Những thách thức trong phát triển Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Việt Nam hy vọng sẽ xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo uy tín trong khu vực và trở thành một điểm sáng về trí tuệ nhân tạo trên thế giới.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ chủ chốt trong thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số Việt Nam trong năm 2024.
Cùng với đó là blockchain (chuỗi khối), bigdata (dữ liệu lớn) và IoT (Internet vạn vật).Việt Nam đã sớm nhận thức tầm quan trọng của việc tìm kiếm và đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành, lĩnh vực.
Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Chiến lược này kết hợp cùng Luật Công nghệ cao 2008 đã trở thành khung pháp lý giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần được nghiên cứu và triển khai trên cơ sở có đầy đủ các quy định và chính sách cụ thể liên quan đến phát triển nguồn nhân lực cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong các hoạt động phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Từ nguồn nhân lực thiếu…
Trong những năm gần đây, nhiều mô hình về trí tuệ nhân tạo do Việt Nam phát triển như PhoGPT, VinBrain, LovinBot hay FPT AIMentor…
Ông Đặng Hữu Sơn, đồng sáng lập LovinBot trí tuệ nhân tạo, Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID) cho biết: “Riêng tại Việt Nam, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh dự kiến sẽ đóng góp cho nền kinh tế số tới 14.000 tỉ đồng vào năm 2030.”
Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trí tuệ nhân tạo không chỉ là công cụ hữu ích mà còn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh và tồn tại của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo, cần đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề nguồn nhân lực và việc phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay, nhân lực làm việc được trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo còn rất thiếu.
Mỗi năm, nguồn nhân lực này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng, trong khi chỉ có khoảng 30% trong số 55.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường hàng năm có thể làm việc liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh việc thiếu hụt nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức khác như thiếu cơ hội tiếp cận với các chuyên gia và cố vấn hàng đầu về trí tuệ nhân tạo để đánh giá và thẩm định sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường; thiếu cơ hội tiếp cận các cơ sở hạ tầng, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho doanh nghiệp…
Trong bối cảnh đó, nhiều cơ sở giáo dục, trường đại học đã có những bước đi tiên phong nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai trí tuệ nhân tạo.
Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân chia sẻ, Đại học Quốc gia Thành phố được định hướng để phát triển thành một đại học hàng đầu khu vực, trong đó công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo là ba mũi nhọn.
Tính riêng tổng quy mô các khối ngành đào tạo liên quan đến trí tuệ nhân tạo, Đại học Quốc gia có khoảng 6.000 sinh viên đại học, 1.000 học viên cao học, 300 thầy, cô giáo. Đại học Quốc gia Thành phố mong muốn được đóng góp nguồn nhân lực cao cấp lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cho đất nước.
… đến hoàn thiện chính sách AI có trách nhiệm
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Mục tiêu của Chiến lược này là đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Giáo viên tại Ninh Thuận sử dụng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã đề ra 5 nhóm định hướng chiến lược gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trí tuệ nhân tạo; xây dựng hạ tầng dữ liệu, tính toán để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển môi trường hỗ trợ cho trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực khác nhau; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Với những nỗ lực này, Việt Nam hy vọng sẽ xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo uy tín trong khu vực và trở thành một điểm sáng về trí tuệ nhân tạo trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Chiến lược, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đóng góp của nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo được xã hội và thế giới ghi nhận.
Nhiều sản phẩm dựa trên trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong cuộc sống. Một số tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho trí tuệ nhân tạo và từng bước cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Mới đây, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm.
Ngoài ra, cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động nghiên cứu, thiết kế, phát triển, cung cấp các hệ thống trí tuệ nhân tạo được khuyến khích áp dụng các nội dung trong tài liệu hướng dẫn.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với xu thế chung trên thế giới, các hệ thống trí tuệ nhân tạo được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho con người, xã hội và nền kinh tế Việt Nam thông qua việc hỗ trợ, giải quyết các vấn đề khó khăn mà con người, cộng đồng đang phải đối mặt.
Song song với quá trình đó, cần nghiên cứu, có biện pháp giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo và cân đối các yếu tố kinh tế, đạo đức và pháp lý liên quan.
Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn để định hướng kể cả đó là các quy định mềm và không có tính ràng buộc.
Hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ 9 nguyên tắc trong nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Đó là tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tính minh bạch; khả năng kiểm soát; nguyên tắc an toàn; nguyên tắc bảo mật; quyền riêng tư; tôn trọng quyền và phẩm giá con người; hỗ trợ người dùng; trách nhiệm giải trình.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo đang là vấn đề nghị sự toàn cầu, thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên toàn thế giới.
Đây không đơn thuần là vấn đề học thuật, cũng không đơn thuần là vấn đề pháp lý, mà liên quan đến sự phát triển của con người, của quốc gia và nhân loại. Đạo đức và trách nhiệm trong trí tuệ nhân tạo nằm ở tất cả các khâu, từ xây dựng thuật toán, thu thập dữ liệu, đến công cụ huấn luyện, và ứng dụng. Vì vậy, vấn đề này phải được quan tâm ngay từ khâu xây dựng hệ thống, liên quan đến nhiều bộ, ngành.
Nêu quan điểm về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trí tuệ nhân tạo hoàn toàn khác so với những công nghệ trước đó. Khả năng thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của người máy cũng là thách thức đối với các nhà lập pháp trong bối cảnh mới.
Cũng theo Tiến sỹ Đỗ Giang Nam, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc xây dựng trí tuệ nhân tạo cần tuân thủ nguyên tắc chung và nguyên tắc điều chỉnh cho từng lĩnh vực cụ thể.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận “mềm hóa” đề cao các giá trị đạo đức, độ tin cậy và trách nhiệm là chìa khóa để phát triển trí tuệ nhân tạo một cách bền vững.
“Niềm tin là nền tảng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Để đạt được điều này, cần có những công cụ đủ mạnh để đảm bảo trí tuệ nhân tạo được sử dụng một cách có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào các trụ cột lõi bao gồm tính hợp pháp, đạo đức và bền vững công nghệ, cách tiếp cận “vị nhân sinh” lấy con người làm trung tâm, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động phát triển trí tuệ nhân tạo,” Tiến sỹ Đỗ Giang Nam cho biết thêm.
Trong bối cảnh hiện nay, trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và dự đoán xu hướng mà còn tạo ra những ứng dụng hữu ích trong tương lai ở các lĩnh vực tự động hóa quá trình sản xuất đến hỗ trợ y tế, giao thông thông minh và nhiều lĩnh vực khác.
Trong triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trí tuệ nhân tạo đã và đang được Chính phủ coi là một trong những công cụ hữu hiệu tạo ra những đột phá quan trọng trong tương lai./.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Pin dẻo có thể kéo giãn 5.000%

