Các nhà nghiên cứu phát hiện và công bố 5 loài nấm mới cho khoa học thuộc họ nấm thông Boletaceae và Entolomataceae tại Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn Thiên nhiên của Việt Nam.
TS Phạm Thị Hà Giang, Viện Sinh thái nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga phối hợp với các nhà khoa học Viện Thực vật Komarov (Nga) đã phát hiện và mô tả 5 loài nấm mới cho khoa học. Trong đó, 1 loài thuộc họ Boletaceae (Tylopilus aurantiovulpinus) và 4 loài thuộc họ Entolomataceae, chi Entoloma (gồm Entoloma cycneum, Entoloma dichroides, Entoloma peristerinum và Entoloma tadungense).
Loài nấm Tylopilus aurantiovulpinus thuộc họ Boletaceae. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Các nhà khoa học đã thu thập 69 mẫu nấm tại VQG Tà Đùng (Đắk Nông) và Khu BTTN Kon Chư Răng (Gia Lai). Kết quả ghi nhận 62 loài nấm thuộc 14 chi, 2 họ Boletaceae và Entolomataceae; trong đó 27 loài nấm thuộc họ Boletaceae và 35 loài nấm thuộc họ Entolomataceae (31 loài thuộc chi Entoloma, 4 loài thuộc chi Clitopilus).
Trong số các loài nấm Boletaceae và Entolomataceae ghi nhận tại đây, có 3 loài nấm ăn, 5 loài có khả năng ăn được, 7 loài có độc và 7 loài có khả năng gây độc.
Nhóm nghiên cứu cho hay sau khi phát hiện đã phân loại các loài nấm thu được bằng phương pháp nghiên cứu hình thái hiển vi, siêu hiển vi và di truyền phân tử, làm rõ và mô tả các đặc điểm sinh học của chúng. Hiện nhóm đã thiết lập danh lục 20 loài nấm thuộc họ Boletaceae và chi Entoloma, trong đó 12 loài ghi nhận mới cho khu hệ nấm lớn Việt Nam.
Loài mới Entoloma peristerinum. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Theo TS Giang, nhiều nấm lớn là nguồn thực phẩm tiềm năng, cung cấp nhiều chất có hoạt tính sinh học quan trọng cho y học, mở ra cơ hội nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược liệu mới. Nấm lớn cũng đóng vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái, tham gia vào quá trình phân hủy các chất hữu cơ có nguồn gốc thực vật, giúp tái tạo dinh dưỡng cho đất và hỗ trợ sự phát triển của thực vật.
Tuy nhiên các loài nấm trong họ Boletaceae và Entolomataceae tại Việt Nam đang bị đe dọa suy giảm do diện tích rừng nguyên sinh ở các vùng nhiệt đới đang giảm sút. Đây là lý do TS Giang cùng cộng sự tiến hành nghiên cứu và đề xuất các biện pháp bảo tồn các loài nấm này trước nguy cơ tuyệt chủng.
Kết quả nghiên cứu cũng giải thích tính đa dạng, phân bố các loài nấm trong hai họ này cho khu vực Tây Nguyên và bổ sung dẫn liệu mới, loài mới cho khoa học và khu hệ nấm Việt Nam. Đây là cơ sở phục vụ đề xuất giải pháp, chính sách quản lý và bảo tồn những loài nấm lớn có giá trị kinh tế và môi trường, theo nhóm nghiên cứu.
TS Phạm Thị Hà Giang (hàng đầu, bên phải) cùng các cộng sự thực hiện đề tài. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu đã công bố 4 bài báo khoa học (2 bài trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI và 2 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước). Ngoài công bố về sự đa dạng của loài nấm lớn thuộc họ Boletaceae và Entolomataceae, đề tài cũng chỉ ra, yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố của 2 nhóm loài chủ yếu là nhiệt độ, độ ẩm và đặc trưng của thảm thực vật.
“Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính đa dạng của các loài nấm lớn nói chung, có thể cản trở quá trình sinh trưởng và phát triển của nấm nấm lớn khiến cho sợi nấm không có khả năng hình thành quả thể”, TS Giang cho hay.
16 giải pháp, sản phẩm được đánh giá bởi Hội đồng giám khảo và lượng bình chọn cao bước vào vòng thuyết trình tại AI Awards 2024 sáng nay 16/8.
Các giải pháp, sản phẩm được lựa chọn từ 48 bài thi tham gia Giải bình chọn Sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo 2024 (AI Awards 2024) do VnExpress tổ chức. Điểm vào chung kết gồm 40% bình chọn của độc giả và 60% đánh giá của Hội đồng giám khảo.
Các bài thi vào phỏng vấn gồm:
1. Công nghệ đo và tư vấn dinh dưỡng cho cây trồng
Các kỹ sư và chuyên gia môi trường của Công ty Công nghệ Nông nghiệp Enfarm đã phát minh ra bộ thiết bị đo dinh dưỡng thông minh enfarm bao gồm: cảm biến nằm trong đất, thiết bị phát sóng và app enfarm. Đây là công nghệ cảm biến cầm tay duy nhất có giá rẻ và bền với độ chính xác tương đương phòng thí nghiệm đạt chuẩn Iso.
Công nghệ duy nhất tận dụng AI tạo sinh để tư vấn cụ thể bằng tiếng Việt 24/7 dựa trên dữ liệu từ cảm biến cho nông dân, giúp họ tăng năng suất, giảm chi phí và giảm tác động môi trường. Công nghệ này giúp tăng 20% năng suất với cùng chi phí đầu vào hoặc giảm tới 50% chi phí phân bón mà vẫn giữ sản lượng đối với cây cà phê, tạo ra sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đo dinh dưỡng thông minh, app enfarm còn giúp người nông dân cập nhật giá cả thị trường, chẩn đoán sâu bệnh hay quản lý nông trại.
Nhóm sử dụng App đo dinh dưỡng cây trồng. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
2. Giải pháp trợ lý ảo tổng đài OmiBot
OmiBot là giải pháp từ công ty cổ phần Minh Phúc Transformation, tận dụng sức mạnh của Generative AI để mang đến trải nghiệm vượt trội cho người dùng. Không chỉ đơn thuần là một trợ lý ảo, OmiBot là hệ thống thông minh có khả năng tương tác bằng giọng nói tự nhiên, đáp ứng ngay lập tức và xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh. Sử dụng công nghệ AI tạo sinh, OmiBot tạo ra giọng nói chân thực, gần gũi với người nghe, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp như tiết kiệm chi phí vận hành, tự động hóa quy trình, mở rộng quy mô và giảm rủi ro bảo mật.
