Bán sách giả còn ngang nhiên chạy quảng cáo

Mới đây, trên fanpage Facebook chính thức, Phanbook đã cảnh báo sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” do đơn vị này liên kết xuất bản bị làm giả và bán công khai trên MXH.

sach gia anh 1

Phanbook cho biết rằng trang Facebook Giang Book đang rao bán nhiều ấn bản làm giả sách do Phanbook liên kết xuất bản.

Cụ thể, bài đăng trên trang Facebook chính thức Phanbook cho biết bản làm giả sách Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ do đơn vị này liên kết với Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành bị rao bán công khai trên trang Giang Book.

Trong các hình ảnh đối chiếu, Phanbook chỉ rõ những khác biệt của sách thật và sách giả: sách thật có bìa tay gấp, cững cáp, màu nền trắng ngà, chữ in mặt sau rõ nét trong khi sách giả không có bìa tay gấp, bìa trắng sáng, chữ in mặt sau mờ nhòe; bìa tay gấp trong sách thật có thông tin kèm hình ảnh in màu của tác giả; sách thật có giá bìa công khai ở mặt sau còn sách giả không có.

  • sach gia anh 2

Một số đặc điểm phân biệt sách thật – sách giả trong bài đăng của Phan Book.

Qua các dấu hiệu nhận biết này, độc giả nếu cầm trực tiếp và chú ý thì hoàn toàn có thể phân biệt sách thật – sách giả. Tuy nhiên, người bán hàng là một người bán trên mạng xã hội, dễ dàng lấy hình ảnh sách thật hoặc chụp sách giả thì nhìn qua cũng khó lòng phân biệt được qua ảnh.

Trong bài đăng, Phanbook cũng chia sẻ hình ảnh đoạn trao đổi đặt hàng với Facebook Giang Book.

Trả lời Tri Thức – ZNews, đại diện Phanbook cho biết để “nghi vấn” đến “phát hiện” sách giả thì không khó, vì đơn vị kia ngang nhiên chạy quảng cáo các đầu sách in lậu, bán với giá thấp hơn hẳn giá bìa (cụ thể Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ bán với giá 199.000 đồng so với giá bìa sách thật 298.000 đồng). Trong vai khách hàng, đại diện Phanbook mua được sách và đối chiếu chất lượng, chất liệu và kỹ thuật in ấn, phát hiện và khẳng định đây đúng là sách giả.

Ngoài cuốn sách kể trên, Phanbook cũng cảnh báo 3 tựa sách khác của đơn vị này bị làm giả và bán trên trang Giang Book là Bí mật nhà bếp (Athony Bourdain), Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn (Jason Michael Gibbs), Kinh tế học Phật giáo (Kai Rowhardt). Theo đại diện Phanbook, do nhà bán đã cảnh giác hơn nên hiện đơn vị chưa có được bản sách in lậu của 3 cuốn trên.

Vị này cũng cho biết rằng Phanbook đang tiến hành xác minh thêm một số chứng cứ, thu thập thêm thông tin để phối hợp với đối tác bản quyền quốc tế; từ đây thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng. Hành động này nhằm bảo vệ quyền lợi kinh doanh hợp pháp; góp tiếng nói truyền thông bảo vệ môi trường văn hóa sở hữu trí tuệ lành mạnh.

Song trên hết, đơn vị kỳ vọng độc giả sớm nhận được thông tin để chọn lựa sách thật, có bản quyền, tránh mua phải sách lậu, kém chất lượng qua trang của nhà bán Giang Book và một số nhà bán tương tự. Vị đại diện khẳng định: “Cần tẩy chay và loại khỏi thị trường những trang bán sách vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật, chà đạp văn hóa bản quyền và phản bội khách hàng của mình”.

Thời gian qua, nhiều đơn vị phát hành cũng lên tiếng trên mạng xã hội về việc sách do đơn vị mình phát hành bị làm giả, đồng thời hướng dẫn độc giả cách phân biệt sách thật, sách giả. Đơn cử có trường hợp các cuốn sách Văn minh trà ViệtThư cho em72 bí kíp cho thị trường chứng khoán Việt Nam bị làm giả. Độc giả nên lựa chọn mua sách ở những nhà bán uy tín và “bỏ túi” những mẹo phân biệt sách thật – sách giả cơ bản để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tâm Anh

Đường hầm dưới nước được xây như thế nào?

Theo thời gian, các kỹ sư đã phát triển nhiều phương pháp xây dựng đường hầm giúp quá trình xây dựng tiết kiệm nhân lực và an toàn hơn.

Đường hầm Old Elbe bên dưới sông Elbe ở thành phố Đức Hamburg. Ảnh: Wellknownwoody

Đường hầm Old Elbe bên dưới sông Elbe ở thành phố Đức Hamburg. Ảnh: Wellknownwoody

Khiên đào đường hầm

Đường hầm dưới nước vẫn là một thách thức cho tới năm 1818 kỹ sư người Anh – Pháp Marc Isambard Brunel sau khi theo dõi lớp vỏ ngoài của con hà cho phép nó đục xuyên qua lớp gỗ, Brunel áp dụng quy tắc và tăng kích thước thành khiên đào đường hầm.

Trong trường hợp này, đây là một khoang đúc bằng gang hình chữ nhật khổng lồ với mặt khiên tỳ lên thành đất và mở ra đều đặn để công nhân có thể đào lớp đất mềm bên ngoài. Mặt khiên sau đó sẽ đẩy về phía trước bằng kích vít và quá trình lặp lại. Lớp vỏ bảo vệ của đường hầm được xây bằng gạch ở khoảng trống mới đục đẽo phía sau. Phương pháp này dẫn tới sự ra đời của đường hầm dưới nước đầu tiên xây dưới sông Thames ở London, hoàn thành năm 1842. Những đường hầm sau đó dưới sông Thames cải tiến phương pháp thông qua điều áp không khí ở mặt trước khiên để ngăn ngập lụt trong lúc xây dựng.

Ngày nay, khiên đào hầm vẫn được sử dụng, nhưng thay có hình trụ và thường sản xuất từ thép. Thép cũng được dùng để tạo những vòng đỡ cho đường hầm. Những biến thể hiện đại cũng tận dụng kích thủy lực để đẩy mặt khiên về phía trước. Nhưng khi cỗ máy không di chuyển, có thể tiếp cận khu vực ở mặt trước khiên thông qua một cánh cửa. Nhằm bảo vệ công nhân làm việc bên trong, mặt khiên cũng có nắp che chắn.

Máy đào hầm

Đào xuyên qua lớp đá dưới nước là thách thức hoàn toàn khác. Đó là khi công nghệ hiện đại cách mạng hóa xây dựng dưới dạng máy đào hầm (TBM), cỗ máy giúp xây đường hầm eo biển Manche. TMB có chức năng tương tự khiên đào hầm nhưng trong trường hợp này, thay vì sức người, một đầu cắt xoay tròn được sử dụng để đào qua lớp đá phía trước. Cỗ máy làm vậy bằng cách gây áp lực lên lớp đá, khiến nó nứt ra. Thay vì cần con người di chuyển mảnh vụn khỏi đường đi, đá nứt vỡ được chuyển đi bằng băng chuyền. Tổng cộng 11 cỗ máy TMB được dùng để đào 3 đường hầm dài 56,3 km tại độ sâu 45 m bên dưới đáy biển.

Đường hầm dạng ống chìm

Với những phương pháp trước, thành đường hầm được xây trong quá trình đào. Tuy nhiên, kỹ sư người Mỹ W.J. Wilgus đã phát triển kỹ thuật xây đường hầm ống chìm. Phương pháp này bao gồm tạo ra đường hầm từ nhiều đoạn ống đúc sẵn ở nơi khác, sau đó nạo vét đường rãnh ở lòng sông hoặc đáy biển để đặt đường hầm. Các đoạn ống được thả nổi và nhấn chìm vào vị trí, sau đó rút hết nước trong ống. Vật liệu đã đào được phủ lên đường hầm để chôn vùi công trình và khôi phục lại đáy biển.

An Khang (Theo IFL Science)

Thủ tướng mong nhà khoa học ở nước ngoài góp sức xây dựng Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, bày tỏ mong muốn các nhà khoa học Việt ở nước ngoài góp sức phát triển đất nước.

“Hàn Quốc là nước có nền khoa học phát triển nên cần tạo kênh thông tin để kết nối, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ từ Hàn Quốc về Việt Nam”, ông Đào Tuấn Hùng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc, phát biểu trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc tối 30/6.

Ông Hùng đề xuất Việt Nam xây dựng bộ phận hợp tác nghiên cứu và ưu tiên đề tài nghiên cứu từ nhu cầu của doanh nghiệp. Ông cũng mong muốn có quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, hoạt động như quỹ đầu tư mạo hiểm, do chính phủ tài trợ và một phần xã hội hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ kiều bào tối 30/6. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ kiều bào tại Hàn Quốc tối 30/6. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Nguyễn Quang Phước, Chủ tịch mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết mạng lưới có 89 thành viên là nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại các trường đại học, tập đoàn Hàn Quốc, mong muốn được hỗ trợ khoa học công nghệ cho nước nhà. “Chúng tôi muốn hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo, cố vấn doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp tại Hàn Quốc”, ông nói.

Đại diện mạng lưới, TS Nguyễn Thành Tiến cho rằng Việt Nam cần học hỏi Hàn Quốc về thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường xây dựng chính sách thúc đẩy nghiên cứu giữa nhà khoa học trong nước và nhóm trí thức, nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài.

GS Phạm Đình Lâm cũng đồng tình thiết lập cơ chế nhà khoa học Việt ở khắp nơi trên thế giới cùng tham gia nghiên cứu để giải quyết các vấn đề ở trong nước. “Tôi đề xuất xây dựng cổng nghiên cứu sáng tạo quốc gia. Khi các vấn đề của đoàn hội đưa lên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sẽ cùng lựa chọn để tìm cách giải quyết, với sự động viên, khuyến khích của chính phủ”, GS Lâm đề xuất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông rất mong mỏi tri thức, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài góp sức xây dựng đất nước và đề nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nói rõ hơn nội dung này.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời các đề xuất của kiều bào. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời các đề xuất của kiều bào. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết Bộ đang đề nghị xây dựng nghị định riêng về đổi mới sáng tạo, cũng như rà soát các vướng mắc, khó khăn trong ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

“Chúng tôi đang sửa luật Khoa học Công nghệ theo hướng phải chấp nhận rủi ro và có độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu có thể thành công hoặc thất bại, không thể ứng dụng ngay lập tức mà có thể cần thời gian”, ông nói, cho biết luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi theo hướng giao cho đơn vị chủ trì, nhà khoa học nghiên cứu để thúc đẩy thương mại hóa.

Ngoài kinh phí thường xuyên của Nhà nước bố trí hàng năm cho nhà khoa học, Việt Nam còn có quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ các nhóm nghiên cứu. Bộ hướng tới xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh để họ hợp tác với các nhóm nghiên cứu tương ứng ở nước ngoài.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án 2395 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Kinh phí sẽ được cấp cho các nhóm nghiên cứu cả trong và ngoài nước để cùng tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề thực tiễn.

“Chúng tôi đang gửi thông tin về các trường để xây dựng nhóm nghiên cứu. Tôi rất muốn được kết nối với các nhà khoa học ở nước ngoài để phát triển công nghệ cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân tặng quà lưu niệm cho kiều bào tại Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân tặng quà lưu niệm cho kiều bào tại Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Quan điểm này đã được cụ thể hóa trong rất nhiều luật, gần đây nhất là các luật về đất đai, bất động sản, các tổ chức tín dụng… để tạo thuận lợi cho kiều bào về nước, đóng góp cho đất nước.

Theo lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhận được sự tôn trọng, khâm phục của nước sở tại; đồng thời luôn giữ được tình yêu quê hương, đất nước, giữ được bản sắc, văn hóa Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đã góp phần thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng bền chặt.

Hiện có khoảng 250.000 kiều bào Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc, trong đó có nhiều người sản xuất, kinh doanh giỏi, có các công trình khoa học và có đóng góp tích cực cho sở tại trên các mặt, được Hàn Quốc ghi nhận, đánh giá cao, theo Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân đang thăm chính thức Hàn Quốc theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân từ 30/6 đến 3/7. Thủ tướng dự kiến có hơn 30 hoạt động trong chuyến thăm, trong đó hơn một nửa tập trung vào lĩnh vực kinh tế, vốn là điểm sáng trong quan hệ Việt – Hàn.

Hoàng Thùy

Đề xuất xây 2 hồ trữ nước ngọt tại miền Tây

Các nhà khoa học đề xuất xây hai hồ chứa dung tích 1 tỷ và 1,5 tỷ m3 nước tại Đồng Tháp và Hậu Giang, cung cấp nước ngọt cho các tỉnh Tây Nam Bộ.

Thông tin được TS Võ Văn Hải, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM) nói tại hội thảo nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long tổ chức sáng 30/6.

Theo phương án được nhóm nghiên cứu gợi ý, vị trí xây hồ chứa tại Đồng Tháp đặt gần vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, diện tích xây dựng khoảng 27.000 ha, dung tích 1,5 tỷ m3 nước.

Theo nhóm nghiên cứu, hệ thống thủy lợi hiện có tại khu vực thuận lợi cho điều tiết dòng chảy mùa hạn, cung cấp nước cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre thông qua kênh liên tỉnh. Với phương án này, chi phí cho hồ chứa này khoảng 67.000 tỷ đồng, bao gồm xây dựng và giải phóng mặt bằng. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng gần 8.000 với gần 32.000 nhân khẩu. Theo TS Hải, với mật độ dân cư thấp 281 người mỗi km2, chi phí đền bù giải tỏa tái định cư không quá cao.

TS Võ Văn Hải trình bày đề án nghiên cứu tại hội nghị, sáng 30/6. Ảnh: Hà An

TS Võ Văn Hải trình bày đề án nghiên cứu tại hội nghị, sáng 30/6. Ảnh: Hà An

Hồ chứa thứ hai nằm gần khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) trên địa phận ba xã Phương Bình, Phương Phú, Tân Phước thuộc huyện Phụng Hiệp. Hồ chứa có dung tích 1 tỷ m3 với dân cư thưa thớt nên chi phí đền bù giải tỏa không quá cao. Tổng diện tích xây hồ dự kiến hơn 17.000 ha. Số hộ dân dự kiến di dời khoảng 11.700 với gần 47.000 nhân khẩu.Tổng mức đầu tư cho công trình khoảng 68.000 tỷ đồng.

