Ngày 12/05/2024, Trường Đại học Cần Thơ đã đăng cai tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI – SV Startup 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại sự kiện.
SV Startup 2024 là một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ các hoạt động triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. SV Startup 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ. Mục tiêu của SV Startup 2024 là khuyến khích sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học và phổ thông trong tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự phát triển toàn diện của quốc gia trong giai đoạn chuyển đổi số. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích sáng tạo, vận dụng kỹ năng công nghệ vào khởi nghiệp, đồng thời cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Trong khuôn khổ của SV Startup 2024, 700 ý tưởng và dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã được tuyển chọn để tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đoan Khôi – Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung vào nghiên cứu cơ bản, hình thành các nhóm nghiên cứu trẻ, nhóm nghiên cứu mạnh; đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu cơ bản, tăng kinh phí hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ.
Ngày 10/5/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đã chủ trì buổi làm việc giữa Bộ KH&CN với hai trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi về hiện trạng, nhu cầu thực tiễn về nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay. Theo đó, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) Ngô Thị Phương Lan cho biết, hiện nay công tác giáo dục của ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV còn gặp một số khó khăn như khó cạnh tranh theo cơ chế đấu thầu; các ngành đào tạo khoa học cơ bản ít người học với cơ chế học phí tự chủ; khó duy trì đào tạo các ngành khoa học cơ bản theo tiêu chuẩn về đội ngũ… Hiệu trưởng Ngô Thị Phương Lan đề xuất, các nhiệm vụ khoa học cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV cần đi vào chiều sâu, không bị ràng buộc bởi thời gian, tiêu chí chung; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng đội ngũ chuyên gia chất lượng cao và tâm huyết với các ngành khoa học cơ bản đặc thù của KHXH&NV…
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu KHXH&NV, hài hòa giữa các bài báo công bố quốc tế và quốc gia; đồng thời mong muốn có cơ chế, định hướng lâu dài cho lực lượng nghiên cứu KHXH&NV trong bối cảnh hiện nay.
Đại diện hai trường Đại học KHXH&NV phát biểu tại buổi làm việc.
Đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là trong lĩnh vực KHXH&NV; đưa ra định hướng phát triển một số ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực KHXH&NV như tập trung hỗ trợ, đào tạo các nhà khoa học trẻ; thúc đẩy hội nhập tạp chí và các công bố trong nước ngang tầm quốc tế…
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN phát biểu tại buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh ngày nay, cần tập trung vào nghiên cứu cơ bản, hình thành các nhóm nghiên cứu trẻ, nhóm nghiên cứu mạnh; đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nghiên cứu cơ bản, tăng kinh phí hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ. Qua đó, đặt mục tiêu trong 10 năm nữa sẽ có các nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó có lĩnh vực KHXH&NV.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu chỉ đạo buổi làm việc.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với hai trường Đại học trong việc hỗ trợ định hướng lâu dài cho phát triển một số ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực KHXH&NV; hai trường cần thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia vào các chương trình nghiên cứu của Bộ.
“Tăng cường ưu tiên đầu tư cho các đề tài, chương trình ở địa phương và các cơ sở đào tạo nghiên cứu địa phương thực hiện; tạo cơ chế để các bên có thể thường xuyên trao đổi các định hướng và kết quả nghiên cứu; cân bằng giữa các bài báo trong nước và quốc tế; ưu tiên hỗ trợ tạp chí trong nước nâng tầm, đạt chuẩn quốc tế…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
GS.TS Nguyễn Ngọc Minh nhìn nhận việc được trao giải thưởng là động lực để các nhà khoa học nghĩ đến việc cải thiện công bố, góp phần tăng chất lượng nghiên cứu khoa học.
GS Nguyễn Ngọc Minh (45 tuổi), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội từng được giải Tạ Quang Bửu năm 2016 vinh danh với “nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ”. “Tôi xem như một mốc son trong sự nghiệp, nhờ đó có thêm động lực cống hiến trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học”, giáo sư trẻ nhất năm 2022 nói với VnExpress.
GS Minh đánh giá giải Tạ Quang Bửu đặc biệt uy tín và có tính lan tỏa trong cộng đồng khoa học. Giải thưởng trao tặng cho các nhà khoa học có đóng góp cho lĩnh vực khoa học dựa trên việc đánh giá chất lượng công bố quốc tế. Do đó, ngoài việc mang ý nghĩa khích lệ to lớn đối với những người làm nghiên cứu, giải thưởng “còn là động lực để các nhà khoa học nghĩ đến việc cải thiện và nâng cao chất lượng các công bố của mình”, anh nói.
Nói về mùa giải 2024, GS Minh cho hay dịch bệnh, thiên tai và ô nhiễm môi trường là những vấn đề nổi cộm trong vài năm trở lại đây. “Tôi kỳ vọng có một công trình hay một cụm công trình về những vấn đề này được trao giải năm nay”. Anh cũng đề xuất và mong muốn giải thưởng sẽ được duy trì dài hạn; cơ cấu giải thưởng phù hợp hơn, đồng thời được trao cho các công trình gắn với bối cảnh và những vấn đề thực tế ở Việt Nam.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 hiện đã tiếp nhận 97 hồ sơ, gồm 76 hồ sơ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, 21 hồ sơ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Về cơ cấu giải, có tối đa năm giải thưởng chính, nhưng không quá ba giải ở mỗi lĩnh vực, cùng với đó là ba giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi).
Thông tin từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), Hội đồng xét tặng giải thưởng sẽ đánh giá các cá nhân được đề cử thông qua tối đa ba công trình nghiên cứu trong bảy năm, mở rộng so với một công trình duy nhất trong 5 năm theo quy định cũ. Điều này nhằm mang tới cơ hội ngang bằng giữa nhóm nhà khoa học trẻ và nhóm nhà khoa học kỳ cựu. Dù có thay đổi trong quy chế (gồm lĩnh vực và tiêu chuẩn xét tặng), giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 vẫn xoay quanh mục tiêu vừa tôn vinh, vừa khích lệ các nhà khoa học. Bên cạnh việc chọn ra đề tài xuất sắc, hội đồng sẽ xét tới cả những nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nỗ lực vượt qua các rào cản để giúp nền khoa học Việt Nam hội nhập thế giới.
Được tổ chức từ năm 2013, Giải thưởng mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu – một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam. Sau 10 năm tổ chức, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trao 18 giải chính và 4 giải cho nhà khoa học trẻ. Riêng năm 2021, không có nhà khoa học nào được nhận Giải thưởng này. Năm 2022, Hội đồng xét tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu không trao giải dành cho nhà khoa học trẻ.
Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 sẽ được tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội, trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ. Chương trình được phát trực tiếp trên VnExpress.
Tỉnh Gia Lai đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các nhiệm vụ, đề tài nhằm nghiên cứu cơ sở khoa học phục hồi và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng khộp.
Thông tin được nêu tại buổi làm việc của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt với UBND tỉnh Gia Lai, ngày 8/5. Buổi làm việc nhằm trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các biện pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai, đưa ra giải pháp phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Ông Trương Hải Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thông qua chương trình ký kết, huyện Kông Chro nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ trong khai thác đề tài, đề án, công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Ông nhìn nhận, Gia Lai là tỉnh gắn với nông nghiệp, do đó triển khai các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ từ ứng dụng, nghiên cứu, chuyển giao đều hướng tới hỗ trợ người dân trong canh tác, trồng trọt, chế biến.
Lãnh đạo tỉnh mong muốn ứng dụng khoa học để tạo khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt trong thời điểm biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra. Một trong nhiệm vụ được đề xuất là nghiên cứu cơ sở khoa học phục hồi và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng khộp tại Gia Lai.
Tại Việt Nam, hàng nghìn hecta rừng khộp tự nhiên – kiểu rừng thưa cây lá rộng đặc trưng chỉ có ở các tỉnh Tây Nguyên, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội, góp phần duy trì cân bằng sinh thái. Hệ sinh thái khộp là nơi cư trú của nhiều loài thú lớn như voi, bò rừng, bò tót, nhiều loài chim quý như công, gà lôi.
Theo báo cáo nghiên cứu từ Tổng cục Lâm nghiệp và Trường Đại học Lâm nghiệp, những năm qua hệ sinh thái rừng khộp khai thác chưa hợp lý và khoa học gây suy giảm mạnh về diện tích. Vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2015-2020, diện tích rừng khộp năm 2020 ở mức 305.651,69 ha, giảm so với năm 2015 là 355.223,52 ha. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai giảm mạnh nhất với tổng diện tích giảm lần lượt là 15.642,12 ha và 33.572,30 ha. Bình quân hàng năm ở hai tỉnh này giảm 3.100 – 6.700 ha/năm. Bên cạnh đó hiểu biết về điều kiện sinh thái, xã hội của hệ sinh thái rừng khộp ở Tây Nguyên vẫn còn hạn chế dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng khộp chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài nhiệm vụ phục hồi rừng khộp, Gia Lai cũng đưa ra đề xuất khác như khai quật, nghiên cứu, tư vấn bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê, Triển khai các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc chương trình quốc gia, nâng cao năng lực và tiềm lực địa phương.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai Nguyễn Nam Hải cho hay, giai đoạn 2020-2024, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh giúp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực như cà phê, hạt điều, mắc ca, hồ tiêu, rau quả. Ngành khoa học công nghệ cũng triển khai thực hiện 41 nhiệm vụ, hầu hết theo cơ chế đề xuất đặt hàng và có cam kết ứng dụng, nhân rộng kết quả.
