Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới

Kỳ họp lần thứ 65 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã khai mạc sáng nay 09/7/2024 tại Geneva, Thụy Sĩ. Kỳ họp thu hút sự tham dự kỷ lục của hơn 1400 đại biểu, trong đó có gần 20 Bộ trưởng/Thứ trưởng từ 191 quốc gia thành viên và các quan sát viên.

Đoàn công tác Việt Nam gồm đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ do ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN dẫn đầu.


Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 65 Đại hội đồng WIPO.

Đại sứ Alfredo Suescum, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Panama tại Geneva điều hành Phiên họp. Kỳ họp lần này sẽ thông qua báo cáo của các Ủy ban, Hội đồng của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid; và rà soát báo cáo của WIPO về các hoạt động của Tổ chức từ kỳ họp Đại hội đồng lần trước.

Một số nội dung chính thu hút được sự quan tâm của các Thành viên bao gồm: báo cáo về kết quả Hội nghị ngoại giao thông qua Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, nguồn gen, tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen; triệu tập Hội nghị Ngoại giao để thông qua Hiệp ước Luật kiểu dáng công nghiệp (DLT) và việc thi hành các khuyến nghị liên quan đến Chương trình phát triển của WIPO.

Thay mặt đoàn công tác của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đã phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng WIPO. Thứ trưởng chúc mừng các thành tựu nổi bật của WIPO liên quan đến công tác xây dựng thể chế, cụ thể là đã thông qua Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, nguồn gen, tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen và việc sẽ triệu tập Hội nghị Ngoại giao để thông qua Hiệp ước DLT tháng 11 tới. Trong bài phát biểu, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đã ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030, trong đó huy động mọi đối tượng trong xã hội tham gia vào hoạt động sở hữu trí tuệ, xác định rõ doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Thứ trưởng cũng thông báo việc lần đầu tiên, Việt Nam đã xây dựng thành công và công bố báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Đại hội đồng WIPO 2024.

Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang. Tại buổi gặp, Thứ trưởng đã thông báo với Tổng Giám đốc WIPO các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc về những đóng góp quý báu của WIPO dành cho Bộ KH&CN trong thời gian vừa qua. Cụ thể là, WIPO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng phương pháp luận về cách tính toán Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương, hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và một số dự án quan trọng khác… Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới WIPO mở rộng hợp tác với Việt Nam về nghiên cứu mối quan hệ giữa bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, vấn đề xử lý đơn tồn đọng.

Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang chúc mừng các thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian gần đây, đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thăm và làm việc với WIPO, trong đó có chuyến thăm của Chủ tịch nước tới WIPO năm 2021. Tổng Giám đốc WIPO chúc mừng Việt Nam đã có sự thăng tiến ổn định trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu; Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đã xây dựng được phương pháp luận và công bố Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Tổng Giám đốc WIPO cũng đánh giá cao chiến lược nhất quán của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ và cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Bộ KH&CN trong triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật với WIPO như dự án TISC, đào tạo giảng viên, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tối ưu hóa quy trình xử lý đơn sở hữu công nghiệp, hỗ trợ triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia. Tổng Giám đốc WIPO cam kết sẵn sàng triển khai các nội dung hợp tác mới như Thứ trưởng đề xuất.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chào xã giao Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tặng quà lưu niệm Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang.

Cuộc họp Đại hội đồng WIPO 2024 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 17/7/2024.

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Xây dựng nguyên tắc phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm

Để đảm bảo trí tuệ nhân tạo (AI) không bị lạm dụng vào mục đích xấu, không đe dọa quyền riêng tư và an toàn của con người, cần có một hệ thống thể chế, chính sách, nguyên tắc điều chỉnh với sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy định pháp luật “cứng” mang tính ràng buộc với các quy tắc “mềm” như đạo đức, hướng dẫn, khuyến nghị.
Trên cơ sở hỗ trợ của Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Australia – Việt Nam (Aus4Innovation), ngày 5/7/2024, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng bộ nguyên tắc thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm”. Mục tiêu của Hội thảo nhằm thảo luận kinh nghiệm quốc tế về xây dựng bộ nguyên tắc thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng AI có trách nhiệm, tổng hợp khuynh hướng, mô hình điển hình trên thế giới và bước đầu rút ra một số hàm ý chính sách về phát triển AI có trách nhiệm ở Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo.
Công nghệ vì lợi ích cộng đồng
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để phát triển AI có trách nhiệm, cần hệ thống thể chế, chính sách, nguyên tắc điều chỉnh, với sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy định pháp luật “cứng” mang tính ràng buộc với các quy tắc “mềm” như đạo đức, hướng dẫn, khuyến nghị. Pháp luật thường đi sau sự phát triển công nghệ, đối với các công nghệ mới nổi, cách tiếp cận kết hợp giữa luật cứng và luật mềm là sự lựa chọn phù hợp nhất.
Trong khuôn khổ nhiệm vụ xây dựng bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn phát triển AI có trách nhiệm ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội cho biết, AI ngày càng phát triển nhanh chóng và tác động tới mọi mặt kinh tế, giáo dục, xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, sự phát triển của AI đang làm dấy lên những quan ngại về các rủi ro tiềm ẩn như: vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp lý; các thuật toán có thể gây ra sự thiên vị, phân biệt đối xử, bất bình đẳng; xâm phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân…
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh chia sẻ tại Hội thảo.
Theo TS. Đỗ Giang Nam, đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội, việc xây dựng AI cần tuân thủ nguyên tắc chung và nguyên tắc điều chỉnh cho từng lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, cách tiếp cận “mềm hóa” đề cao các giá trị đạo đức, độ tin cậy và trách nhiệm là chìa khóa để phát triển AI một cách bền vững.
“Chúng tôi cho rằng, niềm tin là nền tảng cho sự phát triển của AI. Để đạt được điều này, cần có những công cụ đủ mạnh để đảm bảo AI được sử dụng một cách có trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần tập trung vào các trụ cột lõi bao gồm tính hợp pháp, đạo đức và bền vững công nghệ, cách tiếp cận “vị nhân sinh” lấy con người làm trung tâm, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động phát triển AI”, TS. Đỗ Giang Nam cho biết thêm.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Kim Wimbush, Tham tán Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO), Giám đốc Chương trình Aus4Innovation cho biết: nguyên tắc đạo đức sử dụng AI trở thành vấn đề nổi cộm, nhất là trong vấn đề quyền riêng tư với mỗi cá nhân. Do vậy bộ nguyên tắc và các hướng dẫn về AI có trách nhiệm cần mang tính linh hoạt, thích ứng, thường xuyên được đánh giá, cập nhật, bổ sung để theo kịp với sự phát triển của AI.
TS. Kim Wimbush, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation phát biểu tại Hội thảo.
GS.TS Andy Hall, nghiên cứu viên cao cấp CSIRO nhấn mạnh, phát triển AI có trách nhiệm không chỉ đơn thuần là “làm được hay không” mà còn là “làm như thế nào” trong đó đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về việc lựa chọn công nghệ phù hợp với giá trị xã hội và đạo đức.
“Niềm tin là yếu tố then chốt bên cạnh việc đảm bảo sử dụng AI an toàn và có trách nhiệm. Tuy nhiên, AI cũng tiềm ẩn những tác động và rủi ro không thể lường trước, bao gồm gián đoạn, tác động tiêu cực đến môi trường, rủi ro đạo đức, sử dụng công nghệ sai mục đích và tội phạm công nghệ”, GS.TS Andy Hall cho hay.
TS. Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng khẳng định, không thể phủ nhận vai trò của AI nhưng làm sao để có khung pháp lý hiệu quả cho lĩnh vực này. Năm 2021, UNESCO đã ban hành “khuyến nghị về các khía cạnh đạo đức của AI”, nhằm hướng dẫn các quốc gia giải quyết một cách có trách nhiệm những tác động của AI đối với con người, xã hội, môi trường và hệ sinh thái. Các nguyên tắc đã có từ nhiều năm nhưng cần đi vào chi tiết và có các hành động cụ thể”, TS. Jonathan Wallace Baker khẳng định.
TS. Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam mong muốn có khung pháp lý hiệu quả cho lĩnh vực AI.
Phát triển “AI có trách nhiệm” từ kinh nghiệm quốc tế
Trong giai đoạn từ 2019 – 2024, các tổ chức quốc tế, các quốc gia và khu vực đã có những động thái tích cực, khẩn trương trong việc xây dựng thể chế, chính sách và các nguyên tắc để các đơn vị phát triển AI nhưng vẫn còn hạn chế rủi ro hay các tác động tiêu cực do AI mang lại.
Hiện nhiều quốc gia có bộ nguyên tắc chung như: EU, UNESCO, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, bên cạnh đó còn có bộ nguyên tắc ở từng lĩnh vực như: giáo dục, y tế. Những nội dung cốt lõi về bộ nguyên tắc đảm bảo tính tự chủ và giám sát con người, an toàn, quyền riêng tư và quản trị dữ liệu, tính minh bạch, đa dạng và bao trùm, không phân biệt đối xử và công bằng, cùng tính trách nhiệm giải trình.
Điểm chung của các bộ nguyên tắc AI có trách nhiệm là các nguyên tắc nền tảng: vị nhân sinh, vì lợi ích của con người; tôn trọng tính tự chủ và sự giám sát của con người; bền vững và an toàn; bảo đảm quyền riêng tư và quản trị dữ liệu; minh bạch và có thể giải thích được; đa dạng, bao trùm; bình đẳng, không phân biệt đối xử; trách nhiệm và trách nhiệm giải trình… Đó là những kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với Việt Nam, tuy nhiên khi áp dụng cần xem xét đến những đặc thù kinh tế – xã hội để có quy định phù hợp.
Năm 2021, 193 quốc gia thành viên UNESCO đã thông qua Khuyến nghị về Đạo đức AI. Đồng thời xây dựng bộ công cụ thực hành Khuyến nghị đạo đức AI  đánh giá mức độ sẵn sàng của các quốc gia – RAM (Readiness Assessment Methodology) bao gồm 5 lĩnh vực chứa chỉ số chính khác nhau gồm: pháp lý, xã hội, khoa học giáo dục, kinh tế và bao trùm công nghệ. Tới nay đã có 50 quốc gia áp dụng bộ công cụ, phân tích liên tục tính đa dạng nhằm đưa ra hoạch định riêng cho từng quốc gia, dự đoán cụ thể tác động AI đến môi trường, văn hoá, những tác động hữu hình bởi AI.
Tại Việt Nam, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, trong đó nêu rõ định hướng “Phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”. Đây là định hướng quan trọng và xuyên suốt phải bảo đảm trong việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, ngày 11/6/2024 , Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức KH&CN, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động nghiên cứu, thiết kế, phát triển, cung cấp các hệ thống AI được khuyến khích áp dụng các nội dung trong tài liệu hướng dẫn.
Theo ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN, cần thúc đẩy áp dụng, thực hành các nguyên tắc này vào thực tiễn. Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm các nước, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về AI; hướng dẫn để phát triển AI có trách nhiệm trong các ngành/lĩnh vực, dựa trên đặc thù của từng lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp…
Hiện Bộ KH&CN đang làm việc với UNESCO để thử nghiệm bộ công cụ RAM tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục hợp tác với Australia trong nghiên cứu, đề xuất các nguyên tắc phát triển AI có trách nhiệm.
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng tăng cường nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để phục vụ phát triển AI tại Việt Nam; chủ động xác định các vấn đề khoa học, thực tiễn liên quan đến AI cần giải quyết và ưu tiên nguồn lực từ các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về AI…
Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao phát biểu tại Hội thảo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Sử dụng nền tảng IPPlatform kết nối chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngày 03/07/2024, tại Hà Nội, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (SHTT) – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị “Kết nối chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trên Nền tảng IPPlatform với các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) khu vực miền Bắc”.

Hội nghị được Viện Khoa học SHTT tổ chức là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc khuôn khổ triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST” thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.

Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức với mục đích kết nối các chủ thể quyền SHTT trên Nền tảng IPPlatform với các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp, tập đoàn và các nhà đầu tư thuộc Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; tiếp nhận yêu cầu và thực hiện tư vấn về các vấn đề liên quan tới khởi nghiệp ĐMST như bảo hộ tài sản trí tuệ (TSTT), thương mại hóa TSTT, định giá TSTT, kêu gọi vốn….

