Anh hút CO2 từ nước biển để đối phó biến đổi khí hậu

Dự SeaCURE thử nghiệm hút CO2 từ nước biển tại Weymouth với sự hỗ trợ của chính phủ Anh, có thể mở rộng quy mô để loại bỏ 14 tỷ tấn CO2/năm.

Công nghệ trong dự án SeaCURE tận dụng nước biển để giảm lượng khí thải CO2. Ảnh: falco

Các nhà chức trách đang nỗ lực hút carbon từ nước biển ở vùng ven biển phía nam nước Anh. Dự án mới mang tên SeaCURE sẽ xử lý nước biển để loại bỏ carbon trước khi bơm trở lại đại dương, nơi nó sẽ hấp thụ thêm CO2. Với kinh phí từ chính phủ Anh, dự án thí điểm nhỏ này nằm trong chương trình tìm kiếm công nghệ nhằm đối phó biến đổi khí hậu, Interesting Engineering hôm 18/4 đưa tin.

Dự án SeaCURE được tạo ra dựa trên cơ sở loại bỏ CO2 từ đại dương có thể hiệu quả hơn nhiều so với thu thập từ không khí. Với nhà máy thí điểm ở Weymouth, các chuyên gia hướng tới chứng minh nhận định này. Dự án nhận được kinh phí gần 4 triệu USD từ chính phủ Anh để kiểm tra tính khả thi khi tận dụng khả năng hấp thụ carbon tự nhiên của đại dương để giải quyết biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo, đại dương hấp thụ khoảng 25% tổng lượng khí thải CO2 do con người tạo ra. SeaCURE nhắm vào nồng độ cao hơn của carbon hòa tan trong nước biển. Nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu tác động của phương pháp này đến sinh vật biển phụ thuộc vào carbon hòa tan. Kết quả ban đầu cho thấy có một số ảnh hưởng, nhưng đội ngũ đang khám phá các biện pháp giảm thiểu như pha loãng trước.

Hiện tại, dự án chỉ loại bỏ nhiều nhất 100 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải chứa carbon của khoảng 100 chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Nhưng xét theo quy mô các đại dương trên thế giới, nhóm nghiên cứu SeaCURE tin rằng công nghệ này có tiềm năng lớn. Trong báo cáo gửi chính phủ Anh, SeaCURE cho biết công nghệ này có thể mở rộng để loại bỏ 14 tỷ tấn CO2 mỗi năm nếu xử lý 1% nước biển trên bề mặt toàn cầu.

Hệ thống của SeaCURE hoạt động tương tự như việc thu thập bong bóng CO2 từ nước có ga, tận dụng năng lượng tái tạo để loại bỏ carbon từ nước biển và xả nước đã xử lý về đại dương. Nước biển sẽ thay thế lượng CO2 đã mất đi bằng cách hút carbon từ khí quyển. Công nghệ sáng tạo này hút nước biển tới điểm xử lý trên bờ, tăng độ axit, khiến CO2 tích tụ tự nhiên thoát ra dưới dạng khí. Sau khi giải phóng, CO2 được hút đi và xử lý bằng vỏ dừa cháy để tăng nồng độ, tạo ra dòng khí carbon dioxide sẵn sàng để lưu trữ an toàn.

Nước biển ít carbon còn lại sẽ được xử lý bằng kiềm để đưa độ axit trở về mức bình thường trước khi thải ra đại dương. Quá trình này giúp các ngành khó khử carbon có cơ hội phát triển công nghệ không phát thải mà không góp phần khiến vấn đề biến đổi khí hậu trầm trọng thêm. Loại bỏ carbon có thể cải thiện đáng kể tốc độ cân bằng và giảm nồng độ CO2 trong khí quyển về mức tiền công nghiệp.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Anh hút CO2 từ nước biển để đối phó biến đổi khí hậu – Báo VnExpress

Pin xe điện tự phun chất chữa cháy

Hàn Quốc – Hệ thống pin mới của Hyundai Mobis có thể phát hiện bất thường và tự phun chất chữa cháy, ngăn hiện tượng thoát nhiệt dẫn đến cháy nổ.

Thử nghiệm hệ thống pin phun chất chữa cháy để ngăn hiện tượng thoát nhiệt. Ảnh: Hyundai Mobis

Hyundai Mobis, công ty con của Hyundai Motor, hôm 15/4 giới thiệu hệ thống mới lắp đặt trực tiếp trong pin xe điện nhằm phun chất chữa cháy khi xảy ra hiện tượng thoát nhiệt (thermal runaway). Công ty đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ của mình.

Thoát nhiệt là quá trình nguy hiểm trong đó một tế bào pin nóng lên nhanh chóng, làm tăng dòng điện và tiếp tục tăng nhiệt độ. Hiện tượng này có thể dễ dàng lan sang các tế bào pin lân cận, dẫn đến một phản ứng dây chuyền. Trong trường hợp xấu, pin có thể cháy nổ, gây thiệt hại cho xe và người ngồi bên trong.

