Nguồn nhân lực bán dẫn: Không thể đạt hiệu quả cao nếu thực hiện đơn lẻ

Do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ.

Nguồn nhân lực bán dẫn: Không thể đạt hiệu quả cao nếu thực hiện đơn lẻ- Ảnh 1.

PGS.TS Hồ Xuân Năng: Bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn và đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam – Ảnh: VGP/NN

Ngày 4/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Sự kiện do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona của Hoa Kỳ, tổ chức, thu hút sự quan tâm, tham gia của giới chuyên gia, các tổ chức, cá nhân lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước.

Hội thảo đã đặt ra những vấn đề quan trọng về nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như: tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kĩ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030; chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường đại học đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học hàng đầu thế giới…

Tại hội thảo, PGS.TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa cho biết, bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn và đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam, để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bán dẫn.

Việt Nam có các điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn với hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, sự quan tâm và quyết liệt của Chính phủ, cụ thể thông qua việc ban hành các chính sách và hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực.

Ông Năng cho rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ. Theo đó, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa 3 “Nhà” là các cơ quan nhà nước – các viện, trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành, là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.

Ông Hồ Xuân Năng chia sẻ, hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, Phenikaa chính thức tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam bằng việc đầu tư mang tầm chiến lược gồm: Thành lập công ty Bán dẫn Phenikaa (S-Phenikaa) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và các dịch vụ liên quan đến vi mạch; thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo nguồn nhân lực vi mạch theo mô hình (upskill) dựa trên nhu cầu của khách hàng.

“Mục tiêu đến năm 2030, Phenikaa sẽ đào tạo ra tối thiểu 8.000 kĩ sư thiết kế chip và 12.000 kĩ sư theo mô hình Upskill, công nhân bậc cao trong các nhà máy lắp ráp, kiểm thử, đóng gói, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến cần bổ sung của ngành” – ông Năng nhấn mạnh.

Nguồn nhân lực bán dẫn: Không thể đạt hiệu quả cao nếu thực hiện đơn lẻ- Ảnh 7.

Nhiều ký kết hợp tác về ngành công nghiệp bán dẫn diễn ra tại Hội thảo – Ảnh: VGP/NN

Ra mắt Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường đại học đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học hàng đầu thế giới; cách thức để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng….

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Phenikaa với các trường đại học: Arizona State University-Hoa Kỳ, Chang Gung University Đài Loan (Trung Quốc), các công ty Synopsys, SiCADA, Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holding… nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực tại Việt Nam và các quốc gia phát triển.

Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA cũng chính thức ra mắt tại hội thảo. Liên minh này được thành lập bởi Trường Đại học Phenikaa và TP. Đà Nẵng theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Liên minh sẽ tối ưu mọi nguồn lực hiện có theo hướng chia sẻ tài nguyên, áp dụng mô hình quản trị đào tạo hiện đại, đào tạo nâng cao kĩ năng với các chứng chỉ được giới công nghiệp chấp nhận, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao cho thị trường trong nước và nước ngoài.

Phương Liên – baochinhphu.vn

Đào tạo Chương trình phát triển nhân tài công nghệ

Ngày 03/05/2024, Tổ hợp Samsung Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) chính thức triển khai đào tạo Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ (Samsung Innovation Campus – SIC) năm học 2023-2024 tại NIC cở sở Hòa Lạc. Đây là hoạt động nằm trong Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các dự án giáo dục và phát triển công nghệ cao cho thế hệ trẻ Việt Nam giữa Samsung Việt Nam và NIC đã được ký kết vào tháng 10/2023.

Dự án nhằm bồi dưỡng nhân tài công nghệ, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới, là kết quả cụ thể, hiện thực hóa chủ trương, tầm nhìn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đưa NIC trở thành nơi hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Lễ khai giảng Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ (SIC) năm học 2023-2024 (ảnh: MPI).

Phát biểu tại Lễ khai giảng Chương trình SIC 2023-2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Tập đoàn Samsung trong việc chung tay cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung NIC và các bộ, ngành liên quan phát triển năng lực đổi mới sáng tạo và công nghệ cao cho thế hệ trẻ Việt Nam. Sự hợp tác giữa Samsung và NIC là phù hợp, đúng trọng tâm và góp phần bồi dưỡng, phát triển thế hệ trẻ thành các nhân tài tương lai trong các lĩnh vực then chốt của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chương trình SIC 2023-2024 triển khai tại NIC Hòa Lạc năm nay, Samsung Việt Nam sẽ phối hợp cùng NIC triển khai 02 lớp đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), 02 lớp đào tạo về internet vạn vật kết nối (IoT) và 02 lớp đào tạo về dữ liệu lớn (Big Data) dành cho khoảng 200 sinh viên đến từ một số trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học FPT. Thời gian các khóa học dự kiến diễn ra từ tháng 5/2024 đến tháng 8/2024 tại phòng học “SIC Lab” đặt tại NIC Hòa Lạc.

Đại diện của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Samsung và các học viên của Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ (SIC) năm học 2023-2024 chụp ảnh kỷ niệm (ảnh: MPI).

Các khóa học trong Chương trình SIC được thiết kế trên nền tảng giáo dục kết hợp giữa kỹ năng công nghệ cốt lõi trong tương lai với các kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc trong thực tiễn. Các nội dung đào tạo này được lựa chọn thông qua việc thực hiện khảo sát phân tầng theo các xu hướng phát triển trong các ngành công nghiệp ở từng khu vực khác nhau, kết hợp với nhu cầu tuyển dụng tại các công ty lớn. Cùng với các kiến thức chuyên môn, Chương trình còn cung cấp cho các học viên những nội dung liên quan đến kỹ năng hướng nghiệp. Đặc biệt, các học viên tham gia Chương trình SIC tại NIC Hoà Lạc cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn miễn phí. Bên cạnh đó, các học viên cũng có cơ hội gặp gỡ các kỹ sư làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung để có thêm định hướng nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin trong tương lai. Các học viên có thành tích xuất sắc sau khi tham gia Chương trình sẽ có cơ hội thực tập và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Việt Nam.

Học viên khi kết thúc khóa học và đạt kết quả theo yêu cầu của Chương trình sẽ nhận được Chứng nhận hoàn thành khóa học SIC, cũng như có cơ hội tham gia nhiều hoạt động có giá trị khác như Cuộc thi sáng tạo khoa học và công nghệ (Innovation Tech Challenge), cuộc thi nhằm tạo ra sân chơi giúp các học viên được áp dụng kiến thức, kỹ năng đã được học trong Chương trình SIC vào thực tế.

SIC là chương trình giáo dục công nghệ thông tin toàn cầu dành cho giới trẻ. Dự án nuôi dưỡng các tài năng trẻ có các kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách cung cấp cho họ các kỹ năng cốt lõi cần thiết để phát triển trong tương lai. Chương trình ra mắt chính thức trên toàn cầu vào năm 2019. Đây là một trong những chương trình trách nhiệm xã hội tiêu biểu của Samsung và đã mở rộng tới 36 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới như Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Singapore, Malaysia, Thái Lan… Tại Việt Nam, chương trình cũng được triển khai từ năm 2019. Sau gần 05 năm triển khai, chương trình đã cung cấp các khóa học như: AI, Big Data, IoT cho gần 6.500 giảng viên và học viên đến từ hơn 40 cơ sở giáo dục (bao gồm các cấp THCS, THPT, cao đẳng, đại học).

VH

Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành xuất bản

Với sự phát triển nhanh cùng đường lối chỉ đạo đúng đắn, TS Vũ Thùy Dương tin vào tương lai rộng mở của nền xuất bản Việt Nam.

Cùng sự phát triển ngày càng nhanh, hiện đại cùng cơ hội việc làm tiềm năng, xuất bản đang trở thành một trong những ngành học hấp dẫn, được nhiều học sinh sinh viên quan tâm, theo học.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông hàng đầu cả nước, cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành xuất bản những năm qua – đang ghi nhận sự thay đổi này.

Sức hút của ngành xuất bản

TS Vũ Thùy Dương – trưởng khoa Xuất bản tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cho biết trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký vào ngành Xuất bản luôn lọt top cao của nhóm ngành báo chí truyền thông tại Học viện.

“Qua các mùa tuyển sinh, tôi nhận thấy rất nhiều thí sinh quan tâm đến ngành xuất bản”, bà nói với Tri thức – Znews.

TS Vũ Thùy Dương nhận định môi trường làm việc trong ngành xuất bản ngày nay cũng năng động hơn, đón nhận những ý tưởng làm sách mới lạ, độc đáo của các bạn trẻ.

Về mặt thu nhập, dù chưa cao so với ngành truyền thông, song đối với những bạn trẻ dám xông pha, đổi mới sáng tạo, bà cho rằng họ sẽ nhận được mức thu nhập tương xứng với sức lao động.

suc hut nganh xuat ban anh 1

TS Vũ Thùy Dương (áo đen) tin vào tiềm năng phát triển của ngành xuất bản. Ảnh: Fanpage Khoa Xuất bản HVBCTT.

Trưởng khoa Xuất bản của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng tin vào sự phát triển của ngành xuất bản, rằng trong tương lai, đây vẫn sẽ là ngành trụ cột tạo dựng nền tảng tri thức cho xã hội.

“Trong thời gian tới, với sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về hoạt động xuất bản, khái niệm ‘tập đoàn xuất bản’ sẽ có thể hình thành và xuất hiện ở Việt Nam”, bà nhận xét.

Đào tạo nhân lực chất lượng cho ngành xuất bản

TS Vũ Thùy Dương cho biết để đáp ứng được các yêu cầu của ngành xuất bản hiện nay, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần trang bị thêm về ngoại ngữ, công nghệ và các kỹ năng mềm.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chương trình đào tạo ngày càng được cải tiến sát với yêu cầu thực tiễn, nội dung cập nhật, có tính ứng dụng cao, tăng cường thực hành gắn với sử dụng công nghệ.

Bà Vũ Thùy Dương cho biết Học viện đã và đang định hướng đổi mới chương trình đào tạo cử nhân ngành xuất bản theo cách tiếp cận CDIO. Theo đó, Học viện đã thực hiện các hoạt động: khảo sát các bên có liên quan, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để xây dựng chuẩn đầu ra chi tiết và chương trình đào tạo tích hợp đáp ứng các chuẩn đầu ra.

Học viện cũng liên tục có sự điều chỉnh, bổ sung chương trình bậc đại học và cao học cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành.

Trong đợt điều chỉnh năm 2024, Học viện đã xây dựng và thống nhất các môn học phần khối kiến thức ngành, kiến thức cơ sở ngành với nhóm báo chí – truyền thông. Điều này tạo nên sự liên thông của chương trình đào tạo xuất bản với chương trình đào tạo nhóm ngành báo chí – truyền thông, tăng cường kiến thức cho sinh viên nhằm đáp ứng sự rộng mở đầu ra việc làm.

suc hut nganh xuat ban anh 2

Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cập nhật chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhân sự của thị trường. Ảnh: Fanpage Khoa Xuất bản HVBCTT.

Hiện, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang đào tạo 2 chuyên ngành đại học: Biên tập xuất bản và Xuất bản điện tử.

Đối với các học phần chuyên ngành Biên tập xuất bản đều tăng cường số giờ học thực hành kỹ năng nghiệp vụ như biên tập bản thảo các loại sách chuyên ngành, kỹ năng trình bày minh họa sách và các xuất bản phẩm, các kỹ năng khai thác tổ chức bản thảo…

Một số môn học mới được đưa vào chương trình như Biên tập sách truyện tranh, Biên tập sách kinh tế, Quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động xuất bản, Tổ chức sự kiện xuất bản, Đồ họa xuất bản, Sản xuất video clip cho xuất bản phầm, Kỹ năng viết cho truyền thông xuất bản…

Bà Vũ Thùy Dương cũng cho biết trong tất cả khối kiến thức (kiến thức đại cương, kiến thức ngành, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành) đều được thiết kế những học phần bắt buộc và tự chọn. Từ phần kiến thức cơ sở ngành các môn học tự chọn được thiết kế thành các modul để sinh viên có thể lựa chọn học các học phần theo ý muốn và khả năng học tập, từ đó hướng đầu ra cho sinh viên sẽ rộng hơn.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể có những vị trí, việc làm thích hợp trong ngành Xuất bản theo khả năng như nhân viên kinh doanh xuất bản, nhân viên truyền thông xuất bản chứ không nhất thiết chỉ làm biên tập viên.

