

Trung tâm ươm tạo và phát triển bán dẫn được thành lập ngày 28/3, giúp sinh viên tiếp cận công cụ, phần mềm tiên tiến, bắt kịp các nhu cầu của doanh nghiệp.
Trung tâm Ươm tạo và phát triển bán dẫn (VSIC) và Không gian ươm tạo startup về bán dẫn được đặt tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Cầu Giấy, Hà Nội. Nơi này đặt một số thiết bị cho việc thử nghiệm, thiết kế vi mạch, cùng hệ thống máy tính, phần mềm dùng trong thiết kế chip, nhằm tạo môi trường đào tạo nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Dự án do NIC, FPT cùng một số công ty bán dẫn, như Alchip Technologies từ đảo Đài Loan thiết lập.
Tại buổi khai trương sáng 28/3, ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Tài chính, nhấn mạnh Việt Nam đang nổi lên như điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và nguồn lao động trẻ, năng động. Ông Tâm dẫn thống kê từ năm 2001 đến 2021 cho thấy ngành bán dẫn tăng trưởng trung bình 14% mỗi năm, đạt gần 600 tỷ USD năm 2023 và dự báo đạt một nghìn tỷ USD năm 2030.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại sự kiện ngày 28/3. Ảnh: Nguyễn Trang
Việc thành lập trung tâm VSIC, theo ông Tâm, là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, định hướng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó thúc đẩy hợp tác công tư, mô hình “3 Nhà” là Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Việc này góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam năm 2030 và có 100 doanh nghiệp thiết kế chip, theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
“Sự hợp tác sẽ tạo dựng một hệ sinh thái và phát triển nguồn nhân lực bền vững, giúp Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn từng bước tiến cùng và vươn lên trong xu hướng công nghệ toàn cầu”, ông Tâm nói, đồng thời đánh giá cao việc một công ty nước ngoài là Alchip đã quyết định mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Ông Peter Teng, Phó chủ tịch Alchip Technologies, nhận định Việt Nam có cơ hội lớn trong lĩnh vực chip bán dẫn, gọi trung tâm mới “là cánh cửa dẫn dắt công ty đến với nguồn nhân lực kỹ thuật xuất sắc của Việt Nam”.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, cho biết trước đó đã cùng FPT triển khai nhiều dự án liên quan đến phát triển ngành bán dẫn. Năm 2024, họ cấp học bổng về thiết kế vi mạch và hỗ trợ kỹ thuật cho trên 40 trường đại học kỹ thuật tại Việt Nam, với sự tham gia từ nhiều đối tác như Cadence, Keysight, Tektronix, các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo ông Huy, trung tâm mới sẽ tập trung ươm tạo, phát triển doanh nghiệp, công nghệ và nguồn nhân lực, tạo môi trường cho chuyên gia, kỹ sư, giảng viên, sinh viên nghiên cứu và tiếp cận công nghệ tiên tiến. “Từ đó Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ và phát triển startup trong lĩnh vực bán dẫn”, ông nói.
Trong khi đó, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor, nói việc phát triển nhân lực bán dẫn tại Việt Nam hiện vẫn còn khoảng cách giữa việc đào tạo tại trường đại học so với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc có các trung tâm như VSIC sẽ giúp thu hẹp khoảng cách. Ông cho biết FPT sẽ đồng hành cùng VSIC để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bán dẫn năng động sáng tạo của khu vực, thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Ngày 27/3, FPT cũng khai trương Trung tâm R&D về công nghệ cao và chip bán dẫn tại Đà Nẵng.
Lưu Quý
Thành lập trung tâm ươm tạo bán dẫn để phát triển nguồn nhân lực – Báo VnExpress Công nghệ
Châu Phi– Hồ Victoria đang chuyển màu xanh lá do hiện tượng tảo nở hoa độc hại, một số khu vực thậm chí cạn oxy đến mức trở thành “vùng chết”.
