Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông KH,CN&ĐMST

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, để hoạt động truyền thông khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các viện, trường đào tạo báo chí, truyền thông tổ chức các khóa tập huấn; tăng cường gắn kết, chia sẻ thông tin về các định hướng cơ chế chính sách, thành tựu, vấn đề thực tiễn đặt ra của ngành… để kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông KH,CN&ĐMST.

 
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn.

Hình thành mạng lưới truyền thông KH,CN&ĐMST

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN cho biết, Hội nghị được tổ chức với mục tiêu tăng cường kỹ năng của đội ngũ cán bộ phụ trách truyền thông KH,CN&ĐMST trong việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông KH,CN&ĐMST; đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ, các Sở KH&CN với các cơ quan thông tấn báo chí để hình thành mạng lưới truyền thông KH,CN&ĐMST. Qua đó, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về chính sách mới, các thành tựu KH,CN&ĐMST; lan tỏa những điểm sáng; làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của nhiều đối tượng công chúng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành KH&CN.

Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao đổi về Phương pháp truyền thông KH,CN&ĐMST trên mạng xã hội. Theo đó, để sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, cần đảm bảo tính kịp thời, đa dạng thông tin; tăng lượng tương tác với công chúng trên fanpage; xây dựng, tìm kiếm và sáng tạo những nội dung mới, hấp dẫn để cập nhật hằng ngày; thiết kế những hình ảnh đẹp, bắt mắt để thu hút công chúng; kiểm tra, bảo vệ sự an toàn cho fanpage…

Trao đổi về Kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà Báo Việt Nam cho biết, mục tiêu chính của quản trị khủng hoảng là kiểm soát được tình huống khủng hoảng nhằm giảm thiểu hoặc ngăn chặn được những tác động tiêu cực; bảo vệ uy tín, hình ảnh của tổ chức và sự ủng hộ tích cực từ các nhóm công chúng khác nhau thông qua việc quản lý thông tin và truyền thông hiệu quả trong tình huống khủng hoảng. Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, để xử lý khủng hoảng trong trường hợp khẩn cấp cần xây dựng thông điệp và tổ chức họp báo khẩn cấp (nếu cần); hỗ trợ cho phát ngôn viên chính thức trong họp báo; tư vấn, thúc đẩy và giám sát tiến trình khắc phục sự cố…

Cũng tại Hội nghị, bà Lê Thị Loan, Trưởng phòng Tổng hợp – Thư ký, Văn phòng Bộ KH&CN đã trao đổi về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ KH&CN. Qua đó, đề nghị các đơn vị phối hợp tốt trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và cổng thông tin điện tử của Bộ.

Trao đổi về hoạt động truyền thông KH,CN&ĐMST của địa phương, ông Phan Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên đã chia sẻ những ví dụ thực tiễn trong hoạt động truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông tại địa phương. Qua đó khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới.

Các báo cáo viên trình bày tại Hội nghị.

Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ KH&CN đã thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả truyền KH,CN&ĐMST trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đắc Bình Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng cho biết, trong thời gian qua, Viện đã tăng cường hoạt động truyền thông trên các nền tảng như đăng tải các hoạt động nghiên cứu lên cổng thông tin điện tử của Bộ, xây dựng fanpage của đơn vị…; tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Đắc Bình Minh mong muốn, Bộ KH&CN thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi về công tác truyền thông để Viện cũng như các đơn vị trong Bộ có cơ hội trau dồi và đẩy mạnh truyền thông cho đơn vị, cho ngành.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ hy vọng ngoài tập huấn cho cán bộ truyền thông các đơn vị thuộc Bộ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN tăng cường Hội nghị tập huấn cho báo chí để các phóng viên hiểu hơn về ngành KH&CN, đặc biệt là sở hữu trí tuệ để truyền thông đúng, trúng và kịp thời.
Theo ông Lê Đăng Huyền, Quyền Chánh Văn phòng Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, cần tăng cường công tác truyền thông trên báo chí, cổng thông tin của đơn vị, mạng xã hội và tại các trường đại học để truyền thông ngày càng lan tỏa sâu rộng.

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, thời gian qua, KH,CN&ĐMST đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng.  Để KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, là nền tảng và động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, công tác truyền thông KH,CN&ĐMST đóng vai trò hết sức quan trọng.

“Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong hoạt động truyền thông, tạo được hiệu ứng tích cực, lan toả cộng đồng về KH,CN&ĐMST; đóng góp vào thành công chung của ngành KH&CN”, Thứ trưởng cho biết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, để hoạt động truyền thông KH,CN&ĐMST thêm phong phú, sinh động và ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các viện, trường đào tạo báo chí, truyền thông tổ chức các khóa tập huấn; tăng cường gắn kết, chia sẻ thông tin về các định hướng cơ chế chính sách, thành tựu, vấn đề thực tiễn đặt ra của ngành; xem xét, điều chỉnh quy định cung cấp thông tin theo hướng cởi mở, thuận lợi hơn… để kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông KH,CN&ĐMST.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị.

Đồng thời Thứ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ, các sở KH&CN tăng cường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, các cơ quan báo chí nhằm đẩy mạnh truyền thông chính sách về KH,CN&ĐMST, hoạt động xây dựng thể chế, pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi Luật KH&CN, các đạo luật chuyên ngành; những đóng góp của KH,CN&ĐMST đối với kinh tế – xã hội… góp phần khẳng định và lan tỏa vai trò quốc sách hàng đầu của KH,CN&ĐMST trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Nghiên cứu làm chủ công nghệ chế biến sâu đất hiếm tại Việt Nam

Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến sâu, tách chiết ra sản phẩm đất hiếm, cần nghiên cứu và có chính sách để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, theo chuyên gia.

