Tenacity, máy bay vũ trụ vận chuyển hàng hóa cho trạm ISS, bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho vụ phóng đầu tiên cuối năm 2024.
Máy bay vũ trụ thương mại có cánh đầu tiên trên thế giới, Tenacity, đã tới Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở bang Florida, Mỹ, New Atlas hôm 20/5 đưa tin. Đây là điểm đến cuối cùng trước khi máy bay này thực hiện nhiệm vụ đầu tiên tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cuối năm nay.
Sau quá trình kiểm tra nghiêm ngặt tại Cơ sở thử nghiệm Neil Armstrong tại bang Ohio, Tenacity, máy bay vũ trụ đầu tiên thuộc dòng Dream Chaser do công ty Mỹ Sierra Space chế tạo, đã có thể bắt đầu những bước chuẩn bị cuối cùng trước khi phóng, ví dụ như hoàn thiện hệ thống bảo vệ nhiệt và tích hợp tải trọng. Vụ phóng đầu tiên dự kiến diễn ra cuối năm nay, trong đó Tenacity sẽ “đi nhờ” trên tên lửa Vulcan của công ty Mỹ United Launch Alliance (ULA) để vận chuyển 3.540 kg thực phẩm, nước và các bộ thí nghiệm khoa học lên trạm ISS.
Dream Chaser được phát triển từ tháng 9/2004 và ban đầu dự kiến nằm trong chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA – chương trình đưa đón các phi hành gia đến và đi khỏi trạm ISS. Tuy nhiên, nó đã bị các phương tiện của Boeing và SpaceX chiếm chỗ vào năm 2014, khi hai công ty này ký hợp đồng Khả năng Vận chuyển Phi hành đoàn Thương mại (CCtCap) trị giá 6,8 tỷ USD.
Không lâu sau, Dream Chaser được NASA chú ý trở lại. Năm 2016, một phiên bản máy bay vũ trụ nhỏ gọn hơn và không chở người được NASA chọn làm phương tiện đầu tiên thuộc loại này để chở hàng hóa quan trọng lên trạm ISS, đồng thời đưa hàng hóa từ ISS về Trái Đất.
Tenacity sẽ là chiếc đầu tiên trong đội ngũ máy bay vũ trụ kiểu thân nâng linh hoạt, có thể tái sử dụng cho những chuyến giao hàng quỹ đạo thấp. Máy bay có các bộ đẩy bên trong với ba chế độ để đáp chính xác xuống trạm ISS và cánh cố định để lao trở lại khí quyển Trái Đất và tự động hạ cánh xuống đường băng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy.
Shooting Star, module chở hàng ghép nối với Tenacity, đã đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy từ ngày 11/5 và sẽ không trở lại Trái Đất nguyên vẹn. Module nhỏ gọn này dài 4 m, có thể chứa tới 3.175 kg hàng hóa và thêm một khoang chứa bổ sung bên ngoài, được thiết kế để cháy rụi khi hồi quyển. Shooting Star cùng khoảng 2.590 kg rác sẽ phân rã nhờ “lò thiêu” hoạt động bằng áp suất khí quyển của Trái Đất.
Tenacity dự kiến phóng từ Tổ hợp Phóng Không gian 41 tại Trạm Lực lượng Vũ trụ Cape Canaveral và ghép nối với trạm ISS khoảng 45 ngày, sau đó “tạm biệt” module chở hàng và lao xuống để hạ cánh trên đường băng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy.
Sierra Space dự định vận hành một dây chuyền sản xuất để lắp ráp các module Shooting Star. Mỗi nhiệm vụ đòi hỏi một module mới do chúng không thể tái sử dụng. NASA sẽ tiến hành ít nhất 7 nhiệm vụ chở hàng với Tenacity, có thể tăng sức chở của máy bay và kéo dài nhiệm vụ thành 75 ngày trong tương lai.
Ngày 30/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Khoa học và Công nghệ – Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” và Lễ trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KH&CN.
Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những kết quả nghiên cứu, những kinh nghiệm, tầm nhìn để cùng thảo luận về các hướng đi mới, các giải pháp sáng tạo, phù hợp nhằm tìm ra chìa khóa tin cậy để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với BĐKH, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Nnhững năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ nét, những thảm họa thiên tai với tần suất và mức độ tàn phá gia tăng. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia. Vì vậy, KH&CN đóng vai trò then chốt trong việc dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, cũng như ứng phó hiệu quả với BĐKH và bảo vệ môi trường. Bộ TN&MT đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những thành tựu đạt được đã cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào KH&CN, là chìa khoá giải quyết các thách thức. “Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng, để đạt được kết quả bền vững và toàn diện hơn, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành và các nhà khoa học trong nước và quốc tế”, Thứ trưởng cho hay.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nhấn mạnh ý nghĩa “khoa học công nghệ trở thành chìa khoá” trong ứng phó BĐKH, phát triển ngành tài nguyên nước, môi trường và khoa học công nghệ nói riêng. Thứ trưởng mong muốn các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, hướng mũi nhọn thực hiện áp dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong khí tượng thuỷ văn để ứng phó BĐKH, đồng thời hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, cam kết hỗ trợ tối đa cho ứng phó BĐKH và bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia, hiện nay trái đất đang đứng trước những thách thức to lớn đe dọa sự phát triển bền vững của nhân loại như bùng nổ dân số, suy thoái và cạn kiệt của các nguồn tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, những tác động khốc liệt của thiên tai, BĐKH và dịch bệnh.
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo đang được coi là giải pháp nền tảng, căn cơ và là xu thế tất yếu để các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề thời đại. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó.
Tại sự kiện, để ghi nhận, biểu dương những cống hiến, đóng góp của các nhà khoa học trong quá trình xây dựng và phát triển của Bộ KH&CN nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã quyết định trao tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KH&CN đối với Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thục, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đã có những đóng góp cho hoạt động khoa học công nghệ trong suốt sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Tàu vũ trụ Akatsuki của Nhật Bản, hiện là tàu duy nhất hoạt động trên quỹ đạo sao Kim, mất liên lạc từ tháng trước.
Viện Không gian và Khoa học Du hành vũ trụ (ISAS) của Nhật Bản mất liên lạc với tàu Akatsuki sau một hoạt động vào cuối tháng 4 do chế độ kiểm soát sự ổn định độ cao thấp bị kéo dài, Space hôm 30/5 đưa tin. Các chuyên gia đang nỗ lực thiết lập lại kết nối với con tàu.
Tàu vũ trụ sẽ cần duy trì được khả năng định hướng ổn định để hướng ăng-ten về phía Trái Đất và liên lạc. “Chúng tôi sẽ thông báo về các kế hoạch trong tương lai sau khi xác định rõ. Cảm ơn sự ủng hộ nồng nhiệt của các bạn”, nhóm phụ trách Akatsuki viết trên mạng xã hội X.
Akatsuki, nghĩa là “bình minh” trong tiếng Nhật, có nhiệm vụ chính là nghiên cứu khí hậu sao Kim. Đây hiện là tàu vũ trụ duy nhất của thế giới đang hoạt động trên quỹ đạo quanh hành tinh thứ hai tính từ Mặt Trời. Con tàu trị giá 300 triệu USD, phóng lên không gian vào năm 2010. Khởi đầu nhiệm vụ không mấy thuận lợi khi con tàu không thể đi vào quỹ đạo quanh sao Kim do động cơ chính gặp trục trặc.
Tuy nhiên, nhóm phụ trách Akatsuki tìm được cơ hội thứ hai. Năm 2015, sau 5 năm quay quanh Mặt Trời, Akatsuki thành công tiến vào quỹ đạo sao Kim. Con tàu thực hiện nhiều công việc khoa học từ đó đến nay, trong đó có một số quan sát gây bất ngờ.
Akatsuki đã hoàn thành nhiệm vụ chính của mình. Con tàu bắt đầu giai đoạn hoạt động mở rộng vào năm 2018. Kể cả khi không thể được “cứu” lần này, con tàu cũng đã chứng minh khả năng giải quyết vấn đề của các kỹ sư tại Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và nâng cao hiểu biết của nhân loại về khí hậu và động lực khí quyển của sao Kim.
