Các quốc gia chật vật tắt sóng 2G thế nào

Việt Nam là một trong những quốc gia thành công chuyển từ mạng 2G sang 4G và 5G, nhưng không phải nơi nào cũng vậy.

Tháng 11/2024, điện thoại “cục gạch” của bà Nguyễn Thị Quế đột nhiên ngừng hoạt động. Khi đó, các công ty viễn thông Việt Nam đang dần tắt sóng 2G. “Tôi định mua điện thoại mới, nhưng chưa có tiền”, người phụ nữ 73 tuổi bán trà đá tại một trạm xe buýt ở Hà Nội nói với Rest of World.

Cuối năm ngoái, Việt Nam là một trong số các thị trường mạnh tay cắt sóng 2G. Một số nhà mạng thực hiện chiến dịch tặng hoặc trợ giá điện thoại 4G cho người dùng 2G có thu nhập thấp. Kết quả, từ 18 triệu thuê bao 2G được ghi nhận tháng 1/2024, số lượng đã giảm mạnh còn 143.000 vào tháng 11 cùng năm. Điều này đưa Việt Nam vào hàng ngũ nói không với 2G, bên cạnh Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Brunei, Thụy Sĩ, Costa Rica và Jamaica.

Một điện thoại của Nokia phổ biến tại Việt Nam, bị dừng sử dụng vì không hỗ trợ 4G. Ảnh: Lưu Quý

Theo dữ liệu do GSMA Intelligence, đơn vị nghiên cứu của GSMA – tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho lợi ích của các nhà khai thác mạng di động trên toàn thế giới, có 61 quốc gia từ Mỹ, Brazil, Nam Phi đến Ấn Độ và Trung Quốc, đã lên kế hoạch hoặc khởi xướng quá trình đóng mạng 2G. Mục tiêu là tăng cường băng thông cho 4G và 5G bằng cách tái sử dụng phổ tần 2G hiện có, giúp giảm chi phí bảo trì, thúc đẩy tăng trưởng thuê bao và doanh thu.

Tuy nhiên, việc khai tử 2G cũng làm dấy lên mối nhiều lo ngại, đặc biệt sự tác động lớn đến người nghèo. Báo cáo The Mobile Economy 2024 của GSMA cho thấy hàng trăm triệu người vẫn sử dụng điện thoại 2G, khiến quyết định loại bỏ kết nối 2G trở nên phức tạp.

“Nếu xem xét các quốc gia như Việt Nam, Pakistan, Ấn Độ, những nơi muốn thu hút đầu tư, việc có mạng lưới chất lượng tốt (4G, 5G) rất quan trọng”, Jeanette Whyte, Giám đốc chính sách công khu vực châu Á – Thái Bình Dương của GSMA, nhận xét.

Trong khi đó, theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, trong giai đoạn 2019-2024, doanh số điện thoại cơ bản đã giảm từ 374 triệu xuống còn 200 triệu máy. Một cuộc khảo sát từ liên minh Alliance for Affordable Internet năm 2021 cũng cho thấy khoảng 2,5 tỷ người trên toàn thế giới vẫn dùng điện thoại cơ bản, chủ yếu ở châu Á và châu Phi, do khó tiếp cận smartphone. Giá các mẫu rẻ nhất vẫn có thể chiếm tới 30% thu nhập tháng của họ.

Mike Jensen, chuyên gia về di động của Hiệp hội Truyền thông Tiến bộ (Association for Progressive Communications), đánh giá hầu hết cơ quan quản lý viễn thông trên toàn thế giới nhất trí loại bỏ 2G. Tuy vậy, họ chưa thể xác định mốc thời gian do lo ngại những tác động tới người dùng, cũng như gây gián đoạn tạm thời cho mạng viễn thông.

Thực tế, một số quốc gia liên tiếp dời lịch cắt sóng 2G. Tháng 6/2022, Nam Phi đặt mục tiêu ngừng cung cấp 2G và 3G vào 30/6/2024. Nhưng sau đó, kế hoạch tiếp tục dời đến 30/3/2025. Tuy nhiên, mốc mới khả năng cao khó thực hiện do có nguy cơ loại trừ 20 triệu thuê bao khỏi mạng di động. Nhiều người dân ở đây trung thành với máy 2G vì giá rẻ chỉ 8 USD, trong khi người dùng smartphone cũng sở hữu điện thoại cơ bản làm thiết bị dự phòng do tỷ lệ cướp giật cao.

Tại Nigeria, kế hoạch cắt sóng 2G dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm nay. Ghana và Ai Cập đặt mục tiêu vào năm 2030.

Ở Việt Nam, giải pháp không dừng ở việc tuyên truyền hay bán thiết bị giá rẻ. Nhà mạng thậm chí cử nhân viên đến những ngôi làng xa xôi, thuyết phục người dân đổi lên điện thoại 4G miễn phí, đồng thời cung cấp gói cước ưu đãi cho thuê bao. “Thành công của Việt Nam có thể nhờ vào sự sẵn có của điện thoại cơ bản có 4G, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa việc áp dụng công nghệ 4G”, nhà phân tích Shubham Nimkar của Counterpoint Research nhận xét.

Tại Ấn Độ, một số nhà mạng cung cấp máy 4G miễn phí, chẳng hạn Reliance với mẫu JioPhone có thể kết nối Internet. Theo TechCrunch, Reliance dự kiến ra mẫu JioPhone 5G năm nay. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá động thái của Reliance liên quan đến vấn đề kinh doanh nhiều hơn.

Theo Counterpoint Research, tại Ấn Độ, điện thoại 2G chiếm 73% trong tổng số 55-60 triệu điện thoại cơ bản được bán ra năm 2024, số còn lại là thiết bị 4G.