Nguồn: Znews.vn

Các nhà sách phát triển thế nào trong thời đại thương mại điện tử?

Thương mại điện tử nở rộ không triệt tiêu hoạt động của các chuỗi nhà sách, mà hai kênh online – offline bổ trợ lẫn nhau, theo chia sẻ của đại diện một chuỗi nhà sách lớn.

Trong bối cảnh thương mại điện tử nở rộ, các nhà sách vật lý cũng không ngoại lệ khi phải cạnh tranh với các kênh bán sách trực tuyến và các hình thức kinh doanh cập nhật như bán hàng qua livestream. Tuy nhiên, đại diện chuỗi nhà sách FAHASA khẳng định rằng thương mại điện tử không triệt tiêu mà ngược lại, bổ trợ cho hoạt động kinh doanh của các chi nhánh nhà sách.

Tập trung vào trải nghiệm khách hàng

Vinabook.com ra đời vào năm 2004 cũng là cột mốc đánh dấu hình thức mua bán trực tuyến tham gia vào ngành hàng kinh doanh sách của Việt Nam. Kể từ đó, ngành sách chứng kiến sự góp mặt và phát triển của Tiki, rồi đến các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,… và gần đây nhất là TikTok shop. Nhiều đơn vị xuất bản, phát hành cũng có mặt trên các nền tảng này.

Nhìn vào các độc giả canh chừng săn khuyến mãi lớn vào các dịp như ngày đôi, ngày 15, ngày 25 hàng tháng, người ta dễ lầm tưởng rằng hình thức mua sách tại chỗ truyền thống hiện khó mà tồn tại và cạnh tranh với thương mại điện tử. Song tình hình hoàn toàn trái ngược khi nhìn vào chuỗi nhà sách lớn FAHASA (tên viết tắt của Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM).

nha sach anh 1

Ông Phạm Nam Thắng – Tổng giám đốc FAHASA. Ảnh: NVCC.

Ông Phạm Nam Thắng – Tổng giám đốc FAHASA – chia sẻ: “Các kênh bán online thường thu hút được đối tượng là các bạn trẻ, vốn rất nhạy về giá. Tuy nhiên, điều thu hút độc giả, khách hàng không chỉ có giá tốt”. Theo đó, FAHASA rất chú trọng vào trải nghiệm khách hàng. Mỗi nhà sách đều được đầu tư về vị trí, không gian, hàng hóa có số lượng phong phú và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng.

Hiện khoảng 45-50% doanh thu ở FAHASA đến từ ngành hàng khác, bên cạnh sách quốc văn chiếm 25-30% và sách ngoại văn chiếm 25%. Do đó việc bố trí các sản phẩm này cùng với sách là một yếu tố được quan tâm đặc biệt. Tại các nhà sách các sản phẩm liên quan thường đặt gần các đầu sách phù hợp theo từng chủ đề để khách hàng thuận tiện đối chiếu, tham khảo. Một ví dụ là sản phẩm giáo dục trẻ nhỏ, phục vụ mục đích dạy học tại nhà thường được đặt gần các kệ sách về nuôi dạy con cái, bổ túc kiến thức phụ huynh.

Ngoài ra, trong các năm gần đây 17 trong tổng số 120 nhà sách FAHASA trên cả nước đã đưa vào hoạt động mô hình nhà sách thông minh ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng. Một số điểm mới tại các nhà sách thông minh này là: app định vị hàng hóa giúp khách hàng có thể nhanh chóng tìm được sản phẩm (mô hình tiên tiến này đang được áp dụng tại các nhà sách lớn trên thế giới nhằm tiết giảm tối đa thời gian mua sắm của khách hàng), cây thanh toán tự động cho phép khách hàng thanh toán qua thẻ bằng cách quét mã sản phẩm.

Chuỗi nhà sách ADC cũng ghi nhận mức doanh thu kỷ lục hơn 400 tỷ đồng trong năm 2023 và tiếp tục mở rộng trong năm 2024. Chia sẻ với Tri thức – Znews, Giám đốc Trung tâm Sách và Thiết bị Giáo dục ADCBook Kiều Anh Tuấn cho biết phương châm của công ty là “bán hàng là phục vụ”, cũng là điểm khiến nhà sách này duy trì hoạt động và cạnh tranh được trong bối cảnh thương mại điện tử hiện nay.

Hợp tác chặt chẽ với các đơn vị xuất bản

Một yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh nhà sách là các đơn vị phát hành này phải làm việc sâu sát với các đơn vị xuất bản sách và cung ứng các sản phẩm giáo dục, giải trí, lưu niệm liên quan.

Dựa trên tình hình doanh thu các dòng sách của mình, FAHASA cũng nhận xét, nắm bắt được xu hướng chuyển dịch trong ngành sách và nhu cầu của độc giả. Đơn cử trong nửa năm qua dòng sách dán hình cho trẻ em thu hút chú ý và nhờ thông tin này, nhiều đơn vị xuất bản đã vào cuộc sản xuất so với chỉ 1-2 đơn vị ban đầu. Hoặc sau khi dịch Covid-19 qua đi thì các dòng sách tâm linh, chữa lành bán chạy, nhu cầu về sách ngoại văn tăng cao và đa dạng ngoại ngữ hơn…

Nhận định rằng vi phạm sách giả, sách lậu tràn lan trên các kênh bán online và nhất là mạng xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phát hành sách nói riêng và ngành xuất bản nói chung, ông Thắng cho biết FAHASA gặp một số khó khăn khi làm việc về vấn đề này với các sàn thương mại điện tử vì quy trình xử lý chưa được tối ưu hóa. Riêng về mạng xã hội, theo ông đây dường như là nơi các đối tượng vi phạm hoành hành mà không được kiểm soát.

