Australia – nơi được mệnh danh là “thủ đô dị ứng của thế giới”, đã khởi động chương trình điều trị toàn quốc miễn phí đầu tiên trên thế giới dành cho trẻ em dị ứng đậu phộng (lạc). Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng sự dung nạp an toàn đối với loại hạt này để trẻ không cần phải lo lắng về khả năng xảy ra phản ứng đe dọa tính mạng.
Phương pháp điều trị miễn dịch qua đường miệng (OIT) như một lựa chọn để điều trị dị ứng thực phẩm ở trẻ em. Nó bao gồm việc tăng dần lượng thực phẩm gây dị ứng hàng ngày của trẻ dưới sự giám sát y tế cho đến khi đạt được “liều duy trì mục tiêu”. “Liều duy trì mục tiêu” có nghĩa là đối tượng sẽ tiêu thụ thực phẩm gây dị ứng hàng ngày tại nhà như một phương pháp điều trị trong thời gian dài. Mục tiêu để làm cho cơ thể không phản ứng mạnh với chất gây dị ứng hoặc, trong kịch bản tốt nhất, là “không phản ứng kéo dài” hoặc thuyên giảm triệu chứng.
Quan trọng là, OIT không phải là phương pháp chữa bệnh, nó được thiết kế để giúp cơ thể trẻ quen dần với thực phẩm mà thông thường sẽ gây phản ứng dị ứng. Trong khi một số dị ứng thực phẩm sẽ tự hết khi trẻ 12 tháng tuổi, những dị ứng khác – đặc biệt là đậu phộng (lạc), hạt cây, vừng và hải sản – có xu hướng tồn tại suốt đời vì chúng ít có khả năng tự giải quyết một cách tự nhiên.
GS Kirsten Perrett – Giám đốc Trung tâm Dị ứng Quốc gia (NACE) Australia, người đứng đầu Chương trình ADAPT OIT cho biết, phương pháp điều trị miễn dịch qua đường miệng đang được triển khai trên toàn thế giới bằng các phương pháp khác nhau, làm cho việc đánh giá kết quả, bao gồm cả kết quả dài hạn cho trẻ em, gia đình và hệ thống y tế, trở nên khó khăn.
Lý giải về lý do tại sao Australia lại được chọn làm bối cảnh cho Chương trình này, GS Kirsten Perrett cho biết, Australia đang được đặt cho danh hiệu là “thủ đô dị ứng của thế giới”. Theo ước tính, cứ 10 trẻ em Australia thì có 1 trẻ phát hiện dị ứng thực phẩm trong những năm đầu đời, trong khi khoảng 6/100 trẻ có dị ứng thực phẩm khi 10 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em Australia không phải là duy nhất; đã có sự gia tăng dị ứng thực phẩm trên toàn thế giới. Nguyên nhân của sự gia tăng này chưa được biết chắc chắn. Các yếu tố đóng góp có thể bao gồm sự thay đổi trong chế độ ăn uống của mẹ và trẻ sơ sinh cũng như việc tăng cường vệ sinh làm giảm sự tiếp xúc với vi khuẩn “tốt” và do đó không cho phép hệ thống miễn dịch phát triển khả năng miễn dịch. Ở Australia, đặc biệt là sự thiếu hụt vitamin D ngày càng tăng đã được chứng minh có mối liên kết với dị ứng thực phẩm ở trẻ em.
NACE đã hợp tác với 10 bệnh viện nhi khoa trên 5 bang của Australia để khởi động đợt triển khai đầu tiên của Chương trình ADAPT OIT. Chương trình nhằm sử dụng OIT để xây dựng sự dung nạp an toàn của trẻ em đối với đậu phộng (lạc) và hy vọng đạt được sự thuyên giảm thay vì yêu cầu họ phải tránh hoàn toàn thực phẩm này. Nếu thành công, Chương trình sẽ có khả năng mở rộng ra nhiều bệnh viện và phòng khám tư nhân. Chương trình ADAPT OIT được tài trợ bởi Chính phủ Liên bang, miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi đã được chẩn đoán dị ứng đậu phộng (lạc) và đang được chăm sóc bởi một chuyên gia dị ứng tại một trong các bệnh viện tham gia. Trong vòng 2 năm, đối tượng tham gia sẽ tuân theo một lịch trình để sử dụng một liều lượng bột đậu phộng (lạc) nhất định. Phương pháp này được thực hiện tại nhà và kết hợp với các lần thăm khám định kỳ tại phòng khám dị ứng bệnh viện. Mặc dù OIT đậu phộng (lạc) đã được chứng minh là an toàn, tuy nhiên, khi tham gia chương trình, các đối tượng tham gia vẫn được lên kế hoạch để đối phó với việc sốc phản vệ – một phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng – và được cấp một bộ tiêm adrenaline (epinephrine). Cha mẹ của đối tượng tham gia sẽ được giáo dục toàn diện và có kết nối với một chuyên gia dị ứng trực tại bệnh viện.
GS Kirsten Perrett chia sẻ, sau khi được triển khai rộng rãi, những trẻ em này sau đó sẽ được theo dõi chăm sóc lâm sàng định kỳ trong ít nhất 12 tháng để giúp đánh giá tính chấp nhận được, an toàn và hiệu quả, chất lượng cuộc sống và kết quả dài hạn của Chương trình. Mục tiêu cuối cùng là việc thay đổi “quỹ đạo” của bệnh dị ứng để nhiều trẻ em có thể đi học mà không gặp phải nguy cơ bị dị ứng đậu phộng (lạc) đe dọa đến tính mạng.
Bác sỹ Tim Brettig – Chuyên gia dị ứng và miễn dịch nhi khoa và Lãnh đạo y tế của Chương trình ADAPT OIT cho biết, điều trị OIT sẽ mất khá nhiều thời gian, Chương trình này yêu cầu cam kết lâu dài từ các gia đình để cho trẻ uống hằng ngày bột đậu phộng (lạc) tại nhà cùng với các lần thăm khám định kỳ tại phòng khám dị ứng bệnh viện. Bác sỹ Tim Brettig nhấn mạnh, điều quan trọng cần nhớ là OIT không phải là phương pháp chữa trị, nhưng bằng cách tuân theo điều trị, nó có thể cải thiện khả năng hấp thụ an toàn một chất gây dị ứng thực phẩm cụ thể, chẳng hạn như đậu phộng (lạc). Với những bậc cha mẹ tại Australia nghi ngờ con mình bị dị ứng đậu phộng (lạc), trước tiên nên đến gặp bác sỹ – người có thể giới thiệu trẻ đến một chuyên gia dị ứng tại một trong những bệnh viện tham gia Chương trình ADAPT OIT. Sau đó, khi dị ứng đã được xác nhận và trẻ đủ điều kiện, họ có thể được giới thiệu vào chương trình điều trị.
TXB (theo Newatlas)