Thứ trưởng Trần Hồng Thái thăm, làm việc tại một số tổ chức, doanh nghiệp KH&CN tỉnh Bình Định

Ngày 20/7/2024, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp, đơn vị có hoạt động KH&CN nổi bật của tỉnh Bình Định: Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar), Trường Đại học Quy Nhơn, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE).

Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ

Tại Bidiphar, báo cáo về tình hình hoạt động của công ty, Tổng Giám đốc Bidiphar Phạm Thị Thanh Hương cho biết, từ khi thành lập (năm 1980) đến nay, Công ty đã được Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Các kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao vào sản xuất như: nghiên cứu thành công thuốc tiêm kháng sinh, dung dịch tiêm truyền kháng sinh và axit amin, áp dụng công nghệ đông khô để sản xuất các thuốc đặc trị, sản xuất thuốc điều trị ung thư… Mới đây, Bidiphar đã được công nhận là doanh nghiệp KH&CN.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái và Đoàn công tác thăm Công ty Bidiphar.

Thời gian tới, Bidiphar sẽ tập trung sản xuất thuốc điều trị ung thư (thuốc viên, thuốc tác dụng tại đích, thuốc công nghệ sinh học), dung dịch thẩm phân (dung dịch lọc máu liên tục, phối hợp creatine trong thẩm phân máu, sản phẩm viên đạm bổ sung cho bệnh nhân), kháng sinh và các thuốc đặc trị (thuốc nhỏ mắt, thuốc tim mạch, tiểu đường…). Bên cạnh đó, hoàn thành đầu tư nhà máy vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-REU, nhà máy thuốc OSD Non-Betalactam theo tiêu chuẩn GMP-REU…

Tổng Giám đốc Bidiphar kiến nghị Bộ KH&CN có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận các công nghệ chưa có tại Việt Nam; tạo cơ chế để doanh nghiệp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu từ các viện, trường; hỗ trợ các đề tài/dự án ngành dược, dược liệu theo chiến lược phát triển ngành dược; mở rộng mục đích sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư máy móc sản xuất thuốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm…; có hướng dẫn chi tiết về xử lý sản phẩm, tài sản hình thành sau khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN…

Thứ trưởng Trần Hồng Thái đánh giá cao những kết quả Bidiphar đạt được, đồng thời bày tỏ tin tưởng với sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo và đội ngũ nhân sự trẻ, Bidiphar sẽ sớm đạt được các kế hoạch đề ra. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Bidiphar cần nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, chất lượng cao (trong đó có dược phẩm phóng xạ), nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Thứ trưởng và Đoàn công tác đánh giá cao các ý tưởng, ý kiến đóng góp của Công ty và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Công ty trong phối hợp xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN có liên quan.

Gợi mở các hướng nghiên cứu mới cho viện nghiên cứu, trường đại học

Tại buổi làm việc với Trường Đại học Quy Nhơn, Thứ trưởng và Đoàn công tác đã nghe PGS.TS. Đoàn Đức Tùng, Hiệu trưởng nhà trường báo cáo kết quả hoạt động cũng như các ý kiến đề xuất. Theo đó, Trường có 13 khoa/bộ môn, 10 viện/trung tâm, 10 phòng chức năng và đang đào tạo 77 ngành. Từ năm 2020 đến nay, Trường thực hiện 3 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 3 đề tài độc lập, 24 nhiệm vụ KH&CN. Từ năm 2017-2024, Trường có 15 sáng chế được công nhận, 5 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, khoảng 100 bài báo khoa học được đăng tải/năm, cùng nhiều công trình khoa học đã áp dụng vào thực tiễn như: Cryobird – Phát triển công nghệ sinh học sinh sản để quản lý đa dạng di truyền; sản xuất gonadotropin chuỗi đơn để điều trị sinh sản; xử lý bùn thải thủy sản thành phân hữu cơ tại Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định… Trường đã đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ tham gia vào một số chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái và Đoàn công tác làm việc với Trường Đại học Quy Nhơn.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái bày tỏ ấn tượng về cơ sở vật chất, kết quả đào tạo, hoạt động KH&CN của Trường. Đồng thời, mong muốn Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục phát huy, kế thừa những kết quả đạt được, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức, trong đó có kế hoạch thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về giảng dạy tại Trường, nâng cao năng lực các nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn…; hỗ trợ xây dựng, thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học trẻ (giảng viên, sinh viên). Bên cạnh đó, nhà trường cần bám sát yêu cầu thực tiễn ở địa phương để đề xuất, tham gia vào các chương trình/dự án KH&CN và Bộ KH&CN sẽ đồng hành cùng Trường để xây dựng, triển khai…

Tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, sau khi nghe lãnh đạo đơn vị báo cáo một số kết quả trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, cùng đề xuất tham gia nghiên cứu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, Thứ trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận những kết quả, thành tựu Viện đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Nam Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bình Định. Đồng thời, đề nghị Viện tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo một số cây, con giống phù hợp, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu tại tỉnh, đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, cần liên kết để phát triển các sản phẩm theo chuỗi từ chọn tạo, nhân giống, trồng và chế biến, xây dựng kế hoạch và có định hướng kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp…

Khu trồng dưa chuột thơm tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ.

Truyền thông, khơi dậy tình yêu và niềm đam mê khoa học

Chiều ngày 20/7, Thứ trưởng và Đoàn công tác đã đến thăm Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo và Trung tâm ICISE.

Thăm Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS. Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành và tạo điều kiện của Bộ KH&CN trong suốt thời gian qua. Để tiếp tục phát triển ICISE với mục tiêu xây dựng thành điểm đến gặp gỡ khoa học đặc trưng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, GS. Trần Thanh Vân kiến nghị Bộ KH&CN xem xét tăng kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Trung tâm; hỗ trợ tăng kinh phí cho phát triển chương trình nghiên cứu đặc thù tại Trung tâm ICISE; đề xuất Bộ KH&CN ủng hộ Đề án thành lập Khu Đô thị khoa học Quy Hòa – Đô thị khoa học đầu tiên ở Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái trao đổi với các nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm ICISE.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận các kiến nghị của các đơn vị. Thứ trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc đã dành nhiều tâm huyết trong xây dựng và phát triển Trung tâm ICISE, kết nối các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam, góp phần để KH&CN Việt Nam được thế giới biết đến.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái tặng GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc bức tranh lưu niệm.