Tại Hội nghị, chuyên gia của Viện Khoa học KHSHTT đã chia sẻ về các chủ đề: nhận dạng TSTT phục vụ hoạt động khởi nghiệp ĐMST; hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia của Viện Khoa học SHTT và đối tác sẽ tiếp nhận yêu cầu tư vấn và thực hiện tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu tại khu vực miền Bắc về các vấn đề liên quan đến SHTT và khởi nghiệp ĐMST.

Trong năm 2024, ngoài Hội nghị tại Hà Nội, Viện Khoa học SHTT sẽ tổ chức 02 Hội nghị tại khu vực miền Nam (dự kiến 12/07/2024) và miền Trung (dự kiến 26/07/2024) nhằm góp phần hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại 2 khu vực này.

L.H

Hoàn thành lò phản ứng hạt nhân lớn nhất thế giới

ITER, lò phản ứng nhiệt hạch 27 tỷ USD ở Pháp, đã lắp xong cuộn nam châm cuối cùng và dự kiến vận hành sau 15 năm nữa.

Mô phỏng thiết kế của lò ITER. Ảnh: ITER

Mô phỏng thiết kế của lò ITER. Ảnh: ITER

Lò phản ứng nhiệt hạch lớn nhất thế giới đã hoàn thành, nhưng sau 15 năm nữa mới hoạt động, theo các nhà khoa học phụ trách dự án. Lò phản ứng nhiệt hạt nhân thử nghiệm quốc tế (ITER) bao gồm 19 cuộn khổng lồ tạo thành nhiều nam châm hình xuyến giống chữ D, ban đầu dự kiến chạy thử đầy đủ năm 2020. Thế nhưng nhóm nghiên cứu trong dự án cho biết lò sẽ hoạt động sớm nhất năm 2039. Điều này có nghĩa năng lượng nhiệt hạch nhiều khả năng không thể trở thành giải pháp giúp đối phó khủng hoảng khí hậu kịp thời, Live Science hôm 3/7 đưa tin.

Là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất thế giới và sản phẩm hợp tác giữa 35 quốc gia, bao gồm các nước trong Liên minh châu Âu, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, ITER chứa nam châm mạnh nhất thế giới, giúp sản xuất từ trường mạnh gấp 280.000 lần từ trường bảo vệ Trái Đất. Thiết kế ấn tượng của lò phản ứng đi kèm chi phí lớn không kém. Từ mức dự kiến ban đầu là 5 tỷ USD, hiện nay, dự án vấp phải nhiều trì hoãn và chi phí thiết kế chế tạo đội lên 22 tỷ USD, cùng 5 tỷ USD nữa cho những khoản phát sinh. Do đó, dự án bị chậm 15 năm so với kế hoạch.

Giới khoa học đang tìm cách khai thác năng lượng từ phản ứng nhiệt hạch, quá trình ở lõi các ngôi sao, trong hơn 70 năm. Thông qua hợp nhất nguyên tử hydro để tạo ra heli dưới áp suất và nhiệt độ cực cao, những ngôi sao dãy chính biến đổi vật chất thành ánh sáng và nhiệt, sản sinh năng lượng khổng lồ mà không tạo ra khí nhà kính hay chất thải phóng xạ tồn tại lâu. Nhưng mô phỏng điều kiện bên trong lõi sao không phải công việc đơn giản. Thiết kế lò phản ứng nhiệt hạch phổ biến nhất, tokamak, hoạt động bằng cách tạo plasma siêu nóng (một trong 4 trạng thái vật chất, bao gồm ion dương và electron tự do tích điện âm), trước khi giữ chúng bên trong buồng lò phản ứng hình bánh vòng có từ trường mạnh.

Tuy nhiên, giữ dòng plasma siêu nóng và hỗn loạn tại chỗ đủ lâu để phản ứng nhiệt hạch xảy ra là một thách thức. Nhà khoa học Liên Xô Natan Yavlinsky thiết kế lò tokamak đầu tiên năm 1958, nhưng sau đó chưa có ai tạo thành công lò phản ứng có thể sản xuất nhiều năng lượng hơn mức sử dụng. Một trong những trở ngại chính là xử lý plasma. Lò phản ứng nhiệt hạch yêu cầu nhiệt độ rất cao (nóng gấp nhiều lần Mặt Trời) do cần hoạt động ở áp suất thấp hơn nhiều so với bên trong lõi sao. Ví dụ, lõi của Mặt Trời nóng tới 15 triệu độ C nhưng có áp suất gấp 340 tỷ lần áp suất khí quyển ở mực nước biển trên Trái Đất. Làm nóng plasma tới nhiệt độ như trên là giải pháp tương đối an toàn, nhưng rất khó tìm ra cách kìm giữ nó. Điều này thường được thực hiện bằng laser hoặc từ trường.

An Khang (Theo Live Science)

Tại sao hầu hết tên lửa phóng gần xích đạo?

Phần lớn tên lửa đều phóng từ cảng vũ trụ nằm gần xích đạo để tận dụng lực từ Trái Đất giúp tăng đáng kể tốc độ và giảm lượng lớn nhiên liệu.

Tên lửa Ariane 5 phóng từ vùng Guiana thuộc Pháp chỉ cách xích đạo 500 km. Ảnh: ESA

Tên lửa Ariane 5 phóng từ vùng Guiana thuộc Pháp chỉ cách xích đạo 500 km. Ảnh: ESA

Nếu theo dõi một vụ phóng tên lửa gần đây, bất kể từ NASA, SpaceX hay Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc, bạn sẽ nhận thấy một số điểm tương đồng về địa điểm cũng như hình dáng tên lửa. Lý do phía sau những điểm tương đồng đó liên quan tới bảo vệ an toàn cho người dân và phóng tên lửa vào không gian với ít sức lực nhất, theo IFL Science.

Đầu tiên, địa điểm phóng phải gần biển. Vài phút đầu tiên sau khi phóng rất quan trọng. Nếu tên lửa phóng thất bại, sẽ tốt hơn nếu nó rơi xuống đại dương vắng vẻ thay vì khu dân cư đông đúc. Một số cảng vũ trụ không gần biển như Baikonur ở Kazakhstan nhưng tên lửa bay theo lộ trình không ngang qua nơi người dân sinh sống.

Một yêu cầu về địa điểm khó chú ý hơn là vĩ độ của cảng vũ trụ. Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA tại Florida nằm ở 28 độ vĩ bắc. Cơ sở Starbase của SpaceX nằm ở 25 độ vĩ bắc. Bãi phóng vũ trụ Văn Xương nằm ở 19 độ vĩ bắc. Trung tâm ở Guiana của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) nằm ở 5 độ vĩ bắc. Lý do cho đặc điểm chung này là tên lửa dễ bay vào không gian hơn nếu có trợ lực từ Trái Đất.

Ở xích đạo, Trái Đất quay 1.650 km/h so với tâm hành tinh. Càng gần xích đạo, nhiên liệu cần dùng để bay vào không gian càng ít do có thể tận dụng tốc độ quay này. Bay vào không gian đòi hỏi tốc độ lớn. Do Trái Đất quay quanh trục, bạn có thể tăng tốc đáng kể nếu phóng ở nơi Trái Đất rộng nhất là xích đạo, theo ESA. ESA sẽ phóng tên lửa mới Ariane 6 lần đầu tiên từ Trung tâm vũ trụ Guiana tuần tới. Phóng gần xích đạo có nghĩa tên lửa sẽ bắt đầu bay ở 5% tốc độ cần thiết để lên tới quỹ đạo. Con số này có vẻ không nhiều nhưng nó có thể giảm đáng kể nhiên liệu, giúp tăng đáng kể khối lượng hàng.

Tàu vũ trụ Soyuz của Nga từng phóng từ Trung tâm vũ trụ Guiana trước khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra. Hiện nay, tàu Soyuz tiếp tục phóng từ Baikonur ở 45 độ vĩ bắc. Tàu Soyuz phóng từ xích đạo mang nhiều hàng hóa hơn 60% so với tàu phóng từ Kazakhstan.

Tuy nhiên, quy tắc trên cũng có ngoại lệ và không chỉ do địa chính trị. Có những cảng vũ trụ nằm xa hơn về phương bắc do không cần tăng cường tốc độ. Việc phóng gần xích đạo rất hữu ích đối với nhiều quỹ đạo nhưng không phải tất cả. Quỹ đạo cực như quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời hoặc quỹ đạo Molniya để nghiên cứu những vĩ tuyến cao hơn, là ví dụ về quỹ đạo ngoại lệ như vậy.

An Khang (Theo IFL Science)

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới thảo luận về Vũ trụ học

Tại Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 29 “PASCOS – Hạt, Dây và Vũ trụ học”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt khẳng định, để tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam hướng đến các kết quả nghiên cứu xuất sắc, bên cạnh việc đẩy mạnh nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học cơ bản cần tăng cường đầu tư hạ tầng nghiên cứu KH&CN và tài trợ các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN.

Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 20, tại Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE), tỉnh Bình Định từ ngày 8-13/7/2024 với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý hạt và vũ trụ học đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cơ bản

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao ý nghĩa khoa học và tầm quan trọng của Hội nghị đã được tổ chức liên tục từ năm 1990 đến nay và là một trong những chuỗi hội nghị quốc tế uy tín về vũ trụ học trên thế giới. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm phát triển ngành khoa học cơ bản. Các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản trong nhiều lĩnh vực đã được triển khai từ nhiều năm nay.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.

Từ năm 2009 Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) luôn ưu tiên dành phần lớn kinh phí tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, đồng hành hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cơ bản.

Các chương trình phát triển khoa học cơ bản cấp quốc gia, trong đó bao gồm Chương trình phát triển vật lý đã được thực hiện liên tục từ năm 2016, với các hướng ưu tiên trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: vật lý lý thuyết và tính toán, vật lý các chất đậm đặc, quang lượng tử, vật lý hạt nhân… Đồng thời, chương trình cũng đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng như quan trắc xử lý môi trường, khoa học vật liệu… Ngoài ra, ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật vật lý trong các đề tài nghiên cứu thuộc các chương trình KH&CN cấp quốc gia trong thời gian qua đã gia tăng và đạt nhiều kết quả tốt, có thể kể tới như ứng dụng hạt nhân trong công nghiệp, ứng dụng vật lý – kỹ thuật hạt nhân trong môi trường, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong ngành thủy văn, trong xác định tuổi mẫu vật; và ứng dụng vật lý trong y khoa…

Bộ trưởng cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam hướng đến các kết quả nghiên cứu xuất sắc, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững đất nước cũng như đóng góp chung vào kho tàng tri thức của nhân loại, bên cạnh việc đẩy mạnh nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học cơ bản cần từng bước tăng cường đầu tư hạ tầng nghiên cứu KH&CN và tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN. Một trong số những giải pháp quan trọng Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN luôn quan tâm, ưu tiên là tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế thông qua trao đổi khoa học, tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu chung giữa nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn, thu hút các nhà khoa học xuất sắc đến thực hiện nghiên cứu và trình bày các báo cáo khoa học tại Việt Nam ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có khoa học vật lý.

Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và hơn 100 nhà khoa học trên thế giới.

Theo xếp hạng của tổ chức Scimago, dựa trên số lượng bài báo quốc tế trong lĩnh vực vật lý và thiên văn học của các quốc gia, Việt Nam từ vị trí thứ 60 năm 2013 vươn lên vị trí thứ 46 vào năm 2023. Việt Nam có 01 Trung tâm Vật lý quốc tế được UNESCO công nhận và bảo trợ từ năm 2018. Để có được những thành tựu trên, bên cạnh những chính sách được đề cập, Bộ KH&CN luôn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp quan trọng của các nhà khoa học trong và ngoài nước, tiêu biểu là GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc.

Đặc biệt, Bộ KH&CN luôn quan tâm, đánh giá cao hoạt động của Trung tâm ICISE, trân trọng, tôn vinh tâm huyết của GS. Trần Thanh Vân và Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam.  Trung tâm ICISE đã và đang thực hiện tốt sứ mệnh là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao.

“Tôi mong các nhà khoa học trẻ tham dự Hội nghị hôm nay sẽ được các Giáo sư, các nhà khoa học uy tín trực tiếp chia sẻ, cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực, cũng như những kinh nghiệm trong hành trinihf làm khoa học. Qua đó, các nhà khoa học trẻ sẽ càng thêm yêu khoa học, dám dấn thân vào con đường khoa học và tự tin khám phá những chân trời mới”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ tin tưởng.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực Vật lý

GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE cho biết, Hội nghị là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhìn lại và thảo luận sâu hơn về các tiến bộ trong lĩnh vực vật lý hạt, lý thuyết dây, vũ trụ học và những khám phá quan trọng được thực hiện trong vài năm gần đây như tính chất của các hỗn hợp neutrino, hạt Higgs và sóng hấp dẫn. GS. Trần Thanh Vân cũng đặc biệt gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Bộ KH&CN đã luôn quan tâm, hỗ trợ và đồng hành với Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam trên con đường phát triển khoa học và giáo dục để TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trở thành thành phố khoa học đầu tiên của cả nước.

GS. Trần Thanh Vân phát biểu tại Hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, Hội nghị được tổ chức với mục đích tập hợp các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới để chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất về các vấn đề liên quan đến vật lý hạt cơ bản, vũ trụ học và tiếp tục củng cố sự hợp tác cho nghiên cứu, giáo dục giữa các nhà khoa học giữa các quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại Hội nghị.

“Sau Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ quay trở lại Bình Định, không chỉ để tham dự các cuộc gặp gỡ khoa học mà còn hỗ trợ, giúp đỡ Bình Định phát triển khoa học, giáo dục và các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác để Bình Định thực sự trở thành một điển hình phát triển bền vững dựa trên nền tảng KH&CN”, ông Nguyễn Tuấn Thanh bày tỏ mong muốn.

Đánh giá Trung tâm ICISE là một địa điểm quan trọng đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia Pháp và Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học trong ba thập kỷ qua đã chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp là một đối tác quan trọng với hơn 200 dự án trao đổi khoa học giữa các nhà khoa học Pháp và Việt Nam mỗi năm từ các lĩnh vực: sinh thái học nhiệt đới đến toán học và vật liệu composite. Ngoài ra, Pháp còn có các tổ chức nghiên cứu có mặt thường xuyên tại Việt Nam như: Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp (IRD) hợp tác chặt chẽ với nhiều nhà khoa học Pháp và Việt Nam về các chủ đề cấp thiết và quan trọng trong hải dương học, chống kháng thuốc và nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển; Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp phục vụ Phát triển Pháp (CIRAD) – một tổ chức nghiên cứu nông học, gắn bó mật thiết với các nhà nghiên cứu Việt Nam để tìm kiếm các giải pháp sinh thái nông nghiệp giúp Việt Nam tiếp tục phát triển đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học…

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt gặp gỡ, trao đổi về hoạt động của Trung tâm ICISE với GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam.

Hội nghị PASCOS “Hạt, Dây và Vũ trụ học lần thứ 29” quy tụ nhiều diễn giả là chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vật lý: GS. Atish Dabholkar (Giám đốc Trung tâm Vật lý Lý thuyết Quốc tế Abdus Salam (ICTP), Ý), GS. David Kaplan (Đại học Washington, Mỹ), GS. Pran Nath (Đại học Northeastern, Mỹ), GS. James Pinfold (Đại học Alberta, Canada), GS. Michael Ramsey-Musolf (Đại học Massachusetts Amherst, Mỹ).

Trước đó, vào năm 2016, Hội nghị quốc tế PASCOS – Hạt, Dây và Vũ trụ học lần thứ 22 cũng đã được tổ chức thành công tại Quy Nhơn với sự tham gia của GS. Takaaki Kajita (Nhật Bản) – nhà khoa học từng đoạt giải Nobel Vật lý năm 2015.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ

Sáng ngày 05/7/2024, Đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thường trực Tiểu ban Văn kiện, Tổ trưởng Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIV làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Báo cáo kết quả thực hiện chủ trương, định hướng, chiến lược, nhiệm vụ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIV cho biết, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến phát triển KH,CN&ĐMST; các chủ trương, định hướng lớn phát triển KH,CN&ĐMST đã được nhất quán khẳng định rõ trong nhiều văn bản như: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 45-NQ/TW về phát triển đội ngũ trí thức; Kết luận số 69-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, Bộ KH&CN đã cụ thể hoá, triển khai các chủ trương, đường lối phát triển KH,CN&ĐMST, đặc biệt là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thông qua việc ban hành mới, sửa các luật trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật, thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Cụ thể: Bộ đã tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 189/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; trình Ban Bí thư dự thảo Chỉ thị về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW năm 2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 69-KL/TW năm 2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIV báo cáo tại buổi làm việc.

Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Hiện Bộ đang xây dựng, hoàn thiện các luật chuyên ngành như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật KH&CN (sửa đổi); Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và tích cực xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.

Báo cáo cũng đã nêu bật được các kết quả đạt được về khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên; KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; tiềm lực KH,CN&ĐMST; Chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam (GII); Chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII); Hệ thống ĐMST quốc gia; Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST… Đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất những định hướng giải pháp lớn về phát triển KH,CN&ĐMST trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng đoàn công tác khẳng định: KH&CN là quốc sách hàng đầu; là quan điểm chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước; là nguồn lực và động lực có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển nhanh, bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay. Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, KH,CN&ĐMST của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tỉ lệ đầu tư cho KH&CN từ xã hội đã có sự dịch chuyển mạnh và ngày càng tăng; từ chỗ lệ thuộc vào công nghệ bên ngoài đã làm chủ được nhiều công nghệ, trong đó có những công nghệ tiên tiến, hiện đại; từ lực lượng cán bộ KH&CN mỏng đã xây dựng được một đội ngũ khá toàn diện, có đủ các ngành, lĩnh vực; từ chỗ trang thiết bị, cơ sở vật chất lạc hậu đã được đầu tư, phát triển tương đối đồng bộ.



Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thường trực Tiểu ban Văn kiện, Tổ trưởng Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIV phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những kết quả nổi bật, ấn tượng, tinh thần chủ động, sáng tạo của toàn ngành KH&CN và đề nghị ngành KH&CN tiếp tục nỗ lực để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bộ KH&CN, ngành KH&CN, nền KH&CN quốc gia phải chuyển được những thông điệp mạnh mẽ nhất về vai trò, vị trí của KH,CN&ĐMST. KH,CN&ĐMST không phát triển thì không tận dụng được cơ hội, không vượt qua thách thức…, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành KH&CN thời gian tới cần tiếp tục tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề tài chính, thu hút và trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực cho KH,CN&ĐMST, xã hội hoá các kết quả nghiên cứu, cơ chế chấp nhận rủi ro…; chú trọng nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới của thế giới liên quan đến các xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, y sinh, công nghiệp bán dẫn…; phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn trong tư vấn chủ trương, chính sách, pháp luật cho Đảng và Nhà nước; quan tâm sâu sắc đến đội ngũ cán bộ KH&CN của nước nhà.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác và các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN đã cùng trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến phát triển mối quan hệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST; hạ tầng KH&CN; nâng cao năng lực quản trị nhà nước về ĐMST; cơ chế Quỹ cho KH&CN; hợp tác quốc tế và việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong nước về KH,CN&ĐMST…

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Thành Đạt – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN khẳng định, Bộ KH&CN tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác và sẽ tiếp tục tập trung rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động KH,CN&ĐMST. Đồng thời nghiên cứu đưa vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của Bộ và ngành trong thời gian tới.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.

Để doanh nghiệp khoa học và công nghệ vươn lên thành đầu tàu dẫn dắt

Tại buổi họp bàn về “Chính sách phát triển Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) Việt Nam” với Hiệp hội DN KH&CN (VTS) ngày 6/7/2024 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp làm thế nào để các DN KH&CN phát huy vai trò đầu tàu trong việc ứng dụng làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cạnh tranh, làm hình mẫu cho các loại hình DN khác.

Xây dựng chính sách đặc thù cho DN KH&CN

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của DN trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của đất nước, đặc biệt là những DN áp dụng KH&CN. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, mô hình hoạt động của DN tại Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào việc tăng trưởng vốn và khai thác tài nguyên đến nay đã không còn nhiều dư địa để phát triển.


 Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Hiện nay, chủ trương của Đảng, Nhà nước và cộng đồng DN Việt Nam đang tích cực chuyển đổi hướng phát triển KT-XH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Nếu không áp dụng KH,CN&ĐMST, DN không thể cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, cũng như tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế. Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra đối với DN Việt Nam là cần phải ứng dụng KH,CN&ĐMST một cách nhanh chóng và hiệu quả.

“KH&CN là một vũ khí sắc bén, là điều kiện tiên quyết đối với quốc gia và DN. Nếu không làm chủ được công nghệ, không nắm được công nghệ, không khai thác được công nghệ thì không phát triển được”, Thứ trưởng Hoàng Minh khẳng định.

Thứ trưởng cho rằng, để các DN Việt Nam đi đầu và dẫn dắt thì cần làm chủ được công nghệ, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, và trở thành hình mẫu cho các DN khác học tập… Đây cũng là nhiệm vụ của ngành KH&CN, của Bộ KH&CN đối với các DN KH&CN.

Xác định vai trò và tầm quan trọng của lực lượng DN Việt Nam, đặc biệt trong áp dụng KH,CN&ĐMST, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về DN KH&CN nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP và Thông tư 10/2021/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định này cũng bộc lộ những vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Trong thực tế, chính sách chỉ tập trung vào việc cấp Giấy phép chứng nhận DN KH&CN, chưa có cơ chế và chính sách theo dõi, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khác, hoặc mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN.

Bên cạnh đó, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP và Luật KH&CN cũng xác định, DN KH&CN được hình thành từ hai nguồn chính: nhiệm vụ nghiên cứu và từ các DN được tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên đến nay không có DN KH&CN nào được cấp Giấy chứng nhận hay đăng ký chuyển giao công nghệ. Trong khi đó các tập đoàn, DN lớn đang nhanh chóng thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ. Nếu DN KH&CN không tham gia vào chuyển giao công nghệ thì chính sách ưu đãi trên sản phẩm chuyển giao của các DN này nhận được nhiều ưu đãi hơn là sản phẩm hình thành từ quá trình nghiên cứu.

Để DN KH&CN vươn lên thành đầu tàu dẫn dắt, Bộ KH&CN xác định cần thiết phải xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ mạnh mẽ để khuyến khích DN KH&CN phát triển, đúng với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm cùng thắng và cùng phát triển với doanh nghiệp. Do đó, cần tập trung vào việc xác định rõ vai trò, vị thế của DN KH&CN; cần tăng cường thảo luận, trao đổi về các chính sách ưu đãi cho DN KH&CN nhằm đánh giá rõ những gì có thể thực hiện được ngay và những cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai trong tương lai.

“Trong mọi hoạt động, Bộ KH&CN không tách rời DN KH&CN với chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Bộ KH&CN luôn xác định vai trò quan trọng của DN KH&CN cũng như trách nhiệm của VTS, của Bộ là phải xây dựng chính sách ưu đãi cho DN KH&CN”, Thứ trưởng Minh nhấn mạnh.

Kiến nghị về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy KH&CN

Trong báo cáo về hoạt động của VTS, bà Phan Thị Mỹ Yến – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội VST cho biết, trong 4 năm từ 2021-2023, VST đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các DN của VST ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình tại thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều DN tiêu biểu đã được VTS vinh danh bao gồm: Công ty TNHH Minh Long 1; Công ty CP Dược Phẩm Savi – Savipharm; Công ty CP Sao Thái Dương; Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông; Công ty CP Trapasaco; Công ty CP Tư vấn & Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước; Công ty TNHH Dược Hanvet…

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Mỹ Yến, hoạt động của VTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Một số kết quả hoạt động của DN thành viên chưa đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, các kế hoạch để phát triển giao lưu kết nối, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư sản xuất cũng gặp phải nhiều hạn chế.


Toàn cảnh buổi họ
p.

Tại buổi họp, các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề liên quan chính sách ưu đãi và vướng mắc khó khăn của DN cần tháo gỡ. Đưa ra những ý kiến đóng góp cho các chính sách hỗ trợ hoạt động KH&CN. Đồng thời, đóng góp ý kiến cho Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo đó, các đại biểu đại diện cho VST đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, trong đó thực thi các quy định về ưu đãi cho hoạt động ĐMST. Tăng cường năng lực tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST.

Phối hợp với các sở KH&CN, cơ quan thuế của các địa phương về tổ chức tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Qua đó, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bảo đảm tính khả thi của các chính sách liên quan đến hoạt động KH&CN đã ban hành.

Bộ KH&CN cần đề xuất Chính phủ xem xét thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng coi hoạt động đầu tư nghiên cứu KH&CN là một hoạt động đầu tư có tính rủi ro, mạo hiểm cần được Nhà nước bảo trợ. Có cơ chế phối hợp nhằm thống nhất trình tự thủ tục chống xâm phạm và bảo vệ chủ sở hữu, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ độc quyền.

Đặc biệt, cần có cơ chế ưu tiên rút ngắn thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho các DN sản xuất thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. Đề nghị Bộ KH&CN tạo điều kiện cho VST có thể hợp tác, tiếp cận, tiếp nhận, thụ hưởng các nguồn lực KH&CN của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho DN KH&CN Việt Nam.

Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Hoàng Minh đánh giá cao kết quả mà VST đã đạt được. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN và VST phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn để thúc đẩy vị trí, vai trò của cộng đồng DN KH&CN trong nền kinh tế.

“Bộ KH&CN và VTS cần thiết lập nhiệm vụ cụ thể cho việc phối hợp hoạt động trong giai đoạn 2024 – 2025. Mục tiêu là hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng DN KH&CN chứng minh được sức mạnh và vai trò của mình. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều từ Bộ KH&CN cũng như VST thời gian tới”.


 Thứ trưởng Hoàng Minh thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN tặng hoa chúc mừng VST 5 năm thành lập.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Điều hòa có thể thất thủ vì quá tải lưới điện

Nắng nóng cực đoan đang trở nên ngày càng phổ biến toàn cầu, đe dọa gây mất điện nhiều ngày khiến điều hòa nhiệt độ trở nên vô dụng.

Điều hòa nhiệt độ sử dụng nhiều điện hơn bất kỳ thiết bị nào trong gia đình. Ảnh: AKP Photos

Điều hòa nhiệt độ sử dụng nhiều điện hơn bất kỳ thiết bị nào trong gia đình. Ảnh: AKP Photos

Nhu cầu điều hòa nhiệt độ đang bùng nổ, dự kiến tăng gấp ba trên khắp thế giới vào năm 2050 khi nhiệt độ toàn cầu tăng vọt và thu nhập cao hơn. Vấn đề là không có điện, con người không thể sử dụng điều hòa nhiệt độ. Nhiều lưới điện đang bị dồn đến điểm tới hạn do thời tiết cực đoan trở nên phổ biến.

Ví dụ, khi bão Ida tràn qua bang Louisiana (Mỹ) với gió mạnh và ngập lụt nghiêm trọng vào tháng 8/2021, hơn một triệu người mất điện. Theo sau đó là đợt nắng nóng. Nhiệt độ tăng tới trên 32,2 độ C, đe dọa những cư dân không thể bật điều hòa do tình trạng mất điện kéo dài nhiều ngày.

Sự kết hợp giữa bão, nắng nóng và mất điện nhiều ngày trở thành cơn ác mộng, nhưng hoàn cảnh này sẽ trở nên ngày càng phổ biến khi con người tiếp tục khiến Trái Đất ấm lên, châm ngòi cho thời tiết cực đoan có sức tàn phá nặng nề. Nó cũng hé lộ sự thật không mấy dễ chịu về điều hòa, giải pháp bảo vệ con người trước nắng nóng.

Thời tiết chiếm 80% trong số vụ mất điện lớn ở Mỹ từ năm 2000 đến năm 2023 theo báo cáo từ Climate Central, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận. Tại Mỹ, lưới điện cũ kỹ được thiết kế cho thời tiết trong quá khứ thay vì tương lai, theo Michael Webber, giáo sư kỹ thuật cơ khí ở Đại học Texas, Austin.

Mối đe dọa chính là bão, có thể làm đứt đường dây truyền tải và đổ cột điện. Tuy nhiên, nắng nóng cũng tác động tới lưới điện. Nếu ngoài trời thực sự nóng bức, hệ thống hoạt động kém hiệu quả hơn. Lưới điện cũng có thể không chịu nổi áp lực từ nhu cầu khi mọi người bật điều hòa cùng lúc để đối phó nhiệt độ cao.

Số vụ mất điện lớn ở Mỹ (ảnh hưởng tới hơn 50.000 khách hàng và kéo dài ít nhất một giờ) tăng gấp đôi từ năm 2017 đến năm 2020, Brian Stone Jr., giáo sư chuyên về quy hoạch thiết kế môi trường đô thị ở Viện Công nghệ Georgia, cho biết. Theo ông, phần lớn số vụ tăng lên xảy ra trong những tháng mùa hè.

Nhu cầu làm mát tăng vọt trong đợt nắng nóng vào tháng 8/2020 ở California thôi thúc nhà vận hành lưới điện chính của bang phải cắt điện ở hàng trăm nghìn hộ gia đình trong đợt mất điện luân phiên lần đầu tiên trong 20 năm. Năm 2021, trong đợt nắng nóng thiêu đốt vùng tây bắc Thái Bình Dương, thiết bị điện bị quá tải, dẫn tới mất điện luân phiên ở hàng chục nghìn hộ gia đình khi nhiệt độ tăng trên 37,8 độ C.

Tháng 6/2024, khi nhiệt độ ở miền nam châu Âu cán mốc 40 độ C, nhiều nơi tại Albania, Bosnia, Croatia và Montenegro trải qua tình trạng mất điện nhiều giờ do nhu cầu điện tăng đột biến. Ngay cả mất điện trong thời gian ngắn cũng có thể rất nguy hiểm, theo Webber. Nắng nóng có thể ảnh hưởng tới cơ quan nội tạng quan trọng và gây kiệt sức, sốc nhiệt, thậm chí tử vong. Nếu mất điện khi trời lạnh, mọi người chỉ cần mặc thêm quần áo, đốt lửa và quây quần cạnh nhau. Nếu trời nóng, chỉ có cách duy nhất để làm mát là sử dụng điện. Sự kết hợp của nắng nóng và mất điện là sự kiện nguy hiểm nhất liên quan tới khí hậu, theo Stone.

Stone và một nhóm nhà khoa học khám phá tác động tiềm ẩn của nắng nóng kèm theo mất điện nhiều ngày do thời tiết cực đoan hoặc tấn công mạng. Tập trung vào Atlanta, Detroit và Phoenix, họ xem xét tình huống trong nhà người dân. Con số cực kỳ ảm đạm đối với Phoenix. Trong đợt nắng nóng kèm theo mất điện kéo dài 3 – 4 ngày, một nửa dân số thành phố (gần 800.000 người) phải điều trị các bệnh liên quan tới nắng trong bệnh viện. Hơn 13.000 người sẽ tử vong. Theo Stone, khí hậu của thành phố quá cực đoan và người dân chật vật tìm cách thích nghi. Việc sử dụng điều hòa có thể khiến người dân chịu đựng kém hơn bởi họ quá phụ thuộc vào hệ thống làm mát ở nhà và nơi làm việc.

Arizona Public Service, một trong những công ty năng lượng cung cấp điện ở Phoenix, cho biết họ đã lập kế hoạch ngăn chặn mất điện quy mô lớn và thường xuyên bảo trì lưới điện. Tuy khả năng mất điện nhiều ngày trong đợt nắng nóng ở Phoenix khá thấp, điều đó có thể xảy ra và trở nên phổ biến hơn khi khủng hoảng khí hậu trầm trọng hơn. Cắt giảm ô nhiễm khiến hành tinh ấm lên là giải pháp bảo vệ dài hạn tốt nhất để đối phó nắng nóng và thời tiết cực đoan, theo Stone.

An Khang (Theo CNN)

‘Tạo thuận lợi cho nhà khoa học thực hiện Chương trình công nghệ quốc gia’

Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu Chương trình khoa học công nghệ quốc gia gắn với sửa đổi cơ chế chính sách, giúp thuận lợi hơn cho các nhà khoa học khi triển khai nhiệm vụ.

Thông tin được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nêu tại cuộc Họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ tổ chức chiều 4/7.

Việc tái cơ cấu các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện với nhiều lý do, trong đó tập trung vào chương trình trọng tâm trọng điểm, có tính tác động lan tỏa với phát triển kinh tế xã hội đất nước trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 được triển khai trong bối cảnh Chính phủ tiến hành nhiều đổi mới trong quản lý điều hành. “Mục đích điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ”, Thứ trưởng Giang nhấn mạnh.

Tái cấu trúc chương trình khoa học công nghệ quốc gia gắn với sửa đổi cơ chế chính sách

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chủ trì cuộc họp báo chiều 4/7. Ảnh: TTTT

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, làm rõ thêm về tái cơ cấu và xây dựng hàng lang pháp lý cho các chương trình. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý 26 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, trong đó có 21 chương trình khoa học công nghệ (mã số K.C) và 5 chương trình khoa học xã hội nhân văn (mã số K.X).

Theo ông Chiến, thời gian qua Bộ tập trung sửa đổi bổ sung hàng loạt thông tư, từ xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách, nghiệm thu đánh giá và xử lý tài sản, tuyển chọn…

Trong số này có thông tư 20 được ban hành (thay thế thông tư 08) trong tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia. Theo thông tư này, kết quả tuyển chọn phải được công bố trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 70 trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ” nhằm hướng tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học công nghệ”, ông Chiến nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Quyết Chiến chia sẻ thông tin về tái cơ cấu nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia. Ảnh: TTTT

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Nguyễn Quyết Chiến chia sẻ thông tin về tái cơ cấu nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia. Ảnh: TTTT

Báo cáo của Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước ký ngày 4/6 nêu nhiều kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu.

Trong đó tại Chương trình KC.04 (Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0) trải đều trong nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực y tế có các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên phân tích dữ liệu lớn, y học cá thể hóa, y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô, công nghệ giải mã gene, công nghệ giám sát sức khỏe và chẩn đoán hình ảnh y- sinh học. Kết quả của việc ứng dụng các công nghệ này đã bước đầu ứng dụng trong hỗ trợ phục hồi chức năng vận động trên người bệnh đột quỵ não; hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường bẩm sinh hay gặp ở Việt Nam…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, có các nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong phát triển nền nông nghiệp chính xác; sử dụng AI trong phân tích, ra quyết định điều khiển tự động, tối ưu hóa lượng nước tưới và áp dụng thử nghiệm cho cây thanh long.

Trong lĩnh vực giáo dục, nhà khoa học đã chế tạo robot thông minh hình dáng giống người, hỗ trợ dạy tiếng Anh trong trường tiểu học với nhiều tính năng nổi bật cũng như sự tương tác giữa thiết bị và học sinh. Điều này giúp học sinh phát huy khả năng tự tin trong giao tiếp đồng thời có thể phát âm tiếng Anh chuẩn theo người bản ngữ. Lĩnh vực giáo dục còn ghi nhận một số kết quả của nhiệm vụ xây dựng mô hình chuyển đổi số cho trường học thông minh.

Lĩnh vực công nghiệp có các nghiên cứu phát triển tổ hợp robot ứng dụng trong dịch vụ logistics; chế tạo Cobot (Colalaborative robot) ứng dụng trong công nghiệp và một số lĩnh vực khác có sự hợp tác giữa người và máy.

Lĩnh vực phòng chống thiên tai có các công trình chế tạo, tích hợp hệ thống nhiều robot bay tự hành, dùng trong thám sát môi trường, tìm kiếm-cứu nạn, cứu hộ. Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo ngập cho thành phố lớn dựa trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo và hệ thống tin địa lý, ứng dụng cho TP HCM…

Còn ở nhiều chương trình khác, các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, trải đều các lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế. Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước cho biết thời gian qua có hàng nghìn đề xuất. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tuyển chọn và phê duyệt 19 chương trình với tổng số 298 nhiệm vụ. “Thông qua các văn bản ban hành giúp hoạt động tuyển chọn mạch lạc, minh bạch. Nhiều cơ chế chính sách mới được lồng ghép khuyến khích, tạo động lực cho các nhà khoa học chủ động đề xuất”, ông Chiến nói.

Như Quỳnh