Tỉnh Gia Lai hiện có 1.516 nhãn hiệu có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó có 693 nhãn hiệu đã có văn bằng bảo hộ, 3 chỉ dẫn địa lý, 5 sáng chế, 2 giải pháp hữu ích, 27 kiểu dáng công nghiệp.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, đánh giá cao kết quả tỉnh Gia Lai đạt được. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục bám sát, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nội hàm về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư kinh phí, nhân lực khoa học công nghệ, phấn đấu đạt tỷ lệ đầu tư hơn 1,5% tiệm cận dần đến 2% ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ trong tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng cũng mong muốn lãnh đạo Gia Lai tập trung các nguồn lực triển khai định hướng nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi; dược liệu; nông nghiệp thông minh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, ứng dụng chuyển giao công nghệ nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Ông cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ địa phương đề xuất, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Hỗ trợ các địa phương trong tìm kiếm công nghệ, chuyển giao công nghệ, tư vấn công nghệ.
Ngày 08/05/2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nam Định trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành KH&CN (1964-2024) và Ngày KH&CN Việt Nam (18/5). Tại buổi Lễ, Sở KH&CN Nam Định vinh dự được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Tại Lễ kỷ niệm, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, người lao động ngành KH&CN qua các thời kỳ và đội ngũ trí thức Nam Định đã cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành KH&CN Nam Định đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Sở KH&CN đã đề xuất, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và Chính phủ về KH&CN; tham mưu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ KH&CN. Ngành KH&CN Nam Định đã có những đổi mới cơ bản, toàn diện trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, qua đó khơi dậy và khuyến khích các tiềm năng sáng tạo, xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN có trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực, ngành nghề, sát với yêu cầu thực tiễn của sản xuất và đời sống xã hội, gắn với nhu cầu của thị trường; chú trọng đến giá trị ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm KH&CN. Sở KH&CN đang triển khai nhiều hoạt động phát triển thị trường công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của tỉnh; cùng với đó là các giải pháp thu hút các nguồn lực tri thức, các nguồn lực hỗ trợ phát triển KH&CN, KNĐMST…
Sở Khoa học và Công nghệ nhận Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Sở KH&CN đã tham mưu tỉnh tổ chức thành công các sự kiện lớn, quy mô quốc gia về KH&CN như: Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng 2023, Vòng chung kết Robocon Việt Nam 2023… Hoạt động KH&CN thời gian qua đã tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước hình thành thị trường công nghệ, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Với nỗ lực, cố gắng không ngừng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Sở KH&CN vinh dự được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Cờ Thi đua xuất sắc, Bằng khen về những thành tích đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Nam Định.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài đã chúc mừng, biểu dương, ghi nhận những kết quả, thành tích; những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KH&CN đã đạt được, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và ngành KH&CN đất nước. Đồng thời nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định KH&CN là quốc sách hàng đầu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược và động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý KH&CN, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững, thời gian tới ngành KH&CN cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và phương thức thực hiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và các lĩnh vực công tác được giao; đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và các chủ thể của hệ sinh thái KNĐMST. Chủ động tham mưu cho tỉnh thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về KH&CN và Chiến lược quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và thị trường công nghệ, lấy doanh nghiệp và các nhóm trí thức trẻ làm trung tâm của hệ sinh thái KNĐMST. Đổi mới cơ chế quản lý đối với các nhiệm vụ KH&CN, thực hiện cơ chế đặt hàng nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ KH&CN mang tính định lượng gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng và phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN và phát triển hệ sinh thái KNĐMST. Nâng cao hoạt động quản lý, thẩm định công nghệ, tổ chức thực hiện theo đúng quy định để ngăn chặn tình trạng sử dụng các công nghệ lạc hậu, công nghệ cấm chuyển giao và hệ thống thiết bị máy móc lỗi thời, lạc hậu trong các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Với bề dày truyền thống và thành tích vẻ vang trong suốt 60 năm qua, cùng với nhiệt huyết đổi mới, khát vọng vươn lên và sự năng động sáng tạo, ngành KH&CN tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực quyết tâm chung sức đồng lòng, xây dựng ngành ngày một phát triển vững mạnh, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần sớm đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh cùng cộng sự tổng hợp thành công vật liệu mới mang thuốc, có khả năng tiêu diệt 75% tế bào ung thư bàng quang.
GS Mai Thanh và cộng sự tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tạo ra vật liệu composite mới từ các hạt nano oxit sắt siêu thuận từ (SPIONs) và hydroxyapatit (HAp). Nhờ khả năng tăng nhiệt từ tính và dẫn thuốc được, vật liệu khi mang thuốc chống ung thư 5-FU có thể tiêu diệt các tế bào ung thư bàng quang.
Vật liệu được gọi là “lai siêu thuận từ” gồm lõi SPIONs và bao bọc bởi HAp với các lỗ xốp được mang thuốc bằng phương pháp hấp phụ. Chúng được sử dụng như vật liệu nền để cố định các loại thuốc chống ung thư sẽ được giải phóng cục bộ. Khi kết hợp với đồng (Cu) và 5-FU rồi đưa vào cơ thể, dưới tác dụng của từ trường ngoài, các hạt nano SPIONs sẽ tăng nhiệt từ tính, vật liệu nhả thuốc điều trị và tiêu diệt tế bào ung thư.
GS Đinh Thị Mai Thanh, 50 tuổi, cho hay thành công của nghiên cứu ở chỗ chứng minh được tác dụng hiệp đồng của kỹ thuật tăng thân nhiệt từ tính, kết hợp với các tác nhân chống ung thư trong việc phá hủy các tế bào ung thư. “Sự kết hợp của SPIONs với các tác nhân chống ung thư mang lại hiệu quả hiệp lực lớn hơn trên các tế bào ung thư thay vì chỉ điều trị hóa trị”, GS Thanh nói với VnExpress. Vật liệu có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư lên tới 75%.
Vật liệu lai siêu thuận từ là thành công nối dài trong hành trình nghiên cứu công nghệ mới tiên tiến để tìm ra vật liệu mới ứng dụng trong y khoa của GS Đinh Thị Mai Thanh. Ngay từ năm 2010, nhóm theo đuổi nghiên cứu tạo ra vật liệu trên nền vật liệu y sinh truyền thống với ưu điểm có khả năng tương thích sinh học HAp, dạng bột dùng làm thực phẩm bổ sung canxi, dạng màng HAp phủ trên các hợp kim y sinh làm nẹp vít và tạo composite với poly axit lactic (PLA) để làm nẹp tự tiêu. Đến năm 2020, ý tưởng về tạo composite bằng việc kết hợp HAp và nano oxit siêu thuận từ SPIONs nảy ra trong quá trình nghiên cứu và trao đổi với các đối tác Ba Lan.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu tổng hợp hạt nano siêu thuận từ, sau đó tổng hợp HAp bao bọc lên SPION rồi đem hấp phụ thuốc ung thư. Nhược điểm của nano oxit sắt siêu thuận từ là dễ bị kết tụ, khó đi vào cơ thể, nhưng khi kết hợp với HAp để tạo composite lại có khả năng dẫn truyền tốt hơn.
Nhóm nghiên cứu thử nghiệm trên tế bào bằng phương pháp xét nghiệm đo màu, kiểm tra khả năng nhả thuốc, tỉ lệ tế bào sống và chết. Kết quả cho thấy tỷ lệ tiêu diệt tế bào ung thư đạt tới 75% sau 2.000 giây dưới tác dụng của từ trường ngoài với nhiệt độ tăng lên 45 độ C. Các hạt nano SPIONs được ứng dụng trong điều trị ngay cả đối với các tế bào khối u kháng hóa trị và kháng xạ.
Hiện nhóm nghiên cứu tiếp tục phối hợp với Ba Lan để thực hiện nghiên cứu sâu trên động vật, thử trên dòng thuốc điều trị các loại ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư gan theo cơ chế này.
Theo GS Thanh, nghiên cứu điều trị ung thư tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó đến từ quy trình rất nghiêm ngặt trong nghiên cứu từ thử nghiệm trên động vật, lâm sàng, rồi trên người và qua hội đồng y đức sản phẩm mới có thể đưa vào sử dụng. “Đây là khó khăn cho các nhà khoa học nghiên cứu theo hướng ứng dụng y sinh, chưa kể chi phí ở các giai đoạn sau khá đắt đỏ, đặc biệt là chi phí thử nghiệm trên động vật và người”, bà cho hay.
Với chuyên môn về hóa học, GS Mai Thanh có nhiều năm theo đuổi các nghiên cứu về vật liệu mới. Trước đây bà các nghiên cứu của bà xoay quanh chế tạo điện cực chì dioxit trên nền kim loại titan ứng dụng làm cực dương trong ắc quy chì dùng trong xe máy, ôtô. Từ năm 2010, GS Thanh tập trung phát triển vật liệu ứng dụng trong y sinh HAp, gồm chế tạo bột, màng và composite, bên cạnh đó vật liệu HAp dạng bột còn ứng dụng trong xử lý môi trường như nước thải từ các bãi rác chứa rác thải điện tử, thu hồi ion kim loại, nhất kim loại đất hiếm.
Nói về hành trình nghiên cứu, bà cho hay các định hướng chuyên môn được hình thành và phát triển trong quá trình làm nghiên cứu và trao đổi với các đối tác, đồng thời phù hợp với vấn đề đặt ra của Việt Nam. “Công nghệ mới đặt đầu bài gần như không có, chủ yếu kiên trì theo đuổi hướng nghiên cứu và kết hợp với các nhóm cùng phát triển”, GS Thanh nói và cho hay ngành y sinh cần có sự tham gia liên ngành từ khoa học vật liệu, hóa học đến công nghệ sinh học. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm nghiên cứu từ cơ bản sang ứng dụng có khi mất cả cuộc đời. Do đó bà cho rằng trước tiên phải phát triển nghiên cứu cơ bản để định hướng, khi đã phát triển tốt sẽ là cơ sở tiến tới ứng dụng.
Quản lý nhà nước về khoa học công nghệ có phạm vi rộng, chuyên ngành phức tạp, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu cán bộ thanh tra cần có kiến thức chuyên sâu.
Thông tin được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nói tại Hội nghị thanh tra khoa học và công nghệ toàn quốc năm 2024 tổ chức tại Gia Lai từ ngày 8 đến ngày 10/5.
Hội nghị thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ được tổ chức trong bối cảnh Nghị định 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có hiệu lực thi hành từ 1/3.
Thứ trưởng Duy cho biết trách nhiệm của thanh tra là phòng hơn xử lý. Công tác thanh tra cần tăng cường nhằm giúp các đơn vị phát hiện hạn chế, thiếu sót để có biện pháp khắc phục sớm không để lại hậu quả.
Theo ông, phạm vi quản lý nhà nước về khoa học công nghệ khá rộng, mang tính chuyên ngành nên phức tạp với đa dạng các lĩnh vực như tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; nghiên cứu khoa học… Điều này đòi hỏi cán bộ thanh tra cần kiến thức chuyên sâu, đặt ra nhiều yêu cầu khó khăn hơn, thách thức hơn cho hoạt động thanh tra trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Thứ trưởng Duy chia sẻ, bối cảnh phát triển và hội nhập, các vấn đề phát sinh liên quan đến tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều. Cách thức, phương thức phân biệt hàng giả, hàng nhái của cơ quan chức năng ngày càng khó. Điều này đặt ra yêu cầu phải có các hoạt động trao đổi chuyên môn để cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đây là những kiến thức mới cập nhật từ các tổ chức quốc tế, văn bản quản lý nhà nước đến các sở, ngành địa phương. Các địa phương cần cập nhật lại thông tin, chia sẻ với Bộ các vấn đề xảy ra trong thực tiễn. Ông Duy yêu cầu công tác thanh tra phải trở thành công cụ hữu ích để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận các vấn đề đang đặt ra đối với thanh tra ngành khoa học công nghệ khi triển khai những quy định mới về bổ sung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho các cơ quan thanh tra, giải pháp nâng cao năng lực của ngành trong thời gian tới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch nói hội nghị là cơ hội để các địa phương trao đổi kỹ năng, kiến thức và nội dung về thanh tra chuyên ngành. Qua đó, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố có thêm kiến thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Theo báo cáo tổng kết của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2023 cơ quan này đã triển khai thanh tra, kiểm tra hơn 8.000 cơ sở, trong đó thanh tra hành chính đối với 40 cơ sở, còn lại là thanh kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 359 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là 82 triệu đồng và kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước là 363 triệu đồng.
Các đội thi vòng chung kết cuộc thi Sáng kiến Khoa học thuyết trình về quá trình nghiên cứu sản phẩm, điểm mạnh trong giải pháp công nghệ.
Cuộc tranh tài giữa các nhóm dự thi diễn ra sôi nổi xuyên suốt cả ngày 7/5. Đây là 30 giải pháp, sản phẩm được sàng lọc bởi Ban giám khảo và bình chọn của độc giả VnExpress từ 124 hồ sơ ở vòng loại.
Mỗi đội thi có 5-7 phút trình bày kết quả nghiên cứu. Nhiều nhóm tận dụng tối đa thời gian để chỉ rõ các điểm mới, khác biệt so với các công nghệ hiện có, tính khả thi và khả năng thương mại hóa của dự án. Giải pháp các đội đưa ra hướng sự quan tâm đến chủ đề về bảo vệ môi trường, chẩn đoán bệnh, những cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp, sản phẩm mới công nghiệp, tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương.
Trong số này, nhóm tác giả Cao Đức Tâm, Đỗ Văn Hùng (Hà Nội) chia sẻ về sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, có tính chất chống cháy, cách âm. Nhóm cho biết vật liệu sử dụng 70% là phế thải từ nông nghiệp (bã mía, rơm rạ…) và công nghiệp (Gypsum trong quá trình sản xuất phân bón) cùng nhựa PU 2 thành phần và một số phụ gia. Với công nghệ sản xuất đơn giản, nhóm mong muốn loại vật liệu mới được ứng dụng trong tòa nhà cao tầng, tạo ra tấm thạch cao vân đá, thạch cao chống cháy sử dụng trong quán karaoke, làm vách nhà xưởng để chống gây tiếng ồn.
Dự án “Ô cửa học tập thông minh cho học sinh mầm non miền núi” được các thầy cô Trường Mầm non Hoa Sen (TP Tuyên Quang) trình bày sinh động với phần minh họa của những “trợ thủ nhí”. Sản phẩm hỗ trợ các thầy cô giáo trong các bài học chương trình giáo dục mầm non như trò chơi toán học, kể chuyện, phát triển ngôn ngữ và khám phá môi trường, giúp các bé mầm non phát triển tư duy thông qua bài học tập sáng tạo.