Theo nhóm nghiên cứu, việc xây dựng hồ chứa sẽ giúp điều tiết nước cho các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần Kiên Giang, Cần Thơ thông qua hệ thống kênh rạch có sẵn.

TS Hải phân tích, các hồ chứa xây dựng gần các khu bảo tồn thiên nhiên với mục đích dùng nơi này dự trữ nước thông qua hệ sinh thái khu vực. Hai hồ cũng có chức năng cung cấp nước, phòng chống cháy rừng trong mùa khô hạn cho hai khu bảo tồn. “Chúng tôi không khai thác rừng làm hồ nước ngọt”, TS Hải nói.

PGS.TS Tô Văn Thanh, Viện phó Viện khoa học thủy lợi Miền Nam, đánh giá đây là công trình tâm huyết của nhà khoa học, tuy nhiên, thực tế xây dựng hồ chứa nước ở đồng bằng như Tây Nam Bộ có tính chất phức tạp hơn so với xây công trình tương tự ở vùng núi. Cụ thể, đó là kỹ thuật xây hồ trên nền đất yếu, phương thức phân phối nước, vấn đề bảo vệ môi trường…

Ông Thanh cho rằng, việc chuyển nước phục vụ cho sản xuất tại các hồ quy mô lớn cần có hệ thống trạm bơm công suất cao, làm các hệ thống cống bắc qua kênh… Khi xây dựng các công trình này ảnh hưởng đến giao thông, phát triển kinh tế, môi trường tại khu vực. Lãnh đạo viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho rằng với diện tích xây dựng lớn tại vùng đồng bằng ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, sinh kế người dân sau khi di dời nên cần tính toán kỹ.

PGS Thanh cho biết, từ nay đến 2030 ngành nông nghiệp đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng cho các giải pháp nước ngọt khu vực Tây Nam Bộ. Theo dự báo, nhu cầu nước ngọt cho khu vực này khoảng 18 – 22 tỷ m3, có thể tăng lên 25 tỷ m3 mỗi năm. Trong khi nguồn nước sông MeKong khoảng 475 tỷ m3, về cơ bản là không thiếu nước. Tuy nhiên cần đảm bảo các giải pháp quản lý, khai thác, phân bố nguồn nước từ nơi này sang nơi khác một cách hợp lý.

Hồ chứa nước ngọt dung tích 3,85 triệu m2 nước tại huyện U Minh, Cà Mau. Ảnh: An Minh

Hồ chứa nước ngọt dung tích 3,85 triệu m2 nước tại huyện U Minh, Cà Mau. Ảnh: An Minh

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội nước và môi trường TP HCM cho rằng, việc xây dựng hồ chứa nước gần các khu bảo tồn thiên nhiên cần cẩn trọng. Theo ông, Luật đa dạng sinh học, Luật lâm nghiệp quy định khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, thậm chí vùng đệm xung quanh cũng hạn chế can thiệp của con người. Ông cho rằng, việc xây dựng hồ chứa nước ngọt là giải pháp đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất nhưng cần xem xét nhiều khía cạnh khác nhau để đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, không làm tổn hại môi trường.

Tại hội thảo nhiều đại biểu đề xuất xây dựng phân tán các hồ chứa quy mô nhỏ, để giảm chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng và khả thi trong vấn đề vận chuyển nước.

GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM ghi nhận ý tưởng của nhóm tác giả đã tìm ra nguyên nhân, tính tác động và đưa ra giải pháp đối với vấn đề nước ngọt cho Tây Nam Bộ. GS Phước yêu cầu nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến phản biện để giải pháp có cơ sở triển khai khả thi hơn.

Góc độ chuyên môn, GS Phước cho rằng, việc xây dựng hồ chứa nước quy mô lớn hay nhỏ cần có các công cụ kỹ thuật, phân tích mô hình dòng chảy để chỉ ra chỗ nào thiếu nước làm cơ sở lựa chọn xây dựng công trình phù hợp. GS Phước đề xuất cơ quan chức năng cần có chính sách thúc đẩy các giải pháp quản lý tài nguyên nước mang tầm quốc gia, quốc tế.

Hà An

Tiến sĩ Việt chế biến hồng sâm Lai Châu

Từ sâm Lai Châu hữu cơ 5 tuổi được thu hái tại vườn sâm ở Sìn Hồ, Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng đã nghiên cứu chế biến thành hồng sâm dễ sử dụng và có tác dụng sinh học tốt hơn sâm tươi.

Theo Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng – Viện Nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam, sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus) được phát hiện từ năm 2013, đang được WFO (The world flora online) xác nhận là một thứ thực vật chính thức của sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha & Grushv.).

Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam báo cáo tại Hội thảo khoa học Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm. Ảnh:

Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam báo cáo tại Hội thảo khoa học “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm”. Ảnh: Vigh

Nhóm nghiên cứu của ông đã sử dụng hệ thống sắc ký lỏng cao áp kèm đầu dò tán xạ bay hơi (HPLC-ELSD) xác định hàm lượng trung bình hoạt chất chính MR2 trong các mẫu sâm Lai Châu. Kết quả đạt 4,24 ± 0,75%, có giá trị cao vượt trội so với quy định hiện nay của Dược điển Việt Nam. Điều này khẳng định giá trị làm thuốc đặc biệt của sâm Lai Châu.

Tuy nhiên, hiện nay sâm Lai Châu chủ yếu được sử dụng ở dạng tươi hoặc sấy khô, chưa có sản phẩm chế biến sâu. Nhận thấy tiềm năng lớn, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Tùng đã tập trung phát triển công nghệ chế biến hồng sâm Việt Nam, với kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho sâm Việt Nam, tương tự thành công của ngành sâm Hàn Quốc. Ông cho hay, hồng sâm là dạng chế biến phổ biến của sâm Hàn Quốc tuy nhiên cho đến nay các nghiên cứu chế biến Sâm Việt Nam vẫn đang dừng ở các nghiên cứu ở quy mô thí nghiệm mà chưa chưa có các nghiên cứu triển khai ứng dụng để tạo ra sản phẩm.

“Các nghiên cứu đã công bố trước đây trên sâm Việt Nam đã cho thấy quá trình chế biến thành hồng sâm giúp tăng thời gian bảo quản và cải thiện các tác dụng sinh học như tác dụng chống oxy hóa, hỗ trợ bảo vệ gan so với dạng chưa chế biến”, Tiến sĩ Tùng cho biết.

Quá trình nghiên cứu và chế biến hồng sâm Lai Châu của nhóm nghiên cứu đã phát hiện một đặc điểm độc đáo của hồng sâm Việt Nam. Theo đó, sau quá trình chế biến, các ginsenoside trong hồng sâm Việt Nam có sự biến đổi tương tự như hồng sâm Hàn Quốc, theo hướng cắt giảm bớt cấu trúc của các phân tử cồng kềnh G-Rb1, -Rd, -Rg1, để hình thành các ginsenoside nhỏ gọn, kém phân cực hơn. Điều này làm tăng cường tác dụng của các ginsenoside này, tương tự như hiệu ứng quan sát được ở hồng sâm Hàn Quốc.

Trong khi đó, các hợp chất ocotilol, đặc biệt là hoạt chất MR2 quý giá trong sâm Việt Nam, vẫn được bảo toàn nguyên vẹn sau quá trình chế biến thành hồng sâm. Nhờ đó, hồng sâm Việt Nam không chỉ mang lại những lợi ích tương tự hồng sâm Hàn Quốc mà còn giữ được những đặc tính dược lý quý giá riêng biệt của sâm Việt Nam.

Sự biến đổi các thành phần hoạt chất trong quá trình chế biến hồng sâm Lai Châu. Ảnh:

Sự biến đổi các thành phần hoạt chất trong quá trình chế biến hồng sâm Lai Châu. Ảnh: Vigh

Nói về thách thức, khó khăn trong quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ Tùng cho biết, việc chế biến Hồng sâm Việt Nam trong sản xuất không thể chỉ áp dụng một cách máy móc theo các phương pháp đã được áp dụng trên Hồng sâm Hàn Quốc mà cần các nghiên cứu để giải quyết hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất là giảm vị đắng của sâm Việt Nam nhưng vẫn giữ nguyên được thành phần hoạt chất chính là các ginsenosid đặc biệt là thành phần chính majenosid R2. Thứ hai là tối ưu hóa quy trình chế biến để đạt được sự biến đổi tối ưu về thể chất sâm chế biến và thành phần các saponin trong sâm.

Quá trình này đòi hỏi sự tìm tòi thử nghiệm nhiều lần trong nhiều tháng để đạt kết quả tốt nhất. Ông đã phát triển một quy trình sơ chế đặc biệt để loại bỏ các tạp chất gây vị đắng gắt, chỉ giữ lại vị đắng thanh đặc trưng của hoạt chất MR2. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng MR2 trong hồng sâm vẫn được giữ nguyên ở mức xấp xỉ 4%, tương đương với trước khi chế biến.

Tiến sĩ Tùng (đứng vị trí nào) và nhóm nghiên cứu tại vườn Sâm hữu cơ Thái Minh Farm tại Sìn Hồ, Lai Châu

Tiến sĩ Tùng (áo trắng ở giữa) và nhóm nghiên cứu tại vườn Sâm hữu cơ Thái Minh Farm tại Sìn Hồ, Lai Châu. Ảnh: Vigh

Hiện quy trình công nghệ chế biến Hồng sâm Lai Châu đã được ứng dụng tại nhà máy Thái Minh Hi-tech và được thương mại hóa bằng sản phẩm hộp Hồng sâm Lai Châu đã có mặt trên thị trường. Cũng tại lễ hội “Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế” tại TP HCM vừa qua, sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận và có phản hồi tích cực về hương vị, cách dùng.

Khách hàng thưởng thức Hồng sâm Lai Châu. Ảnh:

Khách hàng thưởng thức Hồng sâm Lai Châu. Ảnh: Vigh

Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Sâm và dược liệu Việt Nam, Phó trưởng phụ trách bộ môn Dược liệu – Dược học cổ truyền Đại học Phenikaa. Ông tốt nghiệp đại học và Thạc sĩ ngành Dược tại trường Đại học Dược Hà Nội. Ông hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành Dược liệu tại khoa Dược, Trường Đại học Quốc Gia Seoul. Ông đã công bố 36 bài báo khoa học trong nước trong lĩnh vực Dược liệu. Ông cũng là chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp.

Thế Đan

Quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới

Quả bom Gadget là một khối cầu với lõi bằng plutonium, được nâng lên đỉnh tháp cao 30 m trong vụ nổ thử nghiệm Trinity nổi tiếng.

Gadget, quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Rare Historical Photos

Gadget, quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Rare Historical Photos

Vụ thử hạt nhân đầu tiên trên thế giới có mật danh là Trinity. Ngày diễn ra cuộc thử nghiệm Trinity, 16/7/1945, thường được coi là ngày bắt đầu Thời đại Nguyên tử. Quả bom nguyên tử trong vụ nổ mang tên Gadget, được tạo ra trong dự án Manhattan của Mỹ nhằm phát triển vũ khí hạt nhân.

Gadget là một thiết bị plutonium dạng nổ có thiết kế tương tự quả bom Fat Man dùng trong vụ đánh bom nguyên tử ở Nagasaki, Nhật Bản, vài tuần sau thử nghiệm Trinity. Hai quả bom chỉ có một số khác biệt nhỏ. Điểm khác biệt rõ ràng nhất là về ngòi nổ và vỏ ngoài.

Gadget là thiết bị nổ sập (implosion) hình cầu, gồm 32 “thấu kính” hình lục giác hoặc ngũ giác làm từ hai loại thuốc nổ mạnh khác nhau. Những thấu kính này bao quanh một khối cầu plutonium ở trung tâm của Gadget. Các kíp nổ đặc biệt được thiết kế để kích hoạt các thấu kính nổ với thời gian đồng bộ hoàn hảo, dồn ép khối plutonium ở trung tâm nhằm gây ra một vụ nổ nguyên tử. Tại trung tâm của Gadget, sóng xung kích hội tụ tạo ra áp suất lớn gấp 500.000 lần áp suất không khí trên bề mặt Trái Đất.

Quá trình lắp ráp Gadget bắt đầu vào ngày 13/7/1945 tại trang trại McDonald Ranch House, bang New Mexico, Mỹ. Sau khi ngòi nổ polonium-beryllium được ráp lại, nhà vật lý Louis Slotin đặt nó vào trong hai bán cầu của lõi plutonium. Tiếp theo, chuyên gia kim loại Cyril Smith đặt lõi plutonium vào trong một ống trụ bằng uranium. Các khe hở của ống trụ được bịt bằng lá vàng 0,013 mm và hai nửa ống trụ được ráp lại bằng vòng đệm uranium và ốc vít.

Để thử nghiệm, Gadget được đưa lên đỉnh tháp cao 30 m. Ảnh: Rare Historical Photos

Để thử nghiệm, Gadget được đưa lên đỉnh tháp cao 30 m. Ảnh: Rare Historical Photos

Sau khi Gadget hoàn thiện, nhóm dự án Manhattan đưa quả bom đến chân tháp thử nghiệm. Quả bom được nâng lên đỉnh tháp cao 30 m. Một số người lo ngại rằng vụ thử nghiệm Trinity có thể thiêu đốt khí quyển Trái Đất, xóa sổ toàn bộ sự sống trên hành tinh, dù các tính toán cho thấy điều này không thể xảy ra kể cả với những thiết bị vượt xa quả bom thời đó. Những ước tính dè dặt hơn cho rằng bang New Mexico sẽ bị thiêu hủy. Sức mạnh của Gadget dự kiến nằm trong khoảng từ 0 (nếu không hoạt động) đến 20 nghìn tấn thuốc nổ TNT.

05h29 ngày 16/7/1945 giờ địa phương, Gadget nổ tung, để lại một hố thủy tinh phóng xạ sâu 3 m và rộng 340 m giữa sa mạc. Vào thời điểm nổ, những ngọn núi xung quanh được chiếu sáng “sáng hơn ban ngày” trong 1 – 2 giây, sức nóng được báo cáo là “nóng như lò nướng”. Màu sắc ánh sáng phát ra thay đổi từ tím đến xanh lục, cuối cùng là trắng.

