Phát hiện số nguyên tố lớn nhất có 41 triệu chữ số

Một nhà toán học nghiệp dư tìm ra số nguyên tố mới có nhiều hơn 16 triệu chữ số so với kỷ lục trước đó.Hộc chứa 6 bộ xử lý đồ họa Sapphire Technology AMD. Ảnh: MSN

Hộc chứa 6 bộ xử lý đồ họa Sapphire Technology AMD. Ảnh: MSN

Luke Durant, nhà nghiên cứu nghiệp dư kiêm cựu nhân viên Nvidia phát hiện số nguyên tố lớn nhất từ trước tới nay. Số nguyên tố mới là 2136.279.841 – 1, đánh bại kỷ lục trước đó là 282.589.933 – 1 khi nhiều hơn 16 chữ số, theo Live Science. Số nguyên tố là những số tự nhiên chỉ chia hết cho 1 và chính nó. Những số nguyên tố nhỏ nhất là 2, 3, 5, 7 và 11. Về lý thuyết, tập hợp các số nguyên tố là vô tận, nhưng tìm ra chúng ngày càng khó hơn khi giá trị càng lớn.

Để tìm ra số nguyên tố mới, Luke Durant sử dụng một chương trình miễn phí mang tên Great Internet Mersenne Prime Search (GIMPS) để rà soát mọi khả năng bằng thuật toán. Nỗ lực của ông đòi hỏi sử dụng hàng nghìn bộ xử lý đồ họa (GPU) ở khắp 24 trung tâm dữ liệu tại 17 nước, một thành tựu “kết thúc 28 năm thống trị của máy tính cá nhân thông thường trong tìm kiếm số nguyên tố khổng lồ”, theo thông báo trên website của GIMPS.

Số nguyên tố mới được xác nhận chứa 41.024.320 chữ số. Đây cũng là số nguyên tố Mersenne thứ 52 được biết đến, dãy số nguyên tố đặt theo tên Marin Mersenne, một linh mục và nhà bác học người Pháp soạn công thức tìm số nguyên tố bằng cách biểu thị dưới dạng 2p – 1 với p là số nguyên dương. Dù không phải là cách duy nhất để phát hiện số nguyên tố, phương pháp này dễ hơn so với các phương pháp khác.

Theo đội ngũ phía sau GIMPS, có nhiều thuật toán mật mã học được phát triển dựa trên số nguyên tố. Phát hiện giúp Durant nhận được khoản tiền thưởng 3.000 USD từ GIMPS. Giải thưởng trị giá 150.000 – 250.000 USD sẽ được lần lượt trao cho người phát hiện số nguyên tố có hàng trăm triệu và hàng tỷ chữ số đầu tiên.

An Khang (Theo Live Science)

Bộ KH&CN: Chủ động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal gồm tiêu chuẩn về thực phẩm Halal, sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giết mổ động vật theo Halal như: tiêu chuẩn quốc gia về “tổ chức chứng nhận Halal”, tiêu chuẩn quốc gia “TCVN 14230:2024 dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo; các yêu cầu để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị tại Việt Nam…
Hội nghị do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức, thu hút sự tham gia (trực tiếp và trực tuyến) của khoảng 500 đại biểu trong và ngoài nước, gồm các ban, bộ, ngành và một số địa phương; các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước đã sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal; đại diện Hiệp hội và viện nghiên cứu, trường đại học liên quan; đại diện chức sắc Hồi giáo và tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam; cơ quan quản lý Halal một số nước; tổ chức quốc tế và khu vực; cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội; doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, kinh doanh liên quan đến Halal…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, các sản phẩm và dịch vụ Halal ngày càng trở nên phổ biến. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển. Có được sự phát triển đó là do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, chất lượng, xanh, sạch, có đạo đức trong chế biến và góp phần bảo vệ môi trường.
Điều này góp phần mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, khi chúng ta có lợi thế về nông nghiệp, công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam còn là quốc gia có nền tảng vững chắc về KH&CN để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm Halal chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal gồm các tiêu chuẩn về thực phẩm Halal, về sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giết mổ động vật theo Halal.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal.
Trong năm 2023, Bộ KH&CN đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về “tổ chức chứng nhận Halal”. Đồng thời, năm 2024, Bộ KH&CN đã chỉ đạo thành lập “Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia” và xây dựng tiêu chuẩn quốc gia “TCVN 14230:2024 Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo – Các yêu cầu để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị tại Việt Nam. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ tin tưởng, tiêu chuẩn quốc gia này sẽ góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình thông qua việc phục vụ dòng khách từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo, đóng góp vào chương trình phát triển ngành Halal của Việt Nam.
Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực chứng nhận Halal của Việt Nam, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quốc tế xây dựng một hệ sinh thái Halal bền vững, từ việc tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ nhằm đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.
Bộ KH&CN mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các nước bạn, các đối tác quốc tế, để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Halal, không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.
Trong khuôn Hội nghị, Bộ KH&CN đã giới thiệu Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT) và bộ tiêu chuẩn Halal Việt Nam.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự quan tâm của các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may… và là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Việt Nam cũng có quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia Hồi giáo lớn trên thế giới.
Ngoài ra, việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước, qua đó hình thành nên một cấu phần mới, quan trọng của nền kinh tế, đó là hệ sinh thái Halal.
Ông Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) cho biết, bằng cách áp dụng chứng nhận Halal, Việt Nam khẳng định mình là nguồn cung cấp sản phẩm Halal được chứng nhận đáng tin cậy, mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với hai phiên thảo luận chính gồm: Phát huy nội lực xây dựng ngành Halal Việt Nam – Tiềm năng và định hướng; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam – Cơ hội và triển vọng. Hội nghị tập trung vào các nội dung: Tiềm năng và triển vọng phát triển ngành Halal Việt Nam; Tiềm năng và định hướng phát triển ngành Halal của địa phương; Thuận lợi và khó khăn cần tháo gỡ của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường Halal toàn cầu…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Họp báo thường kỳ Quý III năm 2024

Giải pháp, đóng góp thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ; Điều chỉnh cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95 về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Những điểm mới trong dự án Luật KH&CN sửa đổi; Tiến độ triển khai và vận hành Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia…
Đó là những vấn đề được báo chí quan tâm đưa ra tại Họp báo thường kỳ Quý III/2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào chiều ngày 17/10/2024 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh.
Toàn cảnh Họp báo.
Tại buổi họp báo, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong Quý III năm 2024, Bộ KH&CN đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), cụ thể: Hoàn thiện và trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và các năm tiếp theo. Hiện nay, Bộ đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị này.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các luật chuyên ngành như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KH,CN&ĐMST; hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang báo cáo tại Họp báo.
Trình Chính phủ và Thủ tướng ban hành các văn bản: Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 09/7/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Quyết định số 709/QĐ-TTg ngày 24/7/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 1118/QĐ-TTg ngày 07/10/2024 về thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1054/QĐ-TTg ngày 29/9/2024 thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội.
Trong lĩnh vực quản lý, Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền: Thông tư số 05/2024/TT-BKHCN ngày 09/7/2024 về quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết của địa phương, sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia; Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Cũng trong Quý III, đã diễn ra các sự kiện quan trọng của ngành KH&CN như: Bộ KH&CN tháp tùng đoàn công tác của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước/tổ chức các đoàn công tác thăm và làm việc tại các quốc gia: Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Úc, Pháp, Đức, Hàn Quốc… nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ ô tô và chip bán dẫn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong y tế, nông nghiệp, biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam, bảo hộ sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng nhằm phục vụ thiết thực các mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội bền vững dựa trên KH,CN&ĐMST. Bộ KH&CN đã ký kết 02 Bản ghi nhớ cấp Bộ với đối tác nước ngoài về: hợp tác phát triển và trao đổi hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp Hàn Quốc; về Lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giữa Bộ KH&CN và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom. Hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp với các đối tác quốc tế triển khai các Bản ghi nhớ nêu trên.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Họp báo.
Trong Quý IV/2024: Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện các dự án luật chuyên ngành, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) và hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ và các văn bản pháp luật trong thẩm quyền của Bộ trưởng; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đến năm 2025 và 2030, cùng với các chương trình ứng dụng công nghệ tại địa phương; tổ chức các sự kiện lớn như Techfest Việt Nam 2024 tại Hải Phòng, Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ tại Quảng Bình, Lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia; Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 của ngành KH&CN.
Tại Họp báo, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã đặt câu hỏi về các vấn đề nổi bật: Giải pháp, đóng góp thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Điều chỉnh cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95 về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Những điểm mới trong dự án Luật KH&CN sửa đổi; Tiến độ triển khai và vận hành Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá, quốc gia… Đại diện các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ đã chia sẻ, cung cấp thông tin đến báo chí về những nội dung trên.
Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ cung cấp thông tin đến báo chí tại buổi Họp báo.
Phát biểu Kết luận tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cảm ơn các nhà báo trong thời gian qua đã luôn quan tâm, chia sẻ, đồng hành cùng hoạt động của ngành KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN đất nước, đưa kết quả nghiên cứu KH&CN ứng dụng vào đời sống. Nhận định rằng, báo chí đóng vai trò quan trọng đối với ngành KH&CN, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các nhà báo luôn quan tâm, hỗ trợ Bộ và ngành KH&CN thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, kịp thời thông tin những vấn đề hoạt động của ngành KH&CN mà dư luận xã hội quan tâm. Bộ KH&CN luôn sẵn sàng phối hợp với các nhà báo để cung cấp thông tin nhằm tạo sự ủng hộ và quan tâm của dư luận xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho KH&CN phát triển phục vụ kinh tế – xã hội.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Loại nhựa phân hủy trong nước biển nhanh hơn giấy

Các nhà khoa học dùng kỹ thuật “tạo bọt” để khiến nhựa CDA xốp hơn, phân hủy 65 – 70% trong môi trường nước biển chỉ sau khoảng 9 tháng.Mẫu ống hút thử nghiệm do Eastman chế tạo từ CDA dạng xốp để kiểm tra khả năng phân hủy sinh học. Ảnh: WHOI

Ống hút thử nghiệm do Eastman chế tạo từ CDA dạng xốp để kiểm tra khả năng phân hủy sinh học. Ảnh: WHOI

Nhiều năm qua, giới nghiên cứu đã tìm kiếm loại nhựa phân hủy sinh học nhanh nhất trong môi trường biển khi hàng triệu tấn nhựa đang trôi xuống đại dương mỗi năm. Giờ đây, nhóm nhà khoa học từ Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI) phát hiện CDA là loại nhựa phân hủy nhanh nhất trong nước biển, được phân loại là nhựa sinh học về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, họ còn đẩy nhanh tốc độ phân hủy của vật liệu này nhờ kỹ thuật biến đổi đơn giản gọi là “tạo bọt”, khiến nó xốp hơn, New Atlas hôm 18/10 đưa tin.

CDA, hay cellulose diacetate, làm từ cellulose – loại polymer tự nhiên có trong thành tế bào thực vật, đặc biệt là trong bông hoặc bột gỗ. CDA xuất hiện từ cuối những năm 1800 và được dùng trong rất nhiều vật dụng, từ đầu lọc thuốc lá (cách sử dụng phổ biến nhất) đến gọng kính râm, phim chụp ảnh và hàng triệu thứ khác trong cuộc sống hàng ngày.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia khiến CDA dạng xốp phân hủy nhanh hơn dạng rắn 15 lần, thậm chí nhanh hơn giấy. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí ACS Publications.

“Chúng tôi đã đưa kiến thức cơ bản vào việc thiết kế một vật liệu mới vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vừa phân hủy dưới biển nhanh hơn bất cứ vật liệu nhựa nào khác mà chúng tôi biết, thậm chí nhanh hơn giấy”, Collin Ward, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Trong thử nghiệm kéo dài 36 tuần, khi đặt trong các bể chứa nước biển chảy liên tục, mút xốp CDA đã mất 65 – 70% khối lượng gốc. Một loại nhựa thông thường khác hiện diện ở mọi đại dương trên thế giới, Styrofoam, không hề phân hủy với cùng khoảng thời gian.

Trong nghiên cứu mới, Ward cùng các nhà khoa học khác của WHOI đã hợp tác với công ty sản xuất nhựa sinh học Eastman, đơn vị cung cấp vật liệu, tài trợ và là đồng tác giả. Nghiên cứu được thực hiện với môi trường có kiểm soát trong phòng thí nghiệm. Nhóm tác giả đã kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ và nhiều yếu tố khác để mô phỏng các điều kiện của đại dương.

Nghiên cứu mới sẽ giúp các ngành công nghiệp giảm sử dụng nhựa truyền thống và hướng tới những lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường hơn. Thành công của CDA dạng xốp cho thấy vật liệu này có thể dùng trong nhiều sản phẩm, giúp giảm lượng rác thải nhựa khó phân hủy dưới biển. Hiện Eastman đã sản xuất loại khay có thể phân hủy sinh học và ủ thành phân hữu cơ từ CDA dạng xốp thay cho khay xốp thông thường dùng để đóng gói thịt – loại khay không phân hủy sinh học trong bất kỳ môi trường tự nhiên nào, dù trên đất liền hay dưới biển.

Thu Thảo (Theo New Atlas)

Việt Nam xây dựng cơ chế khuyến khích chuyển giao công nghệ mới nổi

Các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain… sẽ khuyến khích chuyển giao và doanh nghiệp được hưởng ưu đãi khi thực hiện.

Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ trả lời tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học và Công nghệ, chiều 17/10. Buổi họp báo do Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh chủ trì.

Theo ông Linh, các công nghệ ưu tiên, hạn chế và cấm chuyển giao đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tại dự thảo sửa đổi Nghị định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Việc khuyến khích chuyển giao công nghệ mới nổi, theo ông Linh nhằm phù hợp xu thế liên tục phát triển của khoa học công nghệ trong nhiều năm qua. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ mới được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu triển khai, sản xuất đưa ra thị trường.

Lãnh đạo Vụ Đánh giá, Thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng việc sửa đổi Nghị định 76 hướng đến tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên tinh thần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các trình tự, thủ tục của hoạt động chuyển giao công nghệ.Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại họp báo chiều 17/11. Ảnh: TTTT

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại họp báo chiều 17/10. Ảnh: TTTT

Với công nghệ hạn chế chuyển giao, ban soạn thảo đề xuất theo hướng giảm các công nghệ ứng dụng vì mục đích thân thiện môi trường nhưng hiệu suất thấp. Cụ thể, pin năng lượng mặt trời nhưng hiệu suất dưới 20% mặc dù ứng dụng cho các sản phẩm thân thiện môi trường nhưng sẽ hạn chế chuyển giao. Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 76, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cấm các công nghệ được cho là cũ, lạc hậu như 1G, 2G và các công nghệ bất hợp pháp như tạo mã độc, virus máy tính. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, sửa đổi bổ sung Nghị định 76 và sẽ sớm trình Chính phủ thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính với hoạt động khoa học và công nghệ. Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết cơ quan soạn thảo hướng tới tháo gỡ 3 – 4 nhóm chính sách về cơ chế tài chính. Dự thảo hướng đến tháo gỡ vướng mắc về sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho đầu tư hạ tầng mua sắm, hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức viện trường.Ông Nguyễn Nam Hải trả lời báo chí tại họp báo. Ảnh: TTTT

Ông Nguyễn Nam Hải trả lời báo chí tại họp báo. Ảnh: TTTT

Tại Nghị định 95 sửa đổi cũng điều chỉnh về việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp theo hướng mở rộng hơn, dựa trên nhu cầu của đơn vị đã trích lập quỹ. Việc sử dụng quỹ không chỉ cho hoạt động R&D mà còn phục vụ đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Điều này được cho sẽ gỡ khó cho việc quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp bị kết dư hàng nghìn tỷ đồng vì không có cơ chế sử dụng.

Về các tồn tại trong cơ chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học, theo ông Hải sẽ được tháo gỡ khi Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2013. Theo ông Hải, Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10 này. Tuy nhiên, sửa đổi Nghị định 95 phải đồng bộ với việc Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn về trình tự thủ tục về lập dự toán, quyết toán kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động mua sắm hiện trogn quá trình lấy ý kiến các Bộ ngành.Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ ưu tiên chuyển giao khi Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 76. Trong ảnh robot Trí Nhân do người Việt Nam nghiên cứu. Ảnh: Anh Phú

Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ ưu tiên chuyển giao khi dự thảo sửa đổi Nghị định 76 được thông qua. Trong ảnh robot Trí Nhân do người Việt Nam nghiên cứu. Ảnh: Anh Phú

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thông tin các hoạt động nổi bật trong quý III và những công việc trọng điểm triển khai trong quý IV. Theo đó Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện các dự án luật chuyên ngành, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) và hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2025 và 2030, cùng với các chương trình ứng dụng công nghệ tại địa phương cũng được ưu tiên triển khai trong quý IV.

Vĩnh Hà/VNEXPRESS

Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia vận hành từ tháng 10

Bộ Khoa học và Công nghệ vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa từ tháng 10, với sự tham gia của hơn 4.000 doanh nghiệp và một số địa phương.

Ông Nghiêm Thanh Hải, Phó Ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết thông tin trên tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học và Công nghệ chiều, 17/10. Cổng thông tin sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm trong nước và quốc tế; quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống. Cổng thông tin cũng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.Giao diện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Giao diện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Theo ông Hải, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia từ 1/10, đến nay một số địa phương mong muốn kết nối kỹ thuật vào hệ thống. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các địa phương đang phối hợp thực hiện việc kết nối này.

Hồi tháng 6, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 02 yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Khi xây dựng dữ liệu phải đảm bảo tối thiểu 10 thông tin như tên, hình ảnh sản phẩm, đơn vị, địa chỉ đơn vị sản xuất; các công đoạn, thời gian sản xuất, thời hạn sử dụng sản phẩm; mã truy xuất nguồn gốc; các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế… Các thông tin này được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Người tiêu dùng có thể tra cứu hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm.

Truy cập cổng thông tin tại đây

Vĩnh Hà/VNEXPRESS

Gỡ vướng cơ chế đảm bảo nguồn cung thuốc phóng xạ

Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đang xây dựng đề án hợp tác doanh nghiệp giúp khôi phục sản xuất thuốc phóng xạ, phục vụ nhu cầu cấp thiết bệnh nhân.

Thông tin được ông Phạm Quang Minh, Viện phó Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) nói tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học và Công nghệ, chiều 17/10. Theo ông Minh, đơn vị đang phối hợp với công ty cổ phần y học Rạng Đông – doanh nghiệp sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG dùng trong chụp PET-CT xây dựng đề án hợp tác mới, phù hợp quy định pháp luật để trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt về mặt chủ trương.

Trước đó, công ty Rạng Đông có trụ sở trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu Triển khai công nghệ bức xạ (Vinagama), thuộc Vinatom buộc phải dừng sản xuất do vướng mắc về thủ tục pháp lý. Điều này khiến nguồn cung dược chất phóng xạ tại nhiều bệnh viện tại TP HCM bị ảnh hưởng, khiến các máy PET/CT hoạt động cầm chừng, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân ung thư rất cao. Cơ quan y tế cho rằng đặc điểm của 18F-FDG là có tuổi thọ thấp, thời gian bán rã ngắn trong khoảng 110 phút, nên việc sử dụng phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất. Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác để sử dụng là không khả thi.Máy PET/CT tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Hà An

Máy PET/CT tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Hà An

Theo ông Minh, đề án hợp tác sản xuất dược chất phóng xạ cần thời gian vì đây là lĩnh vực kỹ thuật cao, cần được đánh giá yếu tố an toàn khi vận hành thiết bị sản xuất thuốc phóng xạ. Vinatom cam kết sớm trình Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua đề án hợp tác.

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết cơ quan nhà nước khi hợp tác doanh nghiệp phải căn cứ theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Ông Hải cam kết sẽ khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện đề án đúng quy định, tháo gỡ vướng mắc nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Có 2 loại thuốc phóng xạ gồm chu kỳ bán rã ngắn và dài ngày. Tại Việt Nam có Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (HIC) và một số bệnh viện sử dụng máy gia tốc chủ động sản xuất dược chất phóng xạ có thời gian bán rã ngắn, phục vụ chẩn đoán ung thư. Riêng Viện nghiên cứu hạt nhân chủ yếu sản xuất dược chất phóng xạ có thời gian bán rã dài.

Trước đó trao đổi với VnExpress, TS Phạm Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ, Viện nghiên cứu hạt nhân cho biết hiện Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sản xuất thuốc phóng xạ đang đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Tuy nhiên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có công suất thấp (500 kW) nên chưa cung cấp đủ nhu cầu trong nước. Ngoài ra, Việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc cũng gặp khó khăn do vướng các quy định của Bộ Y tế.

TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, trong vài năm trở lại đây nhu cầu bệnh nhân sử dụng thuốc phóng xạ trong điều trị và chẩn đoán ngày càng cao. Bệnh viện được trang bị máy gia tốc vòng Cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ F-18 FDG sử dụng trong ghi hình PET/CT chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý ung bướu và thần kinh. Thuốc phóng xạ F-18 FDG có thời gian bán rã 2 giờ, thời gian sử dụng 8 giờ, có thể cung cấp cho một số bệnh viện trong thành phố. Theo bác sĩ Cảnh, thiết bị đã 15 năm, công suất giảm, dẫn đến khó đáp ứng đủ cho nhu cầu ghi hình PET/CT cho các bệnh viện.

Vĩnh Hà/VNEXPRESS

Sinh viên làm thiết bị lưu trữ hydrogen

Nhóm sinh viên Đà Nẵng sử dụng vật liệu hydrua kim loại và kỹ thuật gia nhiệt xảy ra quá trình nạp – xả hydro, chế tạo thiết bị lưu trữ hơn 20g hydrogen dạng khí.

Nghiên cứu do Võ Dư Định, Lê Anh Vân, Lâm Đạo Nhơn, Nguyễn Hưng Tâm và Mai Đức Hưng, bộ môn Cơ khí ôtô, khoa Cơ khí, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng thực hiện từ tháng 10/2023. Sản phẩm hướng đến kỹ thuật lưu trữ năng lượng hydrogen dạng rắn, ứng dụng trong các hệ thống quản lý năng lượng và phương tiện giao thông xanh.

Sản phẩm được thiết kế có hai phần chính: bình chứa hydrogen cùng các bộ phận phụ trợ và hệ thống điều khiển thông minh. Nguyên lý hoạt động của bình chứa dựa trên phản ứng giữa kim loại magie có trong bình chứa và hydrogen để tạo ra hợp chất Magie Hydrua (MgH₂). Khi gia nhiệt ở 250-350°C, sẽ xảy ra quá trình nạp hydrogen trong điều kiện áp suất trên 1 bar. Ngược lại, quá trình giải phóng hydrogen xảy ra khi áp suất dưới 1 bar.

Với hệ thống thông minh bao gồm vi điều khiển và các cảm biến đóng vai trò giám sát, điều khiển nhiệt độ, áp suất. Điều này đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả và an toàn trong quá trình chuyển pha của hợp chất lưu trữ hydrogen.Các thành viên nhóm bên sản phẩm thiết bị lưu trữ hydrogen tại một triển lãm sáng tạo sinh viên Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: NVCC

Các thành viên nhóm bên sản phẩm thiết bị lưu trữ hydrogen tại Triển lãm sáng tạo sinh viên Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: NVCC

Theo trưởng nhóm Võ Dư Định, hiện có ba công nghệ lưu trữ hydrogen dưới dạng khí nén, khí hóa lỏng và rắn. Ở dạng khí nén, hydro được lưu trữ trong các bình áp suất cao, từ 350 đến 700 bar (5.000-10.000 psi). Ở dạng lỏng hydrogen được làm lạnh xuống -253°C để chuyển sang trạng thái lỏng, sau đó lưu trữ trong các bồn chứa cách nhiệt. Với dạng rắn, hydrogen được lưu trữ trong các hợp chất hydrua kim loại hoặc các vật liệu hấp thụ khác như khung hữu cơ kim loại (MOFs), carbon nanotubes…

Theo Định, mỗi phương pháp lưu trữ có ưu, nhược điểm khác nhau. Do vậy, lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào mục đích sử dụng như dùng để vận chuyển, lưu trữ tĩnh hay ứng dụng di động… trong đó có tính tới yếu tố chi phí, hiệu suất, an toàn.

Nhóm đánh giá, thách thức trong lưu trữ hydrogen đòi hỏi những công nghệ phức tạp, chi phí cao để đảm bảo an toàn và hiệu suất. Do thiếu hạ tầng hỗ trợ và hiệu quả kinh tế chưa cao nên đây là rào cản lớn trong ứng dụng rộng rãi hydro như một nguồn năng lượng sạch.

Trong nghiên cứu của nhóm, các thành viên muốn chế tạo thiết bị lưu trữ hydrogen dưới dạng rắn do công nghệ này an toàn, ít xảy ra cháy nổ. Công nghệ này cho phép lưu trữ dễ dàng hơn do không yêu cầu áp suất quá cao hoặc nhiệt độ cực thấp như với lưu trữ khí hoặc khí hóa lỏng.

Tính toán trên lý thuyết, sản phẩm của nhóm có thể lưu trữ vật liệu, sau phản ứng cho đầu ra tối đa 20,74g hydrogen dạng khí. Theo Định, đây là con số ước tính do cơ sở vật chất của nghiên cứu còn hạn chế, thiếu một số thiết bị dụng cụ chuyên dụng nên hiện chưa xác định cụ thể khối lượng thực tế.

Nhóm thiết kế bình chứa chuyên dụng theo quy chuẩn và tiêu chuẩn của Việt Nam về bình chịu áp lực. Khi gặp các sự cố ngoài mong muốn trong lúc thiết bị đang hoạt động, hệ thống gia nhiệt gián tiếp ngắt toàn bộ nguồn nhiệt đưa về trạng thái bình thường để đảm bảo an toàn.Thiết bị lưu trữ hydrogen do nhóm nghiên cứu. Ảnh: NVCC

Thiết bị lưu trữ hydrogen do nhóm nghiên cứu. Ảnh: NVCC

TS Bùi Văn Hùng, Giảng viên khoa Cơ khí, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng đánh giá, nghiên cứu của nhóm mới ở giai đoạn tìm ra vật liệu lưu trữ phù hợp có khả năng hấp thụ và giải phóng hydrogen. Nhóm cũng xây dựng mô hình mô phỏng khả năng và điều kiện lưu trữ nhiên liệu này.

Ông đánh giá, khối lượng hydrogen trong sản phẩm của nhóm ước tính khoảng 20g, tương đương khoảng 0.66 kWh, là khá thấp. Mức năng lượng này phù hợp cho các thiết bị nhỏ hoặc thí nghiệm, nhưng không đủ để vận hành các phương tiện như ôtô hay thiết bị công nghiệp trong thời gian dài.

Để tăng khối lượng hydrogen lưu trữ, TS Hùng gợi ý nhóm nên tìm các hợp kim hoặc vật liệu có khả năng hấp thụ hydrogen nhiều hơn mà không tăng quá nhiều khối lượng vật liệu. Tuy nhiên, một số vật liệu có mật độ lưu trữ hydrogen cao đòi hỏi điều kiện và môi trường để quá trình chuyển pha giữa nạp và xả khó xảy ra hơn. Ông cho rằng, dựa trên nghiên cứu này, nhóm cần tiến hành thử nghiệm thêm những vật liệu khó chuyển pha trong thời gian tới.

Hà An

Nguyên tố có độ phóng xạ cao trong vỏ Trái Đất chưa từng thu được

Lượng francium tồn tại trong vỏ Trái Đất chưa đến 28 g ở bất kỳ thời điểm nào và chưa ai từng thu được số lượng có thể cân đong được, theo IFL Science.Francium có số nguyên tử là 87 trên bảng tuần hoàn. Ảnh: Intothelight Photography

Francium có số nguyên tử là 87 trên bảng tuần hoàn. Ảnh: Intothelight Photography

Nằm ở cuối bảng tuần hoàn và là nguyên tố có độ phóng xạ mạnh nhất trong bảng tuần hoàn, francium cực độc hại đối với bất cứ ai đến gần nó. Độ phóng xạ của nó lên tới 45.000 curi/mg.

Trên thực tế, giới nghiên cứu chưa bao giờ có thể quan sát francium. Không có ứng dụng nào đã biết và dường như không thực hiện bất kỳ chức năng sinh học nào. Nó hiếm hoi và tồn tại chóng vánh đến mức giới khoa học muốn nghiên cứu nguyên tố phải tự tạo francium bằng cách để neutron va chạm với radium hoặc để proton va chạm với thorium.

Trong nhiều năm, sự tồn tại của francium chỉ nằm ở lý thuyết. Chính Dmitri Mendeleev, cha đẻ của bảng tuần hoàn hóa học, là người đầu tiên nêu giả thuyết có một kim loại kiềm chưa phát hiện ẩn trong vũ trụ với số nguyên tử là 87. Điều này dấy lên một cuộc chạy đua nhằm phát hiện nguyên tố bí ẩn. Nhiều nhà khoa học xuất chúng khẳng định đã tìm thấy nó, nhưng kết quả của họ bị bác bỏ sau đó.

Đồng vị duy nhất tồn tại trong tự nhiên của francium là francium-223 hình thành trong quá trình phân rã phóng xạ của actinium. Năm 1939, nó được phát hiện lần đầu tiên bởi một nhà vật lý người Pháp Marguerite Perey làm việc với actinium ở Viện Radium tại Paris, người từng làm trợ lý cá nhân cho Marie Curie. Nguyên tố 87 sau đó được đổi tên thành “francium” theo quê hương của Perey.

Những quan sát sau khi phát hiện hé lộ francium-223 có chu kỳ bán rã chỉ 22 phút. Trong khi đó, uranium-235, một đồng vị phóng xạ dùng làm nhiên liệu cho nhà máy điện nguyên tử, có chu kỳ bán rã khoảng 700 triệu năm.

An Khang (Theo IFL Science)

TP HCM dành nguồn lực cho ươm tạo startup

Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP HCM đi vào vận hành, dành phần lớn không gian và các chính sách thu hút cộng đồng cùng tham gia ươm tạo doanh nghiệp theo lĩnh vực ưu tiên.

Thông tin được Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng nói tại hội nghị giới thiệu Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo (Startup and Innovation Hub – Sihub) và chính sách thu hút các đối tác tham gia, sáng 11/10.

Theo quyết định được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ký hôm 30/9, Sihub được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Trụ sở mới của Sihub đặt tại 123 Trương Định, quận 3 với khối tòa nhà cao 8 tầng, 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn hơn 17.000 m2. Sihub có chức năng tập hợp, kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP HCM, trong nước và quốc tế, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi của thành phố. Dự kiến, Sihub sẽ vận hành trong năm nay.Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng chia sẻ cơ chế hoạt động của Sihub sáng 11/10. Ảnh: Hà An

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng chia sẻ cơ chế hoạt động của Sihub sáng 11/10. Ảnh: Hà An

Theo ông Dũng, trụ sở mới của Sihub sẽ dành phần lớn không gian thu hút đối tác tư nhân tham gia. Cụ thể, tòa nhà sẽ dành khoảng 5.000 m2 diện tích từ tầng 4 đến tầng 8 thu hút khoảng 5 cơ sở ươm tạo. Số lượng vườn ươm có thể thay đổi theo yêu cầu diện tích sử dụng của mỗi đơn vị. Phần còn lại từ tầng 1 đến tầng 3 là không gian hỗ trợ chung của nhà nước và các khu vực triển lãm, hội nghị kết nối…

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, hầu hết diện tích tại Sihub sẽ dành cho hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp. Vườn ươm là nơi TP HCM triển khai các chính sách của Nghị quyết 20 hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp ở ba mức 40 triệu, 80 triệu và 400 triệu đồng. Kinh phí hỗ trợ được chi thông qua vườn ươm nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp trả tiền lương và sử dụng các dịch vụ khác phục vụ cho hoạt động.

Theo ông Dũng, không gian mở tại Sihub giúp cộng đồng tiếp cận gần hơn với các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cộng đồng khởi nghiệp cũng có thể trở thành đối tác của cơ quan quản lý trong hoạt động ươm tạo doanh nghiệp và các hoạt động khác như tập huấn nâng cao năng lực, sở hữu trí tuệ, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường, gọi vốn đầu tư… “Với các chính sách hỗ trợ không hoàn lại, vườn ươm sẽ có nguồn lực ươm tạo nhiều dự án khởi nghiệp hơn, giúp tăng xác suất thành công”, ông Dũng nói.

Về tiêu chí để các đơn vị tham gia hoạt động ươm tạo tại Sihub, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết sẽ có các chỉ số đo lường cụ thể. Vườn ươm khi hoạt động phải thu hút được các startup có chất lượng vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, phát triển bền vững… Các dự án khởi nghiệp phải có lượng vốn đầu tư mạo hiểm, tạo ra việc làm, đóng góp vào nền kinh tế của thành phố.

Bà Phan Thị Quý Trúc, Phó phòng Sở hữu Trí tuệ và Đổi mới Sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho biết tại Sihub ngoài không gian làm việc còn có các khu vực quầy cà phê, căng tin, khu tổ chức sự kiện kết nối ngoài trời, khu thư giãn… nhằm tạo nhiều điều kiện tốt nhất cho hoạt động kết nối. Sihub được coi là nơi tập hợp, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như vườn ươm, các tập đoàn lớn, quỹ đầu tư, trường đại học, chuyên gia…

Ngoài ra Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM sắp vận hành hạ tầng trực tuyến với tên gọi H.O.I.P nhằm tập hợp và chia sẻ nguồn lực từ cộng đồng đổi mới sáng tạo trên nền tảng số.Tòa nhà Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP HCM sắp đi vào hoạt động. Ảnh: Hà An

Tòa nhà Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP HCM sắp đi vào hoạt động. Ảnh: Hà An

Ông Trần Duy Hào, Nhà sáng lập dự án StarGlobal 3D đánh giá, mô hình của Sihub với không gian và các nguồn lực hỗ trợ sẽ tạo cảm hứng làm việc, kết nối tốt hơn cho các dự án khơi nghiệp. Ông cũng đề xuất xây dựng bộ tiêu chí tuyển chọn cụ thể, với các chỉ số đo lường hiệu quả ươm tạo rõ ràng. Vườn ươm cần đảm bảo số lượng các doanh nghiệp ươm tạo, sản phẩm khởi nghiệp gọi được vốn, được bảo hộ sở hữu trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. “Với các tiêu chí minh bạch, ưu tiên người thực làm tạo động lực cho các vườn ươm tham gia để nhận được các chính sách ưu đãi”, ông Hào nói.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Mobifone TP HCM nói hiện đơn vị có các thế mạnh hạ tầng kết nối như công nghệ 5G, IoT, NB IoT, trí tuệ nhân tạo. Ông cho biết, các hạ tầng kết nối này luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo tại Sihub khi được tham gia.

Hà An