Theo Ban giám khảo mặc dù có hạn chế kích thước nhỏ, mô hình còn thô sơ nhưng ý tưởng sáng tạo trong xây dựng mô hình STEM, đồ chơi thân thiện, tính khả thi và dễ dàng tự lắp đặt. Thông qua góp ý chuyên môn, nhóm cho biết sẽ tiếp tục cải thiện tốc độ máy tính và tính năng học chữ, học số cho học sinh.
Là dự án tiềm năng ứng dụng lĩnh vực sức khỏe, nhóm của ThS Bùi Thị Phường cùng cộng sự đã chứng minh được F12 là một chỉ thị có thể giúp chẩn đoán ung thư gan. Dự án sử dụng phương pháp Kaplan-Meier và kiểm nghiệm log-rank, nhằm dựa vào biểu hiện của F12 có thể cho biết một người có nguy cơ bị ung thư gan hay không, nếu có thì tiên lượng của người đó ra sao. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng và thực hành lâm sàng trong chẩn đoán sớm, tiên lượng và điều trị bệnh nhân ung thư gan.
Năm nay, nhiều giải pháp sáng tạo đến từ các tác giả trẻ, độ tuổi từ 16 đến 20 từ các trường THCS, THPT cùng các “nhà nghiên cứu chân đất” mang đến những ý tưởng thú vị phục vụ vùng sâu, vùng xa.
Trong số này, ý tưởng tận dụng lượng nhiệt thừa của bếp củi để tạo nước nóng, lưu trữ và sử dụng do nhóm Thủy Sơn Năng (Quảng Nam) phát triển, thu hút sự chú ý. Nhóm trình bày cơ chế vận hành hệ thống dựa trên đối lưu nhiệt, kết hợp nhiều chức năng để tạo thành một hệ thống nước nóng hoàn chỉnh, không phát sinh chi phí lắp đặt và bảo trì. Sau gần 5 năm lắp đặt hệ thống tại các điểm trường, các hộ làm vườn dược liệu, hệ thống mang lại giá trị thiết thực giúp nâng cao chất lượng cuộc sống vùng núi. Nhóm đã tiến hành nộp đăng ký bản quyền sáng chế vào tháng 6/2022.
Sản phẩm “Mũ bảo hiểm thông minh sử dụng cho xe máy và xe điện” là sáng kiến từ nhóm học sinh trường THPT Sơn Dương (Tuyên Quang). Nhóm kỳ vọng tìm ra giải pháp kỹ thuật mới nhằm hỗ trợ cải tiến mũ bảo hiểm và định vị được mũ khi bị thất lạc, giúp người dân có ý thức hơn khi tham gia giao thông.
Đánh giá ý tưởng tốt, song ban giám khảo nhìn nhận dự án khó thuyết phục được nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng do còn hạn chế về tính năng mũ, khối lượng. Việc can thiệp mạch an toàn có thể gây khó trong việc sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.
Ở mỗi phần trình bày, Hội đồng giám khảo đặt câu hỏi với đại diện nhóm thi để thảo luận về tính sáng tạo, mô hình và phát triển công nghệ trong tương lai. Các thành viên ban giám khảo cũng đưa ra ý kiến phản biện để các tác giả chứng minh được tính mới, ưu việt sản phẩm của mình.
Ngoài nhận xét mặt chuyên môn, các gợi ý phát triển hướng nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm và khả năng thương mại hóa ra thị trường cũng được thảo luận.
PGS.TS Mai Anh Tuấn, Trưởng ban giám khảo, đánh giá cuộc thi năm nay thu hút lượng hồ sơ tăng với chủ đề ý tưởng tập trung vào nhu cầu thực tế tại địa phương, từ ngành và lĩnh vực, bám sát với tiêu chí. Ông cho hay do thời gian thuyết trình ngắn một số đội chơi được yêu cầu cung cấp thêm thông tin liên quan công nghệ, kết quả khảo sát cũng như các đánh giá từ Hội đồng Y đức đối với lĩnh vực sức khỏe, giúp Ban giám khảo nắm đầy đủ, bao quát về bài thi.
PGS Anh Tuấn đánh giá năm nay có nhiều đội chơi đến từ các trường đại học tham gia là “tín hiệu đáng mừng”. Các nghiên cứu từ các trường đại học cho thấy sự liền mạch giữa pha nghiên cứu cơ bản, chủ yếu bài báo khoa học sáng chế giờ đây đã đưa ra thành sản phẩm tiếp cận thị trường, được sản xuất thực nghiệm và đầu tư chuyển giao.
PGS Tuấn cũng đánh giá các đội thi chuẩn bị tốt, trình bày mạch lạc. Hội đồng giám khảo áp dụng khung thời gian có hạn đòi hỏi các đội lựa chọn thông tin chắt lọc nhất.