Cũng như nhiều nhà phát hành, xuất bản khác, ông Thắng kỳ vọng vào các chế tài chặt chẽ hơn trong tương lai nhằm bảo vệ các đơn vị kinh doanh chân chính, cũng là bảo vệ nền xuất bản. Về nội bộ, FAHASA hướng đến làm việc với các đơn vị uy tín và kỹ lưỡng, chủ động trong khâu vận chuyển, kiểm kê hàng hóa.

Nguồn: Znews.vn

Cuốn sách đầu tiên trên thế giới nói không với AI

Theo Einnews, cuốn sách đầu tiên trên thế giới dán tem “No-AI”, xác thực sự sáng tạo của con người, có thể là một hướng đi thay đổi ngành xuất bản toàn cầu.

Tác phẩm The Undead của tác giả người Anh RR Haywood đã được xuất bản với một logo nhỏ in dòng chữ “NO-AI”, từ viết tắt của “Naturally Original- Authentically Invented” (tạm dịch Tác phẩm gốc được sáng tạo thực sự).

Một công cụ đơn giản nhưng hữu ích

Khi mua sách, độc giả cũng được nhận kèm một văn bản bảo đảm về nội dung và cung cấp hỗ trợ nếu tác phẩm bị phát hiện do trí tuệ nhân tạo (AI) thực hiện.

tu xuat ban anh 1

Logo “No-AI”: Ảnh: Tyler Morning Telegragh.

Văn bản ghi rõ: “Cuốn sách này do Richard Haywood viết ra và không sử dụng bất kỳ máy móc hay trí tuệ nhân tạo nào. Tuyên bố này là lời đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý và tính xác thực, đồng thời có thể được sử dụng để xác định người sáng tạo thực sự của tác phẩm trong trường hợp có bất kỳ nghi ngờ nào phát sinh”.

Haywood, một trong những tác giả tự xuất bản sách ăn khách nhất nước Anh, đã tạo ra logo nà với hy vọng ngăn điều ông mô tả là cơn lũ tác phẩm “AI” đang càn quét trên Amazon.

Năm ngoái, Amazon cho biết họ đang “tích cực theo dõi sự phát triển nhanh chóng của AI và tác động của công nghệ này đối với việc đọc, viết và xuất bản”. Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ cũng đã công bố một quy định mới hạn chế số lượng sách các tác giả có thể tự xuất bản trên Kindle Direct Publishing (KDP) ở mức 3 cuốn/ngày. KDP là nền tảng giúp tác giả tự xuất bản sách và đăng bán trên trang Amazon.

Nhưng đối với Haywood, tác giả đã bán được hơn 4 triệu cuốn sách trên toàn thế giới, tất cả đều “do tôi và chỉ do tôi viết”, Amazon đang dần bị những nhà văn tương lai muốn kiếm tiền từ AI “lạm dụng”.

tu xuat ban anh 2

Cuốn sách đã được xuất bàn kèm logo. Ảnh: Einnews.

Do tính chất của công nghệ AI tổng quát, như ChatGPT là cho phép mọi người đều có thể sử dụng và không có công cụ phân định rõ những nội dung nào được AI hay con người tạo ra, nên gần như không thể có được con số thống kê đầy đủ về số lượng sách do AI tạo ra đang được bán trên Internet hiện nay. Tuy nhiên, Haywood tin rằng con số này có thể lên tới 100.000 tác phẩm trên toàn thế giới.

Không chỉ sử dụng logo “No-AI” cho tác phẩm của mình, Haywood cũng đăng logo này trên trang web của mình và cho phép công chúng tải xuống miễn phí. Từ đó, các tác giả và nhà xuất bản khác có thể sử dụng.

‘Vấn nạn’ sử dụng AI trong sáng tác

Haywood, một cựu cảnh sát, cũng đang thúc giục ngành xuất bản sử dụng logo này rộng rãi hơn nhằm xây dựng “sự minh bạch hợp pháp” trong giao dịch sách trực tuyến.

Ông nói, logo xác thực chính thức này sẽ giúp người tiêu dùng rõ ràng hơn khi lựa chọn nên tiếp cận tác phẩm do AI hay do con người tạo ra. Hiện tại, bằng cách không tiết lộ nội dung do nào là do AI tạo ra, nhiều nhà sáng tạo đang cố tình đánh lừa người tiêu dùng và hành vi đó có thể vi phạm pháp luật.

tu xuat ban anh 3

Tác giả người Anh RR Haywood nổi tiếng với loạt tiểu thuyết The Undead. Ảnh: Einnews.

Tại Vương quốc Anh, những tuyên bố sai sự thật hoặc gian lận nhằm xúi giục người dùng mua một sản phẩm nào đó là bất hợp pháp, theo Đạo luật chống xuyên tạc. Những điều luật tương tự cũng được áp dụng trên phạm vi quốc tế.

Ông Haywood thông tin với The European: “Ngành công nghiệp xuất bản hợp pháp, bao gồm các nền tảng như KDP của Amazon, đang bị tấn công có chủ ý bởi những kẻ tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng thông qua việc khai thác lỗ hổng của hệ thống hiện tại. Việc sử dụng AI để sản xuất hàng loạt nội dung chất lượng thấp đang gia tăng nhanh chóng, làm mờ ranh giới giữa tính xác thực và tính giả tạo, đồng thời khiến người tiêu dùng ngày càng khó phân biệt”.

“Mục đích của tôi là thúc đẩy tính minh bạch hợp pháp bằng cách tạo nên một khuôn khổ đơn giản, phù hợp với tương lai và mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn. Mặc dù một số người có thể chấp nhận nội dung do AI tạo ra, logo “No-AI” sẽ giúp những người đang tìm kiếm tài liệu chất lượng do các tác giả con người tạo ra yên tâm hơn”, nhà văn này khẳng định.

“Nếu không dùng logo này, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các tác giả và nhà xuất bản phải đối mặt với làn sóng kiện tụng dân sự không thể tránh khỏi, không chỉ theo luật của Vương quốc Anh mà còn là luật pháp trên toàn thế giới. Chắc chắn là những cuốn sách do AI tạo ra, một phần hoặc toàn bộ, cần phải công bố trước pháp luật. Bằng cách che giấu điều này, người tiêu dùng đang bị lừa mua hàng với lý do sai trái”, ông Haywood nói thêm.