Các nhà khoa học Trung Quốc chế tạo pin dẻo với dung lượng ổn định, có tiềm năng sử dụng cho những thiết bị điện tử linh hoạt.

Pin lithium-ion mới chứa các thành phần co giãn được. Ảnh: ACS Energy Letters

Pin lithium-ion mới chứa các thành phần co giãn được. Ảnh: ACS Energy Letters

Nhóm nghiên cứu do giáo sư Wen-Yong Lai tại Đại học Bưu chính Viễn thông Nam Kinh dẫn dắt phát triển pin lithium-ion với khả năng kéo giãn tới 5.000%, Interesting Engineering hôm 17/7 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí ACS.

Pin thường là những khối cứng khó đâm thủng và uốn cong. Tuy nhiên, khi thế giới xuất hiện nhiều thiết bị linh hoạt hơn như điện thoại cuộn, màn hình cuộn và máy theo dõi sức khỏe đeo trên người, loại pin cung cấp năng lượng cho chúng cũng cần cải tiến.

Một số nỗ lực chế tạo pin dẻo trước đây đã ứng dụng vải dẫn điện và nghệ thuật gấp giấy origami, trong đó các thành phần cứng được gấp thành những hình dạng khác nhau và có thể kéo giãn trong giới hạn nhất định. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Wen-Yong Lai muốn chế tạo một loại pin mềm dẻo mà mọi thành phần đều đàn hồi, khiến pin trở nên thực sự dễ uốn, có thể ép thành bất cứ hình dạng nào mà không vỡ.

Đầu tiên, họ rải một lớp màng mỏng keo dẫn điện chứa dây nano bạc, muội than, các vật liệu cực anode và cathode gốc lithium lên một tấm phẳng. Sau đó, họ phủ một lớp polydimethylsiloxane, vật liệu có độ dẻo cao dùng làm kính áp tròng, lên lớp keo dẫn điện.

Nhóm nghiên cứu tiếp tục thêm một chất lỏng dẫn điện tốt, muối lithium và mọi nguyên vật liệu cần thiết để tạo ra một loại polymer với khả năng kéo giãn đáng kể. Sau đó, lớp này được kích hoạt bằng ánh sáng, trở thành chất rắn không chỉ vận chuyển được các ion lithium mà còn có thể kéo giãn. Trên cùng, nhóm chuyên gia đặt thêm một lớp màng điện cực nữa rồi bọc toàn bộ thiết bị trong vỏ bảo vệ.

Kết quả, loại pin dẻo mới có khả năng kéo giãn tới 5.000% chiều dài ban đầu. Các nhà khoa học cũng tăng dung lượng sạc trung bình của pin lên gấp 6 lần so với mức trung bình khi sử dụng chất điện phân dạng lỏng. Pin vẫn giữ được dung lượng tốt sau 70 chu kỳ sạc – xả.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận loại pin mới vẫn chưa hoàn hảo và cần thêm nhiều cải tiến. Tuy nhiên, thành công của nguyên mẫu pin giúp mở đường cho việc ứng dụng pin dẻo cho các thiết bị điện tử.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)

Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia hướng mục tiêu Net Zero

Các nghiên cứu cấp quốc gia phục vụ mục tiêu Net Zero sẽ khuyến khích công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn nhằm tối ưu quy trình sản xuất hướng tăng trưởng xanh, chuyển dịch năng lượng sạch hay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông tin được nêu tại hội thảo xin ý kiến về khung Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050”, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 18/7.