Kể cả khi Akatsuki dừng hoạt động, sao Kim cũng sẽ không thiếu “bạn đồng hành” lâu. Giới khoa học đặc biệt quan tâm đến lý do sao Kim hứng chịu hiệu ứng nhà kính dữ dội, trở thành hành tinh nóng nhất hệ Mặt Trời, và những dấu hiệu sinh học tiềm năng trong khí quyển. Các tàu vũ trụ mới từ NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Ấn Độ và một công ty tư nhân có thể sẽ bay tới sao Kim cuối thập kỷ này.
BÌNH ĐỊNH Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) nghiên cứu thành công hạt giống hành tím thay thế củ giống, giúp giảm nhân công, năng suất tăng gấp đôi.
ASISOV trụ sở tại TP Quy Nhơn vừa nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình nhân giống hành tím nguồn gốc Ninh Thuận, Quảng Ngãi bằng hạt giống.
Theo GS Trần Thục, các công nghệ, mô hình dự báo thiên tai đã cho thấy rõ vai trò của tiến bộ khoa học, song cần nghĩ tới việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể dự báo sớm hơn.
Thông tin được GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học nêu tại hội thảo “Khoa học và công nghệ – chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” do Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu và Văn phòng các Chương trình Trọng điểm Quốc gia phối hợp tổ chức, chiều 30/5.
GS Thục dẫn nhiều thông tin khẳng định khoa học công nghệ thể hiện rõ vai trò trong quan trắc, phân tích và dự báo khí tượng thủy văn. Ông cho hay hệ thống quan trắc và truyền số liệu khí tượng thủy văn được cải tiến nhiều nhờ khoa học công nghệ. Hiện nhiều trạm quan trắc tự động dần thay quan trắc thủ công, radar thời tiết, định vị sét, vệ tinh; việc truyền tin qua internet, vệ tinh theo thời gian gần thực, dạng số dễ phân tích. “Việc phân tích tính toán được thực hiện với siêu máy tính, công nghệ tính toán”, GS Thục nói.
GS Trần Thục khẳng định khoa học công nghệ đang thể hiện rõ tầm quan trọng trong công tác dự báo thiên tai. Ảnh: LD
GS Thục cho hay các công nghệ dự báo, mô hình toán đã được áp dụng song cần quan tâm đến áp dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong dự báo. Ông đánh giá việc sử dụng hạ tầng chuyển đổi số hiện nay mới chỉ có dữ liệu đo đạc khí tượng thủy văn, chưa có cơ sở dữ liệu lớn về các hình thái thời tiết, điều kiện hình thành và tiến triển thiên tai trong quá khứ. Ông đề xuất các nhà khoa học trẻ phát triển đề tài nghiên cứu, xây dựng chuỗi đề tài từ dữ liệu lớn đến các công nghệ để ứng dụng khoa học trong mục tiêu giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng chỉ ra những lo ngại khi biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Theo ông, những thảm họa thiên tai với tần suất và mức độ tàn phá gia tăng đặt ra những thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia. Trong bối cảnh đó khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LD
Ông cho biết, nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được triển khai. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các nhà khoa học thảo luận các hướng đi mới, giải pháp sáng tạo, nhằm tìm ra chìa khóa tin cậy để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cũng kỳ vọng các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, hướng mũi nhọn thực hiện áp dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong khí tượng thủy văn để ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời hình thành nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu tại sự kiện chiều 30/5. Ảnh: LD
GS.TS Trần Đình Hòa, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam dẫn nhiều thông tin cho thấy công nghệ mới như điện toán đám mây, IoT, dữ liệu lớn (Big Data) hay trí tuệ nhân tạo đang được nhiều nước thế giới ưu tiên sử dụng trong các nghiên cứu về biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai. “Để xây dựng các kịch bản, dự báo để ứng phó biến đổi khí hậu cần thiết ứng dụng giải pháp công nghệ tiên tiến”, ông nói.
