GS.Pierre Darriulat cùng các đồng nghiệp trẻ Việt Nam tại phòng thí nghiệm VATLY trong những ngày đầu thành lập.
Ảnh: Võ Văn Thuận
Bài phát biểu của GS. Pierre Darriulat nhân dịp buổi lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh 2016
Giải thưởng tôi vinh dự được nhận hôm nay quá uy tín so với đóng góp khiêm nhường của tôi cho sự phát triển khoa học cơ bản của đất nước. Tôi hiểu rằng giải thưởng này thể hiện thiện chí hơn là sự tôn vinh cho những thành tựu mà thực ra tôi còn chưa đạt được; đúng hơn đây là sự ghi nhận những nỗ lực tôi đã cống hiến, trong 16 năm qua, vì sự phát triển khoa học và những đổi mới trong văn hóa, cung cách làm việc để đáp ứng cho sự phát triển ấy. Phát triển văn hóa và giáo dục là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ của đất nước. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, phát triển văn hoá và giáo dục sẽ kéo theo sự phát triển ở những lĩnh vực khác. Phan Châu Trinh và những đồng chí của mình trong nhóm Ngũ Long cách đây một thế kỷ đã đấu tranh cho giải phóng văn hóa và giáo dục cho người Việt và coi đó là con đường tốt nhất hướng đến độc lập và tự do. Cho đến hôm nay tinh thần đó vẫn còn nguyên giá trị.
Đại học của chúng ta dựa trên mô hình những đại học ở các nước phát triển cách đây 50 năm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn là một đất nước phải vật lộn để phát triển sau nhiều thập kỷ chiến tranh và đói kém với những vết thương còn chưa lành. Chúng ta phải xem xét lại cần loại đại học nào để phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia. Chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến hướng nghiệp. Chúng ta cần phải làm rõ, để phát triển phải cần bao nhiêu công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư; và cần phân bổ tỉ lệ giữa các ngành nghề như thế nào: cần bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu y tá, bao nhiêu kiến trúc sư, bao nhiêu giáo viên và bao nhiêu nông dân. Ngày nay, rất nhiều sinh viên đại học phải lãng phí 4 đến 5 năm quý giá nhất cuộc đời mình để nghe những bài giảng mà chất lượng của nó cách xa hàng dặm so với những gì mà họ đáng được học. Trong nhiều lớp vật lý hạt nhân, những kiến thức lạc hậu mà tôi đã học cách đây 60 năm khi còn là sinh viên vẫn đang được giảng dạy. Trong hơn hai mươi năm qua, chúng ta vẫn chưa thể đào tạo ra được một nhóm các kỹ sư, nhà khoa học những người có thể làm chủ được việc xây dựng, vận hành, khai thác và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân mà chúng ta sẽ xây dựng trong tương lai.
Ngày nay, chúng ta đang đào tạo quá nhiều sinh viên cho các ngành dịch vụ như tiếp thị, ngân hàng, quản lý, những cái tên mỹ miều thường giấu đi sự thật rằng chúng là nguồn lao động giá rẻ của những nước đang phát triển phục vụ tiến trình toàn cầu hóa theo cơ chế kinh tế thị trường. Trước khi dạy tiếp thị, chúng ta nên dạy cách tạo ra những sản phẩm có thể cần tiếp thị; trước khi dạy quản lý, chúng ta nên dạy những kỹ năng mà sau này sẽ là đối tượng cho sự quản lý. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ tạo ra toàn là các nhà quản lý, và họ chẳng có đối tượng nào khác để quản lý ngoài chính bản thân mình.
Chúng ta đang tiêu tốn nhiều tiền của gửi con em mình đi học ở nước ngoài để kiếm những tấm bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Nhưng chúng ta lại rất hời hợt trong việc xác định những kỹ năng nào là cần thiết. Chúng ta chưa nỗ lực đủ mạnh trong việc khai thác, phát huy những du học sinh sau khi họ trở về nước, vì vậy nhiều đầu tư của nhà nước cho công tác đào tạo ở nước ngoài chỉ đơn giản là bị lãng phí. Tệ hơn nữa, nó làm gia tăng nạn chảy máu chất xám tai hại cho đất nước. Không có lý do gì để ta tiếp tục lãng phí nhiều tiền của như vậy vào việc gửi người ra nước ngoài và duy trì mức chảy máu chất xám quá cao. Nên dành số tiền này để hỗ trợ cho những người ở trong nước có quyết tâm cống hiến mang lại những giá trị tốt đẹp hơn. Tất nhiên, điều đó hàm ý một sự thay đổi trong cung cách làm việc: chúng ta nên chọn nhân sự một cách nghiêm túc hơn dựa trên cơ sở duy nhất là tài năng và năng lực; chúng ta nên tạo điều kiện, cả về tiền lương và môi trường làm việc, để thu hút họ. Chúng ta phải có một chính sách phát triển dài hạn, được quảng bá rõ ràng, để cho họ cảm thấy những hành động của mình nằm trong đó, tạo cho họ niềm tin vào sự hỗ trợ dài hạn, cho họ cơ sở để tự hào về những thành tựu đạt được, đem lại cho họ cảm giác được phụng sự một đất nước nơi ghi nhận những đóng góp của họ.
***
Thế giới quanh ta đang liên tục thay đổi, với tốc độ ngày nay nhanh hơn nhiều so với trước đây. Chúng ta cần phải đào tạo nên những công dân trẻ có trách nhiệm, những người nhìn ra thế giới với đôi mắt mở rộng, những người có chính kiến, có thể thích ứng nhanh với môi trường mới; những người có khả năng bác bỏ những học thuyết giáo điều, chiến đấu chống lại sự trì trệ, quan liêu và bảo thủ, những người biết nổi giận khi chứng kiến những điều trái ngược với lương tâm; những người có thể thay đổi những luật lệ điều hành xã hội để phù hợp với những thay đổi khách quan của thực tiễn, thay vì chỉ thuần túy mù quáng áp dụng những quy tắc lỗi thời là nguyên nhân của sự xơ cứng và tê liệt trong xã hội.
Việc thay đổi cung cách để tiến bộ đòi hỏi chúng ta, những học giả, nhà khoa học, trí thức có trách nhiệm nuôi dưỡng, phục hồi sự nghiêm ngặt đạo đức, tri thức và sự chuyên nghiệp trong các thói quen và cung cách làm việc. Chúng ta cần phải phục hồi sự tôn trọng tri thức, liêm chính và vì lợi ích cộng đồng hơn lợi ích cá nhân. Thất bại trong việc khôi phục những giá trị này đồng nghĩa với việc không thể đưa đất nước tới sự tiến bộ.
Văn hóa không có nghĩa là bảo thủ, cũng không có nghĩa là loại trừ. Ngược lại, nó có nghĩa là tiến bộ và khoan dung. Sự tôn trọng mà chúng ta có nghĩa vụ dành cho tổ tiên, những người đã tạo nên chúng ta hôm nay, tôn trọng với đất nước, với truyền thống không có nghĩa là không tôn trọng những nền văn hóa và các truyền thống của những người anh em khác trên thế giới. Ngược lại, chúng ta nên tò mò tìm hiểu về những nền văn hoá đó. Chúng ta nên có tham vọng học hỏi từ những nền văn hóa khác cũng nhiều như cách chúng ta quảng bá văn hoá của mình ra thế giới. Thái độ tò mò, nghiêm túc, và khoan dung và tầm nhìn dài hạn như vậy là những thuộc tính cố hữu, đặc biệt của văn hóa khoa học mà chúng ta, các nhà khoa học phải có trách nhiệm gìn giữ và phổ biến. Chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm đấu tranh cho sự phục hồi những giá trị tri thức và đạo đức nhằm góp phần đề cao phẩm giá con người; và nỗ lực thúc đẩy một nền khoa học không biên giới.
Để thành công, chúng ta cần phải tin tưởng vào thế hệ trẻ nhiều hơn so với hiện nay. Chúng ta cần phải dựa vào sự nhiệt tình, năng lượng, tài năng, sự hào phóng, niềm tin của họ vào tương lai mà ở đó họ là những nhân vật chính. Chúng ta cần phải trao cho họ cơ hội để mang lại cho đất nước nguồn không khí trong lành mà chúng ta rất cần để thở sâu hơn. Chúng ta cần phải trao cho họ cơ hội để thay đổi mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, động viên họ chủ động đóng góp cho sự tiến bộ và phát triển của dân tộc. Tương lai đất nước nằm trong tay họ, những bàn tay của thế hệ Đổi Mới. Họ đã không phải chịu đựng những cuộc chiến tranh, đói khổ, những nỗi đau buồn, sự áp bức mà cha mẹ và ông bà họ đã phải trải qua. Họ được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ độc lập và tự do. Mục tiêu của họ không còn là chiến thắng trong những cuộc chiến tranh mà là chiến thắng trong hòa bình. Sự nghiệp đó cũng cao quý như sự nghiệp mà các bậc cha mẹ và ông bà của họ đã từng chiến đấu. Điều đó cao quý nhưng cũng không kém phần thử thách. Chúng ta phải làm tất cả những gì cần thiết để ủng hộ và động viên họ hoàn thành sứ mệnh của mình; trang bị những công cụ giúp họ vượt qua những khó khăn phải đối diện.
Cách tôi nói nghe có vẻ kiêu ngạo. Tôi là ai mà nghĩ rằng mình biết chúng ta cần phải làm gì? Có lý tưởng riêng là một chuyện, nhưng tự cho rằng mình đúng đắn lại là chuyện khác. Tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với cách nói tự do như trên đây chỉ vì điều đó không phải cho tôi, một người già, mà cho những đồng nghiệp trẻ mà tôi đang tiếp xúc hằng ngày. Động lực duy nhất của tôi là được chứng kiến đất nước này trao cho họ những cơ hội mà tài năng và sự hào phóng của họ xứng đáng có được. Những gì tôi nói không phải là mới, đơn giản đó là những nhận thức bình thường khi ta can cảm thẳng thắn đối diện với sự thật.
Trước khi kết thúc, cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người đã làm cho khoảng thời gian 16 năm qua của tôi ở Việt Nam trôi qua một cách hạnh phúc, đó là: vợ tôi, dĩ nhiên, không có bà thì tôi đã không đến Việt Nam; các đồng nghiệp trẻ của tôi, những người đứng đằng sau những nỗ lực của tôi; những người bạn Việt Phương, Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, những người tôi chia sẻ niềm tin và là những người tôi hết sức tôn trọng và ngưỡng mộ. Cuối cùng, cho phép tôi cảm ơn bà Nguyễn Thị Bình, nhà văn Nguyên Ngọc và giáo sư Chu Hảo, những người đã đặt niềm tin trao cho tôi giải thưởng này, tôi nhắc lại, sự đóng góp khiêm nhường của tôi thật không xứng đáng. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để xứng đáng với niềm tin của họ và xứng đáng với những người có uy tín đã từng nhận giải thưởng này.
Phạm Ngọc Diệp dịch (Ban biên tập Tia Sáng hiệu đính)