Thiếu cơ chế ngăn chặn sử dụng AI sai trái

Hiện nay, Chat GPT và nhiều phần mềm AI khác có thể tạo ra một cuốn sách hoàn chỉnh từ các yêu cầu cơ bản trong vài phút. Các công cụ tổng hợp khác cũng giúp người dùng tạo bìa và tác phẩm nghệ thuật chỉ bằng một nút bấm và họ không cần có kinh nghiệm trước đó. Trên nhiều nền tảng như YouTube, TikTok và Reddit, không thiếu video và bài đăng hướng dẫn và cho thấy việc tạo ra một cuốn sách và tự xuất bản trên Amazon trong cùng một ngày nhanh chóng và dễ dàng như thế nào.

Trong khi chưa có cơ chế xác định Chat GPT là tác giả hoặc đồng tác giả của những tác phẩm này, hiện cũng không có cách nào để Amazon xác định một cách đáng tin cậy tác giả nào là “con người”’ và tác giả nào “không phải con người”. Trong khi có một số phần mềm phát hiện AI nhưng độ chính xác của chúng không phải là 100%.

Theo Haywood, người đã tự xuất bản 40 đầu sách trên Amazon, hàng chục nghìn người tiêu dùng có khả năng đang bị lừa mua sách do AI tạo ra mà không hề hay biết.

Theo ông, cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng này là các tác giả phải “bảo vệ lợi ích của chính họ” và đảm bảo tính xác thực cho sự sáng tạo của chính họ.

Nguồn: Znews.vn – Minh Hoa.

‘Việt Nam muốn trở thành hub toàn cầu về nhân lực bán dẫn’

Hub nhân lực toàn cầu được coi như “thỏi nam châm” thu hút đầu tư, nghiên cứu các công đoạn chuỗi giá trị chip bán dẫn tại Việt Nam vì vậy việc đào tạo đáp ứng nhu cầu là cần thiết.

Thông tin được nêu tại hội nghị “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Mỹ) tổ chức sáng 4/5.

Tại sự kiện Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, ngành bán dẫn đặc thù là sự phức tạp của sản phẩm, đòi hỏi sự đầu tư lớn về sản xuất. Lĩnh vực này cũng yêu cầu cao về trình độ lao động, kích thước, hiệu năng xử lý quyết định năng lực cạnh tranh của sản phẩm và ưu thế của các nhà sản xuất. Phó thủ tướng nhận định nhân lực đóng vai trò quyết định trong cuộc đua ngành bán dẫn.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị sáng 4/5. Ảnh: BTC

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị sáng 4/5. Ảnh: BTC

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những bước đi của chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn là xây dựng để Việt Nam trở thành trung tâm (hub) nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. Từ hub nhân lực này sẽ tiến tới xây dựng công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Ông ví von, hub nhân lực như thỏi nam châm thu hút đầu tư nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn tại Việt Nam. Hub nhân lực toàn cầu sẽ bao gồm cả người làm việc trong công đoạn gia công, xuất khẩu lao động về công nghiệp bán dẫn.

Theo ông Hùng, Việt Nam phải có khả năng đáp ứng nhanh về nhu cầu lao động, nhân lực được nâng cao kỹ năng, nhân lực STEM… “Nhân lực là lõi để dựng nên ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sau này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Việt Nam hiện có 600.000 – 700.000 kỹ sư công nghệ thông tin, phần mềm, điện tử. Nếu đào tạo lại trong 6 – 12 tháng, số nhân lực này có thể sẵn sàng cho công nghiệp bán dẫn. Để làm được việc này, ông Hùng cho rằng Việt Nam cần giáo viên, người hướng dẫn, cơ sở vật chất, giáo trình và chú trọng hợp tác giữa doanh nghiệp bán dẫn và đại học. Ngoài ra cần sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất tại các cơ sở đào tạo.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về nhân lực bán dẫn tại hội nghị, sáng 4/5. Ảnh: BTC

Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về nhân lực bán dẫn tại hội nghị, sáng 4/5. Ảnh: BTC

Tại hội nghị, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa cho biết, tập đoàn chính thức tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam bằng việc Thành lập công ty Bán dẫn Phenikaa (S-Phenikaa) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và các dịch vụ liên quan đến vi mạch; Thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo nguồn nhân lực vi mạch theo mô hình (upskill) dựa trên nhu cầu của khách hàng. Trung tâm có tổng mức đầu tư ban đầu là 265 tỷ đồng. Mục tiêu tới năm 2030, đơn vị này đào tạo tối thiểu 8.000 kỹ sư thiết kế chip và 12.000 kỹ sư, kỹ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế trong các nhà máy lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến của ngành.

Trường Đại học Phenikaa cũng đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy từ năm 2024-2025 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất các dòng chip thông minh, tiên tiến, hiệu quả cao, ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống.

Tại Việt Nam hiện có Đại học Quốc gia Hà Nội, TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội… đã đầu tư, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc đào tạo nhân lực vi mạch, bán dẫn.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự vào cuộc của Phenikaa, các trường đại học, địa phương… khi tham gia vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với các hành động hiện thực hóa mục tiêu.

Chính phủ đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn là bài toán mấu chốt. Ông cho biết đồng hành cùng cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, Chính phủ cam kết tạo môi trường kinh doanh và học thuật thuận lợi để khuyến khích sự đổi mới, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn.

Phó thủ tướng lưu ý, trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn cần có dự báo, đánh giá rõ nhu cầu thị trường trong mỗi công đoạn để tham gia vào lĩnh vực này.

Trước đó tại hội thảo “Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam” tổ chức hôm 17/4, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có định hướng hàng năm về nghiên cứu khoa học, công nghệ liên quan đến lĩnh vực này. “Vi mạch bán dẫn chưa có trong danh mục chương trình quốc gia, nhưng hiện diện trong nhiều lĩnh vực như vật lý, vật liệu công nghệ ưu tiên”, ông nói và cho biết Bộ sẽ ưu tiên đặt đề bài nghiên cứu cấp quốc gia, cấp Bộ về vi mạch bán dẫn. Đây là hướng để các trường đại học tạo điều kiện cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh có hỗ trợ tham gia nghiên cứu.