PGS.TS Đỗ Văn Mạnh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, chủ nhiệm chương trình, cho biết các nghiên cứu hướng mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp kỹ thuật, mô hình công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi carbon, chuyển đổi, cải thiện công nghệ. Việc tuyển chọn công trình khoa học cũng hướng ứng dụng và phát triển giải pháp công nghệ tiên tiến giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong ngành, lĩnh vực như giao thông bền vững, nông lâm nghiệp thông minh hay quản lý, tái chế chất thải, các công nghệ lưu giữ, sử dụng và thu hồi carbon từ khí thải công nghiệp, qua đó tính toán phát thải, dự báo biến đổi khí hậu.

Theo PGS Mạnh, sản phẩm nghiên cứu là công nghệ thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ phát thải carbon thấp và xu hướng thân thiện môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó 80% công nghệ, giải pháp quản lý cần đóng góp giảm thiểu ít nhất 30% lượng khí nhà kính so với mức phát thải cơ sở trong lĩnh vực, hoặc đạt chất lượng tương đương các nước khu vực, thế giới.

Theo Ban chủ nhiệm, 6 nội dung được xây dựng khung chương trình, trong đó hướng nghiên cứu nâng cao hiệu quả cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững, hướng mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Định hướng nghiên cứu tập trung trong giải mã, triển khai ứng dụng phát triển công nghệ lưu trữ và quản lý năng lượng mới, giải pháp công nghệ thông minh trong ngành kỹ thuật, giao thông vận tải, hay chuyển giao mô hình công nghệ phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững. Việc ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất, sử dụng công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo (AI) dữ liệu lớn nhằm tối ưu hóa quy trình cũng như công nghệ môi trường, xử lý khí thải ngành công nghiệp… cũng là nhóm nội dung chú trọng phục vụ hạn chế phát thải, dự báo, kiểm kê khí nhà kính.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái điều hành hội thảo. Ảnh: TTTT

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái điều hành hội thảo. Ảnh: TTTT

PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng cần cơ chế cụ thể trong cách tính tín chỉ carbon, như phương pháp tính với thị trường carbon trong nước và quốc tế. Hay như lĩnh vực thủy sản hiện nay kết quả phát thải chưa được tính trong kiểm kê khí nhà kính, cần lưu tâm đến lĩnh vực này thế nào. Cần có phương pháp đánh giá tiêu chí và phương pháp để lựa chọn ra mô hình công nghệ ưu tiên hay nghiên cứu đánh giá về giá thành phát thải.

Ông Trịnh đề xuất với cứu ứng dụng kỹ thuật hướng canh tác nông nghiệp bền vững, tuần hoàn cần bổ sung nghiên cứu giống phát thải thấp như giống lúa phát thải thấp, hay tìm loại vi sinh vật có lợi cải thiện chất lượng đất, giảm sử dụng phân bón.

Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải Khuất Việt Hùng góp ý cần nghiên cứu giải pháp công nghệ quản lý nhằm giảm thiểu carbon trong quá trình sản xuất, bảo trì, sửa chữa tái chế phương tiện và nguồn năng lượng giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, thủy nội địa. Bên cạnh đó xây dựng giải pháp giảm thiểu carbon trong xây dựng, bảo trì sửa chữa trong công trình hạ tầng xây dựng, giao thông.

Về triển khai ứng dụng công nghệ thu hồi sử dụng và lưu trữ carbon, bên cạnh xử lý khí thải công nghiệp, ông Hùng kiến nghị thêm với ngành vận tải biển. Theo ông phát triển sản phẩm từ nguồn nhiên liệu mới, tái chế pin, công nghệ nhiên liệu xanh phù hợp trung hòa carbon là “rất phù hợp”. Nên có thiết kế thi công vật liệu mới giảm carbon so với vật liệu cũ, tái chế sử dụng vật liệu sau khi phá dỡ, bảo trì công trình xây dựng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sửa chữa, bảo trì với công trình giao thông.

Để đạt phát thải ròng bằng 0, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất 3 nhóm giải pháp: thể chế cơ chế chính sách phải rạch ròi, thường xuyên cập nhật bổ sung điều chỉnh; giải pháp khoa học công nghệ và đề xuất nội dung về nguồn nhân lực netzero.

Theo ông, cả ba nhóm giải pháp đều dựa cơ sở lý luận thực tiễn, dựa vào đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng 4.0 với công nghệ như AI, dữ liệu lớn và cần dự án thử nghiệm. “Nghiên cứu phát triển nguồn nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát thải ròng bằng 0, hay gọi là nguồn nhân lực netzero, sẽ là bà đỡ cho toàn bộ các giải pháp và nội dung chương trình”, GS Nhuận nói.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTTT

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTTT

Ghi nhận các góp ý, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đề nghị Ban chủ nhiệm thực hiện rà soát trùng lặp, làm rõ mục tiêu khi thực hiện nội dung chương trình, đồng thời kế thừa sản phẩm từ chương trình khác thành đầu vào.

Ông gợi ý cải thiện cơ chế, kết nối nhanh giữa ban chủ nhiệm với ý kiến từ chuyên gia, lập tổ chuyên gia tư vấn ở từng lĩnh vực, cơ quan quản lý nhằm lựa chọn khung chương trình có tính định hướng, toàn diện.

Như Quỳnh

TP HCM quy định mức trần mua sắm tài sản trong nghiên cứu

Chính quyền TP HCM quy định tối đa 1 tỷ đồng cho mua sắm tài sản khi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, nhằm tập trung nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu.

Nội dung được HĐND TP HCM thông qua tại kỳ họp 17, ngày 17/7 quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Theo tờ trình của UBND TP HCM, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ quyết định mua sắm tài sản có giá trị đến 1 tỷ đồng một nhiệm vụ do mình phê duyệt. Trường hợp nhiệm vụ có giá trị tài sản trên 1 tỷ đồng phải có ý kiến của UBND TP HCM trước khi quyết định.

Với nhiệm vụ từ kinh phí của Trung ương giao thành phố quản lý, thủ trưởng đơn vị dự toán ngân sách được UBND TP HCM giao quản lý, sử dụng kinh phí nhiệm vụ quyết định mua sắm tài sản của nhiệm vụ.

Với các nhiệm vụ khoa học công nghệ khác, thủ trưởng các đơn vị dự toán ngân sách các cấp quyết định mua sắm tài sản có giá trị đến 1 tỷ đồng một nhiệm vụ do mình phê duyệt, trong phạm vi dự toán được giao. Trường hợp mua sắm tài sản trên 1 tỷ đồng, sẽ thực hiện lập dự án mua sắm tài sản theo quy định về thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công với dự án không có cấu phần xây dựng.

Nghiên cứu khoa học tại Viện tế bào gốc, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, năm 2023. Ảnh: Hà An

Nghiên cứu khoa học tại Viện tế bào gốc, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, năm 2023. Ảnh: Hà An

Theo UBND TP HCM việc đưa ra hạn mức mua sắm tài sản của nhiệm vụ khoa học công nghệ do hiện nay ngân sách nhà nước nói chung và chi tiêu cho khoa học công nghệ ngày càng hạn hẹp. Chính quyền thành phố cho rằng, ngân sách chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm nên tập trung chủ yếu cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Việc quy định mức trần mua sắm tài sản của các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm hạn chế các đề xuất nhiệm vụ nhưng bản chất chủ yếu để đầu tư trang thiết bị. Mua sắm trong nhiệm vụ theo chính quyền TP HCM nếu có phát sinh cũng chỉ trang bị thêm một số tài sản giá trị nhỏ, cần thiết phục vụ nghiên cứu.

Thực tế thời gian qua, các nhiệm vụ khoa học công nghệ của TP HCM không bố trí kinh phí mua sắm tài sản thực hiện nghiên cứu. Cơ quan chủ trì yêu cầu các đơn vị nghiên cứu phải có tài sản cơ bản phục vụ cho hoạt động đơn vị.

Thống kê từ 2018 đến nay, trung bình mỗi năm Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM phê duyệt 65 nhiệm vụ, trong đó có 70% nhiệm vụ khoa học công nghệ, còn lại thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Các nhiệm vụ khoa học công nghệ có hơn 70% là mua sắm hàng hóa, dịch vụ, chưa phát sinh mua sắm tài sản. TP HCM đang triển khai đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Hiện có 9 trong số 10 hồ sơ đề án có nội dung mua sắm phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ. Song, trong đề án này, chính quyền thành phố chủ trương đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại cho trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế, phục vụ nghiên cứu khoa học.

Hà An

Vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất trong lịch sử

Vụ nổ Minor Scale năm 1985 diễn ra khi Mỹ kích nổ gần 5.000 tấn ammonium nitrate để mô phỏng hiệu ứng của một vụ nổ bom hạt nhân.

Quả cầu lửa trong vụ nổ Minor Scale. Ảnh: Amusing Planet

Quả cầu lửa trong vụ nổ Minor Scale. Ảnh: Amusing Planet

Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân một phần năm 1963 giữa 3 siêu cường quốc hạt nhân trên thế giới là Mỹ, Liên Xô và Anh khiến tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong không trung bất khả thi. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển sang dùng chất nổ thông thường với số lượng khổng lồ để mô phỏng tác động của bom hạt nhân nhưng chúng đều không đáng tin cậy. Năm 1966, L. D. Sadwin và J. Petes, hai nhà khoa học ở Trung tâm vũ khí hải quân, đề xuất sử dụng hỗn hợp ammonium nitrate/dầu nhiên liệu (ANFO), một chất nổ từng được dùng trong ngành công nghiệp khai thác mỏ suốt nhiều năm, theo Amusing Planet.

ANFO cực kỳ trơ với va chạm và không thể kích hoạt bằng kíp nổ chứa lượng nhỏ thuốc nổ sơ cấp. Thay vào đó, nó đòi hỏi lượng lớn thuốc nổ thứ cấp, gọi là thuốc nổ mồi. ANFO cũng tiết kiệm chi phí. Thành phần cơ bản của nó là ammonium nitrate là một loại phân bón thương mại phổ biến được sản xuất với số lượng hàng triệu kilogram mỗi ngày. Nguyên liệu khác là dầu nhiên liệu số hai, một sản phẩm chưng cất dầu thô thường dùng trong lò sưởi. Trộn lẫn hai loại giúp tạo ra một hỗn hợp cực kỳ ổn định và kém nhạy, do đó có thể xử lý an toàn.

Mô phỏng vụ nổ mạnh đầu tiên bằng ANFO diễn ra năm 1976 trong thử nghiệm Dice Throw. Thử nghiệm bao gồm vài giai đoạn, trong đó lượng kích nổ tăng dần từ 0,5 kg đến 500 tấn. Trong 12 năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành vài thử nghiệm nổ mạnh có tên Misty Castle Series. Thử nghiệm đầu tiên trong chuỗi Misty Castle gọi là Mill Race, tiến hành1981, cách nơi thử bom Trinity ở Bãi thử nghiệm tên lửa White Sands chỉ 5,6 km về phía nam. Để tạo ra hiệu ứng nổ như mong muốn, khoảng 24.000 túi, mỗi túi chứa 23 kg ANFO, được xếp theo hình trụ cao gần 11,6 m, đường kính 9,1 m. Kích nổ khối này tạo ra lực tác động tương đương 500 tấn thuốc nổ TNT, giúp mô phỏng vụ nổ quả bom nguyên tử một kiloton.

Thử nghiệm mạnh nhất trong chuỗi Misty Castle tên Minor Scale diễn ra ngày 27/6/1985. Một hình bán cầu làm từ sợi thủy tinh rộng 26,8 m được xây dựng, chứa 4.744 tấn ANFO. Do cần khối lượng ANFO khổng lồ, đội dự án phải xây dựng một nhà máy trộn dầu diesel vào ammonium nitrate gần bãi thử. Dầu nhiên liệu được chuyển tới nhà máy trộn bằng xe tải và thành phẩm được xe tải đưa tới vòm chứa ở Ground Zero. Ngay cả với nhà máy trộn, cả đội chỉ có thể làm việc với 100 tấn ammonium nitrate và 100 tấn dầu nhiên liệu diesel một lúc.

Kích nổ 4.744 tấn ANFO tạo ra vụ nổ tương đương 4 kiloton TNT. Sóng hơi do vụ nổ sánh ngang vũ khí hạt nhân 8 kiloton. Để so sánh, tương đương lượng nổ của quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima trong Thế chiến II là 16 kiloton. Dù vậy, Minor Scale vẫn là vụ nổ phi hạt nhân nhân tạo lớn nhất trong lịch sử.

An Khang (Theo Amusing Planet)

Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý và truyền dẫn dữ liệu tốc độ cao

Việt Nam có nhiều tiềm năng ứng dụng của công nghệ truyền thông quang trong không gian tự do (FSO) trong lĩnh vực viễn thám và viễn thông nên việc tiến hành nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm nhằm tiếp cận lĩnh vực công nghệ này tại Việt Nam là cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn đó, PGS.TS. Đặng Hoài Bắc và nhóm nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý và truyền dẫn dữ liệu tốc độ cao ứng dụng kỹ thuật truyền thông quang vô tuyến cho các hệ thống thông tin vệ tinh”.
Ảnh minh họa.
Các mục tiêu chính của Đề tài nhằm: Tiếp cận công nghệ phát thu và xử lý tín hiệu trong các hệ thống thông tin vệ tinh sử dụng công nghệ FSO tiến tới chế tạo thiết bị và triển khai ứng dụng; Đánh giá hiệu năng và đề xuất cải thiện hiệu năng truyền dẫn thông tin của các hệ thống vệ tinh sử dụng công nghệ truyền thông quang vô tuyến FSO; Xây dựng mô hình mô phỏng ứng dụng công nghệ FSO trong truyền dẫn và xử lý ảnh/video độ phân giải cao từ vệ tinh và thiết bị bay không người lái; Ứng dụng thử nghiệm hệ thống FSO vào lĩnh vực viễn thám, bao gồm truyền dẫn ảnh/video độ phân giải cao qua hệ thống FSO kết nối với hệ thống tự động đánh giá và cảnh báo thiên tai, cung cấp thông tin phục vụ nông nghiệp; tối ưu hóa các luồng giao thông.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau: Chế tạo thành công 01 bộ phát thu và xử lý tín hiệu sử dụng công nghệ truyền thông quang vô tuyến FSO đảm bảo tốc độ truyền dẫn thông tin; Phần mềm mô phỏng các hệ thống FSO trong thông tin vệ tinh gồm các mô-đun phát/thu và truyền dẫn; mô-đun xử lý tín hiệu và đánh giá chất lượng thông tin vệ tinh; Báo cáo khoa học về công nghệ chế tạo các bộ thu, phát và xử lý tín hiệu trong các hệ thống thông tin vệ tinh sử dụng công nghệ FSO và các ứng dụng của hệ thống, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin viễn thám; Báo cáo kết quả ứng dụng thử nghiệm hệ thống FSO trong viễn thám kèm theo các công cụ minh họa cung cấp các thông tin đánh giá tình hình hạn hán, lũ lụt tại một số vùng miền của Việt Nam và các thông tin đánh giá lưu lượng nhằm hỗ trợ phân luồng giao thông.
Toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18305/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Tập đoàn Qorvo (Hoa Kỳ) hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Ngày 16/07/2024, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Qorvo (Qorvo), Hoa Kỳ và Tập đoàn Cadence, Hoa Kỳ (Cadence) tổ chức Lễ khai giảng Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch và Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa NIC và Qorvo. Sự kiện này đánh dấu khởi đầu cho chương trình đào tạo quan trọng nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn – lĩnh vực đang thiếu hụt nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Theo thỏa thuận hợp tác, Qorvo cung cấp giảng viên, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và chương trình đào tạo của Tập đoàn, theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ; trong khi đó, Cadence hỗ trợ toàn bộ bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch phục vụ chương trình đào tạo. Các học viên tham gia học tập trung tại NIC cơ sở Hà Nội trong 3 tháng. Tham gia khóa học, học viên có cơ hội kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, được đào tạo bài bản về công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch Analog thông qua phần mềm tiêu chuẩn công nghiệp Cadence Virtuoso. Ngoài ra, khóa học giúp học viên nuôi dưỡng tư duy liên tục học hỏi sáng tạo và cập nhật các xu hướng của ngành thiết kế mạch Analog, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn trong nước và quốc tế. Các học viên hoàn thành khóa học sẽ được ưu tiên cơ hội thực tập, việc làm từ Qorvo và các doanh nghiệp đối tác hàng đầu của NIC trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Việc tuyển dụng này cũng phù hợp với xu thế mở rộng kinh doanh, tăng cường đầu tư tại Việt Nam của Qorvo cũng như các doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới trong thời gian qua.

Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động trẻ am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đặc biệt là cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, môi trường đầu tư thuận lợi. Chính vì vậy, việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng sẽ tạo ra động lực to lớn, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.

Sự hợp tác giữa NIC và Qorvo đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch cùng các hoạt động hợp tác khác được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và thiết kế vi mạch có tên tuổi trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới.

VVH

Khoa học – công nghệ – Nhân tố quan trọng giúp giảm thiệt hại thiên tai

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu nên việc tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN), đẩy mạnh chuyển đổi số (CÐS) trong công tác phòng, chống thiên tai là một trong những giải pháp được tỉnh Cà Mau quan tâm triển khai những năm gần đây, nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.

Vài năm trở lại đây, thiên tai diễn biến mỗi lúc càng trở nên bất thường, trái quy luật. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đắc lực của KHCN và CÐS góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là công tác dự báo, cảnh báo thiên tai từ sớm, từ xa và ngày một chính xác hơn. Nhờ đó, các ngành, đơn vị, địa phương có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp người dân hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.

Nhờ công nghệ mà công tác theo dõi tình trạng sạt lở bờ biển trở nên dễ dàng và kịp thời hơn. (Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp (bìa phải) trao đổi về thực trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh thông qua bản đồ được chụp từ vệ tinh, ảnh chụp ngày 12/1/2024).

“Khả năng hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện trong nửa cuối năm 2024, số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão, tức từ tháng 9 đến tháng 11 và có dấu hiệu tương tự mùa mưa bão năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện nhiều loại hình thiên tai như mưa lớn, ngập lụt, lốc xoáy, gió giật mạnh… Cần chủ động phòng chống” – để có được thông tin cảnh báo thời tiết đáng chú ý này từ rất sớm như hiện nay là một trong những thành quả của việc ứng dụng KHCN vào công tác phòng chống thiên tai (PCTT) thời gian qua.

Theo ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư 49 trạm khí tượng thuỷ văn, 2 trạm cảnh báo ngập lụt. Nhờ hệ thống quan trắc khí tượng thuỷ văn được quan tâm đầu tư ngày một tăng về số lượng và theo hướng đo tự động, cùng với CÐS đã giúp việc bám sát các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan khí tượng khu vực, quốc gia và tham khảo trang thông tin dự báo quốc tế dễ dàng hơn.

Theo đó, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai của tỉnh đạt độ tin cậy khá tốt, sát thực tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được tăng lên nhờ KHCN. Tuy nhiên, làm thế nào để truyền tải thông tin này đến với cơ sở, từng người dân, tránh bị động trong các tình huống thiên tai xảy ra càng trở nên quan trọng. Một lần nữa KHCN, CÐS lại được tận dụng và phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, cho biết, song song với việc tiếp tục duy trì thực hiện truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai qua các kênh truyền tải thông tin truyền thống (văn bản giấy, fax, truyền thanh, loa di động…) thì hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, viễn thám như truyền hình, điện thoại di động, email, Zalo, mạng xã hội… giữ vai trò  quan trọng để đảm bảo thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân đầy đủ, kịp thời.

Các thiết bị công nghệ được ứng dụng để kiểm soát quản lý tàu cá khai thác trên biển.

Riêng đối với tàu thuyền trên biển, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tiếp tục sử dụng các hệ thống thông tin, truyền tin, liên lạc qua các thiết bị vô tuyến điện, bộ đàm, liên lạc viễn thám. Ðồng thời, duy trì việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình để tăng cường kênh thông tin, liên lạc truyền tin, xử lý các tình huống kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền khi có bão, tìm kiếm người, tàu thuyền bị nạn trên biển một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất.

Ðiều này đã được minh chứng rõ hơn khi trong năm 2023, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phối hợp với lực lượng của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Cảnh sát biển, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh lân cận xử lý đối với các vụ việc thuyền viên bị mất tích, tai nạn trên biển. Thông qua các nền tảng công nghệ đã thông báo, phát 5.900 lượt thông tin thời tiết, cảnh báo hàng hải, bão, áp thấp nhiệt đới cho tàu cá trên biển, đồng thời thông báo, kêu gọi gần 13.442 tàu cá vào nơi trú ẩn an toàn. Ðặc biệt, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu sống được 83 người gặp nạn trên biển.

Trên đất liền, nhờ công nghệ số và các ứng dụng KHCN mà tình hình thiên tai được dự báo sớm và luôn được cập nhật liên tục, làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó. Trong khoảng một năm qua, đã có 3.317 lực lượng cán bộ, chiến sĩ quân sự, biên phòng, công an, dân quân tự vệ… được huy động phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả các vụ thiên tai và tai nạn trên đất liền. Qua đó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân.

Công nghệ số cũng được ứng dụng vào công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là trong việc kiểm soát người vào rừng nhằm giảm nguy cơ cháy rừng vào mùa khô cũng như khai thác nguồn tài nguyên rừng trái phép. (Trong ảnh: Hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ).

Công nghệ hỗ trợ để thông tin dự báo, cảnh báo ngày một chính xác hơn, đồng thời cũng giúp có thêm nhiều kênh đưa những thông tin ấy đến với người dân một cách nhanh chóng nhất, giúp việc huy động lực lượng trang bị, phương tiện được kịp thời hơn…, từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, tăng tính chủ động của các ngành, các cấp cũng như người dân trong việc bảo vệ tài sản, sản xuất và cả tính mạng trước thiên tai.

Ðặc biệt, trong thời đại số, công tác ứng dụng các nền tảng công nghệ nhằm nâng cao kỹ năng chủ động PCTT cũng được nhiều cơ quan chức năng quan tâm thực hiện. Trong năm 2023, nhằm số hoá công tác thống kê, theo dõi, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai các cấp trên địa bàn, tỉnh tiến hành nghiên cứu, thiết lập phần mềm thống kê thiệt hại trực tuyến, với 121 tài khoản đã được cấp quyền, hệ thống bước đầu hoạt động thông suốt, liên tục. Qua đó, số liệu thiệt hại được cập nhật tức thời, dữ liệu được sao lưu thường xuyên phục vụ công tác thống kê, tổng hợp số liệu thiệt hại, hỗ trợ công tác trực ban PCTT các cấp, là nguồn dữ liệu hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai…

Với sự phát triển nhanh của KHCN, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ vệ tinh, ngoài việc giúp chính quyền cơ sở, cộng đồng nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ các cơ quan chức năng mà còn có thể tham khảo nhiều trang dự báo trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, từ đó luôn chủ động phòng tránh hiệu quả. “Bên cạnh đó, các trang thiết bị công nghệ trong lĩnh vực PCTT từng bước được đầu tư ngày một kiện toàn, góp phần quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ người dân chủ động hơn trong các tình huống thiên tai”, ông Tùng cho biết thêm./.

 

Nguyễn Phú

Giáo sư đầu ngành vật lý neutrino đến Việt Nam giảng về ‘hạt ma quái’

Các dự án neutrino – hạt hạ nguyên tử có thể xuyên qua vật chất thông thường mà không để lại dấu vết – được các chuyên gia chia sẻ tại Trường học Việt Nam về Neutrinos lần thứ 8 (VSON8).

VSON8 diễn ra từ 16 – 26/7 tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ((ICISE), Quy Nhơn. Sự kiện hội tụ nhiều nhà khoa học, nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực vật lý neutrino, gồm GS Yuichi Oyama (Viện KEK, Nhật Bản), GS Atsumu Suzuki (Đại học Kobe, Nhật Bản), GS Tsuyoshi Nakaya và GS Makoto Miura (Đại học Tokyo, Nhật Bản), GS Jennifer Thomas (Đại học College London, Anh), GS Sanjib Kumar Agarwalla (Viện Vật lý (IOP), Bhubaneswar, Ấn Độ), GS Junting Huang (Đại học Shanghai Jiao Tong, Trung Quốc).

Các nhà khoa học sẽ giảng kiến thức về vật lý hạt và vật lý neutrino, các nguyên lý cơ bản và kỹ thuật hiện đại để phát hiện ra chúng; phát kiến khoa học có thể đạt được với các thí nghiệm này. Học viên cũng được tiếp cận với kỹ năng chạy mô phỏng các tương tác neutrino; phân loại tương tác thông qua hình ảnh thu được từ máy dò Super-Kamiokande (một thí nghiệm đã đóng góp trực tiếp cho giải thưởng Nobel vật lý năm 2015) hay trực tiếp vận hành, quan sát và đo đạc với một hệ đo các tia vũ trụ đơn giản.

