Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học trong nước theo chuẩn quốc tế

Ngày 15/07/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Tọa đàm “Xây dựng tạp chí khoa học đạt chuẩn Scopus/ACI”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, qua nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước châu Á cho thấy, nhiều tạp chí của các nước ở khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore được đưa vào danh mục WoS (Web of Science)/Scopus. Đáng chú ý, Hàn Quốc có trên 300 tạp chí trong danh mục Scopus (cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học).

Hiện nay, có 32 tạp chí khoa học trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT quản lý (không tính các trường thành viên của đại học vùng). Thời gian qua, Bộ đã hỗ trợ 18 tạp chí để xây dựng kế hoạch đạt chuẩn trong Hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (ACI – Asean Citation Index). Hiện có 2 tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đạt chuẩn Scopus gồm: Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) và Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Trường Đại học Kinh tế quốc dân).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT hy vọng, Tọa đàm là nơi trao đổi kinh nghiệm giữa các tạp chí khoa học đã đạt chuẩn Scopus, ACI, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng của các tạp chí khoa học đạt chuẩn Scopus/ACI.

Các tạp chí khoa học Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức

GS.TS Lê Quốc Hội – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển chia sẻ tại Tọa đàm.

Chia sẻ tại Tọa đàm, GS.TS Lê Quốc Hội – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, tính đến năm 2024 Việt Nam có khoảng 800 tạp chí khoa học. Trong đó chỉ 12 tạp chí được vào hệ thống WoS và Scopus. Tính đến thời điểm hiện tại, ở cấp độ khu vực, trong số 705 tạp chí khoa học được chỉ mục trong hệ thống ACI, Việt Nam mới chỉ có 37 tạp chí. Quá trình gia nhập quốc tế của các tạp chí khoa học Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Văn Thuật – Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, Có thể nói giữa nhu cầu công bố và khả năng đáp ứng của tạp chí trong nước đang bị mất cân bằng nghiêm trọng. Số lượng tạp chí của Việt Nam thuộc Scopus ít hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Tính đến tháng 06/2024, Việt Nam hiện mới chỉ có hơn 10 tạp chí thuộc WoS/Scopus, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (như Indonesia, Singapore, Malaysia…). Trong khi đó, tổng số các bài báo khoa học của Việt Nam đăng tải trên các tạp chí khoa học khoảng 40.000 bài/năm, nhưng có khoảng trên 19.000 bài của Việt Nam gửi đăng các tạp chí WoS /Scopus của nước khác. Số lượng bài đăng này của Việt Nam tương đương trên 71% số bài báo Scopus của Thái Lan, 42% của Malaysia và 33% của Indonesia… Nhưng ngược lại, có rất ít bài báo từ nước ngoài gửi đến các tạp chí khoa học của Việt Nam. Từ đó, PGS.TS Đinh Văn Thuật cho rằng có sự bất cập khi số lượng công bố quốc tế khá nhiều nhưng số lượng tạp chí khoa học đạt chuẩn quốc tế lại quá ít.

Kinh nghiệm từ các tạp chí Scopus

Tại Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – Tổng biên tập Tạp chí Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (Journal of Asian Business and Economic Studies – JABES) của Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận “Kinh nghiệm gia nhập WoS/Scopus: Tình huống Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á”.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á trình bày kinh nghiệm tại Tọa đàm.

Theo đó, JABES tiền thân là Tạp chí Phát triển Kinh tế, là tạp chí khoa học về lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, bao gồm hai phiên bản đều tuân theo thông lệ chung các tạp chí quốc tế: Phiên bản tiếng Việt (JABES-V) và Phiên bản tiếng Anh (JABES-E). Ngày 06/03/2022, sau quá trình nỗ lực bền bỉ, lâu dài, cùng quy trình đăng ký, thẩm định, đánh giá và xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt, JABES chính thức ghi tên vào danh mục Scopus.

Năm 2023, SCImago và cơ sở dữ liệu Scopus đã thống kê xếp hạng các tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục Scopus và JABES được đánh giá thuộc nhóm Q1. Kết quả này một lần nữa khẳng định uy tín học thuật của JABES-E đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Dựa vào tình huống cụ thể của JABES, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ 6 bước quan trọng cần chuẩn bị để được chỉ mục chính thức vào WoS và Scopus.

Đầu tiên, ưu tiên đầu tư phiên bản tiếng Anh, tạp chí hoàn thiện theo thông lệ quốc tế và có bề dày lịch sử ít nhất 10 năm khi đã có uy tín học thuật trong nước. Tiếp đó, tên của tạp chí phải mang tính quốc tế chứ không mang tính tổ chức cụ thể hay quốc gia cụ thể và đảm bảo không trùng với bất kỳ tên tạp chí nào khác.

Tạp chí phải đạt các tiêu chuẩn cốt lõi của WoS và Scopus, đồng thời phải gắn với nền tảng trực tuyến của một nhà xuất bản quốc tế.

Ngoài ra, chất lượng bài viết và độ nhận diện từng bước được nâng lên để đáp ứng các tiêu chí về số lượng và chất lượng. Cuối cùng, cần phân tích hiện trạng tạp chí với các tiêu chí WoS và Scopus đảm bảo vượt ngưỡng yêu cầu và làm hồ sơ đề nghị xét duyệt.

Theo PGS.TS Đinh Văn Thuật, Việt Nam cần có nhiều tạp chí Scopus/WoS để đăng các bài báo trong nước và nước ngoài. Muốn vậy, cần có sự đầu tư mạnh ban đầu về con người chuyên trách, cơ sở vật chất. Đặc biệt là tài chính để duy trì các hoạt động bao gồm cả dịch vụ sử dụng hệ thống biên tập, xuất bản quốc tế mà một số tổ chức quốc tế đang độc quyền trong nhiều năm nay. Hoạt động của tạp chí khoa học trong nước hiện nay không thể có đủ nguồn thu cho các chi phí cần thiết.

GS.TS Lê Quốc Hội cho rằng, việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học để gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế đã trở thành yêu cầu bức thiết hiện nay. Để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam, cũng như ngày càng có nhiều tạp chí vào danh mục WoS, Scopus và ACI, đã đến lúc các nhà quản lý các tạp chí khoa học của Việt Nam cần làm việc nghiêm túc và xác định đúng lộ trình, bước đi và giải pháp cụ thể theo các tiêu chí hệ thống bình duyệt quốc tế. Đây là việc làm cần nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng khoa học để Việt Nam sớm có nhiều tạp chí đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, việc phát triển các tạp chí khoa học trong nước hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng. Để sau này, các nhà khoa học có thể đăng bài trên các tạp chí khoa học trong nước nhưng mang chất lượng và chuẩn mực của quốc tế. Theo Thứ trưởng, những công việc trên không thể chậm trễ bởi các tạp chí trong nước hoàn toàn có tiềm năng và khả năng thực hiện. Cách đây hơn 10 năm chúng ta chưa tự tin trong việc công bố bài báo quốc tế nhưng bây giờ chúng ta đã tự tin. Tương tự, các tạp chí khoa học bây giờ có thể tự tin vào các danh mục tạp chí quốc tế uy tín.

PT