Vụ nổ Trinity, 16 mili giây sau khi kích hoạt. Điểm cao nhất của bán cầu cao khoảng 200 m. Ảnh: Rare Historical Photos

Vụ nổ Trinity, 16 mili giây sau khi kích hoạt. Điểm cao nhất của bán cầu cao khoảng 200 m. Ảnh: Rare Historical Photos

Tiếng gầm của sóng xung kích mất 40 giây để chạm đến những người quan sát. Sóng xung kích có thể được cảm nhận ở khoảng cách xa tới hơn 160 km và đám mây hình nấm đạt độ cao 12,1 km.

Cảm giác phấn khích ban đầu khi chứng kiến vụ nổ qua đi, chỉ huy vụ thử nghiệm Kenneth Bainbridge nói với nhà vật lý lý thuyết J. Robert Oppenheime, thành viên nhóm dự án Manhattan: “Bây giờ tất cả chúng ta đều là những kẻ khốn nạn”. Oppenheimer sau đó chia sẻ, khi theo dõi cuộc thử nghiệm, ông nhớ đến một câu trong Bhagavad Gita, một cuốn kinh của đạo Hindu: “Giờ ta đã trở thành Thần Chết, kẻ hủy diệt thế giới”.

Thu Thảo (Theo Rare Historical Photos)

Mở cổng đăng ký Giải bình chọn sản phẩm ứng dụng AI 2024

AI Awards 2024 bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký từ ngày 1/7, vinh danh các sản phẩm, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nổi bật trong doanh nghiệp và cuộc sống.

Giải thưởng bình chọn Sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo 2024 (AI Awards 2024) do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa – Viện – Trường Công nghệ thông tin -Truyền thông (FISU). Cuộc thi nhằm trong nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN 2024).

AI Awards 2024 hướng tới mọi tổ chức, doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu tại các Viện, trường có sản phẩm/giải pháp/nền tảng ứng dụng công nghệ AI tại Việt Nam. Các giải pháp/sản phẩm này được giới thiệu trong năm 2022-2024 tại thị trường Việt Nam, hướng tới thúc đẩy hiệu quả cho doanh nghiệp và cho người sử dụng. Các dự án cần thể hiện tính sáng tạo, độc đáo trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đồng thời có tính khác biệt, ưu việt so với các sản phẩm tương tự trên thị trường.

Ban tổ chức chấp nhận sản phẩm đã tham dự các giải thưởng khác (bao gồm các giải pháp/sản phẩm đã hoặc chưa đoạt giải), có hoặc chưa có chứng nhận sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên tác phẩm trong quá trình tham dự cuộc thi này sẽ không được đồng thời tham dự cuộc thi khác có cùng hoặc tương tự về nội dung, tính chất.

Các nhóm dự thi sẽ có 22 ngày ứng cử các giải pháp, sản phẩm. Sau đó cuộc thi sẽ trải qua các vòng gồm: xét duyệt, bình chọn và chung kết.

Ở vòng bình chọn, độc giả VnExpress sẽ bình chọn sản phẩm/giải pháp yêu thích và đánh giá cao. Điểm vào chung kết sẽ dựa trên 40% bình chọn của độc giả VnExpress và 60% điểm đánh giá của Hội đồng giám khảo.

Tại vòng chung kết, các tác giả sẽ thuyết trình trước Hội đồng giám khảo, điểm chung cuộc sẽ bao gồm 80% điểm đánh giá của Hội đồng giám khảo và 20% bình chọn của độc giả VnExpress.

Lễ trao giải sẽ diễn ra trong Ngày hội AI4VN, dự kiến vào tháng 8. Chủ nhân giải thưởng sẽ nhận các lợi ích truyền thông trên Báo VnExpress trị giá 100.000.000 VNĐ, được kết nối tới các đối tác quan tâm để ứng dụng, mở rộng thị trường, kinh doanh sản phẩm.

>>> Nộp bài dự thi tại đây

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN) dự kiến tổ chức vào ngày 23/8 tại Hà Nội, có chủ đề “Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh” (Unlock the power of Generative AI). Ngày hội hướng mục tiêu cung cấp bức tranh toàn cảnh từ góc nhìn ứng dụng, sự hưởng ứng của doanh nghiệp trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Chương trình gồm các hoạt động: AI Summit, AI Workshop, AI Expo, AI Awards, AI Hackathon.

AI Summit là diễn đàn chính, với sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng sẽ tái hiện bức tranh thực tế, những cơ hội, thách thức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành, lĩnh vực y tế, tài chính ngân hàng, giáo dục, giao thông, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, văn hóa – giải trí. Thông qua đó kiến nghị giải pháp và định hướng góp phần kiến tạo động lực, phát triển hệ sinh thái AI.

AI Workshop là các phiên thảo luận bên lề sự kiện có sự góp mặt các diễn giả và chuyên gia AI. Đây là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp cho những thách thức hiện tại và tối đa hóa lợi ích của các công nghệ AI. Các chủ đề sẽ thảo luận gồm: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam; Nỗi lo AI thông minh hơn con người hay Phát triển các tiêu chuẩn về trí tuệ nhân tạo.

AI Expo mang đến cơ hội trải nghiệm các sản phẩm, sáng chế, phát minh trí tuệ nhân tạo đa lĩnh vực như y tế, tài chính ngân hàng, giáo dục, giao thông, tài nguyên môi trường, nông nghiệp.

AI Hackathon, là cuộc thi chuyên môn, đưa ra đầu bài để cộng đồng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam cùng giải bài toán cụ thể của doanh nghiệp. Cuộc thi cũng hướng thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, ươm mầm và phát triển các kỹ năng và kiến thức về AI.

AI Awards là Giải thưởng bình chọn Sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo sẽ vinh danh sản phẩm, giải pháp ứng dụng AI nổi bật trong doanh nghiệp và cuộc sống.

Loạt giải pháp đồng độ cho nhà thông minh, từ camera an ninh cho đến hệ thống đèn chiếu sáng, thiết bị IoT, được hỗ trợ điều khiển giọng nói bằng tiếng Việt do FPT phát triển tại triển lãm AI Expo 2023. Ảnh: Thanh Tùng

Loạt giải pháp đồng độ cho nhà thông minh, từ camera an ninh cho đến hệ thống đèn chiếu sáng, thiết bị IoT, được hỗ trợ điều khiển giọng nói bằng tiếng Việt do FPT phát triển tại triển lãm AI Expo 2023. Ảnh: Thanh Tùng

Sau 6 năm triển khai, AI4VN đã trở thành sự kiện khoa học tin cậy, thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan ban hành chính sách, quản lý, tập đoàn công nghệ, đơn vị nghiên cứu, trường đại học… cùng chung tay thúc đẩy phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. AI4VN thu hút gần 13.000 người tham gia, gần 200 diễn giả cùng bàn thảo nhằm phát triển hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam.