Ngoài ra Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) sẽ bổ sung vi mạch bán dẫn vào lĩnh vực ưu tiên. “Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ bằng nhiều hình thức, trong đó có ưu tiên đề tài”, Thứ trưởng Thái nói thêm trong chương trình của Quỹ Nafosted những năm tiếp theo sẽ ưu tiên hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ.

Vĩnh Hà.

Những vấn đề y học hiện đại đang phớt lờ

Theo GS Robert H. Lustig (Viện Chính sách Y tế tại Đại học California, Mỹ), y học hiện đại đang gặp phải 5 vấn đề lớn.

chua ung thu anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Mouser Electronics.

Các học giả và bác sĩ lâm sàng tin tưởng việc đầu tư vào các lĩnh vực và công nghệ “y học cá nhân hóa” giúp “chữa lành” những người được chẩn đoán mắc ung thư, tim mạch hoặc các bệnh thần kinh cuối cùng sẽ mang lại thành tựu lâu dài tốt đẹp hơn, so với việc tập trung vào những biện pháp sức khỏe cộng đồng. Nhưng kết luận này sai lầm cả ở cấp độ cá nhân lẫn xã hội. Sau đây là lý do vì sao chúng ta cần phải suy xét lại về y học hiện đại, với ví dụ là bệnh ung thư.

Đầu tiên, bạn hãy tự hỏi điều nào sau đây tốt hơn. Mắc ung thư rồi được chữa khỏi hay không hề mắc ung thư? Thực tế chỉ có 33% số người điều trị ung thư thực sự được “chữa khỏi” (Với thời gian sống không bệnh là 5 năm) và chỉ 7% trong số họ không mắc thêm loại ung thư nào khác trong vòng 20 năm sau đó.

Thứ hai, những thành tựu hiếm hoi trong việc chữa trị ung thư luôn đi kèm một hóa đơn đắt đỏ. Trong hai thập kỷ qua, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ đã chi hơn 60 tỷ USD cho việc nghiên cứu và điều trị căn bệnh này. Hầu hết thuốc điều trị ung thư được tung ra trong 10 năm qua đều có giá cao hơn 100.000 đô/bệnh nhân cho một năm điều trị. Thậm chí liệu pháp tế bào CAR-T cá nhân hóa mới ra đời còn có giá dao động từ 300.000-500.000 đô một năm.

Thứ ba, những người ủng hộ y học hiện đại thường lập luận rằng việc đầu tư cho mục tiêu chữa khỏi các bệnh mạn tính (như ung thư) sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn nguyên nhân gây bệnh. Nhưng tôi không chắc về điều đó lắm.

Trong trường hợp bệnh ung thư, vẫn tồn tại một cuộc tranh cãi trên quy mô lớn về việc ung thư là do di truyền hay môi trường gây ra, hay nó thực ra là bệnh về chuyển hóa, một phụ phẩm của quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng?

Tương tự, đối với bệnh Alzheimer, trong thập kỷ qua, chúng ta đã “đốt” 2,3 tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu và hơn 100 loại thuốc đã được đưa vào thử nghiệm rồi loại bỏ, thế nhưng khả năng tìm ra nguyên nhân gây Alzheimer vẫn chỉ xấp xỉ khả năng đưa được loài người lên Hỏa tinh.

Thứ tư, người ta mong đợi rằng các thế hệ sau sẽ được hưởng lợi từ những tiến bộ lớn trong y học hiện đại, tức là họ kỳ vọng rằng chúng ta sẽ có năng lực ngày càng tốt hơn trong việc chẩn đoán và thấu hiểu hơn nguyên nhân đằng sau một số bệnh mạn tính. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn trái ngược. Hiện chỉ có 13% số người Mỹ ở độ tuổi 54 cho biết mình có sức khỏe tuyệt hảo, trong khi giai đoạn từ năm 1988-1994, con số này là 32%. Mặc dù hiện nay số người thực sự tử vong do nhồi máu cơ tim có vẻ ít đi, nhưng số người từng bị nhồi máu cơ tim ít nhất một lần lại gia tăng.

Thứ năm, hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta đứng trước nguy cơ vỡ trận vì số người cần được điều trị tăng lên và tỷ lệ dân số mắc cùng lúc nhiều bệnh mạn tính cũng tăng lên, do việc điều trị thường không chữa dứt điểm bệnh (nghĩa là không giải quyết được căn bệnh đó vĩnh viễn). Vào năm 1980, 30% dân số Mỹ, tức khoảng 52 triệu người, mắc ít nhất một bệnh mạn tính. Ngày nay, con số đó là 60%, tương ứng 145 triệu người. Trung bình những bệnh nhân này sẽ phải bỏ ra số tiền nhiều gấp 14 lần cho các dịch vụ y tế so với những người không mắc bệnh mạn tính.

Nguồn: Znews.vn

Tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam – Trung Quốc

Triển khai “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã tổ chức Khóa họp lần thứ 11 Ủy ban hỗn hợp hợp tác KH&CN Việt Nam – Trung Quốc (Khóa họp) vào ngày 24/4/2024.