Hệ thống mới của Hyundai Mobis ngăn chặn hiện tượng thoát nhiệt bằng cách ngăn nhiệt từ một tế bào pin truyền sang các tế bào khác. Thay vì dùng vật liệu chịu nhiệt, hệ thống áp dụng cách tiếp cận trực tiếp hơn. Hệ thống gồm vỏ pin, thiết bị chữa cháy và phần mềm điều khiển.

Các cảm biến thu thập dữ liệu về nhiệt độ, điện áp và áp suất bên trong pin để phát hiện bất kỳ sự bất thường nào. Nếu phát hiện bất thường, phần mềm sẽ xác định nơi cần phun chất chữa cháy rồi ra lệnh cho thiết bị chữa cháy hoạt động.

Khả năng chữa cháy của chất chữa cháy này cao gấp khoảng 5 lần so với bình chữa cháy tiêu chuẩn 3,3 kg được sử dụng tại nhà. Nó có khả năng làm mát, cách nhiệt và thấm tốt, đồng thời vô hại với con người và môi trường.

Hyundai Mobis cho biết, hệ thống pin mới sẽ giúp giảm đáng kể nỗi lo về cháy xe điện. Thông tin chi tiết, bao gồm thời điểm triển khai công nghệ này trên các mẫu xe Hyundai Motor và Kia, vẫn chưa được tiết lộ.

“Khi những mẫu xe điện lớn với phạm vi hoạt động dài hơn xuất hiện, tiêu chuẩn an toàn cho hệ thống pin cũng trở nên nghiêm ngặt hơn. Chúng tôi sẽ tích hợp phần cứng và phần mềm để phát triển các hệ thống pin tiên tiến giúp đáp ứng, thậm chí vượt qua những tiêu chuẩn toàn cầu, sau đó giới thiệu chúng ra thị trường thế giới”, Park Yong Jun, phó quản lý bộ phận R&D hệ thống pin tại Hyundai Mobis, chia sẻ.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)

Pin xe điện tự phun chất chữa cháy – Báo VnExpress

Bùn phun trào ở Phú Yên là do hoạt động kiến tạo dọc đứt gãy

Ngành chức năng nhận định bùn phun trào ở khu đất tại huyện Đồng Xuân là do các hoạt động kiến tạo dọc đứt gãy kéo dài trên khu vực đồi núi lân cận xuống.

Thông tin trên được nêu trong báo cáo của Liên đoàn Quy hoạch điều tra Tài nguyên nước Miền Trung (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia) vừa gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên.

5 ngày trước, một người dân ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) nghe tiếng nổ nhỏ ở mảnh đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, 72 tuổi. Khi đến kiểm tra, người này thấy mặt đất nứt nhiều đoạn dài. Sau đó, phần bùn nước từ các khe nứt trào mạnh, có màu vàng nhạt và chảy dài ra ngoài.

Chính quyền địa phương sau đó dùng dây phản quang và biển cấm không cho người dân đến gần khu vực bùn trào. Theo người dân, 46 năm trước tại vị trí trên cũng xuất hiện lần trào bùn tương tự. Từ đó đến nay, địa phương chưa tìm ra nguyên nhân.

Phần bùn nước màu vàng nhạt trào lên từ khe nứt dưới lòng đất ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên, sáng 8/4. Ảnh: Cao Quốc 

Sau 3 ngày khảo sát, cơ quan chức năng xác định bùn có màu vàng nhạt (khi khô có ánh xám trắng) tự trào ra tại vị trí đỉnh đồi với tốc độ chậm, khoảng 5 m3 mỗi ngày, khi đủ lượng sẽ chảy thành dòng ra ngoài.

Vị trí bùn phun có một số khe nứt trên mặt đất phát triển dạng tỏa tia về các hướng, độ nứt lớn nhất có chiều dài 10 m, rộng 5-10 cm. Ngoài ra, bùn không có mùi khó chịu, nhiệt độ trào ra bình thường (khoảng 29 độ C), không gây hại cho người dân và môi trường.

Đoàn khảo sát cho biết vị trí bùn phun nằm tại giao điểm cắt theo phương kéo dài của các hệ thống đứt gãy, phát triển theo phương Tây Bắc – Đông Nam và phương kinh tuyến.

Thành phần của bùn gồm mảnh dăm sạn thạch anh được dự đoán “là sản phẩm phong hóa của đá xâm nhập trong khu vực bị trầm tích đệ tứ phủ bất chỉnh hợp lên trên”

“Nhận định ban đầu là bùn phun trào do các hoạt động kiến tạo dọc đứt gãy kéo dài từ các địa hình cao trên khu vực đồi núi lân cận xuống. Cụ thể là nơi lớp phủ phía trên đứt gãy mỏng, mất liên kết khi phần mặt đất khô cứng”, báo cáo nêu.