Một số công ty phát triển nền tảng cho điện thoại 4G nhằm giúp giá thiết bị rẻ hơn. Ví dụ năm 2023, công ty Đài Loan CloudMosa thử nghiệm Cloud Phone – công nghệ cho phép điện thoại cơ bản 4G truy cập tin tức và chạy ứng dụng phổ biến như TikTok, Facebook và YouTube. Một số thiết bị của HMD và Viettel đã chạy nền tảng này.

Shioupyn Shen, nhà sáng lập kiêm CEO CloudMosa, cho biết đến cuối 2024, hơn một triệu thiết bị hỗ trợ Cloud Phone có mặt trên thị trường toàn thế giới. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng lên 200 triệu thiết bị trong hai năm tiếp theo.

“Nếu chính phủ, công ty viễn thông và ngành công nghệ bắt tay hợp tác, các kế hoạch sẽ khả thi và được đẩy nhanh hơn”, Brian Mahlangu, Phó chủ tịch sản phẩm của ngân hàng Absa (Nam Phi), nói trên Finextra. “Cùng với các biện pháp như thiết bị giá phải chăng, quá trình chuyển đổi có thể được thúc đẩy. Điểm cốt lõi của quá trình chuyển đổi này không chỉ là sự tiến bộ công nghệ, nó phải mang lại lợi ích cho người dùng”.

Kế hoạch tắt sóng 2G tại Việt Nam được chuẩn bị thời gian dài, trong đó có biện pháp như ngừng nhập khẩu máy 2G Only từ 2021, không cho phép nhập mạng mới với điện thoại 2G không có chứng nhận hợp quy. Theo Cục Viễn thông, việc dừng 2G sẽ thúc đẩy sử dụng 4G, đưa người dân lên môi trường số, tận hưởng dịch vụ tiên tiến như thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, từ đó đẩy mạnh chuyển đổi số.

http://Các quốc gia chật vật tắt sóng 2g thế nào-VNexpressBảo Lâm (Theo Rest of World, TechCrunch)

 

Các quốc gia chật vật tắt sóng 2G thế nào-Vnexpress

Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tổ chức Hội nghị Cộng tác viên về công tác tuyên truyền và triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW

Ngày 13/3/2025, tại Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hội nghị Cộng tác viên về triển khai tuyên truyền Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã diễn ra với sự tham gia của lãnh đạo Nhà xuất bản, các cán bộ chủ chốt cùng Nhóm nghiên cứu chuyên sâu Nghị quyết 57. Hội nghị khẳng định vai trò nòng cốt của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có chức năng xuất bản phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với hệ thống xuất bản phẩm chất lượng cao, Nhà xuất bản đóng vai trò tiên phong trong việc truyền tải các nội dung khoa học – công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao nhận thức cộng đồng về cách mạng công nghiệp 4.0

I. Tập trung đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền

Phát biểu khai mạc, Ông Bùi Minh Cường, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật nhấn mạnh vai trò then chốt của đội ngũ cộng tác viên trong việc đưa Nghị quyết 57-NQ/TW đi vào thực tiễn. Hội nghị đã thống nhất phương hướng, nội dung và giải pháp tuyên truyền hiệu quả nhằm lan tỏa tư duy đổi mới, thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ và nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Bùi Minh Cường, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

Các đại biểu đã thảo luận về việc ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội và phương thức truyền thông đa kênh nhằm tối ưu hóa hiệu quả tuyên truyền. Việc kết hợp xuất bản phẩm truyền thống với các nội dung số hóa, tổ chức hội thảo chuyên đề, tọa đàm khoa học và chương trình xuất bản truyền thông tương tác là những giải pháp trọng tâm giúp đưa Nghị quyết 57 đến gần hơn với công chúng.

II. Phát triển nội dung phù hợp với đội ngũ Nhà khoa học và chuyên gia truyền thông

Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là thúc đẩy hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa Nhà xuất bản với đội ngũ Nhà khoa học và chuyên gia truyền thông nhằm đảm bảo chất lượng nội dung, ứng dụng công nghệ trong xuất bản và nâng cao hiệu quả truyền thông nghị quyết. Trong bối cảnh thông tin đa chiều, những người làm công tác nghiên cứu và truyền thông cần có cách tiếp cận chuyên sâu, ứng dụng công nghệ số và phương pháp truyền thông hiện đại để tối ưu hóa việc lan tỏa thông tin. Nhà xuất bản sẽ mời các chuyên gia làm cố vấn hoặc giảng viên cho các chương trình bồi dưỡng kỹ năng xuất bản, truyền thông chính sách, giúp nâng cao chất lượng nội dung và định hướng phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, việc xây dựng mạng lưới chuyên gia truyền thông sẽ tạo điều kiện cho họ cùng tham gia vào các dự án nghiên cứu, xuất bản và truyền thông nghị quyết, từ đó tăng cường sự kết nối giữa lý luận và thực tiễn, đảm bảo nội dung truyền thông có giá trị ứng dụng cao và phù hợp với xu hướng phát triển của ngành.