3. AI – GOV
Chatbot sử dụng trí tuệ nhân tạo do công ty công nghệ Promtete phát triển nhằm cung cấp dịch vụ công, giải đáp thắc mắc cho người dân và doanh nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao sự chủ động trong việc tìm kiếm thông tin.
Sản phẩm dùng generative AI để chatbot có khả năng trò chuyện như con người, ngoài ra các thuật toán do nhóm tự nghiên cứu giúp giảm thiểu hallucination và tăng độ chính xác trong câu trả lời của chatbot. Chatbot cũng có khả năng cập nhật dữ liệu tự động mà không cần phải huấn luyện trước.
4. WOWCRM – Hệ thống Quản trị quan hệ khách hàng thông minh
Hệ thống quản trị quan hệ khách hàng ứng dụng AI đầu tiên được phát triển bởi một công ty Việt Nam, GMO-Zcom Runsystem, đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ của ngành BFSI.
Giải pháp ứng dụng các công nghệ “hot trend” nhất, đặc biệt là AI giúp quản trị quan hệ khách hàng cho doanh nghiệp. Với việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, WOWCRM giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho các doanh nghiệp như chatbot tương tác, AI tự động phân tích dữ liệu, phát hiện cơ hội bán hàng và phân loại khách hàng chính xác.
5. AUTOBIZNET- Nhân hiệu 5.0
Nền tảng giúp tạo dựng và phát triển thương hiệu cá nhân do Công ty TNHH Primo Empire phát triển. Đây là ứng dụng di động đột phá, tích hợp AI hỗ trợ viết và tối ưu hoá thông tin cá nhân, kinh nghiệm và kỹ năng giúp người dùng dễ dàng tạo hồ sơ trực tuyến ấn tượng, bao gồm trang web cá nhân, CV và portfolio.
6. CodeVista
Bằng cách tận dụng Generative AI (GenAI), giải pháp CodeVista của AI Center và FPT Software, cung cấp cho các nhà phát triển phần mềm các công cụ hỗ trợ AI tiên tiến giúp đơn giản hoá quy trình viết mã và giảm độ phức tạp.
FPT Software ước tính CodeVista sẽ giúp giảm 48% thời gian phát triển trung bình. Công cụ mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới trong việc lập trình, giúp tăng năng suất, tiết kiệm thời gian cho các dự án phần mềm, không chỉ đi sát với nhu cầu đặc thù của các lập trình viên mà còn đảm bảo tuyệt đối bảo mật dữ liệu cho doanh nghiệp, khách hàng.
FPT Software đã áp dụng CodeVista làm công cụ nội bộ. Ảnh: Nhóm dự thi
7. Tomota S3 – Trợ lý AI cho người nuôi tôm
Giải pháp từ Công ty CP Công nghệ Otanics giúp người nuôi tôm có thể thu thập được dữ liệu chính xác về tình trạng sức khỏe của tôm thông qua việc phân tích hình ảnh.
Tomota S3 xác định mật độ nuôi tôm chính xác giúp người nuôi đưa ra các quyết định quản lý trại tôm một cách khoa học và chính xác hơn, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh chẩn đoán tình hình sức khoẻ con tôm, trợ lý AI còn giúp người nuôi ước tính lượng thức ăn theo từng giai đoạn, dự báo doanh thu và thời điểm thu hoạch.
8. Nôm-Easy
Nền tảng số hoá, lưu trữ và tra cứu tiếng Nôm do FPT IS-IDA phát triển. Giải pháp nhằm lưu trữ lâu dài và xây dựng bộ từ điển phục vụ nghiên cứu, tra cứu và học tập, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như xử lý ảnh và ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để bóc tách và tái hiện dữ liệu một cách tự động và chính xác.
9. FPT AI Mentor
FPT AI Mentor xây dựng dựa trên lượng tri thức khổng lồ được tạo sinh từ dữ liệu của doanh nghiệp. Giải pháp do FPT Smart Cloud phát triển, giúp tự động hóa và cá nhân hóa quy trình đào tạo bởi AI, ứng dụng phương pháp Adaptive Micro-learning, giúp nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên, cải thiện kiến thức và năng lực. Hiện FPT Long Châu là đơn vị tiên phong ứng dụng AI trong quy trình đào tạo dược sĩ với quy mô khoảng 4.000 người.
Ứng dụng của FPT AI Mentor. Ảnh: Nhóm dự thi
10. MedCAT AI Insurance
Đây là nền tảng thông minh được phát triển bởi công ty cổ phần MEDCAT với mục tiêu đọc hiểu và tái cấu trúc dữ liệu từ các hồ sơ y tế.
Nền tảng này sử dụng những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP), trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI), và kiến thức y tế chuyên sâu để phân tích và xử lý các tài liệu y tế. Sau khi dữ liệu đã được tái cấu trúc, hệ thống MedCAT AI Insurance sẽ tiếp nhận và xử lý dữ liệu này. Đây là một bước tiến lớn trong việc tự động hóa quá trình bồi thường bảo hiểm.
11. Trợ lý AI AIVA – Tự động hóa công việc với AI
Aiva là một giải pháp trợ lý AI tiên phong tại Việt Nam, ra mắt từ tháng 4/ 2023, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Với hơn 50 bộ trợ lý AI thông minh có sẵn, Aiva của Aiva Group hỗ trợ từ những công việc nhỏ nhặt nhất đến các tác vụ phức tạp, giúp người dùng hoàn thành từ A-Z một cách hoàn toàn tự động. Chỉ cần giao việc và thư giãn với ly cafe, Aiva sẽ tự động thực hiện công việc và thông báo lại kết quả. Hệ thống tự động hóa thông minh của Aiva giúp tiết kiệm thời gian và tăng năng suất làm việc lên gấp nhiều lần.
12. FastV – IZClip: Nền tảng sáng tạo video ngắn tích hợp trí tuệ nhân tạo
FastV do Phòng Thí nghiệm Công nghệ tri thức, Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội cùng Công ty Trí tuệ nhân tạo iMeta phát triển.
Tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để biến ý tưởng video của người dùng thành hiện thực chỉ qua một vài thao tác. Bằng việc tích hợp các nghiên cứu hàng đầu về Khai phá dữ liệu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt của các nhà khoa học trường Đại học Công nghệ kết hợp với các công nghệ tiên tiến về trí tuệ nhân tạo như mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) GPT, Gemini cùng các công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói, video, nền tảng giúp người dùng sáng tạo những video với nội dung chất lượng cao trong thời gian ngắn.
13. Giải pháp Chatbot AI trong công tác hỗ trợ Khách hàng tại BIDV
Chatbot BIDV Chatbot BIDV được xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo AI của FPT.AI – một trong những nền tảng AI hàng đầu Việt Nam. Đây là là giải pháp đáp ứng toàn diện nhu cầu của khách hàng (KH) về: kênh giao tiếp đa dạng, dễ dàng kết nối, thông tin hỗ trợ nhanh chóng 24/7. Dự án do Trung tâm chăm sóc khách hàng, Ngân hàng BIDV thực hiện.
14. akaCam ứng dụng quản lý an toàn kho quỹ
akaCam là nền tảng phân tích dữ liệu video ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn phát triển.
akaCam là nền tảng phân tích dữ liệu video ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp chuyển đổi dữ liệu từ camera thành dạng thông tin có cấu trúc để xử lý và phân tích. akaCam hỗ trợ nhận diện, định danh, trích xuất thông tin của đối tượng, từ đó phân loại và hỗ trợ tìm kiếm đối tượng, phân tích hành vi của đối tượng bằng hình ảnh, trích xuất các báo cáo thống kê theo mong muốn. Giải pháp giúp giảm chi phí an ninh, hiệu quả trong quản lý vận hành doanh nghiệp. Ứng dụng cũng được sử dụng trong sản xuất, bán lẻ, hộ gia đình, giao thông và giáo dục.
15. Hóa đơn điện tử xăng đầu FPT PetroInvoice
Dự án của Công ty TNHH FPT IS tiên phong sử dụng AI tự động bóc tách dữ liệu từ cột bơm bơm xăng dầu, tự động hoàn thiện hóa đơn chuyển cho Cơ quan Thuế. Giải pháp giúp xuất hoá đơn điện tử chính xác, dễ dàng tích hợp với các phần mềm quản lý, phù hợp cho các cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ, giúp tối ưu về chi phí với quy trình triển khai nhanh gọn không phụ thuộc vào chủng loại trụ bơm. Ứng dụng sử dụng Hiện tại, giải pháp đã được triển khai cho nhiều cửa hàng xăng dầu tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai…
Một thao tác trong quản lý hóa đơn xăng dầu FPT PetroInvoice. Ảnh chụp màn hình
16. Giải pháp AI Chatbot chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực Y tế
Đây là giải pháp AI Chatbot tiên tiến nhằm cung cấp giải pháp giao tiếp thông minh và hiệu quả để chăm sóc khách hàng lĩnh vực y tế, đến từ đơn vị JAMstack Việt Nam phối hợp với bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
AI Chatbot có khả năng giao tiếp tự nhiên và tùy chỉnh theo từng nhu cầu của bệnh viện và cơ sở y tế, giúp tối ưu hóa quy trình chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ tư vấn y tế và quản lý lịch hẹn…
Tại AI Awards 2024, 5 thành viên Hội đồng chuyên môn gồm các nhà khoa học uy tín, chuyên gia lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cùng lãnh đạo công nghệ trẻ từ tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ chọn ra top 5 dự án xuất sắc và trao giải trong Ngày hội AI4VN.
Chủ nhân giải thưởng sẽ nhận các lợi ích truyền thông trên Báo VnExpress trị giá 100.000.000 VNĐ, được kết nối tới các đối tác quan tâm để ứng dụng, mở rộng thị trường, kinh doanh sản phẩm.
AI Awards 2024 tìm kiếm và vinh danh các sản phẩm, giải pháp hướng tới có tính sáng tạo độc đáo trong việc ứng dụng AI trong doanh nghiệp và cuộc sống con người. Cuộc thi sẽ trao giải trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN 2024) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, ngày 23/8.
AI4VN 2024 có chủ đề “Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh”, do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa – Viện – Trường Công nghệ thông tin -Truyền thông (FISU). Đây là năm thứ hai giải thưởng được tổ chức, nhằm vinh danh những sản phẩm, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nổi bật trong sản xuất và cuộc sống.
Có một quan điểm cho rằng, nếu mỗi ngày ăn một quả táo sẽ không cần đến gặp bác sỹ, nhưng một nghiên cứu mới đây đã minh chứng, nếu thay quả táo bằng đĩa salad trái cây thì ích lợi đem lại cho cơ thể còn nhiều hơn thế nữa. Kết quả của nghiên cứu là bằng chứng mới nhất trong chuỗi các nghiên cứu về lợi ích sức khỏe lâu dài của việc ăn trái cây hằng ngày.
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã phân tích dữ liệu của 13.738 người trong gần 2 thập kỷ và phát hiện rằng, những người ăn khoảng ba phần trái cây mỗi ngày (hoặc nhiều hơn) trong giai đoạn trung niên có khả năng giảm nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm thấp hơn 21% so với những năm sau đó. Các triệu chứng này không chỉ đơn thuần là trầm cảm, mà còn suy giảm chức năng nhận thức, mất ngủ, kém tập trung và tăng mệt mỏi.
Giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu diễn ra từ năm 1993 đến 1998, khi những người tham gia với độ tuổi trung bình là 51 được đánh giá về lượng trái cây tiêu thụ hằng ngày. Sau đó, vào các năm 2014 đến 2016, với độ tuổi trung bình của người tham gia là 73 tuổi, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra sức khỏe tâm thần của người tham gia bằng Thang đo Trầm cảm Geriatric. Khoảng 3.180 (23,1%) người tham gia đã phản hồi rằng họ có 5 hoặc nhiều hơn các triệu chứng được nêu ra trong khảo sát. Sau khi điều chỉnh các yếu tố lối sống như hút thuốc, hoạt động thể chất, chất lượng giấc ngủ và các bệnh lý liên quan đến tuổi tác khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những người tiêu thụ ba phần trái cây trở lên mỗi ngày có các triệu chứng trầm cảm thấp hơn đáng kể.