Thứ trưởng đánh giá cao công tác truyền thông, khơi dậy đam mê và tình yêu khoa học của thế hệ trẻ do 2 Trung tâm đang thực hiện. Theo Thứ trưởng, hoạt động truyền thông, giới thiệu các chuyên ngành, cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh trực quan sinh động sẽ giúp thế hệ trẻ thêm yêu khoa học, được định hướng để lựa chọn các ngành khoa học phù hợp trong tương lai.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Khối thi đua Báo chí – Trung tâm – Nhà xuất bản hỗ trợ hiệu quả truyền thông các hoạt động KH,CN&ĐMST

Khối thi đua Báo chí – Trung tâm – Nhà xuất bản đã kịp thời, cung cấp thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; những đóng góp, thành tựu của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) với phát triển kinh tế – xã hội; tuyên truyền những nhân tố mới, mô hình, cách làm hay và tấm gương trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST thông qua các tác phẩm, ấn phẩm sách, báo chí.
Ngày 18/7/2024 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2024 của Khối thi đua Báo chí – Trung tâm – Nhà xuất bản (Khối) gồm: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Tạp chí KH&CN Việt Nam; Nhà Xuất bản khoa học và Kỹ thuật; Trung tâm Công nghệ thông tin; Báo Điện tử Vnexpress.
Tại Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Khối trưởng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Khối đã triển khai đồng bộ các phong trào thi đua gắn với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của các đơn vị. Theo đó, Khối đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của Bộ và triển khai giao ước thi đua của Khối; tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ hiệu quả truyền thông các hoạt động KH,CN&ĐMST; thi đua cải tiến đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu suất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, tích cực hỗ trợ công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Bộ KH&CN…
Bà Nguyễn Thị Hải Hằng phát biểu tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, Khối tích cực tuyên truyền và phát động thi đua trong toàn đơn vị lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn; thi đua đề xuất các sáng kiến, giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, quản lý điều hành, cải cách hành chính, chuyển đổi số; tổ chức cho viên chức tìm hiểu về Luật Thi đua khen thưởng.
Các đơn vị trong Khối đã cụ thể hóa các phong trào thi đua thông qua việc xây dựng các quy chế, chỉ tiêu thi đua đặc thù của từng đơn vị như: Thi đua đổi  mới trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuất bản các ấn phẩm thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghệp; tổ chức các sự kiện truyền thông về xuất bản, giải thưởng báo chí, KH,CN&ĐMST; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển KH&CN, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, xuất bản…
Toàn cảnh Hội nghị.
Đặc biệt, trong thời gian qua, các đơn vị thuộc Khối đã phối hợp, tham gia tổ chức sự kiện, truyền thông chuỗi các hoạt động chào mừng 65 năm Ngày thành lập Bộ KH&CN và Lễ kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam 18/5; Phối hợp, tham gia các hoạt động do Công đoàn Bộ, Đoàn Thanh niên Bộ tổ chức…
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Thảo luận về phương hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2024, các đơn vị thuộc Khối quyết tâm lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; hưởng ứng các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, Bộ phát động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Theo đó, các đơn vị trong Khối thống nhất tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ KH&CN về công tác thi đua, khen thưởng; phối hợp hiệu quả, mở rộng giao lưu thường xuyên giữa các đơn vị trong Khối, thi đua thực hiện Giao ước thi đua Khối và các phong trào thi đua do Bộ KH&CN phát động năm 2024. Đoàn kết, đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt các phong trào thi đua lồng ghép với việc triển khai tốt các nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và của Khối thi đua; phát hiện, bồi dưỡng các cá nhân, tập thể là điển hình tiên tiến của Khối…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Giải bình chọn Sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo nhận hồ sơ đến hết 31/7

Nhằm tạo cơ hội cho các nhóm tác giả, doanh nghiệp tham gia Giải bình chọn Sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo 2024 (AI Awards 2024) Ban tổ chức gia hạn nhận hồ sơ đến hết ngày 31/7.

Giải thưởng AI Awards 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa – Viện – Trường Công nghệ thông tin -Truyền thông (FISU). Cuộc thi nhằm trong nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN 2024).

Sau 3 tuần phát động, cuộc thi nhận được hơn 30 hồ sơ tham dự, trong đó nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thể hiện tính sáng tạo, tiềm năng ứng dụng cao, giải được bài toán của doanh nghiệp. Trong số này có các sản phẩm ứng dụng AI đo và tư vấn dinh dưỡng cho cây trồng; tư vấn đấu thầu; phân tích hội thoại; quản trị khách hàng; ứng dụng AI hỗ trợ cho bà mẹ từ khi mang bầu đến khi chăm sóc em bé…

AI Awards 2024 hướng tới mọi tổ chức, doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu tại các Viện, trường có sản phẩm/giải pháp/nền tảng ứng dụng công nghệ AI tại Việt Nam. Các giải pháp/sản phẩm này được giới thiệu trong năm 2022-2024 tại thị trường Việt Nam, hướng tới thúc đẩy hiệu quả cho doanh nghiệp và cho người sử dụng. Các dự án cần thể hiện tính sáng tạo, độc đáo trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đồng thời có tính khác biệt, ưu việt so với các sản phẩm tương tự trên thị trường.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (bìa trái) thăm gian hàng giới thiệu các sản phẩm ứng dụng AI tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2023. Ảnh: Trần Quỳnh

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (bìa trái) thăm gian hàng giới thiệu các sản phẩm ứng dụng AI tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2023. Ảnh: Trần Quỳnh

Ban tổ chức chấp nhận sản phẩm đã tham dự các giải thưởng khác (bao gồm các giải pháp/sản phẩm đã hoặc chưa đoạt giải). Tuy nhiên tác phẩm trong quá trình tham dự cuộc thi này sẽ không được đồng thời tham dự cuộc thi khác có cùng hoặc tương tự về nội dung, tính chất.

Các hồ sơ gửi về cuộc thi sẽ được sơ loại và bắt đầu vòng bình chọn từ ngày 1/8. Ở vòng này, độc giả VnExpress sẽ chọn sản phẩm/giải pháp yêu thích và đánh giá cao.

Các tác giả sau đó sẽ thuyết trình trước Hội đồng giám khảo, điểm chung cuộc sẽ bao gồm 40% bình chọn của độc giả VnExpress và 60% điểm đánh giá của Hội đồng giám khảo.

Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo sẽ chọn ra top 5 dự án xuất sắc và trao giải trong Ngày hội AI4VN, dự kiến vào tháng 8. Chủ nhân giải thưởng sẽ nhận các lợi ích truyền thông trên Báo VnExpress trị giá 100.000.000 VNĐ, được kết nối tới các đối tác quan tâm để ứng dụng, mở rộng thị trường, kinh doanh sản phẩm.

>>> Nộp bài dự thi tại đây

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN) dự kiến tổ chức vào ngày 23/8 tại Hà Nội, có chủ đề “Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh” (Unlock the power of Generative AI). Ngày hội hướng mục tiêu cung cấp bức tranh toàn cảnh từ góc nhìn ứng dụng, sự hưởng ứng của doanh nghiệp trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Chương trình gồm các hoạt động: AI Summit, AI Workshop, AI Expo, AI Awards.

AI Summit là diễn đàn chính, với sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng sẽ tái hiện bức tranh thực tế, những cơ hội, thách thức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành, lĩnh vực y tế, tài chính ngân hàng, giáo dục, giao thông, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, văn hóa – giải trí. Thông qua đó kiến nghị giải pháp và định hướng góp phần kiến tạo động lực, phát triển hệ sinh thái AI.

AI Workshop là các phiên thảo luận bên lề sự kiện có sự góp mặt các diễn giả và chuyên gia AI. Đây là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp cho những thách thức hiện tại và tối đa hóa lợi ích của các công nghệ AI. Các chủ đề sẽ thảo luận gồm: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam; Nỗi lo AI thông minh hơn con người hay Phát triển các tiêu chuẩn về trí tuệ nhân tạo.

AI Expo mang đến cơ hội trải nghiệm các sản phẩm, sáng chế, phát minh trí tuệ nhân tạo đa lĩnh vực như y tế, tài chính ngân hàng, giáo dục, giao thông, tài nguyên môi trường, nông nghiệp.

AI Awards là Giải thưởng bình chọn Sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo sẽ vinh danh sản phẩm, giải pháp ứng dụng AI nổi bật trong doanh nghiệp và cuộc sống.

