9 nhà khoa học đầu tiên nhận giải Khuê Văn Các

9 nhà khoa học trẻ không quá 35 tuổi, có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, được trao giải Khuê Văn Các trong lần đầu giải thưởng này tổ chức.

Theo thông báo ngày 12/11 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, những người được giải đến từ sáu nhóm ngành, gồm Luật học, Giáo dục học, Kinh tế học, Văn hóa – Nghệ thuật, Triết học – Chính trị học – Xã hội học, Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học – Nhân học; mỗi nhóm có 1-2 đại diện.

Người trẻ nhất nhận giải là TS Lý Viết Trường, 30 tuổi, đang công tác tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ban tổ chức cho biết cả 9 nhà khoa học đều có thành tích nghiên cứu dày dặn với nhiều công bố quốc tế và công trình có giá trị khoa học cao, giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội. Mỗi người được nhận Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”, cúp Khuê Văn Các và tiền mặt.9 nhà khoa học trẻ nhận giải Khuê Văn Các 2024. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

9 nhà khoa học trẻ nhận giải Khuê Văn Các 2024. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Khuê Văn Các là giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, dành riêng cho các nhà khoa học từ 35 tuổi trở xuống, hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Giải thưởng nhằm tạo động lực, truyền cảm hứng và thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học xã hội và nhân văn, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Năm đầu tổ chức, có 55 hồ sơ đến từ 31 cơ quan tham gia sau hai tháng phát động. Trong đó, ngành Kinh tế học nhiều hồ sơ nhất – 18, liên ngành Triết học – Chính trị học – Xã hội học 13.

Trong 55 ứng viên tham gia giải thưởng, 25 người có học vị tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 12 cử nhân và 3 sinh viên. Hầu hết ứng viên đang làm việc tại Việt Nam, 2 người công tác tại Nga và Anh. Xét theo độ tuổi, số ứng viên từ 30 trở xuống chiếm hơn. 30%, người nhỏ nhất sinh năm 2004.

Thanh Hằng/VnExpress

Điều kiện để drone, xe tự hành thử nghiệm tại TP HCM

Chính quyền thành phố cho phép thử nghiệm phương tiện bay không người lái tại Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), xe tự hành tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung và SHTP.

HĐND TP HCM hôm 14/11 biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm giải pháp công nghệ mới trong khu công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung.

Theo Nghị quyết này, để triển khai, cơ sở thử nghiệm phải có hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng liên lạc, hệ thống an toàn và thiết bị cứu hộ. Tổ chức tham gia thử nghiệm là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, đang hoạt động trong Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung tại thành phố.Drone được thử nghiệm hoạt động trong Khu công nghệ cao TP HCM năm 2022. Ảnh: Hà An

Drone được thử nghiệm hoạt động trong Khu công nghệ cao TP HCM năm 2022. Ảnh: Hà An

Tổ chức tham gia phải đáp ứng các điều kiện về nguồn lực kỹ thuật, nhân lực, tài chính nhằm bảo đảm kiểm soát được quá trình, môi trường thử nghiệm. Giải pháp công nghệ mới liên quan đến phương tiện bay không người lái và xe tự hành được lựa chọn để hỗ trợ thử nghiệm phải có tính mới, tính sáng tạo, khả thi, không gây hại môi trường và con người. Sản phẩm thử nghiệm có khả năng triển khai, áp dụng thực tiễn, đảm bảo hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn và bảo mật thông tin.

Với drone cần đạt các yêu cầu kỹ thuật về sải cánh: 0,4 – 1,57 m, thân dài 0,2 – 1,57 m, cao 0,1 – 0,715 m, trọng lượng cất cánh tối đa 70 kg.

Drone thử nghiệm có tốc độ bay tối đa 100 km/giờ, tốc độ bay lên và xuống tối đa 60 km/giờ, tốc độ bay hành trình 80 km/giờ, độ cao bay tối đa dưới 200 m.

Với xe tự hành muốn thử nghiệm phải có tốc độ tối đa không quá 20 km mỗi giờ.

Cả hai loại drone và xe tự hành khi thử nghiệm phải có bán kính hoạt động trong khu vực thử nghiệm. Các thiết bị thông tin, thiết bị dẫn đường, giám sát bay phải được lưu lại tự động (hộp đen) phục vụ trích xuất khi có yêu cầu.

Thời gian thử nghiệm quy định từ 7h – 17h mỗi ngày, với điều kiện thời tiết không mưa hoặc mưa nhẹ, tốc độ gió không quá 10 m/s.

Về điều khiển phải có tối thiểu một người có kinh nghiệm vận hành, xử lý khi thử nghiệm drone, xe tự hành.

Drone và xe tự hành được thành phố hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát để ứng dụng trong một số lĩnh vực: như an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn; logistics, vận tải hành khách; nông nghiệp công nghệ cao; môi trường; nghệ thuật…

Tổ chức, cá nhân được miễn các giấy phép khác liên quan đến quá trình thử nghiệm có kiểm soát thuộc thẩm quyền cấp phép của TP HCM. Các sản phẩm thử nghiệm được thành phố hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu nếu có theo quy định tại Nghị quyết số 26 ban hành năm 2022 của HĐND TP HCM.

Thành phố sẽ đầu tư cơ sở vật chất như hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng liên lạc, hệ thống kiểm soát, hệ thống an toàn và thiết bị cứu hộ tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TP HCM phục vụ cho việc thử nghiệm có kiểm soát phương tiện bay không người lái và xe tự hành.

TS Đặng Xuân Ba, Giám đốc Trung tâm robot thông minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đánh giá, chủ trương của thành phố cho phép thử nghiệm drone, xe tự hành sẽ giúp các nhà nghiên cứu thuận lợi hơn trong sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới.

Ông lấy dẫn chứng, trước đây khi muốn thử nghiệm drone phải làm từng bước như thử khả năng nâng từ vài chục cm, lên 1 – 2 m. Khi thử nghiệm độ cao 8 – 10 m, nhóm nghiên cứu phải tìm nơi trống trải, không có người ở. Nhiều lần, TS Ba cùng đồng sự phải đi các địa phương như Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng… để thử nghiệm hoạt động drone, tốn nhiều chi phí, công sức và thời gian. “Thành phố quy định các khu vực thử nghiệm cụ thể sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho nhóm nghiên cứu về drone tiết kiệm chi phí’, TS Ba nói.

Về các yêu cầu kỹ thuật thành phố đưa ra, TS Xuân Ba đánh giá đây là các quy định phù hợp ở bình diện trong nước. Ông cho rằng, với trình độ nghiên cứu hiện tại, các drone chế tạo trong nước thường nằm trong khoảng tiêu chuẩn kỹ thuật trên. Việc giới hạn các yêu cầu này sẽ phù hợp cho hoạt động thử nghiệm drone trong một vài năm tới. “Khi trình độ nghiên cứu trong nước được nâng lên thì có thể mở rộng thêm các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với bối cảnh mới”, TS Xuân Ba đánh giá.

Với các quy trình, thủ tục đăng ký thử nghiệm, ông kiến nghị cơ quan chức năng phối hợp với đội ngũ chuyên gia xây dựng bộ tiêu chí, các kịch bản xử lý tình huống đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành thử nghiệm. Lý do trong quá trình bay sẽ “luôn có rủi ro xảy ra”. Do đó khi có các kịch bản với tình huống xử lý cụ thể, rõ ràng giúp cơ quan quản lý, người điều khiển thiết bị có thể “ứng phó với mọi trường hợp, đảm bảo yếu tố an toàn”, ông nói.

Hà An/VnExpress

4 hoạt động trong tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2024

Tuần lễ khoa học công nghệ và lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4 đến 7/12, gồm 4 hoạt động chính, với thông điệp “Bứt phá kiên cường”.

Tương tự 3 năm trước, mở đầu sự kiện là tọa đàm Khoa học vì cuộc sống, diễn ra ngày 4-5/12. Các diễn giả cùng bàn luận qua bốn phiên: Vật liệu cho tương lai bền vững, Triển khai AI trong thực tế, Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới, Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và đột quỵ.Hội thảo InnovaConnect tổ chức hồi tháng 9 với chủ đề Phòng chống tác hại của thuốc lá mới: Bằng chứng khoa học và kinh nghiệm tại Việt Nam và trên thế giới, thu hút gần 500 khách mời tham gia. Ảnh: VinFuture

Hội thảo InnovaConnect tổ chức hồi tháng 9 với chủ đề “Phòng chống tác hại của thuốc lá mới: Bằng chứng khoa học và kinh nghiệm tại Việt Nam và trên thế giới”, thu hút gần 500 khách mời tham gia. Ảnh: VinFuture

Tọa đàm quy tụ nhiều nhà khoa học trên thế giới như GS Yann LeCun, Phó chủ tịch và Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta; GS Seth Marder, Giám đốc Viện Năng lượng tái tạo và bền vững – tổ chức liên kết giữa Đại học Colorado-Boulder và Phòng thí nghiệm quốc gia về Năng lượng tái tạo Mỹ NREL. Cùng tham dự là GS Yafang Cheng, Giám đốc khoa Hóa học Aerosol tại Viện Hóa học Max Planck, Đức; GS Valery Feigin, chuyên gia về thần kinh học và dịch tễ học, Giám đốc Viện nghiên cứu Đột quỵ và Khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia, Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand…

Song song tọa đàm, chuỗi đối thoại Khám phá tương lai VinFuture hướng tới kết nối các nhà khoa học thế giới với viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam. Chủ đề đối thoại xoay quanh: Phương pháp tiếp cận mới nhằm kiểm soát và điều chỉnh tăng huyết áp; Kỹ thuật canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; Những đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến; Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh…Các nhà khoa học nhận giải VinFuture 2023. Ảnh: VinFuture

Các nhà khoa học nhận giải VinFuture 2023. Ảnh: VinFuture

Tâm điểm sự kiện là Lễ trao giải VinFuture 2024, diễn ra tối 6/12 tại Nhà hát Hồ Gươm. Buổi lễ vinh danh những phát minh và công nghệ đột phá. Giải thưởng năm nay có gần 1.500 dự án nghiên cứu đề cử, đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngay sau lễ trao giải là sự kiện “Chào tương lai: Giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024” diễn ra ngày 7/12. Nhà khoa học đoạt giải sẽ chia sẻ kiến thức và câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình nghiên cứu khoa học trong buổi sáng. Vào buổi chiều, các chuyên gia trình bày theo từng chủ đề, chia sẻ kiến thức với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu và doanh nghiệp muốn ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn.

Ngoài 4 sự kiện chính, VinFuture sẽ tổ chức hoạt động tri ân đối tác của Giải thưởng. Họ là các nhà khoa học, tham gia hỗ trợ VinFuture trong việc nhận diện, đề cử và vinh danh công trình, giải pháp công nghệ có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Tại hoạt động này, họ sẽ chia sẻ về động lực tham gia hỗ trợ giải thưởng ra sao.

Văn Hà/VnExpress

Lý do Sao Diêm Vương không còn là hành tinh

Hiệp hội Thiên văn Quốc tế đã giáng cấp Sao Diêm Vương xuống hành tinh lùn vào năm 2006, khiến nhiều năm qua nhà khoa học vẫn tìm cách lý giải.

Việc Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) giáng cấp Sao Diêm Vương từ một hành tinh xuống hành tinh lùn vào năm 2006 khiến nhiều năm sau đó, một vài nhà thiên văn học vẫn muốn xem xét lại để làm rõ sự việc. Một trong số đó là làm rõ các thông số phân biệt hành tinh với các thiên thể khác.

Vậy tại sao Sao Diêm Vương không còn được coi là một hành tinh nữa? Vấn đề bắt đầu từ định nghĩa của một hành tinh – hoặc sự thiếu hụt định nghĩa này. Trước năm 2006, không có tiêu chí nghiêm ngặt nào cho một hành tinh. Thay vào đó, các hành tinh được xem một cách lỏng lẻo là những vật thể lớn hơn các tiểu hành tinh quay quanh Mặt Trời. Ví dụ, vào giữa những năm 1800, hơn chục vật thể từng được coi là hành tinh, nay lại xem là tiểu hành tinh.Hình ảnh sao Diêm Vương được tàu vũ trụ New Horizon của NASA chụp vào năm 2015.Ảnh: NASA/Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Đại học Johns Hopkins/Viện Nghiên cứu Tây Nam

Hình ảnh sao Diêm Vương được tàu vũ trụ New Horizon của NASA chụp vào năm 2015.Ảnh: NASA/Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Đại học Johns Hopkins/Viện Nghiên cứu Tây Nam

Sao Diêm Vương trở thành hành tinh khi nào?

