Rải hạt mịn vào không khí để tiêu diệt bão

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia phát triển mô hình sử dụng hạt aerosol để giảm sức mạnh bão trước khi chúng đổ bộ vào đất liền.

Ảnh vệ tinh của bão Helena vào ngày 26/9/2025. Ảnh: NOAA

Ảnh vệ tinh của bão Helena vào ngày 26/9/2024. Ảnh: NOAA

New Atlas hôm 22/6 đưa tin, trong một nghiên cứu tiên phong, các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) mô phỏng phương pháp ngăn chặn bão phát triển bằng cách sử dụng hạt aerosol có hình dạng khác nhau. Những hạt này có thể làm gián đoạn quá trình phát triển tự nhiên, giảm sức mạnh phá hủy của hệ thống bão từ rất sớm, trước khi chúng có cơ hội tiến vào đất liền.

Hạt aerosol là hạt chất rắn hoặc lỏng rất nhỏ lơ lửng trong không khí hoặc một chất khí khác, kích thước trong khoảng từ 0,001 đến 100 micromet, có thể xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra.

“Các nghiên cứu khác xem xét tác động của hạt aerosol lên cơn bão đã phát triển đầy đủ, khi nó sắp đổ bộ vào đất liền”, Roslyn Prinsley, phó giáo sư tại ANU, cho biết. “Chúng tôi nghĩ có thể ngăn chặn bão dễ dàng hơn trước khi chúng bắt đầu”. Prinsley đang hợp tác với công ty khởi nghiệp Aeolus tại thung lũng Silicon, chuyên về làm suy yếu bão nhiệt đới trước khi chúng có cơ hội di chuyển vào đất liền.

Cho đến nay, nỗ lực tiêu diệt bão chưa đạt hiệu quả, chủ yếu vì bão nhiệt đới rất khó dự đoán. Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia ở ANU sử dụng mô hình địa vật lý toàn diện để chứng minh hạt nhỏ với hình dạng khác nhau có thể biến đổi khả năng phát triển của bão và ứng dụng chúng vào cơn bão càng sớm càng tốt.

“Chúng tôi phát hiện aerosol mịn (đường kính 0,05-1 micromet) và siêu mịn (<0,05 micromet) ban đầu làm bão mạnh lên bằng cách tăng cường nhiệt lượng giải phóng từ sự ngưng tụ hơi nước, đóng băng và phát triển băng trong mây. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra một ‘hồ lạnh’ (vùng không khí lạnh gần mặt đất) mạnh hơn, qua đó giảm năng lượng đổ vào cơn bão, cuối cùng khiến nó yếu đi. Ngược lại, aerosol lớn hơn (1-4 micromet) ban đầu làm chậm cơn bão bằng cách tăng cường mưa, nhưng sau đó tạo ra hồ lạnh yếu hơn, hầu như không khiến bão suy yếu”, nhóm nghiên cứu giải thích.

Về cơ bản, hạt aerosol mịn và siêu mịn từ muối biển làm cho cơn bão mạnh hơn, nhưng quá trình này cuối cùng cắt đứt nguồn không khí ấm và ẩm, dẫn tới hạn chế sự phát triển của nó, do đó cung cấp hiệu quả tốt nhất. Các hạt thô tạo ra giọt mây ít nhưng lớn hơn, ảnh hưởng đến lượng mưa. Điều này không đủ để phá hủy hoàn toàn cơn bão, khiến nó có thể tăng cường sức mạnh sau một thời gian.

Can thiệp bằng hạt aerosol cần tiến hành khi cơn bão vẫn ở giai đoạn “thai nghén” trước khi phát triển thành bão nhiệt đới. Sử dụng mô hình hệ thống tiền bão với bán kính 200 km và độ cao 300 m, cần 4 tấn hạt siêu mịn mỗi giờ.

Theo nhóm nghiên cứu, việc phát triển và thử nghiệm công nghệ trong thực tế vẫn còn thách thức. Prinsley xác định vùng biển Ấn Độ Dương ngoài Tây Australia có thể là điểm khởi đầu tốt để thử nghiệm công nghệ.

An Khang (Theo New Atlas, ANU)

Rải hạt mịn vào không khí để tiêu diệt bão – Báo VnExpress

Thành lập Liên minh AI Âu Lạc, quy tụ hơn 20 đơn vị

Liên minh AI Âu Lạc quy tụ hơn 20 đơn vị, ra đời với mục tiêu nghiên cứu phát triển, xây dựng quy chuẩn, chính sách và đào tạo về AI, hưởng ứng các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Tại lễ công bố ngày 20/6 ở Hà Nội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, người đưa ra sáng kiến thành lập Liên minh AI Âu Lạc, cho rằng “đây không chỉ là sáng kiến, mà là một lời hiệu triệu”.

Nhắc lại Quyết định 1131 của Chính phủ về danh mục 11 nhóm công nghệ chiến lược trong đó có AI, ông Bình cho rằng thế giới đang bước vào kỷ nguyên AI và Việt Nam đứng trước vận hội lớn để vươn mình, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam xác định “bộ tứ trụ cột” giúp đất nước cất cánh, gồm Nghị quyết 57 thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế, Nghị quyết 68 phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 66 đổi mới toàn diện thể chế.

Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình cho rằng việc phát triển AI tại Việt Nam vẫn tồn tại những thách thức lớn, gồm bảo vệ chủ quyền công nghệ, hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia tiên tiến và thiếu nguồn lực đầu tư.

“Các cường quốc đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD mỗi năm cho AI, Việt Nam không có nguồn lực tương đương. Liên minh AI Âu Lạc ra đời như một lời giải cho các thách thức này”, ông nói.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Vân Anh

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Vân Anh

Những thành viên đầu tiên tham gia liên minh là các đơn vị công nghệ đầu ngành và startup công nghệ như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, MobiFone, VNPT, FPT, CMC, Bkav, Misa, Vnpay, Zalo, MoMo, AI For Vietnam, AI Hay, N2TP, Finhay cùng bảy học viện, trường đại học.

Liên minh AI Âu Lạc sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm: Nghiên cứu phát triển, Xây dựng quy chuẩn và chính sách về AI, Đào tạo.

Trong lĩnh vực Nghiên cứu phát triển, các thành viên sẽ cùng phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn LLM với khả năng xử lý tiếng Việt chính xác, tự nhiên, phù hợp với văn hóa và bản sắc Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy kinh tế quốc gia. “Các thành viên cũng sẽ hợp lực để xây dựng một cộng đồng AI mở, minh bạch, nơi mọi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thể tự do tiếp cận và sử dụng các tài sản công khai, kể cả cho mục đích thương mại”, thông báo nêu.

Trong lĩnh vực Xây dựng quy chuẩn và chính sách về AI, liên minh dự kiến tham gia đóng góp ý kiến về chính sách, tiêu chuẩn và bộ quy tắc về AI nhằm đảm bảo các sản phẩm AI an toàn, có trách nhiệm, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật.

Trong lĩnh vực Đào tạo, họ sẽ tổ chức các hoạt động, chương trình đào tạo, cuộc thi, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về AI cho cộng đồng.

Tại lễ ra mắt, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết ông ấn tượng về tên gọi AI Âu Lạc “không chỉ gợi nhắc về những ngày đầu dựng và giữ nước, mà còn thể hiện khát vọng xây dựng một mô hình thông minh nhân tạo của riêng Việt Nam, bằng ngôn ngữ Việt, phục vụ cho sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc của dân tộc”.

Theo ông Thắng, người Việt cần “hành động ngay, bây giờ hoặc không bao giờ”. Cần kết nối, tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đủ mạnh, đồng thời hoàn thiện và kiến tạo thể chế, ở đó, AI không chỉ là công nghệ, mà là công cụ chiến lược để ra quyết sách, quản trị, và phục vụ con người. “Tôi tin tưởng vào trí tuệ Việt Nam, và tin chúng ta sẽ thành công. Không chỉ thành công, mà là thành công sớm hơn, mạnh mẽ hơn”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói.

Dồn toàn lực cho AI

Ngay sau lễ ra mắt, các thành viên đầu tiên của liên minh đã đưa ra những cam kết cùng đồng hành, nhằm kiến tạo nền tảng công nghệ AI mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần khẳng định vị thế quốc gia trong kỷ nguyên số.

Ông Trần Đức, CEO AI Hay, một trong ba startup tham gia liên minh, cho rằng AI Âu Lạc ra đời không chỉ đánh dấu sự phát triển bền vững của AI tại Việt Nam, mà còn thể hiện sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong việc phát triển và phổ cập AI đến toàn dân.

“Sự thành lập của liên minh hôm nay cũng mở ra khả năng hợp tác sâu rộng giữa các đơn vị hay cơ hội tham gia vào những dự án mang tính quốc gia cho các doanh nghiệp AI hay startup mới”, ông Đức nói.

Startup này kỳ vọng cùng các thành viên trong liên minh thực hiện hai mục tiêu: Sản xuất, phát triển những nền tảng AI mang bản sắc Việt, hiểu và dành riêng cho người dùng Việt; góp phần đảm bảo chủ quyền số, xây dựng nền tảng công nghệ mà ở đó người Việt nắm quyền điều hành, bảo vệ an toàn dữ liệu cho người dùng cũng như các thông tin quốc gia.

“Liên minh AI hôm nay là một cột mốc quan trọng để Việt Nam tiến tới vị thế cường quốc AI”, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết. Đánh giá trí tuệ Việt Nam là nền tảng, ông kỳ vọng việc tham gia liên minh giúp trường đại học cùng tham gia vào những bài toán lớn của đất nước, để “cả thầy và trò đều được tiếp cận thực tế, đóng góp trí tuệ cho quốc gia”.

Các thành viên trong lễ ra mắt liên minh AI Âu Lạc. Ảnh: Vân Anh

Các thành viên trong lễ ra mắt liên minh AI Âu Lạc. Ảnh: Vân Anh

Tại sự kiện, các đơn vị cho biết sẽ đóng góp cho liên minh dựa trên các thế mạnh của mình. Chủ tịch Misa Lữ Thành Long khẳng định sẽ cung cấp đội ngũ chuyên gia về dữ liệu, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, kế toán cho liên minh.

Ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc Công nghệ Zalo, cam kết đóng góp kinh nghiệm xây dựng thành công mô hình AI thuần Việt, kiến trúc hệ thống và bộ đánh giá năng lực tiếng Việt VMLU với hơn 10.000 câu hỏi.

FPT cho biết sẽ mở toàn bộ nền tảng công nghệ lõi, từ LLM đến Cloud AI, để các thành viên cùng phát triển, đồng thời đầu tư vào AI mở, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, viện nghiên cứu, trường học tiếp cận dữ liệu và công cụ.

Lưu Quý

Thành lập Liên minh AI Âu Lạc, quy tụ hơn 20 đơn vị – Báo VnExpress

Honda thử nghiệm thành công tên lửa tái sử dụng

Nhật Bản – Nguyên mẫu tên lửa tái sử dụng bay lên độ cao gần 271 m tại cơ sở của Honda ở thị trấn Taiki vào ngày 17/6.

Theo Space, hãng sản xuất ôtô Nhật Bản Honda phóng và hạ cánh thành công một nguyên mẫu tên lửa tái sử dụng, đánh dấu bước tiến lớn hướng tới khả năng bay vào không gian trong tương lai. Thử nghiệm cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) kéo dài 56 giây diễn ra tại cơ sở của Honda ở Taiki, Hokkaido, nơi thường được gọi là “thị trấn không gian” của Nhật Bản. Tên lửa do Honda R&D phát triển đạt độ cao 271,4 mét và hạ cánh chỉ cách mục tiêu 37 cm.

Tên lửa tái sử dụng thử nghiệm có chiều dài khoảng 6,3 mét và đường kính 85 cm. Nó có trọng lượng khô là 900 kg và trọng lượng ướt là 1.312 kg. Theo Honda, họ đã đạt các mục tiêu dự kiến trong lần phóng và hạ cánh này, đồng thời thu thập dữ liệu trong quá trình bay lên và hạ xuống. Công ty sẽ tiếp tục tiến hành thêm một lần phóng cận quỹ đạo.

“Dù tên lửa của Honda vẫn đang ở giai đoạn phát triển và chưa có quyết định thương mại hóa công nghệ, Honda sẽ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu cơ bản với mục tiêu thực hiện phóng cận quỹ đạo vào năm 2029”, công ty cho biết.

Theo Interesting Engineering, đây không phải là bước nhảy vọt đột ngột đối với Honda. Công ty lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch về tên lửa tái sử dụng năm 2021 và cuối năm ngoái, họ thậm chí thành lập Phòng phát triển không gian tại Mỹ để thúc đẩy hợp tác.

Honda không phải là công ty duy nhất trong lĩnh vực đang phát triển này. Chính phủ Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp không gian nhằm tăng gấp đôi quy mô lên hơn 55 tỷ USD vào đầu thập kỷ 2030 thông qua trợ cấp tích cực cho các công ty tư nhân. Điều này khơi dậy một cuộc đua không gian thương mại, thu hút những đối thủ lớn khác trong ngành ôtô như Toyota, công ty đang hướng tới việc tăng cường sản xuất hàng loạt phương tiện phóng.

Trong thập kỷ qua, phương tiện phóng tái sử dụng, nổi bật nhất là Falcon 9 của SpaceX, đã hoàn toàn thay đổi nhiệm vụ không gian thương mại. Xu hướng đó cũng thôi thúc sự phát triển từ nhiều công ty cạnh tranh ở Mỹ như Blue Origin, Châu Âu và Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc từng thử nghiệm một tên lửa lấy cảm hứng từ SpaceX trên sa mạc Gobi.

An Khang (Theo Space/Interesting Engineering)

Tàu đệm từ Trung Quốc phá kỷ lục tốc độ

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tăng tốc từ 0 km lên tới 650 km/h chỉ trong 7 giây trong thử nghiệm với hệ thống hỗ trợ đệm từ tiên tiến và hệ thống đẩy điện từ.

 

Trong bước đột phá quan trọng đối với công nghệ đệm từ của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Donghu ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, gặt hái thành công trong việc tăng tốc phương tiện thử nghiệm nặng 1,1 tấn lên 650 km/h trên quãng đường dưới 1.000 m, sử dụng hệ thống hỗ trợ đệm từ tiên tiến và hệ thống đẩy điện từ.

Dữ liệu thử nghiệm cho thấy phương tiện đạt tốc độ đáng kinh ngạc trên trong khoảng 7 giây với đường chạy 600 m. Theo Li Weichao, giám đốc Trung tâm đổi mới công nghệ đẩy điện từ maglev tốc độ cao tại phòng thí nghiệm, đây là tốc độ nhanh nhất thế giới. Hồi tháng 2/2024, tốc độ đạt được của tàu đệm từ là 623 km/h.

Thành tựu này trở nên khả thi nhờ vào đường chạy thử nghiệm tàu đệm từ tốc độ cao do phòng thí nghiệm tự phát triển, dài 1.000 m. Khác với thử nghiệm tốc độ thông thường đòi hỏi đường chạy dài, thường từ 30 đến 40 km, đường chạy thử nghiệm mới áp dụng phương pháp tăng tốc cự ly ngắn, yêu cầu đo lường tốc độ và vị trí cực kỳ chính xác. “Độ chính xác hiện tại của việc đo tốc độ và định vị có thể đạt tới 4 mm”, Li cho biết.

Dưới tác động của lực điện từ, hiệu ứng “đẩy cùng dấu” xảy ra giữa phương tiện thử nghiệm và đường ray trong khi không có tiếp xúc vật lý giữa hai bên. Phương tiện thử nghiệm lơ lửng phía trên đường ray và trong quá trình tăng tốc, nó không bị hạn chế bởi ma sát, chỉ cần vượt qua lực cản không khí. Theo Li, tốc độ 650 km/h không phải là mục tiêu cuối cùng của đường chạy thử nghiệm. Tốc độ hoạt động điển hình của nó là 800 km/h. Toàn bộ công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Ngoài đạt tốc độ tăng tốc đáng chú ý, công nghệ tiên tiến còn cho phép phương tiện giảm tốc độ về không chỉ trong 200 m. Với khả năng kiểm soát chính xác cả tăng tốc và lực phanh, đường chạy thử nghiệm này sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho nghiên cứu tàu cao tốc và phát triển các công nghệ giao thông tiên tiến khác. Li chia sẻ công nghệ sử dụng trên đường chạy thử nghiệm đang được áp dụng tại các cơ sở nghiên cứu khác.

An Khang (Theo CGTN)

Tàu đệm từ Trung Quốc phá kỷ lục tốc độ – Báo VnExpress

Công nghệ lượng tử: Thách thức và cơ hội cho Việt Nam

Cuộc cách mạng về công nghệ lượng tử không còn là dự đoán mà nó đã và đang trở thành xu thế trên toàn cầu. Công nghệ này được kỳ vọng mở ra cách giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc sống.

 

Hãy tưởng tượng một ngày bạn thức dậy và phát hiện tài khoản ngân hàng, email, mọi dữ liệu cá nhân đều có thể bị “đọc” như cuốn sách mở. Nghe có vẻ như phim khoa học viễn tưởng? Nhưng đây có thể là thực tế trong 10-15 năm tới khi máy tính lượng tử đủ mạnh để “bẻ khóa” mọi hệ thống bảo mật hiện tại.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ phát triển chóng mặt, mang đến cả tiềm năng vô hạn lẫn thách thức chưa từng có. Điện toán lượng tử từng chỉ tồn tại trong lý thuyết, giờ đây đang trở thành hiện thực, hứa hẹn cách mạng hóa cách chúng ta xử lý thông tin nhưng cũng tạo ra những thách thức to lớn đối với an ninh mạng toàn cầu.

Khi khóa cửa không còn an toàn

Câu chuyện bắt đầu từ một nghiên cứu đột phá vào tháng 3/2024. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa – Trung Quốc, công bố phát hiện gây chấn động cộng đồng khoa học: Máy tính lượng tử có thể phá vỡ mã hóa RSA dễ dàng hơn 20 lần so với ước tính trước đây. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí danh giá Physical Review Letters cho thấy thay vì cần 20 triệu qubit như dự đoán ban đầu, chỉ cần 1 triệu qubit là đủ để làm sụp đổ hệ thống bảo mật mà thế giới hiện đang tin dùng.

RSA chính là “khóa cửa” bảo vệ gần như mọi giao dịch trực tuyến hiện nay. Từ khi bạn mua hàng online, chuyển tiền ngân hàng, cho đến email công việc, tất cả đều dựa vào thuật toán này để mã hóa thông tin. Khi “khóa” này bị phá, toàn bộ thế giới số sẽ như những ngôi nhà không còn cửa. Mọi bí mật, từ dữ liệu cá nhân đến thông tin quốc gia, đều có thể bị lộ.

Công nghệ lượng tử sẽ góp phần thay đổi nhiều yếu tố trong cuộc sống con người (Ảnh: India).

Sự khác biệt giữa máy tính lượng tử và máy tính thông thường nằm ở cách chúng xử lý thông tin. Máy tính thông thường xử lý dữ liệu theo từng bit, giống như bạn đọc sách từng chữ một. Mỗi bit chỉ có thể là 0 hoặc 1. Nhưng máy tính lượng tử sử dụng “qubit” có thể vừa là 0 vừa là 1 cùng lúc, như việc bạn có thể đọc cả cuốn sách cùng một lúc.

Hiện tượng này được gọi là “chồng chập lượng tử”, một đặc tính kỳ lạ của vật lý lượng tử cho phép các hạt tồn tại ở nhiều trạng thái cùng lúc. Nhờ khả năng xử lý song song này, máy tính lượng tử có thể giải quyết một số bài toán phức tạp với tốc độ vượt trội hoàn toàn so với các loại máy tính mạnh nhất hiện nay. Các chuyên gia dự đoán rằng trong vòng một thập kỷ tới, máy tính lượng tử đủ mạnh để phá vỡ các thuật toán mã hóa RSA và ECC, những nền tảng bảo mật của hầu hết mọi giao dịch điện tử hiện nay.

Nhưng mối đe dọa thực sự đã bắt đầu từ hôm nay qua hiện tượng được các chuyên gia gọi là “harvest now, decrypt later” (tạm dịch là “thu thập ngay, giải mã sau”). Hiện tượng này giống như việc những kẻ xấu đang âm thầm gom góp tất cả thư tín mã hóa của bạn vào một chiếc hộp khổng lồ, chờ đợi ngày có được chìa khóa vạn năng để mở ra. Các tổ chức tình báo và tin tặc quốc tế hiện đang thu thập hàng khối dữ liệu mã hóa – từ email chính phủ, tài liệu quốc phòng, đến bí mật thương mại…, với hy vọng rằng 10-15 năm nữa, khi máy tính lượng tử ra đời, họ sẽ có thể giải mã tất cả.

Cuộc chạy đua cứu thế giới số

Trong khi các nhà khoa học đang lo lắng về “ngày tận thế mật mã”, những giải pháp đầy hứa hẹn đã bắt đầu xuất hiện. Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST) sau 8 năm nghiên cứu đã công bố 3 tiêu chuẩn mã hóa đầu tiên có khả năng chống lại sức mạnh phá hủy của máy tính lượng tử vào tháng 8/2024. Tuy nhiên, chuyển đổi toàn bộ hệ thống bảo mật toàn cầu sang các tiêu chuẩn mới này không phải việc đơn giản và cần thời gian.

Một trong những giải pháp tiên tiến nhất hiện nay đến từ một công ty nhỏ ở Canada là Quantum eMotion. Công ty này vừa hoàn thiện chip bảo mật lượng tử QRNG (Quantum Random Number Generator – Bộ tạo số ngẫu nhiên lượng tử) và đã chuyển giao sản xuất cho “ông trùm” sản xuất chip TSMC ở Đài Loan. Theo thông cáo báo chí của công ty vào tháng 1/2024, đây không chỉ là thành tựu kỹ thuật đơn thuần, mà còn là biểu tượng của sự chuyển mình trong ngành công nghiệp bảo mật toàn cầu.

Chip QRNG hoạt động dựa trên “hiệu ứng đường hầm lượng tử”, một hiện tượng vật lý mà ở đó các hạt có thể “xuyên qua” các rào cản năng lượng theo cách hoàn toàn ngẫu nhiên và không thể dự đoán. Đây là sự khác biệt căn bản so với các bộ tạo số ngẫu nhiên truyền thống vốn dựa trên thuật toán toán học. Trong khi thuật toán dù phức tạp đến đâu vẫn có thể bị phá giải với đủ sức mạnh tính toán, thì tính ngẫu nhiên lượng tử là tuyệt đối. Ngay cả máy tính lượng tử mạnh nhất cũng không thể dự đoán được kết quả, giống như việc bạn tung đồng xu nhưng kết quả được quyết định bởi các định luật vật lý cơ bản của vũ trụ.

Điều ấn tượng về chip QRNG là khả năng tạo ra hơn 1 gigabit mỗi giây số ngẫu nhiên lượng tử thực sự. Tốc độ này đủ để đáp ứng nhu cầu mã hóa thời gian thực cho hầu hết các ứng dụng hiện đại, từ giao dịch ngân hàng đến truyền thông bảo mật. Sự xuất hiện của công nghệ này mang đến hy vọng mới trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ máy tính lượng tử.

Đo lường học trở thành chiến trường mới

Trong bối cảnh có nhiều lo ngại về an ninh lượng tử, cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan rộng sang một lĩnh vực tưởng chừng khô khan nhưng vô cùng quan trọng, đó là Đo lường học. Tháng 12/2023, Trung Quốc công bố “Kế hoạch hành động 2030” với mục tiêu đạt được đột phá trong hơn 50 công nghệ đo lường cốt lõi, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực sản xuất chip và đo lường quy mô lượng tử.

Đo lường học, khoa học về phép đo chính xác, là nền tảng cho mọi ngành công nghiệp hiện đại. Hãy tưởng tượng việc sản xuất chip như xây nhà. Nếu bạn đo sai, dù chỉ 1mm, cả ngôi nhà sẽ sập. Với chip hiện đại có kích thước nano, nhỏ hơn virus hàng nghìn lần, độ chính xác trong đo lường trở thành yếu tố then chốt quyết định thành bại trong sản xuất. Từ việc sản xuất chip với độ chính xác nano đến các thiết bị lượng tử siêu nhạy, tất cả đều phụ thuộc vào khả năng đo lường chính xác.

Phản ứng của Mỹ cũng không kém phần mạnh mẽ với sáng kiến “Chips for America” (Đạo luật Chip cho nước Mỹ) khởi động một chương trình riêng về đo lường học cho ngành bán dẫn. Cuộc đua này phản ánh một nhận thức chung là ai kiểm soát được công nghệ đo lường tiên tiến sẽ có lợi thế quyết định trong nhiều ngành công nghiệp then chốt của tương lai.

Việt Nam trong cuộc đua công nghệ toàn cầu

Cuộc cách mạng về công nghệ lượng tử không phải là viễn cảnh xa vời mà đã là thực tế đang hình thành. Các chuyên gia cảnh báo rằng mặc dù có thể còn từ 10-20 năm nữa khủng hoảng mật mã lượng tử thực sự mới xảy ra, nhưng việc chuẩn bị phải bắt đầu từ hôm nay. Mối đe dọa từ máy tính lượng tử đối với hệ thống bảo mật hiện tại đã là sự thật không thể phủ nhận.

Thành công của công ty Quantum eMotion mang đến nhiều bài học quý giá cho Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Đảng về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Quantum eMotion không phải là “gã khổng lồ” công nghệ. Đây chỉ là công ty khởi nghiệp nhỏ hợp tác với các trường đại học Canada, nhưng họ đã tạo ra sản phẩm có giá trị hàng tỷ đô la thông qua việc tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt.

Công nghệ lượng tử có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực (Ảnh: Shutter Stock).

Điều quan trọng mà Việt Nam cần nhận thức là ta không nhất thiết phải có công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất để tạo ra giá trị cao trong lĩnh vực công nghệ lượng tử. Với chiến lược đúng đắn, sự đầu tư hợp lý và quyết tâm cao, Việt Nam không chỉ có thể đảm bảo được an ninh số trong tương lai mà còn xây dựng được một ngành công nghiệp công nghệ cao có giá trị.

Việt Nam có những lợi thế riêng để phát triển trong lĩnh vực này. Đất nước có nguồn nhân lực trẻ với hơn 70% dân số sử dụng internet và nền tảng toán học, vật lý tốt, những kỹ năng cốt lõi cho công nghệ lượng tử. Kinh nghiệm hợp tác giữa Quantum eMotion với các trường đại học Canada cho thấy mô hình kết hợp nghiên cứu học thuật với phát triển sản phẩm thương mại là chìa khóa thành công mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng.

Khi Việt Nam phát triển thành công công nghệ bảo mật lượng tử, tác động tích cực sẽ lan tới mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Giao dịch ngân hàng sẽ an toàn tuyệt đối, dữ liệu cá nhân được bảo vệ khỏi tin tặc quốc tế, hệ thống chính phủ điện tử hoạt động với mức bảo mật cao nhất, và quan trọng hơn cả là tạo ra hàng nghìn việc làm chất lượng cao cho lực lượng lao động trẻ của đất nước.

Lộ trình hành động cụ thể cho Việt Nam

Việt Nam, một quốc gia có hơn 70% dân số sử dụng internet và đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, việc chuẩn bị cho kỷ nguyên bảo mật hậu lượng tử không phải chỉ là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Sáng kiến 20 trong “Kế hoạch hành động chiến lược thực hiện Nghị quyết 57” của Ban chỉ đạo Nghị quyết 57 Trung ương đã xác định rõ mục tiêu “Phát triển và làm chủ hoàn toàn công nghệ Cơ yếu Lượng tử, hậu Lượng tử để bảo đảm an toàn thông tin quốc gia ở mức độ siêu bảo mật”.

Để nắm bắt cơ hội này, từ kinh nghiệm của các nước đi trước, Việt Nam cần triển khai ngay một chiến lược tổng thể về bảo mật hậu lượng tử. Trụ cột đầu tiên là xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển nội địa. Việt Nam cần thành lập ngay các trung tâm nghiên cứu Công nghệ Lượng tử tại các viện trường hàng đầu như: Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TPHCM…, kết hợp với doanh nghiệp công nghệ cao và công ty khởi nghiệp. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ không chỉ về tài chính mà còn về chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu đột phá. Đồng thời, cần có các chương trình học bổng để thu hút chuyên gia quốc tế và hợp tác với các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới như MIT, Stanford, Cambridge.

Trụ cột thứ hai là phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn chuyên biệt. Thành công của Quantum eMotion với công nghệ 65nm cho thấy Việt Nam không cần phải cạnh tranh trong cuộc đua công nghệ nano tiên tiến mà có thể tập trung vào các chip chuyên dụng có giá trị cao. Đây là cơ hội để Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng chuyên biệt hóa, tập trung vào chip bảo mật thay vì cạnh tranh trực tiếp với các gã khổng lồ trong lĩnh vực chip đa dụng.

Việc ứng dụng công nghệ lượng tử là chưa đủ mà còn phải chú ý đến bảo mật hậu lượng tử (Ảnh: Oxford).

Trụ cột thứ ba là chuẩn bị cơ sở hạ tầng và nhân lực. Việt Nam cần bắt đầu đào tạo chuyên gia về “Mật mã hậu Lượng tử” ngay từ bây giờ. Đây không phải là việc có thể trì hoãn vì hiện tượng “thu thập ngay, giải mã sau” đang diễn ra hàng ngày. Các tổ chức quan trọng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các cơ quan Chính phủ điện tử cần bắt đầu lộ trình chuyển đổi sớm sang hệ thống bảo mật mới. Khi bị trì hoãn, những dữ liệu tối quan trọng có thể bị “thu thập” bởi những kẻ xấu, chờ đợi ngày máy tính lượng tử ra đời để khai thác. Đồng thời, cần xây dựng các trung tâm thử nghiệm và chứng nhận để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của các sản phẩm công nghệ lượng tử.

Trụ cột cuối cùng là xây dựng khung pháp lý và tiêu chuẩn quốc gia. Việt Nam có cơ hội trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tiêu chuẩn bảo mật lượng tử. Điều này không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh mà còn giúp Việt Nam có tiếng nói trong việc định hình tiêu chuẩn quốc tế. Cần xây dựng quy định về an ninh mạng cho kỷ nguyên lượng tử và tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng tiêu chuẩn.

Cơ hội to lớn về nhiều mặt đang ở phía trước

Theo báo cáo “Global Quantum Random Number Generator Market” của Research and Markets năm 2024, thị trường QRNG toàn cầu được dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép 35% hàng năm, đạt giá trị 1.9 tỷ USD vào năm 2030. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam không chỉ đuổi kịp mà có thể vươn lên dẫn đầu trong một phân khúc công nghệ mới chuyên biệt.

Với chiến lược đúng đắn, Việt Nam có thể xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn chuyên biệt tập trung vào chip bảo mật, vừa không phải cạnh tranh trực tiếp với các gã khổng lồ trong lĩnh vực chip đa dụng, vừa góp phần tự đảm bảo an ninh số quốc gia trong kỷ nguyên chuyển đổi số toàn cầu hiện nay.

Thành công trong lĩnh vực này sẽ mang lại không chỉ lợi ích kinh tế to lớn. Ngoài việc tạo ra hàng nghìn việc làm chất lượng cao, Việt Nam còn có thể trở thành trung tâm xuất khẩu công nghệ bảo mật lượng tử cho khu vực ASEAN và châu Á. Điều này không chỉ đóng góp vào GDP mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Cuộc cách mạng công nghệ lượng tử không phải viễn cảnh xa vời mà đang diễn ra ngay hôm nay. Những quốc gia có tầm nhìn xa và hành động quyết đoán ngay hôm nay sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua công nghệ lượng tử. Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn chuyên biệt vừa đảm bảo an ninh quốc gia vừa tạo ra giá trị kinh tế cao.

Như nhà vật lý nổi tiếng Niels Bohr từng nói: “Dự đoán rất khó khăn, đặc biệt là về tương lai”. Nhưng một điều chắc chắn là công nghệ lượng tử sẽ thay đổi thế giới. Chính vì thế, Việt Nam cần chuẩn bị để không chỉ thích ứng tốt mà còn hướng đến dẫn dắt sự thay đổi này. Thời gian không chờ đợi ai, và cơ hội chỉ đến với những ai sẵn sàng nắm bắt.

Phân chia 6 hệ thống nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết 57

Các nhiệm vụ của Nghị quyết 57 được chia thành sáu hệ thống, với 30 sáng kiến đột phá, triển khai phần lớn trong giai đoạn 2025-2030.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đầu tháng 6 đã ban hành Kế hoạch hành động chiến lược, dựa trên Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.

Kế hoạch áp dụng “cách tiếp cận mới theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm”. Theo đó, các nhiệm vụ được tổ chức thành sáu hệ thống, gồm: 5 hệ thống chiến lược trọng yếu và một mệ thống dự án đặc biệt quan trọng.

“Các hệ thống đều được gắn với các Sáng kiến đột phá, có tính định hướng, dẫn dắt, bảo đảm đồng bộ, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau”, kế hoạch nêu.

Hệ thống đổi mới thể chế và quản trị quốc gia (Hệ thống 1) tập trung hiện đại hóa nền quản trị hành chính quốc gia, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả, thống nhất dữ liệu quốc gia, kết hợp chặt chẽ với quá trình đổi mới thể chế.

Ba sáng kiến đột phá bao gồm: Đổi mới mạnh mẽ thể chế để gỡ bỏ rào cản về thể chế, chính sách để mở đường cho phát triển; Xây dựng mô hình quản trị dựa trên nền tảng dữ liệu, dịch vụ số và AI; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ an ninh, quốc phòng dựa trên các nền tảng trí tuệ nhân tạo và người máy, công nghệ tích hợp giám sát hiện trường thời gian thực.

Hệ thống phát triển công nghiệp, tự chủ về công nghệ (Hệ thống 2) tập trung thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao tri thức, đổi mới sáng tạo, triển khai Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược. Hệ thống có vai trò góp phần hình thành phương thức sản xuất mới dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam thích ứng với môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Sáu sáng kiến trọng điểm của hệ thống gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn, vật liệu mới; Chương trình năng lượng quốc gia; Nền tảng chia sẻ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo quốc gia; Hệ sinh thái sở hữu trí tuệ và chuyển giao tri thức và công nghệ; Ứng dụng công nghệ số, AI và áp dụng mô hình sản xuất thông minh trong doanh nghiệp; Chương trình công nghiệp quốc phòng và an ninh tự chủ, lưỡng dụng và hiện đại.

Phòng sạch, Trung tâm Nano và Năng lượng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn. Ảnh: Giang Huy

Phòng sạch, Trung tâm Nano và Năng lượng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn. Ảnh: Giang Huy

Hệ thống an sinh và phúc lợi (Hệ thống 3) tập trung xây dựng hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội hiện đại, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội văn minh, nâng cao chất lượng sống, bảo đảm người dân hạnh phúc, môi trường sống xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Hệ thống gồm sáu sáng kiến đột phá: Y tế thông minh; Giáo dục thông minh; Nông nghiệp bền vững và thông minh; Môi trường xanh và đô thị thông minh; Phong trào “Bình dân học vụ số”; Phát triển con người Việt Nam hạnh phúc.

Hệ thống hạ tầng thông tin và dữ liệu (Hệ thống 4) phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”, đồng thời triển khai Cuộc cách mạng dữ liệu quốc gia, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, tạo nguồn lực mới cho phát triển, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu có về dữ liệu.

Ba sáng kiến đột phá trong hệ thống gồm: Phát triển hạ tầng viễn thông, Internet; Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu quốc gia; Nền tảng IoT quốc gia.

Hệ thống năng lực sáng tạo và văn hóa đổi mới (Hệ thống 5) tập trung xây dựng hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo toàn diện, lấy con người làm trung tâm, tri thức làm nền tảng và văn hóa đổi mới sáng tạo làm động lực, chú trọng việc thu hút và phát triển nhân tài khoa học công nghệ.

Hệ sinh thái này được cấu thành bởi ba trụ cột, gồm: Mạng lưới nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nguồn nhân lực chất lượng cao; và Văn hóa đổi mới sáng tạo.

Năm sáng kiến đột phá trong hệ thống gồm: Mạng lưới Trung tâm nghiên cứu xuất sắc và phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung; Thu hút và ươm tạo tài năng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ lõi cho máy tính thế hệ tương lai; Nền tảng thông tin và tri thức khoa học công nghệ dùng chung; và Văn hóa đổi mới.

Hệ thống dự án đặc biệt quan trọng (Hệ thống 6) tập trung huy động và ưu tiên nguồn lực quốc gia để tổ chức triển khai thành công một số dự án công nghệ quy mô lớn, có tính đột phá, sản phẩm cụ thể, mang lại tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết các bài toán lớn, mang tính chiến lược của đất nước.

“Việc lựa chọn và phê duyệt các dự án đặc biệt quan trọng được thực hiện trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng xu hướng và kinh nghiệm quốc tế, năng lực nội tại của Việt Nam, dự báo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, xác định vị trí tối ưu của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm tính khả thi và đánh giá toàn diện về hiệu quả và tác động”, kế hoạch nêu.

Năm sáng kiến trong hệ thống gồm: AI quốc gia; Công nghệ gene chữa bệnh; Công nghệ năng lượng nguyên tử; Công nghệ đường sắt cao tốc Bắc-Nam; Công nghệ chế tạo thiết bị không người lái và robot phục vụ an ninh – quốc phòng và sản xuất tự động.

Một thiết bị bay không người lái của Việt Nam trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024. Ảnh: Giang Huy

Một thiết bị bay không người lái của Việt Nam trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024. Ảnh: Giang Huy

Về triển khai, kế hoạch đề ra ba giai đoạn, trong đó 2025-2027 là giai đoạn xây dựng nền tảng, tạo đột phá ban đầu. Giai đoạn này tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp bách nhằm tạo nền móng về thể chế, hạ tầng, nhận thức và khởi động các sáng kiến có tính lan tỏa cao. Một số sáng kiến được đề cập trong giai đoạn này thuộc các hệ thống 1, hệ thống 2, hệ thống 4, đồng thời khởi động một số sáng kiến của hệ thống 6.

2028-2030 là giai đoạn tăng tốc, mở rộng, tập trung triển khai diện rộng, hoàn thiện các hệ thống và ứng dụng sâu rộng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội. Phần lớn hệ thống, sáng kiến đều được nhắc đến trong giai đoạn này.

2031-2045 được xác định là giai đoạn phát triển nhanh, bền vững và hội nhập sâu rộng. Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình triển khai các giai đoạn trước, Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức đánh giá toàn diện, làm căn cứ điều chỉnh, cập nhật kế hoạch hành động, xác định lộ trình và các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp.

Ngoài ra, Kế hoạch hành động cũng nêu rõ các vấn đề về Giải pháp trọng tâm và đột phá, Tổ chức thực hiện.

Lưu Quý

Honda thử nghiệm thành công tên lửa tái sử dụng

Nguyên mẫu tên lửa tái sử dụng bay lên độ cao gần 271 m tại cơ sở của Honda ở thị trấn Taiki vào ngày 17/6.

Nguyên mẫu tên lửa tái sử dụng của Honda bay thử nghiệm. Video: Tumamoto

Theo Space, hãng sản xuất ôtô Nhật Bản Honda phóng và hạ cánh thành công một nguyên mẫu tên lửa tái sử dụng, đánh dấu bước tiến lớn hướng tới khả năng bay vào không gian trong tương lai. Thử nghiệm cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) kéo dài 56 giây diễn ra tại cơ sở của Honda ở Taiki, Hokkaido, nơi thường được gọi là “thị trấn không gian” của Nhật Bản. Tên lửa do Honda R&D phát triển đạt độ cao 271,4 mét và hạ cánh chỉ cách mục tiêu 37 cm.

Tên lửa tái sử dụng thử nghiệm có chiều dài khoảng 6,3 mét và đường kính 85 cm. Nó có trọng lượng khô là 900 kg và trọng lượng ướt là 1.312 kg. Theo Honda, họ đã đạt các mục tiêu dự kiến trong lần phóng và hạ cánh này, đồng thời thu thập dữ liệu trong quá trình bay lên và hạ xuống. Công ty sẽ tiếp tục tiến hành thêm một lần phóng cận quỹ đạo.

“Dù tên lửa của Honda vẫn đang ở giai đoạn phát triển và chưa có quyết định thương mại hóa công nghệ, Honda sẽ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu cơ bản với mục tiêu thực hiện phóng cận quỹ đạo vào năm 2029”, công ty cho biết.

Theo Interesting Engineering, đây không phải là bước nhảy vọt đột ngột đối với Honda. Công ty lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch về tên lửa tái sử dụng năm 2021 và cuối năm ngoái, họ thậm chí thành lập Phòng phát triển không gian tại Mỹ để thúc đẩy hợp tác.

Honda không phải là công ty duy nhất trong lĩnh vực đang phát triển này. Chính phủ Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp không gian nhằm tăng gấp đôi quy mô lên hơn 55 tỷ USD vào đầu thập kỷ 2030 thông qua trợ cấp tích cực cho các công ty tư nhân. Điều này khơi dậy một cuộc đua không gian thương mại, thu hút những đối thủ lớn khác trong ngành ôtô như Toyota, công ty đang hướng tới việc tăng cường sản xuất hàng loạt phương tiện phóng.

Trong thập kỷ qua, phương tiện phóng tái sử dụng, nổi bật nhất là Falcon 9 của SpaceX, đã hoàn toàn thay đổi nhiệm vụ không gian thương mại. Xu hướng đó cũng thôi thúc sự phát triển từ nhiều công ty cạnh tranh ở Mỹ như Blue Origin, Châu Âu và Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc từng thử nghiệm một tên lửa lấy cảm hứng từ SpaceX trên sa mạc Gobi.

An Khang (Theo Space/Interesting Engineering)

65 Năm Nhà Xuất Bản Khoa Học và Kỹ Thuật: Hành Trình Gắn Bó Với Tri Thức Và Đổi Mới

65 năm – một chặng đường không ngắn với biết bao đổi thay của đất nước, của ngành xuất bản, và cũng là 65 năm mà các thế hệ cán bộ, nhân viên của Nhà Xuất Bản đã âm thầm bồi đắp nên một thương hiệu vững vàng, một mái nhà tràn đầy yêu thương và trách nhiệm. Lễ kỷ niệm sáng nay không chỉ là dịp để ôn lại quá khứ, mà còn là nơi hội tụ của các thế hệ cùng ngồi lại bên nhau, chia sẻ những ký ức, những trăn trở, và cả những ước mơ còn dang dở.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Giám đốc – Tổng biên tập Bùi Minh Cường đã thay mặt Ban Lãnh đạo gửi lời tri ân sâu sắc tới tất cả cán bộ, nhân viên qua các thời kỳ – những con người đã âm thầm góp phần tạo dựng một Nhà Xuất Bản giàu truyền thống và không ngừng tiên phong đổi mới. “65 năm là một dấu mốc của niềm tự hào, nhưng đồng thời cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm – trách nhiệm gìn giữ và phát triển những giá trị cốt lõi mà các thế hệ cha anh đã gây dựng, cũng như không ngừng đổi mới để thích ứng với thời đại số.”

Từ những trang sách đầu tiên in trên máy móc thô sơ giữa gian khó thời bao cấp, cho đến những ấn phẩm công nghệ cao trong thời kỳ chuyển đổi số hôm nay – mỗi giai đoạn đều để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử phát triển của Nhà Xuất Bản. Những câu chuyện được chia sẻ từ các nguyên lãnh đạo, nguyên giám đốc và cán bộ hưu trí đã khiến cả khán phòng lặng đi – vì xúc động, vì niềm kính trọng, và vì nhận ra rằng: thành quả hôm nay là kết tinh từ bao hy sinh thầm lặng, từ một niềm tin kiên định vào giá trị của tri thức.

Từ phía thế hệ trẻ, đồng chí Bùi Thị Tường Vân – đại diện cho lực lượng kế cận đã mang đến làn gió mới, với lời cam kết mạnh mẽ trong việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, tiếp thu tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, mở rộng tư duy toàn cầu. “Chúng tôi hiểu rằng mình được thừa hưởng một di sản quý giá, và trách nhiệm của thế hệ trẻ là làm cho di sản ấy ngày càng rạng rỡ hơn.”

Trong khoảnh khắc giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa ký ức và kỳ vọng, lễ kỷ niệm 65 năm không chỉ là sự kiện đánh dấu cột mốc đáng nhớ, mà còn là điểm tựa để nhìn về tương lai. Từ những cuốn sách được thai nghén bằng tâm huyết, đến những chiến lược hội nhập đầy bản lĩnh  tất cả đều khẳng định rằng: hành trình phía trước của Nhà Xuất Bản sẽ tiếp tục được viết nên bởi những con người tận tâm, giàu trí tuệ và đồng lòng.

65 năm nhìn lại – là để đi xa hơn.
Đi bằng đam mê, bằng trách nhiệm, và bằng ngọn lửa truyền thống chưa bao giờ lụi tàn.

Quốc hội chốt quản lý chất lượng hàng hóa theo ba mức độ rủi ro

Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quản lý hàng hóa theo mức độ rủi ro sẽ cắt giảm thủ tục cho doanh nghiệp, tiến tới giảm tiền kiểm để tăng giám sát và hậu kiểm.

Chiều 18/6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Một trong những điểm nổi bật của Luật này là sản phẩm hàng hóa đang được phân loại theo nhóm, chuyển sang phân loại theo ba mức độ rủi ro để quản lý. Chính phủ hướng đến ít tiền kiểm và tăng cường giám sát, hậu kiểm.

Cụ thể, sản phẩm, hàng hóa được chia thành rủi ro thấp, rủi ro trung bình, rủi ro cao. Trên cơ sở đó, Chính phủ, bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ đánh giá và phân loại mức độ rủi ro trung bình, mức độ rủi ro cao gắn với biện pháp quản lý chất lượng tương ứng để đảm bảo tính linh hoạt và khả thi trong thực tế. Sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, rủi ro cao phải công bố hợp quy hoặc được áp dụng biện pháp quản lý khác theo pháp luật chuyên ngành.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội bấm nút tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, giải quyết kịp thời các khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính trong hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu; ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm để phù hợp với bối cảnh hiện nay về chuyển đổi số. Ngoài ra, Luật cho phép thừa nhận kết quả đánh giá chỉ định của các bộ, ngành để giảm thiểu chi phí của tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Trên cơ sở phân loại nhóm sản phẩm, cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sẽ áp dụng biện pháp quản lý tương ứng như miễn, giảm kiểm tra hoặc áp dụng phương thức kiểm tra sau khi thông quan (hậu kiểm); kiểm tra trước khi thông quan (tiền kiểm); giảm kiểm tra theo quy định khác của pháp luật.

Để bảo đảm việc quản lý chặt chẽ, Chính phủ quy định tiêu chí đánh giá rủi ro, căn cứ phân loại sản phẩm hàng hóa và trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đối với nội dung này. Việc quy định như vậy vừa bảo đảm vai trò của cơ quan chủ trì, vừa đảm bảo tính chủ động của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tập trung nguồn lực để kiểm soát nhóm hàng có nguy cơ cao và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước, Luật quy định rõ Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong việc thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trách nhiệm của các bộ, ngành giao Chính phủ quy định chi tiết. Riêng đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ yếu, bảo đảm bí mật, an ninh quốc gia có những đặc thù riêng, do đó giao cho Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an quy định chi tiết.

Về ứng dụng công nghệ, Luật khuyến khích ứng dụng quản lý chuỗi cung ứng thông qua mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, nhãn điện tử và nền tảng số; thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu phục vụ kiểm tra, kiểm tra sau lưu thông trên thị trường, thanh tra, cảnh báo và xử lý vi phạm. Ngoài ra, Luật quy định áp dụng hộ chiếu số của sản phẩm, nhãn điện tử và thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Nhà nước có chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng dữ liệu và phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động.

Luật cũng bổ sung điều khoản về khởi kiện để bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng được quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi chung của người tiêu dùng khi sản phẩm, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng gây thiệt hại cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Cơ quan giải quyết tranh chấp có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để kịp thời kiểm tra, xử lý và cảnh báo rủi ro theo quy định của pháp luật.

Về truy xuất nguồn gốc, Luật quy định với sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc do bộ, cơ quan ngang bộ xác định và có lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và đặc thù phát triển của từng ngành hàng.

Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Sơn Hà

Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển một nửa số nhiệm vụ về địa phương

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Nghị định 132 và 133 đã xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp khi quản lý về khoa học, công nghệ.

Ngày 12/6, Chính phủ ban hành Nghị định 132 về phân định thẩm quyền và Nghị định 133 về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là bước đi cụ thể hóa chủ trương tổ chức lại bộ máy chính quyền theo mô hình hai cấp, bỏ cấp huyện, với định hướng “Địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ phân quyền, phân cấp 52,5% số nhiệm vụ, quyền hạn do cấp Trung ương thực hiện, với 117 trên tổng số 223 nhiệm vụ. Trong đó, 78 nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị định 133 và 39 nhiệm vụ sẽ phân cấp, phân quyền tại các Luật, Nghị định, Thông tư sắp ban hành.

Một trạm 5G Make in Viet Nam được trưng bày tại sự kiện Ngày Khoa học và Công nghệ 2025. Ảnh: Anh Dũng

Một trạm 5G Make in Viet Nam được trưng bày tại sự kiện Ngày Khoa học và Công nghệ 2025. Ảnh: Anh Dũng

Theo Vụ Pháp chế, sự ra đời của Nghị định 132 về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ sẽ giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Cụ thể, Nghị định phân rõ các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của cấp huyện đang thực hiện sẽ được chuyển giao xuống cho cấp xã hoặc lên cấp tỉnh. Điều này giúp bảo đảm sau sắp xếp, đơn vị hành chính hai cấp hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý.

Nghị định góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp, chính sách, pháp luật của nhà nước về khoa học và công nghệ, trên cơ sở nguyên tắc “Địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để thực hiện phân cấp, phân quyền.

Việc này cũng tạo điều kiện để địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo, được thực hiện theo nguyên tắc: “Cấp xã tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn”.

Về thủ tục hành chính, Nghị định 132 không phát sinh thủ tục mới, thậm chí đơn giản hóa do chỉ còn hai cấp đơn vị hành chính, giúp giảm các quy trình, thủ tục, thời gian trong quá trình triển khai, thực hiện.

Một chiếc iPhone sử dụng keo dán 3M được trưng bày tại Trung tâm Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Một iPhone sử dụng keo dán 3M được trưng bày tại Trung tâm Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Việc phân quyền, phân cấp trong bối cảnh chưa sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan sẽ dẫn đến tình trạng chính quyền các cấp bị lúng túng. Điều này kéo theo việc phục vụ người dân, doanh nghiệp có thể bị gián đoạn, không kịp thời, không đáp ứng được yêu cầu về lộ trình, tiến độ và mục tiêu.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Nghị định 133/2025 về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ ra đời. 78 nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp trong nghị định này, trong đó phân quyền 16 nhiệm vụ và phân cấp 62 nhiệm vụ.

Nghị định giúp tăng cường, phân định rõ trách nhiệm và tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, tổ chức.

Theo cơ quan soạn thảo, quan điểm khi ra đời Nghị định 133 là bảo đảm công khai, minh bạch gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực để chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi thực hiện.

Việc phân cấp thẩm quyền gắn với điều kiện thực thi. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Nghị định 133 cũng cắt giảm, đơn giản hóa 86 thủ tục gắn với phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý của Bộ.

Tại hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng Đảng, quản lý nhà nước chiều 14/6, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay việc phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý của Bộ được thực hiện dựa theo sáu nguyên tắc:

Thứ nhất, Trung ương tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Thứ hai, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, loại bỏ quy định, thủ tục, quy trình địa phương phải báo cáo, xin ý kiến Bộ về các nhiệm vụ cụ thể đã được phân cấp, phân quyền.

Thứ ba, việc phân cấp, phân quyền phải được thực hiện theo một khung pháp lý thống nhất.

Thứ tư, phân cấp, phân quyền phải gắn chặt với kiểm tra, giám sát để tránh việc buông lỏng quản lý.

Thứ năm, cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương đầu tư xây dựng các nền tảng số mang tính hạ tầng, làm công cụ thực thi cho chính quyền các cấp, đảm bảo thống nhất và thuận lợi cho giám sát, kiểm tra, tăng tính minh bạch, giải trình của các cấp thực thi.

Thứ sáu, cải cách bộ máy tổ chức phải đi cùng với việc đổi mới quản trị và sử dụng công nghệ.

Trọng Đạt

Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển một nửa số nhiệm vụ về địa phương – Báo VnExpress