Sau 6 năm triển khai, AI4VN đã trở thành sự kiện khoa học tin cậy, thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan ban hành chính sách, quản lý, tập đoàn công nghệ, đơn vị nghiên cứu, trường đại học… cùng chung tay thúc đẩy phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. AI4VN thu hút gần 13.000 người tham gia, gần 200 diễn giả cùng bàn thảo nhằm phát triển hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam.

>>> Xem thông tin sự kiện tại đây

Minh Thảo

Nhà khoa học Việt phân tích gene phát hiện sớm ung thư gan

Nhóm nhà khoa học tại Đại học Quốc gia TP HCM nghiên cứu sự thay đổi gene F12 trong máu, giúp chẩn đoán sớm ung thư gan thay vì lấy mẫu sinh thiết.

Nghiên cứu của nhóm tiến sĩ Nguyễn Minh Nam, thạc sĩ Bùi Thị Phường, cử nhân Nguyễn Thành Đạt và Nguyễn Thị Kim Nhường, trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP HCM, thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2023.

Ttrong kỹ thuật y học hiện nay, việc xác định ung thư gan thường dùng phương pháp chỉ thị sinh học (AFP). Theo nhóm nghiên cứu, cách này với độ chính xác không cao nên chưa đánh giá chắc chắn người bệnh có bị ung thư gan không. Phương pháp sinh thiết (lấy một phần mẫu gan của bệnh nhân để phân tích) có độ chính xác cao nhưng có yếu tố xâm lấn, ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân.

Nhóm hướng đến việc sử dụng chỉ dấu sinh học từ biểu hiện gene có trong máu người bệnh để phân tích, đưa ra nhận định về bệnh ung thư gan, ít xâm lấn nhưng độ chính xác cao. Việc chẩn đoán sớm ung thư gan giai đoạn đầu sẽ giúp tăng tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm lên tới 70% giúp bệnh nhân giảm đau đớn và gánh nặng cho gia đình.

Đường cong ROC của gene F12 và AFP trong việc phân biệt mô ung thư và không ung thư ở giai đoạn rất sớm và sớm; xơ gan và ung thư gan; AFP thấp. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Đường cong ROC của gene F12 và AFP trong việc phân biệt mô ung thư và không ung thư ở giai đoạn rất sớm và sớm; xơ gan và ung thư gan; AFP thấp. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Theo thạc sĩ Bùi Thị Phường, thành viên nghiên cứu, nhóm muốn phát triển phương pháp chẩn đoán ít xâm lấn từ mẫu máu của bệnh nhân và tình nguyện viên, sau đó tiến hành phân tích mức độ biểu hiện gene bằng phương pháp RT-PCR. Dựa trên kết quả biểu hiện gene tới một giá trị xác định, sẽ đưa ra được kết luận bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư gan không. Từ cơ sở này, nhóm sử dụng dữ liệu mở của gần 2.000 bệnh nhân trên toàn thế giới được công khai trong giới học thuật kết hợp 36 mẫu máu, sinh thiết của bệnh nhân do một bệnh viện tại TP HCM cung cấp. Việc lấy mẫu được hội đồng y đức cho phép.

Nhóm sử dụng mô hình học máy, phân tích từ hàng chục nghìn dữ liệu về gene, sau đó sàng lọc và xác định 14 gene biểu hiện bệnh ung thư gan. Quá trình phân tích, nhóm xác định gene F12 tiềm năng trong việc phát hiện ung thư gan. Khi biểu hiện gene F12 thấp ở một chỉ số xác định thì khả năng bệnh nhân mắc ung thư gan cao, ngược lại biểu hiện gene F12 cao thì khả năng mắc bệnh thấp.

Theo tính toán, mô hình máy học có thể xác định ung thư gan từ dữ liệu của 36 bệnh nhân trong nước với độ chính xác trên 70%, với dữ liệu nước ngoài độ chính xác 80 – 90% do số lượng dữ liệu nhiều hơn. Đây là cơ sở xây dựng mô hình chẩn đoán, tiên lượng mức độ nặng nhẹ và hướng điều trị cho tình trạng từng bệnh nhân.

Theo thạc sĩ Phường, hiện bộ dữ liệu bệnh nhân trong nước còn ít nên có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của mô hình. Nhóm đang kết nối với các bệnh viện khác trong cả nước thu thập thêm nguồn dữ liệu để phân tích và chạy mô hình với độ chính xác cao hơn.

Việc thu thập dữ liệu bệnh nhân theo đánh giá của nhóm, cần bác sĩ có kỹ thuật chuyên môn cao để lấy mẫu đạt yêu cầu và sự đồng thuận của bệnh nhân hoặc gia đình, chấp nhận tham gia nghiên cứu khoa học. Nhóm kỳ vọng nghiên cứu giúp phát triển chiến lược điều trị cho bệnh nhân ung thư gan, mở ra hướng nghiên cứu mới và có ý nghĩa quan trọng trong thời đại y học cá nhân hóa và y học chính xác ngày nay.

Thạc sĩ Bùi Thị Phường, thứ 2 từ phải sang nhận giải Khuyến khích cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024, hồi tháng 5. Ảnh: Ngọc Thành

Thạc sĩ Bùi Thị Phường, thứ 2 từ phải sang nhận giải Khuyến khích cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024, hồi tháng 5. Ảnh: Ngọc Thành

Công trình giành giải khuyến khích cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024 do Báo VnExpress tổ chức hồi tháng 5. Đại diện hội đồng chuyên môn cuộc thi đánh giá, đây là nghiên cứu chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm mang tính xã hội cao. Tuy nhiên, nguồn dữ liệu nhóm sử dụng ở bệnh nhân nước ngoài, hơn 10 năm trước. Trong khi đó, các bệnh ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng có thể biến đổi theo thời gian do sự phát triển của kinh tế, xã hội, môi trường sống… Do đó nhóm cần có nhiều hơn những dữ liệu bệnh nhân trực tiếp, trong nước để có đánh giá xác đáng. “Kỹ thuật y khoa tác động đến sức khỏe con người cần sự cẩn trọng làm nhiều giai đoạn, thời gian thử nghiệm để có cơ sở đánh giá tính phù hợp và khả thi khi triển khai”, đại diện ban giám khảo nói.

Ung thư gan nguyên phát được coi là một trong những biến chứng chính của bệnh gan mạn tính. Phần lớn bệnh xảy ra trên nền xơ gan và là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân là bệnh không biểu hiện ra bên ngoài ở giai đoạn đầu. Điều này khiến bệnh nhân không biết mình mắc.

Ung thư gan khó điều trị và kiểm soát do được phát hiện muộn, bệnh có tiên lượng kém, tỷ lệ tái phát khối u cao, kháng với các liệu pháp hóa trị và xạ trị truyền thống, đặc biệt là các khối u không đồng nhất. Bệnh ở giai đoạn đầu có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 36%. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn trung gian hoặc muộn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn từ 3 đến 13%.

Hà An

Vụ rò rỉ methane từ giếng lớn nhất lịch sử

Sử dụng dữ liệu vệ tinh, các chuyên gia ghi nhận vụ rò rỉ methane lớn nhất từ giếng khai thác, giải phóng 131.000 tấn trong 205 ngày.

