Gánh nặng tiêu thụ điện khổng lồ từ AI

Nhu cầu tiêu thụ điện cực lớn của những trung tâm dữ liệu phục vụ phát triển AI đang gây áp lực cho lưới điện ở nhiều bang của Mỹ.

Trung tâm dữ liệu phục vụ phát triển AI có thể tiêu tốn lượng điện nhiều ngang một thành phố nhỏ. Ảnh: Bloom Energy

Trí tuệ nhân tạo đã tiến hóa từ một lĩnh vực khoa học máy tính chuyên biệt thành lực lượng định hình lại kinh tế, quốc phòng và đời sống hàng ngày trên toàn cầu. Tuy nhiên, phía sau mỗi thành tựu AI đều có một cơ sở thầm lặng với cơn khát điện dường như vô tận, đó là những trung tâm dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu chứa vô số giá đặt máy chủ dùng để lưu trữ và xử lý tệp dữ liệu đồ sộ, tiêu hao năng lượng lớn chưa từng thấy. Khi AI ngày càng phát triển, câu hỏi đặt ra là liệu mọi người có cần hy sinh nhu cầu điện hàng ngày để AI có thể tiếp tục hoạt động?

Trung tâm dữ liệu AI và nhu cầu điện tăng vọt

Trung tâm dữ liệu luôn tiêu thụ lượng lớn điện, nhưng AI khiến lượng tiêu thụ tăng đáng kể. Huấn luyện thuật toán cho những mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT hoặc trình tạo hình ảnh như Midjourney đòi hỏi xử lý bằng GPU và phần cứng chuyên dụng. Những công việc này phải được chuyển sang trung tâm dữ liệu đám mây. Laptop hoặc điện thoại không thể xử lý ở quy mô như vậy. James Walker, giám đốc điều hành công ty Nano Nuclear Energy Inc., nhấn mạnh nhu cầu điện ngày càng tăng ở các dự án AI. “Chúng tôi đã trò chuyện với một số người đang xây dựng trung tâm dữ liệu, một số dự kiến cần tới 2 GW điện”, Walker cho biết.

Ngay cả trung tâm dữ liệu quy mô trung bình cũng có thể tiêu thụ nhiều điện ngang một thành phố nhỏ. Nhà phân tích công nghệ Jack Gold chia sẻ cơ sở như XAI của Elon Musk ở Tennessee có thể cần lượng điện tương đương hàng chục nghìn ngôi nhà. Áp lực điện có thể khổng lồ nếu hàng chục hoặc hàng trăm trung tâm như vậy hoạt động.

Alex de Vries, nhà sáng lập DigiEconomist, đã theo dõi ngành công nghiệp kỹ thuật số trong nhiều năm, từ đào tiền ảo tới điện toán đám mây. “Trung tâm dữ liệu có thể chiếm ít nhất 1% lượng tiêu thụ điện toàn cầu trong thập kỷ qua. Do những xu hướng cần nhiều năng lượng như AI, tỷ lệ sẽ tăng lên 3 – 4% trên thế giới. Chúng đã sử dụng nhiều điện hơn toàn bộ nước Pháp”, de Vries nói.

Áp lực đối với lưới điện

Lưới điện hiện đại là hệ thống phức tạp bao gồm nhà máy điện, trạm biến áp và đường dây truyền tải phân phối điện trên khu vực rộng lớn. Mỗi nhà máy đều có công suất cung cấp điện tối đa. Việc tăng thêm những trung tâm dữ liệu AI khổng lồ có thể khiến lưới điện địa phương quá tải, đặc biệt ở khu vực đang vật lộn với tình trạng thiếu điện.

Nhiều nơi ở Mỹ như California và Arizona chật vật cắt điện luân phiên khi nhu cầu cao điểm. Đưa những trung tâm dữ liệu mới quy mô gigawatt vào các khu vực này có thể khiến thách thức thêm trầm trọng. Ngay cả ở bang có công suất thặng dư như Texas, North Dakota, và Wyoming, nhà chức trách cũng phải cân nhắc xây dựng hoặc nâng cấp đường dây, xây nhà máy điện và quản lý tác động tiềm ẩn đối với điện dân dụng.

Theo de Vries, nhu cầu gia tăng đột ngột có thể đẩy giá điện lên cao hơn. “Nếu nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu của AI, kết quả duy nhất có thể là giá điện cao hơn. Ngoài ra, một số nhà máy điện cũ như nhà máy nhiệt điện có thể cần tái kích hoạt, dấy lên lo ngại về môi trường”, ông cho biết.

Những nguồn điện tái tạo như điện gió và điện mặt trời đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bản chất gián đoạn của chúng là một vấn đề đối với các trung tâm dữ liệu đòi hỏi nguồn cung cấp liên tục, ổn định. Trang trại pin lớn hoặc giải pháp lưu trữ năng lượng khác có thể giảm bớt biến động nhưng sẽ tăng thêm chi phí và cần diện tích đất đáng kể.

Năng lượng hạt nhân

Một giải pháp tiềm năng là năng lượng hạt nhân. Điện hạt nhân không thải khí chứa carbon ở thời điểm sản xuất, cung cấp phụ tải cơ bản đáp ứng nhu cầu của trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn đi kèm chi phí cao, thời gian xây dựng kéo dài và trở ngại từ quy định. Ví dụ, nhà máy Hinkley Point C ở Anh đối mặt với trì hoãn kéo dài nhiều năm và kinh phí đội lên hàng tỷ USD.

Gold nhận thấy tiềm năng ở những lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR). Nhiều công ty khởi nghiệp SMR như Last Energy và Rolls-Royce đề xuất giải pháp thuận tiện như lò phản ứng hạt nhân lắp đặt tại chỗ để cung cấp điện cho trung tâm dữ liệu. Loại lò phản ứng nhỏ này cũng có thể đặt trên tàu chở hàng hoặc địa điểm xa xôi, cung cấp điện cho hệ thống công nghiệp trong nhiều thập kỷ mà không cần tiếp nhiên liệu. Một số nhà phát triển AI cho rằng điện hạt nhân là giải pháp tin cậy duy nhất để đáp ứng mục tiêu năng lượng trong 20 năm tới.

Tuy nhiên, hầu hết dự án SMR vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Việc cấp giấy phép an toàn cho điện hạt nhân rất nghiêm ngặt và cộng đồng phải cảm thấy thoải mái khi đặt lò phản ứng sau nhà họ, ngay cả ở dạng module.

Tiêu thụ nước

Ngoài điện, trung tâm dữ liệu AI cũng cần lượng nước khổng lồ để làm mát máy chủ. Một cơ sở trung bình có thể tiêu thụ hơn 1,2 triệu lít nước mỗi ngày, tương đương 100.000 hộ gia đình. Giải pháp làm mát thay thế như đặt trung tâm dữ liệu dưới nước hoặc hệ thống bay hơi phức tạp, đi kèm nhiều thách thức về vận chuyển và môi trường.

AI là một công cụ cực mạnh thúc đẩy thành tựu trong chăm sóc sức khỏe, tài chính, phương tiện tự động,… Những lợi ích của nó có thể mang tính cách mạng nhưng với chi phí tiêu thụ điện ở mức lớn liên tục. Trong thời gian ngắn, giới chuyên gia dự đoán giá điện có thể tăng cao, lưới điện sẽ chịu áp lực khi phải đáp ứng nhu cầu của AI. Trong thời gian dài hơn, các giải pháp tiên tiến như SMR, lưu trữ pin quy mô lớn, thậm chí chỉnh sửa lưới điện có thể đem lại sự cân bằng.

Thực tế chắc chắn là sự phát triển của AI sẽ không chững lại. Với những mô hình cao cấp hơn, robot thời gian thực và dịch vụ dữ liệu mới, nhu cầu về điện sẽ càng tăng mạnh. Mọi người không cần hy sinh nhu cầu điện hàng ngày cho AI. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy hóa đơn tiền điện cao hơn, gián đoạn dịch vụ và tác động tới môi trường nếu lưới điện không thay đổi để theo kịp sự phát triển của AI.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Gánh nặng tiêu thụ điện khổng lồ từ AI-VNexpress

Lắp đặt camera kỹ thuật số lớn nhất thế giới

Mỹ-Camera LSST 3.200 megapixel lớn cỡ một chiếc xe nhỏ và nặng 3 tấn, bằng nửa trọng lượng của voi châu Phi đực, sẽ khám phá những bí ẩn về vật chất tối và năng lượng tối.

Đội ngũ ở Đài quan sát Vera C. Rubin lắp đặt camera LSST vào tháng 3/2025. Ảnh: DOE

Các nhà nghiên cứu đã hoàn thành một cột mốc quan trọng với đài quan sát Vera C. Rubin với việc lắp đặt camera LSST khổng lồ của kính viễn vọng, bộ phận quang học cuối cùng trước khi bắt đầu giai đoạn thử nghiệm, Space hôm 17/3 đưa tin. Camera Kính viễn vọng khảo sát khái quát lớn (LSST) lớn cỡ chiếc xe được lắp đặt gần đây ở Đài quan sát Vera C. Rubin là camera kỹ thuật số lớn nhất từng được chế tạo, dùng để ghi lại hình ảnh chi tiết của bầu trời Nam bán cầu trong hơn một thập kỷ.

“Lắp đặt camera LSST trên kính viễn vọng là một chiến thắng khoa học và kỹ thuật”, Harriet Kung, giám đốc Văn phòng Khoa học thuộc Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), cho biết. “Chúng tôi đang mong đợi những bức ảnh chưa từng có mà camera này sẽ tạo ra”.

Kính viễn vọng này là dự án do Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ và Văn phòng Khoa học của DOE cấp kinh phí, đặt theo tên tiến sĩ Vera C. Rubin, nhà thiên văn học người Mỹ nổi tiếng với nghiên cứu cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về sự tồn tại của vật chất tối.

Cùng với đồng nghiệp Kent Ford, Rubin nhận thấy trong nhiều thiên hà mà họ nghiên cứu, các ngôi sao ở rìa ngoài di chuyển nhanh như ngôi sao ở gần trung tâm. Điều này rất bất thường bởi theo vật lý Newton và định luật về chuyển động hành tinh của Kepler, vật thể càng xa trung tâm của hệ thống trọng lực sẽ bay quanh quỹ đạo chậm hơn do lực hấp dẫn yếu đi. Lực hấp dẫn từ khối lượng đã quan sát không đủ giữ cho những ngôi sao bay nhanh gắn bó với thiên hà. Nếu không có thêm khối lượng giúp tăng lực hấp dẫn, thiên hà sẽ tan rã. Rubin và đồng nghiệp kết luận có một dạng khối lượng chưa từng thấy gắn kết thiên hà, gọi là vật chất tối.

Kính viễn vọng Rubin sẽ tìm hiểu những bí ẩn của năng lượng tối và vật chất tối bằng công nghệ tiên tiến. Thiết kế gương hiện đại, camera độ nhạy cao, tốc độ khảo sát nhanh và cơ sở hạ tầng máy tính cao cấp đại diện cho các đột phá trong lĩnh vực tương ứng. Cách vài đêm, Rubin sẽ khảo sát toàn bộ bầu trời, tạo ra thước phim time-lapse độ phân giải siêu cao, siêu rộng về vũ trụ. Mỗi hình ảnh sẽ lớn đến mức cần 400 màn hình TV cực nét.

Dù camera LSST là một kỳ quan kỹ thuật, quá trình lắp đặt không kém phần khó khăn. Vào tháng 3/2025, sau nhiều tháng thử nghiệm ở phòng vô trùng của Đài quan sát Rubin, đội phụ trách sử dụng một sàn nâng để chuyển camera tới nền kính viễn vọng. Sau đó, một thiết bị nâng sẽ tùy chỉnh sau đó được đặt vào vị trí và gắn lên kính viễn vọng lần đầu tiên.

Trong vòng vài tuần tới, những chức năng và hệ thống của camera LSST sẽ được kết nối và kiểm tra. Không lâu sau, nó sẽ sẵn sàng chụp hình ảnh chi tiết của bầu trời đêm. Dự kiến kính viễn vọng Rubin đang xây dựng ở Cerro Pachón, Chile, sẽ bắt đầu hoạt động quan sát năm 2025.

An Khang (Theo Space)

Lắp đặt camera kỹ thuật số lớn nhất thế giới-VNexpress

Diện mạo ga T3 Tân Sơn Nhất trước thời điểm hoạt động

TP HCM – Hơn một tháng trước vận hành, ga T3 tổng đầu tư 11.000 tỷ đồng dần hoàn thiện những hạng mục cuối sau gần hai năm thi công.

Ngày 18/3, nhìn từ trên cao nhà ga T3 đã thành hình sau gần hai năm xây dựng. Công trình cơ bản hoàn thiện các hạng mục chính, dự kiến khánh thành dịp 30/4, sớm hơn kế hoạch hai tháng. Cạnh đó hệ thống hạ tầng giao thông kết nối gồm đường bộ, cầu vượt cũng dần xong, chờ thông toàn tuyến với thời điểm vận hành ga.

T3 là nhà ga phục vụ khách nội địa lớn nhất nước với 20 triệu hành khách, nâng tổng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, khởi công cuối năm 2022, trong đó gói thầu chính là xây dựng ga hành khách bắt đầu triển khai từ tháng 8/2023.

Ga T3 có quy mô một tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2. Công trình gồm 4 hạng mục chính: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay. Các nhánh cầu dẫn lên các tầng nhà ga đang được thảm nhựa, phần mái lợp nhôm cũng cơ bản hoàn thiện.

Khu phức hợp thương mại – văn phòng dần thành hình, thiết kế theo kiểu hình tròn xoắn ốc. Hạng mục được thiết kế với thiết kế kiến trúc xanh, tích hợp các yếu tố tự nhiên và cảnh quan, tạo nên môi trường thân thiện.

Mặt trước của nhà ga hướng ra đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hoà. Hạng mục này đang lợp mái, lắp kính, thảm nhựa lối ra vào, thi công cảnh quan phía dưới.

Nhà ga khi hoạt động sẽ khai thác các chuyến bay nội địa của hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air. Trước khi triển khai phương án trên, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cho thử nghiệm toàn bộ quy trình vận hành và đưa vào khai thác chính thức sau giai đoạn cao điểm đi lại dịp lễ 30/4 và 1/5. Các hãng Vasco, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines vẫn khai thác tại ga T1 hiện hữu.

Phần mái che nhô ra tại sảnh ở tầng trên dần hoàn thiện bộ khung trước khi lợp mái bằng nhôm và kính.

Theo thiết kế, nhà ga T3 có lớp mái cong mềm mại trải dài từ ga đến vườn trung tâm của công trình phức hợp thương mại – văn phòng, gợi nhớ đến đường nét mềm mại của tà áo dài Việt Nam, biểu trưng cho sự duyên dáng, thanh lịch. Các lớp mái lên xuống, đan xen tạo sự đa dạng trong các góc nhìn, đồng thời mang ánh sáng tự nhiên vào trong nhà ga.

Bên trong tầng trên cùng là khu vực làm thủ tục hàng không cơ bản xong. Nhà đầu tư đang hoàn thiện phần trần, lắp đặt vách kính, lát sàn đá. Ảnh sau là khu phòng chờ VIP dành cho hành khách ở tầng này.

Các khu vực cho hành khách chờ máy bay, kiểm tra an ninh soi chiếu, quầy thủ tục… cũng sắp hoàn thiện sau hai năm thi công.

Nhà ga có 25 cửa kiểm soát an ninh, với các vách ngăn bằng kính đang xây dựng

Các quầy làm thủ tục bay đang lắp đặt máy móc, phía sau là hệ thống bagdrop thả hành lý. Nhà ga có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 ki-ốt check in.

Tầng dưới là khu ga đến và nơi lấy hành lý của hành khách. Khu vực này đã lắp đặt cơ bản trần, lát gạch, bảng chỉ dẫn, băng chuyền…

Hướng ra sân bay là bãi đỗ máy bay cùng các ống lồng dần thành hình. Phần kính ở mặt này cũng đã thi công xong. Theo thiết kế, công trình có 27 cửa ra tàu bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe bus).

Song song thi công phần kết cấu, hệ thống thiết bị, máy móc cũng đang được lắp đặt, hoàn thiện. Các hạng mục có khối lượng lớn như: ống gió điều hòa, phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước đã lắp đặt ở các tầng B2 tòa nhà thương mại, tầng B1 và 1 nhà ga hành khách.

Công trường hiện có khoảng 3.300 công nhân và kỹ sư, với nhiều mũi triển khai nhằm đẩy nhanh phần xây dựng. Tuỳ thời điểm, khối lượng công việc mà công nhân sẽ làm thêm cả ban đêm để kịp tiến độ.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có có hai nhà ga T1 (nội địa) và T2 (quốc tế) với công suất thiết kế ban đầu từ 28-30 triệu lượt khách/năm. Hiện lượng khách qua đây liên tục vượt ngưỡng 40 triệu lượt mỗi năm gây áp lực lớn lên hạ tầng. Khi nhà ga T3 hoạt động sẽ đảm nhận khoảng 80% lượng khách nội địa, giúp giảm áp lực cho nhà ga T1 đã quá tải nghiêm trọng.

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: ACV

Vị trí nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Đăng Hiếu

Quỳnh Trần – Gia Minh

Diện mạo ga T3 Tân Sơn Nhất trước thời điểm hoạt động-Vnexpress

7 cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ

Các cơ chế, chính sách thí điểm về thương mại hóa nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí phát triển 5G, bán dẫn được đưa ra nhằm tạo đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sáng 18/3, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết việc hoàn thiện thể chế đã đạt được một số kết quả. Trong đó, Nghị quyết số 193 của Quốc hội, được ban hành ngày 19/2, cho phép thí điểm các cơ chế, chính sách đặc biệt thuộc các nhóm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu

Đây được đánh giá là nội dung có nhiều vướng mắc kéo dài thời gian qua. Để tránh rủi ro, nhiều thủ tục phức tạp được đưa ra, dồn trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu, khiến họ không dám nhận những nghiên cứu lớn. Tuy nhiên theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nghiên cứu là một loại đầu tư có rủi ro cao.

Nghị quyết 193 cho phép thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết nghiên cứu mà không phải cam kết về kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài. Nghị quyết cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ, đồng thời cũng có quy định miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.

Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Người làm nghiên cứu được hưởng kết quả thương mại hóa

Nghị quyết cho phép cơ sở nghiên cứu theo từng loại hình tổ chức được sử dụng hoặc sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu để chủ động thương mại hóa. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được tham gia lập và điều hành doanh nghiệp.

