Những sáng kiến tiết kiệm năng lượng

Công nghệ nghiền khô siêu mịn sản xuất gạch ngói, hệ thống chiếu sáng xanh thông minh cùng ứng dụng kỹ thuật sản xuất nước mắm… được trao giải Vifotec 2023.

Giải Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) và Giải thưởng WIPO 2023 hồi cuối tháng 5 vinh danh 47 công trình khoa học tiêu biểu, dựa trên tính mới, sáng tạo, khả năng áp dụng rộng rãi, hiệu quả kinh tế. Giải thưởng tập trung 6 lĩnh vực trọng điểm gồm cơ khí tự động hóa; vật liệu, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

Trong đó ở lĩnh vực Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới có giải nhất thuộc về công trình “Ứng dụng công nghệ nghiền khô siêu mịn sản xuất gạch ngói cao cấp, siêu mỏng, tiết kiệm năng lượng” của tác giả Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu, ThS Nguyễn Duy Tấn, Nguyễn Văn Thành (Công ty CP kinh doanh – Xuất nhập khẩu gốm Đất Việt).

Lần đầu tiên tại Việt Nam, gốm Đất Việt áp dụng công nghệ nghiền khô siêu mịn kết hợp với phối liệu siêu mịn vào sản xuất sản phẩm gạch ngói cao cấp siêu mỏng, siêu nhẹ tiết kiệm năng lượng. Công nghệ nghiền khô có sự vượt trội so với công nghệ cũ làm ướt, được ứng dụng hiệu quả trong phát triển sản xuất của Gốm Đất Việt. Việc ứng dụng thành công giúp tiết kiệm chi phí năng lượng, chi phí than, giảm sức lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty, mang hiệu quả kinh tế đạt 46 tỷ đồng/năm. Nghiên cứu có thể thành nền tảng áp dụng cho toàn ngành sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (bìa trái) và TSKH Phan Xuân Dũng (bìa phải) trao bằng khen cho các tác giả công trình đoạt giải nhất.
Ảnh: La Duy

Một công trình khác về nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng xanh thông minh sử dụng năng lượng mặt trời tích hợp công nghệ internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng thử nghiệm cho vùng biên giới, hải đảo, của công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông giành giải Ba.

Công trình xây dựng giải pháp đầu tiên ở Việt Nam cho hệ thống chiếu sáng đường biên giới, hải đảo sử dụng năng lượng mặt trời trên nền tảng công nghệ IoT và AI. Trong đó công nghệ AI giúp đưa ra chiến lược điều khiển thích ứng nhằm nâng cao hiệu quả chiếu sáng, đồng thời dự báo, chẩn đoán các hư hỏng và nâng cao vòng đời sản phẩm trong lĩnh vực chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời.

Nghiên cứu cũng giải quyết vấn đề về hiệu suất pin, quá trình sạc/xả pin lưu trữ, công nghệ truyền dữ liệu tối ưu, ổn định. Hiện mô hình thí điểm ứng dụng chiếu sáng xanh thông minh được triển khai thực tế tại Huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh.

Theo ước tính, đối với tuyến đường 1 km sử dụng đèn LED nguồn điện lưới AC, chủ đầu tư phải chi khoảng hơn 3 tỷ đồng, trong khi sử dụng đèn LED nguồn năng lượng mặt trời chi phí đầu tư chỉ khoảng 1,36 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 50% – 60%.

Tủ điều khiển đánh giá tuổi thọ Led, ứng dụng tại Rạng Đông. Ảnh: Rạng Đông

Công trình ứng dụng công nghệ mặt trời và hệ thống náo đảo tự động nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất nước mắm, của kỹ sư Nguyễn Văn Tuyến, công ty chế biến hải sản Ba Làng, Thanh Hóa, được ứng dụng mang lại hiệu quả cao.

Nước mắm truyền thống có điểm hạn chế như giá thành cao, gấp khoảng 3-6 lần nước mắm công nghiệp, hàm lượng muối (độ mặn) cao hơn. Công trình đã ứng dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật mới giúp tận dụng triệt để năng lượng và nâng cao chất lượng trong sản xuất nước mắm truyền thống.

Theo đó, quá trình gia nhiệt cho bể chượp bằng cách phơi nắng tự nhiên sẽ được thay thế bằng việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời và hệ thống cấp nhiệt bổ sung. Quá trình đảo trộn thủ công sẽ thay bằng hệ thống đảo tự động. Việc ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống đảo trộn tự động trong sản xuất nước mắm khắc phục được các nhược điểm của phương pháp ủ chượp truyền thống, rút ngắn thời gian chế biến nước mắm xuống 8-10 tháng (trong khi phương pháp truyền thống thường 15-18 tháng). Hệ thống cấp nhiệt có tính ổn định cao giúp khắc phục khó khăn do thời tiết, cho hiệu quả thu hồi sản phẩm cao hơn so với phương pháp truyền thống.

Việc ứng dụng đổi mới công nghệ giúp thu được 62.000 lít nước mắm loại đặc biệt, 27.000 lít nước mắm loại 1, 13.000 lít nước mắm loại 2, mang hiệu quả kinh tế của quá trình sản xuất với tỷ suất lợi nhuận là 23,35. So với phương pháp sản xuất truyền thống thông thường, phương pháp mới có thời gian sản xuất nhanh và lượng nước mắm đặc biệt thu được nhiều hơn so với phương pháp truyền thống là 100 lít/tấn, chất lượng nước mắm thơm ngon hơn, vị hài hòa hơn.

Giải thưởng Vifotec do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương đoàn Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp tổ chức thường niên từ năm 1995. Đến nay đã có gần 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình đoạt giải.

Như Quỳnh

Hơn 200 sản phẩm tranh tài Sáng tạo thanh thiếu nhi

Thùng rác thông minh, mô hình chống ngập khi triều cường, lọc nước mặn thành nước ngọt… là các sản phẩm ứng dụng của học sinh tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP HCM.