PGS. TS Hoàng Anh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu nêu đề xuất tại cuộc họp kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chiều 12/7.

Theo ông Sơn, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn (22 triệu tấn – theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ), đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Song đến nay Việt Nam chưa có nhà máy chế biến từ tinh quặng đất hiếm thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguyên nhân được ông chỉ ra do các doanh nghiệp được cấp mỏ chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng tối thiểu 95%, đồng thời chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm đất hiếm riêng rẽ.

Ông cho hay, công nghệ phân chia riêng rẽ oxit đất hiếm và làm sạch đến độ sạch cao, mặc dù đã có nghiên cứu từ rất sớm nhưng phần lớn mới triển khai trong phòng thí nghiệm, chưa có công nghệ nào áp dụng vào thực tế. Việc chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ chế biến sâu đất hiếm cũng gặp khó do đòi hỏi trình độ cao, các nước giữ bí mật, hạn chế chuyển giao.

PGS.TS Hoàng Anh Sơn chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: QD

PGS.TS Hoàng Anh Sơn chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: QD

Dẫn với đất hiếm Lai Châu, chuyên gia cho biết các công trình nghiên cứu đến nay đều dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, vấn đề về thuốc tuyển chưa giải quyết được nên chất lượng tuyển không cao, chất lượng quặng tinh đất hiếm cuối cùng không được như mong muốn. Hay như quặng đất hiếm mỏ Đông Pao có thành phần vật chất phức tạp, quặng bị phong hóa mạnh, tỉ lệ cấp hạt mịn trong quặng lớn. “Mỗi thân quặng của mỏ có đặc trưng riêng về cấu trúc và thành phần vật chất, do đó công nghệ tuyển làm giàu đòi hỏi phải có nghiên cứu kỹ”, ông nói.

Theo PGS Sơn, quá trình chế biến quặng đất hiếm lý tưởng nhất là đạt đến sản phẩm có gia trị gia tăng cao, song tùy thuộc vào trình độ công nghệ, khả năng đầu tư và có thể thực hiện theo từng giai đoạn. Hiện một số đơn vị trong và ngoài nhà nước đã nghiên cứu thành công chế biến sâu ở quy mô phòng thí nghiệm. “Để triển khai ra thực tế đòi hỏi yêu cầu gắt gao từ yếu tố công nghệ, an toàn môi trường và mức cạnh tranh phát triển kinh tế”, PGS Sơn nói.

Để gỡ nút thắt, ông kiến nghị khảo sát đánh giá trữ lượng và giá trị của các thành phần nguyên tố đất hiếm trong các mỏ đã cấp phép, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ. Theo PGS Sơn, Việt Nam cần xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ bằng cách hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh về đất hiếm, tập hợp đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm và xử lý môi trường.

Ông đề xuất hình thành các nhiệm vụ theo hướng nghiên cứu phát triển được công nghệ chế biến có khả năng áp dụng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này. Bên cạnh đó xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm ưu tiên hướng chế biến và ứng dụng đất hiếm trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ lõi. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu đất hiếm, phân chia riêng các oxit đất hiếm độ sạch cao, công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm cho ngành công nghiệp ôtô điện, điện gió để sớm đưa vào thực tế sản xuất trong vòng 10 năm tới.

Các nhà khoa học cũng kiến nghị cơ chế, chính sách riêng để phát triển công nghiệp đất hiếm phù hợp với tiềm năng, trong đó gắn nghiên cứu, phát triển công nghệ và triển khai sản xuất, chế biến sâu. “Việt Nam cũng cần tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, chế biến sâu đất hiếm kèm theo điều khoản về chuyển giao công nghệ”, ông nhấn mạnh.

Như Quỳnh

‘Thu hút học giả quốc tế nâng vị thế tạp chí khoa học Việt’

Nâng chất lượng các bài báo khoa học thông qua hợp tác với học giả, nhà xuất bản uy tín quốc tế… là kinh nghiệm để các tạp chí Việt Nam vào danh mục WoS, Scopus.

Tại buổi tọa đàm “Xây dựng tạp chí khoa học đạt chuẩn Scopus, AIC” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 15/7, nhiều ý kiến trong việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học được chia sẻ.

GS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Kinh tế Kinh doanh châu Á (Đại học Kinh tế TP HCM) cho biết đơn vị ông gia nhập danh mục WoS (Web of Science) năm 2021, Scopus năm 2022 và xếp hạng Q1 năm 2023. Mục tiêu này được đặt ra từ 2012 – 2019 trong chương trình tài trợ của Bộ Giáo dục Đào tạo. Lý do được ông Hoài nêu “hội đồng biên tập có cả người Việt Nam và các nhà khoa học trên thế giới, phù hợp với phạm vi, tôn chỉ của tạp chí”. Hội đồng biên tập có nhiệm vụ bình duyệt bài, tham gia các hội thảo quốc tế, tư vấn cho tạp chí.

Theo GS Hoài để có sự tham gia của nhà khoa học quốc tế phụ thuộc vào mạng lưới kết nối của trường đại học và cá nhân người làm việc tại tạp chí hoặc thông qua các hội thảo học thuật. “Hội đồng biên tập đa dạng sẽ thu hút được bài của nhiều quốc gia, giúp nâng cao vị thế của tạp chí”, GS Hoài nói, thêm rằng đơn vị hướng tới các chỉ mục quốc tế phải đa dạng tác giả ngoài Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh:Văn Tân

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh:Văn Tân

GS Hoài cũng thông tin, với tạp chí khoa học để vào WoS, hay Scopus cần được kiểm chứng các bài báo có phù hợp với phạm vi, lĩnh vực tham gia vào chỉ mục. Nếu không đạt các yếu tố về tính phù hợp sẽ rất khó cho việc công nhận tạp chí. Ông kiến nghị, cần có nhà xuất bản quốc tế trong nước nhằm giúp các tạp chí của Việt Nam cùng hướng mục tiêu đạt chuẩn mực quốc tế. Đây là cơ hội để các tạp chí của Việt Nam tiệm cận độ uy tín với khu vực và thế giới.

Đồng quan điểm, GS Lê Quốc Hội, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) nói, đơn vị đặt mục tiêu xây dựng tạp chí tầm khu vực vào năm 2015, sau đó gia nhập Scopus cuối năm 2023. Trường đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới hợp tác với nhà khoa học là Việt kiều, người nước ngoài đang nghiên cứu trên thế giới.

Để thu hút lực lượng này, GS Hội cho biết đơn vị có cơ chế khuyến khích, đặt hàng nhà khoa học là Việt kiều. Đây được coi là một trong những chiến lược để tạp chí đạt các chuẩn mực quốc tế.

Theo PGS. TS Đinh Văn Thuật, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học công nghệ xây dựng (Đại học Xây dựng Hà Nội), để nhiều tạp chí trong nước nâng cấp gia nhập quốc tế cần được đầu tư về tài chính để đáp ứng tiêu chí gia nhập danh mục ACI, tiến đến Scopus, WoS. Về lâu dài ông cho rằng cần xây dựng hệ thống chỉ mục trích dẫn tạp chí Việt Nam (Vietnam Citation Index) để phân loại, xếp hạng các tạp chí trong nước theo các mức độ khác nhau về tiêu chí đánh giá. Đây là cơ sở tạo độ tin cậy, khách quan hơn để tính điểm tạp chí trong nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Phúc dẫn thực tế nhiều nghiên cứu trong nước thường phải gửi đăng bài báo ở các tạp chí của nước ngoài. Kinh nghiệm các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… cho thấy họ có nhiều tạp chí gia nhập hệ thống trích dẫn như Scopus, WoS, ISI. Điều này khiến các bài đăng tạp chí trong nước được xem là bài báo quốc tế, chất lượng không thua kém các nước phát triển. “Thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ 18 tạp chí xây dựng kế hoạch đạt chuẩn AIC (ASEAN Citation Index)) và 2 tạp chí đã đạt chuẩn Scopus”, ông cho biết.

Thứ trưởng Phúc cho rằng các tạp chí của Việt Nam cần phát triển hội nhập với xu hướng thế giới. Điều này giúp cho các bài báo khoa học đăng trong nước nhưng chất lượng, chuẩn mực của quốc tế.

Danh mục Scopus là cơ sở dữ liệu của Nhà Xuất bản Elsevier (Hà Lan). Đến tháng 3/2023, Scopus đưa vào danh mục tổng số 43.400 tạp chí khoa học trên thế giới, trong đó, gần 28.000 tạp chí còn hiệu lực. Trong danh mục này, có 8 tạp chí khoa học Việt Nam. Danh mục Web of Science (WoS) là cơ sở dữ liệu của Institute for Scientific Information, Mỹ. Việt Nam có 8 tạp chí thuộc danh mục này.

Hà An

‘Việt Nam sáng tạo khi xây dựng PII’

Chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá “có nhiều điều học hỏi được từ kinh nghiệm xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của Việt Nam”.

Thông tin được Trưởng ban nghiên cứu các chỉ số tổng hợp, Vụ Phân tích dữ liệu và kinh tế, WIPO, Sacha Wunsch-Vincent nói tại Hội thảo “Đo lường và thúc đẩy kết quả đổi mới sáng tạo cấp địa phương: Vai trò của các chỉ số đổi mới sáng tạo tại khu vực” hôm 12/7.

Sự kiện do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức, nằm trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 65 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên, với tham gia của các đại biểu từ các quốc gia thành viên WIPO, chuyên gia về xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.

Việt Nam sáng tạo khi xây dựng PII

Ông Sacha Wunsch-Vincent (trái) cùng ông Carsten Fink, Kinh tế trưởng của WIPO (giữa) điều hành Hội thảo. Ảnh chụp màn hình

Theo ông Sacha Wunsch-Vincent đánh giá Việt Nam sáng tạo khi “đưa vào một Trụ cột về Tác động trong đo lường về đổi mới sáng tạo”. Ông cho hay trước đây, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không có trụ cột về Tác động ở cấp quốc gia mà chỉ có công cụ để đo lường tác động của đổi mới sáng tạo cấp toàn cầu. Theo đó “có nhiều điều học hỏi được từ kinh nghiệm xây dựng chỉ số PII của Việt Nam”. Trong báo cáo GII sẽ công bố vào tháng 9 tới sẽ có các chỉ số về tác động của đổi mới sáng tạo cấp độ quốc gia.

Trong bài chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Võ Hưng, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cho biết Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của Việt Nam được xây dựng dựa trên khung GII của WIPO với phương pháp xây dựng chỉ số tổng hợp theo chuẩn quốc tế, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia của WIPO về mặt chuyên môn, phương pháp luận.

Chỉ số PII của Việt Nam có điểm mới và sự sáng tạo so với GII khi đưa vào trong khung chỉ số một trụ cột Tác động, thể hiện tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến hoạt động sản xuất-kinh doanh và đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Ông Hưng cho biết, kết quả PII năm 2023 đã được báo cáo Chính phủ và được các địa phương đón nhận. Nhiều địa phương đã tích cực tìm hiểu nội hàm, ý nghĩa của khung chỉ số và của từng chỉ số, các điểm mạnh, điểm yếu và thảo luận các giải pháp cải thiện phù hợp.

Chuyên gia về xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương từ Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại hội thảo. Ảnh chụp màn hình

Chuyên gia về xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương từ Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại hội thảo. Ảnh chụp màn hình

Các đại diện đến từ Brazil, Colombia, Ấn Độ và Liên minh châu Âu cũng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chỉ số đánh giá đổi mới sáng tạo trong nước, nhằm cải thiện hiệu suất đổi mới, thiết kế chính sách tăng trưởng kinh tế cho từng khu vực.

Ông Rodrigo Ventura, kinh tế trưởng Viện Sở hữu Công nghiệp quốc gia Brazil (INPI) cho hay năm 2024 Brazil lần đầu tiên công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo Brazil (BII), dự kiến vào tháng 8 tới. Bộ chỉ số do INPI xây dựng dựa theo cấu trúc của GII, được thiết kế với hai nhóm đầu vào đổi mới sáng tạo (gồm 5 trụ cột) và kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo (2 trụ cột), với tổng cộng 74 chỉ số thành phần. Các chỉ số thành phần cũng được điều chỉnh nhằm phù hợp với quy mô kinh tế xã hội, dân số, đất đai của từng tiểu bang. Bên cạnh xếp hạng theo bang và chia thành 5 khu vực, BII còn vinh danh nhà lãnh đạo đổi mới.

Theo ông Rodrigo Ventura, báo cáo giúp địa phương nhìn ra “chìa khóa” để xây dựng và thực thi chính sách, tận dụng thế mạnh, vượt qua thách thức. Dẫn chứng, ông cho biết kết quả xếp hạng cho thấy các tiểu bang có cơ sở giáo dục mạnh thì chỉ số vốn nhân lực, đầu tư R&D, tổ chức nghiên cứu xuất sắc được chú trọng. Trong khi việc cải thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với khu vực kém phát triển. “Báo cáo cung cấp thông tin môi trường kinh doanh, hỗ trợ pháp lý giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là các công ty khởi nghiệp có quyết định phù hợp”, ông nhấn mạnh.

Còn ông Ashok A. Sonkusare, Viện Nghiên cứu Chuyển đổi quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog) cho biết “III – Chỉ số đổi mới sáng tạo Ấn Độ” giúp thúc đẩy năng lực cạnh tranh, đánh giá hiệu suất đổi mới sáng tạo tại địa phương, đồng thời cải thiện thứ hạng của Ấn Độ trong xếp hạng GII toàn cầu”.

Tháng 10/2019, NITI Aayog lần đầu công bố III với kỳ vọng đưa bộ công cụ giúp các nhà hoạch định chính sách có chiến lược tốt tạo môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Giới chức có thể nhận ra các thách thức cần giải quyết, xác định điểm yếu và điểm mạnh cần tập trung khi thiết kế chính sách tăng trưởng kinh tế cho từng khu vực.

Các tính chỉ số III của Ấn Độ tương tự GII. Với 60 chỉ số thành phần, công cụ đo lượng đổi mới dựa được chia thành 2 nhóm đầu vào và đầu ra và được tính dựa trên điểm trung bình của 7 trụ cột. Song do sự đa dạng địa lý kinh tế, lẫn khác biệt ngôn ngữ giữa các địa phương, họ chia thành 3 nhóm xếp hạng riêng gồm các bang lớn; bang phía bắc và miền núi; các bang nhỏ, thành phố và lãnh thổ liên minh.

Đến nay, Ấn Độ đã công bố III 3 lần, cho năm 2019, 2020 và 2021. Kết quả của các lần đánh giá cho thấy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại nước này khá mạnh ở phía Nam và phía Tây.

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các quốc gia, ông Marco M. Aleman, Trợ lý Tổng Giám đốc WIPO cho biết các chỉ số đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách ở cả cấp địa phương và cấp quốc gia. Phía WIPO cam kết hỗ trợ quốc gia, thông qua hoạt động hội thảo về đánh giá đổi mới sáng tạo cấp địa phương để các quốc gia chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, thảo luận phương pháp quản lý dữ liệu, tính toán chỉ số tổng hợp.

Như Quỳnh

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam sẽ phóng lên quỹ đạo tháng 2/2025

Vệ tinh LOTUSat-1 đã chế tạo xong và dự kiến phóng lên quỹ đạo tháng 2/2025 tại Nhật Bản, bàn giao cho Việt Nam 4 tháng sau đó, theo lãnh đạo VNSC.

Thông tin được TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam (VNSC) nói tại họp báo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, ngày 12/7. Theo TS Huy sau quá trình thử nghiệm vệ tinh, Chính phủ Nhật Bản sẽ bàn giao quyền quản lý cho Việt Nam vào tháng 6/2025, vận hành trong 5 năm. Việc phóng vệ tinh LOTUSat- 1 thuộc dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất”.

Mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1. Ảnh:VNSC

Mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1. Ảnh:VNSC

Theo TS Huy, đơn vị đang hoàn thiện lắp đặt các thiết bị mặt đất để vận hành, chuyển dữ liệu ảnh từ vệ tinh LOTUSat- 1. Các thiết bị này đã lắp đặt tại Việt Nam từ đầu năm, đang tích hợp thử nghiệm hệ thống, dự kiến đến tháng 9 hoàn thành.

Ngoài ra, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang xây dựng trung tâm phổ biến kiến thức trong đó có khu bảo tàng khoa học công nghệ vũ trụ, kính thiên văn… dự kiến tháng 12 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, các trung tâm nghiên cứu triển khai, thử nghiệm, vận hành vệ tinh nhỏ đến 180 kg đang thực hiện. TS Huy cho biết, việc đầu tư xây dựng các công trình trên là cơ sở để đơn vị thực hiện đề án tăng cường năng lực quan sát trái đất sử dụng vệ tinh nhỏ, xây dựng chùm vệ tinh nhỏ “made in Việt Nam”.

LOTUSat- 1 có trọng lượng 600 kg, là vệ tinh công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. Vệ tinh LOTUSat-1 sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác để ứng phó giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường. Khác với các vệ tinh quang học, vệ tinh radar có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt khi thời tiết có mây, sương mù, điều kiện thiếu ánh sáng. Dữ liệu cung cấp từ vệ tinh radar này sẽ đóng góp quan trọng cho Việt Nam, trong điều kiện môi trường khí hậu có nhiều mây.

Vĩnh Hà

Việt Nam dùng công nghệ mới giám định ADN hài cốt liệt sĩ

Viện Công nghệ sinh học sử dụng công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới (NGS) nhằm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, người mất tích trong chiến tranh.

Tại cuộc họp kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chiều 12/7, PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho hay tính từ năm 2019 đến nay, Trung tâm giám định ADN phát triển 13 quy trình phân tích ADN từ mẫu xương lâu năm.

Trung tâm thực hiện 800 đợt tách chiết ADN nhân, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. “Tỷ lệ tách thành công và bàn giao đạt 22%, tương đương khoảng 1.600 mẫu bàn giao cho Cục Người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội”.

Viện đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình mẫu và 2 quy trình giám định ADN thường quy, tức là cải tiến trên nền tảng công nghệ cũ vốn được công nhận và áp dụng.

PGS Phí Quyết Tiến chia sẻ thông tin tại họp báo. Ảnh: QD

PGS Phí Quyết Tiến chia sẻ thông tin tại họp báo. Ảnh: QD

Theo PGS Tiến, trước đây các đơn vị đang sử dụng công nghệ giám định ADN cho mẫu hài cốt liệt sĩ dựa trên phân tích ADN ty thể. Tuy nhiên với chất lượng mẫu ngày càng khó khăn, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu ứng dụng giám định công nghệ ADN ty thể vào quy trình giám định thường quy.

Nhưng nay xu hướng thế giới với sự phát triển công nghệ phân tích hiện đại với máy giải trình tự gene thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học, việc giám định ADN từ mẫu xương cổ được phân tích theo gene nhân. “Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phê duyệt triển khai nhiệm vụ giải trình tự thế hệ gene theo tham số người Việt để có được tham chiếu ADN xương cổ nói chung và công tác ADN người Việt”, PGS Tiến nói.

Ông cho hay, ứng dụng công nghệ mới về khai thác ADN xương cổ được phối hợp Viện khảo cổ học nhằm xác định nguồn gốc di truyền với mẫu xương có niên đại vài trăm năm đến nghìn năm. Đây là cơ sở tiếp tục phát triển giám định mẫu ADN xương cổ các liệt sĩ có thời gian chôn lấp đưa vào giám định từ 40-80 năm.

Để tăng cường năng lực giám định ADN hài cốt liệt sĩ theo công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới (NGS), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Ủy ban Quốc tế về Người mất tích (ICMP) phối hợp triển khai dự án ODA. Viện cử đoàn công tác mang 100 mẫu hài cốt liệt sĩ sang Hà Lan triển khai tách chiết ADN nhân và giám định ADN. Ông đánh giá kết quả bước đầu cho thấy kỹ năng chuyên môn, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ có thể làm chủ và hợp tác với ICMP.

Ông Tiến cho biết, giai đoạn tới, Trung tâm giám định ADN sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất trên cơ sở tiếp nhận máy giải trình thế hệ mới tài trợ, cải tiến, ứng dụng công nghệ mới vào công tác giám định, nghiên cứu tối ưu thử nghiệm phương pháp khác nhau. Bên cạnh Viện cũng tăng cường hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, gửi cán bộ tiếp nhận công nghệ, tham gia công tác giám định từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á.

Huyền Anh

Hơn 40 kỹ sư làm phần mềm hỗ trợ dự án đầu tư công

Các kỹ sư Việt tham gia thiết kế phần mềm hỗ trợ báo cáo, giám sát tiến độ dự án đầu tư công, giúp tăng hiệu quả giải ngân vốn, sớm hoàn thành công trình.

Phần mềm quản lý dự án đầu tư công được ông Hoàng Trọng Kha, Giám đốc sản phẩm công ty cổ phần hệ thống số thông minh (SDT) giới thiệu tại hội nghị về chuyển đổi số do Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức sáng 11/7. Theo ông Kha, phần mềm được đội ngũ hơn 40 kỹ sư Việt phát triển trong hơn 3 năm, đang chạy thử nghiệm tại một số dự án công tại Hải Phòng, TP HCM.

Chia sẻ lý do thực hiện giải pháp, ông Kha nói giải ngân vốn cho các dự án đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của quốc gia, địa phương để sớm đưa các công trình vào hoạt động, phục vụ người dân. Tuy nhiên, nhiều dự án đầu tư tiến độ giải ngân rất chậm.

Lấy ví dụ, ông Kha nói hiện TP HCM tính đến cuối tháng 6 mới chỉ giải ngân hơn 12% vốn đầu tư công của năm 2024. Nhóm đã phát triển phần mềm hỗ trợ giám sát, điều hành tiến độ cho lãnh đạo, nhân viên thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện và hoàn thành dự án. Từ ba giai đoạn chính này nhóm phát triển thành gần 100 bước nhỏ hơn, phù hợp với quy mô, tính chất từng dự án.

Ông Hoàng Trọng Kha, đại diện SDT chia sẻ phần mềm quản lý dự án đầu từ công tại hội nghị, sáng 11/7. Ảnh: Hà An

Ông Hoàng Trọng Kha chia sẻ phần mềm quản lý dự án đầu từ công tại hội nghị, sáng 11/7. Ảnh: Hà An

Theo ông Kha, phần mềm có lõi thiết kế tương thích với kiến trúc chính quyền điện tử của từng địa phương. Sản phẩm có chức năng hỗ trợ nhân viên báo cáo tiến độ bằng các công cụ tùy biến. Người thực hiện có thể cập nhật liên tục các dữ liệu lên hệ thống, mọi lúc mọi nơi giúp cấp lãnh đạo có cái nhìn trực quan và kịp thời chỉ đạo. Dữ liệu về dự án được đồng bộ liên thông giữa các cơ quan như kế hoạch đầu tư, tài chính, kho bạc… cập nhật tiến độ giải ngân vốn.

Hệ thống có các tầng dự án cấp tỉnh, thành phố, sở ngành, quận huyện và phường xã. Nhóm cũng thiết kế tích hợp tính năng dành cho HĐND địa phương để cơ quan này giám sát, đôn đốc tiến độ dự án.

Do các tính năng được tùy biến, cấu hình động trên hệ thống, phần mềm có thể đáp ứng nghiệp vụ chi tiết theo từng đơn vị khác nhau. Phần mềm có thể sử dụng, theo dõi và hiện thông báo trên màn hình laptop, điện thoại giúp cán bộ quản lý, nhân viên cập nhật thông tin dự án nhanh nhất.

Với sản phẩm này, ông Kha mong muốn sau quá trình thử nghiệm tại một số địa phương sẽ nhận được sự đồng hành của các cấp chính quyền trong chia sẻ dữ liệu để triển khai hiệu quả tại các tỉnh thành, giúp chuyển đổi số quốc gia.

Giao diện phần mềm quản lý dự án đầu tư công do nhóm phát triển.

Giao diện phần mềm quản lý dự án đầu tư công do nhóm phát triển.

Đánh giá cao các giải pháp của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), cho rằng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đang hiện diện mọi lĩnh vực của kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động về quản lý, cung cấp dịch vụ công, hành chính… của chính quyền.

Theo bà Phượng, ứng dụng công nghệ giúp chính quyền và người dân tiết kiệm nguồn lực và thời gian. Các giải pháp chuyển đổi số giúp thông tin minh bạch và hiệu quả trong quản lý. Công nghệ cũng giúp nhà quản lý cập nhật các dữ liệu, thông tin toàn diện để đưa ra định hướng chính sách phù hợp.

Hà An

Kỹ sư cơ điện làm máy gieo hạt năng suất 0,2 ha mỗi giờ

Nhóm nhà khoa học Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long chế tạo máy gieo hạt, làm đất, năng suất 0,1 – 0,2 ha mỗi giờ, thay thế 10 lao động.

Nghiên cứu do thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng bộ môn cơ điện và công nghệ sau thu hoạch, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long và các cộng sự thực hiện.

Theo nhóm nghiên cứu, vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện hầu như chưa có máy gieo trồng đậu, bắp trên nền đất liếp hoặc đất lúa.Trong khi đó, diện tích canh tác cây màu ngày càng ít do chi phí lao động thủ công tăng cao và bị thiếu hụt. Nhóm nghiên cứu muốn tạo ra mẫu máy mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất màu trên nền đất lúa tại Hậu Giang và các tỉnh Tây Nam Bộ. “Sản phẩm hướng tới ứng dụng sản xuất nông nghiệp 4.0 toàn diện”, thạc sĩ Hoàng nói.

Máy gieo hạt đa năng có 6 bộ phận chính gồm động cơ diesel công suất 16 HP, liên kết khung máy, hệ thống điều khiển thủy lực, cụm gieo hạt, khung liên kết cụm gieo, bộ phận phay đất.

Để chế tạo, nhóm tận dụng các bộ phận có sẵn như động cơ diesel, hộp số máy công nông, hệ thống di chuyển. Phần còn lại, nhóm tập trung thiết kế bộ phận xới theo hàng, bộ phận gieo, lấp hạt và bộ phận nâng hạ.

Máy có chức năng thực hiện đồng thời việc phay đất, rạch hàng, gieo hạt, lấp đất với khoảng cách hàng gieo và loại hạt giống thay đổi linh hoạt. Ưu điểm là máy khá gọn, gieo nhiều loại hạt, trong đó kể cả hạt bắp đã qua ngâm ủ.

Trước khi gieo người dùng xác định loại hạt giống, khoảng cách hàng, mật độ để chọn đĩa gieo thích hợp và điều chỉnh khoảng cách hàng phay, độ sâu phay. Khi máy làm việc, hệ dao sẽ phay đất tạo luống. Đĩa có nhiệm vụ rạch hàng tạo rãnh giữa luống phay. Đĩa gieo hạt nhận chuyển động từ bánh gieo thông qua bộ truyền động làm cho đĩa quay và các lỗ gieo nhận hạt từ khoang phụ dịch chuyển đến vị trí nhả hạt. Tại đây có cơ cấu nhấn hạt cưỡng bức tránh hạt kẹt trong lỗ đĩa. Hạt sẽ trượt trong ống gieo và rơi vào giữa hai đĩa rạch hàng và được cần gạt kéo đất phủ lên hạt.

Máy có bề rộng làm việc 1,2 m, số hàng gieo từ 2 – 4 hàng với khoảng cách điều chỉnh 300 – 800 mm, độ sâu phay 30 – 100 mm. Máy có tỷ lệ sót (hốc không hạt) dưới 3%, có thể điều chỉnh được số lượng hạt mỗi hốc và khoảng cách hốc theo loại đĩa gieo. Năng suất khi gieo bắp là 0,1 ha mỗi giờ (2 hàng gieo) và với đậu nành là 0,2 ha mỗi giờ (4 hàng gieo). Máy thay thế được cho khoảng 10 lao động.

Thiết kế các bộ phận của máy gieo hạt đa năng. Ảnh: NVCC

Thiết kế các bộ phận của máy gieo hạt đa năng. Ảnh: NVCC

Về kỹ năng điều khiển máy, theo thạc sĩ Hoàng, người sử dụng không cần lo lắng vì máy vận hành đơn giản, dễ thao tác. Nông dân từng sử dụng các máy làm đất, sau khi hướng dẫn sử dụng sẽ dễ dàng vận hành. Tuy nhiên, người dùng cần được đào tạo cơ bản về cơ khí để khâu bảo trì, bảo dưỡng vận hành được hiệu quả, đúng kỹ thuật và an toàn. Máy gieo hạt đa năng có giá dự kiến khoảng 80 triệu đồng.

Theo thạc sĩ Hoàng, ưu điểm máy gieo được nhiều loại hạt, mật độ, khoảng cách thay đổi nhưng việc này khiến người sử dụng phải mất thời gian chỉnh tổ hợp lưỡi phay, mũi rạch hàng, cửa nhả lấp hạt trên một đường thẳng. Để giảm tải trọng máy, nhóm không thiết kế ghế ngồi lái cho người vận hành. Họ phải đi bộ sau máy.

Máy đã thử nghiệm thực tế ở Cần Thơ và Hậu Giang. Tuy nhiên ông Hoàng cho rằng “cần phải triển khai nhiều vụ để có đánh giá ở nhiều tỉnh khác”.

Kỹ sư Lê Trung Hiếu, Giám đốc công ty công nghệ Ewater đánh giá, sản phẩm của nhóm đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp tại miền Tây Nam Bộ giúp tăng năng suất, giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, theo ông cơ chế chạy bằng bánh lốp của máy chỉ có thể hoạt động trên đất khô. Ở các khu vực ẩm ướt, sình lầy, máy khó hoạt động. Ông Hiếu góp ý tác giả thay đổi một số cơ cấu như bánh lồng để phù hợp hoạt động trên đất ướt . Ngoài ra, máy cần được thiết kế gọn nhẹ hơn để có tính cơ động, dễ vận chuyển.

Hà An

Kỹ sư Việt chế tạo hệ thống quan trắc giá bằng ⅔ nhập khẩu

Anh Nguyễn Văn Tiến (44 tuổi, Hà Nội) dành hơn 10 năm để nghiên cứu phát triển hệ thống giám sát y tế và quan trắc môi trường ứng dụng trong đo mưa, giám sát chất lượng nước…

Từ những năm 2010, sau khi nghe bạn bè trong lĩnh vực y tế chia sẻ về nhu cầu trong giám sát nhiệt độ tủ vaccine, anh Tiến nung nấu ý tưởng nghiên cứu hệ thống quan trắc. Vốn là cử nhân Điện tử và Kỹ thuật máy tính trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và từng có 2 năm làm việc tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, anh Tiến có sẵn nền tảng kiến thức để triển khai ý tưởng.

Hệ thống quan trắc, giám sát gồm 3 phần chính: bộ thu thập dữ liệu (data logger), thiết bị đo/cảm biến (sensor) và phần mềm hệ thống (system software). Trong đó data logger được coi là bộ não – trung tâm ghi, lưu trữ, phân tích và truyền dữ liệu. Anh Tiến mất khoảng một năm để viết phần mềm, thiết kế phần cứng, nghiên cứu sản xuất bộ data logger đầu tiên. Sau 2 năm nghiên cứu, phát triển hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo được đưa vào sử dụng.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tiến tại phòng nghiên cứu. Ảnh: Mai Ngọc

Kỹ sư Nguyễn Văn Tiến tại phòng nghiên cứu. Ảnh: Mai Ngọc

Thực tế, các nước châu Âu đã sản xuất hệ thống quan trắc từ lâu nhưng giá thành cao, khó sử dụng, không hỗ trợ lắp đặt hay bảo hành kịp thời khi có sự cố. Ngoài ra, hệ thống quan trắc ngoại nhập thường tích hợp toàn bộ tham số đo lường, không bóc tách thành từng chức năng độc lập. Với các hệ thống quan trắc do Trung Quốc sản xuất giá thành rẻ, nhưng thường gặp vấn đề về server khi sử dụng tại Việt Nam. Do đó, hệ thống quan trắc được thiết kế riêng cho nhu cầu sử dụng bản địa trở thành giải pháp được nhiều đơn vị đón nhận.

Anh Tiến cho biết, hiện hệ thống được ứng dụng tại gần 500 địa điểm, gồm bệnh viện, cơ sở y tế, khu công nghiệp, vườn quốc gia, đập thủy điện, ao hồ, trang trại… trên khắp các tỉnh thành.

Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc công ty CP đầu tư cơ điện và thương mại Hải Hà, đã sử dụng hệ thống quan trắc môi trường 5 năm đánh giá các hệ thống hoạt động khá ổn định, phần mềm tiếng Việt dễ dùng. “Chi phí rẻ 30% so với hệ thống Inventia của Phần Lan trước đây công ty sử dụng”, ông Hà nói.

Tại Bệnh viện Việt Đức, Thu Cúc, Hồng Ngọc, Nhiệt đới TP HCM, Sản nhi Hải Phòng, Sản nhi Long An, bệnh viện quốc tế Thành Đô… ứng dụng hệ thống để kiểm soát nhiệt độ tủ vaccine, bảo quản bệnh phẩm và đảm bảo nhiệt độ phòng sạch.

Hệ thống đo mưa, đo mực nước và cảnh báo mưa bão, lũ lụt được lắp đặt tại Thủy điện Thác Bà, Bản Vẽ, Nậm Chiến, Thống Nhất… hay trạm quan trắc nước thải tại KĐT Tây Hồ Tây, KCN Nội Bài, KCN Thăng Long, KCN Đồng Văn…

TS Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Công nghệ và Bảo vệ môi trường đánh giá, ưu điểm của hệ thống quan trắc nước thải nhóm nghiên cứu là phần cứng tự sản xuất và viết phần mềm của data logger tương thích với quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là phần mềm mở, sẵn sàng nâng cấp khi có sự thay đổi. Data logger tương thích với hầu hết các sensor đo trên thế giới, có độ bền cao chịu được môi trường khắc nghiệt.

Hệ thống quan trắc nước thải cũng được tích hợp để truyền dữ liệu trực tiếp đến hệ thống giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ đó liền mạch hóa quy trình kiểm tra nước trên toàn quốc.

Mô hình hệ thống quan trắc nước thải

Mô hình hệ thống quan trắc nước thải

Không dừng ở việc thu thập dữ liệu, tác giả còn phát triển tính năng cảnh báo cho đội ngũ vận hành khi các tham số sắp vượt ngưỡng cho phép theo hai mức độ: warning (cảnh báo) và alarm (báo động). Tính năng cảnh báo sẽ được phát đi thông qua hệ thống đèn còi (cảnh báo gần) và thông qua tin nhắn, cuộc gọi, email, thông báo trên ứng dụng (cảnh báo xa).

Các hệ thống quan trắc và giám sát, cảnh báo sử dụng data logger cũng được thiết kế giải quyết bài toán của từng đơn vị. “Mỗi đơn vị đưa một yêu cầu riêng về hệ thống quan trắc. Tôi cố gắng thiết kế giải pháp riêng cho từng bên, đồng thời tích hợp các tính năng nổi trội để nâng cấp data logger dần qua từng phiên bản”.

Điểm hạn chế của các hệ thống quan trắc và giám sát của Việt Nam là hình thức chưa được bắt mắt và tinh gọn như các thiết bị nhập khẩu. Cảm biến (sensor) vẫn phải nhập từ nước ngoài. Ngoài ra, các hệ thống quan trắc chủ yếu mới dừng ở mức thu thập, lưu trữ và phân tích cơ bản dữ liệu. Kỹ sư Nguyễn Văn Tiến cho biết sẽ nghiên cứu phân tích dữ liệu chuyên sâu để hệ thống đưa ra dự báo thay vì chỉ cảnh báo đơn thuần như hiện nay.

Mai Ngọc

Phát hiện khoáng sản mới ở mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới

Các nhà địa chất học Trung Quốc phát hiện hai khoáng sản mới ở mỏ đất hiếm Bayan Obo, nâng số khoáng sản được ghi nhận tại đó lên 20.

Mỏ đất hiếm Bayan Obo ở khu tự trị Nội Mông. Ảnh: CFP

Mỏ đất hiếm Bayan Obo ở khu tự trị Nội Mông. Ảnh: CFP

Hai khoáng chất niobium – scandium mới có tên Oboniobite và Scandio – fluoro – eckermannite được phát hiện ở mỏ Bayan Obo tại khu tự trị Nội Mông. Phát hiện này là kết quả hợp tác giữa Viện địa chất học và địa vật lý thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS), Công ty liên đoàn thép Baotou Nội Mông, Viện nghiên cứu đất hiếm Baotou và Đại học Trung Nam, Interesting Engineering hôm 7/7 đưa tin. Li Xianhua, học giả ở CAS, đại diện cho Viện địa chất học và địa vật lý CAS, thông báo phát hiện. Hiệp hội khoáng vật học quốc tế xác nhận sự tồn tại của khoáng sản mới và thông qua tên gọi của chúng.

Cả niobium và scandium đều là kim loại chủ chốt cực kỳ hiếm gặp. Niobium chủ yếu được sử dụng trong các loại thép đặc biệt, vật liệu siêu dẫn và ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, trong khi scandium được dùng rộng rãi trong hợp kim nhôm – scandium và pin nhiên liệu oxit rắn. Theo Li, khoáng chất mới chứa nhiều nguyên tố giá trị, có ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực như vật liệu mới, năng lượng, công nghệ thông tin, quốc phòng và quân sự, giúp tăng cường phát triển kinh tế xã hội.

Li Xiao, tổng giám đốc Công ty liên đoàn thép Nội Mông, một nhà sản xuất thép lớn ở Trung Quốc, cho biết Bayan Obo có nguồn dự trữ khoáng sản dồi dào như sắt, niobium, scandium, thorium và fluorite. Từ năm 1959, 18 khoáng sản mới đã được phát hiện ở mỏ này. Oboniobite và Scandio – fluoro – eckermannite là khoáng sản thứ 19 và 20 tìm thấy tại đây.

Fan Hongrui, nhà nghiên cứu ở Viện địa chất và địa vật lý CAS, chia sẻ Oboniobite có màu từ nâu vàng tới nâu. Nó có dạng phiến dẹt với kích thước từ 20 đến 100 micromet (1 micromet bằng 0,001 milimet). Scandio – fluoro – eckermannite là khoáng chất chứa scandium đầu tiên phát hiện ở Trung Quốc, được đặt theo tên học giả Zhai Mingguo ở CAS để vinh danh đóng góp xuất sắc của ông trong nghiên cứu mỏ khoáng sản ở Trung Quốc. Khoáng sản có màu vàng nhạt hoặc xanh dương, hình trụ với kích thước lên tới 350 micromet.

An Khang (Theo Interesting Engineering/China Daily)