Ông cho hay, các giải pháp khoa học công nghệ đang được ứng dụng và mang hiệu quả tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ tính toán dự báo ngập lụt tiên tiến, xây dựng hệ thống dự báo lũ lụt theo thời gian thực. Theo GS Hòa các công nghệ mới được ứng dụng xây dựng bản đồ rủi ro ngập lũ theo các kịch bản và giải pháp giảm thiểu rủi ro các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị miền núi Bắc Bộ.
Còn TS Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho hay việc áp dụng công nghệ 4.0 toàn diện vào các khâu, lĩnh vực ngành khí tượng giúp tạo giá trị mới và sản phẩm đột phá trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. TS Cường nêu ứng dụng công nghệ số trong quan trắc như quan trắc bề mặt, viễn thám và các dữ liệu chuyên dùng, hay như công nghệ dự báo cảnh báo bão lũ.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đang xác minh hơn 33.000 cuốn sách giáo khoa ghi chữ Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam nghi giả.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, tạm giữ hơn 33.000 sách giáo khoa các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam – Ảnh: CTV
Ngày 30-5, tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cho hay đang tạm giữ hơn 33.000 bản phẩm sách giáo khoa để xác minh dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam. Trước đó, Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai) phối hợp với Công an huyện Nhơn Trạch kiểm tra đột xuất Doanh nghiệp tư nhân T.T. (khu phố Mỹ Khoan, thị trấn Hiệp Phước) do ông N.T.T. làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bộ 33.809 bản phẩm sách giáo khoa các loại. Tổng giá trị hàng hóa theo giá bán niêm yết khoảng 600 triệu đồng. Trên bìa số sách giáo khoa trên có logo “GD”, ghi tên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, có tem chống hàng giả, có dấu hiệu giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ của toàn bộ số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số sách giáo khoa trên, đưa về Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, mời đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đến giám định. Qua kiểm tra bước đầu cho thấy số hàng trên có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng và được làm giả với thủ đoạn rất tinh vi. “Cơ quan chức năng đang tiếp tục thẩm tra, xác minh lại toàn bộ số sách giáo khoa trên rồi mới có hướng xử lý theo quy định”, một thành viên đoàn kiểm tra nói.
Trước đây các tem truy xuất nguồn gốc áp dụng trên các sản phẩm chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức, không minh bạch về chất lượng hàng hóa, gây khó khăn cho quản lý. Trước thực trạng đó, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển và Công ty TNHH Phần mềm SmartSoft đã tiến hành thỏa thuận hợp tác nhằm ứng dụng các thành tựu của công nghệ CheckVN vào phát triển nghiên cứu, xây dựng hệ thống chống giả điện tử cho các xuất bản phẩm trong ngành xuất bản. Theo đó từ đầu năm 2023 Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển đã chủ trì xây dựng Giải pháp truy xuất nguồn gốc chống vi phạm bản quyền tác giả, tác phẩm và chống hàng lậu, hàng giả.
Tem thông minh chống hàng giả CheckVN Book để phân biệt sách thật, sách có bản quyền với sách giả, sách lậu.
Việc sử dụng Tem thông minh chống hàng giả CheckVN Book để phân biệt sách thật, sách có bản quyền với sách giả, sách lậu được Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tiên phong ứng dụng rộng rãi trên sách và các xuất bản phẩm Lịch. Ngoài mã ISBN, mỗi cuốn sách có một mã số riêng (mã số NXB), qua mã số đó, với sự giúp đỡ của công nghệ thông tin, độc giả sẽ tương tác với Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật và nhận được các dịch vụ hậu mãi cũng như chăm sóc khách hàng.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, nhờ CheckVN Book, khi mua sách và thao tác kiểm tra thông tin, cào lớp nhũ bảo mật kiểm tra thật giả, nhập thông tin xác thực khi thanh toán. Khách hàng không chỉ mua được ấn bản phẩm thật của nhà xuất bản mà còn được khẳng định quyền sở hữu với cuốn sách đã mua, bởi tất cả các lần kiểm tra thông tin trên tem CheckVN Book đã gắn trên cuốn sách, thông tin hiển thị sẽ hiển thị chủ sở hữu đã trả tiền mua sách.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ phát triển nhanh nhất và quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Trong số các dạng AI hiện nay, AI đa dụng (General-Purpose AI – GAI) nổi bật như một bước tiến quan trọng, hứa hẹn sẽ thay đổi cách chúng ta sống và làm việc.