Sáng 8/6, Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, Thành đoàn TP HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức thi Sáng tạo thanh thiếu nhi thành phố lần 19. Đây là sân chơi thường niên dành cho học sinh từ tiểu học đến THPT tại TP HCM. Cuộc thi nhằm phát huy khả năng sáng tạo của thanh thiếu nhi nhằm nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tìm kiếm các ý tưởng ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Cuộc thi năm nay thu hút 219 sản phẩm sáng tạo đến từ 678 thí sinh của 111 trường học ở TP HCM, trong đó 54 sản phẩm khối tiểu học, 97 sản phẩm khối THCS và 68 sản phẩm khối THPT. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, nhiều sản phẩm hướng đến giải quyết vấn đề xã hội, khả năng ứng dụng thực tế vào hoạt động giáo dục, đời sống…

Thùng rác thông minh của Trần Vĩnh Thụ và Diệp Kiếm Anh, học sinh THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Thùng rác sử dụng cảm biến tiệm cận nhận biết người đến vứt rác. Cảm biến này truyền tín hiệu cho động cơ servo lắp ở nắp thùng rác tự động mở và đóng lại khi tay người giơ lên hoặc rời khỏi nắp thùng. Thùng có hai khoang chứa riêng biệt cho rác hữu cơ và rác vô cơ.

Theo Vĩnh Thụ, thùng rác còn có chức năng rửa tay cho người đi vứt rác. Nước tự động mở khi người dùng đưa bàn tay đến khu vực vòi rửa. “Thùng rác thông minh sẽ tăng thêm ý thức người dân trong việc phân loại rác”, Thụ nói.

Nón làm từ vỏ bắp của Bùi Gia Bảo, học sinh trường THCS-THPT Trí Đức, quân Tân Phú. Bảo nói, vỏ bắp là vật liệu bỏ đi nhưng có độ dai, mỏng, nhẹ nên phù hợp để làm nón. Bảo mong muốn làm sản phẩm tái chế, sử dụng hàng ngày. Vỏ bắp sau khi thu hoạch được phơi nắng 1 – 2 ngày. Sau đó Bảo sử dụng nan tre, chỉ, dao kéo… để tạo hình nón. Nón thành phẩm được quét một lớp sơn bóng để đảm bảo độ bền và thẩm mĩ. “Vỏ của 10 bắp có thể tạo thành một cái nón, dùng trong một năm”, Bảo nói.

Học sinh trường THCS Hồng Bàng, quận 5 chế tạo mô hình nắp cống tự đóng mở khi nước triều dâng, hạ nhằm giúp người dân giảm ngập do triều. Sản phẩn làm trong 2 tháng, phục vụ các khu dân cư với các hệ thống cống nhỏ.

Sản phẩm hoạt động trên nguyên lý lực đẩy Acsimet và bình thông nhau. Phía trên nắp van cống thoát nước sẽ có một bóng khí. Khi nước dâng, theo lực đẩy Acsimet bóng khí sẽ chuyển động theo dòng nước, làm van đóng lại. Khi nước hạ, bóng khí di chuyển làm mở van. Nhóm thiết kế một khu vực hồ chứa khi nước thải người dân xả ra trong quá trình đóng nắp cống. Khi triều xuống hồ chứa nước thải sẽ xả nước ra ngoài khi van mở. Thiết kế nắp cống van có độ nghiêng, di động, phù hợp để đóng mở thuận lợi.

Sản phẩm lịch in mã QR của nhóm học sinh trường THCS Lạc Long Quân, quận Bình Tân phục vụ du lịch. Trên mỗi tấm lịch, nhóm tạo mã QR để du khách có thể theo dõi các đoạn video giới thiệu địa danh in trên lịch nhằm tăng trải nghiệm của họ ở một điểm đến. Các đoạn video được nhóm sử dụng trên các trang công khai của ngành du lịch và xin phép của các tác giả trên diễn đàn internet. Các video được nhóm xử lý thành một clip giới thiệu địa danh, độ dài 1 – 2 phút.

Hiện nhóm đã có 12 video giới thiệu địa danh của Việt Nam. “Mã QR không chỉ in trên lịch mà có thể gắn trên các đồ lưu niệm của địa phương”, Hoàng Long đại diện nhóm nói.

Mô hình lọc nước mặn thành nước ngọt của nhóm học sinh THCS-THPT Trí Đức. Nước mặn cho vào ống và nấu sôi bằng một đầu đun. Khi nước bay hơi, sẽ đi qua đường ống có tiết diện nhỏ dần. Khi hơi nước đến đầu nhôm tản nhiệt và quạt sẽ ngưng tụ, thành nước ngọt. Nước sau đó được lọc qua 5 lớp gồm than hoạt tính, sỏi nhằm loại bỏ tạp chất để đến bình chứa. Hệ thống UV sẽ khử khuẩn nước để thành nước ngọt sử dụng. “Sản phẩm đang ở mô hình nên tỷ lệ thất thoát ra ngoài còn nhiều, hiệu suất chưa cao. Nhóm sẽ cải tiến thời gian tới”, Gia Thành, đại diện nhóm nói.

Nhóm học sinh trường THPT Hiệp Bình, TP Thủ Đức tạo chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại rau quả. Chế phẩm được phối trộn từ dịch cây sả, tỏi, ớt kết hợp với rượu trắng, hạt mãng cầu và bồ kết. Sản phẩm có hiệu quả đuổi sâu sau 3 – 4 ngày phun xịt, dùng sau 15 – 20 ngày sâu sẽ không trở lại.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao hai giải nhất cho sản phẩm Board game “Em yêu sử Việt” của học sinh trường tiểu học Trương Định, quận 12 và sản phẩm hệ thống Elearning vui học Stem AIOT của học sinh trường THCS Thị Trấn 2 – Tân An Hội (Củ Chi). Hai sản phẩm được Ban giám khảo đánh giá có độ hoàn thiện cao, có thể ứng dụng ngay trong nhà trường.

Ngoài giải nhất, Ban tổ chức trao 2 giải nhì, 3 giải ba và 35 giải khuyến khích.

Hà An

Nhà khoa học Việt giành giải thưởng toàn cầu về sức khỏe

Nhóm nhà khoa học Việt giành giải tại The Trinity Challenge trị giá 1 triệu bảng Anh của Tổ chức tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho những thách thức sức khỏe lớn nhất toàn cầu.

Dự án đã vượt qua 285 giải pháp ấn tượng của các đội thi đến từ 57 quốc gia để giành giải thưởng cao nhất (Grand Prize) tại The Trinity Challenge 2024.

Tác giả của giải thưởng là TS Phí Thị Linh Giang (giảng viên Viện Kinh doanh Quản trị) và TS Đoàn Đăng Khoa (giảng viên Viện Khoa học Máy tính, trường Đại học VinUni) cùng GS Nguyễn Thanh Hương (giảng viên Đại học Illinois Urbana Champaign – Mỹ). Nhóm nghiên cứu phát triển nền tảng thú y ảo Farm2Vet với kỳ vọng giải quyết triệt vấn đề kháng kháng sinh trong thú y. Đây được coi là một trong 10 mối đe dọa lớn nhất của sức khỏe toàn cầu.

The Trinity Challenge vinh danh nhóm dự án Farm2Vet của Việt Nam khi thành giải thưởng trị giá 1 triệu bảng anh  hôm 6/6. Ảnh BTC

The Trinity Challenge vinh danh nhóm dự án Farm2Vet của Việt Nam khi thành giải thưởng trị giá 1 triệu bảng anh hôm 6/6. Ảnh: BTC

Theo nhóm nghiên cứu, việc lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để ngăn dịch bệnh ngắn hạn khiến cho nông dân phải đối mặt với các nguy cơ dài hạn của bệnh dịch và nghèo đói do kháng kháng sinh. Theo đó, Farm2Vet khuyến khích nông dân sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong chăn nuôi bằng cách cung cấp cho họ quyền truy cập tức thì, dễ dàng với chi phí thấp vào các kiến thức và dịch vụ thú y đáng tin cậy. Cơ sở dữ liệu từ Farm2Vet giúp nông dân có thể chẩn đoán bệnh và được tư vấn điều trị thông qua nền tảng.

Ngoài ra, các kiến thức từ Farm2Vet cũng giúp cảnh báo sớm cho các nhà hoạch định chính sách để ngăn ngừa các đợt bùng phát và các điểm nóng kháng kháng sinh, cũng như thiết kế chính sách an toàn sinh học cho chăn nuôi. Farm2Vet cũng có thể đánh dấu, kết nối các cụm trang trại sản xuất an toàn với doanh nghiệp thu mua và người tiêu dùng nhằm đáp ứng các nhu cầu thực phẩm chất lượng, hữu cơ toàn cầu.

TS Phí Thị Linh Giang, chủ nhiệm dự án, cho biết, Farm2Vet được coi là bước khởi đầu cho nhiều dự án tương tự, mang lại lợi ích lâu dài cho hàng trăm triệu nông dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình trên toàn thế giới. Dự án hướng tới giúp bảo vệ sức khỏe của hàng tỷ người tiêu dùng thông qua việc khuyến khích thực phẩm sạch và an toàn đến từ trang trại.

GS Dame Sally Davies, Chủ tịch The Trinity Challenge, Đặc phái viên Vương quốc Anh về kháng kháng sinh, cho biết đây là dự án thể hiện tầm nhìn và sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Kế hoạch tạo ra một nền tảng mới của nhóm giúp nông dân tiếp cận chẩn đoán và tư vấn điều trị cho động vật của họ. Bà cho rằng, nhóm đang tập trung vào chuỗi thực phẩm, nhưng lại tạo ra một giải pháp có thể tạo ra dữ liệu để lấp đầy những khoảng trống trong kiến thức của người dân và thông báo cho các nhà hoạch định chính sách.

The Trinity Challenge là tổ chức tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho những thách thức sức khỏe lớn nhất thế giới. Năm nay, Trinity kết hợp với MIT Solve của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) tổ chức cuộc thi với thử thách “Kháng kháng sinh”. Chương trình nhằm kêu gọi các nhà khoa học toàn cầu đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của kháng kháng sinh ở vi khuẩn thông qua sức mạnh của dữ liệu lớn từ các cộng đồng có thu nhập thấp và trung bình.

Vĩnh Hà

Nhà khoa học tìm cách ghép đôi cho vượn đen má trắng

10 năm qua, các nhà khoa học tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc) luôn tìm kiếm vượn đen má trắng cái ghép đôi với hai con đực đang có nhằm nhân giống, giữ nguồn gene.

Vượn đen má trắng tên khoa học Nomascus leucogenys, là loài bản địa của Việt Nam, Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thuộc nhóm linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Vượn đen má trắng được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN Red Book). Hơn 10 năm trước, Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, tiếp nhận hai con vượn đen má trắng đực. Để nhân giống loài này, cần cá thể giống cái. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa tìm được con cái ghép đôi nhân giống, giữ nguồn gene và bảo tồn loài động vật này.

Một trong hai con vượn đen má trắng đực được nuôi tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh. Ảnh: MT

Ông Đặng Nguyên Phương, Trưởng Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, cho biết hiện một số trung tâm bảo tồn động vật hoang dã phía Bắc cũng đang giữ gene loài vượn cực kỳ quý hiếm này. Nhưng ở những nơi đó vượn cũng đã có cặp, hoặc cũng chỉ có cá thể đực nên việc trao đổi nguồn gene không thực hiện được. Ông hy vọng tìm được 1 – 2 con cái, để ghép đôi với hai con vượn đực, tạo ra F1. Khi có nhiều con F1 sẽ tìm cách đưa vượn F1 ra tự nhiên.

Theo ước đoán, hai con vượn đực khoảng 14 – 15 tuổi. Trong tự nhiên, tuổi loài vượn này được ghi nhận lên đến 28 năm. Trong điều kiện nuôi nhốt thì tuổi đời có thể dài hơn. Theo ông Phương, giữa các trung tâm, trạm bảo tồn đang xây dựng quy chế phối hợp bảo tồn gene động vật hoang dã quý hiếm. Khi một nơi xuất hiện thêm một con cái vượn đen má trắng, trạm có thể trao đổi. Lãnh đạo Trạm đa dạng sinh học Mê Linh kêu gọi trong dân nếu có người nuôi giữ con cái vượn đen má trắng, có thể trao đổi hoặc tặng các nhà khoa học, phục vụ nghiên cứu và duy trì nguồn gene loài này.

Giới tính của vượn đen má trắng trưởng thành được phân biệt qua màu lông. Khi nhỏ chúng không khác nhau, nhưng khi lớn thì lông con đực có màu đen, con cái có màu vàng. Tại Việt Nam, các báo cáo ghi nhận năm 2011 có 41 đàn và 127 cá thể. Năm 2020 có ít nhất 22 đàn được xác nhận tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An (gần biên giới với Lào); bên cạnh đó có một quần thể khác gồm 64 đàn và 182 cá thể tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hóa.

Theo ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, dựa trên số lượng cá thể vượn đen má trắng tại Việt Nam “vẫn có khả năng tìm bạn tình để ghép cặp sinh sản cho các cá thể vượn đen má trắng đực tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh”. Tuy nhiên, theo ông để ghép đôi sinh sản cần có nhiều điều kiện về kỹ thuật và cơ sở vật chất. Cụ thể, chuồng trại cần phù hợp phục vụ ghép đôi sinh sản và tuân thủ các bước trong kỹ thuật. Việc nuôi dưỡng và cho sinh sản vượn đen má trắng, cần có đánh giá chuyên sâu về lịch sử, sinh lý, sức khỏe của từng cá thể, đặc biệt là tính cách của từng cá thể để đảm bảo chúng thực sự phù hợp.

Ông cho rằng, trước khi quyết định cho sinh sản, người quản lý phải có kế hoạch cụ thể về việc tái thả các cá thể về tự nhiên bao gồm đánh giá về khu vực thả phù hợp, đủ an toàn, có nguồn thức ăn, không có tranh chấp nguồn lực giữa các loài, thả con non một mình ở độ tuổi phù hợp hay thả cả nhóm… Theo ông Hồng, mỗi bước cần được đánh giá khả thi, khảo sát, lên kế hoạch và tuân thủ nghiêm túc để việc cho vượn sinh sản đạt kết quả cao

Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho rằng, việc nhân giống vượn đen má trắng thuận lợi hay khó khăn phụ thuộc vào mục đích việc nhân nuôi sinh sản. Nếu vượn sinh ra trong nuôi nhốt và sẽ ở trong nuôi nhốt trọn đời không phải là nhân nuôi để bảo tồn loài. Đồng nghĩa với việc, cần có đủ cơ sở vật chất chuồng trại để nuôi vượn con từ khi chúng được sinh ra cho đến tuổi tách mẹ. Sau đó, thêm chuồng trại cho chúng khi trưởng thành. Việc này đòi hỏi cơ sở nuôi có nhiều không gian, tiền bạc và kỹ thuật để nuôi các cá thể mà không đóng góp vào mục tiêu bảo tồn.

Để bảo tồn vượn đen má trắng, theo ông Hồng có thể thực hiện bằng cách cho sinh sản sau đó thả con ở tuổi tách mẹ vào khu vực đang có đồng loại sinh sống. Tuy nhiên cách này có rủi ro về tranh chấp lãnh thổ giữa các cá thể. Ông dẫn chứng, một nghiên cứu gần đẩy chỉ ra, việc tái thả vượn được sinh sản trong nuôi nhốt ra ngoài tự nhiên có nguy cơ làm giảm dân số của vượn về lâu dài. Nguyên nhân do ảnh hưởng tiêu cực về hành vi của vượn được sinh trong nuôi nhốt đối với các cá thể có sẵn ngoài tự nhiên có thể in dấu trong gene của các cá thể qua nhiều thế hệ.

Ông cho rằng, tái thả vượn được sinh ra trong nuôi nhốt cần có kế hoạch rõ ràng và nghiêm túc thực hiện các bước kỹ thuật theo từng giai đoạn, đảm bảo thành công và không làm hại đến các cá thể có sẵn ngoài tự nhiên. Bởi, những loài ăn thực vật, hoa quả có vai trò phân phối hạt cây như vượn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh thái của rừng.

Tại Việt Nam hiện Trung tâm linh trưởng Đảo Tiên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi đã thả các cá thể vượn con ra tự nhiên.

Minh Trang – Hà An

Phát minh được ca ngợi hàng chục năm biến thành thảm họa

Đầu thế kỷ 20, Thomas Midgley Jr. tự mình chứng minh độ an toàn của xăng pha chì và chất làm lạnh CFC, giúp chúng thành công về thương mại.

Nhà phát minh Thomas Midgley Jr. từng được tôn vinh nhờ phát triển xăng pha chì và Freon. Ảnh: Corbis

Năm 1924, trước mặt các nhà báo, nhà phát minh người Mỹ Thomas Midgley Jr. đổ một chất phụ gia chì lên tay rồi hít hơi bốc lên trong khoảng một phút. “Tôi có thể làm việc này hàng ngày mà không gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào”, ông nói. Nhưng sau đó, Midgley đã phải điều trị y tế. Không chỉ sức khỏe của chính ông, hành động này còn dẫn đến những hậu quả thảm khốc hơn nhiều.

Midgley tiếp tục để lại dấu ấn với một phát minh mang tính phá hủy khác, là giải pháp cho nhu cầu thay thế các loại khí độc hại và dễ cháy được dùng cho quá trình làm lạnh và điều hòa không khí. Ông phát hiện rằng CFC, hay chlorofluorocarbon, là chất thay thế lý tưởng và vô hại với con người, nhưng không biết nó sẽ phá hủy tầng ozone.

Hai phát minh của Midgley từng được ca ngợi suốt hàng thập kỷ. Tuy nhiên, 100 năm sau cuộc họp báo năm 1924, Trái Đất vẫn đang phải hồi phục từ những tác động tiêu cực của chúng.

Hỗn hợp xăng pha chì

Một trong những vấn đề lớn nhất mà ngành ôtô phải đối mặt đầu thế kỷ 20 là tiếng gõ động cơ – những vụ nổ nhỏ trong động cơ ôtô do chất lượng xăng kém, tạo ra âm thanh khó chịu và có thể gây hỏng hóc. Nhiệm vụ giải quyết vấn đề tiếng gõ động cơ được giao cho Midgley khi ông đang là kỹ sư hóa học tại hãng sản xuất ôtô Mỹ General Motors vào năm 1916.

Dưới sự chỉ dẫn của Charles Kettering, một nhà phát minh người Mỹ nổi tiếng khác và là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của General Motors, Midgley đã nghiên cứu hàng nghìn chất gồm asen, lưu huỳnh, silicon, nhằm tìm ra chất có thể thêm vào xăng để giảm tiếng gõ. Cuối cùng, ông tìm ra chì tetraethyl, một dẫn xuất chì được đưa ra thị trường với tên gọi đơn giản là Ethyl. Xăng pha chì lần đầu tiên được bán ở Dayton, bang Ohio, vào năm 1923, sau đó lan rộng khắp thế giới.

Hỗn hợp Ethyl chứa chì thành công về mặt thương mại. Ảnh: Colin Creitz/The Enthusiast Network

Chì có độc tính cao, không có mức độ phơi nhiễm an toàn và có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển ở trẻ em, gây suy giảm trí thông minh và rối loạn hành vi, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Ước tính khoảng 1 triệu người mỗi năm vẫn chết vì ngộ độc chì, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Độc tính của chì đã được biết đến rộng rãi khi Midgley thêm nó vào xăng, nhưng điều đó không ngăn Ethyl thành công về mặt thương mại. “Đã có những cảnh báo được đưa ra vì chì được coi là chất độc. Nhưng luận điểm của ngành ôtô khi đó là không có bằng chứng nào cho thấy chì thoát ra từ ống xả ôtô gây tổn thương cho con người”, Gerald Markowitz, giáo sư lịch sử tại Đại học Thành phố New York, cho biết.

Tuy nhiên, các công nhân sản xuất Ethyl nhanh chóng chịu những tác động tiêu cực. Sau cuộc họp báo năm 1924, chính Midgley cũng nhiễm độc.

“Midgley viết trong một lá thư vào tháng 1/1923 rằng mình bị nhiễm độc chì một chút và quả thực ông ấy đã nhiễm độc chì trong suốt quãng đời còn lại. Tình trạng này sẽ không thực sự biến mất khi bạn hấp thụ nhiều chì như vậy vào cơ thể. Đó là một vấn đề nghiêm trọng và lâu dài”, Bill Kovarik, giáo sư tại Đại học Radford, cho biết.

Chất làm lạnh CFC

Vài năm sau khi phát minh Ethyl, Midgley, một lần nữa được Kettering thôi thúc, bắt đầu phát triển chất thay thế không độc hại, không bắt lửa cho các khí làm lạnh, ví dụ như ammoniac dùng trong các thiết bị và máy điều hòa không khí, dẫn đến nhiều sự cố chết người vào những năm 1920.

Midgley đã tìm ra Freon – một dẫn xuất của methane gồm các nguyên tử carbon, chlor và fluor – và là hợp chất CFC đầu tiên. Trong một màn trình diễn công khai vào năm 1930, ông hít khí này và thổi tắt một ngọn nến, chứng minh độ an toàn.

Sau Thế Chiến II, các nhà sản xuất thường xuyên sử dụng CFC trong đủ loại sản phẩm, ví dụ bình xịt.
Ảnh: Joe Sohm/Visions of America/Universal Images Group

Freon, cũng như các chất CFC tiếp theo, đã đạt được thành công về mặt thương mại và khiến việc sử dụng máy điều hòa không khí tăng mạnh ở Mỹ. Sau Thế Chiến II, các nhà sản xuất bắt đầu thường xuyên sử dụng CFC trong đủ loại sản phẩm, bao gồm thuốc trừ sâu và keo xịt tóc.

Hàng thập kỷ sau khi CFC ra đời, giới khoa học mới phát hiện nhóm chất này đã đục một lỗ thủng trên tầng ozone phía trên Nam Cực. Nếu không được kiểm soát, lỗ thủng sẽ mở rộng đến mức đe dọa toàn bộ sự sống trên Trái Đất.

Tác động lâu dài

Đến năm 1996, xăng pha chì mới bị loại bỏ dần ở Mỹ, sau đó bị loại bỏ trên toàn thế giới. Quốc gia cuối cùng làm điều này là Algeria, nơi vẫn bán xăng pha chì đến năm 2021. Một nghiên cứu năm 2022 ước tính, 1/2 dân số Mỹ hiện nay từng tiếp xúc với mức chì nguy hiểm khi còn nhỏ, nhưng tổn thất với sức khỏe của thế giới khó ước tính hơn.

Năm 1987, Nghị định thư Montreal được ký kết nhằm loại bỏ dần CFC từ năm 1989 đến năm 2010, sau đó nhóm chất này bị cấm. Lỗ thủng trên tầng ozone đang được cải thiện và có thể sẽ lành lại, nhưng phải mất khoảng nửa thế kỷ nữa.

Thu Thảo (Theo CNN)

Những sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ tại Techfest Quảng Nam

Hơn 400 gian hàng sản phẩm khởi nghiệp, OCOP tiêu biểu các tỉnh thành trưng bày tại Techfest Quảng Nam 2024.

Techfest Quảng Nam 2024 diễn ra từ ngày 5-9/6. Sự kiện giới thiệu hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, OCOP lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, thực phẩm; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; công nghệ, thiết bị của 18 tỉnh thành; ý tưởng, dự án từ các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh; ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và THPT tỉnh.

Trong ảnh là khách đến tham quan gian hàng mua bánh tráng, phở sắn đến từ huyện Quế Sơn, Quảng Nam trưng bày. Đây là sản phẩm khởi nghiệp được tỉnh công nhận OCOP (chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm).

Dầu lạc (gọi là dầu phộng), dầu mè (dầu vừng) nổi tiếng của Quảng Nam trưng bày. Ông Phạm Văn Huệ, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm cho hay đã áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hàng đầu như hệ thống ép dầu, lọc dầu, chiết rót, đóng chai tự động, khép kín. Hợp tác xã kết hợp quy trình sản xuất tinh gọn, hiệu quả nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng để cung cấp cho các thị trường cao cấp toàn quốc và xuất khẩu.

Chị Trần Thị Hằng, xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam giới thiệu sản phẩm ướp hoa thành nghệ thuật có thể giữ được độ tươi gần 10 năm. Chị ứng dụng công nghệ cát bột hút ẩm để làm hoa khô và giữ được màu sắc trong thời gian dài.

Gian trưng bày sản phẩm Tảo xoắn Spirulina, Đại học Đà Nẵng. Đây là sản phẩm giàu protein, vitamin, khoáng chất cung cấp năng lượng tối đa cho cơ thể, hỗ trợ sức khỏe tốt. Tảo có dưỡng chất phycocyanin giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Nấm linh chi, vân chi do sinh viên Khoa sinh môi trường (Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng) nghiên cứu giống.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ giới thiệu hơn 70 sản phẩm được công nhận khởi nghiệp sáng tạo. Sau hai ngày, hàng chục sản phẩm như sữa chua khô, trà mãng cầu thu hút du khách tham quan.

Từ vùng đất Ninh Thuận, các doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm đặc trưng gồm táo, nho sấy khô và dẻo. Quá trình sản xuất đã lắp đặt dây chuyền sấy nông sản và hệ thống xử lý bảo quản nho, táo theo công nghệ khí điều biến đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Em Trương Thành Phúc, học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Huỳnh Mẫm Đạt, Kiên Giang giới thiệu sản phẩm “Viên nén tái tạo hiệp đồng từ đất biển Kiên Giang”. Sản phẩm được làm từ rác thải nhựa, vỏ trấu và bột đá dolomit thành viên nén tạo chất đốt thân thiện môi trường, thay thế phù hợp cho nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Sản phẩm chưa từng có trên thị trường, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi, khí thải công nghiệp khi cháy. Viên nén có giá thành dự kiến 7 triệu đồng một tấn, thấp hơn than đá.

Việc đưa sản phẩm sản xuất với quy mô công nghiệp hứa hẹn nhiều triển vọng trong hiện thực hóa ý tưởng biến rác thải nhựa thành sản phẩm mang giá trị kinh tế, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân trồng lúa từ việc bán vỏ trấu đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững. “Chúng em mong muốn được đầu tư đưa ra sản phẩm ra thị trường”, Phúc nói.

Tương tự, nhóm học sinh đến từ Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Kiên Giang trưng bày sản phẩm xà phòng Hanhmade Mocha làm từ bơ, dầu dừa, đậu nành, khổ qua rừng, tinh dầu bạc hà… Sản phẩm có tác dụng trị mụn, rôm sẩy, giảm viên da, mát da, dưỡng và sáng da.

Ngoài các sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp, Techfest Quảng Nam 2024 thu hút nhiều gian hàng công nghệ của trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu. Mô hình hệ thống truyền lực ôtô do Khoa ôtô – cơ khí xây dựng (Trường Cao đẳng Quảng Nam) trưng bày.

Mô hình là hệ thống hoạt động thực tế với các chi tiết, phận ôtô mà trên thị trường chưa có. Thiết bị này thuận lợi cho việc học và thực hành. Quá trình vận hành cắm điện, tháo lắp dễ dàng.

 

Đắc Thành

55 nghiên cứu của học viên Học viện Quân Y được vinh danh

Các công trình đưa ra các giải pháp điều trị hiệu quả bệnh phổ biến trong cộng đồng như bệnh truyền nhiễm, gan, rối loạn lo âu, ung thư… được trao giải tại hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học 2024.

Ngày 9/6 tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024 do Học viện Quân Y tổ chức với 84 đề tài do các học viên, sinh viên các hệ đại học trực thuộc Học viện báo cáo trước hội đồng chuyên môn.

Học viên Học viện Quân y báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học tại hội nghị sáng 9/6. Ảnh: Như Quỳnh

Học viên Học viện Quân y báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học tại hội nghị sáng 9/6. Ảnh: Như Quỳnh

Các nhóm tác giả trình bày nghiên cứu và trả lời phản biện từ hội đồng chuyên môn về nội 1; ngoại, cận lâm sàng; y học cơ sở, y học dự phòng; dược; khoa học giáo dục; khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều nhóm tác giả mang đến các giải pháp điều trị cho bệnh nhân giảm thính lực, kiến thức cấp cứu ngừng tim phổi, sự biến đổi và giá trị tiên lượng của nồng độ lactate máu động mạch ở bệnh nhân đa chấn thương, hay các bệnh phổ biến cộng đồng như bệnh truyền nhiễm, ung thư, gan..

Hội đồng lựa chọn những công trình có giá trị khoa học và sáng tạo, trao 9 giải nhất, 10 giải nhì, 18 giải ba và 18 giải khuyến khích tại hội nghị.

Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Kiên (giữa) trao giải cho đại diện tác giả nhóm đoạt giải nhất. Ảnh: Như Quỳnh

Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Kiên (giữa) trao giải cho đại diện tác giả 9 nhóm đoạt giải nhất. Ảnh: Như Quỳnh

Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Kiên, Giám đốc Học viện Quân Y, cho biết Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên. Thông qua hoạt động nghiên cứu giúp hướng mục tiêu đào tạo toàn diện hơn cho học viên, sinh viên, bên cạnh chương trình đào tạo chính thức. “Việc đào tạo toàn diện giúp bổ sung kiến thức, kỹ năng , phương pháp trình bày, viết báo cáo khoa học, nâng cao năng lực đội ngũ chuyên môn thầy thuốc, giảng viên, học viên tại học viện”, PGS Kiên nói.

Lãnh đạo Học viện Quân Y kỳ vọng thông qua kết quả đánh giá từ hội nghị học viên, sinh viên sẽ rút kinh nghiệm, lựa chọn vấn đề khoa học và đạt chất lượng tốt hơn. PGS Kiên cũng mong muốn các học viên, sinh viên được tiếp cận phương pháp nghiên cứu, vấn đề khoa học mới nhằm mở rộng phạm vi kiến thức để trở thành thầy thuốc, nhà nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự nghiệp y tế.

Như Quỳnh

Mời bạn đọc đề cử sách cho Giải thưởng Sách Quốc gia

Trong lần thứ bảy tổ chức, Giải thưởng Sách Quốc gia lần đầu tiên mở rộng quy chế, cho bạn đọc tham gia đề cử sách tham dự tranh giải.

Ảnh: Đoàn Nguyên

Nhằm kịp thời phát hiện và tôn vinh những cuốn sách, bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mĩ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn, Hội Xuất bản Việt Nam tạo điều kiện cho bạn đọc cả nước tham gia đề cử sách tham gia Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ bảy.

Một số yêu cầu cơ bản với sách được đề cử bao gồm:

– Về ngôn ngữ: Sách viết bằng tiếng Việt, sách dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và sách chuyển ngữ Hán – Nôm hoặc từ tiếng dân tộc ít người sang tiếng Việt, được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận nộp lưu chiểu trong khoảng thời gian từ ngày 1/11/2022 đến ngày 31/10/2023 (thông tin ghi tại trang xi nhê sách).

– Về thể loại: Sách dự xét giải bao gồm sách in truyền thống và sách điện tử được xuất bản lần đầu hoặc tái bản (chưa được xét giải), thuộc các thể loại: Sách chính trị, kinh tế; sách khoa học tự nhiên và công nghệ; sách khoa học xã hội và nhân văn; sách văn hóa, văn học và nghệ thuật; sách thiếu nhi.

– Về hình thức: Sách dự xét giải phải đạt yêu cầu về trình bày, minh họa đẹp, kỹ thuật in đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, không có sai sót về hình thức trình bày sách.

– Đối với bộ sách nhiều tập: Nếu các tập có nội dung liên tục và kết nối với nhau chỉ được tham dự xét giải khi đã xuất bản trọn bộ, trong đó, tập cuối của bộ sách nộp lưu chiểu đến ngày 31/10/2023; cả bộ sách được tính là một tên sách. Đối với bộ sách xuất bản theo chủ đề, các tập có nội dung độc lập, hoàn chỉnh: Mỗi tập được tính là một tên sách riêng biệt, được tham gia xét giải.

– Đối tượng loại trừ: Những tác phẩm, công trình đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước; sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh không tham dự Giải thưởng này.

Bạn đọc đề cử sách tham dự giải thưởng tại đây.

Người đề cử cần cung cấp các thông tin về bản thân gồm họ và tên, địa chỉ liên hệ, số căn cước công dân (kèm ảnh chụp); số điện thoại, địa chỉ email và cuốn sách gồm tên sách, tên tác giả (dịch giả), tên nhà xuất bản, thời gian xuất bản (ghi theo thời gian nộp lưu chiểu được in trên trang xi nhê của sách), tóm tắt nội dung sách và đánh giá về cuốn sách (không quá 150 từ).

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng cấp quốc gia, được tổ chức và trao giải hàng năm do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quản lý, Hội Xuất bản Việt Nam, Cục Xuất bản, In và Phát hành là cơ quan trực tiếp thực hiện.

Trải qua 6 lần tổ chức, Giải thưởng đã tôn vinh nhiều tác giả, tác phẩm xuất sắc cũng như những đơn vị xuất bản tiêu biểu, từ đó khích lệ công tác xuất bản trong nước.

Tâm Anh

Những nghiên cứu khoa học của sinh viên gần với đời sống hơn

Ngày 7/6, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức Lễ Tổng kết hoạt động Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Sáng tạo – Khởi nghiệp với nhiều công trình nghiên cứu giải quyết bài toán thực tiễn đời sống.

Trao giải thường sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo là hoạt động thường niên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: LT

Năm học 2023 – 2024, chuỗi hoạt động Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học tập trung lần thứ 41; Triển lãm sản phẩm sinh viên và các doanh nghiệp tại các phân ban là các hoạt động thường niên mang những nét đặc trưng của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hoạt động Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Sáng tạo – Khởi nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội đã thu hút 438 công trình nghiên cứu của 1.342 sinh viên tham gia dự thi.

Các nghiên cứu sáng tạo của sinh viên Bách khoa (bao gồm cả các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng) hướng đến giải quyết các bài toán thực tế của đời sống như: Nghiên cứu “Phát hiện và phân vùng u buồng trứng từ ảnh siêu âm” của sinh viên Trường Điện – Điện tử, “Nghiên cứu thiết kế mô hình giám sát trang phục bảo hộ ứng dụng học máy và thị giác máy tính trong sản xuất thực phẩm” của sinh viên Trường Hóa và Khoa học sự sống, “Nghiên cứu thử nghiệm thị giác máy tính trên phương tiện tự hành dưới điều kiện giao thông đô thị” của sinh viên Trường Cơ khí.

Nghiên cứu có thể ứng dụng tại doanh nghiệp như đề tài “Giải thuật bồi dưỡng cá thể kết hợp học sâu đa tối ưu trên khung thuật toán tối ưu đàn kiến giải bài toán lập lịch giao hàng cho xe với ràng buộc về khung thời gian” của sinh viên Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Các nghiên cứu giải quyết các bài toán đang rất nóng bảo vệ môi trường theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn như: “Ứng dụng hệ thống điện mặt trời áp mái trong mô  hình nuôi tôm mini combine và mô hình Ký túc xá đại học” của sinh viên Viện Kinh tế và Quản lý; Nghiên cứu vật liệu mới giải quyết bài toán năng lượng “Vật liệu tổng hợp FeS/C làm vật liệu điện cực cho siêu tụ điện” của sinh viên Trường Vật liệu…

Các đề tài nghiên cứu gắn với từ khóa “Công nghệ bán dẫn” mang tên “Nghiên cứu chế tạo hệ quang khắc đến kích thước micromét phục vụ đào tạo công nghệ bán dẫn”.

Theo PGS. TS Hoàng Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Khoa học và  Công nghệ Môi trường, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách khoa Hà Nội), các đề tài liên hệ đến các vấn đề thực tiễn đang được xã hội quan tâm như việc sử dụng nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, giảm phát thải, xử lý chất thải bảo vệ môi trường, phát triển bền vững hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero): Chuyển đổi năng lượng, lưu trữ, giảm phát thải; Môi trường bền vững và công nghệ xanh; Kinh tế số và phát triển bền vững.

Đã có nhiều đề tài được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu liên ngành do nhóm sinh viên/ nhóm giảng viên hướng dẫn đến từ nhiều khoa, nhiều Trường của Đại học Bách khoa Hà Nội giúp cho việc giải quyết các vấn đề nghiên cứu được mở rộng và toàn diện hơn.

Cũng tại sự kiện, Đại học Bách khoa Hà Nội khen thưởng các sinh viên thi Olympic năm học 2023 – 2024 và phát động Cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024. Mục tiêu của cuộc thi nhằm tạo môi trường hỗ trợ học tập, nghiên cứu thông qua trải nghiệm sáng tạo của người học tại các trường đại học; hướng tới thúc đẩy hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật tạo ra các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống; Tạo diễn đàn chia sẻ, hỗ trợ và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giữa các trường đại học, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là tính khả thi kinh doanh.

Lê Vân

Intel ra mắt công nghệ chip AI mới

Intel vừa giới thiệu các công nghệ chip mới sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu dẫn đầu cuộc cách mạng AI và thách thức trực tiếp các đối thủ lớn như Nvidia, AMD và Qualcomm. Trong nhiều thập kỷ qua, Intel đã giữ vững vị thế thống trị thị trường chip, từ các sản phẩm máy tính xách tay đến các trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, gần đây, các đối thủ, đặc biệt là Nvidia, đã vượt lên dẫn trước trong lĩnh vực bộ xử lý AI chuyên dụng.

Tại triển lãm Computex 2024 được tổ chức ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), Giám đốc điều hành Intel, Pat Gelsinger, đã giới thiệu bộ xử lý Xeon 6 mới nhất của công ty dành cho máy chủ. Bộ xử lý này hứa hẹn sẽ mang lại hiệu suất vượt trội, tiết kiệm năng lượng và giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp và tổ chức trong việc xử lý các tác vụ AI phức tạp. Ông Gelsinger cũng đã chia sẻ thông tin về sản phẩm chip Lunar Lake thế hệ tiếp theo, được thiết kế dành cho máy tính cá nhân và tích hợp các tính năng AI tiên tiến.

CEO của Intel nhấn mạnh rằng công nghệ AI đang thúc đẩy một trong những kỷ nguyên đổi mới sáng tạo lớn nhất mà ngành công nghiệp này từng chứng kiến. Theo ông, thiết bị mới nhất của Intel không chỉ mang lại hiệu suất cao mà còn tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, giúp giảm chi phí vận hành cho người dùng. Hệ thống Gaudi của Intel, vốn được sử dụng để đào tạo các mô hình AI, có thể cung cấp hiệu suất với chi phí chỉ bằng 30% so với các đối thủ cạnh tranh.

Triển lãm Computex 2024 quy tụ rất nhiều hãng lớn trong ngành công nghệ, bao gồm cả những đối thủ cạnh tranh của Intel như Nvidia, AMD và Qualcomm. Các công ty này cũng đang tập trung mạnh mẽ vào những tiến bộ trong lĩnh vực AI, đặc biệt là trong điện toán cá nhân. Nvidia, với các bộ xử lý AI chuyên dụng của mình, đã trở thành một trong những đối thủ đáng gờm nhất của Intel. Trong khi đó, AMD và Qualcomm cũng không ngừng cải tiến và giới thiệu những công nghệ mới nhằm thu hút khách hàng.

Một trong những điểm nhấn tại Computex 2024 là sự ra mắt của dòng máy tính cá nhân mới từ Microsoft, có tên gọi Copilot+AI. Dòng máy tính này được cải tiến và tích hợp các tính năng AI trong hệ điều hành Windows, cho phép người dùng tận dụng các khả năng AI mạnh mẽ mà không cần thông qua mạng Internet. Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đưa AI đến gần hơn với người tiêu dùng cá nhân.

Theo dự báo của Intel, máy tính AI sẽ chiếm 80% thị trường vào năm 2028. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ AI trong lĩnh vực điện toán. Sự phát triển của các công nghệ AI không chỉ mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp mà còn mang lại những trải nghiệm người dùng tốt hơn, từ việc tối ưu hóa hiệu suất công việc đến cải thiện các dịch vụ giải trí và chăm sóc sức khỏe.

Với việc ra mắt các công nghệ chip AI mới, Intel không chỉ khẳng định vị thế của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn mà còn đặt ra thách thức lớn đối với các đối thủ cạnh tranh. Sự đổi mới và tiến bộ không ngừng trong lĩnh vực này hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho thị trường và định hình lại cách chúng ta sử dụng công nghệ trong tương lai.

P.A.T (NASATI), theo Reuter, 6/2024