Giếng bốc cháy tại mỏ Karaturun East, Kazakhstan, năm 2023. Ảnh: Mangistau Reginal Admininistration

Giếng bốc cháy tại mỏ Karaturun Vostochny, Kazakhstan, năm 2023. Ảnh: Mangistau Reginal Admininistration

Nhóm nhà khoa học quốc tế dẫn dắt bởi Luis Guanter, giáo sư tại Đại học Bách khoa Valencia kiêm trưởng nhóm LARS thuộc Viện Nước và Kỹ thuật Môi trường, ghi nhận vụ rò rỉ methane từ giếng lớn nhất lịch sử, SciTechDaily hôm 19/7 đưa tin. Giếng rò rỉ nằm ở mỏ Karaturun Vostochny, Kazakhstan.

Trong nghiên cứu mới trên tạp chí Environmental Science & Technology Letters, nhóm nhà khoa học định lượng và theo dõi sự phát triển của lượng khí methane khổng lồ này nhờ kết hợp dữ liệu từ một số vệ tinh như TROPOMI, GHGSat, PRISMA, EnMAP, EMIT, và từ máy đo bức xạ đa phổ Landsat và Sentinel-2.

Vụ rò rỉ gây ra đám cháy cao 10 m và miệng hố rộng 15 m, vượt xa những sự kiện trước đó tại Aliso Canyon năm 2015, Ohio năm 2018 và Louisiana năm 2019.

Vụ rò rỉ tại mỏ Karaturun Vostochny bắt đầu vào ngày 9/6/2023, khi một vụ nổ xảy ra trong quá trình khoan thăm dò. Một ước tính cũ cho rằng sự kiện thải ra khoảng 127.000 tấn methane. Nhưng trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học kết luận chiếc giếng giải phóng khoảng 131.000 tấn methane vào khí quyển trong 205 ngày. Hàng nghìn tấn nước đã được bơm vào để bịt giếng. Cuối cùng, luồng khí được chặn lại ngày 25/12/2023 nhờ bơm bùn khoan, theo Luis Guanter, nhà nghiên cứu tại Viện Nước và Kỹ thuật Môi trường.

Trong nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã phát triển các phương pháp xử lý dữ liệu mới. Những phương pháp tối ưu hóa này bao gồm triển khai bộ lọc được thiết kế riêng để phát hiện các luồng khí và triển khai những mô hình định lượng methane cho thiết bị siêu quang phổ. Công nghệ vệ tinh tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và định lượng khí methane thoát ra, đặc biệt là ở những khu vực xa xôi khó quan sát.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, thế giới cần giám sát một cách liên tục và chính xác để giảm tác động môi trường của những hoạt động công nghiệp như khai thác dầu khí. “Khí tự nhiên là nguồn năng lượng quan trọng, nhưng cũng là khí nhà kính góp phần gây ra 1/3 mức ấm lên toàn cầu do chứa hơn 90% methane. Điểm khác biệt so với CO2 là nó có tác động lớn hơn trong ngắn hạn. Vì vậy, chúng ta cần hành động ngay từ gốc và giảm phát thải”, họ kết luận.

Thu Thảo (Theo SciTechDaily)

Dự án đổ 273.000 lít hóa chất xuống biển chống biến đổi khí hậu

Các nhà môi trường học và ngư dân đang phản đối kế hoạch của một nhóm nhà khoa học muốn đổ gần 273.000 lít sodium hydroxide xuống vịnh Cape Cod để giảm biến đổi khí hậu.

Vùng biển Cape Cod được chọn cho thí nghiệm đổ hóa chất. Ảnh: National Geographic

Vùng biển Cape Cod được chọn cho thí nghiệm đổ hóa chất. Ảnh: National Geographic

Nhóm nhà khoa học đến từ Viện Hải dương học Woods Hole tại Falmouth đang xin giấy phép để tiến hành dự án đổ 30.000 lít hóa chất ở cách đảo Martha’s Vineyard khoảng 16 km về phía nam, dự kiến bắt đầu vào mùa hè năm nay, theo Phys.org. Dự án mang tên LOC-NESS của Viện Woods Hole tập trung vào hai mục đích chính.

Mục đích đầu tiên là tìm hiểu tác động tiềm ẩn tới môi trường khi tăng cường độ kiềm của nước biển để loại bỏ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển. Mục đích còn lại là kiểm nghiệm và báo cáo lượng CO2 có thể bị loại bỏ theo phương pháp này nếu triển khai ở quy mô lớn.

“Dù cắt giảm khí thải đóng vai trò chủ chốt nhằm giảm thiểu tác động của con người tới khí hậu Trái Đất, trong những năm gần đây, rõ ràng việc cắt giảm khí thải cần được hỗ trợ bằng cách loại bỏ carbon dioxide trong không khí”, nhóm nhà khoa học ở Woods Hole cho biết.

Các nhà môi trường học và ngư dân không ủng hộ thí nghiệm dự kiến tiếp tục vào mùa hè năm sau ở quy mô lớn hơn nhiều với khoảng 272.765 lít hóa chất xuống vùng biển phía đông bắc Provincetown ở vịnh Maine.

Friends of the Earth là một trong hàng chục tổ chức viết thư cho Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ nhằm phản đối dự án. Họ nhấn mạnh tăng cường độ kiềm đại dương, quá trình thêm hợp chất kiềm vào nước biển nhằm thay đổi độ Ph và khả năng hấp thụ carbon tự nhiên của đại dương không phù hợp với Công ước về Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc do rủi ro và tính không chắc chắn của công nghệ này đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Theo nhà vận động Benjamin Day của tổ chức Friends of the Earth, sodium hydroxide là hợp chất cực kỳ nguy hiểm. Nó gây ra bỏng hóa chất nếu tiếp xúc với da người hoặc động vật biển. Hoạt động tăng độ kiềm thường sử dụng khoáng chất như đá vôi và tạo ra một loạt vấn đề khác. Tuy nhiên, sodium hydroxide đặt ra nhiều vấn đề tức thời hơn. Những ngư dân trong vùng cũng lo sợ thí nghiệm có thể ảnh hưởng tới sản lượng đánh bắt của họ.

Các nhà khoa học Woods Hole cho biết dự án sẽ hoạt động trong dải pH an toàn đối với sinh vật sống dưới nước và tuân thủ quy định nghiêm ngặt về theo dõi môi trường. Họ sẽ thường xuyên theo dõi độ kiềm, sử dụng bộ dụng cụ chuyên dụng, cảm biến và thiết bị lấy mẫu. Kết quả sẽ cung cấp dữ liệu đo đầu tiên trong nước về độ an toàn của phương pháp, bao gồm tác động tới thành phần hóa chất trong nước, mạng lưới thức ăn ở biển và sinh vật lớn. Theo Alison Brizius, giám đốc Cơ quan quản lý vùng ven biển Massachusetts, dự án này rất cần thiết nhằm hiểu rõ tác động của việc loại bỏ carbon dioxide bằng nước biển.

An Khang (Theo Phys.org)

Việt Nam có tiềm năng hợp tác lĩnh vực vi mạch

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… có thể hợp tác với các viện trường, nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ vi mạch.

Thông tin được đại diện khoa học công nghệ các quốc gia chia sẻ tại hội nghị kết nối chuyển giao công nghệ với viện, trường khu vực phía Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức sáng 19/7.

Đại diện khoa học công nghệ Việt Nam tại New York (Mỹ), ông Lê Văn Chính cho biết, năm 2022 quốc gia này thông qua Đạo luật chip và khoa học với số tiền đầu tư lên đến 50 tỷ USD cho nghiên cứu, sản xuất và nguồn nhân lực bán dẫn. Khu vực tư nhân tại Mỹ đã đầu tư trên 250 tỷ USD vào ngành này, trong đó bang Arizona ở miền Tây nước Mỹ chiếm 25%.

Theo ông Chính, bán dẫn một trong những lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ. Quốc gia này hướng đến phát triển các công nghệ chip hiệu suất cao, chi phí thấp và giảm tác động của hoạt động sản xuất chất bán dẫn đến sức khỏe con người và môi trường.

Hồi tháng 6, đại diện phái đoàn Việt Nam trong đó có Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và một số doanh nghiệp tham quan phòng thí nghiệm bán dẫn phục vụ sản xuất của Đại học Arizona. Theo ông Chính, sắp tới Đại học Arizona sẽ đến Việt Nam làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự kiến hai bên xúc tiến xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung.

Đại diện khoa học công nghệ Việt Nam tại New York, Mỹ ông Lê Văn Chính chia sẻ tại hội nghị, sáng 19/7. Ảnh: Hà An

Đại diện khoa học công nghệ Việt Nam tại New York, Mỹ ông Lê Văn Chính chia sẻ tại hội nghị, sáng 19/7. Ảnh: Hà An

Ông Nguyễn Đức Minh, đại diện khoa học công nghệ tại Nhật Bản cho biết, giai đoạn 2021 – 2023 quốc gia này chi khoảng 27,5 tỷ USD tài trợ đầu tư xây nhà máy chip bán dẫn với tỷ lệ 40 – 50% chi phí xây dựng. Để đảm bảo chuỗi cung ứng, nhà máy sản xuất vật liệu, công nghiệp phụ trợ ngành bán dẫn, Nhật đã tài trợ 12 dự án xây dựng, mở rộng nhà máy.

Theo ông Minh, cùng với nhu cầu xây dựng nhà máy, Nhật Bản rất cần nguồn nhân lực bán dẫn. Theo dự báo của Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản, trong 10 năm tới nước này thiếu khoảng 35.000 nhân lực chất lượng cao. “Đây là cơ hội hợp tác hai nước có thể khai thác ngay”, ông Minh nói. Các trường đại học có thể hợp tác bằng cách tham gia dự án nghiên cứu chung, trong đó có hỗ trợ thành lập các phòng thí nghiệm bán dẫn. Cùng với đó là chương trình hỗ trợ học bổng, trao đổi sinh viên nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, kỹ năng thực hành tại doanh nghiệp bán dẫn.

Hiện Nhật Bản có nhiều giáo sư gốc Việt làm việc và sẵn sàng hợp tác trong tiếp nhận đào tạo, thành lập các viện nghiên cứu, xây dựng mạng lưới chuyên gia lĩnh vực vi mạch người Việt trên toàn thế giới. Ông mong muốn các hoạt động này được cụ thể hóa bằng các ký kết hợp tác với Nhật Bản trong tương lai.

Bà Đỗ Thị Bích Ngọc, đại diện khoa học công nghệ tại Hàn Quốc nói, với lĩnh vực bán dẫn trong 5 năm tới quốc gia này dự kiến đào tạo khoảng 10.000 nhân lực. Hàn Quốc dự kiến đặt hàng và đầu tư kinh phí cho 8 đại học trong nước để đạt được mục tiêu về nhân lực bán dẫn.

Theo bà Ngọc, chính sách về nhân lực của Hàn Quốc sẽ mang tới cơ hội cho các viện trường Việt Nam cùng tham gia. “Chúng tôi sẽ có các tiếp xúc ngoại giao với một trong 8 trường đại học Hàn Quốc để bàn mô hình hợp tác trong đào tạo nhận lực”, bà nói, gợi mở mô hình phối hợp đưa sinh viên ra nước ngoài nghiên cứu, tài trợ học bổng, hợp tác doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu thị trường.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, thông tin trong chiến lược phát triển phát triển ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam, Đại học Quốc gia TP HCM là một trong những đơn vị được giao xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm trung tâm cho cả bốn khâu trong chuỗi giá trị ngành này. Đây được coi là trung tâm đầy đủ và có quy mô lớn nhất nước, bên cạnh hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế trong chiến lược. “Dự kiến trong tuần sau chúng tôi sẽ có bài trình bày với với Bộ Kế hoạch Đầu tư về nội dung này”, PGS Quân nói.

Ba lĩnh vực còn lại Đại học Quốc gia TP HCM ưu tiên là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học và khoa học công nghệ liên ngành. Với AI, hiện Đại học Quốc gia TP HCM xây dựng tổ công tác, đặt mục tiêu trở thành trung tâm xuất sắc về trí tuệ nhân tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà An

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà An

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, mạng lưới đại diện khoa học công nghệ ở nước ngoài được xây dựng 15 năm qua ở 15 quốc gia với 23 địa bàn trọng điểm, có hợp tác sâu rộng về khoa học công nghệ với Việt Nam.

Theo ông Duy, việc xây dựng mạng lưới nhằm tìm hiểu, chiến lược, pháp luật về khoa học công nghệ các nước làm cơ sở tư vấn cho chính quyền, viện trường, doanh nghiệp Việt Nam. Các đại diện khoa học công nghệ cũng có vai trò cập nhật chính sách khoa học công nghệ các nước, xu hướng công nghệ gần đây như vi mạch, trí tuệ nhân tạo, lượng tử, công nghệ xanh… Thông qua hoạt động kết nối với nhà khoa học người gốc Việt, trường đại học, doanh nghiệp ở các nước, đại diện khoa học công nghệ sẽ chia sẻ thông tin cho phía Việt Nam phục vụ hoạt động chuyển giao, hợp tác phát triển công nghệ với quốc tế.

Với mô hình này, Thứ trưởng Duy mong muốn có mô hình kết nối chuyển giao công nghệ, từ nước ngoài về Việt Nam thông qua chuyên gia viện nghiên cứu, trường đại học với vai trò tư vấn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp trong nước.

Hà An

Tiến sĩ Việt chế tạo vật liệu tái tạo dây chằng chéo đầu gối

Từ kỹ sư hóa dầu, TS Nguyễn Ngọc Tuân chuyển hướng nghiên cứu vật liệu sinh học, cùng cộng sự phát triển thành công dây chằng nhân tạo phân hủy sinh học và thúc đẩy tái tạo mô dây chằng.

TS Nguyễn Ngọc Tuân (34 tuổi), trường Đại học Ecole Normale Superieur (ENS-PSL), Paris (Pháp), cùng các cộng sự đang theo đuổi các kỹ thuật mới trong lĩnh vực kỹ thuật mô. Nghiên cứu này được tiếp nối từ Dự án phát triển dây chằng nhân tạo phân hủy sinh học do anh thực hiện tại Đại học Sorbonne Paris Nord (Pháp) từ năm 2017.

“Có rất nhiều mô cơ quan trên cơ thể khi bị tổn thương hay mất đi sẽ rất khó hoặc không thể lành lại. Do đó tái tạo lại những mô tổn thương này trở thành vấn đề hấp dẫn đối với các nhà khoa học”, TS Tuân nói với VnExpress.