Khi Clyde Tombaugh phát hiện ra Sao Diêm Vương vào năm 1930, các nhà khoa học đang tìm kiếm khắp nơi một thiên thể chưa được biết đến để giải thích một số bất thường trong quỹ đạo của nó. Tombaugh, một nhà thiên văn học mới vào nghề tại Đài quan sát Lowell ở Arizona, được giao nhiệm vụ xác định nguyên nhân. Sau vài tháng, ông đã định vị thành công một vật thể tròn, nhiều đá nằm ngoài Sao Thiên Vương mà ông tin rằng có thể góp phần gây ra sự dao động quỹ đạo của nó. Thiên thể này cuối cùng được đặt tên là Pluto (Sao Diêm Vương), theo tên vị thần La Mã của thế giới ngầm. Mặc dù nhỏ hơn một số mặt trăng đã biết, nó vẫn được coi là đủ lớn để được coi là một hành tinh.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, người ta nhận thấy Pluto không đủ lớn để tạo ra lực hấp dẫn cần thiết để ảnh hưởng đến quỹ đạo của Sao Thiên Vương. Hơn nữa, vào những năm 1990, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra rằng Pluto được bao quanh bởi một số vật thể có kích thước tương tự; nó thuộc về một khu vực của hệ Mặt Trời sau này được đặt tên là Vành đai Kuiper.

Điều này đã gây ra cuộc tranh luận về vị trí của Pluto trong hệ hành tinh, và lên đến đỉnh điểm tại một cuộc họp năm 2006 ở Prague.

Năm đó, IAU đã giao nhiệm vụ cho một tiểu ban nhỏ xây dựng định nghĩa về “hành tinh”. Họ đã đưa ra ba tiêu chí:

+ Nó phải quay quanh Mặt Trời.

+ Nó phải có đủ khối lượng để tự kéo mình thành hình tròn.

+ Nó phải dọn sạch tất cả các thiên thể khác, ngoại trừ các mặt trăng của chính nó, khỏi quỹ đạo của mình.

Dựa trên yêu cầu thứ ba, ủy ban tuyên bố rằng Pluto không còn đủ điều kiện là một hành tinh vì vị trí của nó trong Vành đai Kuiper đầy các vật thể, nơi hàng nghìn vật thể nằm ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương. Do đó, Pluto không phải là vật thể có lực hấp dẫn chi phối trong khu vực lân cận của nó – và do đó, không phải là một hành tinh, theo định nghĩa mới.

Bảo Anh (Theo Live Science)

Triển khai thương mại mạng 5G Open RAN “Make in Vietnam, Made by Viettel”

Ngày 13/11/2024, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) và Qualcomm tổ chức sự kiện “5G Open RAN Connect 2024”, công bố triển khai thương mại diện rộng trạm phát sóng 5G Open RAN “Make in Vietnam, Made by Viettel”.

Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel và Qualcomm ký kết nâng cấp hợp tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực công nghệ cao trên phạm vi toàn cầu.

Đây là trạm phát sóng 5G Open RAN đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset Qualcomm do Viettel và Qualcomm đồng nghiên cứu phát triển. Từ đầu năm 2025, Viettel sẽ triển khai hơn 300 trạm 5G Open RAN tại một số tỉnh thành phố, tiến tới mở rộng quy mô lớn tại Việt Nam và thị trường quốc tế từ năm 2025. Đây là bước tiến mới tại Việt Nam, bởi trước đó các trạm 3G, 4G do Viettel nghiên cứu được lắp đặt và phát sóng thử nghiệm. Đến nay 5G Viettel đã đặt dấu mốc lớn khi song hành cùng thế giới khi triển khai đồng thời trên mạng lưới 5G phủ sóng toàn quốc.

Những trạm phát sóng đầu tiên được triển khai đã chứng minh được các ưu điểm của công nghệ Open RAN. Các chỉ số kỹ thuật về tốc độ Download, Upload, vùng phủ sóng, số lượng người dùng, độ tiêu hao năng lượng cho thấy chất lượng của mạng Open RAN do Viettel phát triển đã đạt đến mức tương đương với những mạng 5G truyền thống, trong khi đó chi phí đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác tối ưu hơn.

Với việc đưa vào triển khai các trạm phát sóng 5G Open RAN, Viettel High Tech đã hoàn thiện danh mục các giải pháp 5G trọn bộ từ mạng lõi (core network) đến các khối vô tuyến (RAN). Viettel High Tech có thể cung cấp toàn bộ giải pháp cho khách hàng triển khai mạng riêng hoặc mạng công cộng. Điểm mạnh trong bộ giải pháp 5G của Viettel là tính mở theo tiêu chuẩn Open RAN. Các nhà mạng sử dụng giải pháp Viettel có thể linh hoạt trong việc kết hợp nhiều nhà cung cấp để tạo nên một hệ sinh thái đối tác bền vững.

Cũng tại sự kiện, Viettel High Tech và Qualcomm đã ký kết nâng cấp hợp tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực công nghệ cao trên phạm vi toàn cầu. Đây là cột mốc đánh dấu sự thành công của mô hình hợp tác giữa hai tập đoàn trong thời gian qua và tiến tới những mục tiêu lớn hơn trong tương lai. Không chỉ hợp tác 5G, hai bên  còn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực 6G, AI, XR và CSR.

L.H

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1352/QĐ-TTg ngày 08/11/2024 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là gia tăng diện tích, phục hồi, đảm bảo tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý và bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.

Thành lập mới 61 khu bảo tồn

Quy hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể là: mở rộng, nâng cấp và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên; chuyển tiếp 178 khu bảo tồn hiện có (trong đó chuyển hạng 07, mở rộng 27 khu bảo tồn); thành lập mới 61 khu bảo tồn; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc khoảng 6,6 triệu ha.

Củng cố và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng; chuyển tiếp 13 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hiện có, cấp giấy chứng nhận 09 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển tiếp 03 hành lang đa dạng sinh học hiện có, hình thành 07 hành lang đa dạng sinh học; hình thành 10 vùng đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia.

Đồng thời, hình thành hệ thống khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng gồm 22 khu vực đa dạng sinh học cao với tổng diện tích khoảng 2 triệu ha, 10 cảnh quan sinh thái quan trọng với tổng diện tích khoảng 4 triệu ha.

Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, quý, hiếm, các nguồn gen có giá trị bảo tồn được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm an ninh môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước…

Định hướng Quy hoạch theo 8 vùng sinh thái

Định hướng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030 theo 08 vùng sinh thái trên phạm vi cả nước gồm: vùng Đông Bắc, Tây Bắc; Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Quyết định đưa ra 8 giải pháp thực hiện Quy hoạch gồm giải pháp về: cơ chế, chính sách; khoa học và công nghệ; đào tạo, tăng cường năng lực; tài chính, đầu tư; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Trong đó, thực hiện đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; tập trung các nghiên cứu ứng dụng phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên; bảo tồn các loài đặc hữu, nguy cấp, ngăn chặn sự suy thoái của các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên; các mô hình du lịch sinh thái hiệu quả; phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Tăng cường áp dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, giám sát các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm cho mọi tổ chức, các nhân, đặc biệt là các cán bộ quản lý, cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu vực đa dạng sinh học cao, khu cảnh quan sinh thái quan trọng…

PT

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Ngày 12/11/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo tham vấn phục vụ công tác thẩm định Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tham dự và chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, thực hiện Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch phát triển, ứng dụng NLNT thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) tại Quyết định số 2818/QĐ-HĐTĐQH ngày 04/11/2024 của Chủ tịch Hội đồng – Bộ trưởng Bộ KH&CN, Hội thảo được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan để giúp nâng cao chất lượng, hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch phát triển, ứng dụng NLNT đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Quy hoạch giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT; đề ra định hướng cơ bản dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá trong phát triển, ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình có đóng góp tích cực, trực tiếp và hiệu quả cho phát triển đất nước trong các ngành, lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, công nghiệp và các ngành kinh tế – kỹ thuật khác. Đồng thời đề ra định hướng và phương án đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu KH&CN hạt nhân, các cơ sở ứng dụng và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực NLNT, là căn cứ để hoạch định các chính sách và kiến tạo động lực phát triển, xây dựng kế hoạch, giải pháp và huy động nguồn lực thực hiện.
Theo Thứ trưởng, Quy hoạch không chỉ mang tính chất chuyên ngành mà còn yêu cầu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, nhằm hướng tới việc ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, bà Trần Thị Bích Ngọc – Vụ trưởng Vụ NLNT (Bộ KH&CN) – đơn vị chủ trì lập Quy hoạch đã báo cáo lập Quy hoạch. Trong đó nêu rõ sự cần thiết, căn cứ lập quy hoạch, quan điểm phát triển, ứng dụng NLNT; rà soát, đánh giá quy hoạch thời kỳ trước; dự báo triển vọng, nhu cầu phát triển, ứng dụng NLNT và nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT; các nội dung quy hoạch…
Bà Trần Thị Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng nguyên tử thông tin về Báo cáo lập Quy hoạch.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt Quy hoạch, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết từ các đại biểu. Các nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề quan trọng như: sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ; sự phù hợp với quy định của pháp luật về NLNT; việc tích hợp các nội dung quy hoạch do bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan được phân công thực hiện; tính khả thi của quy hoạch và điều kiện bảo đảm về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và các nội dung khác có liên quan; đẩy mạnh ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, môi trường, và bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân.
Ngoài ra, các đại biểu cũng dành sự quan tâm đến việc phát triển đồng bộ các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực này, khuyến khích đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài, nhằm thúc đẩy ứng dụng NLNT trong phát triển kinh tế – xã hội.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan liên quan trong việc xây dựng hồ sơ Quy hoạch cũng như những ý kiến đóng góp của các đại biểu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện hơn nữa hồ sơ Quy hoạch. Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan lập Quy hoạch và đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để nâng cao chất lượng Hồ sơ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị Cơ quan thường trực Hội đồng tổng hợp các ý kiến góp ý, báo cáo kết quả thảo luận và hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch. Các thành viên Hội đồng cần khẩn trương hoàn thành việc gửi ý kiến nhận xét đối với hồ sơ Quy hoạch phát triển, ứng dụng NLNT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm đúng tiến độ công tác thẩm định Quy hoạch.
Toàn cảnh Hội thảo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.

Dự án “Bắc cầu VKIST”: Bước tiến mới trong hợp tác KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy bày tỏ mong muốn Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) sẽ vận động chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ VKIST phát triển bền vững, theo lộ trình ba giai đoạn đã được đặt ra. Dự án “Bắc cầu VKIST” là bước chuyển tiếp quan trọng, chuẩn bị cho giai đoạn 2 sắp tới.
Thông tin được chia sẻ tại buổi Lễ ký biên bản thảo luận về dự án “Bắc cầu VKIST” giữa Bộ KH&CN và KOICA ngày 12/11/2024 tại Hà Nội.
Dự án “Bắc cầu VKIST” nhằm mục tiêu tăng cường phát triển năng lực của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) với kế hoạch triển khai gồm ba giai đoạn.
Theo đó, Bộ KH&CN và KOICA cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai dự án, bao gồm việc cử chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam, thực hiện các nghiên cứu chung và thí điểm, tổ chức đào tạo nâng cao năng lực, bảo trì cơ sở vật chất và quản lý dự án.
Nội dung hợp tác cũng nêu rõ cơ chế giám sát, trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện, cùng các điều khoản hợp tác, tham vấn và quy định về chấm dứt dự án. Đồng thời, các biện pháp công bố thông tin nhằm gia tăng sự hiểu biết và sự hỗ trợ từ phía công chúng đối với dự án cũng được thảo luận và thống nhất.
Toàn cảnh buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, giai đoạn đầu của dự án, đã có nhiều thành tựu được ghi nhận, VKIST đã vươn lên trở thành trung tâm năng động cho các hoạt động KH&CN giữa hai nước, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương giữa Việt Nam – Hàn Quốc ‘Đối tác chiến lược toàn diện’. Thứ trưởng kỳ vọng trong quá trình hợp tác sắp tới, sẽ có nhiều thành quả nghiên cứu quan trọng được hình thành và phát triển.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi Lễ.
Tại buổi Lễ, ông Lee Byung Hwa, Giám đốc Quốc gia KOICA Việt Nam nhấn mạnh, VKIST là dự án mang tính biểu tượng trong hợp tác ODA về KH&CN giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ông bày tỏ vui mừng khi VKIST đã đạt được những thành tựu đáng kể trong thời gian ngắn, được ghi nhận các kết quả nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Qua đó mở rộng hợp tác, thu hút được các dự án nghiên cứu từ bên ngoài. Những thành tựu này có được nhờ sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo Bộ KH&CN, cùng với sự nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học tại VKIST.
Các nội dung tại biên bản ký kết sẽ là bước tiến quan trọng trong việc nâng tầm hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của hai nước.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Ông Lee Byung Hwa ký biên bản thảo luận về dự án “Bắc cầu VKIST” giữa Bộ KH&CN và KOICA.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc

Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đến năm 2030: Bước đột phá cho giáo dục và đào tạo Việt Nam

Chương trình hướng tới phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi đối tượng người học, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; góp phần phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu về khoa học giáo dục tại Việt Nam.
Ngày 11/11/2024 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo khoa học phục vụ xây dựng và hoàn thiện Khung Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đến năm 2030” (Chương trình). Hội thảo được diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Toàn cảnh Hội thảo.
Bước đột phá cho GD&ĐT Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao sự chỉ đạo của Bộ KH&CN trong vai trò là đơn vị chủ trì, quản lý trực tiếp Chương trình. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, với 46 đề tài được triển khai thực hiện, Chương trình khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020 đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong nghiên cứu khoa học giáo dục, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, ban hành chính sách giáo dục, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Về Chương trình Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đến năm 2030, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Ban Chủ nhiệm Chương trình cần tiến hành rà soát các điểm mới trong Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 -NQ/TW ngày 4/11/2013 và dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW để xây dựng và hoàn thiện Khung Chương trình phù hợp, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng nghiên cứu khoa học tập trung vào những vấn đề then chốt, có tính ứng dụng cao để đảm bảo hiệu quả trong nghiên cứu và triển khai Chương trình. Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong muốn các nhà khoa học đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Khung Chương, tạo ra những thay đổi toàn diện và bền vững, nhằm đưa ra những bước đột phá về GD&ĐT trong giai đoạn tới.
Theo Thứ trưởng, việc phê duyệt và triển khai các đề tài nghiên cứu từ nay đến năm 2030 cần được rà soát kỹ lưỡng, tập trung vào một số vấn đề lớn như thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ngành giáo dục và đào tạo; quản lý, triển khai đồng bộ hệ thống quản lý giáo dục… góp phần giải quyết các thách thức cốt lõi trong ngành giáo dục, đổi mới phương thức giảng dạy và học tập. Thứ trưởng cũng gợi ý việc học hỏi từ các mô hình nghiên cứu khoa học tiên tiến trên thế giới trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Khung Chương trình.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục Việt Nam 
Báo cáo tại Hội thảo, ông Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ KH&CN cho biết, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động phối hợp cùng Ban Chủ nhiệm xây dựng dự thảo Khung Chương trình; gửi công văn xin ý kiến tới các Bộ/ngành có liên quan; phối hợp cùng Bộ GD&ĐT và Ban Chủ nhiệm Chương trình xử lý các ý kiến góp ý của các Bộ/ngành và các đơn vị trực thuộc Bộ trước khi trình Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt.
Ông Trần Quốc Cường khẳng định, đây là bước đi quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục Việt Nam; đáp ứng các yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục của đất nước theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Ông Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên báo cáo tại Hội thảo.
GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT – Chủ nhiệm Chương trình cho biết, nội dung Khung Chương trình định hướng tập trung vào 6 nhóm nội dung nghiên cứu trọng tâm gồm: Luận cứ khoa học cho quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách giáo dục; Phát triển hệ thống, mạng lưới và mô hình giáo dục; Phát triển chương trình, đổi mới phương thức giảng dạy, kiểm tra đánh giá trong giáo dục; Các vấn đề về văn hoá và quản trị trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; Các vấn đề về giáo dục đại học; Dự báo và chiến lược phát triển giáo dục.
Theo đó, mục tiêu của Khung Chương trình là cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách nhằm phát triển GD&ĐT; đề xuất được các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi đối tượng người học, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đến năm 2030 và các năm tiếp theo; góp phần phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu về khoa học giáo dục tại Việt Nam. Sản phẩm đầu ra của Khung Chương trình sẽ đóng góp vào quá trình đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
GS.TS. Lê Anh Vinh, Chủ nhiệm Chương trình báo cáo tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã thảo luận, đóng góp nhiều nội dung quan trọng vào bố cục, nội dung, mục tiêu… để củng cố thêm các căn cứ cho việc hoàn thiện xây dựng Khung Chương trình.
Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, Khung Chương trình đã bám sát Văn kiện, Nghị quyết của Trung ương; đồng thời nhấn mạnh, vai trò then chốt của GD&ĐT trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần chủ động phát huy tích cực vai trò của GD&ĐT; xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ tri thức; tập trung nghiên cứu giáo dục mầm non – giáo dục đại học – giáo dục nghề nghiệp…
Đồng quan điểm, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Chương trình cần phải giải quyết được các vấn đề thực tiễn, bám sát nhu cầu phát triển của đất nước. Các trường đại học phải đầu tư vào công nghệ cao; xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, đặc biệt là đầu tư cho các trường đại học trọng điểm, nghiên cứu khoa học, tự chủ đại học, giáo dục STEM, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy, tăng cường đầu tư cho ngoại ngữ…
Đại diện Đại học Đà Nẵng bày tỏ nhất trí với Dự thảo Khung Chương trình; tuy nhiên, cần lưu ý một số nội dung quan trọng như quản lý hệ thống tri thức, nghiên cứu giáo dục so sánh… nhằm đảm bảo tính liên thông quốc tế và chuẩn hóa cao, toàn diện trong khoa học giáo dục.
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo không chỉ làm rõ những điểm nghẽn cần gỡ trong Chương trình, mà còn thúc đẩy đổi mới phương pháp giáo dục một cách căn bản, tập trung vào chuyển đổi số, nâng cao vai trò của ngoại ngữ như ngôn ngữ thứ hai, và tăng cường nghiên cứu cơ bản về khoa học giáo dục.
Các nhà khoa học đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Liên quan đến các nội dung của Hội thảo, Bộ KH&CN cùng Ban chủ nhiệm Chương trình tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với nhóm vấn đề về giải pháp để hoàn thiện Dự thảo Khung Chương trình một cách toàn diện, khả thi và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo giữa Bộ KH&CN và Bộ Công an

Kế hoạch phối hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, hỗ trợ hoạch định chính sách, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số cũng như đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội.
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo vào sáng 11/11/2024. Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh tham dự và chứng kiến Lễ ký kết.
Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo Nguyễn Mai Dương phát biểu tại Lễ ký kết.
Mục tiêu của Kế hoạch phối hợp giữa hai cơ quan nhằm tham mưu xây dựng chính sách về hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, với trọng tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia dựa trên nền tảng thành tựu KH&CN, thu hút các nguồn lực…, qua đó đóng góp tích cực vào đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và Bộ Công an chứng kiến Lễ ký kết.
Nội dung chính của kế hoạch phối hợp giữa hai cơ quan nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, hỗ trợ hoạch định chính sách, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số cũng như đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội. Theo bản ký kết các nội dung, nhiệm vụ phối hợp bao gồm:
Thứ nhất, tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định phù hợp trong khuôn khổ pháp luật hiện hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Thứ hai, nghiên cứu, tham mưu thành lập đơn vị sự nghiệp công lập cấp quốc gia thuộc Bộ Công an thực hiện chức năng, nhiệm vụ khai thác, ứng dụng, thương mại dữ liệu, các sản phẩm liên quan đến dữ liệu, đổi mới sáng tạo về khoa học dữ liệu dựa trên nền tảng khai thác cơ sở dữ liệu; nghiên cứu, xây dựng và ban hành Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo về dữ liệu; nghiên cứu, tham mưu thành lập doanh nghiệp trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập cấp quốc gia thuộc Bộ Công an thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kết nối, hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư đối với các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp đổi mới sáng tạo về dữ liệu dựa trên nền tảng khai thác cơ sở dữ liệu.
Thứ ba, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo: Tổ chức cuộc thi “Dữ liệu với cuộc sống – Data for Life” hằng năm để tìm kiếm các sản phẩm, giải pháp ứng dụng thành tựu KH&CN trong lĩnh vực dữ liệu; xây dựng và chủ trì chương trình KH&CN cấp quốc gia về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, tạo lập nền tảng KH&CN phục vụ quản trị, vận hành, khai thác an toàn và hiệu quả Trung tâm Dữ liệu Quốc gia; huy động nguồn nhân lực các nhà khoa học, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chiến lược phát triển, các nhiệm vụ, kế hoạch về hoạt động đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo về dữ liệu; xây dựng mạng lưới liên kết đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo về dữ liệu giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và Trung tâm Dữ liệu quốc gia, cũng như cơ chế phối hợp giữa mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và tại Trung tâm NIC. Nội dung này bao gồm việc cụ thể hoá các cơ chế hoạt động, các mô hình vườn ươm khởi nghiệp (sandbox), các hình thức hợp tác tiên tiến như xã hội hoá, cổ phần hoá, đầu tư rủi ro… với các nguồn lực phù hợp (tài chính, cơ sở hạ tầng, tài nguyên).
Thứ tư, nghiên cứu, tham mưu thành lập quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập cấp quốc gia thuộc Bộ Công an thực hiện chức năng, nhiệm vụ về hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên hạ tầng, tài nguyên thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Toàn cảnh Lễ ký kết.
Thông qua hợp tác, hai bên sẽ nỗ lực đạt được kết quả thiết thực trong thời gian tới với mục tiêu “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Điều này đã được khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt là góp phần xây dựng cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN