Thúc đẩy chia sẻ và hợp tác phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Từ ngày 22-24/4/2024, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Hội đồng Đại Tây Dương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo AI Connect lần thứ II tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy chính sách quản lý và phát triển AI có trách nhiệm.
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 50 đại diện các cơ quan chính phủ, các tổ chức và các công ty công nghệ đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Toàn cảnh Hội thảo AI Connect lần thứ II tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại diện tham dự Hội thảo đã trình bày, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thảo luận nhiều nội dung của AI: quản trị và đạo đức AI, các mô hình AI, các vấn đề tiêu chuẩn và dữ liệu, AI trong y tế .., cho thấy quyết tâm và nỗ lực của từng quốc gia trong việc phát triển các chiến lược AI mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân để hướng tới phát triển AI có trách nhiệm.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang được kỳ vọng trở thành một khu vực phát triển năng động trên thế giới. Các quốc gia thành viên cần tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để củng cố hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển AI bền vững.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Bà Anne Benjaminson, Phó Tổng Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi lời cảm ơn tới Bộ KH&CN trong công tác phối hợp tổ chức và cho biết, Hội thảo AI Connect là chuỗi sự kiện khẳng định trách nhiệm và đóng góp của Hoa Kỳ cho quá trình phát triển có trách nhiệm và toàn diện công nghệ AI, mang lại lợi ích cho con người ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương theo đúng như quy định tại Nguyên tắc AI của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Bà Anne Benjaminson, Phó Tổng Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo.
Trong chương trình chung của Hội thảo, các đại biểu cũng đã thăm thực tế tại một số cơ sở đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh như Trường Đại học Bách Khoa, Trường Công nghệ thông tin, và trao đổi với một số đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Người xưa trọng sách: Làm sách gian, sách cấm có thể bị tử hình

Pháp luật thời xưa xử rất nghiêm đối với tội làm, tàng trữ và lưu hành sách cấm. Thậm chí có điều luật quy định mức án tử hình, cho thấy chính quyền xử rất nghiêm với loại tội này.

Cấm khắc in, lưu hành sách mê tín dị đoan

Trong Quốc triều hình luật (luật Hồng Đức), có những điều luật liên quan tới việc răn cấm việc tàng trữ, giấu sách. Điều 21 chương Vi chế (Làm trái pháp luật) quy định: “Những nhà người nào giấu giếm đồ xem thiên văn và sách cấm (như sách lịch, sấm, chiêm tinh đồ, thái ất, lôi công…) thì xử tội lưu đi châu ngoài”. Sau này thời Lê Trung hưng, Đại Việt sử ký tục biên cho biết năm Canh Tuất (1730), triều đình cấm người dân trong nhà không được chứa các sách thiên văn, tượng vĩ, tinh tú, tức các loại sách xem sao ứng dụng vào bói toán sấm ký.

Lê triều hình luật (tức Quốc triều hình luật)

Lê triều hình luật (tức Quốc triều hình luật)

TL

Cùng tội tàng trữ, việc lưu hành, phát tán sách cấm bị quy tội rất nặng, như điều 119 chương Vi chế xử nghiêm những người khắc in sách Phật, Lão “bán lấy tiền của dân, làm rối loạn lòng dân, thì bị tội đồ [giam, làm việc khổ sai]; các quan sở tại thấy mà không bắt tâu lên thì bị biếm [hạ chức]”. Điều luật này cũng là lệnh cấm năm Ất Dậu (1465) được Thiên Nam dư hạ tập ghi với nội dung tương tự. Quan viên đi nước ngoài, mua sách nước ngoài mà không khai báo bị xử tội biếm hoặc bãi chức, điều 125 chương Vi chế lưu ý.

Trong điều 3 chương Đạo tặc (Trộm cướp) nghiêm cấm: “Những kẻ làm ra yêu thư, yêu ngôn (nghĩa là làm ra những cuốn sách hay câu nói về điềm lành điềm gở hoặc truyện quỷ thần nói về sự cát hung không hợp lẽ phải) thì xử tội giảo [tội chết, thắt cổ]. Những kẻ huyên truyền hay dùng những sách và câu yêu quái kể trên để xúi giục dân chúng thì cũng bị tội như kẻ tạo ra”. Như vậy, việc làm, sử dụng sách mê tín đều bị tội cả. Sau này, khi tôn giáo mới của phương Tây du nhập vào Đại Việt từ thế kỷ 16, nhiều triều vua ra lệnh cấm việc truyền đạo nhưng mãi không dứt, Phong tục sử cung cấp thông tin năm Quý Mão (1663) vua Lê có lệnh cấm “sách đạo nhất thiết tiêu hủy để tuyệt đường dị đoan”.

Ngoài Quốc triều hình luật là bộ luật khung, qua thời gian, luật lệ được các vua Lê bổ sung, chế định. Quốc triều chiếu lệnh thiện chính thời Lê Trung hưng trong phần “Lễ thuộc” có đoạn răn cấm “Nếu là các sách Đạo, Thích tà thuyết dị đoan hoặc các truyện Nôm và thơ ca dâm đãng đều không được khắc in mua bán làm tổn hại đến phong hóa”.

Thời Lê sơ, hằng năm nhà nước đều có ban cấp sách công dạy học, các loại sách thuốc cho các địa phương để phục vụ giáo dục, chữa bệnh. Hiềm nỗi, việc làm tốt đẹp ấy lại bị tệ tham ô của quan lại địa phương ngăn trở khi sách công ban xuống cho các phủ, có phủ quan tham ô giữ sách cho mình mà không giao cho học quan (quan giữ việc dạy học) và y quan (quan y tế). Toàn thư cho biết năm Giáp Thìn (1484), nhà nước quy định “Hiến ty các xứ hãy kiểm soát các phủ trong hạt mình, nếu thấy những sách nói trên mà quan bản phủ cố tình giữ riệt, sách học không giao cho học quan, sách thuốc không giao cho y quan, thì cứ thực tình tâu hặc lên, giao cho Hình bộ trị tội”.

Viết sách mê tín có thể bị xử trảm giam hậu

Thời nhà Nguyễn, Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long) được chế định, ban hành đời vua Gia Long. Trong bộ luật này, cũng có những nội dung liên quan tới việc cấm, xử tội tàng trữ, phổ biến sách mê tín dị đoan.

Bản dịch Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệBản dịch Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ

TRẦN ĐÌNH BA

Phần “Lễ luật” của Hoàng Việt luật lệ có chế định đối với tội cất giấu sách cấm: “Phàm tư gia cất giấu các dụng cụ thiên văn như các loại Toàn cơ ngọc hànhHồn thiên nghi, các họa đồ lời sấm như sách về họa đồ sấm vĩ, suy đoán trị loạn, các sách phải cấm, và tượng ảnh vẽ đế vương các đời, các ấn phù ngọc tỷ mà không trình quan thì bị xử đánh 100 trượng. Kẻ nào cáo giác thì tịch thu của phạm nhân 10 lạng bạc ban thưởng cho (các thứ đó đều tịch thu sung công)”. Sách sấm vĩ ở đây được giải thích là các loại như Xuy bối đồ, Thấu thiên kinh… đoán sự thịnh suy.

Sau khi Hoàng Việt luật lệ ra đời trước, tiếp đó Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca thành hình, diễn giải Hoàng Việt luật lệ bằng thơ cho dân dễ hiểu. Trong diễn ca này có câu quy định mức phạt trượng và cả tiền đối với tội tàng trữ sách cấm:

Số trăm bốn bảy đối thay

Thu tàng thư cấm [Thu chứa sách cấm] vật này thủ quan

Chẳng thì cáo xuất mưu gian

Trượng trăm chịu trước ngân hoàn chịu sau.

Vẫn ở bộ luật này trong phần “Hình luật”, có định tội “Viết sách đặt lời hoang đường nhảm nhí”, lưu ý kẻ viết sách đặt lời sấm hoang đường, truyền bá sự mê tín để mê hoặc dân chúng sẽ bị “xử trảm giam hậu”… “nếu chưa truyền bá cho dân chúng thì lưu đày 3.000 dặm”. Những sách đó được giải thích là Xích lục phù, Đồ lục, Thiên tượng khí vật, Đồ sấm, Lục đồ khí vật… toàn là những sách ghi lời sấm hoặc chiêm nghiệm điều lành dữ. Đồng thời thêm tội chứa giấu sách mê tín “kẻ nào có sách hoang đường nhảm nhí mà cất giấu không nộp quan thì bị phạt đánh 100 trượng, đồ 3 năm”.

Trong thực tế thời Nguyễn, Quốc sử di biên cho hay năm Tân Tỵ (1821) vua ban chiếu cấm sách Tứ bình thực lục “vì những điều ghi chép phần nhiều tô vẽ quá”. Sách này là sách ghi chép sự chinh phạt của chúa Trịnh. Năm Đinh Dậu (1837), theo Minh Mệnh chính yếu ghi những sách ảnh hưởng xấu tới phong hóa, vua Minh Mạng cũng cấm phổ biến.

Nguồn: thanhnien.vn

Triển lãm sách khoa học, công nghệ và tọa đàm “Giới thiệu những cuốn sách đạt Giải thưởng Sách quốc gia”

Ngày 19/04/2024, Trung tâm Thông tin – Tư liệu phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST)) tổ chức Triển lãm sách khoa học, công nghệ và tọa đàm “Giới thiệu những cuốn sách đạt Giải thưởng Sách quốc gia”. Đây là hoạt động thường niên nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam (18/5), Ngày thành lập VAST (20/5), hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”.

Bà Nguyễn Thị Vân Nga – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu phát biểu tại Tọa đàm.

Bà Nguyễn Thị Vân Nga – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu cho biết, sách là nguồn tài nguyên vô giá, giúp con người hình thành, tích lũy tri thức, đóng góp cho sự phát triển xã hội. Triển lãm sách được tổ chức với mong muốn xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, tiếp thu tri thức khoa học đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đây cũng là dịp để Trung tâm Thông tin – Tư liệu giới thiệu nguồn tài nguyên quý giá mà Thư viện của VAST đang lưu giữ. Đồng thời, cũng tạo cơ hội cho các nhà khoa học và các đơn vị trong và ngoài VAST gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ về các nguồn tài nguyên sách và thông tin khoa học công nghệ, kinh nghiệm khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên này trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo của mình. Qua đó, phát huy tối đa giá trị của sách đối với sự nghiệp nghiên cứu của các nhà khoa học, đặc biệt là đối với cán bộ nghiên cứu trẻ, cũng như đối với các học viên, sinh viên.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Tại Tọa đàm “Giới thiệu những cuốn sách đạt giải tại Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia”, TS Đỗ Huy Cường – Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý biển đã giới thiệu về cuốn sách “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển” đạt Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 năm 2023 và TS Đoàn Thị Yến Oanh – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ đã giới thiệu cuốn sách “Vật liệu Polymer Composite – KH&CN” đạt Giải C Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 5 năm 2022.

Trong đó, cuốn sách “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển” thuộc thể loại sách chuyên khảo, tổng hợp kết quả của cụm công trình điều tra nghiên cứu về vùng biển Việt Nam trong hơn 20 năm qua về chủ đề quản lý biển và xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên xây dựng được một cơ sở khoa học duy nhất, cập nhật và hiện đại, phù hợp với các quy chuẩn quốc tế để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam phù hợp Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và được Liên hợp quốc chính thức công nhận; làm cơ sở để sử dụng rộng rãi, hiệu quả trong quản lý biển, đảo, phục vụ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng biển Việt Nam. Cuốn sách này còn được sử dụng như là một trong những tài liệu cơ bản phục vụ sự nghiệp tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền quốc gia trong Chiến lược biển của Việt Nam.

Về vấn đề đọc sách của thanh niên tại VAST trong thời đại 4.0, đồng chí Phan Kế Sơn – Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, VAST cho rằng, cần phát triển văn hóa đọc cho các đoàn viên, bắt đầu từ việc lựa chọn nguồn sách, xây dựng thói quen đọc sách và áp dụng các kiến thức từ sách vào thực tiễn học tập và nghiên cứu của mỗi người. Nhân dịp này, bà Nguyễn Thị Vân Nga cũng trao tặng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của VAST những cuốn sách hay để khích lệ phong trào đọc sách cho giơi trẻ.

Triển lãm sách khoa học, công nghệ thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Triển lãm sách diễn ra đến ngày 20/05/2024 tại thư viện VAST, với hàng nghìn đầu sách, trong đó có nhiều sách, tạp chí của VAST, sách chuyên khảo, tạp chí của Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, tạp chí Pi (Hội Toán học Việt Nam); ấn phẩm của Công ty IGroup Việt Nam và một số đơn vị khác. Đặc biệt khi tham dự Triển lãm, độc giả sẽ được tặng các cuốn sách theo Chương trình tặng sách của Trung tâm Thông tin – Tư liệu.

Nguồn: TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

10 trường Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin tốt nhất thế giới

Các đại học hàng đầu về Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin hầu hết đến từ Mỹ và Anh, học phí phổ biến ở mức 60.000 USD một năm.

Tổ chức QS hôm 10/4 công bố bảng xếp hạng đại học theo lĩnh vực, năm 2024. Trong nhóm ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin, Viện Công nghệ Masachusetts (MIT) dẫn đầu với 94,8/100 điểm.

Theo sau là hai ngôi trường khác của Mỹ, là Đại học Carnegie Mellon và Stanford, cùng đạt 93,2 điểm. Đây cũng là ba vị trí hàng đầu của năm ngoái.

Đại học Oxford của Anh là ngôi trường có thứ hạng cao nhất ở châu Âu với 90,4 điểm, xếp thứ tư, tăng một hạng. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) giữ ổn định vị trí thứ 6, là trường tốt nhất châu Á về lĩnh vực đào tạo này.

Một đại diện nữa của Singapore là Đại học Công nghệ Nanyang đạt 87,6 điểm, đồng hạng 9. Đại học Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ ở vị trí này năm ngoái, tụt xuống hạng 11 năm nay.

Các vị trí còn lại đều là những gương mặt cũ, phần lớn từ Mỹ và Anh.

Học phí các trường top 10 thế giới về Khoa học Máy tính và Công nghệ thông tin phổ biến là 60.000 USD một năm. Đại học Stanford có học phí cao nhất, tới 65.100 USD (1,65 tỷ đồng). Thấp nhất là Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, chỉ thu học phí chừng 1.600 USD (40 triệu đồng). Đây là trường công lập với nguồn tài trợ lớn từ chính phủ Thụy Sĩ.

Mức phí này chưa bao gồm các khoản khác như sách vở, ký túc xá, chi phí sinh hoạt… Nếu du học Mỹ, tổng những chi phí này khoảng 20.000-30.000 USD mỗi năm.

Harvard là ngôi trường khó chinh phục nhất với tỷ lệ trúng tuyển khoảng 3,6%. Ở Đại học Stanford, MIT và Đại học Quốc gia Singapore, tỷ lệ này là 4-5%. Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ có tỷ lệ chấp nhận cao nhất trong top 10 với 27%.

Khuôn viên MIT. Ảnh: MIT Fanpage

Khuôn viên MIT. Ảnh: MIT Fanpage

Năm nay, 722 trường trên thế giới đủ điều kiện để QS xếp hạng trong lĩnh vực Khoa học Máy tính và Công nghệ thông tin.

Điểm được chấm dựa theo 5 tiêu chí, gồm: danh tiếng học thuật, đánh giá của nhà tuyển dụng, chỉ số trích dẫn trên mỗi bài báo, ảnh hưởng của công trình nghiên cứu đến cộng đồng khoa học và chỉ số mạng lưới nghiên cứu quốc tế.

