Khoa học – công nghệ – Nhân tố quan trọng giúp giảm thiệt hại thiên tai

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu nên việc tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN), đẩy mạnh chuyển đổi số (CÐS) trong công tác phòng, chống thiên tai là một trong những giải pháp được tỉnh Cà Mau quan tâm triển khai những năm gần đây, nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.

Vài năm trở lại đây, thiên tai diễn biến mỗi lúc càng trở nên bất thường, trái quy luật. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đắc lực của KHCN và CÐS góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là công tác dự báo, cảnh báo thiên tai từ sớm, từ xa và ngày một chính xác hơn. Nhờ đó, các ngành, đơn vị, địa phương có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp người dân hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.

Nhờ công nghệ mà công tác theo dõi tình trạng sạt lở bờ biển trở nên dễ dàng và kịp thời hơn. (Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp (bìa phải) trao đổi về thực trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh thông qua bản đồ được chụp từ vệ tinh, ảnh chụp ngày 12/1/2024).

“Khả năng hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện trong nửa cuối năm 2024, số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão, tức từ tháng 9 đến tháng 11 và có dấu hiệu tương tự mùa mưa bão năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện nhiều loại hình thiên tai như mưa lớn, ngập lụt, lốc xoáy, gió giật mạnh… Cần chủ động phòng chống” – để có được thông tin cảnh báo thời tiết đáng chú ý này từ rất sớm như hiện nay là một trong những thành quả của việc ứng dụng KHCN vào công tác phòng chống thiên tai (PCTT) thời gian qua.

Theo ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư 49 trạm khí tượng thuỷ văn, 2 trạm cảnh báo ngập lụt. Nhờ hệ thống quan trắc khí tượng thuỷ văn được quan tâm đầu tư ngày một tăng về số lượng và theo hướng đo tự động, cùng với CÐS đã giúp việc bám sát các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan khí tượng khu vực, quốc gia và tham khảo trang thông tin dự báo quốc tế dễ dàng hơn.

Theo đó, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai của tỉnh đạt độ tin cậy khá tốt, sát thực tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được tăng lên nhờ KHCN. Tuy nhiên, làm thế nào để truyền tải thông tin này đến với cơ sở, từng người dân, tránh bị động trong các tình huống thiên tai xảy ra càng trở nên quan trọng. Một lần nữa KHCN, CÐS lại được tận dụng và phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, cho biết, song song với việc tiếp tục duy trì thực hiện truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai qua các kênh truyền tải thông tin truyền thống (văn bản giấy, fax, truyền thanh, loa di động…) thì hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, viễn thám như truyền hình, điện thoại di động, email, Zalo, mạng xã hội… giữ vai trò  quan trọng để đảm bảo thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân đầy đủ, kịp thời.

Các thiết bị công nghệ được ứng dụng để kiểm soát quản lý tàu cá khai thác trên biển.

Riêng đối với tàu thuyền trên biển, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tiếp tục sử dụng các hệ thống thông tin, truyền tin, liên lạc qua các thiết bị vô tuyến điện, bộ đàm, liên lạc viễn thám. Ðồng thời, duy trì việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình để tăng cường kênh thông tin, liên lạc truyền tin, xử lý các tình huống kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền khi có bão, tìm kiếm người, tàu thuyền bị nạn trên biển một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất.

Ðiều này đã được minh chứng rõ hơn khi trong năm 2023, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phối hợp với lực lượng của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Cảnh sát biển, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh lân cận xử lý đối với các vụ việc thuyền viên bị mất tích, tai nạn trên biển. Thông qua các nền tảng công nghệ đã thông báo, phát 5.900 lượt thông tin thời tiết, cảnh báo hàng hải, bão, áp thấp nhiệt đới cho tàu cá trên biển, đồng thời thông báo, kêu gọi gần 13.442 tàu cá vào nơi trú ẩn an toàn. Ðặc biệt, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu sống được 83 người gặp nạn trên biển.

Trên đất liền, nhờ công nghệ số và các ứng dụng KHCN mà tình hình thiên tai được dự báo sớm và luôn được cập nhật liên tục, làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó. Trong khoảng một năm qua, đã có 3.317 lực lượng cán bộ, chiến sĩ quân sự, biên phòng, công an, dân quân tự vệ… được huy động phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả các vụ thiên tai và tai nạn trên đất liền. Qua đó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân.

Công nghệ số cũng được ứng dụng vào công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là trong việc kiểm soát người vào rừng nhằm giảm nguy cơ cháy rừng vào mùa khô cũng như khai thác nguồn tài nguyên rừng trái phép. (Trong ảnh: Hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ).

Công nghệ hỗ trợ để thông tin dự báo, cảnh báo ngày một chính xác hơn, đồng thời cũng giúp có thêm nhiều kênh đưa những thông tin ấy đến với người dân một cách nhanh chóng nhất, giúp việc huy động lực lượng trang bị, phương tiện được kịp thời hơn…, từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, tăng tính chủ động của các ngành, các cấp cũng như người dân trong việc bảo vệ tài sản, sản xuất và cả tính mạng trước thiên tai.

Ðặc biệt, trong thời đại số, công tác ứng dụng các nền tảng công nghệ nhằm nâng cao kỹ năng chủ động PCTT cũng được nhiều cơ quan chức năng quan tâm thực hiện. Trong năm 2023, nhằm số hoá công tác thống kê, theo dõi, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai các cấp trên địa bàn, tỉnh tiến hành nghiên cứu, thiết lập phần mềm thống kê thiệt hại trực tuyến, với 121 tài khoản đã được cấp quyền, hệ thống bước đầu hoạt động thông suốt, liên tục. Qua đó, số liệu thiệt hại được cập nhật tức thời, dữ liệu được sao lưu thường xuyên phục vụ công tác thống kê, tổng hợp số liệu thiệt hại, hỗ trợ công tác trực ban PCTT các cấp, là nguồn dữ liệu hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai…

Với sự phát triển nhanh của KHCN, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ vệ tinh, ngoài việc giúp chính quyền cơ sở, cộng đồng nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ các cơ quan chức năng mà còn có thể tham khảo nhiều trang dự báo trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, từ đó luôn chủ động phòng tránh hiệu quả. “Bên cạnh đó, các trang thiết bị công nghệ trong lĩnh vực PCTT từng bước được đầu tư ngày một kiện toàn, góp phần quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ người dân chủ động hơn trong các tình huống thiên tai”, ông Tùng cho biết thêm./.

 

Nguyễn Phú