Ông ấn tượng với sự sáng tạo không phân biệt lứa tuổi, ngành nghề như có những thầy giáo dạy nghệ thuật, ngành không liên quan khoa học kỹ thuật nhưng đã có mong muốn cải tiến đưa ra giải pháp công nghệ phục vụ học sinh. Ông cũng đánh giá cao nhiều ý tưởng thiết thực có thể phục vụ đồng bào vùng cao, học sinh miền núi góp phần truyền cảm hứng cho đội chơi mùa sau.
Sau phần thi, Ban tổ chức sẽ tìm ra dự án xuất sắc, trao giải vào ngày 16/5. Tổng giải thưởng lên tới 300 triệu đồng, trong đó giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 70 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng và hai giải khuyến khích 10 triệu đồng mỗi giải. Ngoài ra, CSC có hạng mục sáng kiến cho vùng sâu, vùng xa với giá trị 30 triệu đồng.
Toàn bộ tiền giải thưởng do Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) tài trợ. Đây là quỹ xã hội – từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.
Hiện trong nước chưa có quy định chung về phân loại sách có yếu tố tình dục, bạo lực, việc dán nhãn cảnh báo, độ tuổi do NXB chủ động.
Đầu tháng 5, tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ nhân gian (bản tiếng Anh: On Earth We’re Briefly Gorgeous), của tác giả Mỹ gốc Việt Ocean Vuong, gây tranh cãi vì có nhiều chi tiết về giới tính, tình dục, được chọn làm sách tham khảo tại một trường quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng sách nên được thông báo dành cho độc giả trên 16 tuổi. Từ sự việc này, chuyện dán nhãn, phân loại độ tuổi sách trong nước được độc giả quan tâm.
Theo luật xuất bản hiện hành, chỉ có quy định phân loại với sách dành cho trẻ em. Trong đó, sách trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ tại bìa 4 (bìa sau của sách) và trang đầu theo các lứa tuổi.
Với sách cho người lớn, hiện không có lưu ý cho đối tượng độc giả cụ thể mà phân loại theo mảng sách, thể loại. Chẳng hạn, trong sách văn học có thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn. Với sách người lớn có yếu tố nhạy cảm, việc dán nhãn cảnh báo hoặc phân loại do các tổng biên tập, giám đốc nhà xuất bản chủ động.
Giám đốc công ty HanoiBooks – Nguyễn Thị Thu Thủy – nói đơn vị của bà và nhiều công ty khác chủ động dán nhãn sách sau khi thẩm định nội dung. Nếu tác phẩm không phù hợp với lứa tuổi mới lớn, ban biên tập sẽ ghi chú trên trang bìa, ví dụ “sách 16+” hoặc “sách 18+”.
Tương tự, đại diện nhà xuất bản Kim Đồng cho biết trên các ấn phẩm dành cho thanh thiếu nhi ghi rõ đối tượng bạn đọc ở bìa 4 (bìa sau của sách) và bìa phụ. Với các ấn phẩm dành cho các bậc phụ huynh, nhà xuất bản có tủ sách Làm cha mẹ và logo của tủ sách xuất hiện trên trang bìa đầu tiên (bìa 1). Với mảng sách hướng đến độc giả trẻ, độc giả tuổi trưởng thành, Kim Đồng lưu ý “Dành cho tuổi trưởng thành” ở bìa 1 của ấn phẩm.
Theo bà Thu Thủy, việc phân loại sách theo độ tuổi không nên bắt buộc vì là trách nhiệm của đơn vị làm sách. “Mỗi người có nhu cầu đọc sách khác nhau. Vì thế, công ty xuất bản phải thẩm định nội dung, từ đó làm rõ thông điệp của sách lẫn đối tượng độc giả trước khi đến tay bạn đọc”, bà Thủy nói.
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành – nhận định sách cho người lớn ở nước ngoài cũng hiếm khi được dán nhãn. “Với các cuốn có yếu tố luyến ái, việc xây dựng các thủ pháp nghệ thuật là cần thiết, không nên quá gò bó. Tuy nhiên, sách có phù hợp với học sinh hay không lại là câu chuyện khác”, ông Nguyên nói.
Theo BookRiot, tại Mỹ không có bộ phận hoặc cơ quan chính thức làm việc phân loại sách như phim hay game. Mỗi nhà xuất bản tự đề xuất, khuyến cáo chung cho độc giả.
Để giúp đỡ cha mẹ chọn các phương tiện nghe nhìn trong thời đại công nghệ phát triển, nhiều trang được lập ra để đánh giá, xếp hạng phim ảnh, chương trình TV, trò chơi, sách, dựa trên mức độ phù hợp với lứa tuổi. Họ có các danh mục để phụ huynh tìm kiếm đầu sách cho con mình, được đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 5, trong đó có danh mục gợi ý những tác phẩm do trang lựa chọn phù hợp với độ tuổi độc giả.