GS Woon-Puay Koh – Trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Y NUS Yong Loo Lin cho biết, nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêu thụ trái cây như một biện pháp phòng ngừa trầm cảm liên quan đến tuổi già. Trong nghiên cứu của chúng tôi, những người tham gia ăn ít nhất ba phần trái cây mỗi ngày, so với những người ăn ít hơn một phần mỗi ngày, đã giảm đáng kể khả năng mắc chứng trầm cảm liên quan đến tuổi già ít nhất 21%. Nghiên cứu này được thực hiện tại Singapore, các loại trái cây phổ biến ở đây là dưa hấu, cam, quýt, chuối và táo được tiêu thụ rộng rãi.
Trong nghiên cứu, một phần trái cây thường được coi là một quả táo vừa hoặc một cốc dâu tây. GS Woon-Puay Koh cho biết, điều này có thể đạt được bằng cách ăn một đến hai phần trái cây sau mỗi bữa ăn. Nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt nào trong kết quả giữa các loại trái cây có chỉ số đường huyết cao và thấp. Do đó, đối với những người mắc bệnh tiểu đường, họ có thể chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp để không tăng đường huyết nhiều như những loại có chỉ số cao.
Theo các nhà nghiên cứu, việc duy trì lượng trái cây tiêu thụ mỗi ngày chính là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe tinh thần, đặc biệt là cho người từ 40-65 tuổi. Mối liên hệ này vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhưng nhóm nghiên cứu tin rằng các chất chống ôxy hóa cao và các đặc tính chống viêm có trong trái cây, như flavonoid, carotenoid và vitamin C, có thể đóng vai trò giảm căng thẳng ôxy hóa và giúp bảo vệ não khỏi sự thoái hóa. Cũng cần lưu ý rằng, việc tiêu thụ rau không cho thấy mối liên hệ nào giữa sức khỏe tinh thần và chế độ ăn uống trong số 13.738 người tham gia nghiên cứu.
GS Woon-Puay Koh khẳng định, nghiên cứu của họ nhằm kiểm tra mối quan hệ giữa việc tiêu thụ trái cây và rau quả trong giai đoạn trung niên với nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm ở tuổi già. Theo các nghiên cứu trước đó, bao gồm nghiên cứu của Nhật Bản năm 2022 phát hiện ra rằng, trái cây (không phải rau quả) giúp giảm nguy cơ trầm cảm liên quan đến tuổi già; nghiên cứu năm 2021 tại Úc, với những người tham gia có độ tuổi 15-45, không kết luận được điều này. Nghiên cứu mới nhất này là nghiên cứu lớn nhất, tập trung vào 14 loại trái cây trong một nhóm tuổi cụ thể trong khoảng thời gian dài.
Dù nghiên cứu này mới chỉ được thực hiện tại Singapore, tuy nhiên kết quả của nghiên cứu được củng cố bởi kết quả của các nghiên cứu trước đây tại Mỹ (năm 2018 và 2021) khi đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ trái cây và tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm ở người lớn, với dữ liệu từ Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Mỹ. Nghiên cứu năm 2018 cho rằng, việc tiêu thụ chuối có thể có thêm lợi ích nhờ nồng độ tryptophan cao, một tiền chất của serotonin đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng.
Từ những kết quả tích cực này, các nhà nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch xem xét kỹ hơn mối liên hệ này để tìm hiểu xem trái cây có thể bảo vệ sức khỏe tinh thần như thế nào khi chúng ta già đi.
Điều khiển logic và PLC là môn khoa học nghiên cứu về điều khiển logic và bộ điều khiển logic lập trình được hay là PLC trong điều khiển và tự động hóa, phục vụ cho việc thiết kế và phân tích hệ thống tự động hóa dùng điều khiển logic. Nghiên cứu về điều khiển logic tập trung chủ yếu vào hệ điều khiển logic tổ hợp và hệ điều khiển logic trình tự với hai bài toán thiết kế và phân tích.
“Giáo trình Điều khiển logic và PLC” được biên soạn với mục đích làm tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên và sinh viên thuộc lĩnh vực điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật điện, đồng thời có thể làm tài liệu phục vụ học tập nghiên cứu cho học viên cao học và sinh viên trong các trường kỹ thuật.
Nội dung giáo trình cung cấp cho người đọc phương pháp luận nghiên cứu điều khiển logic để thiết kế, phân tích các hệ thống điều khiển và tự động hóa từ đơn giản đến phức tạp. Đồng thời giáo trình cũng đề cập một cách cơ bản và đầy đủ thiết bị đo, cảm biến, cơ cấu chấp hành và PLC gắn với hệ điều khiển logic thường được sử dụng trong công nghiệp, các ví dụ minh họa trong giáo trình bám sát yêu cầu công nghệ thực tiễn. Nội dung giáo trình được biên soạn trong bốn chương.
Chương 1 trình bày “Cơ sở lý thuyết” trong đó trình bày các khái niệm, định nghĩa về biến logic và hàm logic. Các định luật và tính chất của biến logic. Trình bày các phương pháp biểu diễn và tối giản hàm logic.
Chương 2 nói về “Hệ điều khiển logic” trình bày về hệ điều khiển logic tổ hợp và hệ điều khiển logic trình tự. Cấu trúc, biểu diễn, thiết kế và phân tích hệ điều khiển logic tổ hợp và hệ điều khiển logic trình tự. Các ứng dụng của hệ điều khiển logic.
Chương 3 giới thiệu “Cảm biến và cơ cấu chấp hành” trình bày các cảm biến và cơ cấu chấp hành cho hệ điều khiển logic.
Chương 4 nói về “PLC và lập trình điều khiển” ứng dụng điều khiển logic. Chương này giới thiệu về PLC, ngôn ngữ lập trình và kỹ thuật lập trình.
Tiếng Anh chuyên ngành Công nghệ thực phẩm
Cuốn sách “Tiếng Anh chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm – The Language of Techno-Food Processing in English” (Song ngữ Anh – Việt) được biên soạn để cung cấp những kiến thức cơ bản thuộc chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm. Cuốn sách này có thể dùng làm tài liệu cho sinh viên và bạn đọc quan tâm đến chuyên ngành trên. Cuốn sách được biên soạn dựa trên cuốn “The Language of Chemistry – Food and Biological in English” đã dùng để giảng dạy cho sinh viên các trường Đại học Kỹ thuật Hóa – Thực phẩm Praha Tiệp Khắc (cũ), Ba Lan, Nga, Úc, Anh. Với thời gian nghiên cứu gần 30 năm và được đưa vào giảng dạy cho sinh viên hơn 10 năm qua ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và các trường khác có đào tạo hệ cao đẳng và đại học khá hiệu quả. Trong cuốn sách này các tác giả đã dịch các bài khóa ra tiếng Việt và chuyển thành song ngữ để hỗ trợ cho sinh viên và đồng nghiệp tự học, tự đọc hiệu quả nhất. Cuốn sách được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cuốn sách gồm những nội dung dưới đây.
Phần 1. Giáo trình cơ bản bằng tiếng Anh có giải thích ngữ pháp thêm bằng tiếng Việt Các tác giả đã chọn 40 bài khóa gồm các kiến thức tổng hợp nhất, có kết cấu khoa học, thường gặp với nội dung chính của ngành Chế biến Thực phẩm.
Mỗi bài ở Phần 1 có kết cấu như sau:
Bài khóa giới thiệu chủ đề từng phần cơ sở và chuyên môn của ngành Chế biến Thực phẩm tương ứng.
Phần từ vựng của bài khóa có cả phần phiên âm quốc tế kèm theo để dễ dàng cho người học cần dịch, đọc và hiểu bài khóa.
Phần ngữ pháp hay gặp và nhắc lại phần chủ yếu dùng trong văn phong khoa học để học viên nhớ lại và vận dụng dịch hiểu cụ thể hơn vào chuyên ngành.
Bài tập: để củng cố bài học và làm ở nhà.
Đọc và dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt các từ mới của bài khóa.
Trả lời câu hỏi theo nội dung bài khóa.
Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Bài tập ngữ pháp tương ứng nếu cần thiết cho vận dụng.
Các câu hỏi theo nội dung bài học nhằm giúp người học phát triển kỹ năng nghe, nói nếu có thời gian ôn luyện đầy đủ theo bài tập đưa ra. Các câu dịch bước đầu chuẩn bị cho người học hình thành kỹ năng viết theo văn phong khoa học của ngành.
Phần 2. Các bài khóa đã được dịch ra tiếng Việt để hỗ trợ tốt nhất cho người học.
Cuốn sách “The Language of Techno-Food Processing in English” biên soạn mới này gồm 40 bài khóa và được dịch ra tiếng Việt theo văn phong ngành Công nghệ Thực phẩm của từng bài.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (Nghị định số 76) phải bám sát vào Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sửa đổi và một số Luật, văn bản Luật liên quan; điều chỉnh 03 danh mục công nghệ đảm bảo luận cứ về khoa học và thực tiễn để Nghị định triển khai hiệu quả; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh như trên tại Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76 diễn ra ngày 14/8/2024, tại Hà Nội.
Toàn cảnh Phiên họp.
Triển khai Nghị định số 76/2018/NĐ-CP với nhiều kết quả nổi bật
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, để triển khai thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76. Sau 6 năm thực hiện, Nghị định này đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, triển khai đã phát sinh một số bất cập, cần thiết phải được tổng kết, đánh giá và đưa ra các giải pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đang chủ trì nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76; ban hành Quyết định số 1890/QĐ-BKHCN ngày 09/8/2024 thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa, đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 76 với sự tham gia của 24 thành viên Ban soạn thảo và 27 thành viên Tổ biên tập, đến từ Văn phòng Chính phủ và 10 Bộ liên quan.
Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu khai mạc Phiên họp.
Báo cáo tình hình triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cho biết, Bộ KH&CN đã có công văn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin, số liệu kết quả thực hiện và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76. Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, Bộ KH&CN đã tổng hợp hoàn thiện Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 76, làm cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã có Thông báo phê duyệt Kế hoạch soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76; đồng thời phân công các đơn vị thuộc Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp nghiên cứu, xây dựng nội dung dự thảo Nghị định.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ báo cáo tại Phiên họp.
Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 76, ông Bùi Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ nhấn mạnh, sau thời gian thực hiện Nghị định, đã đạt được một số kết quả nổi bật như hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng, đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN; đã có kết quả thực hiện 6/8 nhóm chính sách ưu đãi, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng, đổi mới công nghệ; đã có kết quả thực hiện 5/13 nhóm chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN gồm thúc đẩy khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ý tưởng công nghệ; phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp…
Từ tháng 7/2018 đến hết năm 2023, cả nước có 579 thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký (bao gồm cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ). Trong đó, có 493 hợp đồng chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, thuộc đối tượng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; và có 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản, Thụy Sỹ).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có một số tồn tại hạn chế về đăng ký chuyển giao công nghệ và quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ; 3 danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao; quy định thủ tục hành chính; thực hiện một số chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN còn chưa thực sự hiệu quả.
Ông Bùi Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ báo cáo tại Phiên họp.
Hiện nay, Bộ đã và đang nghiên cứu sửa đổi 3 danh mục công nghệ; từ đó sửa đổi, bổ sung các nhóm công nghệ cao và 9 nhóm công nghệ thuộc các lĩnh vực: (1) điện tử, đo lường, tự động hóa, công nghệ thông tin, truyền thông; (2) điện, năng lượng nguyên tử và năng lượng tái tạo; (3) hóa chất, phân bón, dầu khí; (4) cơ khí, khai khoáng, luyện kim; (5) xây dựng, giao thông vận tải; (6) sinh học, y dược và sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người; (7) công nghiệp nhẹ, nông lâm nghiệp và thủy sản; (8) môi trường, khí tượng thủy văn; (9) giáo dục, văn hóa, thể thao, ngành nghề truyền thống và các linh vực khác.
Phối hợp chặt chẽ trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP
Tại Phiên họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và góp ý định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76. Theo đó, các đại biểu đồng ý với đề xuất sửa đổi, bổ sung 19/37 Điều quy định chi tiết Luật Chuyển giao công nghệ trong tổng số 43 Điều của Nghị định số 76 và sửa đổi, bổ sung 3 Phụ lục I, II, III (tương ứng 3 danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao) và 3 Mẫu (số 01, 02, 10) tại Phụ lục IV của Nghị định số 76.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ thống nhất với dự thảo khung của Nghị định; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong Nghị định phải căn cứ theo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật KH&CN sửa đổi…; nêu rõ các nội dung chỉnh sửa tại Nghị định để các cấp có thể theo dõi và đánh giá một cách thuận lợi hơn.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có dự thảo tờ trình Chính phủ; làm rõ mục đích sửa đổi Nghị định… đồng thời, khảo sát từ phía doanh nghiệp để đánh giá thực tế tình hình chuyển giao công nghệ. Từ đó, đưa ra đề xuất sửa đổi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, cần tập trung rà soát, sửa đổi và bổ sung 3 danh mục: công nghệ khuyến khích chuyển giao; công nghệ hạn chế chuyển giao; danh mục công nghệ cấm chuyển giao để đảm bảo bao quát, phù hợp thực tiễn; giảm thiểu một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…
Các đại biểu trao đổi tại Phiên họp.
Kết luận Phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh đề nghị đơn vị thường trực Ban soạn thảo và Tổ biên tập tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu nhằm hoàn thiện dự thảo số 1 Nghị định, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch; đồng thời đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập quan tâm, có ý kiến góp ý bằng văn bản đối với dự thảo Nghị định khi Bộ KH&CN lấy ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ để đảm bảo triển khai hiệu quả, hoàn thiện đúng tiến độ.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 76 phải bám sát vào Luật KH&CN sửa đổi và một số Luật, văn bản Luật liên quan; điều chỉnh 3 danh mục công nghệ đảm bảo luận cứ về khoa học và thực tiễn để Nghị định triển khai hiệu quả, thể hiện được đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế – xã hội thông qua ứng dụng KH&CN, với đối tượng chính là doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN; giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển…
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Thiết kế hình chữ V của turbine kép OceanX cung cấp 16,6 MW, sản xuất 54.000 MWh điện hàng năm, đủ để cung cấp cho 30.000 hộ gia đình Trung Quốc.
Ocean X được kéo tới trang trại điện gió Qingzhou IV. Ảnh: Interesting Engineering
Công ty Năng lượng thông minh Minh Dương bắt đầu hành trình lắp đặt giàn turbine gió nổi đơn lớn nhất thế giới, ra khơi từ cảng thành phố Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc tới điểm đến cuối cùng ở Trang trại điện gió ngoài khơi Qingzhou IV ở Dương Giang, Quảng Đông, Interesting Engineering hôm 13/8 đưa tin. Theo công ty, hành trình dài 354 km dự kiến hoàn thành trong 72 giờ.
Ocean X có hình chữ V với turbine kép và tổng công suất 16,6 MW. Giàn nổi đơn này có thể sản xuất 54.000 MWh điện hàng năm, đáp ứng nhu cầu của khoảng 30.000 hộ gia đình trong nước. Mớn nước kéo theo thiết kế của OceanX là 5,5 m, tổng trọng lượng vào khoảng 12.000 tấn. Để đảm bảo di chuyển an toàn, các kỹ sư đã điều chỉnh cánh quạt lớn của turbine để giảm bớt độ cồng kềnh.
Turbine gió có thể hoạt động liên tục, dù công suất điện có thể biến động trong khi trang trại điện mặt trời bị hạn chế do không thể sản xuất điện vào ban đêm. Trong nhiều năm qua, turbine gió tăng dần về kích thước, sản xuất nhiều điện hơn với mỗi vòng quay. Ban đầu, mục tiêu là chuyển turbine gió ra ngoài khơi để tiết kiệm đất cho hoạt động trồng trọt. Tuy nhiên, lợi ích từ việc khai thác sức gió mạnh hơn trên biển đã dẫn tới ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ngày càng phát triển.
Minh Dương hướng tới hỗ trợ thế giới chuyển đổi sang năng lượng bền vững với công nghệ điện gió nổi ngoài khơi tiên tiến, bao gồm hệ thống MySE 5,5MW và MySE 7,25MW, cùng với turbien 16,6 MW cao cấp (turbine gió nổi rotor kép OceanX). Minh Dương sản xuất giàn OceanX thông qua hợp tác với Công ty đóng tàu Huangpu Wenchong và Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc.
Nằm trên cấu trúc hình chữ V của OceanX là hai rotor quay ngược chiều, mỗi rotor chạy nhờ turbine gió MySE16.6(T) với đường kính cánh quạt 182 m. Để đảm bảo độ ổn định tối ưu, cấu trúc này được lắp đặt trên giàn nổi hình chữ Y và gia cố bằng dây cáp chịu lực căng cao. Giàn nổi nặng khoảng 15.000 tấn được thiết kế để hoạt động ở vùng biển sâu hơn 35 m, cho phép khai thác tối đa tài nguyên gió ngoài khơi.
Theo Minh Dương, quá trình xây dựng giàn nổi sử dụng bê tông hiệu suất siêu cao để tăng cường độ bền và tính kinh tế. OceanX sử dụng hệ thống neo một điểm giúp giảm tác động tới môi trường biển và tăng độ ổn định trong bão mạnh. Ngoài ra, giàn nổi có thể chịu sức gió 260 km/h và sóng cao tới 30 m trong điều kiện bão cấp 5, đồng thời duy trì sản xuất điện.
Trong tháng 7, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đạt mức cao nhất lịch sử, nhiều thảm họa như bão, cháy rừng, lũ lụt, cũng xảy ra.
Người dân giải nhiệt bên dưới đài phun nước ở công viên Madrid Rio tại Madrid, Tây Ban Nha, hôm 23/7. Ảnh: AFP
Biến đổi khí hậu do con người gây ra là thủ phạm dẫn đến những đợt nắng nóng gay gắt với các hoạt động như đốt than và phá rừng, theo kết quả phân tích nhiệt độ cực đoan toàn cầu của tổ chức Climate Central. Nhiệt độ trung bình của Trái Đất tháng 7 là 17,01 độ C, mức cao nhất theo ghi chép 175 năm của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tăng 1,21 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20.
Tại Mỹ, nhiệt độ trung bình tháng 7 là 24,3 độ C, cao thứ 11 trong 130 năm qua. Thành phố Las Vegas ghi nhận mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 49 độ C vào ngày 7/7. Trong khi tại Washington DC, ngày 17/7 đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp nhiệt độ vượt ngưỡng 38 độ C, san bằng kỷ lục cũ của thành phố này về số ngày liên tiếp có nhiệt độ cao như vậy.
