Thủy táng có thân thiện với môi trường?

Khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, con người luôn cố gắng đảm bảo rằng mọi thứ đều thân thiện với môi trường. Trong khi hỏa táng truyền thống đốt nhiên liệu hóa thạch và thải ra các chất gây ô nhiễm như CO2, kim loại nặng và bụi mịn, thì thủy táng lại mang đến một giải pháp thay thế rẻ hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Thủy táng là gì?

Sơ đồ quá trình thủy táng.

Thủy táng, hay còn được gọi là thủy phân kiềm (aquamation) là quá trình đặt thi thể vào một buồng thép lớn chứa 95% nước và khoảng 5% dung dịch kiềm (kali hydroxit, natri hydroxit hoặc hỗn hợp cả hai) và đun nóng ở khoảng 90oC trong khoảng 10 giờ. Nước và dung dịch kiềm tuần hoàn nhẹ nhàng sẽ phân hủy cơ thể thành các thành phần tự nhiên như amino acid, peptide, muối và đường. Về cơ bản, quá trình này đẩy nhanh và mô phỏng quá trình tự nhiên xảy ra khi cơ thể được chôn cất. Sau quá trình này chỉ còn lại các mảnh xương (canxi phosphate), được làm khô, làm mát và sau đó nghiền thành tro để trả lại cho người thân của người đã khuất giống như với hỏa táng thông thường. Tuy nhiên, thủy táng tạo ra lượng tro nhiều hơn tới 30% và tro cốt sau quá trình này đã được tiệt trùng nên an toàn hơn khi xử lý. Nước còn lại sau hỏa táng không còn chứa kiềm nên an toàn khi thải ra môi trường.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Hỏa táng (Anh), năm 2018-2019, tỷ lệ hỏa táng bằng lửa có sự khác nhau giữa các nước trên thế giới. Nhật Bản có tỷ lệ cao nhất là 99,97%, Úc là 69,23% và Vương quốc Anh là 78,10%. Tại Hoa Kỳ, 54,59% người quá cố được hỏa táng, trong khi tỷ lệ này tại Canada là 73,12%. Có nhiều lý do để lựa chọn việc hỏa táng thay cho chôn cất truyền thống, ví dụ, quá trình phân hủy chậm và kéo dài có thể không được ưa chuộng, hoặc có thể người thân muốn chọn một phương pháp thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và tôn giáo ảnh hưởng nhiều đến những con số này.

Trong khi Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo cho phép hỏa táng thì Do Thái giáo Chính thống và Giáo hội Chính thống Đông phương cấm phương pháp này. Không những vậy, Kitô giáo không khuyến khích hỏa táng vì họ coi đó là sự xúc phạm đến hình ảnh của Thiên Chúa. Những yếu tố về tôn giáo này giải thích cho tỷ lệ hỏa táng thấp ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (1,25%), Hy Lạp (3,42%) và Ghana (6,41%). Tuy nhiên, không có số liệu cụ thể về thủy táng. Về mặt pháp lý, thủy phân kiềm cũng được coi là hỏa táng. Hiện tại, ở Mỹ đã có 24 bang cho phép thủy táng là một trong những phương pháp để xử lý hài cốt người. Ở Úc, hiện đã có 2 công ty cung cấp dịch vụ thủy phân kiềm là Aquamation ở New South Wales và Alluvium Water Cremations ở Tasmania.

Thủy táng có thân thiện với môi trường?

Thủy táng có nhiều ưu điểm vượt trội so với hỏa táng và chôn cất.

Vào năm 2011, các nhà nghiên cứu tại Hà Lan đã công bố báo cáo về tác động môi trường của 4 kỹ thuật tang lễ thông dụng hiện nay. Xem xét 11 danh mục tác động môi trường cho từng kỹ thuật, bao gồm sự ấm lên toàn cầu, độc tính đối với con người và cạnh tranh đất đai, các nhà nghiên cứu đã so sánh 4 phương pháp: chôn cất, hỏa táng bằng lửa, cryomation (đóng băng cơ thể bằng nitơ lỏng sau đó làm vỡ nó) và thủy táng. Kết luận cho thấy: cryomation và thủy táng có tác động môi trường thấp nhất trên tất cả các danh mục; chôn cất có tác động môi trường cao nhất trong tất cả các danh mục; hỏa táng bằng lửa có tác động môi trường ở tất cả các danh mục nằm ở mức trung bình so với các lựa chọn khác; tác động của thủy táng (có thể) là thấp nhất trong tất cả các kỹ thuật.

Những phát hiện này phù hợp với các tuyên bố xanh của các công ty cung cấp dịch vụ aquamation. Công ty Resomation cho biết, quá trình này sử dụng ít năng lượng hơn 5 lần so với hỏa táng bằng lửa và giảm phát thải khí nhà kính khoảng 35%. Công ty Alluvium Water Cremations tuyên bố trên trang web của mình rằng, không có khí thải gây hại trực tiếp ra môi trường hoặc thủy ngân thải vào không khí. Quá trình này không đốt cháy bất kỳ nhiên liệu hóa thạch nào. Phương pháp này tiết kiệm năng lượng (hơn 90% năng lượng) so với hỏa táng bằng lửa, với dấu vết carbon chỉ bằng 10%.

Theo một bài báo năm 2012 được đăng tải trên Tạp chí quy hoạch Berkeley, mỗi năm tại Hoa Kỳ tiêu tốn khoảng 30 triệu BF (~70.792 m3) gỗ cứng, 2.700 tấn đồng và đồng thau, 104.272 tấn thép và 1.636.000 tấn bê tông cốt thép. Đó là chưa kể đến khoảng 827.060 gallon (hơn 3,1 triệu lít) dung dịch ướp xác (chủ yếu là formaldehyde) được bơm vào cơ thể người quá cố và chôn cùng với họ. Về hỏa táng, nghiên cứu này cho biết, quá trình này thải carbon monoxide, bụi mịn, sulfur dioxide và kim loại nặng vào không khí. Đặc biệt, khí thải thủy ngân từ hàn răng là mối quan tâm đặc biệt. Ngoài ra, tro cốt sau hỏa táng đã được tiệt trùng, vì vậy không đóng góp dinh dưỡng vào chu kỳ sinh thái.

Với chi phí ngày càng tăng của các kỹ thuật tang lễ như chôn cất và hỏa táng truyền thống, sự khan hiếm không gian khi chôn cất và tầm quan trọng tương đối của các yếu tố môi trường, thủy táng có thể trở thành lựa chọn thay thế được ưa chuộng trong tương lai.

Xuân Bình (theo Newatlas)