 

III. Phối hợp nghiên cứu và triển khai các đề tài khoa học, đề tài về xuất bản sách KHCN và ĐMST

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng, việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước mà còn cần sự tham gia của các đơn vị xuất bản, truyền thông, khoa học và công nghệ. Hội nghị khẳng định sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật – đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có chức năng xuất bản phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, với vai trò là đơn vị xuất bản chuyên sâu về khoa học – công nghệ, sẽ chủ trì xây dựng các ấn phẩm nghiên cứu, chuyên khảo và tài liệu tham khảo nhằm hỗ trợ việc triển khai Nghị quyết một cách hiệu quả. Các xuất bản phẩm này không chỉ giúp phổ biến tri thức chuyên môn mà còn góp phần định hướng nhận thức, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các cơ quan báo chí, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp công nghệ sẽ cùng hợp tác để:

  • Nghiên cứu, làm rõ vai trò của các nhà xuất bản trong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, từ đó đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả vào thực tế.
  • Truyền thông, xuất bản nhấn mạnh vai trò của Nghị quyết số 57-NQ/TW trong xu hướng phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam nhằm xác định những cơ hội, thách thức và định hướng chiến lược.
  • Xây dựng các phương thức phổ biến thông qua xuất bản phẩm khoa học và đổi mới sáng tạo, giúp thông tin khoa học trở nên dễ hiểu, gần gũi và có tính ứng dụng cao.
  • Phát triển đội ngũ nhà khoa học đáp ứng yêu cầu đột phá phát triển khoa học, công nghệ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong xuất bàn và nhấn mạnh các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, giáo dục, y tế và quản trị công.

IV. Cam kết đồng hành, lan tỏa thông tin chính thống

Kết luận hội nghị, lãnh đạo Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật khẳng định, công tác tuyên truyền Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xuất bản, báo chí, truyền thông, mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Đội ngũ cộng tác viên sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng, giúp thông tin chính thống đến gần hơn với người dân, tạo sự đồng thuận và hành động thống nhất trong thực hiện chủ trương của Đảng.

Hội nghị khép lại với cam kết từ các đại biểu về việc đẩy mạnh tuyên truyền một cách sáng tạo, hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào đời sống một cách thiết thực nhất.

 

Vụ nổ tàu Starship ảnh hưởng thế nào tới khai thác Mặt Trăng?

Hai vụ nổ tàu Starship liên tiếp trong các thử nghiệm gần đây của SpaceX có thể khiến tiềm năng khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng trở nên xa xôi hơn.

Starship thực hiện chuyến bay thử thứ 8 hôm 6/3 từ cơ sở Starbase của SpaceX. Ảnh: CNN

Tàu vũ trụ Starship ở tầng trên tên lửa cùng tên của SpaceX xoay tròn mất kiểm soát khi cất cánh từ Texas hôm 6/3. Phương tiện mất liên lạc với đội điều khiển trên mặt đất, rơi xuống từ không trung và phát nổ, gây gián đoạn hoạt động của một số sân bay ở Nam Florida. Đây là chuyến bay thứ hai liên tiếp tàu Starship phát nổ khi bay lên cao, có thể đánh dấu một bước thụt lùi lớn. Với mỗi chuyến bay thử của Starship, toàn bộ ngành công nghiệp vũ trụ đều theo dõi sát sao. Công cuộc khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng đang thu hút nhiều sự quan tâm và các chuyên gia vũ trụ cho rằng hoạt động này đòi hỏi một tên lửa Starship hoạt động đầy đủ, theo Business Insider.

Leroy Chiao, cựu phi hành gia NASA từng cố vấn cho SpaceX trong 12 năm, mô tả Starship là “điều thú vị nhất” từ thời Apollo và xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Eric Berger, tác giả hai cuốn sách về SpaceX, cũng chung nhận định. Theo ông, đây là phiên bản tên lửa lớn tái sử dụng hoàn toàn có thể chở người tới Mặt Trăng và là thiết kế thực sự táo bạo.

Dù Mặt Trăng không phải điểm đến yêu thích của Elon Musk với Starship, đây có thể là mục tiêu kinh doanh lớn nhất của tên lửa này. Đó là vì nó được thiết kế để chở trang thiết bị siêu nặng tới Mặt Trăng, hạ cánh trên bề mặt thiên thể và phóng trở về Trái Đất.

Trên hết, cả hai tầng của tên lửa đều có thể tái sử dụng, giúp giảm mạnh chi phí bay vũ trụ, theo Brendan Rosseau, nghiên cứu sinh giảng dạy ở Trường kinh doanh Harvard hiện nay làm việc cho đối thủ Blue Origin của SpaceX. Khả năng đẩy hàng siêu nặng với chi phí thấp đi là điều mà nhiều công ty cần để thực hiện kế hoạch chinh phục Mặt Trăng thông qua vận hành du lịch và khai thác mỏ, chẳng hạn hai công ty ở Texas đã đưa tàu vũ trụ tới Mặt Trăng gần đây. Nhiệm vụ Blue Ghost của Firefly Aerospace hạ cánh trên Mặt Trăng hôm 2/3, chở đầy thí nghiệm nhằm kiểm tra bề mặt và đất Mặt Trăng. Intuitive Machines hạ cánh trên Mặt Trăng lần thứ hai hôm 6/3. Tàu đổ bộ Athena của công ty chở một mạng di động và thí nghiệm khoan.

Cả hai nhiệm vụ đều hướng tới kiểm tra công nghệ chủ chốt để khai thác mỏ trên Mặt Trăng, dù Athena bị đổ kềnh về một bên, không thu thập đủ ánh sáng Mặt Trời và kết thúc nhiệm vụ sớm. Để khai thác băng nước và khoáng sản trên Mặt Trăng, các công ty cần vận chuyển thiết bị nặng tới như máy móc, theo Steve Altemus, giám đốc điều hành Intuitive Machines. “Bạn sẽ cần mang khối lượng hàng lớn hơn tới Mặt Trăng để duy trì sự tồn tại bền vững của con người ở đây. Có nhiều yếu tố cần đảm bảo con người có thể sống lâu dài trên Mặt Trăng”, Altemus said.

Starship có thể chở 110 tấn hàng hóa tới Mặt Trăng, theo chủ tịch kiêm giám đốc tài chính của SpaceX, Gwynne Shotwell. Con số đó lớn gấp 15 lần Kính viễn vọng không gian James Webb và bằng 1/4 trạm ISS. So với nó, tên lửa Saturn V phóng trong các nhiệm vụ Apollo chỉ chở được 50 tấn hàng.

SpaceX sẽ cần chứng minh Starship có thể hoàn thành những gì công ty hứa hẹn. Tính đến nay, hệ thống phóng này đã bay vào không gian vài lần. Tên lửa đẩy Super Heavy quay trở lại Trái Đất nguyên vẹn, được thu hồi bởi cặp đũa gắp trên tháp phóng. Tàu Starship từng bay trở lại từ không gian và đáp xuống đại dương. Hạ cánh trên mặt đất là bước chủ chốt trong quá trình phát triển của phương tiện. Đó là cách SpaceX tái chế hệ thống phóng Starship trong tương lai.

NASA lên kế hoạch để Starship chở phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2027. Hồi tháng 9 năm ngoái, Musk từng chia sẻ Starship có thể thực hiện chuyến bay chở người đầu tiên tới sao Hỏa trong 4 năm nữa. Cả NASA và SpaceX đều đặt mốc thời gian quá lạc quan cho mục tiêu và nhiều lần phải dời lịch. “Chúng ta không biết Starship sẽ đi tới đâu. Có thể nó sẽ không bao giờ tái sử dụng hoàn toàn. Có thể họ sẽ không bao giờ thành công trong việc tái sử dụng nhanh tầng trên”, Berger nói.

An Khang (Theo Business Insider)

Vụ nổ tàu Starship ảnh hưởng thế nào tới khai thác Mặt Trăng? – Báo VnExpress

Kính viễn vọng không gian sắp phóng của NASA có gì đặc biệt?

Các nhà khoa học hào hứng trông đợi kính viễn vọng SPHEREx, dự kiến phóng bằng tên lửa Falcon 9 từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vandenberg ngày 4/3.

Mô phỏng kính viễn vọng SPHEREx. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

“Tôi hứng thú nhất với tính chất toàn bầu trời của kính viễn vọng – SPHEREx sẽ quan sát toàn bộ bầu trời”, Keighley Rockcliffe, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Maryland, cho biết. Thêm vào đó, SPHEREx còn được thiết kế để làm như vậy với độ nét chưa từng có, tạo nên bức tranh toàn cảnh giúp giới khoa học giải quyết câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ, thiên hà và những thành phần thiết yếu của sự sống rải rác trong dải Ngân Hà.

Một mục tiêu khoa học then chốt của SPHEREx là xác định vị trí những thành phần cơ bản của sự sống bên trong “đám mây phân tử” – vùng khí bụi rộng lớn nơi sao và hành tinh hình thành. Để phục vụ mục tiêu này, kính viễn vọng trang bị một máy quang phổ giống như lăng kính để “nhìn” ở những bước sóng vô hình với mắt người, giúp soi sáng hàng triệu ngôi sao và thiên hà cho các nhà khoa học bằng hơn 100 màu hồng ngoại. “Đây là chìa khóa cho việc tìm kiếm nước và phân tử, hợp chất liên quan đến sự sống khác”, Rockcliffe cho biết.

Dù từng phát hiện nhiều phân tử hữu cơ phức tạp trong môi trường liên sao và đĩa tiền hành tinh, con người vẫn chưa biết nhiều về mức độ dồi dào của các khối xây dựng hữu ích, theo nhà sinh học vũ trụ Manasvi Lingam từ Viện Công nghệ Florida. Điều này đồng nghĩa, giới khoa học không rõ chính xác cách phân tử nước đông lạnh được chuyển từ đám mây liên sao đến đĩa tiền hành tinh, nơi chúng sẽ nhập vào các hành tinh mới chào đời. “SPHEREx có thể nâng cấp dữ liệu, giúp đưa ra dự báo tốt hơn về khả năng tồn tại sự sống trên những thế giới đó”, Lingam nói.

Bằng cách lập bản đồ toàn bộ bầu trời, kính viễn vọng NASA trị giá 488 triệu USD này cũng có thể hé lộ sự phân bố và tính chất hóa học của bụi liên sao, vốn chưa được hiểu rõ dù hiện diện phổ biến trong mọi quan sát thiên văn.

Một mục tiêu quan trọng khác của SPHEREx là tìm hiểu quá trình vật lý bí ẩn đã thúc đẩy vũ trụ phình rộng gần như tức thời, chỉ trong một phần tỷ đầu tiên của một phần nghìn tỷ của một phần nghìn tỷ giây sau vụ nổ Big Bang – hiện tượng được gọi là “vũ trụ giãn nở”. “Chúng tôi không hiểu các quá trình vật lý đơn giản vì nó liên quan đến quy mô năng lượng vượt xa mọi thứ chúng tôi có thể thăm dò trên Trái Đất”, Olivier Dore, nhà khoa học tham gia nhiệm vụ SPHEREx, chia sẻ.

Dore cho biết, SPHEREx sẽ lập bản đồ 3D về cách hơn 450 triệu thiên hà phân bố, giúp hé lộ các tín hiệu tinh tế – những gợn sóng được khuếch đại trong quá trình giãn nở và in hằn vào cấu trúc quy mô lớn của vũ trụ – giúp truy dấu đến những khoảnh khắc đầu tiên của vũ trụ. Kính viễn vọng dự kiến lập bản đồ toàn bộ bầu trời 4 lần trong hai năm tới, cho phép giới khoa học quan sát những vùng vũ trụ chưa từng thấy trước đây.