Báo cáo hàng tháng từ NOAA cũng cho biết, năm 2024 hiện có 77% khả năng trở thành năm nóng nhất lịch sử và chắc chắn nằm trong top 5. Châu Phi, châu Âu và châu Á đều ghi nhận tháng 7 nóng nhất lịch sử, trong khi ở Bắc Mỹ là tháng 7 nóng thứ hai.
Số liệu của NOAA khác với số liệu từ cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU). Copernicus sử dụng một bộ dữ liệu khác và tính toán rằng nhiệt độ trung bình tháng 7 năm nay cao thứ hai lịch sử, thấp hơn một chút so với tháng 7/2023. Tuy nhiên, cả hai cơ quan đều đồng ý về xu hướng nắng nóng kỷ lục đáng báo động.
Theo NOAA, nhiệt độ đại dương vào tháng 7 là mức ấm thứ hai từ trước đến nay, cùng kết quả với Copernicus. Tuần trước, các nhà khoa học Copernicus lưu ý rằng nhiệt độ không khí trên đại dương vẫn cao bất thường ở nhiều khu vực dù có sự chuyển đổi từ kiểu thời tiết El Nino (góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu) sang kiểu thời tiết trái ngược là La Nina (có tác dụng hạ nhiệt).
Du khách tại Công viên Quốc gia Thung lũng Chết – nơi nóng và khô nhất nước Mỹ. Ảnh: WP
Nhiệt độ tăng cũng tạo điều kiện cho các hệ thống bão trở nên mạnh hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Thời tiết càng ấm, nước bốc hơi càng nhiều, cung cấp sức mạnh cho các hệ thống nhiệt đới vốn đang hình thành và mạnh lên ở những vùng biển có nhiệt độ bề mặt cao hơn trung bình. Ngoài ra, nhiệt độ cao hơn còn dẫn đến tình trạng hạn hán tệ hơn, có thể gây ra cháy rừng.
Biến đổi khí hậu thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan hoành hành chỉ trong vài tuần gần đây. Tại thành phố Cape Town, Nam Phi, hàng nghìn người phải sơ tán do mưa lớn, gió mạnh, lũ lụt và nhiều thảm họa khác. Ngày 7/7, mưa lớn gây lở đất trên đảo Sulawesi, Indonesia, khiến hơn 10 người thiệt mạng. Các nhà chức trách Nhật Bản cho biết hơn 120 người đã chết trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Tokyo tháng trước.
Bão Beryl lập nhiều kỷ lục khí tượng, chủ yếu về sự hình thành và cường độ, ví dụ như là cơn bão mạnh nhất phát triển trong Vùng Phát triển Chính (MDR) của Đại Tây Dương trước tháng 7 và là cơn bão đạt cấp 5 sớm nhất theo thang Saffir-Simpson. Beryl gây hậu quả thảm khốc khi đổ bộ vào đất liền đến ba lần trong một tuần, đầu tiên là quốc đảo Grenada ngày 1/7, tiếp theo là bán đảo Yucatan, Mexico, ngày 5/7 và cuối cùng là Texas, Mỹ, ngày 8/7.
Tại bang California, Mỹ, hơn 13.000 người đã phải sơ tán vào ngày 2 – 3/7 do một vụ cháy rừng nghiêm trọng có tên Đám cháy Thompson. Ngày 24/7, Đám cháy Park bùng phát và trở thành đám cháy lớn thứ tư trong lịch sử bang này với diện tích hơn 1.600 km2.
Tại Mỹ, từ tháng 1 đến cuối tháng 7/2024, số lượng các sự kiện thời tiết và khí hậu gây tốn kém trên một tỷ USD là 19, nhiều thứ hai chỉ sau giai đoạn tháng 1 – 7/2023. Riêng trong năm nay, Mỹ đã có ít nhất 149 người thiệt mạng do các sự kiện này với tổng thiệt hại lên tới hơn 49,6 tỷ USD.
Với trường hợp bản lề cửa, tiếng rít có thể được xử lý bằng cách thêm chất bôi trơn, nhưng cách này không thể áp dụng với tàu điện ngầm.
Tàu điện ngầm có thể phát ra tiếng rít gây khó chịu. Ảnh: DougSchneiderPhoto
Tiếng rít của bản lề cửa hay của tàu điện ngầm khi vào khúc cua gấp có thể khiến người nghe rùng mình. Vậy tại sao kim loại lại phát ra những âm thanh này? Lý do liên quan đến sự biến đổi định kỳ giữa việc bám và trượt lên nhau của các mảnh kim loại. Độ cứng và đặc của vật liệu này cũng khiến tiếng rít trở nên lớn hơn.
Hiện tượng bám xảy ra khi chất bôi trơn trên kim loại, như dầu hoặc nước, bị ép ra dưới áp lực tiếp xúc cao, theo Yip-Wah Chung, giáo sư khoa học vật liệu và kỹ thuật tại Đại học Northwestern. Sự trượt và bám cũng xảy ra khi miết ngón tay xuống cửa sổ kính. Ma sát là yếu tố then chốt, nhưng chỉ giúp giải thích cho phần bám. “Chính sự thay đổi luân phiên giữa bám và trượt tạo ra tiếng rít”, ông nói.
Sự trượt và bám khiến các vật liệu kim loại rung và phát ra tiếng, Chengzhi Shi, phó giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Michigan, giải thích. Có thể so sánh điều này với gảy dây đàn guitar. Khi bám và trượt, kim loại sẽ rung. Tần suất và cường độ rung cũng phụ thuộc vào hình dạng và vật liệu kim loại. “Chính trạng thái rung khi bị ma sát kích thích của kim loại đã tạo ra tiếng rít mà chúng ta nghe thấy”, Shi nói.
Các vật liệu khác cũng cộng hưởng theo cách này, nhưng kim loại phát ra âm thanh đặc biệt lớn, theo Naresh Thadhani, giáo sư khoa học vật liệu và kỹ thuật tại Viện Công nghệ Georgia. “Kim loại thường đặc hơn và có độ cứng cao, mang lại cho chúng một số tính chất nhất định làm tăng hiệu ứng âm thanh và độ vang”, Thadhani giải thích. Nói cách khác, chúng tạo ra sóng âm di chuyển nhanh hơn với biên độ lớn hơn. Thadhani cũng cho biết, tiếng rít của tàu điện ngầm lớn hơn nhiều so với bản lề cửa do áp lực, tốc độ và kích thước lớn hơn sẽ gây ra tiếng rít lớn hơn.
“Có hai cách để loại bỏ tiếng rít. Cách thứ nhất là giảm tải trọng ở điểm tiếp xúc. Cách còn lại là tăng độ bôi trơn”, Chung nói. Với bản lề cửa, người ta có thể bổ sung chất bôi trơn như WD-40 để giảm ma sát. Tuy nhiên, trong trường hợp tàu điện ngầm, tiếng rít lại cần thiết.
“Chính sự ma sát tăng thêm giúp tàu dừng và tăng tốc tốt hơn đã gây ra tiếng rít”, Hyers nói. Loại bỏ ma sát bằng cách bôi trơn đường ray giúp hạn chế âm thanh khó chịu, nhưng đồng thời có thể khiến tàu gặp nguy hiểm.
Theo chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp cần được hài hòa lợi ích kinh tế khi hợp tác nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.
Quan điểm được PGS.TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội tự động hóa TP HCM nêu tại hội thảo “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao khu vực phía Nam” do Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP HCM, chiều 14/8.
Theo PGS Quốc, doanh nghiệp tạo ra kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cho thị trường. Điều này được ông trải nghiệm từ thực tế trong ngành tự động hóa.
Ông cho rằng, doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại, nhưng thiếu đội ngũ nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển thêm các sản phẩm đang có. Do đó, “doanh nghiệp cần hợp tác với nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu”, ông nói và cho rằng cả doanh nghiệp, nhà khoa học nhận thức được việc này nhưng quá trình thực hiện chưa thành công do nhiều nguyên nhân. Một trong những lý do lớn nhất là chưa hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu.
PGS.TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội tự động hóa TP HCM chia sẻ tại hội thảo, chiều 14/8. Ảnh: Hà An
PGS Quốc lý giải, phía doanh nghiệp mong muốn nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu phát triển ra sản phẩm mới với chi phí thấp nhất, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Ngược lại nhà khoa học cho rằng, việc đánh giá các sáng chế, giải pháp hữu ích và sự tham gia của họ vào quá trình hợp tác doanh nghiệp cần thỏa đáng. Công sức của nhà khoa học thông qua các tài sản trí tuệ cần được định lượng bằng giá trị vật chất tương xứng, để động viên đội ngũ nghiên cứu. Tuy nhiên nếu tính đúng tính đủ về giá trị kinh tế, trong nhiều trường hợp nằm ngoài tầm doanh nghiệp, nên khó đáp ứng nhà khoa học.
Do đó, ông đề xuất cần thiết có một đơn vị trung gian là các chương trình khoa học của nhà nước. Đây có thể coi là đơn vị có vai trò bù trừ thỏa đáng cho nhà khoa học, để hài hòa lợi ích hai bên. PGS Quốc cho rằng, thực tế nơi nào hài hòa lợi ích giữa nhà khoa học và doanh nghiệp thì sự hợp tác thành công và có các kết quả nghiên cứu ra thị trường.
Đồng quan điểm, PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP HCM, Chủ nhiệm Chương trình Công nghệ cao, nhìn nhận sự hợp tác giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu tại viện trường chưa thực sự mạnh. Do vậy, với Chương trình Công nghệ cao sẽ tăng cường kết nối giữa viện trường và doanh nghiệp trong phát triển công nghệ.
Ông Phong cho biết, Chương trình sẽ tập trung các dự án khoa học công nghệ, sản xuất thử nghiệm nên sự tham gia của doanh nghiệp là bắt buộc. Mặt khác, chương trình cũng không thể thiếu các nhà khoa học đại diện các tổ chức nghiên cứu. Việc phối hợp giữa nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ thúc đẩy triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu, hoàn thiện các bước để thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm.
PGS Phong đánh giá, TP HCM và các địa phương phía Nam là khu vực năng động, có nhiều doanh nghiệp hoạt động và ứng dụng công nghệ cao. “Ban chủ nhiệm chương trình rất chú trọng trong khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đề xuất nhiệm vụ nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế xã hội”, ông nói.
TS Nguyễn Lê Hùng, phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà An
TS Nguyễn Lê Hùng, phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Chương trình Công nghệ cao ngoài mục tiêu về phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng phát triển còn đặt trọng tâm phát triển các hệ thống doanh nghiệp công nghệ cao trong cả nước. Các doanh nghiệp đạt các tiêu chí có thể làm hồ sơ xét chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao để hưởng chính sách ưu đãi.
Lãnh đạo vụ Công nghệ cao mong muốn nhận các đề xuất của nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia chương trình nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh.
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình Công nghệ cao) được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 1/2021. Chương trình đặt mục tiêu phát triển và làm chủ 20 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo; phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao…
Ngày 01/08/2024, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức cuộc họp tham vấn về việc lồng ghép giới trong chuyển đổi nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và quản lý tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay khu vực này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông và các rủi ro khác có liên quan đến biến đổi khí hậu. Do đó, để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long rất cần những quan điểm về định hướng phát triển mới, chuyển đổi mô hình phát triển bền vững.
PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí cho rằng, việc ứng dụng nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu có thể giúp đạt đồng thời 3 mục tiêu chính gồm: đảm bảo tăng năng suất và thu nhập từ nông nghiệp bền vững; xây dựng khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu; giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phụ nữ được xếp vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt tại vùng nông thôn – nơi điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn. Mặc dù là đối tượng dễ bị tổn thương nhưng phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, là lực lượng tiên phong trong giảm thiểu khí nhà kính. Do đó, các chính sách và chương trình về khí hậu, môi trường, rủi ro thiên tai cần đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của việc ra quyết định.
Ông Vũ Xuân Việt – Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, từ tháng 07/2023, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu triển khai Dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên trong ứng dụng năng lượng tái tạo vào canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Đến nay, Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của giới, đặc biệt là nữ giới và các nhóm yếu thế, góp phần vào thực hiện các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững của Việt Nam.