Các yếu tố về nội dung, ngôn ngữ lẫn tình dục, bạo lực cũng được một số chuyên trang đánh giá nêu rõ. Điển hình, cuốn Harry Potter và Bảo bối tử thần – tập 7 được trang Common Sense Media xếp vào sách cho độc giả trên 12 tuổi, giá trị giáo dục được chấm 3/5 điểm, mức độ bạo lực 4/5. “Sách có một số nội dung người lớn, như việc Harry và bạn bè ở tuổi 17 được coi là đủ tuổi uống rượu trong thế giới phù thủy, nhưng không bao giờ uống quá mức. Những câu văng tục chủ yếu gồm ‘chết tiệt’, ‘địa ngục’, ‘khốn nạn'”, trang này viết.
Tes Magazine – chuyên trang về giáo dục của Anh – nhận định: “Người lớn thận trọng khi lựa chọn phim ảnh, trò chơi điện tử và khá thoải mái khi trẻ em tiếp xúc với các cuốn sách trong độ tuổi của chúng”.
Trong khi đó, Simon Smith – Hiệu trưởng tiểu học East Whitby Academy ở Bắc Yorkshire (Anh) – lấy ví dụ The Hunger Games của tác giả người Mỹ Suzanne Collins được nhiều giáo viên lớp 6 giới thiệu cho học sinh, nhưng không phù hợp bởi “quá bạo lực, đen tối và ảm đạm”. Romeo và Juliet cũng như nhiều tác phẩm khác của Shakespeare chỉ phù hợp với lứa tuổi khoảng 13-14 trở lên, trong khi đa số học sinh Anh tiếp xúc chúng từ bậc tiểu học.
Simon Smith khuyến nghị cho một số điểm nên cân nhắc khi giới thiệu sách cho học sinh. Giáo viên cần đọc toàn bộ nội dung sách, nghĩ về những kiến thức nền trẻ cần có khi đọc sách, tham khảo ý kiến chuyên gia. Cuối cùng, chuyên gia của tạp chí khuyên giáo viên nắm bắt giới hạn của phụ huynh và chính bản thân họ. Nếu cảm thấy không thoải mái với cuốn sách dù nổi tiếng, đừng đọc nó.
Mới đây, Trung tâm Thông tin – Tư liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Tọa đàm và Triển lãm sách nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Đây cũng là hoạt động thường niên nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam (18/5), Ngày thành lập Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (20/5).
Bà Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu cho biết, sách là nguồn tài nguyên vô giá giúp con người hình thành, tích lũy tri thức không ngừng vươn lên tự hoàn thiện và đóng góp cho sự phát triển xã hội.
Triển lãm sách được tổ chức với mong muốn xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, tiếp thu tri thức khoa học đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đây cũng là dịp để Trung tâm Thông tin – Tư liệu giới thiệu nguồn tài nguyên quý giá mà Thư viện của Viện Hàn lâm đang lưu giữ. Đồng thời cũng tạo cơ hội cho các nhà khoa học và các đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm gặp gỡ trao đổi và chia sẻ về các nguồn tài nguyên sách và thông tin khoa học công nghệ, kinh nghiệm khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên này trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo của mình.
Qua đó, phát huy tối đa giá trị của sách đối với sự nghiệp nghiên cứu của các nhà khoa học, đặc biệt là đối với cán bộ nghiên cứu trẻ, cũng như đối với các học viên, sinh viên.
Triển lãm sách sẽ diễn ra đến 20/5/2024 tại Thư viện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với hàng nghìn đầu sách, trong đó có nhiều sách, tạp chí của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, sách chuyên khảo, tạp chí của Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, tạp chí Pi (Hội Toán học Việt Nam); ấn phẩm của Công ty IGroup Việt Nam và một số đơn vị khác. Đặc biệt khi tham dự Triển lãm, độc giả có cơ hội được tặng các cuốn sách theo chương trình tặng sách của Thư viện.
Tại Tọa đàm “Giới thiệu những cuốn sách đạt giải tại Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia”, TS. Đỗ Huy Cường, Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý biển đã giới thiệu về cuốn sách “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển” đoạt Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 năm 2023 và TS. Đoàn Thị Yến Oanh, Phó Giám đốc Nhà xuất bản khoa học tự nhiên và công nghệ đã giới thiệu cuốn sách “Vật liệu Polymer Composite – Khoa học và Công nghệ” đoạt Giải C Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 5 năm 2022.
Trong đó, cuốn sách “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển” thuộc thể loại sách chuyên khảo, tổng hợp kết quả của cụm công trình điều tra nghiên cứu về vùng biển Việt Nam trong hơn 20 năm qua về chủ đề quản lý biển và xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên xây dựng được một cơ sở khoa học duy nhất, cập nhật và hiện đại, phù hợp với các quy chuẩn quốc tế để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam phù hợp UNCLOS và được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận; làm cơ sở để sử dụng rộng rãi, hiệu quả trong quản lý biển, đảo, phục vụ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng biển Việt Nam.
Cuốn sách này còn được sử dụng như là một trong những tài liệu cơ bản phục vụ sự nghiệp tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền quốc gia trong Chiến lược biển của Việt Nam.