Thu Thảo (Theo Space)

Kính viễn vọng không gian sắp phóng của NASA có gì đặc biệt? – Báo VnExpress

Tàu biển lai máy bay điện lần đầu thử nghiệm chở người

Tàu lượn biển Viceroy Seaglider có thể chạy trên mặt nước với cánh ngầm hoặc bay ở độ cao cách mặt nước 9 – 18 m.

Tàu biển lai máy bay điện Viceroy Seaglider thử nghiệm chở người. Video: Regent Craft

Startup Mỹ Regent Craft thực hiện thành công thử nghiệm chở người đầu tiên với nguyên mẫu tàu lượn điện kích thước đầy đủ, chứng minh ý tưởng của công ty về một loại tàu vượt đại dương mới, New Atlas hôm 10/3 đưa tin. Tàu lượn biển Viceroy Seaglider tận dụng hiệu ứng cánh sát đất (WIGE) – phương tiện có cánh chịu ít lực cản khí động học hơn khi ở gần bề mặt mà nó đang bay phía trên, ví dụ như mặt đất hoặc mặt nước.

Với nhiều cánh quạt đẩy gắn trên cánh dài, Viceroy Seaglider hứa hẹn có thể chở 12 hành khách và hai thành viên phi hành đoàn, hoặc 1.600 kg hàng hóa, vượt quãng đường ít nhất 300 km với tốc độ hành trình 300 km/h. Phương tiện này bay ở độ cao rất thấp, cách mặt nước chỉ 9 – 18 m.

Regent Craft đã nhận được sự chấp thuận từ lực lượng Tuần duyên Mỹ để thử nghiệm nguyên mẫu kích thước đầy đủ của Viceroy vào tháng 9 năm ngoái, và giờ đã thực hiện thành công. Nguyên mẫu này có cùng kích thước với phiên bản sản xuất trong tương lai, dài 16,8 m với sải cánh 19,8 m. Con tàu có thể nổi trên mặt nước, lướt phía trên sóng bằng cánh ngầm và bay sát mặt nước với hiệu ứng cánh sát đất.

Thử nghiệm mới là kết quả của nhiều năm phát triển tàu lượn biển kể từ khi Regent Craft thành lập vào năm 2020. Công ty mất hai năm để chế tạo và cho một nguyên mẫu có kích thước bằng 1/4 kích thước thật cất cánh. Nguyên mẫu kích thước đầy đủ cũng đã trải qua nhiều tháng thử nghiệm các hệ thống khác nhau như động cơ, pin và phần mềm điều khiển phương tiện trước khi chạy trên biển.

Thử nghiệm mới cho phép Regent Craft tiến gần hơn đến việc đưa phương tiện vận tải ven biển tốc độ cao chạy bằng điện này ra thị trường. Công ty cũng đang xây một cơ sở sản xuất lớn tại Rhode Island, dự kiến khánh thành vào năm sau.

Regent Craft hiện đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nơi trên thế giới với tổng giá trị hơn 9 tỷ USD và tin rằng đội tàu của mình sẽ sớm chở khách giữa những hòn đảo nhiệt đới, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ ứng phó với tình huống khẩn cấp. Công ty cũng đang hợp tác với Thủy quân lục chiến Mỹ để nghiên cứu các ứng dụng hậu cần và phòng thủ biển.

Thu Thảo (Theo New Atlas)

Tàu biển lai máy bay điện lần đầu thử nghiệm chở người – Báo VnExpress

Chip Trung Quốc đạt xung nhịp 100 GHz không cần điện

Nhóm nghiên cứu quốc tế do Đại học Bắc Kinh dẫn đầu thiết kế chip quang học dùng ánh sáng để đồng bộ tốc độ của các bộ xử lý.

Chip quang học mới có thể đạt tốc độ xung nhịp 100 GHz, trong khi hiện nay, các chip truyền thống sử dụng điện thường có tốc độ xung nhịp 2-3 GHz, cao nhất cũng chỉ khoảng 6 GHz, Interesting Engineering hôm 7/3 đưa tin. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Electronics.

Mô phỏng hệ thống quang điện tử đồng bộ microcomb. Ảnh: Nature

Bộ xử lý trung tâm (CPU) là cốt lõi của hàng loạt thiết bị điện toán, từ smartphone đến chatbot trang bị trí tuệ nhân tạo (AI), mọi thứ đều cần một bộ xử lý có thể chạy song song nhiều chức năng. Bộ xử lý dùng tín hiệu xung nhịp bên trong để đồng bộ hóa các chức năng. Tín hiệu này cũng quyết định tốc độ hoạt động của bộ xử lý và thường được đo bằng gigahertz (GHz), mỗi giga biểu thị một tỷ chu kỳ xung nhịp mỗi giây. GHz của bộ xử lý càng cao, khả năng tính toán của nó càng lớn.

Chip truyền thống sử dụng bộ dao động điện tử để tạo ra tín hiệu xung nhịp, theo Chang Lin, phó giáo sư tại Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông thuộc Đại học Bắc Kinh. Hạn chế của phương pháp này là tiêu thụ lượng lớn điện, tỏa nhiệt nhiều và không thể tăng tốc độ xung nhịp đáng kể. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã chuyển sang dùng ánh sáng làm phương tiện truyền tải và xử lý thông tin.

Vì ánh sáng di chuyển nhanh hơn nhiều so với điện, các photon (hay hạt ánh sáng) tạo ra tín hiệu xung nhịp có thể xử lý thông tin nhanh hơn. Nhóm nghiên cứu chế tạo một vòng giống như đường đua trên chip, cho phép ánh sáng “chạy” liên tục, sau đó dùng thời gian của mỗi vòng làm tiêu chuẩn của xung nhịp trên chip. Vì các photon di chuyển với tốc độ ánh sáng nên mỗi vòng chỉ mất vài phần tỷ giây.

Chip truyền thống hoạt động ở một tốc độ xung nhịp nhất định nên các ứng dụng không thể đồng bộ ở tốc độ này sẽ đòi hỏi cấu hình chip khác, làm tăng chi phí sản xuất và tính toán. Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia phát triển một “microcomb” trên chip có thể tổng hợp cả tín hiệu băng thông rộng lẫn tần số đơn, trong đó tín hiệu băng thông rộng cung cấp xung nhịp tham chiếu cho các thành phần điện tử khác nhau của hệ thống.

Trên một tấm wafer (hay đĩa bán dẫn) 20 cm, nhóm nghiên cứu có thể tạo ra hàng nghìn chip quang học mới. Những chip này có thể lập tức dùng để triển khai các giải pháp thân thiện với người dùng. Ví dụ, chip có thể được sử dụng cho liên lạc điện thoại di động ở cả mạng 5G lẫn 6G, việc tăng tốc độ mạng cũng sẽ không đòi hỏi cập nhật phần cứng điện thoại. Sử dụng chip quang học trong các trạm gốc còn giúp giảm chi phí thiết bị và mức năng lượng tiêu thụ.

Ngoài ra, tốc độ xung nhịp cao hơn cho phép tính toán nhanh hơn, thúc đẩy AI phát triển theo cách tiết kiệm năng lượng hơn. Ứng dụng chip quang học mới trong lái xe tự động có thể tăng độ chính xác và tốc độ phản hồi.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)

Chip Trung Quốc đạt xung nhịp 100 GHz không cần điện – Báo VnExpress

Nhà khoa học Việt làm chip AI mô phỏng cơ chế não người

Nhóm nghiên cứu EDABK của Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thử nghiệm thành công chip trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới lấy cảm hứng từ cách thức hoạt động của bộ não con người.

Chip EDABK-Brain do nhóm phát triển đã giành giải Nhất cuộc thi thiết kế chip quốc tế Silicon Design Challenge lần thứ 3, do hãng eFabless tổ chức và Google đồng tài trợ năm 2024.

PGS Nguyễn Đức Minh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, ý tưởng cốt lõi là mô phỏng cấu trúc hoạt động của bộ não để thiết kế thế hệ chip AI mới, nhằm giảm thiểu năng lượng tiêu thụ. Các hệ thống AI hiện đại như GPT của OpenAI cần tới hàng chục nghìn GPU để huấn luyện, tiêu tốn lượng điện năng khổng lồ. Trong khi đó, bộ não con người chỉ tiêu thụ khoảng 20W mà vẫn xử lý thông tin phức tạp hiệu quả. “Chúng tôi muốn học theo cơ chế này để tối ưu hóa hiệu năng chip AI”, PGS Minh nói.

Chip AI thế hệ mới EDABK-Brain. Ảnh: NVCC

Kiến trúc chip truyền thống dựa trên mô hình Von Neumann, với sự phân tách giữa bộ nhớ và bộ xử lý. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa áp dụng kiến trúc “in-memory computing” (tính toán ngay tại bộ nhớ), giúp phần tử tính toán và bộ nhớ nằm gần nhau. Kiến trúc này mô phỏng mạng neuron dạng xung, tương tự hoạt động của hệ thần kinh sinh học, giúp tăng tốc xử lý và giảm thiểu tiêu hao năng lượng.

Bên cạnh việc ứng dụng kiến trúc mới, nhóm còn tận dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ thiết kế chip. TS Hoàng Phương Chi, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “nhóm sử dụng các công cụ AI, bao gồm cả ChatGPT, để tối ưu hóa quá trình thiết kế, giúp rút ngắn thời gian phát triển từ ý tưởng đến sản phẩm hoàn thiện chỉ trong 12 ngày”. Tuy nhiên, TS Chi nhấn mạnh để đạt được thành quả này, nhóm đã có hơn ba năm nghiên cứu nền tảng, bắt đầu từ năm 2020 và công bố công trình đầu tiên tại hội thảo khoa học châu Âu vào năm 2021.

Chip EDABK-brain do nhóm phát triển có quy mô nhỏ hơn so với các sản phẩm thương mại của IBM hay Intel. Nó được chế tạo trên tiến trình 130 nm với 256 nơ-ron và 65.000 khớp nối thần kinh, trong khi các chip tiên tiến nhất hiện nay đạt tới hàng triệu nơ-ron. Dù còn hạn chế về quy mô, nhưng theo PGS Nguyễn Đức Minh, đây là bước khởi đầu quan trọng, đặt nền tảng cho các nghiên cứu tiếp theo.

Nhóm nghiên cứu đo thử chip tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Hiện nay, các tập đoàn lớn như IBM và Intel cũng đang theo đuổi hướng phát triển chip AI lấy cảm hứng từ bộ não. Tuy nhiên, nhóm của Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung vào xây dựng hệ thống mở hoàn toàn (open-source), bao gồm cả công cụ thiết kế, tổng hợp và huấn luyện mô hình. Đây là yếu tố giúp nhóm giành giải thưởng tại cuộc thi thiết kế chip quốc tế.

PGS Nguyễn Đức Minh cho biết, chip có thể tích hợp vào các thiết bị đeo thông minh như kính thực tế tăng cường (AR), máy đo điện tim, điện não nhằm phát hiện sớm các bất thường sinh học. Nhờ tiêu thụ ít năng lượng, chip có thể hoạt động lâu dài mà không cần nguồn cung cấp lớn.

Hiện tại, nhóm tiếp tục nghiên cứu, phát triển các phiên bản chip AI tiên tiến hơn, góp phần vào xu hướng toàn cầu trong xây dựng các hệ thống tính toán tiết kiệm năng lượng và có khả năng xử lý các tác vụ AI phức tạp tại biên (Edge AI) – tức là xử lý thông tin ngay tại thiết bị mà không cần máy chủ trung tâm, giúp phản hồi nhanh hơn nhưng tiêu thụ năng lượng thấp.

Nhật Minh

Nhà khoa học Việt làm chip AI mô phỏng cơ chế não người

 

Pin nhiên liệu hydro lần đầu hoạt động tại châu Nam Cực

Trung Quốc triển khai thành công pin nhiên liệu hydro tại trạm Qinling hôm 5/3, đánh dấu bước tiến quan trọng cho công nghệ năng lượng tái tạo.

Pin nhiên liệu hydro mới, do một doanh nghiệp công nghệ năng lượng hydro thuộc Tập đoàn Đầu tư Điện lực Nhà nước Trung Quốc phát triển, là thành phần cốt lõi trong hệ thống lưới điện vi mô của trạm Qinling – trạm nghiên cứu rộng 5.244 m2 của Trung Quốc ở châu Nam Cực. Qinling có thể hoạt động quanh năm, chứa tới 80 người vào mùa hè và 30 người vào mùa đông. Trạm xây dựng trên đảo Inexpressible, hòn đảo nhiều đá và có gió mạnh, gần Biển Ross.

Trạm nghiên cứu khoa học Qinling của Trung Quốc ở châu Nam Cực, chụp bằng drone ngày 6/2/2024. Ảnh: China Daily

Hệ thống pin nhiên liệu tại trạm Qinling gồm một bể chứa hydro dung tích tối đa 50 m3 và được thiết kế để có thể mở rộng theo module. Nó có thể đạt hiệu suất phát điện 50%, hiệu suất kết hợp điện và nhiệt trên 90%, tuổi thọ thiết kế là 40.000 giờ.

Khi hoạt động độc lập, pin nhiên liệu có thể cung cấp điện liên tục cho trạm trong tối đa 24 ngày, với công suất tối đa 30 kW. So với quá trình phát điện dựa vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống, pin nhiên liệu hydro mới tiết kiệm khoảng 400 gram than tiêu chuẩn và giảm phát thải khoảng 1 kg CO2 với mỗi kWh điện được sản xuất.

Khi điều kiện gió và ánh sáng mặt trời thuận lợi, lượng điện dư thừa mà các hệ thống điện gió và mặt trời tạo ra sẽ dùng để sản xuất hydro. Lượng hydro này được lưu trữ để sử dụng sau. Khi điện gió và mặt trời ở mức thấp, hydro lưu trữ được chuyển trở lại thành điện và nhiệt thông qua pin nhiên liệu, đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định và bền vững.

Việc ứng dụng thành công ở châu Nam Cực giúp xác nhận độ tin cậy của công nghệ pin nhiên liệu hydro trong môi trường nhiệt độ cực thấp, giải quyết một thách thức lớn trong việc sử dụng năng lượng hydro cho các hệ thống năng lượng vùng cực. Thành tựu này cũng đặt ra tiêu chuẩn mới cho việc xây dựng hệ thống năng lượng và lưới điện vi mô trong những môi trường lạnh và khắc nghiệt khác trên thế giới.

Thu Thảo (Theo Xinhua)

Pin nhiên liệu hydro lần đầu hoạt động tại châu Nam Cực – Báo VnExpress

Bộ xử lý lượng tử nhanh gấp triệu tỷ lần siêu máy tính

Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc phát triển bộ xử lý lượng tử 105 qubit có thể hoạt động ở tốc độ nhanh gấp một triệu tỷ lần siêu máy tính nhanh nhất hiện nay.

Sơ đồ mạch của bộ xử lý Zuchongzhi-3. Ảnh: Phys.org

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC) ra mắt một nguyên mẫu máy tính lượng tử siêu dẫn nhanh gấp một triệu lần bộ xử lý lượng tử Sycamore mà Google giới thiệu năm ngoái. Mang tên Zuchongzhi-3, bộ xử lý lượng tử của USTC gồm 105 qubit và 182 khớp nối, thể hiện tính ưu việt trong các phép tính lấy mẫu mạch lượng tử ngẫu nhiên. So với nó, bộ xử lý Sycamore của Google từng đạt ưu thế lượng tử, có 67 qubit, Interesting Engineering hôm 4/3 đưa tin.

Khi bắt đầu xây dựng siêu máy tính cấp exascale, giới khoa học tìm cách chế tạo thế hệ máy tính tiếp theo chỉ mất vài giây để thực hiện tính toán mà siêu máy tính mất nhiều năm. Họ nỗ lực đạt điều đó thông qua sử dụng những đặc điểm vật liệu ở cấp lượng tử. Các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để tìm ra và thể hiện tính ưu việt công nghệ trong lĩnh vực này. Cộng đồng khoa học nhận định quá trình phát triển máy tính lượng tử sẽ gồm ba bước quan trọng: đạt ưu thế lượng tử trong đó máy tính lượng tử thay thế những máy tính thường cao cấp nhất, phát triển mô phỏng lượng tử với hàng trăm qubit có thể giải quyết vấn đề thực tế, cuối cùng là tăng độ chuẩn xác của kết quả nhằm phát triển máy tính lượng tử đa dụng.

Mỹ có lợi thế tiên phong trong ngành máy tính lượng tử khi bộ xử lý Sycamore 53 qubit của Google hoàn thành phép tính mạch ngẫu nhiên trong 200 giây vào năm 2019. Khi đó, những siêu máy tính nhanh nhất thế giới mất tới 10.000 năm để hoàn thành nhiệm vụ tương tự. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu ở USTC sử dụng 1.400 chip A100 GPU từ Nvidia để hoàn thành nhiệm vụ tương tự trong 14 giây vào năm 2023, vượt qua Google. Họ cũng phát triển bộ xử lý lượng tử quang mang tên “Jiuzhang”, ra mắt lần đầu tiên năm 2020.

Năm 2021, nhóm nghiên cứu ở USTC giới thiệu máy tính lượng tử siêu dẫn có tên “Zuchongzhi 2.1” rất giống bộ xử lý Sycamore. Năm 2023, Trung Quốc thể hiện ưu thế lượng tử bằng cách sử dụng bộ xử lý 255 photon, nhanh gấp 1 triệu tỷ lần siêu máy tính tốc độ cao nhất.

Trong khi cải tiến Zuchongzhi-2, nhóm nghiên cứu ở USTC tăng số lượng qubit lên 105 để chế tạo bộ xử lý Zuchongzhi-3. Với thời gian kết hợp 72 micro giây, bộ xử lý có thể thực hiện nhiều tính toán phức tạp hơn. Để đánh giá khả năng của nó, các nhà nghiên cứu tiến hành phép tính lấy mẫu mạch ngẫu nhiên 32 lớp với 83 qubit. Họ phát hiện bộ xử lý này nhanh gấp một triệu lần bộ xử lý Sycamore của Google. Nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào cải thiện sửa lỗi ở bộ xử lý và đạt những khả năng lượng tử khác như mô phỏng và rối qubit. Họ đang sử dụng cấu trúc mạng hai chiều nhằm thúc đẩy kết nối giữa các qubit. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Physical Review Letters.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Bộ xử lý lượng tử nhanh gấp triệu tỷ lần siêu máy tính – Báo VnExpress

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam sẵn sàng lên quỹ đạo

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam đã chế tạo xong, hệ thống mặt đất tại Hòa Lạc cũng hoàn thành, sẵn sàng nhận dữ liệu sau khi vệ tinh phóng lên quỹ đạo.

Thông tin được PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chia sẻ với VnExpress ngày 5/3.

Kế hoạch phóng LOTUSat-1 vào tháng 2/2025 phải dời lại và chưa có lịch cụ thể, do tên lửa đẩy Epsilon-S phóng thử nghiệm không thành công hôm 26/11/2024.

“Phía Nhật Bản đang cân nhắc giữa việc tiếp tục sử dụng Epsilon-S sau khi khắc phục hoặc chuyển loại tên lửa khác”, PGS Tuấn nói. Ông cho biết VNSC đang phối hợp với các đối tác Nhật Bản xác định ngày phóng mới, đảm bảo vệ tinh hoạt động ổn định sau khi phóng trong thời gian sớm nhất.

Tại tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản ngày 1/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Chính phủ, doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án hợp tác trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước. Điển hình như dự án hợp tác phóng vệ tinh vào quỹ đạo năm 2025.

Các kỹ sư của Việt Nam tham gia chế tạo vệ tinh. Ảnh: VNSC

Một đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của Việt Nam đã được cử đến Nhật Bản để theo dõi toàn bộ quá trình thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm vệ tinh trong môi trường giả lập, từ giai đoạn phóng đến hoạt động trong không gian. PGS Tuấn xác định đây là các khâu then chốt nhằm tiếp nhận và từng bước làm chủ công nghệ, là cơ hội quý để VNSC tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn về sản xuất công nghiệp quy mô lớn và nâng cao kiến thức chuyên sâu.

Việc chế tạo LOTUSat-1 là một trong những bước đặt nền móng cho Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tiến tới tự chủ hơn trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Tại Việt Nam, hệ thống mặt đất được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, bao gồm anten mặt đất đường kính 9,3 m để thu nhận tín hiệu, trung tâm điều khiển, vận hành vệ tinh và trung tâm xử lý dữ liệu vệ tinh. VNSC đã tiếp nhận công nghệ từ Nhật Bản để vận hành hệ thống này. Vệ tinh sẽ thực thi các nhiệm vụ được đặt hàng, trọng tâm trước mắt là các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Dữ liệu từ vệ tinh sẽ được xử lý nhanh chóng, cung cấp thông tin chính xác, hỗ trợ cơ quan chức năng và người dân ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc gia.

Vệ tinh LOTUSat-1 được chế tạo tại Nhật Bản. Ảnh: VNSC

ệ tinh LOTUSat-1 thuộc dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất”. Dự án được khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội từ tháng 9/2012, sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam.

LOTUSat- 1 có trọng lượng 600 kg, là vệ tinh công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. Vệ tinh sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác giúp ứng phó với thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường.

Hồi tháng 11/2023 GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và GS Yamakawa Hiroshi, Chủ tịch Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã ký thỏa thuận thực hiện nghiên cứu khả thi trong hợp tác khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Theo hợp tác này, hai bên chia sẻ các kinh nghiệm vận hành khai thác vệ tinh LOTUSat-1 trên quỹ đạo, kinh nghiệm vận hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và tìm phương án chia sẻ dữ liệu ảnh vệ tinh.

Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ từ năm 2006. Dưới sự hỗ trợ của JAXA, các kỹ sư của VAST đã nghiên cứu, chế tạo ba vệ tinh siêu nhỏ “Made in Viet Nam” gồm PicoDragon, NanoDragon và MicroDragon và đã được JAXA hỗ trợ phóng thành công vào quỹ đạo.

Bảo Chi

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam sẵn sàng lên quỹ đạo – Báo VnExpress