Đối với việc xuất hiện hiện tượng bùn phun tương tự tại đúng vị trí trên 46 năm trước, kéo dài 10 ngày rồi ngừng phun. Đoàn khảo sát cho rằng “có thể do bùn phun ra dần đông cứng lại đã làm lấp các khe nứt, tạo kết nối với đứt gãy, bịt lại các khe nứt đưa bùn trào ra khỏi mặt đất.

Ngoài ra, kết quả của hiện tượng bùn tự phun trào này là “hình thành đồi nhỏ hiện nay, không phải kết quả của bất kỳ quá trình san ủi nào của con người hoặc hiện tượng thiên nhiên khác”.

Cơ quan chuyên môn cho biết chất lượng bùn sẽ được đánh giá cụ thể sau khi có kết quả phân tích một số thành phần quan trọng và so sánh với thành phần tương ứng trong bùn khoáng đang được sử dụng ngâm tắm hiện nay.

“Nhận định trên mới chỉ dựa vào kết quả khảo sát nhanh. Các kết luận chính xác cần dựa vào các thí nghiệm, khảo sát chuyên sâu”, báo cáo nêu.

Bùi Toàn

Bùn phun trào ở Phú Yên là do hoạt động kiến tạo dọc đứt gãy – VnExpress

‘Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế với nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam’

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhà máy điện hạt nhân phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế khi Việt Nam chưa ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Sáng 14/4, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi. Trình bày về tờ trình dự thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết một trong những nội dung quan trọng là yêu cầu đối với thiết kế nhà máy điện hạt nhân.

Cụ thể, nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong trường hợp chưa có, các nhà máy có thể áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế do đối tác thực hiện đề xuất. Các tiêu chuẩn này phải bảo đảm phù hợp với điều kiện Việt Nam và phù hợp tiêu chuẩn, hướng dẫn về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Ngoài ra, nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ theo chiều sâu; nguyên tắc an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn và được kiểm chứng. Ngoài ra, việc vận hành nhà máy phải đảm bảo ổn định, tin cậy trong các giới hạn và điều kiện vận hành trong toàn bộ vòng đời của nhà máy; có tính tới yếu tố con người và tương tác giữa người và máy.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, sau 17 năm thực hiện, đã bộc lộ bất cập, chưa có sự tương thích với một số luật mới ban hành và điều ước quốc tế.

Nhiều tiêu chuẩn chưa phù hợp với các yêu cầu của IAEA; phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành. Một số quy định thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân.

Tại dự thảo này, Chính phủ cũng đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân từ Quốc hội chuyển sang Thủ tướng. Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung nhiều quy định đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án nhà máy điện hạt nhân sẽ triển khai.

Bộ trưởng Hùng nói giai đoạn từ nay đến năm 2030, để đáp ứng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với kinh phí đầu tư khoảng 25-30 tỷ USD. Quy mô lớn, thời gian thực hiện lâu, Nhà nước cần hoàn thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hoàn thiện nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân tại các địa phương trong bối cảnh cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý từ trung ương đến địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ – Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Phạm Thắng

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ – Môi trường Lê Quang Huy nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Song, ông đề nghị dự luật cần thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân.

Trong đó, dự luật cần cụ thể hóa đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị điện hạt nhân; kế thừa pháp luật về năng lượng nguyên tử hiện hành và hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Thiết kế của nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được Cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt thiết kế và tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam.

Trường hợp nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam thiết kế thì cần bổ sung quy định về việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nói khi triển khai nhà máy điện hạt nhân phải chú ý đến hai nội dung liên quan đến an ninh, an toàn là chọn địa điểm xây dựng và bảo vệ trong quá trình vận hành.

Ông đề nghị dự luật cần phải nêu rõ trách nhiệm, thẩm quyền đảm bảo an toàn của nhà máy điện hạt nhân thuộc cơ quan nào. Từng nhiệm vụ phải cụ thể hóa chặt chẽ, rõ ràng hơn. Liên quan người hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân, ông cho rằng phải đảm bảo tiêu chuẩn về chứng chỉ, họ phải chịu sự giám sát cơ quan quản lý Nhà nước. “Cần giám sát chặt trong lĩnh vực này, hợp tác quốc tế mà để lộ lọt thông tin về an ninh hạt nhân cũng là vấn đề hệ trọng”, ông Vinh nói.

Ngoài quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu với nhà máy điện hạt nhân, dự luật hướng đến xây dựng cơ sở pháp lý về năng lượng nguyên tử; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử; thực hiện cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế; năng lượng nguyên tử góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi gồm 12 chương, 73 điều (giảm 19 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008).

Dự luật tập trung bốn chính sách:

Chính sách 1: Thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Chính sách 2: Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý nhà nước.

Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân.

Chính sách 4: Tăng cường quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; chủ động và sẵn sàngứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; bảo đảm thực hiện trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được Chính phủ đăng ký vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV.

Sơn Hà

‘Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế với nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam’ – Báo VnExpress

Vì sao Starlink đặt trạm mặt đất ở Việt Nam?

Đặt trạm cổng mặt đất ở Việt Nam là yêu cầu Chính phủ đưa ra khi cho phép Starlink thí điểm cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh.

“SpaceX chuẩn bị đặt một trạm mặt đất tại Đà Nẵng cho vệ tinh Starlink và có kế hoạch triển khai nhiều trạm khác”, Reuters đưa tin đầu tháng 4 và được Elon Musk chia sẻ lại trên X.

Để cung cấp kết nối Internet cho người dùng, Starlink dựa vào hệ thống trạm mặt đất được gọi là cổng. Các chảo (ăng-ten) của người dùng kết nối vệ tinh, sau đó vệ tinh gửi tín hiệu đến cổng gần nhất. Theo Starlink Insider, hiện có 150 cổng Starlink đang hoạt động trên toàn cầu và 13 cổng đang xây dựng sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận, nhưng không có thông tin về địa điểm cụ thể.

Điều kiện để Starlink hoạt động tại Việt Nam

SpaceX được cho là đang tiến hành đặt trạm cổng mặt đất (trạm Gateway) tại Đà Nẵng do đây là một trong những yêu cầu để được thí điểm cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Trong quyết định của Chính phủ ngày 23/3, để triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, SpaceX phải đặt trạm Gateway trên lãnh thổ Việt Nam. Tập đoàn phải bảo đảm tất cả lưu lượng do thuê bao vệ tinh tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam đều đi qua các trạm này và kết nối vào mạng viễn thông công cộng trong nước.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban nghiên cứu công nghệ – Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Starlink phải tuân thủ quy định về điều kiện kết nối, đặt trạm và bảo vệ người dùng, giống như các mạng viễn thông khác ở Việt Nam.

“Về mặt quản lý, mạng Internet cáp quang hay Internet vệ tinh không khác biệt. Mục tiêu của quy định nhằm tạo ra sự thống nhất và bình đẳng trong cung cấp dịch vụ”, ông Sơn nói

Gian hàng trưng bày của Starlink tại Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Ảnh: Trọng Đạt

Đặt trạm ở Việt Nam giúp giảm độ trễ

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Tần số vô tuyến điện, đánh giá việc Starlink đặt trạm mặt đất ở trong nước sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng Việt Nam.

Về mặt kỹ thuật, trạm rút ngắn cự ly liên lạc giữa người dùng với nguồn dữ liệu, vì tín hiệu không phải đi vòng qua trạm đặt ở nước ngoài rồi mới quay trở lại trong nước. “Việc này giúp giảm độ trễ liên lạc, tăng khả năng tính toán tại chỗ. Càng nhiều trạm càng giúp giảm độ trễ”, ông Hoan cho hay.

PGS. TS Nguyễn Tiến Ban, Trưởng khoa viễn thông 1 – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cũng nhận định: “Tốc độ, độ trễ của dịch vụ Internet khi đặt trạm tại Việt Nam bao giờ cũng tốt hơn so với việc đặt ở các nước khác như Indonesia hay Singapore”. Bên cạnh đó, các trạm này cũng sẽ có vai trò chuyển đổi tín hiệu của Starlink để hỗ trợ người dùng thiết bị đầu cuối ở những vùng khác nhau trên thế giới.

Hai ăng-ten thu phát sóng Internet vệ tinh Starlink thử nghiệm tại Hòa Lạc (Hà Nội), tháng 10/2023. Ảnh: Lưu Quý

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Internet vệ tinh có thể nhanh chóng phủ toàn bộ vùng lõm sóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông đánh giá sự xuất hiện của dịch vụ sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường viễn thông trong nước, do tỷ lệ vùng lõm sóng hiện rất nhỏ, chủ yếu tại vùng núi, hải đảo, nơi không có điện lưới.

Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi để SpaceX sớm triển khai dịch vụ. Tại Washington D.C, sáng 10/4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã trao quyết định thí điểm cung cấp Internet vệ tinh cho đại diện tập đoàn này.

Trước đó, trong buổi làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ với Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cuối tháng 3, Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Thành Chung cho biết đang hỗ trợ SpaceX hoàn thiện các thủ tục, trong đó có thành lập doanh nghiệp và lắp đặt trạm Gateway.

Trọng Đạt

Vì sao Starlink đặt trạm mặt đất ở Việt Nam? – Báo VnExpress Công nghệ

SpaceX nhận quyết định thí điểm Internet vệ tinh từ Việt Nam

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trao quyết định thí điểm cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh cho SpaceX trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ.

Theo TTXVN, ngày 10/4, tại Washington D.C, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc tiếp ông Tim Hughes, Phó chủ tịch cấp cao của SpaceX, và trao quyết định thí điểm cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh cho tập đoàn.

SpaceX, do Elon Musk sáng lập, phát triển hệ thống Starlink với tham vọng phủ sóng Internet toàn cầu, hiện có mặt ở hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 triệu người sử dụng. Công ty cho biết hiện có 6.750 vệ tinh, hoạt động ở quỹ đạo thấp, cách mặt đất 550 km. Trong khi đó, dịch vụ Internet vệ tinh trước đây sử dụng vệ tinh địa tĩnh, quay quanh Trái Đất ở độ cao hơn 35.000 km.

Khoảng cách ngắn giúp giảm thời gian truyền dữ liệu. Nhờ đó, Starlink có độ trễ thấp hơn so với dịch vụ Internet vệ tinh truyền thống.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trao quyết định thí điểm cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh cho đại diện SpaceX. Ảnh: TTXVN

Trước đó, ngày 23/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng ký quyết định cho phép thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ quỹ đạo thấp. Quyết định này không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, SpaceX được thí điểm kinh doanh Internet vệ tinh tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp giấy phép. Phạm vi triển khai trên toàn quốc, với số lượng tối đa 600.000 thuê bao. Tuy nhiên, công ty phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phải đặt trạm cổng mặt đất (trạm Gateway) trên lãnh thổ Việt Nam, lưu giữ thông tin thuê bao trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ.

Việc thí điểm được vận dụng dựa trên Nghị quyết 193 của Quốc hội, ban hành tháng 2, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trọng Đạt

SpaceX nhận quyết định thí điểm Internet vệ tinh từ Việt Nam – Báo VnExpress Công nghệ

Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025 tổ chức tại TP.HCM

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 4 – năm 2025 tại TP.HCM diễn ra từ ngày 19 đến 21/4 trên khắp thành phố với nhiều hoạt động đa dạng.

Chương trình Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025 tại TP.HCM vừa được ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, thông tin vào chiều 10/4.

Cụ thể, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc sẽ diễn ra tại đường Công trường Công xã Paris (từ Nguyễn Du đến Lê Duẩn), đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) và tại Thành phố Thủ Đức cùng 21 quận, huyện với thông điệp: “Văn hóa đọc – Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách, làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”. Lễ khai mạc cấp quốc gia diễn ra lúc 9h ngày 19/4.

Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 tại TP.HCM nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Các phiên bản của tác phẩm Đường Kách mệnh (nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời) và các tựa sách được xuất bản mới, tái bản chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước sẽ được trưng bày, giới thiệu trong 3 ngày diễn ra hoạt động.

Tại sân khấu Công trường Công xã Paris và Đường Sách TP.HCM có 18 chương trình giao lưu, giới thiệu sách: Di sản Sài Gòn – TP.HCM và Kiến trúc Pháp – Đông Dương dấu tích Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông; Đọc một hơi lịch sử Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh; Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập; 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất.

Chương trình cũng trưng bày, triển lãm tư liệu, xuất bản phẩm chủ đề “Chiến dịch Hồ Chí Minh – Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng” và bộ tem bưu chính “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trên tem bưu chính Việt Nam và thế giới”.

Ngoài ra, chương trình còn có các không gian sách điện ảnh và âm nhạc; tổ chức giới thiệu các hoạt động nghệ thuật, âm nhạc được chuyển thể từ sách; không gian sách và khu trải nghiệm thiếu nhi.

Mô hình, giải pháp hay về ứng dụng chuyển đổi số gắn với ngành xuất bản (thư viện số, thư viện sách nói, công cụ hỗ trợ rà soát, biên tập dành cho ngành xuất bản bằng giọng nói) và đổi mới trong kinh doanh sách (bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử cũng được tích hợp vào chuỗi hoạt động…

Chương trình năm nay sẽ tổ chức cho các đoàn học sinh đến trực tiếp trải nghiệm, tương tác, giao lưu… từ đó góp phần vun đắp, hình thành thói quen đọc sách.

Phong Khang

Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025 tổ chức tại TP.HCM – Xuất bản – ZNEWS.VN

Sự thật về dự án hồi sinh sói trắng tuyệt chủng 12.500 năm

Mỹ – Các nhà khoa học gần đây tuyên bố họ đã hồi sinh sói trắng tuyệt chủng nhờ công nghệ gene nhưng giới chuyên gia cho rằng con vật mới tạo ra chỉ giống sói trắng về hình dáng.

Romulus và Remus chào đời vào tháng 10/2024. Ảnh: Colossal Biosciences

Trong thông báo hôm 7/4, một nhóm nhà khoa học ở công ty công nghệ sinh học Colossal Biosciences tiết lộ họ đã đưa loài sói trắng tuyệt chủng từ lâu trở lại với công nghệ gene. Họ chia sẻ hình ảnh của ba con sói non lông trắng muốt và tuyên bố đây là thành quả “hồi sinh loài đầu tiên trên thế giới”, theo Live Science.

Sói trắng (Aenocyon dirus) tuyệt chủng vào cuối kỷ Băng hà cuối cùng. Thông qua tạo ra sói non giống hệt về hình dáng, Ben Lamm, giám đốc điều hành Colossal, cho biết công ty đã tạo ra sói trắng con khỏe mạnh và hồi sinh loài động vật ăn thịt này sau 12.500 năm tuyệt chủng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngôn ngữ mà Colossal sử dụng để mô tả kết quả nghiên cứu dễ gây nhầm lẫn. “Những gì Colossal tạo ra là một con sói xám có những đặc điểm giống sói trắng” Nic Rawlence, phó giáo sư kiêm đồng giám đốc Phòng thí nghiệm cổ di truyền học Otago ở Đại học Otago, nhấn mạnh. “Đây không phải là sói trắng được hồi sinh mà giống một loài lai hơn”.

Để tạo ra con non, các nhà khoa học tách ADN từ hai hóa thạch sói trắng tiền sử gồm một chiếc răng 13.000 năm phát hiện ở hố Sheridan, Ohio, và một chiếc xương tai trong 72.000 năm từ thác American ở Idaho. Sử dụng ADN này, nhóm nghiên cứu ghép lại thành hệ gene cục bộ của sói trắng. Sau đó, họ so sánh với hệ gene từ những họ hàng gần nhất của chúng, gồm chó sói, chó rừng và cáo. Dựa trên kết quả, họ lựa chọn sói xám (Canis lupus) như vật hiến trứng để đưa sói trắng trở lại, dù hai loài không thực sự có quan hệ gần.

“Thông tin mới cho thấy bản thân sói trắng nguyên bản không thực sự là chó sói”, David Mech, giáo sư liên kết chuyên về hệ sinh thái và hành vi của chó sói ở Đại học Minnesota và Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết.

Về mặt tiến hóa, sói trắng tách ra từ chó sói cách đây khoảng 6 triệu năm, hình thành một nhóm hoàn toàn riêng biệt với sói xám hiện đại. “Sói trắng là chi riêng, vì vậy đó là một loài rất khác”, Philip Seddon, giáo sư động vật học ở Đại học Otago, nhấn mạnh. “Chó rừng châu Phi có thể có quan hệ gần gũi với sói trắng hơn”.

Quá trình hồi sinh đòi hỏi tế bào trứng từ một động vật sống để chứa và phát triển vật liệu di truyền của loài vật mà các nhà khoa học muốn tạo ra. Sau khi lựa chọn sói xám để tiến hành bước này, nhóm chuyên gia ở Colossal thu thập tế bào từ mẫu vật máu sói xám và biến đổi để chúng sống tế bào tìm thấy trong hóa thạch sói trắng. Sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR, nhóm nghiên cứu thực hiện tổng cộng 20 chỉnh sửa ở 14 gene mà họ xác định là quan trọng giúp mang đến cho sói trắng những đặc điểm riêng biệt.

Tiếp theo, trong quá trình tương tự cách nhân bản cừu Dolly năm 1996, các nhà khoa học chèn ADN của tế bào chỉnh sửa vào tế bào trứng sói xám sau khi loại bỏ vật liệu di truyền. Ở mốc này, tế bào trứng sói xám chứa tất cả thông tin di truyền cần thiết để tạo ra chó sói với một số đặc điểm của sói trắng. Tế bào trứng sau đó trưởng thành trong phòng thí nghiệm. Phôi thai được cấy vào tử cung của chó thuần chủng, được xem như phân loài của sói xám.

Những con “sói trắng” non đầu tiên của Colossal tên Romulus và Remus ra đời vào ngày 1/10/2024. Theo Colossal, chúng được nuôi nhốt và theo dõi liên tục trong khu bảo tồn thiên nhiên bao quanh bởi hàng rào cao 3 m. “Chúng sẽ sống cả đời trong khu bảo tồn sang trọng dưới sự chăm sóc của con người”, Bridgett vonHoldt, giáo sư hệ gene tiến hóa và di truyền học biểu sinh ở Đại học Princeton, người cộng tác với Colossal trong dự án này, cho biết. “Giống như với nhiều động vật nhân bản trước đây, sức khỏe của chúng vẫn là điều không thể dự đoán và đáng quan tâm”.

Con non thứ ba là Khaleesi chào đời vào ngày 30/1/2025. Chưa rõ những con vật này nguy hiểm tới mức nào nhưng hành vi của chúng ít khả năng khác biệt nhiều với sói xám nuôi nhốt, đặc biệt khi con người thường xuyên ở xung quanh. Romulus, Remus và Khaleesi sẽ không được thả vào tự nhiên, nhưng trong tương lai, Colossal chia sẻ họ sẽ cân nhắc khả năng đưa động vật vào “những khu bảo tồn sinh thái an toàn và trải rộng ở vùng đất của người da đỏ”. Nhưng các chuyên gia nghi ngờ việc giới thiệu động vật như vậy sẽ khó thành công.

Về sói trắng, Mech đặt câu hỏi liệu chúng có phù hợp với hệ sinh thái cổ đại. Chúng sinh sống trong phân khúc sinh thái hoàn toàn khác ngày nay. Nhiều chuyên gia chỉ trích thông báo của Colossal trong khi một số người ca ngợi đột phá công nghệ mà công ty đạt được.

Một loài có thể hưởng lợi từ đột phá của Colossal là sói đỏ (Canis rufus), loài sói nguy cấp nhất thế giới. Công ty thông báo sự ra đời của hai lứa sói đỏ nhân bản hôm 7/4, giúp tăng số lượng sói đỏ nuôi nhốt ở Mỹ và hy vọng mới cho loài này. Dù vậy, thông báo hồi sinh sói trắng của Colossal không chính xác. Colossal so sánh hệ gene của sói trắng và sói xám, từ khoảng 19.000 gene, họ xác định 20 thay đổi ở 14 gene giúp tạo ra sói trắng, theo Rawlence.

Ngoài ra, “sói trắng” của Colossal không phải loài hồi sinh đầu tiên trên thế giới về mặt kỹ thuật. năm 2003, các nhà khoa học ở Tây Ban Nha nhân bản một loài dê hoang dã đã tuyệt chủng có tên bucardo hay dê núi Pyrene (Capra pyrenaica pyrenaica). Con dê non chào đời nhưng chết sau đó 7 phút do dị tật phổi.

An Khang (Theo Live Science)

Sự thật về dự án hồi sinh sói trắng tuyệt chủng 12.500 năm – Báo VnExpress

Robot mềm giúp cứu hộ nạn nhân trong đống đổ nát

Mỹ – Viện Công nghệ Massachusetts phát triển robot có thể giúp nhân viên cứu hộ lập bản đồ bên trong đống đổ nát sau những thảm họa như động đất, giúp tăng cơ hội cứu sống người gặp nạn.

Cách robot SPROUT hoạt động trong thảm họa.

 

Khi thảm họa lớn xảy ra và các công trình sụp đổ, mọi người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Nạn nhân ở trong môi trường độc hại này có thể gặp nguy hiểm và kiệt sức. Để giúp đội cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát, Phòng thí nghiệm Lincoln của Viện Công nghệ Massachusetts cộng tác với nhóm nghiên cứu ở Đại học Notre Dame phát triển một robot mang tên Soft Pathfinding Robotic Observation Unit (SPROUT). SPROUT là một robot cây nho, loại robot mềm có thể dài ra và vượt qua chướng ngại vật hay luồn lách trong không gian nhỏ. Đội phản ứng nhanh có thể triển khai SPROUT dưới công trình đổ sập để thăm dò, lập bản đồ và tìm lối đi vào tối ưu qua đống mảnh vỡ, Phys.org hôm 2/4 đưa tin.

“Môi trường tìm kiếm cứu hộ trong đô thị có thể khắc nghiệt và thách thức, nơi ngay cả công nghệ chắc chắn nhất cũng gặp khó khăn khi hoạt động. Cách thức cơ bản mà robot cây nho hoạt động giúp giảm thiểu nhiều thách thức mà nền tảng khác phải đối mặt”, Chad Council, thành viên dự án SPROUT do Nathaniel Hanson chỉ đạo cho biết.

Đội phản ứng nhanh thường xuyên tích hợp công nghệ như camera và cảm biến vào luồng công việc để tìm hiểu môi trường hoạt động phức tạp. Tuy nhiên, nhiều công nghệ trong số này có những hạn chế. Ví dụ, camera chế tạo đặc biệt cho hoạt động tìm kiếm cứu hộ chỉ có thể thăm dò theo đường thẳng bên trong công trình sụp đổ. Nếu một đội muốn tìm kiếm kỹ hơn trong đống đổ nát, họ cần tạo lỗ chui vào để tới khu vực tiếp theo. Robot rất phù hợp để thăm dò bên trên đống gạch vụn, nhưng không thích hợp để tìm kiếm trong công trình chật hẹp kém ổn định và chi phí sửa chữa rất tốn kém nếu hỏng hóc. Thách thức mà SPROUT hướng tới giải quyết là làm thế nào để chui vào bên dưới công trình sụp đổ thông qua sử dụng robot chi phí thấp, dễ vận hành, có thể mang theo camera và cảm biến, đồng thời vượt qua những đoạn đường quanh co.