Dây chằng nhân tạo phân hủy sinh học được phát triển từ sợi polymer sinh học (polycaprolactone và trước đây là Polyethylene terephthalate) có thể thúc đẩy quá trình tái tạo của mô dây chằng đã đứt. Nó được dùng để ghép thay thế tạm thời dây chằng bị tổn thương nhằm giữ cố định khớp gối và trở thành khung vật liệu để thúc đẩy sự tái tạo tế bào mô thành dây chằng mới.

Bó sợi polymer sinh học của dây chằng nhân tạo được thử nghiệm hoạt tính sinh học trên tế bào mô sợi trong ống nghiệm sau 10 ngày, cho thấy có sự bám dính và phát triển của cụm tế bào rõ rệt. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Bó sợi polymer sinh học của dây chằng nhân tạo được thử nghiệm hoạt tính sinh học trên tế bào mô sợi trong ống nghiệm sau 10 ngày, cho thấy có sự bám dính và phát triển của cụm tế bào rõ rệt. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Điều thú vị là các sợi polymer sẽ phân hủy chậm trong cơ thể mà không gây độc tế bào trong quá trình dây chằng mới được tái tạo lại, do đó không cần phẫu thuật loại bỏ. Đây là giải pháp hữu ích cho bệnh nhân gặp chấn thương liên quan đầu gối, thường gặp ở người chơi thể thao, phổ biến trong các cầu thủ bóng đá, người lao động nặng hoặc vận động sai cách.

Các kết quả từ nghiên cứu cho thấy khả năng thúc đẩy hồi phục chấn thương nhanh hơn, ít rủi ro, hiệu quả và ít tốn kém hơn so với các phương pháp phẫu thuật nối ghép mô truyền thống. Nghiên cứu được đánh giá là “bước đột phá trong lĩnh vực kỹ thuật mô và y học tái tạo”, đăng trên tạp chí quốc tế Polymer Degradation and Stability (2020-2021,NXB Elsevier), Scientific Report (2021, NXB Springer-Nature), Biointerphases (2020, American Institute of Physics).

Quy trình cấy ghép dây chằng nhân tạo trên chuột thí nghiệm. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Quy trình cấy ghép dây chằng nhân tạo trên chuột thí nghiệm. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

TS Tuân cho biết, thách thức lớn nhất là cần “đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trong cấy ghép vào cơ thể”, bởi vật liệu cần phải có tính tương thích sinh học với tế bào, không gây độc tế bào, tính chất cơ học phù hợp mô. Ví dụ, đối với sợi biopolymer cho dây chằng nhân tạo, chúng cần chịu được lực kéo, xoắn và trọng lượng từ cơ thể lên khớp đầu gối, để giữ cho các khớp được cố định. Bên cạnh đó còn có yêu cầu tăng cường bám dính cho tế bào và thúc đẩy tế bào phát triển thành các mô đích.

Để giải quyết vấn đề này, nhóm đã hoạt hóa bề mặt sợi bằng cách phủ với các phân tử polystyrene sulfonate có hoạt tính sinh học với tế bào thông qua liên kết hóa học vững chắc. Nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật ozone hóa nhằm kiểm soát khả năng phủ hoàn toàn bề mặt 3D của các bó sợi polymer. Toàn bộ quá trình trải qua sự kiểm soát nghiêm ngặt về điều kiện y tế trước khi sản phẩm được thử trong ống nghiệm và cấy ghép trên chuột, cừu và sau đó là con người.

“Khả năng tái sản xuất của các vật liệu này cũng là một thử thách cần vượt qua”, anh cho hay. Những vật liệu cần đáp ứng được yêu cầu về sự ổn định về chức năng, sản xuất và vượt qua các bài kiểm tra khắt khe của các tổ chức y tế như FDA (Mỹ) hay CE (châu Âu).

GS Veronique, Đại học Sorbonne Paris Nord, thành viên hội đồng Hiệp hội Kỹ thuật Y sinh Pháp, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, đứt dây chằng chéo trước (ACL) là một trong những chấn thương thể thao phổ biến nhất ảnh hưởng đến các vận động viên. Do khả năng chữa lành kém của ACL nên thường phải can thiệp bằng phẫu thuật. Theo giáo sư, ngày nay phương pháp phẫu thuật tạo hình dây chằng (utograft replacement) là “tiêu chuẩn vàng”. Tuy nhiên hơn 50% trường hợp cho thấy các rủi ro từ đau nhức, hoại tử xương tại điểm bám và thời gian hồi phục rất lâu (6 đến 12 tháng). “Do đó sự phát triển của dây chằng nhân tạo hoạt tính sinh học và phân hủy sinh học là một hướng đi cần thiết để giải quyết các vấn đề này”, ông nói.

Hiện công nghệ này được công ty Texinov và Movmedix sử dụng sản xuất và đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại châu Âu và Mỹ. “Thị trường dây chằng nhân tạo mô phỏng dây chằng tự nhiên, được làm từ vật liệu tương thích sinh học, hoạt động in vivo mà không gây phản ứng hệ thống trong cơ thể. Cấy dây chằng nhân tạo là một kỹ thuật rất chuyên biệt, được khuyên dùng cho các vận động viên và bệnh nhân cần hiệu suất cao”, TS Julien Steinbrunn, Giám đốc nghiên cứu và phát triển, công ty Movmedix, đánh giá.

TS Nguyễn Ngọc Tuân. Ảnh: NVCC

TS Nguyễn Ngọc Tuân. Ảnh: NVCC

Nghiên cứu y học tái tạo song ít ai ngờ TS Tuân vốn xuất phát điểm từ kỹ sư ngành hóa dầu. Anh kể bắt đầu theo đuổi nghiên cứu về vật liệu cao phân tử khi là sinh viên Trường Đại học Bà Rịa (Vũng Tàu). Nhờ sự giúp đỡ từ thầy trưởng khoa lúc đó là PGS. TS Nguyễn Văn Thông, anh nhận được Quỹ nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên từ trường. “Đó là bước ngoặt lớn định hướng tôi theo đuổi con đường nghiên cứu sau này”, anh nói.

Năm 2017, anh Tuân nhận được học bổng tiến sĩ về vật liệu sinh học cho tái tạo dây chằng chéo trước của đầu gối, dưới sự hướng dẫn của GS Veronique Migonney thuộc Đại học Sorbonne Paris Nord. Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ dự án LIGA2BIO từ chương trình đầu tư tương lai (PIA) từ BPIfrance, liên kết với các công ty về công nghệ sinh học. Tốt nghiệp, TS Tuân làm việc cho bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty công nghệ sinh học về cấy ghép CERAVER rồi làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Ecole Normale Superieur theo hướng nghiên cứu về vật liệu sinh học và tế bào.

Hiện anh phối hợp với nhóm nghiên cứu từ các trường Đại học Công nghệ Compiègne (Pháp) và Đại học Saarland (Đức) trong phát triển chuyển gene và gene hướng dẫn bằng giàn giáo cho tái tạo mô xương, sụn và dây chằng.

“Chúng tôi hướng đến giải quyết các hạn chế của vật liệu sinh học cho tái tạo các mô cơ quan khó hoặc không thể phục hồi và đào tạo nhân lực khoa học về lĩnh vực này”, anh nói.

TS Tuân cho biết thêm, hiện Việt Nam có nhiều các nhóm nghiên cứu lớn và công ty công nghệ vật liệu sinh học tham gia lĩnh vực này. Song anh nhìn nhận cần có nhóm nghiên cứu đa ngành, như hóa học, cơ lý, sinh học và Y, phối hợp chặt chẽ giữa nhóm nghiên cứu và công ty sản xuất. “Tôi luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác và làm việc với nhóm nghiên cứu về lĩnh vực kỹ thuật mô tại Việt Nam”.

Như Quỳnh

Truy xuất nguồn gốc: Công cụ kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất mà toàn cầu phải đối mặt trong hiện tại và tương lai. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), tất cả 197 quốc gia tham gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow với cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào 2050. Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, tuy nhiên, hoạt động này đã và đang được triển khai mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm chung từ hệ thống các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Kiểm kê khí nhà kính

Sau cam kết của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (Nghị định số 06) ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô-dôn. Tiếp theo đó, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg (Quyết định số 01) ngày 18/01/2022 ban hành danh mục 1912 cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê. Hiện tại, các doanh nghiệp đang rất cần những hỗ trợ từ phía các chuyên gia, các công cụ tính toán, các giải pháp công nghệ để thực hiện được lộ trình kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK.

Theo Quyết định số 01, các đơn vị phải thực hiện kiểm kê KNK có mức phát thải KNK từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: Nhà máy nhiệt điện và cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng phát thải KNK hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (1.000 TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Lộ trình thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của 1912 cơ sở theo Quyết định số 01.

Như vậy, hiện nay các cơ sở đang trong giai đoạn 2, kiểm kê và xây dựng báo cáo cấp cơ sở, giai đoạn rất cần nhận được những tư vấn từ các chuyên gia, các công cụ tính toán và biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK. Mặt khác, các nước phát triển liên tục ra các luật định mới về xanh hóa, phát triển bền vững… Liên minh châu Âu (EU) siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đưa ra cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Về bản chất, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải KNK trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Lộ trình và các yêu cầu quan trọng của CBAM: 01/10/2023: bắt đầu báo cáo (theo dõi kỹ lưỡng hàng quý đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện CBAM, bao gồm chi tiết sản xuất và dữ liệu phát thải); 31/01/2024: nộp báo cáo đầu tiên (bao gồm hàng hóa nhập khẩu quý 4 năm 2023; rà soát và hoàn thiện báo cáo của đến hết ngày 31/07); giai đoạn chuyển tiếp 2023-2025: cho phép hình thức báo cáo đơn giản bằng cách sử dụng các giá trị mặc định nếu dữ liệu từ nhà cung cấp chính vẫn không có sẵn. Từ năm 2026 trở đi, bắt đầu giai đoạn tài chính. Việc mua chứng chỉ CBAM trở nên bắt buộc để bù đắp lượng khí thải của sản phẩm nhập khẩu. Đơn vị nào không tuân thủ sẽ bị phạt nghiêm khắc.

Phạm vi sản phẩm áp dụng chứng chỉ CBAM.

Việc EU đưa vào thực hiện cơ chế CBAM sẽ là một trong những hàng rào kỹ thuật cho các ngành công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới. Khi đó, sẽ có nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng và không đáp ứng đủ điều kiện. Trong đó, các sản phẩm sắt, thép, nhôm sẽ bị tác động đến tỷ trọng và giá trị xuất khẩu. Thời gian còn lại cho các sản phẩm này chưa đến 2 năm trước khi CBAM chính thức áp dụng (01/01/2026) để thực hiện “chuyển đổi xanh” hoặc sẽ phải chịu một mức thuế carbon theo quy định của CBAM khi xuất khẩu vào EU.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm

TXNG là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh trên nguyên tắc:

Một bước trước – một bước sau: Bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa.

Sẵn có của phần tử dữ liệu chính: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

Minh bạch: Hệ thống TXNG phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.

Sự tham gia đầy đủ các bên TXNG: Hệ thống TXNG phải có sự tham gia đầy đủ của các bên TXNG của tổ chức.

Tại Việt Nam, TXNG là một hoạt động khá mới, tuy nhiên, song đã và đang được triển khai mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm chung từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Để thống nhất, tiêu chuẩn hóa các hệ thống, nền tảng TXNG đang triển khai trên thị trường, ngày 28/03/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN về quy định quản lý TXNG sản phẩm hàng hóa. Trong đó quy định dữ liệu TXNG của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau: tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện TXNG của từng công đoạn); thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện TXNG diễn ra); mã TXNG sản phẩm, hàng hóa; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.

Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng sẽ sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm bảo đảm phù hợp với TCVN 13274:2020 TXNG (hướng dẫn định dạng các mã dùng trong truy vết) và phải sử dụng vật mang dữ liệu bảo đảm phù hợp theo TCVN 13275:2020 TXNG (định dạng vật mang dữ liệu).

Hệ thống TXNG sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc tích hợp kiểm kê khí nhà kính

Kiểm kê KNK là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải KNK, tính toán lượng phát thải và hấp thụ KNK trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Phạm vi kiểm kê khí nhà kính.

Kiểm kê KNK và quá trình TXNG đều phải thực hiện quá trình xem xét, đánh giá, thu thập dữ liệu tại từng công đoạn sản xuất trong suốt quá trình tạo ra sản phẩm. Các quá trình thực hiện kiểm kê và truy xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để đảm bảo tính đồng nhất, minh bạch. Do đó, hoàn toàn có thể kết hợp hai hệ thống bằng cách tích hợp hệ số phát thải và công thức tính toán phát thải trong kiểm kê KNK vào hệ thống TXNG. Điều này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chính xác qua đó giúp nâng cao khả năng kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK.

Một ví dụ điển hình mà Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã hỗ trợ việc kiểm kê KNK là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Được thành lập năm 1991, sau hơn 30 năm hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, Vĩnh Hiệp đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu mặt hàng nông sản, thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Nguồn nguyên liệu cà phê được chọn lọc từ hơn 10.000 hộ nông dân, với phương thức canh tác trồng trọt đạt tiêu chuẩn 4C, Rainforest Alliance. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sở hữu nông trại cà phê hữu cơ đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.  Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã hợp tác với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xây dựng và triển khai hệ thống TXNG điện tử sản phẩm cà phê tích hợp tính toán phát thải KNK cho doanh nghiệp. Hệ thống này giúp xác định: nguồn gốc nguyên liệu (xác định nguồn gốc của nguyên vật liệu và các nhà cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…); quá trình sản xuất (các khâu chăm sóc, chế biến tạo ra các sản phẩm hạt cà phê được hệ thống truy xuất lưu trữ như chế độ tưới, làm cành, thu hoạch, vận chuyển, sấy); kiểm soát chất lượng (các thông tin chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm như độ ẩm hạt…);  tính toán được lượng CO2 phát thải cho 1 kg sản phẩm và tổng lượng phát thải trong phạm vi sản xuất).

Kết quả cho thấy, giải pháp tích hợp kiểm kê KNK vào hệ thống TXNG giúp doanh nghiệp cùng lúc giải quyết hai vấn đề về minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm soát lượng phát thải KNK vào khí quyển. Đặc biệt, kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi mà các nước phát triển trên thế giới yêu cầu ngày càng cao về nguồn gốc sản phẩm và sản phẩm “xanh”.

Trong tương lai, doanh nghiệp có thể tích hợp kiểm kê KNK, TXNG cùng với các giải pháp chuyển đổi số để đưa ra được bộ số liệu, biểu đồ phân tích về phát thải KNK trong từng công đoạn, dự đoán được xu hướng và đưa ra các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK cho quá trình tạo ra sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và hội nhập.

Nguyễn Ngọc Thụy, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đắc Minh, Bùi Bá Chính

Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia

Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ

Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học trong nước theo chuẩn quốc tế

Ngày 15/07/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Tọa đàm “Xây dựng tạp chí khoa học đạt chuẩn Scopus/ACI”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, qua nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước châu Á cho thấy, nhiều tạp chí của các nước ở khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore được đưa vào danh mục WoS (Web of Science)/Scopus. Đáng chú ý, Hàn Quốc có trên 300 tạp chí trong danh mục Scopus (cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học).

Hiện nay, có 32 tạp chí khoa học trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT quản lý (không tính các trường thành viên của đại học vùng). Thời gian qua, Bộ đã hỗ trợ 18 tạp chí để xây dựng kế hoạch đạt chuẩn trong Hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (ACI – Asean Citation Index). Hiện có 2 tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đạt chuẩn Scopus gồm: Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) và Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Trường Đại học Kinh tế quốc dân).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT hy vọng, Tọa đàm là nơi trao đổi kinh nghiệm giữa các tạp chí khoa học đã đạt chuẩn Scopus, ACI, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng của các tạp chí khoa học đạt chuẩn Scopus/ACI.

Các tạp chí khoa học Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức

GS.TS Lê Quốc Hội – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển chia sẻ tại Tọa đàm.

Chia sẻ tại Tọa đàm, GS.TS Lê Quốc Hội – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, tính đến năm 2024 Việt Nam có khoảng 800 tạp chí khoa học. Trong đó chỉ 12 tạp chí được vào hệ thống WoS và Scopus. Tính đến thời điểm hiện tại, ở cấp độ khu vực, trong số 705 tạp chí khoa học được chỉ mục trong hệ thống ACI, Việt Nam mới chỉ có 37 tạp chí. Quá trình gia nhập quốc tế của các tạp chí khoa học Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Văn Thuật – Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, Có thể nói giữa nhu cầu công bố và khả năng đáp ứng của tạp chí trong nước đang bị mất cân bằng nghiêm trọng. Số lượng tạp chí của Việt Nam thuộc Scopus ít hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Tính đến tháng 06/2024, Việt Nam hiện mới chỉ có hơn 10 tạp chí thuộc WoS/Scopus, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (như Indonesia, Singapore, Malaysia…). Trong khi đó, tổng số các bài báo khoa học của Việt Nam đăng tải trên các tạp chí khoa học khoảng 40.000 bài/năm, nhưng có khoảng trên 19.000 bài của Việt Nam gửi đăng các tạp chí WoS /Scopus của nước khác. Số lượng bài đăng này của Việt Nam tương đương trên 71% số bài báo Scopus của Thái Lan, 42% của Malaysia và 33% của Indonesia… Nhưng ngược lại, có rất ít bài báo từ nước ngoài gửi đến các tạp chí khoa học của Việt Nam. Từ đó, PGS.TS Đinh Văn Thuật cho rằng có sự bất cập khi số lượng công bố quốc tế khá nhiều nhưng số lượng tạp chí khoa học đạt chuẩn quốc tế lại quá ít.

Kinh nghiệm từ các tạp chí Scopus

Tại Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – Tổng biên tập Tạp chí Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (Journal of Asian Business and Economic Studies – JABES) của Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận “Kinh nghiệm gia nhập WoS/Scopus: Tình huống Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á”.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á trình bày kinh nghiệm tại Tọa đàm.

Theo đó, JABES tiền thân là Tạp chí Phát triển Kinh tế, là tạp chí khoa học về lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, bao gồm hai phiên bản đều tuân theo thông lệ chung các tạp chí quốc tế: Phiên bản tiếng Việt (JABES-V) và Phiên bản tiếng Anh (JABES-E). Ngày 06/03/2022, sau quá trình nỗ lực bền bỉ, lâu dài, cùng quy trình đăng ký, thẩm định, đánh giá và xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt, JABES chính thức ghi tên vào danh mục Scopus.

Năm 2023, SCImago và cơ sở dữ liệu Scopus đã thống kê xếp hạng các tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục Scopus và JABES được đánh giá thuộc nhóm Q1. Kết quả này một lần nữa khẳng định uy tín học thuật của JABES-E đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Dựa vào tình huống cụ thể của JABES, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ 6 bước quan trọng cần chuẩn bị để được chỉ mục chính thức vào WoS và Scopus.

Đầu tiên, ưu tiên đầu tư phiên bản tiếng Anh, tạp chí hoàn thiện theo thông lệ quốc tế và có bề dày lịch sử ít nhất 10 năm khi đã có uy tín học thuật trong nước. Tiếp đó, tên của tạp chí phải mang tính quốc tế chứ không mang tính tổ chức cụ thể hay quốc gia cụ thể và đảm bảo không trùng với bất kỳ tên tạp chí nào khác.

Tạp chí phải đạt các tiêu chuẩn cốt lõi của WoS và Scopus, đồng thời phải gắn với nền tảng trực tuyến của một nhà xuất bản quốc tế.

Ngoài ra, chất lượng bài viết và độ nhận diện từng bước được nâng lên để đáp ứng các tiêu chí về số lượng và chất lượng. Cuối cùng, cần phân tích hiện trạng tạp chí với các tiêu chí WoS và Scopus đảm bảo vượt ngưỡng yêu cầu và làm hồ sơ đề nghị xét duyệt.

Theo PGS.TS Đinh Văn Thuật, Việt Nam cần có nhiều tạp chí Scopus/WoS để đăng các bài báo trong nước và nước ngoài. Muốn vậy, cần có sự đầu tư mạnh ban đầu về con người chuyên trách, cơ sở vật chất. Đặc biệt là tài chính để duy trì các hoạt động bao gồm cả dịch vụ sử dụng hệ thống biên tập, xuất bản quốc tế mà một số tổ chức quốc tế đang độc quyền trong nhiều năm nay. Hoạt động của tạp chí khoa học trong nước hiện nay không thể có đủ nguồn thu cho các chi phí cần thiết.

GS.TS Lê Quốc Hội cho rằng, việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học để gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế đã trở thành yêu cầu bức thiết hiện nay. Để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam, cũng như ngày càng có nhiều tạp chí vào danh mục WoS, Scopus và ACI, đã đến lúc các nhà quản lý các tạp chí khoa học của Việt Nam cần làm việc nghiêm túc và xác định đúng lộ trình, bước đi và giải pháp cụ thể theo các tiêu chí hệ thống bình duyệt quốc tế. Đây là việc làm cần nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng khoa học để Việt Nam sớm có nhiều tạp chí đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, việc phát triển các tạp chí khoa học trong nước hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng. Để sau này, các nhà khoa học có thể đăng bài trên các tạp chí khoa học trong nước nhưng mang chất lượng và chuẩn mực của quốc tế. Theo Thứ trưởng, những công việc trên không thể chậm trễ bởi các tạp chí trong nước hoàn toàn có tiềm năng và khả năng thực hiện. Cách đây hơn 10 năm chúng ta chưa tự tin trong việc công bố bài báo quốc tế nhưng bây giờ chúng ta đã tự tin. Tương tự, các tạp chí khoa học bây giờ có thể tự tin vào các danh mục tạp chí quốc tế uy tín.

PT