Cũng tại trường học neutrinos, 32 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học viên đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Anh, Việt Nam sẽ thực hành trực tiếp với các phần mềm và phần cứng sử dụng trong các thí nghiệm neutrino quốc tế. Nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino tại Trung tâm ICISE là nhóm nghiên cứu thực nghiệm duy nhất, tiên phong ở Việt Nam tham gia các thí nghiệm quốc tế được đặt ở Nhật Bản, trong đó có kết quả nghiên cứu của thí nghiệm T2K (một trong mười phát kiến khoa học thế giới năm 2020).

Nhiều giáo sư đầu ngành vật lý neutrino đến Việt Nam giảng về hạt ma quái - 1

GS Trần Thanh Vân chia sẻ tại buổi học. Ảnh: Trọng Nhân

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE cho biết vật lý neutrino trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng có nhiều phát kiến mới trong chương trình nghiên cứu Vật lý hạt cơ bản của thế giới. Tuy nhiên việc nghiên cứu chuyên sâu về vật lý neutrino chưa được đưa vào chương trình đào tạo sau đại học tại Việt Nam. Theo đó Trường học cung cấp cho học viên nền tảng về neutrino “để phát triển nguồn nhân lực các nhà nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực này”, ông nói.

Trường học Việt Nam về neutrino được tổ chức lần đầu năm 2017, với sự giúp đỡ từ các chuyên gia vật lý neutrino hàng đầu Nhật Bản. Trải qua 8 lần tổ chức, chương trình thu hút nhiều học viên quốc tế từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Thông qua trường học, nhiều học viên Việt Nam và quốc tế theo đuổi nghiên cứu và nhận bằng tiến sĩ trong lĩnh vực neutrino.

Nhiều giáo sư đầu ngành vật lý neutrino đến Việt Nam giảng về hạt ma quái - 2

Các sinh viên Việt Nam cùng học tập, trải nghiệm với sinh viên quốc tế và các nhà khoa học tại Trường học Việt Nam về neutrino. Ảnh: Trọng Nhân

Như Quỳnh

Công nghệ chôn 100 tấn CO2 xuống lòng đất mỗi ngày

Công nghệ của startup 44.01 bao gồm việc trộn CO2 với nước rồi bơm xuống những vết nứt trong đá peridotite ở độ sâu khoảng 1 km dưới lòng đất.

Startup 44.01 đẩy nhanh quá trình khoáng hóa CO2 tự nhiên từ hàng thập kỷ xuống còn chưa đầy một năm. Ảnh: 44.01

Startup 44.01 đẩy nhanh quá trình khoáng hóa CO2 tự nhiên từ hàng thập kỷ xuống còn chưa đầy một năm. Ảnh: 44.01

Startup Oman 44.01 phát triển một quy trình mới có thể giam giữ CO2 vĩnh viễn dưới lòng đất, giúp loại bỏ một lượng lớn loại khí làm ấm hành tinh này khỏi khí quyển, Interesting Engineering hôm 15/7 đưa tin. 44.01, được đặt tên theo khối lượng phân tử của CO2, đã kiểm chứng công nghệ tại Oman và hy vọng sẽ mở rộng ra toàn cầu.

Startup này trộn CO2 với nước trước khi bơm xuống lỗ khoan sâu 1 km. Từ đây, hỗn hợp sẽ thấm vào các vết nứt trong peridotite, một loại đá bị nứt tự nhiên. Đá cô lập CO2 thông qua quá trình khoáng hóa carbon, trong đó một số khoáng chất phản ứng với CO2 để tạo thành carbonate rắn. Điều này đồng nghĩa, carbon bị giữ lại dưới lòng đất và không thể bay trở lại vào khí quyển.

Peridotite thường nằm sâu trong lòng đất, nhưng tại Oman, các mỏ đá ở gần bề mặt hơn. Chúng cho phép các nhà khoa học quan sát khả năng cô lập carbon của peridotite. Công nghệ của 44.01 giúp đẩy nhanh quá trình cô lập bằng cách bơm nước chứa CO2 vào những vết nứt của peridotite. “Thay vì mất hàng thập kỷ như trong tự nhiên, chúng tôi chỉ mất vài tháng”, Talal Hasan, nhà sáng lập kiêm CEO của startup này cho biết.

44.01 đặt mục tiêu thương mại hóa công nghệ của mình tại Oman và UAE trước khi mở rộng ra toàn cầu. Công ty đã hoàn thành các dự án thử nghiệm tại hai quốc gia này. Những thử nghiệm ban đầu cho thấy công nghệ mới hiện có thể cô lập khoảng 50 – 60 tấn CO2 mỗi ngày. Khi thương mại hóa, 44.01 đặt mục tiêu cô lập 100 tấn CO2 mỗi ngày với mỗi lỗ khoan.

Dù công nghệ cô lập và thu giữ carbon có thể đóng vai trò quan trọng giúp hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng không nên coi đây là giải pháp thực sự. Thay vào đó, các nước cần giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch – nguồn tạo ra khí thải. Lượng CO2 cần loại bỏ khỏi khí quyển sẽ vô cùng lớn, đòi hỏi nỗ lực lớn trên toàn cầu, kể cả khi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch ngừng thải CO2 vào khí quyển ngay hôm nay.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)