SPROUT bao gồm một ống có thể phồng to làm từ vật liệu kín khí mở ra từ đế cố định. Ống này phồng lên bằng khí và một motor điều khiển triển khai robot. Khi ống vươn sâu vào đống đổ nát, nó có thể uốn quanh các góc và chui qua lối hẹp. Một camera và những cảm biến khác đặt ở đầu ống chụp ảnh và lập bản đồ môi trường mà robot đang dò đường. Nhà vận hành điều khiển SPROUT bằng cần chỉnh hướng, theo dõi màn hình hiển thị dữ liệu từ camera của robot. Hiện nay, SPROUT có thể vươn xa tới 3 mét và nhóm nghiên cứu đang tìm cách mở rộng lên 7,6 mét.

Trong khi chế tạo SPROUT, nhóm nghiên cứu đã vượt qua một số thách thức liên quan tới độ linh hoạt của robot. Do robot cấu tạo từ vật liệu dễ biến dạng có thể uốn cong ở nhiều điểm, suy đoán và kiểm soát hình dạng của robot khi nó triển khai trong môi trường rất khó. Xác định cách sử dụng áp suất không khí bên trong robot để điều hướng là điều thiết yếu đối với hệ thống mà đội phản ứng khẩn cấp dùng. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu phải thiết kế ống để giảm tối đa ma sát khi robot dài ra và kỹ sư điều khiển hướng.

Trong khi hệ thống điều khiển từ xa là khởi đầu tốt để đánh giá nguy cơ từ đống đổ nát, nhóm nghiên cứu cũng tìm cách mới để ứng dụng công nghệ robot như sử dụng dữ liệu do robot thu thập nhằm lập bản đồ chỗ trống dưới đống đổ nát. Để giải quyết vấn đề, Hanson và cộng sự lập mô phỏng cho phép họ tạo ra minh họa thực tế của công trình sụp đổ và phát triển thuật toán để lập bản đồ khoảng trống.

Phòng thí nghiệm Lincoln đã thử nghiệm SPROUT với đội phản ứng nhanh ở khu vực huấn luyện Massachusetts Task Force 1 ở Beverly, Massachusetts. Thử nghiệm cho phép các nhà nghiên cứu cải thiện độ bền và linh động của robot, học hỏi cách triển khai và điều khiển robot hiệu quả hơn. Họ đang lên kế hoạch cho một nghiên cứu thực địa lớn hơn vào mùa xuân năm nay. Cảm biến trong không gian hạn chế không phải là vấn đề của riêng đội phản ứng nhanh trước thảm họa. Nhóm nghiên cứu dự đoán công nghệ của họ có thể sử dụng trong bảo dưỡng, hệ thống quân sự hoặc cơ sở hạ tầng thiết yếu với vị trí khó tiếp cận này.

An Khang (Theo Phys.org)

Robot mềm giúp cứu hộ nạn nhân trong đống đổ nát – Báo VnExpress

VnExpress tạo cổng kết nối người dân với Bộ Khoa học và Công nghệ

Cổng “Góp ý kiến tạo” là cầu nối để người dân, doanh nghiệp gửi ý kiến, góc nhìn, đề xuất tới Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.

Góp ý kiến tạo“, được mở ngày 8/4, do VnExpress phối hợp triển khai cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm xây dựng cơ chế tương tác hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.

Thông qua đó, Bộ Khoa học và Công nghệ muốn lắng nghe ý kiến đóng góp, từ đó tiếp cận gần hơn và hiểu rõ hơn những vấn đề, vướng mắc, bất cập mà người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học gặp phải, cùng những kiến nghị, giải pháp mang tính sáng tạo để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam.

Giao diện cổng “Góp ý kiến tạo” trên VnExpress. Ảnh: Lưu Quý

Khác với hòm thư truyền thống, “Góp ý kiến tạo” để người hỏi chủ động chọn địa chỉ muốn nhận câu trả lời là Bộ trưởng hoặc thủ trưởng đơn vị chức năng.

Sau khi tiếp nhận, VnExpress đóng vai trò cầu nối, chuyển tiếp đến Bộ trưởng, cá nhân, tổ chức liên quan để hồi đáp. Câu hỏi và câu trả lời sẽ được lựa chọn đăng trên cổng, tăng sự tương tác hai chiều. Chúng tôi kỳ vọng nhận được phản ánh, sáng kiến thuộc mọi lĩnh vực, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ cao, dịch vụ hành chính công, sở hữu trí tuệ…

Cổng “Góp ý kiến tạo” đánh dấu sự thay đổi căn bản trong tư duy quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Người dân không còn là nhóm thụ hưởng chính sách, mà trở thành chủ thể tham gia xây dựng chính sách, đóng góp ý tưởng phát triển kinh tế, xã hội.

Các câu hỏi cũng là nguồn dữ liệu đầu vào cho những quyết định quan trọng về thể chế hay dự án phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Cổng Góp ý kiến tạo

Trọng Đạt

 

VnExpress tạo cổng kết nối người dân với Bộ Khoa học và Công nghệ – Báo VnExpress Công nghệ