“Đây là những chính sách rất mạnh mẽ để sớm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn trước đây, tạo ra ích nước lợi nhà”, Bộ đánh giá.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả nghiên cứu phải được thương mại hóa mới góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, nhà nước sẽ thu được thuế, tạo ra công ăn việc làm, đất nước có trình độ khoa học, công nghệ cao hơn. Đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước đối với các khoản chi khoa học, công nghệ.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng thí điểm cho phép doanh nghiệp chi cho khoa học, công nghệ ngoài Quỹ khoa học, công nghệ và được tính là chi phí hợp lệ, được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trước đây, việc giới hạn chi khoa học, công nghệ được hưởng ưu đãi thuế chỉ trong phạm vi Quỹ khoa học, công nghệ đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam chi cho nghiên cứu phát triển ít hơn các nước tới 10 lần.

Hỗ trợ kinh phí để phát triển nhanh 5G

Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G toàn quốc, với mức hỗ trợ một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân, với điều kiện doanh nghiệp đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G được nghiệm thu đến ngày 31/12.

Theo Bộ, mỗi nhà mạng thông thường đầu tư khoảng 5.000 trạm 5G một năm, “vì vậy nếu muốn đầu tư tới 20.000 trạm để phủ sóng nhanh, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Điều này phù hợp với Nghị quyết 57 xác định cơ sở hạ tầng viễn thông là một thành phần quan trọng của hạ tầng số, là hạ tầng nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, được Nhà nước ưu tiên phát triển và bảo vệ như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng.

Cho phép dịch vụ Internet vệ tinh nước ngoài

Nghị quyết 193 đưa ra chính sách thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Đây là công nghệ mới được đánh giá mang lại hiệu quả trong việc phủ sóng băng rộng cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi, hải đảo. Tuy nhiên theo quy định trước đây, doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp cần hợp tác với một doanh nghiệp trong nước.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, Nghị quyết cho phép thí điểm doanh nghiệp với sở hữu nước ngoài tới 100% được cung cấp dịch vụ, với điều kiện đảm bảo quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia.

Hai ăng-ten thu phát sóng Internet vệ tinh Starlink thử nghiệm tại sự kiện ở Hòa Lạc (Hà Nội) năm 2023. Ảnh: Lưu Quý

Phát triển cáp quang biển

Nghị quyết mới có chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư. Theo đó, các dự án đầu tư tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển có trạm cập bờ tại Việt Nam được thí điểm áp dụng trình tự, thủ tục quy định cho dự án đầu tư tại Việt Nam, đồng thời cho phép chỉ định thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án trong giai đoạn 2025-2030.

Dùng ngân sách làm nền tảng số dùng chung

Nghị quyết 193 có điều khoản về việc sử dụng ngân sách trung ương triển khai các nền tảng số dùng chung và chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc này nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, nhất là cho hai năm 2025-2026 để tạo nhanh các nền tảng và động lực cho chuyển đổi số quốc gia những năm sau. Nghị định cho phép chỉ định thầu các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL dùng chung của bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các CSDL.

Hỗ trợ tài chính nhà máy chế tạo chip đầu tiên

Nhà máy chế tạo chip đầu tiên được nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030 sẽ được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án, không quá 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp được trích Quỹ Khoa học, công nghệ cao hơn 10% nhưng không quá 20% để xây dựng nhà máy, theo Nghị quyết mới.

Phát triển các nhà máy chế tạo chip là mục tiêu khó khăn nhất trong các mục tiêu được nêu ra tại chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong khi đó, Việt Nam đã xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp chiến lược cần được đặt ưu tiên hàng đầu.

Chip 5G của Viettel được trưng bày tại sự kiện đổi mới sáng tạo tháng 10/2023. Ảnh: Lưu Quý

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, phát triển nhà máy chế tạo chip đầu tiên sẽ là bước đi rất quan trọng cho nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm các chip được thiết kế tại Việt Nam, là khâu bắt buộc để tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất các chip chuyên dùng của Việt Nam, đặc biệt có ý nghĩa đối với quốc phòng, an ninh và công tác đào tạo nhân lực. Nhà máy ở quy mô nhỏ sẽ cần chi phí đầu tư khoảng dưới một tỷ USD với mục tiêu nghiêng nhiều hơn về nghiên cứu phát triển.

Trong báo cáo sáng 18/3, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đã phối hợp các bộ, ngành xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị quyết 193. Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp thu, hoàn thiện, sẽ trình ban hành trong tháng 3.

Lưu Quý

7 cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ-VNexpress

Công nghệ bẻ cong âm thanh giúp nghe nhạc không cần tai nghe

Các nhà khoa học tạo ra tai nghe ảo bằng công nghệ “bẻ cong âm thanh” tạo ra vùng quây mà chỉ người đứng đó mới nghe thấy tiếng, hoàn toàn không ảnh hưởng đến những người xung quanh

Jia-Xin Zhong sử dụng hình nộm với microphone gắn trong tai để đo lường sự hiện diện của âm thanh dọc theo đường truyền siêu âm. Ảnh: Poornima Tomy/Penn State

Nhóm nhà khoa học từ Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ, do chuyên gia âm học Yun Jing đứng đầu, phát triển công nghệ cho phép tạo ra những “vùng quây khả thính” trong đó âm thanh chỉ có thể được cảm nhận ở một số vị trí nhất định như một ghế ngồi trên xe hoặc một bàn học trong lớp, Interesting Engineering hôm 17/3 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

“Chúng tôi sử dụng hai bộ chuyển đổi siêu âm kết hợp với một siêu bề mặt âm thanh – có thể phát ra các chùm siêu âm tự uốn cong và giao nhau tại một điểm nhất định. Người đứng tại điểm đó sẽ nghe thấy âm thanh, trong khi bất kỳ ai đứng gần đó đều không thể nghe thấy. Điều này tạo ra một rào chắn giữa mọi người để nghe riêng tư”, Jing nói.

Nghiên cứu mới trình bày chi tiết cách hai chùm siêu âm giao thoa để tạo ra không gian nghe riêng tư. Mỗi bộ chuyển đổi tạo ra một chùm siêu âm phi tuyến tính được dẫn hướng theo đường cong. Âm thanh chỉ có thể nghe được tại giao điểm, nghĩa là người đứng ở nơi khác, kể cả ở gần, cũng không nghe thấy gì.

“Về cơ bản, chúng tôi tạo ra tai nghe ảo. Một người trong ‘vùng quây khả thính’ có thể nghe thấy thứ dành riêng cho mình. Điều này giúp tạo ra những khu vực âm thanh và khu vực yên tĩnh”, Jia-Xin Zhong, thành viên nhóm nghiên cứu, học giả sau tiến sĩ về âm thanh tại Đại học Bang Pennsylvania, cho biết.

“Để thử nghiệm hệ thống, chúng tôi dùng hình nộm gồm đầu và thân với microphone gắn bên trong tai để mô phỏng những gì một người nghe thấy tại các điểm dọc theo đường truyền của chùm siêu âm, đồng thời sử dụng micro thứ ba để rà quét khu vực giao thoa. Chúng tôi xác nhận rằng âm thanh không thể nghe được, ngoại trừ tại điểm giao thoa mà chúng tôi gọi là vùng quây”, Zhong nói thêm.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hệ thống trong một căn phòng bình thường với tiếng vọng thực để chứng minh rằng công nghệ mới có thể hoạt động trong thế giới thực, ví dụ như trong lớp học, ôtô hoặc ngoài trời. Hiện tại, hệ thống có thể truyền âm thanh đến mục tiêu cách xa khoảng một mét ở mức 60 decibel, âm lượng trung bình của một cuộc trò chuyện.

Để tăng phạm vi và âm lượng, nhóm nghiên cứu đề xuất tăng sức mạnh của chùm siêu âm. Việc thực hiện mục tiêu này sẽ giúp thay đổi đáng kể cách mọi người sử dụng âm thanh, giúp tăng tính riêng tư và cá nhân hóa ở môi trường công cộng.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)

Công nghệ bẻ cong âm thanh giúp nghe nhạc không cần tai nghe-VNexpress

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 5 giá trị cốt lõi, 4 phương châm hành động

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng công bố giá trị cốt lõi của Bộ Khoa học và Công nghệ là tiên phong, sáng tạo, đột phá, trung dũng, nghĩa tình; phương châm hành động là làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá.

Giá trị cốt lõi được Bộ trưởng xem là nền tảng cho mọi hoạt động của Bộ. Trong đó, tiên phong không chỉ là việc đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mà còn là dám đối mặt với thách thức, mở đường cho những hướng đi mới. Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi lên môi trường số, đổi mới sáng tạo phải đi đầu để thay đổi thứ hạng, hưởng lợi lớn và thoát bẫy thu nhập trung bình, để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Sáng tạo là quá trình tạo ra cái mới, bao gồm phát minh, đổi mới, cải tiến, và tạo sự khác biệt so với những gì đã có trước đó. Để phát triển, cần những ý tưởng mới, những giải pháp mới để dẫn dắt xã hội và làm nền tảng cho sự tiến bộ. Bản chất của khoa học và công nghệ chính là sự sáng tạo, luôn tìm kiếm những cách tiếp cận mới, phương pháp mới và định hình những giá trị mới. Trong giai đoạn hiện nay, sáng tạo gắn liền với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và quá trình chuyển đổi số.

Đột phá là bước tiến vượt bậc, mang tính bứt phá mạnh mẽ, phá vỡ những giới hạn cũ, tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng. Đó là sự sáng tạo mang tính phá hủy, tạo ra mô hình mới làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Nghiên cứu khoa học, công nghệ đã và đang tạo ra nhiều đột phá, không chỉ trong lĩnh vực tự nhiên mà cả trong nghiên cứu xã hội, nhân văn, và công nghệ chiến lược. Để một đất nước phát triển nhanh và bền vững, cần có những đột phá, cách tiếp cận mới cả trong tư duy lẫn hành động, từ đó tạo động lực cho sự tiến bộ toàn diện.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hoàng Thùy

Trung dũng là sự kết hợp giữa lòng trung thành và tinh thần dũng cảm, trung thực. Trung thành là sự tận tâm, tận tụy, hết lòng phụng sự lý tưởng, quốc gia và tổ chức của mình. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, người trung thành vẫn kiên định với lý tưởng, sự nghiệp đổi mới và mục tiêu đã đặt ra. Trung thành còn thể hiện ở việc gắn bó với tổ chức, đơn vị của mình, cùng nhau vượt qua khó khăn chứ không bỏ cuộc.

Dũng cảm là dám nói lên suy nghĩ của mình, dám nhận nhiệm vụ mới, dám đặt mục tiêu cao, dám đối mặt với thách thức và không ngại đi xuyên qua khó khăn thay vì né tránh. Khi gặp sự cố, tai nạn, người dũng cảm dám chịu trách nhiệm; khi thất bại, họ đứng dậy và tiếp tục cố gắng, thử nghiệm nhiều lần để tiến tới thành công.

Trung thực là sự ngay thẳng, thành thật, không gian dối, luôn giữ vững sự liêm chính và trong sạch.

Còn nghĩa tình là lòng biết ơn, là “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là sự tri ân các thế hệ đi trước đã dựng xây nền tảng. Nghĩa tình thể hiện qua việc tiếp nối và phát triển những gì cha anh đã gây dựng, đưa tổ chức, đất nước đến những thành tựu lớn hơn. Giống như một dòng sông, có cội nguồn nhưng phải chảy ra biển lớn, nghĩa tình là sự kế thừa quá khứ và mở ra tương lai mới. Nghĩa tình tạo nên mối liên kết bền chặt giữa các thế hệ, tạo ra dòng chảy liên tục của sự phát triển. Đó là giá trị đặc biệt chỉ có ở con người, thể hiện sự gắn kết và trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai.

Phương châm hành động “làm gương – kỷ cương – trọng tâm – bứt phá” là những nguyên tắc chỉ đạo cho mọi hoạt động của Bộ.

Làm gương nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo trong việc nói trước, làm trước, tạo niềm tin và động lực cho tập thể. Làm gương cũng là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Với người châu Á, người Việt Nam thì làm gương là quan trọng số một đối với người lãnh đạo.

Kỷ cương là sự tuân thủ nghiêm ngặt của mọi cá nhân, ở mọi cấp độ và trong mọi công việc. Sức mạnh của một tổ chức được xây dựng từ nền tảng kỷ cương. Nếu thiếu kỷ cương, tổ chức sẽ không thể hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào. Kỷ cương thể hiện qua việc nhận nhiệm vụ thì phải làm đến nơi đến chốn, đạt được kết quả cụ thể; đã hứa thì phải thực hiện; mệnh lệnh ban ra phải được thông suốt từ trên xuống dưới. Mỗi thành viên trong tổ chức đều phải có ý thức kỷ cương và kỷ luật, vì đó là yếu tố then chốt tạo nên sự đoàn kết, hiệu quả và thành công của tập thể.

Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ tại 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Trọng tâm là việc xác định và tập trung vào những yếu tố then chốt, chiếm 10-20% nhưng quyết định đến 80-90% kết quả. Việc tìm ra điểm cốt lõi thường là bước đầu tiên và cũng là bước khó khăn nhất, sau đó mới đến hành động. Ví dụ, khi nhận một nhiệm vụ, thay vì lao vào làm ngay, cần phân biệt rõ đâu là việc chính, đâu là việc phụ. Việc phân bổ nguồn lực cũng cần dựa trên nguyên tắc này, bởi với nguồn lực hạn chế, nếu không tập trung vào những yếu tố trọng yếu, công việc sẽ khó đạt được kết quả cao, thậm chí chỉ dừng lại ở mức trung bình.

Bứt phá là tìm ra cách tiếp cận độc đáo, sáng tạo để tạo ra sự phát triển vượt bậc. Nếu không có sự phát triển bứt phá, một quốc gia sẽ khó thay đổi được vị thế của mình. Việt Nam muốn vươn lên trở thành một nước phát triển, cần phải có những bước đi đột phá. Trong mỗi cuộc cách mạng công nghệ, chỉ có một số ít quốc gia thành công trong việc “hóa rồng, hóa hổ”, và đó chính là những nước đã tìm ra được con đường phát triển bứt phá.

“Bộ Khoa học và Công nghệ muốn dẫn dắt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công thì phải có giải pháp đột phá tạo ra sự phát triển bứt phá”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Nguyên Phong

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 5 giá trị cốt lõi, 4 phương châm hành động-VNexpress

Ấn Độ xây đường chạy thử nghiệm tàu siêu tốc 1.000 km/h

Các nhà nghiên cứu Ấn Độ sẽ thử nghiệm công nghệ đẩy khoang tàu trong đường ống gần như chân không dài 410 m nhằm giảm thời gian đi lại và tiết kiệm năng lượng.

Mô phỏng khoang tàu Hyperloop chạy trong đường ống chân không. Ảnh: Interesting Engineering

Một nhóm nhà nghiên cứu phát triển đường ống thử nghiệm tàu Hyperloop dài nhất ở châu Á, đánh dấu cột mốc quan trọng trong giao thông tốc độ cao. Khu vực thử nghiệm công nghệ cao này dài 410 m và được làm hoàn toàn từ công nghệ bản xứ ở Viện công nghệ Madras (IIT Madras) của Ấn Độ tại Chennai. Cơ sở này là bước tiến chủ chốt giúp thúc đẩy công nghệ tàu Hyperloop, phương thức vận tải cách mạng hóa cho phép đẩy khoang tàu qua đường ống gần như chân không ở tốc độ trên 1.000 km/h, Interesting Engineering hôm 17/3 đưa tin.

Ý tưởng phía sau hệ thống chở khách và hàng hóa siêu nhanh trên mặt đất, kết hợp tốc độ của máy bay, tiết kiệm năng lượng của tàu hỏa và độ linh hoạt của taxi, được đề xuất lần đầu tiên bởi tỷ phú Elon Musk năm 2013. Dù vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, phương thức vận tải thứ 5 sau xe hơi, máy bay, tàu, thuyền này có tiềm năng thay đổi đáng kể giao thông, giảm cả thời gian di chuyển và mức tiêu thụ năng lượng. Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw đã ghé thăm cơ sở thử nghiệm tàu Hyperloop cuối tuần trước và quan sát hệ thống giao thông tốc độ cao chạy thử.

Satya Chakravarthy, giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ ở IIT Madras, một trong những chuyên gia chỉ đạo dự án, và cộng sự đang chuẩn bị giới thiệu dự án Hyperloop thương mại đầu tiên trên thế giới vào tháng sau. Họ nhấn mạnh nỗ lực tập trung vào tăng cường những khía cạnh chủ chốt của giao thông tốc độ cao bao gồm lực đẩy, độ lơ lửng và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng. Mục tiêu của họ là tạo ra công nghệ Hyperloop tiên tiến vừa có thể mở rộng vừa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của mạng lưới giao thông. Để sử dụng trong thực tế, các nghiên cứu về tính khả thi và quy hoạch lộ trình sẽ đánh giá những hành lang Hyperloop, di chuyển trong đô thị, đánh giá cơ sở vật chất, độ an toàn và tác động tới môi trường để đáp ứng mục tiêu dài hạn.

Gabriele Semino, quản lý dự án ở Neoways Technologies GmbH, nhấn mạnh việc hợp tác sẽ giúp đẩy nhanh biến đổi công nghệ Hyperloop từ ý tưởng thành hiện thực có thể hoạt động thương mại.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Ấn Độ xây đường chạy thử nghiệm tàu siêu tốc 1.000 km/h – VNexpress

Khi nào máy tính lượng tử thành hiện thực?

Một số chuyên gia tin máy tính lượng tử sắp hiện diện ngoài đời thực, nhưng đa số cho rằng nhiều năm nữa mới có “đột phá lớn”.

Lĩnh vực điện toán lượng tử đang sục sôi sau những công bố về nguyên mẫu chip lượng tử của các hãng công nghệ như Google, Microsoft và Amazon. Cuối tháng trước, Amazon Web Services tung ra nguyên mẫu Ocelot với lời giới thiệu “là đại diện cho bước đột phá ở khả năng sửa lỗi và mở rộng”, hai vấn đề được đánh giá là nút thắt cổ chai khiến quá trình phát triển chip lượng tử bị chậm lại.

Trước đó, ngày 19/2, Microsoft thông báo đã tạo ra một trạng thái vật chất mới cho nguyên mẫu lượng tử Majorana 1. Dù không đề cập chi tiết, công ty phần mềm Mỹ nhấn mạnh chip sẽ cung cấp sức mạnh lớn, thúc đẩy điện toán lượng tử.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Google giới thiệu chip Willow với tốc độ không tưởng khi trong vòng 5 phút có thể hoàn toàn phép tính mà siêu máy tính nhanh nhất hiện mất 10 tỷ tỷ năm. Chip trang bị nhiều qubit hơn và giảm thiểu lỗi tính toán theo cấp số nhân, nhờ đó “chinh phục thử thách lớn nhất trong việc sửa lỗi lượng tử, điều mà toàn lĩnh vực theo đuổi gần 30 năm qua”, theo Hartmut Neven, người đứng đầu bộ phận Google Quantum AI.

Trung Quốc cũng đang có những tiến bộ đáng kể. Đầu tháng này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC) ra mắt nguyên mẫu máy tính lượng tử siêu dẫn, nhanh gấp triệu lần bộ xử lý Sycamore được Google giới thiệu năm ngoái. Theo Interesting Engineering, bộ xử lý lượng tử của USTC mang tên Zuchongzhi-3, gồm 105 qubit và 182 khớp nối, ưu việt trong các phép tính lấy mẫu mạch lượng tử ngẫu nhiên. Trong khi đó, Sycamore có 67 qubit.

Trong khi máy tính truyền thống dựa vào bit chỉ có hai trạng thái 0 hoặc 1, máy tính lượng tử sử dụng qubit với số trạng thái khả thi vô hạn. Về lý thuyết, mỗi qubit thêm vào giúp tăng gấp đôi công suất tính toán, cho phép máy tính lượng tử phân tích vô số khả năng cùng lúc, chỉ mất vài phút để giải quyết vấn đề mà máy tính cổ điển có thể mất hàng triệu năm. Điều này mở ra một loạt khả năng to lớn về nghiên cứu, y học, dự báo kinh tế cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Khi ngày càng nhiều nguyên mẫu chip lượng tử xuất hiện và được giới thiệu là đột phá, nhiều người tin chúng sắp được ứng dụng trong đời thực. Tuy vậy, vẫn có những tranh cãi xung quanh vấn đề này.

“Khoảnh khắc ChatGPT của máy tính lượng tử đến sớm hơn bạn nghĩ”, tiến sĩ Chris Ballance, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Oxford Ionics, nói với Quantum Insider. “Từ thành tựu của Google trong sửa lỗi cho đến các kỷ lục về hiệu suất gần đây, chúng ta hiện có thể trả lời ‘có’ cho câu hỏi cơ bản như: Liệu có thể xây dựng máy tính lượng tử mạnh mẽ và chính xác ở quy mô lớn không?, hay Liệu có thể sửa lỗi trong hệ thống lượng tử không?”.

Cũng theo Ballance, việc xây dựng máy tính lượng tử không còn dùng từ “nếu”, thay vào đó là “khi nào”. Năm 2025 sẽ diễn ra cuộc đua “ai đến đích trước” về lượng tử, thậm chí loại máy này sẽ rời phòng thí nghiệm tiến ra đời thực. Trước đây, các công ty cạnh tranh nhau về nghiên cứu và phát triển, nhưng giờ trọng tâm sẽ chuyển sang chế tạo những cỗ máy lớn và nâng cấp chúng ngày càng tốt hơn.

Một số chuyên gia dự đoán máy tính lượng tử sẽ kết hợp AI để tăng cường sức mạnh, thậm chí tạo ra các sản phẩm mà trước đó con người chưa thể làm được. “Công nghệ lượng tử đang nổi lên như một công cụ quan trọng để nâng cao hiệu quả của AI, trong khi AI đóng vai trò chính trong việc tích hợp giải pháp lượng tử vào các ứng dụng thực tế”, Enrique Lizaso Olmos, người đồng sáng lập kiêm CEO Multiverse Computing, nhận xét. “Mối quan hệ qua lại này cho phép cả hai công nghệ giải quyết các thách thức tương ứng của chúng hiệu quả hơn”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác hoài nghi về khả năng sớm ứng dụng thực tế của máy tính lượng tử. Theo Virginia Lorenz, giáo sư vật lý nguyên tử, phân tử và quang học tại Cao đẳng Kỹ thuật Grainger thuộc Đại học Illinois (Mỹ), cho biết vẫn còn nhiều rào cản kỹ thuật trên con đường tạo ra hệ thống hoàn chỉnh và có giá trị thương mại, tức hữu ích cho người bình thường, chứ không chỉ dành cho nhà khoa học.

“Điều nực cười là, quá trình đó đang cách xa chúng ta tới 25 năm”, ông Lorenz nói với Business Insider.

Dù Google, Amazon và Microsoft tuyên bố đạt đột phá lớn, giới nghiên cứu có chung quan điểm rằng vẫn tồn tại hai rào cản đối trong phát triển lĩnh vực lượng tử: khả năng mở rộng và sửa lỗi. Bên cạnh đó, lĩnh vực này chưa đồng thuận về cách tiếp cận, chứ chưa nói đến cách giải quyết cả hai vấn đề.

Troy Nelson, nhà khoa học máy tính và giám đốc công nghệ tại công ty an ninh mạng lượng tử Lastwall, đánh giá giải pháp của các công ty hiện riêng lẻ và khó có tính ứng dụng đại trà. “Có rất nhiều thách thức phía trước”, Nelson nói.

Rahul Mahajan, Giám đốc công ty tư vấn công nghệ Nagarro, cho rằng chìa khóa cho sự tiến bộ thực sự trong công nghệ lượng tử không chỉ là đo lường hoặc quan sát hành vi của qubit. Thay vào đó, họ còn phải khiến chúng thực hiện phép tính phức tạp theo cách đáng tin cậy.

“Bước một là lưu trữ qubit và quan sát, bước thứ hai là chuyển đổi”, Mahajan nói. “Là con người, chúng ta tiến hóa. Trong hóa học, các phân tử tiến hóa. Thiên nhiên tiến hóa. Vì vậy, cần có các mô phỏng để máy tính lượng tử thực hiện và phải được kiểm soát, đó là yếu tố lớn và quan trọng tiếp theo”.

Ngay cả những tên tuổi công nghệ hàng đầu cũng nhận định phải hàng chục năm nữa máy tính lượng tử mới tiến vào đời thực. Jensen Huang, CEO Nvidia, dự đoán con người có thể phải đợi 20 năm để công nghệ lượng tử “trở nên hữu ích”. Oskar Painter của Amazon Web Services cũng dự đoán tương tự.

“Tôi nghĩ trong khoảng từ 10 đến 20 năm nữa, chúng ta sẽ có máy tính lượng tử thực tế, hữu ích”, Painter nói. “Nhưng chúng ta cũng cần có cách tiếp cận khiêm tốn và thực tế hơn đối với những gì phải làm trong tương lai”.

Bảo Lâm tổng hợp

Khi nào máy tính lượng tử thành hiện thực?

Bên trong Trung tâm điều khiển và vận hành vệ tinh Việt Nam

Hệ thống mặt đất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, bao gồm anten đường kính 9,3 m trung tâm điều khiển và vận hành vệ tinh, sẵn sàng thu nhận tín hiệu, xử lý dữ liệu khi vệ tinh của Việt Nam bay vào quỹ đạo.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) tại Hòa Lạc được xây dựng trên diện tích 7,4 ha với hai khu vực chính: phía Bắc là khu phổ biến kiến thức vũ trụ, mở cửa cho công chúng, phía Nam gồm khu nghiên cứu và làm việc.

Tại đây hệ thống mặt đất gồm anten đường kính 9,3 m để thu nhận tín hiệu, Trung tâm điều khiển và vận hành vệ tinh; Trung tâm xử lý dữ liệu vệ tinh đã hoàn thành từ tháng 11/2024.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNSC cho biết, tất cả hệ thống mặt đất đã sẵn sàng thu tín hiệu từ LOTUSat-1 của Việt Nam, đang chờ lịch phóng từ Nhật Bản.

Các kỹ sư Việt Nam tham gia quá trình chế tạo vệ tinh LOTUSat-1 tại Nhật Bản. Đây là vệ tinh công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam, có trọng lượng 600 kg, với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. Vệ tinh sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác giúp ứng phó với thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường.

Theo PGS Tuấn, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam không chỉ đóng vai trò quản lý và giám sát mà còn tham gia sâu vào các khâu then chốt nhằm tiếp nhận và từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ tiên tiến.

Trung tâm điều khiển và vận hành vệ tinh có nhiệm vụ điều khiển vệ tinh để chụp ảnh, thu nhận, lưu trữ và phân tích dữ liệu từ vệ tinh.

Các cán bộ vận hành sẽ lên kế hoạch quan sát, điều khiển, chụp ảnh vệ tinh. Toàn bộ giao tiếp với vệ tinh được kết nối tại Trung tâm điều khiển và vận hành vệ tinh Hòa Lạc.

Trong ảnh là anten cao 9,3 m sẽ có nhiệm vụ bám theo vệ tinh trên quỹ đạo để giao tiếp. Anten sẽ nhận thông tin và gửi lệnh điều khiển lên vệ tinh trên băng tần S và nhận dữ liệu ảnh từ vệ tinh gửi xuống ở băng tần X, tốc độ thu nhận dữ liệu lên tới hơn 800 Mbps.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó giám đốc Trung tâm điều khiển và vận hành vệ tinh cho biết, LOTUSat-1 sẽ bay mỗi ngày 15 vòng quanh Trái Đất, trong đó có 2 đến 4 lần đi qua Việt Nam. Một vệt quỹ đạo có thời gian tối đa khoảng 10 phút. Khi đó có thể kết nối LOTUSat-1 bằng anten này.

Anten có khối lượng khoảng 27 tấn, được thiết kế có thể hoạt động bình thường khi sức gió lên đến 80 km/h và chịu được sức gió 216 km/h khi không hoạt động. Độ chính xác chỉ hướng là 0.040 độ rms và độ chính xác bám vật thể là 0.015 độ rms.

Toàn bộ không gian Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhìn từ trên cao, được thiết kế theo hình dạng đảo quỹ đạo, đồng bộ các công trình phục vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, vận hành và ứng dụng vệ tinh.

Giang Huy – Ngọc Linh

Bên trong Trung tâm điều khiển và vận hành vệ tinh Việt Nam

Đề xuất luật hóa quy định bảo vệ dữ liệu vị trí

Theo dõi vị trí bằng công nghệ phải có sự đồng ý của chủ thể và việc thu thập dữ liệu vị trí của người không liên quan bị cấm, theo dự luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo dự thảo luật được Bộ Công an xây dựng, dữ liệu vị trí được xác định qua dịch vụ định vị thuộc danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Đây là loại thông tin khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gắn liền với quyền riêng tư.

Cơ quan soạn thảo đề xuất nền tảng ứng dụng di động phải thông báo cho người sử dụng về việc sử dụng dữ liệu vị trí và có biện pháp ngăn chặn việc thu thập dữ liệu vị trí của tổ chức, cá nhân không liên quan.

Ngoài ra, dự luật cũng quy định không được dõi định vị qua thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) và các công nghệ khác, trừ khi có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể hoặc khi có yêu cầu pháp luật. Hoạt động quảng cáo dựa trên hành vi và vị trí của người dùng phải áp dụng đầy đủ quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Một người dùng tại Việt Nam sử dụng ứng dụng bản đồ của Google. Ảnh: Tuấn Hưng

Đây là lần đầu tiên một văn bản luật quy định về việc bảo vệ và sử dụng dữ liệu vị trí của tổ chức, cá nhân. Bộ Công an nhận định nhiều người chưa có ý thức bảo vệ, dẫn đến tình trạng thông tin bị lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ hoặc trao đổi. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh; thiếu cơ sở pháp lý khi thu thập dữ liệu cá nhân.

Các tổ chức này cũng không xác định được luồng xử lý như dữ liệu cá nhân được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì, chuyển giao cho ai, tác động thế nào. Nhiều hoạt động chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Ngược lại khi liên hệ, chủ thể cũng từ chối vì không biết tại sao các công ty này lại có dữ liệu của mình.

Điều đó cho thấy các quyền cơ bản của công dân đối với dữ liệu cá nhân chưa được bảo đảm, công dân chưa biết cách tự bảo vệ, khiếu kiện, phản đối, yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bộ Công an nhấn mạnh việc bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm cần được quy định cụ thể trong dự luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh và thu thập dữ liệu của các tổ chức, cá nhân được thực hiện đúng pháp luật.

Dự Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5 và dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Sơn Hà

Đề xuất luật hóa quy định bảo vệ dữ liệu vị trí-VNexpress