AI đa dụng là một hệ thống AI có khả năng thực hiện một loạt các nhiệm vụ khác nhau với mức độ thông minh và hiệu quả tương đương hoặc thậm chí vượt qua con người. Khác với AI chuyên dụng (Narrow AI), được thiết kế để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể như nhận dạng khuôn mặt hay dự báo thời tiết, AI đa dụng có thể học hỏi và thích nghi với nhiều lĩnh vực và nhiệm vụ khác nhau.
AI đa dụng có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, kinh doanh đến giải trí và nhiều lĩnh vực khác. Trong y tế, AI đa dụng có thể hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh, phân tích hình ảnh y khoa, đề xuất phương pháp điều trị và thậm chí dự đoán dịch bệnh. Hơn nữa, nó có thể cá nhân hóa kế hoạch điều trị cho từng bệnh nhân dựa trên dữ liệu y tế cụ thể của họ.
Trong giáo dục, AI đa dụng có thể cung cấp trợ lý học tập thông minh, giúp học sinh tự học, hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giáo án và đánh giá hiệu quả học tập. Nó cũng có thể điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với từng học sinh.
Trong kinh doanh, AI đa dụng có thể cải thiện quy trình kinh doanh bằng cách tự động hóa các tác vụ văn phòng, phân tích dữ liệu thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thậm chí hỗ trợ ra quyết định chiến lược.
Trong lĩnh vực giải trí, AI đa dụng có thể tạo ra nội dung sáng tạo như âm nhạc, phim ảnh, trò chơi và văn học. Nó cũng có thể cá nhân hóa trải nghiệm giải trí cho từng người dùng.
Mặc dù AI đa dụng có tiềm năng to lớn, việc phát triển và triển khai nó không phải là không có thách thức. Các vấn đề về đạo đức, quyền riêng tư, và an toàn là những mối quan tâm hàng đầu. Làm thế nào để đảm bảo rằng AI đa dụng hoạt động minh bạch, không thiên vị, và không bị lạm dụng là một vấn đề lớn. Hơn nữa, việc phát triển AI đa dụng đòi hỏi sự hợp tác giữa các nhà khoa học máy tính, nhà quản lý chính sách, và các chuyên gia đạo đức. Các quy định và chính sách cần được thiết lập để hướng dẫn việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm.
AI đa dụng là một bước nhảy vọt trong khả năng của máy móc và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho xã hội. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, chúng ta cần đối mặt và giải quyết những thách thức liên quan đến đạo đức và an toàn. Với sự phát triển đúng hướng và hợp tác toàn cầu, AI đa dụng có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề phức tạp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiếp nối lớp tập huấn điều tra thống kê khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2024 tại TP. Đà Nẵng, ngày 28/04/2024, Cục Thông tin KH&CN quốc gia tổ chức lớp tập huấn điều tra thống kê KH&CN năm 2024 tại Hà Nội. Tham dự lớp tập huấn có Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia Trần Đắc Hiến, lãnh đạo các Sở KH&CN, lãnh đạọ các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN của các bộ, ngành và các đại biểu đến từ các bộ, ngành và các Sở KH&CN trên khắp cả nước.
Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia Trần Đắc Hiến phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn
Quang cảnh lớp tập huấn tại Hà Nội
Năm 2024, Cục Thông tin KH&CN quốc gia được giao chủ trì thực hiện 03 cuộc điều tra thống kê, trong đó có cuộc điều tra thống kê quốc gia là điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (lần thứ 7) theo quyết định số 1004/QĐ-BKHCN và điều tra tiềm lực KH&CN của các tổ chức KH&CN (lần thứ 3) theo quyết định 1006/QĐ-BKHCN ngày 20/05/2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia Trần Đắc Hiến cho biết thống kê KH&CN có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng chiến lược và chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Điều tra thống kê là một trong những kênh thu thập thông tin quan trọng bên cạnh chế độ báo cáo thống kê và hồ sơ hành chính. Để triển khai hiệu quả các cuộc điều tra nói trên, Cục Thông tin KH&CN quốc gia cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị làm công tác thống kê từ các bộ, ngành và địa phương.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hai nguồn lực là nhân lực và tài lực làm thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đều trong tình trạng thiếu và yếu, đây là khó khăn lớn nhất của ngành thông tin, thống kê KH&CN. Trong khi hàng năm chúng ta phải thực hiện đầy đủ các chế độ báo cáo thống kê từ báo cáo thống kê ngành tới báo cáo thống kê quốc gia. Hiện nay, với sự nỗ lực của Bộ KH&CN, hành lang pháp lý cho hoạt động thông tin thống kê KHCN&ĐMST tương đối đầy đủ và đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước cũng như yêu cầu của hoạt động KHCN&ĐMST. Cục trưởng Trần Đắc Hiến Hy vọng trong thời gian tới đội ngũ làm công tác thông tin, thống kê ở địa phương được bồi dưỡng về nghiệp vụ tốt hơn nữa để có thể phát triển được mạng lưới các cán bộ làm công tác thông tin, thống kê trên cả nước. Cục trưởng Trần Đắc hiến cũng mong các đồng chí lãnh đạo các Sở, ban, ngành có sự quan tâm nhiều hơn để hoạt động thống kê thực sự hiệu quả, đúng là “tai mắt”, đúng là “số liệu biết nói” để phục vụ các đồng chí lãnh đạo các cấp trong công tác hoạch định chiến lược, chính sách cũng như chỉ đạo điều hành.
Lớp tập huấn lần này tập trung vào các nội dung: Giới thiệu Phương án điều tra, hướng dẫn điền Phiếu điều tra Hướng dẫn về thủ tục và định mức thanh toán phiếu điều tra; Hướng dẫn phần mềm điều tra trực tuyến; Trao đổi các nội dung về hoạt động thống kê KH&CN. Lớp tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác thống kê KHCN&ĐMST, tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động này đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng chiến lược và chính sách phát triển KH&CN&ĐMST. Dữ liệu thống kê KHCN&ĐMST thu thập nhằm đáp ứng các yêu cầu: Đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng thay đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược về các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; hiện trạng tiềm lực KH&CN trên phạm vi cả nước; Đánh giá kết quả thực hiện các chính sách về phát triển KH&CN, Luật Khoa học và Công nghệ, các kế hoạch, chương trình về KH&CN; Phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu thống kê KH&CN; Xây dựng cơ sở dữ liệu về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, tiềm lực KH&CN của Việt Nam; Phục vụ tính toán các chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), phục vụ đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH, Chiến lược phát triển KH&CN…
Các CEO cũng đối mặt với nguy cơ bị thay thế tương tự như nhân viên của họ, khi giới chủ tin rằng trí tuệ nhân tạo vừa được việc vừa tốn ít tiền lương.
Các CEO trí tuệ nhân tạo được cho là có thể ra quyết định nhanh và không bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân – Ảnh minh họa của Getty
Trong bối cảnh các chương trình trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cách làm việc và gây thất nghiệp cho hàng triệu người, nhóm nhân viên cấp cao bao gồm cả các giám đốc điều hành (CEO) cũng đối diện với nguy cơ bị cắt giảm.
Công bằng và minh bạch hơn?
Máy móc, mà cụ thể là trí tuệ nhân tạo, được cho là có thể thực hiện các công việc này tự động, nhanh chóng và khách quan hơn thông qua công nghệ thu thập văn bản, hình ảnh và âm thanh tức thì.