Sau hơn 15 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc hiện nay đang ở mức cao nhất trong lịch sử, quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác giữa hai nước đã có bước phát triển lớn, đặc biệt chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam (12/2023) đã tăng cường lòng tin chính trị, thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển ổn định.
Cùng với những bước tiến trong quan hệ ngoại giao, hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) Việt Nam – Trung Quốc cũng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hợp tác thực chất sâu sắc hơn.
Từ Khóa họp lần thứ 10 (năm 2018) đến nay, hai bên đã ủng hộ một số dự án hợp tác xuất sắc, phát huy được tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thực chất về KH&CN và các ngành sản xuất của hai nước. Bên cạnh đó, hai bên đã tích cực thúc đẩy hoạt động giao lưu nhà khoa học trẻ Việt Nam – Trung Quốc thông qua “Chương trình Thanh niên xuất sắc quốc tế”, tổ chức hội thảo kết nối hợp tác chuyển giao công nghệ… Bên cạnh những kết quả hợp tác nổi bật nêu trên, hai bên còn triển khai tích cực và hiệu quả trong các lĩnh vực như: năng lượng nguyên tử, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ.
Khóa họp lần thứ 11 Ủy ban hỗn hợp hợp tác KH&CN Việt Nam – Trung Quốc.
Tiếp nối những kết quả đạt được từ Khóa họp lần thứ 10, tại Khóa họp lần thứ 11, hai bên đã cùng nhìn lại chặng đường hợp tác KH&CN hai nước trong thời gian qua và đề ra phương hướng, biện pháp tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước về KH,CN&ĐMST, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng khoa học hai nước, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trên mọi lĩnh vực.
Một số định hướng chính được hai bên thống nhất thúc đẩy trong thời gian tới: (1) Tăng cường hợp tác về KH,CN&ĐMST, nhằm tạo động lực về KH&CN cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc mang ý nghĩa chiến lược; (2) Tiếp tục triển khai các hoạt động giao lưu nhà khoa học trẻ, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa các tổ chức khoa học công nghệ, cùng tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn và các hoạt động khác; (3) Tiếp tục tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc; (4) Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, tự động hóa, nông nghiệp xanh, năng lượng và năng lượng sạch, y dược y tế, phòng chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, nguồn nước.
Hai bên đã ký kết Biên bản Khóa họp lần thứ 11 và dự kiến Khóa họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp hợp tác KH&CN Việt Nam – Trung Quốc sẽ diễn ra vào năm 2026 tại Việt Nam.
Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Sinh viên Việt Nam đứng đầu bảng cuộc thi an ninh mạng quốc tế

Các đội đến từ Việt Nam giành kết quả cao tại vòng sơ khảo cuộc thi an ninh mạng HackTheon Sejong do Hàn Quốc tổ chức.

Logo cuộc thi an toàn thông tin mạng HackTheon Sejong. Ảnh: Cục ATTT.

Theo lời mời của Đại sứ quán Hàn Quốc, Cục An toàn thông tin (ATTT) đã phối hợp, cử các đội đến từ một số trường đại học của Việt Nam tham dự cuộc thi an toàn thông tin HackTheon Sejong lần thứ 3, tổ chức tại thành phố tự trị đặc biệt Sejong (Hàn Quốc).

Cuộc thi dành cho sinh viên đại học trong và ngoài Hàn Quốc, hình thức thi giải quyết vấn đề dạng CTF – Jeopardy. Vòng sơ khảo diễn ra ngày 27/4 theo hình thức online, vòng chung kết dự kiến tổ chức vào 19/6 tại Hàn Quốc.

Theo Daejeonpress, vòng sơ khảo năm nay ghi nhận 1.352 thí sinh thuộc 393 đội (58 đội tại bảng nâng cao, 335 đội cơ bản), đến từ 171 trường đại học tại 25 quốc gia. Ngoài Việt Nam, một số trường ở Mỹ, Trung Quốc, Malaysia và Singapore cũng cử sinh viên tham dự cuộc thi.

Cuoc thi HackTheon Sejong anh 1

Danh sách 40 đội lọt vào vòng chung kết cuộc thi. Ảnh: Cục ATTT.

Kết thúc vòng sơ khảo, các đội từ Việt Nam đã đạt kết quả cao. Tại bảng cơ bản (beginner), đội 0range (đến từ Học viện Kỹ thuật Mật mã) giành vị trí nhất bảng. Một số đội khác của Việt Nam gồm Temot (đứng thứ 4), UET.Ch1lL (thứ 7)…

Tại bảng thi nâng cao (advanced), đội Ripe Rice (Học viện Kỹ thuật Mật mã) giành vị trí thứ 6, xếp ngay sau là đội WeebPwn cũng đến từ Việt Nam (thứ 7) và UET.SilverWolf (thứ 9).

Một số đội đến từ Đại học Duy Tân, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) hay Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), các đại diện từ Ấn Độ, Hàn Quốc hay Singapore cũng có mặt trong bảng xếp hạng.

Theo ban tổ chức, 20 đội dẫn đầu mỗi bảng lọt vào vòng chung kết, dự kiến tổ chức vào ngày 19/6 ở Trung tâm hội nghị khu phức hợp Chính phủ Sejong.

Tại vòng chung kết, đội vô địch bảng nâng cao sẽ nhận giải thưởng tương đương 7.376 USD, bảng cơ bản là 1.475 USD. Ban tổ chức cũng trao 2 giải xuất sắc và 4 giải khuyến khích cho mỗi bảng đấu.

Năm 2023, các đội Việt Nam tham dự một số cuộc thi an ninh mạng quốc tế cũng đạt thành tích cao, bao gồm VCS (giải nhất Pwn2Own Toronto 2023 tại Canada), Nu_RobinHust (giải nhì Cyber SEA Game 2023).

Tại cuộc thi ASEAN Cyber Shield, Trường Đại học CNTT – Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Duy Tân giành lần lượt giải nhất, nhì bảng chuyên gia, còn Đại học Bách khoa Hà Nội đạt giải nhất bảng sinh viên.

Theo Cục ATTT, thành tích cao của các đội thi khẳng định chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin của Việt Nam. Từ đó, dần hình thành thế hệ sinh viên an toàn thông chất lượng rất cao, tự tin khi ra đấu trường quốc tế, đánh dấu bước phát triển mới trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin tại Việt Nam.

Nguồn: Phúc Thịnh – Znews.vn

Sách khoa học cho thiếu nhi: Cách làm mới kích thích khám phá

Bên cạnh mảng sách văn học, kỹ năng sống, hiện sách khoa học dành cho thiếu nhi đang được nhiều đơn vị xuất bản chú trọng thực hiện.

Những người làm xuất bản đã có cách làm mới, biến kiến thức khoa học vốn khô khan thành câu chuyện hấp dẫn, thú vị, kích thích sự khám phá của các em nhỏ.

Gần đây, nhiều ấn phẩm thú vị về mảng sách này ra đời, được các em nhỏ đón nhận tích cực.

