60% công nghệ bảo quản sau thu hoạch ở mức đơn giản

Việc chế tạo, ứng dụng máy móc cho bảo quản sau thu hoạch 60% là công nghệ từ đơn giản đến vừa, thiếu những đầu tư công nghệ cao, theo chuyên gia.

Tại tọa đàm “Nâng cao giá trị nông sản Việt qua công nghệ thực phẩm” tổ chức tại TP HCM sáng 26/10, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (VIAEP) cho biết, việc chế tạo máy móc, ứng dụng công nghệ bảo quản chưa có nhiều đơn vị đầu tư công nghệ. Việc ứng dụng các hệ thống bảo quản, quản lý nông sản phục vụ xuất khẩu công nghệ cao vẫn chưa nhiều.

Thực tế từ năm 2010 Chính phủ ban hành Quyết định 63 và năm 2013 có Quyết định 68 cụ thể hóa chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp. Theo ông Tuấn, những chính sách này nhiều năm qua hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp mua sắm máy móc, thiết bị nhằm cơ giới hóa phục vụ bảo quản sản phẩm nông sản, giúp giảm tổn thất trong quá trình bảo quản sau thu hoạch. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn vay ưu đãi phục vụ mua sắm máy móc của tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, các loại hình vốn vay ưu đãi cho các thiết bị máy móc nhập khẩu khó đáp ứng với nhu cầu của người sản xuất, đặc biệt là sản phẩm công nghệ cao. Điều này xuất phát do quy định máy móc thiết bị phải qua quy trình giám định trước khi nhập khẩu mới được đưa vào sử dụng.Gặt lúa ở Đông Anh, Hà Nội tháng 5/2023. Ảnh:Ngọc Thành

Gặt lúa ở Đông Anh, Hà Nội tháng 5/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, đại diện Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, việc giảm thất thoát, phát thải carbon từ ngành nông nghiệp đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ mới. Đây là yêu cầu rất quan trọng nhằm giúp cơ quan quản lý thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 (mục tiêu Net Zero). Bà cho rằng cần tăng cường phối hợp cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nông dân… ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Ông David Israel, Giám đốc chiến lược toàn cầu Đại học Melbourne (Australia) thừa nhận, đầu tư trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp vốn cần thời gian dài và nguồn vốn lớn. Quá trình này được ông ví như đi qua “thung lũng chết”, khi nguồn vốn nhà đầu tư sụt giảm vì họ chưa nhìn ra giá trị kinh tế của nghiên cứu. Do đó, nhà đầu tư cần có nguồn vốn tài trợ lâu dài và họ cũng cần sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ như một đối tác chia sẻ một phần rủi ro.

Nêu kinh nghiệm ở Australia, ông David Israel, các đại học, nhà đầu tư và Chính phủ sẽ cùng hợp tác trong các dự án nông nghiệp mang tính bao trùm, giải quyết vấn đề lớn. Một phần lợi nhuận từ công nghệ mang lại được tái đầu tư giải quyết những bài toán lớn tiếp theo.

Hà An

Pin sinh học lithium nhỏ nhất thế giới dùng cho y tế

Pin lithium-ion tí hon dạng mềm của Đại học Oxford được kích hoạt bằng ánh sáng, có thể sạc lại và phân hủy sinh học.Phiên bản phóng to của pin lithium-ion mềm dẻo, siêu nhỏ. Ảnh: Yujia Zhang

Phiên bản phóng to của pin lithium-ion mềm dẻo, siêu nhỏ. Ảnh: Yujia Zhang

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh, phát triển một loại pin lithium-ion mềm, nhỏ gọn dùng cho lĩnh vực y sinh như cung cấp năng lượng cho các robot tí hon, máy khử rung tim, máy tạo nhịp tim, Interesting Engineering hôm 25/10 đưa tin. “Đến nay, đây là pin lithium-ion hydrogel nhỏ nhất và có mật độ năng lượng vượt trội”, tiến sĩ Yujia Zhang tại Khoa Hóa học thuộc Đại học Oxford, tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết.

Việc phát triển các thiết bị thông minh tí hon, thường nhỏ hơn vài mm3, đòi hỏi nguồn năng lượng nhỏ tương ứng. Với thiết bị y sinh tương tác trực tiếp với mô sinh học, pin cung cấp năng lượng phải làm từ vật liệu mềm để đảm bảo an toàn và ít xâm lấn. Lý tưởng nhất, pin cần có dung lượng lớn, khả năng tương thích sinh học, phân hủy sinh học và kích hoạt được. Chúng cũng cần khả năng điều khiển từ xa để nâng cao chức năng và khả năng thích ứng trong những môi trường phức tạp. Tuy nhiên, việc kết hợp tất cả các đặc điểm này vào một viên pin gặp rất nhiều khó khăn.

Để giải quyết, nhóm nhà khoa học từ Đại học Oxford đã phát triển pin lithium-ion nhỏ, mềm dẻo, sử dụng các giọt hydrogel tương thích sinh học. Ứng dụng quy trình “lắp ráp hỗ trợ chất hoạt động bề mặt”, loại pin mới kết hợp ba giọt siêu nhỏ, mỗi giọt có thể tích 10 nano lít, với sự hỗ trợ của các phân tử giống xà phòng. Hai giọt trong số đó chứa những hạt lithium-ion với khả năng tương tác để tạo ra năng lượng.

Pin mới được kích hoạt bằng ánh sáng, có thể sạc lại và phân hủy sinh học. Trong nghiên cứu, pin đã cung cấp năng lượng cho các phân tử mang điện di chuyển giữa những tế bào tổng hợp, cũng như kiểm soát nhịp đập và khử rung tim cho chuột. Bằng cách tích hợp các hạt từ tính, nó có thể đóng vai trò như một nguồn năng lượng di động.

Theo nhóm nghiên cứu, các thử nghiệm điều trị tim trên động vật cho thấy tiềm năng của loại pin mới như một giải pháp không dây và phân hủy sinh học đầy hứa hẹn. Thiết kế sáng tạo này giúp giải quyết những thách thức chính trong việc cung cấp năng lượng cho thiết bị y sinh, mang lại giải pháp tương thích sinh học, an toàn và hiệu quả. Hiện nhóm đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)

Trái Đất bao nhiêu tuổi?

Dựa vào mẫu đá trên Trái Đất và thiên thể khác, giới khoa học ước tính Trái Đất hình thành 10 triệu năm sau khi hệ Mặt Trời ra đời.Vệ tinh NASA quan sát Trái Đất trong mùa bão. Ảnh: NASA Earth Observatory/Michala Garrison/DSCOVR EPIC

Vệ tinh NASA quan sát Trái Đất trong mùa bão. Ảnh: NASA Earth Observatory/Michala Garrison/DSCOVR EPIC

Nếu coi toàn bộ lịch sử Trái Đất là một ngày thì con người sẽ chỉ xuất hiện trong vài giây cuối trước nửa đêm. Vài trăm nghìn năm của loài người chỉ chiếm một phần tí hon trong lịch sử. Vậy hành tinh xanh bao nhiêu tuổi và làm cách nào để tìm ra con số này?

Trái Đất hình thành khoảng 4,54 tỷ năm trước, 10 triệu năm sau khi hệ Mặt Trời ra đời. Sau khi một đám mây khí khổng lồ sụp đổ để tạo ra Mặt Trời, những mảnh còn lại của đám mây này tạo nên các hành tinh.

Tuy nhiên, Trái Đất sơ khai hoàn toàn không giống với thế giới xanh tươi mà con người biết ngày nay. Khi mới chào đời, Trái Đất vẫn còn nóng chảy do những vụ va chạm đã tạo ra hành tinh. Những phần nặng hơn, như sắt, chìm xuống để tạo thành lõi, những phần nhẹ hơn nổi lên bề mặt. Cuối cùng, điều này khiến Trái Đất có nhiều lớp – lõi, lớp phủ, vỏ.

Khi hệ Mặt Trời yên tĩnh lại và ít thiên thạch đâm vào Trái Đất hơn, các đại dương hình thành và sự sống xuất hiện gần như ngay lập tức. “Con người không thể tồn tại trong phần lớn lịch sử Trái Đất, nhưng sinh vật sống dạng tế bào đã tồn tại liên tục khoảng 3,5 tỷ năm”, Mark Popinchalk, nhà thiên văn tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ và Đại học New York, cho biết. Nghiên cứu mới thậm chí cho thấy con số này có thể còn lớn hơn – 4,2 tỷ năm.

Giới khoa học thu thập thông tin về dòng thời gian nhờ vào mặt đất. Đá là chìa khóa để xác định tuổi Trái Đất và những điều kiện trên hành tinh trong quá khứ. Nhờ phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ, giới khoa học có thể sử dụng lượng những nguyên tố phóng xạ khác nhau để tính tuổi một tảng đá. “Tuy nhiên, đá trên Trái Đất có thể gây khó khăn vì hành tinh này có rất nhiều hoạt động, rất bận rộn. Núi lửa, phong hóa và các quá trình địa chất đồng nghĩa, việc tìm kiếm đá từ thời điểm Trái Đất hình thành vô cùng khó”, Popinchalk nói.

Mặt Trăng hình thành từ một vụ va chạm với Trái Đất khi còn non trẻ, nhưng không có những mảng kiến tạo rắc rối như Trái Đất. Các mẫu đá Mặt Trăng từ thời Apollo đã giúp tinh chỉnh ước tính tuổi của hành tinh xanh, và mẫu vật mới từ những nhiệm vụ như Hằng Nga 5 đang bổ sung cho sự hiểu biết của nhân loại về lịch sử Mặt Trăng.

Với các hành tinh lân cận như sao Hỏa, con người có thể phóng robot đến thu thập đá rồi mang về phân tích để xác định niên đại. Nhưng làm thế nào để xác định tuổi của những hành tinh xa xôi quay quanh các ngôi sao khác?

“Cách tốt nhất để tìm hiểu về hành tinh quanh các ngôi sao khác là nghiên cứu chính ngôi sao đó. Tôi đoán tuổi của một ngôi sao bằng cách nhìn vào tốc độ quay. Sao trẻ quay nhanh trong khi sao già sẽ quay chậm. Nếu đo được tốc độ quay của một ngôi sao có hành tinh kèm theo, tôi có thể ước tính tuổi sao và sử dụng một con số tương tự cho hành tinh”, Popinchalk giải thích.

Khi khám phá những thế giới mới ngoài hệ Mặt Trời, con người cũng đang tìm hiểu chi tiết hơn về cách các hành tinh hình thành. Điều này sẽ giúp con người hiểu rõ hơn về lịch sử của chính Trái Đất.

Thu Thảo (Theo Live Science)

TP HCM thu hút tư nhân phát triển công nghệ xanh

Mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo mở (Soihub) được cơ quan quản lý kỳ vọng thu hút các tập đoàn lớn cùng tham gia phát triển, thương mại hóa công nghệ xanh.

Thông điệp được ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (Natec) nói trong sự kiện Ngày đổi mới sáng tạo mở, lần 2 tổ chức sáng 25/10 tại TP HCM.

Theo đó, Trung tâm đổi mới sáng tạo mở đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12) được thành lập với mục tiêu kiến tạo động lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với không gian ươm tạo tài năng, phát triển công nghệ hướng đến tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu…Cục trưởng Phạm Hồng Quất (phải) cùng Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan (thứ 2 từ trái sang) tham quan không gian tại Soihub, trong khuôn khổ Ngày đổi mới sáng tạo mở, sáng 25/10. Ảnh: Hà An

Cục trưởng Phạm Hồng Quất (phải) cùng Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan (thứ 2 từ trái sang) tham quan không gian tại Soihub, sáng 25/10. Ảnh: Hà An

Theo ông Quất, hơn 10 năm qua Chính phủ có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, nguồn lực tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn lớn tham gia vào hệ sinh thái quốc gia còn hạn chế. Ông nhận định, Soihub được coi là mô hình thí điểm đầu tiên tại Việt Nam về trung tâm đổi mới sáng tạo mở do tư nhân điều hành. Trung tâm có các đối tác trong và ngoài nước như các tập đoàn công nghệ lớn, quỹ đầu tư, chuyên gia… được kỳ vọng sẽ thu hút tài năng trẻ tham gia giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu bằng việc ứng dụng công nghệ, hướng đến lĩnh vực như tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, thành phố thông minh.

Lãnh đạo Natec đánh giá, với TP HCM lực đẩy từ Nghị quyết 98, cùng nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ thu hút nhiều tài năng công nghệ. Ông cho rằng, các chính sách thúc đẩy và sự hiện diện của Soihub làm cơ sở vững chắc giúp chỉ số đổi mới sáng tạo thành phố tăng hạng thời gian tới.

Đề cập vai trò các tập đoàn, khu vực tư nhân, ông Quất cho rằng, mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo mở sẽ là nơi thu hút tài năng, trường đại học nghiên cứu thương mại hóa công nghệ, giải quyết các bài toán thách thức toàn cầu. Các tập đoàn lớn sẽ có vai trò phát triển dự án, tận dụng nguồn lực và công nghệ từ Soihub đưa sản phẩm thương mại hóa.

Ông đánh giá, khu vực tư nhân cùng với cơ chế hỗ trợ từ chính quyền, nguồn nhân lực đại học sẽ tạo ra những công nghệ giải quyết bài toán lớn. “Đây cũng là cầu nối giúp các tài năng công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp cho đất nước thông qua các nguồn đầu tư các dự án của tập đoàn tư nhân”, ông Quất nói.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhận định, việc ươm tạo công nghệ mới, đào tạo nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo là những yếu tố quyết định thành công trong quá trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mà thành phố đang theo đuổi.

Lãnh đạo TP HCM cho rằng, thành phố đứng trước cơ hội lớn để thành trung tâm đổi mới sáng tạo, dẫn đầu trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, xây dựng đô thị thông minh đã và đang triển khai tại địa phương.

Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng, quá trình chuyển đổi hiệu quả cần có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước. Ông kỳ vọng, sáng kiến Trung tâm đổi mới sáng tạo mở và Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ có những gắn kết trong việc thu hút tư nhân cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cộng đồng đầu tư vào lĩnh vực này, giúp thành phố đạt được các mục tiêu đề ra.Trình diễn công nghệ thực tế ảo tại Soihub, sáng 25/10. Ảnh: Hà An

Trình diễn công nghệ thực tế ảo tại Soihub, sáng 25/10. Ảnh: Hà An

Về phía doanh nghiệp, ông Harry Hughes, Phó chủ tịch hội đồng tư vấn chiến lược SaigonTel cho rằng, giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh là những xu hướng phát triển toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để đạt được những mục tiêu, Thành phố cần những quyết định táo bạo, nỗ lực nhiều bên để giải quyết trên cơ sở ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Với mô hình Soihub, ông cho biết sẽ kết nối nguồn lực các bên trở thành đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững.

Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho biết, sẽ kết nối với các tập đoàn, trường đại học nước này phối hợp với Soihub đưa các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, 5G, vi mạch bán dẫn… nhằm kết nối ý tưởng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh thời gian tới.

Hà An

Lần đầu ghi nhận loài rết lớn tại Việt Nam

Các nhà khoa học phát hiện loài rết Scolopendra pinguis Pocock, 1891 có kích thước lên tới 6,5 cm trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng, nâng tổng số loài ghi nhận tại Việt Nam lên 9.Scolopendra pinguis trong tự nhiên. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Scolopendra pinguis trong tự nhiên. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Phát hiện của nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vừa công bố trên tạp chí Far Eastern Entomologist. Đây là lần đầu tiên loài này được ghi nhận tại Việt Nam, đánh dấu sự mở rộng phạm vi phân bố về phía Đông của loài này ở Đông Nam Á.

Rết Scolopendra pinguis thuộc họ Scolopendridae có chiều dài trung bình khoảng 5,5 cm, tối đa lên đến 6,5 cm. Các đốt râu đầu tiên của loài này không có lông, trong khi các đốt sau được bao phủ bởi lớp lông tơ nhỏ. Đầu có màu xanh đậm ở phía trước và chuyển sang màu vàng nhạt ở phần sau, tạo nên đặc trưng màu sắc phân biệt cho loài. Ngoài ra, các chi cuối cùng của chúng dài và mỏng.

Thạc sĩ Lê Xuân Sơn, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trước khi được phát hiện ở Việt Nam, Scolopendra pinguis từng được ghi nhận tại Myanmar, Thái Lan và Lào. Phát hiện mới này cho thấy loài rết này cũng phân bố trong hệ sinh thái rừng đá vôi của Phong Nha – Kẻ Bàng, khu vực có độ ẩm cao và thảm lá dày, đặc biệt tại những khu rừng tre và rừng thường trên nền đá vôi.

Các mẫu vật thu thập tại Phong Nha – Kẻ Bàng cho thấy chúng có những khác biệt nhỏ so với các mẫu được tìm thấy trước đây tại Thái Lan và Lào. Trên tấm lưng và bụng của các mẫu vật ở Việt Nam xuất hiện các lỗ nhỏ rải rác, trong khi ở Lào và Thái Lan không quan sát thấy đặc điểm này (theo Siriwut, 2016). Điều này làm nổi bật sự đa dạng hình thái và di truyền của loài trong các quần thể khác nhau.

Các mẫu vật hiện được cố định và bảo quản trong cồn 70-80% tại Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để phân tích chi tiết.

Thạc sĩ Lê Xuân Sơn cho biết, việc ghi nhận loài Scolopendra pinguis cho thấy khu hệ rết tại Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều loài chưa được khám phá. Nghiên cứu sâu hơn về phân loại học của nhóm này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều phát hiện mới.

Năm 2022 Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga cũng phát hiện loài rết Scolopendra cataracta thuộc giống Scolopendra, họ Scolopendridae tại Vườn Quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông. Loài này có chiều dài cơ thể là 24 cm (tính cả râu và chân cuối là 32 cm). Chiều rộng của các đốt thân trung bình 1,6 cm, lớn nhất đạt 1,8 cm.

Hiện các loài rết lớn thuộc giống Scolopendra nói chung ở Việt Nam bị săn bắt khá phổ biến để phục vụ cho các nhu cầu làm thuốc, sinh vật cảnh hoặc làm thức ăn cho các loài động vật nuôi. Điều này dẫn đến sự suy giảm đáng kể số lượng của các loài này. Việc ghi nhận loài thêm bằng chứng về đa dạng sinh học tại Việt Nam và công tác bảo tồn.

Nhật Minh

VKIST ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sóc Trăng triển khai các chương trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới ứng dụng trong doanh nghiệp phát triển kinh tế địa phương, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực hoạt động của mỗi bên vì sự phát triển lâu dài, bền vững và cùng có lợi.
Thông tin được chia sẻ tại buổi Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VKIST với Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng ngày 24/10/2024.
Theo nội dung hợp tác, hằng năm VKIST sẽ cung cấp thông tin về các công trình nghiên cứu và công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực KH&CN thông qua Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, Sở sẽ cung cấp định hướng đề xuất nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ phù hợp với các lĩnh vực nghiên cứu của VKIST; hỗ trợ VKIST trong việc kết nối giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển, chuyển giao công nghệ; cung cấp thông tin, hỗ trợ nguồn lực để VKIST tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN phục vụ các nhu cầu cấp bách của tỉnh Sóc Trăng trong phạm vi, thẩm quyền của Sở KH&CN. Ngoài ra, hai bên phối hợp thực hiện từ 1-3 công trình nghiên cứu ứng dụng do VKIST chủ trì hoặc phối hợp thực hiện để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Sóc Trăng.
Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng phối hợp và hỗ trợ VKIST thực hiện chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực KH&CN cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ứng dụng, triển khai. Bên cạnh đó, hợp tác triển khai các hoạt động hỗ trợ ươm tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực; Xây dựng và triển khai mạng lưới các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp từ mạng lưới đối tác, chuyên gia của các bên…
VKIST và Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng ký thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, Lễ ký kết hợp tác giữa VKIST với Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng như mô hình thí điểm để thực hiện tại địa phương. Thứ trưởng hy vọng mô hình hợp tác sẽ thành công, để từ đó nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước, đưa VKIST trở thành một viện hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi Lễ.
Tại Lễ ký kết, ông Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST cho biết, với sứ mệnh trở thành viện hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến, VKIST luôn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vì sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Vì vậy, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong hợp tác giữa hai đơn vị, mở ra nhiều cơ hội mới để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Các nội dung tại biên bản ký kết sẽ phát huy thế mạnh, điều kiện của hai bên về nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng trong sản xuất và đời sống, xây dựng mối liên kết, hợp tác nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phục vụ thiết thực sản xuất và đời sống, phát triển gắn kết giữa Viện Nghiên cứu với doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị, địa phương, phục vụ xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Sóc Trăng.
Tại Lễ ký kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khởi cho rằng, Sóc Trăng là tỉnh hội tụ đầy đủ các yếu tố về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, nguồn nước, nguồn nhân lực… để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, quy mô lớn. Trong đó, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn; lúa là sản phẩm chủ lực và cây ăn trái là sản phẩm tiềm năng được chú trọng từng bước tham gia thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu. Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng đã và đang có nhiều sáng kiến trong việc hợp tác ứng dụng khoa học, công nghệ và đã thực hiện nhiều chương trình, dự án có ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc

Nghệ An: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số

Để phấn đấu đưa Nghệ An trở thành “Trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN) khu vực Bắc trung Bộ”, ngành KH&CN Nghệ An cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương đồng thời quán triệt quan điểm “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), chuyển đổi số”.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngành KH&CN Nghệ An diễn ra ngày 25/10/2024, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh như trên.


Toàn cảnh buổi Lễ.

Ngày 25/10/1959, Hội Phổ biến Khoa học – Kỹ thuật Nghệ An được thành lập với nhiệm vụ tuyên truyền và phổ biến khoa học kỹ thuật, đây là ngày đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày truyền thống của ngành KH&CN Nghệ An. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, ngành KH&CN đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà.

KH&CN đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, thể hiện đóng góp năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng GRDP của tỉnh, giai đoạn 2017-2022 đạt 42,1%. Nhiều kết quả nghiên cứu, tiến bộ KH&CN được áp dụng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và đời sống, góp phần tạo ra một số sản phẩm hàng hóa có chất lượng, nhất là về nông nghiệp, thủy sản. Các nhiệm vụ về khoa học xã hội và nhân văn nghiên cứu những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, đưa ra những nhận thức mới, cung cấp một số luận cứ khoa học về hoạch định quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Các hoạt động ứng dụng, thu hút dự án ứng dụng công nghệ cao được quan tâm nhất là trong lĩnh vực y dược, nông nghiệp, điện tử, tự động hoá…

Đóng góp của KH&CN được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực và có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển các sản phẩm theo chuỗi từ khâu giống, quy trình thâm canh, thu hoạch sản phẩm, chế biến sau thu hoạch, xây dựng nhãn hiệu và phát triển thị trường sản phẩm. Hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án đạt trên 86%, cao hơn bình quân cả nước.

Hoạt động đổi mới công nghệ đã hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp một số mặt hàng đã được khẳng định thương hiệu. Nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế, bảo hộ về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường.

Tiềm lực KH&CN được nâng lên. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh được hình thành và phát triển khá vững chắc, có đầy đủ các nhân tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.

Chia vui với cán bộ ngành KH&CN Nghệ An trong Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu mà ngành KH&CN tỉnh đạt được, những thành tích đó đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang yêu cầu cả nước phải tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước để phát triển mạnh mẽ KH,CN&ĐMST, trở thành động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế. Với định hướng nêu trên, nhằm phấn đấu đưa Nghệ An trở thành “Trung tâm KH&CN khu vực Bắc trung Bộ”, Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, sở KH&CN Nghệ An cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách; Chủ động xây dựng, ban hành theo thẩm quyền chính sách, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.


Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi Lễ.

Bộ trưởng cũng đề nghị, ngành KH&CN tỉnh tiếp tục nâng cao tiềm lực KH,CN&ĐMST của địa phương thông qua các nhiệm vụ; Quán triệt quan điểm “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số” đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh Nghệ An; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST ở địa phương; tăng cường kết nối cung – cầu công nghệ; đẩy mạnh thương mại hoá kết quả KH&CN; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Tăng cường hợp tác, liên kết địa phương, liên kết vùng, hợp tác quốc tế trong triển khai hoạt động KH,CN&ĐMST.


Bộ trưởng và các đại biểu chụp ảnh tại buổi Lễ.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, Sở KH&CN tỉnh Nghệ An

Đại học Bách Khoa Hà Nội thành lập viện nghiên cứu sâu về AI

Viện AI4LIFE được thành lập, trở thành điểm kết nối nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng thực tế của đại học và doanh nghiệp, khai thác tối đa lợi ích trí tuệ nhân tạo mang lại.

Thông tin được PGS.TS Nguyễn Phi Lê, Trường Công nghệ thông tin – Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, điều hành Viện nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE) chia sẻ tại lễ thành lập Viện sáng 24/10.

Viện AI4LIFE định hướng tập trung nghiên cứu chuyên sâu AI ứng dụng vào các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và đời sống. Viện sẽ có 6 phòng thí nghiệm, bao gồm: Học máy, công nghệ bán dẫn thông minh, khoa học sự sống thông minh, môi trường thông minh, hệ thống thông minh và giáo dục thông minh.Ban lãnh đạo. Ảnh: HUST

Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội trao quyết định thành lập và tặng hoa chúc mừng Ban lãnh đạo Viện AI4LIFE. Ảnh: HUST

PGS Lê cho biết, Viện AI4LIFE đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành lập được ít nhất một nhóm nghiên cứu mạnh theo nghị định 109 của Chính phủ và là một trong các trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI dẫn đầu Việt Nam.

Phát biểu tại lễ thành lập, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tin tưởng Viện AI4LIFE sẽ trở thành một trong số trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, kết nối đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc kỳ vọng sự ra đời của Viện AI4LIFE – viện nghiên cứu ứng dụng đầu tiên về lĩnh vực này ở trong nước là điểm liên kết, giúp kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong Đại học Bách khoa Hà Nội. Viện cũng xúc tiến hợp tác với các nhóm nghiên cứu mạnh trên thế giới, qua đó, tạo ra các nghiên cứu, giải pháp ứng dụng AI liên ngành và thực hiện chủ trương nghiên cứu phát triển AI vì cuộc sống.

Lê Thanh

Cỗ máy in 3D tên lửa composite lớn nhất thế giới

Máy in 3D tự động mới cao 12 mét, nặng 75 tấn, giúp phun các lớp sợi carbon để chế tạo nhanh tên lửa Neutron, dự kiến phóng năm 2025.Máy in 3D cao 12 mét có thể in 100 mét sợi carbon mỗi phút. Ảnh: Rocket Lab

Máy in 3D cao 12 mét có thể in 100 mét sợi carbon mỗi phút. Ảnh: Rocket Lab

Rocket Lab, công ty có trụ sở tại Mỹ, đang tạo ra những bước tiến lớn trong lĩnh vực du hành vũ trụ với tên lửa tải trọng trung bình Neutron, New Atlas hôm 20/10 đưa tin.

Ban đầu, quá trình chế tạo Neutron bao gồm việc đặt hàng trăm lớp và hàng nghìn feet vuông (1 feet bằng 0,3 mét) sợi carbon được lên khuôn bằng tay, đòi hỏi một đội ngũ lớn làm việc nhiều tuần để hoàn thành. Giờ đây, với Máy đặt sợi tự động (AFP) mới của Rocket Lab, công việc này có thể hoàn thành chỉ trong một ngày.

AFP giống như một máy in 3D tự động cao 12 mét, nặng 75 tấn, phun ra những lớp sợi carbon với tốc độ 100 mét mỗi phút. Thay vì in từng mảnh, cỗ máy đặt các tấm sợi carbon theo nhiều hướng, từng lớp một, tạo độ bền chắc và độ cứng cho mỗi cấu trúc.

Với khả năng di chuyển theo phương ngang tới 30 mét, AFP có thể chế tạo những mảnh lớn nhất – phần liên tầng dài 28 mét và phần vỏ bảo vệ của tên lửa Neutron. Cỗ máy cũng đảm nhận việc rải các lớp của tầng đầu tiên (đường kính 7 mét) và bồn chứa của tầng thứ hai (đường kính 5 mét).

Khi chế tạo một mảnh, hệ thống kiểm tra tự động tích hợp trong máy sẽ rà quét để phát hiện khiếm khuyết hoặc sai sót trong cấu trúc composite carbon và tạm dừng để cảnh báo người vận hành trước khi chế tạo lớp tiếp theo.Mô phỏng tên lửa Neutron. Ảnh: Rocket Lab

Mô phỏng tên lửa Neutron. Ảnh: Rocket Lab

Rocket Lab dự kiến việc sử dụng AFP giúp tiết kiệm hơn 150.000 giờ lao động để chế tạo Neutron, giúp mẫu tên lửa này trở nên rẻ hơn, sản xuất nhanh và dễ dàng hơn. Công ty dự định phóng tên lửa Neutron đầu tiên vào năm 2025.

Theo Rocket Lab, sau khi hoàn thiện, Neutron sẽ trở thành tên lửa bằng vật liệu composite lớn nhất lịch sử. Tên lửa dự kiến cao 43 m, đường kính 7 mét, có sức chở 13 tấn lên quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) và có thể tái sử dụng. Trong khi đó, hệ thống tên lửa Starship của SpaceX chủ yếu làm từ thép không gỉ, Starliner của Boeing chủ yếu sử dụng hợp kim nhôm. Ban đầu, SpaceX đã cân nhắc sử dụng vật liệu composite CF cho Starship, nhưng cuối cùng chọn thép không gỉ vì hiệu quả về chi phí, khả năng chịu nhiệt và độ bền.

Thu Thảo (Theo New Atlas)

El Niño và La Niña đã xảy ra trong 250 triệu năm qua

Nghiên cứu mô hình mới cho thấy El Niño và La Niña tồn tại 250 triệu năm qua ảnh hưởng đến khí hậu của Trái Đất.Mô hình cho thấy hiện tượng dao động El Niño-Nam bán cầu (xuất hiện vào tháng 8/2023 đã gây ảnh hưởng đến thời tiết lâu hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Ảnh: NOAA

Mô hình cho thấy hiện tượng dao động El Niño-Nam bán cầu (xuất hiện vào tháng 8/2023 đã gây ảnh hưởng đến thời tiết lâu hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Ảnh: NOAA

Nghiên cứu thực hiện bởi nhóm nhà khoa học tại Đại học Duke, công bố trên PNAS hôm 21/10. Nghiên cứu mô hình mới chỉ ra rằng hiện tượng khí hậu toàn cầu tự nhiên, El Niño và hiện tượng lạnh đi kèm, La Niña, đã xảy ra trong 250 triệu năm qua. Mặc dù các hình thái thời tiết phức tạp này là động lực của những thay đổi thời tiết khắc nghiệt ngày nay, nghiên cứu cho thấy chúng mạnh hơn đáng kể trong quá khứ.

El Niño (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là cậu bé) và La Niña (cô bé) là một phần của chu kỳ El Niño-Southern Oscillation (ENSO), là kết quả của sự biến đổi nhiệt độ đại dương ở Thái Bình Dương xích đạo. Trong điều kiện bình thường, gió mậu dịch thổi về phía tây dọc theo đường xích đạo mang nước ấm từ Nam Mỹ đến châu Á.

Sử dụng các công cụ mô hình khí hậu giống như Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), nhóm nghiên cứu đã mô phỏng các điều kiện thời tiết từ 250 triệu năm trước. Những công cụ này thường được các nhà nghiên cứu khí hậu sử dụng để dự đoán những diễn biến trong tương lai do biến đổi khí hậu, nhưng chúng cũng có thể được chạy ngược để xem xét những gì đã xảy ra.

Hu và các đồng nghiệp chỉ ra rằng cường độ của các dao động trong quá khứ phụ thuộc vào hai yếu tố: cấu trúc nhiệt của đại dương và cái mà họ gọi là “nhiễu động khí quyển” của gió bề mặt đại dương.

“Vì vậy, một phần của nghiên cứu của chúng tôi là, bên cạnh cấu trúc nhiệt của đại dương, chúng ta cũng cần chú ý đến nhiễu động khí quyển và hiểu cách những cơn gió đó sẽ thay đổi”, Hu nói. Ông cho biết, trong mỗi thí nghiệm nhóm đã thực hiện thấy El Niño Southern Oscillation hoạt động và “nó gần như mạnh hơn những gì chúng tôi có bây giờ, một số mạnh hơn, một số mạnh hơn một chút”, Hu nói thêm.

Các nhà nghiên cứu không thể mô hình hóa từng năm trong mô phỏng này, do khoảng thời gian đáng kể mà nó đại diện, nhưng họ đã có thể đánh giá các điều kiện theo “lát cắt” cứ sau 10 triệu năm. Mô phỏng này mất hàng tháng để hoàn thành, nhưng nó đã cung cấp một mô hình cho hàng nghìn năm.

Shineng Hu, trợ lý giáo sư về động lực học khí hậu tại Trường Môi trường Nicholas thuộc Đại học Duke cho biết, các thí nghiệm mô hình đã bị ảnh hưởng bởi các điều kiện biên khác nhau, như sự phân bố đất liền – biển khác nhau (với các lục địa ở những nơi khác nhau), bức xạ mặt trời khác nhau, CO2 khác nhau”.

Tại các thời điểm khác nhau trong quá khứ, bức xạ mặt trời đến hành tinh thấp hơn khoảng 2% so với hiện nay, nhưng đồng thời, nồng độ CO2 cao hơn, khiến bầu khí quyển và đại dương ấm hơn ngày nay.

Đặc biệt, 250 triệu năm trước, trong kỷ Mesozoi, Nam Mỹ nằm ở giữa siêu lục địa Pangea, và các dao động thời tiết diễn ra ở phía tây, ở Panthalassa – siêu đại dương bao la bao quanh vùng đất rộng lớn.

Những mô phỏng này rất có giá trị để hiểu cách ENSO có thể hoạt động khi biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra. Chủ đề này đã được tranh luận trong một thời gian và các nghiên cứu trước đây cho thấy các hiện tượng thời tiết có thể trở nên mạnh hơn trong tương lai khi khí hậu tiếp tục nóng lên.

Như vậy, nghiên cứu mới này cho thấy ENSO sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong tương lai, do những thay đổi trong cấu trúc nhiệt của đại dương và nhiễu động khí quyển, cùng với tất cả những điều bất định đi kèm với nó. “Nếu chúng ta muốn có một dự báo tương lai đáng tin cậy hơn, trước tiên chúng ta cần hiểu khí hậu trong quá khứ”, Hu nói.

Minh Thư (Theo IFL Science)