Việc thay thế vị trí CEO bằng trí tuệ nhân tạo giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đáng kể. Các chuyên gia cho rằng những tập đoàn lớn sẽ sớm đưa trí tuệ nhân tạo vào bộ phận lãnh đạo và giao việc đưa ra chiến lược phát triển ngắn hạn cho máy móc.
Hiện nay, một số công ty bắt đầu thử nghiệm ý tưởng CEO trí tuệ nhân tạo và đã đạt được một số thành công khi xây dựng chiến dịch truyền thông quảng cáo.
Theo ông Saul J. Berman – cựu chuyên viên tư vấn cấp cao của IBM, “trí tuệ nhân tạo có thể được thay thế để quản lý vận hành hệ thống doanh nghiệp, tuy nhiên cần giữ lại một số người có ý tưởng sáng tạo vượt xa máy móc”.
“edX” – nền tảng học trực tuyến được sáng lập bởi những cử nhân tại Harvard và MIT – đã tiến hành cuộc khảo sát có trả tiền cho hàng trăm CEO và các giám đốc khác vào năm 2023 về vấn đề này.
47% người được hỏi tin rằng phần lớn hoặc tất cả vai trò của CEO nên được tự động hóa hoàn toàn và thay thế bằng trí tuệ nhân tạo. Thậm chí, một số người nhận định vị trí CEO sẽ không còn cần thiết vào cuối thời đại kỹ thuật số.
Nhà sáng lập “edX” Anant Agarwal cho rằng phản ứng đầu tiên của những CEO trong khảo sát sẽ là “thay thế tất cả nhân viên ngoại trừ tôi”.
Nhưng sau đó, họ nghĩ kỹ hơn và nhận ra rằng hơn 80% công việc của CEO có thể được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo.
Các công việc như viết, tổng hợp thông tin, thúc đẩy nhân viên làm việc… trí tuệ nhân tạo đều có thể làm tốt.
Thậm chí, trí tuệ nhân tạo còn được cho là minh bạch hơn trong quá trình khen thưởng nhân viên, giúp dân chủ hóa quá trình quản lý cấp cao.
“Trí tuệ nhân tạo cũng có thể trở thành giám đốc điều hành”, ông Agarwal khẳng định.
Ngày càng nhiều CEO trí tuệ nhân tạo
Nhiều người thích nhận lệnh từ máy móc hơn con người – Ảnh minh họa của Getty
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2017 với 1.000 nhân viên kế toán trực tuyến tại Anh, 42% cho biết họ “cảm thấy thoải mái” khi nhận lệnh từ máy tính.
Trước khi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo diễn ra, Jack Ma, lúc đó là giám đốc điều hành của công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, dự đoán rằng trong 30 năm tới “robot có khả năng có mặt trên bìa của tạp chí Time với tư cách là CEO hàng đầu”.
Công ty trò chơi trực tuyến Trung Quốc NetDragon Websoft, nơi có 5.000 nhân viên, cũng đã bổ nhiệm một CEO trí tuệ nhân tạo vào năm 2022 được đặt tên Tang Yu.
Tang Yu được nhân cách hóa như người phụ nữ, không xuất hiện trên danh sách đội ngũ quản lý NetDragon, nhưng công ty cho biết trí tuệ nhân tạo này đã giành được danh hiệu “Nhân viên ảo hàng đầu của Trung Quốc” gần đây.
Đội ngũ nhân viên trí tuệ nhân tạo của NetDragon chịu trách nhiệm đánh giá hiệu suất, hướng dẫn nhân viên và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu từ công ty.
Hay như công ty rượu cao cấp Ba Lan Dictador thông báo vào tháng 11-2023 rằng họ có một CEO trí tuệ nhân tạo tên Mika. Nữ giám đốc trí tuệ nhân tạo này tuyên bố trên LinkedIn rằng cô “không có định kiến cá nhân, do đó đảm bảo các lựa chọn khách quan và chiến lược ưu tiên lợi ích tốt nhất của tổ chức”.
Một số ý kiến cho rằng sự chuyển đổi này là tiến trình tự nhiên và chúng ta đang ở giai đoạn đầu của nó.
Đại dịch COVID-19 giúp người ta chuẩn bị phần nào cho điều này. Nhiều nhân viên văn phòng đã làm việc ở nhà từ năm 2020 và tiếp tục đến thời điểm hiện tại.
“Nhiều người thích có các giao tiếp xã hội với sếp là con người – bà Phoebe V. Moore, giáo sư tại Đại học Essex (Anh) nói – nhưng sau đại dịch, họ cảm thấy điều đó cũng không quá cần thiết”.
Ngành y tế TP HCM đặt hàng nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu khung bệnh án điện tử dùng chung làm cơ sở triển khai tại nhiều bệnh viện.
Thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng nói tại hội nghị đặt hàng về nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động quản lý, khám chữa bệnh cho người dân do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố (SIHUB) tổ chức chiều 29/5.
Theo ông Dũng, để phục vụ tốt nhất chăm sóc sức khỏe nhân dân, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là không thể thiếu. Công nghệ được coi là công cụ quản lý, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, tiến tới môi trường y tế thông minh. Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cũng đặt hàng chuyên gia, nhà khoa học xây dựng khung bệnh án điện tử chung cho nhiều bệnh viện.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng đặt hàng khung bệnh án điện tử dùng chung. Ảnh: Hà An
Hiện TP HCM có hơn 130 bệnh viện, nhưng chỉ có 8 cơ sở triển khai bệnh án điện tử với mô hình khác nhau. Cả nước chỉ có 70 cơ sở trong tổng số 1.800 bệnh viện công bố dùng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Bộ Y tế đánh giá việc chuyển đổi “rất chậm”. Khó khăn trong việc triển khai bệnh án điện tử theo đại diện Sở Y tế TP HCM là do hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực quản lý, rủi ro về bảo mật dữ liệu bệnh nhân và kinh phí đầu tư khá lớn.
Từ thực tế này, ông Dũng mong muốn có khung bệnh án điện tử dùng chung để các bệnh viện làm căn cứ xây dựng bệnh án điện tử tùy vào đặc thù, quy mô, số giường bệnh của mình. Theo ông, khi có khung bệnh án điện tử dùng chung, bệnh viện không phải đầu tư từ đầu đến cuối mà xây dựng phục vụ mô hình quản lý của mình.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Long, Phó phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế TP HCM, ứng dụng bệnh án điện tử giúp bệnh viện quản lý thông tin bệnh án nhanh, giảm thời gian ghi chép và tìm kiếm hồ sơ. Điều này giúp tăng cường tính chính xác, kịp thời trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Khi có bệnh án điện tử, bác sĩ chỉ cần sử dụng máy tính bảng, laptop truy cập hồ sơ tiền sử khám, kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân. Các thông tin có giá trị giúp bác sĩ chẩn đoán kịp thời, đưa ra quyết định điều trị nhanh, chính xác. Thông tin chi tiết về tình trạng bệnh, liệu trình điều trị trên bệnh án điện tử giúp loại bỏ rủi ro mất mát nhầm lẫn so với hồ sơ giấy. Bệnh nhân sử dụng bệnh án điện tử có thể tra cứu thông tin bệnh lý, kết quả chẩn đoán… để biết tình trạng của mình.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc công ty công nghệ Meta Lifestyle cho rằng, để xây dựng khung bệnh án điện tử dùng chung cần lấy bệnh nhân làm trung tâm. Việc cấp thiết theo ông, cơ quan y tế cần phối hợp với các bệnh viện đang triển khai xây dựng trường thông tin chung của bệnh nhân và xây dựng nguồn dữ liệu này. Khi đã có chuẩn về dữ liệu, các doanh nghiệp công nghệ có thể cùng tham gia xây dựng bệnh án điện từ tùy theo quy mô, nhu cầu mỗi bệnh viện. “Tôi tin rằng nếu làm được những việc này sẽ đẩy nhanh triển khai bệnh án điện tử trong các bệnh viện”, ông Tuấn nói.