Sach thieu nhi anh 1

Các em nhỏ tìm đọc sách tại Phố sách Hà Nội.Ảnh: Việt Nga

Cách thể hiện hấp dẫn

Bộ truyện tranh “Zookiz và Trường Khoa học bí ẩn” của Nhà Xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt 3 tập đầu, đã trở thành một trong những ấn phẩm bán chạy gần đây.

Với lợi thế từ những nhân vật quen thuộc trên nhiều nền tảng mạng xã hội và các ấn phẩm khác như thỏ Kiki láu lỉnh, gấu Bongbong ham ăn, hổ chó Alex hay càu nhàu, chuột cảnh Ppuyo ngốc nghếch, lười Nana điệu đà, chó xù Pang ham vui, nhóm tác giả Zookiz phát triển thành một chuỗi truyện tranh dài kỳ thuộc chủ đề khoa học, dành riêng cho các bạn nhỏ Việt Nam từ 8 đến 13 tuổi.

Hai tác giả nổi tiếng của Hàn Quốc Jae Hoon Choi và Myeong Seon Lee đã tham khảo các bộ sách giáo khoa của Việt Nam, khảo sát ở nhiều địa danh để có chất liệu sáng tác. Trong Zookiz và Trường Khoa học bí ẩn, những kiến thức khoa học được đưa vào cốt truyện mới lạ, bối cảnh quen thuộc, hình vẽ dí dỏm, tươi vui.

Cùng với bộ sách trên, Nhà Xuất bản Kim Đồng cũng ra mắt độc giả bộ truyện tranh Thưởng thức triết học của nhóm tác giả Brigitte Labbé, Jacques Azam, Michel Puech, gồm 12 cuốn. Những kiến thức triết học như: Quyền và nghĩa vụ, Chiến tranh và hòa bình, Sự sống và cái chết, Thể xác và tâm trí, Tôn trọng và coi thường… được thể hiện bằng những câu chuyện, tình huống quen thuộc của cuộc sống nên không hề khô khan, “xoắn não”, thậm chí khiến người đọc mọi lứa tuổi có thể bật cười.

Với hướng viết để “học lý – hóa không buồn ngủ”, 2 cuốn sách: Sợ gì môn Lý, Ngại gì môn Hóa của tác giả Tom Whipple (viết lời), James Davies (minh họa), được thương hiệu sách khoa học Einstein House liên kết với Nhà Xuất bản Thế giới dịch và xuất bản, đã thu hút được đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi. 2 cuốn sách được cho là mang đến “tất tần tật những kiến thức cần thiết cho môn lý và hóa” với phong cách viết và minh họa hài hước phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.

Ngoài ra còn có nhiều bộ sách, truyện khoa học cho trẻ em nằm trong danh mục bán chạy gần đây như: Horrible Science (Kiến thức hấp dẫn) của Nhà Xuất bản Trẻ; Kể chuyện khoa học của Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam; Em biết gì của Nhà Xuất bản Kim Đồng; Cuốn sách khổng lồ về các thí nghiệm khoa học của Đinh Tị Books…

Cần thêm nhiều sách của tác giả Việt

Ở các mảng sách dành cho thiếu nhi, nếu như sách văn học bồi đắp tâm hồn, hướng đến chân – thiện – mỹ; sách kỹ năng sống trang bị kiến thức để các em ứng xử thì sách khoa học giúp các em nâng cao tri thức, hiểu biết về các hiện tượng trong cuộc sống.

Theo Trưởng ban Sách khoa học (Nhà Xuất bản Kim Đồng) Hoàng Thanh Thủy, hiện nay trên thị trường, sách văn học, sách kỹ năng và sách khoa học dành cho thiếu nhi có lượng bán ra khá cân bằng, nhưng doanh thu của sách khoa học vượt trội hơn. Các bộ sách, cuốn sách khoa học cho thiếu nhi được đầu tư in ấn chất lượng, hấp dẫn hơn để mang lại trải nghiệm tốt cho độc giả.

Tác giả bộ truyện Zookiz và Trường Khoa học bí ẩn Myeong Seon Lee chia sẻ, sau khi khảo sát để làm sách ở Việt Nam, nhóm tác giả nhận thấy rằng, nếu trẻ em gắn bó với khoa học từ nhỏ thì sẽ giúp ích nhiều cho tương lai. Nhưng các bạn nhỏ thường khó tiếp cận ngay những kiến thức khoa học khô khan, vì vậy, nhóm tác giả đã thực hiện bộ truyện tranh lấy chính bối cảnh Việt Nam để các em thấy thú vị.

Thích thú đọc bộ sách khoa học xuất bản gần đây, em Nguyễn Thụy Phan, học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Nhiều điều thắc mắc, khó hiểu trong môn khoa học ở trường được lý giải trong những cuốn sách này rất hấp dẫn, giúp em dễ nhớ”.

Tuy nhiên, nhìn vào thị trường sách khoa học cho thiếu nhi, có thể thấy hầu hết là sách dịch của nước ngoài, sách của tác giả Việt còn ít. Tác giả của bộ sách tranh song ngữ Kể chuyện khoa học (Sci-Tales) dành cho các em nhỏ 3-10 tuổi, Hoàng Anh Đức chia sẻ, trẻ em độ tuổi này rất tò mò, ham khám phá, thường xuyên đặt câu hỏi về các sự vật, sự việc xung quanh. Nếu các phụ huynh kiên trì trả lời, giải thích các thắc mắc ấy sẽ giúp não bộ của trẻ phát triển. Nhưng không phải thắc mắc nào phụ huynh cũng dễ dàng lý giải. Vì vậy, tác giả đã thực hiện bộ sách khoa học cho trẻ em với minh họa ngộ nghĩnh, để vừa cung cấp kiến thức cho trẻ, vừa tạo sự gần gũi giữa cha mẹ và con cái khi cùng đọc sách.

Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết, một trong những mảng sách trọng điểm được đơn vị phát triển thời gian này là sách khoa học. Nhà xuất bản cũng tìm kiếm và khuyến khích các tác giả Việt viết về mảng sách này.

Nguồn: Znews.vn