Tảo nở hoa độc hại đã biến một số khu vực của hồ Victoria thành “vùng chết”. Ảnh: MODIS Land Rapid Response Team/NASA GSFC
Victoria, hồ lớn nhất châu Phi và cũng là hồ nhiệt đới lớn nhất thế giới, nằm ở khu vực biên giới giữa 3 quốc gia Uganda, Kenya, Tanzania. Có tới hơn 47 triệu người đang sống dựa vào hồ nước này. Tuy nhiên, hồ đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng – nước hồ chuyển màu xanh lá, IFL Science hôm 29/3 đưa tin.
Màu sắc bất thường bắt nguồn từ sự gia tăng các hiện tượng tảo nở hoa độc hại (HAB) – cụ thể là do tảo lam hay vi khuẩn lam. Đây là kết quả của quá trình phú dưỡng, xảy ra khi một vùng nước dư thừa dưỡng chất, dẫn đến những sinh vật như thực vật và tảo phát triển bùng nổ.
Trong trường hợp hồ Victoria, phú dưỡng và HAB xuất hiện do hoạt động của con người đã đưa dưỡng chất vào nước hồ suốt hơn một thế kỷ. Nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và công nghiệp đều liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra còn có các sản phẩm từ hoạt động đốt rừng, đốt sinh khối và hoạt động công nghiệp được đưa vào khí quyển và đổ xuống hồ.
Biến đổi khí hậu cũng góp phần khiến hồ Victoria chuyển màu xanh lá. “Tảo nở hoa đang trở nên phổ biến hơn trên thế giới vì nhiệt độ tăng thúc đẩy tảo lam phát triển và mưa lớn hơn mang đến chất dinh dưỡng từ cảnh quan”, các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan và Đại học Bowling Green State giải thích.
Hàng triệu người dựa vào nguồn cung nước ngọt của hồ Victoria – hồ nước ngọt lớn thứ hai thế giới, chỉ sau hồ Superior ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, HAB khiến nước trở nên không an toàn.
Nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học từ Đại học Michigan và Đại học Bowling Green State cho thấy Microcystis, một loại tảo lam phổ biến ở vịnh Winam của hồ Victoria, đang tiết ra lượng lớn độc tố microcystin. “Đây là một độc tố gây tổn thương gan có thể giết chết gia súc gia cầm, động vật hoang dã và con người, đặc biệt là người có hệ miễn dịch không tốt. Tại vịnh Winam, độc tố này thường xuyên cao hơn mức giới hạn sức khỏe mà WHO đặt ra”, nhóm nghiên cứu giải thích.
Hồ Victoria cũng cung cấp thực phẩm cho con người, chủ yếu là cá. Tuy nhiên, HAB không chỉ tiết độc tố gây hại cho cá và động vật hoang dã khác mà còn có thể làm cạn kiệt oxy trong hồ.
Thực tế, một nghiên cứu gần đây chỉ ra, hiện tượng phú dưỡng gây ra những thay đổi lớn trong mạng lưới thức ăn ở vịnh Mwanza của hồ Victoria, trở thành một trong những yếu tố làm sụt giảm lượng cá. Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở một số khu vực khác của hồ, đặc biệt là các vùng sâu hơn. Một số nơi hiện thiếu oxy đến mức không còn khả năng duy trì sự sống.
Việc tìm hiểu thêm về loại tảo lam đằng sau HAB có thể giúp giới khoa học và các nhà hoạch định chính sách tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Ví dụ, nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Đại học Michigan và Đại học Bowling Green State đã xác định loại tảo lam nào phổ biến nhất ở vịnh Winam, và loại nào đang tiết ra độc tố đáng lo ngại. Thông tin này có thể giúp nhà chức trách hiểu rõ hơn về những điều cần chú ý, sau đó cảnh báo người dân khi hiện tượng tảo nở hoa xuất hiện.
Việc phòng ngừa cũng rất quan trọng. Giải quyết biến đổi khí hậu sẽ cần nhiều nỗ lực, nhưng ở cấp độ địa phương, các nhà khoa học đề xuất cải tiến các chỉ dẫn, nâng cấp cơ sở hạ tầng dùng cho nông nghiệp và xử lý nước, trồng lại rừng, bảo vệ đất đai trước hoạt động của con người, để ngăn dưỡng chất dư thừa xâm nhập hồ Victoria.
