EU – ASEAN: Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hướng tới kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh

EU – ASEAN sẽ thúc đẩy hợp tác trong việc phát triển và triển khai các dự án nghiên cứu, sáng kiến chung, góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu hướng tới kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh; đồng thời, tạo điều kiện cho việc hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giữa hai khu vực.
Ngày 2/10/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo EU – ASEAN về ĐMST nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và ĐMST giữa EU và ASEAN trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, cả trực tiếp và trực tuyến.
Toàn cảnh sự kiện.
Xây dựng mạng lưới và quan hệ đối tác giữa hai khu vực
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh khẳng định, Việt Nam tự hào là một quốc gia có trách nhiệm và tích cực, với nhiều đóng góp quan trọng cho quan hệ ASEAN – EU. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, định hướng phát triển ĐMST và khởi nghiệp. Theo đó, Việt Nam đã tăng hai bậc trong Bảng xếp hạng ĐMST toàn cầu (GII) năm 2024, xếp thứ 44/133 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp đầu tư nhằm cải thiện các chỉ số ĐMST, bao gồm: xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia quy tụ các chuyên gia và nhà khoa học, phát triển các chính sách khuyến khích ĐMST, đặc biệt là trong các doanh nghiệp.
Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, Hội thảo sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác trong việc phát triển và triển khai các dự án nghiên cứu, sáng kiến chung, góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu; đồng thời, tạo điều kiện cho việc hình thành một hệ sinh thái ĐMST và tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST giữa các cơ quan ASEAN và các đối tác EU.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết, ĐMST đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu mà cả EU và các nước ASEAN đang phải đối mặt. Hội thảo là sự kiện ĐMST khu vực thí điểm đầu tiên giữa hai bên, là cơ hội để hai khu vực, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp thúc đẩy hợp tác, khuyến khích tham gia một cách cởi mở, học hỏi từ hệ sinh thái ĐMST của nhau và khám phá các mối quan hệ hợp tác tiềm năng. Qua đó, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, tăng cơ hội tiếp cận thị trường, cơ hội việc làm và thúc đẩy khả năng cạnh tranh của cả hai khu vực trong nghiên cứu về nền kinh tế tuần hoàn và năng lượng sạch.
Ngài Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Phát triển và triển khai các dự án nghiên cứu, sáng kiến chung
Theo bà Signe Ratso, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Nghiên cứu và ĐMST (DG RTD), Ủy ban châu Âu, hợp tác nghiên cứu và ĐMST đã và đang diễn ra, đạt được thành công giữa hai khu vực với sự tham gia tích cực của các nước ASEAN vào chương trình trọng điểm Nghiên cứu và ĐMST Horizon Europe của EU và theo Chương trình Tài trợ chung mà EU đang hỗ trợ thông qua Trung tâm dịch vụ toàn cầu. Thông qua hợp tác, đã mở ra cho hai khu vực các giải pháp chuyển đổi trên quy mô toàn cầu; các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà nghiên cứu cần có những ý tưởng sáng tạo giúp đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ.
Bà Signe Ratso, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Nghiên cứu và ĐMST (DG RTD), Ủy ban châu Âu phát biểu tại Hội thảo.
Đồng quan điểm, TS. Chhuon Sambath Ratanak, Chủ tịch ASEAN SCSER cho rằng, đây là cơ hội để các bên học hỏi lẫn nhau và tăng cường các nỗ lực nghiên cứu đang diễn ra với đối thoại EU – ASEAN về KH,CN&ĐMST, giúp giải quyết các thách thức toàn cầu và tìm cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, nền kinh tế xanh và bền vững; thúc đẩy đối thoại toàn cầu về cách tạo ra các giải pháp bền vững cho tương lai; xây dựng mạng lưới và quan hệ đối tác để thúc đẩy hai khu vực phát triển xanh và sạch hơn.
TS. Chhuon Sambath Ratanak, Chủ tịch ASEAN SCSER phát biểu tại Hội thảo.
Tại sự kiện, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về xu hướng hiện tại, thách thức và cơ hội tài trợ cho hợp tác ĐMST giữa EU – ASEAN, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp theo Chương trình đồng tài trợ cho nghiên cứu và ĐMST ASEAN – EU; khuyến khích các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức toàn cầu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và hình thành quan hệ đối tác giữa các nhà ĐMST và nhà nghiên cứu từ cả hai khu vực.
Ông Benoit Sauveroche, Tham tán thứ nhất của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Singapore chủ trì phiên thảo luận.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 20 sáng kiến giải pháp đến từ 20 công ty khởi nghiệp của EU và ASEAN để học hỏi hệ sinh thái ĐMST giữa các bên, tăng cường mối quan hệ đối tác, giải quyết vấn đề kinh tế tuần hoàn và năng lượng sạch thông qua ĐMST như: Thu hồi kim loại nặng từ nước thải mạ điện và chuyển đổi chúng thành hydroxit kép (LDH) có lớp Zn2Cr để loại bỏ pyrophosphate khỏi nước thải công nghiệp; Nền tảng an toàn sinh học nước Resistomap; Thí điểm giải pháp tái chế để giải quyết vấn đề rác thải nhãn bao bì tại Malaysia; Robot bay không người lái để tự động sửa chữa xói mòn tiên tiến của cánh tuabin gió; Cung cấp năng lượng sạch và an toàn gồm hệ thống lưu trữ hydro, năng lượng mặt trời tích hợp và hệ thống phát điện bằng pin nhiên liệu tiên tiến; Chuyển đổi chất thải thành của cải; Tiên phong trong dòng chảy oxy hóa khử bền vững; BUYO – Từ rác thải sinh học đến nhựa sinh học…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Trong Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – EU (2023-2027), EU và ASEAN đã cam kết tăng cường hợp tác về nghiên cứu và ĐMST, KH&CN, đặc biệt thông qua Đối thoại ASEAN – EU về KH&CN nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa hai khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua hợp tác KH&CN.
Chương trình Horizon Europe – chương trình tài trợ nghiên cứu và ĐMST hàng đầu của Liên minh châu Âu, với ngân sách hơn 95 tỷ Euro cho giai đoạn 2021-2027 mang tầm chiến lược. Với ba trụ cột chính là Khoa học xuất sắc, Các thách thức toàn cầu và Năng lực cạnh tranh công nghiệp châu Âu, ĐMST châu Âu. Trụ cột 2 của Horizon Europe đặc biệt có ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu và tổ chức ASEAN vì tập trung vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu như y tế, biến đổi khí hậu và chuyển đổi số, vốn cũng rất quan trọng đối với khu vực ASEAN.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế

Kết nối chuyển giao công nghệ tạo đột phá phát triển kinh tế Thủ đô

Hàng trăm công nghệ mới được giới thiệu tại sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 được kỳ vọng mang lại giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.

Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội khai mạc chiều 30/9 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt dẫn kết quả xếp hạng về Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) 2024 vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia/nền kinh tế, duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp.

Theo Bộ trưởng, trong 10 năm qua, xếp hạng của Việt Nam đã tăng hơn 30 bậc, một minh chứng rõ rệt cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: Phạm Chiểu

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: Phạm Chiểu

“Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam vào top 40 về GII, góp phần khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ công nghệ thế giới”, Bộ trưởng nói. Ông kỳ vọng sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 góp phần thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các ngành, doanh nghiệp tại Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng mong muốn các ban, bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học dành nguồn lực, các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ. Theo Bộ trưởng “coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành và cả nền kinh tế có thể nâng cao năng suất lao động”.

Tiếp sau đó ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng bày tỏ kỳ vọng khi Hà Nội cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sự kiện này. Thành phố luôn quan tâm kết nối các doanh nghiệp với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ, giúp doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới, hiện đại. “Đây là cơ hội để tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó tạo ra những giải pháp công nghệ đột phá góp phần phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô”, ông Sơn nói.Ông Lê Hồng Sơn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phạm Chiểu

Ông Lê Hồng Sơn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phạm Chiểu

Hiện Hà Nội tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc). “Đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”, Phó chủ tịch TP Hà Nội nói.

Sau phần phát biểu chào mừng của ông Julien Guerrier, Đại sứ, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và ông Choi Youngsam, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam là phần tham luận của hai diễn giả đến từ doanh nghiệp.

Chương trình khép lại bằng hoạt động trao biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo với Trung tâm Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (CDTI) – Tây Ban Nha và Văn phòng Sản xuất thông minh Hàn Quốc (KOSMO).Trao văn bản ký kết giữa Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Văn phòng Sản xuất thông minh Hàn Quốc (KOSMO). Ảnh: Phạm Chiểu

Trao văn bản ký kết giữa Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Văn phòng Sản xuất thông minh Hàn Quốc (KOSMO). Ảnh: Phạm Chiểu

Techconnect and Innovation Vietnam 2024 được tổ chức trong hai ngày 30/9 và 1/10 với quy mô quốc gia. Sự kiện gồm các hoạt động chính: 5 diễn đàn kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo (Diễn đàn chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Diễn đàn công nghệ ngành Xây dựng; Diễn đàn công nghệ ngành Y tế; Diễn đàn công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư công nghệ cao); Tọa đàm vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ năm 2024, kết nối cung – cầu công nghệ; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024.

Sự kiện năm nay thu hút 200 gian trình diễn những thành tựu công nghệ mới trong và ngoài nước được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Techconnect and Innovation Vietnam 2024 kế thừa thành công của các chương trình Techdemo (2011 – 2019) và Techconnect and Innovation Vietnam (2020 – 2024), là chương trình thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Tổ chức từ năm 2011 đến nay, Techconnect and Innovation Vietnam hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để chuyển đổi, ứng dụng tri thức và công nghệ vào thực tiễn; tạo cầu nối trực tiếp cho bên cung và bên cầu công nghệ trao đổi, thảo luận, ký kết các thỏa thuận hợp tác và hợp đồng chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.

Minh Thư

Sông Amazon đang thu hẹp dần

Mực nước của những phụ lưu lớn đổ vào sông Amazon, sông lớn nhất trên Trái Đất, đã thấp tới mức kỷ lục, khiến tàu thuyền mắc cạn, đe dọa cá heo và kế sinh nhai của người dân.Một sà lan mắc cạn ở bờ cát của sông Solimões hôm 17/9. Ảnh: Reuters

Một sà lan mắc cạn ở bờ cát của sông Solimões hôm 17/9. Ảnh: Reuters

Brazil hiện nay đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất từ năm 1950, theo Cemaden, trung tâm theo dõi thiên tai của nước này. Đây là năm thứ hai liên tiếp xảy ra hạn hán cực hạn ở Brazil. Gần 60% đất nước bị ảnh hưởng, một số thành phố, bao gồm thủ đô Brasília, ghi nhận hơn 140 ngày liên tục không có mưa. Ở trung tâm rừng mưa Amazon, tác động lên sông ngòi gây sốc và giới chuyên gia đang báo động về nguy cơ đối với khu vực, một điểm nóng đa dạng sinh thái quan trọng, theo CNN.

Rio Negro, một trong những phụ lưu lớn nhất của sông Amazon, có mực nước thấp kỷ lục vào thời gian này trong năm gần thành phố Manaus ở bang Amazonas. Mực nước đang giảm ở tốc độ khoảng 17,8 cm/ngày, theo cơ quan địa chất Brazil. Dòng nước đen ngòm đặc trưng của dòng sông thường chảy qua mê cung kênh đào dày đặc, nhưng ảnh vệ tinh hiện nay cho thấy nó đã thu nhỏ đáng kể với nhiều vùng lòng sông rộng lớn lộ ra. Sông Rio Negro đang cạn nhanh khi nhiệt độ tăng cao và nước mưa cực khan hiếm, theo Lincoln Alves, nhà khoa học ở Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil.

Điều tương tự cũng xảy ra với sông Solimões, dòng nước sông đục ngầu hợp nhất với sông Rio Negro ở Manaus để hình thành sông Amazon. Tháng này, mực nước sông Solimões tụt xuống mức thấp kỷ lục ở Tabatinga, thành phố Brazil giáp biên giới Colombia và Peru. Tàu thuyền mắc cạn và dải cát khổng lồ lộ ra ở nơi nước sông từng chảy qua.

Hồ Tefé ở bờ phía bắc sông Solimões, cũng biến mất phần lớn. Ảnh chụp hồ nước vào tháng trước cho thấy nó đã thu hẹp đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục nhỏ đi. Điều này góp phần vào tình trạng thiếu hụt nước và ảnh hưởng tới hệ sinh thái địa phương, theo Alves.

Năm ngoái, hơn 200 con cá heo chết trong hồ do hạn hán lịch sử và nhiệt độ nước cao kỷ lục. Giới chuyên gia lo sợ thảm họa sẽ lặp lại trong năm nay. Miriam Marmontel, người phụ trách dự án cá heo ở Viện phát triển bền vững Mamirauá hồi đầu tháng 9 cho biết họ phát hiện trung bình một con cá heo chết mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu cho rằng khi hồ nước thu nhỏ, có ít không gian sống cho cá heo hơn, đẩy chúng vào nguy cơ va chạm với tàu phà cao hơn.

Ở nhiều vùng của sông Amazon, hạn hán dữ dội hơn thời điểm tồi tệ nhất năm ngoái, theo Romulo Batista, nhà sinh vật học kiêm phát ngôn viên của tổ chức Hòa bình Xanh Brazil. Tình huống khiến người dân địa phương phụ thuộc vào dòng sông để kiếm kế sinh nhai, thức ăn, thuốc uống và đi lại, trở nên điêu đứng. “Chúng tôi đang trải qua tình huống chưa từng xảy ra trước đây. Sự sụt giảm mực nước sông ở mức khổng lồ”, André Guimarães, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu môi trường Amazon, thừa nhận.

Hạn hán nghiêm trọng kéo dài ở Brazil là kết quả từ nhiều yếu tố. El Niño, mô hình khí hậu tự nhiên, mang thời tiết khô nóng hơn tới khu vực vào năm ngoái và kéo dài đến năm 2024. Hiện nay, El Niño đã kết thúc nhưng nắng nóng và hạn hán vẫn tồn tại do ảnh hưởng từ nhiệt độ Đại Tây Dương nóng khác thường.

Một yếu tố khác là chặt phá rừng góp phần làm tăng nhiệt độ và thay đổi mô hình lượng mưa. Biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch cũng kéo theo nhiệt độ ấm hơn và thời kỳ không mưa kéo dài hơn. Hạn hán năm ngoái ở lưu vực Amazon dễ xảy ra gấp 30 lần do biến đổi khí hậu, theo báo cáo của World Weather Attribution, mạng lưới nhà khoa học chuyên phân tích sự kiện thời tiết cực đoan. Hạn hán cũng cung cấp điều kiện cho cháy rừng ở Brazil, phá hủy diện tích lớn rừng mưa Amazon và vùng Pantanal, đầm lầy nhiệt đới lớn nhất thế giới, khiến các thành phố chìm trong lớp khói dày.

An Khang (Theo CNN)

Khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp

Ứng dụng khoa học công nghệ, Việt Nam chủ động được nhiều giống lúa, năng suất cao nhất trong các nước ASEAN, năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới…

Thông tin được ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ tại “Diễn đàn công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn” tổ chức hôm 1/10. Diễn đàn thuộc khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 – Techconnect and Innovation Vietnam 2024.Gặt lúa ở Đông Anh, Hà Nội tháng 5/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Gặt lúa ở Đông Anh, Hà Nội tháng 5/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Dương thông tin, 10 năm qua, khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, với hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất và 38% trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, năng suất lúa của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan. Cafe phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về năng suất chỉ sau Brazil. Cá tra đạt năng suất 500 tấn/ha, mức cao nhất thế giới, trong khi công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng giúp nâng cao sản lượng lên hơn 40 tấn/ha, đồng thời giảm 30-35% chi phí sản xuất so với phương pháp cũ.

Minh họa thêm kết quả, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn năm 2023 tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp vào GDP quốc gia là 14,6%. “Khoa học công nghệ – đổi mới sáng tạo – chuyển đổi số là yếu tố bao trùm, động lực chính”, ông nói.

Ở lĩnh vực sau thu hoạch, ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ứng dụng khoa học giúp công nghệ bảo quản sau thu hoạch dần đạt mức tiên tiến so với các nước khác trong khu vực và thế giới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Sản lượng rau quả của Việt Nam hiện đạt khoảng 30 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt mức 5,69 tỷ USD trong năm 2023, tăng trưởng 70% so với năm trước.

Các công nghệ hiện đại giúp kéo dài thời gian bảo quản, sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng trên 20%, chất lượng có ưu điểm vượt trội so với cách làm truyền thống, đạt chất lượng tương đương với nhập khẩu nhưng vẫn tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư.

“Trình độ công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch của Việt Nam không ngừng tiến bộ, đạt mức trung bình so với thế giới”, ông nói. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Tuấn cho rằng Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, tạo môi trường thuận lợi, cơ chế, chính sách phù hợp để các nhà khoa học phát huy tối đa khả năng, nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ năm 2020 đến 2023, ngành nông nghiệp ứng dụng 233 tiến bộ kỹ thuật mới thông qua các quy trình VietGAP, ATSH, an toàn dịch bệnh… giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất trung bình từ 15%, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông kiến nghị các đơn vị, tổ chức nghiên cứu, quản lý khoa học quan tâm, bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cập nhật thường xuyên các tiến bộ kỹ thuật. Việc ứng dụng công nghệ cần song hành thúc đẩy mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại hóa nông thôn và phát triển các kênh phân phối mới nhằm kết nối cung cầu.

Techconnect and Innovation Vietnam 2024 được tổ chức trong 2 ngày 30/9 -1/10. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Sự kiện trở thành diễn đàn để doanh nghiệp, chuyên gia thảo luận, chia sẻ thông tin tới các nhà hoạch định chính sách, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.

Quỳnh Chi

JINR hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử chất lượng cao cho Việt Nam

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nói riêng và Việt Nam nói chung luôn dành sự quan tâm đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử và các ứng dụng của năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Việt Nam luôn coi Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân (JINR) là đối tác quan trọng với truyền thống hợp tác lâu dài, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Liên bang Nga từ ngày 23-28/9/2024, ngày 26/9/2024, Đoàn công tác của Bộ KH&CN do Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với JINR.
Đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc tại JINR.
Mở đầu buổi làm việc, Viện sĩ Grigory Trubnikov, Giám đốc JINR bày tỏ lời cảm ơn chân thành và chào mừng Đoàn đến thăm và làm việc tại JINR, thành phố Dubna – trái tim khoa học và đổi mới sáng tạo nằm bên bờ sông Volga, con sông dài nhất châu Âu. Ông nhấn mạnh, JINR là một cái nôi nghiên cứu với những thành tựu đáng tự hào và nơi đào tạo chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực vật lý hạt nhân. Viện sĩ Grigory Trubnikov đánh giá cao sự quan tâm và đóng góp lớn của Việt Nam trong thúc đẩy hiệu quả các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với JINR thời gian qua. JINR đã đào tạo nhiều nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, điển hình như cố GS.TS. Nguyễn Đình Tứ và cố GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Nhiều chuyên gia và nhà khoa học khác từ Việt Nam cũng đã tham gia nghiên cứu và làm việc tại Viện, góp phần quan trọng vào những thành công chung của JINR.
Thay mặt Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt gửi lời cảm ơn chân thành tới Viện sĩ Grigory Trubnikov vì sự đón tiếp nồng hậu dành cho Đoàn. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng đến Viện JINR và trực tiếp gặp Viện sĩ dù trước đó hai bên đã có nhiều trao đổi thông qua các kênh khác nhau để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi các nội dung hợp tác quan trọng như: nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam và việc triển khai thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Công nghệ hạt nhân (CNST) tại Việt Nam…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, ngay khi đến thành phố Dubna, Đoàn công tác đã có dịp thăm các phòng thí nghiệm tiêu biểu của Viện như Phòng thí nghiệm vật lý năng lượng cao (Tổ hợp NICA) và Phòng Thí nghiệm phản ứng hạt nhân. Bộ trưởng bày tỏ sự ấn tượng với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ chuyên gia xuất sắc, và môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, chất lượng cao tại JINR.
“Bộ KH&CN nói riêng và Việt Nam nói chung luôn dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử và các ứng dụng của nó vì mục đích hòa bình, đồng thời coi JINR là đối tác quan trọng, với truyền thống hợp tác lâu đời”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đoàn công tác Bộ KH&CN thăm các cơ sở phòng thí nghiệm nổi bật của JINR.
Mục tiêu then chốt của Việt Nam trong hợp tác nghiên cứu khoa học với JINR là đào tạo nguồn nhân lực và khai thác hiệu quả các thiết bị hiện có tại các phòng thí nghiệm. Hiện nay, với đội ngũ các cán bộ, nhà khoa học trẻ đang làm việc ngắn và dài hạn hàng năm tại Viện, Việt Nam đã phần nào phát triển và tập trung được một số nhóm nghiên cứu có chất lượng, đủ năng lực tham gia xây dựng các hướng nghiên cứu và đề xuất các bài toán xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong phát triển KH&CN tại Việt Nam. Nhiều nghiên cứu viên Việt Nam đã và đang được đào tạo trở thành Tiến sĩ (tại JINR và Việt Nam) trong các lĩnh vực khoa học then chốt, từng bước làm chủ các nghiên cứu, đóng góp vào các công bố khoa học trên những tạp chí uy tín quốc tế về  vật lý hạt nhân như Physical Review Letters, Physical Review C.
Dựa trên nền tảng hợp tác vững chắc này, Bộ KH&CN mong muốn Viện JINR tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam sang làm việc và nghiên cứu tại Viện,  trở thành những chuyên gia xuất sắc. Điều này bao gồm việc tham gia và các nhóm nghiên cứu hàng đầu tại Viện, tham dự các khóa đào tạo ngắn và dài hạn cũng như có cơ hội phát triển và làm chủ các hướng nghiên cứu riêng do Việt Nam chủ trì. Bộ KH&CN cũng hi vọng  JINR sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm về tài chính trong quá trình đào tạo và làm việc của các nhà khoa học Việt Nam tại Viện.
Về Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Công nghệ hạt nhân (CNST), Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết đây là hoạt động hợp tác lớn nhất và quan trọng nhất cho đến nay giữa Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM) và Bộ KH&CN. Hiện tại, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đang tích cực thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và gửi cán bộ sang làm việc tại JINR để đào tạo đội ngũ chủ chốt cho Dự án CNST. Trong tương lai, JINR dự kiến sẽ đầu tư lắp đặt một số hệ thống thiết bị tại CNST, cho phép các nhà khoa học Việt Nam, Nga và quốc tế cùng tham gia khai thác, nghiên cứu, như một chi nhánh của JINR tại Việt Nam. Bộ trưởng nhận định đây là một sáng kiến ý nghĩa, mở ra cơ hội biến CNST thành trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân.
Trên cơ sở này, Bộ trưởng kỳ vọng JINR sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai Dự án CNST, bao gồm: xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2025-2030 cho Việt Nam tại JINR nhằm chuẩn bị cho lò phản ứng nghiên cứu mới, đồng thời khai thác các kênh nghiên cứu và ứng dụng của lò phản ứng; cùng VINATOM và các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam xây dựng lộ trình khai thác hiệu quả lò phản ứng sau khi đi vào hoạt động, với sự tham gia trực tiếp của JINR và các quốc gia trong khu vực. Điều này sẽ giúp Việt Nam tích hợp vào quy hoạch nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử và triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Kết thúc buổi làm việc, cả hai bên đều thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác hiệu quả trong nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. JINR cam kết tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam trong thời gian tới. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi và triển khai các hạng mục hợp tác thông qua các đầu mối của Bộ KH&CN, bao gồm Vụ Hợp tác Quốc tế và các đầu mối chuyên môn tại VINATOM.
Sau buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Huỳnh Thành Đạt và Giám đốc JINR Grigory Trubnikov, đại diện của JINR, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cùng VINATOM đã tổ chức một cuộc họp Hội đồng hỗn hợp để bàn về các dự án khoa học, nhằm thông báo kết quả công tác nghiên cứu giữa hai bên. Trong thời gian qua, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác, đặc biệt là việc kết nối và đề xuất cũng như triển khai tích cực, hiệu quả các dự án nghiên cứu khoa học.
* JINR, được thành lập năm 1956 tại Dubna (Liên Xô), là cơ quan nghiên cứu trong lĩnh vực hạt nhân và hạt cơ bản, nhằm thống nhất nỗ lực khoa học của các quốc gia thành viên để nghiên cứu tính chất cơ bản của vật chất. Sau gần 70 năm, JINR đã thực hiện nhiều nghiên cứu và đào tạo đội ngũ khoa học chất lượng cao cho các quốc gia thành viên.
* Hiện JINR có 16 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Từ năm 1982, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã được giao nhiệm vụ điều phối hoạt động hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và JINR
* Các hoạt động hợp tác song phương giữa VINATOM với JINR được thực hiện chủ yếu thông qua các hình thức như hợp tác thực hiện dự án, nghiên cứu, đào tạo cán bộ và công bố công trình nghiên cứu khoa học.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế

Xã hội hoá các nguồn lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, với Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu liên tục tăng. Tuy nhiên, để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự lan tỏa và tạo ra bước ngoặt, cần có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN, với các chính sách và giải pháp đột phá tập trung vào ba lĩnh vực trọng yếu: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật liệu mới.
Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”, chiều 25/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại chính sách với các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tham dự Phiên Đối thoại chính sách và đã chia sẻ thông tin về vấn đề xã hội hoá các nguồn lực cho KH,CN&ĐMST.
Phiên Đối thoại nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi trực tiếp, sâu rộng với Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng và giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại TP.HCM cũng như vấn đề chiến lược quốc gia; đồng thời kiến nghị những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thực chất, dưới hình thức hỏi đáp. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành với các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước về định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, phát triển xanh, bền vững; cơ chế đặc thù cho KH&CN, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; các chính sách, đặc thù và bứt phá khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong những lĩnh vực trên…
Toàn cảnh Phiên đối thoại chính sách Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5.
Thủ tướng nhận định, chủ đề về chuyển đổi công nghiệp là chủ đề rộng, vừa phù hợp tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của TP.HCM, vừa là chủ đề mang tính thời sự của quốc tế. Do đó, Diễn đàn có ý nghĩa với TP.HCM, với Việt Nam và với cả bạn bè, đối tác quốc tế.
Tạo chính sách đột phá cho KH&CN
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, với Chỉ số ĐMST toàn cầu liên tục tăng. Tuy nhiên, để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực sự lan tỏa và tạo ra bước ngoặt, cần có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN, với các chính sách và giải pháp đột phá tập trung vào ba lĩnh vực trọng yếu: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật liệu mới.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KH&CN thực hiện thể chế hóa chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Mục tiêu là xây dựng dự án Luật sửa đổi Luật KH&CN thành Luật KH,CN&ĐMST nhằm thể chế hóa tất cả các chỉ đạo liên quan đến chuyển đổi công nghiệp hóa cũng như phát triển dựa trên KH,CN&ĐMST thành quy định pháp luật. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, dự án Luật này sẽ mang lại sự thay đổi căn bản trong cách nhìn nhận và đối tượng điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định: Luật KH,CN&ĐMST sẽ xã hội hóa các nguồn lực cho KH&CN.
“Nếu trước đây, Luật KH&CN chủ yếu tập trung vào việc sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị công lập thực hiện dự án và nghiên cứu, thì dự thảo Luật lần này nhấn mạnh xã hội hóa các nguồn lực cho KH&CN. Hoạt động KH,CN&ĐMST sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ tại khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là ở các doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển năng lực hấp thụ, sáng tạo công nghệ và ĐMST. Đây là hành lang pháp lý quan trọng, cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí của mình để tìm hiểu, mua tri thức và bí quyết công nghệ, từ đó phát triển năng lực nội sinh”. Thứ trưởng Lê Xuân Định chia sẻ.
Hiện nay, doanh nghiệp được trích lập quỹ phát triển KH&CN, nhưng quy định hiện tại chưa đủ mạnh, dẫn đến việc doanh nghiệp chưa hoàn toàn tin tưởng vào việc sử dụng quỹ để đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Để tháo rào cản này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ KH&CN sửa đổi Nghị định 95 về cơ chế đầu tư tài chính cho KH&CN, nhằm tạo thuận lợi hơn cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp sẽ được phép sử dụng cho việc chuyển đổi số của doanh nghiệp.
“Dự kiến, vào năm 2025, Bộ KH&CN sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật KH&CN theo hướng xã hội hóa, nhằm đưa doanh nghiệp trở thành nhân tố trung tâm trong quá trình tiếp nhận, làm chủ và sáng tạo công nghệ, từ đó thúc đẩy ĐMST và lan tỏa trong toàn bộ hệ thống chuyển đổi công nghiệp”, Thứ trưởng cho biết thêm.
Gỡ “nút thắt” trong phát triển thị trường KH&CN
Về phát triển thị trưởng KH&CN, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng Israel thành công trong lĩnh vực này nhờ việc đưa tất cả các nghiên cứu, dù từ tư nhân hay nhà nước ra thị trường dưới dạng hàng hóa. Tuy nhiên, đây là một nút thắt đối với chúng ta. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chuyển hóa thành sản phẩm hiện đang gặp rào cản từ Luật Quản lý tài sản công.
Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng cho rằng, việc sử dụng ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ nghiên cứu khiến tài sản hình thành từ những nhiệm vụ đó được quản lý như tài sản công, tương tự như một công trình xây dựng đã hoàn thành. Điều này không tính đến việc đầu tư của chúng ta đã kết tinh thành tri thức, trong khi việc quản lý, truyền bá và ứng dụng tri thức mới là yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&CN để sửa đổi Nghị định 70 về quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Chúng tôi đang nỗ lực để tháo gỡ vấn đề này, Thứ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, chỉ với một nghị định thì chưa đủ. Nếu không có sự thay đổi trong khái niệm quản lý tài sản công, các cơ quan và tổ chức nghiên cứu sẽ không thể sử dụng tài sản của mình để góp vốn vào các doanh nghiệp khởi nguồn, cũng như không thể ứng dụng tri thức và bí quyết công nghệ của mình để phát triển sản phẩm phục vụ xã hội.
Bên cạnh đó, còn một rào cản khác đến từ Luật quản lý công chức, viên chức, không cho phép viên chức tham gia lãnh đạo doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp. Điều này cản trở sự chuyển đổi nhân lực có kỹ năng và tri thức giữa các cơ sở nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để phát triển KH&CN, trước hết cần chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo khoa học cơ bản, làm nền tảng cho KH&CN. Do đó, Đảng đã xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển giáo dục, đào tạo là nền tảng quan trọng để phát triển KH&CN.
Chính phủ đã thể chế hóa nhận thức này qua các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách và chương trình cụ thể; đồng thời huy động nguồn lực cho phát triển KH&CN, đặc biệt là thị trường KH&CN. Các giải pháp cũng được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cơ chế và chính sách, nhằm xây dựng bộ máy quản lý KH&CN tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Các cơ chế, chính sách cần thiết để khuyến khích sự năng động và sáng tạo cũng sẽ được triển khai, với mục tiêu phục vụ lợi ích chung của quốc gia và dân tộc.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Ninh Bình: Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ điểm tựa văn hóa và di sản

Ngày 29/9/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và các Bộ, ngành trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Khởi tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình – vấn đề và giải pháp”.
Hội thảo là diễn đàn quan trọng, tạo cơ hội thuận lợi để các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà đầu tư cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, khai thác tối ưu hoá nguồn lực; cùng nhau đưa ra các giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST), góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) xanh tại Ninh Bình, hướng đến xây dựng Ninh Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp KNST, nhà đầu tư và các đối tác quốc tế, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, của vùng và đất nước.
Toàn cảnh Hội thảo.
Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ điểm tựa văn hóa và di sản
Đến thời điểm hiện tại, Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á sở hữu Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Năm 2024, lần đầu tiên Bộ KH&CN công bố chỉ số ĐMST các tỉnh, thành phố, trong đó Ninh Bình xếp thứ 16/63 toàn quốc. Từ năm 2022, tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 90% trong cơ cấu kinh tế. Ninh Bình tiếp tục khẳng định là một trung tâm cơ khí ô tô, trung tâm chế biến rau quả, nước giải khát; ngành vật liệu xây dựng của tỉnh được cơ cấu lại theo hướng ứng dụng thành tựu KH&CN để sản xuất vật liệu xanh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, thu hút đầu tư các dự án năng lượng xanh, phát triển công nghiệp môi trường.
Tại Ninh Bình bước đầu định hình một số thành tố cấu thành trung tâm ĐMST ngoài trời với tổ hợp các công viên di sản, công viên văn hóa, công viên động vật hoang dã, công viên đất ngập nước, các khu vực dịch vụ kinh tế ban đêm, show diễn thực cảnh… Đã định hình rõ chiến lược thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp – dịch vụ mới nổi dựa vào ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST những sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, tích hợp di sản cảnh quan nông nghiệp vào xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thực hiện hòa hợp nông thôn – đô thị.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Quán triệt chủ trương của Đảng về KH,CN&ĐMST, coi đó là một trong những đột phá chiến lược của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, tỉnh Ninh Bình từng bước tiến hành cơ cấu lại các ngành kinh tế truyền thống dựa vào ứng dụng thành tựu KH&CN và thúc đẩy ĐMST, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cùng với đó là khởi tạo các ngành kinh tế mới nổi dựa trên thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST – giải pháp đột phá để xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm ĐMST của vùng trên cơ sở tận dụng, nắm bắt, thương mại hóa các sáng chế, ý tưởng ĐMST, từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chỉ rõ: Dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có của một địa phương sở hữu giá trị nổi bật toàn cầu về Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới – Quần thể danh thắng Tràng An, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư với di sản đồ sộ, dày đặc, phong phú, Ninh Bình có điều kiện thuận lợi cho đẩy nhanh xây dựng thành một trung tâm khởi nghiệp ĐMST ngoài trời và từng bước khởi tạo một trung tâm KNST trong nhà.
Tuy vậy, đến nay ngưỡng phát triển của tỉnh Ninh Bình đòi hỏi phải có đột phá về tư duy, tầm nhìn, động lực phát triển dựa trên ứng dụng thành tựu KH&CN và thúc đẩy ĐMST, trọng tâm là thương mại hóa các ý tưởng ĐMST gắn với khởi tạo đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, lấy xây dựng trung tâm ĐMST trong nhà làm hạt nhân, lấy phát triển trung tâm ĐMST ngoài trời làm động lực.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.
Đồng chí mong muốn, Hội thảo là thông điệp mạnh mẽ gửi đến các nhà đầu tư về mức độ sẵn sàng của tỉnh Ninh Bình để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược về phát triển các ngành kinh tế mới nổi dựa trên động lực ĐMST và thương mại hóa các thành tựu KH&CN.
Chung tay khai mở, kiến tạo những tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh chia sẻ: Hiện nay, việc xây dựng hệ sinh thái KNST quốc gia hiệu quả, liên kết chặt chẽ giữa các thành phần đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách. Thời gian qua, hệ sinh thái KNST của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo lập hơn 3.800 doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ, đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Mạng lưới hỗ trợ KNST đang phát triển năng động, hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái; văn hóa, tinh thần KNST lan tỏa mạnh mẽ, khát vọng vươn lên.
Trung tâm Hỗ trợ KNST quốc gia, Trung tâm ĐMST quốc gia và gần 20 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của các địa phương; 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang trở thành các tổ chức dẫn dắt, kết nối nguồn lực. Năm 2024, hệ sinh thái KNST của Việt Nam tăng 2 bậc, vươn lên vị trí thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink.
Thứ trưởng Hoàng Minh thông tin, hiện nay Bộ KH&CN đang xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật KH&CN sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2025). Trong đó sẽ thống nhất, đồng bộ hóa, luật hoá các vấn đề lớn, có tính cơ bản như chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho ĐMST, KNST, mô hình quỹ quốc gia về ĐMST, KNST; chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng tài sản công…
Bộ đề nghị Ninh Bình và các địa phương đồng hành, phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về ĐMST, KNST, góp phần tạo ra hệ sinh thái KNST sôi động, bền vững, để KH,CN&ĐMST thực sự là động lực, đột phá chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng cho biết, Bộ KH&CN trân trọng và ghi nhận các nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong hoạt động hỗ trợ KNST và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp KNST, tin tưởng hệ sinh thái KNST của Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển, trở thành trung tâm kết nối doanh nghiệp KNST với các đối tác quốc tế, giúp Ninh Bình khai thác tối đa lợi thế du lịch, công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản.
Thứ trưởng mong muốn, qua các hoạt động này, chuỗi hoạt động phát triển hệ sinh thái, liên kết địa phương, vùng sẽ tiếp tục được mở rộng, kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái ngày càng chặt chẽ hơn nữa. Đồng thời, thông qua diễn đàn này kỳ vọng các chuyên gia, nhà đầu tư, cơ quan quản lý sẽ thực sự chia sẻ, thu được những kiến nghị, nhu cầu, mong muốn thực tiễn từ cộng đồng, từ đó cùng có những giải pháp thiết thực để “khai mở, kiến tạo” những tiềm năng KNST cả nước nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Thứ trưởng Hoàng Minh cùng các đại biểu chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo các đại biểu đã trình bày tham luận và trao đổi thảo luận xoay quanh: Kinh nghiệm về phát triển kinh tế sáng tạo, kinh tế số và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hội nhập quốc tế; Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức cho tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hội nhập quốc tế tại Ninh Bình; Phân tích nguồn nhân lực của tỉnh Ninh Bình; Giải pháp thúc đẩy kết nối mạng lưới trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế; Khởi nghiệp ĐMST trong xây dựng mô hình kinh doanh mới hướng vào khách hàng mới, dịch vụ mới, quy trình mới dựa trên khả năng tích hợp đa giá trị và hội nhập quốc tế…; Bàn về đặc điểm, giải pháp khởi nghiệp ĐMST dựa trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, mỹ thuật công nghiệp, quà tặng du lịch. Khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực thương mại hóa, doanh nghiệp hóa các ý tưởng, phát minh, sáng chế công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng, vật liệu mới. Một số mô hình kinh doanh mới trong KNST – Những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật

Việt Nam kêu gọi các nước lớn chia sẻ khoa học – công nghệ để cùng phát triển

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, kêu gọi các nước lớn hành xử có trách nhiệm, chia sẻ thành tựu nghiên cứu khoa học – công nghệ để cùng phát triển.

“Trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này, chúng ta càng cần phải tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm, chia sẻ thành tựu chung trong nghiên cứu khoa học – công nghệ để cùng phát triển”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu ngày 22/9 tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, ở trụ sở LHQ tại New York.

Lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh thành tựu khoa học – công nghệ cần thúc đẩy hợp tác, không trở thành công cụ chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hòa bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc. Thành tựu của trí tuệ con người phải tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, văn minh, nâng cao chất lượng sống người dân, xóa đói giảm nghèo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định khoa học – công nghệ, giữa giai đoạn phát triển như vũ bão, cần đặt mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người ở vị trí trung tâm và mục tiêu cao nhất.

Việt Nam đề nghị tăng cường đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ con người, giảm đầu tư nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí hủy diệt, ưu tiên mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, bình đẳng.Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai. Ảnh: TTXVN

“Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới tốt đẹp hơn, vì sự phát triển tiến bộ, công bằng xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân khi chúng ta thống nhất nhận thức cùng hành động, cùng nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hiệu quả”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Lãnh đạo Việt Nam nhận định LHQ và các tổ chức khu vực như ASEAN cần đi đầu trong sứ mệnh thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức toàn cầu và tận dụng cơ hội từ tiến bộ khoa học công nghệ. Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng.

Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của LHQ diễn ra tại New York ngày 22-23/9, trước khi khai mạc Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 vào ngày 24/9. Đây là sáng kiến do Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra nhằm thúc đẩy thảo luận và hợp tác, xây dựng các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển khoa học – công nghệ, công bằng, tiến bộ xã hội và tăng cường hiệu quả của quản trị toàn cầuPhiên họp toàn thể đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào ngày 22/9. Ảnh: TTXVN

Phiên họp toàn thể đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào ngày 22/9. Ảnh: TTXVN

Trước đó, trong phiên khai mạc hội nghị, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định thế giới đang trong giai đoạn chuyển mình và hội nghị lần này là thời khắc quan trọng để đề ra những biện pháp mang tính đột phá cho những vấn đề đang dần vượt ngoài khả năng giải quyết hiện nay như xung đột, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philemon Yang cũng đánh giá trong thách thức tiềm ẩn nhiều cơ hội để cải tiến, cải tổ và củng cố hợp tác toàn cầu vì lợi ích chung của nhân loại. Ông kêu gọi các quốc gia cùng đoàn kết vì một tương lai thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Trong ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã nhất trí thông qua Văn kiện vì tương lai, Văn kiện số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai. Các văn kiện này đề ra những hành động, mục tiêu tham vọng trên tất cả lĩnh vực hợp tác tại LHQ.Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương Lai ngày 22/9. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai ngày 22/9. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Một số ưu tiên bao gồm tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, thiết lập các khuôn khổ, nguyên tắc nền tảng để thúc đẩy hợp tác số và đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi và củng cố các thể chế LHQ và các thể chế tài chính quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đang trong chuyến công tác dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ và làm việc tại Mỹ. Đây là chuyến công tác tham dự hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.

Thanh Danh

Nguồn: vnexpress.net

200 gian hàng trình diễn công nghệ tại Techconnect Vietnam 2024

Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) thu hút 200 gian hàng cùng nhiều hoạt động sẽ diễn ra từ 30/9 – 1/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.

Sự kiện năm nay có chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo – Động lực cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội tổ chức.

Techconnect and Innovation Vietnam 2024 là dịp để các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trình diễn, giới thiệu các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được ứng dụng, chuyển giao, làm chủ. Đây cũng là diễn đàn để trao đổi thảo luận về việc hoàn thiện, thực thi hiệu quả các giải pháp, chính sách mới trong việc kết nối cung – cầu công nghệ, từ đó thúc đẩy ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và ĐMST, phát triển thị trường khoa học và công nghệ.Giải pháp về trung tâm kiểm soát an ninh đường phố và các cơ quan, nhà máy được giới thiệu tại Techconnect 2023. Ảnh: Lưu Quý

Giải pháp về trung tâm kiểm soát an ninh đường phố và các cơ quan, nhà máy được giới thiệu tại Techconnect 2023. Ảnh: Lưu Quý

Techconnect and Innovation Vietnam 2024 được tổ chức với quy mô quốc gia. Sự kiện gồm các hoạt động chính: 5 diễn đàn kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo (Diễn đàn chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Diễn đàn công nghệ ngành Xây dựng; Diễn đàn công nghệ ngành Y tế; Diễn đàn công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư công nghệ cao); Tọa đàm vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ năm 2024, kết nối cung – cầu công nghệ; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024.

Ban tổ chức cho biết, sự kiện năm nay thu hút 200 gian trình diễn những thành tựu công nghệ mới trong và ngoài nước được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Techconnect and Innovation Vietnam 2024 kế thừa thành công của các chương trình Techdemo (2011 – 2019) và Techconnect and Innovation Vietnam (2020 – 2024), là chương trình thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Tổ chức từ năm 2011 đến nay, Techconnect and Innovation Vietnam hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để chuyển đổi, ứng dụng tri thức và công nghệ vào thực tiễn; tạo cầu nối trực tiếp cho bên cung và bên cầu công nghệ trao đổi, thảo luận và tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác và hợp đồng chuyển giao công nghệ. Sự kiện trở thành diễn đàn để doanh nghiệp, chuyên gia thảo luận, chia sẻ thông tin tới các nhà hoạch định chính sách, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.

Bảo Chi

Việt Nam – Liên bang Nga: Tăng cường hợp tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga, từ ngày 23-28/9/2024, Đoàn Công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam do Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Liên bang Nga. Chuyến thăm nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Ngày 24/9/2024, Đoàn công tác của Bộ KH&CN làm việc với Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga nhằm trao đổi, thảo luận và thống nhất các biện pháp triển khai các thỏa thuận đạt được trong Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga đã được thông qua nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2024.

Buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga.

Phát biểu chào mừng Đoàn công tác của Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga V.I. Falkov bày tỏ niềm hân hạnh đón tiếp đoàn và cho biết, chuyến thăm của Đoàn nhân dịp kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định đối tác chiến lược về giáo dục, khoa học và công nghệ. Ngài V.I. Falkov khẳng định, mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga về KH&CN được nâng lên tầm chiến lược kể từ khi hai nước ký Hiệp định đối tác chiến lược về giáo dục, KH&CN vào năm 2014.

Bộ trưởng V.I. Falkov cho biết, Việt Nam – Liên bang Nga có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, cùng với việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Bộ trưởng V.I. Falkov nhấn mạnh một số dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa hai nước về giáo dục, KH&CN. Cụ thể: Trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga, lãnh đạo hai nước đã ký Hiệp định mới về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; Tại Kỳ họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga vào ngày 11/9/2024, hai bên khẳng định tiếp tục củng cố và không ngừng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liêng bang Nga, mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó giữa hai nước, hai dân tộc. Hai bên cũng thống nhất nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có KH&CN và giáo dục. Trong khuôn khổ Kỳ họp này, hai bên đã tổ chức Khóa họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác Nga – Việt trong lĩnh vực giáo dục, KH&CN nhằm tổng kết, đánh giá và rà soát các nội dung hợp tác, xác định phương hướng hợp tác giai đoạn tới…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga V.I. Falkov và Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Huỳnh Thành Đạt.

Thay mặt Đoàn công tác của Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ vui mừng và vinh dự được đến thăm và làm việc với Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga và có dịp được trao đổi trực tiếp với ngài V.I. Falkov về những vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, cùng với việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Tháng 11/2014, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, KH&CN, đặt dấu mốc quan trọng trong hợp tác về KH&CN giữa hai nước. Đến nay, hai nước đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi trong giáo dục, đào tạo và KH,CN&ĐMST.

Tại buổi làm việc, hai bên đã rà soát tình hình 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định, trao đổi, thảo luận và thống nhất các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (thứ hai từ trái sang) phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga V.I. Falkov nhấn mạnh, Nga luôn coi trọng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, KH&CN với Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hai bên sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện kỷ niệm. Phía Liên bang Nga đã đề xuất và trân trọng mời Bộ KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cùng tham gia với vai trò đồng tổ chức. Ông bày tỏ hy vọng rằng, trong tương lai, sự hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST trong thời gian tới, cũng như thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trong Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã đề xuất một số định hướng và nội dung hợp tác quan trọng: định kỳ hằng năm tổ chức các Khóa họp Ủy ban hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga về giáo dục và KH&CN; định kỳ hằng năm tổ chức tuyển chọn các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung; tăng cường hợp tác trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, đặc biệt là lĩnh vực Khoa học biển và lĩnh vực khoa học cơ bản; tăng cường trao đổi, hợp tác và chuyển giao các công nghệ mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Liên bang Nga như công nghệ vật liệu (vật liệu tiên tiến, bao gồm kim loại, polymer và  vật liệu công nghệ cao), năng lượng mới, năng lượng thân thiện với môi trường và tiết  kiệm tài nguyên, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nano, tự động hóa và chế tạo máy, công nghệ trí tuệ nhân tạo; tăng cường trao đổi đoàn tham gia vào các sự kiện về KH,CN&ĐMST lớn được tổ chức ở 02 nước.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên cùng thống nhất và bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác chiến lược về KH,CN&ĐMST giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ có những bước phát triển đột phá, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi nước.

* Hợp tác trong lĩnh vực KH&CN được xem là một trong những trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Ngay từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/1/1950, hai nước đã dành ưu tiên cho mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật thông qua việc ký Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết (Liên Xô) vào ngày 07/3/1959. Trong hơn 65 năm qua, hợp tác KH&CN giữa hai nước song hành cùng với sự thành lập và hoạt động của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (nay là KH&CN).
* Trong quá trình 65 năm hợp tác chặt chẽ, hai nước đã ký các Hiệp định, thỏa thuận quốc tế về hợp tác trong lĩnh vực KH&CN như: Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác KH&CN (1992); Hiệp định Liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình (2002); Hiệp định Liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình (2013); Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (2008).
* Tháng 11/2014, mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga về KH&CN được nâng lên tầm chiến lược khi hai nước ký Hiệp định đối tác chiến lược về giáo dục, KH&CN. Triển khai Hiệp định này, Ủy ban hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga về giáo dục, KH&CN đã được thành lập với Đồng Chủ tịch Phân ban ở cấp Thứ trưởng.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác Quốc tế