Việt Nam có năm cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), trong top 500; Đại học Quốc gia Hà Nội (top 501-550) và trường Đại học Tôn Đức Thắng (601-650).

Nguồn: VnExpress.net

‘Coi việc đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả nhất’

“Coi việc đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả nhất, thiết thực nhất, giúp chúng ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử, những chuẩn mực đạo đức làm người”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ khẳng định.

Tối 17/4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Hội Xuất bản Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 3 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 mang đến 4 thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe”.

W-ngay-sach-thach-thao-11-1.jpg
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo. 

Kết hợp hài hòa chính trị, kinh tế, văn hóa là chìa khóa dẫn ngành xuất bản đến thành công

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dẫn hai lời răn dạy của tiền nhân: “Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung viết: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí suy thế nước kém và suy. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Tri thức là vốn liếng quý báu của dân tộc.

Ở các nước như thế, ở Việt Nam càng như thế; Người cũng khẳng định: Trí thức Việt Nam có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng. Vì cũng có đầu óc dân tộc và vì học thức nên xem được sách, biết được dân chủ, biết được lịch sử cách mạng, dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng”.

botruong.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: TTTT

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Lời dạy xưa còn đó. Muốn xã tắc bền vững, đất nước hùng cường phải chăm lo dân trí, phát triển đội ngũ trí thức. Trong công việc này, sách và việc đọc sách có vai trò quan trọng bởi còn sách thì còn tri thức. Sứ mệnh của xuất bản vẫn là sáng tạo, lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Tuy thế, muốn sách và xuất bản phát triển, tri thức trở thành sức mạnh dân tộc thì sách phải có nhiều người đọc, tri thức phải lan tỏa, nhân lên. Khuyến đọc là con đường để hiện thực hóa yêu cầu này”.

W-ngay-sach-thach-thao-12-1.jpg
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam. Ảnh: Thạch Thảo.

Bộ trưởng cho rằng, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta là: “Phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.

Tiếp thu chỉ đạo của Tổng bí thư, để ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị trong toàn ngành cần đổi mới hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trên tinh thần: Xuất bản trước hết là lĩnh vực văn hóa chính trị nhưng đồng thời cũng là một ngành kinh tế. Chính trị có sự trợ giúp của nhà nước; Văn hóa có sự trợ giúp của nhân dân; Kinh tế có sự trợ giúp của thị trường. Kết hợp hài hòa 3 yếu tố: chính trị, kinh tế, văn hóa là chìa khóa dẫn ngành xuất bản đến thành công.

“Chuyển đổi số đặt yêu cầu mới cho ngành xuất bản muốn phát triển phải hoạt động đồng thời ở cả 2 không gian: cũ và mới. Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Không gian mới giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển mới trong dài hạn. Muốn xuất bản phát triển, cần tăng cường truyền thông, quảng bá về sách và văn hóa đọc. Quảng bá không chỉ trong dịp 21/4 này mà sẽ trở thành công việc thường xuyên, liên tục trong năm, để văn hóa đọc lan tỏa, trở thành sức mạnh nội sinh, nét đẹp văn hóa Việt Nam”, Bộ trưởng yêu cầu.

 

botruonghung.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham quan gian hàng của công ty Trường Phương tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: TTTT

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu các đơn vị cùng với Bộ TT&TT, Bộ VHTTDL, Hội Xuất bản Việt Nam quan tâm triển khai một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc tiếp thu, bồi đắp tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Nâng cao tính tự giác trong việc đọc sách. Coi đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả nhất, thiết thực nhất, giúp chúng ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử, những chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó có cái nhìn, tâm thế tích cực hơn về cuộc sống.

Thứ hai, chú trọng đầu tư, hỗ trợ thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc trong hệ thống nhà trường, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, tạo lập thói quen đọc sách trong các tầng lớp nhân dân. Quan tâm phát hiện, cổ vũ những mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống. Đẩy mạnh công tác tổ chức các hoạt động có liên quan đến sách và văn hóa đọc tới hệ thống trường học, nhà văn hóa, điểm văn hóa, thôn bản, cộng đồng dân cư, các địa bàn cơ sở.

Thứ ba, tăng cường vận động sáng tác những tác phẩm, cuốn sách, công trình có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa. Khuyến khích xuất bản các sách hay, có giá trị, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của độc giả. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển ngành xuất bản, quảng bá sách và văn hóa đọc.

4c432529b5231b7d4232.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham quan gian hàng của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Thạch Thảo. 

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách. Gắn phát triển văn hóa đọc với chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới. Chú trọng phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội. Khai thác, sử dụng các loại hình, phương thức xuất bản phẩm điện tử, sách tinh gọn, sách nói tạo sức lan tỏa rộng và nhanh hơn.

Thứ năm, mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về sách, nhất là sự kiện Ngày Sách và Bản quyền thế giới (ngày 23/4 hằng năm). Tổ chức các hội sách quốc tế và tham gia hội sách ở nước ngoài để thu hút các đơn vị xuất bản lớn trên toàn cầu. Tăng cường hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm, tác giả của Việt Nam để bạn bè quốc tế biết tới truyền thống văn hóa, con người, xã hội Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam đối với khu vực và quốc tế.

Trong khuôn khổ lễ khai mạc, Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ TT&TT), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám trưng bày các bộ sách quý về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước, con người Việt Nam trên các phiên bản điện tử hiện đại và ấn bản trực tiếp.

Nguồn: VietNamnet.vn

Khởi động Techfest Việt Nam 2024

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest Việt Nam 2024) lần thứ 10, khởi động từ tháng 4, hướng tới đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hội nhập khu vực, quốc tế.

Thông tin được TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết sáng 19/4.

Với chủ đề “Hành trình 10 năm – Hội nhập toàn cầu”, Techfest 2024 sẽ tổng kết hoạt động và trình diễn những công nghệ, mô hình kinh doanh nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2024 và hành trình 10 năm Techfest từ năm 2015.

Ông Quất cho biết, chủ đề của Techfest mỗi năm đều gắn liền với những vấn đề cần tập trung xử lý trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thu hút sự quan tâm trong tìm kiếm giải pháp hiệu quả, thức thời. Chủ đề Techfest 2024 hướng tới đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế, tạo nền tảng thiết lập liên hiệp các quốc gia khởi nghiệp sáng tạo.

Hệ thống trợ lực xe điện được giới thiệu tại Techfest 2023. Ảnh: Hà An

Hệ thống trợ lực xe điện được giới thiệu tại Techfest 2023. Ảnh: Hà An

Techfest 2024 sẽ được tổ chức tại Hải Phòng, với các sự kiện nổi bật như diễn đàn chính sách, cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phiên kết nối đầu tư cùng triển lãm sản phẩm. Dự kiến sẽ có gần 150 hoạt động được tổ chức xuyên suốt với sự tham gia của gần 30 làng công nghệ. Trong khuôn khổ ngày hội năm nay có hội nghị, diễn đàn quốc tế, triển lãm gian hàng công nghệ, cùng diễn đàn chính sách cấp cao quốc gia. Talkshow khởi nguồn cảm hứng và kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu cũng là điểm nhấn của chuỗi sự kiện.

Ngày hội cũng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Khởi nghiệp công nghệ cao và Kỳ lân châu Á với sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kỳ lân (unicorn) và có tiềm năng trở thành kỳ lân (soonicorn) tại châu Á. Các hoạt động này mang tới cơ hội cho startup Việt Nam phát triển thị trường, thu hút các nguồn lực đầu tư quốc tế, đồng thời cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động của Việt Nam ra thế giới.

Techfest Việt Nam được tổ chức lần đầu năm 2015, trở thành hoạt động thường niên được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị tổ chức. Qua các kỳ Techfest, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ngày càng phát triển, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Hiện có ba trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đang hình thành tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Theo thống kê từ Cục trưởng Cục phát triển thị trường khoa học công nghệ, Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó 11 startup được định giá trên 100 triệu USD và 3 startup được định giá trên 1 tỷ USD.

Nguồn: Vnexpress.net

Cuộc sống sôi động của sinh viên ngành xuất bản

Sinh viên ngành xuất bản không chỉ được trang bị đầy đủ kiến thức về mặt chuyên môn mà còn được tận hưởng loạt hoạt động ngoại khóa hấp dẫn.

 

Sinh viên ngành xuất bản tận hưởng cuộc sống thời sinh viên sổi nổi. Ảnh: Fb Khoa Xuất bản.

Là cơ sở đào tạo báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chỉ chú trọng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo mà còn luôn hướng đến các hoạt động ngoại khóa nhằm tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh cho sinh viên.

Vừa học vừa trải nghiệm

Bà Vũ Thuỳ Dương, Trưởng khoa Xuất bản trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết mục tiêu chiến lược của Học viện hướng đến trở thành lựa chọn hàng đầu của người học về báo chí, xuất bản, truyền thông – nơi người học thực sự ở vị trí trung tâm của quá trình dạy học và nhận được những trải nghiệm tích cực.

Với riêng ngành xuất bản, cô cho biết các chương trình đào tạo ngày càng được cải tiến sát với yêu cầu thực tiễn, nội dung cập nhật, có tính ứng dụng cao, tăng cường thực hành cho sinh viên.

Nhiều sinh viên chuyên ngành Xuất bản đều cho rằng điểm thu hút các bạn khi học tập tại đây là sự sáng tạo, đổi mới khi các thầy cô liên tục lồng ghép các tiết lý thuyết cũng như thực hành vào mỗi bài giảng.

Đào Linh Chi sinh viên năm 4 hiện theo học chuyên ngành Biên tập xuất bản tại trường Học viện Báo chí và tuyên truyền đã có những chia sẻ rất đỗi chân thực về hành trình sinh viên với Tri thức – Znews.

cuoc song sinh vien anh 1
Các tiết học thường đi kèm với thực hành tạo hứng thú cho sinh viên. Ảnh: Fb Khoa Xuất bản.

Bản thân Chi đến với ngành Xuất bản như một cái duyên, sau khi học đến năm thứ tư khi đã cơ hội trải nghiệm rất nhiều các hoạt động tại Khoa khiến bạn ấy thêm yêu ngành xuất bản hơn, muốn cống hiến cho ngành.

Với Chi, đây là ngành học có rất nhiều môn học đa dạng và mới mẻ, cách tiếp cận môn học của sinh viên thường được các thầy cô giảng viên cập nhật và làm mới, đan xen cùng những hoạt động thực tế để các bạn sinh viên có thể thích thú tham gia thực hành, quan sát trực tiếp.

Chi cho biết: “Đối với các môn học chuyên ngành, sinh viên bọn em luôn được lồng ghép quá trình học tập cùng với các giờ thực hành trải nghiệm thực tế. Chúng em được thử làm ra những trang sách cổ bằng gốm, đất sét, giấy, tre nứa… giống thời xa xưa. Không chỉ vậy, trong quá trình học, bọn em đã có cơ hội thử triển khai các khâu như tổ chức bản thảo, làm dự án – kế hoạch truyền thông phát hành xuất bản phẩm, biên tập bản thảo”.

Hương Lam (sinh viên năm 4, chuyên ngành Biên tập xuất bản) cho biết trước kia không hề có ý định theo ngành xuất bản sau khi ra trường, tuy nhiên trải qua một quá trình gắn bó, trải nghiệm công việc của một nhân viên ngành xuất bản lại thấy hứng thú hơn rất nhiều.

Còn với Thu Hồng sinh viên năm cuối ngành Biên tập xuất bản cũng rất hào hứng khi nhắc đến trải nghiệm của bản thân khi không chỉ được dạy về kiến thức mà còn được thực hành ngay trong chính các môn học chuyên ngành.

“Khi học môn Biên tập sách văn học, chúng mình được đến Bảo tàng Văn học để tham quan, môn học Biên tập sách điện tử được tổ chức một buổi tham quan tại Trung tâm lưu trữ quốc gia. Ngoài ra, các môn học như Tổ chức bản thảo hay Biên tập sách lý luận em đã được tự mình trực tiếp thực hiện và làm ra một cuốn sách. Bọn em được trực tiếp tham gia quá trình làm ra một cuốn sách từ những bước đầu tin lên kế hoạch đề tài, biên tập bản thảo, thiết kế dàn trang,… cho đến khi in ấn”, Thu Hồng chia sẻ.

Tận hưởng cuộc sống năng động thời sinh viên

Khoa Xuất bản thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên như mở các chuyến tham quan tại bảo tàng văn học, trung tâm lưu trữ quốc gia, công ty sách, nhà xuất bản, các chuyến đi thực tế chính trị… đan xen trong các môn học chuyên ngành của sinh viên để các bạn có thể trải nghiệm và quan sát trực tiếp những quy trình tạo ra xuất bản phẩm và kết nối hoạt động giải trí với nhau.

Linh Chi cho biết đối với sinh viên năm ba và năm cuối sẽ được trực tiếp đến những đơn vị xuất bản như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, công ty Cổ phần Sách điện tử Waka… để trực tiếp quan sát và thực hành tại đó nhằm nâng cao khả năng làm nghề và trau dồi thêm kinh nghiệm cho bản thân.

cuoc song sinh vien anh 2
Sinh viên Khoa Xuất bản được tham gia trải nghiệm tại nhiều đơn vị xuất bản khác nhau. Ảnh: Fb Khoa Xuất bản.

Trần Cao Nguyên đang học năm cuối chuyên ngành Xuất bản điện tử, một chàng trai mê đọc và thích làm sách điện tử. Nguyên cho biết mỗi nhóm nhỏ trong lớp sẽ được chia đến từng đơn vị do sắp xếp của giảng viên. Mỗi đơn vị sẽ có cách tổ chức và hoạt động khác nhau nên các bạn cũng sẽ được trải nghiệm những điều khác nhau.

“Em được phân đến Alpha Books, tại đây, em được tham gia vào khâu biên tập bản thảo, viết review về bản thảo, phản hồi thông tin khách hàng, trình bày bìa rồi quản lý Fanpage, viết content, marketing cho sách. Khoảng thời gian gần 1 tháng đấy em được học hỏi rất nhiều về nghề làm sách và thấy nó không nhàm chán như mình từng nghĩ”, Cao Nguyên tâm sự.

Quang Hưng (năm 4, chuyên ngành Xuất bản điện tử) là một người có sở thích thiết kế bìa sách, tranh minh họa. Được thực tập tại Nhà xuất bản Kim Đồng, Hưng đã rất vui mừng, háo hức khi có thể học hỏi thêm được nhiều kiến thức và có cơ hội để thử sức với công việc mang tính sáng tạo cao này.

Đối với sinh viên năm nhất và năm hai, khi còn đang học các môn lý luận cũng được Khoa tạo điều kiện cho đi tham quan các đơn vị làm sách, về thăm các địa phương, tham gia Câu lạc bộ Biên tập viên trẻ hay tổ chức các hoạt động ngoại khóa như thi làm podcast, thi sáng tác, thi thiết kế,… Sinh viên sẽ luôn có cơ hội để vừa học vừa trải nghiệm ngành xuất bản mà không lo thiếu đi sự chân thực.

cuoc song sinh vien anh 3
Các em sinh viên luôn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khoá để thôi thúc sự nhiệt huyết, năng động. Ảnh: Fb Khoa Xuất bản.

Bà Thuỳ Dương cho biết các hoạt động này sẽ giúp các bạn sinh viên kích hoạt được sự năng động, nhiệt huyết và đam mê cũng như giúp các bạn tiếp cận sớm và hiểu rõ được mô hình hoạt động của đơn vị xuất bản. Đồng thời đây cũng là cách giúp các bạn xác định rõ ràng mức độ phù hợp của mình với ngành học ra sao, từ đó đưa ra định hướng phát triển sau này.

Các buổi tọa đàm, talkshow được tổ chức thường xuyên với những khách mời là các dịch giả, giám đốc đơn vị xuất bản hay nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đều đã có kinh nghiệm dày dặn, chuyên môn cao và có thương hiệu nhất định thu hút đông đảo các bạn sinh viên theo dõi, tham dự và hưởng ứng nhiệt tình.

Khác với các bạn sinh viên hướng ngoại, Quang Hưng thích tham gia những buổi tọa đàm mà các thầy cô tổ chức hơn. Với Hưng, em thích cảm giác được ngồi lắng nghe, học hỏi từ các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản để từ đó hiểu rõ bản thân mình thiếu gì và cần học hỏi thêm những kỹ năng nào khác. Những buổi chia sẻ của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong sự kiện đồng hành của Dạ Khúc Tháng Tư, anh Đặng Cao Cường – trưởng Ban Biên tập truyện tranh NXB Kim Đồng.

cuoc song sinh vien anh 4
Chương trình Dạ Khúc Tháng Tư thu hút đông đảo các bạn sinh viên trong Khoa tham dự. Ảnh: Fb Khoa Xuất bản.

Khác với Quang Hưng, Linh Chi lại thích tham gia các hoạt động sôi nổi như các sự kiện chào tân sinh viên, tuyển sinh, ngày hội sách… của Khoa hơn.

“Đối với em, Dạ Khúc Tháng Tư là hoạt động em thích thú, bỏ nhiều tâm huyết nhất. Đó có lẽ là một trong những quãng thời gian hoạt động đem lại nhiều kỷ niệm, trải nghiệm, kinh nghiệm và mang ý nghĩa lớn lao đối với em”, Linh Chi tâm sự

Linh Chi cho biết em là thành thành viên và đảm nhiệm vị trí Trưởng đội Mạng thuộc Ban Truyền Thông của sự kiện Dạ Khúc Tháng Tư năm 2022. Trong suốt quá trình làm việc, Chi đã có thể kết giao thêm rất nhiều mối quan hệ, cùng các bạn sinh viên khác tạo ra thành quả truyền thông đáng mong đợi, góp phần tạo nên thành công cho sự kiện hưởng ứng kỷ niệm ngày sách Việt Nam 21/4.

Nguồn: Znews.vn

60 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2023

Từ kết quả xét chọn của 2 Hội đồng sơ khảo, Ban Tổ chức Giải thưởng đã phê duyệt danh sách 60 tác phẩm báo chí của 5 loại hình: báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh và báo ảnh vào vòng chung khảo Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2023.
Ban Tổ chức cho biết, Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2023 đã tiếp nhận gần 200 tác phẩm dự thi của các cơ quan báo chí trên cả nước. Qua sàng lọc, Ban Tổ chức xác định có 154 tác phẩm đủ điều kiện chấm giải. Theo đó, Hội đồng sơ khảo phía Bắc và phía Nam đã lựa chọn được 62 tác phẩm của 5 loại hình bao gồm: 19 tác phẩm/nhóm tác phẩm báo in, 14 tác phẩm/nhóm tác phẩm báo điện tử; 9 tác phẩm/nhóm tác phẩm phát thanh, 09 tác phẩm/nhóm tác phẩm truyền hình và 02 tác phẩm/nhóm tác phẩm báo ảnh để đề xuất vào vòng Chung khảo.
Toàn cảnh buổi họp Ban Tổ chức Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2023.
Theo đánh giá của Hội đồng sơ khảo, số lượng các tác phẩm tham dự năm 2023 đa dạng loại hình báo chí, đến từ các cơ quan báo chí trung ương, hội, đoàn thể. Đặc biệt, có nhiều cơ quan báo chí địa phương gửi bài tham dự và không ít tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Nhiều tác phẩm được đầu tư bài bản, công phu, chuyên nghiệp, mang tính phát hiện, có hiệu quả xã hội mạnh mẽ, tích cực, có sức ảnh hưởng lan tỏa cao.
Phát biểu tại cuộc họp của Ban Tổ chức Giải thưởng diễn ra ngày 12/4/2024 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng cho rằng, ngoài công tác chấm của các Hội đồng, ý kiến về chuyên môn, đánh giá chất lượng bài báo của các đơn vị chức năng, các thành viên Ban Tổ chức có ý nghĩa sâu sắc và xứng tầm. Thứ trưởng nhấn mạnh, việc tổ chức Giải thưởng cần đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không ngừng đổi mới, sáng tạo về phương thức, nội dung, tạo được tiếng vang trong xã hội.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang – Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng phát biểu tại cuộc họp.
Dự kiến, Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2023 sẽ tổ chức lễ tổng kết và trao giải vào ngày 16/5/2024, tại thành phố Hà Nội. Đây là Giải thưởng được Bộ KH&CN tổ chức hằng năm nhằm trao tặng cho các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc về KH&CN, nhằm vinh danh những nhà báo có tinh thần khoa học, nỗ lực hết mình, tìm tòi, phát hiện, phản ánh mọi lĩnh vực của Bộ KH&CN nói riêng và của ngành KH&CN nói chung.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Phát động tuần lễ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo 2024

Ngày 19.4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phát động chuỗi các hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp sáng tạo (KNST) 2024.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế lĩnh vực xuất bản, phát hành

Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2024, cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế lĩnh vực xuất bản, phát hành.

Article thumbnail
Ảnh minh họa: Thanh Phạm

Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước tập trung rà soát, nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và tham mưu xây dựng hoàn thiện nghị định thay thế Nghị định 18/2014/NĐ-CP ngày 13/4/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Thông tư sửa đổi Thông tư số 05/2016/TT-BTTTT ngày 01/3/2026 quy định về quản lý và sử dụng mã số sách tiêu chuẩn quốc tế; tham mưu cho ý kiến về thuế VAT trong lĩnh vực xuất bản.

Đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để hướng tới chuyển đổi số.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước từ trung ương tới địa phương nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên kịp thời cá nhân, tổ chức có thành tích.

Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Triển khai các giải pháp phối hợp giữa các đơn vị công nghệ và đơn vị xuuất bản để hỗ trợ để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cho các nhà xuất bản; nghiên cứu xây dựng tiêu chí phát triển nhà xuất bản số; hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, nền tảng kết nối các nhà xuất bản, bổ sung các tính năng hỗ trợ, quản lý quy trình, quản lý đơn vị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản, triển khai giải pháp hỗ trợ để xuất bản sách trên cơ sở đa nền tảng; tăng số lượng các nhà xuất bản và các đơn vị phát hành tham gia xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án phát triển một số nhà xuất bản chủ lực gắn với chuyển đổi số của nhà xuất bản.

Nghiên cứu, triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản như: Chuyển đổi phương thức xuất bản để phù hợp với xu thế hội nhập. Kết nối, chia sẻ thông tin, chế độ báo cáo trên hệ thống cổng thông tin điện tử. Nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng số của lĩnh vực xuất bản đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số. Phát triển các nền tảng số để thúc đẩy văn hóa đọc; thiết chế văn hóa đọc ở cơ sở; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại.

Chỉ đạo, định hướng các nhà xuất bản xuất bản sách, tài liệu đúng quy định của pháp luật, định hướng của Đảng và bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương; đặc biệt xuất bản tác phẩm, công trình giá trị về văn hoá – tư tưởng, góp phần vào công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam, thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường, phồn vinh, thịnh vượng.

Tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong công tác điều hành, giám sát hoạt động và xử lý vi phạm của nhà xuất bản, đặc biệt là trong quản lý nội dung xuất bản phẩm, hạn chế thấp nhất việc để xảy ra các vi phạm về chính trị, tư tưởng.

Tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, liên kết trong hoạt động xuất bản, hoạt động in xuất bản phẩm và in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm, đẩy mạnh công tác phòng, chống in lậu; tham gia triển khai giải pháp đổi mới hoạt động Đoàn Liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương; tăng cường các giải pháp phối hợp chống xâm phạm bản quyền trên không gian mạng.

Đối với cơ quan quản lý tại địa phương, đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nếu có sai phạm.

Đẩy mạnh, duy trì thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ sự phối hợp với cơ quan quản lý ở Trung ương theo hướng đi vào thực chất và hiệu quả nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý và xử lý vi phạm, đặc biệt chú trọng việc chia sẻ thông tin, báo cáo định kỳ để phục vụ công tác thống kê, đánh giá và định hướng toàn ngành Xuất bản.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản tại địa phương. Chủ động tham mưu, triển khai có hiệu quả việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại địa phương theo hướng đổi mới, phù hợp thực tiễn.

Đối với cơ quan chủ quản nhà xuất bản, cần nghiên cứu, sắp xếp nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại; mạnh dạn dừng hoạt động nhà xuất bản có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, yếu kém; nhanh chóng có phương án hỗ trợ giải quyết cho các nhà xuất bản đang nợ thuế do bất cập cơ chế thuế, thuê nhà thuê đất; nghiên cứu sớm có mô hình tổ hợp xuất bản mạnh, phát triển các tổ hợp và các nhà xuất bản trọng điểm để tạo động lực dẫn dắt thị trường.

Bên cạnh việc định hướng, chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện xuất bản được nhiều sách có giá trị, đúng định hướng, có sức lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội thì các cơ quan chủ quản cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chủ quản, kịp thời uốn nắn, xử lý các sai sót, vi phạm của nhà xuất bản, đặc biệt là sai phạm về nội dung xuất bản phẩm.

Các chỉ số phát triển chính của hoạt động xuất bản

Hiện nay cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Trong đó, có 48 nhà xuất bản thuộc Trung ương và 09 nhà xuất bản thuộc địa phương.

Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm (giảm 1,4%) với 536.179.131 bản (giảm 10,5%).

Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.105,350 tỷ đồng (tăng 4,98%). Nộp ngân sách 383,484 tỷ đồng (tăng 8,5%). Lợi nhuận (sau thuế) đạt 455,510 tỷ đồng (tăng 8,4%) .

Năng lực sản xuất tính theo tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 5,36 bản xuất bản phẩm (giảm 11%). Trong đó, có 3,88 bản là sách giáo khoa, bài tập, giáo viên; 1,48 bản là các loại xuất bản phẩm khác.

 

Nguồn: thanhtra.com.vn