Thu Thảo (Theo IFL Science)
Hồ nhiệt đới lớn nhất thế giới chuyển màu xanh lá – Báo VnExpress
Các đơn vị của Việt Nam cùng với tập đoàn của Áo hợp tác tập trung ba trụ cột chính gồm nghiên cứu và phát triển công nghệ then chốt, đào tạo nhân lực, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm công nghệ bán dẫn.
Ngày 26/3, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cùng Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương làm Trưởng đoàn đã chứng kiến Lễ ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) với Tập đoàn EVGroup. Đây là tập đoàn hàng đầu thế giới trong công nghệ liên kết wafer cho chip 3D và cảm biến, chuyên cung cấp thiết bị cho sản xuất bán dẫn.
Hai bên thống nhất sẽ thúc đẩy chương trình Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đối với các công nghệ then chốt như chế tạo nano, đóng gói 3D và MEMS (Micro-Electro-Mechanical Systems – là các hệ thống tích hợp giữa cơ học và điện tử gồm các thiết bị như cảm biến, bộ truyền động và các thành phần cơ học nhỏ gọn được chế tạo bằng công nghệ vi mạch).
Về đào tạo, các đơn vị của Việt Nam và Áo cùng thiết kế chương trình chuyên sâu cho sinh viên, kỹ sư và nhà nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực bán dẫn.
Hai bên sẽ cùng nhau triển khai các dự án sản xuất và thử nghiệm nhằm đưa Việt Nam tiến gần hơn tới việc xây dựng nền công nghiệp sản xuất bán dẫn hiện đại.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương và Đoàn công tác chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa các đơn vị. Ảnh: HTQT
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương kỳ vọng hợp tác góp phần nâng cao năng lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, mang lại giá trị trong đào tạo, nghiên cứu và phát triển, phù hợp với tầm nhìn dài hạn và định hướng phát triển bền vững của đất nước.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin đánh giá, với chuyên môn, năng lực của EVGroup và chính sách khuyến khích đầu tư vào bán dẫn trong nước, Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo ra những kết quả cụ thể và vững chắc trong lĩnh vực này.
“Kết quả hợp tác sẽ tạo nên một tương lai mà các công nghệ bán dẫn tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các ngành công nghiệp trên toàn cầu”, Tổng Giám đốc điều hành Hermann Waltl, EVGroup nói.
Năm 1972, Áo là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam và Áo đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 5/2023, Áo đứng thứ 44 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 41 dự án trị giá 148 triệu USD. Khoảng 6.000 người Việt đang sinh sống tại Áo.
Thế Sơn
Việt Nam – Áo hợp tác phát triển công nghệ bán dẫn – Báo VnExpress
Trồng trọt thông minh dựa vào AI đang mở ra tiềm năng phát triển những siêu vụ mùa chịu được biến đổi khí hậu, cho năng suất cao, có thể định nghĩa lại an ninh lương thực toàn cầu.
Drone tiến hành hoạt động kiểm soát dịch bệnh và sâu bệnh ở Nam Thông, Giang Tô. Ảnh: VCG
Sự xâm nhập của trí tuệ nhân tạo (AI) vào nông nghiệp đang biến đổi tương lai lương thực, theo CGTN. Tại Đại hội Hạt giống 2025 diễn ra từ ngày 20 đến 23/3 ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, trồng trọt thông minh trở thành chủ đề trung tâm. Hơn 40 nhà triển lãm trưng bày những công nghệ tiên tiến và các chủng hoa màu hàng đầu, nêu bật trồng trọt dựa trên AI đang biến đổi từ lý thuyết tới thực tiễn như thế nào. Màn hình kỹ thuật số tại sự kiện minh họa hàng loạt đột phá mới nhất, từ phân tích gene bằng AI tới hệ thống theo dõi trang trại dựa trên đám mây.
Những chuyên gia ở sự kiện nhấn mạnh trồng trọt thông minh đang biến đổi các phương pháp truyền thống thành nông nghiệp chính xác, cung cấp giải pháp để vượt qua hạn chế tài nguyên, tăng cường tự lực trong ngành công nghiệp hạt giống, đảm bảo vị trí chiến lược của Trung Quốc trong thị trường hạt giống toàn cầu.
Li Jiayang, học giả ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) giới thiệu khái niệm “lai tạo thông minh các chủng cây thông minh”, nhấn mạnh tiềm năng tích hợp AI, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin để phát triển hoa màu tự động thích nghi với thách thức môi trường.
Qian Qian, một học giả CAS khác, đề cập tới độ phức tạp của đặc tính của hoa màu. Theo ông, sức mạnh máy tính và thuật toán cao cấp sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ quan hệ giữa gene và đặc tính của hoa màu. Khác với trồng trọt quy mô nhỏ, trồng trọt thông minh ứng dụng cách tiếp cận công nghiệp hóa, tận dụng tài nguyên để tích hợp những đặc điểm ưu việt một cách hiệu quả.
Trồng trọt dựa trên AI đang mang lại nhiều kết quả. Ví dụ, ở Tập đoàn hạt giống quốc gia Trung Quốc, các nhà nghiên cứu sử dụng hệ thống đám mây để theo dõi từ xa cánh đồng, thu thập dữ liệu thời gian thực về sức khỏe và sự phát triển của hoa màu. Điều này cho phép nhà khoa học giải quyết vấn đề nhanh chóng và tối ưu hóa quá trình nhân giống. Một đột phá đáng chú ý nằm trong lĩnh vực phát triển lúa lai. Thông thường, chuyên gia nhân giống kiểm tra hàng nghìn cách kết hợp để tìm ra một giống lúa lai ưu việt. Hiện nay. Phân tích gene bằng AI dự đoán những cách kết hợp năng suất cao trước khi bắt đầu thử nghiệm thực địa.
Một cột mốc khác là sự ra đời của “Fengdeng”, mô hình ngôn ngữ lớn tập trung vào hạt giống, chủ yếu phát triển bởi Phòng thí nghiệm quốc gia Yazhou ở Tam Á. Nền tảng AI này cung cấp kiến thức chuyên gia về nhân giống, gieo trồng và xu hướng công nghiệp, trang bị cho nông dân và nhà nghiên cứu kiến thức sâu rộng.
Tuy nhiên, lĩnh vực trồng trọt thông minh ở Trung Quốc vẫn còn một số thách thức cần vượt qua, ví dụ tập dữ liệu rời rạc hạn chế khả năng của AI trong dự đoán và thiết kế chủng hoa màu ưu việt.
An Khang (Theo CGTN)
AI đang thay đổi cách trồng trọt ở Trung Quốc – Báo VnExpress
Dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX được thí điểm triển khai trong 5 năm, tối đa 600.000 thuê bao, đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh
Quyết định của Chính phủ, ký ngày 23/3, cho phép SpaceX, công ty do Elon Musk sáng lập, thí điểm có kiểm soát trong việc triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, “không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài”.
Theo đó, thời gian thí điểm kinh doanh dịch vụ sẽ được thực hiện trong 5 năm kể từ ngày doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam, nhưng phải kết thúc trước ngày 1/1/2031. Việc triển khai có thể được thực hiện trên toàn quốc, với các loại hình dịch vụ viễn thông gồm: Dịch vụ cố định vệ tinh như truy nhập Internet, kênh thuê riêng cho các trạm thu, phát sóng di động; Dịch vụ di động vệ tinh như truy cập Internet trên biển, trên máy bay.
Hai ăng-ten thu phát sóng Internet vệ tinh Starlink thử nghiệm tại Hòa Lạc (Hà Nội), tháng 10/2023. Ảnh: Lưu Quý
Ngoài quy định về tần số sử dụng, quyết định của Chính phủ cũng đưa ra yêu cầu và điều kiện thí điểm, như số lượng thuê bao tối đa 600.000, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Trong đó, nhà cung cấp phải đặt Trạm cổng mặt đất (Trạm Gateway) trên lãnh thổ Việt Nam, bảo đảm tất cả lưu lượng do thuê bao vệ tinh tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam đều phải đi qua Trạm Gateway này và kết nối vào mạng viễn thông công cộng trong nước; bảo đảm thông tin, dữ liệu của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam được lưu trữ tại Việt Nam; thực hiện các yêu cầu về ngăn chặn nguồn phát tán mã độc, tấn công mạng, thông tin xấu độc.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng cơ chế giám sát việc tuân thủ pháp luật, các yêu cầu, điều kiện triển khai thí điểm, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông của SpaceX.
SpaceX, tỷ phú Elon Musk chưa đưa ra thông tin nào về việc này.
Thí điểm triển khai mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp là một trong những điều được nêu tại Nghị quyết 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Starlink là dự án của SpaceX, sử dụng mạng lưới hàng nghìn vệ tinh quay quanh Trái Đất ở quỹ đạo tầm thấp (LEO) để truyền tín hiệu, giúp kết nối những khu vực xa xôi, khó tiếp cận mà cáp quang truyền thống không thể phục vụ hiệu quả. SpaceX đã phóng hơn 7.000 vệ tinh và đang lên kế hoạch phóng thêm 12.000 vệ tinh năm nay. Công ty công bố, tính đến tháng 9/2024 có hơn 4 triệu thuê bao đăng ký trên toàn cầu.
Starlink cũng từng được đưa về thử nghiệm tại Việt Nam trong sự kiện đổi mới sáng tạo hồi tháng 10/2023. Khi đó, tốc độ đo thử ở khu vực Hòa Lạc (Hà Nội) khoảng 200 Mbps. Trên bản đồ của Starlink, một số nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia đã triển khai dịch vụ. Để sử dụng dịch vụ, người dùng cần mua bộ thiết bị gồm ăng-ten, router, cáp kết nối giá 549 USD, cùng phí thuê bao hàng tháng tùy quốc gia và khu vực.
Lưu Quý
Internet vệ tinh của Musk được ‘thí điểm có kiểm soát’ tại Việt Nam – Báo VnExpress Công nghệ
Người dùng trên thế giới, nhất là ở vùng sâu vùng xa, thích thám hiểm hoặc muốn trải nghiệm, đăng ký Starlink để kết nối Internet dù giá đắt đỏ.
Starlink là dự án của SpaceX, công ty do Elon Musk sáng lập năm 2002. Hệ thống sử dụng mạng lưới hàng nghìn vệ tinh quay quanh Trái Đất ở quỹ đạo tầm thấp (LEO) để truyền tín hiệu. Dù có chi phí đắt đỏ và tốc độ chưa cao bằng cáp quang, Starlink phát huy hiệu quả khi giúp đưa Internet tới những khu vực xa xôi, khó tiếp cận mà cáp quang truyền thống không thể lắp đặt, hoặc duy trì kết nối trong sự cố, thiên tai.
Tại Coconino, Bắc Arizona (Mỹ), trước 2021, nhiều gia đình phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi có wifi để con cái hoàn thành bài tập hoặc học trực tuyến. “Mọi thứ không hề dễ dàng, nhưng nếu không làm vậy, học sinh có nguy cơ tụt hậu”, một người cho hay. “Đó là lý do khi 80 bộ Starlink được tặng cho cộng đồng vào năm 2021, các gia đình háo hức xếp hàng để đưa Internet về nhà. Giờ đây, nhiều hộ đã có kết nối cần thiết cho con em mình học tập”.
Chính phủ Rwanda cũng cải thiện hệ thống giáo dục của đất nước khi triển khai Internet đến hơn 500 trường học – thách thức lớn do cơ sở hạ tầng Internet truyền thống với việc kéo cáp quang tốn kém và khó lắp đặt ở vùng xa xôi. Viện Tony Blair về Thay đổi toàn cầu, tổ chức phi lợi nhuận do cựu thủ tướng Anh thành lập, nhận thấy Starlink chính là giải pháp và tài trợ 50 bộ thiết bị để phục vụ mục tiêu của Rwanda. Tương tự, các trường học ở Haiti nhận 8 bộ Starlink và 400 mẫu máy tính Chromebook cho phục vụ học tập do quỹ từ thiện Renand tài trợ.
Vào tháng 7/2021, miền tây nước Đức trải qua thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng khi lũ lụt kỷ lục tàn phá Ahrweiler, Euskirchen, Eschweiler, Stolberg và Erftstadt. Khoảng 1.300 người được báo mất tích. Nhưng sau khi các nhóm quản lý khủng hoảng địa phương nhận 100 bộ thiết bị kết nối Internet vệ tinh do công ty SpaceX và Tesla tài trợ, liên lạc được khôi phục và số người mất tích giảm xuống còn dưới 200, theo Guardian.
Kozue Tobo, nghệ nhân đồ nội thất Nhật Bản, sử dụng Starlink kết nối với bên ngoài khi sống trong rừng sâu để lấy cảm hứng thiết kế. Ảnh: Starlink
Không chỉ thông qua các tổ chức, Starlink cũng đang dần phổ biến với người dùng cá nhân.
Kozue Tobo, nghệ nhân đồ nội thất, chuyển đến thị trấn Oguni ở quận Aso, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản bốn năm trước để sống và làm việc giữa một khu rừng để tìm cảm hứng cho công việc. Với Starlink, Kozue có thể kết nối với người thân, khách hàng. Trong khi đó, Florence Komen sống tại trang trại cà phê ở vùng núi Iten (Kenya) với độ cao hơn 2.400 mét. Đây cũng là điểm tập luyện của nhiều người chạy bộ, cả nghiệp dư và chuyên nghiệp. Do đó, cô cùng chồng điều hành một khu nghỉ dưỡng nhỏ, nơi thu hút du khách và vận động viên muốn tận hưởng không khí trong lành và luyện tập chạy đường dài.
“Nơi đây khó tiếp cận Internet với cáp quang truyền thống, do đó Starlink là giải pháp duy nhất để chúng tôi giữ liên lạc với khách, cũng như cung cấp cơ hội học tập cho con cái và giải trí”, Komen kể trong bài viết gửi đến Starlink Stories – trang web của Starlink chuyên đăng trải nghiệm người sử dụng dịch vụ.
Các nhà thám hiểm cũng đang tận dụng Internet vệ tinh Starlink để khám phá các vùng đất mới. Với thiết bị được kết nối Internet liền mạch, họ có thể ghi lại cảnh núi lửa phun trào ở Iceland hay bay cao trên dãy núi Dolomite của Italy – nơi con người khó đặt chân đến.
Starlink cũng được sử dụng trong chiến sự, nơi cơ sở hạ tầng mạng truyền thống thường xuyên bị tàn phá, như ở Ukraine. Hiện diện từ đầu năm 2022, 12.000 bộ thiết bị đầu cuối Starlink đã được gửi đến để thay hệ thống truyền dẫn tín hiệu bị phá hủy. Việc có mặt của Starlink được đánh giá đặc biệt quan trọng khi giúp các hệ thống không người lái, như drone có thể vận hành tốt.
Tại Đông Nam Á, các quốc gia sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh Starlink gồm Philippines, Malaysia, Indonesia và Đông Timor, trong khi ở Singapore chỉ phục vụ doanh nghiệp. Trong đó, Indonesia được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất do đặc trưng của đất nước “vạn đảo” khiến việc triển khai các dịch vụ Internet thông thường gặp khó. Theo East Asia Forum, Starlink đã kết hợp với Bộ Y tế Indonesia triển khai hỗ trợ dịch vụ y tế từ xa, tư vấn và theo dõi bệnh nhân trực tuyến, cũng như cung cấp quyền truy cập vào dịch vụ chăm sóc chuyên khoa cho những người sống ở các vùng xa xôi. Đồng thời, nó cũng cho phép nhập dữ liệu số nhanh hơn khi tiêm chủng, sàng lọc bệnh không lây nhiễm và theo dõi sức khỏe trẻ em.
Theo số liệu của Starlink, dịch vụ Internet vệ tinh của công ty hiện có mặt ở trên 125 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng người sử dụng trên toàn thế giới đã tăng lên hơn 5 triệu tính đến hết tháng 2 và công ty đang tiếp tục mở rộng thị trường.
Starlink cũng từng được đưa về thử nghiệm tại Việt Nam trong sự kiện đổi mới sáng tạo hồi tháng 10/2023. Khi đó, tốc độ đo thử ở khu vực Hòa Lạc (Hà Nội) khoảng 200 Mbps.
SpaceX cho biết đã phóng hơn 7.000 vệ tinh và đang lên kế hoạch phóng thêm 12.000 vệ tinh năm nay. Giá của dịch vụ Starlink không rẻ. SpaceX hiện có bốn gói cước, chia thành loại cố định và di động, gồm gói Standard giá 120 USD/tháng, tốc độ tải xuống 25-100 Mb/giây, tải lên 5-20 Mb/giây; gói Priority giá 140-500 USD/tháng, tốc độ tải xuống 40-200 Mb/giây, tải lên 8-25 Mb/giây; gói Mobile giá 50-165 USD/tháng, tốc độ tải xuống 5-50 Mb/giây, tải lên 5-25 Mb/giây; và gói Mobile Priority đắt nhất với 250-5.000 USD/tháng, tốc độ tải xuống 40-220 Mb/giây, tải lên 8-25 Mb/giây.
Mức giá trên chưa bao gồm chi phí thiết bị, bắt đầu từ 349 USD. Khác với những đơn vị khác như Hughesnet và Viasat tính phí lắp đặt (từ 100 USD), Starlink hỗ trợ miễn phí. Cuối năm ngoái, SpaceX cũng triển khai gói Starlink Mini với giá 599 USD kèm gói cước 50-165 USD mỗi tháng. Thiết bị có thể bỏ trong ba lô, cho phép dùng thử 30 ngày không cần hợp đồng. Starlink cũng đảm bảo dữ liệu tốc độ cao kể cả khi di chuyển hơn 100 dặm/giờ.
Các gói cước của Starlink có “dữ liệu không giới hạn”, nhưng sẽ có thêm “dữ liệu ưu tiên”. Chẳng hạn, tùy chọn Priority đi kèm với 40 GB, 1 TB hoặc 2 TB “dữ liệu ưu tiên”, với tốc độ truy cập nhanh hơn, ít bị nghẽn mạng hơn. Nhưng khi hết phần dữ liệu này, người dùng phải quay về tốc độ của gói Standard.
Bên cạnh đó, người dùng có thể vẫn phải chịu tình trạng “bóp” băng thông trong giờ cao điểm. Công ty của Elon Musk thậm chí áp dụng “phí tắc nghẽn”, thường từ 100 USD cho một số khu vực có nhu cầu tăng cao hơn những nơi khác.
Starlink hiện nhà cung cấp Internet vệ tinh duy nhất đạt tốc độ đến 220 Mb/giây. Dù vậy, đây là con số lý tưởng. Thực tế, tốc độ trung bình thấp hơn. Dữ liệu gần nhất từ Ookla năm 2023 cho thấy người dùng Starlink tại Mỹ trải nghiệm tốc độ tải xuống và tải lên là 65 và 10 Mb/giây. Dịch vụ Starlink cũng chưa đạt chuẩn băng thông rộng do FCC đặt ra, vốn định nghĩa băng thông rộng là 100 Mb/giây tải xuống và 20 Mb/giây tải lên.
Tuy nhiên, theo Cnet, dù chưa có thống kê cụ thể của năm 2024 và đầu 2025, tốc độ băng thông hiện được cải thiện. Năm ngoái, Musk cũng viết trên X rằng số liệu của Ookla “hoàn toàn sai lầm” và “Starlink đã vượt xa tốc độ đó”, nhưng ông không tiết lộ cụ thể.
Dù đắt đỏ và tốc độ thấp hơn so với Internet truyền thống như cáp quang hay mạng di động, Starlink vẫn được nhiều nơi trên thế giới lựa chọn để kết nối vùng sâu vùng xa, hải đảo hay các vùng chiến sự. “Starlink là một sự bổ sung thú vị và rất cần thiết cho bối cảnh Internet đã hạn chế từ lâu ở vùng sâu vùng xa. Dù dịch vụ chậm hơn và đắt hơn nhiều nhà cung cấp khác, nhưng tiềm năng về tốc độ tương đối cao, độ trễ thấp, dữ liệu không giới hạn là các yếu tố giúp dịch vụ này ngày càng được mở rộng trên toàn cầu thời gian tới”, Cnet bình luận.
Bảo Lâm tổng hợp
Internet vệ tinh của Musk đang được sử dụng thế nào – Báo VnExpress Công nghệ
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Tăng cường nghiên cứu KH&CN vì tương lai bền vững của nguồn nước, khí tượng và năng lượng
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN