Hạt vi nhựa xâm nhập vào mây ảnh hưởng đến thời tiết

Các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của các hạt vi nhựa đang ảnh hưởng đến sự hình thành mây, tác động đến thời tiết và khí hậu Trái Đất.

Trái Đất liên tục nhận năng lượng từ Mặt Trời sau đó phản xạ năng lượng đó trở lại không gian, trong đó mây có tác dụng làm ấm và làm mát trong quá trình này. Ảnh: NOAA

Mây hình thành khi hơi nước, một chất khí vô hình trong khí quyển, bám vào các hạt trôi nổi nhỏ như bụi và biến thành các giọt nước lỏng hoặc tinh thể băng. Trong một nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Chicago vừa công bố đã chỉ ra các hạt vi nhựa có thể tạo ra tinh thể băng ở nhiệt độ cao hơn 5 đến 10 độ C so với các giọt nước không có hạt vi nhựa.

Điều này cho thấy vi nhựa trong không khí có thể ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu bằng cách tạo ra mây trong điều kiện mà thông thường chúng không hình thành.

Các nhà hóa học khí quyển nghiên cứu cách các loại hạt khác nhau tạo thành băng khi chúng tiếp xúc với nước lỏng. Quá trình này, xảy ra liên tục trong khí quyển, được gọi là tạo mầm.

Để xem liệu các mảnh vi nhựa có thể đóng vai trò là hạt nhân cho các giọt nước hay không, các nhà khoa học đã sử dụng 4 loại nhựa phổ biến nhất trong khí quyển: polyethylene tỷ trọng thấp, polypropylene, polyvinyl chloride và polyethylene terephthalate. Mỗi loại được thử nghiệm ở cả trạng thái nguyên sơ và sau khi tiếp xúc với tia cực tím, ozone và axit. Tất cả những chất này đều có trong khí quyển và có thể ảnh hưởng đến thành phần của hạt vi nhựa.

Họ đã cho lơ lửng các hạt vi nhựa trong các giọt nước nhỏ và từ từ làm lạnh các giọt nước để quan sát khi chúng đóng băng. Họ cũng phân tích bề mặt của các mảnh nhựa để xác định cấu trúc phân tử của chúng, vì sự hình thành mầm băng có thể phụ thuộc vào tính chất hóa học bề mặt của hạt vi nhựa.

Đối với hầu hết các loại nhựa được nghiên cứu, 50% số giọt nước đã bị đóng băng khi ở -22 độ C. Những kết quả này tương đồng với một nghiên cứu gần đây khác của các nhà khoa học Canada, những người cũng phát hiện ra rằng một số loại hạt vi nhựa tạo mầm băng ở nhiệt độ ấm hơn so với các giọt nước không có hạt vi nhựa.

Việc tiếp xúc với tia cực tím, ozone và axit có xu hướng làm giảm hoạt động tạo mầm băng trên các hạt. Điều này cho thấy rằng sự hình thành mầm băng rất nhạy cảm với những thay đổi hóa học nhỏ trên bề mặt của các hạt vi nhựa. Tuy nhiên, những loại nhựa này vẫn tạo mầm băng, vì vậy chúng vẫn có thể ảnh hưởng đến lượng băng trong mây.

Theo nhóm nghiên cứu, để hiểu rõ hơn hạt vi nhựa ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu như thế nào, cần biết nồng độ của chúng ở độ cao mà mây hình thành. Ngoài ra cần hiểu nồng độ của hạt vi nhựa so với các hạt khác có thể tạo mầm băng, chẳng hạn như bụi khoáng và các hạt sinh học, để xem liệu hạt vi nhựa có hiện diện ở mức độ tương đương hay không. Những phép đo này sẽ cho phép chúng ta lập mô hình tác động của hạt vi nhựa lên sự hình thành mây.

Minh Thư (Theo Live Science)

Hạt vi nhựa xâm nhập vào mây ảnh hưởng đến thời tiết – Báo VnExpress

Tàu đệm từ Trung Quốc hồi sinh giấc mơ Hyperloop của Elon Musk

Các kỹ sư Trung Quốc vượt qua những trở ngại ngăn cản ý tưởng tàu siêu tốc di chuyển trong đường ống chân không của tỷ phú Mỹ trở thành hiện thực.

Đường chạy thử nghiệm cho tàu siêu tốc 1.000 km/h ở Trung Quốc. Ảnh: CREC

Trong gần hai thế kỷ, giấc mơ về hệ thống vận chuyển trong đường ống chân không hấp dẫn vô số nhà khoa học và kỹ sư. Đây là giấc mơ được thổi bùng lên từ đề xuất của Elon Musk vào năm 2013 với hệ thống tàu Hyperloop hứa hẹn cách mạng hóa giao thông, chở người giữa các thành phố ở tốc độ 1.000 km/h. Bất chấp những chiến thắng mà Musk gặt hái trong lĩnh vực xe điện, chòm vệ tinh và tên lửa, giấc mơ Hyperloop của ông vẫn dang dở.

Những thách thức nhằm hiện thực hóa Hyperloop tưởng chừng không thể vượt qua: chênh lệch áp suất 200 lần so với cabin máy bay, bê tông dễ rò rỉ, lực cản từ gây biến dạng và kỹ thuật đòi hỏi hoàn hảo đến từ milimet cho đường sắt và cầu để tránh thảm họa. Cách nửa vòng Trái Đất, các kỹ sư Trung Quốc đã tìm ra cách vượt qua thách thức và hồi sinh giấc mơ Hyperloop.

Năm 2024, Trung Quốc giới thiệu đường chạy thử nghiệm Hyperloop dành cho tàu đệm từ dài 2 km ở huyện Dương Cao, tỉnh Sơn Tây. Siêu dự án này được mô tả chi tiết lần đầu tiên tháng trước trong một bài báo công bố trên tạp chí Railway Standard Design của Trung Quốc. Trong đó, Xu Shengqiao, kỹ sư ở Tập đoàn tư vấn kỹ thuật đường sắt Trung Quốc (CREC), chia sẻ quá trình họ giải quyết cơn ác mộng của Hyperloop thông qua kết hợp đường ống bê tông – thép chân không thấp, giảm chấn từ tính điều khiển bằng AI, phương pháp xây dựng chính xác đến từng milimet và kinh nghiệm phong phú từ các dự án đường sắt cao tốc khác.

Một trong những điểm yếu chủ chốt của Hyperloop là phụ thuộc vào đường ống kim loại tốn kém. Giải phóng của Trung Quốc là dầm composite hình chữ N kết hợp vỏ thép với bê tông bịt kín chân không. Bên trong, nhóm kỹ sư tạo ra một mê cung thanh cốt thép phủ epoxy và gia cố sợi thủy tinh để vô hiệu hóa lực cản từ, một sáng kiến quan trọng giúp thất thoát năng lượng giảm hơn 1/3.

Ở bên ngoài, họ sử dụng khớp mở rộng bằng thép lượn sóng để giải quyết dao động nhiệt độ, trong khi mạng dây thép dẫn đường bằng laser đảm bảo căng thẳng ở mức 0,05 mm trên từng kilomet. “Thép chịu lực căng trong khi bê tông xử lý lực nén. Kết hợp với nhau, chúng tạo thành một pháo đài kín khí”, Xu cho biết. Các thử nghiệm cho thấy những đường ống duy trì độ liền khối cận chân không bất chấp mùa đông lạnh giá và mùa hè nóng tới 45 độ C, một thành tựu từng được cho là bất khả thi đối với bê tông.

Ở tốc độ 1.000 km/h, lực cản từ tăng theo cấp số nhân. Nhóm của Xu thay đổi phần cốt lõi của đường ống. Những cuộn siêu dẫn được sắp xếp lại để tối ưu hóa đường lực từ, trong khi lưới thép thay thế thanh cốt thép truyền thống. Các module đường ray hiệu chỉnh bằng laser, đúc trước với độ chính xác 0,1 mm giúp loại bỏ nguy cơ lung lay. Nhóm nghiên cứu cũng đổi mới bê tông. Bê tông tiêu chuẩn bị nứt vỡ trong môi trường chân không. Điều này có thể giải quyết với hỗn hợp sợi bazan, hơi silica và xử lý tiền chân không. Kết quả thử nghiệm cho thấy loại bê tông của họ có thể chịu áp suất cận chân không trong hàng thập kỷ mà không bị nứt.

Ngày 22/7/2024, các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc làm nên lịch sử. Trong đường ống chân không thấp, phương tiện tăng tốc tới tốc độ cao, lơ lửng ở độ cao 22 cm và chạy qua đường ray 2 km với độ chệch gần như bằng 0. Cảm biến sợi quang học ở thành đường ống phát hiện những chuyển động cực nhỏ, kích hoạt điều chỉnh theo thời gian thực với dòng siêu dẫn. Chốt gió khẩn cấp và cabin chịu áp suất giúp giải quyết những mối lo ngại về an toàn đã ám ảnh Hyperloop suốt nhiều năm.

Phương pháp của Trung Quốc dựa trên tính module. Các đoạn ống đúc sẵn được sản xuất hàng loạt, khiến chi phí giảm 60%. Bơm chân không phân phối giảm sử dụng năng lượng trong khi thuật toán AI dự đoán nhu cầu bảo dưỡng. Dự án của Trung Quốc không giới hạn ở thí nghiệm mà là hệ thống có thể mở rộng với kế hoạch tăng độ dài trong vài năm tới. Xu cho biết đó là thành quả từ những bài học với đường sắt cao tốc ở Trung Quốc: sử dụng giàn hàng tự động, khảo sát kỹ tới từng milimet và thử nghiệm va chạm chặt chẽ.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn phải đối mặt nhiều trở ngại. Thương mại hóa đường tàu 1.000 km/h đòi hỏi hàng tỷ USD. Giãn nở nhiệt trong đường ống dài hơn và quy định khẩn cấp với hành khách vẫn chưa được kiểm tra.

An Khang (Theo MSN)

Tàu đệm từ Trung Quốc hồi sinh giấc mơ Hyperloop của Elon Musk – Báo VnExpress

Tổng Bí thư Tô Lâm: Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia là ngôi nhà chung của hiệp sĩ số

Tại lễ ra mắt Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm gọi đây là “ngôi nhà chung của các hiệp sĩ số” và “ngọn cờ tiên phong” trong việc thực hiện Nghị quyết 57.

Sáng 22/3 tại Hà Nội, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia (NDA) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ I (2025–2030). Hiệp hội thành lập theo Quyết định số 10 ngày 10/1 của Bộ Nội vụ, với sứ mệnh kết nối cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu. Tổ chức này hướng tới xây dựng hệ sinh thái dữ liệu, góp phần thúc đẩy kinh tế số và gia tăng giá trị dữ liệu trong nền kinh tế quốc dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng Ban Thường vụ Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia nhiệm kỳ I. Ảnh: Lưu Quý

Đại hội quy tụ 200 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 400 hội viên. Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, giữ chức Chủ tịch. Trong nhiệm kỳ I, Hiệp hội cho biết tập trung vào bốn hoạt động trọng tâm gồm: Phối hợp với cơ quan chức năng, hiệp hội và tổ chức liên quan nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật quốc gia về dữ liệu; Tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Kiến nghị, tham vấn cơ quan nhà nước có thẩm quyền các vấn đề liên quan đến sự phát triển của ngành dữ liệu; Hỗ trợ cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

“Hiệp hội sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu đa dạng và ổn định, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số bền vững trên mọi lĩnh vực, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên số mới”, ông Quang nhấn mạnh.

Bảy nhiệm vụ cho Hiệp hội

Tại sự kiện, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định rõ “dữ liệu là trung tâm của chuyển đổi số, là động lực quan trọng cho sự phát triển”.

Ông đánh giá việc quản trị và khai thác dữ liệu tại Việt Nam còn nhiều bất cập, như nhận thức về vai trò của dữ liệu chưa đầy đủ; hạ tầng dữ liệu còn phân tán, thiếu kết nối; nguồn nhân lực chất lược cao về dữ liệu còn thiếu; khung pháp lý chưa hoàn thiện, đặc biệt trong các lĩnh vực như bảo mật dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân; an ninh, an toàn dữ liệu còn nhiều thách thức.

“Đặc biệt cần nhận thức rõ quản trị dữ liệu không chỉ là vấn đề chính sách, mà còn là vấn đề công nghệ. Không có công nghệ không thể thu thập, lưu trữ, xử lý, phân tích và chia sẻ dữ liệu một cách an toàn và hiệu quả”, ông nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại sự kiện. Ảnh: NDA

Tổng Bí thư đánh giá vai trò của Hiệp hội là “ngôi nhà chung của các hiệp sĩ số”, tiên phong thực hiện Nghị quyết 57, đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển dựa trên dữ liệu. Ông đề xuất 7 nhiệm vụ cho Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia:

Một là nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu, tạo điều kiện cho dữ liệu lưu chuyển, kết nối, chia sẻ và được khai thác tối đa, nhưng vẫn bảo đảm an ninh, an toàn và chủ quyền dữ liệu.

Hai là phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, phát triển, khai thác và làm giàu dữ liệu quốc gia, tập trung vào bốn trụ cột chính: con người, vị trí, hoạt động và vật phẩm.

Ba là chủ động, tích cực ứng dụng, làm chủ, tiến tới tự chủ các công nghệ dữ liệu cốt lõi, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, và điện toán đám mây.

Bốn là hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng dữ liệu tiên tiến, bao gồm các trung tâm dữ liệu do Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Năm là tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, thu hút nguồn lực, và tham gia vào các sáng kiến toàn cầu về dữ liệu.

Sáu là xây dựng cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả. Các cơ quan nhà nước cần có hệ thống giám sát chặt chẽ và đồng bộ hơn trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để bảo đảm các quy định pháp luật được tuân thủ đầy đủ.

Bảy là bảo mật dữ liệu, xây dựng hệ thống, sản phẩm bảo mật dữ liệu, phát triển các dịch vụ bảo mật dữ liệu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về bảo mật dữ liệu, hình thành ngành công nghiệp trong lĩnh vực này.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội trong một số chương trình, sáng kiến trọng điểm gồm Phát triển thị trường dữ liệu cho phát triển; Xây dựng nền tảng AI mở quốc gia giúp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận ứng dụng AI; Phổ cập hiểu biết về dữ liệu cho người dân; Tổ chức các cuộc thi Thách thức Đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu; Tăng cường năng lực tự chủ về công nghệ dữ liệu.

Các đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia. Ảnh: Minh Sơn

Tổng Bí thư Tô Lâm: Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia là ngôi nhà chung của hiệp sĩ số-VNexpress

Đề xuất ưu tiên phát triển công nghệ chiến lược lĩnh vực hạt nhân

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt là công nghệ chiến lược.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi gồm 12 chương, 73 điều (giảm 19 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008).

Trong đó điều 14, dự luật nêu biện pháp thúc đẩy phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Nhà nước ưu tiên đầu tư có trọng điểm và khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, phát triển điện hạt nhân.

Nhà nước có chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực kinh tế – xã hội; thành lập Quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển năng lượng hạt nhân. Quỹ này được trích lập từ lợi nhuận của nhà máy điện hạt nhân và nguồn khác.

Ngoài ra, Nhà nước ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư phát triển công nghệ chiến lược trong lĩnh vực hạt nhân; hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. Ảnh Tư liệu

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử, cơ sở bức xạ được hưởng chính sách ưu đãi về xã hội hóa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ và cộng đồng. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Tổ chức, cá nhân có thể đầu tư thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ; đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ.

Dự luật cũng cho phép vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân; đầu tư hợp tác với tổ chức nghiên cứu năng lượng nguyên tử quốc tế thành lập phòng thí nghiệm chung; tài trợ, viện trợ từ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Cơ quan soạn thảo cho biết so với Luật năm 2008, dự thảo bổ sung quy định về Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình để thống nhất với quy định về căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển.

Ngoài ra, dự thảo cũng hướng đến thúc đẩy phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử theo hướng bổ sung chính sách về khuyến khích đầu tư, ưu đãi về thuế, tài chính. Việc này giúp tạo thuận lợi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Dự luật kế thừa, phát triển những quy định hợp lý, có tính nguyên tắc của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, tập trung bốn chính sách:

Chính sách 1: Thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Chính sách 2: Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý nhà nước.

Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân.

Chính sách 4: Tăng cường quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; chủ động và sẵn sàngứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; bảo đảm thực hiện trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến chuyên gia, người dân về Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đăng ký vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV.

Sơn Hà

Đề xuất ưu tiên phát triển công nghệ chiến lược lĩnh vực hạt nhân-VNexpress

Phân bổ nguồn lực khoa học công nghệ dựa trên hiệu quả

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Lưu Quý

Thứ nhất, điểm cần nhấn mạnh là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải nhằm vào mục tiêu cuối cùng là tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Phải đặt ra mục tiêu và đo lường, đánh giá được sự đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào tăng trưởng kinh tế. Tránh việc chỉ nhấn mạnh vào chi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà không đặt mục tiêu hiệu quả.

Phân bổ nguồn lực khoa học công nghệ cho các cơ sở nghiên cứu phải dựa trên hiệu quả. Một số quốc gia lượng hóa cụ thể, chuyển đổi số đóng góp 1% tăng trưởng GDP, đổi mới sáng tạo đóng góp 1% và khoa học công nghệ đóng góp 1%, đầu tư 3% ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì phải tạo ra 3% tăng trưởng GDP.

Thứ hai, chúng ta đã đưa bộ 3 khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào chung một chỗ và nối chúng với nhau, vậy cần nói rõ mối liên kết giữa chúng.

Trong bộ 3 này, khoa học công nghệ là nền tảng tạo ra tri thức và công cụ mới. Đổi mới sáng tạo là động lực, nó chuyển hóa các tri thức, công cụ mới thành ý tưởng và giải pháp để giải quyết các bài toán kinh tế – xã hội. Chuyển đổi số tạo ra môi trường số và công cụ số để hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo thành các sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình kinh doanh mới và phổ cập vào cuộc sống để tạo ra giá trị thực tế đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ ba  các giải pháp đột phá.

Về chuyển đổi số: Thúc đẩy chuyển đổi số thì chủ yếu là các quyết định hành chính, chuyển mọi hoạt động lên môi trường số và thay đổi hoạt động của các tổ chức bằng công nghệ, nhất là AI, đây không phải vấn đề công nghệ mà chủ yếu là thể chế và các quyết định hành chính, có thể làm nhanh được.

Về đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp để tăng năng suất lao động thì chủ yếu là thông qua cơ chế vay ưu đãi, giảm thuế; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo các mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới thì chủ yếu thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế sandbox.

Về khoa học công nghệ: Đầu tư nâng cấp hạ tầng khoa học công nghệ, các phòng Lab hiện đại, kiên trì đưa nghiên cứu cơ bản về các đại học (vì đây là nơi tập trung nhân lực nghiên cứu cơ bản: các giáo sư và nghiên cứu sinh), phát triển công nghệ thì tập trung vào các viện công nghệ và doanh nghiệp; có chính sách triết khấu thuế cho các khoản chi phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, để kích thích các doanh nghiệp chi cho nghiên cứu phát triển, đạt mục tiêu 60-80% chi cho khoa học công nghệ là từ doanh nghiệp.

Khoa học công nghệ lúc này thì tập trung chủ yếu vào các công nghệ chiến lược, là các công nghệ tạo ra sự phát triển đột phá, phát triển chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp khác, giúp đưa Việt Nam lên tuyến đầu về khoa học công nghệ. Nghiên cứu cơ bản cũng phải tập trung vào hỗ trợ cho phát triển các công nghệ chiến lược, các sản phẩm chiến lược của quốc gia.

Phân bổ nguồn lực khoa học công nghệ dựa trên hiệu quả-VNexpress

Gánh nặng tiêu thụ điện khổng lồ từ AI

Nhu cầu tiêu thụ điện cực lớn của những trung tâm dữ liệu phục vụ phát triển AI đang gây áp lực cho lưới điện ở nhiều bang của Mỹ.

Trung tâm dữ liệu phục vụ phát triển AI có thể tiêu tốn lượng điện nhiều ngang một thành phố nhỏ. Ảnh: Bloom Energy

Trí tuệ nhân tạo đã tiến hóa từ một lĩnh vực khoa học máy tính chuyên biệt thành lực lượng định hình lại kinh tế, quốc phòng và đời sống hàng ngày trên toàn cầu. Tuy nhiên, phía sau mỗi thành tựu AI đều có một cơ sở thầm lặng với cơn khát điện dường như vô tận, đó là những trung tâm dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu chứa vô số giá đặt máy chủ dùng để lưu trữ và xử lý tệp dữ liệu đồ sộ, tiêu hao năng lượng lớn chưa từng thấy. Khi AI ngày càng phát triển, câu hỏi đặt ra là liệu mọi người có cần hy sinh nhu cầu điện hàng ngày để AI có thể tiếp tục hoạt động?

Trung tâm dữ liệu AI và nhu cầu điện tăng vọt

Trung tâm dữ liệu luôn tiêu thụ lượng lớn điện, nhưng AI khiến lượng tiêu thụ tăng đáng kể. Huấn luyện thuật toán cho những mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT hoặc trình tạo hình ảnh như Midjourney đòi hỏi xử lý bằng GPU và phần cứng chuyên dụng. Những công việc này phải được chuyển sang trung tâm dữ liệu đám mây. Laptop hoặc điện thoại không thể xử lý ở quy mô như vậy. James Walker, giám đốc điều hành công ty Nano Nuclear Energy Inc., nhấn mạnh nhu cầu điện ngày càng tăng ở các dự án AI. “Chúng tôi đã trò chuyện với một số người đang xây dựng trung tâm dữ liệu, một số dự kiến cần tới 2 GW điện”, Walker cho biết.

Ngay cả trung tâm dữ liệu quy mô trung bình cũng có thể tiêu thụ nhiều điện ngang một thành phố nhỏ. Nhà phân tích công nghệ Jack Gold chia sẻ cơ sở như XAI của Elon Musk ở Tennessee có thể cần lượng điện tương đương hàng chục nghìn ngôi nhà. Áp lực điện có thể khổng lồ nếu hàng chục hoặc hàng trăm trung tâm như vậy hoạt động.

Alex de Vries, nhà sáng lập DigiEconomist, đã theo dõi ngành công nghiệp kỹ thuật số trong nhiều năm, từ đào tiền ảo tới điện toán đám mây. “Trung tâm dữ liệu có thể chiếm ít nhất 1% lượng tiêu thụ điện toàn cầu trong thập kỷ qua. Do những xu hướng cần nhiều năng lượng như AI, tỷ lệ sẽ tăng lên 3 – 4% trên thế giới. Chúng đã sử dụng nhiều điện hơn toàn bộ nước Pháp”, de Vries nói.

Áp lực đối với lưới điện

Lưới điện hiện đại là hệ thống phức tạp bao gồm nhà máy điện, trạm biến áp và đường dây truyền tải phân phối điện trên khu vực rộng lớn. Mỗi nhà máy đều có công suất cung cấp điện tối đa. Việc tăng thêm những trung tâm dữ liệu AI khổng lồ có thể khiến lưới điện địa phương quá tải, đặc biệt ở khu vực đang vật lộn với tình trạng thiếu điện.

Nhiều nơi ở Mỹ như California và Arizona chật vật cắt điện luân phiên khi nhu cầu cao điểm. Đưa những trung tâm dữ liệu mới quy mô gigawatt vào các khu vực này có thể khiến thách thức thêm trầm trọng. Ngay cả ở bang có công suất thặng dư như Texas, North Dakota, và Wyoming, nhà chức trách cũng phải cân nhắc xây dựng hoặc nâng cấp đường dây, xây nhà máy điện và quản lý tác động tiềm ẩn đối với điện dân dụng.

Theo de Vries, nhu cầu gia tăng đột ngột có thể đẩy giá điện lên cao hơn. “Nếu nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu của AI, kết quả duy nhất có thể là giá điện cao hơn. Ngoài ra, một số nhà máy điện cũ như nhà máy nhiệt điện có thể cần tái kích hoạt, dấy lên lo ngại về môi trường”, ông cho biết.

Những nguồn điện tái tạo như điện gió và điện mặt trời đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bản chất gián đoạn của chúng là một vấn đề đối với các trung tâm dữ liệu đòi hỏi nguồn cung cấp liên tục, ổn định. Trang trại pin lớn hoặc giải pháp lưu trữ năng lượng khác có thể giảm bớt biến động nhưng sẽ tăng thêm chi phí và cần diện tích đất đáng kể.

Năng lượng hạt nhân

Một giải pháp tiềm năng là năng lượng hạt nhân. Điện hạt nhân không thải khí chứa carbon ở thời điểm sản xuất, cung cấp phụ tải cơ bản đáp ứng nhu cầu của trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn đi kèm chi phí cao, thời gian xây dựng kéo dài và trở ngại từ quy định. Ví dụ, nhà máy Hinkley Point C ở Anh đối mặt với trì hoãn kéo dài nhiều năm và kinh phí đội lên hàng tỷ USD.

Gold nhận thấy tiềm năng ở những lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR). Nhiều công ty khởi nghiệp SMR như Last Energy và Rolls-Royce đề xuất giải pháp thuận tiện như lò phản ứng hạt nhân lắp đặt tại chỗ để cung cấp điện cho trung tâm dữ liệu. Loại lò phản ứng nhỏ này cũng có thể đặt trên tàu chở hàng hoặc địa điểm xa xôi, cung cấp điện cho hệ thống công nghiệp trong nhiều thập kỷ mà không cần tiếp nhiên liệu. Một số nhà phát triển AI cho rằng điện hạt nhân là giải pháp tin cậy duy nhất để đáp ứng mục tiêu năng lượng trong 20 năm tới.

Tuy nhiên, hầu hết dự án SMR vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Việc cấp giấy phép an toàn cho điện hạt nhân rất nghiêm ngặt và cộng đồng phải cảm thấy thoải mái khi đặt lò phản ứng sau nhà họ, ngay cả ở dạng module.

Tiêu thụ nước

Ngoài điện, trung tâm dữ liệu AI cũng cần lượng nước khổng lồ để làm mát máy chủ. Một cơ sở trung bình có thể tiêu thụ hơn 1,2 triệu lít nước mỗi ngày, tương đương 100.000 hộ gia đình. Giải pháp làm mát thay thế như đặt trung tâm dữ liệu dưới nước hoặc hệ thống bay hơi phức tạp, đi kèm nhiều thách thức về vận chuyển và môi trường.

AI là một công cụ cực mạnh thúc đẩy thành tựu trong chăm sóc sức khỏe, tài chính, phương tiện tự động,… Những lợi ích của nó có thể mang tính cách mạng nhưng với chi phí tiêu thụ điện ở mức lớn liên tục. Trong thời gian ngắn, giới chuyên gia dự đoán giá điện có thể tăng cao, lưới điện sẽ chịu áp lực khi phải đáp ứng nhu cầu của AI. Trong thời gian dài hơn, các giải pháp tiên tiến như SMR, lưu trữ pin quy mô lớn, thậm chí chỉnh sửa lưới điện có thể đem lại sự cân bằng.

Thực tế chắc chắn là sự phát triển của AI sẽ không chững lại. Với những mô hình cao cấp hơn, robot thời gian thực và dịch vụ dữ liệu mới, nhu cầu về điện sẽ càng tăng mạnh. Mọi người không cần hy sinh nhu cầu điện hàng ngày cho AI. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy hóa đơn tiền điện cao hơn, gián đoạn dịch vụ và tác động tới môi trường nếu lưới điện không thay đổi để theo kịp sự phát triển của AI.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Gánh nặng tiêu thụ điện khổng lồ từ AI-VNexpress

Lắp đặt camera kỹ thuật số lớn nhất thế giới

Mỹ-Camera LSST 3.200 megapixel lớn cỡ một chiếc xe nhỏ và nặng 3 tấn, bằng nửa trọng lượng của voi châu Phi đực, sẽ khám phá những bí ẩn về vật chất tối và năng lượng tối.

Đội ngũ ở Đài quan sát Vera C. Rubin lắp đặt camera LSST vào tháng 3/2025. Ảnh: DOE

Các nhà nghiên cứu đã hoàn thành một cột mốc quan trọng với đài quan sát Vera C. Rubin với việc lắp đặt camera LSST khổng lồ của kính viễn vọng, bộ phận quang học cuối cùng trước khi bắt đầu giai đoạn thử nghiệm, Space hôm 17/3 đưa tin. Camera Kính viễn vọng khảo sát khái quát lớn (LSST) lớn cỡ chiếc xe được lắp đặt gần đây ở Đài quan sát Vera C. Rubin là camera kỹ thuật số lớn nhất từng được chế tạo, dùng để ghi lại hình ảnh chi tiết của bầu trời Nam bán cầu trong hơn một thập kỷ.

“Lắp đặt camera LSST trên kính viễn vọng là một chiến thắng khoa học và kỹ thuật”, Harriet Kung, giám đốc Văn phòng Khoa học thuộc Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), cho biết. “Chúng tôi đang mong đợi những bức ảnh chưa từng có mà camera này sẽ tạo ra”.

Kính viễn vọng này là dự án do Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ và Văn phòng Khoa học của DOE cấp kinh phí, đặt theo tên tiến sĩ Vera C. Rubin, nhà thiên văn học người Mỹ nổi tiếng với nghiên cứu cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về sự tồn tại của vật chất tối.

Cùng với đồng nghiệp Kent Ford, Rubin nhận thấy trong nhiều thiên hà mà họ nghiên cứu, các ngôi sao ở rìa ngoài di chuyển nhanh như ngôi sao ở gần trung tâm. Điều này rất bất thường bởi theo vật lý Newton và định luật về chuyển động hành tinh của Kepler, vật thể càng xa trung tâm của hệ thống trọng lực sẽ bay quanh quỹ đạo chậm hơn do lực hấp dẫn yếu đi. Lực hấp dẫn từ khối lượng đã quan sát không đủ giữ cho những ngôi sao bay nhanh gắn bó với thiên hà. Nếu không có thêm khối lượng giúp tăng lực hấp dẫn, thiên hà sẽ tan rã. Rubin và đồng nghiệp kết luận có một dạng khối lượng chưa từng thấy gắn kết thiên hà, gọi là vật chất tối.

Kính viễn vọng Rubin sẽ tìm hiểu những bí ẩn của năng lượng tối và vật chất tối bằng công nghệ tiên tiến. Thiết kế gương hiện đại, camera độ nhạy cao, tốc độ khảo sát nhanh và cơ sở hạ tầng máy tính cao cấp đại diện cho các đột phá trong lĩnh vực tương ứng. Cách vài đêm, Rubin sẽ khảo sát toàn bộ bầu trời, tạo ra thước phim time-lapse độ phân giải siêu cao, siêu rộng về vũ trụ. Mỗi hình ảnh sẽ lớn đến mức cần 400 màn hình TV cực nét.

Dù camera LSST là một kỳ quan kỹ thuật, quá trình lắp đặt không kém phần khó khăn. Vào tháng 3/2025, sau nhiều tháng thử nghiệm ở phòng vô trùng của Đài quan sát Rubin, đội phụ trách sử dụng một sàn nâng để chuyển camera tới nền kính viễn vọng. Sau đó, một thiết bị nâng sẽ tùy chỉnh sau đó được đặt vào vị trí và gắn lên kính viễn vọng lần đầu tiên.

Trong vòng vài tuần tới, những chức năng và hệ thống của camera LSST sẽ được kết nối và kiểm tra. Không lâu sau, nó sẽ sẵn sàng chụp hình ảnh chi tiết của bầu trời đêm. Dự kiến kính viễn vọng Rubin đang xây dựng ở Cerro Pachón, Chile, sẽ bắt đầu hoạt động quan sát năm 2025.

An Khang (Theo Space)

Lắp đặt camera kỹ thuật số lớn nhất thế giới-VNexpress

Diện mạo ga T3 Tân Sơn Nhất trước thời điểm hoạt động

TP HCM – Hơn một tháng trước vận hành, ga T3 tổng đầu tư 11.000 tỷ đồng dần hoàn thiện những hạng mục cuối sau gần hai năm thi công.

Ngày 18/3, nhìn từ trên cao nhà ga T3 đã thành hình sau gần hai năm xây dựng. Công trình cơ bản hoàn thiện các hạng mục chính, dự kiến khánh thành dịp 30/4, sớm hơn kế hoạch hai tháng. Cạnh đó hệ thống hạ tầng giao thông kết nối gồm đường bộ, cầu vượt cũng dần xong, chờ thông toàn tuyến với thời điểm vận hành ga.

T3 là nhà ga phục vụ khách nội địa lớn nhất nước với 20 triệu hành khách, nâng tổng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, khởi công cuối năm 2022, trong đó gói thầu chính là xây dựng ga hành khách bắt đầu triển khai từ tháng 8/2023.

Ga T3 có quy mô một tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2. Công trình gồm 4 hạng mục chính: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay. Các nhánh cầu dẫn lên các tầng nhà ga đang được thảm nhựa, phần mái lợp nhôm cũng cơ bản hoàn thiện.

Khu phức hợp thương mại – văn phòng dần thành hình, thiết kế theo kiểu hình tròn xoắn ốc. Hạng mục được thiết kế với thiết kế kiến trúc xanh, tích hợp các yếu tố tự nhiên và cảnh quan, tạo nên môi trường thân thiện.

Mặt trước của nhà ga hướng ra đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hoà. Hạng mục này đang lợp mái, lắp kính, thảm nhựa lối ra vào, thi công cảnh quan phía dưới.

Nhà ga khi hoạt động sẽ khai thác các chuyến bay nội địa của hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air. Trước khi triển khai phương án trên, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cho thử nghiệm toàn bộ quy trình vận hành và đưa vào khai thác chính thức sau giai đoạn cao điểm đi lại dịp lễ 30/4 và 1/5. Các hãng Vasco, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines vẫn khai thác tại ga T1 hiện hữu.

Phần mái che nhô ra tại sảnh ở tầng trên dần hoàn thiện bộ khung trước khi lợp mái bằng nhôm và kính.

Theo thiết kế, nhà ga T3 có lớp mái cong mềm mại trải dài từ ga đến vườn trung tâm của công trình phức hợp thương mại – văn phòng, gợi nhớ đến đường nét mềm mại của tà áo dài Việt Nam, biểu trưng cho sự duyên dáng, thanh lịch. Các lớp mái lên xuống, đan xen tạo sự đa dạng trong các góc nhìn, đồng thời mang ánh sáng tự nhiên vào trong nhà ga.

Bên trong tầng trên cùng là khu vực làm thủ tục hàng không cơ bản xong. Nhà đầu tư đang hoàn thiện phần trần, lắp đặt vách kính, lát sàn đá. Ảnh sau là khu phòng chờ VIP dành cho hành khách ở tầng này.

Các khu vực cho hành khách chờ máy bay, kiểm tra an ninh soi chiếu, quầy thủ tục… cũng sắp hoàn thiện sau hai năm thi công.

Nhà ga có 25 cửa kiểm soát an ninh, với các vách ngăn bằng kính đang xây dựng

Các quầy làm thủ tục bay đang lắp đặt máy móc, phía sau là hệ thống bagdrop thả hành lý. Nhà ga có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 ki-ốt check in.

Tầng dưới là khu ga đến và nơi lấy hành lý của hành khách. Khu vực này đã lắp đặt cơ bản trần, lát gạch, bảng chỉ dẫn, băng chuyền…

Hướng ra sân bay là bãi đỗ máy bay cùng các ống lồng dần thành hình. Phần kính ở mặt này cũng đã thi công xong. Theo thiết kế, công trình có 27 cửa ra tàu bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe bus).

Song song thi công phần kết cấu, hệ thống thiết bị, máy móc cũng đang được lắp đặt, hoàn thiện. Các hạng mục có khối lượng lớn như: ống gió điều hòa, phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước đã lắp đặt ở các tầng B2 tòa nhà thương mại, tầng B1 và 1 nhà ga hành khách.

Công trường hiện có khoảng 3.300 công nhân và kỹ sư, với nhiều mũi triển khai nhằm đẩy nhanh phần xây dựng. Tuỳ thời điểm, khối lượng công việc mà công nhân sẽ làm thêm cả ban đêm để kịp tiến độ.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có có hai nhà ga T1 (nội địa) và T2 (quốc tế) với công suất thiết kế ban đầu từ 28-30 triệu lượt khách/năm. Hiện lượng khách qua đây liên tục vượt ngưỡng 40 triệu lượt mỗi năm gây áp lực lớn lên hạ tầng. Khi nhà ga T3 hoạt động sẽ đảm nhận khoảng 80% lượng khách nội địa, giúp giảm áp lực cho nhà ga T1 đã quá tải nghiêm trọng.

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: ACV

Vị trí nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Đăng Hiếu

Quỳnh Trần – Gia Minh

Diện mạo ga T3 Tân Sơn Nhất trước thời điểm hoạt động-Vnexpress

7 cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ

Các cơ chế, chính sách thí điểm về thương mại hóa nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí phát triển 5G, bán dẫn được đưa ra nhằm tạo đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sáng 18/3, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết việc hoàn thiện thể chế đã đạt được một số kết quả. Trong đó, Nghị quyết số 193 của Quốc hội, được ban hành ngày 19/2, cho phép thí điểm các cơ chế, chính sách đặc biệt thuộc các nhóm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu

Đây được đánh giá là nội dung có nhiều vướng mắc kéo dài thời gian qua. Để tránh rủi ro, nhiều thủ tục phức tạp được đưa ra, dồn trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu, khiến họ không dám nhận những nghiên cứu lớn. Tuy nhiên theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nghiên cứu là một loại đầu tư có rủi ro cao.

Nghị quyết 193 cho phép thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết nghiên cứu mà không phải cam kết về kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài. Nghị quyết cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ, đồng thời cũng có quy định miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.

Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Người làm nghiên cứu được hưởng kết quả thương mại hóa

Nghị quyết cho phép cơ sở nghiên cứu theo từng loại hình tổ chức được sử dụng hoặc sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu để chủ động thương mại hóa. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được tham gia lập và điều hành doanh nghiệp.

“Đây là những chính sách rất mạnh mẽ để sớm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn trước đây, tạo ra ích nước lợi nhà”, Bộ đánh giá.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả nghiên cứu phải được thương mại hóa mới góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, nhà nước sẽ thu được thuế, tạo ra công ăn việc làm, đất nước có trình độ khoa học, công nghệ cao hơn. Đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước đối với các khoản chi khoa học, công nghệ.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng thí điểm cho phép doanh nghiệp chi cho khoa học, công nghệ ngoài Quỹ khoa học, công nghệ và được tính là chi phí hợp lệ, được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trước đây, việc giới hạn chi khoa học, công nghệ được hưởng ưu đãi thuế chỉ trong phạm vi Quỹ khoa học, công nghệ đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam chi cho nghiên cứu phát triển ít hơn các nước tới 10 lần.

Hỗ trợ kinh phí để phát triển nhanh 5G

Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G toàn quốc, với mức hỗ trợ một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân, với điều kiện doanh nghiệp đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G được nghiệm thu đến ngày 31/12.

Theo Bộ, mỗi nhà mạng thông thường đầu tư khoảng 5.000 trạm 5G một năm, “vì vậy nếu muốn đầu tư tới 20.000 trạm để phủ sóng nhanh, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Điều này phù hợp với Nghị quyết 57 xác định cơ sở hạ tầng viễn thông là một thành phần quan trọng của hạ tầng số, là hạ tầng nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, được Nhà nước ưu tiên phát triển và bảo vệ như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng.

Cho phép dịch vụ Internet vệ tinh nước ngoài

Nghị quyết 193 đưa ra chính sách thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Đây là công nghệ mới được đánh giá mang lại hiệu quả trong việc phủ sóng băng rộng cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi, hải đảo. Tuy nhiên theo quy định trước đây, doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp cần hợp tác với một doanh nghiệp trong nước.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, Nghị quyết cho phép thí điểm doanh nghiệp với sở hữu nước ngoài tới 100% được cung cấp dịch vụ, với điều kiện đảm bảo quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia.

Hai ăng-ten thu phát sóng Internet vệ tinh Starlink thử nghiệm tại sự kiện ở Hòa Lạc (Hà Nội) năm 2023. Ảnh: Lưu Quý

Phát triển cáp quang biển

Nghị quyết mới có chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư. Theo đó, các dự án đầu tư tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển có trạm cập bờ tại Việt Nam được thí điểm áp dụng trình tự, thủ tục quy định cho dự án đầu tư tại Việt Nam, đồng thời cho phép chỉ định thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án trong giai đoạn 2025-2030.

Dùng ngân sách làm nền tảng số dùng chung

Nghị quyết 193 có điều khoản về việc sử dụng ngân sách trung ương triển khai các nền tảng số dùng chung và chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc này nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, nhất là cho hai năm 2025-2026 để tạo nhanh các nền tảng và động lực cho chuyển đổi số quốc gia những năm sau. Nghị định cho phép chỉ định thầu các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL dùng chung của bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các CSDL.

Hỗ trợ tài chính nhà máy chế tạo chip đầu tiên

Nhà máy chế tạo chip đầu tiên được nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030 sẽ được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án, không quá 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp được trích Quỹ Khoa học, công nghệ cao hơn 10% nhưng không quá 20% để xây dựng nhà máy, theo Nghị quyết mới.

Phát triển các nhà máy chế tạo chip là mục tiêu khó khăn nhất trong các mục tiêu được nêu ra tại chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong khi đó, Việt Nam đã xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp chiến lược cần được đặt ưu tiên hàng đầu.

Chip 5G của Viettel được trưng bày tại sự kiện đổi mới sáng tạo tháng 10/2023. Ảnh: Lưu Quý

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, phát triển nhà máy chế tạo chip đầu tiên sẽ là bước đi rất quan trọng cho nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm các chip được thiết kế tại Việt Nam, là khâu bắt buộc để tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất các chip chuyên dùng của Việt Nam, đặc biệt có ý nghĩa đối với quốc phòng, an ninh và công tác đào tạo nhân lực. Nhà máy ở quy mô nhỏ sẽ cần chi phí đầu tư khoảng dưới một tỷ USD với mục tiêu nghiêng nhiều hơn về nghiên cứu phát triển.

Trong báo cáo sáng 18/3, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đã phối hợp các bộ, ngành xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị quyết 193. Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp thu, hoàn thiện, sẽ trình ban hành trong tháng 3.

Lưu Quý

7 cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ-VNexpress

Công nghệ bẻ cong âm thanh giúp nghe nhạc không cần tai nghe

Các nhà khoa học tạo ra tai nghe ảo bằng công nghệ “bẻ cong âm thanh” tạo ra vùng quây mà chỉ người đứng đó mới nghe thấy tiếng, hoàn toàn không ảnh hưởng đến những người xung quanh

Jia-Xin Zhong sử dụng hình nộm với microphone gắn trong tai để đo lường sự hiện diện của âm thanh dọc theo đường truyền siêu âm. Ảnh: Poornima Tomy/Penn State

Nhóm nhà khoa học từ Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ, do chuyên gia âm học Yun Jing đứng đầu, phát triển công nghệ cho phép tạo ra những “vùng quây khả thính” trong đó âm thanh chỉ có thể được cảm nhận ở một số vị trí nhất định như một ghế ngồi trên xe hoặc một bàn học trong lớp, Interesting Engineering hôm 17/3 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

“Chúng tôi sử dụng hai bộ chuyển đổi siêu âm kết hợp với một siêu bề mặt âm thanh – có thể phát ra các chùm siêu âm tự uốn cong và giao nhau tại một điểm nhất định. Người đứng tại điểm đó sẽ nghe thấy âm thanh, trong khi bất kỳ ai đứng gần đó đều không thể nghe thấy. Điều này tạo ra một rào chắn giữa mọi người để nghe riêng tư”, Jing nói.

Nghiên cứu mới trình bày chi tiết cách hai chùm siêu âm giao thoa để tạo ra không gian nghe riêng tư. Mỗi bộ chuyển đổi tạo ra một chùm siêu âm phi tuyến tính được dẫn hướng theo đường cong. Âm thanh chỉ có thể nghe được tại giao điểm, nghĩa là người đứng ở nơi khác, kể cả ở gần, cũng không nghe thấy gì.

“Về cơ bản, chúng tôi tạo ra tai nghe ảo. Một người trong ‘vùng quây khả thính’ có thể nghe thấy thứ dành riêng cho mình. Điều này giúp tạo ra những khu vực âm thanh và khu vực yên tĩnh”, Jia-Xin Zhong, thành viên nhóm nghiên cứu, học giả sau tiến sĩ về âm thanh tại Đại học Bang Pennsylvania, cho biết.

“Để thử nghiệm hệ thống, chúng tôi dùng hình nộm gồm đầu và thân với microphone gắn bên trong tai để mô phỏng những gì một người nghe thấy tại các điểm dọc theo đường truyền của chùm siêu âm, đồng thời sử dụng micro thứ ba để rà quét khu vực giao thoa. Chúng tôi xác nhận rằng âm thanh không thể nghe được, ngoại trừ tại điểm giao thoa mà chúng tôi gọi là vùng quây”, Zhong nói thêm.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hệ thống trong một căn phòng bình thường với tiếng vọng thực để chứng minh rằng công nghệ mới có thể hoạt động trong thế giới thực, ví dụ như trong lớp học, ôtô hoặc ngoài trời. Hiện tại, hệ thống có thể truyền âm thanh đến mục tiêu cách xa khoảng một mét ở mức 60 decibel, âm lượng trung bình của một cuộc trò chuyện.

Để tăng phạm vi và âm lượng, nhóm nghiên cứu đề xuất tăng sức mạnh của chùm siêu âm. Việc thực hiện mục tiêu này sẽ giúp thay đổi đáng kể cách mọi người sử dụng âm thanh, giúp tăng tính riêng tư và cá nhân hóa ở môi trường công cộng.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)

Công nghệ bẻ cong âm thanh giúp nghe nhạc không cần tai nghe-VNexpress