Phát biểu tại AI4VN 2023, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao vai trò kết nối của AI4VN, giúp nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học cả trong và ngoài nước xích lại gần nhau. “Chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều sản phẩm được giới thiệu tại sự kiện sẽ sớm kết nối với cộng đồng, ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

>>> Xem thông tin sự kiện tại đây

Như Quỳnh

Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và nhận lời mời của Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Liên bang Đức (BMBF), Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức từ ngày 24-29/6/2024 nhằm trao đổi thông tin, tăng cường, thúc đẩy các hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

CHLB Đức – Đối tác chiến lược của Việt Nam trong hợp tác KH,CN&ĐMST

Trọng tâm của chuyến thăm và làm việc chính thức tại CHLB Đức lần này là Khoá họp lần thứ 3 Ủy ban hợp tác KH&CN giữa Bộ KH&CN Việt Nam và BMBF diễn ra tại Berlin ngày 27/6/2024. Khoá họp được tổ chức hai năm một lần nhằm cập nhật các chính sách phát triển KH,CN&ĐMST của Việt Nam và CHLB Đức, nhìn lại những kết quả mà hai bên đã đạt được kể từ Khoá họp trước và cùng thảo luận phương hướng, kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.

Tham dự Khoá họp, về phía CHLB Đức có Quốc vụ khanh BMBF Jens Brandenburg. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh; cùng đại diện các đơn vị chức năng của hai bộ và đại diện các nhà khoa học Việt Nam và CHLB Đức.

Phát biểu tại Khoá họp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, viện nghiên cứu trong việc thực hiện kết luận của kỳ họp lần thứ hai, trong đó có Chương trình quản lý và cảnh báo thiên tai khắc nghiệt tại các đô thị của Việt Nam và Đức đã được triển khai. Bộ trưởng cho biết, hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong các giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN. CHLB Đức đã và sẽ luôn là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong hợp tác về KH,CN&ĐMST. Tại cuộc họp, đoàn công tác của Bộ KH&CN Việt Nam đã chia sẻ những thông tin cập nhật về Chiến lược quốc gia phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Định hướng chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Khóa họp lần thứ 3 Ủy ban hợp tác KH&CN giữa Bộ KH&CN Việt Nam và BMBF tại Berlin.

Quốc vụ khanh BMBF Jens Brandenburg nhấn mạnh, khoa học và nghiên cứu đóng góp cơ bản cho khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của CHLB Đức. Do đó, CHLB Đức đã điều chỉnh các điều kiện khuôn khổ để bảo vệ tốt hơn cho khoa học và thúc đẩy hợp tác. Ông cũng cho rằng, ngoài những thách thức do sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu mà thế giới đã chứng kiến trong những năm qua, trí tuệ nhân tạo với những tác động sâu rộng của công nghệ này cũng đang đòi hỏi phải có cách suy nghĩ và hành động mới. Đó là lý do tại sao Chính phủ CHLB Đức – trong đó BMBF giữ vai trò chủ đạo, đã công bố “Chiến lược nghiên cứu và đổi mới trong tương lai” vào tháng 12/2023, trong đó tổng hợp, điều phối và xác định các mục tiêu ưu tiên và cột mốc liên ngành của chính sách nghiên cứu và đổi mới trong những năm tới. Ông Brandenburg nhận định rằng, CHLB Đức và Việt Nam đã hợp tác thành công về KH&CN trong nhiều năm qua. Các nhà nghiên cứu làm việc cùng nhau trong nhiều lĩnh vực: Phát triển đô thị bền vững, quản lý đất đai, hiệu quả và công nghệ nguyên liệu thô, thích ứng với biến đổi khí hậu và kinh tế sinh học. Trong thời gian gần đây, hai bên cũng đã hợp tác sâu rộng về các chủ đề nước, công nghệ môi trường và nghiên cứu sức khỏe. Đây là nền móng cho hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Việt Nam và CHLB Đức trong tương lai. Ông cũng đề nghị hai bên sẽ cùng nhau đối thoại với các nhà khoa học để phát triển và cải thiện hơn nữa các điều kiện khuôn khổ cho các dự án hợp tác song phương.

Các đại biểu Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các chương trình và sáng kiến của CHLB Đức về phát triển bền vững các khu đô thị (Chương trình SURE), lĩnh vực kinh tế sinh học, y học và biến đổi khí hậu. Hai bên đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ và đi đến thống nhất về các nội dung hợp tác cụ thể giữa hai bộ trong thời gian tới, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, sứ mệnh đề ra của Hiệp định hợp tác KH&CN giữa hai chính phủ năm 2015, góp phần thực hiện tốt các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước và đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới; giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, không chỉ riêng cho Việt Nam mà còn chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Nhiều tiềm năng hợp tác KH,CN&ĐMST giữa hai bên

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 25/6/2024, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã có buổi làm việc với GS.TS Manfred Bayer – Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Dortmund. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã được GS.TS. Manfred Bayer giới thiệu tổng quan về Trường với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, những dự án hợp tác nghiên cứu chung nổi bật giữa các nhà khoa học của Đại học Tổng hợp Dortmund với các đối tác Việt Nam đồng thời chia sẻ thông tin hữu ích về tiềm năng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và CHLB Đức. Thông qua buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề xuất với GS. Manfred Bayer tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam xây dựng các đề xuất nghiên cứu trong trong lĩnh vực công nghệ thông tin; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công nghệ viễn thám, quản lý tài nguyên nước, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; Hợp tác toàn diện thông qua việc ký kết MOU với Trường Đại học Tổng hợp Dortmund nhằm đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các nhóm nghiên cứu giảng dạy; Phát triển các chương trình liên kết đào tạo; Tổ chức các chương trình trao đổi, giao lưu, khóa học thực tế cho đoàn cán bộ, quản lý, giảng viên, sinh viên giữa hai bên; Hợp tác xây dựng dự án nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực, đào tạo cán bộ và trao đổi sinh viên; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng; Ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong quy hoạch phát triển đô thị.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và đoàn công tác chụp ảnh kỉ niệm với GS.TS Manfred Bayer – Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Dortmund và các lãnh đạo của Trường.

Cùng ngày, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng thăm và làm việc với lãnh đạo Khu công nghệ thành phố Dortmund và Giám đốc Tập đoàn công nghệ tiên phong đa quốc gia WILO SE. Tại buổi làm việc với Tiến sỹ Joanna Stachnik – Phó Giám đốc Khu công nghệ kiêm giám đốc Khu công nghệ Y – Sinh thành phố Dortmund, Bộ trưởng và đoàn công tác đã có những trao đổi về công tác quản lý, vận hành, cơ chế hoạt động, chính sách đầu tư của Chính phủ CHLB Đức, Bang Nordrhein-Westfalen. Sau buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị sẽ tổ chức đoàn công tác sang trao đổi chuyên sâu để áp dụng các ưu thế hoạt động của Khu công nghệ thành phố Dortmund trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách hoạt động các khu công nghệ tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và đoàn công tác chụp ảnh kỉ niệm với Tiến sỹ Joanna Stachnik – Phó Giám đốc Khu công nghệ thành phố Dortmund kiêm giám đốc Khu công nghệ Y – Sinh thành phố Dortmund.

Tại Tập đoàn công nghệ tiên phong đa quốc gia WILO SE, sau khi được Ông Gero Boehmer , Giám đốc Quản trị và Quan hệ quốc tế của Tập đoàn WILO SE giới thiệu tổng quan thế mạnh về công nghệ của Tập đoàn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã bày tỏ mong muốn lãnh đạo Tập đoàn xem xét xây dựng nhà máy và mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng hydrogenxanh – giải pháp quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng. Đây được coi như một lộ trình đầu tư mở đường cho tương lai.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chụp ảnh kỉ niệm với Ông Gero Boehmer , Giám đốc Quản trị và Quan hệ quốc tế của Tập đoàn WILO SE – CHLB Đức.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và đoàn công tác chụp ảnh kỉ niệm với Ông Gero Boehmer , Giám đốc Quản trị và Quan hệ quốc tế của Tập đoàn WILO SE trước nhà máy thông minh của tập đoàn.

Sáng ngày 26/6/2024, Bộ trưởng và đoàn công tác đã có buổi thăm và làm việc với lãnh đạo trường Đại học Humboldt và thăm quan phòng thí nghiệm quang học và điện tử tại Trung tâm nghiên cứu IRIS Adlershof. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn tổ chức trao đổi học thuật, đưa các nghiên cứu viên Việt Nam sang học tập ngắn hạn trong thời gian 6 tháng tại Trung tâm nghiên cứu IRIS Adlershof và hi vọng trong thời gian tới, các nhà khoa học của Đại học Humboldt có thể phối hợp với các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam cùng trao đổi, xây dựng các đề xuất nghiên cứu chung thuộc các chương trình hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục CHLB Đức đồng cấp kinh phí.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và đoàn công tác đi thăm phòng thí nghiệm quang học và điện tử tại Trung tâm nghiên cứu IRIS Adlershof – Đại học Humboldt.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, chiều ngày 26/6/2024, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh đồng chủ trì buổi làm việc với các nhà khoa học, trí thức Việt Nam tại CHLB Đức. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và đoàn công tác đã lắng nghe những đề xuất chính sách, giải đáp thắc mắc của các nhà khoa học, tiến tới đẩy mạnh hợp tác KH&CN giữa hai nước. Bộ trưởng cũng mong muốn các nhà khoa học, trí thức Việt Nam tại CHLB Đức hướng về quê hương, đóng góp chất xám để góp phần thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo tại quê nhà.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà khoa học, trí thức Việt Nam tại CHLB Đức.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã có cuộc tiếp xúc nhanh với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen – ông Timon Gremmels tại Frankfurt, để trao đổi về những đề xuất hợp tác trong tương lai. Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực truyền thống như sử dụng hợp lý tài nguyên và phát triển bền vững, kinh tế sinh học và y tế, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề xuất Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen tạo điều kiện để hai bên có thể triển khai cụ thể một số nội dung như: Mở rộng quy mô, tăng cường hoạt động xây dựng năng lực và trao đổi học thuật; Hỗ trợ nghiên cứu nâng cao năng lực và đổi mới công nghệ, xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ hướng tới tăng trưởng xanh và trung hòa carbon; Hợp tác toàn diện thông qua việc ký kết Bản ghi nhớ với các trường đại học uy tín của bang Hessen; phát triển các chương trình liên kết đào tạo; hợp tác về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.

Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen phối hợp với Bộ KH&CN Việt Nam tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) tại CHLB Đức, nhằm giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hai quốc gia, hệ thống các chính sách thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mở rộng thị trường tại hai quốc gia.

Trong nhiều thập kỷ qua, hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và CHLB Đức liên tục phát triển, nổi bật là: Chương trình đối tác quốc tế về đổi mới sáng tạo bền vững, Chương trình y tế và phát triển đô thị bền vững, Chương trình kinh tế sinh học… tạo ra mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, cùng nhau giải quyết các vấn đề học thuật là thế mạnh của CHLB Đức và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen hỗ trợ Việt Nam tham gia hai chương trình nghiên cứu của Bang Hessen là LOEWE: hỗ trợ các trường đại học và tổ chức nghiên cứu nâng cao hơn nữa vị thế và thực hiện các mục tiêu chiến lược; thúc đẩy các dự án khoa học hợp tác xuất sắc, đặc biệt là mạng lưới chuyên sâu giữa khoa học, nghiên cứu phi đại học và công nghiệp với nguồn tài trợ hằng năm từ 70 đến 80 triệu Euro. Tiếp theo là chương trình Hesse Horizon với mục đích tăng cường sự tham gia của các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu Hessian trong chương trình khung của EU. Hessen Horizon hỗ trợ các trường đại học tiếp thu các dự án nghiên cứu ở cấp độ châu Âu. Ngoài ra, các nhà khoa học quốc tế xuất sắc có thể nộp đơn xin học bổng dựa trên chương trình tài trợ của EU.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt gặp mặt Ngài Timon Gremmels, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Hessen..

Chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại CHLB Đức đã góp phần khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Kết quả đạt được của chuyến thăm góp phần vào chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức, tiếp tục khẳng định CHLB Đức là đối tác hàng đầu của Việt Nam về hợp tác KH,CN&ĐMST, các chương trình hợp tác nghiên cứu chung trong nhiều lĩnh vực sẽ được hai bên trao đổi, đàm phán, tạo điều kiện cho các nhà khoa học hai nước cùng hợp tác nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khó khăn mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt cũng như là các vấn đề toàn cầu cần chung tay giải quyết.

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Nhà bác học Newton đã thay đổi lịch sử vật lý thế nào?

Ông đã đặt nền móng cho những thứ mà bây giờ chúng ta gọi là cơ học “cổ điển” hay đơn giản là cơ học “Newton”.

Vật lý là một trong những ngành khoa học cơ bản nhất, thực sự là một trong những nỗ lực quan trọng nhất của loài người. Chúng ta quan sát toàn bộ thế giới, và thấy nó đầy rẫy những điều mờ ám. Chúng là gì và làm sao để xử lý?

Có những vấn đề được đặt ra ngay từ khi loài người bắt đầu hỏi những câu hỏi. Thời Hy Lạp cổ đại, vật lý được cho là những nghiên cứu tổng quan về sự biến đổi và chuyển động, bao gồm cả vật chất sống và không sống.

Aristotle đã đưa ra vốn từ vựng về xu hướng, nguyên nhân và kết quả. Cách thức một thực thể di chuyển và thay đổi có thể được giải thích bằng cách xem xét những đặc tính bên trong và các ngoại lực tác động lên nó. Chẳng hạn, các vật điển hình về bản chất là đứng yên; để chúng chuyển động thì nhất thiết phải có tác động nào đó gây ra chuyển động.

Newton anh 1
Nguồn ảnh: BBC.

Tất cả những điều này đã thay đổi nhờ một người thông thái tên là Isaac Newton. Tác phẩm Principia Mathematica được ông công bố năm 1687 là công trình quan trọng bậc nhất trong toàn bộ chiều dài lịch sử vật lý. Chính ở đó, ông đã đặt nền móng cho những thứ mà bây giờ chúng ta gọi là cơ học “cổ điển” hay đơn giản là cơ học “Newton”.

Newton đã thổi bay những bàn tán mơ hồ về bản chất và kết quả, khám phá những điều ẩn sâu bên dưới: thể hiện qua hình thức toán học chặt chẽ và rõ ràng, mà biết bao thế hệ học trò vẫn khổ sở vì nó cho tới tận ngày nay.

Bất luận bạn có nhớ gì về các bài tập ở cấp ba hay đại học về con lắc và mặt phẳng nghiêng hay không thì những khái niệm của cơ học cổ điển cũng khá đơn giản. Hãy xem xét một vật thể, như hòn đá. Loại bỏ mọi thứ liên quan đến hòn đá mà nhà địa chất quan tâm, như màu sắc và thành phần cấu tạo. Bỏ qua khả năng cấu trúc hòn đá có thể thay đổi, chẳng hạn như nếu bạn dùng búa đập vỡ nó. Hạ hình ảnh tinh thần của bạn về hòn đá đến dạng đơn giản nhất: nó là một vật thể, có vị trí trong không gian, và vị trí đó thay đổi theo thời gian.

Cơ học cổ điển cho chúng ta biết chính xác vị trí của hòn đá thay đổi theo thời gian như thế nào. Cho tới nay, chúng ta đã rất quen thuộc với điều đó, vì thế thật đáng để suy ngẫm về mức độ ấn tượng của chúng. Newton không đưa ra những quan điểm mơ hồ về khuynh hướng của hòn đá khi nó chuyển động nhanh hơn hay chậm đi theo cách này hay cách khác.

Ông ấy cho chúng ta những quy tắc chính xác và không thể bị phá vỡ về cách thức mà mọi vật trong vũ trụ di chuyển trong mối tương quan với những vật còn lại – những quy tắc này có thể được sử dụng để bắt bóng chày hoặc hạ cánh các thiết bị thám hiểm trên bề mặt Hỏa tinh.

Đây là cách cơ học cổ điển hoạt động. Ở thời điểm bất kỳ, viên đá có vị trí và vận tốc, tốc độ mà nó chuyển động. Theo Newton, nếu không có lực nào tác động lên hòn đá, nó sẽ tiếp tục di chuyển theo quỹ đạo thẳng với vận tốc không đổi, mãi mãi. (Đây là sự khác biệt lớn so với quan điểm trước đó của Aristotle, người cho bạn biết rằng cần phải tác động một lực đẩy không đổi nếu muốn vật thể luôn chuyển động.)

Nếu một lực tác động lên hòn đá, nó sẽ được gia tốc – sự thay đổi trong vận tốc của hòn đá, khiến nó chuyển động nhanh hơn, hoặc chậm hơn, hoặc đơn thuần là thay đổi hướng chuyển động – tỷ lệ thuận với độ lớn của lực tác động.

Các chuyên gia Hàn Quốc bàn giải pháp để phát triển sâm Việt Nam

Xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao cần có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, hiện đại và tin cậy. Từ đó, tạo tiền đề cho nghiên cứu và phát triển sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia.

Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm” do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) tổ chức ngày 27/6/2024 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.


Toàn cảnh Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã đầu tư, quan tâm tới sâm Việt Nam, thể hiện qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, xây dựng các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, hỗ trợ kiểm chứng chất lượng sâm, cũng như hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm chất lượng sâm, chống hàng giả, hàng nhái, đưa sâm Việt Nam vào danh mục sảm phẩm quốc gia ưu tiên nghiên cứu phát triển…

Những năm gần đây, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Hàn Quốc, VKIST bước đầu thành công trong chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là hướng đến công nghệ chiết xuất dược liệu với hàm lượng cao. Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng thông qua Hội thảo, VKIST sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam, các địa phương với các nhà khoa học, viện nghiên cứu để đưa những công nghệ tốt nhất, bài học hữu ích nhất của sâm Hàn Quốc đến với sâm Việt Nam. Thông qua đó, tạo ra các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các dự án hợp tác sản xuất giữa Hàn Quốc và Việt Nam về sâm.

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.

Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST, sâm Việt Nam là loài đặc hữu, một dược liệu quý hiếm của đất nước đã được Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia từ năm 2017. Đây là một thuận lợi lớn cho việc phát triển những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho con người và những sản phẩm từ sâm Việt Nam có khả năng cạnh tranh tại trị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng dược lý tốt và không kém so với các loài sâm quý khác trên thế giới.

PGS.TS Vũ Đức Lợi cho biết, việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sâm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm đã được thực hiện và đưa vào dược điển các nước, trong đó có dược điển Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm ngày càng tăng, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ đòi hỏi việc xây dựng chất lượng sâm và sản phẩm từ sâm cũng phải thay đổi để kiểm soát hàm lượng hoạt chất, tăng độ chính xác. “Muốn sâm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các loài sâm khác trên thị trường cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, hiện đại và tin cậy”, ông Vũ Đức Lợi nhấn mạnh.


PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST phát biểu tại Hội thảo.

TS Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, cần thành lập Hiệp hội sâm Việt Nam ở quy mô quốc gia, đây sẽ là đơn vị đề xuất với bộ/ngành và Chính phủ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sâm và các sản phẩm từ sâm, từ đó sẽ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia, cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia về sâm Việt Nam.

 

TS Nguyễn Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Viện VKIST chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.

Bà Pyo Mi Kyung, Viện nghiên cứu Nhân sâm Geumsan, Hàn Quốc cho biết: Hàn Quốc có riêng Luật Công nghiệp nhân sâm, trong đó quy định tiêu chuẩn sản xuất nhân sâm, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn và quy cách sản phẩm, thực phẩm chức năng từ sâm…

Ngoài những quy định trong luật, còn có tiêu chuẩn địa phương, như vùng Geumsan đưa ra tiêu chuẩn riêng, chi tiết, chất lượng cao hơn so với tiêu chuẩn quốc gia.


Bà Pyo Mi Kyung thông tin chi tiết về tiêu chuẩn kiểm tra và chất lượng sản phẩm sâm Hàn Quốc.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp sâm của Hàn Quốc, GS Park Jeong Hill, Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc cho biết, tại Hàn Quốc có nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về nhân sâm (Korean Society of Ginseng – KSG), với khoảng 1.200 thành viên. KSG hỗ trợ 20-30 dự án nghiên cứu mỗi năm, tổng cộng 1-1,5 triệu USD/năm. Hằng năm, có hơn 600 công bố về nhân sâm Hàn Quốc được xuất bản. Trong đó, mỗi năm có khoảng 10 công bố về sâm Việt Nam, chiếm 2% so với sâm Hàn Quốc.


GS Jeong Hill Park, Đại học quốc gia Seoul chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm sâm.

GS. Park Jeong Hill khuyến nghị Việt Nam cần phát triển phương pháp trồng trọt chuẩn, bởi hiện nay phương pháp canh tác sâm Việt Nam chưa phát triển tốt, năng suất trên một đơn vị diện tích, số lượng trang trại và diện tích canh tác nhỏ.

Đồng quan điểm với các chuyên gia, TS Lê Quang Thảo, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay vấn đề chất lượng sâm của Việt Nam rất đáng quan tâm. Giá sâm Ngọc Linh hiện nay khoảng 200-300 triệu đồng/kg, trong khi đó giá sâm Lai Châu khoảng 80-100 triệu đồng/kg. Tam thất hoang (sâm vũ điệp) giống sâm Ngọc Linh về hình thái, còn sâm Lai Châu lại rất giống sâm Ngọc Linh cả về hình thái và thành phần hóa học. Vì vậy, nguy cơ làm giả rất cao trên thị trường và cần có phương pháp để phân biệt các loại sâm này cũng như các giải pháp để phát triển thương hiệu sâm Việt Nam trong thời gian tới.

 
Thứ trưởng Bùi Thế Duy (bìa phải) cùng các đại biểu tìm hiểu sản phẩm nghiên cứu giới thiệu tại sự kiện.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN