Thông qua Dự án “Quan hệ đối tác Hàn Quốc – Việt Nam vì tương lai thông qua nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo” (Dự án), Hàn Quốc mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh như: năng lực đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu…
Đó là chia sẻ của ông Yim Deok Soon, Trưởng đoàn khảo sát Dự án tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ngày 30/7/2024 tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi tiếp.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) là một trong những trụ cột quan trọng được Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Hàn Quốc ghi nhận trong Tuyên bố chung về quan hệ hợp tác, Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc và cũng là một trong những nội dung trọng tâm của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol vào tháng 6/2023.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã khẳng định, sẽ cung cấp khoản viện trợ ODA không hoàn lại 30 triệu USD cho Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển KH,CN&ĐMST, để triển khai Dự án quan trọng về quan hệ đối tác Hàn Quốc – Việt Nam vì tương lai thông qua nghiên cứu phát triển và ĐMST.
Trên cơ sở đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Bộ KH&CN Việt Nam đã tích cực triển khai nhiệm vụ này. Đây là lần thứ 2 KOICA tổ chức đoàn khảo sát với thành viên là các nhà khoa học và các nhà quản lý tới Việt Nam làm việc tại Bộ KH&CN và một số cơ quan nghiên cứu có liên quan.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tiếp và làm việc với ông Yim Deok Soon, Trưởng đoàn khảo sát Dự án.
Bộ trưởng ghi nhận những kết quả hai bên đã đạt được trong các chuyến khảo sát và đặc biệt kết quả của chuyến khảo sát lần 2 của Đoàn mang ý nghĩa quan trọng trong cách thức triển khai thực hiện của Dự án. Nội dung hai bên đã thống nhất là cơ sở quan trọng để triển khai, đẩy mạnh hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất trong thời gian tới.
Bộ trưởng cho rằng, hợp tác về KH,CN&ĐMST giữa hai cơ quan còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và mong rằng hai bên sẽ cùng xem xét khả năng mở rộng, thúc đẩy hợp tác hơn nữa với nội dung và phương thức phù hợp với điều kiện của mỗi bên, hy vọng kết quả của chuyến khảo sát lần này sẽ là căn cứ quan trọng để triển khai Dự án quan hệ đối tác Hàn Quốc – Việt Nam vì tương lai thông qua nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo tại Bộ KH&CN.
Ông Yim Deok Soon cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian tiếp Đoàn đồng thời cho biết, xu hướng các nước phát triển trên thế giới đều coi KH&CN là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước. Ông đánh giá Việt Nam có tiềm năng trong tương lai khi chứng kiến có nhiều du học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc học tập, trong đó có nhiều người đang làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Theo ông Yim Deok Soon, tại Việt Nam có nhiều nhà khoa học có năng lực làm việc tại các trường đại học, các viện nghiên cứu và có nhiều kết quả nghiên cứu về KH&CN. Tuy nhiên những kết quả này chưa được kết nối với những đơn vị có khả năng chuyển giao công nghệ cũng như thương mại hóa các kết quả.
Ông Yim Deok Soon mong muốn thông qua Dự án có thể chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc đối với Việt Nam trong một số lĩnh vực như: nâng cao năng lực đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu… Đặc biệt, có thể tạo kết nối giữa 2 khối nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Hiện KOICA và Bộ KH&CN đã tiến hành 5 buổi làm việc chung, tập trung vào cơ chế chính sách KH&CN của Việt Nam, Luật KH&CN, các hướng nghiên cứu ưu tiên, quy trình tuyển chọn – triển khai và quản lý các đề tài đề án nghiên cứu, quản lý kết quả dự án, quan hệ giữa Bộ KH&CN – Viện Nghiên cứu – Trường Đại học – Doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ (bản quyền), thương mại hóa kết quả nghiên cứu, cách thành lập và vận hành Ban quản lý dự án (PMC-HQ) và Đơn vị quản lý Dự án (PMU-Việt Nam).
Dự án được chia làm 3 hợp phần: Nghiên cứu chung R&D Việt Nam- Hàn Quốc; Nhân rộng và ứng dụng kết quả nghiên cứu; Đào tạo, nâng cao năng lực.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế