Hội thảo “Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”

Hội thảo “Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”
Ngày 25/6/2018 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Đây là một sự kiện trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết 30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
 
Toàn cảnh Hội thảo.
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương là đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện của các cơ quan: Ban kinh tế Trung ương; Ủy ban khoa học và công nghệ của Quốc hội; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; các Bộ, ngành có liên quan;  Đại diện UBND, Cơ quan đăng ký đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ của một số địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai; các Hiệp hội trong và ngoài nước và một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.
 
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thế Phương đã nêu lên tầm quan trọng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và đánh giá khu vực này đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế đất nước, là khu vực phát triển năng động, ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời ông Nguyễn Thế Phương cũng khẳng định chuyển giao công nghệ được coi như một tất yếu khách quan đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là nước đi lên từ một nền nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam. Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam được coi là có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Qua 30 năm đổi mới và phát triển, chuyển giao công nghệ qua đầu tư trực tiếp nước ngoài mặc dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã đóng vai trò quan trọng đối với việc đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ quốc gia, không chỉ trong giai đoạn vừa qua mà còn vào thời điểm hiện nay và trong giai đoạn 2020-2025.
 
Hội thảo tập trung vào 3 nội dung quan trọng, đó là: (i) thực trạng thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN; (ii) Kinh nghiệm quốc tế về thu hút và chuyển giao công nghệ – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; (iii) Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút chuyển giao công nghệ qua kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài.
 
Các đại biểu tham luận là đại diện của cơ quan liên quan đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, khối doanh nghiệp ĐTNN và doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài những kết quả đạt được trong thu hút chuyển giao công nghệ qua ĐTNN, các tham luận cũng như ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung vào những hạn chế, bất cập trong chuyển giao công nghệ qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam như tác động lan tỏa công nghệ từ khu vực ĐTNN sang khu vực doanh nghiệp trong nước, tác động liên kết giữa doanh nghiệp ĐTNN và doanh nghiệp trong nước, cách thức học hỏi để xây dựng năng lực công nghệ của doanh nghiệp, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, đại diện của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã nêu một số kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Về phía doanh nghiệp, đại diện của Công ty TOYOTA Việt Nam, Tập đoàn GOLDSUN và Công ty HONDA Việt Nam cũng đã tham luận, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
 
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam đối với phát triển đất nước trong 30 năm qua và Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến đóng góp của chuyển giao công nghệ qua kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài đến hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, góp phần nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của một số ngành, lĩnh vực trong thời gian qua. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng đã thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ tâm huyết của các đại biểu và hai cơ quan xin tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu những ý kiến đánh giá, góp ý để phục vụ cho báo cáo tổng kết hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 30 năm qua./.
 
 
 
Nguồn: Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ

Các nhà khoa học Slovakia có thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu

 
Chia sẻ  Dân trí Trong khi Ủy ban châu Âu đệ trình kế hoạch cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần thì việc các nhà khoa học Slovakia phát minh một loại nhựa mới không gây hại cho môi trường có thể được dùng để làm bao bì thực phẩm và dược phẩm trở nên vô cùng cấp thiết.
 
Trao đổi với đài Sputnik, giáo sư Pavel Alexi từ Khoa công nghệ hóa học và thực phẩm của Đại học Kỹ thuật Slovakia cho biết: “Kết quả nghiên cứu đã được công bố trước đây là loại polymer thế hệ đầu tiên, còn loại polymer mới này được gọi là nonoilen. Tên gọi của nó cho thấy rằng, trong quá trình sản xuất chúng tôi không sử dụng dầu — non oil.
 
Thế hệ mới này được tạo ra từ những nguồn tái tạo, có nghĩa là, không có chất tổng hợp được sản xuất từ ​​dầu, khí hoặc than. Thế hệ đầu tiên cũng phân hủy, nhưng, chỉ sau khi bổ sung phân hữu cơ, có nghĩa là cần phải tạo ra những điều kiện nhất định — ví dụ như nhiệt độ cao hơn, và điều kiện quan trọng nhất, để xử lý loại nhựa thế hệ thứ nhất phải có ủ compost để phân hủy triệt để.
 
Với loại nhựa mới, mà gần đây chúng tôi đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, tình hình là khác: chúng tôi đã đưa một thành phần mới vào công thức, nhờ đó đã đơn giản hoá điều kiện phân hủy: vẫn có nhu cầu về ủ compost, nhưng, không nên có nhiệt độ cao hơn. Ngoài ra polyme mới của chúng tôi phân hủy trong nước bình thường”.
 
Cũng theo giáo sư Pavel Alexi, rác thải nhựa gây ra hai vấn đề lớn. Trước hết, nó không phân hủy, vì vậy nó ngăn cản động vật sử dụng môi trường, điều này dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Một vấn đề khác là nếu chúng ta muốn tiêu hủy rác thải nhựa mà không chỉ lưu trữ nó ở đâu đó, thì chúng ta vấp phải vấn đề: những sản phẩm phân hủy của hóa chất trong môi trường là rất độc hại và gây ra sự nóng lên toàn cầu.
 
“Loại nhựa của chúng tôi không có các vấn đề nói trên, vì nó không chứa dầu và được tạo ra trên cơ sở các nguồn tái tạo”, giáo sư Pavel Alexi thông tin.
 
M.P (Theo Sputnik)

Tăng 47% sản lượng cây trồng bằng cách đẩy mạnh quá trình quang hô hấp

 
Chia sẻ  Dân trí Theo một nghiên cứu mới đứng đầu là các nhà khoa học tại trường Đại học Essex được công bố trên tạp chí Plant Biotechnology, việc kích thích sản sinh protein tự nhiên phổ biến trong lá cây có thể làm tăng khoảng 50% sản lượng của các cây lương thực chủ lực.
 
Các loại cây như đậu tương và lúa mì mất từ 20% – 50% năng lượng để tái chế các hóa chất độc hại sản sinh khi Rubisco, loại enzym phổ biến nhất trên thế giới, khai thác các phân tử oxy thay cho phân tử CO2. Theo một nghiên cứu mới đứng đầu là các nhà khoa học tại trường Đại học Essex được công bố trên tạp chí Plant Biotechnology, việc kích thích sản sinh protein tự nhiên phổ biến trong lá cây có thể làm tăng khoảng 50% sản lượng của các cây lương thực chủ lực.
 
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thiết kế một mô hình cây trồng biểu hiện quá mức lượng protein tự nhiên có liên quan đến quá trình tái chế được gọi là quang hô hấp (photorespiration). Qua hai năm thử nghiệm thực địa, kết quả cho thấy tăng lượng H-protein trong lá cây đã làm tăng sản lượng cây trồng từ 27%-47%. Tuy nhiên, sự gia tăng của H-protein lại làm chậm quá trình sinh trưởng và trao đổi chất của cây trồng, dẫn đến cây trồng 4 tuần tuổi chỉ phát triển bằng một nửa kích thước của cây trồng cùng loại nhưng không bị biến đổi.
 
Patricia Lopez-Calcagno, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Các nhà khoa học thực vật thường sử dụng các chất kích thích khiến cho protein biểu hiện ở mức cao trong toàn bộ cây trồng. Nhưng với H-protein, chúng tôi đã chứng minh được rằng không phải lúc nào cũng áp dụng phương pháp này cho những cây trồng khác, nên cần điều chỉnh những thay đổi protein phù hợp trong các mô cụ thể".
 
Các nghiên cứu trước đây đã làm tăng hàm lượng H-protein trong cây Arabidopsis, loại cây mô hình nhỏ được sử dụng trong các thí nghiệm tại lab. Đây là lần đầu tiên H-protein được đánh giá ở cây trồng trong các điều kiện phát triển thực tế. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng cây thuốc lá, thường được sử dụng cho thí nghiệm về sinh học thực vật vì nó rất dễ dàng được biến đổi gen và có thể nhanh chóng được trồng và thử nghiệm ở ngoài trời. Khi biến đổi di truyền này được chứng minh có hiệu quả ở cây thuốc lá, thì phương pháp tương tự sẽ được áp dụng cho cây lương thực cần thiết để nuôi sống dân số đang gia tăng.
 
Paul South, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Thực tế là khi nhiệt độ theo mùa tiếp tục tăng, sản lượng cây trồng chịu ảnh hưởng của quang hô hấp cũng sẽ tăng lên. Nếu chúng ta có thể đưa phát hiện này sang áp dụng cho các cây lương thực, chúng ta có thể cung cấp cho người nông dân những cây trồng khỏe mạnh cho sản lượng lương thực cao cho dù nhiệt độ tăng".
 
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu dự kiến tăng mức protein tự nhiên này trong cây đậu tương, đậu đen và cây sắn, loại cây trồng nhiệt đới nuôi sống hơn 1 tỷ người trên khắp thế giới. Mục tiêu của nghiên cứu là tăng sản lượng và cơ hội cho nông dân trên toàn thế giới, đặc biệt là nông dân sản xuất trên quy mô nhỏ ở châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á.
 
N.T.T-NASATI (Theo Science Daily)

Diễn đàn “Blockchain – Xu hướng và Tầm nhìn phát triển”

 
Ngày 14/6/2018 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức diễn đàn “Blockchain – Xu hướng và Tầm nhìn phát triển” với mong muốn góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về công nghệ blockchain để đưa ra những phản ứng chính sách phù hợp và kịp thời, góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển và ứng dụng tiềm năng công nghệ blockchain một cách lành mạnh để phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với sự phát triển của nền khoa học và công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn biến rất nhanh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Nền công nghiệp 4.0 là xu thế công nghệ tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến để theo kịp các nước phát triển.
 
Trong số các công nghệ tiên phong của cuộc CMCN 4.0, công nghệ Blockchain là một trong những công nghệ đột phá, được dự đoán sẽ là công nghệ sâu, bùng nổ và dẫn dắt cuộc CMCN này từ nay cho đến năm 2025. Các chính phủ trên thế giới cũng đang nhìn nhận nghiêm túc và xây dựng các chính sách phù hợp đối với sự phát triển của công nghệ blockchain.
 
 
 
Diễn đàn “Blockchain – Xu hướng và Tầm nhìn phát triển”
Với vai trò là cơ quan chủ quản đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức Diễn đàn “Blockchain – Xu hướng và tầm nhìn phát triển” để có những thảo luận nghiêm túc về tiềm năng và xu thế phát triển của blockchain thông qua chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, ý kiến nhận định của đại diện cơ quan chính phủ và nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường công nghệ mới mẻ này. Đây là diễn đàn đầu tiên tại Việt Nam có sự tham luận của đại diện các cơ quan Chính phủ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước), đại diện Chính phủ một số quốc gia đã có các bước chuẩn bị và triển khai thành công công nghệ blockchain trong các ngành kinh tế, các nhà sáng lập các công ty tư vấn/ứng dụng công nghệ blockchain quốc tế và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có mong muốn tham gia vào lĩnh vực công nghệ blockchain.
 
Được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ; cùng với khách mời là đại diện Lãnh đạo 14 Bộ, ban ngành có liên quan; đại diện Lãnh đạo hơn 20 tập đoàn công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu; hơn 150 doanh nghiệp công nghệ; và công chúng quan tâm, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn diễn đàn có thể góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về công nghệ blockchain để đưa ra những phản ứng chính sách phù hợp và kịp thời, góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển và ứng dụng tiềm năng công nghệ blockchain một cách lành mạnh để phát triển kinh tế – xã hội.
 
Thông tin chi tiết:
 
– Cơ quan chỉ đạo: Bộ Khoa học và Công nghệ
 
– Đơn vị tổ chức: Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia và Báo điện tử VnExpress
 
– Thời gian: Thứ Năm ngày 14/06/2018.
 
– Địa điểm: Khách sạn JW Marriott, số 8 Đỗ Đức Dục, Hà Nội.
 
– Người liên hệ: ông Nguyễn Tuấn Anh, Chuyên viên Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Điện thoại: 024.35551726 (máy lẻ 203), Email: tuananh@most.gov.vn.
 
Để biết thêm thông tin, quý vị có thể truy cập vào landing page của Diễn đàn theo đường link sau: https://blockchain.vnexpress.net/
 
 
Nguồn: Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia

Bộ KH&CN hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5

 
Các đại biểu ký tên hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5
 
Ngày 25/5/2018, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ Mít tinh với chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch” nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 – 31/5. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ.
Tham dự buổi Lễ có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ; thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ; đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế; khách mời là diễn giả thuộc Bệnh viện Bạch Mai;… 
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết, thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh nghiêm trọng liên quan tới phổi, tim mạch, đột quỵ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong liên quan đến các bệnh sử dụng thuốc lá. 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu khai mạc buổi Lễ
 
“Bộ KH&CN luôn ủng hộ và thúc đẩy những hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, không sử dụng thuốc lá ngay tại Bộ nói riêng và phong trào cả nước nói chung. Nhân sự kiện này, Bộ KH&CN muốn chia sẻ tới cán bộ công chức, viên chức và người lao động tại Bộ những thông tin liên quan đến tác hại của thuốc lá nói chung và những tác hại trực tiếp đến bệnh tim mạch, qua đó giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá cũng như tác hại của thuốc lá", Thứ trưởng nhấn mạnh. 
 
Thứ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Bộ giao Đoàn Thanh niên Bộ tổ chức cuộc thi về phòng chống tác hại của thuốc lá để công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Bộ KH&CN tiếp tục đạt được những kết quả tốt hơn. 
 
 
Tại buổi Lễ, các đại biểu đã được nghe tham luận của ThS.BS. Phạm Thị Lệ Quyên, Bệnh viện Bạch Mai về tác hại của thuốc lá và tư vấn cai nghiện thuốc lá; tham luận của đại diện Đoàn Thanh niên Bộ về Đoàn viên, thanh niên Bộ KH&CN với công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. 
 
Tin, ảnh: Quỳnh Chi

Nâng cao sản phẩm dịch vụ cùng công nghệ 4.0

 
Các đại biểu tại Hội nghị Gặp gỡ Châu Âu 2018
 
“Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng với sự hợp tác hiệu quả của các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác Châu Âu đang tạo nên diện mạo mới, năng động mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, nâng tầm trình độ phát triển quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam và Châu Âu không chỉ chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế mà còn hợp tác văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, giao lưu nhân dân… ” Là những chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Gặp gỡ Châu Âu 2018 (Meet Europe 2018 ) vừa diễn ra sáng ngày 25/5 tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; đại diện lãnh đạo cơ quan ban ngành Trung ương; hơn 500 người tham dự, bao gồm đại diện các doanh nghiệp lớn, các phái đoàn Ngoại giao,…
 
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Châu Âu và Việt Nam cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa Việt Nam và Châu Âu.  
  
Theo Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Siemens Việt Nam – Ông Thai-Lai Pham, Việt Nam cần cải cách quy trình sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Trong đó, việc tái tạo năng lượng là thiết yếu. Việt Nam sẽ có được những lợi ích không nhỏ khi mở cửa thị trường và tiến hành áp dụng những tiêu chuẩn chất lượng cao về sản phẩm và dịch vụ công nghệ. Và bảy tỏ sẵn lòng giới thiệu những công nghệ của Siemens Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
 
Meet Europe 2018 đã thu hút hơn 200 đại diện doanh nghiệp – hầu hết là các doanh nghiệp Châu Âu – Việt Nam. Một vài trong số đó được mời làm đại diện phát biểu và chia sẻ những câu chuyện và dự án thành công của họ cũng như những kế hoạch phát triển tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Những trường hợp tiêu biểu được trình bày thuộc một vài nhóm ngành như: Ô tô, Năng lượng tái tạo, Nông nghiệp, Cơ sở hạ tầng và Công nghiệp 4.0,… Hội nghị là một ví dụ điển hình cho sự trao đổi và đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp Châu Âu. Đồng thời tạo cơ hội trao đổi độc đáo và đem lại những lợi ích có tầm ảnh hưởng lớn tới người dân ở cả hai châu lục.  
 
Tin, ảnh: Hoàng Phiêu

Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

 
Các đại biểu tại Hội nghị Gặp gỡ Châu Âu 2018
 
“Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng với sự hợp tác hiệu quả của các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác Châu Âu đang tạo nên diện mạo mới, năng động mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, nâng tầm trình độ phát triển quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam và Châu Âu không chỉ chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế mà còn hợp tác văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, giao lưu nhân dân… ” Là những chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Gặp gỡ Châu Âu 2018 (Meet Europe 2018 ) vừa diễn ra sáng ngày 25/5 tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; đại diện lãnh đạo cơ quan ban ngành Trung ương; hơn 500 người tham dự, bao gồm đại diện các doanh nghiệp lớn, các phái đoàn Ngoại giao,…
 
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Châu Âu và Việt Nam cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa Việt Nam và Châu Âu.  
  
Theo Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Siemens Việt Nam – Ông Thai-Lai Pham, Việt Nam cần cải cách quy trình sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Trong đó, việc tái tạo năng lượng là thiết yếu. Việt Nam sẽ có được những lợi ích không nhỏ khi mở cửa thị trường và tiến hành áp dụng những tiêu chuẩn chất lượng cao về sản phẩm và dịch vụ công nghệ. Và bảy tỏ sẵn lòng giới thiệu những công nghệ của Siemens Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
 
Meet Europe 2018 đã thu hút hơn 200 đại diện doanh nghiệp – hầu hết là các doanh nghiệp Châu Âu – Việt Nam. Một vài trong số đó được mời làm đại diện phát biểu và chia sẻ những câu chuyện và dự án thành công của họ cũng như những kế hoạch phát triển tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Những trường hợp tiêu biểu được trình bày thuộc một vài nhóm ngành như: Ô tô, Năng lượng tái tạo, Nông nghiệp, Cơ sở hạ tầng và Công nghiệp 4.0,… Hội nghị là một ví dụ điển hình cho sự trao đổi và đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp Châu Âu. Đồng thời tạo cơ hội trao đổi độc đáo và đem lại những lợi ích có tầm ảnh hưởng lớn tới người dân ở cả hai châu lục.  
 
Tin, ảnh: Hoàng Phiêu

Khai mạc Diễn đàn công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018

 
Sáng nay 25/5/2018, tại thành phố Cần Thơ đã chính thức diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018 do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, Trường đại học Cửu Long và Hiệp hội thông tin công nghiệp Châu Á – AIPA tổ chức.
 
 
Lễ cắt băng khai mạc Diễn đàn.
 
Tham dự Diễn đàn có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, đại diện các cơ quan hữu quan thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Lãnh đạo và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các viện nghiên cứu, trường đại học…
 
Diễn đàn công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018 lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các chương trình kết nối cung – cầu công nghệ năm 2018. Diễn đàn là nơi giới thiệu các giải pháp công nghệ thông minh dựa trên nền tảng internet vạn vật (IoT), phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và tự động hóa, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi Lễ.
 
 
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, thời gian vừa qua, nhờ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp đã tạo ra nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao và các quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với đặc điểm của vùng, từng bước phát triển những sản phẩm chủ lực có lợi thế, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế lớn góp phần phát triển bền vững nền kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành phố nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng phát biểu tại buổi Lễ.
 
 
Nhấn mạnh về kết quả này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước với 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây, đóng góp 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu.
 
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, việc phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì lợi ích chung của đất nước là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của trung ương và các địa phương. Đó là các chương trình lớn như Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình năng suất chất lượng, Chương trình trọng điểm… đã giúp các địa phương, doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh; thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa sản xuất trong Vùng.
 
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu về ứng dụng KH&CN nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà quản lý, vai trò của KH&CN với phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế, KH&CN chưa thực sự được coi là động lực then chốt. Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.
 
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng cần phải thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông minh, các giải pháp công nghệ tự động, công nghệ trên nền tảng IoT, qua đó từng bước góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh hàng hóa Vùng, tiến tới làm thay đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.
 
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cũng cho rằng cần chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, quy mô lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ, để làm sao biến Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là nơi tiếp thu, ứng dụng thành tựu KH&CN của thế giới mà còn là nơi phát minh, sáng tạo ra nhiều mô hình mới đặc sắc trong nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
“Trong đó, nổi bật vai trò của việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, nhất là từ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Đào Anh Dũng nhấn mạnh.
 
 
Màn trình diễn máy bay không người lái (UAV) phun thuốc bảo vệ thực vật do Công ty Cổ phần Đại Thành thực hiện diễn ra tại Lễ khai mạc Diễn đàn.
 
 
Tại Diễn đàn công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018 sẽ bao gồm các hoạt động nổi bật như: Triển lãm giới thiệu công nghệ với sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế và Việt Nam; Hội thảo giới thiệu các công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp sẵn sàng chuyển giao, ứng dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Điểm nổi bật là tại Diễn đàn công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản, các đại biểu sữ cùng trao đổi, thảo luận về xu hướng công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp và tự động hóa, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. 
 
Diễn đàn là cơ hội tốt nhằm tăng cường hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, mở rộng quan hệ hợp tác, làm cầu nối giữa doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với công đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Qua đó thực hiện mục tiêu thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KH&CN, nhất là công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Đổi mới công nghệ hướng đến sự nhàn hạ trong sản xuất nông nghiệp

 
Trong khuôn khổ Diễn đàn công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018 đang diễn ra tại thành phố Cần Thơ, sáng nay 25/5/2018 đã diễn ra Hội thảo “Thay đổi công nghệ, đổi mới tư duy hướng đến sự nhàn hạ trong sản xuất nông nghiệp”.
 
 
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo.
 
 
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, các sở ban ngành các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã chia sẻ về sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tự động – tích hợp, công nghệ thông tin, công nghệ thông minh. Những công nghệ này đã, đang và sẽ giúp giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, kết nối và chia sẻ thông tin đa dạng và nhanh chóng.
 
Trong sản xuất nông nghiệp, tiến bộ về KH&CN đang làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, cách thức sản xuất. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng công nghệ thông minh, nhằm giảm thiểu công lao động trực tiếp, tiết kiệm vật tư đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu các tác động bất lợi từ môi trường, điều tiết lượng vật tư, nước tưới theo nhu cầu, giám sát năng suất và đặc biệt là dễ dàng trong quản lý và điều hành sản xuất. Có thể nói, công nghệ đang mang đến sự nhàn hạ hơn trong sản xuất nông nghiệp.
 
Thứ trưởng Trần Văn Tùng chỉ ra rằng, hiện nay mức độ tác động của công nghệ thông minh đến ngành sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang chủ yếu phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động dẫn đến chi phí vật tư quá cao (như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), sử dụng quá nhiều nước, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, chưa chủ động kiểm soát được chất lượng sản phẩm, …. Đây là tồn tại nhưng cũng chính là cơ hội hết sức to lớn cho ngành nông nghiệp chúng ta bứt phá và tiếp tục đảm đương vai trò bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế đất nước.
 
Là trung tâm sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất nước, Thứ trưởng Trần Văn Tùng kỳ vọng rằng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đi đầu trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông mình vào sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy hơn nữa lợi thế của Vùng, hạn chế các tác động bất lơị do biến đổi khí hậu gây ra.
 
“Với vai trò định hướng, hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết sẽ có các hành động cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông minh vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp góp phần giải quyết các thách thức đang đặt ra với ngành sản xuất nông nghiệp của Vùng”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
 
Hội thảo tập trung vào giới thiệu các công nghệ, thiết bị mới và tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp sẵn sàng chuyển giao, ứng dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, nội dung tham luận bao gồm các vấn đề: Quản lý dinh dưỡng cây trồng qua hệ thống tưới nhỏ giọt ứng dụng cho cây căn quả vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Giải pháp quản lý nông nghiệp thông minh; Hệ thống canh tác thông minh theo chiều hướng công nghiệp 4.0; Giám sát chất lượng nước phục vụ nuôi tôm, cá….
 
Netafim giới thiệu công nghệ tưới nhỏ giọt tại triển lãm bên lề Diễn đàn công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018.
 
Nói về lợi ích của tưới nhỏ giọt, ông Vũ Trung Kiên đại diện Công ty Netafim cho biết, với phương pháp này nhu cầu về nước thấp, việc vận hành được thường xuyên, phù hợp với những vùng có nguồn nước hạn chế và giúp cho rễ của cây luôn được thoáng khí. Nhờ đó mà giúp tăng tính hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây. Theo ông Vũ Trung Kiên thì phân bón khi được cung cấp qua hệ thống này sẽ giảm sự rửa trôi hóa chất vào môi trường, giảm chi phí vận hành, giúp người dân kiểm soát chính xác lượng nước và phân bón.
 
Cùng chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn đến từ Công ty Elcom đã giới thiệu giải pháp nông nghiệp công nghệ cao Elcom gồm giải pháp công nghệ sinh học phục vụ cải tạo đất và dinh dưỡng cây trồng và giải pháp nhà màng nông nghiệp công nghệ cao (Egreen house). Với việc xử lý đất trồng bằng chế phẩm sinh học sẽ diệt hết các mầm bệnh, hạt và rễ cỏ… tạo môi trường vi khuẩn có lợi hoạt động mạnh, tăng độ xốp cho đất, có thể đến 1m. Đồng thời giúp cho người trồng phân tích được thổ nhưỡng và vi sinh để biết hiện trạng dinh dưỡng đất.
 
Ông Huang Ke, Công ty Kingenta (Hàn Quốc) đã chia sẻ tại Hội thảo về việc trồng trọt thông minh. Ông Huang Ke cho rằng khi ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí sản xuất và công lao động. Kingenta hiện đang là công ty sản xuất phân bón kiểm soát lớn nhất thế giới, đã nghiên cứu ra sản phẩm phân bón kiểm soát, phân bón chậm tan. Nghiên cứu này đã giúp kéo dài thời gian giải phóng chất dinh dưỡng ban đầu và kéo dài thời gian hấp thụ chất dinh dưỡng có lợi của cây trồng, giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm môi trường, nâng cao tỉ lệ chất dinh dưỡng cây trồng hấp thụ….
 
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp có nhu cầu công nghệ và các doanh nghiệp có công nghệ sẵn sàng chuyển giao đã thảo luận trực tiếp để hướng tới hợp tác đầu tư trong thời gian tới.
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
 

Hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ

 
Theo Nghị định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ.
 
Ảnh minh họa
Cụ thể, để được hỗ trợ doanh nghiệp phải đáp ứng 3 điều kiện: 1- Có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của luật đầu tư; 2- Có hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ); 3- Công nghệ được chuyển giao thuộc dự án quy định tại (1) nêu trên.
 
Hình thức hỗ trợ là cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ; hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp.
 
Nội dung hỗ trợ đối với hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp để phục vụ hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, sử dụng tối đa hiệu suất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ bao gồm: Được ưu tiên đưa vào danh mục nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp và được hỗ trợ theo quy định của chương trình, quỹ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ; được hỗ trợ thuê chuyên gia tư vấn phục vụ đánh giá hiệu chỉnh thiết bị, quy trình công nghệ, dây chuyền sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ cho doanh nghiệp đối với hỗ trợ trực tiếp.
 
Về mức hỗ trợ, ngoài hưởng các ưu đãi đối với ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp được hưởng mức hỗ trợ áp dụng theo quy định hiện hành đối với nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí từ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
 
Được hỗ trợ tối đa 2%/năm lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với khoản vay thực hiện chuyển giao công nghệ trong dự án.
 
Ngoài ra, được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của các quỹ, tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi đối với khoản vay thực hiện chuyển giao công nghệ trong dự án./.
 
Liên kết nguồn tin:
 
http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Ho-tro-doanh-nghiep-nhan-chuyen-giao-cong-nghe/337191.vgp
 
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