (genetic sequence) của tế bào sống, nhờ đó mà NCKH thời covid đã tìm ra cách điều chỉnh chức năng của mRNA (modification of messenger RNA) để chặn quá trình nhân bản corona virus, giúp tạo miễn dịch sau khi đưa vào cơ thể người một lượng mRNA được điều chỉnh dưới dạng vaccine; phương pháp phân tích trình tự gene giúp xác định nhanh các biến thể virus khác nhau cũng được dựa trên cơ sở phát minh của các nghiên cứu cơ bản trong di truyền học giai đoạn 1976-1977… 

Sau khi dịch SARS đầu tiên bùng phát ở châu Á năm 2003, đã có một số dự án nghiên cứu sinh học phân tử quan trọng về SARS và vaccine chống virus này được triển khai nhưng vài năm sau đã phải dừng vì không còn được tài trợ (nghiên cứu không còn ý nghĩa “thực tiễn” do virus đã vĩnh viễn biến mất). Bây giờ thì ai cũng có thể thấy cái giá mà nhân loại phải trả cho những quyết định thực dụng sai lầm này. Trong suốt thời gian chống dịch COVID-19, nhiều nhóm nghiên cứu KHCB, đặc biệt là các nhà vật lý và sinh học phân tử2 đã tích cực triển khai những hoạt động nghiên cứu trực tiếp liên quan đến dịch, thí dụ như các nhà vật lý ở Viện Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Italy (INFN) đang sử dụng siêu máy tính (thường dùng để xác định vết của Higgs boson trong phổ va chạm hạt nhân năng lượng cao) để tính toán mô phỏng quá trình cuộn gấp enzyme ACE2 trong corona virus – tác nhân gây viêm đường hô hấp ở người nhiễm virus, trong hợp tác nghiên cứu với một công ty công nghệ sinh học nhằm chế tạo thuốc điều trị bệnh nhân covid3. Với ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin (CNTT) trong phòng chống dịch, chúng ta cũng cần nhắc đến phát minh ra mạng Internet của các nhà vật lý thuộc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) từ những năm 1990, mà nay đã trở thành hạ tầng cơ sở nền tảng cho phát triển và ứng dụng công nghệ số thông minh trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, quốc phòng và chính trị của đa số các quốc gia trên thế giới. 

Quay lại với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, một số nhóm KHCB đã khẩn trương chuyển sang nghiên cứu các đề tài liên quan đến dịch như nghiên cứu khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thông qua tương tác với tế bào người và ảnh hưởng của các biến thể virus lên một số loại kháng thể được thực hiện ở Viện KH&CN Tính toán TP. Hồ Chí Minh4, hay nghiên cứu giải mã gene các biến thể virus tiến hành ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương… Nhìn chung thì mặc dù còn nhiều khó khăn và bất cập, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng KHCB nước ta đã có những bước tiến lớn trong hai thập kỷ qua, Đội ngũ các nhà KHCB đã trưởng thành đáng kể cùng nhiều công trình khoa học có giá trị cao được công bố ở những tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Trong chính sách, chiến lược phát triển khoa học của Việt Nam, KHCB đã được đặt ở vị trí quan trọng như đầu tàu và tinh hoa của nền khoa học nước nhà qua những chương trình quốc gia cho phát triển toán học, vật lý, y sinh học… được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và phê duyệt. 

Tuy nhiên, đã nhiều năm nay chúng ta thấy cộng đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) vẫn không có nhiều đóng góp thực sự quan trọng vào quá trình ứng dụng, đổi mới và sáng tạo công nghệ cho phát triển bền vững của đất nước. 

Phát triển khoa học cơ bản của Việt Nam

 

Nhân năm quốc tế KHCB cho phát triển bền vững, tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình về vai trò của KH&CN nói chung và KHCB nói riêng của Việt Nam trong quá trình phát triển của đất nước.

Phát triển bền vững chắc chắn không khả thi nếu thiếu công nghệ hiện đại và vì thế mà từ nhiều năm nay Đảng và Nhà nước luôn đề cao chủ trương ưu tiên xây dựng và phát triển một số ngành công nghệ mũi nhọn như CNTT, công nghệ sinh học (CNSH), công nghệ vật liệu (CNVL), công nghệ hạt nhân (CNHN)… và gần đây nhất là chủ trương tăng cường sử dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp. Đây là chính sách thông suốt đúng đắn, có tác dụng rất tích cực đối với sự phát triển của KH&CN nước ta. Cùng với đẩy mạnh đầu tư công cho KH&CN, yêu cầu về các sản phẩm ứng dụng luôn được đặt ra cho các đề tài NCKH trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu đạt được hiếm khi đi kèm với sản phẩm ứng dụng và sáng tạo công nghệ. Phải chăng hiện trạng này thể hiện sự yếu kém của cộng đồng khoa học Việt Nam như đôi lúc bị “ném đá” trên mạng xã hội bởi những phê phán ngoài luồng. 

Đến năm 2025, Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine. Nguồn: moh.gov.vn

Theo suy nghĩ của tác giả thì vấn đề chính nằm ở quan niệm còn khá đơn giản trong quản lý và điều hành KH&CN như một ngành nghề trong kinh tế xã hội, dẫn đến một thiết kế không hoàn hảo và hợp lý của “tòa nhà” KH&CN Việt Nam. Thực ra thì Khoa học và Công nghệ là hai lĩnh vực có liên quan chặt chẽ nhưng vẫn là hai lĩnh vực phát triển khác nhau, thường được tiến hành song song ở các quốc gia phát triển. Việc Việt Nam luôn xếp KH&CN vào chung một lĩnh vực phát triển thực ra không đơn giản hóa việc quản lý, điều hành mà ngược lại dễ đưa tới những hệ quả không có lợi cho sự phát triển toàn diện của KH&CN. Về thực chất, các hoạt động NCKH, nhất là trong lĩnh vực KHCB, luôn hướng tới mục tiêu chính tìm ra những kiến thức, hiểu biết mới về thiên nhiên, kinh tế và xã hội. Lịch sử phát triển của nhân loại đã khẳng định rất rõ vai trò quan trọng của những kiến thức, hiểu biết này đối với sự phát triển của nhiều ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là các ngành công nghệ cao trong những thập kỷ gần đây. Trong thời đại hiện nay, mỗi ngành công nghệ hiện đại luôn mang trong mình kiến thức, hiểu biết của các ngành khoa học khác nhau, thí dụ như CNSH (đặc biệt là công nghệ gene) đòi hỏi nhiều kiến thức vật lý lượng tử cùng các phương pháp thí nghiệm và xử lý số liệu của vật lý chất rắn, vật lý nguyên tử và vật lý hạt nhân; CNVL và cơ khí chính xác thì có nhu cầu ngày càng cao đối với các phương pháp tính toán mô phỏng phát triển bởi cộng đồng toán học ứng dụng trên cơ sở công nghệ máy tính hiện đại nhất… Tuy nhiên, nếu đơn giản đòi hỏi phải có các sản phẩm ứng dụng và sáng tạo công nghệ như đầu ra cho những khoản đầu tư trực tiếp cho các đề tài, dự án NCKH trong KHCB hay Khoa học định hướng ứng dụng thì lại là “ngây thơ” và duy ý chí. Thay cho chủ trương và những chính sách chung cho KH&CN, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng quyết sách, chiến lược đầu tư phát triển đồng bộ và song song cho KH&CN như hai lĩnh vực tách biệt nhưng có liên quan chặt chẽ với nhau. Đặc biệt trong lĩnh vực Công nghệ phải tập trung ưu tiên xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tương ứng cho việc tiếp thu, làm chủ và triển khai pilot cho ứng dụng tối ưu những sản phẩm công nghệ hiện đại. Trong khi Việt Nam vẫn đang phần lớn dựa vào công nghệ cao nhập khẩu từ nước ngoài vào cho phát triển kinh tế và xã hội, chủ trương trên lẽ ra phải được triển khai thực hiện xuyên suốt từ nhiều năm trước trong phạm vi liên ngành KH&CN, GD&ĐT… Rất tiếc là một quyết sách quan trọng như vậy cho đến nay vẫn chưa được thực thi và hệ quả dễ thấy nhất là hiện trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực chuyên môn, chuyên gia công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ xã hội… 

Chỉ riêng trong lĩnh vực y tế, gần như đa số các công việc chẩn đoán và điều trị hiện nay đang sử dụng rất nhiều sản phẩm công nghệ hiện đại. Các thiết bị kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và xạ trị hiện đại chỉ có thể được sử dụng và vận hành tối ưu bởi đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản trong y vật lý (medical physics), y học hạt nhân và CNHN – những chuyên ngành không có trong chương trình đào tạo của đa số các trường đại học trong nước vì thiếu giáo viên, chuyên gia trong lĩnh vực này. Thậm chỉ, mã ngành đào tạo y vật lý chỉ vừa mới được Bộ GD&ĐT thông qua sau những vận động, khuyến cáo không mệt mỏi trong nhiều năm của một số chuyên gia khoa học hạt nhân thuộc Bộ KH&CN và nay mới được chính thức đào tạo sang năm thứ hai tại một cơ sở đại học dân lập ở TP. HCM. Trong khi đó các thiết bị công nghệ y tế hiện đại vẫn đang tiếp tục được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam và thường được vận hành bởi đội ngũ những nhân viên không được đào tạo chuyên nghiệp. Đã đến lúc các giới quản lý y tế, KH&CN và GD&ĐT phải cùng bắt tay vào sự nghiệp “trồng người” cho công nghệ cao trong y tế, để người dân Việt Nam có được sự chăm sóc y tế an toàn và tốt nhất cho sức khỏe của mình. Một lĩnh vực khác liên quan là công nghệ y sinh học, tuy là thiết yếu nhưng chỉ mới bắt đầu được xây dựng ở một số cơ sở NCKH trung ương. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam rất cần có một đội ngũ nhân lực trình độ cao cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ y sinh học. Trong khung cảnh đại dịch COVID-19, sự thiếu hụt nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này chắc đã có ảnh hưởng nhất định đến lộ trình nghiên cứu và triển khai sản xuất trong nước kit xét nghiệm, vaccine ngừa corona virus… chưa nói là khe hở này còn bị doanh nghiệp tư nhân (công ty Việt Á) lợi dụng nhảy vào trục lợi. Xã hội hóa các hoạt động NCKH và ứng dụng công nghệ là chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhưng chủ trương này chỉ có thể được thực thi hiệu quả khi đất nước có đủ thực lực nhân sự KH&CN tương ứng. 

Trong những năm gần đây Việt Nam đã thực sự nổi lên như một quốc gia có nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, không chỉ giúp người nông dân thoát nghèo mà còn đang dần đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trong khung cảnh này, việc triển khai và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã trở nên cấp thiết nhưng đây lại là thách thức rất lớn cho giới quản lý do sự thiếu hụt nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao đang ở mức rất trầm trọng5. Việt Nam có một truyền thống đào tạo đại học trong lĩnh vực nông nghiệp rất tốt từ nhiều thập kỷ qua, tuy nhiên sang thế kỷ 21 với việc ứng dụng rộng rãi CNTT, CNSH, công nghệ nano… vào các khâu sản xuất nông nghiệp thì rõ ràng các trường đại học nông nghiệp phải cần có sự hỗ trợ tích cực từ các cơ sở đào tạo KH&CN, kỹ thuật… để đào tạo nhân lực có trình độ đáp ứng được nhu cầu phát triển của nông nghiệp. Đặc biệt, nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao không chỉ đơn giản là các chuyên gia công nghệ mà còn phải là đội ngũ các nhà sư phạm giỏi thực hành để trực tiếp tập huấn luyện, chuyển giao công nghệ cho lao động nông nghiệp5.  

Việt Nam có một đội ngũ đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học vật liệu (KHVL) với trình độ cao ở mức độ quốc tế, nhưng những thành tựu lớn nhất của cộng đồng này vẫn tập trung ở các bài báo công bố trên các tạp chí KHVL quốc tế hay một số giải pháp hữu ích được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tuy đã có không ít trăn trở nhưng các chuyên gia KHVL nước ta vẫn chưa thể đóng góp được nhiều sản phẩm ứng dụng cho kinh tế xã hội vì ngành CNVL vẫn chưa được thực sự phát triển ở Việt Nam, mặc dù đã được quy hoạch như một trong những hướng phát triển công nghệ ưu tiên. Trong khoảng 10 năm gần đây, công nghiệp vật liệu nước ta đã có những bước tiến đáng kể, nhiều sản phẩm vật liệu công nghiệp cho cơ khí, xây dựng và hạ tầng giao thông… đã được triển khai sản xuất thành công ở trong nước6. Tuy nhiên, đa phần các vật liệu tinh vi hiện đại cho công nghiệp chế tạo, CNTT, y tế… ở nước ta vẫn phải nhập khẩu là chính. Chưa nói đến những bán thành phẩm cho các thiết bị điện tử thông minh … cũng chưa thể được sản xuất ở Việt Nam vì không có cơ sở CNVL tương ứng và phần lớn các sản phẩm điện tử xuất xưởng ở Việt Nam vẫn chỉ được gia công lắp ráp trong nước là chính. Trong khung cảnh này, Việt Nam phải mau có những quyết sách mới cho việc xây dựng nhân lực CNVL trình độ cao cùng hạ tầng cơ sở công nghiệp vật liệu hiện đại6.

Đến đây tác giả muốn nhắc đến CNTT như một điểm sáng trong phát triển công nghệ cao ở Việt Nam để minh họa cho khuyến cáo chính từ bài viết này. Với đặc thù ứng dụng rộng rãi của máy tính trong cuộc sống từ nhiều thập kỷ qua, mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội luôn có nhu cầu lớn về nhân lực giỏi tin học và môn CNTT đang được đào tạo trong hầu hết các trường đại học, cao đẳng học nghề ở Việt Nam. Đây là sự khác biệt rất lớn so với bất cập nêu trên của các lĩnh vực công nghệ khác, kết quả là lượng nhân lực cho phát triển bền vững CNTT khá dồi dào, đặc biệt trong những năm gần đây khi các tập đoàn viễn thông lớn của đất nước triển khai phát triển và ứng dụng các công nghệ số, học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI)… cho các lĩnh vực kinh tế xã hội khác nhau. Với triển vọng ứng dụng rất sâu rộng của AI, các chuyên gia CNTT giỏi của đất nước hoàn toàn có thể được huy động vào tham gia phát triển, triển khai và ứng dụng các ngành công nghệ khác, cũng như những hoạt động NCKH trong KHCB và Khoa học định hướng ứng dụng. Quá trình xây dựng và phát triển rất thành công của các tập đoàn CNTT lớn như Viettel, VNPT, FPT và chi nhánh viễn thông của VinGroup cho chúng ta những lộ trình hoàn toàn khả thi đối với Việt Nam trong việc thực sự phát triển những ngành công nghệ trọng điểm khác thiết yếu cho sự phát triển bền vững của đất nước. 

Quay trở lại với KHCB của Việt Nam, hiện nay số nhân lực khoa học đang làm việc trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong nước không phải là nhỏ, tuy nhiên đa số trong số đó hoặc là tham gia các dự án, đề tài nghiên cứu KHCB hay Khoa học định hướng ứng dụng, hoặc là đang trực tiếp dùng chất sám của mình để triển khai các hoạt động dịch vụ kinh tế, xã hội. Với hàm lượng lớn kiến thức KHCB ẩn trong các công nghệ khác nhau, đội ngũ KHCB của Việt Nam không chỉ tiếp tục trưởng thành trong NCKH mà hoàn toàn còn có thể đóng góp nhiều hơn vào công cuộc đào tạo, phát triển nhân lực công nghệ cao và từ đó có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc xây dựng quyết sách, đổi mới cơ chế quản lý và đầu tư đồng bộ cho KHCB, chúng ta rất cần tiến hành những hoạt động quảng bá cho trí tuệ Việt Nam, phổ biến kiến thức khoa học phổ thông cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Làm sao cho cộng đồng dân chúng thấy rõ được vai trò quan trọng của tri thức và khoa học đối với sự phát triển của dân tộc, đúng với tinh thần của Năm quốc tế KHCB cho phát triển bến vững – IYBSSD 2022 – vừa được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua.

Tài liệu tham khảo

1 Basic sciences in the age of COVID-19, https://www.iybssd2022.org/en/home/.  

2Trần Quang Huy, Đào Tiến Khoa, “Đại dịch COVID-19: Góc nhìn từ vật lý và sinh học cấu trúc”, Tạp chí Tia Sáng số tháng 3/2020, https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Dai-dich-COVID19-Goc-nhin-tu-vat-ly-va-sinh-hoc-cau-truc-23096.

3 Pietro Faccioli, “How theoretical nuclear physics can help discover new drug”, Nuclear Physics News 31 (2021) 29.

4 Hoang Linh Nguyen, Pham Dang Lan, Nguyen Quoc Thai, Daniel A. Nissley, Edward P. O’Brien, Mai Suan Li, “Does SARS-CoV2 bind to human ACE2 more strongly than does SARS-CoV?”, The Journal of Physical Chemistry B 124 (2020) 7336.

“Ai đang làm nông nghiệp công nghệ cao”, Báo Nông nghiệp Việt Nam, số ngày 13/01/2020, https://nongnghiep.vn/ai-dang-lam-nong-nghiep-cong-nghe-cao-d255619.html. 

“Sự cần thiết phát triển ngành công nghiệp vật liệu”, Trang tin Bộ Công Thương Việt Nam ngày 14/08/2021, https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/su-can-thiet-phat-trien-nganh-cong-nghiep-vat-lieu.html. 

                                                                                          Nguồn : Tia Sáng

Sông Sài Gòn: Lượng vi nhựa tỉ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa

Một dữ liệu nền tảng về vi nhựa trên sông Sài Gòn cũng như hai con sông chảy qua đô thị khác ở Đông Nam Á là Chao Phraya (Thái Lan), Citarum (Indonesia) đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam và Thái Lan thiết lập thông qua “Microplastics pollution in selected rivers from Southeast Asia” (Ô nhiễm vi nhựa trên các dòng sông Đông Nam Á) xuất bản trên tạp chí APN Science Bulletin.

                   Vớt rác trên các kênh rạch đổ ra sông Sài Gòn. Nguồn: laodong.com.vn.

 

Khi thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Phương Loan (ĐH Văn Lang), Tạ Anh Tuấn (ĐH Thammasat) và đồng nghiệp trường ĐH Chiang Mai, Thammasat (Thái Lan) và Viện Công nghệ Bandung (Indonesia) muốn tìm hiểu tình trạng ô nhiễm vi nhựa và đặc điểm của nó trên nước bề mặt của ba dòng sông chảy qua các đô thị lớn là Chao Phraya dài 372 km, chảy qua 9 tỉnh và đổ vào vịnh Thái Lan; sông Citarum dài 270 km, chảy qua lòng chảo Majalaya, Tây Java; sông Sài Gòn dài 256 km, chảy dọc trên địa phận TP.HCM khoảng 80 km. Trong số này, Citarum là dòng sông ô nhiễm nhất khi có tới 4.000 nhà máy vận hành dọc sông và cung cấp nguồn Kinh kế, nước, điện cho 25 triệu dân. Để biết được đích xác tình trạng ô nhiễm vi nhựa của các con sông này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu trên sông  Chao Phraya vào tháng 5 và 9/2019, sông Citarum vào tháng 10/2020, còn sông Sài Gòn vào tháng 8/2019 ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và tháng 10/2020 ở lạch Giồng Ông Tố.

Sau khi phân tích các mẫu, họ nhận thấy dù lấy ở cửa sông hay khu vực đô thị thì mẫu nào cũng có đầy vi nhựa. Với sông Chao Phraya, cứ mỗi mét khối nước có 80±60 mảnh vi nhựa; sông Citarum, lượng vi nhựa là 12±6 mảnh/m3; sông Sài Gòn là 68±20 mảnh/m³. Điểm độc đáo của lượng vi nhựa trên sông Sài Gòn là sự chênh lệch giữa tả ngạn (60 mảnh/m³), và hữu ngạn (90 mảnh/m³). Nguyên nhân là do trên sông Sài Gòn, có một vùng đệm đô thị với cây xanh ở tả ngạn và cảng Tân Thuận, khu vực dân cư và các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ ở hữu ngạn. Vì thế, nước thải từ các quận trung tâm TP.HCM thoát qua cống liên hợp và kênh Tả – kênh Đôi đổ ra sông Sài Gòn khiến bờ phải ô nhiễm nhựa nhiều hơn. Bên cạnh đó, cảng Tân Thuận ở gần khu vực lấy mẫu cũng góp phần vào hiện trạng này.

Do nghiên cứu được thực hiện trên ba con sông lớn nên các tác giả đã tìm thấy một số xu hướng, đó là lượng vi nhựa ở khu vực cửa sông thấp hơn nhiều so với khu vực đô thị. Điều này cho thấy sự tích lũy của vi nhựa gia tăng theo sự gia tăng của tốc độ đô thị hóa. Bên cạnh đó, số lượng vi nhựa của hai con sông Chao Phraya và Sài Gòn, dù ở khu vực đô thị hay cửa sông đều cao hơn Citarum.

Khi đi sâu vào kích thước và hình thái vi nhựa, các nhà nghiên cứu không thấy sự khác biệt giữa các loại vi nhựa ở các khu vực trên sông Chao Phraya và sông Citarum, tuy nhiên phạm vi kích thước ở đô thị nhỏ hơn ở cửa sông. Nguyên nhân là do vi nhựa ở khu vực này bị phơi nhiễm trong môi trường với thời gian ngắn hơn nên không đủ thời gian để phân rã thành mảnh nhỏ hơn.

Với sông Sài Gòn, kích thước của vi nhựa không có sự khác biệt giữa mẫu ở cửa sông và đô thị, tương tự như điều diễn ra trên sông Chao Phraya và Citarum. Tuy nhiên, độ biến thiên về kích thước lại không lớn và tại khu vực cửa sông, vi nhựa có kích thước 0,3–0,5 mm chiếm số lượng lớn trong lượng mẫu.

Khi xét về thành phần vi nhựa, chủ yếu vi nhựa trong các mẫu nước mặt ở ba con sông này là nhựa PP và PE, nguyên liệu của những sản phẩm như container, chai lọ, túi nhựa, bát đĩa hay đồ chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm. Tỉ lệ cao của nhựa PP và PE trên nước bề mặt là do nhiều nguyên nhân, thứ nhất là quá trình phong hóa có thể làm thay đổi độ kết tụ, trọng lượng phân tử của nhựa giảm do sự phân cắt chuỗi polyme và quá trình oxy hóa trong quá trình phong hóa; thứ hai, tỷ lệ bề mặt trên thể tích cao hơn khiến các mảnh vi nhựa lơ lửng trong nước bề mặt.

Các con sông này đều đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt và nông nghiệp nên sự xuất hiện của vi nhựa có thể ảnh hưởng đến con người và hệ sinh thái. Do đó, những giải pháp chính sách tiềm năng để giảm thiểu ô nhiễm vi nhựa trên sông sẽ cần tham khảo bộ dữ liệu sơ khởi này.

                                                                                           Nguồn : Tia sáng 

Nhức nhối thực trạng sách giả, sách lậu trên không gian mạng

Nhiều năm trước, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu", nay các đơn vị xuất bản còn phải đối phó với hình thức lan truyền sách giả trên môi trường mạng.

 

Sách giả, sách lậu nhiều năm nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản. Giai đoạn dịch bệnh hoành hành khiến việc mua bán sách thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội trở nên phát triển.

Bên cạnh yếu tố thuận tiện, nhanh chóng thì việc giao dịch online lại vô tình tạo “đất sống” cho sách giả. Vàng thau lẫn lộn, không ít độc giả bị thu hút bởi những lời quảng cáo như “xả kho sách giá rẻ”, “trọn bộ Harry Potter tồn kho”… để rồi “ôm cục tức” khi nhận được những cuốn sách kém chất lượng.

Sach lau tren mang anh 1

Đông đảo phụ huynh, học sinh thành phố tham quan tại Hội sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Mê trận sách giả trên mạng

 

Thị trường sách trên mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ. Những kẻ kinh doanh sách lậu cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế để thay đổi hình thức tiếp cận người đọc. Thay vì bày tràn lan các vỉa hè hay len lỏi vào các cửa hàng sách như trước đây, sách lậu đang được chào bán trên mạng, với hình ảnh quảng cáo là những bộ sách thật.

Đó là thông tin ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News (Trí Việt) cung cấp cho phóng viên VietnamPlus khi đề cập đến vấn đề sách lậu. Ông khẳng định sách giả, sách lậu đang lan truyền trên không gian mạng nhanh, mạnh và nhiều không kém gì con virus nguy hiểm đã tấn công loài người hai năm qua.

“Việc buôn bán sách giả trên mạng đang cực kỳ khó kiểm soát. Các đối tượng đăng ảnh sách thật, quảng cáo hấp dẫn, giảm giá 50-70% để thu hút độc giả sau đó ‘ship’ đến những cuốn sách đầy lỗi chính tả, in ấn kém chất lượng”, ông Phước cho biết.

Giám đốc Công ty First News cho biết trước đây mọi người thường hay nói đến khái niệm “sách in lậu” nhưng hiện nay, bên cạnh sách in thì audio book (sách nói) và e-book (sách điện tử) cũng dễ dàng bị sao chép, do đó chúng ta cần tiếp nhận khái niệm mới là “sách giả” để có thể nhận thức toàn diện mối nguy hại và từ đó tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình mới.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch – Bản quyền của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng đồng tình với quan điểm đó và cho rằng tình trạng sách lậu đã trở thành thực trạng khiến các đơn vị phát hành sách “đau đầu” nhiều năm nay.

“Tình trạng buôn bán sách lậu không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng bùng nổ, được rao bán ngày một công khai trên các trang mạng xã hội và thậm chí cả trên các sàn thương mại điện tử lớn”, ông Minh nói.

Không chỉ có các đầu sách bán chạy của Nhã Nam được “điểm mặt gọi tên” trên thị trường sách lậu, những tựa sách đã ngừng xuất bản, được nhiều bạn đọc yêu thích tìm kiếm, sưu tập cũng bị làm giả ngang nhiên và bị rao bán với giá trên trời như: Thiên táng, Mật mã Tây Tạng, Ma thổi đèn

Nếu nhiều năm trở về trước sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu” thì nay Nhã Nam còn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc nhiều cá nhân tự ý sao chép và lưu hành e-book. Ông Minh cho rằng công nghệ hiện đại khiến cho việc lưu hành e-book thậm chí còn nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với in lậu.

Sach lau tren mang anh 2

                       Một cán bộ thu giữ sách giả ở Hà Đông. Ảnh: Minh Thu/Vietnam+

Hình sự hóa trách nhiệm

Trước thực trạng đó, các đơn vị phát hành sách đã chủ động dùng nhiều biện pháp để đối phó với nạn sách giả, sách lậu.

Với mong muốn nâng cao ý thức và nhận thức của bạn đọc về việc tiêu thụ các sản phẩm vi phạm bản quyền, Công ty Nhã Nam đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, nổi bật là việc lan tỏa thông điệp “Mua bán sách giả là giết chết sách thật".

Đơn vị này gắn logo Nhã Nam kèm thông điệp lên mỗi cuốn sách, hướng dẫn độc giả cách phân biệt sách thật/sách giả, công bố các địa chỉ đảm bảo để độc giả có thể tìm mua sách thật. Bên cạnh đó, Nhã Nam duy trì hoạt động của nhóm Facebook “Nhã Nam reading club” để hình thành một cộng đồng thông thái, nơi độc giả tự chia sẻ kinh nghiệm mua sách, không tiếp tay cho nạn sách lậu và sách giả.

Song song nỗ lực tuyên truyền, các đơn vị xuất bản cùng chung mong muốn các cấp cơ quan quản lý Nhà nước có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để răn đe các cá nhân và tập thể có hành vi vi phạm luật bản quyền, không để tình trạng buôn bán tràn lan kéo dài thêm nữa.

“Dù rất muốn nhanh chóng có phương cách đối phó với nạn sách giả, sách lậu nhưng các đơn vị phát hành như Nhã Nam lại không có đủ quyền hạn để có thể can thiệp vào hành vi sản xuất và tiêu thụ sách lậu. Hơn thế nữa, với tình trạng sách lậu bày bán công khai và tràn lan như hiện nay, chắc chắn cần những chế tài xử phạt và sự can thiệp từ các cơ quan quản lý”, ông Minh nói.

Các đơn vị khác như First News, Alpha Books, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Giáo dục cũng tích cực trong công tác tuyên truyền, giúp độc giả phân biệt sách giả-sách thật. First News và Alpha Books còn phối hợp để thường xuyên cập nhật các trang Fanpage, các tài khoản Facebook rao bán sách giả để người đọc không bị mua nhầm.

Giám đốc Công ty First News cho hay chính ông đã tự đặt mua sách trên Lazada để xác minh thông tin phản hồi của bạn đọc rằng trang thương mại điện tử này bán sách giả.

“Năm 2019, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề sách kém chất lượng, in sai sót được mua từ các gian hàng trên Lazada, trong đó, có nhiều đầu sách mà First News là đơn vị duy nhất giữ bản quyền xuất bản và in ấn tại thị trường Việt Nam”, ông Phước cho biết.

Quả nhiên, những cuốn sách được gửi tới là sách giả, sao chép bản in của First News. Đơn vị này đã liên hệ với Lazada nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. First News sau đó đã lập vi bằng, gửi đơn kiện lên Tòa án Nhân dân TP.HCM. Tuy nhiên, đã 2 năm qua, vụ việc vẫn chưa được xử lý.

Ông Phước cho rằng việc sản xuất, in ấn và tiêu thụ sách giả không chỉ vi phạm Luật Bản quyền, Công ước Berne, Luật Xuất bản Việt Nam mà còn vi phạm quy định của Luật hình sự về tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả, tuy nhiên hiện nay, chế tài xử lý vi phạm còn nương nhẹ, chưa đủ sức răn đe, đa số vẫn chỉ dừng lại ở phạt vi phạm hành chính.

“Từ sự việc Lazada, chúng tôi cho rằng cần các cơ quan quản lý cần xem lại khâu pháp chế. Đối với hàng nhái, hàng giả, phải hình sự hóa trách nhiệm, xử lý thật mạnh mới mong lập lại trật tự”, ông Phước kiến nghị.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Nguyễn Nguyên cũng thừa nhận rằng công tác phòng, chống in lậu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song tình trạng tiêu cực vẫn còn rất phổ biến, thậm chí xảy ra ngay trong cả doanh nghiệp, cơ sở in.

“Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đã trực tiếp chỉ đạo các ban ngành phải tập trung hơn về quy định, đảm bảo chính sách rõ ràng, bám sát điều kiện thực hiện của cơ sở, doanh nghiệp in. Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra điều luật liên quan in lậu. Không chỉ riêng luật về bản quyền mà nhiều vấn đề khác cũng sẽ được xem xét, bổ sung", ông Nguyên cho biết.

 

Phát động cuộc thi trực tuyến ‘Cuốn sách thay đổi cuộc đời’

Trong khuôn khổ Tuần lễ Sách khoa học và công nghệ, sẽ diễn ra “Hội sách Khuyến học” và phát động cuộc thi trực tuyến “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” nhằm hướng đến mục tiêu chung tay thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ngày 14.5, tại Hà Nội sẽ khai mạc Tuần lễ Sách khoa học và công nghệ lần thứ 1 năm 2022. Chương trình do Bộ KH-CN và T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức, nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18.5.2022) và Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.

Phát động cuộc thi trực tuyến ‘Cuốn sách thay đổi cuộc đời’ - ảnh 1

Sinh viên tham gia chương trình Mỗi sinh viên một cuốn sách làm bạn tại Hà Nội

ành : ĐĂNG HẢI

Theo đó, tuần lễ sách diễn ra từ ngày 13 – 22.5 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) và từ ngày 18 – 24.5 (tại Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM).

Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra sự kiện “Hội sách Khuyến học” và phát động cuộc thi trực tuyến “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, hội sách là sân chơi bổ ích góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội về giá trị của việc đọc; xây dựng và phát triển thói quen, kỹ năng đọc, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, thúc đẩy hình thành xã hội học tập, từ đó củng cố và lan tỏa thông điệp “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”

                                                                                   Nguồn : Báo Thanh Niên

Ngành xuất bản Ấn Độ đối mặt nhiều thách thức

Sự gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển dẫn đến việc các đơn vị làm sách ở Ấn Độ buộc phải giảm thư mục các đầu sách dự định xuất bản.

 

Những nguyên nhân khách quan do đại dịch, chi phí vật tư sản xuất cao và tình hình lạm phát khiến các nhà xuất bản của Ấn Độ đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức.

Riêng tháng 4 vừa qua, lạm phát ở Ấn Độ (do giá thực phẩm và nhiên liệu tăng) đã đạt mức cao nhất trong 18 tháng liên tiếp (7,5%), theo Reuters.

Các đơn vị xuất bản ở đây, bao gồm cả đơn vị làm sách tiếng Anh và tiếng Hindi, cho biết họ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu giấy trầm trọng và chi phí sản xuất tăng cao trong nhiều tháng trở lại đây. Do đó, họ buộc phải tăng giá sách.

Alind Maheshwari, Giám đốc Nhà xuất bản Rajkamal Prakashan, nói với trang DW (một hãng truyền thông quốc tế của Đức, đưa tin bằng 32 ngôn ngữ) rằng đơn vị này đã không thể thực hiện nhiều sách như trước đại dịch.

Maheshwari cho biết: “Giấy từng có giá khoảng 60 rupee/kg (0,77 USD) và bây giờ có giá 110 rupee/kg. Giá giấy hiện tăng gần gấp đôi”.

Nhà xuất bản Rajkamal Prakashan có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ) từng xuất bản khoảng 200-250 cuốn sách mỗi năm trước đại dịch. Giờ đây, con số đó rơi vào khoảng 72-100 cuốn mỗi năm, bao gồm cả bản dịch sách tiếng Anh. Các kênh phân phối sách đã bị ảnh hưởng đáng kể từ khi đại dịch bùng phát.

Satabdi Mishra, đồng sáng lập Walking Book Fairs, chia sẻ với DW rằng việc in sách ngày càng trở nên đắt đỏ bởi “giá dịch vụ in ấn và vận chuyển tăng cao. Việc xuất bản một số cuốn sách cũng bị đình trệ và cuối cùng, khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn thì chi phí làm sách lại tăng lên đáng kể”.

xuat ban An Do anh 1

Ngành xuất bản Ấn Độ gặp khó trong khâu vận chuyển và chi phí sản xuất tăng cao. Ảnh: News Junkie Post.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt, khó khăn trong phương thức vận chuyển trên toàn cầu cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí sản xuất. Thậm chí, các nhà cung cấp giấy của Ấn Độ buộc phải cắt giảm hoạt động xuống 2-3 lần/tuần.

Arpita Das, đại diện Nhà xuất bản Yoda Press, cho biết chi phí sách tăng cao đã gây áp lực và họ phải cố gắng “giữ giá bìa đủ thấp để độc giả có thể mua được sách”.

Thomas Abraham, Giám đốc điều hành Hachette India, một trong 5 nhà xuất bản lớn nhất của quốc gia này, cho hay người dân nơi đây phần lớn đọc sách vì mục đích học tập, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức và ít đọc vì mục đích giải trí.

“Ở Anh và Mỹ, các tựa sách mới thường có lợi cho người đọc. Nhưng ở Ấn Độ thì điều này hoàn toàn ngược lại. Mọi người thường đọc nhiều tựa sách cũ hơn, chẳng hạn như sách của Enid Blyton hoặc Agatha Christie. Đó cũng là điều khiến ngành sách ở đây đang mất dần tính đa dạng trong thư mục”, Abraham tiết lộ.

Ngoài ra, sự kết hợp giữa việc thay đổi thói quen đọc và tăng chi phí làm sách cũng khiến nhiều nhà xuất bản phải loại bỏ những cuốn sách được cho là “làm thử nghiệm” hoặc sách thuộc “danh mục vốn không được ưu tiên cao vì chỉ có một lượng độc giả cụ thể”.

Đại dịch cũng khiến mọi người bắt đầu mua nhiều sách điện tử hơn trên Amazon, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tiên của đợt giãn cách xã hội vào năm 2020. Doanh số bán sách điện tử đã tăng gấp đôi trong thời gian đó. Tuy nhiên, chúng lại đóng góp rất ít vào doanh thu và “không thể bù đắp cho khoản lỗ phát sinh trong 4 tháng đóng cửa”, Abraham nói.

                                                                                                        Nguồn : zingnews

Thắp lửa tri thức từ những cuốn sách

Trong khuôn khổ Tuần Lễ sách Khoa học và Công nghệ lần thứ I năm 2022, chiều 19/5, tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức buổi tọa đàm “Thắp lửa tri thức”. Tìm đường đưa tri thức khoa học vào đại chúng- Hành trình của những người làm sách, làm khoa học.

                                   Toàn cảnh buổi tọa đàm “Thắp lửa tri thức”

 

Với thông điệp này, nhiệm vụ trọng tâm của buổi tọa đàm là kết nối, tận dụng tất cả các nguồn lực xã hội để chung tay thắp lên ngọn lửa tri thức trong toàn xã hội. Đây cũng là cơ hội rất tốt cho các sinh viên, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ các thông tin quý báu, phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu khoa học.

Sách khoa học kỹ thuật, công nghệ có loại mang tính chất phổ biến kiến thức đại cương, đại chúng, có sách phục vụ nghiên cứu, sách chuyên khảo, chuyên sâu. Đây là nguồn tri thức quan trọng góp phần nâng cao dân trí, trình độ nhà khoa học, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

Xuất bản sách là cả một quá trình phức tạp bao gồm nhiều công đoạn và thường được triển khai bởi một nhóm các chuyên gia với kiến thức ở những lĩnh vực khác nhau và kiến thức chuyên môn ngành sách. Mà ở đó, tác giả được ví như linh hồn của cuốn sách và đội ngũ xuất bản sẽ là những người hiện thực hóa cuốn sách đó, đảm bảo cuốn sách đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tuân thủ đầy đủ yêu cầu từ phía nhà xuất bản, và tối ưu hóa thời gian thực hiện.

Hiện nay, việc xuất bản sách khoa học và công nghệ gặp nhiều khó khăn như: Số lượng các đầu sách khoa học quá ít ỏi, số lượng ấn phẩm hạn chế; Các nhà xuất bản nắm tác quyền không quan tâm thị trường Việt Nam, bởi số lượng in quá nhỏ. Việc mua tác quyền khó khăn; Việc viết, dịch sách khoa học đã không đem lại những phần thưởng vật chất đáng kể cho người bỏ công ra, và không phát triển thành một “nghề chuyên nghiệp”. Thực tế viết sách là rất ít, dịch là nhiều, tìm người dịch có chất lượng là rất khó. Hơn nữa, để dịch một quyển sách khoa học không phải chỉ biết những từ ngữ chuyên môn, mà phải biết cả văn hóa khoa học. Cho nên, người dịch sẽ gặp nhiều vấn đề hơn là từ ngữ khoa học. Và cái thiếu ở người dịch là tinh thần học thuật, truy cứu tìm tòi.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về mảng đề tài sách khoa học và công nghệ, một mảng đề tài chuyên biệt. “Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy”, đó là cách tư duy chặt chẽ, mọi lý giải hay giả thuyết phải luôn được kiểm nghiệm bằng thực tế.

Bên cạnh đó, các diễn giả còn chia sẻ về quá trình làm sách gồm các công đoạn: Tổ chức bản thảo, khai thác đề tài; Giao dịch bản quyền; Triển khai dịch/ tổ chức biên soạn/ đặt tác giả viết; Hiệu đính; Biên tập; Thiết kế minh họa, vẽ bìa; Chế bản, dàn trang; In ấn; Truyền thông, Phát hành.

Thông qua việc chia sẻ trải nghiệm quá trình tổ chức xuất bản 3 cuốn sách: “Hai Nhà máy Thuỷ điện ngầm của Việt Nam”, “Tiếng vọng Sông Đà” và “An toàn bức xạ – những điều cần biết”, các diễn giả đã tập trung chia sẻ về bối cảnh ra đời của những cuốn sách đó, xuất phát từ tình yêu nghề nghiệp, từ trách nhiệm với công việc, đã kết nối những người làm sách, dịch sách, hiệu đính, xuất bản liên kết thực hiện công việc, như cuốn “Hai nhà máy điện ngầm của Việt Nam” và “Tiếng vọng Sông Đà”, xuất phát từ trăn trở của Thầy giáo Lê Đức Mẫn, người đầu tiên khởi xướng dịch cuốn sách “20 năm trôi qua, từ khi xây dựng Thuỷ điện Hoà Bình, cho đến nay vẫn chưa có một cuốn sách, tài liệu nào tổng kết, ghi chép được quá trình tổ chức thiết kế thi công và vận hành Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.” Trong khi có Thủy điện Hòa Bình nước nhà chuyển sang một trang mới, làm thay đổi căn bản nền kinh tế đưa đất nước tiến lên, thoát khỏi nghèo nàn và tăm tối, thay hẳn diện mạo và vị thế của Quốc gia dân tộc, thoát vĩnh viễn nạn tàn phá của thiên tai lũ lụt……nhân dân được ấm no bởi mốc son hòa mạng tổ máy 8 Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Tại toạ đàm, ông Bùi Thức Khiết, nguyên Giám đốc đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và bà Nguyễn Ngọ phát biểu về Thủy điện Sông Đà và ngọn lửa tình yêu nhiệt huyết của những thế hệ Sông Đà đã quyết định phát động Quỹ xuất bản Bộ sách Sông Đà và cũng là người hiệu đính cuốn sách Hai Nhà máy thủy điện ngầm của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Việt Long và Bùi Tiến trao đổi về một số vần đề về dịch sách và tài liệu khoa học kỹ thuật đòi hỏi kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng chuyên môn, hiểu chắc chắn hệ thống thuật ngữ chuyên ngành…

Toạ đàm còn trao đổi ý kiến làm sao để đánh giá một cuốn sách khoa học công nghệ chất lượng; Những yếu tố nào đánh giá thành công của một cuốn sách, một tủ sách; Làm sao để giới trẻ đón nhận sách một cách hứng thú và quý trọng giá trị mà sách mang lại.

Carl Edward Sagan là nhà thiên văn học, vật lý thiên văn, vũ trụ học, sinh học vũ trụ, tác giả sách, nhà phổ biến khoa học và là nhà phát ngôn khoa học người Mỹ đã từng nói “Khoa học không chỉ là một khối kiến thức, nó còn là cách tư duy”. Đó là cách tư duy chặt chẽ, mọi lý giải hay giả thuyết phải luôn được kiểm nghiệm bằng thực tế. Chỉ khi nào người dân, nhất là giới trẻ, ý thức được rằng khoa học là nguồn tri thức không thể thiếu, thắp sáng con đường đi lên văn minh, mà trong đó sách khoa học là công cụ chủ yếu trang bị tri thức cho chúng ta, thì mới mong đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thông qua chương trình, Ban tổ chức chức hy vọng sẽ thắp lên ngọn lửa tri thức thông qua đọc sách, cổ vũ phát triển văn hóa đọc sôi động trong cả nước, giúp bạn đọc có thật nhiều niềm vui, ý nghĩa, đem lại nhiều giá trị thiết thực cho cuộc sống.

                                                            Nguồn: Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN

 

Sách khoa học giới thiệu trong Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam

Cách thức thương mại hóa các kết quả nghiên cứu là một trong số những tài liệu được giới thiệu tại phong trào đọc sách trong ngành khoa học và công nghệ.

Chia sẻ tại Lễ phát động phong trào đọc sách trong ngành khoa học và công nghệ sáng 12/5, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh việc tìm kiếm, chắt lọc thông tin, kiến thức từ sách trong thế giới "hỗn loạn thông tin như hiện nay" có ý nghĩa quan trọng. Ông cho rằng, ngành xuất bản giống như vai trò liều thuốc chữa trị "ngộ độc thông tin". Với những người làm khoa học, sách là phương tiện cần thiết giúp "nảy sinh được những ý tưởng mới".

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát động phong trào đọc sách sáng 12/5. Ảnh: TTTT

                 Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát động phong trào đọc sách sáng 12/5. Ảnh: TTTT

 

Tại lễ phát động, nhiều cuốn sách mới xuất bản được Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật giới thiệu. Trong đó cuốn "Sổ tay Thương mại hóa" do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) phát hành là tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học… nhanh chóng đưa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh.

Để hỗ trợ Việt Nam tiến đến gần hơn các mục tiêu và cam kết phát triển bền vững, sổ tay này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản với trọng tâm phát triển bền vững, tức là không chỉ hướng đến kết quả kinh tế (lợi nhuận) mà còn tính đến cả yếu tố xã hội (con người) và môi trường. Các nguyên tắc này được mô tả rõ ngay từ bước đầu tiên của tiến trình Thương mại hóa+ và được lồng ghép trong các bước của sổ tay, nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng.

Cuốn "Trí óc vận hành như thế nào?" của tác giả Steven Pinker, dịch giả Võ Quang Phát được giới thiệu, trình bày ý tưởng về cách trí óc con người phát triển và tạo ra những kỳ công mà chúng ta coi như chuyện thường ngày như nói chuyện, đi bộ và kết bạn.

Pinker là một nhà khoa học thần kinh nhận thức chuyên nghiên cứu vấn đề thụ đắc ngôn ngữ ở trẻ em. Ông tiếp cận vấn đề trí óc từ góc độ tâm lý và nhận thức, nhưng cũng lồng ghép kiến thức chuyên môn từ khoa học máy tính, nhân chủng học, sinh học tiến hóa và triết học. Pinker đặc biệt dựa vào thuyết tư duy tính toán và thuyết tiến hóa để giải thích nguồn gốc và chức năng của trí óc.

Cuốn sách đã lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Pulitzer và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học khác.

Sau lễ phát động, Tuần lễ Sách khoa học và công nghệ Việt Nam 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật và Công ty cổ phần sách Alpha Books phối hợp triển khai, sẽ khai mạc ngày 14/5 tại Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp. Tại đây sẽ có các gian hàng giới thiệu sách khoa học theo chủ đề với 50.000 đầu sách của trên 20 Nhà xuất bản, đơn vị xuất bản, phát hành và công ty truyền thông sách tham dự.

Chương trình nhằm kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2022; hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.

 Nguồn : Như Quỳnh – VnExpress

Phần mềm nguồn mở: Trên đường bảo vệ dữ liệu cá nhân

Sự ra đời của GDPR – Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (General Data Protection Regulation) của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016 đã thay đổi to lớn cách xử lý các dữ liệu cá nhân của các công ty công nghệ. Thay vì lạm dụng dữ liệu của những người dùng, các công ty này phải trao cho họ gần như toàn quyền kiểm soát dữ liệu của bản thân mà các công ty thu thập, lưu giữ và xử lý. Nguồn mở có thể là một trong những giải pháp giúp các công ty tuân thủ được các yêu cầu của GDPR và tránh những hình phạt đáng tiếc khi không tuân thủ.

 

GDPR là Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (General Data Protection Regulation) của Liên minh châu Âu (EU). Đây được cho là một trong những quy định toàn diện nhất và tiên tiến nhất trong việc xử lý dữ liệu cá nhân, và đang thay đổi cách các tổ chức thu thập và sử dụng dữ liệu không chỉ ở các nước trong EU mà còn trên toàn thế giới.

Quy định này được mô tả trong một tài liệu 88 trang bao gồm các nguyên tắc và bổn phận phải tuân thủ khi thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của các công dân của Liên minh châu Âu1. Nghị viện châu Âu ban hành GDPR vào tháng 4/2016 và quy định này có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2018. Mặc dù quy định này chỉ áp dụng đối với những việc xử lý dữ liệu liên quan đến các công dân EU nhưng nó đã và đang thay đổi cách vận hành của nhiều công ty công nghệ – vốn là các công ty toàn cầu.

                                 Nguon mo gdpr: Ảnh: Opensource.com

Dữ liệu cá nhân (personal data) trong GDPR được định nghĩa như là bất kỳ thông tin nào liên quan tới thể nhân được nhận dạng hoặc có khả năng nhận dạng được, bao gồm:

* thông tin có thể nhận dạng trực tiếp ai đó, cần hoặc không cần theo ngữ cảnh – đôi khi được gọi là “thông tin có khả năng nhận dạng được cá nhân” (ví dụ, mã số định danh quốc gia như số chứng minh thư, số hộ chiếu; tên; ngày sinh; địa chỉ thư điện tử).

* thông tin có thể gián tiếp nhận dạng được ai đó (ví dụ, tên công việc + công ty – “Giám đốc về Vật tư tại Công ty ABC”).

* thông tin có thể kết nối được tới một cá nhân xác định (ví dụ, các bài post trên mạng xã hội, các chi tiết đơn hàng, các chi tiết ngân hàng, thông tin y tế, các địa chỉ IP…).

GDPR hết sức khắt khe với các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân. Theo đó định nghĩa về “xử lý” bao trùm gần như tất cả các hoạt động, ở bất kì thời điểm nào thực hiện liên quan đến dữ liệu. Điều này bao gồm thu thập, lưu giữ, truyền, xóa dữ liệu cá nhân và thậm chí cả truyền và xem dữ liệu, dù sử dụng hay không sử dụng các công cụ tự động.

Để hạn chế tối đa việc lợi dụng dữ liệu cá nhân. GDPR xác định bảy nguyên tắc chính về xử lý dữ liệu cá nhân. Trong đó, xử lý dữ liệu cá nhân phải hợp pháp, công bằng và minh bạch đối với chủ thể dữ liệu. Dữ liệu cá nhân cũng chỉ được thu thập ở mức tối thiểu, xử lý dữ liệu và lưu trữ dữ liệu trong khoảng thời gian phù hợp với các mục đích hợp pháp mà dữ liệu đó được thu thập. Hơn nữa, các dữ liệu thu thập phải được duy trì chính xác và cập nhật, đồng thời thực hiện mọi bước hợp lý để xóa hoặc sửa dữ liệu không chính xác. Việc xử lý dữ liệu phải đảm bảo tính bảo mật thích hợp. Người kiểm soát dữ liệu cá nhân phải có trách nhiệm giải trình trong việc chứng minh mình tuân thủ tất cả các nguyên tắc trên.

Đặc biệt, GDPR đề cập đến tính mở trong nguyên tắc đối với các tổ chức xử lý dữ liệu cá nhân2. Trong đó, các tổ chức này phải: Mở với mọi người về dữ liệu cá nhân nào họ đang thu thập; Mở với mọi người về cách thức họ sử dụng, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu cá nhân; Mở về các cơ chế trách nhiệm giải trình đối với việc sử dụng sai các dữ liệu cá nhân; Giải thích cho mọi người hiểu cách dữ liệu của họ được thu thập và sử dũng cũng cách thức mà các tổ chức đưa ra quyết định sau khi phân tích và xử lý dữ liệu cá nhân của họ; Kết quả của quá trình thu thập, sử dụng và xử lý dữ liệu cũng cần phải càng mở càng tốt.

Dữ liệu cá nhân và dữ liệu mở là hai khái niệm không loại trừ lẫn nhau. Khi xử lý dữ liệu cá nhân là các dữ liệu mở, phương pháp ẩn danh (Anonymisation) thường được sử dụng để không thể nhận dạng hoặc tái nhận dạng được các thể nhân từ các dữ liệu mở đó. Tuy nhiên, đây không phải là trọng tâm của bài viết này.

Tại sao phần mềm nguồn mở lại phù hợp với các quy định của GDPR?

Phần mềm nguồn mở và mã nguồn mở được định nghĩa là phần mềm với mã nguồn của nó được công khai sẵn sàng, theo cách thức kịp thời và thân thiện với người sử dụng, ở định dạng người và máy đọc được và sửa được, theo một giấy phép mở trao cho những người khác quyền để sử dụng, truy cập, sửa đổi, mở rộng, nghiên cứu học tập, tạo ra các tác phẩm phái sinh và chia sẻ phần mềm đó và mã nguồn, thiết kế và kế hoạch chi tiết của nó. Mã nguồn phải được đưa vào nội dung phát hành phần mềm đó và được lưu trong các kho truy cập mở và giấy phép được chọn phải cho phép các sửa đổi, các tác phẩm phái sinh và chia sẻ theo các điều khoản và điều kiện mở bình đẳng và tương thích.

Bảng 1: 17 dự án nguồn mở sẵn sàng với GDPR cho Doanh nghiệp (ERP, CRM, CMS, CHAT, Đám mây, Phân tích)9

PMNM Magento EspoCRM SuiteCRM Vtiger CRM NextCloud
Giấy phép mở OSL v3, AFLv3 GPLv3 AGPLv3 SUGARCRM PL v1.1.2 AGPLv3
PMNM OwnCloud RocketChat ERPNext Axelor ERP Dolibarr ERP/ CRM
Giấy phép mở AGPLv3 MIT GPL AGPLv3 GPLv3+
PMNM Matomo OWA GrandNode 0 A.D. WordPress
Giấy phép mở AGPLv3 MIT GPLv3 GPLv2 GPLv2+
PMNM Zenario CMS Jahia CMS      
Giấy phép mở BSD GPLv3      

Bảng 2: 5 công cụ phân tích tuân thủ với GDPR là PMNM10

PMNM PostHog Plausible Countly GoAccess Matomo
Giấy phép mở MIT AGPLv3 AGPLv3 MIT AGPLv3

Phần mềm nguồn mở đã trở thành một “bảo chứng” cho tính bảo mật của phần mềm. Đến năm 2022, 97% mã phần mềm thương mại có chứa nguồn mở. Sự hiện diện của thành phần nguồn mở trong một ứng dụng được coi là yêu cầu tối thiểu và bắt buộc đối với bất kì nỗ lực DevSecOps và AppSec nào3. Trong đó, DevSecOps là viết tắt của Phát triển (Development), Bảo mật (Security) và Vận hành (Operation), AppSec (App Security) là các quá trình kiểm soát nguy cơ về bảo mật trong suốt vòng đời của ứng dụng – từ khi thiết kế đến lúc kết thúc một sản phẩm.

Bảo mật dữ liệu, nhất là bảo mật dữ liệu cá nhân, là một trong những vấn đề quan trọng của bảo mật trong DevSecOps và AppSec. Vì rất nhiều ứng dụng được sử dụng để thu thập/phân tích/xử lý dữ liệu cá nhân của các công dân, bảo mật dữ liệu chắc chắn cũng là mối quan tâm của tất cả các bên liên quan tới các dự án Phần mềm nguồn mở trên thế giới, bao gồm cả những người làm chính sách về nó ở tất cả các mức quản lý.

Phần mềm nguồn mở còn là một xu thế tất yếu, là điều kiện tiên quyết để phát triển Khoa học mở – phong trào nhằm giúp cho bất cứ ai có điều kiện kết nối internet đều có thể tiếp cận tri thức một cách bình đẳng, dễ dàng và miễn phí. Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO đã được 193 quốc gia thành viên của nó thông qua vào ngày 23/11/20214, khẳng định Khoa học Mở là xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay. Trong đó, phần mềm nguồn mở và mã nguồn mở là một trong năm thành phần của Kiến thức Khoa học Mở, điều được khuyến nghị cho các quốc gia trên thế giới ưu tiên đầu tư để ứng dụng và phát triển,

Phần mềm nguồn mở còn là một xu thế tất yếu, là điều kiện tiên quyết để phát triển Khoa học mở – phong trào nhằm giúp cho bất cứ ai có điều kiện kết nối internet đều có thể tiếp cận tri thức một cách bình đẳng, dễ dàng và miễn phí.

Mặc dù “phần mềm nguồn mở không tự nhiên bảo mật hơn so với phần mềm nguồn đóng sở hữu độc quyền. GDPR sẽ có tác động lớn tới cộng đồng phần mềm nguồn mở. Để tuân thủ quy định này, những người phát triển – các lập trình viên, hay những người sử dụng phần mềm nguồn mở, đặc biệt là các doanh nghiệp cần phải ý thức và khắc phục các lỗ hổng, rủi ro bảo mật liên quan đến rò rỉ thông tin cá nhân. Trên thực tế một trên 18 thành phần nguồn mở chứa những rủi ro bảo mật và 84% các dự án sử dụng nó không vá lỗi.5

Tuy nhiên, phần mềm nguồn mở có nhiều cơ hội hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe của GDPR, bởi hai bên đều chia sẻ các quan điểm về hợp pháp, công bằng, bình đẳng và tự do. Phần lớn các triết lý mà cộng đồng nguồn mở theo đuổi đều gắn liền với các nguyên tắc cơ bản của GDPR. Nếu phải thu thập dữ liệu cá nhân, đại đa số dự án nguồn mở cũng chỉ giới hạn trong mục đích hợp lí và chỉ ở mức tối thiểu. Mục đích của các dự án nguồn mở là để sửa chữa các lỗi lập trình chứ không phải để thu thập dữ liệu cá nhân. Hơn nữa, mọi dữ liệu cá nhân thu thập được cũng như toàn bộ mã nguồn đều cập nhật và công khai về mục đích của chúng.6

Mặc dù phần mềm nguồn mở không hoàn hảo “nhưng các hệ thống sẵn có để sửa lỗi cho phần mềm nguồn mở được lên kế hoạch, được triển khai, và được phân bổ nhân sự, tốt hơn nhiều” phần mềm nguồn đóng. Vì thế, “nếu bạn phải tin tưởng phần mềm bạn đã không kiểm tra, thì hãy chọn tin tưởng mã nguồn được phơi ra cho nhiều lập trình viên, những người có khả năng độc lập nói ra về các lỗi”7, vì theo Luật Linus, ‘Nhiều con mắt soi vào thì lỗi sẽ cạn’ (given enough eyeballs, all bugs are shallow)8.

Đối với mỗi phần mềm nguồn mở, hay nói chính xác hơn, đối với mỗi dự án phần mềm nguồn mở đúng nghĩa, thuộc sở hữu của cộng đồng dự án phần mềm nguồn mở đó, tất cả các hoạt động phát triển của nó đều là minh bạch sao cho bất kỳ ai cũng có thể soi xét được từng dòng mã lệnh của nó, và vì thế, bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra được mục đích của từng dòng mã lệnh của nó được viết ra để làm gì.

Khác với phần mềm nguồn mở, bản chất của các phần mềm nguồn đóng cùng mã nguồn của nó là thường phụ thuộc vào chỉ một công ty sở hữu độc quyền. Vì vậy, việc sử dụng các phần mềm và mã nguồn đóng là không dễ đưa ra sự minh bạch đủ để tuân thủ “Các nguyên tắc của tính mở đối với các tổ chức xử lý dữ liệu cá nhân” của GDPR như được nêu ở trên. Ví dụ, làm thế nào có thể biết mã nguồn của phần mềm nguồn đóng thực sự không làm những gì được coi là bất hợp pháp đối với các dữ liệu cá nhân, khi không ai có thể nhìn thấy mã nguồn của nó ngoài các lập trình viên của chính công ty phần mềm nguồn đóng đó?

Hiện nay, các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức nhà nước ngày càng có nhu cầu sử dụng các phần mềm, giải pháp phần mềm tuân thủ GDPR để tránh bị phạt, nhiều trong số chúng là các PMNM. Nếu phi phạm GDPR, số tiền phạt là 2% của doanh thu trên toàn cầu của công ty đó, bất kể công ty đó đặt trụ sở ở đâu.

Hơn nữa, việc sử dụng các phần mềm nguồn đóng và mã nguồn đóng, chắc chắn là đi ngược với xu thế không thể đảo ngược của thế giới trong phát triển Khoa học mở của UNESCO mà đã có 193 nước cam kết theo đuổi.□
—-

Nguồn : Báo tia sáng

Chú thích

1EU, 27 April 2016: General Data Protection Regulation: http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX:32016R0679

2Open Data Institute, 2018: Openness principles for organisations handling personal data: https://theodi.org/article/openness-principles-for-organisations-handling-personal-data/. Bản dịch sang tiếng Việt: https://vnfoss.blogspot.com/2018/02/cac-nguyen-tac-cua-tinh-mo-oi-voi-cac.html

3Synopsys: 2022 Open Source Security and Risk Analysis Report: https://www.synopsys.com/content/dam/synopsys/sig-assets/reports/rep-ossra-2022.pdf, p.22

4UNESCO, 2021: UNESCO Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0

5Glyn Moody, 2/5/2018, https://www.linuxjournal.com/content/gdpr-takes-open-source-next-level

6Amye Scavarda Perrin 2021, https://open.mitchellhamline.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1101&context=cybaris

7Seth Kenlon (Red Hat), 09/02/2021: Understanding Linus’s Law for open source security: https://opensource.com/article/21/2/open-source-security. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/phan-mem-tu-do-nguon-mo/hieu-luat-linus-ve-bao-mat-cua-nguon-mo-431.html

8Lê Trung Nghĩa, 2021: Những điều cơ bản về nguồn mở (Phần 1): https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/nhung-dieu-co-ban-ve-nguon-mo-phan-1-448.html, phần C. Mô hình phát triển của phần mềm nguồn mở.

9Hamza Musa, 10/03/2019: 17 GDPR-Ready Open source Projects for the Enterprise (ERP, CRM, CMS, CHAT, Cloud, Analytics): https://medevel.com/gdpr-opensource/

10Posthog: The 5 best GDPR-compliant analytics tools: https://posthog.com/blog/best-gdpr-compliant-analytics-tools

Nitơ trong tự nhiên đang giảm dần

Từ giữa thế kỷ 20, các công trình nghiên cứu đã tập trung thảo luận về những tác động tiêu cực của việc dư thừa nitơ đối với hệ sinh thái trên cạn và dưới nước. Tuy nhiên, bằng chứng mới cho thấy, thế giới đang trải qua một quỹ đạo kép về nitơ sẵn có – nguồn nitơ ở nhiều khu vực đang bị suy giảm đột ngột và rất nhanh.

Trong công bố mới trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm ra nguyên nhân và hậu quả của tình trạng này đối với hệ sinh thái. Rachel Mason, tác giả chính của bài báo và là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Tổng hợp môi trường – xã hội quốc gia Mỹ (SESYNC) cho biết, hiện lượng nitơ trên Trái đất phân bố không đồng đều. Trong thế kỷ qua, hoạt động công nghiệp và nông nghiệp của con người đã khiến tổng nguồn cung nitơ hoạt tính trên toàn cầu tăng gấp đôi. Chúng tập trung ở sông suối, ao hồ và ven biển, đôi khi dẫn đến hiện tượng phú dưỡng, vùng chết thiếu oxy và tảo nở hoa. Những tác động tiêu cực của nitơ dư thừa khiến các nhà khoa học xem xét nitơ như một chất ô nhiễm. Tuy nhiên, CO2 gia tăng và nhiều biến đổi khác trên toàn cầu khiến nhu cầu nitơ của thực vật và vi sinh vật tăng lên. Ở những nơi không dư thừa nitơ đầu vào do con người tạo ra, các ghi chép dài hạn cho thấy lượng nitơ sẵn có trong tự nhiên đang suy giảm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của động thực vật.anh-nito-suy-giam

Là nguyên tố thiết yếu trong protein, nitơ sẵn có đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các loài động thực vật hấp thụ chúng. Nếu thiếu nitơ, thực vật sẽ phát triển chậm hơn, lá cây ít dinh dưỡng hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh sản của các loài côn trùng ăn lá cây, cũng như các loài chim và dơi ăn côn trùng. “Khi lượng nitơ sẵn có trong tự nhiên bị suy giảm, mọi sinh vật sẽ lưu giữ nguyên tố này lâu hơn, làm chậm dòng chảy nitơ từ sinh vật này sang sinh vật khác trong chuỗi thức ăn. Đây là lí do tại sao chúng ta có thể kết luận rằng chu trình nitơ đang bị chậm lại”, Andrew Elmore, tác giả chính của bài báo và là giáo sư sinh thái cảnh quan tại Đại học Maryland và SESYNC, cho biết.

 

Các nhà nghiên cứu đã xem xét những nghiên cứu dài hạn trên toàn cầu và cấp độ khu vực để tìm ra bằng chứng về sự suy giảm nguồn cung nitơ. Chẳng hạn, nguồn nitơ ở các đồng cỏ trung tâm Bắc Mỹ đã bị suy giảm trong một trăm năm qua nên protein trong khẩu phần ăn của gia súc chăn thả ở đây cũng suy giảm theo thời gian. Trong khi đó, nhiều cánh rừng ở Bắc Mỹ và châu Âu đã bị giảm dinh dưỡng ít nhất vài thập kỷ. Sự suy giảm này có thể do nhiều thay đổi về môi trường, một trong số đó là nồng độ CO2 trong khí quyển tăng cao, thậm chí đạt mức lớn nhất trong vòng hàng triệu năm qua. CO2 tăng cao giúp thực vật phát triển màu mỡ hơn, nhưng cũng làm giảm nitơ thực vật, dẫn đến một loạt tác động làm sụt giảm lượng nitơ có sẵn trong tự nhiên. Bên cạnh đó, sự nóng lên toàn cầu và những biến động như cháy rừng cũng có thể làm giảm nguồn cung nitơ theo thời gian. 

Việc suy giảm nguồn cung nitơ sẵn có cũng hạn chế khả năng loại bỏ CO2 khỏi khí quyển của thực vật. Hiện nay, sinh khối thực vật toàn cầu lưu trữ lượng carbon gần như bằng lượng carbon trong khí quyển, và trữ lượng carbon sinh khối tăng lên hằng năm theo mức CO2 tăng lên. Tuy nhiên, sự suy giảm nitơ sẽ hạn chế việc phát triển của thực vật, ảnh hưởng đến sự gia tăng lưu trữ carbon trong thực vật mỗi năm. Do vậy, các mô hình biến đổi khí hậu ước tính lượng carbon lưu trữ trong sinh khối và xu hướng của chúng theo thời gian phải tính đến lượng nitơ sẵn có. 

“Những dấu hiệu rõ ràng về suy giảm nguồn cung nitơ có sẵn ở nhiều nơi là lí do quan trọng để chúng ta nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”, Elmore cho biết. “Những giải pháp quản lý giúp tăng lượng nitơ sẵn có trên diện rộng có thể vẫn còn gây tranh cãi, nhưng rõ ràng là lĩnh vực quan trọng cần được nghiên cứu”. 

Nguồn : Tia sáng – Thanh An dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2022-04-declining-nitrogen-availability-rich-world.html